Tạp bút TRẦN HUY THUẬN
Trần Huy Thuận 07.07.2010 07:19:49 (permalink)
NGƯỜI TA SINH RA
VỐN…KHÔNG BÌNH ĐẲNG
Không thể và không nên lẫn lộn giữa BÌNH ĐẲNG và QUYỀN ĐƯỢC SỐNG BÌNH ĐẲNG!
Có lần, tại một bệnh viện Phụ sản, hai đứa bé gái cùng lúc được sinh ra, một đứa có cha mẹ hiện đang là quan chức to, giầu có (tạm gọi là cháu A); một đứa không cha, mẹ là công nhân phụ hồ (tạm gọi là cháu B). Cháu A kháu khỉnh, da trắng hồng, mắt đen như hai hột nhãn, mũi dọc dừa, má lúm đồng tiền, cơ thể đầy đủ. Ngược lại, cháu B đen nhẻm, nhỏ thó, lại bị khèo chân khèo tay. Chứng kiến chuyện đó, có người nêu vấn đề: Với hai hoàn cảnh ra đời trái ngược nhau như thế, cháu B có BÌNH ĐẲNG với cháu A không?
"KHÔNG" trong trường hợp này là điều có thể khẳng định. Cháu A được sung sướng từ lúc lọt lòng (thậm chí có thể khẳng định ngay khi cháu còn trong bụng mẹ!). Còn cháu B, ngược lại, bất hạnh ngay từ trong trứng!.. Vậy, HOÀN CẢNH RA ĐỜI của hai cháu A, B là KHÔNG BÌNH ĐẲNG (dân gian có câu: “không ai chọn được bố, mẹ”). Từ ví dụ điển hình trên, hoàn toàn có thể suy ra, không nhiều thì ít, rằng CON NGƯỜI TA SINH RA VỐN KHÔNG BÌNH ĐẲNG!
Từ điểm “đề-pa” như vậy, chắc chắn, cháu B muốn “đuổi kịp” cháu A (chứ chưa nói đến “vượt”), là chuyện không hề dễ dàng. Phải có sự nỗ lực lớn lao lắm, thậm chí phải gặp “cơ hội” đột biến lắm, may mắn lắm, cháu B mới hy vọng có sự “đổi đời”. Tương tự, chỉ khi cháu A không may gặp “sự cố” thật ghê gớm, bản thân lại sống cuộc sống quá “buông thả” … mới có thể, đến một thời điểm nào đó, sẽ trở thành kẻ bất hạnh.
HOÀN CẢNH XUẤT THÂN thì mỗi người mỗi khác, không ai tự lựa chọn được, Hầu hết vốn KHÔNG BÌNH ĐẲNG - Mỗi cá thể cần nhận thức đầy đủ, để có biện pháp phấn đấu. Phấn đấu “vượt lên hoàn cảnh” là một trong những nội dung sống đích thực của mỗi con người, mỗi cộng đồng và suy rộng ra, cũng có thể là của mỗi quốc gia. Ví như người Nhật, họ luôn ý thức được rằng, đất nước họ rất ít tài nguyên; muốn có vị thế ngang vai cùng cường quốc năm Châu, lớp trẻ Nhật Bản phải nỗ lực ghê gớm trong học tập, sáng tạo. Và rõ ràng họ đã thành công!
Nhưng QUYỀN BÌNH ĐẲNG thì phải là phổ thông và vĩnh viễn đối với tất cả mọi người. Vấn đề cốt lõi của QUYỀN đó nằm ở nội dung BÌNH ĐẲNG về CHÍNH TRỊ (trong ứng cử, bầu cử chẳng hạn...), BÌNH ĐẲNG về KINH TẾ (đối với tài nguyên, công sản quốc gia) và BÌNH ĐẲNG về PHÁP LUẬT – (Chúng ta chẳng đã thường nói: “Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng”, không có thứ “pháp luật” dành riêng cho kẻ “ăn trên ngồi chốc” hoặc riêng cho người cần lao,…) - các quyền này đều đã được đưa vào hiến pháp của mỗi quốc gia! Đó chính là quyền thiêng liêng nhất mà xã hội cần phải vươn tới và là đối tượng hàng đầu cần phải được pháp luật bảo vệ.
Không thể có QUYỀN BÌNH ĐẲNG khi xã hội đang tồn tại ĐẶC QUYỀN ĐẶC LỢI. Chỉ nêu ra đây hai lĩnh vực xã hội mà đa số dân chúng quan tâm. Thứ nhất là ngành Giáo dục. Xin ai đó có điểu kiện, thử mở cuộc điều tra để làm một cái thống kê xem các trường Đại học thuộc "Tốp đầu" trong tuyển sinh hàng năm như Tài Chính Kế toán, Ngân hành, Công an, Quân sự..., tỉ lệ các em có bố mẹ, người thân công tác trong từng ngành đó là bao nhiêu? Có bao nhiêu em thực sự là con cái dân ngoài ngành, dân thường? Lại nữa, trong ngành y tế, đang tồn tại những loại BỆNH VIỆN dành riêng cho từng ĐẲNG CẤP CÁN BỘ. Cán bộ nhơ nhỡ thì có bệnh viện E, cán bộ cao hơn thì có Bệnh viện Hữu Nghị rồi Ban Bảo vệ sức khoẻ Cán bộ... làm sao lại cứ duy trì mãi thứ ĐẶC QUYỀN ĐẶC LỢI như thế? Trường học chỉ của sinh viên học sinh, em nào học giỏi thi được thì vào học, không có thứ ưu tiên con ông nọ bà kia, trong ngành ngoài ngành. Cúng như vậy,  Bệnh viện là của bệnh nhân, mọi bệnh nhân đều được chữa trị bình đẳng. Đó là những quyền bình đẳng tối thiểu. Bởi vì chúng ta vẫn được dạy bảo: MỘT XÃ HỘI CÔNG BẰNG VÀ VĂN MINH,  là một xã hội trong đó mọi người dân đều phải có QUYỀN BÌNH ĐẲNG, trước hết là QUYỀN ĐƯỢC SỐNG BÌNH ĐẲNG. Ai cũng được học hành và ai cũng được chăm sóc y tế!..
Thật nhầm lẫn, nghĩ rằng BÌNH ĐẲNG là “cái bánh” được Trời chia đều cho mỗi người, mỗi dân tộc; để rồi cứ nằm đấy “há miệng chờ sung rụng” - đợi đến cái thời bình đẳng... "hưởng theo nhu cầu", "làm theo năng lực", thì thật nguy hại...  Ngược lại, cho rằng cuộc đời vốn không có bình đẳng, để rồi “mạnh ai nấy sống”, “sống chết mặc bay”; cũng là sự sai trái trong lẽ sống cũng như trong đạo lý. QUYỀN ĐƯỢC SỐNG BÌNH ĐẲNG mãi mãi là nội dung và mục tiêu hàng đầu của cuộc sống mọi thời đại, chính vì lẽ đó. ■
 
 
CÁI MỒM: CÔNG VÀ TỘI!
 
            Người và động vật không ĂN thì sớm muộn gì cũng sẽ chết! Cho nên công lớn nhất của cái Mồm là nhận và nghiền nát thức ăn rồi chuyển nó xuống dạ dày. Tiếp đó thức ăn được chế biến để lấy dinh dưỡng nuôi cơ thể. Với con người, mồm còn để diễn đạt cảm xúc và tư tưởng bằng lời nói (một số động vật cũng biết diễn đạt một số cảm xúc bằng tiếng kêu từ mồm). Cho nên với mỗi người chúng ta, công lớn thứ hai của mồm là NÓI.
 
            "ĂN" thường mang theo nhiều hệ quả: Khi nói: "Hay ăn thì lăn vào bếp", "tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ" là ám chỉ việc muốn có ăn tức muốn tồn tại, thì con người phải biết lao động - lao động trí óc hay lao động chân tay (xã hội càng tiến lên, thì hàm lượng lao động chân tay càng giảm, hàm lượng trí thức trong lao động càng tăng). Chỉ muốn ăn mà không muốn làm thì đích thị là kẻ ĂN BÁM rồi. Con cái còn bé, chưa đến tuổi lao động, việc nuôi ăn là do cha mẹ, ông bà... Nhưng đã đến tuổi trưởng thành mà vẫn không tự lo kiếm miếng ăn nuôi bản thân, thì không thể chấp nhận được, sớm muộn cũng phải thay đổi thôi, nếu không, khi người lớn qua đời, chỉ có nước đi ăn mày! Lại có cả chuyện chồng ăn bám vợ, mà đâu chỉ có ăn? Còn rượu chè, cờ bạc... Mà đã đi vào ngõ cụt ấy, thì thế nào cũng có chuyện gây sự bắt nạt, hành hung vợ - để làm oai, để sĩ diện ta đây, để dễ bề ăn bám. Người phụ nữ có chồng như thế, thật sự là người bất hạnh! Trong nội bộ một gia đình cũng đã không có ai ưa gì cái kẻ ăn bám, nói chi xã hội? Kẻ ăn bám xã hội thường là "kẻ ăn trên ngồi trốc" - Thế mới ngược đời chứ! Không phải là kẻ ăn trên ngồi trốc, mà muốn ăn bám thì chỉ có nước đi ăn mày, ăn xin ... quá nữa thì ăn cắp, ăn cướp. Còn đã là kẻ ăn trên ngồi trốc, thì "nỏ" cần xin ai, cái ăn vẫn cứ tự nhiên dâng lên hàng ngày, toàn của ngon vật lạ! Mà kẻ đem dâng lại còn "biết ơn" kẻ ăn bám nữa - Thế đấy!
 
"Ăn" cũng là một cái "nết". Có nết đẹp và có nết bẩn, nết xấu (cái thằng cha ấy "xấu ăn" lắm, không chơi được!). Nết đẹp là ăn uống từ tốn chừng mực, là "ăn có mời, (làm có khiến)", là "ăn trông nồi ngồi trông hướng",.. không nên thấy "ngon sơi" là cứ thế "tọng" hồi lùng, chẳng nghĩ đến ai, chỉ cốt thoả cái thèm khát của bản thân. Ăn như thế gọi là ăn tham, ăn bẩn, "ăn mảnh", là nết xấu. Đã tham ăn thì thể nào cũng dẫn đến bệnh về tiêu hoá - Xưa các cụ dạy rồi: "tham thực cực thân", không chỉ "cực", ối kẻ còn chết vì bội thực đấy! Nhưng trò đời, cái THAM nó không bao giờ có chừng mực cả, không bao giờ có điểm dừng! Trong xã hội, kẻ ăn trên ngồi chốc mà tham, nhân dân gọi là QUAN THAM. Quan tham hay dân tham thì cũng như nhau hết: Lòng tham vốn không bao giờ có đáy!
 
Thời nay kẻ khôn ngoan không "ăn" một mình. Ăn một mình dễ bị đệ tử "ghen ăn". Trong tình yêu, đòn "ghen" vốn rất hiểm, nhưng "ghen ăn", đòn còn hiểm hơn nhiều. Nhãn tiền thấy rồi. "Quan tham hiện đại" ăn cũng hiện đại, không ăn riêng lẻ nữa mà "ăn bè", ăn "tập đoàn", ăn kiểu "chén chú chén anh". Dân thì còng lưng lo "làm chủ tập thể", còn quan tham phưỡn bụng "ăn nhậu tập đoàn"! Ăn như tằm ăn rỗi, làm sao che đậy được? Khó gì đâu, đứa nào định phát hiện, kéo ngay nó vào cùng "bè", tống vào họng cho nó một phần, mắt nó tối lại, mồm nó không há ra được nữa, thế là... kín như "bưng" như "bít"! "Hè" nhau mà ăn như thế, Trời cũng phải bó tay, nhắm mắt, giả điếc làm ngơ. Mà Trời làm gì có tay, có mắt, có tai nhỉ? Mà cho dù có đi chăng nữa thì trước mỗi vụ làm ăn, bọn họ đều đã biện lễ khấn vái cầu Trời phù hộ độ trì rồi thôi?!.
 
"NÓI" là hoạt động bầy tỏ tình cảm, quan điểm, sự hiểu biết,... của mỗi con người đối với cộng đồng (Nói phải có người nghe, chứ nếu sống đơn lẻ, một mình một cõi, chả ai cần NÓI. Trường hợp ấy mà lảm nhảm một mình, chỉ có kẻ bị thần kinh!). Vậy công của NÓI là lớn lắm.
 
Tuỳ trạng thái và đối tượng mà người ta chọn cách nói thế này, cách nói thế kia. Việc không cần nói to, thì ghé tai "thì thầm" (kẻ làm điều xấu cũng thường hay nhỏ to với đồng bọn hoặc ra hiệu thay cho phát ngôn). Việc phải nói to thì hoặc "hô hào", hoặc hét toáng lên. Kẻ trộm cắp cũng hay hét lắm - Dân ta vẫn nói: "Vừa ăn cướp vừa la làng" là gì! Chả trách các quan tham thường "ăn to nói nhớn" là phải!
 
"NÓI" là hoạt động năng động nhất của con người - trừ người khiếm khuyết bộ phận phát âm. "ĂN" chỉ có ba bốn, nhiều lắm là sáu bẩy lần trong một ngày. "NÓI" thì có thể suốt ngày, thậm chí ngủ rồi, nhiều người vẫn nói mê! Tần suất hoạt động của cái MỒM NÓI nhiều hơn rất nhiều cái MỒM ĂN. Nhưng hai cái này liên kết với nhau chặt chẽ lắm: Ăn càng tốt, nói càng nhiều, "ăn to nói lớn". Không ăn thì rã họng ra, nói sao được?!. Cho nên các quan tham bao giờ nói cũng hay (đã làm đến chức quan thì nhất định nói phải hay rồi, hiếm có quan nói không hay lắm. Nhưng quan tham thì tuyệt không thấy quan nào nói dở cả!). Mà cái "phạm trù" quan tham nói hay nhất lại là vấn đề chống ... ăn tham! Trong đám dân thường, xét ra khó có ai nói hay, nói giỏi được như họ trong lĩnh vực "nhạy cảm" này! Không tin, ai đó cứ thử nói xem? Không khéo lại mắc tội ... "phát ngôn vô tổ chức", chứ chẳng chơi!
 
Ngược lại, đến phận mình, CÁI MỒM NÓI lại tác động trở lại CÁI MỒM ĂN, theo nguyên tắc "có vay có trả", chứ tuyệt không "ăn không": Quan tham nào nói càng giỏi thì quan đó ăn càng lớn - đó là điều đã được thực tế cuộc sống chứng minh một cách rất hùng hồn, không thể có điều gì còn nghi hoặc! Cứ thế, CÁI MỒM ĂN giúp cái MỒM NÓI nói tốt; CÁI MỒM NÓI đến lượt nó, lại giúp CÁI MỒM ĂN ăn khoẻ hơn, cái nọ là tiền đề của cái kia và ngược lại - Quy trình đó cứ thế phát triển, không ngưng nghỉ!.. Chì có CÔNG SẢN QUỐC GIA là ngày một hao mòn mà thôi...
 
Công dụng của CÁI MỒM NÓI lớn lắm, khó mà kể hết. Chỉ xin điểm thêm mấy điều sau đây: "Nói" hay còn hơn "cày giỏi"! Một lời nói khéo có thể xoa dịu mọi cơn thịnh nộ. Một lời nói hay có thể làm mê hoặc lòng người. Một lời "bốc thơm" bề trên, cả bề trên và chủ của nó đều lên mây. Một kẻ ỉ thế, buông lời nạt nộ, ngàn vạn bầy tôi bay hồn, bạt vía.
 
Vậy, cuối cùng, xét theo bình diện xã hội thì giữa CÔNG và TỘI của CÁI MỒM, thì thứ nào hơn, thứ nào kém? Cái đó ngoài việc tuỳ thuộc vào vị trí, đạo đức cũng như lương tâm của chủ nhân mỗi cái mồm, còn trông cậy vào sự nghiêm minh sáng suốt của luật pháp nữa cũng như sự người dân được thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của mình theo Hiến pháp và pháp luật - Cả ba thứ đó, không thể thiếu một!.. 
 
 
 
MIẾNG... NHỤC!
 
Người xưa gọi những MIẾNG ĂN có được bằng cách "ăn chặn", "ăn cướp", "ăn cắp của công", thậm chí cả cái trò "ăn vụng" - nghĩa là không phải do công sức lao động làm ra một cách chính đáng, đều là MIẾNG NHỤC.
 
Nay nhận ra rằng: nói như thế đều là... sai toét!
 
Vừa qua tôi có dịp vào thăm con cháu ở thành phố HCM, tình cờ gặp lại một cán bộ cũ cùng cơ quan, kém tôi gần hai chục tuổi, nay đã thành danh và giầu có. Nhớ tình đồng nghiệp xưa, anh cán bộ này đã đưa tôi đi nhà hàng chiêu đãi. Ngoài các món ăn thịnh soạn, còn có các "em" trẻ măng (váy thì như người ta vẫn nói: "ngắn đến mức không thể ngắn hơn" và áo thì cũn cỡn "chỉ có tác dụng che đậy những chỗ không cần che đậy"), ngồi kề để mở bia, tiếp thức ăn,... theo đúng phong cách nhà hàng hiện đại! Trong lúc vui chuyện, anh bạn kể: "Cuộc đời em có được sự thành đạt ngày nay, hoàn toàn nhờ vào những bữa nhậu như thế này, anh ạ...". Cái chuyện dùng nhà hàng để tìm "mối" làm ăn thì "xưa" rồi, ai chả biết, tôi nghe chỉ ậm ừ cho qua. Biết ý, anh bạn trẻ giải thích: "Cả chuyện cất nhắc đề bạt cũng diễn ra ở những bàn tiệc và khách sạn là chính, anh ạ!". "Các "sếp" thời nay chịu chơi lắm, không như thời anh em mình ở ngoài ấy đâu, cái thời cổ hủ lạc hậu không chịu được" - Anh bạn trẻ nhấn mạnh.
 
- Mình thấy ngoài ta, đến bây giờ, các sếp hầu hết cũng còn nghiêm túc lắm - Tôi tỏ ý không tán thành.
 
- Không có đâu, vờ vịt cả thôi. Mấy lại, ở cái tỉnh lẻ như tỉnh mình, bé bằng cái mắt muỗi, làm gì dân cũng biết, không che đậy nổi, thì các sếp phải giữ ý giữ tứ là phải, chứ đã vào công tác trong này, em chưa thấy có sếp nào từ chối việc "cơ sở" đưa đi nhà hàng, được các "em", nhất là các  em... "chân dài" rực rỡ như tiên giáng trần thế này đến phục vụ cả! Vừa nói, anh bạn trẻ vừa véo đùi một "em" tiếp viên đứng cạnh và em này cười ré lên! Em được các sếp quý, chính là vì luôn luôn nắm được ý bề trên!
 
- Ăn uống thế này tốn kém quá...
 
- Tốn nhưng" lãi" lắm anh ơi! Bởi rất được việc. Công việc cứ chạy băng băng, chứ đâu có ì à ì ạch như anh em mình trước kia?. Mọi việc từ nhỏ đến lớn, đều được các sếp quyết định ngay bên bàn tiệc, ngay trong phòng ngủ của khách sạn... anh ạ. Mà cuối cùng TIỀN chi cho các buổi "chén chú chén anh" ấy, cơ sở  đâu có phải bỏ "tiền túi", mà là "tiền chùa" hết. Cái quan trọng là khéo "hợp thức hoá", là "ăn vụng biết chùi mét", xưa các cụ ta dạy cả rồi!
 
Thế đấy, những MIẾNG ĂN như miếng ăn kiểu như thế, đâu còn là MIẾNG NHỤC? MIẾNG VINH hẳn hoi đấy chứ! VINH cả cho người mời, vinh cả cho người ăn! Đấy, cứ xem anh bạn trẻ này nói, mấy chục năm nay anh ta cứ thăng tiến đều đều, cả đến xe cộ, nhà cửa,... cũng thay như thay áo, cái sau hoành tráng hơn cái trước. Đến nay thì dưới trướng anh, đã lại có một lũ "thuộc hạ" trẻ măng, sẵn sàng theo gương anh, đứng ra bao cho anh những bữa nhậu thâu đêm tại bất cứ một nhà hàng sang trọng nào trong cái thành phố làm ăn sôi động nhất nước này...
 
- Anh vào đây, cứ dành thời gian đi ra phố phường mà quan sát sẽ thấy: Nghề nào khó khăn kiếm sống, chứ nghề hàng ăn uống luôn luôn phát triển, nhiều năm nay em chưa thấy có nhà hàng nào sập tiệm! Bây giờ đi đến đâu mà thấy đông vui tấp nập, thì đó chính là nhà hàng ăn uống, là khách sạn, là quán Karaoke,...
 
- Thảo nào trong giờ làm việc, nhiều công sở thấy vắng tanh? Trong khi đường phố và nhà hàng cứ đông nghìn nghịt.
 
- Thì em nói rồi: Mọi việc lớn bé đều giải quyết ở những nhà hàng như thế này cả. Văn phòng và Hội nghị chẳng qua chỉ là... thủ tục hành chính cần thiết mà thôi.
 
- Thế nhưng dân vẫn kêu "thủ tục hành chính của ta phức tạp quá, chậm quá!".
 
- Cứ đến cơ quan hành chính mà làm thủ tục, thì phức tạp và chậm trễ là cái sự đương nhiên. Phải thức thời lên anh ạ. Cái đó cũng là do dân trí quyết định cả!
 
Rồi anh bạn trẻ của tôi nói tiếp:
 
- Ngay đến vấn đề loại trừ "đối thủ", muốn nhanh gọn, cũng tiến hành ở những nơi tương tự như nơi này anh ạ. ĂN là một miếng VÕ vô cùng lợi hại đấy!
 
- Thế nhưng, các sếp không sợ "Đi đêm lắm, có ngày gặp ma" à?
 
- Trời, anh lạc hậu quá. Một ngàn vụ mới không may có một vụ đổ bể. Một ngàn vụ đổ bể, mới không may có một sếp mất chức. Một ngàn sếp mất chức mới không may có một sếp đi bóc lịch... "CÀNG THAM CÀNG QUAN" - Chính anh đã từng viết thế là gì?!.
 
Thì ra vậy! Bẩy mươi nhăm tuổi đầu, hôm nay tôi mới vỡ ra cái điều vô cùng  quan trọng của MIẾNG ĂN. Quan trọng đến mức, thức ăn nhậu phục vụ không xuể, khiến người ta phải dùng cả thịt những con gia súc bị bệnh, những thực phẩm ôi thiu... Đúng là thời nay, miếng ăn không bao giờ còn là MIẾNG NHỤC nữa, nó đã trở thành MIẾNG VINH từ rất lâu rồi! Đấy như bản thân tôi, có được cái nhận thức "minh triết" này, cũng là nhờ có bữa nhậu tình cờ hôm nay đấy thôi!..
 
Cám ơn anh bạn trẻ. Xin cám ơn nhiều lắm!...
  
 
 
 
NGỨA...MỒM!
 
 
NGỨA thì gãi, ngứa đâu gãi đấy - chuyện thường là vậy. Nhưng NGỨA MỒM thì người ta không gãi mà... nói! Căn bệnh này xem ra cũng nhiều người mắc lắm, nặng nhẹ khác nhau, tác hại cũng khác nhau. Nhưng xét ra xưa nay thời nào cũng có.
Vậy những khi như thế nào thì mồm ngứa?
Có thể là khi đứng trước một nghịch cảnh, lại có thể là khi nghe thấy những lời ... chối tai. Nếu những nghịch cảnh hay những điều chối tai ấy lại không thuộc thẩm quyền hay trách nhiệm giải quyết của mình, thì dễ ngứa mồm lắm! Như vậy nguồn gốc đâu phải cái mồm, mà là tại cái mắt, cái tai đấy chứ? Nhưng "phản ứng" biểu hiện ra ngoài cho bàn dân thiên hạ biết, lại là cái mồm, cái mồm bị ngứa! Ngứa mồm thì phải nói, không nói không chịu được. Xin dẫn ra đây một ví dụ: Mấy ông lão về hưu, thi thoảng gặp nhau. Sau mấy câu chuyện tầm phào, thăm hỏi lẫn nhau, cuối cùng thể nào cũng dẫn đến việc đánh giá, nhận xét việc này việc kia của xã hội. Ở vào tuổi các cụ, đáng ra hàng ngày chỉ nên sống an nhàn bên con cháu, lấy câu thơ, nét bút, chén rượu hoặc cuộc cờ làm vui, chả nên "tham gia" chuyện thế thái nhân tình làm gì cho mệt óc. Nghĩ là thế, mà làm theo thì khó lắm. Có cụ nóng nảy: "Ai đời, trông thấy chúng nó làm ăn bậy bạ đến  như thế mà chịu cho được? Phải nói toáng lên chứ, không thể cứ mũ ni che tai mãi được!". "Nói toáng lên", tức là ngứa mồm rồi đấy!
Ngứa mồm thì dễ sinh vạ miệng. Ai cũng biết thế. Các cụ hưu càng biết hơn. Lại còn biết "một câu nhịn là chín câu lành" nữa cơ. Nhưng nhiều khi trái tai trái mắt quá, không nhịn được, thì lại lý sự: "Thôi thì lành làm gáo, vỡ làm muôi, phải nói cho ra nhẽ!". Nói cho ra nhẽ, nhưng nói nhiều khi không có ai nghe. Thậm chí có khi còn bị "lũ ranh" mắng lại: "Hết chức hết quyền rồi, không yên phận còn cứ chõ mồm lung tung!". Thế là máu dồn lên mặt, thế là huyết áp tăng, thế là con cháu cuống cuồng lên... Khi hồi tỉnh lại, các cụ tự nhủ, thôi kệ thây thiên hạ, đừng làm cái chuyện "gái goá lo việc triều đình" nữa! Nhưng đó chỉ là ý nghĩ nhất thời, sau một thời gian, đâu lại hoàn đấy. Lại gặp nhau, lại ngứa mồm, lại đỏ mặt tía tai, lại "tăng-xông" và con cháu lại thêm một lần hú vía! Câu "Lão giả an chi" xem ra khó thực hiện quá.
Không chỉ người già hay bị bệnh ngứa mồm, mà trẻ cũng mắc đấy. Xin dẫn chuyện mới toanh, vừa diễn ra ở đêm nhạc hội mang tên Sóng Hạ Long diễn ra tối ngày 1/5 tại sân quốc tế Hoàng Gia (Lễ hội du lịch Hạ Long năm 2010): "... Ca sỹ Hồng Ngọc, khi đọc những ca từ giới thiệu bài hát tiếp theo (Vùng trời bình yên), chị hỏi khán giả: Quý vị có biết bài hát nào không ạ? Có anh “dại mồm” đứng gần bảo không biết, chị nói: Anh mà không biết thì vả vào mồn anh bây giờ…".[1] Thế đấy, người ta là ngôi sao nổi tiếng như thế, vậy người ta hát bài gì thì ai ai cũng phải biết chứ, không biết thì im cái mồm đi có phải hơn không, trả lời thế bằng đấm vào họng người ta còn gì? Mà họng ca sĩ ngôi sao thì đắt giá như thế nào cái anh "dại mồm" đó hẳn phải biết chứ? Đúng là đồ "ngứa mồm". Nói ra như thế chả hoá ra khinh người ta quá, người ta mắng cho là phải rồi
 
***
            Ngứa tai, ngứa mắt, gắng mà chịu. Xin mọi người chớ có ngứa mồm, mà mang tiếng... DẠI! Trẻ dại là chuyện có thể chấp nhận được. Già mà dại thì...
Thôi, chả dám nói nữa, kẻo dại!
 
NƯỚC NAM TA HIỆN LÀM GÌ CÒN BỌN THAM NHŨNG?
 
          "Nước Nam ta hiện làm gì còn bọn THAM NHŨNG"! - Tôi dám lớn tiếng nói thế là bởi có căn cứ hẳn hoi, mà là căn cứ rất khoa học, rất đáng tin cậy nữa cơ đấy.
 
          Trước khi xem xét vấn đề còn hay không còn bọn THAM NHŨNG, thì phải tìm hiểu ngọn ngành xem THAM NHŨNG là cái gì? Thế nào gọi là THAM NHŨNG, cái đã. Đây là việc hệ trọng liên quan đến nhiều người, thậm chí cả một thế hệ, nên không qua loa đại khái dẫn đến nhận định hàm hồ được.
 
          Vậy THAM NHŨNG là gì?
 
Sách "Bách khoa toàn thư", một tác phẩm công phu và trí tuệ của đất nước vừa được hoàn tất và công bố công khai trên "mạng" Internet, đã định nghĩa THAM NHŨNG là: "hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, tham ô, nhận hối lộ hoặc cố ý làm trái chính sách, chế độ, thể lệ về kinh tế - tài chính vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội...".
(http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/default.aspx?param=1C68aWQ9NTczMCZncm91cGlkPSZraW5kPWV4YWN0JmtleXdvcmQ9VGhhbStuaCVjNSVhOW5n&page=1).
 
          Định nghĩa trên có mấy ý:
                  
1/ THAM NHŨNG (là) "hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn... ". Vậy là đã có thể loại ra chừng khoảng trên chín mươi chín phần trăm dân số nước Nam ta khỏi đối tượng xem xét rồi (Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nói  trên tienphong.vn (thứ bảy, 08-03-2008): “Thực tế, bộ máy cán bộ công chức của chúng ta hiện còn lớn, khoảng 1,7 triệu người (chưa kể 300.000 cán bộ công chức cơ sở". Vậy thì số người có chức vụ, quyền hạn chắc chỉ độ già nửa triệu, chiếm chưa đầy một phần trăm dân số nước ta?). Mà môt đất nước đã có tới trên chín mươi chín phần trăm không tham nhũng thì quả đã là một ĐẤT NƯỚC đáng nể rồi.
                  
2/ Cũng theo định nghĩa trên, thì không phải tất cả những người có chức vụ, quyền hạn đều là tham nhũng cả đâu, mà chỉ những kẻ "đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, tham ô, nhận hối lộ hoặc cố ý làm trái chính sách, chế độ, thể lệ về kinh tế - tài chính vì động cơ vụ lợi... ", mới bị gọi là THAM NHŨNG. Thế là lại loại thêm được khá nhiều đối tượng nữa.
                  
3/ Nhưng không phải cứ thấy ai đó "lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, tham ô, nhận hối lộ hoặc cố ý làm trái chính sách,..."  là liệt ngay vào danh sách những kẻ THAM NHŨNG được, bởi, vẫn theo "Bách khoa toàn thư", còn phải xét thêm một yếu tố quan trọng nữa, là phải: "gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội...". Vậy đấy, tham nhũng mà chưa có đủ BẰNG CHỨNG chứng tỏ người đó đã gây thiệt hại... thì chưa thể gọi là THAM NHŨNG được.
         
Cứ căn cứ vào ba điểm định nghĩa đó, thì quả là việc đi tìm tham nhũng ở nước ta, chả khác gì "mò kim đáy biển" - mà là BIỂN ĐÔNG hiện đang có tranh chấp, thì còn khó khăn nguy hiểm gấp vạn triệu lần! Đúng không? Chẳng trách cái cơ quan phòng - chống tham nhũng ở nước ta, lập ra mấy năm nay nhưng hiệu suất công tác thì rất thấp là quá phải rồi!  
         
Sách "Bách khoa toàn thư" còn trích dẫn thêm: "Pháp lệnh Chống tham nhũng, ban hành ngày 26.2.1998 (được sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Chống tham nhũng được Quốc hội khoá X thông qua ngày 28.4.2000)... Mục A, Chương XXI, Bộ luật hình sự quy định các tội phạm về THAM NHŨNG  gồm:
1. Tham ô tài sản;
2. Nhận hối lộ;
3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ;
5. Lạm quyền trong khi thi hành công vụ;
6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
7. Giả mạo trong công tác."
         
          Đấy là theo Tự điiển của các bậc trí thức lừng danh, chứ cứ nôm na, thì dân ta vẫn hiểu, THAM NHŨNG là phải có đủ hai yếu tố: Một là THAM và hai là NHŨNG. Tham thì hầu như đó là thuộc tính của muôn loài rồi, từ con người đến con vật đều sẵn có máu tham, mà hình như người Nam ta lại có nhiều điều kiên thể hiện cái "thuộc tính" THAM ấy hơn cả? - Có lần chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói với Kiều bào rằng: "Ở Việt Nam, không muốn tham vẫn phải động lòng tham" là gì! (Trích phát biểu khai mạc "Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất", 21/11/2009 - Bài 'Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của kiều bào' http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/11/3BA15E7A/). Cho nên nếu một ai đó mà có hành vi THAM không thôi, thì chỉ đáng để mọi người chê trách, nặng lắm thì khinh bỉ, chứ không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đươc. Còn yếu tố NHŨNG thì khác. Nếu hiểu một cách giản lược ra thì NHŨNG là hành vi gấy sức ép thô bạo để ĐÒI hay BUỘC người khác phải đút lót, hối lộ mình. Không thế, không thể gọi là NHŨNG được.
 
Thời buổi ngày nay, làm gì còn có chuyện những người có chức vụ, quyền hạn... phải NHŨNG NHIỄU dân mới kiếm được của ĐÚT nữa? Theo ông bí thư thành uỷ Hà Nội thì: "Có quyền lực nên người khác cứ đưa hối lộ cho dù họ không đòi" (Phát biểu tại cuộc họp "giao ban quận huyện" sáng 25/12/2009). Đúng quá đi! Có ĐÒI đâu? Toàn là bà con ta TỰ NGUYỆN đem đến tận nơi làm việc, hoặc nơi ở của các sếp để BIẾU, TẶNG đấy chứ? Dân tự nguyện mà cán bộ lại là ĐẦY TỚ trung thành của dân, thì hỏi rằng làm sao mà cán bộ dám không nhận được? Không nhận chẳng hoá ra coi thường dân, khinh dân và  như thế thì chỉ ngày càng XA dân chứ GẦN dấn sao nổi?!.  
 
Vậy xét trên bình diện tổng thể - theo cả cách định nghĩa của BÁCH KHOA TOÀN THƯ, PHÁP LỆNH  CHỐNG THAM NHŨNG lẫn cách hiểu dân dã, thì, hiện thời nước Nam ta, không còn có ai là THAM NHŨNG nữa? Bọn tham nhũng đã bị xoá bỏ sạch sành sanh không còn mảy may một mống nào nữa rồi - Đúng chưa, thưa quý vị? - Không chỉ phải công nhận là đúng mà còn phải PHẤN KHỞI lên, tươi vui lên nữa, nghe chửa!..   
 
 
 
"HỌC VÀ LÀM THEO
TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH"
- NHỮNG AI CẦN HỌC?
 - HỌC CÁI GÌ, LÝ THUYẾT HAY THỰC HÀNH?
 
Bác đã "đi xa", nhưng những điều Bác dạy và tấm gương đạo đức của Bác, vẫn còn đấy, sáng ngời chân lý. Trước hết, phải thấy rằng, toàn bộ những lời Bác dạy, những việc Bác sống làm gương, từ lớn đến bé, đều rất đơn giản, dễ hiểu, rất gần gũi với cuộc sống bình dị của mỗi chúng ta, không có gì quá cao siêu, trừu tượng. Ví dụ, sau Cách Mạng Tháng Tám, khi đặt tên Nước  Bác đã ưu tiên trước tiên đến quyền DÂN CHỦ ("VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ..."), Bác giải thích: "...Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ". (HCM Toàn tập, ST, 1986, tập 6, trang 286). Tiếp đến, khi giảng nghĩa cho số cán bộ tuyên truyền, thế nào là DÂN CHỦ, Bác nói: "Dân chủ là làm sao cho dân mở miệng...". Đơn giản và nôm na đến mức ấy, thì không một người nào còn có thể nói "chưa hiểu"!
 
Chính vì những lẽ đó, mà đối tượng HỌC BÁC không bó hẹp trong một phạm vi nhỏ nào, mà là TOÀN DÂN.
 
Vâng, đương nhiên là thế. Nhưng lại hỏi: Vậy thì có cần nhấn mạnh đối tượng nào HỌC TRƯỚC, đối tượng nào HỌC SAU không? Đúng ra, câu hỏi ấy không cần đặt ra. Nhưng vẫn nên đặt ra, bởi trong tình hình chung hiện nay, muốn HIỆU QUẢ nhanh chóng, thì nên dành sự ưu tiên HỌC TRƯỚC, HỌC NGAY theo từng CHUYÊN ĐỀ đối với từng đối tượng . Ví dụ CHUYÊN ĐỀ DÂN CHỦ, nên mời các vị làm công tác HÀNH CHÍNH học trước. Các vị này mà thông hiểu, làm theo đúng được lời Bác dạy về Dân Chủ, thì tự nhiên Dân chúng sẽ nhận biết và thấm nhuần ngay cái QUYỀN DÂN CHỦ của mình, không cần học ai nữa. Thế là gọn nhẹ, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, lại không tổn kinh phí tổ chức học tập tràn lan.
 
Không chỉ một chuyên đề đó, mà cả chuyên đề THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, rồi chuyên đề CHÍ CÔNG VÔ TƯ,... cũng nên dành ưu tiên cho đối tượng đó HỌC TRƯỚC. Dân chúng cần lao HỌC SAU vì ngưòi dân chúng ta đâu có lắm của nả mà vội lo không TIẾT KIỆM? Có đâu được trực tiếp nắm giữ của công để phải lo thực hiện "CHÍ CÔNG VÔ TƯ"?
Để chứng minh lý giải trên là đúng, xin trích lại đây, bài trả lời của ông Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa với phóng viên Báo Nhân Dân ngày 18 tháng 5 năqm 2010 phần nói về NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM: "... Một là phải quan tâm quán triệt kỹ, trước hết là trong các cấp uỷ đảng, cán bộ chủ chốt các cấp... " (THT nhấn mạnh)[1].
 
Bây giờ xin bàn sang câu hỏi thứ hai: "HỌC CÁI GÌ - LÝ THUYẾT HAY THỰC HÀNH?".
Đương nhiên là có thông lý thuyết mới giỏi thực hành. Lý thuyết dẫn đường chỉ lối cho thực hành. "HỌC phải gắn với HÀNH", xưa các Cụ đã dạy rồi. Nay ông Tô Huy Rứa cũng lại tổng kết: "... Ba là cần gắn học tập với làm theo..." (Báo đã dẫn)
Nhưng trong trường hợp cụ thể, cần xuất phát từ thực tế khách quan, chứ không "kinh nghiệm máy móc". Trường hợp cụ thể ở đây là những điều Bác dạy, như trên đã trình bầy, rất đơn giản, mộc mạc, không sa vào "lý thuyết suông". Có thể khẳng định rằng, không một điều dạy nào của Người, mà người dân chúng ta không hiểu. Cán bộ so với dân, được dạy bảo nhiều nhất, rèn luyện kĩ nhất,... không lý gì lại nói không am hiểu bằng dân! Xin dẫn ra đây một số điều Bac dạy: "Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do". (Toàn tập, ST, 1987, T7, trang 682) - "Chế độ kinh tế và xã hội của chúng ta nhằm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân" (Toàn tập, ST, 1989, T8, trang 566) - "Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ .. Phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công" (Toàn tập, ST, 1986, T6, trang 271) - "Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải "chí công vô tư" và có tinh thần " lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". (Tuyển tập, ST, 1980, T2, trang 210) - "Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ (những kẻ quan liêu - THT) theo lối "quan" chủ. Miệng thì nói "phụng sự quần chúng", nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng" (Toàn tập, ST, 1986, T6, trang 112) v.v...
Vì vậy vấn đề HỌC để BIẾT, để HIỂU, để NẮM VỮNG, NẮM CHẮC (lời Bác dạy), rõ ràng không phải là vấn đề khó khăn.
Hãy dành nhiều công sức ... cho việc LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM. Mà người cần làm theo trước nhất, vẫn là những người có chức có quyền - mặc dù, việc đó luôn luôn là của TOÀN DÂN.
 
Suy cho thấu tình đạt lý, cuộc vận động "HỌC VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH" cần được nhân rộng, càng rộng khắp càng tốt, nhưng nên ưu tiên cho những đối tượng trực tiếp cần học và làm theo sớm nhất, trước nhất, đúng như Bác đã từng dạy "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Nói đến Đảng viên là nói đến vai trò NGƯỜI LÃNH ĐẠO, nói làng nước là nói về Nhân dân. Giữa HỌC và LÀM thì cần ưu tiên cho việc tổ chức LÀM THEO
 
Đừng quá chú trọng đến việc phô trương, hình thức mà làm sai lệch chính lời dạy của Hồ Chí Minh. Đạo đức không phải là chuyện thi xem ai kể chuyện giỏi hơn ai, mà đúng như ông Trưởng Ban Tuyên giáo đã nói: "Đạo đức, tư tưởng thuộc ý thức xã hội, mà tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, nên... cần có những biện pháp động viên khuyến khích việc làm tốt"[2] - người viết bài này nhấn mạnh) - Vâng! Không gì chuẩn mực hơn!
 
 
 
 
 
DÂN CHỦ - CÁI BÁNH KHÔNG DỄ LÀM, KHÔNG DỄ ĂN!
Một vài suy nghĩ nhân đọc bài báo
"Cựu Chủ tịch Quốc hội bàn việc sửa Hiến pháp"
(http://www.tuanvietnam.net/2010-06-24-cuu-chu-tich-quoc-hoi-ban-viec-sua-hien-phap)
 
 
DÂN CHỦ là CỤ THỂ, là THỰC TẾ, là HÀNH ĐỘNG chứ tuyệt đối không phải là lời nói suông - là cái bánh vẽ! Nhưng CÁI BÁNH DÂN CHỦ cũng không phải là cái bánh dễ làm, càng không phải là cái bánh dễ ăn!
 
Muốn có DÂN CHỦ trước hết DÂN phải có TỰ DO. Tự do ở tất cả mọi mặt đời sống xã hội, như đi lại, cư trú, học hành, chăm sóc y tế; như thành lập hội đoàn, ngôn luận (Hồ Chí Minh nói: "Dân chủ là không được bịt mồm dân"), hội họp, biểu tình, tín ngưỡng,... Khuôn khổ duy nhất của tự do chỉ là QUYỀN LỢI DÂN TỘC, LỢI ÍCH VÀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA. Chỉ những gì vi phạm quyền lợi dân tộc, quyền lợi quốc gia mới gọi là LỢI DỤNG TỰ DO để chống lại nhân đân, chống lại tổ quốc.
 
Dân muốn thật sự TỰ DO, thật sự DÂN CHỦ trước hết phải nâng cao DÂN TRÍ. Dân trí thấp, Dân thiếu hiểu biết là trở ngại lớn nhất, trực tiếp nhất và nguy hại nhất đối với việc thực thi tự do và dân chủ. Nói "Mọi quyền lợi đều thuộc về Nhân dân" không đồng nghĩa với việc Dân trực tiếp làm tất cả. Làm mà thiếu hiểu biết, thậm chí không hiểu gì cả, thì còn tồi tệ và nguy hiểm hơn không làm! Chỉ một việc xây dựng LUẬT, trước khi ban hành đã được bao nhiêu cái đầu học giả, tiến sĩ có kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực nghiên cứu soạn thảo, rồi lại được Quốc hôi thảo luận, góp ý sửa đổi từng lời văn, từng dấu chấm câu, ấy vậy mà khi luật đi vào cuộc sống, vẫn có những SƠ HỞ, vẫn bị lợi dụng...  Trong môi trường dân trí chưa cao thì việc Dân tự lựa chọn người đại diện cho mình, thay mặt mình, được mình uỷ quyền NÓI lên tiếng nói, nguyện vong, tâm tư... của mình, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình, là việc rất quan thiết. Lấy một ví dụ: Khi tham gia tố tụng, mọi bên đều cần thuê luật sư bênh vực quyền lợi cho mình (trừ những người thực sụ tự thấy mình đủ kiến thức, sự hiểu biết pháp luật để tự làm luật sư cho chính mình). Dân thực hiện quyền dân chủ thông qua "NGƯỜI ĐẠI DIỆN" của mình là bình thường, thậm chí cần thiết, trừ phi người đại diện đó có hành vi phản bội. Không thể nói: "từ Dân làm chủ đích thực chuyển sang Quốc hội thay mặt cho dân làm chủ.... là sự thay đổi, sự xa rời rất lớn, rất cơ bản về người chủ đích thực của đất nước" (NVA - Bài báo đã dẫn). Vấn đề là ở chỗ: Dân có thực sự được tự do lựa chọn người đại diện của mình hay không?!.
 
Dân chỉ thực sự LÀM CHỦ, khi CHÍNH QUYỀN là CÔNG CỤ của Dân. Nói rộng ra, tất cả các cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp đều THỰC SỰ của Dân, do Dân, vì Dân. Nghĩa là các cơ quan này chỉ được làm những gì có lợi cho Dân, cho Nước, tuyệt đối không vì lợi ích nào khác. Một khi Dân không đồng tình (thể hiện cao nhất là biểu tình) thì các cơ quan đó cần bình tĩnh xem xét lại toàn bộ chính sách cũng như việc làm của mình chứ không phải cả tiếng chụp cho Dân cái mũ "lợi dụng dân chủ". "Chụp mũ" là một hành vi CỬA QUYỀN, LỢI DUNG CHỨC QUYỀN, LỘNG QUYỀN chống lại quyền và lợi ích chính đáng của Dân.
 
Chính quyền muốn thực sự là công cụ của Dân, phải công khai chương trình hành động trước Dân, để Dân - và người đại diện của Dân, có thể kiểm tra giám sát hoạt động của mình. Cán bộ chính quyền ở cấp cao đến mấy, cũng vẫn chỉ là người LÀM CÔNG ĂN LƯƠNG CỦA DÂN, PHỤC VỤ DÂN. Tám chục năm Dân theo Đảng làm Cách mạng, không ngoài mục đích xoá bỏ chế độ ăn trên ngồi trốc, bóc lột, hà hiếp, đè nén, áp bức, nhũng nhiễu Dân. Không có lý gì lại cứ để tồn tại mãi tình trạng "hành dân là chính".
 
Tóm lại, nếu hình tượng DÂN CHỦ là CÁI BÁNH của chung mọi người, thì phải hiểu rằng, cái "bánh" đó không phải là cái bánh dễ làm, càng không phải là cái bánh dễ ăn! Việc thực thi nó phải ở cả hai phía, Dân và Chính quyền của Dân. Phải bằng HÀNH ĐỘNG chứ không phải bằng LỜI NÓI SUÔNG! Dân chủ trên giấy tờ là DÂN CHỦ HÌNH THỨC. Dân chủ mà không có TỰ DO là DÂN CHỦ GIẢ HIỆU! Chỉ hô hào DÂN CHỦ mà không chú trọng việc NÂNG CAO DÂN TRÍ, là MỊ DÂN!
 
 
Tài liệu tham khảo (trích):
Cựu Chủ tịch Quốc hội bàn việc sửa Hiến pháp
Tác giả: Thu Hà
Bài đã được xuất bản.: 24/06/2010 06:00 GMT+7
Nếu nhân dân được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì đây là một cơ hội to lớn do ta tạo ra để thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện công cuộc đổi mới đất nước - Cựu Chủ tịch QH Nguyễn Văn An.
 
- Thưa ông, tại phiên Thảo luận ở hội trường về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và điều chỉnh chương trình 2010 hôm 9/6, hầu hết các ĐBQH phát biểu đều đề nghị sửa ngay một số điều của Hiến pháp 1992. Từng đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu cơ quan lập pháp, ông chia sẻ sự quan tâm như thế nào về vấn đề này?
Cựu Chủ tịch  QH Nguyễn Văn An: Tôi rất quan tâm, vì sửa đổi Hiến pháp là một sự kiện trọng đại của toàn dân. Tôi vừa hy vọng, lại cũng vừa lo, vừa băn khoăn trăn trở, vì không biết sửa đổi lần này có đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân không?
Dân phúc quyết
- Vì sao ông có tâm trạng như vậy?
Tôi có tâm trạng như vậy là do kinh nghiệm cuộc sống mách bảo. Sửa đổi Hiến pháp là một cơ hội sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng trong toàn dân, toàn dân có được hưởng quyền lợi và làm nghĩa vụ tham gia ý kiến và phúc quyết hay không?
Nếu nhân dân được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì đây là một cơ hội to lớn do ta tạo ra để thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôi hy vọng là như vậy.
Nếu nhân dân không được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì chúng ta lại bỏ lỡ mất cơ hội vô cùng quan trọng....
- Thưa ông, tôi hiểu rằng lần sửa đổi sau luôn phải đảm bảo tính kế thừa và hoàn thiện tốt hơn lần trước chứ ạ?
Về nguyên tắc là như vậy. Song không phải lúc nào, không phải cái gì cũng như vậy...
- Có vẻ vẫn hơi chung chung, mong ông nói rõ hơn về việc này?
Vâng. Trước tiên tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi mà vẫn chưa đạt yêu cầu. Nếu tính từ năm 1946 đến 1992 là 46 năm, ta đã sửa đổi lớn 3 lần vào các năm 1959, 1980 và 1992. Đó là chưa kể nhiều lần chúng ta sửa đổi nhỏ khác.
Sửa đổi như vậy là nhiều lần rồi, song dân chưa được phúc quyết lần nào. Hiến pháp 1946 quy định dân phúc quyết Hiến pháp song dân cũng chưa được phúc quyết vì chiến tranh đã xảy ra ngay sau đó.
Còn Hiến pháp sửa đổi 1959 lại quy định Quốc hội có quyền lập Hiến và lập Pháp. ..
Tuy vậy chúng ta cần hiểu bản chất của thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa là quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước.
Cho nên, không thể đặt Hiến pháp ngang hàng với các bộ luật khác do Quốc hội thông qua. Hiến pháp là bộ luật cơ bản, luật gốc, luật mẹ được Quốc hội lập hiến thông qua và nhân dân phúc quyết nên rất ổn định, đặc biệt là những vấn đề cơ bản của Hiến pháp, như thể chế chính trị, ai là chủ đất nước, quyền của người chủ đất nước là những gì; ai là nguyên thủ quốc gia, quyền của nguyên thủ quốc gia là những gì?; vấn đề phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước...
Thứ hai, tôi cho rằng các lần sửa đổi Hiến pháp sau này có một vài vấn đề cốt lõi lại xa rời hoặc lại không rõ ràng bằng Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Sự xa rời và không rõ ràng như ông vừa nói thể hiện ở những điểm cụ thể nào?
Có nhiều vấn đề, ở đây tôi chỉ đề cập tới 3 vấn đề cốt lõi:
Đầu tiên, Hiến pháp phải làm rõ AI LÀ CHỦ ĐẤT NƯỚC? NGƯỜI CHỦ ĐÓ CÓ NHỮNG QUYỀN GÌ? Với câu hỏi này, có thể nhiều người sẽ nói ngay rằng Dân làm chủ chứ ai. Đúng. Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp và Pháp luật của nhà nước đều khẳng định như vậy. Quốc hiệu của Việt Nam đã ghi rất rõ: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Thể chế chính trị là Dân chủ Cộng hòa, khác hoàn toàn với Quân chủ.
Do vậy, người chủ đất nước không phải là Vua nữa mà chính là Dân (không phân biệt thành phần, giới tính, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo...).
Song quy định cụ thể về quyền làm chủ trực tiếp của người dân thì còn quá ít, nhất là quyền phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia thì các Hiến pháp sửa đổi sau này lại ghi khác hoàn toàn với Hiến pháp năm 1946:
Điều 21 của Hiến pháp 1946 quy định: "Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều 32 và Điều 70".
Điều 32 của Hiến pháp 1946  quy định: "Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa nhân dân phúc quyết, nếu 2/3 tống số nghị viện đồng ý".
Điều 70 của Hiến pháp 1946 quy định: "Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây... Khi được nghị viên ưng chuẩn, phải đưa ra toàn dân phúc quyết".
Những quy định trên đây của Hiến pháp 1946 có nghĩa rằng quyền lập Hiến hoàn toàn thuộc về toàn dân, thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước.
Hiến pháp 1946 không có một điều nào, một ý nào quy định quyền lập Hiến thuộc về Quốc hội.
Các Hiến pháp sửa đổi sau này laị quy định Quốc hội có quyền lập Hiến:
Điều 43, 44 và 50 của Hiến pháp 1959 ghi: "Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", là cơ quan duy nhất "có quyền lập Pháp", có quyền "làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp".
Điều 6 của Hiến pháp 1980 quy định: "Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân".
Điều 82 của Hiến pháp 1980 và Điều 83 của Hiến pháp 1992 quy định: "Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất  có quyền lập Hiến và lập Pháp"...
Chúng ta nhận thấy ngay rằng đã có sự thay đổi rất lớn, rất cơ bản về quyền lập Hiến từ Dân đã được chuyển sang Quốc hội.
Câu hỏi đặt ra là ai có quyền chuyển quyền đó? Câu trả lời rõ ràng là chỉ có Dân mới có quyền đó. Song Dân chưa có văn bản nào chuyển quyền lập Hiến của Dân sang Quốc hội cả, mà là do chính Quốc hội tự quyết định giao quyền lập Hiến cho mình.
Có thể nói đơn giản thế này: Ai là người có quyền tối hậu trong lập Hiến thì người đó là người chủ đích thực của đất nước. Từ chỗ Dân làm chủ trực tiếp trong lập Hiến, chuyển sang chỗ Dân làm chủ gián tiếp thông qua Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của Dân. Như vậy có thể nói, từ Dân làm chủ đích thực chuyển sang Quốc hội thay mặt cho dân làm chủ.
Đó là sự thay đổi, sự xa rời rất lớn, rất cơ bản về người chủ đích thực của đất nước.
Quốc hội vừa lập hiến, vừa lập pháp, người ta gọi như thế là vừa đá bóng, vừa thổi còi.....
Đây là vấn đề xa rời bản chất dân chủ của nhà nước, cả về pháp lý, cả về thực tiễn. Như trên đã nói, do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân bất khả kháng, vì vậy, chúng ta đã chuyển từ Dân chủ thành Quốc hội chủ. Song về thực chất thì Quốc hội cũng còn nhiều hình thức.
Hiện nay khoảng 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Do vậy mà nhiều người cho rằng, về hình thức thì Quốc hội quyết, song thực chất là Đảng quyết . Quyết định của Quốc hội chỉ là quyết định mở rộng trong nội bộ  Đảng. Như vậy là từ Dân chủ đầy đủ chuyển sang Quốc hội chủ một phần, Dân chủ một phần, song cả Dân và Quốc hội đều còn nhiều hình thức nên nhiều người cho rằng Đảng mới thực quyền. Thực tế đó cho thấy, quyền của Dân - của người làm chủ còn bị phân tán quá lớn.
Nói cho dễ hiểu, ai làm chủ đất nước thì người đó phải có hai điều kiện, hai quyền thực chất tối thiểu là:
a/ - Bầu cơ quan đại diện cao nhất cho mình ( Quốc hội ) để bầu cử ra các cơ quan Nhà nước,
b/ - Phúc quyết Hiến pháp để giao quyền của Dân cho các cơ quan Nhà nước thực thi.
Chúng ta nói nhiều về Dân chủ, rằng nhân dân ta là người chủ đích thực của đất nước, rằng nhà nước ta là nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân,... song những quyền tối hậu của người Dân thì lại chưa được quy định cụ thể và đầy đủ trong các Hiến pháp sửa đổi sau Hiến pháp 1946.
Ngay Hiến pháp 1946 tuy đã qui định rất rõ quyền lập Hiến thuộc về nhân dân, song cũng không thực hiện được trong thực tiễn vì lý do bất khả kháng là chiến tranh đã nổ ra ngay sau đó....
Nếu Dân được phúc quyết Hiến pháp thì Hiến pháp chính là văn bản pháp lý quan trọng nhất của Dân trao quyền lực của Dân cho Nhà nước.
Ngược lại, nếu Dân chưa được phúc quyết Hiến pháp thì cũng có nghĩa là Dân chưa trao quyền lực của Dân cho Nhà nước bằng một văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp.
Sửa đổi Hiến pháp lần này cần giao lại quyền phúc quyết cho dân như Hiến pháp 1946 đã quy định cho đúng với bản chất của thể chế cộng hòa hoặc dân chủ cộng hòa, hoặc cộng hòa xã hội chủ nghĩa....
- Tóm lại, ông muốn gửi gắm điều gì trong lần sửa đổi Hiến pháp sắp tới?
Tôi muốn gửi gắm nhiều điều, muốn được trở lại rất nhiều điểm tiến bộ, hiện đại của Hiến pháp 1946. Đó là những vấn đề về: Dân chủ, Cộng hòa, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.
Trên đây tôi chỉ nhấn mạnh có ba vấn đề:
1/-  Dân được quyền phúc quyết Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, để cho đúng nghĩa với thể chế Dân chủ Cộng hòa, Dân là chủ đích thực của đất nước.
2/-  Quyền của nguyên thủ quốc gia cần được tập trung hơn, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan hành pháp.
3/-  Phân công và kiểm soát quyền lực cần được cân bằng hơn, nhằm phòng ngừa sự lạm quyền và thoái hóa quyền lực, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và cơ hội trong hệ thống chính trị.
Tôi hy vọng tới đây, nhân dân ta sẽ được hưởng quyền và làm nghĩa vụ của người chủ đích thực của đất nước là: Tham gia ý kiến và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này.
- Xin cám ơn ông!
NGUỒN: http://www.tuanvietnam.net/2010-06-24-cuu-chu-tich-quoc-hoi-ban-viec-sua-hien-phap

[1] Báo Nhân Dân số cùng ngày (trang 1 và 4).
[2] Bác Hồ chưa bao giờ nói những câu triết lý trừu tượng thế này. Học Bác, thiết nghĩ cần học ngay những điều như thế này (THT).
#1
    Pe An 07.07.2010 09:18:49 (permalink)
    Pé An tặng Bác nhà văn hai câu phía dưới chữ ký của Pé An  Bác nhà văn nghiên cứu kỹ đi
     
    Hạng Võ Anh Hùng Ngộ Thiên Không táng quốc
    Thạch Sùng Hào Phú Phùng Địa Kiếp vong gia
     

     
    Pé..!
     
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9