Luật Làm Thơ
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 21 trên tổng số 21 bài trong đề mục
Trần Mạnh Hùng 16.07.2006 01:40:52 (permalink)
0


Trích đoạn: VuTuanAnh

bà con cho tôi hỏi chút?
Cái thơ ông Lưu Quang Vũ và cụ Lê Đại Thanh làm theo luật thơ gì mà tôi chưa có được coi há? Chắc họ có luật riêng?


Bạn thân

Khi bạn nêu ra câu hỏi thì chắc chắn bạn đã có câu trả lời rồi.

Hai ông Lưu Quang Vũ và Lê Đại Thanh nếu là những người nổi tiếng vang danh bậc THI HÀO như cụ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến vân vân và vân vân...chắc chắn mọi người theo chân hai ông để học hỏi rồi ( trong đó có cả tôi ).

Như tôi đã trình bày với bạn văn thơ mỗi người mỗi sở trường, mỗi sự rung cảm không ai giống ai, không thể ép tha nhân làm theo ý mình được, trừ khi ai đó tâm phục khẩu phục thì không kể

Có những bài thơ rất tầm thường đối với người khác, nhưng riêng cá nhân tôi thấy hay, thấy cảm thông được từng lời, từng ý, thì bài thơ đó quả là tuyệt diệu.

Mình không thể nào phán đoán bài thơ này dở hơn bài thơ kia, thể thơ này kém phóng túng hơn thể thơ kia cái đó tuỳ theo ý thích, quan niệm của cá nhân mà thôi.
Chào bạn
Trần Mạnh Hùng
#16
    Viet duong nhan 18.07.2006 03:17:13 (permalink)
    0
    Chào ACE bạn thơ !
    Theo vdn nghĩ : Nên đóng Topic này lại là vừa rồi đó.
    Chúc tất cả an vui.
    VDN
    #17
      Viet duong nhan 23.07.2006 01:43:25 (permalink)
      0
      (Bài của Nguyên Đỗ)

      Chào tất cả anh chị em,

      Bài của anh Nguyễn Vũ Văn do chị Việt Dương Nhân góp nhặt về hay lắm, tạo cho chúng ta những người đã, đang hay sẽ làm thơ một ít khái niệm về kỹ thuật thơ.

      Theo thiển ý của ND là một người yêu chuộng thơ, đọc thơ và cũng làm thơ chút chút thì thơ phải có hồn, có vần, có điệu, có luật, dù là luật cũ hay luật mới, ngay cả khi viết văn cũng có những qui tắc mình phải tuân theo để đem tác dụng văn tới đỉnh cao, chứ không phải bạ đâu viết đấy, viết cho lạ cho kêu thì đã là sáng tạo.

      Đa số chúng ta đều là những người viết mãi mà nên, cuốc mãi mà thành, chứ không phải ai cũng là thiên tài xuất khẩu thành thơ như Tào Thực. ND dám bảo đảm là Tào Thực nhỏ tuổi nhưng đã đọc cả ngàn bài thơ rồi mới có khả năng bước một bước làm một câu thơ.

      Thơ xuất phát tại hồn, nhưng người viết phải bỏ công ra mài giũa, trau chuốt cho có vần có điệu, ngôn từ thanh thóat cho người đọc cùng cảm nhận ý mình, đồng cảm với tiết điệu tâm hồn mình lãnh nhận.

      Thời Thơ Mới xuất hiện đã có cuộc tranh chấp lớn giữa phái Thơ Cổ ( các loại thơ Đường Luật, Lục Bát, Song Thất Lục Bát...) và phái Thơ Mới ( thơ tự do kiểu tám chữ, bảy chữ, sáu chữ ...) khiến thi ca Việt Nam tiến thêm một bước nữa, bây giờ có trường phái Tân Hình Thức ra đời cũng gây rầm rộ khắp nơi...

      Thơ bao giờ cũng biến chuyển với thời gian, phải uyển chuyển như sông như suối, hòa nhịp với bước tiến của dân tộc, cuộc đời mới ra tới biển cả thi ca. Thơ phải đổi mới với thời cuộc. Thơ chỉ chú trọng vào mới lạ, không lấy hơi thở từ thực tế cuộc sống sẽ khó mà tồn tại, hay có một người bạn thơ nói với tôi "Thơ chết"! Chúng ta không nên công kích lối thơ này, lối thơ nọ mà hãy đọc những bài thơ của từng lối thơ, để riêng bài thơ đó nói với hồn mình, để mình cảm nhận tứ thơ từ người viết. Không phải trái cam nào cũng ngọt dù cùng một gốc cam, có trái cam xanh đắng ngắt, có trái chua lè, trái vừa độ chín thì ngọt tuyệt, chứ trái chín quá lâu có khi lại ủng.

      Cá nhân tôi thấy lối thơ cũ như Thất Ngôn Tứ Tuyệt, Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật, Ngũ Ngôn Đường Luật, Lục Bát, Song Thất Lục Bát, hay các lọai thơ tư do mới đã được thử luyện với thời gian và đã thành công rực rỡ, các bạn mới làm thơ nên học hỏi trong đó trước rồi từ từ tiến, trước khi xông pha vào chiến tuyến Tân Hình Thức vì luật lệ chưa hẳn hoi và cũng chưa có gì để bảo đảm sống mãi trong lòng nhân dân trong nước và Việt kiều trên các nẻo đường thế giới. Đừng ỷ y ta mới theo mới khi không nắm vững luật cũ đã được rèn luyện từ bao đời.

      Thơ là hồn mình, mỗi người nên thận trọng chọn khuôn mẫu thuyền thi ca để đóng chiếc thuyền thơ bền chặt vững chắc đưa mình đi tới vùng trời ước mơ, đừng vội vã đóng bậy bạ mà chết chìm! Cầu chúc anh chị em sáng tác vui vẻ hòa nhã và sáng tạo.


      Nguyên Đỗ
      #18
        Viet duong nhan 27.11.2006 19:43:14 (permalink)
        0
        việt dương nhân Sưu tầm
         

        THƠ VIỆT NAM

        Thơ Việt Nam khác với Thơ của Tàu (Trung Hoa) ở điểm:
        - Thơ Việt Nam vừa có cước vận vừa có yêu vận.
        - Thơ của Tàu chỉ có cước vận mà không có yêu vận.

        Thơ Việt Nam chính tông có 2 thể:
        - Thơ Lục Bát.
        - Thơ Song Thất Lục Bát.


        1. THƠ LỤC BÁT

        Lục là 6, Bát là 8.
        Thơ lục bát là thể thơ khởi đầu bằng một câu 6 chữ rồi câu kế tiếp là 8 chữ. Và cứ liên tục như vậy hoài cho đến hết bài thơ.
        Bài thơ lục bát muốn dài ngắn bao nhiêu câu cũng được, không hạn định số câu. Nhưng khởi đầu phải là câu 6 chữ và cuối cùng phải là câu 8 chữ.

        Luật của thơ Lục Bát được định như sau:

        b - B - t - T - b - B
        b - B - t - T - b - B - t - B


        Bằng viết tắt là b - B
        Trắc viết tắt là t - T
        b và t nhỏ (không viết hoa) thì Bằng hay Trắc gì cũng được.
        B và T lớn (viết hoa) bắt buộc phải giữ đúng luật Bằng Trắc như đã định.

        Chúng ta có thể nhớ luật bằng trắc của thơ lục bát như sau:

        Tiếng thứ 1, 3, 5, 7 của câu Lục và câu Bát không cần giữ đúng luật Bằng, Trắc.
        Tiếng thứ 2, 6, 8 của câu Lục và câu Bát bắt buộc phải giữ đúng luật Bằng.
        Tiếng thứ 4 của câu Lục và câu Bát bắt buộc phải giữ đúng luật Trắc.
        Vần: Trong thơ lục bát, tiếng thứ 6 của câu 6 phải vần với tiếng thứ 6 của câu 8, rồi tiếng thứ 8 của câu 8 phải vần với tiếng thứ 6 của câu 6 kế tiếp theo sau. Và cứ tiếp tục tuần tự như vậy hoài cho tới hết bài thơ.

        Thí dụ như 4 câu thơ sau đây:

        Ta cùng uống nước sông Tương
        Trông nhau chẳng thấy nhớ thương dạt dào
        Chập chờn trong giấc chiêm bao
        Đôi nơi cách trở kiếp nào mới nguôi



        GHI CHÚ QUAN TRỌNG:
        Trong thơ lục bát, nếu tiếng thứ 6 của câu bát là KHÔNG DẤU thì tiếng thứ 8 (cũng của câu bát) phải là DẤU HUYỀN.
        Ngược lại, nếu tiếng thứ 6 của câu bát là DẤU HUYỀN thì tiếng thứ 8 (cũng của câu bát) phải là KHÔNG DẤU.

        (ÐÓ LÀ LUẬT BẮT BUỘC)


        Thanh
        Thanh là những tiếng phát ra nghe được khi chúng ta nói hoặc đọc.
        Thanh có 2 loại:
        - Thanh Bằng.
        - Thanh Trắc.

        Thanh bằng là những tiếng không dấu và những tiếng có dấu huyền. Thí dụ: ăn, đi, nằm, ngồi ...

        Thanh trắc là những tiếng có dấu sắc, hỏi, ngã, nặng. Thí dụ: nói, đứng, đỏ, lửa, diễm, nhuyễn, lạnh, nguội ...

        Vần
        Vần là những tiếng khi phát âm nghe cùng âm hưởng với nhau. Vần được tính từ nguyên âm đầu tiên của một từ (bỏ phụ âm đầu ra không tính).
        Chúng ta có thể khái niệm vần là những từ same sound và same spelling.
        Thí dụ:
        Thương, trường, sương, đường, vương ...

        Sinh, đình, minh, tình, chinh ...
         
        2. THƠ SONG THẤT LỤC BÁT

        Song thất lục bát:
        Song = 2, thất = 7, lục = 6, bát = 8.
        Song thất lục bát là thể thơ mà hai câu đầu 7 chữ, gọi là Song thất.
        Liền theo là một câu 6 chữ và một câu 8 chữ, gọi là lục bát.

        Thơ song thất lục bát là bài thơ khởi đầu bằng hai câu 7 chữ, rồi tới câu 6 chữ kế tiếp là câu 8 chữ. Rồi trở lại hai câu 7 chữ tiếp theo câu 6 chữ cuối cùng là câu 8 chữ. Cứ luân phiên như vậy hoài cho tới khi chấm dứt bài thơ.
        Cũng như thơ lục bát, thơ song thất lục bát dài ngắn bao nhiêu cũng được, không hạn định số câu, nhưng bắt buộc phải khởi đầu bằng hai câu 7 chữ rồi liền theo hai câu lục bát cuối cùng.

        BẢNG LUẬT:

        b - t - T - b - B - t - T
        t - b - B - t - T - b - B
        b - B - t - T - b - B
        b - B - t - T - b - B - t - B


        Ghi chú:
        - Chữ B và T (lớn) bắt buộc phải giữ đúng luật bằng trắc.
        - Chữ b và t (nhỏ) muốn bằng hay trắc gì cũng được (không cần phải giữ đúng luật).

        Cách gieo vần:
        - Tiếng cuối của câu thất đầu là thanh trắc phải vần với tiếng thứ 5 câu thất kế cũng là thanh trắc
        - Tiếng cuối của câu thất kế thanh bằng phải vần với tiếng cuối của câu lục cũng là thanh bằng.
        - Tiếng cuối của câu lục vần với tiếng thứ 6 của câu bát (đều là thanh bằng).
        - Tiếng cuối của câu bát vần với tiếng thứ 5 của câu thất tiếp theo (đều là thanh bằng), và cứ như vậy mà tiếp tục làm hoài dài bao nhiêu cũng được.

        Bài thơ thí dụ để minh hoạ:

        Sầu chia cách nụ cười tắt lịm
        Hoa lục bình nở tím ven sông
        Thuyền ai lơ lửng xuôi dòng
        Hoàng hôn buông xuống cõi lòng quạnh hiu

        Con sông vắng bóng chiều hiu hắt
        Nhịp cầu tre ai bắc đong đưa
        Quê nghèo nắng nhạt mưa thưa
        Hàng cau thương nhớ bóng dừa vấn vương


        Hoàng Thứ Lang
        #19
          Viet duong nhan 31.03.2011 03:15:55 (permalink)
          0
          Thi ca và nghệ thuật

          Nơi xuất phát ra thơ



          Tứ diệu đế: Đất – Nước – Gió – Lửa, tạo nên đời sống vạn vật và con người. Nó cũng tạo nên Thơ. Tinh túy thơ từ đó phát sinh. Và con người biết khai thác, tận dụng làm sinh thú

          Thơ...

          cho đời sống tinh thần của mình.
           
          Nguyên lý của Trời đất tự bao giờ có. Chẳng ai biết, rồi nó ban phát cho muôn loài, được gọi là thiên nhiên. Sông núi hữu tình, hoa nở bốn mùa thắm xinh, khí trời nóng ấm, mát lạnh. Chất thơ mênh mang không thể thiếu hòa quyện vào đời sống, tâm hồn con người, để con người vui sống, sinh tồn hiện hữu và hưởng thụ. Người ta gọi đó là nghệ thuật mà nghệ thuật là cái đẹp. Thi ca là cái đẹp. Những tác phẩm được gọi là nghệ thuật đều tỏa ra ngạt ngào vẻ đẹp.
          Tứ diệu đế thăng hoa thành cái đẹp, mà con người phải tìm kiếm. Đi tìm cái đẹp, dĩ nhiên cái đẹp là một sự vật đã có sẵn. Có sẵn không phải là nó lộ diện, hiện hình, mà ta phải đi tìm kiếm. Đi tìm bằng cách sáng tác. Người sáng tác là nghệ sĩ. Nghệ sĩ tạo nặn ra, làm ra, tìm ra cái đẹp để đáp ứng, cầu toàn cái nhu cầu đời sống tâm linh. Do vậy mà người nghệ sĩ là người suốt đời đi tìm. Họ tìm trong thiên nhiên, Trời đất con người. Họ tìm nơi chính họ. Cào cấu nơi chính tư duy của họ. Họ gào thét từ niềm đau, từ trong sâu thẳm cuộc sống để làm nên nghệ thuật. Vậy thì tính chất của nghệ thuật được gạn lọc từ nơi chốn xù sì nhất, ảm đạm nhất, hoang vu nhất. Nó được lấy ra từ một hố thẳm nào thâm sâu nơi con người. Một nơi tăm tối nào từ vực sâu, rồi người nghệ sĩ dùng tài năng, kiến thức của mình mài dũa, gột rửa, lau chùi rồi nó sẽ được ban cho một thứ ánh sáng huyền diệu, một thứ hào quang đặc biệt nào mà người nghệ sĩ hà hơi vào, biến nó thành cái đẹp. Họ không thể dễ dàng kiếm ngay ra được một thứ vật quí hiếm, mà phải cất công đi tìm khó nhọc, có khi cái giá phải trả bằng máu hay bằng mạng sống của họ!
          Chúng ta thấy người nghệ sĩ điêu khắc, từ khi nắm một vật vô tri, vô hình như thỏi đất đá, gỗ sắt, không phải anh làm chỉ ngày một ngày hai, mà nó trở thành ra pho tượng nghệ thuật theo ý mình. Người họa sĩ đứng trước một khung vải cũng phải ưu tư, tìm tòi, để kiếm ra một đường nét, một mầu sắc, một bố cục cho riêng minh. Cái bố cục và đường nét của bức tranh làm cho bức tranh độc đáo, bắt mắt người thưởng ngoạn, phải tốn biết bao lần phác họa, có khi vẽ đi vẽ lại, thử nghiệm mệt mỏi, si mê điên dại mới vừa ý. Phải tìm để mong bắt gặp một nguồn ánh sáng phép lạ nào soi chiếu vào người mẫu, vào cảnh vật hữu tình, làm hứng khởi. Vóc dáng mà anh vừa tìm thấy, hay khuôn mặt vừa bắt gặp trong trí tưởng trừu tượng hay hiện thực mà anh cho là nghệ thuật. Ôi chao! Bao nhiêu là khổ cực và nhẫn nại mà kể.
          Nhà văn cũng vậy, khi đặt bút viết, anh ta phải suy nghĩ, ưu tư với đề tài mà mình sẽ viết ra. Văn thể, cốt truyện, bút pháp, sao cho câu văn chữ nghĩa lôi cuốn người đọc. Anh ta phải biết gieo hạt mầm sự sống vào tác phẩm thì nó mới thật, mới linh động, lúc đó người đọc mới khám phá ra được sự diệu kỳ của văn chương. Còn người làm thơ, đi tìm tứ thơ, đi tìm ngôn ngữ, nhạc tính cho thơ. Anh ta đi tìm cái gợi hứng, cái xúc động, nguồn cảm hứng để viết nên bài thơ, mong làm rung động lòng người, là người phải sống thực trước đã. Làm thơ mà thiếu cái cảm xúc thực của đời sống, thì không thể gọi được là một thi sĩ tài năng. Bài thơ mà không rung động được lòng người thì chỉ là một bài thơ vô hồn, một bài thơ vô hồn là một bài thơ chết. Nó chỉ là một cái xác chữ không hơn.
          Nghệ thuật viết văn, tính chất của sự thật dù là hư cấu trong tác phẩm tự nó đã nói lên giá trị cái phẩm hàm để cảm hóa và thuyết phục người đọc. Nghệ thuật phải vượt lên cao hơn lòng thù hận. Vì lòng thù hận chỉ là cái ngã tầm thường, nó làm giảm đi cái giá trị lớn lao của văn chương, của tác phẩm. Nó là mớ bòng bong để tuyên truyền. Nội lực tài năng và bản lãnh của nhà văn là ở chỗ đó. Tư cách là ở chỗ đó.
          Có không ít bài thơ mà chúng ta thấy, chữ nghĩa quá mầu mè ướt át, hay người làm thơ dùng chữ cầu kỳ giả tạo, cốt để làm dáng uyên bác rởm. Ý nghĩa thì vô hồn, tẻ hạt, không có tăm dáng của cảm xúc.
          Chúng ta nên nhớ, thơ không dựa và gối đầu lên thứ lý trí vô tri nhạt nhẽo, mà cái nôi của thơ là chiều rộng của cảm xúc và tư tưởng. Thơ dù là thơ Tự do, thơ Đường luật, thơ tiền chiến hay thơ Tân Hình thức (THT), thơ không thể nào là một chuỗi tự sự, kể lể dài dòng, thiếu ẩn dụ gợi mở.
          Thơ THT Việt thời gian gần đây sa đà vào một khuyết điểm lớn là: kể chuyện dài dòng, lê thê. Hơn thế nữa thơ THT lại câu nệ vào số chữ trong câu như 7 chữ hay 8 chữ, giống và rập khuôn thơ Tiền chiến, khiến người đọc và nhất là người làm thơ rất khó chịu, vì sự gò bó vào số chữ qui định trong mỗi câu thơ. Nó làm mất sự tự do lẫn cảm hứng khi làm thơ.
          Tuy nhiên thơ THT khác thơ vần Tiền chiến là: nó không lệ thuộc vào vần bằng trắc nên người ta còn gọi là thơ không vần. Là thơ không vần thì chỉ loại bỏ được việc gò bó vần điệu, khỏi phải đi tìm chữ để cho đúng vần khi đi tìm ý thơ để câu thơ không bị ảnh hưởng cảm hứng. Nhưng ngược lại, THT tự sự, kể lể như đã nói ở trên nên nó thiếu chất thơ, ít nhạc tính. Thơ THT giống như một đoản văn ngắn. Thiển nghĩ những người thích làm thơ THT Việt cần phải khắc phục để sự phát triển lâu dài và người thưởng ngoạn không bị nhàm chán.

          Nên chăng, người làm thơ THT nên loại bỏ một số chữ qui định mỗi câu thơ. Nghĩa là không ấn định số chữ qui định trong mỗi câu thơ, nhưng vẫn giữ cách xuống hàng đột ngột khi câu chưa hết ý. Chúng ta có thể hiểu như là cách làm thơ Tiền chiến phá thể?
          Những người thao thức cách tân thơ, làm mới thơ, đó là một cần thiết trong nghề thơ, trong nghệ thuật thơ. Chúng ta trân trọng những nhà thơ có tâm huyết đó. Sáng tạo có nghĩa là làm mới. Vì khi họ không làm mới được nữa, thì sáng tạo cũng không còn tiếp tục được. Lúc đó việc làm thơ cũng chỉ là một việc làm giống như loài trâu, bò nhai lại cái bã của mình và của người khác đã nhả ra.
          Còn nhớ hồi gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc còn sinh tiền ở Sài Gòn, tôi hỏi. “Sao lúc này anh lại vẽ bộ bỏ viết nhạc rồi sao? “Anh trả lời.” Mình viết nhạc lúc này gặp bế tắc, nên quay sang vẽ một thời gian xem sao. “Cách trả lời đó là lòng tự trọng và khiêm nhường của một người nghệ sĩ lớn.
          Những năm sau này âm hưởng dòng nhạc họ Trịnh lan tràn khắp nơi, khiến nhiều người viết nhạc bắt chước, nhái theo âm giai, cung điệu âm nhạc của anh. Ngay cả những người đã có tiếng tăm. Họ quên rằng mỗi người sáng tạo, tác phẩm làm ra phải có một cá tính riêng thì mới được gọi là căn cước của người nghệ sĩ ấy. Người ta không ngạc nhiên khi thấy giới sáng tác âm nhạc Việt Nam đi thụt lùi so với giới nghệ sĩ biểu diễn.
          Nhưng làm mới nghệ thuật đến đâu? Làm mới đến chừng nào là do tài năng của người nghệ sĩ ấy thuyết phục thì việc làm mới đó mới có ý nghĩa.
          Trong ý nghĩa làm mới thơ, không phải cứ nghĩ ra được một thể thơ mới thì mới gọi là làm mới thơ, là Cách tân thơ. Không phải bất cứ lúc nào, hay bất cứ ai cũng có thể phát minh ra một thể thơ mới được, một trường phái mới được.

          Bất luận một thể thơ nào cũng có thể làm mới. Làm mới ở đây là làm mới ngôn ngữ, làm mới thi pháp, làm mới hình thức, làm mới nội dung, ý nghĩa bài thơ.v.v…


          Thơ vần
          Lâu nay tôi làm thơ Tự do mà không làm thơ vần. Không làm thơ vần, không có nghĩa là bỏ hẳn, là đành đoạn chia tay. Lâu lâu không làm, lắm khi cũng nhớ. Như nhớ một người con gái đã xa. Đến một lúc nào ngồi buồn một mình, suy nghĩ vẩn vơ lại mong có dịp gặp lại.
          Dẫu biết thơ vần như Lục bát, thơ 7 chữ hay 8 chữ Tiền chiến, nó giống như một cái hkhuôn bánh đã có sẵn. Cách làm thì giống như một thứ bột đã xay nhuyễn, nhồi bóp theo một loại công thức, rồi đổ vào khuôn, nó sẽ cho ta một loại bánh giống nhau. Tuy vật liệu có gia giảm để làm khác đi mùi vị, nhưng hình thức cái bánh thì cùng một loại. Để tránh đi nhàm chán, người làm thơ phải biết cách tân làm mới.
          Nói ngán thơ vần thì nói vậy. Nhưng tình cờ được đọc một bài thơ vần hay thì cũng rất là thú vị. Do vậy mà duyên nợ với thơ vần, không thể nào bỏ được. Lúc buồn tình cũng thỉnh thoảng ngâm nga đọc lại, rồi khi có hứng thì cũng bằng bằng trắc trắc, tìm chữ gieo vần. Thế là ta lại tình ý với nàng vui vẻ, mà bấy lâu nay ta đã ngoảnh mặt như một kẻ phụ tình. Cứ thế cuộc đời làm thơ của tôi luôn luôn “diễn biến một cách phức tạp“.
          Trong một bài tiểu luân về thơ trước đây tôi có viết rằng: Làm thơ Tự do. Thơ vần hay thơ THT, tùy theo thời gian hay nhu cầu cảm xúc của tâm hồn mà người làm thơ xử dụng một thể thơ nào cho phù hợp với tâm hồn cảm nhận vào thời gian lúc đó, chứ không nhất thiết là phải làm một thể thơ nào nhất định. Người làm thơ thường thay đổi tâm tánh, nghĩa là thay đổi cái tâm cảnh lúc làm thơ.
          Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền được coi như là nhà thơ Tự do. Ông là một trong những nhà thơ cách tân “cách mạng “nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam. Nhưng đến khi vào tù ông lại quay sang làm thơ vần. Khi sang Mỹ ông mới cho in một tập thơ vần lấy tên là: Thơ Ở Đâu Xa, là như vậy chứ không phải là một lý do nào khác.
          Có lắm người suy luận theo ý mình và cho rằng ông làm thơ vần ở trong tù, mục đích là cho dễ nhớ, dễ thuộc! Hay là ông bỏ lối thơ Tự do hiện đại để quay trở lại với lối thơ cũ.


          Làm nghệ thuật khó hay dễ
          Có người hỏi tôi: Làm thơ có khó không? Tôi xin trả lời: Bất cứ là làm việc gì, nếu không biết thì đều khó cả, huống chi là làm nghệ thuật. Làm thơ là làm nghệ thuật. Vẽ tranh là làm nghệ thuật. Viết nhạc là làm nghệ thuật. Nhưng làm nghệ thuật phải cho ra là làm nghệ thuật, nghĩa là phải vẽ cho đẹp, viết cho hay. Làm nghệ thuật như thế thì khó. Rất khó. Còn nếu làm dở, thì dễ ẹc. Vì nó đâu phải là nghệ thuật!
          Thế nào là thơ dở? Thơ dở trước tiên là một bài thơ không có hồn. Đọc lên không gây được cảm xúc. Nó bắt chước, rập khuôn, vần vè. Thứ thơ ghép chữ dễ dãi. Nó chắp vá những từ ngữ sáo mòn cũ rích với nhau sao cho có vần để người nghe được xuôi tai, câu trên khớp với câu dưới về bằng trắc, mà không cần một cảm xúc nào, một ý tưởng nào.
          Còn thế nào là một bài thơ hay thì cũng khó nói, nó tùy cảm nhận nơi người đọc. Nhưng theo tôi, trước hết muốn làm được một bài thơ hay thì bài thơ đó phải đánh động được lòng người. Khi mình đọc bài thơ đó lên, bài thơ phải gây được xúc dộng, xúc động trong cảm xúc, vì người làm thơ có nhận được cảm xúc thì khi viết ra mới làm xúc động lòng người. Đánh đánh động trái tim người thưởng ngoạn. Nói tóm lại người thi sĩ càng nhận được nhiều cảm xúc nghĩa là họ đặt cả tâm hồn mình vào được bài thơ, thì người đọc càng xúc động. Thế là một bài thơ có thể gọi được là hay. Tuy nhiên để gây được xúc động lòng người, nó còn phải hội đủ nhiều điều kiện khác như, ý tưởng, ngôn ngữ, thi pháp, lý luận.v.v… Nói chung, muốn làm được một bài thơ hay, thì người thi sĩ phải có năng khiếu, tài năng và nghiêm túc trong cách làm. Nghĩa là anh ta không được phép dễ dãi với chính mình. Không được theo đuôi hay bắt chước phong trào nhất thời của quần chúng.
          Sự dễ dãi làm thơ ở đây là cái hời hợt, cái lười biếng trong suy nghĩ của một người làm nghệ thuật thiếu tài năng, một người nghệ sĩ không chịu học hỏi. Đã là người nghệ sĩ tài năng, thì người nghệ sĩ đó phải chịu khó học hỏi suốt đời. Có học hỏi thì mới có sáng tạo. Sáng tạo ở đây là sáng tạo nên cái mới, cái tự mình nghĩ ra, tự mình làm ra, không giống những cái đã có, của những người đi trước. Nói như thế, không phải là chúng ta gạt bỏ không biết trân quí, gìn giữ những kinh nghiệm quí giá mà người xưa để lại.
          Cái nguồn cảm hứng của một người có tài năng, là họ biết học tập cái ý tưởng của những danh nhân bằng cách đọc sách hay nghiên cứu tìm tòi nghệ thuật trong thiên nhiên vũ trụ. Trong cái khuôn mẫu Thượng đế ưu ái dành cho con người, mà kinh nhà Phật gọi là Tứ diệu đế: Gió – Lửa  – Nước – Đất đã có sẵn, như đã nói ở trên. Có như thế thì ta mới hiểu được sự mầu nhiệm của nghệ thuật. Nó là phần cứu cánh của tâm linh con người. Đó cũng là ý nghĩa sống của người văn nghệ sĩ trong các môn nghệ thuật.
          Nghệ thuật còn là sự nhạy bén và chắt lọc những suy tưởng triết lý và văn học trong đó: nghệ thuật nghe, nghệ thuật nhìn và nghệ thuật ẩm thực. Tất cả đều là một thứ nghệ thuật sống. Đó là văn học, là linh hồn của loài người. Thứ tinh thần không thể thiếu, và tốt đẹp không gì sánh nổi.
          Trong các loại hình nghệ thuật, thi ca là vị vua, là vương giả của các loại hình nghệ thuật. Vì thi ca là linh hồn cái đẹp của những cái đẹp. Nó là tiếng nói của ngợi ca. Chỉ có con người mới nhận thức được thi ca và biết dùng thi ca để ca ngợi sự vật, ca ngợi con người. Sự thanh khiết đó làm chuyển hóa vũ trụ và nó cũng dùng để làm thăng hoa con người. Trong muôn vàn cái đẹp của sự thăng hoa, thì Mỹ nhân là sự tột cùng trong hết thảy cái đẹp đê thi ca ngợi khen.
          Ở đây chúng ta đang thảo luận về nghệ thuật thi ca. Về một người làm thơ và cái khó hay dễ trong việc làm thơ. Cái đề tài về thơ thì thật là đa dạng, thú vị và được nhiều nhà phê bình nói đến. Vì ở nước ta rất nhiều người thích làm thơ, nhưng lại rất ít người am hiểu về thơ, họ coi thơ chỉ là thứ gì dễ tiêu khiển, là một nghệ thuật dân gian tầm thường. Những người ít học những nông dân hay ngay cả đứa trẻ chăn trâu chăn bò, cũng có thể biết làm thơ, dù chỉ là vọc vạch vần vè. Nhưng để phân biệt được thơ hay vần vè thì họ lại không phân biệt được. Nghĩa là họ làm thơ theo một thứ quán tính nào đó đã có từ thủa ấu thơ.
          Trong văn học Việt Nam, những nhà thơ có thực tài để chọn lọc ra được những bài thơ hay thì không nhiều so với số lượng người làm thơ rất đông.
          Làm được thơ hay để được công nhận là một nhà thơ, không phải người làm thơ nào cũng có thể đạt được. Trước hết vị đó phải là một người có năng khiếu bẩm sinh, phải là người có học vấn, có kiến thức rộng, là người có tâm cơ, có tấm lòng nhân ái đối với tha nhân và sau hết phải là người yêu thơ, đến sống chết với thơ trong mọi hoàn cảnh. Thì đó mới gọi được là một nhà thơ có thực tài. Xứng đáng được người đời tôn vinh là thi sĩ.


          Sáng tạo và nghệ thuật
          Sáng tạo là tự mình nghĩ ra, tự mình làm ra, như đã dẫn ở trên. Đó là những người làm nghệ thuật.
          Người sáng tạo thơ nhìn sự vật bằng trực giác, bằng sự đơn sơ tự nhiên như những bông hoa, đến độ thì nở ra, như khói sương u trầm đỉnh núi. Nó tự nhiên như nhiên, giống nụ cười của bé thơ. Người sáng tạo không biết lý luận và giải thích bằng lý trí khi anh ta, chị ta đang sáng tác. Lúc mà họ chỉ còn nỗi đam mê tột cùng, say đắm tột cùng. Nhà thơ lúc đó chỉ biết viết ra những gì vừa nảy sinh, trong phút giây linh diệu. Nỗi ngẫu hứng tuôn trào cuồn cuộn thác đổ, như một làn khói xanh, bềnh bồng như áng mây đang bay lượn vô tận trên trời. Những câu thơ, chữ nghĩa tượng hình trong tâm hồn người thi sĩ lúc đó hầu như bất diệt. Nó hiện ra, tuôn ra, tuôn trào khí phách không sao kìm giữ được. Lúc đó không có luật tắc, không có lý luận, chỉ có nỗi cô đơn thăm thẳm trong phút giây linh hiện ở trạng thái ngây ngất, say mê, dồn dập và ngông cuồng. Bởi chàng đang được uống một thứ rượu hạnh phúc tuyệt vời, không gì sánh được của trần gian.
          Người làm thơ trực nhận sự vật, nên thở ra cái vừa lĩnh hội đã trực nhận. Cái mơ hồ lãng đãng kết nên một chữ, một câu, một đoạn. Trong khoảng không trừu tượng, nhiều khi lại đầy ắp tất cả. Nó chỉ muốn trào ra, phọt ra, chỉ muốn ban phát thứ gì đẹp nhất, thơ mộng nhất cho người vừa thụ nhận sự kết tụ, để họ viết ra cái nóng hổi từ con chữ được nâng nưu trân quí, mà thi sĩ gọi là thơ. Phút trừu tượng ấy hiện ra ở trong đầu rồi tỏa ra bát ngát ở trước mặt, ở chung quanh. Nó là một thực tại để sống, để bay lượn hiện hình. Nó đã trở nên một hiện thực sự thật, không còn là những hiện tượng vô hình. Nó là nguyên nhân làm nên người thi sĩ lúc bấy giờ, chứ tuyệt nhiên con người không thể nào làm nên hay tạo dựng nên thi sĩ. Cái thơ mộng không thể nào làm nên bằng lý trí được. Mà thơ mộng lại là cái chất của thi sĩ. Bởi tâm hồn của hắn được nuôi dưỡng bằng mật ong tình yêu. Bằng cỏ cây hoa lá, núi rừng và biển hồ, bằng khung trời lồng lộng. Và hơn thế nữa bằng sự tự do tuyệt đối! Tâm hồn ấy cũng được tạo thành bằng những âm thanh, bằng tiếng chim ca, tiếng suối reo, được hòa nhập vào cái đẹp của đất trời. Do vậy mà thi ca đã trở thành nghệ thuật làm đẹp cuộc đời. Chả thế mà nhà văn Dostoiepki của Liên Xô đã nói: “Cái đẹp cứu chuộc thế giới “.
          Những câu thơ hay đã làm rung động lòng người, mà người thi sĩ là tác nhân làm cho thiên nhiên có nhiều sức sống hơn, sinh động hơn và đẹp đẽ hơn. Một đặc điểm nữa trong việc làm thơ là sự nhìn thấy. Nhìn thấy những gì ẩn náu trong sự vật, làm cho sự vật hiện hữu hơn, hiện thực hơn, bát ngát hơn trong cõi thường hằng của sự suy tưởng. Nó tạo nên sự rung động sự vật cả ngoài hiện thể. Những câu thơ do vậy mà người xưa thường xuất khẩu thành chương, trong lúc cao hứng ngâm vịnh. Cái nhìn xuyên suốt không phải lúc nào cũng được xuất hiện. Nó chỉ ban phát cho người có một tâm hồn lớn lao, cho người có thực tài soi rọi những tâm lực yêu thương vào trong cuộc sống.
          Làm thơ cũng giống như yêu. Trong lòng cảm thấy thiết tha mãi, bâng khuâng mãi. Lúc nào tứ thơ cũng hiện hình như nhìn thấy người mình yêu ở trong sâu thẳm nhất, mênh mông nhất, dù người yêu ở nơi chốn nào không hiện diện. Ngay cả khi nhà thơ đang ngủ, hình ảnh cũng hiện về mê say. Tình yêu có khác chăng chỉ là sự nhớ thương. Vậy thì. Tình yêu là sự nhớ thương. Bởi hai người yêu nhau lúc nào họ cũng chỉ muốn sống bên cạnh người mình yêu, cho bớt nhớ thương! Nên xúc động của những người yêu nhau và thi sĩ thì cùng một tầng số.



          Làm thơ và tim hiểu thơ
          Hiểu về thơ đã, rồi mới làm thơ, hay làm thơ rồi mới tìm hiểu về thơ?
          Thường thì người ta làm thơ rồi mới tìm hiểu về thơ, đó là phần đông ở Việt Nam chúng ta. Nó không giống những nước phương Tây khác là, họ tìm hiểu về thơ rồi, biết thơ là gì rồi, họ mới làm thơ. Nghĩa là họ phải được học thi ca (poestry) ở trường lớp trước khi họ cầm bút làm thơ. Do vậy thường những nhà thơ của họ là những người có học thức uyên bác, có năng khiếu, là những người có tài năng thực sự. Ngay cả những vị vua chúa thời xa xưa cũng rất trọng vọng nhà thơ, thi sĩ tài năng được mời vào cung đình để đọc thơ cho vua chúa và các quan chức nghe Thời nay nhà thơ ở phương Tây vẫn còn được mọi người kính trọng. Thơ được mọi thức giả xem ngang hàng với Kinh Thánh. Được đọc vào những ngày lễ trọng đại của Quốc gia.
          Làm thơ rồi mới tìm hiểu về thơ. Chẳng là chúng ta nghe ca dao từ hồi nằm nôi. Bà ru, mẹ ru, chị ru. Thứ âm nhạc vần điệu nhịp nhàng, êm như gió thoảng, “ngọt như đường cát mát như đường phèn “, thấm nhuần trong dòng nước thánh tuổi thơ. Chả thế mà nó làm dịu đi niềm đau ngay lúc đứa trẻ mới chào đời. Lúc mà mẹ đi chợ xa chưa về kịp, lúc mà mẹ còn đang nhọc nhằn tỉa bắp trồng khoai ngoài đồng ruộng chưa về, lúc mẹ còn phải tảo tần buôn bán ngoài chợ. Niềm đau bé thơ là đói khát, hay khi trái gió trở trời. Những trận ban nóng ngút trời mà mẹ không biết làm sao để dỗ dành cho con nín, con ngủ, lúc đó thì câu ca dao của mẹ, của chị cất lên theo tiếng à ơi, vỗ về tâm hồn non nớt của con, của em. Và thế là thơ đã đưa con, đưa em đi vào giấc ngủ, vào cõi mộng mơ đầu đời. Thơ ca dao lúc đó là một phép lạ nhiệm mầu đi vào tiềm thức tuổi thơ, vỗ về tinh thần con trẻ, dỗ cho con trẻ khỏi khóc, dỗ cho con cười. Ca dao thần tiên hòa vào dòng sữa ngọt từ lúc con người vừa lọt lòng mẹ.
          Và như thế, ca dao, câu hò ở nông thôn đã là bản sắc cho con người Việt Nam ngay từ thủa sơ sinh cho đến khi khôn lớn. Lúc biết đọc biết viết thì cái hồn thơ nó đã nằm sẵn nơi tình cảm con người, nó mai phục một cách tự nhiên, một cách không có ý thức nơi con người. Vậy những câu ca dao đầu đời là gì? Đó là những dòng thơ lục bát, những câu thơ lấy trong kinh nghiệm đời sống nghệ thuật dân gian thường ngày. Cái đời sống ấy thế mà nó có tác dụng giáo dục con người, bởi thời xa xưa hay cận đại, mấy gia đình nghèo có tiền cho con đến trường đi học. Phải là những gia đình giàu có hay con nhà khá giả mới có tiền cho con đến thày Đồ học lấy dăm ba chữ Thánh hiền. Đa số những con nhà dân giả chỉ biết dạy con học đạo làm người bằng lời khuyên, bằng gương sáng của người xưa và bằng ca dao tục ngữ, bằng câu hát, câu hò .
          Những câu ca dao như: Công cha như núi Thái sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Hay, Có công mài sắt có ngày nên kim. Hay, Không thày đố mày làm nên.v.v… không biết có từ bao giờ. Có lẽ nó nó được lưu truyền từ lâu lắm. Nó có từ hàng ngàn năm rồi cũng nên. Cho nên người có học hay người không có học cũng biết thế nào là ca dao, tục ngữ và nôm na họ gọi đó là thơ. Đến khi có dịp ngẫu hứng, hay lúc “tức cảnh sinh tình”, thì người có năng khiếu, cứ theo vần bằng trắc mà làm thơ. Lúc đầu thì vò vẽ bằng trắc sao cho ăn khớp với nhau nhịp nhàng. Cứ câu trên bằng thì câu dưới trắc, theo mẫu ca dao đã có sẵn, chẳng cần biết thế nào là niêm luật. Còn hiểu thế nào là một bài thơ thất ngôn, ngũ ngôn hay lục bát thì rồi dần dà sẽ biết sau. Do vậy số rất đông người Việt Nam làm thơ vì đã được thấm nhuần ca dao mẹ từ trong máu thịt.


          Thơ tình
          Những người mới bắt đầu học làm thơ, thường thì họ hay làm thơ tình. Có phải làm thơ tình dễ làm không? Có thể. Khi đến tuổi dậy thì, trai gái yêu nhau muốn tỏ tình, ai mà không e thẹn run rẩy khi gặp cái người mà mình để ý, cái người làm mình sợ hãi. Cái người lỡ làm mình thương trộm nhớ thầm. Nhưng biết thố lộ cùng ai? Thôi thì ta làm ít câu thơ cho đỡ sầu “vạn cổ “rồi lén đem trao nàng vậy! Nếu sợ quá không biết nhờ cậy ai hay không dám đưa trao, thì đành bạo gan đánh liều chứ biết làm sao, thôi thì ta lén bỏ trộm bài thơ vào cặp của nàng lúc giờ nàng ra chơi!
          Tình yêu là mục đích và cứu cánh của con người đi vào đời sống. Vậy thì tình yêu là ý nghĩa của cuộc sống. Là nhu cầu cần thiết mà ai cũng phải khát khao. Một nhu cầu tâm linh cần được nuôi dưỡng để vượt thoát đớn đau tìm về cội nguồn hạnh phúc. Nó đương nhiên lớn lên theo sự phát triển thể chất và tinh thần, bởi nó muốn vượt thoát cô đơn, nó muốn được ve vuốt, mơn trớn không những của người thân yêu cốt nhục của mình, mà của cả tha nhân đồng loại. Đến một lúc nào đó, một phút giây nào đó nó muốn yêu thương và muốn được yêu thương. Tình yêu đến với con người ngay trước khi con người ý thức được về tình yêu. Nó đương nhiên như một nhu cầu sinh lý của đời sống.
          Cái sinh linh khi còn nằm trong bụng mẹ, lớn dần lên với tình mẫu tử cho đến khi nó ra đời, cái nhu cầu yêu thương ấy đã được ôm ấp nâng niu và được bảo vệ không ai có thể tách rời được tình yêu thương mẹ con. Cho đến tuổi thành niên, tình thương từ cha mẹ, anh em, chuyển sang một thứ tình yêu thương khác là tình yêu trai gái. Thế là những vần thơ khóc gió thương mây thành hình. Lúc đó đôi mắt của họ dõi theo một bóng hình nào mà họ thấy bâng khuâng, rung động rôi tương tư không phút nào nguôi. Những vần thơ tương tư đó bật ra, bởi một con tim đau khổ và sung sướng. Thơ bắt đầu đến với người muốn làm thơ từ đó.


          Thơ và đạo
          Tiến trình diễn tiến theo thời gian, người làm thơ bắt đầu làm thơ tình, nay đã có nhiều suy tư hơn, nhiều niềm đau hơn và nhiều kinh nghiệm hơn, tự nó dần chuyển sang một trạng thái suy tư về cuộc sống, về kiếp nhân sinh. Cái đòi hỏi đương nhiên của con người, đi từ tình yêu trai gái, tình thương ruột thịt tới một đời sống trọn vẹn hơn đó là một nhu cầu. Và bên kia cái đời sống đang cần, đi tìm câu trả lời và lý giải là một mong muốn cấp bách, bao la như một bầu trời. Con người cứ thắc mắc, cứ ưu tư, cứ đòi hỏi, mà nhu cầu trả lời về kiếp nhân sinh, cái kiếp cụ thể mà mình đang sống, thì không sao thỏa mãn được. Rất giới hạn. Con người càng lý giải và càng tìm cách trả lời thì những thắc mắc, những vấn nạn càng gia tăng. Càng lúc câu hỏi càng hóc búa, cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay cũng không thể trả lời thỏa đáng được. Vậy thì chỉ có thi ca chỉ có thơ, may ra mới giải quyết được phần nào cái vấn nạn, cái lý giải của sự tồn sinh của con người, mà mọi triết lý, mọi tư tưởng, văn chương, các loại hình nghệ thuật, hay khoa học trên trần gian này, xem ra bất lực! Tựu trung chỉ còn lại là một nguồn rung động là Thơ và Đạo (đạo lý làm người). Tiếng hát bâng khuâng của ngàn năm với thiên nhiên mưa nắng làm hạnh phúc cho đời sống tâm linh con người.


          Kết luận
          Thơ bắt đầu tri kỷ với con người như thế và kết thúc với tri kỷcủa nó là như thế. Cái học của người làm thơ, hay cái học vấn của con người nói chung. Cái cốt lõi không hẳn là tri thức, là kiến thức mà là cái đạo lý làm người.
          Cái đạo lý làm người mới xem qua thì thấy dễ học hơn là cái kiến thức chuyên môn về kỹ thuật của ngành học. Vì muốn nhận được sự hiểu biết có tri thức thì phải đến trường, đến lớp để học tập. Phải có điều kiện về tài chánh tiền bạc, sức khỏe.
          Còn cái đạo lý học làm người thì ai cũng có thể học được, không cần phải đến trường lớp. Nhưng để tiếp thu được cái đạo đức làm người đó. Thì lại rất là khó khăn. Nhiều người học hành đã thành đạt, làm ông nọ bà kia, tiền bạc dư giả, giầu có. Nhưng cái đạo lý làm người. Học không cần phải tốn tiền, thì chưa học được. Có khi đến hết đời, người đó vẫn trơ tráo làm một kẻ bất nhân!
          Cái loại bất nhân có học thức lại còn gây nguy hiểm hơn loại bất nhân không có học. Suy cho cùng, cái đạo lý làm người cũng xuất phát từ lòng yêu thương con người mà ra. Nếu không có tình yêu thương thì sẽ không nẩy mầm ra được đạo lý, sẽ không hiểu được cách làm một con người cho ra một con người, sẽ không hiểu được sự cao quí của con người hơn những sinh vật nào khác.
          Cách thể hiện lương tri đành rằng là do sự giáo dục, là do được giáo dục. Nhưng cái đạo lý và kiến thức phải đi song hành thì mới trọn vẹn. Bằng không thì cách chọn lựa, làm một con người có đạo đức vẫn xứng đáng hơn, làm người hơn, là làm một người có bằng cấp, có học vấn mà không có đạo đức. Vì đạo đức làm người là một hành vi của một tinh thần cao thượng. Đời sống vật chất ta có, nó phải gắn liền với đời sống tinh thần cao cả, thì mới gọi được là một đời sống con người đầy đủ. Đời sống đầy đủ vật chất và tinh thần là một là như vậy.

          Thơ và đạo bao gồm là nghệ thuật. Nghệ thuật hay cái đẹp CHUYỂN HÓA Thế Giới./.



          Nguồn : © Đàn Chim Việt
          http://www.danchimviet.info/archives/31083
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.06.2011 00:28:57 bởi Huyền Băng >
          #20
            Huyền Băng 30.06.2011 00:31:28 (permalink)
            0
            Mời các bạn tham khảo một số vấn đề niêm luật của Thơ đường luật qua
             
             
             (Võ Nhựt Ngộ - Lá Chờ Rơi)
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.07.2011 17:29:49 bởi Huyền Băng >
            #21
              Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 21 trên tổng số 21 bài trong đề mục
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9