LỄ HỘI TRONG NĂM: THÁNG 4
Chuột lắc 11.04.2006 09:50:46 (permalink)
Lễ hội đền Hùng




Thời gian: 8 - 11/3 âm lịch.
Địa điểm: Núi Nghĩa Lĩnh, Xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Đối tượng suy tôn: các Vua Hùng
Đặc điểm: Tế lễ và các cuộc rước thần, rước voi, rước kiệu... của các làng Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao, Cổ Tích...


Việc tế lễ được tổ chức rất trọng thể vào ngày chính hội (10/3), bắt đầu bằng lễ dâng hương có đại diện của Nhà nước, tại đền Thượng là nơi xưa kia vua Hùng tế trời đất. Ðồ tế lễ ngoài mâm ngũ quả còn có bánh chưng, bánh dày để nhắc lại sự tích Lang Liêu, cũng là nhắc nhở công đức các vua Hùng đã dạy dân trồng lúa.

Phần rước, có nhiều cuộc rước thần, rước voi, rước kiệu... của các làng Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao, Cổ Tích...

Sau tế lễ còn có múa hát xoan (ở đền Thượng), hát ca trù (ở đền Hạ) và nhiều trò chơi khác.

Hội đền Hùng không chỉ thu hút khách thập phương đến dự lễ bởi những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc mà còn ở tính thiêng liêng của một cuộc hành hương trở về cội nguồn dân tộc của các thế hệ người Việt Nam. Ðến hội, mỗi người đều biểu hiện một tình thương yêu, lòng ngưỡng mộ về quê cha đất tổ. Ðây là một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức mỗi con người Việt Nam, cho dù họ ở bất cứ nơi đâu.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.04.2006 10:08:02 bởi Chuột lắc >
#1
    Chuột lắc 11.04.2006 10:00:07 (permalink)
    LAI CHÂU

    Hội bắt cá của người Kháng

    Thời gian: 5/3 âm lịch.

    Địa điểm: Huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

    Đặc điểm: Bắt cá tập thể bằng tay, dâng cúng cá, ăn các món ăn bằng cá, múa hát giao duyên
    .

    -------------------

    BẮC NINH

    1. Hội làng Đại ThanThời gian: 10/3 âm lịch.
    Địa điểm: Làng Đại Than, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
    Đối tượng suy tôn: Cao Lỗ, tướng giỏi của An Dương Vương.
    Đặc điểm: Lễ rước thần của 7 làng cùng thờ Cao Lỗ và tổ chức đua thuyền trên sông Lục Đầu.

    2. Hội làng Quảng Lãm
    Thời gian: 5 - 12/3 âm lịch.
    Địa điểm: Xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
    Đối tượng suy tôn: Thành hoàng làng.
    Đặc điểm: Lễ tế thành hoàng vào buổi sáng, buổi chiều tốp ca nữ hát thờ thần ở đình. Trai gái hát giao duyên.

    3. Hội thả chim bồ câu
    Thời gian: 27/3 âm lịch.
    Địa điểm: Huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
    Đặc điểm: Thi từng đàn 10 con (5 đôi đực cái) vào cuối xuân, trời trong không mây, ít gió, mùa vắng bóng chim cắt, diều hâu (hay đánh chim bồ câu). Các vùng chơi nổi tiếng: Hoàng Mai, Đông Anh (Hà Nội), sông Đuống, Vùng Dâu (Bắc Ninh).

    4. Lễ hội đền Đô

    Thời gian: Từ ngày 15/3 đến ngày 19/3 âm lịch.
    Địa điểm: Làng Ðình Bảng, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 18 km.
    Đối tượng suy tôn: 8 vị vua nhà Lý.

    Chính hội là ngày 16/3, ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi, có lễ trình thánh, rước kiệu long trọng. Ðám rước với hàng vạn người tham gia từ chùa Kim Ðài đến đền Ðô (khoảng 3 km). Ði đầu đám rước gồm có một đoàn tướng võ, cởi trần, đóng khố, tay cầm truỳ đồng và hàng trăm quân sĩ đi theo. Tiếp đến là 100 người khiêng kiệu mặc áo đỏ, mũ đen. Ði đầu là kiệu của Thánh Mẫu có 18 nữ tướng theo sau rồi đến kiệu Bát Ðế, mỗi kiệu một con ngựa và có 16 nam tướng mặc áo đỏ. Sau cùng đoàn rước là các vị mặc sắc phục lễ hội, hương lão và dân làng dự hội, cờ lọng che rợp đồng nội, tiếng trống vang trời.

    Phần hội có các trò vui như chọi gà, thả chim bồ câu, thi đấu vật, hát Quan họ và nhiều trò vui khác.

    Du khách về dự hội đền Ðô, vừa được dâng hương tưởng niệm 8 vị vua nhà Lý, vừa được ghé thăm, vãn cảnh vùng đất Kinh Bắc. Ðám rước hội đền Ðô đã nói lên ý nghĩa thiêng liêng của ngày hội, vừa tưởng nhớ các nhân vật lịch sử, vừa khơi dậy lòng tự hào về cội nguồn phục hưng và thăng hoa của đất nước từ thuở Ðại Việt

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.04.2006 10:01:28 bởi Chuột lắc >
    #2
      Chuột lắc 11.04.2006 10:12:53 (permalink)
      NINH BÌNH

      Lễ hội Trường Yên

      Đối tượng suy tôn: Vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành.

      Thời gian: 9 - 11 tháng 3 (âm lịch). Chính hội 10 tháng 3.

      Địa điểm: Xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.

      Đặc điểm: Lễ rước nước và trò diễn cờ lau tập trận, kéo chữ.



      Hội Trường Yên diễn ra hàng năm vào đầu tháng ba âm lịch, chính hội ngày mồng 10 tháng ba, tại mảnh đất cố đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt xa xưa - nơi có đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Tương truyền, ngày 10/3 là ngày vua Đinh lên ngôi Hoàng đế.

      Hai nghi lễ trang nghiêm là lễ rước nước và lễ tế.

      Vào giờ phút thiêng liêng trong ngày 10 tháng 3, đoàn rước nước khởi hành từ đền vua Đinh Tiên Hoàng, đi đầu là cờ ngũ hành, cờ hành thuỷ (màu đen) đi giữa, sau đến đoàn múa rồng biểu hiện cho ý thức cầu nước và là biểu tượng vật thiêng (rồng vàng) từng cứu Đinh Tiên Hoàng thuở hàn vi; rồi tới phường bát âm đi hàng đôi, tiếp theo đến kiệu long đình do bốn chàng trai khiêng, trên đặt một cái choé để đựng nước Thánh, đoàn rước tiến về phía sông Hoàng Long.

      Khi đoàn rước đến sông Hoàng Long, xuống thuyền. Đoàn rước có một thuyền rồng (thuyền chính) chèo ra giữa sông làm lễ, sau đó thả đồ vàng mã và đồ lễ xuống sông tạ ơn Hà Bá. Tiếp đó người chủ tế thả một chiếc vòng tròn vải đỏ xuống dòng sông, nước được múc từ trong vòng tròn này, đổ vào choé qua một lớp vải đỏ trên miệng. Nước trong vòng tròn vải đỏ là được lọc qua lớp vải sẽ càng tinh khiết hơn. Khi nước đã đầy choé, các thuyền tản ra, quay mũi về bến, riêng thuyền rước choé nước còn quay sang bên trái rồi mới trở lại bến cũ và tiếp tục cuộc rước nước về đền.

      Lễ tế diễn ra vào ban đêm cùng lúc ở hai đền vua Đinh và đền vua Lê. Bài văn tế chia thành chín đoạn (cửu khúc). Sau khi chủ tế xướng xong một đoạn có hai người phường nhà trò (một nam - đàn; một nữ - hát) diễn giải lại nội dung đoạn văn tế bằng điệu ca trù. Kết thúc lễ tế, khách hành hương trảy hội vào điện thờ ở hai đền dâng hương làm lễ và chiêm bái di tích.

      Khách trảy hội có thể tham dự các trò vui, cuộc đấu như: võ, vật, đua thuyền, đu bay, hát chầu văn, bình thơ, thi thơ, trò kéo chữ, múa gậy, múa rồng, múa lân hoặc chơi cờ người...

      Độc đáo nhất của hội Trường Yên là trò "Cờ lau tập trận", diễn lại sự tích quãng đời chăn trâu thuở nhỏ của Đinh Bộ Lĩnh trên đất Trường Yên.

      Mùa xuân trẩy hội Trường Yên cũng là dịp du khách đi thăm di tích đền vua Đinh, đền vua Lê, thăm lăng vua Đinh trên đỉnh núi Mã Yên, độ cao khoảng 150m, tưởng nhớ về nguồn cội, tổ tiên - một vùng đất “địa linh nhân kiệt”.
      #3
        conbo2 11.04.2006 15:26:20 (permalink)
        Hải Phòng


        Hội đua thuyền rồng

        Thời gian: 1/4 dương lịch.
        Địa điểm: Thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng.
        Đối tượng suy tôn: Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến nghề cá.
        Đặc điểm: Đua thuyền kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà năm 1959 và cũng là ngày truyền thống của ngành thủy sản.


        Thuyền rồng đua biển có hình thoi dài 11m, rộng 1,5m được đóng rất kỳ công, chi phí lên tới trên 30 triệu đồng một chiếc. Mỗi thuyền có từ 22 đến 26 người. Mở đầu cuộc thi là tiết mục kéo co giữa các đội thuyền trên biển. Sau tiết mục kéo co là lắc thúng thuyền không mái của những người ngư dân đến từ vùng biển Nam Trung bộ. Tiếp đến là đua thuyền rồng. Đường đua dài 1km có cắm cờ báo hiệu ở hai đầu, thuyền đua sẽ phải đi 3 hoặc 4 vòng, thuyền nào về đích trước sẽ đoạt giải.
        Ngoài việc lựa chọn các tay chèo khỏe, người cầm lái được coi là quyết định sự thắng thua của thuyền, vì họ phải xử lý cực kỳ chính xác lúc vào cua, để cho chiếc thuyền dài hơn chục mét có thể vòng lại nhanh nhất.


        Thuyền ở Cát Bà

        Ngoài ra trong tháng này Hải Phòng còn có hội đình Như Thượng và hội Hạ Đôi
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.04.2006 15:28:29 bởi conbo2 >
        #4
          conbo2 11.04.2006 15:34:47 (permalink)
          Quảng Ninh


          Lễ hội Bạch Ðằng

          Ðịa điểm: Diễn ra tại xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh
          Thời gian: Ðược tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 3 (âm lịch) hàng năm, có năm kéo dài tới bốn ngày đêm.
          Ý nghĩa: Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Bạch Ðằng của những người anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm..



          Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Bạch Ðằng của những người anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm: Ngô Quyền (nãm 938), Lê Hoàn (nãm 981), Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng nhà Trần (nãm 1288).
          Dòng sông Bạch Ðằng đời đời còn ghi chiến tích của những người anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm. Ðó là: Ngô Quyền với trận địa cọc gỗ đánh tan quân Nam Hán (nãm 938); Lê Hoàn (nãm 981) chống quân Tống; Hýng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng nhà Trần (nãm 1288) chống quân Nguyên Mông.
          Lễ hội Bạch Ðằng diễn ra trên vùng đất cổ với bao chứng tích hào hùng, thu hút hàng vạn người khắp vùng châu thổ sông Hồng về dự.
          Phần lễ, có dâng hương tại đền thờ Trần Hưng Ðạo, miếu Vua Bà. Dân làng rước kiệu dọc bờ sông và giống như nghi lễ của cư dân sông nước, tục bơi trải là một nghi lễ quan trọng. Trên dòng sông lớn, cuộc đua tài của nhiều thuyền đua hình lá tre lao vun vút, tiếng hò reo của người dự hội trên bờ sông như làm sống dậy âm hưởng của trận chiến nãm xưa.
          Phần hội, cùng với bơi trải, các trò chơi cũng được tổ chức ở nhiều nơi như đấu vật, đánh cờ người, chọi gà... Trước kia hội còn tổ chức trò diễn, tái hiện cuộc tập trận của quân dân đời nhà Trần.
          Lễ hội Bạch Ðằng diễn ra trên vùng đất cổ với bao nhiêu chứng tích hào hùng, thu hút hàng vạn người khắp vùng châu thổ sông Hồng về dự.



          Ngoài ra trong tháng này Quảng Ninh còn có hội Hội Khai Ương
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.04.2006 15:38:07 bởi conbo2 >
          #5
            conbo2 11.04.2006 16:01:26 (permalink)
            Hà Tây


            Lễ hội chùa Thầy

            Thời gian: 5 - 7/3 âm lịch.
            Địa điểm: xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.
            Đối tượng suy tôn:pháp sư Từ Ðạo Hạnh, ông tổ nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.
            Đặc điểm: Lễ cúng phật và chạy đàn. Trò chơi rối nước..



            Chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, nơi thờ pháp sư Từ Ðạo Hạnh với 3 kiếp sống của ông. Ông là Tăng, là Phật, là Vua và được nhân dân coi là ông tổ nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.
            Diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3 âm lịch hàng năm, ngày 7 tháng 3 âm lịch là chính hội. Hội mở đầu bằng lễ cúng Phật và chạy đàn - một diễn xướng có tính chất tôn giáo với sự phối hợp của các nhạc cụ dân tộc, trang nghiêm. Quần chúng bị cuốn hút theo nhịp hát kinh của các nhà sư.
            Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi, đặc biêt là khách được xem nghệ thuật múa rối nước Việt Nam đặc sắc mà sân khấu biểu diễn ở ngay trước Thủy Ðình. Có nhiều tích trò rối như Thạch Sanh, Tấm Cám hay các cảnh sinh hoạt dân dã như đi cày, chăn vịt, đấu vật.
            Trẩy hội chùa Thầy ngoài lễ Phật, khách còn hưởng thú vui leo núi, thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên của xứ Ðoài. Ngoài ra khách còn được về thăm vùng quê nổi tiếng về văn hiến gắn với những huyền tích về những danh nhân, những thiền sư của nhiều thời đại đã từng đến đây và làm giàu thêm những giá trị truyền thống của miền đất danh thắng này.
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.04.2006 16:03:44 bởi conbo2 >
            #6
              AWMY 14.04.2006 11:23:17 (permalink)
              HÀ NỘI


              [b]Hội làng Lệ Mật
              Thời gian: ngày 23/3 âm lịch hàng năm.
              Địa điểm: Phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội
              Đối tượng suy tôn: Chàng trai họ Hoàng (Thành Hoàng làng Lệ Mật) là người đã có công khai hoang lập ấp.




              Từ sáng sớm ngày 23/3 đại diện con cháu của 13 trại phía Tây thành Thăng Long xưa đội 13 mâm lễ vật mang từ kinh đô về đình làng Lệ Mật để dự hội. Mở đầu là lễ rước nước và rước cá chép vào đình Thánh- nghi thức này nhắc nhở con cháu hôm nay phải nhớ công lao người đã có công khai phá mang nghề nông về cho làng. Tiếp theo là trò múa rắn độc đáo trên sân đình. Con rắn (được làm bằng nan tre lợp vải) tượng trưng cho loài thuỷ quái đã bị chàng trai họ Hoàng dùng sức mạnh và ý chí của mình hạ gục. Nhạc múa là dàn bát âm và tiếng trống nhịp đôi kết hợp dồn dập, náo nức.
              Hội làng Lệ Mật là cơ hội để hàng năm con cháu trong làng (gọi là dân cựu quán) và con cháu đi xa khai hoang bên kinh đô (gọi là dân kinh quán) gặp gỡ nhau ôn lại trang sử dựng làng đầy gian nan thử thách từ xa xưa, cùng chung niềm vui và lòng biết ơn đối với tổ tiên.
              Ngoài ra, dân làng Lệ Mật còn có biệt tài về bắt rắn. Về dự hội làng, khách còn được các cụ đãi một chén rượu rắn, bộ tam xà hoặc ngũ xà.


              Đám rước vào đình Lệ Mật


              Trỗi nhạc bát âm rước Long đình và rắn thần

              Ngoài ra Hà Nội còn có cái lễ hội như : hội làng Phủ Đức, hội phủ Tây Hồ, hội chùa Nhót..v.v
              #7
                AWMY 14.04.2006 11:36:57 (permalink)
                NHA TRANG


                Lễ hội Tháp Bà - Pô Nagar

                Thời gian: 23 - 27/3 âm lịch.
                Địa điểm: Phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
                Đối tượng suy tôn: Nữ thần Xứ Sở (người Chăm).
                Đặc điểm: Các nghi lễ: tắm tượng và thay y, múa dâng Bà, đua ghe và đêm có hát bội.


                Là lễ hội mang tính tôn giáo lớn nhất trong khu vực được tổ chức tại khu di tích tháp Pô Nagar, trên ngọn đồi bên cửa sông Cái ở phía bắc thành phố Nha Trang. Lễ hội tưởng niệm Mẹ Xứ sở là người tạo lập xứ sở, duy trì nòi giống, tìm ra cây lúa, dạy dân canh tác. Nữ thần của người Chăm được Việt hóa. Hát múa chào mừng bà con về dự lễ, biểu diễn sân khấu và nhiều trò vui diễn ra tưng bừng trước ngôi đền chính.

                <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.04.2006 11:44:22 bởi AWMY >
                #8
                  AWMY 14.04.2006 11:56:02 (permalink)
                  Tiền Giang


                  Hội Vàm Láng
                  Thời gian: 10/3 âm lịch.
                  Địa điểm: Xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
                  Đối tượng suy tôn: Cá Ông.
                  Đặc điểm: Nghênh ông bằng thuyền được trang hoàng lộng lẫy, thắp đèn, kết hoa, trên đặt mâm cỗ mặn rước từ rạch Vàm Láng ra sông Soài Rạp. Lễ rước có tấu nhạc, ca xướng.

                  --------------------------------------------------------------------------------
                  Sóc Trăng


                  Lễ cầu an Thắc Côn

                  Thời gian: Trung tuần tháng 3 âm lịch.
                  Địa điểm: Huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.
                  Đặc điểm: Lễ cầu an của người Kh'mer và tổ chức vui chơi.

                  #9
                    AWMY 14.04.2006 12:06:56 (permalink)
                    TP. HỒ CHÍ MINH


                    Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (Tp. Hồ Chí Minh)

                    Thời gian: 23/3 âm lịch.

                    Địa điểm: 710 Nguyễn Trãi, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

                    Đối tượng suy tôn: Bà Thiên Hậu.

                    Đặc điểm: Lễ vía Bà tại chùa Bà Thiên Hậu, một trong những ngôi chùa cổ của người Hoa ở Chợ Lớn có kiến trúc theo lối Trung Hoa. Ngày hội, người Hoa về đây rất đông, họ làm hai hình nộm Ông Thiện, Ông Ác cao 3 thước. Cuối ngày đốt 2 hình nộm để cúng.
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.04.2006 12:13:30 bởi AWMY >
                    #10
                      AWMY 14.04.2006 14:56:09 (permalink)
                      Quảng Nam

                      Lễ hội Bà Chúa Tàm Tang

                      Trong các ngày từ 11 - 13/4/2006 (tức từ 14 - 16/3 âm lịch), tại xã Duy Trinh (Duy Xuyên, Quảng Nam) lễ hội Bà Chúa Tàm Tang (Đoàn Quý Phi) lần đầu tiên được tổ chức với qui mô lớn để tri ân người có công khuyến khích, phát triển nghề tằm tang trên đất Duy Xuyên và để quảng bá thương hiệu một làng nghề truyền thống đã ra đời cách đây gần 400 năm.
                      Lễ hội Bà Chúa Tàm Tang sẽ có chương trình tham quan làng nghề dâu tằm tơ truyền thống Đông Yên; tại đây du khách sẽ được tham quan qui trình sản xuất khép kín mang tính truyền thống từ trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ - dệt lụa; thưởng thức các món ẩm thực dân gian có nguồn gốc từ nghề nuôi tằm…

                      Chương trình lễ hộiNgày 11/4/2006:
                      Lễ đón nhận bằng công nhận làng nghề dệt vải Phú Bông - Thi Lai.- Thời gian : từ 8h00 - 10h00.
                      - Địa điểm: Hợp tác xã dệt may Duy Trinh.
                      Hoạt động thể dục thể thao, các trò chơi dân gian:
                      - Thời gian: từ 11h00 - 16h00.
                      - Địa điểm: Hợp tác xã dệt may Duy Trinh, sân bóng Chùa Lầu.

                      Ngày 12/4/2006:
                      Lễ tế Bà Chiêm Sơn
                      - Thời gian: từ 7h00 - 10h00.
                      - Địa điểm: dinh Bà Chiêm Sơn, thôn Chiêm Sơn.

                      Hoạt động thể dục thể thao, các trò chơi dân gian
                      - Thời gian : từ 11h00 - 16h00g.
                      - Địa điểm : Dinh Bà Chiêm Sơn, thôn Chiêm Sơn.

                      Ngày 13/4/2006:
                      Hoạt động trại đoàn thanh niên, hoạt động thể dục thể thao, trò chơi dân gian.
                      - Thời gian : từ 7h00 - 16h00.
                      Lễ tế bà Đoàn Quý Phi
                      - Thời gian: từ 18h00 - 19h00.
                      - Địa điểm : nhà thờ tộc Đoàn, thôn Đông Yên.
                      Chương trình sân khấu hóa lễ hội Bà Chúa Tằm Tang
                      - Thời gian: từ 19h00.
                      - Địa điểm: Trung tâm làng nghề dâu tằm tơ Đông Yên.

                      #11
                        Chuột lắc 15.04.2006 12:58:54 (permalink)
                        Tưng bừng Tết Chol Chnam Thmay ở ĐBSCL


                        Nguồn Báo Cần Thơ



                        Như thường lệ hàng năm, từ ngày 14 đến 16/4/2006, hơn 1 triệu đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL náo nức đón mừng tết Chol Chnam Thmay cổ truyền của dân tộc. Trong từng ngôi chùa Khmer, từng phum sóc ở ĐBSCL tràn ngập không khí vui tươi, đầm ấm của ngày tết cổ truyền…
                        Tại thành phố Cần Thơ, Tết Chol Chnam Thmay năm nay như đến sớm hơn, bởi các hoạt động chăm lo đời sống cho bà con của các cấp chính quyền, đoàn thể ở địa phương và Trung ương. Từ đầu tháng 4/2006, nhiều cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương đã tổ chức họp mặt, chúc tết, tặng quà cho các vị chức sắc và sư sãi của 12 chùa Khmer trong thành phố.
                        Gần 400 sinh viên Khmer đang học tập tại Trường ĐHCT cũng có những hoạt động sôi nổi mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay. Các sinh viên Khmer được tham gia các trò chơi dân gian: Đua ghe ngo trên cạn, đập nồi, kéo co… Cả khoảng sân ngập trong tiếng cười, nói, reo hò. Lách mình ra khỏi đám đông, bạn Bồ Kim Sơn, quê ở An Giang, sinh viên Sư phạm Sử khóa 31, lau vội những giọt mồ hôi chảy dài trên trán, tươi cười: “Vui quá! Năm đầu tiên đón tết xa nhà. Dù bận học, không về quê để cùng mẹ đến chùa, đi thăm chúc phúc ông bà, nhưng không khí vui tươi, ấm áp trong ngày Tết Chol Chnam Thmay do các bạn sinh viên dân tộc tổ chức cũng giúp em vơi bớt nỗi nhớ nhà và an tâm học tập”. Bên trong hội trường Ký túc xá không còn một chiếc ghế trống. Khi tiếng nhạc ngũ âm vang lên, những sinh viên Khmer rực rỡ với những vòng hoa, những chiếc xà rông đầy sắc màu, dịu dàng, uyển chuyển trong điệu múa lâm thôn. Thạch Rachtana, Trưởng Ban tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao mừng Chol Chnam Thmay, phấn khởi cho biết: “Từ khi vào trường, chúng em luôn được Ban Giám hiệu, Ban Quản lý Ký túc xá, Phòng công tác chính trị, Đoàn trường… quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần. Nhất là dịp này, Ban Giám hiệu cùng các phòng, ban hướng dẫn lập kế hoạch, hỗ trợ kinh phí, để chúng em được đón tết cổ truyền không khí vui tươi và trang trọng”.
                        Ở Trà Vinh, từ những ngày đầu tháng 4/2006, hơn 330.000 đồng bào Khmer đã tất bật với công việc chuẩn bị cho ngày tết. Ở 141 ngôi chùa Khmer và khu quần thể di tích lịch sử văn hóa Chùa Âng – ao Bà Om – Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer của tỉnh đều đã trang trí cờ hoa rực rỡ để chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội. Năm nay, bà con Khmer Trà Vinh đón tết trong niềm vui lớn vì những chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước đầu tư cho vùng dân tộc Khmer trong những năm qua đã giúp cho bà con cải thiện được cuộc sống rất nhiều. Đồng chí Sơn Minh Thắng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Năm qua, có gần 1.000 hộ Khmer nghèo trong tỉnh vươn lên cải thiện cuộc sống. Riêng trong dịp Tết Chol Chnam Thmay năm nay, tỉnh dành 16 triệu đồng để mua quà tết, đảm bảo cho tất cả gia đình bà con Khmer trong tỉnh đón tết cổ truyền của dân tộc thật vui tươi, đầm ấm.
                        Ở Sóc Trăng, trong những ngày cận tết Chol Chnam Thmay đến các huyện có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh như Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Long Phú, Kế Sách… đều bắt gặp không khí háo hức đón tết của bà con Khmer. Năm nay, bà con Khmer Sóc Trăng đón Tết trong niềm vui cuộc sống được no ấm hơn nhờ vào sự chăm lo của Đảng, Nhà nước. Những năm vừa qua, bình quân mỗi năm tỉnh Sóc Trăng đều được Chính phủ đầu tư từ 25 – 30 tỉ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xã có đông đồng bào Khmer. Từ các công trình này giúp cho bà con Khmer phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Năm qua, những mô hình chuyên canh như: trồng hành tím ở Vĩnh Châu, trồng mía ở Cù Lao Dung, trồng lúa đặc sản ở Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị… đều cho lợi nhuận trên 50 triệu đồng/ ha/năm. Nhờ những mô hình sản xuất mới này, hàng trăm hộ Khmer thoát nghèo, gần 2.000 hộ vươn lên khá giả. Nhiều hộ trở thành những triệu phú điển hình của tỉnh như: Danh Đô Na, Đồ Thương, Thái Thị Con, Kim Thái Thông, Lâm Sa Rươl, Thạch Pal…
                        Cũng như ở Sóc Trăng, 12.000 hộ dân Khmer ở tỉnh Bạc Liêu đón tết Chol Chnam Thmay trong niềm vui nhân đôi. Thông tin mới từ đồng chí Bùi Thị Hồng Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong năm 2006 này, tỉnh Bạc Liêu quyết tâm giải quyết dứt điểm về nhà ở cho 1.000 hộ Khmer nghèo còn lại trong tỉnh. Trong 5 năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 3.000 căn nhà cho hộ Khmer nghèo. Nhiều chương trình, dự án đã giúp cho hơn 1.500 hộ Khmer trong tỉnh thoát nghèo, hàng trăm hộ vươn lên khá, giàu. Ông Thạch Muôl ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, cho biết:” Mấy năm qua nhờ được các cán bộ khoa học kỹ thuật của huyện hướng dẫn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho thu nhập tăng gấp 2-3 lần so với sản xuất thuần nông, nên đại bộ phận gia đình bà con Khmer trong xã đều có cuộc sống ổn định. Tết Chol Chnam Thmay năm nay trên bàn thờ ông bà nhà nào cũng tươm tất hoa quả, để bày tỏ hiếu đạo với những người thân đã mất”.
                        Tương tự, ở tỉnh An Giang, bà con Khmer cũng đón tết Chol Chnam Thmay trong niềm vui no ấm. Thời gian qua, thông qua các chương trình hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật của tỉnh, đồng bào Khmer đã thực hiện tốt phương pháp đa canh, chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, đồng bào Khmer phát triển rất nhanh diện tích sản xuất 1 vụ lúa - 2 vụ màu, cho thu nhập vài chục triệu đồng/ha. Hòa thượng Chau Kắc, Sư cả chùa Mỹ Á, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, phấn khởi nói: “Nhiều năm rồi, Đảng Nhà nước rất quan tâm chăm lo cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng. Nhiều công trình, nhiều tiền vốn, nhiều cách làm ăn mới đã giúp cho cuộc sống người Khmer vùng Bảy Núi được nâng lên rất nhiều. Tết Chol Chnam Thmay năm nay thật sự là cái Tết vui tươi, đầm ấm đối với bà con Khmer…”.

                        #12
                          binhphuong 20.04.2006 15:47:01 (permalink)
                          Mấy lể hội trên thì tui không có dịp nào để tham gia vì ở xa. Tui chỉ biết tháng tư thì có ngày 30 tháng tư được nghỉ và cả ngày 1 tháng 5, nghỉ khỏe.
                          #13
                            Chuyển nhanh đến:

                            Thống kê hiện tại

                            Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                            Kiểu:
                            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9