An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm
sunflower 01.05.2006 22:10:47 (permalink)
0






Một lượng thực phẩm quá lớn trong tủ lạnh là lý do làm cho thực phẩm mau hư hỏng

Một chế độ dinh dưỡng tốt ngoài việc xác định các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng để cung cấp, bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể, còn bao gồm cả cách chế biến và giữ vệ sinh, an toàn đối với thực phẩm cũng như dụng cụ chế biến. Có một số nguyên tắc để bảo đảm an toàn trong việc ăn uống mà người nội trợ cần ghi nhớ:



1. Rửa tay: Các nếp gấp, kẽ ngón tay, móng tay là nơi thuận lợi cho vi khuẩn trú ẩn và đây chính là một con đường xâm nhập, lây nhiễm của vi khuẩn có hại vào cơ thể con người. Vì vậy rửa tay, bằng xà phòng rửa, là việc không thể quên khi làm bếp.


2. Nếm thực phẩm. Luôn luôn dùng muỗng khác nhau cho mỗi lần lấy thực phẩm chín để nếm (nghĩa là không dùng muỗng, đũa vừa nếm để đưa lại vào thực phẩm) và cũng không dùng muỗng, đũa vừa nếm để cho người khác dùng.


3. Bị thương trong lúc làm. Nếu chẳng may bị đứt tay trong lúc cắt thực phẩm, cần nhanh chóng cầm máu, băng vết thương bằng băng cá nhân đúng cách; rửa sạch dao, thớt vừa sử dụng bằng xà phòng. Đối với bàn tay bị thương, nếu tiếp tục làm thì phải đi găng tay cao su, vừa tránh nhiễm trùng cho vết thương vừa tránh nhiễm khuẩn cho thực phẩm.


4. Ngăn ngừa sự ô nhiễm. Vi khuẩn từ các loại thực phẩm sống có thể được truyền sang, lưu lại ở thực phẩm chín, ở các dụng cụ làm bếp gây độc tố cho thực phẩm. Vì vậy cần tuân theo một số nguyên tắc sau:


- Đối với các loại thịt heo, bò, gia cầm và cá:

+ Luôn luôn để riêng đồ sống và đồ đã chế biến.
+ Khi cất giữ thực phẩm, luôn để thực phẩm sống bên dưới, thực phẩm chín bên trên tránh làm cho nước từ thực phẩm sống xâm nhập vào thực phẩm chín.


- Trong bếp:


+ Những dụng cụ đựng, tiếp xúc với thực phẩm sống sau khi dùng xong phải rửa bằng xà bông tẩy rửa trước khi sử dụng cho một loại thực phẩm mới.
+ Không để cho vật nuôi trong nhà đi lại hay ngồi trên bàn để thực phẩm, bàn ăn.
+ Dao, thớt nên có hai loại dùng để cắt thực phẩm chín và sống riêng. Thớt bằng nhựa cần phải được rửa bằng miếng chà để sạch được các ô kẽ nhỏ trên mặt thớt và tẩy trắng sau một thời gian nhất định. Với thớt bằng gỗ, sau khi rửa cần phải được treo lên cho ráo nước hoặc tốt nhất là cho vào lò quay khô trong khoảng 10 phút.
+ Hộp đựng thực phẩm cũng nên có hai loại: một dùng cho thực phẩm sống, một dùng cho thực phẩm chín.


- Rửa rau, quả:


+ Rau phải được ngâm trong bồn nước lạnh khoảng 5 phút trước khi rửa bằng cách thay nhiều lần nước rửa.
+ Trái cây nên rửa trực tiếp dưới vòi nước đang mở.
+ Trái, củ có vỏ vẫn cần rửa thật sạch vỏ trước khi cắt, thái vì vi khuẩn, chất bẩn trên vỏ vẫn có thể theo dao cắt xâm nhập vào phần ruột.
+ Nên có chậu rửa riêng cho rau, quả; không dùng chung chậu rửa với thực phẩm sống như thịt, cá…


5. Nhiệt độ. Trong điều kiện nhiệt độ thường, cứ mỗi 20 phút thì lượng vi khuẩn sẽ được sinh gấp đôi, bằng mắt thường không thể nhìn thấy vì nó không làm biến đổi mùi vị, mầu sắc của thực phẩm. Tuy nhiên sự phát triển của vi khuẩn lại chính là lý do gây độc cho thực phẩm. Vì vậy cần chú ý:


+ 2 tiếng là thời gian tối đa cho phép để thực phẩm trong điều kiện nhiệt độ thường, sau đó phải bảo quản trong tủ lạnh. Quá thời gian này, thực phẩm có thể vẫn còn nguyên mùi vị, màu sắc nguyên thủy nhưng không còn an toàn cho sức khỏe người dùng nữa.
+ Riêng thực phẩm ướp thì thời gian để ngoài nhiệt độ thường chỉ là 1 giờ.


6. Tủ lạnh. Tủ lạnh là đồ dùng quan trọng nhất trong nhà bếp, dùng để cất giữ thực phẩm, vì vậy cần lưu ý những điều sau:


+ Nhiệt độ thích hợp trong tủ lạnh là khoảng 5-8 độ C và nhớ thường xuyên kiểm tra mức này vì nếu nhiệt độ bị tăng lên trong khoảng 2 giờ là thực phẩm để trong tủ lạnh đã bị mất an toàn.
+ Để một lượng thực phẩm quá lớn trong tủ lạnh cũng là lý do làm cho thực phẩm mau hư vì nó sẽ nhanh chóng làm tăng nhiệt độ trong tủ.
+ Thực phẩm dễ bị hư hỏng như thịt, cá, trứng, sữa nên để phía trong, không nên để ngay phía ngoài cửa tủ để tránh tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn, nhiệt độ cao khi mở tủ.
+ Làm vệ sinh tủ hằng tuần bằng cách lau tòan bộ bề mặt tủ với nước xà phòng ấm.


7. Xả đông. Có 3 cách xả đông an toàn:


- Xả đông trong tủ lạnh: Chuyển thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn lạnh thường. Cách này tuy phải mất thời gian dài để thực phẩm mềm trở lại nhưng lại là cách tốt nhất để thực phẩm có thể “hồi” một cách tự nhiên, các tế bào không bị phá vỡ. Cũng không phức tạp lắm nếu sự chuyển chỗ này được thực hiện vào buổi sáng cho những thực phẩm phục vụ cho bữa tối.


- Xả trong nước lạnh: Theo cách này, thời gian có nhanh hơn nhưng lại hơi phức tạp: Để thực phẩm trong một cái bịch ni-lông buộc kín miệng, ngâm trong chậu nước lạnh dưới vòi nước chảy liên tục cho đến khi thực phẩm mềm hoàn toàn. Tuy nhiên, lưu ý với những thực phẩm xả trong nước lạnh cần phải chế biến, nấu ngay trước khi thực phẩm hết lạnh.


- Xả đông bằng lò vi sóng thì đơn giản hơn nhiều, chỉ với một nút bấm. Tuy nhiên, cách xả đông này lại làm cho bề mặt thực phẩm bị biến đổi màu và bắt buộc phải chế biến ngay sau đó, nếu không thực phẩm sẽ bị hư vì mặt ngoài của thực phẩm đã không còn sống hoàn toàn nữa.


8. Thời hạn và cách sử dụng thực phẩm chế biến sẵn. Đối với các loại thực phẩm chế biến sẵn, trên bao bì, vỏ hộp, vỏ lon luôn có hướng dẫn cách sử dụng cũng như hạn sử dụng. Đây là 2 thông tin cần phải lưu ý trước khi mở và dùng các loại thực phẩm này.

( Sưu Tầm )
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9