Chè xanh và chè
hoaha 09.05.2006 22:42:02 (permalink)
Sản xuất kem ngừa ung thư da từ chè

Chè đen.
Theo các chuyên gia thuộc ĐH Minnesota, Mỹ, có thể bào chế kem chống ung thư da từ một số hoá chất tồn tại trong chè. Các cuộc thử nghiệm sơ bộ trên động vật cho thấy những chất đó ngăn chặn tia tử ngoại làm tổn thương da.
Nhóm nghiên cứu cho biết uống trà có thể mang lại những lợi ích tương tự như kem bôi song sẽ phải uống ít nhất 10 tách trà mỗi ngày để đạt hiệu quả tương đương. Chè chứa các hoá chất có tên là polyphenol. Polyphenol dường như phong toả sự phát triển của dạng ung thư da không phải là u hắc tố. Loại ung thư này phổ biến nhất ở Anh với khoảng 59.000 ca mỗi năm.

Kem chống nắng ngăn cản da hấp thụ các hoá chất có hại trong ánh sáng tử ngoại. Tuy nhiên, polyphenol, tồn tại cả trong chè xanh và chè đen, dường như hoạt động sau khi da phơi nắng quá mức. Nhóm nghiên cứu phát hiện polyphenol ngăn cản enzyme JNK-2. JNK-2 đóng vai trò then chốt trong tiến trình phát triển của các khối u.

Mức enzyme JNK-2 tăng lên sau khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và vẫn tồn tại ở mức cao trong da của những người phơi nắng quá nhiều. Khi enzyme này ở mức cao, các dạng ung thư da có thể phát triển. Nhóm nghiên cứu thực hiện các cuộc thử nghiệm trên chuột bị ung thư da do tiếp xúc với ánh sáng tử ngoại. Kết quả cho thấy bôi polyphenol trực tiếp lên da giảm mức enzyme JNK-2. Dần dần, polyphenol ngăn chặn phản ứng của da với ánh sáng tử ngoại.

Tiến sĩ Zigang Dong, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: ''Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc cải thiện cách phòng ngừa ung thư da''. Theo ông, bôi kem chắc chắn tốt hơn uống trà bởi các polyphenol nhất định sẽ tập trung tại một địa điểm cục bộ trên da. Có thể sử dụng kem riêng rẽ hoặc kết hợp nó với kem chống nắng để chống ung thư da. Các cuộc thử nghiệm lâm sàng sẽ được tiến hành trong vài năm tới.

Vẫn chưa rõ liệu polyphenol có tác dụng chống u hắc tố ác tính hay không - dạng ung thư da ít phổ biến nhất song lại giết người nhiều nhất. Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng trà xanh có thể chống ung thư da bởi nó chứa chất chống oxy hoá ở mức cao. Chất chống oxy hoá phá huỷ các gốc tự do làm tổn thương ADN của tế bào. Trước khi có loại kem mới ra đời, cách ngừa ung thư da hiệu quả nhất là ở trong bóng râm từ 11h trưa tới 3 giờ chiều, đừng để da bạn sạm nắng, đội mũ nón và sử dụng kem chống nắng 15+ khi ra ngoài.

(Minh Sơn - Theo BBC)

#1
    hoaha 09.05.2006 22:46:09 (permalink)

    Một thành phần trong chè xanh gọi là EGCG có khả năng tiêu diệt các tế bào gây ra bệnh ung thư bạch cầu nguyên bào lymphô mạn tính. Đây là phát hiện mới của các nhà khoa học Mỹ.

    Ung thư bạch cầu nguyên bào lymphô mạn tính là một dạng phổ biến của bệnh ung thư bạch cầu, thường gặp ở những người trên 60 tuổi. Hiện nay khoa học chưa tìm ra phương pháp trị bệnh triệt để, ngoài những cách tạm thời như liệu pháp bức xạ hoặc các loại thuốc gây độc tế bào nhằm hạn chế sản sinh các tế bào bất thường.

    Tuy nhiên, phòng thí nghiệm Mayo Clinic (Mỹ) mới đây đã tìm thấy chất EGCG (epigallocatechin-3-gallate) trong chè xanh có khả năng tấn công trực tiếp các tế bào gây bệnh. Phân tích ban đầu cho thấy chất này làm gián đoạn đường truyền tín hiệu liên lạc giúp các tác nhân tồn tại. Kết quả thử nghiệm cho thấy, 8 trong số 10 bệnh nhân ung thư bạch cầu nguyên bào lymphô mạn tính đã có tế bào bạch cầu bị tiêt diệt dưới tác động của EGCG.

    Trưởng nhóm nghiên cứu Neil E. Kay cho biết, phát hiện về EGCG của chè xanh là một sự khởi đầu tốt đẹp trong quá trình tìm kiếm các phi độc tố có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư của nhóm. Hiện Kay và đồng sự tiếp tục tìm hiêu sâu hơn cơ chế hoạt động của EGCG và sẽ sớm ứng dụng kết quả này vào việc phát triển những loại thuốc trị bệnh hiệu quả.

    Mỹ Linh (theo HealthDayNews)
    http://vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2004/04/3B9D17A7/

    Có thể tham khảo thêm:
    http://news.vncentral.com/default.asp?ID=483&getaction=viewtinsuckhoe
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.05.2006 22:57:45 bởi hoaha >
    #2
      hoaha 09.05.2006 22:48:14 (permalink)
      Tác dụng của polyphenol chè xanH (Camellia sinensis) trên trạng thái chống oxy hoá trong máu ở chuột cống trắng gây đái tháo đường thực nghiệm

      Đặt vấn đề: Bệnh nhân ĐTĐ thường phải chịu tác động của các stress oxy hoá. Chè xanh là một thảo dược tốt cho sức khoẻ và trong điều trị một số bệnh. Mục tiêu: Khảo sát sự biến đổi trạng thái chống oxy hoá trong máu và tác dụng của polyphenol chè xanh trên sự biến đổi đó ở chuột gây ĐTĐ thực nghiệm. Đối tượng, phương pháp: Dùng mô hình thực nghiệm khảo sát một số chỉ số sinh học trong máu ở chuột gây ĐTĐ bằng STZ với chế độ ăn giàu chất béo và tác dụng của polyphenol chè xanh trên các chỉ số đó. Kết quả: Hoạt độ GPx hồng cầu và nồng độ MDA huyết tương ở chuột ĐTĐ tăng cao so với chuột bình thường và chuột bị rối loạn chuyển hoá lipid (p0,001), đồng thời chịu ảnh hưởng của polyphenol chè xanh. Tuy nhiên, hoạt độ SOD hồng cầu và TAS huyết tương thay đổi không có ý nghĩa giữa các lô chuột thực nghiệm. Kết luận: Polyphenol chè xanh đã cải thiện trạng thái chống oxy hoá trong máu ở chuột gây ĐTĐ bằng STZ.

      Từ khoá: đái tháo đường, polyphenol chè xanh, chống oxy hoá.

      Abstract

      EFFECT OF GREEN TEA (CAMELLIA SINENSIS) POLYPHENOL ON BLOOD ANTIOXYDANT STATUS IN STREPTOZOCIN INDUCED DIABETIC RATS

      Introduction: The diabetic patients are usually suffered from oxidant stress. Green tea is one of the good herbal medicines has been used for treatment of some diseases. Aim: Evaluate change of antioxidant status in blood and effect of the green tea polyphenol on this change in the experimental diabetic rats. Methods: Using in vivo model to investigate some biological indicators in STZ-induced diabetic rats fed with high fat diet and to evaluate effect of the green tea polyphenol on the changes of these indicators. Results: Erythrocyte GPx activity and serum MDA concentration in STZ-induced diabetic rats was higher than that of normal and lipid metabolism disorder groups (p<0.001) and effected of the green tea polyphenol. However, no change in erythrocyte SOD activity and plasma TAS level was observed. Conclusion: Green tea polyphenol improved blood antioxidant status in STZ-induced diabetic rats.

      Key words: Diabetes; green tea polyphenol; antioxidants.

      Trần Thị Chi Mai, Nguyễn Thị Hà, Phạm Thiện Ngọc
      Update 11/16/2005

      http://www.hmu.edu.vn/tiengviet/content.asp?Code=1441&id=Article&idlg=Vietnam
      #3
        hoaha 09.05.2006 22:50:22 (permalink)
        Chè xanh giúp khử mùi hôi của giày

        Nếu bạn muốn xua tan thứ mùi khó chịu bốc ra từ đôi giầy sũng mồ hôi thì chè xanh có thể là vị cứu tinh cho đôi bàn chân nặng mùi đó.

        Một sinh viên tại Đại học Temasek Junior của Singapore đã tìm thấy chè xanh, một loại đồ uống bình dân ở châu Á, khi nhỏ vào đế trong của giầy có thể giảm mùi khó chịu do đôi chân ướt tỏa ra.

        "Chúng tôi sử dụng chè xanh bởi biết rằng nó có thể ngăn ngừa siêu vi trùng sinh sôi", Michelle Low, người đứng đầu nghiên cứu cho biết. Nhóm đã thử nghiệm trên 10 loại lá chè trước khi chọn chè xanh.

        Được làm từ lá cây camellia sinesis sấy khô có ở châu Á, chè xanh rất phổ biến ở châu Á như một phương thuốc chống nhiều bệnh tật, do những hóa chất tự nhiên của nó có đặc tính chống ôxy hóa.

        Một nghiên cứu tại Đại học Kansas năm 1997 cũng tìm thấy chè xanh có chứa nhiều lượng chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa ung thư, bệnh tim và nhiều bệnh khác, hơn là rượu đỏ, đồng thời giúp bảo vệ tế bào tốt hơn là vitamin C và E.

        Minh Thi (theo IOL)

        http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2004/05/3B9D30E7/
        #4
          hoaha 09.05.2006 22:53:50 (permalink)
          Tắm chữa bệnh

          Công việc căng thẳng và các mối quan hệ phức tạp làm bạn mệt mỏi? Hãy giảm stress bằng cách chuẩn bị bồn tắm: pha 3 tách chè xanh đậm đặc, trộn vào nước tắm, ngâm mình trong bồn khoảng 15 phút. Nước chè sẽ giúp tinh thần bạn dịu lại, mọi căng thẳng tan biến theo mùi hương dịu nhẹ.

          Còn nếu bạn thiếu tự tin vì làn da không khỏe mạnh, hãy thử vài phương pháp sau đây, chúng rất công hiệu:

          Đối với loại da dầu: Có thể trị bằng các hợp chất chứa axit citric (chất chua có nhiều trong chanh). Vắt nước của một số loại trái cây như chanh, cam bưởi… hòa vào bồn nước tắm. Tốt nhất là dùng trái cây đã chín muồi vì loại chưa chín chứa quá nhiều axit khiến da bạn rất khô

          Với loại da khô, bạn có thể dùng mỹ phẩm chứa chất giữ ẩm sau khi tắm. Hoa hồng cũng là một loại dược phẩm rất tốt cho da khô. Tinh dầu trong hoa hồng có thể ngăn cản sự hình thành da khô và lưu lại trên da một mùi hương gợi cảm. Bạn có thể hòa tinh dầu hoa hồng vào nước tắm hoặc thả những bông hoa vào bồn tắm. Chú ý: Dầu và nước khó hòa tan với nhau, bạn có thể trộn một ít sữa vào nước để giúp hỗn hợp khuếch tán tốt hơn

          Làm mềm da: Lấy 3 tách bột yến mạch, hai tách bột lúa mì, nửa tách gel lô hội, trộn chung lại với nhau, đựng trong túi vải, thả vào bồn tắm. Sau khi ngâm mình, bạn dùng túi vải đó chà khắp người rồi tắm lại bằng nước sạch.

          Bạn cũng có thể lấy 10 gói chè túi lọc nhân sâm ngâm thành một bình nước chè, cho vào bồn tắm. Nhân sâm sẽ giúp mà mềm, lọc sạch da và chống lão hóa

          Loại bỏ tế bào da chết: Đặt túi sữa bột dưới vòi hoa sen, xả nước và tắm bằng nước sữa chảy xuống từ túi sữa này. Chất axít lactic trong sữa sẽ thấm vào da, tẩy tế bào chết và giúp bề mặt mịn màng.

          (Theo Tiếp Thị & Gia Đình)

          http://vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2004/10/3B9D7421/
          #5
            hoaha 09.05.2006 23:00:29 (permalink)
            Dùng lượng chè xanh vừa phải đun sôi, bỏ nước đầu, thêm nước vào đun sôi lần nữa rồi dùng nước đó thổi cơm. Loại cơm này kết hợp được cả tác dụng của gạo và chè xanh: phòng bệnh tim mạch, ung thư, đường ruột, chống ôxy hóa, giảm béo, làm đẹp da.

            http://vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2002/10/3B9C12C6/
            #6
              hoaha 09.05.2006 23:03:02 (permalink)
              Uống nhiều chè có tốt không?

              "Uống nhiều chè (chè đen, chè xanh) có tốt không? Một số người nói rằng pha đường hoặc sữa vào chè là không tốt. Xin cho biết tại sao?".

              Trả lời:

              Chè đen chứa chất cetachine, có tác dụng giúp cơ thể chống bệnh tim mạch. Chè xanh làm giảm 1/3 nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày ở những người uống ít nhất 7 tách mỗi ngày.

              Chè uống suông hay chè có pha đường sữa đều có tác dụng như nhau. Trong các thí nghiệm, người ta đã đo lượng cetachine trong máu của những người uống chè và nhận thấy, hàm lượng chất này ngang nhau trong cả 2 trường hợp thêm hoặc không thêm đường, sữa. Đường, sữa còn cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể, nhất là sau khi vận động thể thao. Tuy nhiên, nếu sợ béo thì đừng dùng.

              Nếu bạn chưa quen dùng chè thì đừng pha đậm (vì sẽ làm tim đập mạnh) và tránh uống trà vào buổi tối, thậm chí buổi chiều (vì dễ gây mất ngủ). Tránh uống chè đặc ngay sau bữa ăn vì chè sẽ gây khó tiêu.

              TS Lê Trọng Bổng, Tài Hoa Trẻ

              http://vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/Giai-dap/2002/03/3B9BA992/
              #7
                hoaha 09.05.2006 23:05:31 (permalink)
                Chè xanh không phòng được ung thư dạ dày


                Tại Nhật, chè xanh được hấp trước khi đem sấy.
                Các nhà khoa học Nhật Bản đã dội một gáo nước lạnh lên những người tìm cách chống ung thư bằng thứ nước uống này. Nghiên cứu trên hơn 26.300 người dân Nhật cho thấy: Việc uống chè xanh không giúp phòng được bệnh ung thư dạ dày như người ta vẫn tưởng.

                Chè xanh, một loại nước hết sức thông dụng tại châu Á, đã xâm nhập vào thị trường Mỹ trong vài năm gần đây. Người ta tin rằng nó có lợi cho sức khoẻ, phòng được ung thư và giảm cholesterol máu. Một số nhà khoa học cho rằng thành phần polyphenol, một chất chống ôxy hoá có trong chè, tạo nên những đặc tính hữu ích này. Các nghiên cứu trước đây, chủ yếu được tiến hành trong phòng thí nghiệm, thường cho các kết quả trái ngược.

                Uống nhiều hay ít cũng thế

                Từ năm 1984, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu điều tra thói quen uống chè của 26.311 người dân tại Miyagi, phía bắc nước Nhật. Những người này phải trả lời các câu hỏi liên quan đến thói quen sức khoẻ, trong đó có cả việc uống chè. Tới năm 1992, người ta đã phát hiện được bệnh ung thư dạ dày ở 419 người trong số này. Tuy nhiên, không thấy có sự khác biệt giữa những người uống hơn 5 chén trà/ngày với những người uống ít hơn 1 chén/ngày. Theo bác sĩ Yoshitaka Tsubono, Đại học Tổng hợp Tohoku (Nhật Bản), nếu chè xanh có tác dụng bảo vệ thì tỷ lệ ung thư phải giảm ở những người uống nhiều chè hơn. Theo ông, ta vẫn có thể uống chè nhưng chỉ nên coi đó là một thú vui, chứ đừng cố gắng uống để phòng bệnh ung thư vì điều này là vô ích. Tuy nhiên, đây chưa phải là kết luận cuối cùng.

                Doanh số từ bán chè xanh tại Mỹ trong 3 năm gần đây đã tăng từ 2 triệu lên 100 triệu USD. Tuy vậy nó mới chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số doanh thu 4,6 tỷ USD của ngành công nghiệp chè tại nước này.

                Chè đen, chè xanh và chè ô long đều được chế biến từ cùng một loại cây chè, chỉ có quy trình sản xuất là khác nhau. Ở Nhật Bản, chè xanh được hấp trước khi đem sấy.

                Thu Thuỷ (theo AP, 1/3).

                http://vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2001/03/3B9AE4BE/
                #8
                  hoaha 09.05.2006 23:09:25 (permalink)
                  Tinh chất chè xanh: Không chống nổi mảng bám răng!

                  Một nhóm nghiên cứu Australia vừa cho biết: Tuy có thể giúp chúng ta ngăn ngừa các bệnh về lợi, song kem đánh răng chứa tinh chất chè xanh không có khả năng chống lại mảng bám - tác nhân gây sâu răng.


                  Cuộc nghiên cứu do Steven Soukoulis và TS Robert Hirsch thuộc ĐH Adelaide (Australia) tiến hành đã được đăng tải trên số mới nhất của tạp chí Nha khoa Australia. Hai nhà khoa học này ghi nhận: Đánh răng mỗi ngày hai lần bằng kem chứa tinh chất chè xanh sẽ giúp chúng ta giảm nguy cơ bị viêm lợi - hiện tượng tổn thương ở lợi do không thường xuyên làm sạch răng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là lượng mảng bám lại không hề giảm mà còn có xu hướng... tăng lên.

                  Hirsch cho biết: Nguyên nhân là do tinh chất chè xanh không có tác dụng chống lại các loại vi khuẩn tạo mảng bám. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên 49 người lớn không hút thuốc, xấp xỉ 60 tuổi, tất cả đều bị viêm lợi mãn tính nghiêm trọng. Phần lớn những người này còn bị viêm nha chu, chứng bệnh tấn công vào hệ thống dây chằng và xương xung quanh giúp giữ vững răng. Họ đánh răng mỗi ngày hai lần bằng kem chứa tinh chất chè xanh, chlorhexidine (chất trị các bệnh về lợi), hoặc một loại kem giả dược. Bất kể nhóm nghiên cứu dùng loại kem đánh răng gì, lượng mảng bám ở tất cả những người tham gia vẫn cứ tăng lên!

                  Hirsch nhấn mạnh rằng đây chỉ là một cuộc nghiên cứu không có người giám sát, và lượng mảng bám tăng lên có thể là do những người tham gia đã không chải răng đầy đủ. Tuy chlorhexidine có vị đắng và khó chịu nhưng kem đánh răng tinh chất chè xanh lại không đến nỗi "tệ" như thế. Theo kết quả nghiên cứu, tinh chất chè xanh vẫn có tác dụng đối với chứng viêm lợi, và điều này giúp khẳng định thêm những bằng chứng khác về khả năng giảm bớt vết viêm lợi của nguồn dược liệu này.

                  Trong cuộc thử nghiệm, số vết viêm lợi ở những người đánh răng bằng kem chứa tinh chất chè xanh đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, tác dụng của loại kem này ở mỗi người lại không giống nhau -khoảng một nửa không cải thiện được gì đối với các vấn đề về lợi. Theo Hirsch, nguyên nhân có thể là do mức độ viêm lợi của những người này quá trầm trọng hoặc khả năng hấp thụ kem đánh răng của bản thân họ không tốt.

                  GS Tom Riley, nhà khoa học thuộc Nhóm nghiên cứu Tinh dầu Chè xanh, ĐH Tây Australia, cho biết: "Tính năng chống viêm mà cuộc nghiên cứu đưa ra không phải là điều gì mới mẻ, bởi vì tinh chất chè xanh còn có thể dùng để chữa vết côn trùng cắn. Các cuộc nghiên cứu khác còn cho thấy tinh chất chè xanh là một chất kháng khuẩn cực kỳ hữu hiệu, đặc biệt là đối với hiện tượng nhiễm khuẩn cầu chùm trong mũi. Do vậy, nếu không ngăn ngừa được mảng bám thì đấy là vì tinh chất chè xanh chưa lọt được vào trong mảng bám mà thôi."

                  Tuy không được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thương mại, tinh chất chè xanh thường xuất hiện trong các liệu pháp bổ sung, đặc biệt là kem đánh răng. Tinh chất chè xanh có nhiều công dụng, chẳng hạn như dưỡng da, thuốc trị bệnh phổi dưới dạng kem hoặc xông. Thổ dân Australia thường đun lá chè xanh lên để xông hoặc hít. Đặc biệt, trong cuộc nghiên cứu của Hirsch, không có bất cứ người nào bị tác dụng phụ hoặc dị ứng.

                  Khánh Hà (Theo ABC)

                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.05.2006 23:16:51 bởi hoaha >
                  #9
                    hoaha 09.05.2006 23:16:12 (permalink)
                    Mùa Xuân Nói Chuyện Trà



                    Qua tài liệu dẫn chứng hơn 6000 năm, Hoàng đế Shin Nung người Trung Hoa đầu tiên phát hiện ra trà uống bổ khỏe, mãi cho đến Hippokartes (460-370 V. Chir) cũng công nhận trà có dược tính tốt. Như vậy nguồn gốc trà có thể tìm thấy đầu tiên tại Trung Hoa.

                    Thời nữ hoàng Âu Châu Hildegard von Bingen (1098-1179) đã công nhận các loại trà giúp chữa bệnh và được nghiên cứu rộng rãi trong giới y khoa.

                    Ngoài ra có thêm huyền thoại về trà được nhắc lại, thuở xa xưa hoàng tử con vua Bodhidharma Ấn Độ lúc ngồi thiền hay buồn ngủ, Hoàng tử giận cắt mí mắt ném xuống đất và từ chỗ đó mọc lên cây trà? (tồn ghi)

                    Trà tại Á Châu

                    Trà thường trồng các vùng đồi núi quanh Hangzhou Trung Hoa, các vùng trà nổi tiếng là Ling Ching và Lung Ding, ngoài ra còn có vùng bảy núi ở Xishuangbanna trồng trà từ triều đại Tang (618-907) nhưng mãi đến triều đại Qing (1644) trà được đưa vào việc sản xuất. Hiện nay còn loại trà cây cổ thụ từ năm 1700 qua các đời (Shengzu-Kangxi), vùng nầy trồng loại trà Pu - Erth lá dày. Nước trà màu hơi đỏ, được xem như một vũ khí tuyệt vời uống để chống lại bệnh có mở trong máu
                    (wunderwaffe gegen fett).

                    Ở Ấn Độ vùng núi Darjeeling cách xa Kalutta 600 km trồng các giống trà "Thea Chinensia" được công ty Đông Ấn "East India Company hoạt động từ năm 1600-1857" lai giống các loại trà năm 1823 tại Assam thành công, thêm loại "Thea assimica".

                    Ấn Độ trồng hơn 400 loại trà khác nhau, trà nổi tiếng thơm ngon quanh vùng Himalaya trên cao độ 2200 m, các vườn trà trong vùng thung lũng "Steintal" và "Happy Vallytea Estate".

                    Assam là vùng cao nguyên trên thượng lưu Brahmaputra, có 2000 vườn trà được lai giống khác nhaụ Hiện nay xuất cảng trà đứng đầu thế giới là Ấn Độ sau là Tích Lan (Sri Lanka). Giống trà Thea assmica, được người Anh, ông Schotte James Taylor mang vào Tích Lan năm 1849, sau 11 năm phát triển trồng trên cao nguyên Ceylon và Tamilen.

                    Tại Việt Nam theo sách An Nam Chí Lược ghi "vào tháng 5, năm thứ tám niên hiệu Khai Bảo. Đinh Liễn có tiến cống nhà Tống vàng, lụa, sừng tê, ngà voi và trà thơm". Theo các tài liệu trên chứng tỏ người Việt đã biết uống và biến chế trà từ lâu. Ngành khảo cổ đã khai quật tại vùng Nông Giang Thanh Hóa tìm thấy được nhiều chén trà, dĩa trà thời gian nầy ngang với đời Tống (Song 960-1279).

                    Theo Nguyễn Trãi ở Dư Địa Chi, đã kể đến trà Tước Thiệt (trà lưỡi chim sẻ) người ta gọi là trà móc câu thuộc giống trà mi ở vùng sa Bôi nay là tỉnh Quảng Trị (ngày xưa thuộc Châu Ô, Châu Lý). Người Việt Nam có nghệ thuật ướp trà và uống trà.

                    Có rất nhiều giống trà trồng hợp với khí hậu địa phương, các nơi trồng trà nổi tiếng như: Phú Thọ, Hòa Bình, Nghệ An, Thái Nguyên, Lai Châụ Cao nguyên Bảo Lộc Lâm Đồng có loại trà mi, hải đường. Có hoa nhỏ thơm dịu, nụ nhỏ, trà ngày nay theo nhu cầu kỹ nghệ sản xuất lai nhiều giống, có 3000 loại trà mi khác nhau trên thế giới.

                    Theo nghiên cứu các nhà khoa học, trà phát sinh từ 3 loại chính của Đài Loan và Nhật Bản đó là Camellia Japonica, Camellia sasanqua, và Camellia reticulata. Có thể đất nước Việt Nam trải qua chiến tranh, bế môn tỏa cảng. Không được các chuyên gia ngoại quốc đến nghiên cứu, hay trước đó trong thời bị nô lệ các giống trà từ Việt Nam bị lấy đi?

                    Trà mi có tên khoa học Camellia chrysantha trong thời gian gần đây người Pháp tìm ra trà mi giống Việt Nam và được nhắc đến trà mi hoa vàng tên Camellia vietnamensis ở Cúc Phương, đẹp hơn trà mi hoa vàng gốc Nhật, hoa ít hơn. Loại Camellia baviensis ở núi Ba Vì hương thơm nồng nàn. Trà mi Camellia baviensis đem về trồng thí nghiệm ở đại học Lâm nghiệp Xuân Mai Hà Tây. Hoa lưỡng tính cánh trắng nhụy vàng to nở lâu tàn.

                    Trà vào Nhật Bản thế kỷ thứ 6 Hòa Thượng Huimeng (638-713) truyền Phật Giáo từ Trung Hoa sang Đại Hàn vào Nhật Bản và phát triển mạnh trong thời Nara Zeit (710-94). Trà du nhập vào cùng giai đoạn trên, nhưng đến thời hoàng đế Shômu thế kỷ thứ 8 trà dùng phổ thông hơn. Kế tiếp qua nhiều triều đại văn hóa phát triển. Thượng phụ Murato Shuko (1422-1502) biến chế trà xanh (Matcha) thường dùng trong các Chùa và các Hiệp sĩ đạo Samurai Đến đời sư phụ Sen-No Rikyu (1522-1591) được nâng lên một nghệ thuật, trở thành nghi thức uống trà (Tea ceremony/Chanoyu) khởi đầu tại Daitoku-Ji-Tempel.

                    Các nước Thái Lan, Lào, Java ở Indonesia, Malaysia ... cũng trồng trà, nhưng mỗi quốc gia đều có phương pháp trồng trà riêng.

                    Trà nhập Âu Châu

                    Năm 1610 người Hòa Lan mang trà từ Trung Hoa về Âu Châu. Vua Ludwig XIV, Marquise de pompadour, và Goethe là những người uống trà xanh. Nữ hoàng Kathrina von Bragaza (1638-1705) con vua Johanns IV Bồ Đồ Nha (Portugal) cùng đoàn tùy tùng đến Anh Quốc làm lễ thành hôn năm 1665, dâng lễ vật quà cưới đến vua Charle II (1660-1685) trong đó có nửa kilô trà. Chứng tỏ trà lúc đó rất quý đối với giới quý tộc Âu Châu.

                    Các quốc gia Ấn Độ, Tích Lan bị Anh quốc chiếm làm thuộc địa, cách đây 150 năm các thương gia Anh nhập trà về các bờ biển Cornwall, Dorset, Kent chở về cho 2000 đại lý ở London độc quyền bán trà đen tại Âu Châu.

                    Nhưng đến cuối thế kỷ 19 trà xanh tràng ngập thị trường Âu Châu, nhờ phương tiện lưu thông tiến bộ, thời gian chuyên chở làm cho trà xanh không mất phẩm chất.

                    Trà nhập Âu Châu bằng đường thủy, trong thời gian nầy những đoàn lữ hành, vượt sa mạc dùng lạc đà chuyên chở trà từ Trung Hoa, Ấn Độ đến bán cho Nga sô.

                    Trà đến Mỹ Châu

                    Năm 1650 thương thuyền người Hòa Lan nhập trà vào New York, thời ấy gọi là Amsterdam mới (new Amsterdam) và trên đường Chatham có nguồn nước ngọt, vào buổi sáng người đàn ông rung chiếc chuông nhỏ rao bán nước "come and get your tea water!". Các Tổng thống Hoa kỳ: Lincoln, Roosevelt, Hoover, Kennedy đều uống trà.

                    Nhà nhập cảng trà, ông Sullivan tại New York, có sáng kiến bỏ trà vào một túi nhỏ bằng lụa cho mỗi tách trà, quảng cáo gởi cho khách hàng uống thử. Từ sáng kiến đó ngày nay người ta biến chế trà trong những túi nhỏ. Người Mỹ có thói quen uống trà xanh nhập cảng từ Trung Hoa. Năm 1904 người Anh Richard Blechynden đến St. Louis trong hội chợ triển lãm về trà. Ông ta quảng cáo trà đen Ấn Độ vì thời tiết nóng, uống trà nóng ra mồ hôi khó chịu, ông bỏ nước đá vào ly trà, uống mùi vị thơm ngon và mát, từ đó mở đầu cho giai đoạn mới, uống trà với nước đá "ice tea".

                    Sản xuất trà đi qua các giai đoạn căn bản, hái để lá héo, hấp nước hay sấy qua, đập hay chà phơi khô sàng lọc. Trà đen hay trà xanh cũng đều biến chế từ các loại trà cây có tên khoa học: Camillia Sinensis và Camillia Assamica.

                    Trà xanh (green tea) người Trung Hoa bỏ lá trà xanh (luchà) vào chảo gang nóng, rang sơ qua sau đó trộn bằng tay. Ngược lại người Nhật bỏ lá trà vào hấp nhanh khoảng một vài phút, hai phương pháp trên đều có mục đích khử các kháng độc tố, giữ cho trà có màu xanh, mùi thơm ngon.

                    Trà đen (black tea) Người Trung Hoa biến chế trà đen (hongchà) ủ lá trà lên men. Sấy ướp các hương vị như hoa lài. có mùi thơm. Người Nhật hấp nước, ủ lá trà lên men, ướp ... trước khi phơi khô, lá được cán hay chà nhỏ. Đóng hộp, hay gói loại giấy có thể giữ mùi thơm. Trong tiến trình ủ trà lên men tạo phản ứng hóa học khử được độc tố không mất lượng Coffein trong lá, giữ được mùi hương nhưng trà có màu đen.

                    Trà Ô Long (Oolong) được sao chế dung hòa giữa trà đen và trà xanh lá ủ lên men màu đen, nhưng nước trà màu hơi ngà ngà.

                    Các nước Âu Châu không thể trồng các giống trà từ Á Châu, nhưng họ nghiên cứu, phát triển chế biến từ: hoa quả, lá thảo mộc có dược tính sao chế thành trà uống để trị bệnh. Tại Việt Nam cũng biến chế các loại trà: khổ qua, trà sâm, hà thủ ô ...


                    Trà có mùi vị thơm ngon, do bí quyết của người biến chế, có thêm các mùi hương như các loại trà ướp: hoa lài, sen, cam, bưởi, quế v.v..

                    Hái trà vào buổi sáng, không khí ban mai tinh khiết cái hương của sương còn đọng trên cành lá, thì hương vị của trà thêm ngào ngạt bởi vì khí âm và khí dương hòa nhau thành sương là tinh anh của trời đất. Hái trà qua từng mùa, theo khí hậu thay đổi có mùi vị phẩm chất khác nhau.

                    Mùa xuân (first flush) loại trà 1. Mùa hạ (second flush) loại trà thứ 2. Trà có phẩm chất cao thường thu hoạch vào mùa thu (autumnals first and second flush).

                    Tuy nhiên tùy theo phong thổ, vùng nhiệt đới ở Himalaya hay các vùng đồi núi ở Trung Hoa độ cao có sương mù, không khí ẩm, trời mưa nhưng đất khô ráo không làm ướt gốc trà là yếu tố đậc biệt để trồng các giống trà.

                    Sự tích được nhắc đến tại Trung Hoa vùng núi cao, người ta nuôi đàn khỉ được huấn luyện mỗi sáng sớm, đàn khỉ trèo lên các cây trà trên núi cao, còn sương mai hái ngọn trà non, đem về cho chủ biến chế thành trà thơn ngon và đắc tiền bán tại các tiệm tràcó tên "trà khỉ/ monkey tea". Thời xưa người ta chọn các trinh nữ, trong những ngày sạch sẽ hái trà.. nên gọi các trà ấy là "trà Hoa nữ" (tồn ghi).

                    Nghệ thuật uống trà

                    Trên khắp năm châu bốn bể trà được uống hàng ngày, sáng trưa chiều tối lúc nào cũng có thể uống được. Người Anh có câu tục ngữ "any time is tea time". Năm 1840 nữ công tước Bedford tổ chức uống trà buổi chiều "Afternoon tea", lúc16 giờ uống trà của Ceylon hay Lap Souchong ngày nay còn lại phong tục đó. Người Anh và các quốc gia thuộc địa của Anh quốc thường có thói quen uống trà với sửa hay đường. Ông Cecil Rhodes viết tại cung điện Semore Place. Buổi sáng người phục vụ thường hỏi "Ông muốn uống trà Tàu, Ấn Độ hay Ceylon". Nếu trả lời dùng trà Ấn thì có câu hỏi kế tiếp "với chanh, sữa hay bơ", ở Anh Quốc cũng thường nói "you enjoy tea and take it easy".

                    Người Nhật đã uống trà như một truyền thống thưởng ngoạn, một nghệ thuật cao quý gọi là "trà đạo". Uống trà với chén, bình trà bằng sứ, gáo múc nước phải bằng tre (Chashaku) phong cảnh uống trà phải thiên nhiên trầm mặc.

                    Trà xanh "O cha" loại Bancha cần nước nóng đun sôi khoảng 80 độ C, trà Secha/Gyohuro dùng nước sôi khoảng 60 độ. Ngoài ra còn biến chế các loại trà xanh thành trà bột (Matcha) và các loại trà uống để chữa bệnh.

                    Hiện nay tại Kyoto có nhiều vườn trà vang bóng của thời đại Momayama1568-1600) và các nơi trà đạo hấp dẫn, nhưng khó chịu khi quỳ gối (seiza) ngồi trên hai bắp chân! Trà được nhập cảng vào Nhật biến chế trà đen "Kô cha". Tùy theo mỗi nhà sản xuất, chất lượng khác nhau nên giá tiền chênh lệch.

                    Du khách đến Tích Lan, thường mỗi sáng theo phong tục, nữ phục vụ xuất thân người từ miền Nam đảo Tích Lan, mậc y phục trắng mang trà đến mời "your morning tea Sahib!".

                    Người Nga không những uống rượu Wodka, họ cũng biết thưởng lãm nghệ thuật uống trà. Năm 1638 hoàng gia Mông Cổ tậng Nga 200 gói trà thơm ngon, Họ dùng nồi nấu trà (Samowar) đốt bằng than (hay điện ngày nay). Phần thân bình chứa nước, trên nắp để bình trà nhỏ, bỏ trà chế nước sôi, độ sôi của nồi nước bốc hơi làm nóng bình trà. Khi uống pha trà ở bình trên với một phần nước sôi. Loại bình Samowar người Thổ Nhĩ Kỳ cũng dùng để nấu trà đen.

                    Các loại bình trà bằng sứ được làm qua nhiều thời kỳ khác nhau. Hơn 2000 năm trước Thiên Chúa, tại Trung Hoa có loại sứ Yih Sing làm bằng đất sét vàng. Mãi cho đến triều đại nhà Tống/Song (960-1279) nghệ thuật thủ công nghệ làm những bình sứ màu trắng, chén, dĩa trà tinh xảo hơn.

                    Các nước Nhật và Đại Hàn, cũng làm các loại chén bình bằng sứ trong thời gian trên với người Trung Hoa (các loại bình, chén, dĩa sứ nầy còn lại trong các bảo tàng
                    viện).

                    Tại Đức năm (1730-1750) các vùng Bayreuth và Ansbach có các lò biến chế chén, tách trà bằng thủy tinh, bạc hoậc sứ. (Munich có lò đồ sứ nhưng chỉ làm ly uống Beer lớn có tay cầm).

                    Trà với thi nhân mặc khách

                    Ông De Quincey bảo "trà luôn luôn là ẩm phẩm của hạng trí thức" Người Trung Hoa quan niệm "trà là bạn của ẩn sĩ thanh cao". Người Việt Nam cũng có nghệ thuật uống trà như người Trung Hoa. Giới trưởng giả dùng bộ trà trên khay hình chữ nhật hay hình vuông có chân quì, khắc khảm ốc xa cừ . Chén Quân, chén Tống, bình pha trà cổ các loại độc ẩm, song ẩm và ẩm quần, của các nhà sản xuất: Thế Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần.

                    Pha trà phải chọn nước, để trà tăng thêm hương vị, nước suối thì tuyệt vời, nước giếng lấy từ mạch nước thiên nhiên, bếp lửa phải bằng than nhẹ lửa, nước sôi sủi mắt cua, (khoảng 80 độ). tráng bình trà qua một lần nước nóng, đổ ra trước khi bỏ trà vào châm nước, (người Trung Hoa đổ ngay lần nước đầu tiên gọi là rửa trà. Muốn có độ thơm lâu dài, người biến chế trà thường ướp thêm một số lượng nhỏ lưu huỳnh?). Nước máy có nhiều vôi cần phải lọc qua, nấu trà bớt mất mùi vị thơm ngon. Cách pha trà của người Việt và người Trung Hoa, không biến thành qui tắc nghiêm túc như ở Nhật.

                    Uống rượu cần nhiều người cho náo nhiệt. Uống trà là nghệ thuật trong trầm lặng, trà có tính cách đưa người uống vào thế giới mặc tưởng, bởi thế nên uống trà lúc tinh thần sảng khoái, cảnh vật yên tĩnh, cần người văn nhã biết cái thú uống trà, bỏ mọi bận rộn đời sống bon chen, uống từng chén nhỏ, gọi là "ẩm sĩ". Nếu một vài người uống chén to, uống một hơi làm sao biết hương vị của trà nên bị gọi là "ngưu sĩ" . Uống trà cũng như pha trà đều cần một nghệ thuật cao. Người Tây phương họ sành điệu về rượu, beer, cafe.

                    Thời vua chúa mỗi buổi sáng các cung nữ thường lấy nước sương còn đọng lại trên lá sen về cung pha trà. Hoặc bơi xuồng trên các hồ sen (ở Huế nhiều hồ sen) lấy trà bỏ vào các búp sen sắp nở, một lượng trà hảo hạng, trà hấp thụ mùi thơm của sen dưới sương đêm. Sáng hôm sau trở lại vạch cánh hoa lấy trà bỏ vào hủ đậy kín không mất mùi hương, và đó là loại trà sen tuyệt hảo nhất.

                    Tô Đông Pha ví trà với mỹ nhân, nhưng Điền Nghệ Hằng lại quan niệm "uống trà để quên cái huyên náo phồn hoa, trà không phải để cho hạng ăn cao lương bận lượt là thưởng thức".

                    Lê Quý Đôn (1726-1784) quan niệm về nghệ thuật uống trà "Một chén lòng sạch bong, hai chén lòng phơi phới, đến chén thứ bảy thì dưới hai cánh tay như có cánh thổi lên làn gió mơ màng ..."


                    Bán dạ tam bôi tửu
                    Bình minh sở trảm trà
                    Mỗi nhật cứ như thế
                    Lương y bất đáo gia


                    dịch là:


                    Nửa đêm uống ba chén rượu
                    Sáng sớm uống vài chén trà
                    Ngày nào cũng như thế
                    Thầy thuốc không bao giờ tới nhà


                    Các cụ với kinh nghiệm sống, dùng trà để trị bị bệnh, và ngày nay khoa học đã chứng minh rõ ràng.

                    Trung tâm nghiên cứu về bệnh ung thư "DeutscheKrebsforshungszentrum in Heilberg cũng như Đại Học Kansas "University of Kansas city" phân tích trà xanh có các chất "Epigallocatechin -3- Gallat viết tắt là EGCG chứa nhiều Vitamin E và C, ngăn được sự viêm cứng mạch máu, giảm lượng mở trong máu vv..

                    Trà uống để tiêu khiển, hưởng nhàn thường nhật, và dùng trong việc ngoại giao, tế lễ, cúng tổ tiên, cúng Phật. Tập tục uống trà đã ăn sâu vào sinh hoạt, các văn nhân mặc khách thời xưa đã ca tụng thú uống trà.



                    Viên Chiếu thiền sư đời Lý Nhân Tông


                    Tặng quân thiên lý viễn
                    Tiên bả nhất bình trà


                    dịch:


                    Tiễn chân ai bước đường xa
                    Miệng cười đưa một bình trà tặng nhau


                    Các làng quê miền Trung người ta cũng trồng trà, hái trà non hai lá, và nụ trà để biến chế dành cho ngày tết. Các khu vườn ngoài diện tích sử dụng sinh hoạt, còn lại trồng cau, trái cây cam quít, và những cây trà cao ngang tầm người. Người miền Trung thường gọi cây trà là cây chè, lá dày lớn màu xanh đậm và láng, trổ bông màu trắng 5 cánh, đường kính khoảng 10 cm, nhụy vàng thơm nhẹ.

                    Dọc theo các đường làng, thị trấn miền Trung, thường có quán bán nước chè xanh, trong căn lều tranh nhỏ, cái nồi đất nấu trà tươi bốc mùi thơm ngon, trưa hè hay chiều thu, ghé quán uống bát chè xanh múc bằng chiếc gáo dừa, trà xanh sóng sánh như nắng vàng với thoáng hương thơm. Nâng chiếc bát bằng sứ uống từng hớp nhỏ, trà sẽ làm dịu cơn khát và có cảm giác thú vị ngọt ngào. Trà là hình ảnh quen thuộc như cây đa đầu làng, con đò bến sông, trà không thể thiếu trong sinh hoạt, dù đời sống văn minh có những quán giải khát bán cola, nước ngọt với nước đá. Nhưng không thể quên được quán chè xanh bên đường. Trà trở thành nếp sống văn hóa, đã đi vào lòng dân tộc. Các cụ ngoài Bắc uống trà và ngâm mấy câu thơ:


                    Làm trai biết đánh tổ tôm
                    Uống trà liên tử ngâm nôm Thúy Kiều


                    Bài thơ gọi trà của nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867-1940) chủ tịch danh dự của Việt Nam Quốc Dân Đảng, buồn cho vận nước, để thức tỉnh hồn thiêng sông núi, trong thời kỳ chống thực dân Pháp dày xéo quê hương:


                    Trà ơi! Còn nước là vinh hạnh
                    Cháy lưỡi khô môi thảm những ai!


                    Đại văn hào Nguyễn Du (1765-1820) thưởng thức trà với tâm sự:


                    Khi hương sớm lúc trà trưa
                    Bàn lan điểm nước đường tơ họa đàn


                    Thi nhân uống trà để cảm thương cho số phận người kỷ nữ:


                    Khách trọng lợi, kinh đường ly cách
                    Mải buôn trà sớm tếch ngàn khơi
                    Thuyền không đậu bến mậc ai
                    Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi lạnh lùng

                    Phan Huy Thực


                    Dừng chân bên quán nước, người lính trẻ Quang Dũng uống bát trà xanh nóng làm vơi cơn khát, dịu bớt nhọc nhằn. Tiếp tục hành trang lên đường, nhưng lại vướng
                    đọng bóng giai nhân:


                    Tiền nước trả em rồi nắng gắt
                    Đường xa choáng váng núi và mây
                    Hồn lính vấn vương vài sợi tóc
                    Tôi thương mà em đâu có hay

                    Quang Dũng


                    Trà đã đưa nhà thơ Tùy Anh trong những ngày viễn xứ, trở về với nếp sống Cố đô Huế bên bóng dáng mẹ hiền, bát nước chè xanh đầy hương vị quê hương, với tình mẫu tử thiêng liêng cao như trời, rộng như biển, không thể phai mờ trong khung trời kỷ niệm!


                    Bát nước chè xanh
                    Mẹ dành cho mỗi sáng
                    Con thường uống cạn
                    Trước khi đến trường.

                    *

                    Con đã xa khung trời kỷ niệm
                    mỗi lần nhớ bát nước chè xanh
                    nhớ về mẹ có đôi mắt trìu mến
                    vẫn còn in trong bát nước long lanh ...

                    Tùy Anh


                    Nguyên Sa nói về định mệnh, những oan nghiệt cuộc đời tục lụy. Chiều chiều bên bình trà nhỏ, uống để nhớ lại cố hương! nhưng thời gian đi mãi có đợi ai bao
                    giờ!


                    Chất xám trong não bộ lên men
                    Trán nhăn dăm bảy, nếp kinh thiên
                    Thượng đế trên cao, chiều độc ẩm
                    Mạt lộ, ta ngồi chỗ hạ phiên


                    Nguyễn Khuyến (1835-1909) cuộc đời nhàn hạ vui với gió trăng:


                    Khi vườn sau khi sân trước
                    Khi điếu thuốc, khi miếng trầu
                    Khi trà chuyên năm ba chén
                    Khi Kiều lẩy một đôi câu

                    Nguyễn Khuyến


                    Xuân về trong ba ngày tết, nâng tách trà nhớ lại xuân xưa, bên quê nhà với muôn vàn kỷ niệm, chắp cánh dư âm từ tiềm thức trở về chốn cũ xa khơi, dĩ vãng mãi mãi còn ngân vang trong lòng người viễn xứ, uống trà đàm đạo để sống lại với hồn quê hương sông núi.

                    Nguyễn Quý Đại
                    Munich, Germany

                    Tài liệu tham khảo:

                    Jean Puetz . Monika Kirschner, Gruener Tee
                    Das hobby thek buch
                    Shuichi Kato, Geheimmis Japan
                    Polylott, The importance of living (Lin Yutang)

                    Source: http://home.comcast.net/~thanghanh4/LinhTinh/2003/muaXuanNoiChuyenTra.html

                    http://dactrung.net/baiviet/noidung.aspx?BaiID=K9h7tfW76mmjJXB26LNEUg%3D%3D
                    #10
                      hoaha 09.05.2006 23:27:27 (permalink)
                      Chè (thực vật) - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

                      Chè trong bài này nói về một loại thực vật để sản xuất chè (trà) uống. Các nghĩa khác xem bài Chè (định hướng).


                      Phân loại khoa học

                      Giới (Kingdom): Plantae
                      Ngành (Division): Magnoliophyta
                      Lớp (Class): Magnoliopsida
                      Bộ (Ordo): Ericales
                      Họ (Familia): Theaceae
                      Chi (Genus): Camellia
                      Loài (Species): C. sinensis

                      Danh pháp khoa học Camellia sinensis (L.) Kuntze
                      Cây chè có tên khoa học là Camellia sinensis là loài cây mà lá và chồi của chúng được sử dụng để sản xuất chè (trà - đừng nhầm với cây hoa trà). Tên gọi sinensis có nghĩa là "Trung Quốc" trong tiếng Latinh. Các danh pháp khoa học cũ còn có Thea bohea Thea viridis.

                      Camellia sinensis có nguồn gốc ở khu vực Đông Nam Á, nhưng ngày nay nó được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, trong các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nó là loại cây xanh lưu niên mọc thành bụi hoặc các cây nhỏ, thông thường được xén tỉa để thấp hơn 2 mét (6 ft) khi được trồng để lấy lá. Nó có rễ cái dài. Hoa của nó màu trắng ánh vàng, đường kính từ 2,5–4 cm, với 7 - 8 cánh hoa. Hạt của nó có thể ép để lấy dầu.

                      Chè xanh, chè ô long và chè đen tất cả đều được chế biến từ loài này, nhưng được chế biến ở các mức độ ôxi hóa khác nhau.

                      Lá của chúng dài từ 4–15 cm và rộng từ 2–5 cm. Lá tươi chứa khoảng 4% caffein. Lá non và còn các lá có xanh lục nhạt được thu hoach để sản xuất chè khi mặt bên dưới của chúng còn các sợi lông tơ ngắn màu trắng. Các lá già có màu lục sẫm. Các độ tuổi khác nhau của lá chè tạo ra các sản phẩm chè khác nhau về chất lượng, do thành phần hóa học trong các lá này là khác nhau. Thông thường, chỉ có lá chồi và 2 đến 3 lá mới mọc gần thời gian đó được thu hoạch để chế biến. Việc thu hoạch thủ công bằng tay diễn ra đều đặn sau khoảng 1 đến 2 tuần.

                      Một số các biến thể khác nhau của C. sinensis được sử dụng để sản xuất chè:

                      Biến thể Assam

                      Phần lớn chè được sản xuất từ biến thể này (đôi khi nó được gọi là C. sinensis assamica hay C. assamica). Nó là loại cây nhỏ (thân đơn) với lá to. Trong tự nhiên, nó cao tới 6 - 20 mét (20–65 ft); trong các khu vực trồng để lấy lá người ta xén tỉa nó xuống chỉ còn cao trên hông người. Ở những vùng đất trũng, yêu cầu của nó là có độ ẩm cao (mưa nhiều) nhưng thoát nước tốt. Những cây trồng này không có khả năng chống chịu được điều kiện quá nóng. Cây chè Assam được phát hiện năm 1823 (mặc dù nó đã được người dân địa phương sử dụng làm đồ uống từ trước đó) là một trong hai cây chè gốc. Tất cả các cây chè Assam và phần lớn chè Ceylon (Xây lan) có nguồn gốc từ cây này. Chè Assam tạo ra hương vị ngọt của đồ uống, không giống như hương vị của các loại chè Trung Hoa khác.

                      Biến thể Trung Quốc
                      Chè Trung Quốc (đôi khi gọi là C. sinensis sinensis) là loài cây lá nhỏ, nhiều thân mọc thành bụi rậm cao tới 3 mét. Đây là loại chè đầu tiên được phát hiện, ghi chép lại và sử dụng để sản xuất chè có từ hơn 3000 năm trước, nó dùng để sản xuất nhiều loại chè nổi tiếng.

                      Biến thể Cam pu chia
                      Chè Cam pu chia đôi khi được gọi là C. sinensis parvifolia. Lá của chúng về kích thước nằm giữa kích thước của lá chè Assam và lá chè Trung Quốc; nó là một loại cây nhỏ với một số thân. Đôi khi người ta coi biến thể này là sản phẩm lai ghép của chè Assam và Trung Quốc.


                      Dầu chè được chiết từ Melaleuca alternifolia có nguồn gốc ở Úc và không có liên quan gì đến cây chè nói trong bài này.
                      Cây chè là tên gọi đôi khi được áp dụng cho một số các loài thực vật khác không liên quan gì đến cây chè thực thụ này.

                      http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%A8_(th%E1%BB%B1c_v%E1%BA%ADt)
                      #11
                        Chuyển nhanh đến:

                        Thống kê hiện tại

                        Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
                        Kiểu:
                        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9