Phong tục cưới hỏi
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 19 trên tổng số 19 bài trong đề mục
congly084 09.03.2007 13:51:40 (permalink)



Bánh cưới - truyền thống và hiện đại



Ít người biết rằng, chiếc bánh cưới truyền thống ngày xưa không phải để ăn mà là để ném vào cô dâu. Và thật may mắn, theo sự biến đổi của thời gian, phong tục này đã chuyển từ “hành vi thô bạo” sang một hình thức hay ho hơn “hưởng thụ chiếc bánh cưới”.

Ngày nay, mọi người chắc hẳn đã quen với việc đặt một chiếc bánh kem thật cầu kỳ, thật đẹp trong ngày cưới. Nó là biểu hiện của sự sang trọng, thanh lịch và sự no đủ, tràn trề, sự ngọt ngào của hạnh phúc lứa đôi. Trong đám cưới, cô dâu chú rể sẽ cùng nhau cắt bánh và mời mọi người cùng ăn.











Có rất nhiều những phong tục đám cưới mà chúng ta đã phải tự hỏi rằng không biết người nghĩ ra chúng có... minh mẫn lắm không.
Và một vài phong tục liên quan đến chiếc bánh cưới sau đây có thể làm các bà mẹ lên cơn đau tim nếu chúng ta cứ nhất quyết phải thực hiện trong đám cưới.

Ném hạt lúa mì
Trước khi gạo trở thành món ăn “có nhiều con” (đó là lý do tại sao người ta ném hàng đống gạo khi kết thúc đám cưới) thì lúa mì được lựa chọn như là món ăn của sự sinh sản. Lúa mì được tung lên ở trong đám cưới và những người đàn ông và đàn bà cô đơn khác cố gắng nhặt được một vài hạt để cầu mong hạnh phúc tương tự cũng sẽ đến với mình.

Bẻ bánh mỳ trên đầu cô dâu

Bột mỳ là thành phần đầu tiên của chiếc bánh và Đế chế La Mã có thể coi là xuất phát điểm của truyền thống làm bánh cưới. Để ăn ư? Không phải. Những ổ bánh mỹ được bẻ vỡ trên đầu cô dâu và thường thường là chú rể sẽ làm điều đó. Khách khứa thì sẽ hồ hởi tranh nhau ăn những mảnh vụn rơi ra như là nhặt lấy một phần của sự may mắn.

Bánh nho ngọt
Trong suốt thời trung cổ, những ổ bánh mỳ trong đám cưới đã được thay thế bằng những chiếc bánh nhân nho ngọt nhỏ xinh và những người khách sẽ mang đến tặng cô dâu, chú rể như một món quà. Để cho vui vẻ, sau buổi lễ, những chiếc bánh sẽ được xếp thành đống và cặp uyên ương sẽ cố gắng hôn nhau qua đống bánh to tướng đó - đống bánh càng cao thì cặp đôi càng hạnh phúc, giàu có. Tất nhiên là sau khi đống bánh đó bị cô dâu, chú rể đè nén và đầy nước bọt của hai người thì khách khứa cũng chẳng mong muốn gì được chén một miếng bánh “hạnh phúc” của đám cưới.

Chiếc bánh ngon lành của người Pháp
Người ta kể rằng, vào thế kỷ 16, thời vua Charles II trị vì, một người đầu bếp Pháp ẩn danh đã đến thăm London và rất kinh sợ cái truyền thống chồng bánh nho ngọt và hôn nhau qua đống bánh của họ. Không chỉ những mảnh bánh mất vệ sinh mà bất kỳ ai ai đã nếm thứ món “bột nhão” của Anh đó đều phải thừa nhận rằng đó là loại bánh vô vị nhất trên thế giới. Vì thế ông đã ngay lập tức quay trở về Pháp và làm một loại bánh mà trông giống như một chồng bánh nho (rất nhiều tầng), có mùi vị thật ngon và phủ đầy lên trên là loại kem mềm mại. Một dấu ấn rất quan trọng khiến khách dự đám cưới hài lòng, cuối cùng họ đã thực sự có một mẩu của chiếc bánh may mắn mà không phải nhặt dưới sàn nhà, rắc lên đầu cô dâu, hay tranh giành nhau trong đám cưới.

Những truyền thống ngày nay
Hầu hết mọi người đều không còn gắn chiếc bánh cưới với việc có nhiều con nữa, thay vào đó chiếc bánh cưới trở thành một bữa ăn đầu tiên của cô dâu và chú rể. Các cặp uyên ương ngày nay trước tiên sẽ cắt một khoanh bánh mỏng cho mình và đút cho nhau ăn như là một biểu tượng của sự chăm sóc lẫn nhau đến khi “đầu bạc răng long”. Hơn nữa, người ta có thể dùng những phụ liệu trang trí chiếc bánh để biểu tượng hoá tình yêu, hạnh phúc, sự giàu có và sự gắn bó dài lâu: Ví như cặp búp bê cô dâu chú rể đứng giữa một rừng hoa tươi và trái cây ngon lành, hoặc những hoa kem được làm thành hình thác đổ, được xếp tầng như những toà nhà nguy nga….

#16
    congly084 09.03.2007 14:35:57 (permalink)



    Bà mối







    Trong xã hội phong kiến xưa, "nam nữ thụ thụ bất thân" nên hôn nhân cần phải có người môi giới ( còn gọi là bà mối hay bà mai). Nếu yêu nhau, cưới hỏi không cần mối lái sẽ bị chê trách là "phải lòng nhau", "mắc phải bùa yêu". Thời trước, Nguyễn Du đã vạch đường cho Kim Trọng, Thuý Kiều cứ yêu nhau rồi sẽ "liệu bài mối manh" nên các cụ nhà nho mới kịch liệt phản đối, khuyên con cháu rằng:


    "Đàn ông thì chớ Phan Trần
    Đàn bà thì chớ Thúy Vân, Thuý Kiều"




    Hầu hết các trường hợp đôi nam nữ thanh niên muốn nên vợ nên chồng đều phải so tuổi, mọi việc không thể bỏ qua, vì họ tin rằng, nếu hợp tuổi nhau thì đôi vợ chồng trẻ sẽ sống hoà thuận, ăn nên làm ra. Nếu không hợp tuổi thì phải sống khổ sở theo nghĩa nghèo về vật chất hoặc một người phải sang thế giới bên kia, hoặc có biết bao điều đau khổ khác đang đe doạ tương lai của đôi vợ chồng ấy. Người ta quan niệm có những tuổi thuộc "tứ hành xung", ví dụ như Tý, Ngọ, Mão, Dậu, có những tuổi hợp nhau như Thân, Tý, Thìn nhưng rồi có khi tam hợp lại biến tam tai cho nên nhiều khi so tuổi hợp hay không lại phụ thuộc vào mấy ông bà thầy bói.


    Nhưng muốn có người để mà so tuổi, bà mối đóng vai trò rất quan trọng. Bà mối là người trung gian đánh tiếng, bắc cầu cho hai gia đình đôi nam - nữ thanh niên hiểu nhau rồi đi đến quyết định hôn nhân. Gia đình nhà trai, sau khi xem xét mọi việc, tham khảo thêm ý kiến của bà mối rồi mới nhờ bà sang nhà gái đánh tiếng trước. Nếu gia đình nhà gái ưng thuận bà mối giúp cho chàng trai sang nhà gái "xem mặt". Cái cớ bên ngoài là xem gia cảnh nhưng thực ra là tìm mọi cách biết mặt ý trung nhân. Nếu ưng ý rồi thì về thưa gửi với cha mẹ. Trong xã hội cũ, có những người chuyên làm nghề mối lái, nếu đẹp đôi vừa lứa thì bà mối trở thành ân nhân suốt đời. Lễ tơ hồng xong, tạ bà mối một nửa mâm xôi, nửa con gà kèm thêm chiếc áo lụa. Chẵn tháng cho con đầu lòng thế nào cũng cố mời bà mối đến dự, để tỏ nghĩa tri ân. Nhưng cũng có nhiều tai hoạ cho những bà mối có động cơ bất chính gây nên, để đôi trẻ suốt đời mang mối hận vì phận hẩm duyên hiu.




    Ngày nay, nam nữ tự do yêu đương, tự do lựa chọn hạnh phúc hôn nhân theo quyết định của mình. Nhưng ở xã hội mới vẫn cần có bà mối. Bà mối thời nay là người cố vấn, người đỡ đầu cho đôi trẻ xây dựng hạnh phúc lâu dài. Cá biệt ngày nay vẫn tồn tại những bà mối chuyên nghiệp chuyên mai mối cho những cô gái có ước vọng lấy chồng ngoại quốc. Dẫn đến những cuộc hôn nhân chóng vánh mà không do kết quả của tình yêu.



    Trong tương lai, có lẽ đóng vai trò bà mối lại là những phương tiện thông tin đại chúng như quảng cáo trên truyền hình, báo chí, chụp ảnh, Internet... và những công ty dịch vụ, câu lạc bộ những người độc thân... Nhưng dù bằng cách nào đi nữa, thì mong rằng những cuộc hôn nhân đó được xuất phát từ tình yêu chân chính.

    #17
      htdn 01.04.2007 15:33:37 (permalink)



      Phong tục cưới của người Huế

       

       







      Quy trình tổ chức lễ cưới ở Huế cũng có đủ các bước thủ tục như các địa phương khác, từ lễ chạm ngõ, hỏi cưới, đến tân hôn vu quy... Nhìn tổng thể, các đám cưới Huế thường diễn ra tiết kiệm, giản đơn, không phô trương, nhưng ở mỗi phần cụ thể khá cầu kỳ, với quan niệm "trọng lễ nghi khi (khinh) tài vật".
      Chuẩn bị lễ hỏi, lễ cưới, người Huế thường xem ngày giờ tốt xấu, có khi lên chùa thỉnh ý các cao tăng. Sau khi chọn ngày giờ, hai bên thông gia sẽ báo cho nhau bằng một cuộc thăm đơn giản. Việc này cũng đôi khi do đôi bạn trẻ thực hiện, nhưng phải là hai nhà có thân tình từ trước.

      Ðối với đám hỏi, người Huế chỉ xem là buổi gặp mặt giữa hai gia đình và tông tộc thân thích để giới thiệu đôi bạn trẻ, không tổ chức rầm rộ. Ðám cưới Huế có các lễ: xin giờ, nghinh hôn, bái tơ hồng, rước dâu diễn ra ở nhà gái, và đón dâu, trình báo gia tiên ở nhà trai. Người Huế không có tục thách cưới, lễ vật trong lễ cưới tối thiểu chỉ gồm có mâm trầu cau, rượu trà, nến tơ hồng, bánh phu thê. Nếu khá giả, nhà trai có thể thêm bánh kem, bánh dẻo; không có "lợn quay đi lộng" như nhiều nơi. Ngoài ra, đám cưới ở Huế luôn có phù dâu, phù rể và hai đứa trẻ rước đèn đi trước. Hai đứa trẻ thường là 1 trai 1 gái, tuổi tương đương cầm lồng đèn hay cầm hoa.

      Trong đêm tân hôn, đôi bạn trẻ phải làm lễ giao bôi hợp cẩn. Người Huế có tập tục để trong phòng hoa chúc một khay lễ với 12 miếng trầu, đĩa muối, gừng và rượu giao bôi. Ðôi bạn trẻ phài nhai hết 12 miếng trầu ấy, tượng trưng cho 12 tháng hòa hợp trong một năm, 12 năm hòa hợp tuần hoàn trong một giáp âm lịch. Việc ăn muối ăn gừng mang màu sắc dân gian, biểu tượng nghĩa tình nồng thắm. Còn rượu giao bôi thì theo đúng với lễ giáo phong kiến của Trung Hoa cũ.

      Khi đưa dâu, thông thường bố mẹ cô gái sẽ không theo xe, mà hôm sau mới sang nhà trai, với ý nghĩa xem cô con gái ngày đầu về làm dâu có làm điều gì phật lòng nhà chồng. Buổi gặp này, hai bên thông gia đối đáp những câu khách sáo, nhắn gửi con cái cho nhau, và căn dặn con mình phải thuận thảo với gia đình bên vợ hoặc bên chồng. Hiện nay, lễ này đã được nhiều gia đình Huế giảm bớt, bằng cách khi rước dâu, bố cô gái theo về nhà trai bằng một chiếc xe khác xe hoa, và tại tiệc đãi sẽ trao đổi với nhà trai. Ba ngày sau lễ cưới, cô dâu mới được trả lại nhà bố mẹ để thu dọn tư trang về nhà chồng, bắt đầu cuộc sống làm dâu.

      Tính cầu kỳ của người Huế tại lễ cưới chủ yếu trong cách hành xử. Không hề có chuyện ầm ĩ ồn ào thái quá trong các lễ và tiệc cưới. Trao đổi ngôn từ giữa hai bên thông gia, giữa bà con thân thuộc đều rất thận trọng. Việc thưa gửi, trình bày của chủ hôn, bố mẹ hai bên đều rất khuôn sáo và không bỏ sót ai.

      Ðặc biệt, quan hệ tuổi mạng rất được coi trọng ở đám cưới Huế. Vị chủ hôn thường là vị cao niên trong dòng tộc hai bên, thân thuộc với gia đình, vợ con đầy đủ, không tật bệnh, tuổi không khắc kỵ đôi tân hôn. Các phù dâu phù rể là người chưa có chồng vợ, tính tình vui vẻ nhanh nhẹn. Một số nhân vật khác cũng được lựa chọn tùy phần nghi lễ phù hợp. Ðơn cử trước ngày cưới đôi tân hôn có thể đưa nhau đi may áo cưới (nếu gia đình khá giả), thì ngày giờ đi may phải tốt, chủ tiệm may là người còn cả vợ chồng, nhiều con cái, gia đình hòa thuận.

      Việc bài trí phòng tân hôn phải do một người phụ nữ lớn tuổi, phúc hậu sửa soạn. Lễ vật rước dâu, nhà trai nhờ một người cao tuổi, đủ vợ chồng con cái, gia đình hòa thuận kiểm tra. Người này cũng sẽ têm trầu cau, bày cặp nến hồng trên bàn thờ gia tiên nhà gái. Sau khi lễ xong, cặp nến hồng cũng phải được người này thổi tắt. Số người nhà trai đi rước dâu luôn ở số chẵn. Trước khi đi và khi đón dâu về, nhà trai thường cử vài người đàn ông trẻ tuổi hoạt bát, đã có vợ con ra đứng đón sẵn để "lấy hên" cho đôi tân hôn.


       


      Theo Tiến sĩ Tôn Thất Bình
      #18
        htdn 01.04.2007 15:35:53 (permalink)



        Phong tục cưới xin của miền Bắc ngày nay

         

         







        Hôn lễ có quy định chặt chẽ của dân tộc Việt từ trước tới nay không có gì thay đổi trên nền tảng cơ bản.
        Nghi thức, nghi lễ cưới ở Hà Nội so với các vùng khác có quy định nghiêm ngặt hơn, nhưng trải qua một thời gian nghi thức đó cũng đã thay đổi theo tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, dù có thay đổi gì cũng phải giữ 3 lễ:

        Chạm ngõ là lễ tiếp xúc đầu tiên, chính thức của hai gia đình nhà trai và nhà gái. Ngày nay, những gia đình ở Hà Nội vẫn giữ nguyên nếp xưa, lễ chạm ngõ vẫn được xem là thủ tục cần thiết, để giữa hai gia đình, "chỗ người lớn" thưa chuyện với nhau. Sau lễ chạm ngõ, người con gái được xem như có nơi có chốn, bước đầu để tiến tới chuyện hôn nhân.

        Sau lễ chạm ngõ là đến lễ ăn hỏi. Dù là tầng lớp nào thì cũng không thể thiếu được cơi trầu. Một lễ ăn hỏi của người Hà Nội thì không thể thiếu cốm và hồng. Nếu gia đình khá giả thì ngoài cốm - hồng và trầu cau còn có thêm lợn sữa quay. Ðồ lễ ăn hỏi gắn liền với đặc sản của vùng đất Hà Thành, gồm có: bánh cốm, bánh su sê, mứt sen, chè, rượu, trầu cau, thuốc lá...

        Dù lễ vật nhiều, ít nhưng không thể thiếu bánh "su sê", ngày xưa gọi là bánh "phu thê", một số địa phương gọi chệch ra là bánh "su sê" là biểu tượng của đôi vợ chồng duyên phận vẹn toàn. Thông thường lễ ăn hỏi gồm có 3 lễ: lễ đàng nội, lễ đàng ngoại và lễ tại gia. Lễ tại gia thường được chia ra đưa kèm theo người được mời cưới.

        Thời gian sau khi ăn hỏi đến lễ cưới thông thường là dưới 10 ngày. Lễ rước dâu ngày xưa có rất nhiều thủ tục, đi đầu đám rước là những người giàu có địa vị trong làng xã, khi đón dâu ra đến đầu làng còn có lễ chăng dây, đầu làng hoặc đầu phố (lễ chăng dây đến đầu thế kỷ XX vẫn còn), muốn đi qua phải đưa một ít tiền.

        Ăn uống, tiệc tùng diễn ra trước ngày cưới 1 ngày (bây giờ thường tổ chức ngay trong ngày cưới). Sau khi Hà Nội đô thị hóa, dân cư tập trung chủ yếu ở trung tâm thành phố, là khu vực 36 phố phường thì phong tục cưới xin cũng vì thế thay đổi do tiếp thu trình độ văn hóa phương Tây.

        Ðám cưới bắt đầu xuất hiện thiệp báo hỷ, khi đưa thiệp mời cưới phải đưa kèm theo chè và hạt sen (lấy từ lễ ăn hỏi). Ðến nay tục này vẫn còn được giữ lại. Nếu là đám cưới của những gia đình khá giả, phải có quả phù tang (dùng để đựng đồ lễ, dài từ 80cm đến 1m) do hai người khiêng, đựng trầu cau, lợn sơn son (tục này vẫn được giữ trước năm 1945).

        Sâm banh được mở ra báo hiệu một lễ cưới bắt đầu, rượu sâm banh với bánh sâm ba là hai thứ không thể thiếu trong lễ cưới của những người phong lưu. Nhưng dù là người giàu hay nghèo trong đám cưới cũng chỉ dùng tiệc ngọt (không dùng mặn).

        Trong khi đón dâu, cô dâu chú rể phải làm lễ gia tiên, lễ này như một sự tưởng nhớ đến cội nguồn, tổ tiên. Sau lễ thành hôn, hai vợ chồng tân hôn trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên gọi là lễ lại mặt. Lễ này hiện nay một số đám cưới bỏ qua, từ sau lễ lại mặt bố mẹ cô dâu mới chính thức tới nhà thông gia, vì trong lễ cưới mẹ cô dâu không đi đưa dâu. Lễ lại mặt thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau lễ cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ).


         


        Theo Vinh Phúc
        #19
          Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 19 trên tổng số 19 bài trong đề mục
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9