Tính cách Huế
Khải Nguyên 11.08.2006 20:23:34 (permalink)
TÍNH CÁCH HUẾ



Trong đời sống tinh thần người Việt, Huế đã là trung tâm văn hóa. Tuy cộng đồng người Huế không lớn lắm, nhưng đã tạo ra một truyền thống văn hóa nghệ thuật riêng, hệ thống các quan niệm nhân văn biểu hiện qua những phong tục tập quán ứng xử, thờ phụng, cách nấu ăn, may mặc, giải trí, cách xây dựng nhà ở và đô thị... Người Huế có những khát vọng và những mê tín riêng. Nên, nói người Huế có tính cách riêng là vì thế!

Thế kỷ XIV, thế hệ di dân đầu tiên vào chiếm lĩnh Châu Hóa đều xuất phát từ Nghệ Tĩnh; đợt hai là cuối thế kỷ XVI (với Nguyễn Hoàng) thì đại bộ phận là người gốc Thanh Hóa.

Thanh Nghệ Tĩnh là đất Việt cổ cựu từ thời dựng nước, ở đó nền văn hóa Việt cổ vẫn được bảo trì, tức là văn hóa Mường. Vì thế, người Huế vẫn giữ được nhiều tập quán cổ xưa, như tập quán ăn rau dại (người Việt ở miền Bắc ăn rau trồng). Văn hóa làng là yếu tố căn bản làm nên tính cách Huế, dù cách xa bao đời người Huế vẫn gắn bó mật thiết với ngôi làng tiên tổ - nơi họ đã sinh ra, họ sống bằng dinh dưỡng văn hóa làng:

- Như giai điệu nuôi dưỡng một đời người: Từ bài hát ru lúc chào đời cho đến điệu hò vĩnh biệt lúc nhắm mắt.
- Người Huế là một nhà thơ đồng nội hơn là một cư dân đô thị, vì thế - người Huế thích làm vườn hơn là làm giàu bằng doanh nghiệp (dù rằng, đi khỏi Huế, họ sẵn sàng trở thành những tay kinh doanh đầy tài năng).

Một nguyên cớ tạo nên tính cách Huế là: Từ nhiều thế kỷ, Châu Hóa là địa bàn giao thoa giữa hai miền văn hóa Việt - Chàm. Sau năm 1306, sau đám cưới của Huyền Trân công chúa thời Trần, người Việt tiến sâu vào lãnh thổ của văn hóa Chăm Pa, khi họ ngoảnh mặt nhìn về phương Nam tiếp cận với văn hóa Nam Á (trung tâm là Ấn Độ) đã tổng hợp nên những đặc trưng văn hoá mới trong lối sống tạo nên bản sắc Huế.

Huế tiếp nhận để tạo nên những nét riêng có: Cách trị thuỷ tránh cho việc đắp đê dọc các dòng sông, cách trồng lúa Chiêm, cách trị bệnh bằng cây thuốc phương Nam, tục thờ cúng cá voi, khẩu vị ăn cay... Và, biểu hiện sâu sắc nhất là âm nhạc và mỹ thuật.

Âm hưởng Chàm rất sâu đậm trong một bộ phận gọi là giọng Nam trong nhạc Huế, như nét mềm mại với tiết tấu buông lơi của điệu lý, chất trữ tình trong điệu hò lao động và điệu hò mái đẩy Huế giống điệu hò chèo thuyền của đảo Hải Nam Thái Bình Dương. Do yếu tố nội tâm ấy, mà nhạc Huế không thích được trình diễn trước đám đông hoặc hát dưới ánh mặt trời, nhạc Huế cần không gian thân mật, cần bóng đêm. Khi ấy, nỗi lòng trở thành tài sản riêng của tâm hồn gửi cho người tri âm, ấy là người hiểu được mình. Đó là tính cách Huế trong âm nhạc.

Về mỹ thuật, hệ ngũ sắc dân gian riêng của Huế gồm các màu: Đỏ - Vàng - Tím - Lục - Xanh. Khác hẳn với hệ ngũ sắc chính thống của phương Đông là: Đỏ - Vàng - Xanh - Trắng - Đen. Trong đó, màu tím là trung gian giữa màu nóng và màu lạnh. Vì thế, màu Tím Huế (như vẫn thường gọi) không gây cảm xúc buồn mà là niềm vui, trong sáng, thầm kín, màu áo của nữ sinh Đồng Khánh xưa. Và ngày nay, phụ nữ Chàm vẫn còn ưa thích.

Đừng nghĩ rằng, tâm hồn Huế là buồn, thực ra đây chỉ là những cảm xúc được gạn lọc và không thích bộc lộ để thực hiện sự thăng bằng của nội tâm mà thôi.

Phật giáo tồn tại lâu đời trong đời sống tinh thần của người Việt, được chúa Nguyễn sử dụng như một quốc sách về văn hóa từ đầu thế kỷ XVII và đã là nhân tố quan trọng của văn hóa Huế, di sản và con người.

Tình yêu thiên nhiên là một tình cảm lớn trong tâm hồn Huế, đến nỗi nó mang màu sắc của một triết học chi phối toàn bộ cuộc sống tinh thân của người Huế. Sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người là nguyên lý căn bản trong tư duy kiến trúc Huế, từ tổng thể đô thị cho đến tận chỗ ở của mỗi gia đình bình thường.
Ý niệm "vườn" là nhất quán trong mọi loại hình kiến trúc Huế và người ta nói đến chùa - vườn, nhà - vườn.

Vườn Huế hoàn toàn không nhằm mục đích kinh tế, mà còn là nơi con người được sống với cây cỏ trong một tình bạn lớn. Qua đó, con người có thể từ căn nhà nhỏ của mình bước vào ngôi nhà lớn của vũ trụ. Người ta dễ dàng nhận ra ảnh hưởng của triết học Phật giáo trong mô hình vườn Huế.

Về mỹ học, người Huế có quan niệm riêng khác. Trên hình vẽ tranh tố nữ làng Hồ, vẻ đẹp lý tưởng của khuôn mặt thiếu nữ biểu hiện sự đối xứng giữa hai bên, với đường ngôi rẽ giữa, đôi lông mày cong, sống mũi thẳng, đôi môi hình trái tim và mái tóc giữ yên giữa đôi vai.
Nhưng, với các thiếu nữ Huế thì khác, đường ngôi rẽ lệch bên phải, mái tóc thề lay động bước đi, tà áo bay bay trong gió, người ta cảm nhận ở đâ một vẻ đẹp mà trong tổng thể của nó, sự đối xứng không còn được tôn trọng.

Mỹ học Huế tìm cách phá vỡ đối xứng để tạo ra sự hài hòa riêng cho từng cá thể: Như lăng Minh Mạng (mô hình lý tưởng của nguyên tắc đối xứng), lăng Tự Đức xóa bỏ sự đối xứng để cho từng bộ phận của cảnh quan hiện bất ngờ dưới mắt người xem.

Chúng ta biết rằng, vẻ đẹp đối xứng bao hàm sức mạnh của lý trí, trong khi vẻ đẹp không đối xứng được khám phá bằng trực giác và đây là nguyên lý của mỹ học thiền.

Người Huế cảm nhận sự vật bằng trực giác hơn là bằng lý tính, tâm hồn Huế hơn là thực. Vì thế, tính cách Huế là Thiền hơn là Nho.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9