THI KINH QUỐC PHONG - KIM Y PHẠM LỆ OANH dịch thuật
Ngọc Lý 04.10.2006 02:13:02 (permalink)
.


Quốc là khu vực các nước chư hầu được phong.
Phong là thơ thuộc loại ca dao về dân tục.
Sở dĩ gọi là Phong, là lấy ý rằng được
thấm nhuần sự cảm hoá của người,
rồi thành ra lời,
mà những lời ấy lại đủ để cảm động được người,
như vật nhờ có gió lay mà thành tiếng,
rồi cái tiếng ấy lại đủ để rung động được vật

(trích Thi Kinh Quốc Phong-
bản dịch Kim Y Phạm Lệ Oanh)






Sắp Rằm Tháng Tám, một ngày đẹp nhất trong năm cho dân cư vùng nông nghiệp, Ngày Mùa, ngày gặt hái những thành quả trên đồng lúa, trăng trong, gió mát, tình cảm chan hòa thường nảy sinh ra những câu hò lời hát, điệu ca dao trữ tình mà đằm thắm giữa trai làng, gái quê...

Trăng Tháng Tám còn gọi là Trăng Ngày Mùa, và người Việt sống bằng nghề trồng lúa nước, từ bao vạn năm trước dọc bờ sông, biển, phía Đông Nam Á Châu đã không ngừng đem tâm tình mình trải dưới ánh trăng, đọng lại trong không cùng sông nước mênh mông.

Trong khung cảnh ấy, mời các bạn cùng Ngọc Lý, đi tìm lại những tâm tình của dân cư 15 nước sống rải rác khắp vùng hai bên bờ sông Dương Tử và Hoàng Hà, qua các câu hò điệu hát, có trên 3000 bài, ban đầu gọi là Thi.

Sau này Khổng Tử (551-479 TCN) chọn lọc lại khoảng 305 bài, gọi là Kinh Thi.

Kinh Thi ngày nay hay bị hiểu lầm là do Khổng Tử soạn, hay tiêu biểu cho văn minh Hoa Hán. Thực ra, đây là những lời ca dao được gió thổi bay khắp các đồng lúa của dân nông nghiệp hai bên bờ sông Dương Tử và Hoàng Hà từ vạn năm trước khi Khổng Tử ra đời. [1]

Tập Kinh Thi Quốc Phong bằng chữ Hán được Nữ Sĩ Kim Y Phạm Lệ Oanh dịch sang Quốc Âm Việt, thể ca dao.

Ngọc Lý được phép của Nữ Sĩ Trương Anh Thụy, con gái Nữ Sĩ Kim Y Phạm Lệ Oanh, và Tủ Sách Cành Nam, cho phép đánh máy thành bản online vào Thư Viện Việt Nam Thư Quán. Tập sách do Tiến Sĩ Đào Thị Hợi cho mượn.

Xin cảm ơn Tủ Sách Cành Nam, Nữ Sĩ Trương Anh Thụy, và Tiến Sĩ Đào Thị Hợi.

Hy vọng tập Thi Kinh Quốc Phong này góp thêm ý nghĩa vào Ánh Trăng Ngày Mùa Rằm Tháng Tám của chúng ta tại Việt Nam Thư Quán.



Ngọc Lý


[1] Xin xem tài liệu về sự di dân trên thế giới tại đây:
http://www.roperld.com/HomoSapienEvents.htm
Theo bản đồ này: http://www.roperld.com/graphics/WorldMapMigrations1.jpg
thì đường đi màu tím và màu cam nhạt chỉ sự di dân từ Đông Nam Á từ 35,000 năm - 10,000 ybp đến lưu vực sông Dương Tử và Hoàng Hà.
.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2006 14:18:04 bởi Ngọc Lý >
#1
    Ngọc Lý 04.10.2006 02:22:57 (permalink)
    .




    Thi Kinh Quốc Phong
    (Tái bản với nhiều bổ sung)

    Bản dịch
    KIM Y PHẠM LỆ OANH

    Giới thiệu
    Nguyễn Đăng Thục
    Cảm nghĩ
    Võ Đình
    Bạt
    Nguyễn Ngọc Bích


    Bìa, phụ bản và phần chữ Hán
    Tá Chi Trương Cam Khải


    TỦ SÁCH CÀNH NAM
    1997



    Library of Congress Cataloging in Publication Data

    Thi Kinh Quoc Phong
    (The Kuo Feng from the Chinese Book of Songs)
    Phạm Lệ Oanh, translator
    p. cm.
    Includes essays by the other hands
    ISBN
    1. Chinese literature – Poetry, ancient
    2. Vietnamese poetry, translation
    3. Chinese poetry – Kim Y Pham Le Oanh – Translation
    4. Chinese Poetry - Bilingual Chinese – Vietnamses edition
    5. Foreword, introduction, and epilogue
    6. Painting, Chinese calligraphy.

    Copyright @1997 by Cành Nam Publishers
    Printed in the United States of American
    Second edition, 1997.


    .
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2006 02:25:23 bởi Ngọc Lý >
    #2
      Ngọc Lý 04.10.2006 02:26:53 (permalink)
      .







      Tặng cháu ngoại Victor Nguyễn Long Quang

      Vài hàng gửi cháu thân yêu,
      Cháu ngoan bà quý bà chiều bà vui.
      Mai kia cháu biết đọc rồi,
      Mở trang sách sẽ thấy lời bà ru!


      Bà của bé Quang:
      Kim Y
      Xuân Bính Dần
      1986




      .
      #3
        Ngọc Lý 04.10.2006 02:29:26 (permalink)
        .



        LỜI GIỚI THIỆU


        Văn hoá Trung Hoa cũng như văn hóa Ấn Độ, hai nền văn hóa chính yếu Á Châu đều lấy điểm xuất phát ở hồn thơ; ở Trung Hoa thì hồn Kinh Thi, ở Ấn Độ thì hồn thơ Veda. Thơ là gì? Nếu chẳng phải như Phạm Quỳnh đã giới thuyết hết sức giản dị là: “Cái sức cảm động của lòng người đối với những cảnh thiên nhiên và cảnh nhân thế, cảm động một cách êm đềm thanh thú, diễn ra những lời êm ái dịu dàng.”

        Tâm hồn cảm động đây là nền móng chung của Hoa, Ấn, và cảm động là thực phẩm của văn nghệ, nhìn thế giới tràn ngập tình yêu, sơn thủy hữu tình, tình trăng, tình gió, tình cỏ, tình cây …

        Nhưng nếu cổ nhân Ấn cảm động với cảnh thiên nhiên để thốt ra lời thơ siêu việt bao nhiêu, thì cổ nhân Hoa lại cảm động với cảnh nhân thế để diễn ra những câu thơ đại đồng. Một đằng, ở thơ Veda phản chiếu cái lòng bồng bột cá nhân đứng trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, một đằng phản chiếu cái mối tình giữa người và người, một đằng ca tụng Thượng Đế ở khắp cả:

        Lạy trời muôn lậy,
        Ở ngọn lửa, ở dòng nước,
        Thấm nhuần tất cả thế giới.
        Ngự ở mùa lúa hàng năm
        Cũng như trên cây cổ thụ!


        Một đằng nhìn thấy nhân tình khắp cả:

        Quan quan thư cưu,
        Tại Hà chi châu
        Yểu điệu thục nữ
        Quân tử hảo cầu.


        Giọng thơ ấy từ cái lòng cảm thông bồng bột trong hội hè đông đảo quần cư mà thốt ra, cho nên Khổng Tử bảo:

        “Thi khả dĩ hưng … khả dĩ quần …”


        “Quần” là cái ý thức tập thể xã hội đòi diễn tả cái ý muốn chung tiềm tang trong đáy lòng cá nhân khi lẻ loi một mình. Bởi thế mà Kinh Thi phản chiếu tiếng nói của bản năng con người. Khổng Tử lựa chọn lấy một số những lời đại chúng ấy, lấy làm bài học luân lý của cá nhân sống trong đoàn thể. Vì luân lý phải mật thiết với tâm lý, mới có hiệu lực. Cho nên bực “Vạn thế Sư Biểu” Á Đông mới mượn Kinh Thi để khởi hứng, và hướng dẫn tình cảm.

        “Thi tam bách … nhất ngôn dĩ tế chi, viết tư vô tà.”


        “Tư vô tà” là ách yếu của Kinh Thi, và cũng là tinh thần giáo dục nhằm đào tạo một nhân bản toàn diện của xã hội Khổng Nho, cốt thuận theo nhân tính tự nhiên để phát triển đến chỗ quân bình.

        Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc (Luận Ngữ):

          - Gợi cảm con người bằng thi ca,
          - Thiết lập bản lĩng bằng điều lý.
          - Thành tựu con người bằng hòa điệu.

        Ba tác dụng của nhân tính bản nhiên là tình cảm, lý trí, và ý chí đều được nhất trí, đấy là lý tưởng giáo dục hoàn hảo xưa cũng như nay.

        Nhưng, có bột mới gột nên hồ. Bột ở con người muốn được giáo hóa là tình cảm, là cảm hứng, ham thích. Cho nên lấy Kinh Thi làm bước đầu để hứng khởi, nuôi dưỡng tình cảm, khiến cho “tư vô tà”.

        Bạn tôi sẵn có hồn thơ, vốn dòng Nho phong, từ nhỏ đã được nghiêm phụ giảng dạy Hán học. Gần đây có cho tôi xem bản thảo dịch Kinh Thi Quốc Phong ra quốc âm, chú thích đầy đủ, lời thơ nhẹ nhàng và sát nghĩa. Được lời ủy thác, tôi không ngại vụng về, có mấy lời thô thiển, hân hạnh giới thiệu cùng độc giả, nhất là các độc giả sinh viên.


        Sài Thành
        Tháng Mạnh Thu năm Giáp Thìn
        Khoa Trưởng trường Đại Học Văn Khoa

        NGUYỄN ĐĂNG THỤC



        .
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2006 02:31:38 bởi Ngọc Lý >
        #4
          Ngọc Lý 04.10.2006 03:35:34 (permalink)
          .


          “BÃI SÔNG CÓ ĐÔI CHIM CƯU”
          Cảm nghĩ của VÕ ĐÌNH


          Thời người ta mới lớn, thường được coi như giai đoạn đẹp nhất trong đời. Phải chăng vì vậy mà gọi là “hoa niên”? Nhìn lại thời “hoa niên” của mình, tôi thấy cũng đại khái như tuổi trẻ của nhiều người, vui buồn sướng khổ đều đủ cả. Có gì đáng nói chăng về cái “đẹp” là một vài hình ảnh đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng lâu dài. Những hình ảnh thật đẹp. Tôi nghĩ rằng vui buồn sướng khổ, những cái ấy chúng đến rồi chúng đi. Cái đẹp nó ở mãi với mình.

          Vào khoảng năm 1945, tôi mới mười hai, mười ba tuổi, một hôm ông ngoại nuôi chúng tôi (mọi người gọi là “ôn”) sai quét vôi lại bức tường chính giữa phòng khách, đàng sau b tràng kỷ. Rồi mấy hôm liền, “ôn” dùng màu nước thật nhạt vẽ lên tường bốn bức “trướng” dài, có hình tượng trang trí, những hoa văn, những hình mây gió sóng nước, hình hoa bướm lá cành v.v… Màu khô, những bức “trướng” lớn trông cao sang, diễm ảo như giấy hoa tiên.

          Rồi một sáng đẹp trời, cụ Tham đến chơi. Tham là tham-tri, một chức lớn trong chính phủ Nam triều, chỉ dưới thượng thư một bậc. Ở Huế, ai cũng biết danh cụ Tham N. là người thanh liêm chính trực mà lại văn hay chữ tốt. Hai cụ ngồi uống trà trong khi chúng tôi, đúng hơn, anh K. cháu nội đích tôn của “ôn”, và anh H., anh ruột tôi - cả hai ở tuổi 17, 18 – lăng xăng mài mực. Rồi cụ Tham khoát tay đứng dậy. “Ôn” cũng đứng dậy theo. Cụ Tham xắn nhẹn cổ tay áo the, cầm lấy cây bút lông anh H. dâng lên, chấm vào nghiên mực anh K. nâng hầu, rồi phóng tay lên những bức họa “ôn” đã bỏ ra mấy ngày chuẩn bị trước. Chúng tôi nín thở nhìn những nét mực đen nhánh vun vút hiện ra, lấp lánh trên nền vôi vân vi xanh nhạt.

          Trời đất cỏ cây cơ hồ ngưng lại. Tay cụ Tham thoăn thoắt, khi chậm khi nhanh, khi cứng cỏi khi mềm mại, khi gãy gọn khi dịu dàng. Mấy thằng cháu đứng sững sờ … tưởng chừng quên thở. Vậy mà tôi còn nhớ như in là khi cụ Tham viết xong, buông bút, thì “ôn” chúng tôi chắp tay xá cụ Tham một xá thật dài, rồi quay lại chúng tôi, “ôn” khẽ bảo: “Thôi, mấy đứa ra ngoài chơi …”

          … Cũng vào khoảng thời gian đó, tôi bắt đầu xun xoe mê sách. Truyện kiếm hiệp, truyện Tàu, sách Tự Lực Văn Đoàn, Thơ Mới … Đọc bài “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp, tôi nói với các anh lớn là thi sĩ họ Nguyễn “đía” quá! Vì tôi đã từng được thấy thế nào là “thảo” một bản văn hay một bài thơ lên tường nên tôi biết rằng sức mấy mà mới

          “Khi qua chùa Giải Oan
          Trông thấy bức tường ngan
          Chàng đưa tay lẹ bút
          Thảo bài thơ liên hoàn.”


          Chàng “lẹ bút” như vậy còn được

          “Tấm tắc thầy khen hay
          Chữ đẹp như rồng bay …”


          Tuy biết rằng thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp “đía” như vậy, tôi vẫn yêu bài thơ, và đến ngày nay vẫn còn thuộc lòng đôi ba đoạn trong khi cả đời tôi vẫn không rõ sáng đó, trong ngôi nhà cổ kính cách hồ Tĩnh Tâm chỉ một con đường nhỏ, cụ Tham N. đã viết những gì lên tường hoa. Tôi chỉ biê”t ngày hôm đó tôi đã thấy một cái đẹp hiếm có. Và cái đẹp đó đã để lại dấu ấn suốt đời trong lòng tôi. Một dấu ấn sâu hơn, lớn hơn, đẹp hơn bài thơ “Chùa Hương” nhiều .

          … Lớn lên, học sách, học người, học đời, lắm chuyện hay hay. Nhưng kể từ khi thấy được cái đẹp một sáng nọ trong thành nội cố đô Huế, tôi ít khi được thấy một cái đẹp hiếm hoi như thế nữa. Cảnh đẹp, người đẹp, nhà đẹp, không ít. Cái đẹp như tôi đã thấy sáng nọ, thật khó tìm. Cho đến ngày, cách đây mười mấy năm, lần đầu tiên tôi được đến thăm anh chị Nguyễn Huy Long – Trương Anh Thụy, và hai cụ thân sinh ra chị Anh Thụy.

          Đến nay thì đồng bào hải ngoại đã biết được khá nhiều về công việc của hai cụ rồi, tôi xin khỏi dông dài. Tôi chỉ muốn ghi lại đây đôi điều đơn sơ tôi đã viết ra vài năm sau đó:

          “Trong hoàn cảnh ly hương, hai cụ vẫn tiếp tục giữ một tinh thần, một lối sống thật đẹp: phóng khoáng, u nhã, thanh đạm. Tuổi cao sức yếu, hai cụ vẫn lấy những thú tinh thần làm điều vui cho chính cuộc sống thường nhật: đọc sách, vẽ tranh, viết báo, dịch thơ, dịch truyện. Có lẽ vì thế mà hai cụ còn trẻ trung và tinh anh lắm, hơn cả nhiều người chỉ vào hạng con cháu.”
          “… Bài học của các cụ cho chúng ta là biết sống trọn vẹn. Sống với cuộc đời khổ đau mà vẫn tha thiết yêu đời. Tuổi cao sức yếu, mà vẫn giữ được cho tinh thần linh hoạt phóng khoáng. Sống thanh đạm mà lấy làm đầy đủ yên vui …” (Diễn Đàn Tự Do 1-12-1987)


          Thỉnh thoảng chúng tôi ghé lại Arlington, Virginia, vấn an hai cụ. Cụ ông Tá Chi nay đã ngoài chín mươi, không còn vững chãi như trước. Tuy tai nghe không còn thính, trí nhớ vẫn còn dai. Hầu chuyện cụ phải đâu ra đó, nói có sách, mách có chứng, không thì cụ biết ngay. Cụ sắc sảo, mà lành. Cụ cho tôi uống rượu thuốc, nhắm với lạc rang. Cụ gọi là “tửu lạc”. Cụ hóm lắm!

          Cụ bà Kim Y cũng đã cao tuổi, nhưng còn rất tinh anh. Với người lớn tuổi thường thường cái ăn, cái ngủ, cái ấm, cái lạnh là chuyện đại sự. Với cụ Kim Y, thiếu gì chuyện lớn hơn. Cụ để tâm nhiều về chuyện sách vở, chuyện quê hương đất nước, chuyện thế thái nhân tình. Có lúc ngồi hầu chuyện cụ, tôi thấy lại được ở cụ hình ảnh người thiếu phụ trẻ tuổi trong chiếc ảnh cũ chụp cụ bà Kim Y mấy chục năm về trước: tóc vấn lối Bắc, đường ngôi rẽ giữa, cổ đeo hạt trai nhỏ, nét mặt xinh đẹp nhưng bình thản, kín đáo.

          Đến lúc được cuốn Thi Kinh Quốc Phong, Tập 1 (bản 1985), tôi mới giật mình biết rằng câu nói “yểu điệu thục nữ” đã có từ xửa từ xưa trong Kinh Thi. Và “yểu điệu” không có nghĩa là thướt tha như ta thường tưởng. Trong phần chú thích cho bài ca dao đầu tiên trong thiên Chu Nam, ta đọc được rằng: “Theo Trần Hoán truyện chú thì yểu là nói về cái nết người đàn bà trầm tĩnh, kín đáo. Điệu là nói về dáng người đàn bà nhàn nhã, ung dung. (Hai chữ này chính âm là “diểu điễu”, ta quen đọc là “yểu điệu.”)

          … Nửa thế kỷ trước, tôi được thấy tận mắt Cụ Tham N. phóng tay viết lên tường hoa. Đẹp. Nay tuổi đã ngoài sáu mươi, tôi lại được đọc Thi Kinh Quốc Phong:

          “Quan quan thư cưu
          Tại Hà chi châu
          Yểu điệu thục nữ
          Quân tử hảo cầu.”


          Cụ bà Kim Y đã dịch ra là:

          Bãi sông có đôi chim cưu
          “Quan quan” cất tiếng thương yêu giao hòa.
          Kìa ai yểu điệu mặn mà,
          Sánh cùng quân tử thật là đẹp đôi.


          Sống ở đời mà được thấy, được đọc những cái đẹp như thế, tưởng chẳng có gì để thở than!


          Võ Đình
          Đầu Xuân năm Bính Tý
          1996



          .
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2006 03:37:05 bởi Ngọc Lý >
          #5
            Ngọc Lý 04.10.2006 13:49:38 (permalink)
            .



            PHÀM LỆ




            Thi Kinh toàn tập gồm có bốn phần: Quốc Phong, Tiểu Nhã, Đại Nhã, và Tụng. Tất cả chia làm 8 quyển: Quốc Phong 3, Tiểu Nhã 2, Đại Nhã 1, Tụng 2, v.v…

            Riêng phần Quốc Phong có 3 quyển, chia thành 15 nước. Quyển thứ nhất 2 thiên: Chu Nam, Thiện Nam. Quyển thứ nhì bốn thiên: Bội Dung, Vệ, Vương. Quyển thứ ba chín thiên: Trịnh, Tề, Ngụy, Đường, Tần, Trần, Cối, Tào, Mân …

            Bản này chỉ dịch riêng phần Quốc Phong (ca dao của 15 nước). Toàn bản 160 thiên, 462 chương, xin dịch đủ, không bỏ sót một thiên, một chương nào. Duy có những thiên, hai ba chương cùng một ý, nên hợp dịch làm một, hoặc bốn, năm chương dịch làm hai, ba, nhưng phần chú thích vẫn giữ đủ.

            Thể thức dịch theo sau đây:

            Thơ
              Phần lớn dịch theo ý Chu Hy tiên sinh trong Thi Kinh Tập Truyện, có một số ít dịch theo các sách của những vị tiên nho khác, hoặc của mấy nhà nghiên cứu khảo luận hiện đại. Lời thơ dịch theo lối ca dao, cho hợp với ý nghĩa Quốc Phong.

            Chú thích:
              Cũng như thơ, dịch theo Thi Kinh Tập truyện, hoặc có một số ít chú thích theo các sách khác.

            Bàn giải:
              Dịch theo Chu Hy Tập truyện. Ngoài ra có phụ thêm ít nhiều lời bàn của các sách khác. Những lời bàn giải trong Tập Truyện, đoạn nào xét ra không cần thiết, thì xin lược bỏ, hoặc lấy lời bàn giải ở các sách khác thay vào.

            Âm đọc:
              Âm đọc đều căn cứ theo Chu Hy Tập truyện. Bên những chữ đọc lái đi cho hợp vần, đều có ghi âm chính trong ngoặc đơn (…) – (ở phần chú thích chỉ ghi có âm chính) - Đại đa số những chữ này, sở dĩ phải đọc lái đi cho hợp với vần thơ, khiến thơ có âm điệu để dễ ngâm nga. Ngoài ra lại còn có những chữ ngày xưa đọc như vậy, mà sau này đọc khác đi, hoặc là thổ âm riêng của từng địa phương, không nên nhất thiết coi là đọc cho hợp vần cả.

            Phần tựa
              Trong Mao Thi, mỗi bài đều có tựa, nói rõ đại ý trong thơ, có khi nói xa tới tác giả. Bài tựa thơ Quan thư thì nói khái quát cả toàn thư, dài có tới trên một ngàn chữ, còn lời tựa ở các thiên khác, bài ngắn chưa tới mười chữ, bài dài nhất cũng chỉ độ vài chục chữ. Dưới đây tôi chỉ dịch bài tựa thơ Quan Thư, còn các bài ở thiên khác, xin lược bỏ.


            Về phần chú thích hoặc bàn giải lấy ở các sách khác, hoặc lấy trong các tự, từ điển, thì mỗi câu đoạn xuất xứ từ đâu, đều có chua rõ tên sách, hoặc tên tác giả bằng chữ tắt, theo bảng kê dưới đây, để độc giả tiện tra cứu.

            Những đoạn nào trích trong Thi Kinh của ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (dịch và xuất bản năm 1924 tại Hà Nội) đều đặt trong ngoặc kép.

            Lời tiểu chú họ Mao gọi là truyện, của họ Trịnh gọi là tiên. Những lời chú trong các bài tựa, nguyên trước không đề tên tác giả, đều là lời của họ Trịnh, nay gồm cả là tiên. Trịnh thị Thi phổ, gọi là phổ, Khổng thị gọi là sớ, Nhĩ Nhã chú gọi là thích, còn các nhà khác gọi là thi.

            Những chữ số La-Mã dùng để ghi thứ tự tên các đầu thiên, chữ số thường là ghi số từng bài thơ, còn a, b, c, là ghi số từng chương, tỉ dụ như:

            “1 – a”, là thiên thứ nhất, chương thứ nhất , “1 – b” là thiên thứ nhất, chương thứ hai, v.v…

            “Chu Nam nhất chi nhất” là thơ Chu Nam nhất trong thiên thứ nhất.

            “Thiệu Nam nhất chi nhị” là thơ Thiệu Nam nhất trong thiên thứ hai v.v… Các bài khác cũng theo lệ đó.

            Chữ nho đọc từ bên phải sang bên trái theo hàng dọc. Chữ Việt đọc từ trái sang phải theo hàng ngang.


            NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT TRONG PHẦN CHÚ THÍCH
            BẢN DỊCH THƠ QUỐC PHONG



            Các tài liệu tham khảo: Viết tắt là:
            Thi Kinh Tập Truyện của Chu Hy TKTT
            Thi Kinh Thể Chú Đồ khảo Đại toàn TKTC
            Thi Tập của Nghiêm Sán NS
            Thi Kinh Hứa Gia Thành HGT
            Mao thi Trịnh Tiên MTTT
            Thi Kinh Quốc Phong tân dịch
            của Lưu Quang Vũ TKQPTD
            Thi Kinh Tuyển của Dư Quán Anh TKT
            Thi Kinh Bạch Thoại giải TKBTG
            Khang Hi tự điển KH
            Từ Hải tự điển TH
            Từ Nguyên từ điển TN
            Thiều Chửu tự vị TC
            Lời người dịch Lnd

            .
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2006 13:56:59 bởi Ngọc Lý >
            #6
              Ngọc Lý 04.10.2006 13:59:48 (permalink)
              .

              CÁCH KẾT CẤU CÁC ĐIỆU
              PHONG, NHÃ, TỤNG



              Phong, Nhã, Tụng là tên đặt trong bộ nhạc, (xem lời giảng ở bài tựa thơ Quan thư), còn Phú, Hứng, Tỷ là thể cách kết cấu cho các âm điệu trên.

              Thi có sáu nghĩa, tức là tổng hợp cả Phong, Nhã, Tụng, và Phú, Tỷ, Hứng.

              Phú:
                Phú là phô bày, là giải bày, khi định nói việc gì thì nói thẳng ngay vào việc ấy, không cần phải lấy việc này hay việc khác ra làm tỷ dụ.


              Tỷ:
                Tỷ là ví, lấy sự vật này làm thí dụ, để ví với sự vật kia mà không nói thẳng đến sự vật chính.


              Hứng:
                Hứng là bốc lên, nổi lên, tức là mượn sự vật khác để mở đầu, rồi sau đó mới nói tới sự vật mình định nói, mà cái sự vật mở đầu ấy, không cần phải có ý nghĩa liên can gì tới sự vật nói ở dưới.


              Ngoài ra, lại còn có bài không chuyên về một thể, như: Phú mà Hứng, Hứng mà Tỷ, Tỷ mà Hứng, v.v… Thơ nào thuộc thể nào, trong mỗi bài đều có nói rõ.



              .
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2006 14:00:59 bởi Ngọc Lý >
              #7
                Ngọc Lý 04.10.2006 14:08:06 (permalink)
                .


                TỰA TẬP TRUYỆN KINH THI





                Hoặc có người hỏi ta rằng:
                -Thơ vì sao mà làm ra?

                Ta trả lời:
                - Người ta sinh ra mà tĩnh, ấy là tính trời, nhân cảm bởi vật ngoài mà động, ấy là cái lòng ham muốn của tính. Phàm hễ trong lòng đã có ham muốn điều gì, thì không thể không nghĩ tới điều ấy, đã nghĩ tới thì không thể không nói ra; đã nói ra, thì những lời nói không thể diễn tả hết được mà phát ra trong những lúc ngâm nga than thở, tất có âm hưởng nhịp nhàng, tự nhiên không thể dừng lại được. Ấy thơ sở dĩ làm ra là vì thế.

                Hỏi: - Vậy thì sở dĩ đem ra giáo hóa người ta là tại sao?

                Đáp:- Thơ chính là lòng người cảm bởi sự vật, rồi hình ra ở dư âm của lời nói. Những gì do lòng cảm nhận được đều có tà có chính, cho nên những điều hình hiện ra ở lời nói cũng có phải có trái. Duy nếu có bực vua thánh ở trên cảm hóa, thì tự nhiên những điều dân gian cảm nhận được, không điều nào là không chính, mà những lời nói ra đều đủ để làm giáo hóa. Hoặc giả cũng có những điều cảm nhận được một cách hỗn tạp, mà lời nói ra không phải là không đáng lựa chọn lấy, thì người trên tất phải suy nghĩ, để xét sửa lấy mình, rồi lại nhân vào đó mà trừng răn kẻ dưới. Ấy chính là để giáo hóa vậy.

                Xưa, thời nhà Chu đương thịnh, trên từ giao miếu triều đình, dưới đến các làng mạc xóm ngõ, lời ăn tiếng nói trong sạch, không lời nào là không chính, nên thánh nhân mới đem hiệp vào thanh luật ca nhạc mà lưu hành khắp trong làng ngoài nước để hóa giải thiên hạ. Đến như thơ ca của các nước chư hầu, thời khi thiên tử đi tuần thú, tất cũng được đem ra trình bầy để thiên tử xem xét mà thi hành luật thăng giáng cho các vua chư hầu. Từ đời Chiêu Vương, Mục Vương về sau, vương đạo ngày một suy tàn, cho đến khi nhà Chu dời đô sang Đông, thì điển pháp ấy cũng phế bỏ, không còn nhắc tới nữa.

                Khổng Tử sinh vào thời ấy, đã không có quyền vị, không thể thi hành được chính sách “khuyên, phạt, thăng, giáng” vì thế mới lựa riêng những bản chép cũ ra mà bàn xét, bỏ những chỗ trùng nhau, đính chính lại những điều tạp loạn; cái gì hay mà không đủ để bắt chước, cái gì dở mà không đủ để răn cấm, cũng đều san bỏ đi, cốt lấy giản ước, để truyền dạy về lâu dài, khiến cho người học có thể lấy ngay đấy mà khảo xét sự còn mất, điều gì hay thì học lấy, điều gì dở thì tự sửa đi. Bởi vậy nên chính sự của Ngài dẫu không được thi hành ngay trong một thời, mà hiệu lực giáo hóa của Ngài thì thấm nhuần đến muôn thủa. Vì thế, Kinh Thi sở dĩ dùng làm giáo hóa là phải lắm.

                Hỏi: Vậy cái thể chất của thơ Quốc Phong với các thơ Nhã, Tụng lại khác nhau như thế, là tại sao?

                Đáp: Ta nghe, phàm thơ gọi là Phong, phần lớn là do những câu ca dao nơi thôn quê, tức như những câu trai gái ngâm vịnh với nhau để tỏ tình. Duy có hai nước Chu Nam, Thiệu Nam vì ở gần Văn vương, được nhờ đức hóa mà trở nên hay, người dân cũng nhờ đó mà có được cái tính tình ngay thẳng, nên những tình ý phát ra lời nói, vui mà không đến quá say đắm, thương mà không đến nỗi quá xót xa, vì thế, hai thiên này mới được lấy làm chính kinh cho thơ Phong. Còn từ thiên Bội phong trở xuống, thì nước trị loạn không giống nhau, người hiền, ngu cũng khác, bởi đó nên những điều cảm xúc mà phát ra lời cũng có gian, ngay, phải, trái, không đồng đều, và những gì gọi là Phong của các tiên vương đến đây cũng biến đổi. Lại như những thiên Nhã, Tụng thì đều là nhạc ca trong chốn triều đình, giao miếu về đời Thành Chu, lời hòa hài mà trang nghiêm, nghĩa rộng rãi mà kín đáo. Tác giả các thơ ấy, thường là những bực thánh nhân, nên mới lấy đó làm phép tắc cho muôn đời, không thể thay đổi được. Đến như thơ biến của Nhã, cũng đều do những bực hiền nhân, quân tử đương thời, vì thương lo cho thời thế mà làm ra, rồi thánh nhân lựa lấy. Cái lòng trung hậu đau thương, phô bày điều thiện, ngăn phòng điều tà, càng chẳng phải những kẻ bẻm mép đời sau có thể bì kịp. Thơ này sở di lấy làm Kinh, vì ở trong đó, dưới thì thấu suốt việc người, trên thì tu sửa theo đạo trời, không một lẽ nào là không đầy đủ.

                Lại hỏi: Như vậy thì học Kinh Thi nên như thế nào?

                Ta đáp: Lấy gốc ở hai thiên Chu Nam, Thiện Nam để tìm đầu mối, khảo xét việc các nước để biết rõ hết sự biến đổi; chỉnh lại bằng Nhã để mở lớn hơn qui mô; điều hòa bằng Tụng để cầu lấy cái mức độ phải chăng, ấy là điểm cốt yếu của sự học Kinh Thi. Sau đó mới chia ra từng chương từng câu, để tóm lấy phần cương yếu, tìm giải nghĩa lý để thành thứ tự, ngâm nga lên để làm cho sáng tỏ, ngấm nghía vào lòng để thể hội lấy; xét tới chỗ ẩn kín vi diệu trong tính tình, nghiền ngẫm đến cái then chốt chế ngự hay phát động lời nói việc làm của ngôn hạnh. Như thế thì cái đạo sửa mình, tề nhà, trị yên thiên hạ, chẳng phải cần đâu khác, mà thấy ngay trong Kinh Thi này vậy.

                Người hỏi dạ dạ rồi lui ra.

                Ta lúc ấy đang biên tập chú thích bộ Thi Truyện, nhân chép cả lại những lời trên, để làm mào đầu cho thiên sách này.


                Thuần Hy năm thứ tư
                Ngày Mậu Tý,
                mùa Đông tháng 10
                Năm Đinh Dậu
                TÂN AN CHU HY viết



                .
                #8
                  Ngọc Lý 20.10.2006 15:01:22 (permalink)
                  .

                  LỜI TỰA THƠ QUAN THƯ



                  Thơ Quan Thư là cái đức của bà Hậu Phi, là mở đầu thiên Quốc phong, khả dĩ giáo hóa được thiên hạ mà chính được đạo vợ chồng, vậy nên mới đem dùng trong thôn quê, dùng trong bang quốc. [1]

                  Phong là gió, là giáo huấn. Gió thổi để rung động muôn vật, giáo huấn để cảm hóa nhân dân. Thơ là biểu thị của ý chí, ở tâm là chí, phát ra lời là thơ, tình xúc động bên trong mà hình ra ở lời; lời nói chưa đủ nên rền rĩ thở than, thở than chưa đủ nên vịnh đọc ngâm nga, ngâm nga chưa đủ, nên tự nhiên mà múa tay hoa chân. Cái tình của con người ta phát ra ở thanh, thanh thành ra văn, gọi là âm. Âm thanh ở đời trị bình thì yêu thỏa, để tỏ ý vui vì chính trị tốt đẹp; âm thanh ở đời loạn thì ai oán, để tỏ ý căm giận cái chính trị bạo ngược; âm thanh thủa vong quốc thì đau thương, để tỏ ý lo cho dân khốn cực. Vì vậy mà chính được thị phi, động được thiên địa, cảm được quỉ thần không gì thiết thực bằng thơ. Đứng Tiên vương nhân đó mà sửa chính được đạo vợ chồng, thành được đạo hiếu kính, dầy đắp được nhân luân, tốt đẹp được giáo hóa, dời đổi được phong tục.

                  Cho nên Thi có sáu nghĩa: một là Phong, hai là Phú, ba là Tỷ, bốn là Hứng, năm là Nhã, sáu là Tụng.

                  Người trên lấy Phong để cải hóa kẻ dưới, kẻ dưới cũng lấy Phong để chê trách người trên. Khéo mượn sự vật hình dung mà ngụ ý khuyên ngăn, như vậy thì kẻ nói ra vô tội, mà người nghe đủ lấy làm răn, cho nên gọi là Phong.

                  Đến như vương đạo suy, lễ nghĩa bỏ, chính trị và giáo hóa mất, nước này với nước khác, nhà nọ với nhà kia, phong tục cũng riêng biệt, nhân đó mới có biến phong và biến nhã. [2] Chức sử quan đã thấy rõ những chứng tích thành bại, thị phi, thương cảm cho nhân luân bị phế, xót xa cho hình chính hà khắc, bèn thâu tập những thơ ca ngâm ngợi tính tình để răn trách người trên. Tác giả những thơ ca ấy đều có ý cảm thông sự biến mà nhớ tới thói cũ tục xưa. Vì vậy, thơ biến phong phát ra do tự tâm tình, mà giới định ở lễ nghĩa; phát ra do tâm tình là cái tự nhiên của người dân, còn giới định ở lễ nghĩa, là do ơn đức thấm nhuần từ đời vua trước.

                  Cho nên, lấy việc một nước mà liên hệ tới căn bản đạo đức của một người [3], thì gọi là Phong. Nói việc thiên hạ, hình hiện phong tục của bốn phương thì gọi là Nhã. Nhã là chính, nói cái chính trị nhà vua bởi đâu mà hưng vong. Việc chính trị lại có lớn nhỏ khác nhau, vì vậy mà có Đại Nhã, Tiểu Nhã. Tụng là tán dương những gì đã tỏ hiện ra được của thịnh đức, đem sự thành công ấy cáo với thần minh, cho nên bảo rằng Tứ Thủy là cái đức đã đến chỗ tốt đẹp nhất trong Kinh Thi, không còn gì có thể hơn được nữa. [4]

                  Vậy thời, cái giáo hóa của thơ Quan Thư, thơ Lân chỉ là Phong của đấng vương giả, nên để thuộc vào Chu công; Nam là nói hóa tự Bắc cho tới Nam, cái đức của thơ Thước sào, thơ Sô ngu, là Phong của các nước chư hầu, Tiên vương sở dĩ đem ra mà dạy, nên thuộc vào Thiệu công. Thơ Chu Nam, thơ Thiệu Nam là mở đầu của chính đạo, là nền tảng của vương hóa, nên cho rằng thơ Quan thư là ý vì cầu được thục nữ để sánh đôi cùng quân tử, lo việc tiến hiền, không ham sắc đẹp, thương người yểu điệu, khát vọng hiền tài, mà không tổn đến thiện chí. Đó là ý nghĩa của thơ Quan thư.

                  _____________

                  [1] Coi phần nói về lời tựa ở bài “Phàm lệ”.
                  [2] Trong hương thôn có việc tế lễ ăn uống, hoặc bang quốc có việc về yến hội, đều có thể đem ra diễn tấu được.
                  [3] Sớ: Cho là biến đổi chính pháp, nên gọi là Biến.
                  [4] Vĩnh gia Trần thị nói rằng: Nhân phong tục hậu bạc trong dân gian, mà truy nguyên tới sự thiện ác của một người.
                  [5] Bốn bài thơ mở đầu bốn thiên trong Kinh Thi: Thơ Quan thư cuối chương nhạc ca là đầu thơ Phong; thơ Lộc minh là đầu Tiểu Nhã; thơ Văn vương là đầu Đại Nhã; thơ Thanh miếu là đầu Tụng, gọi là Tứ Thủy.

                  .
                  #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9