Tưởng Tượng
Nguyên Đỗ 05.11.2006 00:04:56 (permalink)
Tưởng Tượng


Một người bạn thơ nói với tôi, "Sự thật phũ phàng lắm, tưởng tượng hay hơn!", người khác thực tế thì nói, "Gớm các anh chị thi sĩ chỉ trên mây trên gió thôi, viết những vần thơ chẳng tích sự gì!". Những câu nói đó làm tôi liên tưởng đến câu nói của nhà bác học Albert Einstein cũng một thời dạy tại Đại Học Princeton ở Hoa Kỳ:

"Imagination is more important than knowledge. Knowledge is limited. Imagination encircles the world." - Albert Einstein

"Sự tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức có giới hạn. Sự tưởng tượng bao trùm thế giới." Albert Einstein

Tôi cũng đồng thời nhớ mang máng về câu nói của Mao Trạch Đông, lãnh tụ của đảng cộng sản và chủ tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa:

Văn chương không bằng cục phân bón.

"This is not the battle to fight!" (Đây không phải là mặt trận để đánh!) tôi tự nhủ thầm. Trong cuộc đời, còn rất nhiều điều để làm. Châm ngôn của tôi là sống và để người sống, tự do thoải mái quan niệm kiểu phương Tây "To live and let live!", không phải đi vào bênh vực hay tranh cãi chi cho mệt óc. Ai cũng biết là có thứ là văn chương có thứ là rác rưởi "There was literature and there was trash" trong những sách đã in ấn trong thế giới này.

Không phải có sách in ra là nghiễm nhiên thành tác giả, văn sĩ, thi sĩ... Không thể có tiền bỏ ra nhờ người khác viết in này in nọ với tên mình ở ngoài bìa sách là có thể vỗ ngực xưng mình là thế này thế nọ. Bạn cứ ra thư viện hay tiệm sách lớn nào đó đảo nhìn quanh bạn sẽ thấy đủ loại sách báo do những cô tình nhân của những tên giết người khét tiếng viết về cuộc đời của nàng bên cạnh anh này, anh nọ, hay hồi ký của những cô đã rời làng hoa viết lại cuộc đời tình ái của nàng với giới tài tử Hollywood, những hồi ký của các nhà thể thao, những chính trị gia, những tên cướp đang ngồi trong tù...

Nghề viết mướn viết ma cũng rất thịnh hành (Ghostwriting) ở phương Tây, chỉ cần có một hành động nào đó thật tởm hay thật anh hùng có khả năng thu tiền vào là khối gì người lăn vào viết mướn. Giới "nhà văn" không còn thuần túy tự lực tự sinh như mình nghĩ mà do quần chúng độc giả quyết định, giới bỏ tiền ra mua sách làm giàu cho các nhà in ấn, nhà xuất bản.

Ở thành phố tôi ở có một em người Mỹ mới 9 tuổi cũng đã viết và in một cuốn sách. Tôi nghe tin mời một người bạn thích viết văn trong nhóm Circle of Writing Friends tới dự buổi ra mắt sách của em. Cô bạn ra về thất vọng vô cùng, chửi thề một câu rất Mỹ mà lại hơi giống Mao Trạch Đông, "It's not worth a shit! Such a waste of time! ( Chẳng đáng cục cứt gì! Tốn giờ mất công!). Tôi vỗ vai xin lỗi, cô ta cười nói, "Not your fault! Lucky him though! Such is the power of advertising media!" (Không phải lỗi anh! Thằng nhỏ may mắn! Sức mạnh của phương tiện truyền thông quảng cáo là thế đó!)

Nói cho đúng, đôi khi tôi cũng nghĩ như nhà văn Vladimir Nabokov là "Trong thế giới rác rưởi, không phải cuốn sách đem lại thành công mà chính là quần chúng độc giả" ( "In the world of trash, it is not the book that brings success, but the reading public.")

Độc giả đóng góp phần rất quan trọng trong đời sống tinh thần của giới người viết, có khi vai trò chỉ đạo một cách gián tiếp. Một vị thầy của tôi người Việt sách in ít người mua, thầy viết rất chín chắn, nhưng cũng không hạ mình đi năn nỉ người ta ủng hộ giùm nên sách chất đầy nhà xe, trông đến thảm hại. Cứ có dịp thầy đem tặng, biếu người này người nọ. Ai có lòng thì gởi thầy cái ngân phiếu lấy thảo, hay sách báo. Thầy tâm sự, "Thầy vừa đủ vốn in là mừng rồi con! Thời bây giờ ai cũng thích nghe nhạc, coi phim DVD... Chứ sách vở bây giờ hết thời rồi con, cứ như con thả tung trên mạng mà hay đấy!" Tôi cười, "Con viết nhăng viết cuội thầy ạ! Làm sao dám so sánh với những gì thầy viết?" Thầy cười tít mắt nói với cô: "Bà nó coi, thằng này vậy mà còn dạy được! Con còn nhớ Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây là còn dạy được!"

Tôi kể thầy cô nghe chuyện có những anh chị cỡ tuổi thầy vẫn bắt tôi gọi bằng anh bằng chị hay những em cỡ 17, 18 vẫn gọi tôi bằng anh, thầy cười thông cảm: "Thế giới dân chủ mà, nhất là trong giới văn thơ gọi anh em thì vẫn thân mật hơn!" Nhưng thầy trừng mắt như giỡn như thật nhìn tôi dọa: "Con mà gọi thầy cô bằng anh chị thì chết với thầy cô đó! Thầy bắt con xoè tay ra đánh bằng thước kẻ như ngày xưa còn bé!"

Thỉnh thoảng có những anh, những chị đọc thơ văn tôi, gởi thư riêng hỏi tôi viết về ai, tặng ai: Ai thế ông?

Với người thân thuộc tôi nghịch ngợm thì chị chứ ai, với người quen sơ thì bí ẩn nói đoán thử xem, nhưng thật sự thì chỉ là tưởng tượng cho vui văn nghệ với mọi người thôi chứ ngoài đời mà đào hoa thế thì bầm mình chứ chẳng cô nào thả lỏng đi rông kiểu Vi Tiểu Bảo của Kim Dung đâu.

Tôi nói thật như vậy để bạn đọc khi đọc thơ văn tôi cứ để hồn mình theo dòng thơ văn tha hồ tưởng tượng chứ đừng phân tích thật hư làm gì, vì trong văn thơ mà không thêm mắm thêm muối vào thì khô khan lắm, chẳng phải như hồi ký cuộc đời đầy hoa màu của các cô kỹ nữ, hay các chính trị gia ba chìm bảy nổi... Theo tôi biết thì họ cũng thêm thắt nhiều lắm có kẻ lại bịa hẳn chuyện không có viết cho có nữa. Đọc sách mà tin sách hết có ngày bán luôn thóc giống đó bạn ơi! Cứ coi như cụ Nguyễn Du viết để "Mua vui cũng được một vài trống canh", tôi thì chỉ mong mua vui lúc đọc, đọc rồi quên đi.

Tôi không phải là nhà báo, ký giả nên không phải tường trình biến cố thực sự, nên tưởng tượng của tôi không làm mang tiếng giới báo chí kiểu nhà báo nói láo ăn tiền, tung những tin giật gân để thu hút độc giả, tôi chỉ là người tập làm văn nghệ nên sự tưởng tượng đóng góp phần lớn trong văn thơ của tôi. Vậy thôi nhé, viết tản mạn dông dài quá, tha cho đôi mắt bạn đọc đi Yêu Dấu ơi! Tôi nghe Nàng Thơ tôi thỏ thẻ bên tai! Để giờ nói chuyện với em!

Nguyên Đỗ




<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.11.2006 00:27:52 bởi Nguyên Đỗ >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9