Hàng Xóm
Nguyên Đỗ 11.11.2006 12:33:43 (permalink)
Hàng Xóm



Tôi nói thật chứ chẳng nói chơi, cợt đùa đâu bạn nhé! Thế giới này càng ngày càng nhỏ bé, trái đất mỗi ngày một đông, mà con người ngày lại càng thấy cô đơn chi lạ! Đi làm, đến trường, sở đầy dẫy người ta mà lòng vẫn trống trải ghê gớm.

Không biết ở nơi bạn ở ra sao chứ, chỗ tôi sống nhà cách nhau chừng mười mấy mét thôi nhưng nhà nào nhà nấy cũng có hàng rào phần để nuôi chó sau nhà lúc ban ngày, phần để củng cố đất đai tài sản của mình hay sao đó. Nhà tôi tuy không có hàng rào nhưng lại trồng những hàng thông cho đẹp mắt và chắn gió mùa đông.

Ở hai bên cạnh hông nhà, láng giềng tôi ban đầu tử tế lắm, chỉ có gia đình sau nhà chúng tôi hình như không hợp phong thủy chi đó có vẻ đối nghịch. Bố mẹ chúng tôi đã sai chúng tôi trồng thông cách đường giáp ranh là 10 tấc Anh để tránh cành thông chĩa sang phía đất đai hàng xóm. Khổ nỗi, những năm đầu thông trông đẹp nhỏ nhắn dễ coi, nhưng 13 năm sau, à thông chắc cũng dậy thì, thông to hẳn và cành xoè khoe sắc như con công khoe bộ lông đuôi sắp sửa nhảy múa lí le với đàn công mái, sang cả lãnh thổ của ngôi nhà đằng sau nhà chúng tôi.

Ông hàng xóm tử tế lắm, không nói không rằng, cuối tuần đem cắt những cành xâm phạm đất đai của ông ta, rồi vứt cành vào gốc thông bên chúng tôi. Tôi là thằng con trai thích cây cối lọc không khí nên bảo với bố tôi, "Để con qua đó chửi ông ta một trận, người chi mà không bảo vệ môi sinh gì cả!"

Bố tôi già nên kiên nhẫn hơn nói:

-- Thôi con, cành mọc qua đất đai người ta, thì người ta cắt, mình đâu phàn nàn được. Giá mà họ khéo léo nói mình một câu thì mình phải ra cắt lấy...

Tôi ấm ức, gọi điện thoại cho luật sư của gia đình chúng tôi hỏi cho ra sự thì thấy là bố tôi già không rành rẽ tiếng Anh nhưng lại dùng lương tri nói trúng ngay phóc.

Hai nhà bên cạnh ở một thời gian 10 năm thì cũng dọn đi nơi khác, một nhà thì vì vụ gia đình ly dị phải bán nhà, vì lương của một người không đủ trả tiền nhà mỗi tháng, một nhà phải dọn về thành phố khác vì đổi việc. Thế là chúng tôi lại có hai láng giềng mới, một gia đình Ấn độ và một gia đình Mỹ trắng hai vợ chồng cùng làm cho một hãng lắp ráp xe, người Mỹ hay gọi là Blue workers vì đồng phục xanh cho đỡ bẩn chứ dịch thoát ra nôm na là dân thợ máy.

Ông bà dân thợ máy có ba người con quậy không thể tả. Nhiều đêm 11, 12 giờ khuya còn chơi ầm ầm ngoài sân là mất trật tự công cộng. Ban ngày thì nhiều khi trái luật thành phố cứ thả hai con chó lớn chạy lông rông xả bậy. Thường người chủ phải đem bao nhựa đi hốt nếu chó lỡ làm bậy trên sân cỏ của người khác, nhưng gia đình này tỉnh bơ không biết tới, chỉ khi nào người khác bẳt gặp thì ông bà và đám con mới khổ sở cúi gắp bỏ vào bao nhưa đem về...

Gia đình ông bà bác sĩ Sandhu, thuộc đẳng cấp Brahmin cao nhất trong năm tầng lớp ở Ấn Độ im lặng đến lạnh lùng. Khi gặp chúng tôi chỉ gật đầu chào rồi lẳng lặng vào nhà. Cắt cỏ cuối tuần thì chỉ có bà bác sĩ ra thôi, các con và ông chẳng mấy khi đụng đến máy cắt cỏ... Ông bà có ba người con, hai gái một trai, cô con đầu Niva học y khoa theo ngành của bố mẹ, ít khi về, cô thứ hai Sandy mảnh khảnh, dong dỏng cao, học Thương Mãi nên xã giao rất giỏi mấy lần đứng nói chuyện với tôi trên sân cỏ, gặp ông bà về trừng trừng đôi mắt làm tôi có cảm tưởng mình thuộc đẳng Untouchable, là cô tiu nghỉu chào tạm biệt. Người con trai út, Simran, còn đang học Trung Học nên tối ngày chơi với con chó chạy lung tung sau sân nhà...

Nhà nào cũng có TV lớn, bồn tắm Jacuzzi có sủi bọt, đấm bóp, có bồn nước nóng kiểu California ( California Hot Tub), có nhà có hồ bơi... Nơi nào cũng đầy đủ tiện nghi, chẳng ai cần tới ai, chẳng có gì để sinh hoạt chung. Đi làm về tới nhà là mạnh ai nấy giải trí riêng, đài truyền hình đủ kiểu có cả 200 đài thì coi ngày không đủ tranh thủ coi đêm coi thiếu cả ngủ chứ chẳng chơi, bởi thế nên học sinh mỗi ngày mỗi lười viết lười đọc. Cha mẹ phải cố gắng lắm mới bắt chúng học chăm chỉ được.

Hồi bố mẹ chúng tôi mới xây nhà ở khu vực này, mỗi năm đều có tổ chức một buổi Picnic ngoài bờ hồ ai nấy đều tham dự, bây giờ vẫn còn tổ chức Picnic nhưng số người ra hồ giảm dần, dù rằng khu đất rộng mỗi năm mỗi càng gia tăng nhà thêm. Chắc phải đổ lỗi cho đồ ăn thức uống, vì món ăn mỗi năm được giao cho một tiệm ăn nổi tiếng thầu, nhưng lý do chính là mọi người thích ở nhà coi chương trình TV, coi thể thao... hơn ra ra gặp hàng xóm nói chuyên lông bông này nọ.

Trước mặt nhà chúng tôi có ông bà Swensen, tổ tiên ông bà từ vùng Đan Mạch sang đây từ thế kỷ 18, đã về hưu rất tốt và lúc nào cũng niềm nở chào hỏi mọi người. Tôi thường qua nhà ông cắt cỏ mỗi khi ông bà đi nghỉ hè xa vì ông có lẽ ông có dòng máu Vikings nên không có mùa hè nào mà ông bà không đi du thuyền hay thả thuyền ra khơi đánh cá. Mấy năm rồi ông bà sợ già quá lỡ bệnh tật giữa đêm nên đã bán nhà đi lên Michigan sống trong viện dưỡng lão do nhà thờ xây dựng cho giáo đồ.

Tôi rất nhớ gia đình ông bà Swensen. Trước nhà ông bà có cây Redbud hoa tim tím đỏ như hoa khế năm nào đầu mùa Xuân cỡ cuối tháng Ba đầu tháng Tư hoa nở từng chùm tím đẹp như mơ. Ông bà vừa dọn ra, là gia đình mới vào. Họ muốn trồng cảnh theo ý riêng họ nên đã đẳn cây Redbud xinh đẹp của tôi đi và trồng những cây chẳng có vẻ gì hay, thế đấy, chắc trong tâm thức của tôi đã thiên vị và thù oán gia đình mới rồi.

Cạnh nhà ông bà Swensen, và đối diện với gia đình ông bà Sandhu là gia đình McNamarra, không có bà con gì với ông tướng Mỹ một thời oai hùng ở miền Nam. Ông bà McNamarra không có con, nhưng nhận nuôi giùm những người bị khuyết tật do chính phủ đài thọ một phần nào (Foster Children) khi cần. Ông bà già nhưng còn chịu chơi lắm, một lần cỡi chiếc xe máy Davidson, chạy làm sao đó, phóng lên lề đường và nằm dài trên sân cỏ nhà tôi. Chúng tôi phải gọi 911 cho xe cứu cấp chở ông bà vào nhà thương, may mà không việc gì. Chiếc xe bị méo mó trông đến tội, xăng dầu đổ đầy làm cỏ sân nhà tôi chết cả một vùng.

Cạnh nhà ông bà có Mike và Diane. Hai vợ chồng này con cũng có gia đình hết rồi nhưng không ai có thể ngờ là ông bà là ông nội ông ngoại hết rồi. Cả hai người đều có gia đình riêng nhưng đã thôi và đây là cuộc hôn nhân thứ hai của mỗi người nhưng là mối duyên tâm đầu ý hợp nên ông bà càng ngày càng trẻ ra. Ông bà ngoài mỗi người một chiếc xe hơi, ông còn có hai chiếc xe gắn máy Davidson, bà có một chiếc Kawasaki, nhỏ nhắn hơn, giống chiếc xe của tôi chạy mỗi dịp hè.

Ông bà với gia đình chúng tôi hợp tính lắm, ông bà trồng vườn cảnh theo kiểu Nhật Bản, còn bố tôi và tôi chơi kiểu hòn non bộ kiểu Việt Nam, thỉnh thoảng chạy qua lại nói chuyện hay lái xe đi chơi chung ngoài hồ. Tôi trai trẻ mà đố dám chạy vượt được ông bà, phóng nhanh tới độ cảnh sát có lần đuổi theo ông bà bắt phạt hai vé luôn. Tôi chạy đã nhanh nhưng chỉ hơn tốc độ cho phép một hai dặm một giờ thôi, chứ chạy nhanh cũng vui, nhưng lỡ phải né tránh hay chạy lên vật gì, xe nhảy vồng lên như con ngựa chứng thì đi đời nhà ma thân tôi.

Chạy xe gắn máy có một thú vị là mình gắn liền với chiếc xe máy như một thân thể, xe là thân, mình là đầu. Phóng vù vù trên xa lộ, mạng sống gắn liền với nhau, xe ngã thì mình đau, xe tàn thì thân bại. Đi xe hơi an toàn hơn, nhưng mình không hòa nhập với xe được. Nói vậy thôi chứ tôi lái cẩn thận lắm, không liều mình như đám thiếu niên hay thanh niên bên Việt Nam hiện nay đâu. Tôi nghe cũng rùng mình tởn da gà. Họ đua xe hằng ngày, có người còn thách đố nhau lướt dưới sàn xe tải mười tám bánh (Semi-trailer). Có vái tôi 36 lạy tôi cũng quỳ gối lạy gấp đôi thưa rằng con lạy ông, lạy bà, con chẳng dám.

Cạnh nhà ông Sandhu có một gia đình trẻ, có hai đứa con rất kháu khỉnh. Chiều nào ông bố cũng ra chơi với các con, rất là dễ thương. Tôi cũng nghĩ là họ rất hạnh phúc cho đến tháng rồi, không thấy ông bố chơi với các con mà chỉ có cô Kristy, tôi chào:

-- Hi Kristy, Doug đâu rồi mà chị chơi với các con một mình thế?

Cô rơm rớm nước mắt nói rằng họ đã ly dị, vì Doug tằng tịu với người cùng sở nên khi phát giác thì nàng chia tay. Tôi thấy tội nghiệp mấy cháu bé ghê, chứ cô Kristy còn trẻ đẹp chẳng mấy chốc lại có người theo thôi. Đời sống phương Tây là vậy đó. Tưởng là hạnh phúc mà mới đó đã tan như sương như khói rồi.

Hôm nay tôi ghé lên một mạng lưới đọc thơ, thấy nhiều thơ hay, tôi cũng mon men ghi danh, ai ngờ lại trúng mạng lưới tìm bạn bốn phương. Vừa ghi danh xong đã có hai thư của hai người rồi, làm tôi thường ngày cũng viết nhiều cứng họng luôn. Sao mà mau quá thế, à ra có lẽ thế giới này cũng lắm người cô đơn, chứ không phải chỉ những người trong thế giới văn chương mới cô đơn đâu. Tôi biết người sống vì thơ vì văn cần có nhiều giờ ở nơi thinh lặng, tách rời cuộc sống gia đình, tách rời thế giới hội hè để viết lách, để thả hồn bay bổng theo mây xanh, để đối diện với tâm hồn mình, để đuổi theo bóng nàng thơ, chàng thơ... nhưng trong cuộc đời thực tế cũng có rất nhiều người cười đó nói đó mà cũng rất cô đơn hơn mình thường nghĩ.

Tôi tự hỏi càng văn minh, càng tiến bộ, càng giàu sang thì xã hội càng đóng cửa và con người càng cô đơn thêm không?

Nguyên Đỗ




#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9