Trang viết Nguyễn Chí Thiện
T.T.T 16.12.2006 17:57:00 (permalink)
Của chùa

Truyện ngắn Nguyễn Chí Thiện

 
Ngay tại phiên toà sơ thẩm, anh em chú cháu họ Đỗ Duy đã gầm ghè, chửi bới nhau. Chủ tọa phải quát lớn, dẹp mấy lần mới yên.
Họ nhà này có sáu bảy hộ ký tên yêu cầu chia thừa kế, trong đó ông Khương là chú, đứng đầu. Chỉ riêng Đỗ Duy Phương là cháu ruột ông Khương chống lại, chống cả anh em ruột mình.
Cán bộ ủy ban nhân dân quận, rồi cán bộ toà án quận đi khắp nơi kiểm tra xác minh tài liệu liên quan. Hội đồng xử án phán quyết chia thừa kế như nguyên đơn yêu cầu. Phe mấy ông chú, cậu và anh em thắng, còn Phương thua.
Ra đến cổng Toà án, Phương vẫn bực tức, chửi ông Khương, mấy chú, cậu là vô lương tâm, ăn cháo đá bát. Còn chõ vào trong nói lớn: “Bất công. Chắc chắn có kẻ ăn tiền, bao che lũ quan tham cấp sổ đỏ trái pháp luật nên nhắm mắt làm ngơ trước sự thật”.
Ông Khương không vừa, chỉ mặt Phương mắng: “Thằng kia! Mày biết Toà là ai không? Là công lý?. Toà người ta xử công khai minh bạch, án tại hồ sơ. Mày hèn, sợ phải chi trả một tỷ đồng cho chúng tao để nhận phần nhà đất đang ở nên bố láo. Nếu vậy vợ chồng con cái mày cuốn xéo đi, để tài sản lại cho chúng tao hưởng cả”.
Nói rồi ông đá Phương một cái. Phương đấm lại một thoi. Người cậu và anh họ lấy mũ cối đập lia lịa.
Phương trúng đòn mũ cối ngất xỉu, chảy máu đầu vẫn bị đá vào lưng. Khi ông Khương nhảy vọt tới, vừa nhảy vừa gào: “Thằng cháu mất dạy”, định đạp cả hai chân lên người Phương thì may có anh công an bảo vệ cao to bay người tới, xô bắn sang bên. Phương được chở đi cấp cứu. 
Tuần sau, Phương lại sang nhà ông Khương, muốn nói chuyện tình cảm chú cháu về chia thừa kế. Ông Khương mặt lạnh như tiền hất hàm hỏi:
- Chuyện gì?
Phương nhũn nhặn, con cà con kê một hồi rồi đi vào chuyện:
- Chú ạ, tình máu mủ ruột rà cháu xin có lời. Sự thật về khu đất này chú biết rõ, đó là đất chùa, có phải của mình đâu. Họ nhà ta mấy chục năm trông coi chùa, được ăn lộc chùa, nay sao nỡ biến đất chùa làng thành của riêng. Với lại, đây là di tích lịch sử cách mạng và văn hoá. Không làm sai được!
Ông Khương cáu:
- ừ, đúng là đất chùa đấy. Thần phật là chủ đất không kiện, sao mày rỗi hơi? Đất của chung, chúng tao chạy chọt mãi mới được cấp sổ đỏ cái toà Tam bảo. Mà mày ngu, thời buổi đô thị hoá huyện lên quận, xã mình lên phường, tấc đất tấc vàng.
Chia thừa kế thì chùa thành đất riêng. Mày cũng được cấp sổ đỏ nhà mẫu và toà hậu cung bên ấy, lại còn khoảnh đất vườn rộng. Mày gần năm chục tuổi đầu, lấy đâu cơ hội có tài sản vào tay lớn như vậy. Không biết ơn bậc cha chú, còn dám lôi đám nhà báo vào. Thôi về đi. Không chấp nhận cứ việc chống án.
Vụ án chia thừa kế của dòng tộc Đỗ Duy gây ồn ào cả nước, vì có hàng chục cơ quan báo chí địa phương và trung ương vào cuộc. Họ cử người đến Sở Văn hoá Thông tin, Ban quản lý Di tích và Danh thắng, rồi Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Văn hoá Thông tin quận.
Liên tục năm sáu tháng, có hàng chục  báo nối nhau đăng bài điều tra, in ảnh, phỏng vấn... Nhưng dư luận ồn ào mấy cũng chẳng nhằm nhò gì. Toà án quận quyết chia thừa kế, là chia. Có cán bộ địa phương mỉa: “Báo là gì? là loại thú thuộc họ mèo, sống hoang dã, được chiều chuộng nhưng khó dậy. Quên đi nhé!”.
Và giờ đến phiên toà phúc thẩm, do Toà án Nhân dân thành phố xử. Ngoài sân, Phương ngồi cạnh bốn năm nhà báo. Họ trò chuyện khi còn sớm, chưa đến giờ. Ông Khương ngồi vắt chân chữ ngũ giữa đám năm sáu người em và cháu, dỏng tai nghe ngóng.
Lão phóng viên kỳ cựu báo Đại Thời mới vừa tranh luận, vừa giảng giải cho tay phóng viên trẻ măng của báo Tương lai thành phố mới vào cuộc: “Cậu thấy đấy, hồ sơ của Sở Văn hoá Thông tin ghi rõ, đây là ngôi chùa cổ. Chùa còn sáu tấm bia đá cổ.
Bia cổ nhất niên đại năm 1664, còn chuông đồng cổ, 5 tượng phật phong cách nghệ thuật thế kỷ mười bảy. Chùa còn nguyên bộ tam quan cột đồng trụ, toà thượng điện... Mà chùa còn là di tích cách mạng, cơ sở hoạt động của Xứ ủy Bắc kỳ, nơi có cuộc họp quân sự quan trọng do Bí thư Thành ủy bấy giờ chủ trì, chuẩn bị cho Khởi nghĩa cách mạng tháng tám...”.
Tay nhà báo oắt con gật gù gật gù, ra vẻ hiểu vấn đề, trông đáng ghét. Mấy tay nhà báo khác đua nhau ra lời bình luận, phán đoán, còn ngoắc tay cá cược chầu bia rằng, hôm nay Toà sẽ hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại. Thằng Phương ngồi mặt buồn rười rượi.
Tay phóng viên báo Ngày mới vỗ vai Phương an ủi. Phương phân bua: “Em chỉ buồn. Chuyện đã rõ ràng. Biết sai mà mấy ông chú cứ làm, khiến bà con làng xóm coi thường cả họ”. Ông Khương lắng nghe, chỉ cười nhếch mép, rung chân chữ ngũ nhủ thầm: “Cười ba tháng, chẳng ai cười ba năm. Tao cứ được đất cái đã”.
Chủ tọa đang hỏi ông Khương, tay phóng viên trẻ báo Tương lai thành phố đi lên, giơ máy ảnh chụp ông tanh tách. Ông Khương vờ không biết, chỉ tay vào mặt anh ta quát lớn: “Này anh kia, anh là ai mà dám vào đây chụp ảnh. Đề nghị bắt lấy”.
Nhóm người phe ông Khương xôn xao, đòi bắt giữ người, thu máy. Nói là làm. Ông Khương dợm người bước lên được nửa bước, thì chủ toạ quát: “Tất cả yên lặng. Không được mất trật tự. Đây là phiên xử công khai. Người này có thẻ nhà báo, đã đăng ký dự phiên toà nên có quyền chụp ảnh, ghi âm”. Ông Khương hơi tẽn tò, thụt lại. Chủ tọa hỏi ông Khương:
- Ông có gì chứng minh đây là đất của ông cha để lại?
- Thưa  không có, nhưng cha mẹ tôi vẫn ở đây từ lâu, không có ai thắc mắc.
- Ông có biết đây là chùa gì không?
- Đây là chùa của dòng họ tôi, có từ lâu đời.
- Ông có giấy tờ gì của cha mẹ chia, cho, tặng hoặc di chúc lại?
- Thưa không có.
Chủ tọa nói, từng lời nhẹ mà ông Khương giật mình: “Người khởi kiện đòi người chia thừa kế phải có nghĩa vụ đưa ra bằng chứng pháp lý là đất của mình. Chứng cứ chia thừa kế phải là chứng cứ pháp lý”.  
 
Chuyện chùa của làng thì ông Khương khá rõ. Bố ông vẫn kể, đây là chùa của làng. Sư trụ trì chùa cũng là cán bộ cách mạng. Sau ngày giải phóng miền Bắc, chùa không có sư trụ trì. Bố ông  được giao trông coi nhang đèn cho chùa, gọi là ông xã chùa.
Qua biến cố thời gian, gia đình và anh em họ hàng nhà ông lúc đầu ở nhờ chùa, sau phá bớt diện tích gian thờ bị đổ nát do bão, để xây nhà ở. Ông Khương đưa gia đình mình vào ở gian Tam bảo. Năm 2002, ông “chạy” được sổ đỏ Tam bảo tên mình. Nếu thằng Phương không phá, án sơ thẩm đã có hiệu lực.
Ông Khương nhột choáng khi Tòa tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại. Đã thế, tay nhà báo trẻ báo Tương lai thành phố còn đi lướt ngang, giơ trước mặt ông bản pho to giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bố ông được thành phố cấp từ năm 1956, nói với đồng nghiệp: “Phô tô mà dòng viết thêm có nét chữ vẫn khác hẳn, màu đậm. Bản gốc rõ lắm hả anh”.
Tay nhà báo già liếc sang ông, gật đầu: “Ừ, tớ xem bản gốc rồi, màu mực khác và nét chữ khác, mới viết. Dòng mới thêm là cơ sở chính của hồ sơ cấp sổ đỏ Tam bảo chùa đấy. Phen này có thêm phiên toà hình sự về giả mạo giấy tờ, cấp sổ đỏ trái pháp luật nữa đây”. Ông Khương nghẹt thở, muốn khuỵu gối vẫn cố gượng, nghĩ: “Toà án quận mình xử lại… Lo gì…”.
 

NCT
-----------------------------------------------------------------------------------
(Từ TP Chủ Nhật ngày 3/12/2006- Nguyễn Chí Thiện: Email - chithienkttp@yahoo.com)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.12.2006 18:03:56 bởi T.T.T >
#1
    Ct.Ly 16.12.2006 19:18:15 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9