Bệnh Parkinson
HongYen 22.12.2006 11:45:40 (permalink)
Bệnh Parkinson
 
Cuộc tranh đấu tìm phương cách chữa bệnh Parkinson của cựu diễn viên Michael J.Fox
 
18/12/2006
 
 
 
Bệnh hoạn là một tai họa đối với con người, và khi gặp tai họa thì người ta thường cố gắng chống chỏi với chứng bệnh và chìm đắm trong nỗi lo âu. Tuy nhiên một diễn viên màn bạc và màn ảnh nhỏ nổi tiếng của Hoa Kỳ đã can đảm tìm cách chuyển đổi tai họa này thành một con đường tranh đấu với hy vọng tìm được phương thuốc chữa trị cho những người mắc cùng phải một chứng bệnh kinh niên gây suy yếu thể lực như ông. Lan Phương trong Lá Thư Mỹ Quốc tuần này mời quí vị nghe những chi tiết về cựu diễn viên truyền hình và điện ảnh Michael J. Fox qua bài viết của Ted Lanphair.
 
Michael J. Fox ra đời năm 1961, đã khởi nghiệp diễn viên của ông khi còn là một cậu bé trên đài truyền hình Canada. Đến năm 18 tuổi, ông dọn sang thành phố Los Angeles, Hoa Kỳ và chỉ trong mấy năm đã được giao cho vai chính trong chương trình truyền hình hài hước “Family Ties” rất ăn khách.
Nhưng đến năm 1985 thì cuốn phim điện ảnh Back to the Future đã đưa ông lên hàng diễn viên thượng thặng nổi tiếng thế giới. Diễn viên trẻ tuổi này đã thủ vai anh bạn Marty McFly trẻ tuổi, đẹp trai ôm cây đàn ghi ta, chạy tới chạy lui giữa hiện tại, quá khứ và tương lai.
 
Trong thập niên 1980 và 1990 diễn viên Michael Fox đã đóng 2 phim nối tiếp cho cuốn Back to the Future và 10 cuốn phim khác nữa., trong lúc vẫn tiếp tục chương trình truyền hình Family Ties, và sau đó là một chương trình khác cũng rất ăn khách có tên là Spin City. Tính cho đến năm 2 ngàn ông đã diễn tổng cộng 100 lần trong chương trình truyền hình Spin City và sau đó xin nghỉ hưu. Trong mùa trình diễn cuối cùng, ông đã được trao tặng giải Emmy, tức là giải thưởng dành cho diễn viên xuất sắc nhất cho phim truyền hình, một giải thưởng mà diễn viên nào cũng mơ ước.
 
Nhưng lúc đó rất ít người biết rằng diễn viên ăn khách mới có 39 tuổi đó đã bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời ông. 9 năm trước ông đã được chẩn đoán là mắc bệnh Parkinson, một chứng rối loạn thần kinh chưa có thuốc chữa khiến tay chân, thân mình người bệnh run rẩy từng chập không kiểm soát nổi. Vào lúc giã từ điện ảnh, ông tâm sự:
 
Mỗi khi tay chân tôi run bần bật lên như vậy thì trông tôi rất thảm hại, chẳng còn đẹp đẽ gì nữa. Tôi sẵn sàng quẳng hết cái ý nghĩ về một sắc diện, hình thái đẹp đẽ. Tôi đã có những năm dài mọi người nghĩ tôi là một anh chàng đẹp trai, chả thế màhồi đó mấy cô tuổi chanh cốm đều thích treo hình tôi trong phòng. Bây giờ thì tôi đã xếp chuyện đó vào quá khứ rồi. Tôi chỉ muốn được thoải mái thôi. Tôi không muốn phải mất thời giờ đỏm dáng, giữ gìn, vội vã cạo râu, thắt cà vạt đến nỗi phát khùng hay làm đổ thức uống vì run rẩy.
 
Cựu diễn viên điện ảnh Michael J.Fox nói rằng chứng bệnh Parkingson mà ông mắc phải đã trở thành một món quà tình cờ, giúp ông vượt ra khỏi những lo buồn của cá nhân để vươn tới giúp những người đồng bệnh.
 
Mặc dù tôi phải đương đầu với chứng bệnh của mình trong tâm trạng mình là người yếu kém. Và mặc dù bệnh tật là điều ngoài ý muốn, nó đã cho tôi một dịp may để tạo được sự khác biệt và làm những điều hữu ích. Chính vì thế mà tôi thường cảm thấy biết ơn và thấy rõ thân phận nhỏ bé của mình trong tình huống như vậy.
 
Trong tư cách sáng lập viên của Hiệp Hội Michael J.Fox Nghiên Cứu về bệnh Parkinson, ông tập trung vào việc nâng cao sự hiểu biết đối với chứng bệnh này để làm sao tìm ra phương thuốc chữa lành.
 
Ông Michael J. Fox tin rằng cuộc nghiên cứu y học về tế bào gốc từ phôi thai con người mang rất nhiều hứa hẹn trong việc rồi ra sẽ giúp tìm ra phương thuốc trị liệu chứng Parkisnon, và ông đã trở thành một người cổ vũ, vận động để chính phủ liên bang tài trợ, hậu thuẫn cho công cuộc nghiên cứu tế bào gốc.
 
Nhưng sử dụng tế bào gốc lấy từ phôi thai con người bị bỏ đi vẫn bị những nhóm bảo thủ và tôn giáo lên án, họ chống lại việc sử dụng ngân sách liên bang để tài trợ cho cuộc nghiên cứu như vậy.
 
Lập trường chống đối này được tổng thống George Bush ủng hộ, và ông đã áp đặt những hạn chế gắt gao đối với việc sử dụng tế bào gốc lấy từ phôi thai con người.
 
Tháng 7 năm 2006 tổng thống Bush đã phủ quyết dự luật lẽ ra đã cho phép ngân sách liên bang tài trợ cho công cuộc khảo cứu tế bào gốc. Hành động này của tổng thống đã khiến Michael J. Fox phẫn nộ.
 
Thật là điều gây tổn thương khi thấy tổng thống dùng quyền phủ quyết để bác dự luật này. Dự luật đã được cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện thông qua.
 
Sau vụ này,ông Michael J. Fox đã hợp tác với nhiều ứng viên ra tranh các chức vụ công cử ủng hộ cho quan điểm của ông. Trong khoảng thời gian trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa Kỳ vào tháng 11 năm nay ông đã lên truyền hình quảng cáo chính trị cho ứng viên Dân Chủ Claire McCaskill.
 
Người ta cho rằng chính trị đều có tính cách địa phương, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Những gì mà quí vị làm ở Missouri có ảnh hưởng đến 2 triệu người Mỹ, những người Mỹ mang chứng bệnh như tôi.
 
Tôi là Claire McCaskill, và tôi chấp thuận thông điệp này.
 
Bà McCaskill đã đắc cử vào thượng viện Hoa Kỳ. Ông Michael J. Fox hy vọng quốc hội mới với đảng Dân chủ chiếm đa số sẽ vận động đủ phiếu để bác quyền phủ quyết của tổng thống đối với dự luật về nghiên cứu tế bào gốc lấy từ phôi thai khi dự luật này dược đem ra trước quốc hội bàn thảo lại vào năm tới. Ông Fox tin rằng vấn đề tranh cãi này liên quan đến các giá trị cốt lõi của nước Mỹ.
 
Đây đích thực là biểu trưng cho quốc gia của chúng ta, nói lên cảm nghĩ của chúng ta về nhân dân chúng ta, về sự tôn trọng của đa số đối với thiểu số, nhưng vẫn tiến hành những điều mà người dân cần và những gì mà người dân muốn.
 
Michael J.Fox cho biết hiện ông đang tranh đấu cho một số chừng 4 triệu người đang phải sống với chứng bệnh Parkinson. Ông hy vọng những nỗ lực của ông có thể giúp tìm được phương thuốc chữa lành chứng bệnh này ngay trong quãng đời còn lại của ông.
 
http://www.voanews.com/vietnamese/2006-12-18-voa37.cfm
#1
    HongYen 22.12.2006 11:51:20 (permalink)



    Chủ nhật, 7/4/2002, 07:30 (GMT+7)


    Bệnh Parkinson và các phương pháp chữa trị
     





    Các thiết bị kích thích điện não được cấy vào cơ thể bệnh nhân.
    Đây là một loại bệnh thần kinh mạn tính, thường kết hợp với các rối loạn tâm thần. Khoảng 45% bệnh nhân Parkinson bị trầm cảm và 30-60% bị sa sút tinh thần.
     
    Bệnh Parkinson xuất hiện do các tế bào não kiểm soát vận động cơ bắp bị thoái hóa dần. Những tế bào này sản sinh dopamin - một chất có vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu giữa các tế bào. Khi chúng thoái hóa, lượng dopamin sẽ giảm dần trong cơ thể người bệnh, dẫn đến các triệu chứng Parkinson (đi đứng khó khăn, cử động chậm, tay chân cứng và run, cơ mặt bị liệt). Nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được khẳng định. Có giả thuyết cho rằng đó là sự rối loạn về gene.
     
    Bác sĩ Lê Quốc Nam, Trung tâm Sức khỏe tâm thần TP HCM, cho biết, bệnh Parkinson thường xuất hiện ở những người hơn 60 tuổi (có một số trường hợp trẻ hơn, khoảng trên 40 tuổi). Đây là một bệnh tương đối phổ biến với tỷ lệ mắc là 90-100/100.000 dân và tỷ lệ mới mắc là 20/100.000 dân/năm.
     
    Bản thân việc chẩn đoán bệnh và thái độ của những người xung quanh (người thân, bạn bè) cũng gây một số thay đổi xấu về tâm lý ở bệnh nhân. Vì bệnh nhân thường rất mệt mỏi hoặc có thể bị trầm uất nên sự động viên tình cảm của người thân và tổ chức tập thể là rất cần thiết. Hằng ngày, bệnh nhân cần tập thể dục và giữ sự khỏe khoắn; thực hiện các liệu pháp vận động nhẹ, bơi lội, đi bộ. Không nên nghỉ ngơi quá nhiều mà phải điều chỉnh hoạt động tùy theo tình trạng sức khỏe.
     
    Bệnh Parkinson không phải là vô phương cứu chữa
     
    Có thể điều trị Parkinson bằng những phương pháp sau:
     
    * Dùng thuốc: Giáo sư Nguyễn Văn Đăng, Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương, cho biết, đây là phương pháp điều trị Parkinson duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Việc dùng thuốc dù đều đặn và đúng chỉ định của bác sĩ cũng chỉ có hiệu quả trong khoảng 10 năm. Sau vài năm, hiệu quả của thuốc sẽ kém đi và những triệu chứng trở nên khó kiểm soát. Mặt khác, thuốc cũng có thể gây một số phản ứng phụ...
    Ở Việt Nam hiện chỉ có những loại thuốc thông thường, không đủ các thuốc đặc hiệu.
     
    * Phẫu thuật: Các bác sĩ cắt bỏ một trung khu của não có dính líu đến bệnh lý Parkinson, làm giảm bớt cử động bất thường của bệnh nhân. Phương pháp này ít được sử dụng vì có thể gây biến chứng rối loạn chức năng khác.
     

    * Kích thích điện não bộ: Các bác sĩ sẽ phẫu thuật để đặt vào vùng mắc bệnh trong não bệnh nhân 1 hoặc 2 điện cực; đồng thời đặt dưới da lồng ngực 1 máy phát xung điện và 1 máy điện toán cực nhỏ (tất cả nặng 50 g). Hai hệ thống này nối với nhau bằng 2 dây dẫn nằm dưới da đầu, cổ và vai. Khi một dòng điện tần số cao được phóng ra, não bộ sẽ hoạt động lại bình thường mà không cần dopamin.



    Tại Singapore, chi phí cho một ca đặt thiết bị kích thích não bộ là 20.000 USD (kể cả huấn luyện sử dụng máy). Bệnh nhân muốn điều trị bằng phương pháp này ở Singapore có thể liên lạc với Trung tâm Medic, địa chỉ 254 Hòa Hảo, phường 4, quận 10, TP HCM để được tư vấn miễn phí (kể cả việc gửi hồ sơ sang để chẩn đoán) vào 18h mỗi ngày. Cần mang theo tất cả hồ sơ bệnh án, đơn thuốc đã từng dùng... Nếu muốn bác sĩ của Medic đưa sang Singapore, bệnh nhân phải tốn thêm khoảng 500 USD.
     
    Các thiết bị nói trên chạy bằng pin, 3 năm phải thay một lần. Chúng có khả năng ức chế các xung bất thường của dòng điện não. Khi máy vận hành, người bệnh linh hoạt trở lại; sự rối loạn vận động, run rẩy và cứng ngắc tứ chi hầu như hoàn toàn biến mất. Các thống kê cho thấy, 70% bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật này đã trở lại sinh hoạt bình thường; 30% thấy bệnh giảm bớt.
     
    * Ghép tế bào thai nhi: Các phẫu thuật viên sẽ lấy tế bào của thai nhi ghép vào não bệnh nhân để chúng sản xuất ra dopamin. Đây là loại kỹ thuật cao nhất trong điều trị Parkinson. Kỹ thuật này cực kỳ phức tạp và chi phí rất cao nên ngay cả các nước tiên tiến cũng hạn chế sử dụng nó.
    Người Lao Động
     
    http://vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2002/04/3B9BAD45/

     
     
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9