cắt trĩ nội
HongYen 28.01.2007 03:58:33 (permalink)
Một ca cắt trĩ nội
10 Tháng 1 2007 - Cập nhật 13h49 GMT
 
 
Phương pháp cắt trĩ phổ biến hiện nay bắt đầu từ gây tê tủy sống, nửa thân dưới hoàn toàn mất cảm giác.
 
 
#1
    HongYen 28.01.2007 07:58:27 (permalink)




    Chuyện của người đi cắt trĩ
     






    Lê Hải
    Ban Việt ngữ đài BBC
     



     







    Trĩ tức là tĩnh mạch hậu môn bị phình ra
    Mời quí vị theo Lê Hải vào bệnh viện ở Việt Nam để giải phẫu cắt trĩ, một chứng bệnh thời hiện đại do ngồi nhiều khiến tĩnh mạch hậu môn phình to, mà theo các số liệu chuyên ngành thì có đến một nửa số người trên 35 tuổi có nguy cơ bị mắc bệnh tùy cấp độ nặng nhẹ.
     
    Bài viết có một số chi tiết, từ ngữ mô tả bệnh tật có thể khiến người đọc mất thoải mái, xin quí vị cân nhắc trước khi đọc tiếp.
    Đời là bể khổ, nhưng mà "bí đái" thì chắc không nỗi khổ nào sánh bằng.
    Bụng trương cứng, mót tiểu gần hai giờ đồng hồ, mà có ráng mấy cũng không thấy giọt nước tiểu nào chảy ra cái bình nhỏ bên dưới.
     
    Bí tiểu
     
    "Ráng lên chị, không thôi là mệt lắm". - Tiếng chị y tá dỗ dành một bệnh nhân nữ nằm đầu đằng kia, cũng bị tương tự như tôi.
    Từ nãy đến giờ các nhân viên phòng hồi sức cứ đi qua giường của tôi là lại hỏi: "Tiểu được chưa anh?".
    Một cô y tá bước tới: "Nếu anh không tự tiểu được tụi em sẽ phải đặt ống thông tiểu, sẽ mệt đó".
    Mười lăm phút trôi qua mà tôi vẫn tiếp tục loay hoay, vẫn không làm nổi cái chuyện sơ đẳng nhất của con người.








    BS Tú Dung nói rất nhiều phụ nữ bị trĩ
    Thậm chí tôi còn thôi không nghĩ tới chuyện tiểu vào bình nữa, cứ để đái dầm như con nít lên ba, nhưng chỉ hoài công.
    Đến lượt anh bác sĩ tới giường, ấn tay vào bụng: "Bọng đái cương cứng quá rồi nè, chỗ này hơi đau phải không, ráng tiểu đi anh".
     
    Nỗi khổ của người bị trĩ
     
    Lại thêm cả chục phút trôi qua trước khi cô y tá quay lại động viên: "Chân hết tê chưa, anh đứng xuống đất thử coi, cứ quay đại vô đây không sợ ai nhìn đâu".
    Thêm mười lăm phút vô ích.
    Thấy tội nghiệp, một cô y tá khác dìu tôi vào toilet, vì "có người đứng hoài đi không được nhưng vô toilet cái là được liền".
    Đúng vậy. Tôi thuộc loại đó. Theo giải thích của bác sĩ phòng hồi sức thì các bệnh nhân trĩ vào đây sau giải phẫu, cứ 10 thì có 6 người bí tiểu.
    Vậy là tôi đã qua được chặng đầu tiên của con đường đau khổ nhiều tập, giải phẫu cắt trĩ mà mọi chuyện chỉ bắt đầu từ sau đó vài tiếng đồng hồ ở phòng hồi sức.








    Cắt trĩ cũng gây tê tủy sống giống đẻ mổ
    Nhớ lại hồi sáng gặp một bệnh nhân xuất viện, anh ta toàn nhắc tới chuyện "đi đái" hơn là chuyện "đi ỉa" như tôi tưởng.
     
    Hậu phẫu
     
    Cô y tá giải thích có thể là do giải phẫu hậu môn cho nên hệ thống bài tiết quay sang sử dụng bọng đái.
    Một cô y tá khác thì nói đó là do gây tê tủy sống cho nên sau đó cơ thể tạm thời bị rối loạn, cũng giống như phụ nữ đẻ mổ.
    Trước ca mổ ở bệnh viện An Sinh tp.HCM, bác sĩ Tú Dung đã nói bệnh nhân cần chuẩn bị tinh thần để chịu đau.
    Quá trình phẫu thuật đã đi kèm gây tê tủy sống cho nên bạn sẽ không có cảm giác gì, vẫn tỉnh táo nói chuyện phiếm, nhưng khi hết thuốc cũng là lúc cơn đau ập tới rất khó chịu.
    Tuy nhiên tùy theo sức chịu đau của bệnh nhân mà bác sĩ hồi sức sẽ cho thêm các loại thuốc chích hoặc uống giảm đau.
    Nếu so sánh hệ thống phòng mổ của An Sinh với các bệnh viện tôi từng vào ở châu Âu thì chắc là ngang nhau, thậm chí tôi còn có cảm giác bác sĩ và y tá Việt Nam lành nghề hơn.
     
    Phẫu thuật
     








    Nhiều Việt Kiều về Việt Nam mua dịch vụ y tế do giá rẻ và có người thân chăm sóc
    Các y bác sĩ trong ca mổ nói đùa "chắc là vì ở Việt Nam đông dân, nhiều bệnh nhân cho nên quen tay hơn".
    Miệng nói chuyện, tay vẫn nghiêm túc thực hiện mọi thao tác cần thiết, một chị y tá kẹp các đầu điện cực để bác sĩ theo dõi nhịp tim, đặt ống oxy vào mũi để bảo đảm hô hấp, và cắm kim vào ven để giữ đường truyền thuốc khi cần thiết.
    Đây là thao tác chuẩn bị thông thường cho ca phẫu thuật loại vừa, vì cắt trĩ là động tác giải phẫu đơn giản nhưng đòi hỏi qui trình mổ công phu.
    Bác sĩ Dung cho biết cả Sài Gòn có khoảng 5 trung tâm đủ điều kiện đáp ứng các đòi hỏi y khoa để cắt trĩ như An Sinh.
    Bác sĩ gây mê yêu cầu tôi nằm cong người như con tôm để luồn mũi kim chính xác vào giữa cột sống, cơ thể phản ứng co giật nhưng một y tá đã đứng sẵn, hai tay kềm đầu và chân bệnh nhân.
    Thuốc tê vào người ngay lập tức xóa hết mọi cảm giác từ ngang thắt lưng trở xuống, cơ giãn hết ra, ai muốn xoay trở thế nào cũng mặc.
     
    Trĩ nội
     
    Bàn mổ tự động phân chia để y tá nâng hai thanh kẹp, đưa chân lên như bàn đẻ trong phim.








    Bác sĩ thường chỉ định mổ với trĩ cấp 3 và cấp 4
    Một tấm khăn trắng căng cao che mất tầm mắt, không phải ngăn bệnh nhân nhìn thấy máu mà "để đánh dấu ranh giới khu vực vô trùng". - Bác sĩ Dung giải thích.
    "Đây là tiếng con dao điện". - Bác sĩ giải thích về tiếng lẹt xẹt phát ra cùng mùi thịt cháy, thỉnh thoảng lại bắt chuyện, có lẽ là để kiểm tra mức độ tỉnh táo của bệnh nhân.
    Ca mổ của tôi kéo dài hơn một giờ đồng hồ, vì có đến bốn khối trĩ nội cấp 3-4 cần phải cắt bỏ.
    Theo nội dung buổi tư vấn trước ca mổ thì trĩ nội tức là tĩnh mạch hậu môn bị phình to, nếu nhỏ cỡ cấp 1-2 thì không cần phải mổ mà có thể uống, bôi hoặc chích thuốc theo Tây y lẫn Đông y.
    Mỗi vết cắt chỉ dài chừng 1cm nhưng do nằm ở khu tập trung nhiều đầu mối dây thần kinh cho nên cơn đau hậu phẫu vô cùng khó tả.
    Theo sơ đồ giải thích trên tờ rơi của bệnh viện An Sinh thì cơn đau sẽ giảm dần nhưng kéo dài chừng bảy ngày.
     
    Đau hậu phẫu
     
    Mấy hôm sau tôi tự mình được minh chứng độ chính xác của thông tin đó.
    Đang ngồi chơi vui vẻ với người thân bỗng cơn đau vô cớ kéo tới khiến bạn chỉ muốn lăn lộn trên giường cho bớt, thường là khi cơ thể vận động phần hậu môn để thoát hơi hoặc đi tiêu.
    Vào đến toilet là một cơn đau xé da khi phân và máu tuôn ra, sau đó cả người run lẩy bẩy, vã mồ hôi, chắc các bà đẻ cũng đau đớn đến thế là cùng.








    Sau 7 ngày bệnh nhân có thể đi lại bình thường
    Nghĩ đến chuyện các ông nếu đi cắt trĩ sẽ thương vợ lúc đi đẻ hơn, vì khi bản thân mình đau chỉ thèm có ai đó đứng bên cạnh để nắm tay hay nghe vài câu an ủi.
    Rất nhiều nơi quảng cáo phương pháp cắt trĩ không đau nhưng có lẽ chỉ nói tới các loại trĩ nhỏ hoặc giai đoạn giải phẫu.
    Bác sĩ Dung nói các sự đau đớn sau khi mổ là chuyện khiến bệnh nhân nhớ nhất; một bệnh nhân bị tái phát xác nhận chuyện đó khi giải thích với tôi về ca bệnh của mình.
     
    Khám tổng quát
     
    Với tôi thì nhớ nhất là những phiền toái như ngâm thuốc khử trùng sau khi đi vệ sinh, đứng lên ngồi xuống, ăn uống ... nếu phải tự mình làm hết ở nước ngoài chắc chắn sẽ là một cực hình.
    Vì vậy thật dễ hiểu tại sao nhiều Việt Kiều về các bệnh viện ở Việt Nam như An Sinh mua dịch vụ y tế, đặc biệt là khám tổng quát.
    Cùng nhóm bệnh nhân với tôi còn có một bà cụ nhờ về khám mà phát hiện sớm được khối ung thư trực tràng và quyết định mổ ngay lập tức để còn có người nhà chăm sóc, theo dõi.
    Bản thân tôi được hưởng chế độ bảo hiểm sức khỏe ở Anh nhưng chưa bao giờ được bác sĩ gia đình cho đơn làm xét nghiệm tổng quát.
    Ở Việt Nam với giá chưa đến 100USD bạn có thể làm đủ, từ xét nghiệm HIV cho đến nội soi khoang bụng tìm ung thư, chụp siêu âm để phát hiện sớm các chứng bệnh hiểm nghèo.
    Với bệnh trĩ nếu phát hiện sớm sẽ không phải trải qua bất kỳ đau đớn này vì có phác đồ điều trị rất đơn giản, chỉ cần hàng năm đi khám định kỳ.
     








    Nhiều bệnh viện ở Việt Nam được trang bị không thua nước ngoài
    Bệnh trĩ
     
    Bác sĩ Tú Dung nói những ai ngồi nhiều thì sớm hay muộn gì cũng sẽ bị trĩ, từ anh lái xe cho đến vị giám đốc, triệu chứng đầu tiên là "đi tiêu ra máu".
    Trĩ không phải là bệnh hiểm nghèo, không lây nhiễm, cũng không biến thành ung thư, nhưng ảnh hưởng vô cùng lớn tới cuộc sống hàng ngày.
    Thế nhưng nhiều người phải tìm ra thời gian để đi khám và khi tới bệnh viện còn phải vượt qua nỗi ngượng ngùng trong suy nghĩ.
    Các y tá kể có những trường hợp phụ nữ đi cắt trĩ mà giấu chồng con; tưởng tượng cảnh phải chịu đau một mình trong bệnh viện thật là kinh khủng.
    Bác sĩ gây tê còn kể có người đã vượt qua hết mọi cửa ải, nhưng đến khi lên bàn mổ vẫn nhất quyết kẹp chặt chân không cho ai động tới hậu môn.
    Hiện nay khá nhiều cơ sở y tế tại Việt Nam tổ chức khám và điều trị, tuyên truyền nâng cao ý thức trong người dân về căn bệnh này; các thông tin chuyên ngành đưa ra con số 50% người trên 35 tuổi bị trĩ.
     
    Hiểu biết
     
    Theo tổng kết của bệnh viện An Sinh, trong chương trình khám trĩ miễn phí đã không chỉ phát hiện và chữa trị cho bệnh nhân trĩ mà còn cả các chứng bệnh liên quan đến hậu môn ít được người ta quan tâm tới như hẹp cơ vòng, rò rỉ hậu môn và ung thư.
    Mới đây báo chí Việt Nam nhắc tới một bệnh nhân do bôi thuốc thiếu chỉ định của bác sĩ đã gây biến chứng, tắc hậu môn, và bệnh viện An Sinh đã phải mổ cấp cứu.
    Sau ca mổ, bác sĩ Tú Dung cho biết sẵn sàng tư vấn miễn phí qua email cho bệnh nhân từ xa: tudungnp@yahoo.com
    Kính mời quí vị độc giả chia sẻ những trải nghiệm về bệnh tật cùng BBCVietnamese.com
     
     
    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/01/070110_haemorrhoids.shtml
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9