Tiểu Thuyết: Tình Trên Đỉnh Sầu - Cung Thị Lan -
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 24 trên tổng số 24 bài trong đề mục
Cung Thi Lan 27.04.2007 09:26:35 (permalink)
Chương Ba Mươi Sáu

 
 
           Hơn một năm ly dị với chồng, tuy bận rộn với vai trò  đơn phương làm chủ ba tiệm móng tay, bà Kim Cúc chưa nguôi ngoai được sự mất mát đang hiện diện trong tâm hồn. Dù là thế, bà không hề đề cập hay than thở với một cô thợ hay một người quen biết nào về sự phản bội của chồng bà. Trong gia đình, bà tránh đề cập hay nhắc nhở về ông Hoàng hay sự yêu đương bất chánh của ông. Ngoài tiệm, bà không hề than thở, tâm sự, oán trách hay tham gia bàn tán bất kỳ trường hợp ngoại tình nào của người đàn ông mà bà nghe bàn tán trong tiệm. Ảnh hưởng lối giáo dục và phong cách sống của cha mẹ đồng thời với bản tính lạnh lùng sẵn có, bà thường có thái độ tỏ ra bất cần đối với những điều không vừa ý.
           Thực tế là bà đã khóc âm thầm hàng tháng sau khi sự cố xảy ra. Bà đã tự trách mình là không giữ được hạnh phúc với chồng đến độ ông phải bỏ đi lấy vợ khác. Bà đã tự trách sự đơn giản hóa của mình về chuyện luyến ái của nam nữ. Bà còn tự trách là đã để ông Hoàng sống đơn độc trong căn phòng mà đáng ra bà phải có mặt bên ông mỗi đêm. Tuy nhiên, sau một thời gian, cùng sự trôi qua của ngày tháng, bà đã rõ hơn sự chối từ của ông Hoàng đối với mình để rồi tự chấn chỉnh tâm trí của mình bằng lập luận : “Cái gì không thuộc về mình, cho dầu có cố giữ thể nào, không chóng thì chày thì cũng sẽ mất đi.” Dù là thế, lối tự an ủi như một phương pháp trị liệu cho sức khỏe tâm thần không đủ sức xóa hết những thắc mắc trong tâm trí của bà về nguyên do khiến cho ông Hoàng đã có mối quan hệ xác thịt với cô Hoa và bằng cách nào mà họ có thể có con với nhau một cách dễ dàng trong một căn nhà lắm người như nhà của bà Thu. Bà  đã hình dung ra rất nhiều cảnh tượng như cảnh ân ái giữa ông Hoàng và cô Hoa, cảnh ve vãn của ông, cảnh đồng tình của cả hai người và cảnh khiêu gợi của cô Hoa. Và khi nghĩ sự việc diễn ra trong cảnh cuối cùng là nguyên nhân khiến cho chồng bà và cô Hoa có con với nhau, thì bà không còn coi cô ta là kẻ ngang hàng đồng tuổi với con mình nữa mà là kẻ “phá gia cang”, một kẻ tình địch chính tông. Bà thầm cảm ơn hành động hào hiệp của ông Hoàng về việc chuyển nhượng tất cả tài sản cho bà. Cùng sự việc, trước đấy, bà cảm thấy tổn thương vì cử chỉ hảo hán của ông chứng tỏ tình yêu mà ông dành cho cô vợ trẻ hơn bất cứ những gì ông có trên đời, còn lúc bấy giờ, bà an tâm khi số lợi nhuận từ các tiệm gia tăng mỗi tháng một nhiều hơn. Như được  bàn tay thần thánh ban phép, số lời từ ba tiệm Bàn Tay Đẹp gia tăng khá nhiều. Điều này đã làm bà không suy tính đến chuyện thu tiền các tiệm hàng ngày mà nhờ những người quản lý chuyển thẳng số thu nhập thẳng vào số tài khoản của bà trong ngân hàng đồng lúc gửi tổng kết số những con số của các tiệm đến cho bà qua điện báo. Mê tín với chuyện “Đen tình, đỏ bạc” và chấp nhận thực tế của câu ca dao  “Chín con chưa phải là chồng” bà tự tìm quên chuyện buồn riêng của mình qua công việc kinh doanh mà mình đang có, tuy rằng sự oán hận chồng vẫn chưa nguôi trong trái tim bà. Nó làm bà kiên định với ý nghĩ là: Nếu ông Hoàng hỏi bà lấy lại một trong ba tiệm Bàn Tay Đẹp hay ngay cả “nửa tiệm” thì bà vẫn sẽ không bao giờ chấp thuận trao lại cho ông. Vì ghen tuông và vì lý luận về sự công bình ở đời, bà muốn cô vợ bé của ông Hoàng đổ mồ hôi để tự tạo dựng của cải chứ không phải lấy từ những gì đã có từ tâm lực của bà. Sau khi nghĩ  chuyện mơ ước trở thành y tá của mình bị lãng quên vì phải dồn tất cả thời giờ cho việc kinh doanh và lo cho chồng con đến chuyện phục tùng của mình dành cho chồng trong bao nhiêu năm sống chung theo nghĩa vợ chồng, bà hiểu rõ mối quan hệ vợ chồng của bà trước đây là mối quan hệ đàng hoàng và khuôn phép theo phong tục tập quán của người Việt Nam. Tuy mối quan hệ ấy được bồi đắp thêm bởi những món quà trong những ngày sinh nhật, ngày lễ tình yêu và các ngày lễ khác theo tập tục của người Mỹ, nó chỉ là một hình thức của hạnh phúc hơn là một tình yêu  vợ chồng đích thực.
Hàng ngày, suy tư với bao khắc khoải trong lòng, bà Kim Cúc vẫn không tìm ra được nguyên nhân đã gây nên sự rạn nứt trong tình cảm của vợ chồng bà vì thế bà thường so sánh mình với cô Hoa để tìm hiểu lý do cô ta cướp lấy ông ra khỏi đời sống của mình. Sau khi đoán mò cô Hoa chiếm được tình cảm của ông Hoàng là do cô ta trẻ hơn, đầy sức thanh xuân hơn và mềm mỏng ngây thơ hơn bà, bà ngậm ngùi nhớ ra là bà đã đánh mất đi quá nhiều bởi những thay đổi sau chiến tranh và bởi hoàn cảnh ly hương. Tất cả những gì mà cô gái ở độ tuổi hai mươi kia có được là hình ảnh của chính bà hơn hai mươi lăm năm về trước trong quá khứ tươi đẹp mà khi nhớ ra, sự nuối tiếc của hiện tại  không thể giúp bà bơi ngược giòng thời gian để trở về những ngày tháng êm đềm cũ.
            Chua chát nhận ra tình cảm của ông Hoàng và bà trước đây là tình yêu nam nữ đơn điệu, rập khuôn theo kiểu trai gái lớn lên phải có vợ có chồng rồi sinh con đẻ cái, và cay đắng khi hiểu rõ hôn nhân của mình là kết quả của thứ tình cân nhắc với các tiêu chuẩn đã được định rõ theo kiểu “cẩn tắc vô ưu”, bà Kim Cúc xót xa với sự khám phá của mình. Theo bà, nguyên nhân sự đổ vỡ là bởi hôn nhân của vợ chồng xuất phát từ sự phải lòng nhau và quan hệ một cách đàng hoàng mẫu mực chứ không phải từ một tình yêu say đắm kết hợp bởi lãng mạn và xác thịt. Với ý nghĩ tình chồng nghĩa vợ của mình chẳng khác nào lối cư xử của hai người kinh doanh lương thiện mà qua đó  họ đã cùng gia tăng tài chính để hợp sức  nuôi dạy con cái  nên người và không bị thua thiệt bất cứ ai hay bất cứ phương diện nào trong xã hội, bà cho rằng  trước đây ông Hoàng đã  hỏi cưới bà vì lúc ấy ông không tìm thấy người nào hơn bà cũng như bà đã yêu và chấp thuận lấy ông vì xung quanh bà lúc ấy không còn một người con trai nào có trình độ học thức như ông, có lý lịch ở miền Nam như ông và quan trọng nhất là điểm tựa vững chắc cho cuộc sống ban đầu của bà trên đất Mỹ như ông. Ý nghĩ hầu hết những cuộc hôn nhân khác không nhất nhất xuất phát từ tình yêu lãng mạn và cho rằng nếu chúng bị thẩm duyệt bằng thử thách sẽ chẳng còn bao nhiêu cặp tồn tại trên đời, bà Kim Cúc phì cười với từng hậu quả trong trí tưởng tượng như đang coi một cuốn phim  hài hước vô hình trước mắt.
            Thấy bà Kim Cúc cười cười một mình như người điên, cô Oanh từ bàn làm việc của mình mon men bước lại gần bà với khuôn mặt ái ngại và hỏi:
        - Có chuyện gì vậy chị? Em chưa thấy ai bị chồng bỏ mà ngồi cười như chị vầy đâu!
        Bà Kim Cúc cười mỉm:
        - Chứ không lẽ ngồi khóc? Đối với người phụ bạc, không bỏ mình trước cũng bỏ sau thôi. Chẳng thà bây giờ còn làm ăn được, còn khỏe mạnh bị bỏ vẫn còn đở tủi hơn lúc sáu, bảy mươi tuổi.
        - Chuyện của chị mà em cứ nghĩ là chuyện của em. Em cứ suy nghĩ hoài về nguyên do khiến cho anh Hoàng thay đổi một cách lạ kỳ như vậy. Quen với anh chị bao nhiêu năm trời, em biết tính tình của ảnh đàng hoàng chứ có phải như mấy người đàn ông khác đâu! Nếu ảnh có tính “trai gái mèo mỡ” thì ảnh có ở xứ tự do này từ lâu rồi chứ cần gì về Việt Nam. Biết bao nhiêu đứa sẵn sàng trong internet, biết bao đứa thợ trẻ đẹp độc thân “ẹo qua ẹo lại” thấy chướng mắt mà ảnh đâu thèm? ... Vậy mà không hiểu cách gì chuyện tai hại như vậy lại xảy ra!
        Quay đầu tóc ngắn màu vàng sang bàn của bà Kim Cúc, cô  Kim nói chen vào:
        - Trong khung cảnh “đầy Việt Nam”, các cô gái trẻ Việt Nam thừa sức đưa hồn các  ông Việt Kiều nhè nhẹ trở về cái tình tự yêu đương của thời đã mất hơn các cô gái trẻ ở đây quá đi chứ chị Oanh!
        Chặc lưỡi, đong đưa đôi bông tai to tròn cạnh hai bên má, cô Thủy nói vọng sang:
        - Bởi vậy, tuy biết mình là người vợ đẹp nhưng không nên chủ quan quá đáng. Cái tự tình dân tộc thường làm sống lại dĩ vãng xa xưa của các ông Việt Kiều và tạo điều kiện cho các cô gái trẻ thu hút các ông một cách dễ dàng.
        Cô Liên nói vọng tới:
        - Cũng tùy tính người thôi chứ, đâu phải đàn ông nào cũng đều có tính mèo mỡ! Chỉ có những người đàn ông có tính bậy bạ mới đành đoạn bỏ vợ, bỏ con theo nhân tình mà thôi.
        Cô Minh cãi lại:
        - Tính gì mà tính? Ông tơ bà nguyệt cắt dây tơ hồng thì đố ai mà nối cho được! Hết duyên, hết phận thì phải chịu chứ làm sao cãi được ý trời?
        Thế là đề tài hạnh phúc gia đình và sự phản bội của đàn ông, đã không hề bị đả động trong những tháng trước đó, được đưa ra bàn luận giữa các cô thợ và giữa các cô với những người khách mà họ đang phục vụ. Xôn xao với nhiều trường hợp khác nhau, họ kể cho nhau nghe chuyện này sang chuyện khác bằng tiếng Việt và tiếng Anh không dứt. 
        Biết việc riêng tư mà bà Kim Cúc cố tránh đề cập nhưng không thể nào thoát khỏi một lần bởi những cái miệng ưa nói của các cô thợ, cô Oanh hỏi nhỏ với bà Kim Cúc khi ngồi xuống chiếc ghế đối diện tại bàn làm việc của bà:
        - Em không hiểu sao cả nhóm đông người cùng về Việt Nam như gia đình chị mà lại để anh Hoàng bị một đứa con gái trẻ dụ dỗ như vậy?
        - Lỗi của chị là quá lo lắng cho mẹ chị nên bỏ mặc ảnh sống một mình ở nhà em gái ruột của ảnh. Nhưng mà thực ra chị không ngờ chuyện xảy ra đến như vậy!
         - Người ta vẫn thường đồn là mấy đứa con gái Việt Nam thường bỏ bùa cho Việt Kiều để được ra nước ngoài đó mà chị! Em chẳng biết tụi nó có bùa không và dùng loại bùa gì để dụ dỗ đàn ông nhưng em nghĩ mình cũng không nên trách tụi nó. Sống trong cảnh nghèo khổ túng thiếu thấy người ta hơn cũng muốn có cơ hội ra nước ngoài để làm nở mày nở mặt cho gia đình. Cho nên, của mình thì mình phải giữ cẩn thận thôi!
        - Chuyện đã xong rồi, chị không trách ai nữa. Không phải “của mình”, giữ thế nào chăng nữa, mất thì trước hay sau cũng mất thôi. Nhưng mà chị tin mọi sự xảy ra do ý trời, là sự sắp đặt của thượng đế để sống bình an và không nghĩ ngợi gì nữa.
        - Ý trời gì chị ơi! Mỡ đưa trước miệng mèo mà mèo không đớp mới là chuyện lạ! Nhưng mà thôi, ít ra hôm nay em còn nghe chị nói những gì chị nghĩ trong đầu còn hơn thấy chị im lặng đăm đăm hoài em ngại lắm - Chăm chú nhìn bà một lúc, cô Oanh nói thêm - Chị cần nói nhiều hơn để giải tỏa những ức chế trong tâm trí nếu không ảnh hưởng sức khỏe tinh thần lắm đó chị Kim Cúc!
        - Hết rồi, không còn gì để nói đâu Oanh, nhưng đó không phải là tận thế. Chính những lúc đối diện trường hợp như vầy mới hiểu cái bản lãnh của người đàn bà ra sao.
         - Em tin chị vượt qua được nỗi khổ tâm này mà! Nếu không có ảnh thì chị cũng sẽ gặp biết bao nhiêu người đàn ông khác để mà lựa chọn! Với sắc đẹp của chị, chị muốn có bạn trai lúc nào mà chẳng được?
        - Có ích gì? Chị hết còn tin đàn ông và không còn tin có tình yêu chân thành  nào ở trên đời nữa rồi!
        - Vẫn có nhưng chị không thấy đó thôi. Những cái không thuộc phạm vi lựa chọn, so sánh, cân nhắc hay tính toán là tình yêu chân thật.
        - Nếu em nói như vậy, chị hiểu anh Hoàng yêu con bé Hoa thật tình như ảnh đã nói với chị. Anh ta bỏ lại tất cả tài sản cho chị đã đành, trách nhiệm với con cái và mái ấm gia đình ảnh cũng không coi ra gì nữa. Đó là bài học mới nhất cho chị về mãnh lực của tình yêu!
        -  Em không nghĩ đó là tình yêu. Có thể vì ảnh muốn tìm lại tình tự quê hương dân tộc; cũng có thể vì đã “lậm” vào đam mê mới; hay có thể vì tự ái gì đó mà ảnh không thể trở lại với chị!
        Bà Kim Cúc lắc đầu:
        - Đến giờ chị cũng chưa biết được thực chất của tình yêu là gì và tâm lý của đàn ông ra sao, nhưng những điều ấy không phải là mục tiêu của cuộc đời! Nếu không có tình yêu, không có đàn ông, mình vẫn sống được mà!
        - Nhưng mà nếu có, nó vẫn tô điểm cho cuộc đời của người đàn bà đẹp hơn đó chị!
        Ngẫm nghĩ một lúc, cô Oanh nói thêm:
        - A, mấy ngày chủ nhật gần đây, Duy Anh thường đến đây luôn khiến em phải hỏi anh ta còn luyến tiếc gì mà đến mãi. Thường thường, anh ta không trả lời và cũng chẳng nói gì, chỉ ngồi im lặng một chút rồi bỏ đi, nhưng mới chủ nhật tuần trước anh ta kể với em là đã chuyển sang học cùng trường C. với Vân nhưng chẳng bao giờ gặp Vân. Em không hỏi vì sao hai người không gặp nhau nữa và không hỏi vì sao Vân lấy bằng móng tay xong không làm cho tiệm mình mà làm cho tiệm khác.
            Bà Kim Cúc không hỏi cô Oanh vì sao cô kể điều này và cũng không hỏi thêm về chi tiết mà cô tiết lộ, nhưng khi cô ta nhắc đến hai người kia, cô đã làm bà nhớ lại những lời oán trách của cô Vân sau khi cô này lấy xong bằng làm móng tay. Cô Vân đã nói với bà rằng cô xin thôi việc vì cô không muốn chứng kiến cảnh “chướng tai, gai mắt” của người đàn bà lớn tuổi dùng sắc đẹp, tài sản và thủ đoạn để “dụ dỗ” những người đàn ông, con trai mà bà ta muốn. Định kiến của cô Vân về bà đã không làm bà muốn nghĩ đến cô ta kể cả anh Duy Anh, người đã từng gieo cho cô ta ý nghĩ yêu thương trước đây.
         Lảng sang chuyện khác, bà Kim Cúc hỏi:
        - Chuyện học GED của em đến đâu rồi?
        - Em đã có giấy báo đậu rồi!
        - Em sẽ tiếp tục học đại học chứ?
        - Dạ có!
        - Vậy thì chị sẽ học với em. Trước đây, vì chồng con, chị tự dừng lại để lo cho mọi người trong gia đình bước tới còn bây giờ chị sẽ ghi danh học đại học trong khi lo các công việc đã có của mình.
        - Máy computer và cách chuyển tiền trực tiếp vào ngân hàng là hai cánh tay đắc lực giúp chị quản lý công việc kinh doanh của ba tiệm Bàn Tay Đẹp mà! Nếu chuyển từ từ các bà khách đang đeo theo chị cho thợ thì chị không cần phải ra tiệm nữa.
        - Thật sự là không phải chị tham việc nhưng đa số thợ trong tiệm chỉ có bằng làm móng tay chứ không có bằng thẫm mỹ mà làm sáp hay mát xa mặt cần phải có bằng này nếu State Board cho người kiểm tra thì tiệm sẽ gặp rắc rối.
        - Còn em nữa mà! Em sẽ phụ chị, đừng lo!
        - Em không định mở tiệm sao?
        - Không, nếu em muốn mở tiệm em đã làm từ lâu rồi. Lúc trước ở Việt Nam không được học đến nơi đến chốn, nay được sang đây em quyết học cho đến lúc lấy bằng tốt nghiệp Đại Học. Em chỉ muốn quân bình thời gian làm việc, học hành và giáo dục con cái chứ không muốn thiên về việc kiếm tiền thôi đâu. Em thấy nhiều người say mê kiếm tiền trong ngành móng tay bỏ bê con cái đến hư hỏng nên sợ lắm!
        - Hai đứa con gái em vừa ngoan ngoãn, vừa học giỏi lại siêng năng làm giúp việc nhà thì em hãi sợ gì nữa chứ? Nhưng mà nếu em định thế thì hai chị em mình sẽ cùng học Đại Học.
          - Đúng vậy, hai chị em mình sẽ thay phiên chăm nom tiệm vừa đi học! Sau này ra trường có bằng, có việc làm nhàn hơn và mua được bảo hiểm sức khỏe cho toàn gia đình vẫn tốt hơn cái bảo hiểm tư vừa đắc tiền lại vừa giới hạn như tụi mình đang có hiện nay. Mỹ không kỳ thị tuổi tác trong học đường và công việc làm, cho nên em tin mình sẽ thành đạt như ý muốn!
        Bà Kim Cúc cười cười:
        - Vậy còn Thông thì sao? Anh ta bằng lòng cho em học Đại Học chứ?
        - Tất nhiên rồi! Tuy ông xã của em yên phận với nghề sửa xe và chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện học hành tại Mỹ nhưng luôn luôn khích lệ em học tiếp. Tháng tới này, em sẽ thi vào Đại Học M.  Nếu được nhận vào trường em sẽ học ngành Phục Vụ Xã Hội. Còn chị?
        -  Chị học tiếp ngành Y Tế Cộng Đồng.
 
 
Chương Ba Mươi Bảy

 
        Từ khi mở ra bước ngoặc lớn trong đời, ông  Hoàng đã ẩn mình trong căn nhà thuê tọa lạc tại quận G. của bang Maryland nơi cách nhà cũ của ông và bà Kim Cúc bốn mươi lăm phút lái xe. Vì muốn thoát khỏi sự đàm tiếu của dư luận, ông đã tìm cách sống xa những khu dân cư có người Việt Nam nhất là những nơi có người đã từng quen biết và những người đã hay đang làm nghề móng tay. Hơn thế nữa, vì kiên định với việc bảo lãnh mẹ con cô Hoa theo diện vợ chồng, ông đã chọn ở khu xa xôi nhất của Maryland để tránh nghe những “lời ra tiếng vào”.  Sự kiên định của ông Hoàng không lâu đã được đền bù: chính phủ Hoa Kỳ đã chấp thuận  cho ông chính thức đón rước hai mẹ con cô Hoa sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình, chồng bảo lãnh vợ. Sau giây phút trùng phùng, nơi “ ẩn cư” của ông trở thành một mái gia đình vui tươi và ấm áp như mơ ước của ông trong những ngày cô độc trong căn nhà vắng vẻ.
         Những tháng ngày xa cách đã không phai nhạt tình họ. Ngay từ phút gặp lại, ông Hoàng và cô Hoa đã quấn quýt lấy nhau không rời. Bảy ngày phép dành cho cuộc tiếp rước là những ngày ân ái không cùng tận của ông và cô ta. Riêng đối với ông, chúng là những ngày phép ngắn ngủn trong khi thời gian của ngày trở lại làm việc càng lúc như càng dài ra. Trong khi làm, ông có thói quen mới là hay nhìn đồng hồ. Ông chỉ mong hết giờ để được về nhà, được vuốt ve âu yếm cũng như đáp trả. Không như thông lệ khi còn ở nhà cũ là khi trở về nhà sau một ngày làm việc ông thường rửa tay vào phòng ăn rồi sau đó sinh hoạt cùng vợ con trong phòng gia đình; ông đã tìm ngay đôi môi thơm mát của cô Hoa để rơi vào trạng thái bồng bềnh trong hoan lạc đến tối. Họ thường như thế mỗi ngày đến độ thằng bé Tony thường có thói ngủ từ lúc năm giờ chiều với bình sữa dù nó đã hơn một tuổi. Thức ăn tối của  họ thường là những thức ăn thừa được mua từ các chợ Việt Nam, Mỹ, hay Đại Hàn vào những ngày cuối tuần hay các thức ăn được đặt nhà hàng giao tận nhà như Pizza hay các món ăn Tàu vì thế nhà bếp của họ luôn luôn mới tinh và sạch sẽ như của căn nhà không có người ở. Ngày qua ngày, trong khi thức ăn chính của họ là ân ái, thức ăn chính của thằng bé Tony chỉ là sữa tươi. Nó chỉ được bố mẹ đút cho những món ăn vớ vẩn khi tùy thích.
        Say sưa trong chăn gối mặn nồng, cả ông Hoàng và cô Hoa thường quên hết không gian, thời gian và ngay cả đứa bé hay tìm tòi và nghịch phá như Tony. Mỗi khi thức giấc bất chợt, trong lúc bố mẹ của nó quên hết mọi chuyện trên thế gian, thằng bé thường âm thầm thám hiểm, lục lọi và xáo trộn các vật dụng trong các phòng rồi toàn nhà. Môi trường tự do càng ngày càng khiến nó trở thành người tự ý và tự tiện. Nó có thể lấy ra, cất vào, dời đổi hay đập phá các thứ trong nhà tùy thích. Dần dà, bị phát hiện và ngăn cản, nó thường phản kháng và chống lại bằng những tiếng la hét, khóc ré hay liệng ném một cách kịch liệt. Để giải quyết tình trạng này, ông Hoàng bàn với cô Hoa gửi Tony vào nhà trẻ cho dù học phí ở khu sang như quận G. làm nặng thêm cán cân  chi tiêu hàng tháng so với cán cân thu nhập quá thấp đối với tình trạng của ông.
        Từ lúc Tony vào trường, cô Hoa nhàn hạ hơn trước. Công việc của cô ngoài việc đưa đón Tony từ nhà đến nhà trẻ và từ nhà trẻ về cô không còn phải làm gì hơn. Khả năng học ngoại ngữ của cô rất kém cho nên cô chẳng muốn đến trường. Tuy đã chuẩn bị học tiếng Anh tại Việt Nam trước khi đi Mỹ cô chỉ biết vài chữ như “anh”, em”, “ăn”, “ngủ”, “đi”, “đứng”, “ngồi”, “nằm” và các  câu dài hơn như “em yêu anh”, “Tôi không biết” hay “Không tiếng Anh”. Mặc dù thích nói và ưa tâm sự nhưng cô rất sợ tiếp xúc với bên ngoài. Cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dự học trong lớp Anh ngữ với người dạy là một người Mỹ cho nên chuyện học Anh Ngữ để đi làm hoặc lấy bằng lái xe hoàn toàn ngoài sự suy tính của cô. Cũng vì Anh ngữ hạn hẹp, càng ngày cô càng thối thoái việc sử dụng ngôn ngữ này bằng nhiều cách khác nhau. Mỗi khi phải trả lời những cuộc điện thoại, dù quảng cáo hay các thông điệp quan trọng dành cho ông Hoàng, cô thường nói “Không tiếng Anh” rồi cúp máy một cách đột ngột. Khi cần phải mua thứ gì hay muốn đi đâu, cô chờ đến ngày cuối tuần để được ông Hoàng chở đi hay rước về và luôn yêu cầu ông chở đến các khu thương mại của người Việt để mua thức ăn của tiệm ăn Việt Nam, mua phim ca nhạc Việt Nam hay thuê phim tiếng Việt. Công việc hàng ngày của cô chỉ là coi phim bộ Hồng Kông tiếng Việt, ngủ trưa đến tận chiều, đón Tony, cho nó ăn qua quít, tắm rửa cho nó rồi chăm sóc thân thể mình sạch sẽ thơm tho để chờ ông Hoàng về. Mỗi ngày, cô thường làm ông Hoàng ngạc nhiên bằng những chiếc áo ngủ mỏng và các bộ đồ lót đủ kiểu, đủ màu sắc hay vờ ốm trong giường với thân thể nõn nà trần trụi. Cứ theo đà ấy, cô thường đưa ông đến tận đỉnh cao của ái tình và dần dà biến ông trở thành kẻ đam mê trong lạc thú hơn là để ông khuyên cô đến trường học hay tìm việc làm.
        Trong thời gian sống chung với nhau, ông Hoàng đã từ từ đưa cô Hoa lên ngôi nữ hoàng và dần dần  biến mình thành kẻ nô lệ  tình ái. Ông hết lòng tuân theo những điều cô yêu cầu và hết dạ chiều chuộng cô từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Ông đã nghe lời cô gửi tiền rất nhiều về cho bố vợ, đưa các thẻ tín dụng để cho cô mua các loại nữ trang đắt tiền và đặt mua các thứ khác mà cô thích trong các tạp chí được gửi đến tận nhà. Không so đo công việc dành cho đàn bà hay đàn ông như khi ở với bà Kim Cúc, ông đảm nhiệm lần lần các việc làm của cô và cho cô như đút cơm cho Tony, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm gạo mắm, nấu thức ăn, và xức dầu, cạo gió, rồi xoa bóp. Tệ hại hơn là ông đã thường gọi báo bệnh để nghỉ hoặc xin xếp nghỉ đột xuất sau khi nhận những cuộc điện thoại của cô Hoa bảo về ngay vì ở nhà cô cảm thấy không  được khỏe.
        Sống sung sướng và đầy đủ với danh phận vợ của người công chức và không phải làm gì trong xã hội Mỹ nhưng cô Hoa không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Cô luôn luôn ở trong tâm trạng bất ổn vì cô chẳng thấy một Mỹ Kim nào trong nhà. Thay vì có được những tủ két đầy tiền Mỹ Kim như cô tưởng tượng khi còn ở Việt Nam, cô chỉ được tiếp xúc và làm quen với những tấm ngân phiếu, những thẻ tín dụng, và những phiếu nợ. Lo lắng nhất cho cô là những tấm thẻ  tín dụng, những tấm thẻ hình chữ nhật có hàng số dài ngoằn và tên ông Hoàng thường kê khai các mục chi tiêu hàng tháng trong các thư ghi nợ mà trong đó đa số là  những khoản cô phung phí cho các thứ của riêng cô. Số tiền nợ ấy nếu cộng thêm số tiền lời và số tiền tiếp tục chi hàng tháng mà không trả được phần nào khi nhận phiếu thì đến mãn kiếp của ông Hoàng vẫn không tài nào trả nổi bởi vì ngoài các phiếu nợ các ngân hàng tín dụng ông Hoàng còn phải trả tiền thuê nhà và tiền nợ xe. Sau khi nói chuyện điện thoại với một số bạn gái cùng cảnh ngộ và quen biết trong chuyến máy bay sang Mỹ, tâm trạng rối ren của cô Hoa chuyển thành buồn rầu đến độ cô bỏ hết những buổi ngủ trưa. Những câu chuyện của các cô bạn, được “các chàng Việt Kiều trẻ” bảo lãnh sang Mỹ, đã tiết lộ cho cô rõ là cô thua sút họ rất nhiều phương diện như chỗ cư ngụ, khả năng giúp đỡ gia đình, loại hàng chi dùng và mức thu nhập hàng tháng của gia đình. Càng nghe họ nói và càng để ý đến chuyện tiền bạc của ông Hoàng, cô  phát hiện thêm số lương ba mươi ngàn một năm của ông không là gì đối với những tấm phiếu nợ mà ông phải trả hàng tháng như tiền vé máy bay mà ông đã mua cho mẹ con cô, tiền thuê nhà, tiền mua xe, tiền bảo hiểm xe và các thứ linh tinh khác chưa kể tiền trợ cấp cho đứa con gái út của ông với bà Kim Cúc.
            Được các cô bạn này mách nước và biết được ngành móng tay là ngành kiếm khá nhiều tiền nhất là tiền mặt, cô Hoa đã đề nghị với ông Hoàng đòi bà Kim Cúc chia lại số phần gia sản của ba  tiệm Bàn Tay Đẹp. Trước thái độ phản kháng kịch liệt và lạ lùng của ông Hoàng, cô  hết lời van vỉ, năn nỉ, rồi la lối nhưng chẳng được kết quả gì. Cho nên, sau khi ông Hoàng đi làm, cô tự ý gọi điện đến tiệm Bàn Tay Đẹp để đòi lại một trong ba tiệm mà trước đây ông Hoàng đã nhượng cho bà Kim Cúc. Với lý do của cải phải được san sẻ đồng đều cho những người con của ông Hoàng, cô yêu cầu bà Kim Cúc để lại cho Tony, đứa con trai của ông một phần tài sản mà ông đã lỡ giao hết cho bà. Cú điện thoại và lời yêu cầu của cô Hoa đã làm bà Kim Cúc kinh ngạc đến sốc nhưng bà vẫn điềm đạm tiếp chuyện. Được thể, cô Hoa than vãn tình trạng tài chính nguy ngập của ông Hoàng, rồi cố gắng khêu gợi lòng từ tâm của bà Kim Cúc bằng cách nhắc lại lời hứa của bà là giúp cô làm việc cho tiệm Bàn Tay Đẹp khi cô được sang Mỹ để cô có cơ hội làm việc kiếm tiền gửi về giúp bà nội, ba, và anh của cô. Cô càng cố thu phục với những lời lẽ thống thiết, bà Kim Cúc càng từ chối với nhiều lý do khác nhau và điều này làm cô điên tiết đến độ tiết lộ huỵch tẹt tất cả diễn tiến tình cảm và ân ái giữa ông Hoàng và cô ngay từ lúc khởi đầu đến hiện tại mà không còn giữ lại một chút nào như khi kể với bà Thu. Cô càng nói, bà Kim Cúc càng lắng nghe, nghe cả những lời  rủa xả kèm theo. Nhưng khi cô vừa chấm dứt, bà đã  lạnh lùng yêu cầu cô đừng bao giờ gọi điện thoại đến tiệm bà với những lời lẽ như thế nữa nếu không bà sẽ báo cảnh sát và sẽ đưa cô ra tòa vì tội phá rối. Thua cuộc với thái độ lạnh lùng của bà, cô đã trút hết tất cả nóng giận của mình lên đầu ông Hoàng khi ông vừa bước vào nhà sau một ngày làm mệt mỏi.
             Hôm ấy, thay vì được ngạc nhiên bởi chiếc áo ngủ xinh xắn, ông Hoàng bị ngạc nhiên bởi những tiếng khóc la, kể lể của cô Hoa. Sau khi bị ngạc nhiên thêm về sự tiết lộ cuộc điện đàm giữa cô và bà Kim Cúc, ông bị chửi thậm tệ về  việc giao toàn bộ  ba tiệm Bàn Tay Đẹp. Để tránh tình trạng tranh cãi với cô, ông Hoàng đã mang gối chăn rời phòng ngủ, nhưng ông bị ngay những cái níu kéo, xỉ vả và đánh đập đến sáng ngày hôm sau.
 
 
 
 
#16
    Cung Thi Lan 27.04.2007 15:36:02 (permalink)
         Chương Ba Mươi Tám

     
            Đáng tiếc cho số phận của ông Hoàng, người vợ thứ của ông không những được ông hết lòng thương yêu đến mức bỏ tài sản, và vợ con, mà một người đàn ông da trắng ba mươi tám tuổi, đã một lần ly dị, có quốc tịch Mỹ, nhà lớn và xe đẹp hết lòng yêu thương cô và sẵn lòng chăm sóc con riêng của cô như chính con ruột của ông ta.
            Mỗi buổi sáng, sau khi đưa thằng bé Tony đến nhà trẻ, trên đường về cô Hoa thường đi ngang ngôi nhà trắng có những khóm hồng đỏ ven đám cỏ xanh mịn phía trước để nhìn người đàn ông ngồi đọc báo nơi chiếc ghế trước hiên. Bất kể lời dặn dò của ông Hoàng về sự cẩn trọng đối với việc tiếp xúc, chào hỏi hay đặt chân vào nhà một người không biết tông tích gì trên đất nước Hoa Kỳ, cô đã đáp lại lời chào buổi sáng với “người đàn ông da trắng thường đọc báo trước ngôi nhà trắng” trong một buổi sáng tươi hồng để nghe ông ta giới thiệu tên, rồi tự giới thiệu tên mình và nhận cánh hồng đỏ do ông trao tặng. Sau hôm ấy hai ngày,  trên đường từ nhà trẻ về một mình, cô Hoa vui vẻ chào buổi sáng với “người đàn ông da trắng thường đọc báo trước ngôi nhà trắng” rồi đi thẳng vào trong ngôi nhà theo lời mời của ông ta. Giữa căn phòng khách rộng,  trong khi cô cười gượng với những tiếng Anh bập bẹ “anh, em” rồi “em, anh”, ông Wilson, “người đàn ông da trắng thường đọc báo trước ngôi nhà trắng”, ve vãn cô bằng những câu tiếng Anh với giọng Tây Ban Nha như “Em đẹp lắm!”, “Em duyên dáng làm sao!”, và “Tôi yêu em ngay phút đầu tiên gặp mặt”. Thật sự, ông Wilson chỉ nói lấy lệ chứ không cần sự đáp trả của cô Hoa khi mà những bước chân dạn dĩ của cô trong căn nhà yên ắng  của ông và vùng ngực bày ra ở vòng cổ áo rộng của cô đã thay  thế cho những lời “Em đang đến với tình anh” và “Em sẵn sàng chào đón anh”. Cho nên sau vài câu tán tỉnh lấy lệ, ông Wilson lập tức đáp lại thứ ngôn ngữ “ngầm” của cô Hoa bằng nụ hôn môi khiến cô suýt  ngạt thở.
    Nếu như ngày trước cô  Hoa tự giác tìm đến và yêu ông Hoàng điên dại vì cảm nhận ông là tổng hợp đặc biệt của người đàn ông Việt Kiều đáng tuổi cha và đã có gia đình,  thì nụ hôn bạo dạn của ông Wilson lúc ấy đã gợi cho cô thế giới bí ẩn và quyến rũ của một người đàn ông ngoại quốc có thân hình cao lớn, da trắng đỏ và hai ngôn ngữ sử dụng mà cô chẳng biết Tây Ban Nha hay Mỹ là ngôn ngữ chính của ông ta. Để quên hết tâm trạng đang phẫn uất, hờn ghen và cũng để thỏa mãn sự hiếu kỳ, cô Hoa đã thường ngoại tình với ông Wilson sau những lần đi về từ nhà trẻ của Tony mỗi buổi sáng. Sự dan díu của họ tưởng đâu chỉ là sự chung đụng xác thịt của những kẻ đùa vui trong phút chốc nào ngờ ông Wilson thố lộ rằng ông yêu cô đến độ không thể để mất cô. Với tài sản và vốn liếng của chủ một tiệm sửa xe, ông hứa sẽ cung phụng cho cô tiền bạc đầy đủ, bảo bọc hai mẹ con cô suốt đời và sẽ dời chỗ ở bất cứ lúc nào cô muốn. Hiểu lời hứa của ông Wilson mập mờ tiếng được tiếng không nhưng cô Hoa đã chấp nhận những gì ông nói như chấp nhận một cánh cửa mở rộng cho tương lai của cô, con của cô và những người thân của cô còn ở Việt Nam.
            Ngày sinh nhật của ông Hoàng là ngày mẹ con cô Hoa đến ở nơi căn nhà thuê với ông đúng mười một tháng. Hôm ấy, thay vì nhận hoa, thiệp hay quà sinh nhật, cô Hoa đã làm ông “ngạc nhiên” bằng những chiếc vali sẵn sàng và lời tạ từ nghiêm túc với ông. Cũng ngày hôm ấy, vì ông đã mời các ông Tiến, ông Thương và ông Tảo đến chơi, nên ông không thể nào hăm he hay đe dọa cô ta trước mặt khách. Ông đã làm ra vẻ như mẹ con cô Hoa đang chuẩn bị đi du lịch xa nhưng thái độ lầm lầm không hỏi không chào ai và hành động ngang nhiên của cô Hoa khi mở cửa ra vào, tay nắm Tony tay kéo va li đi đến chiếc xe của ông Wilson đang chờ trước cổng không thể nào giấu được bí mật của tấn kịch mà ông Hoàng cố tình che đậy trước những đôi mắt kinh ngạc của bạn bè ông.
            Hôm ấy, các ông họp nhau tại nhà ông Hoàng không phải vì mừng sinh nhật ông mà vì họ bắt đầu họp lại để coi trận đấu bóng có đội Da Đỏ tham gia. Trước đây, mỗi khi có những trận đấu bóng của đội Da Đỏ với các đội khác vào những chiều thứ bảy hay chủ nhật, ba ông này thường “đơn thân, tay trắng” đến nhà ông Hoàng ở quận B. nhậu nhẹt, còn khi ông ẩn cư ở  quận G., thỉnh thoảng họ họp nhau với rượu, bia, đồ nhắm và thuốc lá mang theo.  Hôm ấy là chiều thứ bảy, tưởng đâu cuộc họp mặt sau một thời gian không gặp nhau sẽ cho họ có nhiều chuyện trao đổi thú vị nào ngờ cái bi kịch vừa chứng kiến đã làm tịt cái “bệnh nói chuyện” của họ khoảng mười lăm phút tại phòng khách. Để tránh tình trạng làm đau lòng thêm kẻ đang buồn,  họ bắt đầu mở bia và hút thuốc trong im lặng rồi từ từ bắt đầu vào chuyện về bóng đá, về những trận đấu của năm, về cầu thủ, về người chạy bóng, người chụp bóng, người ném bóng, về hướng dẫn viên, về bình luận viên rồi cá nhau những đội sẽ được vào chung kết. Nói về bóng, về cầu thủ, về đàn ông, họ muốn làm khuây những gì vừa mới xảy ra cho ông Hoàng, thế nhưng, một cách vô ý thức khi đề cập đến các cầu thủ, các hướng dẫn viên và các bình luận viên họ đề cập đến  những người vợ, những người bạn gái của những người này rồi đi sâu hơn trong đề tài “người phụ” rồi đến đề tài “phụ người” và lòng vòng trở lại đề tài “người phụ”. Và như thế, càng giả vờ đồng ý cái màn kịch mà ông Hoàng cố tạo nên, họ càng nói về sự phản bội của đàn bà bởi những gì vừa chứng kiến vẫn còn ám ảnh trong tâm trí của họ. Tự coi là kẻ may mắn, ông Tảo đề cập đến cái “Lầm” của những người đàn ông “Việt Kiều” lỡ dại đưa các phụ nữ trẻ đẹp Việt Nam sang Mỹ trong khi ông Thương đề cập cách thức trị những người đàn bà phản bội bằng  đạo luật đã ấn định: Thông báo với sở an sinh xã hội để họ khỏi được lấy thẻ xanh  rồi để cho chính phủ Mỹ trả họ về  lại Việt Nam với sự  lừa dối của họ.
    Ông Hoàng không nói không rằng, rít thuốc lá không ngừng, một thói quen mắc phải từ khi vào quân trường, bỏ được sau khi rời Thái Lan và đã trở lại sau ngày dứt áo bỏ đi khỏi nhà. Càng rít thuốc, ông càng thấy miệng nhạt thênh thếch. Cay đắng với bài học là kẻ từng phụ tình nay bị tình phụ, ông cảm thấy cần chất men cay hơn và nồng hơn để  át cái vị bia nhạt nhẽo trong cuống họng và khói thuốc vô vị trong phế quản. Tìm chai rượu mạnh nhất trong tủ, ông mở nút, rồi nốc ngay một hơi dài. Chất rượu từ từ thấm vào nỗi buồn và ông càng lúc càng tự trách mình nhiều hơn người. Ông đã tự trách là đã nông nổi giao hết cả tài sản cho bà Kim Cúc cho nên không giữ nổi cô Hoa. Tự mỉa mai là kẻ từng chiến thắng trong thương trường và làm bao nhiêu bạn bè và người quen biết nể vì nay lại phải thất bại trong con đường tình ái chỉ vì không hiểu thâm thúy ý nghĩa của câu “Khi cái nghèo đi vào cửa lớn thì tình yêu đi ra cửa sổ” và áp dụng nó một cách triệt để nên phải hứng trọn kết quả khá cay đắng, ông miên man chất vấn sự thiếu tính toán của mình.
    Mải mê dằn vặt chính bản thân, ông Hoàng không hề để ý trận đấu diễn ra như thế nào và cũng không mảy may có ý nghĩ cô Hoa là một bóng đen che lấp ánh sáng mặt trời hạnh phúc rọi cho cuộc đời an bình của ông với bà Kim Cúc trước đây. Thay vì nghĩ đến chuyện được bà Kim Cúc tha thứ để có thể trở lại mái nhà xưa, ông chỉ mơ tưởng hình ảnh duy nhất là cô Hoa đưa Tony trở về. Ông mong mỏi tiếng gõ cửa, tiếng kêu của chuông điện và sự xuất hiện của mẹ con cô Hoa như hôm hai mẹ con cô đã bỏ đi một đêm đến tận sáng mới trở về.  Hứa với lòng sẽ không trách móc hờn ghen hay lớn tiếng khi cô Hoa xuất hiện trở lại, ông chợt nhớ  đến số tiền tiết kiệm dành cho hưu trí chưa đụng đến rồi tính chuyện rút nó ra để gầy dựng một tiệm Móng Tay cho cô Hoa làm chủ.
             - “Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo” cho nên cứ sống độc thân như tôi riết rồi cũng quen. Ông Thương nói nhừa nhựa như một hiền triết.
            - Nhiều người đồn “giá” của đàn ông Việt Kiều ở Việt Nam giờ cao lắm cho nên không thiếu gì kẻ huênh hoang “áo gấm về làng” tìm vợ trẻ đẹp để nếm mật ngọt. Sàng sàng, lọc lọc kiếm được “nàng” xong lại phải lăng xăng lo tiền  mua vé máy bay, lo đón rước, lo cấp dưỡng ăn học, lo cho lấy bằng lái xe,  lo cho lấy bằng Quốc tịch... Xong xuôi đâu đó rồi thì mấy  “nàng” cho nếm mật đắng ở “bảo tàng viện”! Nhan nhản trước mắt biết bao là chuyện xảy ra giống nhau như thế vậy mà thiên hạ cứ đâm đầu vào! Cái tụi trẻ sau này có tâm hồn gì đâu mà tin tưởng? Chúng chỉ lấy tiền bạc làm thước đo mọi thứ thôi! Lấy vợ như vậy lấy làm gì? Chẳng thà ở vậy làm bạn với bia rượu mà sướng thân! Ông Tiến nói với giọng chua như dấm rồi chửi thề vài tiếng sau đó.
            - Cần gì phải đưa mấy “em” sang đây? Em nào thích mình thì mình đáp lại. Trời cho mình gì thì hưởng nấy, hơi sức nào nghĩ ngợi lôi thôi!- Ông Tảo vừa nói vừa cười.
            Mặc cho các ông bạn nói thể nào, ông Hoàng không chen một lời. Lặng lẽ rít thuốc, nốc rượu và nhìn màn hình. Đôi mắt đỏ sòng sọc của ông ánh lên theo đóm lửa bấp cháy. Hình ảnh lởn vởn của các cầu thủ chạy lui tới trong màn ảnh truyền hình bất chợt khơi lại cho ông hình ảnh người đàn ông có thân hình cao lớn, nước da trắng đỏ và cử chỉ ân cần với cô Hoa. Khi hình ảnh các cầu thủ nhạt nhòa trong đôi mắt ông, hình ảnh cô Hoa bước vào chiếc xe trắng và cảnh ái ân giữa cô ta với người đàn ông có nước da trắng đỏ hiện ra. Nốc thêm hai hớp rượu, đôi mắt ông long lên. Ông chợt thấy hình ảnh vụng trộm của cô Hoa khi ông vắng nhà chẳng khác gì hình ảnh cô lén lút dâng hiến đời con gái cho ông ở nhà bà Thu. Nốc thêm vài ngụm để nuốt hết nỗi uất ức đang tắc nghẹn ở cổ họng, ông Hoàng thẫn thờ lẩm bẩm “Ta chỉ là cây cầu không hơn không kém. Cô ấy chỉ lợi dụng ta để đến xứ này chứ không hề có chút yêu thương nào.”
    Thừ người nhìn màn hình một hồi  lâu, ông Hoàng nghe loáng thoáng lời chào tạm biệt của bạn bè. Khi cảm thấy không còn ai quanh mình, ông vật đầu trên tựa ghế sô pha  rồi chơi vơi trong men rượu. Một lát sau, ông gượng đứng lên rồi chập choạng đi vào phòng ngủ. Mùi hương của cô Hoa trên gối và trên giường gợi lại nỗi nhớ trong ông. Vùi đầu vào chiếc gối trắng ông đã khóc sướt mướt như một đứa trẻ rồi lịm vào cơn say mèm trong khi tiếng nói từ chiếc ti vi vẫn còn văng vẳng suốt cả đêm ở  phòng khách.
     
    Chương Ba Mươi Chín

     
     
            Bốn tháng bặt tăm của cô Hoa và Tony đã khiến nơi ẩn cư của ông Hoàng trở lại tình trạng im ắng và buồn thảm hơn trước đó khá nhiều. Tệ hại hơn, các căn phòng trong nhà ngỗn ngang các thứ chai, lon, ly, chén và mịt mùng khói thuốc. Tuy vẫn đi làm đều đặn ngày tám tiếng và dùng rượu, thuốc làm bạn, hình bóng của cô Hoa vẫn còn vương vít trong tâm tưởng ông ngay cả lúc ông chìm trong giấc ngủ. Kèm theo hình ảnh còn vấn vương ấy, ông vẫn còn nuôi hy vọng và không ngừng tưởng tượng những điều cần phải làm sau khi cô Hoa trở về nhà. Những toan tính của ông thường khác nhau  tùy theo niềm đau trong trái tim ông đầy hay vơi. Có lúc dự định là một sự chăm đón tận tình, nhưng có lúc lại là sự ruồng rẫy lạnh nhạt. Mặc cho các dự tính thay đổi trong tâm trí của ông Hoàng theo ngày tháng ra sao, cô Hoa và thằng bé Tony vẫn bặt tăm vô tín. Bạn giải khuây cho ông thường là cái ti vi trong phòng khách mà thỉnh thoảng ông phải tắt ngang để nghe ngóng tiếng gõ cửa hoặc tiếng nói bập bẹ của Tony mơ hồ đâu đó. Khi biết ảo giác thường đánh lừa mình, ông trở về làm bạn thêm với rượu và thuốc rồi nằm dài trên chiếc ghế sô pha với đôi mắt mờ đục. Trong đôi mắt đục như thể bị ám khói lâu ngày ấy luôn luôn ánh lên bao ân hận và ngao ngán. Ký ức của ông hiện lên ánh nhìn căm phẫn của cô Hoa như của gái nhà lành nghe phải điều xúc phạm khi ông tuôn lời giận dữ là chưa chắc Tony là con ông  trong buổi sáng sớm khi cô trở về sau một đêm ở đâu đó. Lúc ấy, ông chì chiết cô chỉ vì ghen chứ chẳng hề thắc mắc Tony có đích thực là con của ông hay không. Dù là thế, mỗi khi nghĩ đến chuyện xung đột cũ, ông thường bứt rứt không an vì nghĩ đó là nguyên nhân gây cho cô Hoa tự ái và quyết định tìm một người cha khác cho Tony mà không cần đến sự bảo dưỡng của ông.Thực tế, ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện thử nghiệm chất liệu di truyền trong nhân tế bào của thằng bé Tony, cũng như chưa bao giờ thắc mắc chuyện mình có thực sự là kẻ hưởng trinh tiết của người con gái luôn miệng kêu ca là đã dâng hiến trinh tiết và cho ông một đứa con trai khôi ngô hay không. Tuy nhiên, trong lúc “giận mất khôn” ông đã lỡ tuôn lời xúc phạm với người đẹp thì ông phải hứng lấy hậu quả nhìn cảnh cô “sang ngang” với người đàn ông không cùng ngôn ngữ. Ngày ngày, càng oán trách thái độ bất nhã của mình, ông Hoàng càng cảm thấy cắn rứt lương tâm nhiều hơn. Trong tâm trạng ăn năn ấy, ông đã dàn dựng trong đầu bao nhiêu cảnh “ngôn ngữ bất đồng”, cảnh xô xát, và đánh đập giữa “người đàn ông có nước da trắng đỏ” và cô Hoa. Ông còn tưởng tượng cảnh cô Hoa chạy trốn ra khỏi căn nhà ở giữa khu rừng hoang vắng, trộm lấy chìa khóa xe, dẫn Tony lẻn vào chiếc xe nhưng không tài mở máy nên đành thất thểu lang thang tìm đường trở về.  Trong hình ảnh tưởng tượng, ông thấy cô Hoa trở về với khuôn mặt tiều tụy, nước mắt dàn dụa, và áo quần xốc xếch, còn thằng bé Tony thì ốm o, phờ phạc, và áo quần lấm láp chẳng kém gì mẹ. Rồi ông thấy cô Hoa năn nỉ, ỉ ôi và van xin ông tha thứ. Ông đã làm eo một lúc mới tha lỗi cho cô. Kế đó ông hết lòng bày tỏ lòng yêu thương của mình bằng những việc thường làm trước đây như tắm rửa cho cả hai mẹ con, gọi đặt  thức ăn đến tận nhà, đút thức ăn cho hai mẹ con, lo cho Tony ngủ rồi đưa cô trở lại con đường tình ái xưa để đền bù cho nhau cho những tháng ngày xa vắng.
             Mặc cho những hình ảnh tưởng tượng của ông Hoàng ươm trồng và bồi đắp mỗi ngày ngập đến cái trần nhà của căn phòng khách, cô Hoa và thằng bé Tony vẫn biệt tăm, biệt tích. Cùng với những hình ảnh tưởng tượng trong tâm trí, những bức hình trưng trong nhà luôn khơi lại vết thương trong lòng khi ông nhìn thấy đôi môi tròn đầy  và ướt đỏ của cô Hoa và khuôn mặt mũm mĩm ngây thơ của bé Tony. Trong niềm đau thương còn rơi rớt sau những tháng ngày chầm chậm trôi qua, có đôi lúc ông chợt nhớ đến thời gian êm đềm khi chung sống với bà Kim Cúc và ba đứa con của ông. Đến lúc ấy, ông cảm nhận được cảm giác cô đơn của mình, cũng như của bà Kim Cúc khi ông đoạn tuyệt tình vợ chồng với bà trước đây. Mặc dầu vậy, ông chỉ nuôi hy vọng sự trở về của mẹ con cô Hoa để ông có thể tiếp tục trả lời hùng hồn cho cái quyết định chia tay với người vợ trước của ông và để thỏa mãn những đau đớn vẫn còn đang ngự trị tâm hồn của ông.
            Buổi chiều hôm ấy, nỗi sầu bi của ông Hoàng được vơi bớt phần nào thì ông nghe tiếng chuông điện vang lên. Trái với niềm hy vọng trong ý nghĩ của ông, cậu Phụng xuất hiện trước trước  cánh cửa mở rộng với đôi mắt ái ngại:
            - Ba khoẻ chứ ạ?
            - Không sao. Vẫn bình thường. Ông Hoàng trả lời xong quay lưng vào nhà ngay để mặc cậu Phụng phải đóng cánh cửa thay ông.
            Đến phòng khách, nhìn mọi vật xung quanh một lúc, cậu Phụng hỏi ngay:
            - Dì Hoa và Tony đâu rồi ba?
            - Không có ở nhà! Ông Hoàng chầm chậm lắc đầu
            Đoán phần nào câu chuyện xảy ra qua cử chỉ lạ lùng của bố, cậu Phụng hỏi nhanh:
            - Có phải dì ấy đã đi rồi không? Cả Tony cũng không còn ở với ba nữa phải không?
            Ông Hoàng im lặng không trả lời, lặng lẽ rút thuốc lá ra hút. Cậu Phụng đứng lên, đánh một vòng trong nhà để kiểm chứng điều nghi ngờ của mình là sự thật. Sau khi xác minh  điều nghi ngờ là đúng, cậu lặng lẽ đi thu dọn từng thứ vương vãi trong các phòng. Khi trở lại ghế sô pha đối diện với ông Hoàng, cậu đã hòa theo cái im lặng ngột ngạt để quan sát sắc mặt xám xanh, mái tóc rối bời và y phục xốc xếch của ông Hoàng.
             Sau chuyện đổ vỡ giữa ba mẹ xảy ra, cậu Phụng thường liên lạc với ông Hoàng qua điện thoại ở sở làm của ông nhưng đó là lần đầu tiên cậu đến thăm ông. Giá mà không được ông cho địa chỉ  và không đến thăm ông, thì cậu sẽ luôn luôn nghĩ rằng ông vẫn có một cuộc sống êm đềm và hạnh phúc với người đàn bà trẻ có tên “dì Hoa” như thời gian chung sống với mẹ cậu chứ chưa bao giờ cậu hình dung ra cảnh tượng chán chường mà cậu đang chứng kiến. Thực ra, cậu Phụng là người biết mối quan hệ giữa ba của cậu và cô Hoa ngay từ đêm đầu tiên hai người có mối quan hệ bất chánh trong phút tình cờ cậu thấy bóng cô Hoa bước ra khỏi phòng ông Hoàng vào lúc hai giờ rưỡi sáng tại nhà bà Thu. Tuy nhiên, cậu không bao giờ hé miệng với một ai kể cả mẹ của cậu. Là người tôn trọng  chuyện cá nhân của người khác, hơn nữa tin vào sự cứng rắn và tự chủ của ba mình, cậu không bao giờ hình dung được quyết định nông nổi của ông Hoàng. Sống với lý luận “Đàng sau một việc làm luôn luôn có một lý do”, cậu Phụng cố tâm thông cảm cho tình cảnh của ông Hoàng dù không hiểu vì sao ba của cậu lại cam tâm từ bỏ tất cả chỉ vì một thứ tình chênh lệch và mơ hồ mà người ngoài cuộc ai cũng nhận thấy rõ. Dù là vậy, khác với hai người em gái, cậu đã thường liên lạc với ông Hoàng và tôn trọng những ý kiến khuyên bảo và chỉ vẽ của ông cho các kế hoạch mà cậu định làm hay đang làm.
            - Nhìn căn nhà của ba, con hiểu được chuyện gì đã xảy ra... nhưng con không ngờ ba đã vướng vào những thứ mà ba đã từng khuyên con đừng bao giờ dính dự với chúng nếu con lâm vào cảnh buồn khổ. Cậu Phụng phá tan yên lặng bằng lời trách nhẹ.
            Ông Hoàng ngước mắt:
            - Con đến gặp ba hôm nay để làm gì?
            - Con muốn mời ba dự lễ tốt nghiệp Đại Học của con. Ngày hôm ấy con có mời Princess bạn gái của con đến dự cùng và con muốn sau ngày hôm ấy ba cùng mẹ đến nhà của cô ấy làm quen.
            - Con đã có bạn gái ?
            - Dạ từ lâu. Cô ta là người Mỹ da đen lai trắng.
            - Có phải trước đây con hỏi ba chuyện ra ở riêng cũng vì cô gái này không?
            - Dạ phải.Vì con muốn giúp Princess chăm sóc đứa con riêng của cô ta trong thời gian cô đang học y khoa.
             Đáp lại ánh mắt nửa e ngại, nửa muốn tìm hiểu của ông Hoàng, cậu Phụng nói tiếp:
            - Con yêu Princess từ khi học trung học trong lúc cô có quan hệ tình cảm mật thiết với một người bạn cùng khối lớp với con. Cô ta đã có thai, bỏ học và phải nuôi con một mình. Nhưng sau khi sinh con xong, cô ta đã dứt khoát với những gì đã lầm lỡ, và quyết chí học cho đến ra trường trung học. Hiện nay cô ta đang học y  tại Đại Học G.
            - Con chuyển về Hoa Thịnh Đốn để ở với một đứa không yêu mình? Có phải vì nó mà con ra trường trễ một năm không?
            - Không ba ạ, con đang sống với một người đang yêu mình thật sự. Còn ra trường trễ vì con lấy cả hai bằng Toán và Computer cùng một lúc chứ không phải vì cô ấy.
            Ngừng một lúc, cậu Phụng nói tiếp:
            - Đến bây giờ con mới hiểu giá trị của thời gian. Thời gian không những chữa lành vết thương của con người mà nó còn giúp cho con người tìm thấy tình yêu thật sự mà họ mong mỏi. Điều mà con học được trong cuộc tình của mình là lời khuyên của mẹ. Trong khi con buồn khổ với tình yêu đơn phương thầm kín, mẹ đã vô tình dạy con rằng “Nếu muốn yêu người trước hết con hãy yêu bản thân của con. Hãy làm cho bản thân con có giá trị về cả tinh thần lẫn thể chất thì mới thu phục được trái tim yêu của người khác”
                Kinh ngạc trước lối nói chuyện khôn khéo của cậu Phụng, ông Hoàng cúi đầu lặng thinh như chấp nhận ngụ ý “Hãy yêu chính ba” của cậu. Sau đó, ông cười một cách thiểu não một lúc rồi dụi điếu thuốc đang rít dở vào cái gạt tàn. Đôi mắt loang loáng nước của ông ánh lên sự cảm động và biết ơn. Khi bước ra khỏi nhà tưởng chừng vai trò làm cha của mình đã mất, vậy mà ông vẫn còn nhận được đạo hiếu của kẻ làm con.
                - Đối với con, tình yêu không phải là một giao kèo. Nó không xây dựng bởi kỳ hạn với các tiết mục nhất định mà hai thành viên ưng thuận với nhau khi ký kết vào hôn ước. Con không quan trọng hôn thú vì đối với con nó chẳng phải là văn bằng chứng nhận tình yêu. Theo con, tình yêu phải xuất phát từ sự ngưỡng mộ, phải cảm nhận được từ cái đẹp thể chất đến cái đẹp tâm hồn. Tình yêu phải chắp cánh cho con người thanh thoát lên đỉnh cao thượng hơn là đắm chìm trong vực bội phản và lừa dối. Đã nhiều lần con cầu nguyện thiên thần tình ái ban cho con sức mạnh để con đạt được những gì trái tim con mơ ước, nhưng rồi con tự tìm thấy rằng chính trái tim chân thật của mình đã hoán chuyển được trái tim mà mình yêu. Khi Princess chấp nhận tình yêu của con thì con thấy rõ cô ta yêu con tha thiết hơn con mong tưởng. Vì lẽ đó mà con hiểu thêm là thời gian không những làm cho mình nguôi ngoai nỗi buồn đau mà còn có thể biến đổi tình cảm của con người từ chỗ lạnh nhạt, hờ hững đến nồng nàn, say đắm hay ngược lại. Con biết rằng ba đang đau khổ nhưng một ngày nào đó khi định tâm, ba sẽ hiểu ai là người yêu mình, mình đã yêu ai và nơi nào là hạnh phúc vô tận. Con chỉ hy vọng ba lấy lại phong độ trước đây  để dự lễ ra trường của con với gia đình của mình.
            Ông Hoàng gật đầu như không thể làm gì khác hơn thế. Những chữ “hạnh phúc” và “gia đình” của cậu Phụng khiến ông nhớ đến bà Kim Cúc và những năm sống hạnh phúc trong căn nhà cũ. Ông chợt thấy đầu nhức buốt khi cảm nhận ánh mắt van vỉ âm thầm mà ông muốn bày tỏ cho cô Hoa trước khi cô bước vào chiếc xe hơi của người đàn ông Mỹ trắng chẳng khác gì ánh mắt khẩn khoản lặng lẽ của bà Kim Cúc khi bà ký vào tập giấy ông trao. Cảm giác ăn năn ngập tràn trong lòng khi ông phát hiện ra đàng sau khuôn mặt lạnh lùng ghê gớm và lời nói châm biếm thậm tệ của bà  là cái đau khổ câm lặng đến khủng khiếp. Đó là lần đầu tiên, sau khi tuyệt tình với bà Kim Cúc, tâm trí của ông Hoàng xuất hiện cảm giác day dứt, u buồn và luyến tiếc. Chúng đã xóa tan hết cả những ý nghĩ giận dỗi, bực bội và tự ái với người vợ mà ông đã từng nghĩ là không bao giờ có thể hàn gắn lại tình cảm vợ chồng sau khi tuyệt giao. Ông chợt nhớ đến hạnh phúc ngọt ngào mà ông nhàm chán trước đây, nhớ đến tình yêu say đắm của mình với cô Hoa, nhớ đến những ngày đắn đo suy nghĩ về tình phụ tử của mình đối với những đứa con, nhất là đối với đứa con tội nghiệp trong cảnh nghèo nàn như thằng bé Tony. Từ suy nghĩ này đến suy nghĩ khác, ông rơi vào mớ hỗn độn của tình yêu, gia đình, bổn phận, tự ái, trách nhiệm, và lương tâm.
            Mệt mỏi với những ý nghĩ đối nghịch trong tư tưởng, ông Hoàng ngước mặt nói với cậu Phụng bằng giọng van lơn.
            - Con hãy về cho ba nghỉ một lúc. Ba hứa chắc chắn là sẽ có mặt trong ngày ra trường của con.            
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.05.2007 17:43:29 bởi Ct.Ly >
    #17
      Cung Thi Lan 01.05.2007 08:59:32 (permalink)
      Chương Bốn Mươi:
       
              Bà Kim Cúc giật nẩy mình khi cánh cửa ra vào bật mở và cô Loan bước vào với khuôn mặt rạng rỡ vui tươi.
              - Sao mẹ trông kinh hãi vậy? Có phải con mở cửa quá mạnh làm mẹ giật mình không?
              - Không, Mẹ đang lo nghĩ không hiểu vì sao hôm nay con về trễ?
              - Con đã để lời nhắn trong máy điện thoại báo cho mẹ biết là con sẽ đi chợ sau khi tan việc rồi kia mà?
              - Mẹ quên kiểm máy nhắn, nhưng con đã về là được rồi.
              - Lisa đâu rồi hả mẹ?
              - Cô Oanh đón Lisa và mấy đứa nhỏ sau giờ học tiếng Việt rồi đưa nó về thẳng nhà cô chơi đến tối mới chở về.
              - Thảo nào hôm nay mẹ ở nhà chỉ một mình! Tại hôm nay con đi chợ Việt Nam tận quận M. và mải mê lục lọi các thứ thực phẩm lạ nên mới mất nhiều thời gian như vậy- Cô Loan vừa lấy các thứ từ trong các túi ni lông vừa hồn nhiên nói ríu rít- Có rất nhiều thứ trái cây và thực phẩm hộp làm từ Việt Nam lắm mẹ ơi! Con mua chôm chôm hộp, mít hộp, nhãn hộp, xương xăm hộp, và cả nước mắm cá cơm nữa. Trước đây con thấy mẹ thường mua những món này với nhãn hiệu Thái Lan, chắc là hàng Thái Lan tốt phải không mẹ? Bây giờ những hàng này sản xuất tại Việt Nam nhiều lắm mẹ ạ! Nếu mẹ thấy những loại hàng làm tại Việt Nam như thế này, mẹ sẽ mua ủng hộ chứ?
              Không để bà Kim Cúc trả lời câu hỏi không định nghe trả lời của mình, cô Loan nói tiếp:
               - Còn con thích mua hàng có nhãn hiệu làm tại Việt Nam mẹ ạ! Bất kể ai nói gì, con vẫn tiếp tục mua để giúp những người dân nghèo ở Việt Nam! Người Việt trong nước làm cực khổ hàng ngày mới kiếm sống được bằng sản phẩm chính họ làm ra, thì sao mà mình không giúp họ phải không hả mẹ?
              Trước vẻ mặt đăm chiêu của bà Kim Cúc, cô Loan nói thêm:
               - Mẹ biết không, trước đây con thích thú khi nghe những người Việt Nam thành công trên đất Mỹ bao nhiêu thì giờ đây con cũng vui sướng khi nghe những thành công của những người Việt Nam ở trong nước bấy nhiêu đó mẹ!
               - Hình như con bị tiêm nhiễm nhiều bởi cậu bạn thân của Nam thì phải? Có phải con thích cậu Vũ ấy lắm không?
              - Dạ phải. Con rất thích cá tính đặc biệt của anh ấy lắm nhưng đôi lúc con không hiểu chúng con có thực sự hiểu nhau và thông cảm với nhau như những người khác không vì đôi lúc con không rõ ý nghĩa thâm thúy của những câu ảnh nói cho dù ảnh đã nói với con nhiều lần đến nỗi con thuộc nằm lòng.
               Như là gì?
              - Như câu “Con vua thì được làm vua, con vãi ở chùa thì quét lá đa rồi gì... khi nào gió nổi lên thì... con vãi lên làm hoàng tử và hoàng tử con ông vua kia lại ra quét lá”.
              Bà Kim Cúc nói với vẻ mặt ngẫm nghĩ:
              - Câu này ngụ ý cho sự thay đổi chế độ của thời phong kiến thôi mà! Hay là cậu ta muốn nói thời nào dù có thay đổi gì thì người lãnh đạo cũng nghĩ đến chức tước, quyền lợi và sự cầu vinh hơn là lo cho dân cho nước?
              - Chắc có lẽ vậy, nhưng con không thích hiểu về điều đó cho dù nhờ nghe ảnh phê bình hoài mà con hiểu rõ hơn về các quan điểm đối nghịch, xuất xứ của các nguồn nghi kỵ và nguyên nhân của sự mất đoàn kết giữa người Việt và người Việt. Chuyện mà con thích nghe ảnh nói là việc giúp đỡ các trẻ em nghèo. Vì tin trí tuệ của thế hệ trẻ là tiềm năng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh nên ảnh đã hết lòng giúp các trẻ em nghèo có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Ảnh cũng hay nói với con là ra nước ngoài thấy cảnh sống của người mà thương dân mình.
              Bà Kim Cúc lo lắng:
              - Ngoài những chuyện đó cậu Vũ còn thích nói chuyện gì nữa?
              - Vì ảnh không thích cảnh ăn chơi hoang phí của những người có quyền chức, và giàu có ở Việt Nam nên ảnh nói với con là ảnh muốn hợp tác với những người thành tâm làm thiện nguyện cho công tác xã hội để giúp những người nghèo khổ, bệnh tật và thất học. Khi con đi chơi với ảnh, ảnh thường chỉ cho con những tụ điểm nhậu nhẹt và chê bai những kẻ mất thời giờ với sự vinh thân phì da, rồi đưa con thăm các khu dưỡng lão, bệnh viện thí, trường tàn tật trẻ em và các lớp học kèm  miễn phí dành cho các trẻ em nghèo.
              - Đó là chỉ những chỗ lý tưởng mà nó thường đưa con đi chơi sao? Giọng của bà Kim Cúc đầy nghi hoặc.
              - Không phải hoàn toàn là như vậy đâu! Chúng con còn đi dạo các khu bán đồ mỹ nghệ, các khu thương mại và đến các nơi có cảnh thiên nhiên đẹp nữa mẹ ạ!
              - Mẹ nghe Vũ sang đây với gia đình, học và làm một thời gian gì đó nhưng lại  quay về Việt Nam ở một mình, không lẽ nó chẳng thích gì ở xứ sở này sao?
              - Có chứ mẹ! Ảnh nói với con ảnh thích nhiều thứ lắm nhưng ảnh về lại vì yêu quê hương và thương những gì ảnh đã có khi còn ở việt Nam. Ảnh nói là ảnh thích làm giàu bằng sức lực và tài trí như những thương gia nổi tiếng Mỹ nhưng đến khi già ảnh sẽ không chuyển nhượng của cải cho con cái mà làm di chúc gửi tặng các thư viện, và các trường học. Ảnh nói là nếu ảnh có con, ảnh sẽ tạo điều kiện cho con cái của ảnh có kiến thức và cách sống tự lập chứ không ỷ lại vào của cải của cha mẹ. Ảnh còn mơ đến chuyện xây dựng nên các bệnh viện mà con làm việc thiện nguyện nữa đó mẹ.
              - Vũ làm gì mà mơ tưởng đến chuyện làm giàu trên đất nước Việt Nam?
               - Mơ chỉ là mơ thôi mà mẹ! Con nghĩ không biết rõ công việc của ảnh lắm. Con chỉ nghe nói trước khi đi Mỹ anh ta là người viết cho báo của những người thanh niên trẻ gì đó ở Việt Nam nhưng sau khi về  nước, ảnh không viết lách gì nữa mà chỉ thông dịch, dạy kèm tiếng Anh và làm chủ một dịch vụ cho thuê máy vi tính thôi. Tiệm của ảnh có người trông coi nên ảnh dành phần lớn thời gian  cho việc dạy dỗ nhất là dạy miễn phí cho các lớp học Tình Thương. Ảnh thường nói với con sự thất học gây cho con người mọi điều thua thiệt nên ảnh muốn đem lại sự hiểu biết cho tất cả những trẻ em không có điều kiện đến trường. Con không hiểu vì sao ảnh nói thích trở thành thương gia giàu có trong khi có lúc ảnh nói là thích làm những việc nhỏ và vô danh mà hữu hiệu và thiết thực hơn là những việc to lớn và nổi tiếng mà vô dụng và lỗi thời.
              - Tiếng Việt của con dạo này rất khá có lẽ nhờ nói chuyện thường xuyên với nó?
              - Mỗi tuần tụi con chỉ nói với nhau vào ngày chủ nhật thôi mà mẹ! Mẹ đừng quên là con đậu nhất môn thi đọc ca dao tục ngữ do Cộng Đồng người Việt tại Maryland tổ chức.
              - Hình như cách hai, ba ngày gì đấy chứ không phải chỉ mỗi ngày chủ nhật đâu! Gọi điện từ Việt Nam sang đây thường xuyên như thế phải biết tình cảm của cậu ta đối với con như thế nào! Chưa kể những lần cậu ta gửi tặng hoa và quà sinh nhật bất ngờ cho con nữa đó! Bà Kim Cúc trêu.
              Cô Loan lắc đầu:
              - Con hiểu là ảnh yêu con nhiều và đối với con rất lãng mạn nhưng con vẫn không tin chắc lắm.
              Đáp lại đôi mắt kinh ngạc của bà Kim Cúc thay cho câu hỏi “Vì sao vậy con?” cô Loan nói tiếp:
              - Có lẽ trước đây con luôn luôn yêu đời và tin người vì  chứng kiến hạnh phúc của ba mẹ. Sau ngày ba mẹ ly dị những điều ấy đã mất dần đi trong con.
              Như một triết gia, bà Kim Cúc nói giọng trầm trầm:
              - Mỗi người có một cá tính, không ai giống ai cả đâu con! Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, không phải lúc nào cũng hoàn hảo, trọn vẹn hay  bình lặng và giống nhau mãi mãi. Một lúc nào đó hay vì một hoàn cảnh nào đó mà cuộc đời của chúng ta thay đổi theo cái muôn màu muôn sắc muôn hình vạn trạng của sự biến chuyển. Hãy dẹp bỏ những điều bất mãn trong lòng để thỏa ý với tình bạn, tình yêu, lý tưởng và tham vọng mà con đang có. Đừng nên nuối tiếc với dĩ vãng hay quá lo lắng cho tương lai nữa mà hãy vui sống với gì con đang có được trong tầm tay!
              Cô Loan lắc đầu với vẻ chán nản:
              - Nhưng có thể nào như vậy không hả mẹ? Có thể nào người đàn ông vất bỏ hạnh phúc có được trong bao năm chỉ vì một tình yêu bồng bột và nông nổi như thế không? Con không hiểu được ba! Một người ba mẫu mực đã từng dạy cho con yêu cái đẹp, biết cái phải, làm cái đúng lại là người bóp chết trái tim con. Mỗi lần nhìn sự cô đơn của mẹ, con không thể nào chịu nổi và không thể nào không nghi ngờ những người đàn ông trên đời này.
              Nhận ra ánh mắt oán hờn của con gái mình, bà Kim Cúc vội nói rối rít:
              - Bản chất con người là thiện nhưng chúng ta không phải là thánh nên không thể tránh được chuyện vấp ngã một đôi lần trong một vài phương diện nào đó trong cuộc đời. Còn chuyện của ba, có thể ba đã có những ẩn khúc riêng nào đó mà mẹ không muốn tìm hiểu.
              - Dù vì điều gì chăng nữa con không thể nào thông cảm cho ba. Con không hiểu vì sao ba có thể đành tâm bỏ mẹ như thế? Có một người đàn bà đẹp đẽ và nhân hậu như mẹ đây không là hạnh phúc nhất đời sao mà phải  tìm người chẳng đáng gì?
              - Tình yêu có những lý lẽ riêng của nó mà chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu được con à! Vì nghĩ như thế nên mẹ tôn trọng quyết định thành thật của ba- Im lặng một lúc, bà Kim Cúc chậm rãi nói tiếp - Không những mẹ luôn luôn tôn trọng sự tự do chọn lựa và quyết định của ba mà còn của các con nữa. Nhưng, quyết định của người mà mẹ lo buồn nhất là hiện giờ không phải là quyết định của ba mà là chuyện Phụng muốn ra ở riêng với cô bạn gái của nó; tuy nhiên, mẹ vẫn cố gắng chiều lòng theo nó!
              - A! Chuyện của anh Phụng đó hả mẹ? Mẹ buồn vì anh Phụng đã dọn ra ở riêng phải không? Chuyện ấy là chuyện lành mà mẹ! Ảnh ra riêng là để sau này đem về cho mẹ một cô dâu bác sĩ thông minh và đẹp gái đó thôi! Con nghĩ là ảnh sẽ chính thức đưa chỉ về giới thiệu với mẹ sau khi chỉ lấy bằng bác sĩ!
              - Mẹ không muốn hỏi chuyện cá nhân của Phụng, nhưng mẹ sẽ hỏi nó cặn kẽ khi nó tự nguyện kể cho mẹ nghe những gì nó muốn tâm sự!
               - Ảnh sẽ! Tại chưa đến lúc thôi. Sau này không những ảnh đem về cho mẹ một cô con dâu bác sĩ mà cả cháu nội nữa. Thằng bé Tevone không phải là con anh Phụng nhưng nó ngoan lắm mẹ ạ. Chị Princess răn dạy nó rất kỹ, và còn đang học cách dùng đũa để gắp thức ăn như người Việt mình nữa đó. Con phục tính tình của chị và ngưỡng mộ tình yêu giữa chị ấy với anh Phụng. Còn ba, đáng tiếc là tình yêu mà ba hy sinh cho dì Hoa không phải là tình yêu muôn thưở.
              Bà Kim Cúc thất sắc:
              - Ý của con như thế nào?         - Con nghe dì Hoa đã đem Tony bỏ ba đi từ lâu rồi. Hiện giờ ba chỉ ở một mình thôi.
      Nhận ra khuôn mặt trắng bệch của bà Kim Cúc, cô Loan vội vàng hỏi thêm:
              - Mẹ, có khi nào mẹ tha thứ cho ba không? Có khi nào mẹ nghĩ là mẹ cho phép ba trở về ở cùng với chúng ta như ngày xưa không?
              Bà Kim Cúc hoang mang lắc đầu:
              - Mẹ không biết con ạ. Mẹ không biết là ba có muốn trở về không; còn trái tim của mẹ thì đã héo khô. Mẹ nghĩ là mẹ không còn đủ sức để yêu ai và không thể làm cho ai yêu mình được nữa.
              Cô Loan cúi đầu với giọng nói trầm buồn:
              - Như vậy hóa ra người ta khó mà tha thứ cho nhau phải không mẹ? Chuyện của mẹ và ba chẳng khác nào chuyện của những người Việt khác. Cái khoảng cách giữa những trái tim khô héo và những trái tim trăn trở không bao giờ có thể được nối gần.
               - Có thể lắm chứ con! Nếu đó là sự an bài của thượng đế hay chính bản thân chúng ta. Sự hàn gắn có thể dựa trên bài học của quá khứ và sự đồng lòng cải thiện với tấm lòng thành. Nhưng mà khi chúng ta nhận được sai lầm của người khác thì bản thân người ấy cũng đã nhận ra sai lầm của họ phần nào và tự sửa chữa, dù không nói ra.
              - Đúng vậy mẹ ạ! Con tin người Việt Nam có bản chất thông minh.
              Bà Kim cúc gật đầu dù không hiểu ý cô Loan muốn ám chỉ người Việt Nam trong tình hình mâu thuẫn tư tưởng và quan điểm hay chuyện ly cách của vợ chồng bà. Tuy nhiên, bà đã mỉm cười, thay đổi đề tài:  
              - Thế còn cô bác sĩ Loan của mẹ thì sao?
              - Con hả? Sau khi lấy bằng bác sĩ con sẽ tiếp tục về Việt Nam mỗi hè để giúp đỡ những Hội thiện nguyện như hiện nay, hoặc là....
              Bà Kim Cúc hỏi dò ngay sau câu bỏ lững của cô:
              - Mùa hè năm nay con cũng định về Việt Nam nữa sao?
              - Dạ phải! Con quên thưa với mẹ là hè này con đã ghi danh về Việt Nam giúp các hội thiện nguyện bên ấy. Con đã lấy vé rồi mẹ à. Hội thiện nguyện cho con nửa vé, con chỉ trả tiền một nửa thôi!
              Cất những món hàng cuối vào tủ xong, cô Loan vỗ tay vào trán:
               - A! Nói đến chuyện đi Việt Nam con mới nhớ là con đang giữ một vật của mẹ.
              - Vật gì? Bà Kim Cúc ngơ ngác.
              - Mẹ có nhớ anh Duy Anh làm cho tiệm Bàn Tay Đẹp của mẹ trước đây không?
              - Sao hả con? Bà Kim Cúc ái ngại nhìn cô Loan.
              - Ảnh cũng ghi tên trong nhóm thiện nguyện về giúp những người tàn tật ở Việt Nam lần này đó mẹ. Con gặp ảnh mấy lần trong hội thiện nguyện và ảnh gửi lời thăm mẹ mãi mà con quên nói lại với mẹ. Hôm nay ảnh gửi cho con cái bì thư này để chuyển lại cho mẹ. Tập thư rất dày con nghĩ là một cuốn sách ở trong ấy!
              Đặt bì thư màu vàng khổ khoảng hai mươi lăm và ba mươi lăm phân, được niêm dán cẩn thận trên bàn xong, cô Loan vô tư hỏi:
              - Mẹ ơi! Con có thể hỏi mẹ vài câu hỏi được không?
              Bà Kim cúc hồi hộp:
              - Được chứ, con nói đi!
              Trải dài hai cánh tay trên chiếc bàn đá, và vuốt những ngón tay mình trên hai bàn tay đan chặt vào nhau của bà Kim Cúc, cô Loan hỏi một cách trang trọng:
              - Có phải mẹ nhớ Việt Nam ngày xưa của mẹ lắm phải không? Có phải mẹ muốn sau này được về Việt Nam để sống và được chôn nơi mảnh đất mà mình đã sinh ra phải không?
              Câu hỏi bất ngờ của cô Loan làm nước mắt của bà Kim Cúc muốn dâng lên mi. Bà nhớ ba căn phòng nhỏ sát cạnh nhau trong căn gác. Bà nhớ chiếc giường nơi bà cụ Đức đắm chìm trong giấc ngủ ngàn thu. Bà nhớ cảnh bà Bạch Mai và ông Thanh lăng xăng bàn bánh cuốn vào một ngày chủ nhật nào đó trước hiên nhà. Bà nhớ cái góc của hiên gác nơi bà tâm tình với bà Quyên. Thêm vào những nỗi nhớ ấy, bao nhiêu hình ảnh khác tràn về trong ký ức của bà nhưng bà đã cố gắng giữ nguyên ánh nhìn hết sức bình thản khi trả lời:
              - Những gì mình cần khác với điều mình muốn con à! Mẹ muốn rất nhiều thứ trên đời nhưng chẳng được gì cho nên mẹ chỉ xác định mình cần phải làm gì thôi.
              - Mẹ ạ, những cái mẹ cần là những gì thuộc về trách nhiệm còn những cái mẹ muốn là những cái thuộc về sự khao khát. Con biết trước đây mẹ rất bứt rứt khi quyết định bỏ quê hương ra đi nhưng vì hoàn cảnh mẹ đã phải liều thân mình. Con cũng biết là mẹ đã gắn bó tình cảm với đất nước này như quê hương thứ hai của mẹ nên mẹ luôn kỳ vọng chúng con góp sức mình để đền trả xứ sở đã cưu mang gia đình chúng ta. Nhưng ... nhưng mà con ... con muốn sau khi ra trường sẽ xin về làm việc cho các bệnh viện ở Việt Nam mẹ ạ!
              Rụt ngay đôi bàn tay và khoanh chúng lại trước mặt, bà Kim Cúc lấp bấp:
              - Con... con nói sao? Có phải con vừa nói là con muốn làm việc luôn ở Việt Nam không?
              Cô Loan gật đầu với đôi mắt thẳng thắn:
              - Dạ phải.
              Mày chau, mặt nhăn nhó, bà Kim Cúc lớn tiếng phản đối:
              - Tại sao con muốn như vậy? Con có biết đó là nơi không an toàn  vì những luật lệ bất nhất không? Mỗi năm con đi chỉ một tháng thôi cũng đủ làm mẹ mất ăn mất ngủ rồi huống hồ muốn làm việc luôn bên ấy!
              Cô Loan nhìn bà với ánh mắt thành khẩn:
              - Con đã nhất định rồi mẹ ạ. Chỉ mong mẹ đừng buồn và đừng giận là con đi ngược lại điều mẹ mong muốn! Xin hiểu cho con là con chỉ muốn giúp đỡ những người dân cùng khổ ở Việt Nam chứ không ngoài mục đích gì khác. Hãy tin rằng giữa con và anh Vũ vẫn giữ tốt đẹp cho nhau.
              Bà Kim Cúc lắc đầu, hạ giọng với nụ cười buồn:
              - Mẹ không giận con đâu. Mẹ biết tuổi trẻ thường có những khát vọng hướng thượng và muốn làm việc cao cả nhưng thật sự là mẹ không an tâm với quyết định này dù mẹ luôn hứa với lòng sẽ luôn luôn tôn trọng quyết định của các con.
              Cô Loan nói một cách thiết tha:
              - Mẹ ạ, không phải con quyết định như vậy là vì muốn làm chuyện phi thường, vì quen thuộc với phẩm chất thích làm thiện nguyện xã hội của người công dân Mỹ hay vì muốn sống gần bà con mà vì con đã thực sự nghĩ mình là người Việt Nam, vì con đã yêu đất nước Việt Nam và hết lòng thương mến người dân Việt Nam. Xin mẹ không giận con thật tình như mẹ nói.
              Ngượng nghịu trước sắc mặt trắng xanh và đôi mắt buồn bã của bà Kim Cúc, cô Loan nói thêm:
              - Con biết là con sẽ đến một nơi không bằng Mỹ và là nơi có nhiều điều làm mẹ lo lắng nhưng con tin rằng tất cả những  điều phi lý, bất công và mâu thuẫn sớm hay muộn cũng bị hủy diệt bởi chính bản thân của nó. Xin mẹ hãy tin những điều mà con đang tin: Sự thiện tâm và thành ý sẽ giúp chúng ta đạt kết quả mỹ mãn cho những cái mà chúng ta đang cố công bồi đắp.
              Gật đầu và nắm chặt đôi bàn tay cô Loan, bà Kim Cúc nói với vẻ trịnh trọng:
              - Mẹ hiểu con muốn nói gì rồi! Lo sợ  thì vẫn còn nhưng mà con đã quyết chí thì mẹ hoàn toàn tôn trọng lý tưởng nhân hậu của con.
              Cô Loan sung sướng đứng lên, bước đến ôm choàng bờ vai của bà Kim Cúc, rồi nói như reo:
              - Mẹ! Mẹ thật là người mẹ tuyệt vời của con! Với người mẹ cao quý như mẹ đây con hứa sẽ sống tốt và mãi mãi làm nhiều điều có ý nghĩa để làm cho mẹ vui lòng.
       
       
       
       
      Chương Bốn Mươi Mốt: 
       
       
       
       
       
       
       
       
              “Tôi biết tình yêu hiện hữu trong tâm hồn mình là vô vọng nhưng tôi không thể nào từ bỏ được những ý nghĩ yêu thương đầy ắp trong tôi. Theo nhịp bước của thời gian, tình yêu quyện chặt trong tâm hồn của tôi như nó và tôi là một tổng thể mà không có một sức mạnh nào có thể tách ra khỏi được. Càng ngày tôi càng hiểu rằng nếu phải xóa bỏ những gì tôi đang có trong tâm hồn đồng nghĩa là tôi phải bóp  nát trái tim của tôi.
              Tôi sẵn sàng chấp nhận đau khổ triền miên của tình yêu vô vọng và đối đầu với  những khắc khe đã có trên đời hơn là ...
          - Tình yêu?
              Bà Kim Cúc nghe tiếng hỏi chua chát của mình văng vẳng đâu đó trong căn phòng làm  việc vắng vẻ của bà. Lật sơ qua các trang giấy và dừng mắt ở trang cuối nơí số điện thoại được ghi cẩn thận, bà nhấc điện thoại bấm số và chào hỏi người đàn bà nào đó ở đầu dây bên kia. Tiếng trả lời hết sức lạnh lùng:
              - Bà chờ một chút, tôi gọi nó!
              Lời nói vừa dứt, bà nghe tiếng “cạch” của máy điện thoại rồi một lát sau bà nghe giọng nói trầm trầm của anh Duy Anh:
              - Chị Kim Cúc?
              - Phải, chị đây. Chị đã nhận tập nhật ký của em và muốn gặp em sau trường tiểu học W. ngay bây giờ.
              - Được, em sẽ ra ngay và gặp chị ở gốc sồi.
              Bỏ tập nhật ký vào chiếc xách tay, đi đến phòng gia đình nơi cô Loan và bé Lisa đang coi phim Hàn Quốc, bà báo cho họ biết là bà phải đi ra ngoài có chút chuyện.
      Ba năm hơn, sau thời gian bé Lisa vào trường trung tiểu học, đó là lần đầu tiên bà Kim Cúc đi bộ trở lại đến trường tiểu học W. Bà vừa đi, vừa suy nghĩ những câu nói sâu sắc nhất và ý nghĩa nhất để khuất phục điều khăng khăng trong cuốn nhật ký; thế mà khi lên đến đỉnh đồi, vòng tay ôm bất thần của người thanh niên đã làm tan biến những suy tính mà bà đã chuẩn bị  sẵn trong đầu.
              - Hãy tin vào tình yêu chung thủy của em! Em sẽ yêu chị mãi mãi cho đến phút cuối của cuộc đời!
               Lời tỏ tình thống thiết và bất ngờ của người thanh niên đã làm bà Kim Cúc sững sờ kinh ngạc. Chưa kịp phản ứng được gì, bà lại nghe anh ta nói:
               - Đừng xa lánh và tàn nhẫn với em nữa! Em đã cố gắng trong bao năm nhưng không thể nào thay đổi được tình yêu trong trái tim của em!
              Lần này bà Kim Cúc nghe rõ nhịp tim đập của người thanh niên bên tai. Nhịp tim hòa với những lời van vỉ của anh đã xóa tan những câu nói đã chuẩn bị sẵn trong trí của bà kể cả câu tàn nhẫn nhất là: “Hãy tưởng tượng tôi là mẹ của em mà quên đi những tình cảm bồng bột trong tâm trí của em đi!” Hơn thế nữa, chúng đã đưa bà vượt lên khỏi cái giới hạn của tuổi tác mà những tiếng “chị em” chỉ là lối xưng hô đơn thuần chứ không thể cao hơn sự yêu thương chân tình mà người thanh niên vừa thổ lộ ra. Chơi vơi với những gì vừa nghe được, bà Kim Cúc cảm nhận tình yêu của người thanh niên kiên định và thành thật đến độ không gì có thể lay chuyển, đồng thời bà cảm thấy trái tim băng đá của mình đang từ từ tan chảy mà từng giòng nước của nó hình như đang xóa sạch nỗi căm phẫn về sự lừa dối của đàn ông trong ý nghĩ của bà. Vô cảm và vô hồn, bà Kim Cúc đứng im không nhúc nhích. Trơ trơ ánh nhìn về một điểm ở xa xa, bà thấy những ngôi nhà nho nhỏ thấp thoáng trong các lùm cây, dưới bầu trời xanh và những đám mây trắng. Bà biết đàng xa ấy có thể là phương trời mở rộng cho bà và người thanh niên đang kiên định với vòng tay si tình của anh ta. Nhưng, bà không nhìn về nơi xa xăm ấy mà ngước mắt lên. Dưới tàn sồi xanh, một khuôn mặt u uất đau khổ với ánh mắt tha thiết và đôi môi khao khát chờ đợi sự chấp thuận. Bà biết rằng chỉ với cái chớp mắt nhẹ của mình, chàng thanh niên sẽ trao cho bà tất cả  yêu thương đang chan chứa  trong tâm hồn của anh ta nhưng đột nhiên giọng nói vui tươi của cô Loan  vang lên, phục hồi những điều suy tính trong trí nhớ của bà trước khi bà ra khỏi nhà “Chỉ có mẹ mới là người mẹ tuyệt vời nhất trên đời! Với người mẹ cao quý như mẹ đây con hứa sẽ mãi mãi  sống tốt và làm nhiều điều có ý nghĩa!”.
      Nghiêng đầu sang hướng khác và vùng ra khỏi vòng tay của người thanh niên, bà Kim Cúc run rẩy nói:
              - Hãy buông chị ra! Chị hẹn em đến đây chỉ ngoài mục đích trả cuốn nhật ký của em mà thôi!
              Người thanh niên bỡ ngỡ:
              - Chị đã đọc hết cuốn nhật ký của em chưa?
              - Không đọc hết, chỉ một trang đầu thôi. Nhưng... không cần đọc nữa. Chúng ta không thể đi ngoài trật tự của xã hội. Tình yêu phải đặt trên trách nhiệm chứ không phải là một sự buông thả! Bà Kim Cúc nói  với cái lắc đầu rồi cúi đầu.
               Người thanh niên hỏi:
              - Vậy chị ra đây làm gì?
              Không trả lời, bà quay mặt ra sau nhìn hai cánh cửa sắt màu đỏ đàng sau lưng. Hai cánh cửa đỏ như hai bàn tay khổng lồ với hai chữ dừng lại nhắc nhở bà phía trong ấy là các lớp học của trường tiểu học W, nơi đã dạy dỗ con gái bà với bao nhiêu điều hay ý đẹp, những điều trái ngược với quyết định nông nổi nếu có của bà. Vất bỏ những ý nghĩ yếu đuối còn lại trong ý nghĩ, bà ngẩng cao đầu nói quả quyết:
              - Chị ra đây không ngoài mục đích khuyên em đừng nên đeo đuổi tình yêu bồng bột  nữa!
              Người thanh niên cúi gập lưng, ngồi phệt trên đám cỏ như người vừa bị trúng thương. Ngước lên nhìn người đàn bà với ánh mắt nửa oán hờn, nửa tê tái, anh ta nói:
              - Em không cần chị khuyên điều gì cả vì  tình yêu của em không phải là tình yêu bồng bột.
              Não nề, anh ta gục đầu trên đầu gối:
              - Chị hãy đi đi! Hãy về đi! Hãy về đi!
              Thoạt đầu bà Kim Cúc bối rối trong vài giây, sau đó bà mở xách của mình ra lấy tập nhật ký đặt bên cạnh chỗ ngồi của người thanh niên rồi lặng lẽ quay bước xuống đồi. Thảm cỏ dưới chân bà như đang bị cháy úa bởi ánh nắng gay gắt của mặt trời và con đường dẫn về nhà bà như dài ra, hun hút thêm và thăm thẳm đến vô tận. Trong ánh nắng rực đỏ của trời hạ, bà cảm thấy như mình bị thiêu đốt giữa sa mạc nóng bỏng và đồi cỏ dưới chân bà như đang bị  tàn rụi bởi những tia nắng đỏ hậm hực và giận dữ. Vài cơn gió bất chợt thổi tung tóc bà bay muôn hướng. Chúng đưa những lời thống thiết của chàng thanh niên và van xin bà hãy ngược lại đỉnh đồi. Bâng khuâng, muốn  quay trở lên dốc đồi để khuyên nhủ người thanh niên hãy đi về nhà nhưng hình ảnh người thanh niên ôm chầm bất thần với những lời van lơn khiến bà lo sợ và tiếp tục bước nhanh hơn.
              Chưa bước hết con dốc dài và  mênh mông đầy cỏ, ngực bên trái của bà  đột nhiên nhói liên hồi. Bà đứng khựng lại một lúc để đối phó lại cảm giác đau nhói như bao lần tự xoa dịu cơn đau nhức của trái tim mình. Ôm một bên ngực, bà cau mày và nhăn mặt một cách đau khổ nhưng không phải bởi cơn đau thắt bên vùng ngực mà vì những hình ảnh cay đắng xa xưa lần lượt hiện ra trong trí tưởng. Bà thấy đôi mắt kinh hoàng của mình  trong  cơn hấp hối của Sài Gòn, thủ đô yêu thương nhất của bà. Bà thấy bàn tay của mình nắm chặt không muốn rời trong ngày chia tay với ông Đức, người  cha đáng kính của gia đình bà  trước giờ ông lên đường đi học tập cải tạo. Bà thấy khuôn mặt đầy lo lắng của mình trên những con đường đi tìm bà Bạch Mai, người chị gái đẹp tuyệt trần duy nhất của bà.  Bà thấy đôi tay lem luốc vuốt dầu đen bôi mặt và toàn thân trong tâm trạng khiếp sợ bọn hải tặc hành hung khi bà ngồi chẹt dưới hầm của chiếc tàu vượt biển đầy người. Bà thấy những giọt lệ đắng cay của mình sau buổi tối phát hiện sự ngoại tình của ông Hoàng, người chồng đã cùng tổ chức lễ Hôn Khánh hai mươi năm linh đình trước bao nhiêu người thân và bạn bè. Tột cùng nhất, bà thấy cái gục đầu của mình trên hai bàn tay tuyệt vọng sau khi cậu Phụng, đứa con trai đầu và duy nhất của bà, xách va li đi ra khỏi nhà. Qua cuốn phim ký ức ấy, bà cảm thấy lồng ngực của mình bị đè nặng và càng lúc càng cảm thấy khó thở hơn. Sự ép chặt nơi lồng ngực của bà không phải vì sức nóng của nắng hè, cũng không vì áp lực của không khí trong tư thế đi ngược xuống mà vì bà đau khổ nhận ra rằng sự mất mát đang có trong tâm hồn của bà không nhẹ hơn những sự đau khổ mà bà đã từng trải qua. Phủ nhận và chối bỏ những gì chân thành nhất mà người thanh niên tha thiết tỏ bày đã khiến bà đau khổ không khác những lần đau khổ đã từng có trong đời kia. Tuy nhiên, bà hiểu vì sao mình phải làm ngược lại những rung động trong trái tim mình. Lý trí đã nhắc nhở cho bà biết tình cảm của người thanh niên đối với bà chỉ là một sự ngang trái và răn đe bà không nên đi ngược phong tục tập quán và quy luật hôn nhân của người Việt. Với vai trò gương mẫu của một người mẹ  trong việc giữ cho con cái có một tương lai tốt đẹp, bà không thể nào trả thù sự ngoại tình của chồng bằng cách quen một người ngang tuổi con mình như ông ta đã từng, cũng như không thể để miệng đời chê cười chuyện “Ông ăn chả, bà ăn nem” như bao nhiêu chuyện bà đã từng nghe. Xa hơn những ý nghĩ đơn thuần ấy, bà còn lo sợ hình ảnh già nua, tội nghiệp và đáng thương trong tương lai của mình bị bỏ rơi bởi người thanh niên vừa hết lòng nói yêu thương bà tha thiết kia.
              Tuy là nghĩ như thế, nỗi sầu muộn vẫn man mác theo những bước chân của bà trên thảm cỏ mênh mông và thăm thẳm như không có điểm dừng. Trong trạng thái vô ý thức, bà Kim Cúc đã bước chơi vơi khỏi đồi cỏ để cố gắng theo con đường dẫn về nhà.
              - Chào bà chủ tiệm Bàn Tay Đẹp!
              Một giọng nói lạnh lùng đàng sau khiến bà giật mình quay người lại. Một người đàn bà với mái tóc ngắn ngang tai được chải gọn, khuôn mặt nghiêm nghị vô cảm và cái cổ áo gài kín ngực đang đi sát phía sau bà như bà ta đã cố tình đi gần để nói chuyện với bà sau khi chờ sẵn bà ở một nơi nào đó.
              - Chào chị. Bà Kim Cúc trả lời với đôi mắt hoang mang:
              - Bà là vợ của ông Hoàng?
              - Dạ phải - Bà Kim Cúc trả lời trong ngơ ngác - Sao chị biết tôi ạ?
              - Ở đây ai mà không biết ông bà! Gia đình của ông bà là một gia đình có giáo dục, kinh doanh thành công, và con cái thành đạt thì làm sao người Việt vùng này không biết đến? Nhưng mà gần đây tôi nghe người ta xì xầm về chuyện ông bà thôi nhau nhiều lắm! Nhiều nhất là chuyện họ trách ông nhà bỏ bà và lấy cô gái trẻ ở Việt Nam đưa sang đây.
              Đôi mắt bà Kim Cúc rực lên nỗi bực tức. Toan nói vài câu cay đắng nhất để cho người đối diện một bài học về cái tội nhiều chuyện, bà bị khóa miệng ngay bởi những lời cay độc tiếp theo:
              - Cứ nghe thiên hạ bàn tán mà tôi nực cười. Tôi thấy là không có chuyện gì xảy ra trên đời mà không có nguyên nhân! Nếu người đàn bà đàng hoàng, mẫu mực, chính chắn thì ông chồng nào đem dạ yêu người khác? Trường hợp của bà càng tệ hại hơn mấy trường hợp mà mấy bà bị chồng ngoại tình! Đã già bốn, năm mươi tuổi mà bà không biết thân biết phận, lại đem lòng dụ dỗ một đứa bằng tuổi con mình thì trời đất nào coi cho được?
              Bà Kim Cúc kinh hoàng khi nhận ra khuôn mặt lạnh kia chính là mẹ của anh Duy Anh. Mái tóc ngắn đã làm bà trông trẻ và sang hơn trước khiến bà không thể nào nhận diện khi gặp lại.
              - Đã bao nhiêu lần tôi muốn “làm” cho bà một trận để bà ngưng cái thói dư tiền sinh tật, nhưng vì đã làm mẹ, biết danh dự của một người mẹ đối với con cái mình như thế nào nên tôi cắn răng bỏ qua cho danh dự của bà và của những đứa con của bà, thế mà bà vẫn chưa chừa cái tật quyến rũ của mình. Tôi muốn nói cho bà biết là bà có đẹp bao nhiêu thì bà cũng đã già rồi! Làm ơn bỏ “thói mất nết” gọi con tôi hẹn hò ngoài đường như vậy khó coi lắm! Bà có con, biết lo cho tương lai của con bà thì bà hãy để yên cho con tôi ăn học đàng hoàng để sau này nó còn có vợ có con như người ta, sao bà cứ quyến rũ nó hoài, ác quá vậy? Từ giờ phút này, muốn kiếm chồng mới thì tìm người khác! Làm ơn đừng hủy hại tương lai của con tôi nữa! Tha cho nó đi!
               Chao đảo trên con đường lót xi măng dành cho người bộ hành như một người say rượu, nước mắt của bà Kim Cúc dâng lên ngập mi. Lời nói của người đàn bà kia thật sự là ngọn dao bén chém ngay vào trái tim của bà. Bà cảm thấy tim mình đang từ từ rỉ máu khi bà biết chắc chắn rằng chưa bao giờ và chưa một lần nào trong đời bà bị mạ lỵ như thế. Lúc ấy, bà không ngờ một người đàn bà từng có con với lính Mỹ, đã từng trải qua tình cảnh có con với người ngoại quốctrong cái ý thức hệ và quan niệm cổ xưa của người dân miền Nam Việt Nam trước năm 1975 lại thốt ra những lời nặng nề và vô thông cảm như thế đối với bà. Trải nghiệm sự trái ngược giữa trái tim yêu chân thành và tha thiết của người con và trái tim hẹp hòi và đố kỵ của người mẹ, bà hiểu là còn có biết bao nhiêu trái tim khác nhau  trên đời mà bà không thể nào đi sâu vào từng trái tim một với kiến thức hạn hẹp, lối giáo dục gò bó, và kinh nghiệm nhỏ nhoi của mình. Hơn bao giờ, bà Kim Cúc ao ước còn được cuốn nhật ký của anh Duy Anh trong tay để trao lại cho mẹ của anh ta. Và cũng hơn bao giờ bà ao ước người đàn kia đi ngược lên dốc đồi sau trường tiểu học W., trên đường quay về nhà, để nhìn thấy anh Duy Anh đang ngồi khóc nức nở dưới gốc cây sồi.
              Không trả lời một tiếng, vì biết nếu mở miệng ra nước mắt sẽ chảy, bà Kim Cúc lầm lũi bước nhanh như trốn chạy. Những tiếng cầu khẩn nho nhỏ như khúc nhạc ai oán đeo đuổi mãi sau lưng: “Làm ơn! Làm ơn buông tha cho con của tôi! Hãy để cho tương lai con tôi sáng lạng như những đứa con trai khác trên đời!”
              Khi còn lại một mình trên đường về nhà, bà nuốt hết nước mắt bằng cách tự an ủi mình là kẻ may mắn. May mắn tột đỉnh là cái bản lĩnh và thái độ lạnh lùng của bà đã giúp bà từ chối tình yêu say dắm của anh Duy Anh. Với những bước chân chầm chậm trên lối, bà tự hỏi là đã có bao nhiêu người đàn bà cùng cảnh ngộ như bà trên đường đời của họ và đã có bao nhiêu người đàn bà nhẹ dạ rơi vào cái hố của tình yêu nông nổi và không cân xứng tuổi tác để phải mang bao nhiêu tai tiếng và dị nghị suốt đời bởi miệng thế gian.
              Đến nhà, đang loay hoay với chiếc chìa khóa tra vào ổ, cánh cửa mở toang ra và con bé Lisa reo lên:
              - Con biết ngay là mẹ về mà! Mẹ không bỏ tụi con đâu phải không mẹ? 
              Bà Kim Cúc lắc đầu:
              - Không! Chỉ có con bỏ mẹ chứ mẹ không bao giờ bỏ các con!
              - Con không bỏ mẹ đâu! Con sẽ không như ba và anh Phụng đâu mẹ!
              Con bé Lisa nói trong khi tung tăng đi theo bà lên thang lầu, rồi thủ thỉ tiếp khi hai người vào phòng học của nó:
              - Mẹ, có phải mẹ vẫn còn buồn vì chuyện ba bỏ mẹ không hả mẹ? Mẹ đừng buồn nữa! Con có những đứa bạn cũng có ba mẹ ly dị như mình nhưng chúng ô kê lắm mẹ. Có khi tụi nó về nhà ba của tụi nó chơi với em cùng ba khác mẹ có khi chúng ở với mẹ và chơi với em cùng mẹ khác ba. Ngoài ra, chúng còn có mấy người anh chị em riêng của ba ghẻ hay mẹ ghẻ của chúng nữa. Gia đình tụi nó vẫn sống hoà thuận và vui vẻ lắm mẹ ạ!
              Thong thả ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn học, bà Kim Cúc lắc đầu nhè nhẹ trong khi nói dịu dàng:
              - Mẹ không sao! Không buồn gì cả con ạ!
              Liến thoắng,  bé Lisa nói tiếp:
              - Con nghĩ là nếu chú Duy Anh ở cùng nhà với mình thì mẹ sẽ vui hơn! Mấy bó hoa cúc đủ màu mà chú tặng cũng sẽ làm căn nhà mình tươi hơn, phải không mẹ?
              Câu hỏi của con bé làm bà Kim Cúc giật mình và gây nên một ý nghĩ hết sức chán chường lóe lên trong đầu bà. Như bị ngọn giáo xuyên ngay vào vết thương đang rỉ trong tim, bà hoang mang với ý nghĩ “Một đứa trẻ mười  ba tuổi như Lisa lại có ý tưởng về tình cảm giữa mình với Duy Anh huống hồ mẹ của anh ta”. Nhưng rồi, bà đã nói với Lisa một cách ôn tồn:
              - Mẹ không thích nhận hoa cúc của ai cả con ạ. Hoa cúc chỉ đẹp nên thơ với trời thu ở Việt Nam thôi, còn ở đây, theo quan niệm của người Âu Tây, nó chỉ dành cho những người đã mất.
      Rồi để không phải nói thêm rằng “Trái tim mẹ đã héo chết từ lâu rồi, còn lại chỉ là tâm lực dành cho các con và những công việc có ý nghĩa sắp tới mà thôi!”, bà Kim Cúc đã cất giọng cao hơn, nói tiếp:
              -  Nhưng mà Lisa còn nhỏ, lo chuyện nhỏ của mình, đừng để tâm đến chuyện người lớn như vậy không tốt!
              Xuất hiện giữa cửa phòng với đầu tóc còn ướt nước, cô Loan hỏi:
              - Mẹ, mẹ về rồi hả mẹ? Còn Lisa không coi phim nữa sao không tắt máy?
              Bà Kim Cúc cằn nhằn:
              - Cũng bởi mấy cái phim tình cảm xã hội Hồng Kông và Đài Loan tiếng Việt này mà nhập tâm nói bậy bạ chuyện tình cảm của người lớn! Lisa đi lấy sách đọc đi.
              Lisa lắc đầu:
              - Đọc sách chỉ dành cho thời gian trước khi đi ngủ chứ đâu phải lúc này hả mẹ? Bây giờ con chỉ muốn mẹ đưa con đi mua sắm thôi!
              Cô Loan nói:
              - Con cũng muốn đi mua sắm nữa đó mẹ!
              Bà Kim Cúc gật đầu:
              - Được rồi, vậy thì chúng ta cùng đi mua sắm. Mẹ cũng cần mua vài chiếc áo mới để chuẩn bị cho ngày lễ ra trường của Phụng. Hai đứa thay đồ và sửa soạn mau đi rồi mình cùng đi!
              Ba người cùng đứng lên, mỗi người về một phòng. Tiếng nói của họ râm rang vang khắp các phòng. Đâu đó có tiếng hỏi:
              - Có phải mình sẽ đi đến thương xá F. không ? Có khi nào mình gặp ba ở đó không? Ba vẫn thường đến thương xá F. vào những chiều chủ nhật đó mà!
      Và tiếng trả lời:
              - Nếu không gặp ba ở thương xá F. Mình sẽ gặp ba trong ngày ra trường của anh Phụng! Chắc chắn là như vậy!




                                                             Hết

      #18
        Ct.Ly 07.05.2007 16:41:47 (permalink)
        #19
          Cung Thi Lan 07.05.2007 19:39:26 (permalink)
          CTL chân thành cảm ơn TTL đã hiệu đính truyện và Ct Ly đã đưa tiểu thuyết Tình Trên Đỉnh Sầu vào thư viện.
          Thân chúc TTL và Ct Ly một ngày như ý và hẹn gặp lần khác.
          Cung Thi Lan
          #20
            Cung Thi Lan 14.05.2007 03:31:36 (permalink)
                Ct Ly mến,
            Nếu không nhiều trở ngại, CTL mong Ct Ly sử dùm ngày xuất bản của tiểu thuyết Tình Trên Đỉnh Sầu là 10 tháng 12 năm 2006 chứ không phải 2007. Xin chân thành cảm ơn Ct Ly.
            Chúc Ct. Ly mọi điều như ý trong ngày Lễ Mẹ.
            CTL
            #21
              Ct.Ly 14.05.2007 05:13:36 (permalink)
              #22
                Cung Thi Lan 15.05.2007 08:07:46 (permalink)
                    Ct Lan cảm ơn Ct LY nhiều nhiều! Nhanh qua chừng đi!
                #23
                  Cung Thi Lan 03.06.2007 08:22:34 (permalink)
                  CTL rất mong Ct Ly chỉ cách gừi thư riêng cho Ct Ly. Cảm ơn Ct Ly,

                  CTL
                  #24
                    Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 24 trên tổng số 24 bài trong đề mục
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9