Căng thẳng
Huyền Băng 03.05.2007 20:29:59 (permalink)
Căng thẳng
 
Bạn tôi nói với tôi bạn ấy phải đi thăm vợ một người bạn, bà này gần đây bị căng thẳng tột độ, và  thường không kềm chế được mình đã la hét, thậm chí đánh cả ông chồng, điều mà trước đây không có! Tôi thăm hỏi nguyên nhân, bạn ấy cũng không nắm rõ chỉ biết là hai vợ chồng này gần đây xây nhà. Do người chồng muốn chính tay mình xây cất nên đã không thuê thợ, và vì thế hai vợ chồng cùng mấy đứa con phải sống tạm bợ trong một nơi chật chội kéo dài hằng hai năm trời trong xứ sở mà mặt trời thường đi vắng. Có lẽ sự bất tiện trong cuộc sống hằng ngày trong một thời gian dài đã làm cho người vợ trở nên căng thẳng? Tìm hiểu sâu vào chi tiết, hình như bà vợ có đề nghị chồng thuê người phụ nhưng ông ta không chịu và nhất nhất việc gì cũng phải chính tay mình làm. Hai mùa đông trôi qua, họ vẫn chưa hoàn thành được cái tổ của mình …Tâm lý đa số phụ nữ là mong muốn mọi thứ phải được gọn ghẽ ngăn nắp,  và chỉ khi nào mọi thứ được ngăn nắp, ổn thỏa, thì tâm tư họ mới bình yên. Người đàn bà này đã không tìm thấy bình yên trong quảng thời gian hai năm, và đưa đến sự căng thẳng tột độ! Mới nghe qua ai cũng có thể nghĩ là như vậy, nhưng thực tế hơn thế nữa, đối với những người chồng mang tánh độc đoán, thích làm theo ý riêng của mình mà không để ý đến ý kiến của người thân chung quanh thì sự căng thẳng không phải bắt đầu từ hai năm mà có thể là hai chục năm hay ba chục năm. Với bản tính độc đoán, anh ta sẽ độc đoán trong mọi việc, và người thân của anh ta sẽ phải chịu đựng cá tính này trong suốt khoảng thời gian dài chung sống với anh. Với những người vợ cá tính cứng rắn việc xung đột tư tưởng đương nhiên là không tránh khỏi, đối với những người vợ mềm mỏng chìu chuộng, thì sự im lặng này sẽ đi đến trầm uất, và khi sự trầm uất vượt quá mức độ cho phép thì nó bùng nổ lên tạo thành cuồng trí, và một vài phản ứng mang tính bạo lực.
 
Tôi lại nhớ đến gia đình kia. Gồm bà mẹ vợ , hai vợ chồng đứa con gái và mấy đứa cháu ngoại. Gia đình này thuộc loại siêng năng tiện tặn, sau 30 tháng 04 năm 1975, từ một gia đình khá giả họ trở thành tay trắng, vì bao nhiêu tiền dành giụm trong ngân hàng mất trắng chỉ còn ngôi nhà cũ kỹ trong một căn hẽm sâu, nơi họ trú ngụ là tài sản duy nhất. Bà mẹ vợ này cũng rất đảm đang. Lúc hai vợ chồng đứa con gái này còn đi làm, một tay bà chăm sóc các đứa cháu. Ở tuổi 50, đứa con rể đi học tập, chị vợ đi làm nuôi gia đình bà ở nhà phụ con mình nuôi cháu, chỡ cháu đi học, Có một lần khi qua một đoạn cầu,  hai bà cháu bị chẹn xe, đứa cháu té xuống sông, bà đã không ngần ngại lao từ thành cầu xuống sông để cứu đứa cháu. Một hành động can đảm phi thường của một bà ngoại, mà không phải phụ nữ nào cũng có thể làm được dù là mẹ ruột. Cậu con rể sau nhiều năm học tập trở về , với đức tính siêng năng tiện tặn sẳn có cùng đức tính thật thà, chịu cực chịu khó, anh chấp nhận quên hết những vinh quang của những năm tháng trước đấy. Thức ăn hai năm liền trong ngày rời trại về: bắp khoai thì nhiều cơm thì ít, mua chiếc xe ba bánh ngày ngày đẩy hàng kiếm tiền sinh sống, một khoảng tiền rất khiêm nhường. Cậu ta   rất khẳng khái luôn sống bằng chính đồng tiền mình kiếm và không nhận bất kỳ một đồng trợ cấp nào từ em út, bà con từ nước ngoài về cho mặc dù lúc nào cũng sẳn sàng tiếp đón chăm sóc lo lắng cho họ trong ngôi nhà của mình, một việc mà những Việt Kiều thường không  nghĩ tới…Thân nhân từ nước ngoài về ghé chơi biếu 1 hai trăm đô đều được gởi lại. Thân nhân của anh chồng đã phải khóc vì đồng dola của mình không có gía trị với anh này. Bà cô đi ra nước ngoài đoàn tụ con cái, giao lại một căn nhà thênh thang nằm trong mặt tiền thành phố, với 15 mét ngang, hai mươi lăm mét dài, anh ta không nhận ..! Có gàn bướng chăng? Mỗi người có một quan niệm, một suy nghĩ riêng cho mình trong cuộc sống.
 
Đa số người miền Nam vào những thập niên 80 – 90, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, được thân nhân là những di dân bất hợp pháp ra các nước  giúp đỡ tài chính Điều này nói lên lòng tương thân tương trợ của  anh em, bà con gia đình bạn bè, chính nhờ vào tình tương thân tương trợ này mà những người tưởng chừng ngã gục nhưng cũng gượng đứng dậy được và tiếp tục cuộc hành trình cho đến khi điều kiện sống đi dần đến chỗ dễ dàng hơn.
 
Nhưng điều này cũng dẫn đến hai vấn đề, vấn đề thứ nhất là sự ỷ lại. Một số người ỷ lại vào tình thương của những người thân quen từ bên ngoài để kiếm chát chút đỉnh phục vụ cho nhu cầu của mình mà bản thân không cố gắng vươn lên hoặc tiện tặn hơn. Vấn đề thứ hai là sự coi thường. Một số người Việt từ hải ngoại khi  quan hệ với người thân, quen trong nước, thường có sự dè dặt, ngại ngùng vì có cảm tưởng ai quan hệ với mình cũng mong có một chút lợi nào đó.  Cả hai vấn đề này điều không tốt và cần được loại bỏ.
 
 
Trở lại gia đình vừa được đề cập trước đây, sự không nhận bất cứ đồng bạc nào từ anh em bạn bè ở Hải ngoại là một đức tính tốt không phải ai cũng có thể làm được trong cảnh nghèo, nhưng cũng khiến gia đình anh vô cùng cơ cực…Và cậu ta lại có một khuyết điểm, đó là thường không chịu lắng nghe người khác trình bày về một vấn đề gì, dù chỉ là để giải thích…Chỉ thích đưa ra suy nghĩ cá nhân mình …và cho đó là đúng. mọi giải thích đi ngược lại suy nghĩ của anh sẽ được anh tắt đài một cách không khoan nhượng.
 
 Bản tính trung thực, không tham lam tính toán của anh, anh được mọi người chung quanh nể nang, nhưng có lẽ không đồng cảm lắm. Sự bất cần của anh sẽ buộc mọi người đều phải bất cần ….!
 
Lương hưu trí của chị vợ chưa đến 500 ngàn, và 500 ngàn chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống đạm bạc, tiền anh làm ra chỉ bằng nửa chị vợ, vì đã bước qua tuổi 60. Một mức thu nhập quá khiêm nhường, hai vợ chồng có một nghề tay trái đó là làm những món ăn đặc biệt vào dịp tết theo công thức bí truyền của giòng họ, họ làm lạp xưởng, nem chua, giò chả … Nhờ vào thu nhập theo mùa Tết này bổ túc vào ngân quỷ thì mới đủ trang trải cho nhu cầu  sinh sống.
 
Bà mẹ vợ ấy khi  bước qua tuổi 80, qua một cơn đột quị và bình phục, bà thay đổi tính nết, bà không còn im lặng, mà thường kiếm chuyện với con rể của mình, những chuyện vô cớ. Bà như bị một chứng bệnh hoang tưởng kỳ lạ, thường sợ sệt những điều không đâu.  Không ai có thể hiểu được lý do tại sao. Có người cho rằng bà bị quý ám, có người cho rằng do bà chứng bịnh già làm bà lẫn lộn. Con cháu bà cho rằng bà kiếm chuyện ? Suy nghĩ mãi về cái việc kiếm chuyện này thật là khó tìm ra nguyên nhân. !
  
Theo con cháu kể, bà ấy nghĩ rằng việc chay tịnh của bà trong bao nhiêu năm sẽ biến bà thành tiên thành phật, bà sẽ có 72 phép thần thông biến hóa như tề thiên, Bà tin vào những chuyện hoang đường, bùa ngải một cách thái quá! Lúc xây nhà bà cứ nghi ngờ nhà mình sẽ bị ếm. Và chính những suy nghĩ đó của bà đã quầng thảo tư tưởng của bà. Các con bà không tin vào điều này, và bà đã cố gắng làm mọi cách cho họ tin, họ nghĩ rằng chính trong sự cố gắng này, bà đã bị lôi vào trong cơn huyển hoặc. Và cũng bắt đầu từ đó, nói cùng mọi người rằng ma quỉ sẽ vào nhà, bà lấy nước tiểu, rảy khắp mọi nơi, bà phun nước miếng tùm lum với mục đích làm ô úê để ma qủy tránh xa. Khi tư tưởng bị ám ảnh nó thường dẫn người ta đến những suy luận không giới hạn, bà nghĩ ra mình có thể bị hảm hiếp bởi ai không biết, và những người còn gái trong nhà có thể bị như vậy, bởi ai không biết. Sự gàn bướng không muốn nghe giải thích của bà làm cho tâm bệnh của bà càng ngày càng nặng, và bà tự bảo vệ mình bằng cách chẹn các khe hở của phòng , từ lổ hở của cửa số đến lổ hở của ổ khoá. Bà có cảm giác bị tấn công từ bên ngoài, bà khoá cửa nhà rất kỹ và nằm ngủ ngang cửa. Bà tin rằng sự lật lại một cái gì đó sẽ làm thay đổi tình thế khó chịu, thế là bà lật một băng ghế độ khoảng hai người ngồi chổng ngược lên để nằm mỗi tối. hoặc khoanh người trên một chiếc rương, một điều mà người bình thường không thể nào làm được trong giấc ngủ hàng ngày. Bà tiểu tiện ra quần, nhưng cho là không hôi vì bà đã dày công tu luyện, và bà không cho con cái thay quần áo cho mình. Bà rất tinh tế trong giao tiếp, và không quên điều gì xảy ra. Do đó họ cho là bà cố tình phản kháng chống đối, gây rắc rối cho họ. Để làm gì? Có lẽ chỉ có bà biết.
 
Tôi thường nghe nhiều người để cập đến vấn đề tu luyện. Ai cũng mong muốn mình tu luyện đến một cảnh giới nào đó mà tư tưởng có thể xuất thần . Có nhiều cách suy nghĩ trong việc tu luyện . Có người ăn chay bằng cách không ăn những thức ăn lấy từ thịt động vật. Có người chỉ ăn hoa quả, rau cải. Có người nhịn không ăn, chỉ uống nước hoặc sửa trong nhiều ngày… Và người thì ngồi thiền để mong hội nhập vào vũ trụ . Nếu tất cả những cố gắng chỉ nhằm đạt đến sự thanh thản tâm hồn thì không sao …nhưng nếu để đạt đến một phép thần thông nào đó, và con người luôn hoang tưởng đến cái mình sẽ thành. Sự hoang tưởng kéo dài đến một lúc mà người ta cảm nhận không được gì hết, sự đè nén trong việc ăn chay hảm mình đã làm cho một phần đời sống tâm sinh lý bị áp chế, và khi tưởng ra được sự hầu như thất bại, tâm thức bùng lên biến tướng thành nhiều hình thức cuồng trí. Tùy theo nguồn gốc của sự đè nén, và những ký ức liên tưởng , sự biến tướng sẽ theo chiều hướng nào.
 
Một ông khoảng 60 tuổi, con cái lo lắng cho đầy đủ, không phải thiếu thốn, thường đi lang thang ngoài đường, hớp không khí rồi dùng tay vẽ vào khoảng không như vẻ bùa, hoặc vẽ xuống đất, ông ta thường tự khoe là hấp tinh khí của cây để khoẻ, hớp năng lượng vũ trụ để sống , trong tiếp xúc với người chung quanh người đàn ông này rất bình thường lịch sự .
 
Một người đàn ông khác khoảng 40 tuổi, thân hình ốm yếu mỏng manh, với bộ quần áo liền thân như pilot cứ mỗi chiều bê một vòng kẽm gai khoảng 10 khoanh, đi lên đi xuống trong chặn đường 900 mét. Không ai biết anh ta nghĩ gì khi khiêng mấy khoanh kẽm gai đó, vì ích lợi gì trước mắt thì chúng ta không biết ….nhưng cứ nhìn thì hiểu anh ta rất khoẻ và đang cố công thực hiện công việc của mình.
 
Trong cái nhìn của tôi, người đàn bà ở tuổi gần đất xa trời kia đã nhớ lại những ngày trôi qua, bà đã sống cuộc đời khổ hạnh, và bà mong mỏi một điều gì đó nhưng không được, bà căng thẳng. Sự độc đoán của đứa con rể làm bà khó chịu, căng thẳng. Bà bất mãn ở ngưởng cửa sống chết, bà cảm giác được một điều là mình không thể mang theo một cái gì qua bên kia, mà ở đây mình đã không hưởng thụ cái gì, không thành công cái gì! Danh tiếng cũng không có, và bà muốn lật đổ tất cả những gì mà mình vun đấp để thoả mãn tâm lý.
 
Có mấy người bà con được mời đến nhà chơi, một bà khách lên tiếng hỏi: “chủ nhà đâu mất rồi..” ý hỏi con của bà, trong khi bà ngồi đó! Bà ấm ức, không trả lời, sau đó một người bà con bật bếp để nấu nước, vì nghĩ rằng bà đã lớn tuổi không dám làm phiền, bà đã đứng lên bật bếp và càm ràm, người ta còn sống sờ sờ đây, mà cứ làm như chết.
 
Nếu chịu khó suy nghĩ, thì theo bà cái nhà này bà phải là người làm chủ vì bà là mẹ, và việc hỏi chủ nhà đâu mất rồi (ý chỉ hai đứa con) là điều đánh vào mặc cảm của bà. Nếu như câu hỏi này là chính xác, thì suốt cuộc đời theo chăm sóc con, con rể, cháu, bà không có quyền gì cả, như một người ở đậu, đấy là suy nghĩ của riêng bà, nhưng nó là cái thực tế buộc bà suy nghĩ và  điều này cũng là một trong những nguyên nhân làm bà ức lòng sinh phản kháng.
 
Cậu con rễ luôn nghĩ mình là kẻ thắng thắng thật thà, luôn nói những điều thật lòng, và không ngại ngần gì khi phát biểu ý kiến cá nhân mà không sợ làm phiền ai . Nhưng chính trong cái thẳng thắng thật thà của anh ấy, đã có những điều thiếu tế nhị, và không tạo sự đồng cảm với mọi người chung quanh. Những người chung quanh anh ấy không tìm được sự đồng cảm, bất mãn, bực bội, ấm ức, nhưng vì anh là người tốt nên họ bỏ qua, và cuối cùng thì nhà ai nấy ở nên cũng chẳng có vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng những người sống cạnh anh ta thì phải chịu đựng, nín nhịn,  bất mãn, bực bội, ấm ức qua nhiều năm tháng, kết quả là con cái ít gần gủi, và bà mẹ vợ thì lúc nào cũng có thể nỗi cơn, và người vợ, thì lúc nào cũng phải im lặng nghe theo ý kiến của anh. Việc gì sẽ xảy ra … còn tùy tình thương và sự chịu đựng của vợ anh đến đâu. ..
 
Sự im lặng để duy trì ôn hòa trong gia đình, trong một tập thể là điều cần phải có, nhưng nếu sự im lặng được đòi hỏi ở một phía và kéo dài quá mức độ chịu đựng của người phải im lặng  và đến lúc sức khoẻ không còn, lý trí  không áp chế được tâm lý, nó nảy sinh ra một hình thái tấn công trả đủa để giải quyết những ấm ức bị dồn nén lâu ngày.
 
Hãy biết lắng nghe nhau và đứng về phía mà người khác đang đứng để hiểu họ hơn.
 
Huyền Băng,
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9