Truyện ngắn: Hương Rừng Về Xuôi
hương thảo 16.05.2007 21:53:23 (permalink)
Cái tin ngày mai có đoàn sinh viên Đại học Y dược Tp.HCM về giao lưu, khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo làm nao nức cả buôn làng chúng tôi. Chả là dân làng ở đây quanh năm cùng nhau lên rừng lên rẫy với cây chè, cây bắp, những khuôn mặt đối diện nhau hàng ngày cũng trở nên quen thuộc. Thế nên mỗi lần nghe có đoàn khách sắp về là cả buôn làng lại nhộn nhịp hẳn lên vì niềm vui sắp chào đón những khuôn mặt mới với những món quà và câu chuyện được tải lên từ miền xuôi.
Đội văn công của chúng tôi có trên ba chục người cả trai lẫn gái. Các bạn trai chúng tôi có nước da rám nâu bóng láng, các bắp tay chân cuồn cuộn như vẻ đẹp hừng hực của núi non đại ngàn. Sức vóc lực lưỡng của các chàng như "con trâu, con bò"_theo lời các già thường nói. Con gái chúng tôi thì lại khác: con gái Lạch chúng tôi sống dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ bây giờ sửa soạn không kém gì con gái người Kinh. Cũng tóc duỗi tóc uốn, cũng quần Jeans áo pull vì cuộc sống ở các buôn làng bây giờ đã đổi mới theo xu hướng công nghiệp-hoá hiện đại hoá của đất nước. Sáng nay bọn con gái trong đội í ới hẹn nhau đi "làm điệu" để chuẩn bị cho đêm diễn tối mai với đoàn sinh viên. Tôi thì không tháp tùng bọn nó. Tôi vốn yêu quý cái vẻ đẹp tự nhiên mà giàng đã ban cho tôi. Tôi chạy một mạch về nhà, đứng trước gương xoay qua xoay lại xăm soi. Như lời mẹ nói: 16 tuổi, đôi mắt tôi đen thăm thẳm và lấp lánh như sao trời đêm, đôi má ửng hồng như mặt trời buổi rạng đông và mái tóc dài mượt suôn êm ả như dòng suối trên nương. Tôi hoàn toàn tự tin với vẽ đẹp hoang dã của mình.
Đêm hội giao lưu diễn ra trong mong đợi của buôn làng. Theo nghi thức, già làng là người khơi bùng ngọn lửa trại. Lửa sáng bừng lên, hơi ấm lan toả đến tất cả mọi người. Ánh sáng và hơi ấm của ngọn lửa đã khơi nguồn cho khí thế của đêm hội, xua tan cái giá rét và u tịch quen thuộc của đêm rừng cao nguyên. Nhạc điệu và tiếng cồng chiêng nỗi lên, chúng tôi trong sắc phục dân tộc xen kẽ với các anh chị sinh viên nắm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa theo vũ điệu của buôn làng. Khai vị mà chúng tôi đãi khách là rượu cần và thịt rừng nướng xiên. Mọi người vừa thưởng thức văn nghệ vừa ăn uống vui say. Đến lượt tôi đơn ca, tôi ca bằng hết tâm lực của mình. Tôi nghe rõ tiếng hát tôi vút cao, vang vọng giữa bốn bề rừng núi. Thân mình tôi uyển chuyễn lắc lư theo vũ điệu. Và... tôi biết rõ có một ánh mắt đang theo dõi từng bước nhảy, từng động tác của tôi say sưa, đăm đắm. Hắn là tên mắt kiếng khi nãy đứng cạnh tôi. Đến màn chia cặp để chơi trò chơi, chẳng biết sao, hắn lại bắt cặp với tôi. Luật chơi của làng là cặp nào chơi thắng đến vòng cuối cùng thì sẽ phải "cưới" nhau, mà là con gái phải đi cưới con trai. Dù sao thì đó chỉ là một màn "cưới" giả của đêm hội như bao đêm hội khác nên tôi cũng chẳng để tâm làm gì. Hát hết hơi, chơi hết mình, nên cuối cùng cặp của tôi chiến thắng. Bây giờ tôi mới ngợ ra một sự thật "đau lòng" là... tôi phải đi cưới hắn. Tôi phải hôn hắn trước cái nhìn ngưỡng mộ của mấy con bạn. Đến lượt hắn hôn tôi, thấy mặt hắn đỏ gay mà tôi cũng ngượng. Hừm... rồi tôi phải cõng hắn 9 vòng quanh đống lửa để "rước" hắn từ dưới xuôi về ở rễ theo nghi thức của buôn làng. Cũng may là hắn nhẹ cân (chắc do học nhiều, vất vả) nên tôi chỉ thấy hơi mệt.

Tôi ngồi bệt xuống đất thở dốc. Khách (hắn) ngồi cạnh nở nụ cười hỏi nhỏ tôi:
- Em hát hay mà nhảy cũng hay. Em tên gì và đang học gì?
- Cảm ơn anh! Em tên Bơ Lang, đang học lớp 10.
- Bơ Lang? Hình như là tên của một loài hoa?_ khách đăm chiêu.
- Tại hồi còn con gái, mẹ em thích nhất hoa Bơ Lang, nên đặt em tên là Bơ Lang.
- À...à!_ khách gật gù.
- Anh tên là Sĩ.
- ...Nên sau này anh là bác sĩ_ tôi buột miệng tiếp lời.
Câu nói của tôi ngô nghê làm khách ngạc nhiên đến bật cười.
- Sao em lại nghĩ vậy?
- Ơ... em đùa thôi.
Đến giờ tôi mới nhận ra câu nói của mình ngây ngô đến chừng nào. Tôi thật thấy xấu hổ. Ước chi lúc này mặt đất có thể nứt ra cho tôi chui xuống trốn tạm thì hay biết mấy.
Khách hỏi khi thấy tôi tư lự:
- Sau này em thích làm gì?
- Em... thích làm cô giáo.
- Vì sao?
- Ở buôn làng em, trẻ con nhà nghèo thường theo cha mẹ làm nương, làm rẫy, mười mấy tuổi đầu cũng chẵng biết đọc biết viết. Mà không có cái chữ thì tội lắm. Người ở buôn khác người ta cười mình "dốt". Rồi nghèo khổ cứ triền miên đeo đẳng đến khi nào mới thoát đây? Thế nên em muốn đem cái chữ về cho buôn làng.
- Sao em hiểu nhiều thế?_ Sĩ thắc mắc.
- Ờ... tại hồi em đi học trên xã, mấy chú cán bộ đã dạy thế.
- À!_ Sĩ lại gật gù.
Tới phiên tôi hỏi Sĩ:
- Còn anh, vì sao anh chọn nghề y?
- Vì nghề này có thể cứu người.
- Ở dưới xuôi có nhiều bác sĩ lắm phải không anh?
- Ừ! Vì vậy, sau này ra trường, anh sẽ lên những vùng như cao nguyên này để làm việc. Anh nghĩ bà con dân tộc còn bệnh tật nhiều do khí hậu, và cơ cực. Anh nghĩ, một đất nước muốn tiến lên phải là một đất nước khoẻ mạnh, cho dù là người thành thị hay bất cứ đồng bào dân tộc nào.
Không biết do ánh lửa trước mặt, hay do bầu nhiệt huyết rừng rực của Sĩ, mà tôi thấy mắt anh ánh lên một thứ ánh sáng kì lạ. Ánh sáng soi bước cho tuổi trẻ của tôi và anh. Ánh lửa làm nóng con tim tôi, con tim bắt đầu biết rung động của một cô gái trẻ. Sĩ không hẹn ngày trở lại. Nhưng thâm tâm tôi vẫn mong sau này anh sẽ trở lại đây công tác. Đêm đã về khuya. Trăng lên cao. Chia tay với nụ cười trên môi, Sĩ không nghĩ sẽ gặp lại tôi vì sáng mai đoàn anh phải lên đường về sớm.
Sáng sớm hôm sau, khi ông mặt trời còn đang dụi mắt sau dãy núi, tôi chạy băng băng từ nhà ra đến đầu con lộ. Gai rừng quào xước chân tôi chảy máu khi tôi dậm phải chúng. Cũng may vừa kịp lúc Sĩ đang lừng khừng trước cửa xe ngoái cổ nhìn về buôn. Anh trố mắt khi thấy bóng tôi lao tới. Trao cho anh giò Lan rừng còn đẫm ướt sương đêm mà tôi phải bậm chặt môi vì vết đau ở chân. Sĩ trao cho tôi chai dầu xức vết thương rồi leo vội lên cho kịp chuyến xe sau khi để lại câu nói:
- Một ngày gần đây, anh sẽ quay trở lại!
Chiếc xe xa dần và khuất hẳn trên con đường dài tít tắp, để lại sau lưng một làn khói mong manh.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9