Trẻ Em
HongYen 30.05.2007 07:53:48 (permalink)
Trẻ em và thiên nhiên
23/05/2007
 
 
Trẻ em ở Mỹ, và có lẽ ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhất là các em sống ở thành thị, đang ngày càng dành nhiều thời giờ rảnh để ở lỳ trong nhà xem truyền hình, chơi video game và chat với bạn trên mạng. Sự kiện này gây lo ngại cho nhiều chuyên gia về sự phát triển của trẻ em. Họ muốn khuyến khích các em phải ra ngoài trời chạy bộ, leo trèo, đạp xe và xem chim chóc, hoa cỏ. Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay sẽ gửi đến quí thính giả bài viết của Faiza Elmasry về khuyến nghị của những chuyên gia muốn trẻ em chấm dứt tình trạng xa rời thiên nhiên, và những điều họ cho là những hệ quả không tốt đối với sự phát triển của các em.
 
Cầu thủ bóng đá đoạt huy chương vàng thế vận hội Abby Wambach khi còn nhỏ luôn luôn chơi đùa ngoài trời.
Anh Wambach nói: "Tôi sinh trưởng trong một gia đình đông con, tôi có 6 anh chị. Tất cả những gì tôi làm thời còn nhỏ là chạy chơi ngoài trời. Bố mẹ tôi cũng góp phần vào chuyện này. Bố mẹ tôi bảo tôi phải chạy chơi ở ngoài cho đến khi nào ăn tối mới vào nhà. vì vậy mà hầu như suốt ngày tôi ở ngoài trời."
Cho dù chạy chơi ngoài trời không giúp cho việc đoạt huy cương vàng thế vận chăng nữa, theo ông Darell Hammond, sáng lập viên của Hiệp Hội Kaboom, 1 tổ chức bất vụ lợi chuyên vận động để xây sân chơi trong các khu xóm nhắm phục vụ cho các trẻ em tại Hoa Kỳ, thì việc chạy chơi ngoài trời rất quan trọng cho việc phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Ông Hammond nói: "Chạy chơi ngoài trời giúp cho cơ thể tiết ra các kích thích tố endorphin, giúp cho con người hăng hái, phấn chấn, kích thích các giác quan."
Ông Hammond giải thích thêm về lợi ích của những hoạt động ngoài trời:
 
"Khi dạo chơi trong rừng ngừời ta sẽ phải lên dốc, xuống đồi chứ không bước trên mặt đất bằng ở một địa thế khác hẳn và nó giúp gia tăng nhịp tim. Khi trẻ con chạy chơi ngoài trời thì chúng sẽ hăng hái lắm."
Khi trẻ con chạy nhảy ngoài trời, cho dù trong một công viên đầy cây cối hay ở trên sân chơi, ông Hammond cho biết các em thường nghĩ ra những sáng kiến và tự bày ra những trò chơi cho các em và có phần chắc là các em thích chơi chung với nhau. Nhưng ông cho biết điều không may là ngày nay trẻ nhỏ không thường hay chơi ở ngoài trời như thế hệ trẻ con cách nay 3 thập niên vì những thay đổi trong xã hội.
Ông Hammond nói tiếp: "Bố mẹ các em bận rộn hơn, và trẻ em thì phải đi học đủ mọi thứ chuyện."
Trẻ em Mỹ ngày nay phải dành nhiều thời giờ cho các hoạt động khác sau khi tan học để tham gia những hoạt động đã được ấn định sẵn, như chơi thể thao trong các đội banh, theo các lớp học nhạc hoặc hoặc vẽ v..v..Còn trong mùa nghỉ hè thì các em thường bận rộn trong các trại hè. Ông Richard Louv, nhà văn luôn luôn cổ võ cho các hoạt động ngoài trời, nói rằng khi trẻ em được thời giờ rảnh rỗi thì các em thường ở trong nhà vì có thể là không có một công viên gần nhà hoặc có khi lại không có ngay cả lối dành riêng cho người đi bộ trên vỉa hè.
Ông Louv nói: "Mà ngay cả khi có một lối đi trên vỉa hè chăng nữa thì xe cộ ngày càng đông. Mối lo tai nạn xe cộ cũng có lý do chính đáng. Tuy nhiên mối sợ hãi người lạ dụ dỗ trẻ em ngày càng gia tăng. Hiện tượng này đã gia tăng mạnh trong vài thập niên trở lại đây, không những chỉ ở Mỹ mà còn ở Canada và nhiều quốc gia khác."
Trong cuốn sách nhan đề “Đứa Bé Cuối Cùng Chơi Trong Rừng “, tác giả Louv viết rằng việc trẻ em xa rời thiên nhiên gây ra điều mà ông gọi là chứng rối loạn tâm lý vì thiếu vắng thiên nhiên.
Ông Louv nói: "Trong cuốn sách tôi rất thận trọng không gợi ý rằng chứng rối loạn tâm lý vì thiếu vắng thiên nhiên là một chẩn đoán y khoa đã được biết tới. Có lẽ cũng nên được biết tới mới phải, nhưng thực sự là y học không hoặc chưa biết. Nó chỉ là một chẩn đoán có tính cách xã hội. Chính xã hội đã cản trở trẻ nhỏ không ra chạy chơi được ở ngoài trời, trong thiên nhiên."
Ông Louv cho hay chạy chơi ở ngoài trời là giải pháp giảm chứng mập phì của trẻ em cũng như nhiều chứng rối loạn khác của tuổi thơ:
"Lấy ví dụ, các cuộc nghiên cứu được thực hiện tại đại học Illinois cho thấy trẻ em với những triệu chứng Thiếu Khả Năng Tập Trung Chú ý cần chạy chơi trong thiên nhiên sẽ khá hơn nhiều, ngay cả với những trẻ nhỏ mới 5 tuổi."
Theo ý kiến của nhạc sỹ Chuck Leavell, tác giả cuốn sách nhi đồng tựa đề ” Chủ Vườn Cây”, thì những kinh nghiệm với thiên nhiên của trẻ thơ bằng cách để cho các em chạy chơi ngoài trời cũng là môi trường tốt nhất để dào tạo các nhà bảo vệ môi sinh tương lai.
Ông Leavell nói: "Nếu quí vị hỏi con trẻ là cây Tây Ban Cầm ở đâu ra thì các em sẽ trả lời là ở ngoài tiệm đàn., nhưng thực tế thì cây đàn từ gỗ mà ra. Vì vậy chúng ta muốn những đầu óc trẻ thơ hãy nghĩ đến thiên nhiên, hiểu xem làm sao mà những yếu tố sinh học này kết hợp với nhau, giả dụ như từ cái hạt giống đem trồng thành cây, cây mọc lên tươi tốt nở hoa, kết trái v..v.."
Để cho trẻ có thể chạy chơi được ở ngoài trời, trở lại với thiên nhiên, ông Richard Louv cổ vũ cho một lối tiếp cận rộng rãi:
"Ông bà, chú bác, cậu mợ, cô dì và những người lớn khác cần phải đem trẻ nhỏ ra chơi ở ngoài trời. Điều thứ nhì cần phải làm là những cơ sở, các tổ chức tập cho trẻ tiếp xúc với đời sống thiên nhiên cần giúp cha mẹ các em làm việc đó, như các tổ chức hướng đạo, trường học có những lớp học ngoài trời và các trung tâm giảng dạy về thiên nhiên. Chúng ta cần phải hỗ trợ cho những cơ sở, tổ chức đó về cả tinh thần lẫn tài chính. Ít nhất cũng có một phong trào diễn ra trên toàn nước Mỹ. Chúng ta thấy những khu vực thị tứ, ít nhất là 27 khu vực, đã đưa ra những chiến dịch và các phong trào. Một số những chiến dịch và phong trào này có tên là “Không Để Cho Trẻ Ngồi Trong Nhà”."
Ông Louv nói rằng các nhà phát triển đô thị cần phải tham gia vào đường lối tiếp cận bao quát này. Cần phải khuyến khích các nhà thầu xây cất các khu gia cư thiết lập các những sân chơi để sao cho trẻ em có thể tự do và an toàn chạy nhảy nô đùa ngoài trời.
 

http://www.voanews.com/vietnamese/2007-05-23-voa18.cfm
#1
    HongYen 16.07.2007 17:34:58 (permalink)
    Thứ Năm, 12/07/2007, 16:39 (GMT+7)

    Trẻ bị lắc - hội chứng nguy hiểm
     






    Trẻ vui chơi. Ảnh: T.DƯƠNGNhững cử chỉ âu yếm tung đỡ con trẻ đã vô tình làm bé bị chảy máu não, lâu ngày tiêu hủy thành dịch tồn tại ở dạng nang gây chèn ép, làm ảnh hưởng đến chức năng não, thậm chí vôi hóa gây ra các triệu chứng của động kinh.
     
    Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội vừa tiếp nhận một cháu bé 3 tuổi với những dấu hiệu thần kinh như: co giật, hoảng loạn, chân tay yếu. Sau khi chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ phát hiện có hình ảnh xuất huyết não. Theo các bác sĩ, hiện tượng này có thể do những tác động của việc chơi đùa, tung đỡ trẻ nhiều lần. Khi nhập viện, dù đã được phẫu thuật, bệnh nhi vẫn phải gánh chịu những di chứng tàn phế não suốt đời.
     
    Có thể gây tử vong đột ngột
     
    Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, đa số hội chứng rung lắc gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, trong đó, tỉ lệ mắc hội chứng lắc xảy ra cao nhất ở trẻ nhũ nhi (0- 6 tháng tuổi).
     
    Ở trẻ sơ sinh, đầu có trọng lượng và thể tích khá lớn so với cơ thể, khối cơ của cổ lại quá yếu không đủ sức nâng đỡ đầu, nên khi bị rung lắc sẽ có khuynh hướng gập tới gập lui hay xoay qua xoay lại một cách không kiểm soát được.
     
    Hậu quả có thể còn nặng nề hơn nếu đầu trẻ va chạm mạnh vào một bề mặt nào đó như tường, sàn nhà hay giường. Khi đó, trẻ bị dừng lại đột ngột bởi một va chạm mạnh, hậu quả là não sẽ bị xoắn vặn trong hộp sọ dẫn đến tình trạng các mạch máu và thần kinh của não bị vỡ, các mô não bị xé ra gây xuất huyết não, phù não, tăng áp lực nội sọ.
     
    Thận trọng khi cho trẻ chơi những trò xoay chuyển mạnh
     
    Bác sĩ Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho biết chảy máu não là tổn thương hay gặp nhất, có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong hộp sọ. Khoảng 1/3 trường hợp máu chảy với số lượng nhiều gây phù não và thiếu ôxy não, gây tăng áp lực nội sọ, gây chèn ép các trung tâm thần kinh, biểu hiện lâm sàng thường rất nặng với diễn biến cấp tính, trẻ có các triệu chứng như kích thích, nôn, co giật, li bì hoặc hôn mê, yếu hoặc liệt chi, rối loạn nhịp thở, thóp phồng, đầu to, đồng tử dãn, thậm chí gây tử vong đột ngột.
     
    Khoảng 2/3 trường hợp máu chảy với số lượng ít, hoặc chảy từ từ nên não trẻ có thời gian thích nghi, trẻ không có triệu chứng lâm sàng hoặc biểu hiện mơ hồ với một vài triệu chứng không đặc hiệu như ăn kém, chậm phát triển cân nặng, chậm phát triển tâm thần và vận động, mất khả năng học và nói, liệt, thị lực giảm hoặc mất, động kinh...
     
    Khó chẩn đoán bệnh
     
    Phát hiện tổn thương não do hội chứng lắc gây ra là rất khó, bởi phần lớn những chấn thương của bệnh nhân thường không rõ ràng. Bác sĩ Lê Thanh Hải khuyến cáo, tuyệt đối không được đung đưa mạnh đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 0 - 6 tháng. Bởi những tổn thương không chỉ xảy ra trong thời điểm hiện tại mà có thể ảnh hưởng về lâu dài.
     
    Các bậc cha mẹ cũng không nên có những động tác làm thay đổi tư thế trẻ nhanh và đột ngột như: trẻ đang nằm được bế thốc dậy, nhấc bổng trẻ lên cao, xốc nách nhấc trẻ lên cao rồi hạ xuống. Đặc biệt, khi trẻ quấy khóc hoặc làm một việc gì đó không vừa lòng, người lớn không nên tát, đánh vào đầu, hoặc có những hành động bạo hành khác.
     





     33% trẻ bị tổn thương do hội chứng lắc
    Hiện tượng lắc thường xảy ra khi người lớn chơi đùa hoặc cáu giận với trẻ. Ngoài ra, các bậc cha mẹ hay để trẻ nhỏ ở tư thế đứng khi đi xe đường xóc, khiến trẻ gập tới gập lui cũng gây ra hội chứng lắc. Các ông bố có khuynh hướng hay biểu hiện sự thương yêu con mình, nhất là với con trai bằng cách lắc lắc chúng hoặc tung lên rồi bắt lấy, xoay trẻ trên không trung hay thường để trẻ lên chân rồi lắc.
    Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong số trẻ bị chấn thương sọ não, khoảng 33% trẻ bị tổn thương do hội chứng lắc, trong đó có tới 8% trẻ bị tử vong, số còn lại bị ảnh hưởng di chứng thần kinh nặng nề trong suốt cuộc đời.
     

     
    Theo L.Thanh- N.Du- Báo Người lao động
     
    http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=210043&ChannelID=12
    #2
      HongYen 23.01.2008 11:45:57 (permalink)




      Suy dinh dưỡng làm tăng tử vong ở trẻ
      17 Tháng 1 2008 - Cập nhật 14h38 GMT
       










      Suy dinh dưỡng thường đi đôi với nghèo đói
      Hơn một phần ba các ca tử vong trong trẻ em trên thế giới là do suy dinh dưỡng.
      Đó là kết luận của một nghiên cứu về liên hệ giữa ảnh hưởng của tình trạng thiếu lương thực lên các bà mẹ và trẻ em vừa đăng trên tạp chí y khoa Anh the Lancet.
       
      Hơn 80% các ca tử vong xảy ra tại khoảng 20 quốc gia.
       
      Tuy nhiên, các khoa học gia cho hay chỉ cần thay đổi một số thói quen như tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ là có thể giảm con số này.
       
      Các khoa học gia thực hiện nghiên cứu cho biết suy dinh dưỡng là một khía cạnh của y tế thường xuyên bị xem thường tuy nó dẫn đến nhiều hậu quả như còi xương, suy yếu trầm trọng và thậm chí là tử vong trong hơn ba triệu rưởi trẻ em mỗi năm.
       
      Thiếu ăn
      Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu các khoáng chất và vitamin quan trọng, thường do thiếu ăn gây ra.
       
      Các tác giả nói trên toàn cầu, suy dinh dưỡng chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ em tại 20 quốc gia, đa phần ở châu Phi và Nam Á, cùng Bắc Hàn và Indonesia.
       
      Bằng cách thay đổi một số thói quen đơn giản như phể biến việc nuôi con bằng sữa mẹ và tăng cung cấp các vitamin và khoáng chất, các khoa học gia dự đoán con số trẻ tử vong có thể giảm tới 25%.
       
      Các nhà nghiên cứu cũng cho hay một nửa số quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất thực tế có các chương trình bữa ăn trong trường học, nhưng không thể cứu vãn được tác hại do việc đói ăn gây ra trong hai năm đầu tiên trong đời trẻ, trước khi chúng đi học.
       
      Một trong các quan ngại to lớn nhất về suy dinh dưỡng là tác hại lâu dài của nó.
       








      Trẻ em châu Phi và Nam Á chịu tác động nhiều vì suy dinh dưỡng
      Tiến sỹ Zulfiqar Bhutta từ trường đại học mang tên Aga Khan ở Pakistan là một trong các tác giả nghiên cứu đăng trên Lancet, nói rằng: "Bị còi xương khi còn nhỏ sẽ dẫn đến giảm chiều cao lúc lớn và người thấp lùn thường có thu nhập kém hơn người có chiều cao bình thường.
      "Do vậy tại các nước đang phát triển, tình trạng suy dinh dưỡng cũng đi song song với hạn chế thu nhập và thu nhập kém sẽ gây ra thiếu dinh dưỡng. Đây là một vòng lẩn quẩn".
       
      Công trình nghiên cứu cũng chỉ trích rằng phản ứng của quốc tế trước tình trạng suy dinh dưỡng trong bà mẹ và trẻ em hiện thời còn quá yếu ớt và không đồng bộ.
       
      Các tác giả chỉ ra rằng đa số các vấn đề có thể được giải quyết chỉ với việc tăng thêm trợ cấp hai đôla mỗi năm cho mỗi đầu trẻ.
       
      http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2008/01/080117_world_malnutrition.shtml

       
       
      #3
        Như Ý P 21.06.2008 11:27:42 (permalink)
        Thứ sáu, 20/6/2008, 09:34 GMT+7
        Núm vú giả dễ gây viêm tai giữa
         






        Ảnh: BBC.
        Các bậc cha mẹ nên tránh cho trẻ nhỏ ngậm núm vú giả, vì nó có xu hướng gây nhiễm trùng tai, một nghiên cứu vừa khuyến cáo.
        Trong một nghiên cứu 5 năm trên khoảng 500 trẻ dưới 4 tuổi, người Hà Lan, các nhà nghiên cứu tìm thấy nguy cơ bị viêm tai tái diễn tăng gấp đôi ở nhóm trẻ ngậm núm vú giả.
        Viêm tai giữa cấp tính là bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Khi trẻ mắc bệnh này, thuốc kháng sinh thường không có tác dụng, và nhiễm trùng có xu hướng tự khỏi sau vài ngày, nhưng một số trẻ sẽ bị tái đi tái lại.
        Theo nhóm nghiên cứu từ Trung tâm y khoa, Đại học Utrecht, kết quả này chứng tỏ việc nhiễm trùng lần đầu tiên có thể làm tăng nguy cơ tái diễn trong tương lai. Và việc sử dụng núm vú giả có thể cho phép vi khuẩn dễ dàng xâm nhập từ chất tiết trong mũi vào tai giữa.
        Các tác giả cho biết một vài công trình trước kia đã tìm thấy mối liên quan giữa việc sử dụng núm vú giả và viêm tai, nhưng chúng không hoàn toàn chính xác.
        T. An (theo BBC)
         
        http://www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2008/06/3BA03924/
        #4
          Như Ý P 15.07.2008 11:06:20 (permalink)
          Thứ bảy, 12/7/2008, 10:29 GMT+7
          Chữa táo bón cho trẻ
           







          Ảnh: Corbis.com.
           

          Mẹ nên tập cho bé ăn nhiều rau xanh và quả chín từ khi còn nhỏ và khuyến khích con chạy nhảy, nô đùa... Đây là những cách đơn giản nhất để giúp bé khắc phục táo bón.
          Táo bón là khi trẻ đi ngoài phân rắn và khô hoặc khoảng cách 2 lần đại tiện quá xa nhau, thường là trên 3 ngày.
          Trẻ bị táo bón thường có các biểu hiện sau:
          - Sờ nắn bụng thấy những cục phân rắn.
          - Trẻ biếng ăn, ăn không tiêu.
          - Bụng chướng, đầy hơi, đau bụng.
           
          Lý do bé bị táo bón
          - Táo bón do nguyên nhân ăn uống: Ăn chưa đủ số lượng, pha sữa không đúng tỷ lệ cho trẻ ăn, mẹ bị táo bón cho con bú, bé ăn ít chất xơ, không chịu ăn rau quả, chỉ ăn nước không ăn cái rau, quả, uống ít nước.
          - Táo bón do yếu tố tâm lý: Thường hay gặp ở trẻ mẫu giáo. Do bé ngại xin phép cô giáo hoặc sợ bẩn không muốn đi đại tiện, sau vài lần làm cho đại tràng dãn to vì vậy phân phải tích nhiều ngày mới đủ kích thích đại tràng gây phản xạ đi ngoài. Trẻ thường đi ngoài phân khuôn to như người lớn, phân cứng và khô.
          - Táo bón do dùng thuốc: Hay gặp khi trẻ bị ốm phải dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc ho có codein, viên sắt...
          - Bệnh toàn thân: Trẻ còi xương (do trương lực cơ giảm làm cho nhu động ruột kém, phân phải lưu chuyển lâu trong lòng ruột), trẻ suy dinh dưỡng do biếng ăn nên thường ăn ít dẫn đến tình trạng "đói" phân, mấy ngày trẻ mới đi ngoài một lần. Các bé bị thiếu máu thường phải uống vi sắt cũng là nguyên nhân gây táo bón.
          - Bệnh ngoại khoa, tiêu hóa: Dị tật bẩm sinh như phình to đại tràng, hẹp ruột, hẹp hậu môn, nứt kẽ hậu môn.
           
          Cách giúp con khỏi táo bón
          Tùy theo từng nguyên nhân mà bạn tìm cách điều trị nhưng điều chỉnh lại chế độ ăn vẫn là quan trọng nhất:
          - Uống nhiều nước: trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn không cần uống nước nhưng nếu bé bị táo bón thì vẫn cho uống 100 - 200 ml nước/ngày. Trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 - 12 tháng uống 200 - 300 ml nước/ngày. Trẻ 1 - 3 tuổi uống 500 - 600 ml nước/ngày. Trẻ 3 - 5 tuổi uống 1000 ml nước/ngày. Trẻ lớn hơn 10 tuổi uống bằng người lớn: 1500 - 2000 ml nước/ngày.
          - Ăn nhiều rau xanh và quả chín: Chọn các loại rau quả có tính chất nhận tràng: rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi. Nên tập cho trẻ thói quen ăn nhiều rau, quả chín từ nhỏ.
          - Chọn loại sữa không gây táo bón: Có bổ sung thêm chất xơ, pha sữa với nước cháo loãng hoặc nước bột khoai lang nghiền (đối với trẻ nuôi sữa ngoài).
          - Trẻ lớn: Không nên ăn các loại hoa quả có vị chát: Ổi, hồng xiêm, bánh kẹo, nước uống có gas, cà phê...
          - Điều trị táo bón cho mẹ: nếu mẹ bị táo bón khi nuôi con bú phải điều trị kịp thời, cách tốt nhất là điều chỉnh chế độ ăn uống của mẹ.
           
          Luyện tập:
          - Tăng cường vận động cơ thành bụng và cơ tròn hậu môn: Chạy nhảy nô đùa, tập thể dục, thể thao (trẻ lớn).
          - Xoa bụng cho trẻ: Theo khung đại tràng từ phải qua trái ngày 3 - 4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn (trẻ dưới 1 tuổi).
          - Vệ sinh đại tiện: Tập cho trẻ đại tiện đúng giờ quy định, trẻ nhỏ thì xi ị hoặc cho trẻ ngồi bô vào một giờ nhất định trong ngày.
          - Điều trị các bệnh: Còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu nếu có.
          - Dùng thuốc: Thuốc nhuận tràng, men tiêu hóa vi sinh, vitamin C theo đơn của thầy thuốc.
          - Thụt tháo: Là biện pháp cuối cùng nếu trên 3 ngày sau khi đã dùng mọi cách trên mà bé vẫn không đi ngoài được. Bạn có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước ấm pha mật ong tỷ lệ 5%. Đối với trẻ nhỏ hơn 1 tuổi mỗi lần thụt 100 ml, trẻ lớn hơn 1 tuổi thụt 200 ml. (Có thể dùng thuốc thụt hậu môn mỗi lần thụt 1 ống).
          (Theo Mẹ & Bé)
           
          http://www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2008/07/3BA04622/
          #5
            Như Ý P 15.07.2008 14:14:57 (permalink)
            Thứ hai, 14/7/2008, 11:51 GMT+7
            Hại con vì cho trẻ uống thuốc theo cảm tính
             
            Sốt nhẹ kèm nôn ói liên tục, bé Thiện 3 tuổi, ở quận 8, TP HCM được mẹ cho uống thuốc chống nôn. Nhưng thay vì uống 1/6 viên một lần thì mẹ cháu lại cho uống đến 1/4 viên khiến mắt bé trợn ngược, khó thở.
             






            Chia thuốc đúng liều giúp trẻ tránh bị ngộ độc. Ảnh: Hoàng Hà.
            Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị ngộ độc thuốc chống nôn có chất Metoclopramide.
             
            Ngay lập tức cháu được điều trị bằng thuốc an thần chống gồng ưỡn. Sau 12 giờ điều trị, bệnh nhi mới có dấu hiệu bình phục.
             
            Người nhà cho biết do thấy cháu nôn nhiều nên đã tự ý đến hiệu dược phẩm mua thuốc chống nôn cho bé uống. Do viên thuốc quá nhỏ khó chia làm 6 phần (theo hướng dẫn của dược sĩ bán thuốc) nên mẹ cháu bé đã ước chừng bằng cảm tính khoảng 1/4 viên. Hậu quả, sau khi uống được 2 liều, bệnh nhi có biểu hiện lừ đừ, tiếp xúc kém, mắt nhìn lên rồi ưỡn mình, ưỡn cổ.
             
            Cách đây không lâu, cháu Nguyễn Văn Hải, 2 tuổi, ngụ tại Bình Chánh cũng phải nhập viện vấp cứu vì ngộ độc thuốc giảm sốt do uống quá liều. Chị Thu, mẹ cháu bé cho biết, do thấy Hải không bớt nóng sau khi uống thuốc nên chị đã tự ý tăng liều.
             
            Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, mỗi năm có đến 300 trường hợp tương tự. Trong đó, nhiều trẻ phải cấp cứu tích cực trong tình trạng thập tử nhất sinh vì sốc thuốc.
            Theo các bác sĩ chuyên khoa, lạm dụng thuốc, tự ý dùng thuốc có thể khiến trẻ tử vong vì ngộ độc. Ngoài ra trẻ còn dễ bị lờn thuốc gây khó điều trị nếu mắc bệnh ở những lần sau.
             
            Một khảo sát gần đây của bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cho thấy, có đến gần 30% bà mẹ không cần kiểm tra loại, liều thuốc trước khi cho trẻ uống. 20% phụ huynh không biết rằng thuốc có thể gây hại cho trẻ. Ngoài ra, có gần 40% trường hợp đã tự ý bỏ hay tăng liều thuốc; lấy thuốc của trẻ này cho bé khác uống; sử dụng lại toa cũ; thậm chí có phụ huynh còn cho trẻ uống thuốc của người lớn.
             
            "Việc tự khai bệnh không phải khi nào cũng chính xác, cho nên trẻ rất có thể bị uống nhầm thuốc hoặc uống phải các loại thuốc mà bản thân trẻ bị dị ứng", một bác sĩ cho biết.
             







            Bé Thiện vừa may mắn được cứu sống sau khi bị mẹ cho uống thuốc quá liều. Ảnh: nhidong.org.
             

            Nguyên nhân của sự hiểu biết về thuốc chưa đầy đủ từ phụ huynh, theo các bác sĩ, là do thói quen đi mua thuốc cho trẻ uống theo kinh nghiệm của mình khi bị bệnh hoặc nghe theo lời người xung quanh. Một nguyên nhân thường thấy khác là do các bệnh hô hấp, tiêu hóa, cảm sốt ở trẻ thường không quá nặng để nhập viện nên phụ huynh dễ chọn cách tự khai bệnh, tự mua thuốc điều trị tại nhà.
             
            Để tránh những tai nạn đáng tiếc, khi con trẻ bệnh, các bác sĩ khuyên phụ huynh nên đưa bé đến các cơ sở y tế khám để được hướng dẫn điều trị. Sau khi đã có toa thuốc, phụ huynh cũng chỉ dùng thuốc theo đơn đi kèm với lần khám đó.
             
            Trong những trường hợp cấp bách chưa thể đến bác sĩ thì việc đọc kỹ nhãn thuốc, liều dùng, trước khi cho trẻ uống thuốc là hết sức quan trọng. Riêng việc chia thuốc thành nhiều phần, nếu viên thuốc quá nhỏ, phụ huynh nên cà nhuyễn thuốc thành dạng bột để có thể chia dễ dàng hơn.
            Ngoài ra, thuốc phải được cất giữ ở những nơi ngoài tầm với của trẻ để tránh ngộ độc. Nhiều trẻ nhỏ có thể nhầm tưởng thuốc là kẹo, nhất là những viên thuốc màu sắc xanh đỏ và có bọc đường, có thể tự nuốt vào bụng gây nguy hiểm tính mạng.
            Phương Nghi
             
            http://www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2008/07/3BA046BB/
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9