Đến Vĩnh Long, nhớ Phan Thanh Giản
rongxanhag 03.09.2007 03:00:58 (permalink)
Đến Vĩnh Long, nhớ Phan Thanh Giản
 

 


Cách nay mấy hôm tôi có đến Tx Vĩnh Long. Lúc rảnh rang tôi gợi ý để hỏi vài ba câu chuyện cũ. Thật lạ, các bạn cùng lớp với tôi ngày nào, dù đã sống khá lâu nơi đây, vậy mà chẳng mấy ai hiểu tận tường một trang sử buồn thảm của vùng đất này…
Và đây là những gì tôi đã góp nhặt trên net, xin được chia sẻ…
 
I.Đôi nét về cuộc đời Phan Thanh Giản (1796-1867):


Phan Thanh Giản tự Tĩnh Bá, Đạm Như, hiệu là Lương Khê và Ước phụ, quê làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.


Đậu cử nhân năm 1825, năm sau đậu tiến sĩ, ông là người đạt học vị cao nhất đầu tiên ở Nam Kỳ. Tính tình cương trực và thanh liêm, Phan Thanh Giản làm quan nhà Nguyễn qua ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và cũng từng bị giáng chức rồi lên chức nhiều phen…


Năm 1867, quân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ trong lúc ông đang nhậm chức Kinh lược sứ. Thấy tình thế không chống cự nổi, ông nộp thành Vĩnh Long cho Pháp, rồi nhịn ăn 17 ngày, kế đó ông uống thuốc độc tự tử.
Hiện nay mộ Phan Thanh Giản được xây dựng bằng đá ong…ở ấp Thanh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri ( Bến Tre), gần mộ Võ Trường Toản
 
II. Vài nhận xét về ông:

 
Bài thơ nôm cuối cùng Tuyệt cốc chính là tâm trạng đầy bi kịch của ông, một vị đại thần đầu bạc, suốt đời lận đận trong vòng trói buộc của hai chữ "trung quân", đồng thời cũng là người thực thi đường đối “chủ hòa” mà cứ đinh ninh là mình yêu nước, thương dân một cách đúng đắn.


 Trời thời, đất lợi, lại người hoà
Há dễ ngồi coi, phải nói ra
Lăm trả ơn vua, đền nợ nước
Ðành cam gánh nặng, ruỗi đường xa
Lên ghềnh, xuống thác thương con trẻ
Vượt biển, trèo non cám phận già
Cũng tưởng một lời an bốn cõi
Nào hay ba tỉnh lại chầu ba!



Mâu thuẫn vừa nêu đã đẩy ông đến chỗ bế tắc, chỉ còn biết lấy cái chết để kết thúc cuộc đời và bày tỏ nỗi lòng của mình.
 Chính đấy cũng là chỗ gây ra nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu khi đánh giá về ông trong nhiều thập kỷ qua.
 
Từ điển văn học  (Nhà xuất bản KHXH, H.N, 1984, tập II, tr. 202 ) nhận xét về Phan Thanh Giản như sau:


 "Nhìn chung, con người Phan Thanh Giản trong thơ là con người giàu tình cảm... Ở lĩnh vực khác, thơ văn Phan Thanh Giản cho thấy một nhà nho chính thống "an bần lạc đạo", sống có tình với bạn bè, anh em, biết coi "trí quân trạch dân" là mục đích chân chính của đời mình.



Tuy nhiên, con người đó, về một phương diện khác, lại là người buồn nản trước thế cuộc, có phần sợ phục trước văn minh tư bản, và từ sợ phục đi đến nhẫn nhục, rồi đành khuất phục bọn cướp nước. Bài thơ nôm cuối cùng Tuyệt cốc có thể là bài thơ tập hợp đầy đủ mọi mâu thuẫn trong con người Phan Thanh Giản



Nhà thơ đương thời Nguyễn Đình Chiểu tỏ thái độ thương tiếc và trân trọng đối với ông Phan Thanh Giản qua bài thơ điếu:

 
Non nước tan tành hệ bởi đâu
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu
Ba triều công cán vài hàng sớ
Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu
Trạm Bắc ngày chiều tin nhạn vắng
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu
Minh sinh chín chữ lòng son tac
Trời đất từ rày mặc gió thu!
 
Và trong bài "Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong", ông Đồ Chiểu một lần nữa nêu cao Trương Định và Phan Thanh Giản:


"Phải trời cho mượn cán quyền phá lỗ,
Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh
Ý người đặng xem tấm bản phong trần,
Phan học sĩ hết lòng cứu nước".

Và ý kiến của ông Võ Văn Kiệt:


"Tôi cũng muốn nhắc lại câu nói như một tuyên ngôn của Phan Thanh Giản khi biết chắc 3 tỉnh miền Tây đã rơi vào tay giặc:
 "Lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống".


 Với "tuyên ngôn" này và với những gì tôi đã trình bày, tôi khẳng định rằng Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân mà lo không tròn bổn phận, cụ đã tự làm án cho chính mình:
 -Đó là cái chết.
Một cuộc đời thanh sạch, thật đáng để lại gương soi cho hậu thế...
Tôi đã về thăm mộ cụ Phan Thanh Giản và đốt nhang lạy hương hồn cụ.
 Và tôi cũng quyết định sửa sang lại khu mộ phần và nhà thờ cụ bởi mộ đã bị thời gian bào mòn quá nhiều…”


III.Vài di tích liên quan : 


1/ Cây đa cửa hữu : 



Trên gò đất cao nhất thị xã, tại giao lộ 19 tháng 8 và đường Hoàng Thái Hiếu có một cây đa cao lớn, cành lá sum suê, rợp mát.
Người dân Vĩnh Long lâu nay luôn giữ gìn cây đa bằng tình cảm chân trọng, thiêng liêng; vì đây chính là dấu vết duy nhất còn sót lại của Thành Vĩnh Long xưa: Cây đa Cửa Hữu.
 
 


Theo Đại Nam Nhất Thống Chí và Gia Định Thành Thông Chí vào tháng 2 năm Quí Dậu, đời Gia Long thứ 12 (1813) triều đình Huế lệnh cho quan Khâm mạng Trấn thủ Lưu Phước Tường của Vĩnh Thanh Trấn xây dựng thành.
 
 Thành xưa tọa lạc tại phường 1, thị xã Vĩnh Long ngày nay. Thành đắp bằng đất, cửa chính hướng Đông – Nam, lưng quay hướng Tây - Bắc. Chu vi thành rộng 750 trượng (một trượng bằng 3 thước) , cao 1 trượng dày 2,5 trượng. Quanh thành có hào rộng, sông sâu. Phía tả là sông Long Hồ, phía hữu là rạch Ngư Câu (rạch Cái Cá), mặt sau có sông Cổ Chiên (một nhánh lớn của Sông Tiền), mặt trước có đường Cừ Sâu (nay là rạch Cầu Lầu). Thành có 5 cửa quay về 5 hướng Đông – Tây - Bắc – Đông Nam và Tây Nam. Cửa tiền của thành ở hướng đông, cửa hậu hướng Tây, cửa tả hướng Bắc, cửa hữu hướng Tây – nam.
Phía đông thành có quan lộ chạy dọc sông Long Hồ, phía tả là nhà Sứ Quán, phía hữu là chợ Vĩnh Thanh.
 
Riêng góc nam của thành, chỗ tiếp giáp đường Cừ Sâu và sông Long Hồ, có xưởng Thủy sư (xưởng đóng tàu chiến). Thành tuy không rộng nhưng được xây dựng kiên cố, bố phòng chặt chẽ, thuận tiện đường tiến thủ.
 
Nói về tầm quan yếu của thành, sách Gia định Thành Thông Chí nhận định: “…Thật là yếu địa hình thắng vậy”.
 
Thành Vĩnh Long trong suốt quá trình tồn tại luôn là thành trì vững chắc, chi phối về quân sự - kinh tế - văn hóa cả khu vực Miền Tây Nam Bộ rộng lớn của Tổ Quốc.
Năm 1867, đánh chiếm Vĩnh Long xong, thực dân Pháp đập phá tất cả các công trình văn hóa, đồn lũy của nhà Nguyễn và san bằng thành Vĩnh Long .
Qua cơn tàn phá, rất may trước cửa hữu thành Vĩnh Long còn cây đa sống sót. Nhân dân giữ gìn, bảo vệ cây đa gọi tên cây đa Cửa Hữu để lưu dấu và hoài niệm về thành Vĩnh Long xưa.
Vào thập niên 50, cây đa mẹ - dấu vết duy nhất của thành Vĩnh Long xưa bị lụi tàn. Từ thân cây mẹ, mọc lên cây đa con vươn mình phát triển tươi tốt, tồn tại đến ngày nay.


Năm 2000 di tích Cây đa Cửa Hữu được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa…
 
2/ Văn Thánh Miếu Vĩnh Long
 
 


Cùng với Văn Thánh Miếu ở Biên Hòa - Đồng Nai, Văn Thánh Miếu ở Gia Định xưa kia, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là một trong ba Văn Thánh Miếu của vùng đất Nam bộ từ thế kỷ 19.
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long tọa lạc trên một sở đất rộng, cặp bên bờ sông Long Hồ thuộc làng Long Hồ, tổng Long An, huyện Vĩnh Bình, nay thuộc phường tư thị xã Vĩnh Long cách thị xã khoảng 2km.
Người chủ xướng xây dựng công trình này là cụ Phan Thanh Giản và cụ Đốc học Nguyễn Thông. Công trình Văn Thánh Miếu xây dựng hết hai năm (1864-1866).
Tuy đã trãi qua các lần trùng tu và trải qua nhiều giai đoạn lịch sử nhưng vẫn giữ được nét cổ kính.
 
Nguyên vào năm Tự Đức thứ 14 (1862) ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ lần lượt lọt vào tay thực dân Pháp xâm lược. Lúc bấy giờ tỉnh Vĩnh Long cũng đã lọt vào tay chúng nhưng theo hòa ước Nhâm Tuất (1862) thì Pháp phải trả tỉnh Vĩnh Long lại cho triều đình Huế.

Do đó sĩ phu ở các tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường đã rầm rộ “tỵ địa” về Vĩnh Long.

Quan đốc học Vĩnh Long là Nguyễn Thông đã chọn nơi rộng rãi gần tỉnh thành Vĩnh Long để tập hợp họ lại tổ chức ôn tập chờ ngày thi cử. Mặc dù đang sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng nhưng giới sĩ phu thời bấy giờ đã gấp rút xây dựng một Văn Thánh Miếu bên cạnh nơi họ ôn tập.

Tuy danh nghĩa là đề cao Nho giáo nhưng thực chất là xây dựng một tụ điểm hoạt động văn hóa đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước. Công trình này khởI công từ mùa đông năm Giáp Tý (1864) và hoàn thành vào mùa thu năm Bính Dần (1866)
 

Thế nhưng chỉ có mấy tháng sau thì quân Pháp lại đem chiến thuyền uy hiếp và chiếm thành Vĩnh Long lần thứ hai. Phan Thanh Giản tuẩn tiết, Nguyễn Thông “tỵ địa” ra Bình Thuận


Sau khi chiếm Vĩnh Long, Pháp lấy cớ thiếu gỗ xây dựng dinh tham biện (dinh tỉnh trưởng) có ý định phá Văn Thánh Miếu. Lúc đó ông Bá hộ Trương Ngọc Lang ( tức Bá hộ Non - người Minh Hương) được đồng bào đề cử đứng ra tranh cản. Nhờ vậy công trình văn hóa này mới tồn tại đến hôm nay.
 
 Sát đường là cổng tam quan xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái. Chiếc cổng này đơn giản nhưng mỹ thuật, có nét đặc biệt so với những chiếc cổng khác. Sau cổng là thần đạo đi thẳng vào điện Đại Thành. Hai bên là hai hàng sao cao v chính diện, giữa thần đạo là ba tấm bia đá.
 
Đáng kể nhất là tấm bia do Phan Thanh Giản viết trước khi tuẩn tiết, Trương Ngọc Lang lập năm 1872. Tấm bia thứ nhì kỷ niệm ông Tống Hữu Định và giới trí thức trùng tu tái thiết ngôi miếu năm 1903. Tấm bia thứ ba ca ngợi tấm lòng hảo tâm của bà Trương Thị Loan (con gái của Trương Ngọc Lang) hiến đất làm hoa lợi hương hỏa. Hai tấm bia sau do Nguyễn Liên Phong( tác giả Nam Kỳ phong tục diễn ca) viết vào thập niên đầu của thế kỷ này.
 
 Tại đây cũng còn hai khẩu súng thần công đại bác (tương truyền đã dùng để bảo vệ thành Vĩnh Long từ năm 1860)
 
Trước kia trong khuôn viên có hai cái ao trồng sen có tên là hồ Nhật Tinh và hồ Nguyệt Anh.Và trong văn bia do Phan Thanh Giản viết có nói đến “Thơ Lầu” (lầu sách) ở bên tả Văn Thánh Miếu (từ trong nhìn ra ). Do đó, sau khi Phan Thanh Giản tuẩn tiết, các con của Phan Thanh Giản vào bưng biền kháng chiến chống giặc; những người Minh Hương, đứng đầu là bá hộ Trương Ngọc Lang đã lập sổ quyên tiền xây dựng một “Tân Đình” (1869) phía tả Văn Thánh Miếu để thờ Phan Thanh Giản.
 
Năm 1872 công trình này hoàn thành, Trương Ngọc Lang dựng bia đặt tên là Tụy Văn Lâu (lầu nhóm họp giới văn nhân tài tử). Tụy Văn Lâu được trùng tu năm 1914 và khoảng năm 1920 – 1923 được đổi tên là Văn Xương Các ( gác Văn Xương).
Văn Xương Các làm theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Trên gác là nơi cất sách và thờ Văn Xương Đế Quân - vị tinh quân chủ quản việc thi cử học hành. Nhưng tầng dưới Văn Xương Các mới là nơi quan trọng nhất. Gian giữa là nơi văn nhân thi ngồi đàm đạo. Phía sau là khánh thờ Gia Định Sử sỉ Sùng Đức Tiên sinh Võ Trường Toản và Khâm sai Kinh lược sứ Phan Thanh Giản.
            Khánh thờ này chạm trỗ tinh vi, trong đặt hai bài vị, có câu đối ca tụng hai kẻ sĩ đứng đầu đất Gia Định là Võ Trường Toản & Phan Thanh Giản :


            Hoàng phong “Sử sĩ” thanh cao lão.
            Tự hiệu “ thư sinh” tiết liệt thần
            (Vua phong “Sử sĩ” thanh cao lão
            Tự hiệu “ thư sinh” tiết liệt thần)
 
            Đến khoảng năm 1933, Phan Thanh Giản được nhà Nguyễn phong thần. Từ đó tại khám thờ này có thêm một hòm sắc và một bức chân dung Phan Thanh Giản rất sống động do hoạ sĩ Philippe Trần vẽ…
 
Nói thêm, tại Vĩnh Long hiện còn di tích cổ do trấn thủ Nguyễn Văn Thoại, xây từ thời vua Gia Long, sau đó được tổng đốc Vĩnh Long là Trương văn Uyển trùng tu cuối đời Tự Đức, trước khi lọt vào giặc Pháp. Đó là “ Miếu Bảy Bà”.

Huỳnh Tịnh Của, người gốc Bà Rịa, giải thích trong Tự Vị, in năm 1895 : "Bảy bà : bà chúa Tiên, bà chúa Ngọc, bà Chúa Xứ, bà chúa Động, bà Cố Hỷ, bà Thủy, bà Hoả ..."
 
Bùi Thụy Đào Nguyên , soạn
 
 
Tài liệu sử dụng:           
http://www.vinhlong.gov.vn 
http://www.bentre.gov.vn
 


<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.09.2007 05:53:52 bởi rongxanhag >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9