Con Đường Nào Em ĐI - III - Trần Quang Thiệu
NgụyXưa 04.09.2007 01:23:25 (permalink)
Con Đường Nào Em Đi
 
Chương Ba
 
Những con đường ở ngoại ô Sài-Gòn vừa nhỏ, vừa gồ ghề, và đầy người đi bộ. Vũ lái xe chầm chậm vì vừa mới học lái xe hai bánh, chưa thuộc đường, và lâu lâu phải ngước nhìn số nhà.  “327, 329 … như vậy chắc còn xa”. Vũ rồ ga, chiếc Honda đời mới vọt lên, nhưng cùng lúc ấy xe cán phải cục gạch ai đó vứt giữa đường. Chiếc xe nẩy lên, đảo mạnh, hất Vũ té lăn.
Vũ choáng váng nhưng còn tỉnh táo, khó nhọc ngồi dạy. Vài đứa trẻ hiếu kỳ đứng nhìn, và vài người lái xe lách qua, đi thẳng với con mắt dửng dưng. Khủy tay và đầu gối Vũ bị trầy, máu thấm đỏ tay áo chemise trắng. Vũ muốn đứng lên nhưng cảm thấy đau nên đành ngồi bệt xuống đường, cúi đầu xoa nhẹ đầu gối. Xe cộ vẫn chạy qua một cách vội vã, nhưng cánh cửa sắt của căn nhà đối diện hé mở. Một cặp trai gái tới gần, xô những đứa trẻ vây quanh Vũ ra xa. Người con trai hỏi Vũ:
-     Anh có sao không?
Vũ nặng nề lắc đầu, mím môi định đứng dạy một lần nữa. Người con trai vội vã đưa tay đỡ anh. Vũ đứng bằng một chân, cố gắng mỉm cười:
-     Cám ơn anh.
Cô gái nhìn vết máu và chiếc tay áo rách tỏ vẻ ái ngại:
-     Anh bị thương rồi. Hảy tạm vào nghỉ trong sân nhà tôi rồi tính sau.
Vũ lại cố gắng mỉm cười:
-     Vâng, cám ơn anh chị. Anh chị cho tạm trú một lát, để tôi gọi người nhà tới đón về.
Người con trai dựng chiếc xe còn nằm trên đường, dắt vào sân nhà trong lúc Vũ khập khễnh bước theo từng bước nhỏ. Người con gái đi cạnh anh, lâu lâu lại đưa tay như muốn đỡ mỗi khi thấy Vũ lảo đảo. Vũ thở phào khi ngồi xuống chiếc ghế tựa cạnh chiếc bàn kê ngoài sân. Anh ngước nhìn hai người. Họ còn rất trẻ và Vũ đoán có lẽ họ là vợ chồng:
-     Cám ơn anh chị đã giúp tôi. Tôi tên là Vũ.
Người con trai cười nhẹ:
-     Đâu có đáng gì, anh đừng để tâm. Tôi là Kha, còn đây là  nhà của gia-đình Thủy, bạn tôi.
-     Ồ. Tôi cứ tưởng …
Vũ bỏ dở câu nói, nhưng hình như Thủy cũng hiểu. Cô nheo mắt cười:
-     Cũng là đúng lúc thôi anh. Anh Kha tới thăm Thủy, vừa định ra về thì thấy anh té xe. Tay anh chảy máu nhiều, để Thủy giúp anh.
Thủy chạy vào nhà, trở ra với một chiếc khăn ướt, một số band-aids, và một ly nước lạnh:
-     Anh lau mặt và uống tạm cho đỡ mệt.
Vũ mừng rở:
-     Phiền cô quá, nhưng xin cô.
Vũ cầm ly nước uống một hơi gần cạn, và lấy chiếc khăn ướt đắp lên mặt. Trời Sài-Gòn nóng như thiêu, chiếc khăn mát lạnh làm Vũ tỉnh táo, và anh giữ chiếc khăn thoảng mùi thơm con gái trên mặt một lúc rồi mới từ từ cuộn lại để trên bàn:
-     Tôi cảm thấy đỡ lắm rồi. Cảm ơn anh Kha và cô Thủy nhé.
Thủy nhắc:
-     Anh Vũ kéo tay áo lên để Thủy băng đỡ mấy chỗ chảy máu.
Nghe Thủy nhắc Vũ chợt thấy khủy tay đau rát. Anh kéo tay áo, miệng cười, nhưng mặt nhăn vì đau:
-     Tôi không may té xe, nhưng lại rất may gặp được những người tử tế như anh Kha và cô Thủy.
Thủy chỉ im lặng mỉm cười, nhẹ nhàng dán những miếng band-aids lên vết thương hãy còn rỉ máu. Kha an ủi Vũ:
-     Cũng may anh chỉ bị thương nhẹ. Nghỉ một chút là có thể ra về được, và may hơn nữa là chiếc xe mới cáu cạnh của anh không việc gì.
Vũ cười lắc đầu:
      -     Đáng lẽ tôi không nên chạy xe ở Sài-Gòn, vì tôi cũng chỉ mới học lái xe gắn máy đây thôi.
Kha ngạc nhiên:
-     Mới học lái xe …
Vũ gật đầu:
-     Chẳng nói dấu gì anh. Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Bên đó ít người đi xe gắn máy lắm vì có mùa lạnh. Về tới Sài-Gòn thấy loại xe này tiện lợi quá, và tôi cũng thấy thích thú, nên mua một chiếc để đi loanh quanh cho tiện. Ngày xưa, khi tôi còn ở vào tuổi đôi mươi, mẹ tôi cấm tôi lái xe gắn máy vì sợ nguy hiểm. Nếu mẹ tôi biết là tôi chạy xe ở Sài-Gòn, và mới bị tại nạn, chắc là mẹ tôi sợ hãi và buồn lắm.
Thủy đã băng xong vết thương cho Vũ, cô ngồi xuống chiếc ghế đối diện:
-     Anh Vũ về Việt-Nam thăm nhà?
Vũ lắc đầu:
-     Không. Tôi được Global-Flextronics gửi sang Việt-Nam làm việc ít lâu. Tôi không có gia-đình và bạn bè tại đây. Ba mẹ tôi qua Mỹ định cư từ năm 1975, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe bố mẹ nói về những ngày tháng cũ, về ngôi nhà hạnh phúc tại Sài-Gòn nên tôi tò mò, hôm nay nhân dịp rảnh rỗi, nên lấy xe, định đi tìm căn nhà xưa của bố mẹ xem nó ra sao. Nào ngờ …
Vũ ngập ngừng trước khi nói tiếp:
-     Như đã nói với anh Kha và cô Thủy, tôi thật sự không có bạn và người thân tại Việt-Nam, hôm nay tình cờ được gặp gỡ, và được anh và cô giúp đỡ, tôi thấy thật cảm khích nên lại có một chút tin tưởng vào tình người. Nếu anh Kha và cô Thủy không chê, xin cho tôi được làm bạn.
Kha bật cười:
-     Anh sinh ra và lớn lên ở Mỹ mà anh nói tiếng Việt chẳng khác gì chúng tôi, và cũng khách sáo như người Việt chính gốc vậy.
Vũ cũng bật cười:
-     Tôi còn biết xem phim chưởng, và đọc truyện kiếm hiệp nữa cơ. Khi tôi còn nhỏ, vì sinh kế, hàng ngày mẹ tôi phải gửi tôi cho một bà cụ người Việt trông nom. Bà cụ chỉ biết nói tiếng Việt, xem phim bộ cả ngày, nên tôi lớn lên trong một môi trường rất là Việt-Nam. Khi bắt đầu đi học, cuối tuần bố tôi bắt tôi tới trường Việt ngữ, và tôi biết đọc truyện kiếm hiệp rất sớm.
Thủy thích thú mỉm cười:
-     Thế anh Vũ có nghe nhạc Việt, và … đọc thơ tiếng Việt không?
Vũ cuời nhẹ lắc đầu:
-     Nhạc Việt thì thỉng thoảng tôi có nghe ké với bố mẹ. Còn thơ văn thì chỉ biết sơ sài.
Kha gật gù:
-     Như thế cũng là đặc biệt lắm rồi. Tôi đã gặp vài người Việt sinh ra và lớn nên ở nước ngoài. Họ hầu không biết gì về Việt-Nam, và có nói tiếng Việt thì cũng như là ba Tàu nói tiếng Việt mà thôi.
Thủy cười với Kha:
-     Nhưng em thấy họ cao lớn, trắng trẻo và … dễ thương hơn mấy ‘ông’ con trai  ở xứ này!
Kha nheo mắt cười với Thủy:
-     Như vậy em không … thích anh hả.
Thủy đỏ mặt:
-     Ai nói là em thích anh hồi nào?
Kha chỉ mỉm cười. Vũ khen:
-     Lớp trẻ Việt-Nam bây giờ cũng đâu thua kém gì những người ngoại quốc cùng trang lứa. Anh Kha và cô Thủy còn đi học cả, phải không?
Thủy gật đầu:
-     Dạ. Anh Kha đang học năm cuối đại học, còn Thủy mới vào trường.
Kha tiếp lời:
-     Thủy học về thương mại, còn Kha học về kỹ thuật thông tin?
Vũ hỏi:
-     Information Technology?
-     Dạ.
-     Như vậy là cùng một lãnh vực với tôi.
-     Ồ, như vậy thì may quá được biết anh. Anh chắc đã có nhiều kinh nghiệm, anh giúp Kha học hỏi thêm nhé.
Thủy chen vào:
-     Em nữa chứ. Thương mại cũng cần thông tin vậy.
Vũ cười nhẹ:
-     Thế nào chúng mình cũng gặp lại nhau, nói chuyện nhiều về vấn đề này. Bây giờ tôi xin phép, phải về.
Vũ gượng đứng dậy nhưng đầu gối đau nhói nên lại ngồi xuống ghế. Kha lo lắng:
-     Hay để Kha gọi taxi cho anh về. Kha chạy xe của anh theo sau.
Vũ lắc đầu, móc điện thoại cầm tay:
-     Tôi phiền anh Kha thế là đủ rồi. – Anh bấm số - Allo, anh Tám hả. Anh mang xe tới đón tôi tại …
Vũ trao điện thoại cho Thủy:
-     Cô Thủy làm ơn chỉ đường cho anh Tám lái xe tới đây dùm tôi.
Thủy gật đầu, cầm máy chạy vào trong nhà, tránh tiếng động từ ngoài đường để nói chuyện điện thoại cho được dễ dàng. Kha nhắc Vũ:
-          Anh nên đến bệnh viện để họ xem cho chắc.
Vũ gật đầu:
-     Cám ơn anh Kha. Tôi sẽ nói anh Tám đưa tôi đi.
  Thủy trở ra, mỉm cười:
-     Anh Tám nói độ 15 phút nữa là anh ấy sẽ tới đón … thủ trưởng! Anh ấy có vẻ lo, và kêu trời hoài.
Vũ bật cười:
-     Anh Tám là họ hàng xa. Anh đã có tuổi, và hay la tôi mỗi lần tôi lái xe gắn máy. Cô Thủy cho tôi gửi chiếc Honda tại đây. Bữa nào khoẻ tôi sẽ trở lại.
Kha đỡ lời:
-           Anh yên tâm, đừng lo lắng. Kha sẽ mang xe vào nhà, khoá cẩn thận.

Vũ mỉn cười nghĩ thầm, lo gì mà lo, không bao giờ Vũ sẽ ngồi lên cái ‘của nợ’ đó nữa. Ai lấy đi Vũ càng đỡ băn khoăn. Từ nay đi đâu cứ gọi taxi cho chắc ăn. Còn cái anh Tám này, lúc nào cũng cứ bô bô cái mồm, cả nước này người ta biết mình làm gì. Không cho lái xe nữa, ngồi gác cửa làm bảo vệ có lẽ thích hợp hơn.

o0o

  Khi Vũ xin nghỉ việc Frank vừa ngạc nhiên vừa thất vọng, bộ tao làm gì mày không thích hay sao? Mày được mọi người yêu mến, công ty làm ăn phát đạt, lương bổng hơn nhiều chỗ khác. Mày tìm đâu được một chỗ hơn chỗ này?
  Vũ cười buồn, tao đâu có điều gì phàn nàn về mày hay công ty, nhưng mày không hiểu đâu. Tao ở đây gần sáu năm rồi. Nơi này cho tao bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn. Thế nhưng, như mày thấy, từ ngày Loan bỏ đi tao câm nín, và mới đây được tin Loan tử nạn, do lỗi tao một phần, tao buồn đến xót xa. Mỗi lần đi qua cái cubicle nơi Loan ngồi khi xưa tao lại muốn khóc, thằng Joe chửi tao là con gà chết, nhưng thằng đó thì hiểu thế nào là yêu. Tao phải đi Frank ạ.
  Frank thở dài, thế bao giờ mày đi, và mày đi đâu? Vũ nói nhưng mắt nhìn đâu đó, hai tuần nữa, tao sang làm cho Global-Flextronics, và họ sẽ gửi tao sang Việt-Nam thành lập một trung tâm điện toán, yểm trợ cho nhà máy sản xuất mới xây cất tại nước này. Tại tao là người Mỹ gốc Việt, nói được tiếng Việt, hiểu được cách tổ chức và điều hành của một công ty Hoa-Kỳ nên họ cần tao. Còn tao, tao cần thay đổi, tao cần đi xa, tao cần xét lại đời sống của mình. Tao cám ơn mày, chúng mình đã có những ngày rất tốt đẹp với nhau. Mày đừng giận tao nghe Frank. Biết đâu rồi chúng mình lại chẳng có dịp làm việc với nhau trong tương lai. Thung lũng này nhỏ mà. Gốc gác tao ở chỗ này, đi đâu rồi tao cũng sẽ về. Mày hiểu chứ?
  Ngày cuối cùng của Vũ ở Cali-SoftSmith, Inc. mọi người đều đến giã từ. Vũ cười buồn và lập đi lập lại với mọi người những điều đã nói với Frank. Maryanne là người sau cùng. Bà thư-ký già ôm hôn Vũ, dặn dò đủ điều như mẹ dặn con lúc đi xa. Joe bưng thùng đồ đạc cá nhân của Vũ ra xe, lặng lẽ đứng nhìn Vũ ra khỏi parking, tần ngần vì mất bạn.
  Vũ cũng bâng khuâng, cảm thấy như có gì mất mát. Dù sao thì cũng sáu năm trời, sáu năm đầy ắp kỷ niệm vui buồn. Cũng đành!

  Một tháng sau đó thì Vũ về đến Sài-Gòn. Trưởng phòng nhân viên ra đón Vũ tại phi-trường, đưa Vũ về khách sạn ở tạm cho đến lúc thuê được nhà vì Vũ dự trù ở lại Việt-Nam từ một tới hai năm. Trên nguyên tắc, Vũ là người của tổng công ty tại Mỹ, tới điạ phương giúp đỡ phân xưởng thiết lập một trung tâm điện toán để điều hành công việc. Vũ chịu trách nhiệm trực tiếp với CIO (Chief Information Officer) của tổng công ty, nhưng Vũ cũng bỏ ra nhiều ngày giờ làm quen với vị giám đốc địa phương, ông Hân, và ban tham mưu của ông ta. Ông Hân tiếp Vũ thật niềm nở:
  -     Thật may được ông về đây giúp chúng tôi. Mới mướn đưọc vài kỹ-sư địa phương, họ mua một đống máy vi-tính, nhưng cũng chưa thiết lập được mạng lưới liên lạc với trung tâm điện toán bên đó. Họ sẽ làm việc dưới quyền ông, và nếu cần ông cứ mướn thêm người, huấn luyện cho họ quen với công việc.
  Ông Huân tạm ngừng nói, cười toét miệng, ghé tai Vũ nói thầm:
  -     Lương nhân viên ở đây rẻ lắm! Ông muốn mướn thêm mấy người cũng được.
  Vũ bật cười:
  -     Vâng để rồi tôi xem. Có gì tôi sẽ làm việc với phòng nhân viên.
  Ông Hân lại cười, hỏi thêm:
  -     Giấy tờ từ ở bên Mỹ gửi sang, nói title của ông là ‘Director, Information Services’, như vậy chúng tôi phải xưng hô với ông như thế nào cho phải phép?
  Vũ gạt đi:
  -     Ở bên Mỹ họ dùng danh hiệu đó lỏng lẻo lắm, và không khí làm việc rất cởi mở. Chúng tôi gọi nhau bằng tên. Các ông cứ gọi tôi là ‘ông Vũ’ hoặc ‘anh Vũ’ là được rồi.
  Ngừng một chút, Vủ tủm tỉm cười, nói tiếp:
  -     Xin đừng gọi tôi là ‘ông kỹ sư’ hoặc ‘thủ trưởng’,  như một số anh em tôi mới gặp, nghe kỳ quái lắm!
  Ông Hân lại cười lớn phân trần:
  -     Họ quen miệng mất rồi. Để rồi tôi sẽ thông báo cho mọi người. Còn về chỗ ở và xe cộ, ông cứ làm việc thẳng với phòng vật tư. Tất cả sẽ được công ty đài thọ.
  -     Cám ơn ông.
  -     Ông thấy văn phòng của ông ra sao? Được chứ?
  Vũ mỉm cười:
  -     Quá tốt. Ở bên Mỹ ngay cả ‘boss’ của tôi cũng không có văn phòng riêng. Nhưng cũng tùy công ty, mỗi nơi mỗi khác.
  -     Thế hả? Tôi chưa bao giờ được tới nước Mỹ.
  -     Được biết ông tốt nghiệp ở Úc về.
  -     Vâng, tôi du-học tại Úc, nhưng học xong là về. Chẳng biết ngoại quốc họ làm ăn ra sao. Khi được tuyển chọn vào công ty này, ông Parker ở bên Mỹ có qua giúp tôi ít lâu.
  -     À ông Parker, Operation Vice President. Tôi có gặp ông ta tại Mỹ. Nice man.
  -     Đúng vậy. Hàng tháng chúng tôi vẫn phải gửi báo cáo về ông ấy, và có thể ông ta sẽ lại sang đây thanh tra xem công việc có giống như là chúng tôi báo cáo hay không.
  -     Vâng, tôi biết. Ông ta cũng mong là trung tâm điện toán được thành lập mau chóng, hoạt động hữu hiệu để ông ta có thể nhận được báo cáo về sản xuất thường xuyên, chính xác và mau chóng, như những báo cáo của các nhà máy tại Âu Châu và Nam Mỹ.

  Vũ thấy yên tâm vì ông Hân là lớp người mới sau này, có tinh thần cầu tiến, và sự hiểu biết rộng rãi, nên có thể làm việc chung mà không cần đến áp lực của công ty trung ương. Bà Hiền, trưởng phòng vật tư, cũng là người sốt sắng, chỉ sau một tuần lễ bà ta đã thuê được nhà cho Vũ, ngôi nhà nhỏ nhưng khang trang và đầy đủ tiện nghi trong một khu được xây cất dành cho ngoại kiều. Vũ chọn căn nhà này thay vì một apartment tại một cao ốc tối tân gần trung tâm thành phố, vì Vũ đã có ý định mua một chiếc xe gắn máy để làm phương tiện đi lại ngay khi nhìn thấy dòng xe cộ Sài-Gòn. Vũ thấy nhớ những xa lộ thênh thang và chiếc Porch 911 của mình ở bên Mỹ, nhưng cũng hết sức thích thú với những chiếc Honda hai bánh nhỏ nhắn. Vũ ngại xử dụng xe và tài xế của hãng vào những việc riêng tư, và cũng chỉ vì thích thú với xe hai bánh mà Vũ đã gặp gỡ Kha và Thủy trong một hoàn cảnh không ngờ.

o0o

  Nghe tiếng bấm chuông ông bà Tuân nhìn nhau trong phòng khách:
  -     Ai vậy cà? Chắc bạn con Thủy. Thủy ơi, mở cổng, con.
  Không có tiếng Thủy trả lời. Bà Tuân nhìn lên gác nói nhỏ:
  -     Mới 9 giờ sáng chủ nhật. Chắc nó còn ngủ.
  Ông Tuân vẫn ngồi yên đọc báo.  Bà Tuân thở dài, đứng dạy mở cửa cho người khách lạ. Đó là một người đàn ông giao hàng, cùng với chiếc xe van đậu ngay trước cửa nhà. Ông ta cúi đầu lễ phép chào bà Tuân:
  -     Chúng tôi giao đồ cho anh Kha và cô Thủy.
  Bà Tuân ngạc nhiên:
  -     Kha nó không có ở đây. Còn tui là má con Thủy.
  -     Dạ, bà nhận dùm cũng được.
  Người đàn ông mở cửa xe, trao cho bà Tuân một bó hoa nhiều màu và một hộp vuông gói kín với nơ cài thật đẹp. Chiếc phong bì nhỏ gắn trên nắp hộp chỉ có mấy chữ vắn tắt “Cô Thủy & Anh Kha”. Người đàn ông nói thêm:
  -     Khách hàng của chúng tôi đặt mua và nhờ giao hàng. Mọi phí tổn đã được thanh toán. Xin cám ơn bà.
  Bà Tuân cũng lí nhí cám ơn, ôm bó Hoa và hộp quà vào nhà. Ông Tuân ngước nhìn, ngoác miệng cười:
  -     Ai tặng hoa bà đó? Kép nhí hả?
  Bà Tuân lườm ông,  bật cười:
  -     Của con Thủy và thằng Kha. Hổng biết ai gửi tặng.
  Bà đặt bó hoa và gói quà lên bàn, leo lên lầu mở cửa phòng Thủy. Thủy vẫn còn ngủ yên, mái tóc loà xoà trên gối, chiếc miệng xinh xắn hé mở. Bà Tuân ngồi xuống cạnh con, đưa tay vuốt nhẹ tóc Thủy. Mấy chục năm trước bà cũng như vầy, cũng thon nhỏ, cũng trắng trẻo, cũng tóc đen môi hồng, xinh xắn như con búp bê. Thủy là hình ảnh của bà, là đứa con độc nhất bà thương yêu. Bà đã khóc hết nước mắt khi biết mình không sanh đẻ thêm được nữa, nhưng ông Tuân không thấy đó là vấn đề. Hai người dồn hết thương yêu vào đứa con gái độc nhất, lo lắng cho con từ những chuyện nhỏ nhặt đến những việc quan trọng ở đời. Ông Tuân dùng sự quen biết của mình lo cho Thủy vào đại học ngoại thương, ông mong mai sau Thủy đủ hiểu biết để nhận trách nhiệm điều hành cái công ty may cắt nho nhỏ nhưng phồn thịnh vì nhận không hết những hợp đồng của các hãng may quốc tế.
  Khi Thủy quen biết Kha ông bà cũng đã cho người điều tra kín đáo về người con trai có thể trở thành con rể tương lai. Ông bà đã thật vui mừng được biết Kha tuy là con nhà nghèo đông anh em, nhưng học hành giỏi giang, biết tự trọng, yêu Thủy thật lòng chứ không phải vì cơ nghiệp của ông bà. Nhìn Kha và Thủy ông bà Tuân luôn luôn mỉm cười. Chúng nó thật đẹp đôi, ông bà thì thầm, như chúng mình ngày xưa. Ông mỉm cười, và bà nheo con mắt nhìn ông.
  Bà Tuân lay nhẹ con:
  -     Thủy, thức dạy con.
  Thủy mở mắt, vươn vai, nhõng nhẽo:
  -     Má! Để con ngủ. Còn sớm mà.
  -     Sớm gì nữa, gần mười giờ rồi con. Có ai đó gửi tặng con bó bông. Mẹ để trong phòng khách đó.
  Thủy ngồi bật dậy:
  -     Bông hả? Ai gửi đó má? Bộ anh Kha bữa nay ‘mát giây’ hay sao? Đâu có phải sinh nhật con.
  Bà Tuân lắc đầu:
-     Má đã nói là không biết. Mà không phải của thằng Kha đâu. Ai đó cũng gửi tặng nó gói quà nữa.
  Thủy đứng bật dậy chạy xuống cầu thang, bà Tuân lật đật vừa đi theo vừa lắc đầu:
  -     Lớn rồi mà như con nít.
  Thủy mở to mắt nhìn bó bông và hộp quà, vội vàng rút chiếc phong bì đưa lên mắt đọc:
  -     À, của anh Vũ.
  Ông Tuân ngước mắt khỏi tờ báo:
  -     Vũ nào?
  Thủy chỉ chiếc xe Honda dựng sát tường:
  -     Anh Vũ, người lái xe Honda bị té, được con và anh Kha giúp. Con nói chuyện này cho ba má nghe rồi mà.
  -     À – Ông Tuân hỏi thêm – anh ta thế nào rồi? sao không tới lấy xe?
  Thủy nhoẻn miệng cười:
  -     Chỉ có mấy chữ đánh máy. Chắc là anh ấy đọc cho tiệm hoa. Anh Vũ nói tạm đi lại được rồi, cám ơn con và Kha đã giúp đỡ. Hì, cái anh này khách sáo ghê. Ảnh hẹn sẽ tới thăm gia đình mình chủ nhật tới, và xin lỗi vì không biết số điện thoại để gọi sớm hơn.
  Ông Tuân gật gù:
  -     Việt kiều trẻ tuổi và có học, người ta cư xử vậy đó con.
  Thủy nhí nhảnh:
  -     Để con kêu anh Kha. Hộp kẹo chocolat này cho con luôn chứ ảnh lớn rồi mà ăn kẹo gì nữa.
  Bà Tuân góp lời:
  -     Con cũng đâu còn nhỏ nhít gì!
  Thủy ôm cổ mẹ:
-           Ứ ừ, con còn nhỏ xíu à.
  Buông cổ mẹ Thủy nhấc máy điện thoại:
  -     Allo, anh Kha hả?
  -     …
  -     Ồ, Dung. Em nhắn dùm anh Kha tới chị gấp nhé.
  -     …
  -     Hi hi, không. Hổng phải nhớ. Có chuyện nhờ ảnh thôi. Bye nhé.

o0o

  Kha mở cửa ra khỏi phòng tắm, vừa đi vừa lau mái tóc còn ướt sũng bằng chiếc khăn rửa mặt. Dung trêu chọc:
  -     Người đẹp vừa gọi, nói anh tới hầu chuyện ngay.
  Kha trừng mắt nhìn em, Dung sợ hãi lè lưỡi:
  -     Em nói đùa. Chị Thủy cần anh giúp gì đó.
  Kha ậm ừ. Con bé này dạo này cũng lớn rồi, phải nghiêm khắc với nó mới được, nếu không lại hư mất thôi. Có mấy đứa em thì mỗi đứa một tính. Cái Thư thì lúc nào cũng chúi mũi học bài, kính cận thị dày cộm, ai rủ cũng không ra khỏi nhà, còn con bé Dung thì xinh xắn nhưng học hành lơ mơ, nghe tiếng chuông reo là vớ lấy điện thoại vì cả nhà chỉ có nó là nhiều bạn bè. Hai thằng em trai thì một thằng mới lớn đã đi bộ đội, còn thằng Khiêm lúc nào cũng thơ thẩn như người trên mây, học văn nữa chứ, không biết sau này kiếm sống thế nào. Tội bố mẹ, vất vả cả ngày mới lo được cho các con.
  Kha vừa đi học vừa dạy kèm trẻ, tiền kiếm được cũng chỉ đủ mua sách vở và tiêu vặt, không phải xin bố mẹ là may rồi chứ cũng chưa giúp gì được cho gia đình quây quần trong căn nhà nhỏ hẹp ở một ngõ hẻm vùng ngoại ô.
  Hôm nay chủ nhật, Thủy không gọi thì chiều Kha cũng tới. Tới với Thủy để ngồi với nhau trong phòng khách, để được Thủy dựa vào vai mình cười khúc khích khi xem những màn hài hước trên TV, hoặc để giúp Thủy giải mấy bài toán giải tích nhập môn, để được thấy Thủy phụng phịu than phiền, học khó thế này Thủy ở nhà nấu cơm cho mẹ còn sướng hơn!
  Kha yêu vẻ tươi mát và nhí nhảnh của Thủy. Ừ, không có em thì anh chẳng có gì vui. Đời sống nhọc nhằn vì cơm áo, anh phải liên tục phấn đấu nên cằn cỗi trước tuổi. Anh không biết vì sao em yêu anh, nhưng cám ơn em, cám ơn ông thầy đã ra bài toán khó để em ngồi cắn bút, dơm dớm nước mắt trong thư viện, để anh có cơ hội giúp em và làm quen.
  Nghe tiếng máy nổ là Thủy biết là xe của Kha. Chiếc xe cũ mèn, vứt ngoài đường không ai nhặt nhưng có nó nên anh mới tới được với em hàng ngày. Em yêu anh vì lòng anh độ lượng. Anh tốt bụng, không phải chỉ với em mà với tất cả mọi người. Ai nhờ gì anh cũng làm. Em lười học, anh phải chạy đi mua quà cho em, để em vừa ăn vừa học bài. Đôi lúc em buồn vì những chuyện vu vơ anh cho em bờ vai nương tựa, cho em bàn tay vuốt ve, và cho em ánh mắt anh nhìn như che chở, để em yên tâm với hạnh phúc êm đềm.
  Thủy kéo tay Kha vào phòng khách, chỉ bó hoa đã được cắm trong chiếc lọ pha lê trắng, miệng nói líu lo, không để cho Kha kịp chào ông bà Tuân:
  -     Anh Kha coi, hoa đẹp không, anh Vũ gửi tặng, cám ơn tụi mình đó. Có cả chocolat nữa. Anh ăn không?
  Kha mỉm cười lắc đầu:
  -     Để phần em. Anh lớn rồi.
  -     Xí. Bộ lớn rồi là không ăn kẹo bánh hay sao? Hay anh mang về cho Thư và Dung đi.
  -     Không nên. Tụi nó lắm chuyện, hỏi chocolat ở đâu mà có làm anh lại mất công giải thích.
  -     Anh Bắc-Kỳ khó tính vừa chứ. Mấy đứa em sợ anh như cọp!
  Kha nói nhỏ vào tai Thủy:
  -     Còn em Nam-Kỳ, em có sợ anh không?
Thủy cười lớn:
  -     Còn lâu mới sợ anh. Anh phải sợ em mới đúng chứ. Anh coi ba kìa. Ba sợ má quá trời.
  Bà Tuân hét lớn trong lúc ông Tuân hả miệng cười:
  -     Con nhỏ này ăn nói bậy bạ. Ba con mà sợ má thì má đã có phước. Thôi, các con lên phòng học đi. Để ba má nói chuyện công việc!
  Thủy kéo tay Kha lên phòng học trên lầu. Căn nhà vắng người nên Thủy có phòng ngủ riêng và có cả một căn phòng vớí máy vi-tính làm phòng học. Kha bật máy vi-tính, nói nhỏ với Thủy:
  -     Không ngờ cái hãng anh Vũ làm lớn thế. Thủy xem này, em vào Google, tìm chữ Global-Flextronics là thấy trang nhà của hãng này. Họ có cơ sở khắp thế giới, kể cả Viêt-Nam mình. Tuần tới có dịp gặp anh Vũ mình hỏi thăm thêm. Không biết vết thương của anh ấy lành hẳn chưa.
  Thủy không nói. Cô tới sau lưng Kha, vòng tay ôm cổ, và hôn nhẹ lên gáy:
  -     Anh Kha yêu computer hơn em. Tới nhà là ‘nói chuyện’ với máy chứ không thèm ngó ngàng tới em.
  Kha quay lại mỉm cười với Thủy:
  -     Tại cái máy vi-tính này nó không mè nheo anh, không đòi anh đi lấy nước cho nó uống, chạy đi mua bò-biá cho nó ăn.
  Thủy cười:
  -     Hi hi. Chắc là anh hợp với mấy người như anh Vũ. Chủ nhật sau anh tới sớm nhé. Không thấy anh Vũ nói khi nào tới. Mà hổng sao, anh Kha ở lại ăn cơm trưa luôn, và coi dùm em sao cái xe của em khó nổ máy quá à.
  Kha không trả. Anh bận chăm chú nhìn vào màn hình, tặc lưỡi:
  -     Revenue của Global-Flextronics gần 20 tỉ dollars một năm. Như vậy là bao nhiêu tiền Việt Nam nhỉ?

o0o

  Chiếc xe taxi ngừng ngay trước nhà vì Vũ nhớ rất rõ nơi mình té xe. Chân Vũ hầu như đã lành hẳn, áo quần che kín hai vết thương nhỏ nên trông Vũ bình thường như xưa. Thủy mở cổng, mỉm cười với Vũ:
  -     Chào anh, anh khoẻ hẳn rồi chứ, anh Vũ.
  Vũ cũng mỉm cười gật đầu:
  -     Tôi đã bình thường. Cám ơn cô.
  Thấy Kha ở trong nhà đi ra, Vũ đưa tay bắt tay Kha:
  -     Và nhất là cám ơn anh Kha.
  Kha vội vàng:
  -     Anh Vũ lại khách sáo nữa rồi. Tụi này cũng phải cám ơn anh vì những món quà anh gửi tặng.
  Thủy nhí nhảnh tiếp lời:
  -     Bông đẹp quá, và Thủy ăn hết chocolat chứ không để dành cho anh Kha miếng nào!
  Cả ba người đều cười vang. Vũ theo chân Kha và Thủy vào nhà. Ông bà Tuân cũng tò mò muốn biết mặt Vũ nên đều có mặt trong phòng khách. Kha giới thiệu Vũ với ông bà Tuân. Vũ khen xã giao:
  -     Ông bà có ngôi nhà đẹp quá, và có những người con thật ngoan. Chúng tôi đã may mắn được gặp gỡ.
  Vũ cố ý dùng chữ ‘những người con’ vì coi Kha như đã là con rể gia đình này. Kha hình như hiểu ý, nhìn Vũ như thầm cám ơn, và pha trò cho không khí thêm vui vẻ:
  -     Phải nói cho đúng là anh xui xẻo nên gặp tụi này.
  Vũ mỉm cười ngồi xuống ghế do ông Tuân giơ tay mời. Bà Tuân đã được Thủy và Kha cho biết những gì về Vũ nhưng vẫn tò mò:
  -     Ông Vũ có đưa gia đình về Việt-Nam không?
  Vũ lắc đầu:
  -     Thưa bà không. Chúng tôi vẫn chưa có gia đình riêng.
  Bà Tuân như ngạc nhiên:
  -     Coi bộ ông cũng khá tuổi rồi mà sao vẫn chưa lập gia đình. Bận làm giầu hả?
  Vũ chợt thấy thoáng buồn nghĩ tới Thu-Loan:
  -     Bận thì có bận, nhưng cũng chỉ là công việc thường nhật của một người đi làm công.
  Vũ ngập ngừng một chút rồi nhẹ thờ dài nói thêm:
  -     Hơn ba mươi tuổi, chúng tôi cũng có đã có cơ hội lập gia đình, nhưng rồi không thành.
  -     Ủa, ông coi tướng cao ráo, có học và có địa vị, vậy mà người ta còn chê sao.
  Vũ cúi đầu nói nhỏ:
  -     Cũng không hẳn như vậy. Người yêu của tôi, cô ấy … qua đời vì một tai nạn xe cộ.
  Thủy vừa mang chiếc khay đựng những tách nước trà nóng từ trong nhà ra, thoáng nghe thấy Vũ nói, và nhìn thấy Vũ cúi đầu buồn bã lòng cô chợt xúc động:
  -     Anh Vũ dùng trà. Xin lỗi anh vì má Thủy đã vô tình gợi lại nỗi buồn.
  Vũ nhìn lên, anh mỉm cười:
  -     Không có gì. Chuyện xảy ra cũng đã lâu ngày. Tôi hầu như đã quyên.
  Thủy không tin là Vũ đã quên, nhìn con mắt anh xa vắng Thủy biết là hình bóng nào đó còn phảng phất đâu đây. Thủy thấy mình bâng khuâng:
  -     Chị gì đó không còn nữa, nhưng ở một nơi nào đó chị ấy rất hạnh phúc vì được anh yêu thương.
  -     Tôi cũng mong là Loan quên được những nỗi buồn trần thế, và siêu thoát trên thiên đường.
  Ông Tuân từ nãy tới giờ vẫn im lặng, chợt lên tiếng như cố ý phá vỡ không khí có vẻ u buồn:
  -     Ông Vũ còn trẻ mà. Rồi thì sẽ gặp những cơ duyên khác. Thế thế ông bà cụ vẫn mạnh khoẻ chứ?
  Vũ gật đầu:
  -     Cám ơn ông. Bố mẹ chúng tôi đã có tuổi, ít đi đâu xa, nhưng vẫn còn khoẻ mạnh và hiện giờ đã về hưu, sống ở San Diego.
  Nhìn Kha và Thủy, Vũ nói tiếp:
  -     Chúng tôi cũng còn một em trai và một em gái, cũng cỡ tuối anh Kha và cô Thủy đây thôi, sống cùng với ông bà già.
  Kha nhìn Vũ:
  -     Như vậy anh Vũ coi Kha và Thủy như em đi. Kha và Thủy đều không có anh lớn.
  Giọng Thủy reo vui:
  -     Ừ há, anh Vũ. Anh bằng lòng đi để Thủy đi khoe với bạn bè là có ông anh … người Mỹ!
  Vũ bật cười
  -     Như vậy thì còn gì hân hạnh hơn, cám ơn … các em. Như vậy là từ nay tôi cũng có một gia đình Việt-Nam ở Sài-Gòn!
  Bà Tuân cười toe toét:
  -     Rồi. Như vậy gọi tụi tui là chú với dì đi cho thân. Mai mốt dì làm mai cho, con gái đẹp bên này thiếu giống.
  Kha chen vào:
  -     Phải ngoan nữa bác à.
  Thủy có vẻ vui nhất:
  -     Anh ở lại ăn cơm với gia đình em trưa nay nhé. Em có nhiều điều muốn hỏi anh về đời sống bên Mỹ.
  Vũ gật đầu:
  -     Vâng. Xin cám ơn chú và dì. – Anh đổi cách xưng hô. - Cháu thấy thật ấm lòng.
  Bà Tuân cao giọng:
  -     Nói thiệt, gia đình dì vắng vẻ nên nhiều lúc buồn hiu! Tính bắt thằng Kha này về ở rể luôn, nhưng phải đợi tụi nó học hành xong xuôi đã. Vũ à, cháu lại chơi thường với gia đình dì nghe.
  Vũ chưa kịp trả lời Thủy đã chen vào:
  -     Má nói đợi học hành xong xuôi là má nói anh Kha, chứ chừng nào già khú đế con mới ra trường!
  Ông Tuân hả miệng cười:
  -     Gì chứ, cái đó thì ba tin.
  Bà Tuân không chịu:
  -     Con phải gắng lên chứ. Có Kha nó giúp con học, giờ thêm anh Vũ nữa, anh chỉ bảo cho con, học hành chắc khá hơn.
  Kha bàn thêm:
  -     Có lẽ anh Vũ sẽ giúp được chứ con chỉ lo lấy nước với chạy mua bò biá cho Thủy, đâu có giúp được gì.
  Thủy đưa tay ngắt Kha:
  -     Anh Kha đáng ghét. Nói xấu em.
  Vũ cười với hạnh phúc của hai người:
  -     Các em cũng còn trẻ. Rồi ngày tháng đó cũng sẽ tới. Hạnh phúc trong tầm tay các em à.
  Kha gật đầu;
  -     Dạ, anh Vũ nói đúng. Tụi em còn quá trẻ, nhất là Thủy. Em cũng còn gánh nặng gia đình. Phải giúp đỡ cha mẹ lo cho các em. Đời sống gia đình em chật vật lắm.
  Vũ ái ngại:
  -     Công việc của bố mẹ em ra sao?
  -     Bố em làm việc trong một xưởng gỗ, còn mẹ em buôn bán lặt vặt ngoài chợ. Cũng đủ sống nhưng mấy đứa em gái sắp lớn, sắp  học xong phổ thông, có muốn thi vào đại học nhưng không biết có đủ khả năng, và sẽ  soay sở thế nào.
  Ông Tuân bàn thêm:
  -     Nói chung thì đời sống ở thành phố bây giờ đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Lớp trẻ muốn thoát khỏi cảnh nghèo nàn một cách lương thiện cần có học vấn và kiến thức. Tuy nhiên không phải ai cứ muốn đi học là được. Con Thủy may mắn được chú và dì lo liệu. Nếu không học được thì thật là uổng.
  Thủy kêu lên:
  -     Con cố gắng mà ba.
  Ông Tuân gật đầu:
  -     Ba biết, nhưng con cần cố gắng thêm nữa. Càng học lên cao càng khó con à.
  Vũ hỏi Kha:
  -     Em có bận học lắm không?
  Kha lắc đầu:
  -     Năm cuối, em không còn bận lắm. Vẫn có thì giờ đi làm gia sư để kiếm tiền sách vở.
  Vũ trầm ngâm:
  -     Anh nói điều này, nếu không phải em đừng để tâm nhé.
  Kha ngạc nhiên:
  -     Dạ, anh cứ nói. Em không có ý nghĩ gì đâu.
  -     Không phải là anh có ý trả ơn em, nhưng quả tình anh muốn nhờ em. Kha vào làm việc cho anh, làm bán thời như một kỹ-sư học việc thôi. Em nghĩ thế nào?
  Cả Thủy và Kha đều kêu lên kinh ngạc. Kha hỏi:
  -     Anh muốn mướn em làm việc thật hả anh?
  -     Đúng thế. Anh cũng cần người tin cậy để anh có thể giao công việc, nhất là những người biết tiếng Anh, quen với Internet để tìm kiếm dữ kiện, nghiên cứu những mô hình thiết kế. Em giúp anh được chứ?
  Thủy trả lời thay Kha:
  -     Anh Kha giỏi sinh ngữ lắm. Còn Internet thì là nghề của chàng!
  Kha hình như rất xúc động:
  -     Hầu như tất cả chúng em đều mơ ước có cơ hội làm việc cho những doanh nghiệp tân tiến. Nếu anh cho em cơ hội như thế thì còn gì hơn. Em sẽ cố gắng để không phụ lòng tin cậy của anh.
  Thủy thở phào:
  -     Vui quá. Hoan hô anh Vũ – và nhìn Kha – Anh Kha, em mừng cho anh.
  Bà Tuân cười thành tiếng:
  -     Thằng Kha này hên quá. Mà này anh Vũ, học việc và làm bán thời như vậy có được trả luơng không, và nếu có thì được chừng nhiêu cà?
  Vũ mỉm cười:
  -     Chắc chắn là có. Mới bắt đầu và làm bán thời thì chỉ chừng hai trăm một tháng.
  -     Hai trăm ngàn thôi hả?
  Vũ lắc đầu:
  -     Không. Hai trăm dollars.
  -     Trời. Như vậy là  hơn ba triệu. Sao người ta trả lương nhiều vậy!
  -     Cũng không nhiều đâu ạ. Lương bổng ở bên này thấp lắm. Đó là lý do họ lập hãng xưởng ở đây vì nhân công rẻ. Ở Mỷ, một kỹ-sư điện toán mới ra trường lãnh lương gấp mười lần như vậy.
  -     Chà, như vậy ai cũng giàu hết chọi há.
  -     Cũng không hẳn như vậy đâu dì. Lương cao nhưng nhu cầu nhiều, vật giá đắt đỏ nên đâu cũng vào đấy.
  Thủy ghé tai Kha thì thầm:
  -     Hổng biết. Như vậy là anh Kha giầu hơn em rồi. Anh phải bao em đi ciné, đi coi trình diễn thời trang, và gì gì nữa đó.
  Kha nhìn Vũ:
  -     Em cám ơn anh.
  Vũ mỉm cười móc ví đưa danh thiếp của mình cho Kha:
  -     Mai em đến tìm anh tại hãng. Anh sẽ đưa em xuống phòng nhân viên làm giấy tờ, sắp xếp giờ làm việc của em sao cho thích nghi với giờ học. Em cần hỏi anh điều gì nữa không?
  Đỡ lấy danh thiếp của Vũ, Kha thấy lòng thật hân hoan:
  -     Em không biết nói gì hơn là cám ơn anh thêm một lần nữa.
  -     Em lại khách sáo rồi Kha.
  Thủy giằng lấy danh thiếp của Vũ trên tay Kha, chăm chú nhìn:
  -     Tên anh là ‘Vu Hoang’, ủa, anh không có tên Mỹ hả?
  Vũ lắc đầu:
  -     Sorry, làm Thủy thất vọng, em chỉ có ông anh người Mỹ với tên da vàng! Hồi đó bố mẹ anh mới sang Mỹ, bố anh hoài cổ, còn nhớ Việt-Nam, đặt tên anh là Hữu-Vũ, Ông ấy giải thích là “Họ Hoàng có Vũ”. Nhưng ở Mỹ người ta không để ý đến middle name nên tên anh họ chỉ gọi là “Vu” thôi.
  Thủy nghẹo đầu:
  -     Thế còn ‘Director’ là gì? Anh là đạo diễn hả?
  Vũ cười lớn:
  -     Ừ, anh là đạo diễn, thế Thủy có muốn đóng phim cho anh không?
  Mọi người ôm bụng cười. Thủy đỏ mặt:
  -     Anh ngạo em hoài.
  Ông bà Tuân hình như rất vui. Bà gọi với vào trong nhà:
  -     Chị hai ơi, cơm nước xong chưa? – Quay sang Thủy bà hỏi tiếp – Con vô trỏng xem có gì cần không rồi ra mời ba và các anh vào ăn cơm, nghe con.
  Thủy đứng lên, cô vẫn cần danh thiếp của Vũ:
  -     Cái này của em. Anh Vũ cho anh Kha cái khác. Em còn nhiều câu hỏi, nhưng để ăn cơm đã.
  Bà Tuân lắc đầu:
  -     Cái con nhỏ lý lắc.

  Vũ nhìn theo Thủy không nói, và chợt nhớ tới người em gái đang ở bên Cali với gia đình. Jennifer cũng cỡ tuổi đó, cũng dễ thương như con nai hiền, cũng được bố mẹ thương yêu và che chở dưới mái ấm gia đình. Vũ thỉnh thoảng mới gặp em, nhưng anh em vẫn gần gũi.  Jennifer email cho anh thường, và vẫn đòi giới thiệu bạn cho anh. Vũ lại nhẹ thở dài nhớ tới Thu-Loan. Làm sao anh quên, anh nhớ em Loan ơi.
  Khi Thủy trở ra tươi cười vẫy gọi, Vũ chợt giật mình vì thoáng thấy như thể là Thu Loan vừa gọi tên anh.

Còn tiếp …

Tháng tám - 2007

Đã mang vào thư viện
Thành thật cảm ơn tác giả thật nhiều
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.09.2007 05:25:16 bởi Ct.Ly >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9