Lũ lịch sử: Ngập, sập, vỡ đê và ách tắc giao thông
Ngọc Lý 06.10.2007 10:00:35 (permalink)
Lũ lịch sử: Ngập, sập, vỡ đê và ách tắc giao thông
Tin Viet Nam Net - 16:05' 05/10/2007 (GMT+7)

(VietNamNet) - Phóng viên và CTV VietNamNet đang có mặt tại các rốn lũ miền Trung và Bắc liên tục gửi về toà soạn những thông tin, hình ảnh, file âm thanh mới nhất về trận lũ lịch sử, lớn nhất trong vòng 45 năm qua.
 
Bàng hoàng trong đêm vỡ đê

6h, phóng viên VietNamNet có mặt tại điểm đê vỡ của sông Bưởi (Kim Tân, Thanh Hóa). Nước đã không còn chảy siết vì đã bão hòa, xa xa lố nhố người dân tránh lũ trên đê.

Người dân cho biết lũ lên và đê vỡ quá nhanh nên không kịp phản ứng, chỉ biết chạy lên bất kỳ chỗ nào cao. Một số người dân lên đê tránh lũ nhưng lại tiếp tục chạy vì đoạn đê vỡ lan rộng.

Hiện, tại địa điểm để vỡ ở Kim Tân, hàng ngàn người dân đang chạy lên núi trú ẩn. Nước ở phí hạ lưu đang dân lên từng phuút do lũ thượng nguồn dồn về. Ước tính, khu vực chợ Kim Tân ngập sâu trong nước gần tương đương với mực nước ngoài đê, gần lút mái các ngôi nhà 3 tầng ở khu vực này.

Nước sạch không có, thực phẩm không, quần áo ướt, sức dân đang dần cạn kiệt sau từng giờ do thời gian dài phải dìm mình trong nước. Nhu yếu phẩm đang là nhu cầu thiết yếu đầu tiên đối với những cư dân đang ở trong vùng tâm lũ Thanh Hoá.

Tin lúc 7h30' sáng nay (6/10) của phóng viên qua điện thoại: Quốc lộ 1A đang bị ngập sâu trong nước. Tại Hà Trung (Thanh Hoá), đoạn qua xã Yên Hà ngập sâu 40cm, dài hơn 100m, đoạn qua xã Hà Ninh ngập sâu và kéo dài hơn nữa.

Hiện, lực lượng quân đội, công an của tỉnh Thanh Hoá đang tiếp tục tăng cường đến các vùng ngập lụt nặng, vỡ đê của tỉnh để tiếp tục công tác ứng cứu.

Bằng những nỗ lực và di chuyển trên các loại phương tiện khác nhau, nhóm Phóng viên, CTV VietNamNet đang có mặt tại các rốn lũ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La, Hoà Bình, Ninh Bình, Yên Bái... chuyển về toà soạn những thông tin, hình ảnh và file âm thanh mới nhất về cơn lũ lịch sử, lớn nhất trong vòng hơn 40 năm qua:

4h sáng ngày 6/10:


Các tuyến đường lên các vùng rốn lũ như Quế Phong, Quỳ Hợp (Nghệ An) và Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Yên Định... (Thanh Hoá) gần như bị cô lập hoàn toàn. 
Mặc dù vậy, PV VietnamNet tại các điểm nóng lũ vẫn đang tìm mọi cách, mọi phương tiện để tiếp cận với các trung tâm xã bị ngập lụt, chia tách.

2h30 sáng 6/10, tại Thanh Hoá:
PV Chi Mai, Hoàng Sang, Vũ Hoàng đang có mặt tại thị trấn Kim Tân (Thạch Thành - Thanh Hoá) điện về cho hay: Người dân nơi đây khẳng định đê vừa vỡ. Để ứng phó với lũ và giúp nhân dân di dời đến nơi an toàn, từ 5h chiều, sư đoàn 380 lữ 168 thuộc Quân đoàn I được điều lên.



Quốc lộ 45, đoạn qua thôn1 -Tân Sơn- Thành Kim- Thạch Thành nứoc ngập sâu gần 1m

Tại thị trấn Kim Tân, nước đã ngập, điện mất hoàn toàn. Sau khi đê vỡ, cứ 2 phút thì nước lũ lên được 10cm. So với điểm dừng chân đầu tiên tại chợ Kim Tân, cứ thỉnh thoảng PV VietNamNet lại phải lùi dần lên núi để tranh nước lũ đang tăng dần.

Nhiều người dân cho hay, từ 8h tối nước bắt đầu lên. Nước bắt đầu lên nhanh  và bất thường lúc 1h30 đến bây giờ.

2h15 sáng ngày 6/10, tại Nghệ An:
 
PV Quang Cường đang có mặt tại thị trấn Thái Hoà, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết qua điện thoại: Cả thị trấn chìm trong bóng đêm vì mất điện toàn bộ. Lúc này mưa vẫn rất to, nước chảy xối xả. PV đã tìm mọi cách, bằng nhiều phương tiện khác nhau để vào vùng lũ Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quế Phong.



Dân di dời khẩn cấp lên điểm cao nhất tại Thạch Thành (Thanh Hoá) lúc 2h đêm.



Tuy nhiên, đường giao thông bị chia cắt, ách tắc. Rất khó để vào các huyện vùng sâu. Trước đó, lúc 20h, không có một phương tiện nào dám đi trong đêm mữa lũ, PV VietNamNet đã di chuyển từ huyện Quỳnh Lưu lên Nghĩa Đàn bằng xe ôm. Đã 3h đồng hồ ở thị trấn Thái Hoà, PV không thể nào lên được Quỳ Hợp vì đường bị ngập.

Thông tin chuyển về toà soạn cho hay, lúc này huyện Nghĩa Đàn đã có 2 người chết và 18/32 xã bị ngập, 947 nhà bị ngập, trong đó có 457 nhà bị ngập hoàn toàn. Huyện Quế Phong đang bị ngập rất nặng và 14 người dân ở xã Nậm Giải đã bị nước cuốn trôi. Hiện nay nước ở Quế Phong, Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn đang lên rất cao.

2h sáng 6/10, tại Thanh Hoá:
 
Một lãnh đạo Ban PCBL tỉnh cho biết, hầu hết các huyện nằm trong vùng lũ đã mất điện. Tất cả tối om ảnh hưởng đến công tác chống lũ, cứu dân, cứu tài sản. Tại huyện Thạch Thành, nước lũ đã lan rộng ra xung quanh khu vực nước tràn qua đê tả sông Bưởi. Nước lũ càng ngày càng cao hơn và khó lường.

Chúng tôi xác định phải chấp nhận như vậy, để đảm bảo tốt phương án di dân. Nguy cấp nhất hiện nay là hệ thống đê sông Lèn và sông Mã, nước lên rất cao. Ban chỉ huy PCBL tỉnh Thanh Hoá đang họp bàn các phương án khẩn cấp đối phó với tình hình nước lũ và nguy cơ vỡ các tuyến đê sông Lèn và sông Mã. 
 
1h sáng, ngày 6/10, tại Thanh Hoá: 
 
Thông tin từ GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến đang chỉ huy chống lũ tại huyện Thiệu Hoá cho biết: Mực nước tại các sông lớn ở Thanh Hoá đang ngày càng lên cao.

0h15, ngày 6/10: 

Đê sông Bưởi tại huyện Thạch Thành bị vỡ và tràn trên nhiều tuyến. Nước đã ngập hơn 1m tại thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) và vùng phụ cận với diện tích khoảng 2.000 ha. Từ chiều và tối, nhân dân các vùng có nguy cơ ngập đã được di rời khẩn cấp lên cao.


Nhiều tuyến đê sông Mã (thuộc các huyện Hoằng Hoá, Cẩm Thuỷ, Yên Định, Vĩnh Lộc... và đê sông Bưởi (thuộc huyện Thạch Thành) nước đã tràn qua, nguy cơ vỡ đê cao.

23h đêm 5/10:
 
Thông tin từ Nghệ An: đã có 14 người dân bị lũ cuốn trôi tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong và đang mất tích. Số người chết và mất tích do lũ quét sau bão số 5 ít nhất là 34 người.

Theo báo cáo của huyện Quỳ Châu: Mực nước đo được trên sông Hiếu cao nhất là 81,1m. Đỉnh lũ năm 1988 là 80,5 m. Toàn huyện bị chia cắt nhiều đọan đường, sạt lở đoạn cầu treo Châu Hội ( Km 83+200). Xe lội nước của Quân Khu 4 sau 1 ngày điều xe đã lên được Quỳ Châu nhưng đến Lèn chẹt xã Châu Hội thì bị thủng lốp không đi được. Hiện nay nước rút, xe ô tô đã thông được lên huyện Quỳ Châu.

22h30 tối 5/10: 

Trưởng phòng NN huyện Thạch Thành cho PV VietNamNet cho biết, liên tục từ 21h đến 24 tối nay, huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) đã dùng còi báo động di dời khẩn cấp 4 xã trọng yếu, nước sông Bưởi đã vượt mức báo động III là 1,86m, đê tả sông Bưởi có nguy cơ vỡ cao. Lệnh báo động đã được phát ra. Do nền địa chất yếu, đê tả sông Bưởi rất khó trụ được với nước lũ dâng cao.


22h, ngày 5/10, TTXVN: 

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hoá, do mưa lớn kéo dài, nước sông Mã lên cao, đến 22h ngày 5/10, đoạn đê bao thuộc địa phận xã Thiệu Quang (huyện Thiệu Hoá) bị vỡ. 

Do làm tốt công tác di dời dân trước khi đê vỡ, Thanh Hoá đã hạn chế tối đa thiệt hại về người. Đồng chí Nguyễn Khắc Tòng, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hoá cho biết: Lực lượng gồm 480 chiến sĩ vẫn đóng chốt ở huyện Thiệu Hoá, sẵn sàng ứng cứu và hộ đê.

-------------

Nghệ An: Các huyện miền Tây Nghệ An bị cô lập

Về thiệt hại, Quỳ Châu đã có 5 người bị thương do sập cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở khối 4 thị trấn Quỳ Châu. Sập 3 căn nhà, trôi 10 nhà dân ở Châu Tiến và Châu Thắng. Ngày 5/10 học sinh các trường vẫn phải nghỉ học. Lúa nước chưa thu hoạch khoảng 923 ha. Chủ yếu ở các xã Châu Tiến, Châu Bính, Châu Hạnh, Thị trấn, Châu Hội.

 
Cơn lũ làm ngập 697 hộ dân. 1000% ao cá của nhân dân bị ngập nước và trôi. Nguy hiểm nhất là khoảng 21 h tối 4/10 nước rút khoảng 5 cm, người dân đã trở về lau dọn nhà cửa, nhưng đến 23 giờ nước lại tiếp tục lên nhanh, người dân trở tay không kịp. Cho đến 4 giờ sáng 5/10 nước lên đến đỉnh và hiện nay đang rút dần.

Trong lũ lụt ban chỉ huy PCBL huyện đã bố trí lực lượng cơ động, công an, huyện đội giúp nhân dân khắc phục và ứng cứu kịp thời. Tuy nhiên, việc thực hiện 4 tại chỗ vô cùng khó khăn khi nước chia cắt các vùng. Phương tiện đi lại không có, liên lạc bị cắt. Nếu có ca nô hoặc xuống cũng khó có thể đi lại khi nước chảy xiết và có nhiều cây cối sẽ làm gãy chân vịt, rất nguy hiểm. Hiện nay nước đang xuống dần, bà con nhân dân đang khắc phục hậu quả sau lũ, cái khó khăn hiện nay là nước sinh hoạt bị ô nhiễm, vùng thị trấn mất điện, mất nước sạch, rất khó khăn cho bà con nhân dân.

Từ chiều 4/10 đến hôm nay, mưa lớn trên diện rộng ở Nghệ An đã làm nước sông Cả và sông Hiếu dâng lên cao. Hiện đã có 7 người thiệt mạng.

Trong số 5 người chết, có 2 người ở huyện Nghĩa Đàn, là Trần Văn Sơn (45 tuổi, ở xã Nghĩa Khánh) và Đậu Công Dương (42 tuổi, ở xã Nghĩa Hội).



Mưa lớn, lũ lên nhất nhanh ở Nghệ An từ chiều ngày 4/10. Ảnh: Nguyễn Lý.
Hiện Nghệ An đang mưa rất to. Nước trên sông Cả đã ở mức báo động 2, lũ trên sông Hiếu đã ở mức báo động 3.


Đến 16h chiều nay, thông tin từ huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) báo về cho biết, ở huyện này đã phát hiện 2 người thiệt mạng do nước lũ cuốn. Đó là 2 anh em ruột tại xã Nghĩa Quang (huyện Nghĩa Đàn), người anh tên Đào Đức Long (17 tuổi) và em trai.




Các huyện miền núi ở Nghệ An đang chìm trong lũ. Ảnh chụp lúc 10h sáng 5/10 tại địa phận xã Nghĩa Hiếu (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Lý.

Từ xã Nghĩa Thuận (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), phóng viên VietNamNet qua điện thoại báo về: Hiện trời đang mưa dữ dội và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Mưa liên tục từ chiều hôm qua (4/10) tới 16h30’ chiều nay vẫn đang tiếp tục trút nước, khiến mực nước sông Hiếu hiện đang dâng cao từng giờ.

Do mưa lớn ở thượng nguồn khiến nước tiếp tục đổ về, khiến tình trạng báo động lũ đang rất gấp rút. Hiện các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong hiện đang bị cô lập. Quốc lộ 48 bị ngập lụt, cầu cồng bị xé sát khiến giao thông hoàn toàn tắc nghẽn.

Do quốc lộ 48 bị chia cắt nên tới thời điểm 16h30’ hôm nay không thể tiếp cận bằng đường bộ đến các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quế Phong.

Riêng tại Quế Phong hôm nay đã xảy ra lũ lớn khiến 2 người thiệt mạng, 2 người mất tích, thiệt hại về tài sản, rau màu là rất lớn. 

2 người thiệt mạng gồm 1 phụ nữ hơn 30 tuổi, 1 bé trai khoảng 14 - 15 tuổi, bị chết đuối. Hai người đang được xác định mất tích là 2 anh em ruột (35 tuổi), Moong Văn Thu (30 tuổi). ở bản Na Nhắng (xã Tiền Phong), khi đang bơi qua sông để về nhà.


Nước sông, suối đang dâng cao ở Quế Phong, có nơi chảy xiết, tạo thành lũ lớn, làm ngập úng khoảng 1.600 ha lúa và hoa màu của nhân dân. Mưa lớn, các cầu cống trên tuyến đường quốc lộ 48 đoạn Quế Phong - Quỳ Châu đều ngập nước, gây ách tắc giao thông.

Có 8 xe ô tô khách của tuyến Quế Phong - Vinh, Quế Phong - Hà Nội phải nghỉ lại. Đường đi các xã vùng cao, vùng sâu bị ách tắc. Hệ thống điện lưới toàn huyện bị mất, 50 trường phải nghỉ học.

Do ách tắc giao thông, nên ban chỉ đạo PCBL của huyện chỉ có thể đi kiểm tra một số điểm của 4 xã vùng thấp: Châu Kim, Tiền Phong, Mường Nọc và thị trấn Kim Sơn. Tại Châu Kim, 1 xưởng mộc bị trôi, nhiều cột điện thoại bị đổ, dây điện thoại bị đứt. Máy móc, vật tư, thiết bị làm việc của một đơn vị đang thi công cầu tràn Châu Kim bị ngập chìm trong nước.

Tại bản Na Ngá (xã Mường Nọc) có 7 nhà bị ngập nước. Khoảng từ 23h đêm 4/10 đến 4h sáng 5/10, Ban phòng chống bão lụt của xã đã huy động lực lượng thanh niên và dân quân tại chỗ ứng cứu đưa người và tài sản của các hộ gia đình nói trên vào chỗ cao an toàn.

Theo người dân địa phương, thì đây là trận lũ lớn nhất trong 20 năm nay. Mực nước dâng cao, đột ngột tới 2-3 lần trong ngày 4/10, nên người dân không kịp đối phó, thiệt hại nặng nề về tài sản hoa màu.

Số liệu thống kê bước đầu của huyện Quế Phong cho thấy khoảng 15 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng nhiều cầu cống. Khoảng 100 nhà bị hư hại hoặc bị nước cuốn trôi. Trong đó có 40 nhà bị ngập chìm trong nước.


Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Quỳ Hợp chiều nay cho thấy thiệt hại đang tăng lên rất nhanh: Cầu trôi, lúa mất trắng 10h, ngô 45 ha, hoa màu các loại 30 ha. Tại huyện này mưa gió vẫn đang rất lớn, chưa có dấu hiệu thuyên giảm.







Mực nước sông Lam dưới gầm cầu Bến Thuỷ lúc 17h30’ chiều nay (5/10). Ảnh: Hoàng Sang.
 

Khu vực các huyện miền núi ở Tây Nghệ An đang trong tình trạng báo động khẩn cấp vì lũ.

Trong khi đó, mực nước sông Lam cũng đang dâng lên rất nhanh. Tại chân cầu Bến Thuỷ lúc 17h30’ chiều nay (5/10), mực nước sông Lam chỉ còn cách gầm cầu chừng... 2,5m.

-------------

Hà Tĩnh, thông tin lúc 19h ngày 5/10 cho hay: Hiện 2 huyện Hương Sơn, Hương Khê đang bị ngập lụt nặng do nước lũ tràn về từ sáng nay. 16 xã nằm ven sông Ngàn Phố, thuộc địa bàn huyện Hương Sơn hiện đang chìm sâu trong nước lũ.

Trong đó, 3 xã Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thuỷ đã hoàn toàn bị cô lập. Hiện, 1.300 ha ngô đã mất trắng.




Hàng ngàn ngôi nhà ở Hà Tĩnh đang chìm sâu trong nước lũ. Ảnh chụp chiều 5/10. Ảnh: Quang Cường.

Tại huyện Hương Khê, 9 xã đang ngập nặng, bao gồm: Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hương Giang, Hương Thuỷ, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hoà Hải.
Đêm qua (4/10), gió giật cấp 9-cấp 10 khiến hệ thống đường điện hư hỏng nặng, toàn huyện Hương Khê bị mất điện, đến 17h30’ ngày 5/10 mới khắc phục xong 2 điểm là trụ sở UBND huyện và bệnh viện.

-------------

Thanh Hoá: Nước tràn qua đập Cửa Đạt, đê tả sông Bưởi nguy cơ vỡ
 
Bão số 5 không trực tiếp đổ bộ vào Thanh Hoá nhưng trong 2 ngày qua đã có mưa rất to. Mực nước trên các triền sông đều dâng cao. Trên sông Mã, tại Giàng mực nước lúc 15h ngày 5/10 là 6,97m trên báo động III là 0,69m; trên sông Bưởi, tại Kim Tân là 12,37m trên báo động III 0,51m. Dự báo đến 2h sáng ngày 6/10 lũ trên các sông sẽ đạt xấp xỉ đỉnh lũ lịch sử, riêng sông Mã vượt báo động III +1,5m.




Đầu cầu Cửa Đạt (Thanh Hòa) vỡ ngày 5/10, đã được lấp trong vòng 10 phút. Ảnh: VnCold.vn

UBND tỉnh Thanh Hoá đã huy động trên 2.000 cán bộ chiến sĩ và hàng nghìn kg lương thực, thực phẩm cùng nhiều thuốc men, chăn màn... để ứng cứu nhân dân. Đến sáng 5/10 đã di dời được 18.478 hộ, với 54.000 người ra khỏi vùng ngoài đê sông Chu, sông Mã và sông Lèn. Trước nguy cơ có thể vỡ đê sông Mã, tỉnh Thanh Hoá đã nhờ Bộ Quốc phòng tăng cường thêm 1.000 quân, phân bổ cho các địa bàn: huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành mỗi đơn vị 200 cán bộ chiến sĩ; huyện Thiệu Hóa và Hoằng Hóa, mỗi nơi 300 người.

Theo thông mới nhất, hồ Cửa Đạt đã bị sói lở mạnh đến cao trình 50, diễn biến hết sức nghiêm trọng, cuốn trôi 600 ngàn m3 đất đá, hơn 5000 ngôi nhà ngập trong nước và có 2 người chết do lũ cuốn trôi ở huyện Thọ Xuân. Toàn tỉnh đã có 37.245 ha lúa, mía, ngô, khoai tây, rau màu bị ngập, đổ, dập nát; hơn 1.098 ha diện tích thủy sản bị ngập ... ước thiệt hại ban đầu do mưa bão gây ra tại Thanh Hóa lúc này trên 355 tỷ đồng.

Tỉnh Thanh Hoá đã huy động toàn bộ các lực lượng ứng cứu khẩn cấp.

Trao đổi với PV VietNamNet, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Đỗ Minh Quý cho biết, đến thời điểm này lũ tại sông Bưởi đang lên rất nhanh, đã vượt trên mức báo động III gần 1m.  Toàn huyện Thạch Thành đang tập trung chống nước tràn tại các điểm xung yếu.

Theo chỉ đạo của Ban PCBL tỉnh, chiều 5/10, trong vòng 4h đồng hồ, huyện hoàn thành việc di dời 4.700 khẩu từ các vùng xung yếu lên lên đường Hồ Chí Minh và các đồi cao.



Lũ tại cầu qua sông Chu, Cửa Đạt sáng 5/10/2007. Ảnh: VnCold.vn

Hiện các xã Thạch Lâm, Thạch Định và Thành Kim đang nằm trong nguy cơ lũ tràn từ đê sông Bưởi vào. Huyện đã huy động 1.500 dân quân từ các xã về tại các điểm nguy hiểm ứng trực. Ngoài ra, còn có 200 chiến sĩ thuộc Quân đoàn I đã về Thạch Thành giúp huyện chống lũ. Khu vực được chú trọng nhất lúc này là đê tả sống Bưởi đang được tập trung chống tràn.

"Tình hình hết sức căng thẳng. Nếu chống trọi được đêm nay thì thoát, còn không chống được thì lũ sẽ ngập thị trấn Thạch Thành, xã Thành Hưng và Thành Kim. 10 năm nay nước lũ mới to như thế ở Thạch Thành. Sông Bưởi dài 60 km từ Hoà Bình về, lại hẹp và dốc nên lũ rất mạnh và dâng cao. Đê tả sông Bưởi lại là đê địa phương, chỉ được đầu tư từ ngân sách địa phương nên không được kiên cố..." - Ông Quý nói. 

---------------

Lời kể của người vừa trở về từ tâm lũ Thanh Hóa


Ông Nguyễn Hoài Nam, Hội Đập Lớn VN vừa trở về từ Cửa Đạt kể lại cho phóng viên VietNamNet về hành trình bão táp vào kiểm tra đập.

Đường từ đập ra đến đường quốc lộ không thể đi bằng phương tiện thông thường được. Đoạn ôtô không đi được, cả đoàn đã phải xuống xe và khi đó cảm nhận nước lũ dâng lên trông thấy, vừa mấp mé ống đồng đã lên đến ngang lưng. Đoàn của ông đã phải mượn mảng tre của người dân, vừa bơi, vừa bò mới qua được chỗ ngập.




Lũ tràn qua đập chính. Ảnh: VnCold.vn

“Bình thường chỉ đi hết 1 tiếng từ ngoài vào công trường n hưng lúc đó phải hết hơn 3 tiếng, đó là chúng tôi vừa thông thạo đường, vừa là những chuyên gia về nước nên mới đi được thế, mấy anh phóng viên ôm camera không thể đi thế được”.

Đến công trường, một cảnh tượng chưa từng thấy trong 20 năm qua, nước lũ cuốn phăng những gì chúng gặp trên đường quét.

“Mỗi công trình đập trong thiết kế đều tính đến lũ thiết kế (công trình có nhiệm vụ chống lũ thiết kế thi công), nhưng thực tế lũ đã mạnh hơn cường độ cho phép nên phá một số điểm”.

“Rất may, công trình cũng không ảnh hưởng ghê gớm, đặc biệt là về người. Đập không bị vỡ mà nước tràn qua đập chính. Máy móc cũng an toàn”. Ông Nam đã chuyển cho VietNamNet những bức ảnh đầu tiên về đập Cửa Đạt.

--------------

Ninh Bình: Do mưa lớn, khoảng 13h chiều 5/10, Quốc lộ 1A đoạn qua Tam Điệp – Ninh Bình bị ngập trong nước. Có những đoạn ngập sâu gần 1m, rất nhiều xe ôtô, môtô không thể qua lại gây ra tình trạng tắc đường kéo dài gần 2km. Lực lượng CSGT thị xã Tam Điệp và công an phường Nam Sơn đã bố trí lực lượng phân luồng giảm ách tắc giao thông.



QL 1A đoạn qua Tam Điệp (Ninh Bình) bị ngập nặng Đến 21h30 ngày 5/10 nước vẫn ngập sâu qua thị xã Tam Diệp khoảng 50cm, có chỗ ngập sâu gần 80cm. Nhiều xe đi qua đoạn đường này đã bị chết máy. Cán bộ chiến sỹ công an thị xã Tam điệp vẫn đang túc trực phân luồng nhưng do lượng xe lưu thông lớn nên xẩy ra ùn ứ kéo dài gần 2km.

TTXVN: Tại huyện Nho Quan (Ninh Bình): Khả năng trong đêm nay (5-10), huyện Nho Quan phải di dời 14.000 dân các xã Đức Long và Lạc Vân để phục vụ việc xả lũ nhằm bảo vệ đê Tả sông Hoàng Long. Do mưa lớn đê Lợi Hà thuộc huyện Nho Quan đã ngập với mực nước cao 4,3m, buộc hàng ngàn hộ dân các xã Gia Lâm, Gia Thủy, Gia Tường, Gia Sơn và Xích Thổ của 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan đang phải đi lại bằng thuyền.

Mặc dù huyện Nho Quan đã xả tràn, mở hàng chục cống để cân đối với nguồn nước bên ngoài bảo vệ cho các tuyến đê, nhưng hàng ngàn người già và trẻ em và gia súc gia cầm ở đây vẫn phải sơ tán lên vùng cao. 

------------
Sơn La: Lũ ống, lũ quét làm 7 người chết và mất tích
 
Hồi 13h30 phút, ngày 5/10, tại km 174 + 800 thuộc địa phận bản Chiềng Di, xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu (Sơn La) đã xảy ra một vụ sạt lở núi nghiêm trọng. Hơn 4.000m3 đất đá từ trên núi trôi xuống làm sập toàn bộ ngôi nhà ở và kho chứa khoảng 170 tấn ngô của gia đình ông Nguyễn Đình Suy (SN 1965). Hậu quả ông Suy cùng 2 cháu nhỏ là Nguyễn Đức Anh (SN 1991); Đoàn Thị Kim Tuyến (SN 1992) chết tại chỗ. Ngoài ra còn làm hỏng 1 ôtô tải, 2 xe máy của gia đình, ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.



Đầu cầu Lung mới bị nước khoét sâu (Ảnh: Báo Yên Bái)
Trước đó (chiều 4/10), trên địa bàn huyện Mộc Châu đã xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở núi ở nhiều nơi làm mất tích 4 người, trong đó có 2 công nhân (chưa rõ danh tính) đang thi công xây dựng trung tâm giáo dục lao động của huyện không kịp di chuyển lên điểm cao bị lũ cuốn trôi. 

Hiện công tác tìm kiếm thi thể 4 nạn nhân này đang được các cơ quan chức năng tiếp tục tìm kiếm.

Tại từ km 174 đến km 200 đã có 17 điểm sạt lở, gây tắc đường không thể đi lại, hiện vẫn chưa thông đường. Công ty quản lý sửa chữa đường bộ 224 đã huy động 40 công nhân và máy móc đến khắc phục thông đường. Dự kiến hết đêm nay 5/10 mới thông xong đường.

Hai thị trấn của huyện Mộc Châu là Thị trấn Nông trường và Thị trấn Mộc Châu đã bị cô lập. Đêm qua đến rạng sáng nay, tại tiểu khu 19/8, thị trấn Mộc Châu, nước lũ đã tràn về, do không phát hiện kịp, toàn bộ khu dân cư bị ngập, gây thiệt hại về tài sản cho người dân rất lớn.

-----------

Yên Bái: Cơn bão số 5 đã gây mưa lớn vùng Tây Bắc đã 3 ngày nay và gây lũ lớn tại các dòng suối, thiệt hại đến nhà cửa, hoa màu, đường xá... 





Lũ trên dòng suối Nậm Tung ảnh chụp lúc 7h ngày 5/10/2007 - Ảnh: Chu Đức Vụ, Trung tâm y tế dự phòng huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái
 
CTV tại Yên Bái cho biết, tuyến quốc lộ 32 từ thị xã Nghĩa Lộ đi huyện Mù Cang Chải và tỉnh lộ Nghĩa Lộ đi huyện Trạm Tấu đã bị tắc nghẽn, sạt lở. Nhiều điểm tuyến đường trọng yếu của Yên Bái như điểm Km 270 +80 và đoạn đường đèo Khau Phạ bị tắc từ đêm 4/10 đến bây giờ. Ngoài ra, nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện ở các huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, huỵện Trạm Tấu...bị hỏng nặng. Quốc lộ 32 có 6 điểm sạt lở với hàng nghìn tấn đất đá. Dự tính trong khoảng từ 2 - 3 ngày tới, đoạn Tú Lệ đi Mù Cang Chải mới thông được tuyến.

Thông tin mới nhất, lũ đã làm chết một học sinh trên đường đi học ở huyện Trạm Tấu và một người mất tích ở huyện Văn Chấn.

Các lực lượng công an, quân đội và dân quân địa phương đã có mặt tại các điểm xung yếu giúp nhân dân di dời nhà cửa và bảo vệ tài sản, đối phó với lũ.

-----------

Hòa Bình: Mưa lũ đã làm nước sông trên địa bàn Hoà Bình dâng cao mấy ngày qua. Quốc lộ 6 đã bị ách tắc, nhiều tuyến đường tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã đi các huyện đã bị sạt lở và ách tắc nghiêm trọng. Đến thời điểm này đã có 1 người dân ở xã Quy Mỹ (huyện Tân Lạc) bị chết do lũ cuốn trôi.




Dùng bê tông đúc sẵn để chống sạt lở thêm - Ảnh: Báo Yên Bái
 
Theo chỉ đạo của Ban PCBL Trung ương, tỉnh Hoà Bình đã dừng các cuộc họp không quan trọng để tập trung vào việc phòng chống lũ lụt. Lãnh đạo tỉnh Hoà Bình đã huy động quân đội, công an và nhân dân có mặt tại các điểm sạt lở, ách tắc và các điểm trọng yếu để đối phó cũng như giải toả. Hiện nhiều nhà dân ở các vùng trọng yếu lũ ở Hòa Bình bị ngập sâu trong nước. Mưa lũ đã làm nhiều ngôi trường tại vùng cao Hoà Bình bị sập đổ. Thiệt hại chưa thể thống kê được. 










Lũ các sông Thanh Hóa, Nghệ An lên mạnh

Hôm qua và sáng nay (5/10), ở các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa trong 36 giờ qua (từ 19h ngày 3/10 đến 7h ngày 5/10) phổ biến từ 250 - 300mm; một số nơi trên 300mm, như Bất Mọt (Thanh Hóa): 621mm, Vụ Bản (Hòa Bình) 330mm, Tân Lạc (Hòa Bình) 359mm, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 320mm, Quỳ Châu (Nghệ An) 302mm.
Lũ trên hệ thống sông Mã (Thanh Hóa) và sông Cả (Nghệ An) đang lên và ở mức cao. Mực nước lúc 9h ngày 5/10, trên sông Bưởi tại Thạch Thành: 11,57m (trên BĐIII: 0,07m); trên sông Chu tại Bái Thượng: 20,22m (trên BĐIII: 2,22m), tại Xuân Khánh: 12,42m (trên BĐIII: 0,42m); trên sông Mã tại Lý Nhân: 11,47m (dưới BĐIII: 0,53m), tại Giàng: 6,22m (dưới BĐIII: 0,28m); sông Cả tại Nam Đàn: 5,96m (trên BĐI: 0,56m).
Dự báo, lũ trên hệ thống sông Mã và sông Cả tiếp tục lên. Chiều, tối nay (ngày 5/10), mực nước sông Chu tại Xuân Khánh lên mức 13,2m (trên BĐIII: 1,2m), sông Mã tại Lý Nhân lên mức 12,5m (trên BĐIII: 0,5m).

Đêm nay, sáng mai (ngày 6/10), mực nước sông Bưởi tại Thạch Thành có khả năng lên mức 13,0m (trên BĐIII: 1,5m); sông Mã tại và Giàng lên mức 7,0m (trên BĐIII: 0,5m); sông Cả tại Nam Đàn lên mức 6,6m (dưới BĐII: 0,3m).

Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ vùng núi, ngập lụt sâu ở vùng trũng và đồng bằng ven sông các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

(Theo bản tin phát lúc 9h ngày 5/10, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương)
 







* Tiếp tục cập nhật...

  • Hoàng Sang - Nguyễn Lý - Hoàng Tím - Văn Hùng - Lưu Hải - Anh Tuấn - Bùi Thống  - Vũ Hoàng - Quang Cường



http://www.vietnamnet.vn/xahoi/2007/10/747823/
 
Lũ dữ là “sản phẩm” của chúng ta!
TT - 08/10/2007
 
Ông Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN

TT - Bão, lũ đã trở nên hung hãn hơn do con người “không biết điều” với nó. Dưới góc độ khoa học, ông Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, nói rõ hơn những hành vi “chọc giận” đó của con người.

* Dù đã nỗ lực phòng chống nhưng mất mát bởi cơn bão Lekima là rất lớn. Theo ông, nguyên nhân lớn nhất là gì?
 
- Cơn lũ vừa qua lượng mưa không quá lớn nhưng nước về các sông lại cao bất thường. Tình hình đó lại diễn ra trên diện rộng và có nhiều diễn biến không mang tính qui luật như trước. Đây là nguyên nhân lớn nhất của thiệt hại, là một xu hướng đáng ngại và khá rõ nét của toàn cầu cũng như ở VN. Đó là sự xáo trộn qui luật tự nhiên, kể cả qui luật thiên tai cũng có thay đổi. Sự thay đổi này là kết cục của những biến động kéo dài ở từng thành phần môi trường như địa chất, thủy văn, thổ nhưỡng... cộng hưởng sự phát tác đó và gây tai họa.

Khoa học đã chia lịch sử “quan hệ” của con người với tự nhiên làm ba giai đoạn. Thứ nhất là thời con người bị thiên nhiên thôn tính, phải tìm mọi cách để chống chọi, tồn tại. Đó là thuở sơ khai của lịch sử. Thời kỳ thứ hai, khi con người tăng dần sức mạnh từ công cụ lao động và đã vùng lên chinh phục thiên nhiên. Đó là ngăn sông, đắp đập, lấp biển, tìm châu lục mới... Con người tự hào với sức mạnh của mình. Lúc đó sức mạnh con người đã so sánh được với sức mạnh thiên nhiên. Chúng ta đã chế ngự và đè nó xuống như một cái lò xo. Nay là giai đoạn thứ ba, con người đã làm biến dạng sơ đồ qui luật tự nhiên bởi hiệu ứng nhà kính, phá rừng, ngăn sông, lấn biển... Và cái lò xo bật lên, thiên nhiên đã nổi giận bằng chính những vết thương của nó.

Khi không còn dòng chảy, nước đã “lao” vào nhà, đẩy con người ra khỏi chỗ ở Ảnh: T.PHÚCác nhà khoa học không quá lo xa khi nói rằng con người có thể lâm vào tình trạng không thể “chuộc lỗi” được với thiên nhiên. Các vấn đề nước biển dâng cao, băng tan, nhiệt độ nóng, ô nhiễm khí thải đã gần chạm vào giới hạn cuối cùng. Tàn phá thì chỉ mất vài năm, vài tháng nhưng để phục hồi thì phải nhiều thập niên, thậm chí nhiều thế kỷ.

* Thưa ông, ở VN điều gì đã tác động đến những thành phần môi trường đó?
 
- Đầu tiên là rừng đầu nguồn đã không còn đủ sức thực hiện hai nhiệm vụ tối quan trọng trong chống lũ là ngấm nước và cản nước. Tiếp theo, chúng ta có nhiều đê, đập và các công trình xây dựng xâm lấn, tác động cả chủ ý và vô ý vào dòng chảy.

Chưa có một tính toán khoa học tổng thể nên hiệu quả trị thủy của những công trình này có thể đạt ở khu vực, địa phương nào đó nhưng lại phản tác dụng trong bức tranh tổng thể.

Tình trạng khai thác cát sỏi, tác động bồi lắng... lòng sông nhiều năm, nhiều nơi cũng làm tổn thương đường thoát lũ mà bản thân thiên nhiên đã tự điều hòa. Tại các cửa sông chảy ra biển cũng bị biến dạng nhiều bởi các công trình đô thị hóa, lấn biển... Nước ở trên tràn nhiều hơn nhưng dòng chảy chậm hơn, cửa thoát khó hơn dẫn đến ngập lụt và bục phá.


* Có cần thiết một cơ quan chuyên trách theo dõi, đánh giá biến động tự nhiên và thiên tai không, thưa ông?

- Hiện nay ở VN chưa có một chiến lược tổng thể về công tác phòng chống thiên tai có chiều sâu, hay nói rộng hơn là nghiên cứu về biến động tự nhiên. VN là một trong mười quốc gia chịu tác động lớn nhất về hiện tượng nước biển dâng cao. Trong 16 loại thiên tai của hành tinh thì chúng ta có nguy cơ gặp 2/3 số đó. Riêng về bão lũ, nước ta cũng là một cái rốn gió và nước của khu vực. Cộng với sự biến động tự nhiên toàn cầu rất đáng lo ngại thì hơn bao giờ hết, VN phải tham gia cuộc cứu vớt môi trường, cứu chính sự sống của mình.

* Thưa ông, thời tiết có tính toàn cầu, nước ta có nhiều dòng sông lớn bắt nguồn từ các quốc gia khác, điều đó có tác động đến công tác phòng chống thiên tai và khai thác thủy năng?
 
- Thông lệ quốc tế thì dòng sông lớn chảy qua nhiều quốc gia sẽ có những sự hợp tác cấp quốc gia để khai thác và quản lý nó. Sông Mekong đã có ủy ban quốc tế dành riêng cho việc này và hiện có sáu nước tham gia. Riêng Trung Quốc đang tham gia ở cấp tỉnh. Sông Hồng của chúng ta chỉ có 50% lượng nước lấy từ lưu vực bản địa, 50% còn lại từ nước ngoài. Hai nước đã có những hội nghị bàn thảo về nó. Về lâu dài, nên có những hợp tác sâu và chặt chẽ hơn.

* Thưa ông, ở VN cơ quan nào chịu trách nhiệm nghiên cứu, phân tích và khuyến cáo, “chăm sóc” về những biến động của tự nhiên, môi trường và đặc biệt là thiên tai?
 
- Về môi trường chúng ta có Bộ Tài nguyên - môi trường. Về thiên tai chúng ta có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm như: Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban phòng chống lụt bão, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn... Tuy nhiên, theo tôi, các cơ quan này chủ yếu xử lý những vấn đề cứu hộ, cứu nạn, phòng chống trước mắt để hạn chế thiệt hại.

* Ở cấp vĩ mô, chúng ta đã làm gì trước tình trạng này?
 
- Liên Hiệp Quốc đã lấy mười năm cuối cùng của thế kỷ 20 làm thập niên “giảm nhẹ thiên tai”. Nhiều quốc gia đã xây dựng chương trình hành động toàn quốc về ứng xử với nước biển dâng cao, băng tan hay sóng thần, núi lửa... Chúng ta từng có dự định lập chương trình quốc gia về vấn đề này nhưng sau lại được “gọt” nhỏ lại thành chương trình riêng chống bão lũ. Bão lũ thuộc trách nhiệm của ngành nông nghiệp nên cuối cùng nó lại về bộ này. Cần tránh tư tưởng nghe những nguy cơ tiềm ẩn thì thấy quá xa, nghe những mất mát trước mắt thì cứu trợ tức thời rồi quên mất trách nhiệm phải làm gì để những cơn lũ, trận bão sau không gây thiệt hại lớn hơn...

* Theo ông, VN có thể làm gì trước sự giận dữ của thiên nhiên?
 
- Chúng ta cần có một tư duy khoa học nghiêm túc và đầy đủ về thiên tai, môi trường. Từ đó xây dựng một chương trình quốc gia, một chiến lược tổng thể để đối phó. Còn tất cả biện pháp đơn lẻ thì ai cũng biết như trồng rừng, giảm thiểu khí thải, quản lý khai thác khoáng sản... Vấn đề là phải làm thế nào cho tốt mà thôi.

QUANG THIỆN

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=223269&ChannelID=3





Lũ lịch sử gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Sau 4 ngày hoành hành, mưa lũ ở Bắc và Trung Bộ đã làm 52 người chết, 13 người mất tích, hơn 100 người bị thương, hàng trăm nghìn ha lúa và hoa màu mất trắng.

> Hàng chục nghìn ngôi nhà vẫn chìm trong nước lũ/ Hình ảnh người dân trong cơn lũ lịch sử

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, trong số 9 tỉnh bị ảnh hưởng của lũ, Nghệ An là tỉnh thiệt hại nặng nhất về người với 21 người chết và 3 người mất tích, Thừa Thiên Huế thiệt hại nhẹ nhất với 1 người mất tích.

Chỉ riêng tâm bão Kỳ Anh, Hà Tĩnh ước thiệt hại 360 tỷ đồng. Tỉnh Nghệ An cũng cho biết, thiệt hại sơ bộ khoảng 300 tỷ đồng.





Một người dân Thanh Hóa nhận hàng cứu trợ. Ảnh: AFP


Toàn bộ dân ở khu vực bãi sông Chu, sông Mã (Thanh Hóa) đã dời nơi sơ tán, trở về dựng lại nhà cửa. Việc vệ sinh, sửa chữa trường lớp, bàn ghế tại hầu hết các xã (trừ 3 xã, thị trấn thuộc huyện Thạch Thành) đều đã hoàn tất. Công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đang được tiến hành.

Ách tắc trên các tuyến quốc lộ 47, 217, 15A, tỉnh lộ 520, tuyến Thường Xuân - Bát Mọt, đường Mục Sơn, Cửa Đạt và phần lớn các tuyến đường khác đều đã được giải tỏa. Hệ thống đê bị hư hỏng nặng đang được khắc phục để đối phó với các đợt lũ bão mới.

Ngoài việc khắc phục thiệt hại về nhà cửa, cơ sở hạ tầng, Thanh Hóa đã xuất kho gần 260.000 gói mì tôm và 5 tấn lương khô cấp cho các huyện bị thiệt hại. Mỗi gia đình có người chết được hỗ trợ 5 triệu đồng, người bị thương 1 triệu đồng và cấp gạo cứu đói cho nhân dân vùng ngập lũ trong 3 tháng, mỗi tháng 10 kg/người.

Theo Ban chỉ huy PCLB Nghệ An, toàn tỉnh có 22 người chết, 3 người mất tích, 13 người bị thương, 36 nhà đổ sập, gần 5.000 nhà chìm trong nước, gần 1.000 nhà tốc mái, gần 40.000 ha lúa và hoa màu mất trắng. .

Sau khi nước rút, Nghệ An khẩn trương huy động phương tiện, lực lượng giải phóng các tuyến đường bị đất sạt, bùn lấp. Dù đã cơ bản thông xe được các tuyến quốc lộ 7 và 48 nhưng một số đoạn tuyến quốc lộ 48 và các đường tỉnh lộ còn đang bị ách tắc. Các đường ở huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, vùng ven sông Cả... vẫn bị ách tắc giao thông cục bộ.



Một đoạn đường 48 ở Nghệ An bị sạt lở. Ảnh: Báo Nghệ An.


Danh tính những người mất tích đang tiếp tục được xác định. Việc vệ sinh tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh, khôi phục thông tin liên lạc, điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; khơi thông dòng chảy, tiêu úng đang được tiến hành. Tỉnh đã trích kinh phí hỗ trợ các gia đình có nhà bị trôi, sập, tốc mái, hư hỏng và giúp nhân dân tiến hành sản xuất vụ đông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Hành cho biết, tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 4 triệu đồng, 1 triệu đồng cho người bị thương. Nhà bị lũ cuốn được hỗ trợ 10 triệu đồng, nhà bị sập 5 triệu đồng. Mỗi học sinh vùng lũ được hỗ trợ 300.000 đồng mua sách, vở, bút, giấy...

Nghệ An đã xuất 1,5 tỷ đồng hỗ trợ một huyện bị ảnh hưởng của bão, trong đó Quế Phong được nhận 300 triệu đồng. Huyện này cũng được Quân khu 4 tiếp tế 2 tấn mì tôm và 2 tấn gạo.

Tuy nhiên, do nước rút chậm và bị tàn phá nặng nên học sinh ở hơn 150 trường của Nghệ An vẫn chưa thể đến trường. Trường học tại 48 xã bị ngập nặng ở Quế phong, Quỳ Châu, Tân Kỳ đang bị bùn đất vùi lấp.

Lũ đang dần rút xuống, Ninh Bình, nơi có 4 người thiệt mạng đang tiến hành vệ sinh môi trường. Sau 2 ngày phát động phong trào ủng hộ đồng bào ở vùng chậm lũ Nho Quan và Gia Viễn, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Bình đã nhận được 300 triệu đồng. Sở Y tế đã hỗ trợ thuốc cảm cúm, đường ruột, kháng sinh, sát trùng da, khử khuẩn, làm trong nước...





Trường học ở Nậm Giải bị lũ lạt sạt lở. Ảnh: Báo Nghệ An.

Tại Hòa Bình, đã có 1.800 người dân sơ tán trở về nhà và hiện chỉ còn 61 người phải ngủ trong các công trình công cộng. Tỉnh đã xuất 10 tỷ đồng từ nguồn dự trữ để khắc phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng. Hiện toàn tỉnh có 12 người chết và 2 người mất tích.

Hà Tĩnh ước tính, thiệt hại ở Tâm bão Kỳ Anh lên tới hơn 360 tỷ đồng. Cùng với khoản hỗ trợ 300 triệu đồng của TP HCM và 5.000 tấm lợp của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Kỳ Anh đã trích ngân sách hơn 100 triệu đồng và 19 tấn gạo giúp người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo bà con chuyển sang trồng ngô, khoai, rau để chống đói trước mắt.

Trong khi lũ các sông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang xuống (hầu hết đều ở dưới mức báo động 3) thì lũ trên các sông ở Nam Bộ lại đang lên nhanh.

Theo TT Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ, mực nước sông Mê Kông và đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Ngày 13/10, mực nước tại Tân Châu lên mức 3,8 mét (trên báo động 2 là 0,2 mét), tại Châu Đốc lên mức 3,3 mét (dưới báo động 3 là 0,2 mét). Các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm.

Tiến Dũng


http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2007/10/3B9FB09B/
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 01:33:13 bởi Ngọc Lý >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9