NHẬN DIỆN NHỮNG LÝ DO THƯ PHÁP CHỮ VIỆT BỊ CHÊ BAI.
TrinhTuan 20.10.2007 18:14:22 (permalink)
Từ khá nhiều năm nay, vấn đề về Thư pháp chữ Việt trở nên ngày càng “nóng hổi” cả về mặt thành tựu lẫn những dư luận hai chiều. Gần đây, trên một số tờ báo điện tử và báo giấy đăng tải nhiều ý kiến phản bác cái gọi là “Thư pháp chữ Việt”, tuy nhiên, nhìn chung các tác giả của những bài viết ấy vẫn chỉ nói được cái chung chung, có bài còn rơi vào tình trạng phát ngôn cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, nên đã dẫn đến những nhận định quy chụp, áp đặt và lên án thiếu khách quan. Người viết xin được mạo muội nhận diện những lý do khiến cho thư pháp chữ Việt bị chê bai, như một phần bổ khuyết cho những ý kiến chê bai không có cơ sở, và cũng là góp phần “động viên” mình cùng những người đang theo đuổi phân môn này, trong việc cố gắng hoàn lấp những lỗ hổng cần thiết, trên con đường xây dựng lý thuyết cho Thư pháp chữ Việt.

1.    Từ những yếu kém về công phu tập luyện.

Nếu xem thư pháp như một thú chơi, thì có lẽ đây là một trong những thú chơi công phu bậc nhất, tốn nhiều thời gian, tâm huyết và sức lực cũng như tiền bạc, mới có thể thu lượm được đôi ba thành tựu mỏng manh. Từ di sản Thư pháp Trung Hoa, chúng ta tìm hiểu được khá nhiều câu chuyện về việc luyện tập thư pháp, với những sự dụng công kinh khủng. “Các đại thư gia trước khi thành danh đã luyện tập viết mấy chục năm. Công phu Lâm trì (Thuật ngữ ám chỉ khổ luyện thư pháp) của các đại thư gia được thế nhân tương truyền nhiều vô kể”.(1). Lịch sử Thư pháp Trung Hoa truyền lại đến hôm nay hàng trăm tấm gương luyện bút, như Chung Diêu, Trương Chi, Vệ Phu Nhân, Vương Hi Chi, Vương Hiến Chi, Thích Trí Vĩnh, Lý Thế Dân, Hoài Tố, Trương Húc v.v… Họ là những người dám hi sinh về thời gian cả một quãng đời dành cho luyện bút, bút cùn quẳng lại thành gò, rửa bút nước ao thành mực. Như Vương Hi Chi mất mười lăm năm chỉ để luyện một chữ Vĩnh (“dụng tâm thập ngũ niên, thủy công nhất vĩnh tự”), lại như Thích Trí Vĩnh, cháu 7 đời của Vương Hi chi, lên lầu chùa rồi không xuống, ở đó 40 năm luyện thư pháp (“đăng lâu bất hạ tứ thập niên”)…Như vậy, đủ thấy có được một bút lực, chưa nói đến sở học, các nhà thư học đã tốn biết bao công phu khổ ải. Thế mà, trong các lạc khoản, phần hạ khoản, luôn luôn dùng những khiêm từ như: Huệ tồn, lưu tồn, huệ niệm, thanh thưởng…đại khái nói khiêm tốn rằng: Xin nhờ ngài xem và sửa giúp cho tôi những chỗ còn vụng. (Sđd như .1.).

Lấy cái gốc ấy mà ví như một cái gương soi, thì những người cầm bút lông chấm mực tàu viết chữ Việt có ai làm được một phần như thế? Ngoảnh nhìn lại tiến trình hình thành và phát triển của phân môn này, tiếng là có đủ những gương mặt anh hào như nhà thơ Đông Hồ, nhà thơ Trụ Vũ, nhà thơ Song Nguyên, họa sĩ Chính Văn, nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh, kiến trúc sư Nguyễn Thanh Sơn, họa sĩ Trương Tuấn Hải, v.v…nhưng hầu hết các vị ấy đều làm thư pháp và chơi thư pháp…bằng tay trái. Tức là thiếu và chưa có ai đạt đến việc lấy thư pháp làm nghề chuyên nghiệp. Ngay như bên mảng thư pháp chữ Hán ở Việt Nam, cộm lên ở miền Bắc có cụ Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hòa, cũng chỉ có khoảng hơn mươi năm là ‘chuyên nghiệp thư pháp”, còn lại cũng vẫn nghiệp dư. Cộng với một lý do khách quan nữa là, thời buổi công nghệ số, cuốn con người vào những vòng xoáy của gạo cơm, lo tồn tại chưa xong, lấy thì giờ đâu luyện tập. Những thành tựu ban đầu của thư pháp Việt là những bức tranh chữ, mà ngay như thời ấy, các tác giả còn phân vân chưa biết gọi nó là gì, cũng đã góp phần làm nên những tư liệu quý của những người theo sau học tập và tham khảo. Tuy nhiên, nhìn vào, người dễ tính sẽ dễ đồng lòng, nhưng người khó tính và có học thuật, sẽ tham vấn rằng, nó đẹp đấy, nhưng làm thế nào được thế? Và cơ sở nào lại cho ra được một bức tranh chữ thế này? Thì lại như là làm khó những người chơi. Đa phần sẽ lại lôi câu chuyện về nhà thơ Đông Hồ tự viết thơ mình bằng bút lông, mực tàu ra để trả lời những người khó tính ấy, và sâu xa hơn một chút là dẫn luận từ thư pháp Hán với những nét cơ bản được biến thể thành A, B, C…Những lý do đó không thỏa mãn sự tò mò và sự đòi hỏi cần làm sáng tỏ hơn về mặt lý thuyết của nhiều người khó tính, vì họ cho rằng, phải có lý thuyết trước thực hành. Đương nhiên là vậy. Nhưng sự khó tính ấy lại có vẻ như quá khắt khe mà quên đi một điều rằng, khi con người thuở tiền sử, khát nước xuống suối lấy tay vốc nước uống, sau đó nghĩ ra cái gì để đựng nước, mà sau hàng nghìn năm, vạn năm, nó trở thành những cái cốc, cái li đẹp đẽ. Không lẽ, loài người khi đó phải tụm năm tụm bảy lại xây dựng một “lý thuyết về cái cốc” sau đó mới chế tạo cái cốc hay sao? Thư pháp Việt cần và rất cần có những người dụng công tập luyện và sáng tạo, cho ra mắt những tác phẩm đặc sắc, mang những giá trị riêng bên cạnh sự tác động và thừa hưởng từ các nền di sản thư pháp thế giới, mới mong có chỗ đứng độc lập hoặc song song. Mà cái này lại cần phải có thời gian. Giới trẻ ngày nay đã tiếp thu những thành tựu ban đầu từ những người tiên phong ấy mà bước vào con đường tìm hiểu và học tập. Điển hình cũng đã có những gương mặt còn rất trẻ, họ thuộc thế hệ 8X, 9X, có người ở trong nước, có người ở nước ngoài, nhưng đang cùng nhau xây dựng và bổ khuyết những lỗ hổng từ trong những thành tựu của ông cha họ, với một mong muốn rất đáng trân trọng là, có được một nền thư pháp Việt sơ khai, nhưng đầy đủ những cơ sở lý luận cơ bản. Bởi lẽ, nếu họ không tiếp tục tiếp nhận, duy trì và phát triển, thì đó chính là cái cớ thứ nhất để cho những người đăm đăm chỉ thừa nhận thư pháp Hán chê bai.

2.    Sự nóng vội dẫn đến ngộ nhận của một số người chơi Thư pháp Việt.

Từ cách hiểu về khái niệm Thư pháp, chú trọng về ngoại diên mà không đi sâu nghiên cứu về nội hàm của khái niệm này, đã dẫn những người mới chơi thư pháp chữ Việt nhầm lẫn về bản chất của thư pháp. Nói đúng hơn, họ mơ hồ và vừa chơi vừa làm. Điều này dẫn đến không ít những câu chuyện dở khóc dở cười, mà người viết bài này đã từng có bài với tựa đề “Mùa xuân nói chuyện thư pháp Việt” (2), để chỉ ra những cái được và chưa được trong bước đường phát triển phân môn. Lỗi này phần nhiều rơi vào những người trẻ, bỏ công tập luyện chưa nhiều, lại chưa có được sự nghiên cứu sâu sắc về thư pháp cũng như trang bị cho mình những kiến thức văn hóa tổng hợp, dẫn đến có những hành động và phát ngôn ấu trĩ. Phàm làm việc gì, kinh nghiệm cổ nhân cũng đã từng khuyên là “dục tốc bất đạt”, huống gì một môn nghệ thuật đang còn rất non trẻ, chưa có gì ổn định về mặt lý thuyết. Vì thế, những sự nóng vội trình làng tác phẩm, công bố với công chúng những đứa con tinh thần non nớt, không những không có được thành tựu, mà còn góp phần làm cho những người phản bác them cớ để chê bai. Hơn thế nữa, đó là một sự đáng trách với một số ít bạn trẻ bây giờ tự phong cho mình những danh hiệu, rồi dương dương tự đắc với cái danh hiệu ấy như một đẳng cấp hàng mã, lại càng có cớ cho những người có tuổi khó tính ghét bỏ. Sự ngộ nhận ấy tạo nên diện mạo những dị hình khó coi ngay trong giới những người yêu thích thư pháp chữ Việt, chứ chưa nói đến những người chỉ tôn sùng thư pháp Hán. Người viết bài này còn nhớ một câu tiểu đối trong sách xưa rằng: “Cứu nhân độ thế/ Khuyến thiện trừ dâm” (3), thôi thì, nếu chẳng được như Thư đạo của Nhật, để nâng tầm giá trị thư pháp lên thành Đạo, cũng hãy cố gắng để xem việc học tập thư pháp Việt, dày công khổ luyện nó, nghiên cứu chuyên tu hệ thống kiến thức tổng hợp, mong khuyến thiện trừ dâm cho chính cá thể tiếp nhận nó, đã là một cái gì đó kì tích lắm rồi. Cứ nóng vội, cứ cho ra đời những tác phẩm cụt què, cứ phát ngôn bừa bãi, lại càng sinh cớ cho những người phê phán nó chê bai.

3.    Không thống nhất về những lý thuyết thư pháp Việt đang còn  manh mún và thực hành mạnh ai nấy làm.

Nói như một số người ngoa ngôn cho rằng, thư pháp chữ Việt chẳng có gì gọi là lý luận cơ bản, thì có vẻ như đó là câu nói của những người ít chịu tìm hiểu hoặc chưa tìm hiểu thấu đáo. Người viết xin khẳng định: Thư pháp chữ Việt có trang bị và tiếp tục bồi khuyết hệ thống lý luận cơ bản cho nó!(4). Tuy nhiên, nếu gom tất cả những cuốn sách đã từng xuất bản có liên quan đến thư pháp chữ Việt, và ghi chép những ý kiến của những vị tiền bối cũng như những người đang tiếp tục tiếp nhận và duy trì phân môn này lại, ta cũng chỉ thấy được những lý luận lẻ tẻ, manh mún và chưa có sự thống nhất. Từ những cuốn như “Chữ Tâm trong Thư pháp” của Nguyễn Thụy Đăng Lan, “Sổ tay thư pháp” của Thanh Sơn, “Thư pháp là gì?” của Nguyễn Hiếu Tín, “Tâm bút” của Lưu Thanh Hải, “Thư pháp chữ Việt” của Nhất Chi Lan, “Hồn chữ Việt” của Đăng Học v.v…đều cho thấy cái sự manh mún và không thống nhất. Mỗi người viết sách đều cố gắng để tự đưa ra cho mình một ý kiến, một định nghĩa, một cách thức, một lý giải,…và ít tai thừa nhận nhau về mặt khoa học. Đó là hạn chế lớn nhất mà có đọc tất cả những cuốn kể trên mới thấy hết được sự không ăn khớp. Thư pháp Trung Hoa tồn tại và phát triển nhờ vào chính cái hệ thống lý luận đã được thống nhất, bài bản, ổn định và những bồi đắp thịt da cho hệ thống ấy từng thời kỳ lịch sử. Chính điều đó làm nên cái sức mạnh xuyên thủng của thư pháp Hán cả về không gian lẫn thời gian, để đi đến hôm nay. Các sách viết về thư pháp chữ Việt, còn mắc khá nhiều khuyết điểm trong việc lựa chọn tư liệu tham khảo, dẫn đến việc trích dẫn tùm lum nhưng không nói lên được đúng bản chất của vấn đề. Có sách còn mắc lỗi morat rất nhiều như cuốn “Tâm Bút” của Thanh Hải. Tất cả những điều vừa nói, mới chỉ là “cái hình”, còn “cái chất” của từng cuốn thì còn đang rất mông lung. Các tác giả chưa đi vào xây dựng cho thư pháp chữ Việt một bộ xương, mà ở đó, bộ xương ấy cấu thành bởi những chất mang sắc, vị, đường nét của Việt Nam. Chưa thoát ly khỏi những thuộc tính của khái niệm thư pháp Trung Hoa, mà xây dựng cho thư pháp chữ Việt những nét riêng biệt, đơn nhất, cho dù, cái chung vẫn là phải kế thừa và tiếp thư từ di sản thư pháp Hán. Tức là, khi đọc cái gọi là “Cơ sở lý luận thư pháp chữ Việt” người đọc sẽ nhận ra đâu là cái của Việt Nam bên cạnh cái của Trung Hoa. Nếu như những nhà xây dựng lý luận, không cố gắng thể nghiệm, tìm kiếm, nhào nặn, chắt lọc…để hun đúc một cái đơn nhất trong cái chung kia, thì vẫn chẳng ai thừa nhận, cho dù sách in ra dày/nặng cỡ nào. Có chăng cũng chỉ được ve vuốt bởi những người ưu ái thân quen, còn công chúng có trình độ sẽ lắc đầu bởi sự ‘chung chạ” một cách không khéo léo vì cóp nhặt bừa bãi. Nên chăng, đã đến lúc những người tâm huyết với phân môn này, đã từng bỏ ra nhiều ít thời gian nghiên cứu và xây dựng, ngồi lại với nhau, làm nên cái sự “thống nhất”, quy những manh mún về một mối, gạn cái chưa được, bồi them cái hay, cái mới, mà hình thành một cái chung đúng nghĩa. Người viết tin rằng, nếu được thế, thì đó là một sự lớn mạnh thực sự về học thuật của thư pháp chữ Việt, cũng là bức tường thành vững chãi trước những đòn tấn công mạnh mẽ của những người ôm trong tay lịch sử của đất nước phát minh ra thuốc súng.

4.    Loạn về “chương pháp” và những cách tân xây mà không giữ.


Theo thư pháp Hán, chương pháp cũng gọi là phân gian bố bạch hoặc bố cục, tức là nghiên cứu phương pháp phân bố chữ với chữ, hàng với hàng và các hàng với toàn bộ bức thư pháp. (5). Trải qua hàng nghìn năm, chương pháp của thư pháp Trung Hoa dần được hoàn thiện và tiến đến sự xê dịch những thuộc tính của nó, nhờ vào những sự sáng tạo thông qua các trào lưu và khuynh hướng thư pháp hiện đại.(6). Tuy nhiên, dù sự xê dịch đó có như thế nào, thì vẫn là sự xê dịch tịnh tiến, theo hình thức di chuyển véc-tơ, tức trên một mặt phẳng. Có những cố gắng làm cho nó không còn là nó mà thành một hình thức mới hoàn toàn độc lập, phá bỏ tính xem-hiểu, tiến đến tính xem-cảm.(7). Như vậy, xét về mặt cấu trúc, nó vẫn luôn có tính ổn định rất cao, và về mặt khái niệm, nó vẫn luôn chứa đựng tính chất bắt buộc đối với sự áp dụng trên bất kỳ hệ thống ký tự nào. Vì vậy, khi những người chơi thư pháp chữ Việt, đã không dịch hai chữ “chương pháp” kia ra tiếng Việt, ví như mượn một thuộc tính chính của khái niệm “chương pháp” là “bố cục” để xây dựng cái gọi là “bố cục bức thư pháp chữ Việt”, mà vẫn giữ nguyên khái niệm, nhưng lại không tuân thủ nó. Hệ quả là sản sinh ra những hình thức biểu đạt lung tung, nhấn nhá vô tội vạ, hàng lối bất quy tắc. Đó là cái lý để người ta nói rằng, thư pháp chữ Việt làm hỏng giá trị những nội dung mà nó thể hiện. Ví dụ như một câu thơ lục bát, bị một người chơi thư pháp chữ Việt chưa cứng tay, sẽ bổ dọc bổ ngang câu thơ ấy ra làm nhiều đoạn, rồi lấy một chữ nào đó làm “đại tự” để làm điểm nhấn, mà không hiểu được cái hay, cái tinh túy của câu thơ ấy nằm ở đâu. Thế thì hỏng rồi. Không chê sao được. Người viết cũng tham khảo nhiều bức thư pháp chữ Việt của các vị tiền bối, cũng như tiếp thu những sáng tạo của Trương Tuấn Hải, Đăng Học v.v…và quả thực rất lấy làm vui mừng vì nhận thấy đó là một sự sáng tạo đáng ghi nhận. Tuy nhiên, các vị ấy “xây” lên được một chút móng, nhưng lại không “giữ” được trước sức công phá của sự đòi hỏi cách tân. Thành ra, lại rơi vào những bố cục rối ren, không quy ước, thích sao làm vậy. Trên “thị trường” lại càng xuất hiện nhiều những “tác phẩm” trời ơi đất hỡi, nhìn vào không phân biệt được đâu là ‘cái tác giả muốn nói”, chỉ thấy chàng màng một mớ hỗn loạn về những ký tự rời rạc, ngoằn ngoèo. Đó là cái cớ để người ta bảo rằng, thư pháp chữ Việt làm hỏng chữ Quốc ngữ, là xui con người ta viết xấu, viết bậy, có vị còn ngoa ngoắt nói là “Thư pháp chữ Việt làm bẩn chữ quốc ngữ” nữa.

Tạm kết: Sự ra đời và phát triển của bất cứ một loại hình nào, cũng đều đứng trước những khó khăn về mặt xây dựng cơ sở khoa học, sự thống nhất và tinh thần gắn bó cùng phát triển loại hình ấy. Thư pháp chữ Việt, với may mắn được ra đời như một sự tất yếu của xã hội hiện đại, lại được sự hỗ trợ đắc lực từ di sản thư pháp Trung Hoa và thế giới. Thế nhưng, trên bước đường phát triển, còn có những lỗ hổng nghiêm trọng như đã nói ở trên, cần được san lấp. Bởi đó chính là cái cớ cho những người phản bác vin vào đó mà chê bai. Tuy nhiên, cũng như câu, biết sai thì sửa, sửa được sẽ khá lên. Những người yêu thích và dành tâm huyết cho phân môn này kiên tâm cùng nhau mỗi người một chút công sức, tin rằng, những lỗ hỗng ấy sẽ sớm được lấp đầy, trong sự cầu tiến. Người viết xin dừng tại đây, và lại xin được ru mình: Cuộc đi ngàn dặm khởi từ gót chân…

Trịnh Tuấn
(4 giờ sáng, ngày 20/10/2007. )
-------------
Chú thích:
(1): Tự điển thư pháp, NXB Văn Nghệ, 2006.
(2): Trịnh Tuấn, Mùa xuân nói chuyện thư pháp Việt, Báo Bình Định Online.
(3): Dương Quảng Hàm, Văn-Học Việt-Nam, Bộ quốc-Gia Giáo-Dục, 1961
(4): Lời của Trịnh Tuấn.
(5): Tự điển thư pháp, NXB Văn Nghệ, 2006.
(6). Nguyễn Bá Hoàn, Thư pháp & Thiền, NXB Thuận Hóa, 2002.
(7). Lê Quốc Việt, trả lời báo chí, triển lãm “Chữ” tại 78 Mã Mây, Hà Nội.

Tư liệu tham khảo:
1.    Lê. Nguyễn Hiến, Khổng Tử, NXB Văn Hóa - Thông Tin, 2001
2.    Ba. Nguyễn Văn, Hán Văn Tự Học, NXB Đồng Tháp, 1995
3.    Phê. Hoàng, Từ Điển Chính Tả Tiếng Việt, NXB Giáo Dục, 1988
4.    Giang. Nguyễn Thạch, Điển Nghĩa Văn Học Tập Giải, NXB Văn Học, 2002
5.    Lựu. Phương, Lý Luận Văn Học, NXB Giáo Dục, 2004
6.    Toàn. Nguyễn Khánh, Từ Điển Tiếng Việt Phổ Thông A-C, NXB Khoa học Xã Hội, 1975
7.    Nguyên. Lỗ, HU ZHIMINH HANWEN SHICHAO ZHUSHI SHUFA, 2004.3
8.    Quân. Phạm Hoàng, Thư Pháp Chữ Hán – Lý Thuyết & Thực Hành, NXB Mũi Cà Mau, 2004
9.    Viễn. Lê Trí, Quy Luật Phát Triển Lịch Sử Văn Học Việt Nam, NXB Giáo Dục, 1998
10.    Bích. Nguyễn Ngọc, Từ Điển Tiếng Việt, NXB Từ điển Bách Khoa, 2005
11.    Hán. Lê Bá, Sử. Trần Đình, Phi. Nguyễn Khắc, TỪ ĐIỂN THUẬT NGỮ VĂN HỌC, NXB Giáo dục, 2007
12.    Hàm. Dương Quảng, Văn-Học Việt-Nam, Bộ quốc-Gia Giáo-Dục, 1961
13.    Hoàn. Nguyễn Bá, Thư pháp & Thiền, NXB Thuận Hóa, 2002.
14.    Quang. Nguyễn Tử, Điển Hay Tích Lạ, NXB Trẻ, 2003
15.    Chinh. Hoàng Xuân, Các Nền Văn Hóa Cổ Việt Nam, NXB Lao Động, 2005.

Nguồn: http://www.thuphapchuviet.com/content/view/346/59/
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9