Tản mạn-007_kieuphong
007_kieuphong 02.11.2007 12:10:05 (permalink)
Xuân...

Mình sinh ra cùng mảnh đất ấy, cùng lớn lên bằng mạch nước nguồn nơi ấy bây giờ cũng phiêu bạt tha hương. Chẳng dám sánh nhưng đôi lúc cũng nể mình lắm đấy.




Bỏ lại vườn cam với mái gianh
Tôi đi dan díu với kinh thành ...

Thơ và đời Nguyễn Bính đã có nhiều giai thoại và được khẳng định với một phong cách không lẫn vào đâu. Thơ tình Nguyễn Bính không quá vồ vập, kích thích và điên cuồng như Xuân Diệu, không quá lãng mạn và phiêu du hồn sông Hương núi Ngự như thi sỹ họ Hàn. Thơ NB mang đậm mùi vị của rau cần, rau muống, mang màu xanh của vườn dâu, màu tím của hoa xoan trong âm thanh kẽo kẹt của tiếng khung cửi già nua, trong tiếng tí tách mưa rơi từ giọt gianh nghèo ... Âm hưởng dân ca thấm đẫm trong nhiều bài thơ của Ông. Hòai Thanh nói: "Giá mà Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô số nhà thông thái nghiên cứu".
Tôi sinh sau Nguyễn Bính tròn 1 hội. Cái tuổi Mậu Ngọ tài hoa nhưng cung mệnh rong ruổi xoay vần lắm lắm.


Giang hồ còn lại mình tôi
Quê người đắng khói, quê người cay men
Nam Kỳ rồi lại Cao Miên
Tắm trong một cái biển tiền người ta
Tôi cùng làng với NB, nhà tôi cách nhà Nguyễn Bính khoảng 800m theo đường chim đi bộ. Khi tôi sinh ra Ông nội tôi đã về chầu tiên tổ, Bà nội Tôi quanh năm lam lũ với ruộng đồng nên cũng không có hứng thú như bà anh Tiến (Nguyễn Vĩnh Tiến) để đưa tôi ra đầu làng mà hóng gió sớm tối. Tuy nhiên tuổi thơ hiếu động cùng tôi khám phá xóm làng: đường đất quanh co, rơm rạ, cỏ dại và tre mọc ven đường nhiều lắm...Trong xóm với hơn trăm mái nhà gianh đậm chất đồng bằng châu thổ với vườn trước ao sau. Tuy nhiên cả làng chẳng có bóng dáng vườn cam với nương dâu nào cả chỉ có bạt ngàn rau cần (Làng này được mệnh danh là "Thủ đô rau cần" thủa ấy). Rau cần lá xanh - xanh mơn man, ngó cần trắng - trắng đến dịu dàng làm cho anh Kiếm đã có lần nhìn trộm con Nụ tắm mà thốt lên so sánh: "Tháng ba xanh non rau cần dưới mưa xuân. Nhớ hôm nấp ở bụi tre nhìn trộm con Nụ tắm ao. Trời ơi, đâu là da thịt con gái, đâu là ngó cần đây.Không dám thở sợ lá tre mong manh lay động" mà thành "Nỗi ám ảnh tháng 3" cho Kiếm. Làng này từ trước tới thời Nguyễn Bính không phải là vùng đất địa linh nhân kiệt, cũng không phải chốn ngọa Hổ tàng Long. Xét về phong thủy còn có thể coi là không đẹp: nằm gọn lỏn trong 1 góc của ngã Tư Đồng Đội, bị khóa bởi 2 đường biên: đường 56 và đường 12 phía trước có Núi Ngăm án ngữ, phía sau là những nghĩa trang với lăng mộ đền chùa làng khác. Tuy nhiên đây cũng là vùng đất tạo cho NB nền tảng tâm hồn, là nơi khơi nguồn cho nỗi nhớ thôn Đông với thôn Đoài, cho cô thôn nữ mặc tứ thân lấp ló đợi giai, cho điệu chèo làng Đặng quyện hồn lãng tử ...
Chiều xuân mưa bụi nghiêng nghiêng
Mưa không ướt áo người xem hội làng
Khen ai nhuộm nhiễu tam giang
Ðánh dây xà ích cho nàng chơi xuân
Khen ai tròn áo tứ thân
Mịn quần lĩnh tía, chùng khăn lụa sồi...
Về thơ chắc chẳng có đủ tài bàn còn về đời thì nói thật mình rất phục NB. Từ nhỏ đã có tính xê dịch, từ nhỏ đã thích ngao du và tán gái. Các cụ kể lại mới mười mấy tuổi nhưng hội tháng 3 nào cũng theo các anh đi hội và thả thơ để níu kéo các chân dài tóc đuôi gà, áo tứ thân. Khi lớn lên cũng giang hồ phiêu bạt, lãng tử không kém gì Lý Bạch bên Tàu Khựa:

Đêm xuân này giấc mộng thế là tan
Tiệc đương vui lỡ đứt cả dây đàn
Tài với sắc, thôi thôi là lụy sạch
Một khúc trường ca men Lý Bạch
Mười bài khuê oán lệ Bằng Phi
Cả cái làng này họ Nguyễn, nhưng đọc các tiểu sử thì có ghi tên thật : Nguyễn Trọng Bính. Gia phả cái làng này chỉ có mấy dòng họ lớn: Nguyễn Bá, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Văn... Không biết Ông họ gì nhưng các con cháu nhận là con cháu Ông nếu tôi không nhầm đều là Nguyễn Ngọc. Nhà NB ngày trước bé lắm, nằm sâu trong ngõ và đã cho người cháu ở. Khoảng năm đầu những năm 90, người bà con NB về mua lại mảnh đất ấy và mở rộng làm nhà tưởng niệm. Ngày ấy tôi cùng các cậu bạn nhi đồng thối tai được huy động chặt cây, đào ao và xây mộ cho NB. Một ngôi mộ ốp đá, bên cạnh là nhà tưởng niệm để thi thoảng học sinh văn khoa về thăm thú.
Giờ đây trời đất xoay vần, mọi vật đã đổi khác. Chẳng còn tre, chẳng còn xoan, chẳng còn con đường mưa xuân lầy đất để ai đó nện gót giày

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Con đường đã cứng hóa bê tông, các em mười mấy cái xuân xanh đã biết diện đồ Jean, chẳng đuôi gà đuôi ghiếc, nhìn cái tóc giống gói mỳ tôm Hảo hảo nhúng nước buông trùng. Hội tháng 3 vẫn tổ chức hàng năm, nam thanh nữ tú trèo lên đồi thông mà trở về với tự nhiên. Một số thanh niên làng chê thuốc lào khét lẹt và khê nồng nên chuyển sang hàng trắng cho sạch sẽ và bay bổng...
Tôi sinh sau năm mất của NB tròn 1 giáp (híc, liên quan nhiều tệ) NB ở cuối làng, tôi ở đầu làng, nhưng lại ở hai thế hệ khác nhau. Có vẻ như Cô ta về nhân tài làng tôi đã hết nên sau NB chẳng còn ai nổi tiếng nữa hay sao.

#1
    007_kieuphong 23.11.2007 13:24:50 (permalink)
    Thu...
    Như giấc mơ dịu dàng,
    mùa thu vàng mênh mang
    Lắng nghe trong gió,
    khúc hát nhẹ nhàng
    Mùa thu ngây ngất đắm say...




    Bao nhiêu lần Xuân qua là bấy nhiêu lần Thu trút lá. Thu đến xua đi cái nóng bỏng rát nhiệt đới của Hè, khoác lên thiên nhiên một màu vàng óng ả. Nó là cảm xúc mãnh liệt cho làng nghệ sỹ múa bút, vung lời.
    Hôm nay, dường như Thu đang về. Căn gác nhỏ ở một thành phố lớn cũng hơi se mình vì hơi lạnh.
    Tôi không tài như Isaak Levitan để vẽ nên một bức "Mùa thu vàng" để đời, tôi chẳng đủ lãng đãng để có "Con nai vàng ngơ ngác/Đạp trên lá vàng khô" trong Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư..., chỉ xin phép được ghi lại những gì trong ký ức.
    Nếu ai đã từng sống ở vùng đồng bằng Châu thổ sẽ chẳng bao giờ quên cảnh Thu ở đây. Và Tôi dám chắc rằng khi Ta đọc chùm thơ thu của Tam Nguyên Yên Đổ, kỷ niệm một thời thơ ấu như được tái hiện như một bộ phim nổi trữ tình:
    "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
    Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo"
    hay:
    "Năm gian nhà cỏ thấp le te
    Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe"
    Ban ngày cảnh quê thì tĩnh lặng, êm đềm. Ban đêm chẳng có điện, Chị Hằng còn mải đi chơi với Cuội mà chưa kịp về tỏa sáng, để đom đóm đêm đêm dập dìu ngõ nhỏ...

    Sắp đến Rằm tháng 8, trong tôi chỉ có nỗi nhớ vầng trăng tháng Tám giữa bầu trời trong thanh ở vùng đồng bằng Châu thổ, với giai điệu "Tùng dinh dinh, tùng dinh dinh" rộn ràng xóm ngõ, tiếng gõ bát đũa leng keng của lũ trẻ hò nhau đi ăn cơm "tập đoàn" thủa ấy...Hàng đêm, trước Rằm trẻ con nô nức đi tập đội hình, đội ngũ để đến Rằm được xơi kẹo, được đi cắm trại, thi thố với bọn trẻ làng bên. Sân kho thường ngày là nơi vắng vẻ nhất, chỉ là chỗ để đồ tiễn Con Người về bên kia thế giới, nay lại là nơi nhộn nhịp nhất. Đêm chưa có trăng thì trời sâu thăm thẳm, đường đất gồ ghề và rất nhiều sản phẩm của đoàn trâu, bò hợp tác xã giăng mắc khắp nơi. Một cảm giác khám phá và chiến thắng khi đi trên con đường ấy vì bóng hai hàng phi lao lực lưỡng đen sì và tiếng vi vu của nó về đêm cũng là một thử thách không nhỏ với một chú nhóc.
    Trăng càng về Rằm càng sáng, ánh sáng của nó chiếu xuống cánh đồng cũ kĩ trải dài tạo nên một màu bàng bạc, lấp lóa. Đâu đây tiếng côn trùng rỉ rả, góc ruộng kia là đôi ếch ộp dập dềnh. Ngày ấy chẳng có đồ chơi công nghiệp như bây giờ, chẳng có Đồng Khánh với Kinh Đô, chẳng có Tàu điện với Ô tô điều khiển nhưng Tôi cũng đủ khéo tay để tự tạo cho mình một Ông sao nổi bật và có mấy quả bưởi để đi đón Tết Trung Thu...
    Khi đi xa Ta mới nhớ về nó, những kỷ niệm không bao giờ cũ, những hình ảnh theo ta đi suốt cuộc đời này, những cảm xúc sẽ chẳng bao giờ tìm lại..

    Ôi ngày đó đã xa, vầng trăng xưa dường như cũng đã thêm tuổi vì cái cảm nhận về Rằm tháng tám ngày càng khác trước. Có phải chăng:
    “.... Em đi qua chuyến đò thấy con trăng đang nằm ngủ
    Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du
    Em đi qua chuyến đò ối a con trăng còn trẻ
    Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già....”
    ...
    Giờ đây, Nàng Thu Hà nội đang trở mình thức dậy soi bóng mình xuống Hồ Gươm trầm mặc. Nàng Thu để Hà nội đắm chìm trong hương hoa sữa nồng nàn, khoác lên Hà nội một màu ánh sáng dịu dàng trong hanh hao se lạnh mùa Thu. Em đẹp lắm nhưng kiêu sa đài các và lạnh lùng, chẳng giống Nàng Thu lặng lẽ trong trẻo và dịu dàng nơi ngõ nhỏ quê Anh. Ngồi Hồ Gươm thưởng thức Cốm Làng Vòng gói trong lá sen Hồ Tây, ngắm hoa lộc vừng rơi đỏ trong gió heo may mà nhớ đến những mùa Thu cũ. Giá như lá vàng không khẽ rơi nghiêng trên phố đông bụi bặm và ồn ào, giá như Trăng Rằm ở đây không bị chìm lẫn vào hàng trăm vạn đèn cao áp phố khuya...có lẽ Anh chẳng cần hoài cổ phải không Em...
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9