Miệng Lưỡi đa sự ký
Hàn Lệ Nhân 25.11.2007 06:09:15 (permalink)
 
 
Miệng Lưỡi đa sự ký
Hàn Lệ Nhân
 

 
Cái lưỡi là tấm gương của bao tử.
(thành ngữ Pháp)

 
 
Hai ngàn sáu trăm năm trước, có nhà ngụ ngôn trứ danh người Hy-lạp tên Esope mà hậu thế vẫn thường nhắc đến với giai thoại sau đây :
 
Hồi còn trẻ, Esope ở đợ cho một nhà quý tộc kiêm triết gia tên Xanthus. Một bữa có khách quý đến thăm, Xanthus sai và dặn Esope đi chợ mua thực phẩm loại ngon nhất về đãi. Esope ra chợ mua rặt lưỡi các loài động vật, về lên món toàn lưỡi. Nhìn bàn tiệc, Xanthus ngạc nhiên hỏi : Tiệc tùng kiểu gì vậy ? Esope đáp : Ngài chẳng đã dặn tôi mua thức ăn loại ngon nhất sao ? Có gì quý hơn lưỡi ? Khách hôm nay là một triết gia, mà lưỡi là ngõ dẫn tới mọi nền học vấn, vì là sợi dây liên lạc với đời sống văn minh, là chìa khoá của khoa học, là cơ quan của sự thật và lẽ phải. Vậy đâu còn thức nào vừa ngon vừa hợp cảnh, hợp người hơn ? Chủ lẫn khách nghe, đều chịu và vui vẻ đánh chén.
 
Hôm sau, Xanthus dặn Esope làm tiệc nhưng phải chọn thứ dở nhất để đưa cay. Esope lại bày toàn lưỡi. Xanthus nổi khùng, mắng Esope. Esope bình thản giải thích : Thưa hai ngài, miệng chẳng là cửa vào của mọi xấu xa tệ lậu cùng cực trên đời sao ? Vì nó là Mẹ của những sự tranh cãi, vú nuôi của những vụ kiện tụng, nguồn gốc của chia rẽ và chiến tranh.  Nếu lưỡi là cơ quan nói ra sự thật, thì nó cũng nói lên sự láo lếu và tệ hơn : sự vu khống. Vậy lưỡi là cái quý nhất, ngon nhất nhưng đồng thời là cái xấu nhất, dở và…dơ nhất. 
 
Cái lưỡi mắc xương 1
 
Lưỡi là bộ phận mềm nằm trong miệng của động vật có xương sống. Ở động vật có vú, lưỡi là khối cơ vân chắc, phủ ngoài bằng lớp biểu bì phân lớp, phiá dưới là lớp mô liên kết. Mặt trên lưỡi có nhiều nhú cảm giác trong đó có vị giác, dùng để đón và nếm thức ăn, ngoài ra ở người còn dùng để phát âm. (1)
 
Ở con người, đặc biệt trong phạm vi cái đầu, chúng ta hằng lao tâm lao lực o bế, điều chỉnh, phù phép các bộ phận như mái tóc, đôi tai, bộ râu, chân mày, cái mí, cặp mắt, sóng mũi, hai má, làn môi…và hàm răng nên xưa nay đã sản sinh ra hàng hàng lớp lớp các chuyên gia đặc trách từng bộ phận, nhưng cho đến lúc tôi gõ bài đa sự ký này, tuyệt nhiên – theo chỗ tôi biết, chưa nơi nào trên thế giới có ngành Lưỡi Học (y khoa lẫn thẩm mỹ) ; tuy rằng ở người, về y lý một số bệnh được thể hiện qua lưỡi như bệnh lưỡi đỏ (thương hàn), bệnh lưỡi trắng (tiêu hoá), bệnh lưỡi nhẵn (thiếu máu)… Phải chăng bởi "trăm năm trong cõi người ta" lưỡi là bộ phận hiếm khi bị trục trặc mặc dù nó bị / được thường trực sử dụng trong việc phụng sự các bộ phận khác : Một vì tất cả. Bù lại, mọi bộ phận khác nhất trí xem "lao động là vinh quang" cũng chỉ để làm vừa lòng cái lưỡi : Tất cả vì một. Có thể nói khi cái lưỡi bị bệnh thì dường như cả thân-tâm đều bệnh theo. Nếu "con mắt là cửa sổ của tâm hồn"  thì "cái lưỡi là tấm gương của bao tử" . 
 
Nói đến lưỡi là nói đến miệng, cái khoảng trống bóng-hình của lưỡi : Miệng lưỡi, với nghĩa đen : Hai bộ phận thường được coi là biểu tượng của việc ăn uống và nói năng của con người. Miệng và lưỡi thiệt thụ là đôi tri kỷ đồng sinh đồng tử, triệu triệu lần giá trị hơn cặp Bá Nha-Tử Kỳ, Di Ngô -Thúc Nha hay tam đầu chế Lưu-Quan-Trương vì chẳng cần chích máu ăn thề và chẳng bao giờ ngủng ngẳng cắng đắng nhau.
 
-         « Xét về con người, tôi thấy tai, mắt, mũi, lưỡi, tay chân, thân thể…hết thảy đều cần thiết, không thể thiếu được, chỉ có hai cơ quan không cần thiết chút nào cả mà Trời lại phú cho ta, tức cái miệng và cái bao tử, nguồn gốc tất cả những cái lụy của loài người, từ xưa tới nay. Có cái miệng với cái bao tử nên sinh kế mới hoá ra phiền phức, sinh kế phiền phức nên mới sinh ra những mưu mô, gian trá. Mưu mô, gian trá sinh ra nên mới phải đặt ra hình pháp ; thành thử chính phủ (2) không thể thi hành nhân chính ; cha mẹ không thể nuông chiều con cái, ngay đến tạp vật hiếu sinh như vậy cũng phải làm trái cái chí của mình. Tất cả những cái đó chỉ do Tạo vật vụng tính khi tạo thân thể con người, cho ta hai cơ quan đó.
 
« Thảo mộc không có miệng và bao tử mà vẫn sống, đá đất không ăn uống mà vẫn trường tồn. Thế thì tại sao loài người lại khác mà phải có miệng và bao tử ? Nếu như phải có miệng và bao tử thì sao không cho ta như loài cá loài tôm, uống nước mà sống, hoặc như con ve, con châu chấu, hút sương mà sống, cũng phát triển đầy đủ khí lực để bơi lội, bay nhảy, kêu hót vậy ? Như vậy chúng ta sẽ có cầu gì đời đâu mà bao nhiêu nỗi lo lắng sẽ biến hết. Đã sinh ra cái miệng, cái bao tử, Tạo vật lại cho ta nhiều thị dục, bao nhiêu cũng không chán, như sông biển không bao giờ đầy, thành thử suốt đời, bao nhiêu cơ quan khác đều phải kiệt lực cung phụng cho hai cơ quan đó mà không đủ.
 
« Tôi suy đi nghĩ lại về điều đó, không thể không trách Tạo vật được. Tôi cũng biết Tạo vật tất cũng hối hận rằng mình lầm, nhưng đã lỡ rồi, hình thể con người đã định rồi, làm sao sửa được. » (3)
 
-         Thưa tiên sinh, phần tôi lại cho rằng bao tử và miệng không thể là thủ phạm chính của mọi phiền toái của kiếp người mà đích thị là do cái lưỡi. Nói đơn giản, bao tử chỉ là nơi chứa những gì từ miệng trôi vào. Miệng đưa xuống gì, bao tử nhận nấy. Bao tử biết đầy, biết no chứ đâu biết ngon, biết đã. Còn chuyện biến hoá sau đó ra sao không nằm trong tiểu đề này.. Nếu chỉ có đưa xuống và cất chứa, kiếp người đâu mà phải điêu đứng vì cái ăn, cái uống ngày 3, 4 bữa như xưa nay và mãi mãi sau này. Đành rằng « đã sinh ra cái miệng, cái bao tử, Tạo vật lại cho ta nhiều thị dục », nhưng theo cụ Khổng thì ở con người chỉ có hai thị dục lớn nhất là « Doanh dưỡng và sinh dục », nôm na tức ăn uống và trai gái. Con người ăn uống mà đơn điệu như loài ăn cỏ : Trâu, bò… ; loài ăn thịt : cọp, beo…làm sao mà sinh lắm chuyện được. Vạn sự nhiêu khê phải chỉ đích danh thủ phạm mang tên Cái Lưỡi ! Vì chính nó – cái lưỡi, cọng cái gọi là Vị Giác mà ra, nói gọn lưỡi là cơ quan của vị giác để phân biệt các vị khác nhau nhưng tựu trung mục đích trước hết và sau cùng ở con người không ngoài một và duy nhất một chữ Ngon : Ăn ngon, uống ngon. Sao cho vừa khẩu vị, cho khoái khẩu.  
 
-         Cứ tạm cho lưỡi là mầm lụy. Ăn uống đứng đầu trong tứ khoái của kiếp nhân sinh mà nị. Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh và Ăn để sống hay Sống để ăn là 2 đề tài bàn loạn chẳng bao giờ có chấm com. Nỗi hoài hương là tình cảm tự nhiên của người xa xứ, kẻ lưu vong. Nhưng xét cho cùng, hoài cảnh thì ít, nhớ người và nhất là thèm nhớ hương vị món ăn thì nhiều.
 
-         Ờ nhỉ, thảo nào nhà văn, nhà thơ lưu xứ nào cũng dễ dàng có dăm bài về nỗi nhớ quê hương song chẳng ông bà nào chịu khó nhớ tổ quốc cả.
 
-         Hai chữ Quê Hương trong văn thơ, gẫm kỹ, là để chỉ quê quán (sinh quán) của mỗi tác giả. Nhiều quê gộp lại thành một tổ quốc. Tổ Quốc hay Quê Hương (đất nước) quá bao la, quá thiêng liêng nên vô hình, do đó vô đặc vị. Quê tuy chỉ là một góc nhỏ của Tổ Quốc nhưng là nơi ta đã được sinh ra, đã từng vọc đất, tắm sông..., là nơi có thực, có ẩm thực.
 
-         Chí lý. Kính tiên sinh nửa ly nếp cẩm. Khà, chẳng thế mà cái ông Bắc kỳ di cư Vũ Bằng, từ quê Nam, tràng giang đại hải nhớ về quê Bắc đến 2 cuốn sách, nhưng tựu trung rặt nhớ Miếng Ngon ! (4)
 
-    Tổ Quốc và Quê Hương tuy tương đương về ý nghĩa, tuy vậy, người ta chỉ nói Món Ngon Quê Hương, chứ chẳng ai nói Món Ngon Tổ Quốc ! Cũng như khi ta kêu lên ba tiếng « tổ quốc ơi !» sao thấy nó lành lạnh, nhạt nhạt thế nào ; chẳng bù lúc thì thầm ba tiếng « quê hương ơi !» thì thân tâm rung động, nước mắt lưng tròng…và rõ ràng trong nỗi hoài hương đau đáu, thoang thoảng hương đất, hương người nhưng nồng nàn đặc vị mì vịt tiềm, mực ống chiên giòn, vịt-heo quay, ngao xào ớt, bê nướng than…
 
-    … Phở bò, bún riêu cua, cháo gà ác, lẩu cá chình, nem nướng…mà, trời ơi, chỉ đến khi ngưng thở may ra mới…chuyển hướng vấn vương.
 
-         Món ngon nhớ lâu là thế. Nhưng sao lại chuyển hướng mà không là chấm hết ?
 
-         Luân hồi, tái sinh kiếp khác mà tiên sinh. Tái sinh tức làm lại từ đầu. Vả, chẳng may kiếp sau lại bị làm người thì trong những điều làm lại từ đầu, dù muốn hay không cũng phải nhập gia vị tùy tục lụy nơi đó mà « huân tập » cái miệng, cái lưỡi lại chơ.
 
-         Cũng chí lý, nào cạn ly.
 
-         Cộng đồng lưu dân nào chẳng mang theo toàn bộ bí quyết gia chánh, nếu không muốn nói vô hình chung cái bếp là hành trang cụ thể, thực tiển, bền vững nhất khi ra đi. Riêng trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại cho đến đêm nay, trong các hoài bão bảo tồn, phát huy này nọ, duy môn ẩm thực là âm thầm tri hành hợp nhất, nổi bật là món Phở đã và đang khẩu phục thiên hạ bốn biển năm châu mà các hoả đầu lãnh tụ chẳng cần phải ra tuyên ngôn đầu voi-đuôi chuột, tuyên cáo như pháo đầu năm. Điều đáng ghi nhận nữa là các lãnh tụ về Phở  không bao giờ nửa lời chê bai nhau chứ đừng mơ được nghe họ hoác mồm chửi rủa nhau vì nước lèo của tao ngon hơn nước dùng của mầy.
 
-         Phở Việt và mì Tàu có chung một chân lý bất di bất dịch : Ngon hay dở. Chỉ có ngon hay dở thế thôi. Mà đã dở thì không nên phí thời giờ tán ra cho thêm dở, lại bị gán cho là đồ dở hơi. Nghị quyết, điều lệ rành rành trong Hiến pháp người ta còn lườn lẹo giải mã lúc thế này lúc thế khác, chứ đầu bếp phở, đầu bếp mì hạng dở nói riêng chỉ có thể đánh lừa khách hàng một hai lần là xập tiệm hoặc phải thay tên đổi họ, đổi bếp may ra cứu lại niềm tin. Tìếng ngon, tiếng dở đồn mau và xa hơn tiếng tốt, tiếng xấu.
 
-         Tâm ý ăn xổi vẫn còn là đặc tánh của người Việt chúng tôi. Ví dụ tô phở lúc mới mở tiệm thì ngon tuyệt, đông khách là có vấn đề, nước lèo từ xương thành nước lèo hoá học + bột ngọt / mì-chính. Húp một hai muỗng là cái lưỡi tê đơ, cái mặt rần rần, người cứ như sợi phở trong tô phở, như con ruồi say bò trên miếng thịt bò. Ai cũng có thể lừa tôi trên mọi lãnh vực, trừ món Phở. Thâm thúy thay cho người lấy Món Phở làm điều đáng hãnh diện với thế giới của dân tộc anh dũng-anh hùng 4.000 năm văn hiến.(5)
 
-         Nhưng ở Pháp sao lại có câu « người Việt ăn phở Tàu » ?
 
-         Thì ở Pháp cũng có câu « người Tây ăn Sushi Trung Quốc », nhưng là vấn đề khác. Tục ngữ Việt có câu « miếng trầu là đầu câu chuyện ». Nghe qua thì hay và tuy vẫn là ăn (ăn trầu) nhưng đã hoàn toàn bất cập trong hiện tại, cần phải cập nhật thành « miếng ngon làm giòn câu chuyện ». Thời buổi này, chẳng có buổi họp mặt nhỏ hay lớn nào mà thiếu ăn uống :
 
1.
Họp thượng đỉnh giữa các nguyên thủ quốc gia : hội trường sắp nổ tung vì ăn chia không đều, chiến tranh ngấp nghé ngay cửa phòng họp, nhưng đến bữa là phải tạm ngưng, hai phe thù nghịch sắc không, không sắc đằng đằng, dời bước qua phòng khánh tiết, ngồi vào bàn tiệc chừng vài giây : mọi sự trở nên sắc sắc không không, ăn ăn uống uống như chưa hề có sự cố gì cả.
2.
Họp trung đỉnh giữa hai, ba, bốn… hội đoàn, đảng phái cùng chí hướng, cùng lập trường : Nếu phiá chủ chịu khó nghiên cứu về phía khách, khéo chọn vài món đúng khẩu vị của họ - bày ra trước và giữa buổi họp - sẽ dễ đưa đến đồng thuận và thống nhất. Sự đồng thuận và thống nhất trong một vài trăm trường hợp chỉ nhất thời vì, theo kinh nghiệm bản thân, thường thì họp tan ai về tới nhà nấy là quên hết, riêng dư vị bữa ăn thừa sức vất vưởng ít ra cũng vài tuần.
 
-         Các tộc Tàu có một quy luật bất thành văn là mọi buổi họp hạ đỉnh về giao dịch bán buôn bình đẳng – chính trị là buôn nhiều hơn bán nên bất bình đẳng, và chưa từng nghe nói ‘con bán chính trị’ - đều phải được diễn ra trên bàn tiệc, có ăn mới có nói. Người Việt nị có hai chữ Ăn Nói, đúng không ?
 
-         Đúng vậy, nhưng có hai nghĩa. Ăn nói tức có nói, không có ăn. Ăn, nói nghĩa là vừa được ăn vừa được nói, đôi khi còn được gói đưa về nữa. Tôi chưa biết Hà Nội, nhưng bạn bè cho biết có nhà hàng Tàu tên Ăn & Nói (Food Talk House) ở quận Hoàn Kiếm.
 
Ông bà chúng tôi còn dạy « Miếng ăn là miếng tồi tàn ». Nhưng dẫu kề súng vào đầu tôi, tôi cũng không tin lòng Yêu Nước của một người không yêu, không mê vài miếng ăn đặc sản của đất nước mình.
 
-         Nị có vẻ quá khích lắm đó, nhưng quá khích kiểu này thật dễ thương, nói cho có nói, vì không ăn vài miếng đặc sản nơi mình sinh ra là điều không thể, hoạ là hạng bẩm sinh không có miệng lưỡi – nên ăn bằng cửa sau ; hoặc vô cảm, lập dị và…đại ngu ! Tiêu chuẩn Yêu Nước của nị dễ thương vì so với tiêu chuẩn yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa, thậm vô duyên, dễ ghét ! Lối áp chế ấu trĩ thế này có khác gì nàng thỏ thẻ với chàng : yêu em thì anh phải yêu luôn lố em mất dạy của em.
 
-    Còn chàng rù rì bên tai nàng : Yêu anh em phải yêu luôn bà mẹ lưỡi rắn và nửa tá em gái nhọn mồm của anh.
 
Hàn Lệ Nhân
(Còn tiếp - Bài tới : Cái lưỡi mắc xương 2)
------------------------------------------------------------
(1) Lược từ Từ điển Bách Khoa VN, cuốn 2, trang 786, Nxb TĐBK, HN-2002.
(2) Trong sách ghi là Vua.
(3) Trích từ bài tựa phần « Ẩm soạn bộ », tập « Nhàn tình ngẫu ký » của Lý Lạp Ông , thời nhà Thanh, Trung Quốc. Dẫn theo Lâm Ngữ Đường : The importance of living tức Sống đẹp, bản dịch  Nguyễn Hiến Lê, Nxb Tao Đàn, SG-1964.
(4) Vũ Bằng (1913-1984): 1/ Miếng Ngon Hà Nội (1960), 2/ Thương Nhớ Mười Hai (1972), Nxb Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn. Ngoài ra Vũ Bằng còn là tác giả cuốn Món Lạ Miền Nam (1970).
(5) Nguyễn Tuân (1910-1987) mở đầu tùy bút Phở : « Trong muôn vàn thực tế phong phú của nhân dân Việt-Nam, có một cái thực tế mà hàng ngày ít ai nỡ tách rời nó, tức là cái thực tế phở. Cái thực tế phở ấy lồng vào trong những cái thực tế vĩ đại của dân tộc. »
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4nqnnnnn31n343tq83a3q3m3237nvn
Trích đoạn này bị / được lược bỏ trong Nguyễn Tuân Toàn Tập, tập 4 trang 34 - Nxb Văn Học, HN 11/2000.
 
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.11.2007 01:48:52 bởi Hàn Lệ Nhân >
#1
    Hàn Lệ Nhân 30.11.2007 02:16:35 (permalink)
     

    Miệng Lưỡi đa sự ký  2
    Hàn Lệ Nhân
     
    Tịnh khẩu thiệt hơn tịnh tâm.

     
     
    Cái lưỡi mắc xương 2
     
    - Ngày ngày tôi chịu khó đọc tin tức. Đôi khi mới đọc nửa chừng đã khó chịu đã tức. Đọc xong đã không tin mà vẫn tức chỉ muốn băm bài báo cho đã tức, nhưng tôi chỉ đã tức cười khi nghe mấy bài báo miệng bảo rằng Việt kiều (VK) nào đã du lịch Việt Nam mà còn cự lại Đảng & Nhà nước Cộng sản Việt Nam (Đ&NN-CSVN) tức tự mâu thuẩn.
     
    -         Chắc tại hoảng họ nuốt liều liều thuốc yêu nước là (phải) yêu xã hội chủ nghĩa mà Đ & NN-CSVN hàm ý đồng bóng một đảng phái với một quốc gia, một chế độ với một dân tộc. Trong một giai đoạn nào đó, chế độ có thẩm quyền đồng ý hay không đồng ý cho một số thành phần kiều dân về nước. Đã đồng ý cho về đồng nghĩa với tiền trao cháo múc, sòng phẳng. Phải sòng phẳng. Thử trả thiếu tí tiền Xin Visa coi, họ có ký Cho về không ? Do đó, không bên nào chịu "ơn" bên nào cả, hai chữ Xin-Cho trong cuộc "bán mua chính trị" này không nằm trong tự điển phổ thông.
     
    -         Nhưng lỡ chế độ trụ được Muôn Năm như định hướng thì tổ quốc, quê hương hẳn là sở hữu của chế độ chứ !
     
    -         Lấy ví dụ VK bọn nị về thăm Việt Nam. VK về Việt Nam là về quê hương của 80 triệu người Việt Nam, chứ Việt Nam đâu phải là hương hoả của riêng chế độ nào. Chủ nghĩa nào, chế độ nào rồi cũng phải đi qua, duy dân tộc và quê hương là còn đứng lại mãi. Nị tổ khoái đọc lịch sử xứ ngộ, có chế độ nào trụ mãi đâu. Bọn ngộ ngoạm bọn nị cả ngàn năm mà nuốt không trôi, rồi cũng phải nhả, riêng văn hoá nói chung là còn trốn ở lại, cụ thể là trong bếp ! Gia chánh ẩm thực là văn hoá, dễ tiêu dễ hoá hơn mọi thứ hoá phẩm  khác.
     
    -         Lời tiên sinh làm tôi trực nhớ lại chuyện trước 1975 : Bao nhiêu người cả đời ăn cơm Sàigòn nhưng đi ngoài Hà Nội ! Mà chẳng ai múa lưỡi quy họ tự mâu thuẩn.Và họ lại được lãnh bằng Anh Hùng Cách Mạng !  
     
    -         Thiếu gì người tị nạn cộng sản nhưng vẫn thờ ông Mao… Bởi vậy VK bọn nị về nhưng vẫn cự lại chế độ là hai phạm trù tách biệt, với tí suy nghĩ  tẹo liêm sĩ không ai ngụy biện thành mâu thuẩn, để cả vú lấp miệng…mình.  Mà chế độ có làm sao mới có chuyện chống đối chứ. Đọc sách hay đọc / nghe tin tức mà không động não còn hại hơn là ăn mà không nhai. Hôm nay ăn mà không nhai, tức bụng, nội ngày mai là xả được, có điều hại về đường ruột, đường bao tử chỉ hại cho mỗi bản thân. Chứ đọc sách, nhất là đọc / nghe tin tức mà vội tin tức chưa biết cách đọc / nghe, cho đó là sự thật từ Nxb Sự Thật, chuyên môn là nói láo, chủ quan mở miệng phát tán nguyên si ra, trong nhiều trường hợp, cái hại không thể tính đếm. Cần hướng dẫn lại cho họ cách đọc / il faut leur réapprendre à lire (Mallarmé).
     
    -         Đâu phải ai cũng chịu khó vậy, thưa tiên sinh.
     
    -         Đành rằng không phải ai cũng chịu khó như nị nói, nhưng có người bâng quơ : đôi khi không phải tại cái giếng sâu mà do sợi dây ngắn. Tóm lại nên thông cảm và thương họ.Vả, có bao giờ nị tự vấn : Đất nước dân tộc nị thịt da mùi vị ra sao mà thiên hạ ai cũng muốn ăn thử, vì là tiên là rồng nên khẩu vị các nị chắc siêu lắm mới thường bất chấp thủ đoạn để sực nhau ? Xin lỗi, tổ tiên bọn nị ăn thế nào mà con cháu uống hoài vẫn chưa đã khát ?
     
    -         Chỉ muốn ăn nhau chứ có uống nhau đâu mà đã khát. Câu hỏi của tiên sinh, xin khất lại, để tôi hỏi bề trên…trên internet.
     
    -         Ngộ chờ. Chỉ tụi da trắng mới mắc cái bệnh khoa học, như nhìn con cá, họ thường thắc mắc viễn vông cá này ăn gì để sống… ; nhìn con nhím, họ nhíu mày bóp trán : loài nhím có công dụng gì, tại sao da nó lại dựng đứng cả lên khi bị kích động. Người Tàu ngộ và người Việt nị thì khác : Nhìn con cá, con nhím là thấy ngay cái bếp, cái nồi rồi cái miệng, cái lưỡi. (1) Nếu con mắt không muốn khóc mà lệ cứ rơi rơi, thì miệng lưỡi có khạc nhỗ gì đâu mà dãi cứ rỉ rỉ ? Chỉ cổ nhân người Việt mới lỡ miệng ăn nói dại Miếng ăn là miếng tồi tàn…
     
    -         Cũng tương đối thôi, thưa tiên sinh. Nếu quả miếng ăn là miếng tồi tàn sao các bà mẹ lại dạy con gái « muốn chiếm được lòng đàn ông thì nên theo con đường từ bao tử của họ đi lên ». Tôi xin thêm : Muốn nắm được ông chồng phải từ cái lưỡi của họ đi vào !
     
    -         Còn muốn nắm được bà vợ thì sao ?
     
    -         … cái lưỡi cần từ cái lưỡi đi xuống !
     
    -         Ý hội, ý hội…bất khả ngôn từ. Trường đại học Saga bên Nhật có công bố kết quả nghiên cứu rằng lưỡi nữ giới có độ nhạy cảm hơn lưỡi nam giới.
     
    -         Vậy tiên sinh hiểu sao về câu thành ngữ « lưỡi đàn bà như lưỡi mèo, lưỡi đàn ông như lưỡi chó » ?
     
    -         Diễn đạt đen-trắng kiểu nào cũng sai, cũng sẽ bị 2 phương 4 hướng tập kích. Thôi thà nói không biết, lại được nhận không hai chữ thông thái : Biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết, ấy là biết vậy / Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã - Luận ngữ, Khổng Tử). Cẩn tắc vô áy náy. Và tuy xưa nay trong mọi cuộc thi về đứng bếp, thi về nếm rượu đàn ông thường chiếm giải quán quân nhưng nị đừng quên đàn bà vốn được không biết ai đó khải thị làm nội tướng và cũng là chúa thích ăn ngon, uống ngon.
     
    -         Tiên sinh nói đúng. Ai chẳng mong cầu được ăn ngon, uống ngon. Lưỡi Đức Jésus chắc chẳng bao giờ được nếm cao lương mỹ vị như Đức Phật thời ngài còn là thái tử.
     
    -         Riêng Đức Khổng nước ngộ nghèo mà có lối ẩm thực chi li : Thực bất yếm tinh, khoái bất yếm tế (gạo phải thật trắng, thịt phải vằm thật nhỏ), bất đắc kỳ tương bất thực (thịt không có thứ nước tương / nước chấm thích hợp : không ăn) ; sắc ác bất thực, xú ác bất thực (sắc không tươi : không ăn, mùi có hơi nặng cũng không ăn). Thánh ông tri rõ mười mươi cái lụy « doanh dưỡng » nhưng khi ăn uống lại hành thánh bà quá thể, thánh bà chịu không ngạ nên thánh ông mất vợ đâu có gì lạ, đáng đời !
     
    -         Trên là tuế toá về cái ăn của các bậc siêu nhân phi Việt. Bây giờ tôi thử lỏm bỏm lược trình tiên sinh trình độ ăn uống của phàm nhân mít đặc. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Nguyễn Tuân có vài điểm giống nhau : Bình đẳng, vì hai cụ đều nghèo rớt mồng tơi, ngông và kiêu bạc. Tương đồng, vì cả hai đều nổi danh ở Việt Nam, đều là tiên : Cụ Hiếu, Bạch tữu tiên, cụ Tuân, Hắc phạn tiên và nghe nói cả hai đều ngộ đạo ăn.
     
    Tản Đà quan niệm « Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, người ngồi ăn không ngon : không ngon ! Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, người ngồi ăn không ngon : không ngon ! Đồ ăn ngon, người ngồi ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon : không ngon… ».
     
    -         Ngộ xin thêm : Cách trình bày không ngon, người bán không ngon : không ngon.
     
    -         Tôi chịu phần bổ túc của tiên sinh hơn. Ai chẳng biết câu ăn bằng mắt. Đặc biệt người Việt chúng tôi cần học và hành hạ thật kỹ 2 nguyên tắc abc này. Lại xin lấy tô phở làm ví dụ : Nhìn cái mặt như tối qua không được ai ấy hay ấy ai, nhìn cách đặt tô phở trước mặt mình như vất khúc xương trơ xương cho con kiki, nhìn tô phở như mới dọn nhà mà mình vẫn an nhiên tự tại giải phóng nó thì phải gọi cuộc giải phóng đó là hốc, đớp, tọng, táp…chứ còn chút tự trọng, hừ, không có quyền miệng lưỡi làm nhục chữ Ăn…mày mà phải trả tiền !
     
    Trở lại chuyện cụ ông Tản Đà. Ăn thịt cá, rau cỏ chán chê, Tản Đà quay qua tự biến chế các loài hoa thành món đưa cay, đơn cử Nộm hoa sứ, Canh hoa cúc đại đoá…
     
    -         Ông này ăn uống kể là ngông, nhưng xứng với từ nghệ sĩ sáng tạo. Dám ép hoa lấy nồi. Nghe nói thơ văn ông ta nghênh ngang lắm, ngộ có nghe mấy câu thú vị  :
     
    Ai đã hay đâu tớ chán đời,
    Ðời chưa chán tớ, tớ còn chơi.
    Chơi cho thật chán, cho đời chán,
    Ðời chán nhau rồi, tớ sẽ thôi.
     
    Nói thế, can gì tớ phải thôi,
    Ðời đương có tớ, tớ còn chơi.
    Người ta chơi đã già đời cả,
    Như tớ năm nay mới nửa đời.
    (Còn chơi, Tản Đà vận văn 2)

     
    -         Cụ ấy chỉ khoái chơi nhưng chịu khó hiểu là chơi ít, ăn nhiều vì tiếng Việt có chữ kép Ăn chơi : Ăn trước chơi sau. Ăn rồi chơi chơi rồi ăn. Ăn sau lấy sức đâu mà chơi. Chơi xong còn sức đâu mà ăn. Ăn chơi chơi mà chơi chơi được lăm hơi. Vừa chơi vừa ăn, nói chơi thì được. Vừa ăn vừa chơi phí hơi. Ngày lại ngày Ăn mất nhiều thời giờ hơn Chơi, trừ chơi văn :
     
    Nửa đời chính độ tớ đương chơi,
    Chơi muốn như sao thật sướng đời.
    Người đời ai có chơi như tớ,
    Chơi cứ bằng văn mãi chửa thôi.
     
    Chơi văn sướng đến thế thì thôi,
    Một mảnh trăng non chiếu cõi đời.
    Vận hạn nước nhà đương đổi mới,
    Như trăng mới mọc, tớ còn chơi.
    (nhại lời TĐ, như trên)

     
    -         Ăn chơi có qua có lại lại bằng hữu đãi ngộ ngộ đãi lại ngày xưa ngộ ngộ lắm cả tin lắm cả quyết cả tin văn cả tin thơ là cao cả ngộ cả gan chơi văn là nhờ có cả thảy hai vợ vợ cả vợ hai thương ngộ cả vì ngộ cả nễ cả hai thương đều cả hai coi cả hai đều là vợ cả cả ba ra đường gặp ông cả bà cả cả tiếng mời đi đây đi đó là cả cười đi cả thể thù tạc chén cô chén bác cả đêm cả huyện không ai như cả nhà ngộ cả. (nhờ các bạn làm ơn giúp chấm câu dùm). Chứ chơi văn kiểu nị tổ phí thời giờ, hao bạc mà cao lắm cũng chỉ là con mẽ trong cái chén mẽ, khoe mẽ gì. Cả nị cả ngộ cũng hiểu, chơi văn như chơi anh túc. Mê, mệt lắm. Nhưng thời ngộ khác, thời nị khác. Thời nị tất cả đã khác cả rồi, thời nị là thời cả trăm facture (bill) đua nở. Thời nị là thời đôđô, mêtrô, bulô để cả ăn cả nhảy, cướp lại cả thời gian đã mất thuở chưa đổi đời. Ngay cả chung quanh nị hầu như đều thế cả. Còn nị, xin lỗi bá ngọ cả quỷnh. Làm lụng về chỉ cú rú ở nhà, cả ngày thả sách với bút ôm máy, buông máy cầm bút với sách. Xách cả đống tiền đốt thành cả rừng giấy cháo lòng. Nị mà là chắt chút chít rể ngộ, ngộ chút chít chắt chút chít ngộ từ từ từ bỏ nị từ tám hoánh. Ngộ mà là vợ nị, ngộ phết nị theo Khổng Tử từ canh năm phết. Tao ngộ nị cả tháng nay, Hàn điệt à, ngộ biết nị cả thẹn cả quẫy song ngộ cả nghĩ ngộ cảm thương Hàn điệt nên cả lời khuyên hoãn hoãn mê sách say văn đi. Đừng nghĩ ngộ già cả rồi ta đây kẻ cả nhưng cả vóc cả keo, hiền điệt ạ.
     
    -         Dạ, đa tạ tiên sinh đã cả lo mà dạy bảo. Tôi biết cả đấy, nhưng tiên sinh ơi :
     
    Những lúc say sưa cũng muốn chừa
    Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa
    Hay ưa nên nỗi không chừa được
    Chừa được thì…tôi cũng…đếch chừa !
    (Nguyễn Khuyến)

     
    Cho nên cả lời khuyên của tiên sinh thật khó nghe theo.
     
    -         Thằng này ung thư văn cấp 2 rồi !
     
    -         Tiên sinh nói quá. Cổ nhân truyền : Con ăn mất, người ăn còn. Tôi đạt: Tiền ăn nhảy mới mất, tiền chơi sách cũ còn. Tuy giá cả sách cũ bây giờ như diều ăn gió cả. Vả, lợi điểm của lối chơi văn cả quỹnh như tôi biết đâu tôi chẳng đã thành thần tượng của cả thế giới mà cả tôi không biết gì cả.
     
    -         Lợi điểm của thần tượng là gì ?
     
    -          ! ! !
     
    -         Là tên tuổi được tung hê bởi cái mồm của cả lũ đần độn ! (Jules Barbey d’Aurevilly). Còn ông Nguyễn Tuân  ?
     
    -         Không như cụ Tản Đà đã có góp phần nâng miếng ăn là miếng tồi tàn thành nghệ thuật tàn gia bại sản bằng miệng lưỡi tồi bại, cụ Nguyễn Tuân, hình như không để lại "châm ngôn" nào về ẩm thực. Tuy sống chết với chủ nghĩa duy vật chất, cụ chỉ gắn bó với mỗi món ăn cơ bản là cơm đen ; có góp vài tùy bút về phở, giò lụa, bánh dẻo, cốm… và dăm giai thoại về cách điều khiển cái lưỡi của cụ, chẳng hạn, trước khi "tự lột xác", cụ « uống cạn chén rượu là đập tan cốc » (2) ; nguyên con chim bồ câu quay cụ chỉ nhởn nhơ nhót nhoét hai cái cẳng. Về giai thoại này « Mẹ tôi công khai bĩu môi, ẩm thực gia Bắc Hà toàn những thằng nói phét, nhất là cái lão Nguyễn Tuân. Ăn chim bồ câu quay mà chỉ ăn cẳng chân thì là ngu chứ tinh tế gì. Miếng ăn miếng uống vào mồm là cả một sự khôn dại chứ đừng có diễn. »(3)
     
    -         Bu nị văng chữ ngần ấy ăn thua gì. Ăn chim quay lập dị như thế mà nị cho là ngộ đạo ăn thì ngộ thật. Ăn chim quay là phải chơi nguyên con, cái đầu cái cổ là nhất.
     
    -         « Cuối năm 1968, Hội Nhà Văn Việt Nam có tổ chức một hội nghị sáng tác về đề tài công nghiệp ở Bãi Cháy (Quảng Ninh). Bữa cơm chiều tại khách sạn Vườn Đào, mâm nào cũng có một đĩa tôm he 6 con rất hấp dẫn. Bỗng nhà văn Nguyễn Tuân nhón từ trong hộp nhựa của mình ra đủ 6 hạt tiêu sọ cho mỗi mâm và nói với thực khách :
     
    -         Món tôm mà thiếu cái “anh này” thì hơi phí, các bác ạ ! » (4)
     
    -         Đó là cách ăn đúng điệu. Nhờ mấy hạt tiêu sọ này mà lời bu nị trên kia hoá ra tương đối, đối tượng được trừ nửa phần ngu, bù nửa phần tinh tế. Gỡ được nỗi oan Thị-Mầu.
     
    -         Riêng bài Phở rất nổi tiếng của cụ ấy viết năm 1957, tôi đọc đi đọc lại cũng trên chục lần, rằng hay thì quả có hay nhưng ăn Phở lối cụ như ăn chay chùa nghèo. Đọc thì được, ăn như thế nhất định không, hơn nữa với bằng cấp PGS-TS ès-phở của tôi, tôi cho là kém ngon hơn bài Phở bò của cụ Vũ Bằng trong Miếng Ngon Hà Nội. Đã đành trời sinh mỗi cái lưỡi mỗi độ nhạy, thông thường không nên so bì, ngoại trừ trong các cuộc đua tài về miệng lưỡi. Tôi ăn bằng mắt rất kỹ bát Phở bắc "trung nông" của cụ, chẳng là phở gà, phở bò kho, phở ngầu píng tôi không mấy quen, nó đoảng đoảng thế nào. Nói bát phở của cụ Tuân thuộc giai cấp trung nông, ý rằng nó có thịt vừa phải chứ không là « bát phở con nhà nghèo, nhiều khi lại không cần thịt mà căn bản bát phở nhi đồng vẫn là bánh và nước dùng thôi » hay « bát phở công nhân, bát phở ấu trĩ chưa biết đau khổ, chưa cần phức tạp, không cần hành hăng, chanh chua, ớt cay » như lời cụ tả trong sách. Tôi thắc mắc : Lạ, có thứ đất nào trồng được hành cho phở không hăng, chanh không chua, ớt không cay ? Vả, có thứ phở nào chịu phí đời ăn nằm với mấy thứ không hăng, không chua, không cay ? Tôi hoàn toàn đồng ý với cụ rằng « hương vị phở vẫn như xa xưa, nhưng cái tâm hồn người ăn phở ngày nay đã sáng sủa và lành mạnh hơn nhiều. » Đúng vậy, thưa cụ. « Tâm hồn người ăn phở ngày nay » ở trong và ngoài nước khác xa thời Phở của cụ, chẳng hạn bên Pháp ăn phở bằng tô, bên Mỹ họ ăn bằng tô tổ chảng, và đã qua rồi thời kỳ đưa gì ăn nấy mà lại chỉ được độc quyền khen ngon, chê là bị treo mõm một xó. Cho nên bát phở của cụ rõ ràng là bát phở ăn dằn bụng, ăn để có ăn ;  ăn để sống, sống để khắc khoải định hướng ngày được thoải mái ăn, ngon : Khen, dở : Chê ! « Bây giờ có ngay một gánh phở đỗ bên hồ này, thì tớ đả luôn năm sáu bát », thèm nhớ quá nên nói hoảng chứ ăn phở để no – nứt bụng, là lối phàm ăn, là cái no thông tục của các « liệt sĩ » đã được hy sinh cho ta làm thành phở bắc, dẫu có là phở bắc xhcn. Miệng lưỡi ngày nay không thể chịu bát phở của cụ là ngon được. Riêng cá nhân tôi, ăn phở bắc mà thiếu ngò gai, húng quế  - xin lỗi, thèm vào : « Thà ta nhịn đói cho dòng máu thơm » !
     
    -         Mấy cái đuôi trên kia có lẽ thừa nhỉ. Nghe nị đòi bằng được ngò gai, húng quế khi ăn phở bắc làm ngộ thèm nhớ bún bò Huế quá chời. Có điều, nị hẳn đồng ý là tô bún bò Huế mà thiếu bắp chuối tươi thái mỏng thì có trút cả lọ mắm tôm vào vẫn cứ nhạt. Mà đầy đủ lễ bộ như thế ăn mới thấy ngon, mới vừa lòng cái lưỡi. Đầy đủ lễ bộ thì dẫu đã ăn đâu vậy mà đã đã. Nị à, trong cái gọi là nghệ thuật nói chung, đôi câu chúc tết như « sỏi xát vào tai »(5), có tí kiến thức tẹo máu ví giặm ai cũng dư xăng khẩu chiếm. Miếng ăn cho ra hồn không phải ai cũng sáng tác được. Trước một vệ nữ cao kỳ duyên dáng thịt thừa vải thiếu ai cũng có thể - nhắm mắt - tịnh tâm làm Từ Hải. Trước miếng ăn ngon không phải ai cũng trân mình tịnh khẩu được. Bởi vậy, ngộ thấy tịnh khẩu thiệt hơn tịnh tâm (mời quí vị đối lại 6 chữ cuối).
     
    -         Tôi cũng ngộ vậy. Cho nên tôi rất thông cảm những vị với bề dài nâu sòng đạm bạc mút mắt, theo lẽ đã đắc - phần nào - trong công án tu lòng (giảm thị dục lớn thứ hai, nên mới có đạo vị cao) nhưng vẫn đoạ trong công án tu lưỡi, hệt bá tánh phàm phu ngụp trong bể khổ « doanh dưỡng » như tôi, nhất là sành ăn cỡ tiên sinh. Đắc tu lòng, đoạ tu lưỡi nên mới có câu « khẩu chay tâm mặn » và « Tu lòng tu lưỡi nam mô, trường chay giả mặn heo bò mím chi ».
     
    -         Đoạ lưỡi sao đắc lòng được ? Khi nói, cái trí cái tâm điều khiển cái miệng cái lưỡi. Khi ăn, cái miệng cái lưỡi (và con mắt – ăn bằng mắt) điều khiển cái tâm, cái trí. Đạo vị càng cao, khẩu vị càng cao ; khẩu vị càng cao, càng thích ăn ngon. Thích đủ thứ. Mà có thích đủ thứ, có sành sỏi đủ thứ vị đời mới cụ thể vị đạo mà vị nhân sinh được, đúng không ? Huống hồ đây chỉ là vấn đề mùi vị Nhạt-Mặn.Với tinh thần vị đạo nị cho rằng khẩu vị đè bẹp đạo vị, ngộ không nói khác nhưng vị tất đã đúng. Vả, địa vị ta thì thấp ta đứng ở vị thế, vị trí nào để ý vị đa sự về các vị ấy mà khỏi mang tiếng thiên vị vì vị lợi vị ngã ?
     
    -         Nói tới, nói lui cũng chỉ vị thành nhưng, tiên sinh miễn lỗi cho, lòng vị nễ vị tha của tiên sinh vị chi vô vị.
     
    -         Sao vô vị được. Nị không buồn cười sao khi bị nghe một người chưa từng được chết nói về sau cái chết ?
     
    -         Đó là họ vẹt theo sách như...tôi, hay theo học tập chỉ thị như đoàn két.
     
    -         Nị có tịnh khẩu được không khi nghe một người chưa từng sơ múi mùi vị vợ chồng giảng về đạo phu thê, đạo phòng the ?
     
    -         Đó là đương sự noi gương ai đó « vận dụng sáng tạo » từ Nhục Bồ Đoàn của tiên sinh, hoặc diễn thành lời theo tài liệu thính thị đì-mô vờ-sơn trên internet.
     
    -         Ủa, chính nị là thủ phạm của tư tưởng Văn Hoá Nước Biển, rằng « Ai cũng biết nước biển mặn nhưng thực sự muốn biết chất mặn đó như thế nào, cần phải xuống biển, vốc nếm. Một oan khiên, một tội ác có thể trở nên chính xác, nếu chính người gây ra oan khiên, tội ác - hay ít ra thân nhân họ - phải một lần hứng chịu oan khiên, tội ác. "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay"...» kia mà ! (6)
     
    -         Văn hoá nước biển hàm ý về nhân văn xã hội, còn ở đây chúng ta nói riêng về 1 giới luật Ăn trong 1 không gian nhất định. Tiên sinh khiên cưỡng gí tới nơi kiểu này, dù ức, tôi vẫn chịu lãnh án. Đi tù ngay bây giờ.
     
    -         Khoan, chớ có tửng. Nị tưởng muốn được ngồi tù Tây dễ lắm sao ? Ngoại trừ những nơi chủ trương đa nguyên xã hội chủ nghĩa như xứ ngộ xứ nị ra, đâu nước nào chịu chứa loại tù tự nguyện mà không phạm pháp. Chỉ có phạm pháp xong tự thú rồi vô ngồi tù. Hoặc cố ý phạm pháp vặt để vô tù hầu tránh bị đồng bọn thủ tiêu vì tội phản phúc. Hay mới đây có một người Việt chủ tâm phạm pháp để được vô tù vì chắc chắn trong đó đã được ăn lại được chữa bệnh miễn phí ! (7)
     
    -         Đó là Con người mới XHCNVN ! Sáng tạo, sáng tạo… theo TTHCM ! Nhưng tôi thuộc dạng tù lạm dụng tự do ngôn luận của Hiến pháp-1992 như linh mục Nguyễn Văn Lý…, như 2 em Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân mà. Có điều trước khi diện bích sám-hỷ trong tù…
     
    -         Sám-hỷ là cái quái gì ?
     
    -         Là sám-hối và hỷ-xả. Nhưng…
     
    -         Nhưng nhị gì nữa !
     
    -         Xin được nói trước, trong tù tôi chỉ sám mà không hối, hỷ mà không xả.
     
    -         Nghĩa là sao ? Thằng nhỏ này rắc rối quá !
     
    -         Dạ, sám có phải là ăn năn nhận lỗi, hối có phải là hối hận, nguyện hối cải không tái phạm?
     
    -         Không sai.
     
    -         Hỷ là vui vẻ, xả là tha thứ, buông bỏ ? Vậy hỷ xả là vui vẻ tha thứ và quan trọng nhất là phải vui vẻ quên đứt đuôi thằn lằn những lỗi lầm của người khác. Tôi nhấn mạnh, đứt đuôi thằn lằn chứ không phải đứt đuôi nòng nọc vì nòng nọc đứt đuôi là thành ếch.
     
    -         Đúng vậy, và theo nghĩa trong kinh phải là như vậy. Rồi sao nữa ?
     
    -         Nhà văn Dương Thu Hương đã tự nhận « tôi là phật tử theo cách của riêng tôi ». Đó là lời thành thật. Tôi cũng tự nhận tôi có cách quy y của riêng tôi : Tôi là phật tử quy y nhị bảo, cho nên khi tôi nói tôi chỉ sám và hỷ là tôi thành thật với tôi, thành thật với Đức Phật, thành thật với mọi người vì, ở trong tù,  để khỏi bị / được hoá non do buồn rỗi, ăn không ngồi rồi tôi không thể không cùng lúc viết hồi ký và nhật ký trong tù…bằng tiếng Pháp.
     
    -         Ha ha ha…Lưu bút « sử xanh » kiểu nầy thì diện bích ngàn năm cũng rứa rứa. Viết hồi ký là phải ghi lại hết, thất tình lục dục, ân đền oán trả. Mọi sự việc còn nguyên trên giấy, hối-xả cái nỗi gì. Còn lọc hồi ký như lọc cà-phê thì phải gọi "lược ký". Sám mà không hối, hỷ mà không xả…
     
    -         Thì bởi. Nhưng đó là tôi thành thật với tôi, thành thật với Đức Phật, thành thật với mọi người mà. Duy có chút khác biệt. Nhờ tấm gương lưu xú vạn niên của tiền nhân còn mới toanh toanh, và do trí nhớ vốn tệ để có thể ghi nguồn ghi gốc ý văn, ý thơ vay mượn rặt ròi, hồi và nhật ký của tôi sẽ không ghi tên tác giả, hậu thế sẽ bổ túc bằng hai chữ Vô Danh hay Ẩn Sĩ gì đó.
     
    -         Hoặc cũng "có nguy cơ" nị bị thăng trước khi được giảm án hay trả hết án hạn, người vào sau trưng dụng chỗ nị, bắt gặp bản thảo hồi và nhật ký, ký tên nó vào đem bán thì sao ?
     
    -         Đâu sao. Tiên sinh từng nghe người chết nói à ? Đó là chuyện của người sống. Người sống với chút tinh tế sẽ tự hỏi "tác giả" hai tập hồi và nhật ký đó trình độ Pháp văn ra sao ; trước khi cho xuất bản hồi và nhật ký, "tác giả" có chơi văn Tây không ? Và sau khi đã thành danh, vì lý do nào "tác giả" thôi chơi Pháp văn, và nếu thông thạo nhiều ngoại ngữ, tại sao không nhín chút thời giờ đích thân dịch "tác phẩm" của mình ra tiếng mẹ đẻ ? Là lòi tẩy sất ra ngay. (8)
     
    -         Nị bị tù về tội chơi văn ba láp thôi nên theo lẽ đâu ai cấm nị viết hồi ký mà phải giấu bản thảo. Riêng về nhật ký trong tù, ở Pháp tù sướng bá ngọ luôn, tê-lê, thể thao, thư viện… Hầy, chỉ sợ nị giỏi phét về cái khổ, chứ tán thật mỏng về cái sướng thì được mấy hàng. Với cuốn Nhập Bồ Đoàn, ngộ đủ tư cách để "nói thẳng nói thật" nị thua mút mùa lệ thuỷ các văn tài mít đặc trị văn con nợn noạn nuân trên internet. Còn lâu nị mới bị liệt là tù chính trị do đó ít có cơ may được cho đi du lịch qua nhiều cảnh tù. Theo ngộ biết, tù chính trị thường bị rình, bị lục kỹ lắm, thay đổi chỗ giam như chong chóng. Vậy mà nghe nói có người tù chính trị loại nguy hiểm đã đưa tập nhật ký tả các cảnh tù thường ngày của ông ta qua mặt trót lọt ban kiểm tra của những 13 nhà tù khắc nghiệt. Kể là siêu…
     
    -         … Xạo. Trừ trường hợp người ấy từng là bạn tù của Henri Charrière-Steve McQueen.
     
    -         Henri Charrière-Steve McQueen là gì vậy ?
     
    -         Là Papillon, con bươm bướm.
     
    -         Hạo a, đeo theo cánh bướm bay chuyển từ nhà giam này qua nhà giam khác thì bố ai túm được. Đó là món Trang Tử và Mộng Điệp tân biên. Khuya lắm rồi, ngộ đi ngủ, nị đi tù. Mai tiếp tục từ trong đó.
     
    Hàn Lệ Nhân
    (Còn tiếp)
    ------------------------------------------------------------
    (1) Theo Lâm Ngữ Đường và Nguyễn Hiến Lê, Sđd.
    (2) Hoàng Văn Chí : Nguyễn Tuân, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, trang 202 – Nxb Sudasie, Paris 1983.
    (3) Nguyễn Việt Hà : Khải huyền muộn, http://vnthuquan.net/truyen  
    (4) Báo TNTP: Những giai thoại về Nguyễn Tuân) http://www.tntp.org.vn/index.asp?progid=20002&newsid=7535&hsid=0&hcid=11
    (5) TBT Trường Chinh Đặng Xuân Khu phê bài Đường Núi, lối thơ tự do của Nguyễn Đình Thi.
    (6) HLN : Văn hoá nước biển.
    http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=198931
               
    (7) BBC : Cướp để được chữa bệnh trong tù :
    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/10/071010_viet_robbery_hongkong.shtml
               
    (8) [Chuyện thứ nhất: Năm 1919, các nước thắng trận trong Thế chiến có một cuộc họp ở Versailles của nước Pháp để bàn chuyện tương lai của thế giới. Tổng thống của Hoa Kỳ lúc đó mang đến hoà hội một chính sách trong đó hứa hẹn quan tâm đến lợi ích của các nước nhược tiểu. Nước ta lúc đó là thuộc địa của Pháp cũng nằm trong số các nước nhược tiểu. Do vậy một nhóm các nhà ái quốc Việt Nam sống ở Pháp đứng đầu là cụ Phan Châu Trinh và trẻ tuổi là Nguyễn Tất Thành cùng viết một văn bản gửi Hoà hội Versailles đưa ra "những yêu sách của người An Nam" và được ký bằng cái tên chung là "Nguyễn Ái Quốc".]
    (báo Lao Động Online)
                http://www.laodong.com.vn/Home/cntt/2007/9/56351.laodong
           
    Bổ túc :
    Bút danh Nguyễn Ái Quốc gồm 5 người : Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành. Xưa nay ở Việt Nam vẫn được / bị học thuộc lòng rằng bản Yêu sách 8 điểm (Revendications du peuple Annamite) là  tác phẩm chính trị đầu tay của riêng chủ tịch Hồ Chí Minh.
     
    [ Libéré de prison en juillet 1915, en même temps que son compagnon, Phan van Truong est envoyé comme interprète à l'arsenal de Toulouse, ce qui le met en contact avec des coolies, des tirailleurs annamites « importés » en France pour trimer dans les usines de munitions ou être envoyés au front. Il y est sous surveillance permanente. En 1919, il (Phan van Truong) rédige le Mémorandum des revendications du peuple annamite, adressé à la Conférence de paix à Versailles, dont Nguyen ai Quôc - le futur Hô chi Minh - revendiquera la paternité.] http://chatquipeche.free.fr/intro.html
    Muốn có chi tiết, chỉ việc vô Google gõ trong ngoặc kép: "Revendications du peuple annamite".
     
    [Chuyện thứ hai: Thời cách mạng mới thành công ở nước ta, có hai nữ sĩ gửi tặng quà tới cụ Chủ tịch Nước [Hồ Chí Minh]. Một người tặng mấy quả cam (nữ sĩ Hằng Phương) và một người tặng mấy câu thơ thêu trên một bức trướng (nữ sĩ Ngân Giang). Ngay lập tức, hai nữ sĩ đều nhận được lời cảm ơn rất ý nhị bằng hai bài thơ của cụ Chủ tịch. Tất cả sự việc đều đã được ghi chép vào sử sách.] (Dương Trung Quốc: Nhân sự phá sản của đề án 112 - Báo Lao Động online.)
    http://www.laodong.com.vn/Home/cntt/2007/9/56351.laodong
               
    Bổ túc :
    Vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan, nhà thơ Hằng Phương, có đem biếu nhà-thơ-chủ-tịch-Hồ-Chí-Minh mươi quả cam và được Hồ chủ tịch đáp tạ bằng thơ :
     
    Cảm ơn bà biếu gói cam,
    Nhận thì không đáng, từ làm sao đây !
    Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
    Phải chăng khổ tận, đến ngày cam lai.
    (HCM, “Cảm ơn người tặng cam”)

     
    Câu "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", đã đến lúc phải trả lại cho dân gian Việt Nam:
    1.
    Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
    Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.
    2.
    Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
    Uống nước sông nầy nhớ suối từ đâu.
    3.
    Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
    Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
    4.
    Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
    Có bát cơm đầy, nhớ đến nhà nông.
    Đường đi cách bến cách sông,
    Muốn qua giòng nước, nhờ ông lái đò!
    5.
    Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
    Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay, giần sàng.
    (Nguyễn Tấn Long & Phan Canh : Thi Ca Bình Dân VN, nxb Sống Mới – Sàigòn 1969)

     
    và câu "phải chăng khổ tận, đến ngày cam lai" lại là của cụ Tố Như:
     
    Thương vui bởi tại lòng này,
    Hay là khổ tận đến ngày cam lai?
    (Kim Vân Kiều, câu 3209-3210)
     
    Đọc lại HLN : Lại đọc thơ bác
    http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=198931
    [/font=Times new roman][/size=3]
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.11.2007 03:40:59 bởi Hàn Lệ Nhân >
    #2
      Hàn Lệ Nhân 04.12.2007 21:25:53 (permalink)

      Miệng Lưỡi đa sự ký 3
      Hàn Lệ Nhân
       
      Vạn vật đồng nhất thể, vạn vị đồng vô vị.

       
       
      Cái lưỡi mắc xương 3
       
      -         Thưa tiên sinh, về chuyện mặn-nhạt, Kinh Lăng Nghiêm tập 6, có đoạn Đức Phật nói rằng: « Này A Nan, Ta cho phép tỳ kheo ăn năm loại thịt thanh tịnh (ngũ tịnh nhục). Nhưng thịt này thực sự là do thần lực của Ta biến hóa ra, chứ căn bản không có mạng căn. Các ông những người Bà La Môn sống trong khí hậu quá nóng và ẩm, hơn nữa trong vùng đầy cát, sỏi đá như vầy, rau cải không mọc được ; do đó, Ta phải giúp cho các ông bằng thần thông và lòng từ bi. Do lòng từ bi nầy, những gì các ông ăn và nếm giống như thịt và nói đó là thịt, thực ra không phải vậy. Sau khi Ta nhập diệt, làm thế nào những kẻ ăn thịt của chúng sanh lại được gọi là đệ tử của Thích Ca ? »(1)
       
      -         Nị tin Đức Phật có "thần thông" sao ?
       
      -         Thay câu trả lời, tôi lược kể hầu tiên sinh câu chuyện mắt thấy tai nghe :
       
      «  Sau cuộc đổi đời, bà nội phát nguyện vô Villa-chùa tại vùng 94, Paris-Val de Marne làm bà vãi. Một lần nội bị cảm do giao mùa thu-đông, bố con tôi vào để đưa nội đi bác sĩ, vị trù trì cương quyết không cho, bảo « tin gì miệng lưỡi tụi bác sĩ ba trợn, nội chỉ việc tụng kinh cầu nguyện Như Lai vài hôm ắt tự nhiên lành ». Hai hôm sau chúng tôi vào, nội cảm nặng hơn, sốt nằm liệt giường, tay vẫn lần tràng hạt. Bố tôi chẳng nói một lời, bồng nội chạy ra xe chở đi bác sĩ rồi đưa thẳng về nhà. Ba hôm sau nội lành bệnh, trở vào chùa. Ba tuần sau, nội gọi điện thoại bảo tôi đến gặp nội tức khắc. Hoảng hồn, tôi phóng xe đến chùa : Phương trượng mới bị cảm sơ từ tối qua và nhờ tôi đưa đến ngay cái phòng mạch – ba trợn – đã ra toa chữa lành bệnh cho nội ! ». (2)
       
      -         Ngộ hiểu nị muốn u mặc gì, nó làm ngộ nhớ sự tích Đức Phật và các đệ tử của ngài đi đến một bờ sông gặp vị du-già đã bỏ ra 40 năm tu phép thủy thượng phi, cũng như lời ai đó khuyên đệ tử không nên không lấy vợ, không nên hút thuốc lá. Về thuốc lá, cho đến nay chính phủ Pháp giữ độc quyền sản xuất, xuất nhập cảng và phân phối. Nước Pháp sẽ chính thức áp dụng đạo luật cấm hút thuốc lá mọi nơi công cộng từ 01/01/2008, nhưng thuốc lá lại là nguồn thu thuế lớn thứ nhì sau dầu hoả của chính phủ Pháp. Chính phủ Mỹ cũng khuyên dân chúng đừng hút thuốc lá, nhưng nước Mỹ lại đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất cảng thuốc lá ! Trớ trêu là chỗ đó.  Nị à, tích về ngài A Nan đã trên 2.500 năm. Hầu hết Phật tử đều biết ngài A Nan là ai. Bát phở thời ông Nguyễn Tuân không giống tô phở thời nị, vậy hoàn cảnh trong lời nị dẫn về ngài A Nan với hoàn cảnh bây giờ hoàn toàn khác nhau như đất với trời. Bây giờ, rau cỏ ê hề…
       
      -         Nhưng mấy chục năm nay chư vị đạo cao đức trọng đó ăn thịt giả thực mà !
       
      -         « Những người ăn chay mà lại làm đồ chay giả thịt gà, giả thịt vịt hay giả cá ..., vẫn không thể quên mùi vị của thịt và luôn luôn muốn thưởng thức mùi vị này, cho dù ăn đồ giả cũng để đỡ thèm. Không nên dồn năng lực vào chuyện thức ăn và đồ uống. Ăn no là đủ lắm rồi ; không nên sanh tâm chấp trước vào hình dạng và mùi vị. » (3)
       
      -         Miệng lưỡi lỡ quen ăn ngon rồi, tai đã quen nghe, mắt đã quen ngắm nào Heo quay, Vịt quay, Gà xé phay, Tôm chiên lăn bột, Ếch xào lăn…nào Giò, Nem, Chả, Sườn…, nào…

       
      [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/11081/1E03B4F66B51488D890F4D810788CF7D.jpg[/image]

      -         Thôi, thôi… ngộ van nị đừng hát tiếp, không khéo ngộ xuống tóc ngay bây giờ.
       
      -         Đó mới qua-loa-rơ-măng mấy món bản thân tôi từng «thực tế thể nghiệm » ngay trong các thiền môn thanh tịnh tại Pháp, dùng làm nền để đa sự với tiên sinh, chứ toàn tập thực đơn và cách chế biến phải tròm trèm 1 cuốn Phật Học Phổ Thông.(4)
       
      -         Nhưng « không nên giả mặn : Có nhiều bà nội trợ muốn trổ tài khéo léo của mình bằng cách nấu chay mà giả mặn, rồi đặt tên món mặn hay làm ra những hình thức giống như đồ mặn. Thí dụ như : củ hủ cau, củ hủ dừa kho mà gọi là cá tra kho ; bắp chuối luộc, trộn giấm và  rau răm lại đặt tên là thịt gà xé-phay ; bí đao xắt mỏng cặp gắp nướng ăn với bánh hỏi mà lại đặt tên là thịt bò lụi v.v… Như thế là đã vô tình xúi dục người [xuất gia hữu ý] ăn chay nghĩ đến món mặn, miệng ăn rau dưa, mà lòng nhớ đến thịt cá, làm trò cười cho thế gian (5). « Nhất định phải cải thiện thói quen này, nếu không cải thiện thì dần dần sẽ không còn người xuất gia nào ăn chay nữa ! Người ăn chay thì ngay cả tên thịt gà, thịt vịt đều không nên đề cập đến, huống chi nhìn ngó hình thù của loài súc sanh đó ! » (6)
       
      Theo ngộ tìm hiểu giáo lý của nhà Phật thì Ăn chay còn được gọi là ăn lạt. Chay là đọc trại từ chữ Trai, nghĩa là thanh khiết, do đó ai cũng biết món chay là thức ăn được biến chế từ thực vật, nói chung là ngũ cốc (Kê, đậu, bắp, lúa nếp và lúa tẻ). Luật tạng đại thừa (Bắc Tông) nghiêm cấm người xuất gia dùng thực phẩm có nguồn từ động vật (thịt cá), kể cả ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, nén, hưng-cừ / kiệu) vì vừa có mùi hôi lại chứa chất kích thích dục vọng.
       
      -         Tăng già hệ tiểu thừa (Nam Tông) đâu có giới luật cấm mặn…
       
      -         Trong chùa Nam Tông không đặt bếp vì có chủ trương khất thực, bá tánh cúng gì ăn nấy, bất tùy phân biệt do đó không phạm giới cấm. Nhưng chay giả thịt lại thuộc loại hữu danh vô thực, thấy dzậy mà hổng phải dzậy, tuy rất ấn tượng cả ý, hình lẫn vị. Nôm na là rất dễ gợi vọng niệm.
       
      -         Vọng niệm tức tâm bất tại yên. Mà « tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị » / Tâm không ở yên thì nhìn mà không thấy, nghe mà không nghe, ăn mà không biết mùi vị.
       
      -         Ăn mà bất tri kỳ vị tức là ăn lạt, là…chay rồi, được vậy còn gì bằng.
       
      -         Thực như thế thực tình ngon lành chi, thực làm chi, ham hố làm chi ? Thực tình.
       
      -         Luật hay giới là do con người soạn ra cả, chẳng khó khăn gì nếu thực tâm muốn sửa đổi. Đức Phật trước khi nhập diệt có dặn rằng : « Sau khi ta không còn nữa, tăng chúng, nếu muốn, có thể sửa đổi các giới luật phụ và nhỏ ».
       
      -         Sự việc khóc-cười kéo dài bao lâu nay cũng do thiếu quyết tâm, hoặc không muốn bỏ hay sửa vì bỏ hay sửa sẽ gây xáo trộn trăm bề, sẽ tạo cơ hội "diễn biến hoà bình, mất ổn định".
       
      -         Bỏ ngay, e không ổn. Sửa đổi, ai sẽ chịu ai ?
       
      -         Đúng vậy, xưa là « nhất tự vi sư, bán tự vi sư » (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy) hay « nhất tự tam tứ sư » (ba bốn thầy dạy cho một chữ), nay ở hải ngoại hầu hết là « nhất tự nhất sư » (một thầy một chữ) , thậm chí « nhất sư tam tứ tự ». (một thầy ba bốn chữ).
       
      -         Đã « nhất sư tam tứ tự » thì chuyện « bán tự vi sư » (bán chữ cũng là thầy) chỉ là vấn đề thời gian. Mà thực ra chỉ có mấy đầu bếp Việt nị mới thực thà bày đặt dịch tả chay giả thịt là Gà quay, Tôm rim, Mắm thái, Bò lụi… Chứ bếp Tàu ngộ họ lách nên thơ lắm, ví dụ Ô Long Hí Châu, Thúy Đề Ngân Liễu, Đào Viên Kết Nghĩa, Kim Ngọc Mãn Đường…(7)
       
      -         Lách như các bếp Tàu, ở nhà hàng kể cũng tương đối biết tự trọng, chứ linh động trong chốn thiền môn đại thừa đâu cải thiện được gì. Họ hay ở chỗ cứ an nhiên "pháp thí", thuyết diệt / giảm tham-sân-si, giảng tứ diệu đế, khuyên "chay là cội phúc, mặn là giây oan".
       
      -         Câu chuyện sống nị vừa kể trên kia tức « hư ngôn vị tha, nguỵ hành vị ngã »!
       
      -         Người Pháp cũng có câu « hãy làm theo lời tớ nói, đừng làm theo những gì tớ làm / Fais ce que je te dis, fais pas ce que je fais ».
       
      -          Đã có xướng heo giả cầy ngoài xã hội, nay có hoạ bánh mì giả heo trong già lam, đã sao đâu. Món Heo chay nầy nên gọi lách là Trư Bát Giái hay Trư Bất Giới… 
       
      -         …Tôi giơ tay đề nghị đặt tên món nầy là Trư Ngộ Năng cho có phần đạo vị, hơn nữa hàm dự kiến chư vị đạo cao đức trọng nào chuyên trì huân tập viên mãn công hạnh nầy sẽ được Phật Tổ sắc phong làm Tịnh Đàng Sứ Giả ! [8]
       
      -         Cũng là một ý kiến, cứ để bà con bình chọn. Ngộ xin tiếp :
       
      … Đã có bán mua ngoài chợ đời, nay có thêm mua bán trong chợ đạo, đã sao đâu…
       
      -         … Nhưng chợ đạo trong kỷ nguyên toàn cầu hoá như hiện nay thực sự là mua thực phẩm như heo giả, bò giả, phước giả bằng tiền thực…
       
      -         Thôi, không nên phóng đại sự việc làm gì. Trên đại cương, đại để nên xem đại đó là một phát kiến vĩ đại, thích nghi cùng thời đại. Song là đề tài đa sự khác. Trở lại câu chuyện trong đệ nhất nhật tại tù của nị : Cần và phải quán cái lưỡi giả mặn với tấm lòng chân chay thì nị sẽ thấu triệt lẽ vạn vị đồng vô vị. Riêng ngộ còn ngộ ra rằng trong ẩm thực cao cấp thịt thà-rau ráng, mặn-nhạt vốn bất biệt nhưng - nói như nị - Ngon và đã là chính, chẳng khác gì hữu chiêu hay vô chiêu đối với Giác Viễn đại sư của Kim Dung, nghĩa là biết đâu một số chư vị dẫn đạo ở hải ngoại đều đã « tu chứng cao siêu, không còn tâm chấp và phân biệt, đã đạt đạo giải thoát » (9) nên đòn chả lụa nõn nường, miếng heo quay giòn rụm với tô rau cải, chén đậu om đơn điệu đối với họ đồng nhất thể. Vả lại xưa xuất gia là mưu ngộ, nay là mưu sinh mà… Nghề của người ta, nên khi thuyết giảng người ta « chỉ trình bày theo yêu cầu chuyên môn, tuỳ các bạn sử dụng hay không ». (10)
       
      -         Mô Phật ! Kể ra tiên sinh cũng ngộ…
       
      -         Ngộ ngộ chưa chưa dám lộng ngôn, kiêu ngạo hão, có điều ngộ nghĩ nói ai nói cũng được, học rồi thuyết, ai cũng có thể làm được. Còn sống theo cái mình học và thuyết, xin lỗi, xưa nay đã có mấy người. Cho nên, đừng lấy cái vung chay úp lên cái nồi mặn… Nhưng ngộ là gì ?
       
      -         Ờ, ờ… ngộ mà ngộ nói nị là ngộ…nghĩnh !
       
      Hàn Lệ Nhân
      (Còn tiếp )
      ------------------------------------------------------------
      (1, 3, 6) Theo Hoà Thượng Tuyên Hoá : Chay giả mặn  http://www.cosophathoctinhquangcanada.org/nhungdieu/chaythuankhietvachaygiaman.html
       
      (2) « Theo Phật giáo, phép kỳ diệu có thật hay không ? – Không, làm phép kỳ diệu theo đúng nghĩa của nó là vi phạm vào định luật thiên nhiên. Một việc như vậy không thể có được. Đạo Phật dạy tất cả mọi sự việc đều biến diễn theo quy luật của thiên nhiên, không có ngoại trừ. Ngay cả các thần thánh cũng phải theo các quy luật này. » (Subhadra Bhikshu / Friedrich Zimmermann : A buddhist catechism (1888). Phạm Hữu Dung : Introduction  à l’enseignement du Bouddha / Phật học nhập môn, trang 44, Nxb Lang Ve, Montrouge, France 1996).
       
      (4) Menu toàn tập : http://www.camlovuong.org/MP3/An-Chay/AnChayml.htm#H
                 
      (5) Thích Thiện Hoa : Phật Học Phổ Thông, Khoá thứ nhất, trang 152, Ban Hoằng Pháp Phật Giáo Nam Việt (VNCH), Nxb Hương Đạo, Sàigòn 1965.
       
      (7) La Lai Diệu : Món Chay Thượng Hải gồm 2 cuốn, Nxb Đà Nẵng, 2002.
       
      [8] «… Còn Trư Ngộ Năng nguyên trước là Thủy Thần Thiên Bồng nguyên soái, bởi ngươi say rượu cợt Hằng Nga mới phải đoạ mình người đầu thú, cũng còn háo sắc, làm yêu tại Cao Lão Trang, nay tuy tu hành mà thói cũ không bỏ, song có công gánh vác, bảo hộ thỉnh kinh, ta phong làm Tịnh Đàng Sứ Giả. Bát Giái cải lẽ rằng : Ai nấy đều thành Phật, sao tôi làm sứ giả ? Phật tổ nói : Ngươi làm biếng mê ăn nhiều, nên ta phong chức ấy, nếu có đám nào cúng kiến, thì về phần ngươi hưởng, oan ức nỗi gì ? » (Tô Chẩn : Tây Du diễn nghĩa, tập 4, trang 888-889, Nxb Tín Đức thư xã, SG 1961)
       
      (9) Tuệ Trung Thượng Sĩ: Vấn đề ăn chay ăn mặn :
      http://www.thuvienhoasen.org/tuetrungthuongsi-08.htm
       
      (10) « Làm món chay giả mặn là một khía cạnh nghệ thuật riêng trong chuyện nấu nướng và đã được nâng lên rất tầm cỡ, nhất là ở Trung Quốc. Cẩm Tuyết chỉ xin trình bày theo yêu cầu chuyên môn, tuỳ các bạn sử dụng hay không vì có nhiều người không tán đồng việc làm những món chay có hình thức món mặn, nói chi đến việc đã làm món chay mà còn thêm cho có mùi món mặn. » (Cẩm Tuyết : Tôm rim chay). http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/vanhoaamthuc/2006/07/591890/

       


      <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.12.2007 21:30:09 bởi Hàn Lệ Nhân >
      Attached Image(s)
      #3
        Hàn Lệ Nhân 10.12.2007 04:48:42 (permalink)
         
        Miệng Lưỡi đa sự ký [4]
        Hàn Lệ Nhân

         
        Cái lưỡi mắc xương 4
         
        - Vườn nhà tôi có một hồ cá vàng nho nhỏ. Suy bụng ta ra bụng cá nên lúc đầu mỗi ngày đến giờ người ăn là cá được ăn, không kể buổi điểm tâm vì bên nầy sáng tôi chỉ uống tách cà-phê để vội đi làm, vả lại cá đâu cần uống. Trưa thì có bà xã và xấp nhỏ thay phiên nhau lo bữa cho cá. Tối và trọn hai ngày cuối tuần là nhiệm vụ của tôi. Quan niệm về ẩm thực của tôi vốn đơn giản « gì cũng được, miễn ngon » nên khi nhìn cá ăn, bao lần học đòi Trang Châu tôi tự hỏi không biết loại thực phẩm đặc chế này có ngon, có hợp khẩu vị chúng nó không ? Kết cuộc là chục con cá vàng trẻ đẹp lềnh bềnh phơi bụng trên mặt hồ. Hỏi ra mới biết cá tôi chết…no, vì chẳng bao giờ cá bị chết đói : Ôi, Trời sinh cá, sinh rêu !
         
        -         Cũng như Trời sinh voi, sinh cỏ. Nghe nói tiền nhân các nị bảo vậy. Nị cứ cái mửng lo bo bo hết chất bổ.
         
        -         Đúng. Trời sinh voi, sinh cỏ nhưng Trời sinh người ta Trời nỏ sinh cơm. Đấy, trên đấy tiên sinh thử nằm ỳ sống theo thành ngữ của ông bà chúng tôi đi, xem có được chết no như đám cá của tôi không ?
         
        -         Vậy sao thơ văn xứ nị lại có câu : « Nếu không ăn mà vẫn no lòng, thà ta nhịn đói cho dòng máu thơm » ? (1)
         
        -         Đó là lời trong bài Khói Cơm của thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà (năm nay 80 tuổi), hàm nghĩa bóng chống chiến tranh. Chứ bỏ chữ Nếu ở đầu câu thì đâu còn nghĩa lý gì. Không ăn sao no lòng được. Nhịn đói lấy đâu ra máu mới mà đòi nó thơm ? Cụ thể tiên sinh cứ nhìn lại cụ Kiên Giang đi, có gì hơn tấm thân "cường tráng" của cố văn sĩ Nguyễn Ngọc Lan ? Rồi tiên sinh so sánh nét phương phi bây giờ và sự hom hem trước 1990 của các đầy tớ "phụ mẫu chi dân" thì thấy ngay ép-phê của việc dùng miệng lưỡi để phụng sự miệng lưỡi.
         
        -         Ăn thì nói ăn, sao phải "văn hoa ba rọi", phiền quá.
         
        -         Trong tiếng Việt chúng tôi có cơ man thứ ăn, thượng vàng hạ cám. Nào ăn cơm, ăn cưới, ăn giỗ, ăn diện…đến ăn học, ăn nằm, ăn ở,  ăn xin, ăn hiếp ; nào ăn cướp, ăn chặn, ăn bẩn qua ăn quỵt, ăn chẹt, ăn chia, ăn vụng, ăn xổi… và ngon nhất là ăn hối lộ.
         
        -         Nị có chắc không, chứ ngộ nghe nói có thứ ăn khác còn ngon hơn gấp triệu lần ăn hối lộ nữa. Để coi, hình như là tham tham gì đó…
         
        -         Là tham nhũng, tham ô !
         
        -         Đúng rồi. Tham nhũng, tham ô theo tiếng Việt mới là gì ?
         
        -         Tham nhũng là ăn hối lộ cỡ bự, là trực tiếp ăn cắp của dân qua "bí chiêu" nhũng nhiễu, chèn ép… Tham ô là ăn cắp siêu bự tài sản của dân nhưng gián tiếp vì tiền thuế má thu gom đã thành công qũy, thành tư sản của Nhà nước, dân không có quyền ghé mắt, chõ mồm vào. Có điều, ở xứ tôi ăn cắp vặt mới bị tù (ăn cắp một đồng đeo gông vào cổ), còn ăn cắp bạc tỉ của công thì khỏi (ăn cắp bạc tỉ xử lý nội bộ)…
         
        -         …Nị nói làm ngộ nhớ Trang Tử có câu “trộm một cái móc thì bị giết, trộm cả [nửa] nước thì được phong hầu” !
         
        -         Bởi chưng người ăn cắp bạc tỉ, ví dụ, vừa là đồng chí của những người đề ra luật, biểu quyết luật (lập pháp), vừa là đồng liêu với những người áp dụng luật (hành pháp) dành riêng cho nhân dân - ăn cắp vặt, lại vừa là đồng bệnh với các quan toà (tư pháp), và do việc luận tội thường phải dựa theo sự đồng ý trước, thành thử dân đen không thể tiếm đoạt tác quyền của quan tham và toà án vì họ là đồng tác giả của tiểu phầm “xấp giấy xanh xé banh chồng án quyết“.
         
        -         Ông toà theo lẽ là phải “thiết diện vô tư”. Sao có chuyện lạ lùng thế…
         
        -         Thế đâu bằng thân, tiên sinh. Chế độ hiện hành ở xứ tôi và bên xứ tiên sinh là đỉnh cao của văn minh tiên tiến, nền tảng của luật là “Nhất thân, nhì thế, tam chế, tứ ngân”. Tóm lại, ở xứ sở chúng ta, « luật là những tấm màng nhện mà những con ruồi to thì chui lọt, những con ruồi nhỏ lại mắc kẹt ». (Honoré de Balzac)
         
        -         Ngộ vỡ ra rồi, xứ nị và xứ ngộ xem ra chẳng khác gì hai « cái nghĩa trang của những điều luật nghiêm ngặt song chưa bao giờ được nghiêm minh áp dụng ». Hoặc giả nói rằng các phụ mẫu chi dân của chúng ta có thể ấy hai mệ Hiến Pháp và Quốc Luật mà chẳng phải tụt quần nên hai mệ đâu biết mà rên.
         
        -         Tôi thì cho rằng những người cầm cân pháp luật này hẳn « có lông trên lưỡi » !
         
        -         Hầy, các luật gia tiên tiến đó học từ trường nào ra vậy ?
         
        -         Phiá xứ tôi, nghe nói họ đều đỗ đạt cao từ đại học “chí công vô tư” ra cả đấy.
         
        -         Chí công vô tư, chí công vô tư… mấy chữ này sao ngộ nghe quen quen. Chẳng lẽ... Nị này, ngoài ngộ ra, trên thiên quốc hiện có thêm hai hộ khẩu chuyển từ trần gian lên. Cả hai cùng gốc tiên rồng với nị. Bọn ngộ thân nhau vì…chỉ có ba đứa là địa nhân ngộ đạo, đều da vàng mũi tẹt nên ở chung hộ. Hình như lúc còn đứng dưới đất họ lẫy lừng lắm. Chí công vô tư là bốn chữ cửa miệng của cả hai ông. Hai ông ấy có kể cho ngộ nghe chuyện Bo Bo thắng Sì-tếc rồi thắng luôn Bì-con. Họ có truyền cho ngộ bí quyết « vận dụng sáng tạo » Bo Bo thành mấy món rất hạp khẩu vị của ngộ, thi thoảng Ngọc Hoàng và phu nhân cũng sai ngộ bày lên như ngự thiện…
         
        -         Thế hai ông ấy không bàn loạn với tiên sinh về đạo đức cách mạng « mình vì mọi người, mọi người vì mình »…
         
        -         Có chứ sao không, nhưng xem ra hai bố chỉ hành hung vế thứ hai. Cụ thể là từ khi ngộ biết nhuần nhuyễn  « vận dụng sáng tạo » Bo Bo theo Việt-vị là họ khoán trắng chuyện bếp núc cho ngộ, coi đó là thể hiện bổn phận đền ơn công bí truyền. Lạ, riêng món ngự thiện Bo Bo là họ không rớ tới, hỏi lý do thì hai vị chỉ « nhìn nhau không nói, lặng lẻ cười. »
         
        -         Đương nhiên là phải thế vì sau khi thắng Bì-con, Bo Bo đã thành độc sản dành riêng cho non 80 triệu chủ nhân anh hùng, còn hai ông ấy và đám em út đầy tớ buộc phải thời các món khác. Có thế mới khít với « từ dân, do dân, vì dân » chứ.
         
        -         Hèn chi ngộ có ngẫu nhiên nghe hai ông ấy rù rì chuyện hủ hoá gì đó, chẳng biết họ nói về đầy tớ hay chủ nhân :
         
        1. « Ăn uống cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, tự hỏi tiền bạc ở đâu mà ra ? Thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó, ai chịu ? » 
         

           
        2. « Kéo bè, kéo cánh, bà con, bạn hữu mình không tài năng gì cũng chức này chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì của ai. »
         
        3. « Bênh vực lớp này chống lại lớp khác, không biết làm cho các tầng lớp nhân nhượng với nhau, hoà thuận với nhau. »
         
        4. « Tưởng mình ở trong cơ quan của chính phủ là thần thánh rồi, coi khinh nhân dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt ‘quan kách mệnh’ lên. Không biết thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của chính phủ.»(2)  
         
        5. « Chúng ta phải kiên quyết tẩy trừ tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, vì chẳng những nó làm tổn hại nghiêm trọng đến công quỹ của quốc gia, mà còn đẩy cán bộ công nhân ta ngập sâu dưới vũng bùn của giai cấp tư sản. Tham ô là con đẻ của tư tưởng ăn bám, bóc lột ; lãng phí tuy còn do nhiều nguyên nhân khác về trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật, nhưng thông thường là con đẻ của đầu óc làm thuê, không xót xa đối với của cải, mồ hôi nước mắt của nhân dân lao động ; bệnh quan liêu xét cho cùng là sự thoái hoá theo tác phong của những giai cấp bóc lột. » (3) Cho nên nhân dân « họ suy nghĩ không biết họ hy sinh là để xây dựng ngày mai hay để cho người khác hưởng cao hơn. Trong kháng chiến, ai cũng hưởng như ai  thì việc ta động viên hy sinh, mọi người hiểu dễ lắm. Bây giờ công tác tư tưởng rất khó.» (4) « Chẳng hạn, để nghiên cứu tư tưởng HCM về đạo đức cách mạng, ngày nay cần phải đi sâu hơn vào việc liên hệ thực tế xem cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đã thấm nhuần tư tưởng cách mạng của Người đến mức nào và vì sao lại có hiện tượng xuống cấp về đạo đức trong cán bộ, đảng viên đến mức báo động như hiện nay(5). « Ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo » « nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi của chúng…ta. » (6)
         
        6. « Chúng ta thường nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua. Chúng ta đã cưỡng ép thực tế khách quan theo ý muốn chủ quan của mình, do đó phạm những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện (nguyên văn trong sách được in chữ đậm). « Chúng ta mơ tưởng quá sớm đến một đời sống đầy đủ tiện nghi mà không quan tâm đúng mức đến miếng cơm manh áo hàng ngày, nhu cầu và lợi ích thiết thân của cá nhân người lao động, khiến cho người lao động không còn say mê sản xuất, không phát huy được động lực con người, sự nghiệp xây dựng CNXH thiếu đi sức mạnh nội tại của bản thân nó. » (7)
         
        -         Họ đã dùng miệng lưỡi để làm kách mệnh và làm kách mệnh là để phụng sự miệng lưỡi của riêng họ !
         
        -         Nị nói nghe cũng ‘biện chứng’ lắm, vì dù bị mắc xương nhưng lưỡi quen ăn ngon, uống ngon rồi thì hồi tưởng chi thời đại Bo Bo anh hùng cùng nhau sảng. Cho nên, biết là mắc xương nhưng cứ ỳ ra đấy. Chiêu lỳ là đại thượng sách. Chẳng là Vu Lan vừa rồi có người đốt gửi lên cho hai ông ấy một xấp giấy gì đó, cũng do tình cờ ngộ nghe trọn song trong nhất thời nhớ mỗi đoạn này : « Một đảng nhân danh là đảng cầm quyền hạt nhân lãnh đạo của giai cấp công nhân, không vượt qua được chính mình để trở thành một đảng chân chính của giai cấp công nhân thì không những không đủ sức lãnh đạo một nhà nước kiểu mới mà cũng sẽ không đủ tư cách một đảng cầm quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh. » (8)
         
        -         Những lời tiên sinh nghe lóm được từ chú thích [1] đến chú  thích [4] vốn thuộc tác quyền của hai ông bạn chung hộ với tiên sinh. Từ chú thích [5] là do các đệ tử của hai ông ấy tôi luyện từ đại học Thụ nhân Vũ Như Cẫn mà ra. Hồi chưa lên thẳng (trực thăng) trên đó hai ông này là đầy tớ số 1 của Đảng « từ dân, do dân, vì dân » gì đó.
         
        -         Đảng là cái chi chi ?
         
        -         Xin lỗi tiên sinh. Tôi quên rằng thời tiên sinh chỉ có Bang như Cái bang, Thanh Long bang,  Phúc Kiến bang, Tiều Châu bang… chứ chưa có Đảng như đảng Cộng sản hay đảng Don Vito Corleone, đảng Dân chủ, đảng Xã hội…, đảng Cách-mạng-Dân-tộc-Dân-chủ-Tự-Do-Nhân-quyền-Tiến-bộ-Vì-dân...
         
        -         Nhưng Đảng là gì ?
         
        -         Đảng là tụ điểm lòng yêu đất nước của đa số tự bán mình hay tự hiến dâng để phụng sự đặc quyền đặc lợi của thiểu số !
         
        -         Thiên hồ ! Địa hồ !
         
        -         Nghe lóm được ngần ấy, tiên sinh hẳn phải biết cụ Hồ Chí Minh là ai và tư tưởng vĩ đại của cụ ấy ?
         
        -         Tư tưởng của ông ta thì ngộ chưa biết vì chắc chưa…dám dịch tả ra tiếng Tàu. Theo sách báo đài xứ nị từ trước tới nay thì ông ta là “Cha già dân tộc Việt Nam”, đúng chứ ?
         
        -         Quả có chuyện đó. TBT đương nhiệm Nông Đức Mạnh cũng có câu « Tất cả mọi người Việt đều là con của Bác Hồ ». Vậy tiên sinh có biết Mẹ già dân tộc Việt Nam là ai không ?
         
        -         Không biết. Lẽ thường, có "Cha già dân tộc" tất phải có "Mẹ già dân tộc", hơn nữa trong mọi tình huống chỉ có Mẹ là người đứt ruột đẻ mình ra. Vậy nị biết thì nói ngộ nghe coi.
         
        -         Từ tấm bé, tôi được dạy rằng Mẹ già dân tộc Việt Nam có tên là Âu Cơ…, ra đời cách nay trên 4.000 năm !
         
        -         Còn cụ Hồ của nị năm nay được mấy ngàn tuổi ?
         
        -         Một trăm mười bảy tuổi !
         
        -         ! ! !
         
        -         Cho nên tiên sinh ơi, tôi tin quyết cụ Hồ và tất cả người Việt chúng tôi - có thể ông Nông là biệt lệ - là bà con đồng bào vì cùng từ Một Bọc Mẹ Việt Nam mà ra. Tôi tin cụ Hồ là bố đẻ của Đảng Cộng Sản Việt Nam nhưng dứt khoát phủ nhận cụ Hồ là "Cha" người Việt Nam chúng tôi, dưới bất kỳ ngụ nghĩa bốc khí nào, dưới bất cứ nhân danh văn chương lăng mộ nào! Hơn nữa ở xứ tôi đến đêm nay mà dám công khai mở miệng nói « Hồ chủ tịch có vợ, có con » là phạm trọng tội tiết lộ "bí mật quốc gia", do đó khi dạy rằng « Chủ tịch Hồ Chí Minh là Cha già dân tộc Việt Nam » (9) đồng cân với đại tội vu cáo cho "bậc vĩ nhân" cái tội thương luân bại lý ! Vì đã là « người Con trung thành nhất của Tổ quốc Việt Nam » thì không thể cùng lúc tự kiêm là « Cha già dân tộc » (9) được. Tôi sẵn sàng đoản tử để màn sương độc thân tuyệt tự của cụ Hồ được…trường tồn ! (10)
         
        -         Ngộ không biết Mẹ già Âu Cơ của dân tộc nị đích thực là ai nên chỉ xin ghi nhận lời nị thôi. Riêng cái gọi là Bí mật quốc gia, ngộ xin đáp tạ nị bằng thần thoại Hy-lạp này :
         
        « Vì lỡ miệng ngụ ý chê tiếng đàn lyre của thần Apollon, so với tiếng sáo của thần Pan, vua xứ Phrygie là Midas bị thần này phạt tội biến tai ông thành hai cái tai lừa. Vua Midas giữ kín bí mật này đối với mọi người, nhưng làm sao mà giấu được anh chàng hớt tóc cho ông. Vua bèn bắt anh thợ cạo thề độc đến chết cũng không được bật mí chuyện động trời. Anh thợ cạo phát thệ, nhưng lâu ngày chày tháng, anh nín giữ mãi không đặng, giằng co giữa sự thật và lời thề, rốt cuộc anh chàng nghĩ ra một kế vẹn toàn : Anh đào một cái lỗ sâu dưới đất, kê miệng vào thì thào điều bí mật « Vua Midas có 2 lỗ tai lừa ! » rồi cẩn thận lấp đất bịt lỗ lại. Xong, anh cảm thấy lòng dạ thơi thới như trút được mọi phiền não. Chẳng ngờ, nơi cái lỗ được lấp kín kia không hiểu do dâu lại mọc lên một đám sậy và mỗi khi có tí gió hiu hiu, người qua lại nghe đám sậy vi vu bàn loạn với nhau : Vua Midas có hai lỗ tai lừa ! Vua Midas có hai lỗ tai lừa !...». (11)
         
        Hàn Lệ Nhân
        (Còn tiếp)
        ------------------------
        (1) Kiên Giang & Hàn Lệ Nhân: Khói cơm
        http://www.trinhnu.net/media/music/mp3/6/3078.mp3
        (2) Hồ Chí Minh tuyển tập 1, trang 370-371, Nxb Sự Thật, HN 1980.
        (3) Lê Duẩn : Xây dựng nền văn hoá mới, con người mới XHCN, trang 105, Nxb Văn Hoá, HN 1977.
                    (4) Lê Duẩn tên thật là Lê văn Nhuận (1907-1986) : Sđd, trang 50.
                    (5) PGS-TS Thành Duy Nguyễn Văn Truy : Tư Tưởng HCM - Những nội dung cơ bản, trang 465, Nxb Phương Đông, TP-HCM 07/2005.
                    (6) PGS-TS Thành Duy Nguyễn Văn Truy : Sđd, trang 264.
                    (7) Lê Xuân Vũ : Trong Ánh Sáng Tư Tưởng HCM, trang 13, 14 - Nxb Văn Học, Hà Nội quý 1 năm 2005).
        (8) PGS-TS Thành Duy Nguyễn Văn Truy : Sđd, trang 165.
         
        (9) « Nhân dân gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Cha già dân tộc, vì Hồ Chủ tịch là người con trung thành nhất của Tổ quốc Việt Nam. » (Trần Dân Tiên : Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, trang 158 hàng 17, 18, 19 – Nxb Trẻ & Nxb Chính Trị Quốc Gia, TP-HCM, tái bản 04/2005, theo ấn bản 1948 lúc Hồ Chí Minh mới 58 tuổi (?) !).
         
        Ghi thêm : Trần Dân Tiên là ai ?
         
        Trong Từ Điển Bách Khoa VN, tập 4 – 2005, ở vần T (trang 21-734), không có tên Trần Dân Tiên. Tại sao ?
        Xin thưa :
        - Trong khu vườn "Những tác phẩm văn của chủ tịch Hồ Chí Minh", Nxb Khoa Học Xã Hội – Hà Nội 1985, trang 132, nhà văn giáo sư Hà Minh Đức có đào một cái lỗ rồi thì thầm xuống như sau :
         
        "Đáp lại tình cảm của đồng bào và bè bạn trên thế giới, Hồ chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch". Quá ham nên quá hố !
         
        (10) Muốn rõ chi tiết, chịu khó vô Google gõ trong ngoặc kép: “Tăng Tuyết Minh” hay "vợ Hồ Chí Minh".
        (11) Theo ‘Le roi Midas’: http://www.beyaeditions.com/le%20roi%20midas.pdf
         
         
        #4
          Hàn Lệ Nhân 01.01.2008 19:11:50 (permalink)
           

          Miệng Lưỡi đa sự ký 5

          Hàn Lệ Nhân
          Một cái lưỡi chạy nhanh hơn hai cái chân (thành ngữ Pháp)

           
           
          Mỗi lần có ý tập viết một bài phang phác mùi khảo luận để tổng hợp việc tự học, tôi thường ưu tiên tẩn mẩn truy tầm các điển tích có chứng cớ khả tín, có giá trị vượt không và thời gian từ và do các con dân nước Việt 4.000 văn hiến lưu truyền, trước là muốn thay thế dần các điển tích phi Việt đã và đang độc trị trong sách Việt, mọc rễ trong đầu tôi ; sau là tự hào ta cũng có đóng góp chứ đâu phải chỉ biết bắt chước, biết hưởng.
           
          Đã đành văn hoá là vốn chung của nhân loại, nhưng có qua có lại vẫn biết điều hơn, "người lớn" hơn. Chắc chắn là ta đã có, phải có, có nhiều điển tích thâm thúy nhưng do xưa ông bà ta chưa có thói quen ghi chép mà bị vùi theo bụi thời gian, nay đặc biệt nhờ Internet nên mới bắt đầu, chưa thể tập trung thành vốn lớn cho mình cho người. Và nội hình dung đến một ngày không xa toàn đồng bào ta trong nước đòi lại được quyền cơ bản nhất của con vật-người, thoải mái phổ biến những ghi chép tai nghe mắt thấy kể từ sau thời đất nước được chia đôi rồi giang sơn bị thống nhất, mà chẳng còn lo sợ dúm đồng bào người-vật trù dập, ai sao không biết, riêng tôi đã linh cảm vài tháng sau cái ngày đó tôi sẽ được chết vì cười như Trình Giảo Kim ! Song đến đêm nay cá nhân tôi đành chịu. Chẳng hạn đọc sách do người Việt soạn thảo tôi chưa tìm ra tích nào cụ thể nói tới sự lợi-hại về Miệng Lưỡi Việt (1), và, nếu bỏ qua lối Chơi Chữ trong Giai Thoại Làng Nho đầy ý vị (2) nhưng còn riêng lẻ co ro trong mỗi hình chữ S, theo sự tìm tòi của tôi, người mình – trong đó có bản thân tôi – có tập quán trích dẫn điển tích của thiên hạ là chính, đặc biệt đến từ Trung quốc.
           
          Người nào đọc sách Tàu xưa mà không biết mấy điển tích về miệng lưỡi dưới đây :
           
          *  Thường Tung thầy của Lão Tử bị bệnh. Lão Tử đến thăm, hỏi rằng :
           
             - Tôi xem ra tiên sinh mệt nặng. Dám hỏi tiên sinh còn có câu gì để dạy đệ tử chúng con nữa không ?
           
               Thường Tung nói: Qua chỗ cố hương mà xuống xe, ngươi đã biết điều ấy chưa?
           
             - Lão Tử thưa: Qua chỗ cố hương mà xuống xe, có phải nghĩa là không quên nơi quê cha đất tổ không ?
           
             - Ừ phải đấy. Thế qua chỗ có cây cao mà bước rảo chân, ngươi đã biết điều ấy chưa?
           
             - Qua chỗ cây cao mà bước rảo chân, có phải là kính những bậc già cả không?
           
             - Ừ phải đấy.
           
               Thường Tung há miệng ra cho Lão Tử coi và hỏi rằng:
           
             - Lưỡi ta còn không?
           
             - Lão Tử thưa: Còn.
           
               Thường Tung lại há miệng cho Lão Tử coi nữa và hỏi rằng:
           
             - Răng ta còn không?
           
             - Lão Tử thưa: Rụng hết cả.
           
             - Thế ngươi có rõ cái lý do ấy không?
           
             - Ôi ! Lưỡi mà còn lại, có phải tại lưỡi mềm không? Răng mà rụng hết, có phải tại răng cứng không ?
           
          - Đúng thế. Việc đời đại để như thế cả. Ta không còn gì để nói cùng các ngươi nữa. (Nguyễn Văn Ngọc & Trần Lê Nhân, Thầy trò dạy nhau, Cổ Học Tinh Hoa 2, trang 47)
           
          *  Đọc Xuân thu - Chiến Quốc không thể không nhớ tới miệng lưỡi của Tô Tần, Trương Nghi ; đọc Tam Quốc thật khó quên ba tấc lưỡi của Khổng Minh làm bạt viá quần hào văn quan, khích rồi chọc chết võ quan phò mã Chu Công Cẩn nhà Ngô…
           
          *  Đọc Kinh Thánh tôi nhập tâm sự tích Đức Jésus đã cứu được một người đàn bà "tội lỗi" giữa đám trí thức và tu sĩ hung dữ, bằng vỏn vẹn một câu nói « Trong tất cả mọi người ở đây, ai là người chưa từng làm tội lỗi có quyền ném viên đá đầu tiên ».
           
          *  Đọc sách về Đức Phật tôi tâm đắc câu ngài tuyên bố « Trong 49 năm thuyết pháp, ta chưa nói một lời nào ! Kià đệ tử hãy xem theo ngón tay ta mà thấy mặt trăng nhưng nên nhớ : ngón tay ta không phải là mặt trăng ! ».
           
          Tôi chủ quan nghĩ rằng ai ai cũng từng nghe, từng đọc và thừa hiểu hai chữ Miệng Lưỡi theo nghĩa bóng cái lưỡi là cây bút của tâm trí (theo Miguel de Cervantès : cây bút là cái lưỡi của tâm hồn), chẳng hạn "miệng lưỡi luật sư" , "miệng mồm con buôn"…hay "lưỡi không xương nhiều đường lắt léo", "miệng nhà quan có gang có thép". Từ cổ chí kim phụ huynh nào mà chẳng dạy con cái nên "giữ mồm giữ miệng", "uốn lưỡi trước khi nói"… ; hiện đại ta có "công Lý bịt mồm", "miệng vẹm, lưỡi gỗ", "đại biểu hến", "mệ mõ thị ninh", «gây tiếng động bằng cái mõm như một bộ trưởng, thế đấy là diễn viên, với chút khác biệt : Bộ trưởng được trả lương cao khi đóng phim.» (Jean Yanne), «những con dao sắc nhất có thể cùn nhưng cái lưỡi của con người thì luôn luôn bén.» (Elif Uyanik)… ! Cao xa hơn nữa trong giáo lý đạo Chúa, trong giáo lý đạo Phật cũng xum xuê những lời đạo đức khuyên răn, cảnh báo về mầm Hại, mầm Hoạ gây nên từ cơ quan ngôn luận thiên phú và bất trị này của con người, từ trên 2.500 năm qua, ví dụ : «Cái lưỡi cũng như lửa đốt cháy cả đời», «Đồng một lỗ miệng mà ra cả sự khen ngợi và rủa sả ! Hỡi anh em, không nên như vậy.» ; "Thiệt căn, khẩu nghiệp, vọng ngôn, ái ngữ" ; "hoạ tòng khẩu xuất"…v.v… Tựu trung xưa nay những lời của Chúa, của Phật (về miệng lưỡi) khi được các thế hệ sau Tri rồi lặp lại không sai một dấu phẩy đều hàm thiện ý đùn sứ mệnh cho thế hệ kế tiếp, kế tiếp nữa hãy cố gắng mà Hành, theo đúng triết lý con hơn cha nhà có phúc !
           
          Cũng như trên 10 năm qua, tôi đã đọc vô số sách báo tán tụng, tinh lọc về tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng khi tự làm bản sơ kết, thú thật tôi chỉ rút ra được mỗi chữ Cười : Tôi không đời nào dám ngạo mạn cười sở học, kiến văn của các chuyên gia tán tụng, càng không dám cười cơ sở tư tưởng vĩ đại của cụ Hồ vốn đã [«trở thành một gia tài vô cùng quý báu của cả dân tộc. Hơn nữa còn là một tài sản văn hoá chung của cả nhân loại.»] (3) nhưng mỗi lần sưu tầm được một cuốn tán tụng cụ về nằm ngấu nghiến tôi thường nhiều bận gấp sách lại mím chi cho các nhà biên khảo, các lý luận gia học phiệt hàng đầu của chế độ vì các tác phẩm tán tụng của họ đều không khác nhau mấy tí, nếu không muốn nói là tán tụng phẩm của tác giả A tương đương bản photocopy mờ hay rõ của tác giả B bởi chưng nội dung sách của A và B đều được Tri lanh quanh khoảng 35-40 danh ngôn cách mạng và 8 chữ cần-kiệm-liêm-chính-chí-công-vô-tư, đạo đức phổ thông học làm người – nghe nói – của cụ Hồ, so với sự đồ sộ của "bộ kinh" Hồ Chí Minh Toàn Tập (12 cuốn). Và như đã nói trên, những tán tụng ép dầu ép mỡ này đều dành bán khoán cho người đọc noi gương mà Hành để trở thành Con Người Mới XHCN trong một đất nước XHCN mới Đổi Mới trong bước đầu chập chững của "giai đoạn phát triển không-thể-không-kinh-qua- tư-bản-chủ-nghĩa"! Nghĩa là chính bản thân các GS-TS đó (đều trên dưới 70 tuổi đời, 50 năm tuổi đảng) cũng chưa lãnh được tấm bằng đại học "Con Người Cũ XHCN" vì chưa vị nào định nghĩa được thế nào là Con Người XHCN ? (4) Đôi khi tôi cũng mon men điểm tán tụng phẩm của các vị ấy nhưng, do sự trùng lặp giữa các sách đó, tôi đành bỏ ngang vì ý thức được rằng những gì họ tán tụng «giống như những cái đinh, càng đập vào càng làm cho nó lún sâu» (không nhớ tác giả câu này). Và tôi từng lẩn thẩn thắc mắc, bằng cấp cỡ nào họ cũng làm giả được thì cớ chi không "vận dụng sáng tạo" làm đại và phát đại trà mảnh bằng Con Người Mới XHCN…dổm, có chết ai đâu lại vui vẻ cả nước, đặc biệt đối với thế hệ rường cột của quốc gia 7x, 8x… vốn đã sẵn Gen bợ trên đì dưới, vi-rút lừa dối… từ phút hội ngộ giữa tinh cha noãn mẹ.
           
          Các bạn nghĩ sao về mấy hàng dưới đây:
           
          [«Thật kỳ lạ, Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta, người đã giác ngộ cách mạng theo lập trường chủ nghĩa Mác-Lênin, đã khuyên mọi người tu dưỡng đạo đức cách mạng theo phương pháp làm việc biện chứng của Các Mác lại nhận mình là học trò nhỏ của các vị như Giê-su, Khổng Tử, Tôn Dật Tiên và có thể kể cả Thích Ca Mâu Ni, Môhamét và Găngđi nữa… Song, điều tưởng như kỳ lạ đó lại chính là sự vĩ đại của Hồ Chí Minh. Sự thật là, những con người như Giê-su, Khổng Tử, Các Mác, Tôn Dật Tiên [cả Mao Trạch Đông nữa chứ]… đang chi phối tâm trí hàng tỷ con người trên thế giới này. Cho nên, khi nhận thức được rằng những bậc đại nhân, đại trí kia có thể chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết, nếu họ còn sống, thì phải nói Hồ Chí Minh không chỉ nâng mình lên bậc đại nhân, đại trí như họ mà còn đứng cao hơn họ rất nhiều, bởi Người là kết tinh của trí tuệ Việt Nam và thế giới của thế kỷ XX…»] (PGS-TS Thành Duy Nguyễn Văn Truy, sđd trang 293, hàng 1 đến 19).

           
           


           
          Một trong muôn vàn tán tụng ca…

           
          Đọc đi đọc lại đoạn này, mỗi lần tôi đều nổi da gà, trộm cười lạnh, nhận định chung : Các tán tụng gia GS-TS ở xứ ta, đặc biệt tác giả mấy hàng nêu trên, vừa chị em ta hai chữ trí thức vừa « đi lùi về tương lai, cặp mắt hướng về quá khứ » (G. Ferrero), hay có thể hiểu câu thành ngữ "bán trôn nuôi miệng"  đã được đổi mới thành "bán miệng nuôi trôn". Nói là nói vậy chứ trong thâm tâm tôi cảm, thương tình cảnh "ăn cơm chúa múa theo rầy xe lửa" của họ lắm vì gì thì gì "thời thế thế thời phải thế" (Ngô Thời Nhậm), phải kỳ nhông mà sinh tồn, vả lại đâu phải ai cũng vượt qua được chữ Sợ ! Có người nói cái chết chẳng có gì mà sợ, sợ chết mới đáng sợ.
           
          Bởi vậy, dù là mọt sách, tài liệu ngoại ngữ về Miệng Lưỡi sưu tập được chồng đống, đêm nay tôi quyết định không đa sự về Miệng Lưỡi theo lối biên khảo đạo mạo cổ điển, với lý do đơn giản duy nhất là chắc chắn nó sẽ không làm tôi cười - đủ kiểu - trong lúc lọc cọc gõ bài. Mà tôi thì chỉ khoái cười thật và rất sợ phải khóc giả, dĩ nhiên chẳng hiếm khi cười ra nước mắt…một mình. Noi gương pháp-thuật của nhà văn Hồ Phương, tác giả Cha và Con, đồng thời nhân tháng tàn năm tận 2007, tôi xin đề nghị lưu trữ điển tích chưa phân loại về Miệng Lưỡi Việt dựa chắc vào những sự kiện có thật 100% do, từ và vì con dân nước Việt, tạm gọi là :

           
          Những điển tích lỡ miệng

           
          01. Nguyên Tổng bí thư – ĐỖ MƯỜI :
          - « Như hiện nay, đi xin học, hay vào bệnh viện đều phải có...tí phong bì !». (Nói về tình trạng tham nhũng).
           
          02. Phó tổng giám đốc VIETSOPETRO – DƯƠNG QUỐC HÀ :
          - « Đây là số tiền bất hợp pháp. Lẽ ra, phải nộp lại cho nhà nước nhưng tôi không đủ dũng khí để làm việc này. Tôi xin tạ lỗi đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Vũng Tàu, nơi đã cưu mang tôi suốt mấy mươi năm qua. Tôi là con sâu làm rầu nồi canh...» ( Trả lời trước tòa về số tiền 430.000 USD ông được chia trong vụ nâng giá thầu của dự án Block 140).
           
          03. Trưởng khoa Sức khỏe Môi trường, Trung tâm Y tế TP.HCM – HOÀNG THỊ NGỌC NGA :
          - « Trung tâm không có thiết bị xác định, nên kiểm tra bằng...cảm quan thôi !». (Câu nói khi “đề cập” đến việc kiểm tra nước bẩn, đã khiến cho mọi người rơi vào tâm trạng lo lắng cho sức khỏe của mình!)
           
          04. Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm (Hà Nội) – LƯU ĐẮC NÔNG :
          - « Tôi thấy chẳng có gì sai ! Nhưng nếu quận bảo trả lại thì sẽ trả lại, có gì đâu !» (Câu trả lời khi được hỏi “Việc thu tiền... tự nguyện của dân, khi làm sổ đỏ cho những hộ có đất thừa...).
           
          05. Thanh tra giao thông (thuộc Sở Giao thông Công chánh TP.HCM) – TRẦN TẤN LỘC :
          - «... Tùy, muốn đưa bao nhiêu thì đưa. Cả tập thể chứ tui đâu có ôm hết được ! Đội có 50 người chia ra 2 tổ thay nhau đi... Có thì đưa 3 “xị”, lúc nào chạy qua đưa 2 “xị”. Anh em không đòi hỏi, giúp nhau mà sống.».
          06. Chuyên viên cao cấp của Ban tổ chức Trung ương  – BÙI ĐỨC LẠI :
          - « Không ai dại gì đem chuyện tham nhũng ra cuộc họp chi bộ, như thế khác gì cầm một tiểu liên để chiến đấu chống... xe tăng ! »
           
          07. Nguyên Chủ tịch Quốc hội – NGUYỄN VĂN AN :
          - « Ta nghèo nhưng nhiều người lại thích xài sang trong khi thực chất đang xài tiền của... dân ! » ( Phát biểu tại cuộc thảo luận Dự luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ).
           
          08. Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – TRẦN QUỐC THUẬN :
          - « Hiện nay, người ta chưa quen với văn hóa từ chức vì người ta nói dối quen rồi, sai chỉ đưa... mặt ra cười hì hì thì làm sao mà từ chức được!».
           
          09. Trưởng ban Nghiên cứu chính sách, Bộ Kế hoạch & Đầu tư – VÕ TRÍ THÀNH :
          - « Đừng để tình trạng những người “có tóc” thì bị nắm áo để thu thuế, còn người “trọc đầu” né được thì cứ sống phây phây !». (Nói về Thuế thu nhập cá nhân).
           
          10. Chủ tịch UBND phường Quảng An, Q. Tây Hồ, Hà Nội – NGUYỄN DUY BÌNH :
          - « Tao làm sai đấy, mày thích thì đi mà kiện ! » (Thách thức các hộ dân khiếu nại về vấn đề đền bù).
           
          11. Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng – ĐỖ GIA PHAN :
          - « Nhà nước không thể để các Bộ đùn đẩy nhau kiểu “cha chung không ai khóc !». (Bức xúc trước hiện tượng các đơn vị đá quả bóng trách nhiệm cho nhau trong vụ nước tương đen).
           
          12. Luật sư LÊ BẢO QUỐC :
          - « Bạn bè tôi có đứa làm dịch vụ đến 10 tỉ đồng mà vẫn không sao, tôi chỉ làm có... 3 tỉ thôi !.»
           
          13. Phó chánh án Toà án Nhân dân Hải Phòng – DƯƠNG VĂN THÀNH :
          - « Tôi đã khá lo lắng khi thực hiện xét xử vụ này. Tất nhiên không ai bảo tôi phải xử thế này, thế nọ. Nhưng đã có những “gợi ý” và "định hướng" xét xử, mình phải tham khảo. Cấp trên đã có đề nghị xin, thì mình làm khác cũng khó !» (Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm vụ tiêu cực Đồ Sơn).
           
          14. Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao – NGUYỄN VĂN HIỆN :
          - « Ngay từ khi tôi mới về giữ chức Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao thì lực lượng của ngành Tòa án đã thiếu 1.106 thẩm phán... Vì thiếu thẩm phán nên chúng tôi đã cố gắng tạm gọi là "vơ vét", tận dụng những lực lượng đã có để bổ nhiệm cho đủ. Dù vậy cũng vẫn thiếu hơn 900 thẩm phán ».
          - « Một đại biểu ở Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu mà sao lại tốn thời gian và hồ sơ để quan sát sự việc ở Hà Nội để chất vấn chánh án như vậy ?» (Trả lời Đại biểu Bà Rịa -Vũng Tàu, NGUYỄN THỊ HỒNG XINH) 
           
          15. PGS-TS NGUYỄN THIÊN TỐNG :
          - « Hiện nay sách giáo khoa được xem như “kinh”. Đã là “kinh” rồi thì mọi người yên tâm “tụng” mà thiếu sự suy nghĩ, đối chiếu để phản biện !». (Nói về tình trạng dạy và học theo lối mòn trong giáo dục hiện nay).
           
          16. Đại biểu Quốc Hội – NGUYỄN NGỌC TRÂN :
          - « Dân có câu: “Người giàu đi xe hơi - uống bia ôm ; người nghèo đi xe ôm - uống bia hơi”, vì vậy đánh thuế suất cao đối với bia hơi là đánh vào sức mua của dân ! » (Phát biểu tại cuộc thảo luận Thuế tiêu thụ đặc biệt).
           
          17. Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM – CHÂU MINH TỶ :
          - « Người dân trả lương cho anh để mong muốn anh làm việc cho dân, chứ không phải để bị anh hành ! » (Nói về ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ).
           
          18. Đại biểu Quốc Hội – TRẦN HỮU HẬU :
          - « Quy định thuế như hiện nay tạo kẽ hở rất lớn cho gian lận thuế, ví như miếng mỡ ngon để trước trăm con mèo không che đậy gì cả mà chỉ giáo dục chúng phải nâng cao đạo đức, kiềm chế ham muốn. » (Nhận xét về các kẽ hở trong luật Thuế giá trị gia tăng)
           
          19. GS-TS VÕ TÒNG XUÂN :
          - « Việc giao chỉ tiêu phổ cập sẽ đưa cán bộ quản lý giáo dục đến chỗ... nói dóc ! » (Nói về hậu quả của việc “áp đặt thành tích” không có cơ sở khoa học của ngành giáo dục).
           
          20. Tiến sĩ LÊ ĐĂNG DOANH :
          - « Cần từ bỏ kiểu bán “bánh chưng đất”, kiểu nhồi bánh đúc vào diều vịt trước khi đưa ra chợ ! » (Với quan điểm kinh doanh văn minh khi gia nhập WTO).
           
          21. Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao – NGUYỄN HỒNG MINH :
          - « Chúng ta đang tổ chức Đại hội Thể Dục Thể Thao toàn quốc, chứ không phải đại hội... xóm ! » (Đuổi các phóng viên tác nghiệp ở sân thi đấu trong vụ kiện của đoàn Thanh Hóa).
           
          22. Đại biểu HĐND TP.HCM – NGUYỄN VĂN MINH :
          - « Tại ba kỳ họp HĐND trước, tôi đã nghe câu nói "sẽ rút kinh nghiệm" của ngành quy hoạch, đến nay vẫn lại "rút kinh nghiệm". Vậy còn "rút kinh nghiệm đến bao giờ ? »
           
          23. Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh An (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) – NGUYỄN NGỌC CHIẾN :
          - « Nếu mày cụng ly và uống hết 100% với tao, tao sẽ cấp cho mày 2 lô...». (Trong một cuộc nhậu, ông đã “phán” với chiến hữu rằng: Chỉ một ly rượu (bia) mà có giá đến... 2 lô... đất !)
          24. Cựu Thủ Tướng – PHAN VĂN KHẢI :
          - «.... Ông [Bill Gates] đi thăm Việt Nam, chúng tôi cũng có yêu cầu thứ hai là ông và gia đình ông làm từ thiện nổi tiếng trên thế giới, nên cũng mong rằng ông đi để ông thấy chúng tôi cũng là một đất nước đáng cho ông giúp đỡ từ thiện ». (Phát biểu tại trụ sở Microsoft trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, 28/06/05)
          - « Trên nói dưới không nghe, dưới kêu trên im lặng. »
          - « Ngày tôi còn làm Phó chủ tịch TP.HCM, đồng chí Chủ tịch TP muốn kỷ luật một anh chủ tịch phường vì có sai phạm, nhưng dưới địa phương nhất định không chịu kỷ luật. Vậy mà phải thua đấy ! »
           
          25. Chủ tịch nước – NGUYỄN MINH TRIẾT :
          - « Bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát ! »
          - « Chúng tôi không nỡ đối xử không tốt với nhân quyền…»
                     
          26. Tổng bí thư – NÔNG ĐỨC MẠNH :
          -  « Chúng ta không để trò chơi dân chủ lồng vào sinh hoạt quốc hội ». (HN 21/03/07)
           
          27. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội – TÔN NỮ THỊ NINH :
          - « Tôi chống lại ý kiến cho rằng cử tri luôn đúng.»(I resist the idea that voters are always right).
          - « Chủ nghĩa xã hội không phải là chuyện để tôi xía vào.»
          - « Mong mỏi dân chủ hóa ở Việt Nam là một điều ai cũng muốn.»
           
          28. Tạp chí Cộng sản điện tử số 9 (129) năm 2007 (cập nhật 21/05/07) – NGUYỄN DUY QUÝ:
           
          [- «Dân Chủ và Nhân Quyền - Chiêu Bài Đã Lỗi Thời.  Nhân dân Việt Nam đã trải qua bao năm chiến tranh ròng rã, đã tốn biết bao xương máu để giành lại độc lập, tự do, dân chủ cho chính mình từ tay những kẻ xâm lược cùng bọn tay sai của chúng, không lẽ ngày nay lại dại dột trao lại quyền tự do, dân chủ cho chính những kẻ chiến bại…»].
           
          29. Chủ tịch Hồ Chí Minh :
          - [ « Không có gì quý hơn độc lập tự do ». Nhưng « nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng nghĩa lý gì »].(HCM Toàn tập, tập 4, nxb Sự Thật, HN 1984, trang 35)
          - [« Khuyết điểm lớn nhất là thiếu dân chủ » vì « Dân chủ là cái chià khoá vạn năng »] (trích HCM dưới bút danh Chiến sĩ, Cái chià khoá vạn năng, báo Nhân Dân số 4733, 25/03/1967 in lại trong Chế độ XHCN là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, trang 113-115, nxb Sự Thật, HN 05/1979).
          - [« Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. »] (HCM, Tuyên ngôn độc lập, 02/09/1945)
                      - [« Cuối cùng, người ta hứa hẹn với anh em đủ mọi thứ trên trời dưới biển, nhưng giờ đây anh em thấy toàn là những lời lừa dối cả. »] (Nguyễn Ái Quốc = HCM ?, Le Procès colonisation Française, viết tại Paris năm 1925, bản tiếng Việt Bản án chế độ thực dân Pháp do nxb Sự Thật, HN 1960, in lại trong HCM tuyển tập 1, trang 216, hàng 20-22).
           
          30. Chủ tịch Quốc hội – NGUYỄN PHÚ TRỌNG :
          - «Chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề sống còn của Đảng…»
          - « Nắm vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta »
           
          31. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc – TRÁNG APAO :
          - « Những vụ sai phạm lớn đều liên quan đến lãnh đạo địa phương, nhưng khi xử lý chỉ thấy xử lý những ông... “be bé” ở dưới !». (Góp ý với báo cáo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng).
          - « Nhiều đại biểu không hiểu gì, ngay cả thu nhập GDP là cái gì cũng không hiểu thì làm sao ổng dám phát biểu ! ». (Với quan điểm cần nâng cao trình độ của đại biểu HĐND để tránh tình trạng…nghị gật).
           
          32. Bộ trưởng Thương mại – TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN :
          - « Cả nước gia nhập WTO chậm 1 năm cũng giống như một người đàn ông chậm lấy vợ 1 năm mà thôi. Chậm 1 năm có khi còn tốt hơn chậm vài ngày ! »
           
          33. Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo  –  NGUYỄN THIỆN NHÂN :
          - « Vào năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng đồng lương ! » (Không hiểu từ nay tới năm 2010, giáo viên sống bằng gì vậy nhỉ ? ).
          - « Từ lâu nay, trong ngành sư phạm đã tồn tại tình trạng đào tạo “bừa” ! » ( Phát biểu tại hội nghị đổi mới các trường Sư phạm tháng 11/2006 ).
          - « Các thầy, cô xin đừng vội nghỉ hưu. Ông cụ tôi hồi hơn 80 vẫn còn đi dạy ! » ( Nói trong dịp trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú nhân dịp 20/11/2006)
          - Không phải chúng ta không thấy mà là chúng ta “quên”. Các thầy cô của chúng ta hiện nay đang phải ở trong những cái gọi là “lều” công vụ chứ không phải nhà công vụ.» (Như trên)
           
          34. GS NGUYỄN VĂN ĐẠO :
          - [ « Có xin - cho thì mới có... phong bì to ! ». (Nói về cơ chế quản lý theo kiểu xin - cho của ngành giáo dục là mầm mống của tiêu cực).
           
          35. Đại biểu Quốc hội – LÊ VĂN CUÔNG :
          - « Nếu cứ theo thống kê các báo cáo về trồng rừng thì rừng trồng của nước ta đã vươn ra đến tận... biển Đông ! » (Nói về hiện tượng khai khống và con số ảo trong dự án trồng rừng).
           
          36. Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội – NGUYỄN NGỌC TRÂN :
          - [ « Đừng tiếp tục đem tiền vứt vào... vũ trụ mà không biết trách nhiệm sẽ thuộc về ai !» (Kiến nghị bỏ chương trình “Trồng mới 5 triệu ha rừng” khi trước đây đã tiêu tốn hết 8.000 tỉ mà không hiệu quả).
           
          37. Tiến sĩ DƯƠNG NGỌC DŨNG :
          - « Hầu hết các cuộc hội thảo ở ta toàn nói “vuốt đuôi” nhau theo kiểu “Vấn đề anh phát biểu, chúng tôi cơ bản nhất trí”. Nếu có bất đồng cãi nhau, chẳng qua là vì... ghét nhau chứ không phải tranh luận ». (Cho rằng nhiều cán bộ còn thiếu văn hóa tranh luận, luôn lấy “dĩ hòa vi quí” làm phương châm sống).
           
          38. Phó chủ tịch huyện U Minh (Cà Mau) – NGUYỄN MINH ĐIẾU :
          - « Tôi sử dụng bằng cấp III bất hợp pháp tôi chịu kỷ luật, nhưng xin thưa còn bao nhiêu đồng chí cấp ủy tại huyện sử dụng bằng giả như tôi. » (Lời nói khi bị kỷ luật về việc mua và sử dụng bằng giả).
           
          39. Chủ tịch UBND huyện An Dương, Hải Phòng – HOÀNG HẢI HƯNG :
          - « Thần thiêng nhờ bộ hạ, nhưng bộ hạ không thiêng thì mình phải chịu thôi ! ». (Người ký quyết định cho thành lập đoàn thanh tra những sai phạm từ một quyết định của... chính mình, với các thành viên lại là người có liên đới đến vụ sai phạm).
           
          40. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Tiến sĩ luật NGUYỄN ĐÌNH LỘC :
          - «Ta hay nói “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, nhưng móng tay nhọn thì vỏ quýt càng ngày càng dày ra để không bóc được ! » (Nói về khả năng đối phó với Nghị định minh bạch tài sản, thu nhập).
           
          41. Giám đốc Sở Qui hoạch - Kiến trúc TP.HCM – NGUYỄN TRỌNG HÒA :
          - « Dù bị trách là chậm, nhưng quan điểm của tôi là chậm mà... chắc ! » (Biện minh cho tình trạng qui hoạch treo ở thành phố).
           
          42. Chủ lò nấu thép phế liệu Phương Đô, huyện Củ Chi, TP HCM – LƯU QUANG TRIỆU :
          - « Muốn kiện tới đâu thì kiện, tôi sợ gì ! Mà tôi với nó có hợp đồng hợp điếc gì đâu ! Mỗi năm cả nước có khối người chết vì tai nạn lao động chứ nó mất đôi mắt thì nhằm nhò gì ? Tôi thách chúng nó đi kiện » (Phát biểu nơi xảy ra vụ tai nạn nổ lò làm 2 công nhân bị mù mắt).
           
          43. Thẩm phán NGUYỄN THỊ CẨM THU :
          - « Tôi làm theo sự chỉ đạo của ông Lung [Chánh án Đào Văn Lung]. Muốn khiếu nại thì lên tòa tối cao mới thắng chứ ở đây không thắng kiện được đâu. Luật là cái gì ? Đi tòa tối cao thì cũng phải có quà cáp, bao thơ. Bản thân tôi làm trong ngành tòa án muốn gặp người trong tòa án tôi cũng phải đưa bao thư » ( Nói ngay trước mặt nhiều người tại Tòa Án Nhân Dân, TP Rạch Giá).
           
          44. Giám đốc kho bạc Hà Tây – NGUYỄN BÁ THƯỜNG :
           - « Thời buổi bây giờ, một giám đốc kho bạc Nhà nước tỉnh mà có 1,4 tỉ là quá bình thường !» (Nói về chuyện “đánh rơi” 1,4 tỉ và 22 phong bì ).
           
          45. Đại biểu Quốc hội – NGUYỄN ĐÌNH XUÂN :
          - « Được cấp nhà là những người ở vị trí cao nên bây giờ mà “lật lại” thì hơi... nhạy cảm ! » (Cho rằng vì “tế nhị” nên các Bộ trưởng phải trả lời né về chuyện nhà công vụ).
           
          46. Chủ tịch UBND TP.HCM – LÊ HOÀNG QUÂN :
          - « Nội bộ cứ luôn làm phiền nhau: xã phiền quận, quận phiền sở, sở này làm phiền sở kia ! » (Bức xúc về bộ máy Hành chánh cồng kềnh, chồng chéo và… chỏi nhau gây kém hiệu quả).
           
          47. Phó viện trưởng viện kinh tế VN – TS TRẦN ĐÌNH THIÊN :
          - « Thói quen “đánh nhanh, rút nhanh” và ăn… lẻ là phổ biến ! ». (Nói về tập quán xấu trong kinh doanh của các doanh nghiệp ta).
           
          48. Chủ tịch HĐND TP.HCM – PHẠM PHƯƠNG THẢO :
          - « Hiện vẫn còn nhiều công chức “3 không” đó là: công chức không cười, công chức không tận tình, và công chức nói không có chủ ngữ ! » (Về cải cách hành chánh ở bộ máy công quyền).
           
          49. Tiến sĩ DƯƠNG QUÍ ĐÀM :
          - « Gặp nhau ở Hội đồng giám khảo cốt... vui là chính. Mà đã “vui là chính” thì cũng... đại khái là chính.» (Nói về chuyện Hội đồng giám khảo Mỹ thuật có tới 4 vị du học ở Nga về nhưng không am hiểu, đã trao giải nhầm cho 1 bức tranh sao chép của Nga).
           
          50. Phó ban chỉ đạo cải cách hành chính thành phố  –  NGUYỄN TRUNG THÔNG :
          - « Một cửa hiện nay là mỗi sở một cửa, mỗi quận một cửa, mỗi phường một cửa; nhà đầu tư muốn đi, phải qua nhiều cửa; đây là kiểu một cửa... đứt khúc ! »
           
          51. Chủ tịch huyện Mỹ Đức, Hà Tây – (?) :
          - « Du khách nên thương lượng trước để tránh tình trạng... chẳng biết kêu ai ! » (Khuyến cáo bà con về tình trạng không kiểm soát được giá cả niêm yết của dịch vụ ở chùa Hương).
           
          52. Đại biểu Quốc hội – PHAN ANH MINH :
           - « Có rất nhiều người chỉ đạo, nhưng rất ít người thực hiện !». (Nói về việc thực hiện Luật phòng chống tham nhũng).
           
          53. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước – NGUYỄN TẤN HƯNG :
          - « Cán bộ ai cũng được cấp đất để vùng đất mới thêm... trù phú ! » (Thanh minh cho việc cấp đất sai nguyên tắc trong vụ “14 quan chức chia đất mặt tiền”).
           
          54. Bộ trưởng Thể dục Thể thao – NGUYỄN DANH THÁI :
          -  « Tôi không bất ngờ và không bị sốc về tin cầu thủ bán độ !»
           
          55. Huấn luyện viên trưởng U11 Quảng Trị  – LÊ CHÍ BÌNH :
          - « Thực tế, mỗi đội đều phải đem theo 2 đội hình. Nếu vào thi đấu các đội khác không gian lận thì mình cũng không gian lận. Còn họ cho cầu thủ gian lận thi đấu mà mình không làm sẽ... bị thiệt thòi. »
           
          56. Hiệu trưởng Đại học An Giang – GS-TS VÕ TÒNG XUÂN :
          - « Chính các trường sư phạm cũng dạy vẹt, học sinh sư phạm học vẹt, khi ra trường thì bê nguyên xi cái mà mình đã học vẹt đó để dạy học sinh phổ thông. Hậu quả là học sinh cũng học vẹt. »
           
          57. Đại biểu Quốc hội – NGUYỄN ĐỨC DŨNG :
                      - « Bây giờ hơi một tí lấy tiền của Nhà nước thì bảo là “Tôi bị lừa”. Tại sao những đồng chí có trách nhiệm thế này, có trình độ thế này mà lại bị lừa... dữ dội vậy ?» (Nói về trách nhiệm của cán bộ trong việc chống tham nhũng).
           
          58. TGĐ VietNam Airlines – NGUYỄN XUÂN HIẾN :
                      - « Bản thân tôi có 2 cháu du học, 1 đứa là cháu ruột hoàn toàn tự túc kinh phí, còn 1 đứa là cháu vợ tôi. Giờ chúng tôi xem xét lại những trường hợp nào sai thì phải bồi hoàn tiền, thế thôi.» ( Nói về việc ký duyệt cho 16 trường hợp du học sai quy chế, trong đó có cả người nhà của ông ).
           
          59. Chuyên gia chứng khoán HUY NAM :
          - « Thị trường chứng khoán VN phát triển rất nhanh nhưng lại... “béo phì” nên rất dễ ngã ! » (Cảnh báo về hiện tượng “bong bóng”).
           
          60. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao – LÊ DŨNG :
          - [ « Đây là việc làm tự phát, chưa được phép của các cơ quan chức năng Việt Nam.»] (Nói về một số người VN tự động tỏ lòng yêu nước, biểu tình trước Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Hà Nội và TP-HCM sau khi Quốc Vụ Viên Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa / Paracels và Trường Sa / Spratleys của Việt Nam, 03/12/2007).
          http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns071209190944
           
          So với lời tuyên bố trước kia :
           
          - [ « Ðây là hành động mở rộng lấn chiếm, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, gây tình hình căng thẳng, đe dọa hòa bình ổn định và đi ngược lại với xu thế chung của khu vực. Phía Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Ðài Loan chấm dứt ngay các hoạt động này, không được tiến hành những hành động tương tự tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi hậu quả do hành động của mình gây ra.» (Nói về vụ Đài Loan có hành động xâm chiếm Bãi Cạn Bàn Than - Trường Sa, 29/12/2005)
          http://www.quangninhpt.com.vn/2007_details.asp?id=3852
           
           
          1 + 59 tác giả số điển tích lỡ miệng nêu trên tôi đãi sơ từ kho sưu tập trong máy, lượm được trong sách, trên các mạng chính thống của CHXHCNVN vài năm qua, là bước đầu của se sẻ na lâu thành Việt Nam Khẩu Điển, thể hiện tinh thần “đời đời nhớ ơn 60 năm trồng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại", “sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương bách đạo của Người", với hoài bảo mai này dịch nguyên tác ra dăm ngoại ngữ, ấn tống miễn phí tặng đời tưởng cũng không đến nỗi vô ích ! Mong các bạn giúp bổ túc cho hầu mộng chung chóng thành.
           
          Hàn Lệ Nhân
           
          (1)   Lưu ý : Trong Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, tập 2, Nxb TĐBK, Hà Nội 2002, do sơ suất nên thiếu nhiều chữ bắt đầu bằng vần M, như Miệng, Mồm…, trang 805-980.
           
          (2)   Chơi chữ (1963) và Giai Thoại Làng Nho(1966) là 2 tác phẩm của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, nxb Nam Chi Tùng Thư, Sàigòn.
           
          (3)   (PGS-TS Thành Duy, Tư tưởng HCM - Những nội dung cơ bản, Nxb Phương Đông TP-HCM, 07/2005, trang 9 hàng 17)
           
          (4)   Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nxb Sự Thật, HN 1962, trang 174 : «Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa.» (trong sách in chữ nghiêng) :
           
          Miệng lưỡi kiểu này mà được cho là danh ngôn, kể cũng xuề xoà dễ tánh, ấy vì thời nay trẻ Việt nào chẳng biết muốn cất một căn nhà một trăm triệu VCD thì chỉ phải có sẵn trong túi chừng mười ngàn USD, muốn xây một biệt thự giá một triệu USD phải có tài khoản ít nhất hai ba chục tỉ VCD, đó là những con số tối-thiểu-dứt-khoát-rõ-ràng sờ được. Còn khi chưa có con người xã hội chủ nghĩa thì dùng bùa phép nào để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, rồi xã hội cộng sản đại đồng ? Tôi trực nhớ tới mẩu chuyện này :
           
          Giáo sư kinh tế chính trị hỏi học sinh :
           
          -         Anh Quang, yêu cầu anh định nghĩa về Tư bản chủ nghĩa, Xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa.
           
          -         Thưa thầy, TBCN theo con là một căn phòng tối om, trong đó có một chú mèo và một người. Nếu người chụp được mèo sẽ có quyền giữ lấy mèo. XHCN, vẫn là căn phòng tối đó, người tìm mèo mà không biết mèo không có trong phòng. Riêng CSCN, thưa thầy, cũng là căn phòng tối nói trên, người cố tìm mèo dù đã biết chắc mèo không có trong phòng…
           
          Và ở Việt Nam, ai đã là người có đủ tay nghề và đạo đức xã hội chủ nghĩa để làm thầy nặn ra con người xã hội chủ nghĩa ? Quí vị nào giới thiệu cho tôi một ông hay bà thầy chuyên ngành trồng người xã hội chủ nghĩa tôi xin đài thọ từ A đến Z một chuyến du lịch khứ hồi Việt Nam-EU.

           
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.01.2008 19:23:31 bởi Hàn Lệ Nhân >
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9