Các nhà thơ Hy Lạp+Italia
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 17 trên tổng số 17 bài trong đề mục
cacbac 21.04.2009 17:17:26 (permalink)


KHÚC IV

Tầng Địa ngục thứ nhất – Những vĩ nhân chưa qua phép rửa tội

Cơn mê ngủ ở trong tôi đứt quãng
Tri giác phục hồi sau tiếng sét vang
Như một người bị thức bằng sức mạnh.

4 Đảo cặp mắt vừa được nghỉ, nhìn quanh
Tôi đứng thẳng và mắt nhìn chằm chặp
Cố hiểu ra nơi đang ở của mình.

7 Hai chúng tôi đang đứng trên bờ vực
Thung lũng thảm sầu ở dưới bàn chân
Nơi có vô vàn tiếng kêu khủng khiếp.

10 Vực thẳm sâu, vực mờ mịt, đen ngòm
Tôi chăm chú nhìn xuống sâu tận đáy
Nhưng tất cả đều mờ mịt, tối đen.

13 “Giờ ta xuống thế giới mù phía dưới
Ta đi đầu, còn con đi thứ hai”.
Mặt thầy tái mét khi thầy nói vậy.

16 Tôi nói, khi nhìn nét mặt thầy tôi:
“Con đi sao nổi, nếu thầy cũng sợ
Thầy cũng kinh hoàng, biết dựa vào ai?”

19 Thầy bảo: “Cực hình của hồn đau khổ
Đã truyền cả sang gương mặt của ta
Nỗi đau khổ con nhầm là nỗi sợ.

22 Ta đi thôi, đang giục giã đường xa”.
Thầy bước xuống và tôi theo thầy bước
Vào vòng thứ nhất, vực thẳm đang chờ.

25 Ở đó những gì mà tôi nghe được
Không phải tiếng kêu mà tiếng thở dài
Làm xáo động bầu không gian vạn kiếp.

28 Nó từ nỗi đau không bị cực hình
Của đám âm hồn vô cùng đông đúc
Có cả trẻ con, đàn bà, đàn ông.

31 “Sao con không hỏi – thầy tôi bỗng nhắc –
Họ là ai, trú ẩn những linh hồn
Ta muốn con tỏ tường khi bước tiếp.

34 Họ không phải là những kẻ lỗi lầm
Công tích không nhiều nhưng mà cũng có
Nhưng chưa qua rửa tội cửa Đức Tin.

37 Họ sống trước khi đạo Kitô có
Không biết tôn thờ Đức Chúa như cần
Ta cũng là một người trong bọn họ.

40 Vì khiếm khuyết đó, ta bị bỏ quên
Và ở đây ta chịu điều xét đoán
Mất hy vọng và cứ sống khát thèm”.

43 Lồng ngực tôi thắt lại vì đau đớn
Nghe thấy tin có không ít vĩ nhân
Chốn Minh phủ phải chịu nhiều cay đắng.

46 “Hãy cho con hay, chúa tể của con –
Tôi hỏi thầy vì muốn cho vững dạ
Về Đức Tin đã thắng mọi sai lầm –

49 Có phải nơi này không ai thoát cả
Nhờ công mình hay ai chuộc cho nhau?”
Thầy hiểu ngay những lời tôi nói đó.

52 Thầy trả lời: “Ta cũng tới chưa lâu
Ta đã thấy có một Ngài chúa tể
Với vòng hào quang chói lọi trên đầu.

55 Ngài đưa khỏi đêm anh hồn thuỷ tổ
Con trai Aben và cả Nôê
Và Môisê, luật gia, người coi giữ.

58 Vua Đavít, trưởng lão Abờraham
Ítxaraen, cha của ông và con nhỏ
Cả nàng Rakelê cũng được ưu tiên.

61 Nhiều người khác cũng được ban ân huệ
Trước họ chưa từng cứu rỗi một ai
Họ trở thành những người đầu tiên đó”.

64 Thầy vẫn nói nhưng không dừng bước chân
Chúng tôi đi qua một khu rừng lớn
Tôi thấy đây chật ních những âm hồn.

67 Và tôi thấy từ nơi xa xôi lắm
Có một vầng ánh sáng trước mặt tôi
Nửa bầu trời đen bỗng nhiên toả sáng.

70 Dù ánh sáng không ở gần chúng tôi
Tôi nhìn thấy một đoàn đông đúc lắm
Hẳn những người đáng kính ở nơi này.

73 “Hỡi người vinh dự của thơ ca, khoa học
Họ là ai mà lại được tôn vinh
Số phận họ sao khác xa người khác?”

76 Thầy đáp: “Tiếng tăm của họ lẫy lừng
Còn vang mãi trong cuộc đời dương thế
Nên Chúa Trời nhiều ân huệ đã ban”.

79 Ngay lúc này, tôi nghe ai đó nói:
“Nhà thơ cao cả nhất hãy tôn vinh!
Bóng của nhà thơ nay đà quay lại”.

82 Tôi nhìn thầy, khi dứt những lời trên
Đến trước chúng tôi bốn người vĩ đại
Nét mặt không vui mà cũng chẳng buồn.

85 “Con hãy nhìn – người thầy nhân hậu bảo –
Người đang cầm chiếc kiếm trong tay kia
Dẫn đầu ba vị như vì vương giả.

88 Nhà thơ tối thượng, chính là Hômer
Tiếp theo – Hôrát, nhà thơ trào phúng
Ôviđiô thứ ba, và sau nữa Lucanô.

91 Mỗi người danh hiệu với ta đều xứng
Lời vang lên, ta một chút bước lên
Tôn vinh họ, và tất nhiên, ta đúng”.

94 Trước mắt tôi tuyệt mỹ một tao đàn
Vị chúa tể với bài ca bất tử
Như đại bàng bay lượn giữa trời xanh.

97 Thầy tôi gặp và chuyện trò với họ
Rồi quay về tôi làm dấu cúi chào
Và thầy mỉm cười với tôi khi đó.

100 Họ ban cho tôi vinh dự lớn lao
Tôi được đứng trong tao đàn của họ
Người thứ sáu trong các bậc thanh cao.

103 Chúng tôi đi đến tận vùng sáng tỏ
Muốn nói lời mà nín lặng càng hay
Nhưng cũng hay nếu chuyện trò nơi đó.

106 Trước mắt tôi hiện ra một lâu đài
Có bảy lớp thành, tường cao chất ngất
Và một dòng sông xinh đẹp bao vây.

109 Chúng tôi qua sông như đi trên đất
Qua bảy cánh cổng đến nhóm đại hiền
Một thảm cỏ xanh hiện ra trước mặt.

112 Những vị đó rất điềm đạm, trang nghiêm
Dáng vẻ bề ngoài uy nghi, oai vệ
Lời họ khoan thai, chậm rãi vang lên.

115 Chúng tôi bước lên một khu đồi nhỏ
Một vùng cao tươi mát, sáng, dịu êm
Cho phép chúng tôi nhìn ra tất cả.

118 Ở đó, trên nền ngọc bích màu xanh
Đã hiện lên những anh hồn cao cả
Mắt thoạt nhìn đã phấn khích trong tim.

121 Tôi thấy cụ Eletơra và đàn cháu nhỏ
Trong số họ có Hécto và Ênêa
Xêda đeo gươm đôi mắt rực lửa.

124 Tôi thấy Cammila, Pantaxilêa
Và vua Latinô xa hơn một chút
Ngồi bên cạnh công chúa Lavina.

127 Bờrutô, người cho Táckinô hạ bệ
Lucờrêxia, Giulia, Mácxia, Coócnilia
Và Xalađinô một mình riêng lẻ.

130 Sau đó ngước mắt một chút nhìn lên
Thấy vị Tôn sư mọi người biết đến
Giữa quây quần triết học một gia đình.

133 Tất cả hướng về tỏ lòng tôn kính
Người ngồi gần nhất và trước mọi người
Tiếp đến Xôcrát, Platôn đáng kính.

136 Có Đêmôcrít nổi tiếng khắp nơi
Anaxagô, Talê, Điôgiênét
Empêđôclét, Hêraclít, Zênônê.

139 Tôi thấy người đi sưu tầm thảo dược
Điátcôriđê và thấy Oócphêô
Tuliô, Linô và Xênêca – nhà đạo đức.

142 Nhà hình học Ơcơlít và Tôlômêô
Avixena, Galen và Ipôcrát
Avêôít, nhà bình luận tài ba.

145 Tên mọi người không thể nào kể hết
Tôi cần nêu nhanh chóng tên mọi người
Thường lời nói không thể nêu hết việc.

148 Giờ nhóm sáu người chỉ còn lại hai
Nhà hiền triết dẫn tôi đi hướng khác
Rời lặng yên vào xao động khôn nguôi.

151 Chúng tôi đi vào một nơi tối mịt.

CHÚ THÍCH

KHÚC IV

37 – 39. Đạo Kitô: tức đạo Thiên Chúa. Virgilio chết năm 19 tr. CN vào ngục Limbus khoảng nửa thế kỷ trước khi Giê-su chết và hồi sinh.
53. Ta đã thấy có một Ngài chúa tể: chỉ Đức Chúa Giê-su.
55. Anh hồn thuỷ tổ: chỉ Adam, người đầu tiên theo Kinh Thánh.
56. Aben: con Adam; Nôê: người theo ý Chúa Trời đã đóng thuyền chở vợ con và các loài vật khi xảy ra nạn hồng thuỷ.
57. Moise: người giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập, được Chúa Trời ban cho bộ luật Do Thái.
58. David: Vua Do Thái; Abraham: Trưởng lão Do Thái.
59. Israel: tức Giacobbe (Jacob); Rakelê (Rachel): Vợ Giacobbe.
88–90. Omero (Homer): Nhà thơ Hy Lạp cổ đại, người được coi là tác giả của “Iliat” và “Odyssey”; Orazio (Horace) (65 – 8 tr. CN) – nhà thơ La Mã cổ đại; Ovidio (Ovid) (43 tr. CN – 18 sau CN) – nhà thơ La Mã; Lucano (39 – 65) – nhà thơ La Mã. Bốn nhà thơ cổ đại mà Dante gọi là “bốn người vĩ đại” (câu 83). Trong bốn nhà thơ này thì Omero là nhà thơ mà Dante chưa thể đọc được vì Dante không biết tiếng Hy Lạp, còn bản dịch ra tiếng Latinh hồi này chưa có, mặc dù vậy, ông vẫn gọi Omero là “nhà thơ tối thượng”, gọi Orazio là “nhà thơ trào phúng”. Còn Ovidio và Lucano thì Thần khúc sử dụng rất nhiều sự tích từ tác phẩm của hai nhà thơ này.
121–144. Dante tiếp tục gặp những nhân vật sau: Elettra (Electra): người yêu của thần Dớt, mẹ của Dardano, người lập thành Tơroa; Ettor (Hector): con trai vua Priamo và Ecuba, anh hùng Tơroa; Cammilla, Pantasilea: những nhân vật trong thiên anh hùng ca “Eneide” của Virgilio; Latino: vua của Latium, cha của Lavina. Lavina là vợ của Enea; Bruto: lãnh chúa đầu tiên của cộng hoà La Mã, người đã hạ bệ vua Tarquino năm 509 tr. CN, thiết lập chế độ cộng hoà (không phải Bruto, người giết Cesare ở câu 65 khúc XXXIV); Lucrezia, Iulia, Marzia, Corniglia: bốn gương mặt phụ nữ đại diện cho đức hạnh La Mã; Saladino (1138 – 1193) quốc vương Ai Cập và Syria, Saladino một mình riêng lẻ vì ông thuộc về nền văn hóa khác; vị Tôn sư là Aristotele (384 – 322 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Socrate (469 – 399 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Platone (427 – 347 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Dimocrito (460 – 370 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Anassagora (500 – 428 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Tale (625 – 546 tr. CN): nhà toán học, triết học Hy Lạp cổ đại; Diogenes (413 – 327): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Empedocles (thế kỷ VI tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Zenone (335 – 264 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Eraclito (540 – 480 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Diascoride (thế kỷ I sau CN): thầy thuốc Hy Lạp cổ đại; Orfeo: nhà thơ, nhạc sĩ, nhà tiên tri Hy Lạp cổ đại; Tulio (106 – 43 tr. CN): nhà hùng biện La Mã cổ đại; Lino: nhà thơ thần thoại Hy Lạp cổ đại; Seneca (4 tr. CN – 64 sau CN): nhà triết học La Mã cổ đại; Euclide (thế kỷ III tr. CN): nhà toán học của Alexandria, Ai Cập; Tolemeo (thế kỷ II ): nhà toán học, thiên văn học Hy Lạp cổ đại; Ipocrate (460 – 377 tr. CN): danh y Hy Lạp cổ đại; Galieno (thế kỷ II) danh y Hy Lạp cổ đại; Avicenna (Ibn Sina) (980 – 1037): nhà triết học Arập; Averois (1126 – 1198): nhà triết học, danh y Arập, người bình luận triết học Aristotle hay nổi tiếng.
#16
    cacbac 09.10.2009 15:53:31 (permalink)

     
     
    KHÚC V

    Tầng Địa ngục thứ hai – Minốt – Những người tình

    Vậy là tôi đã đi hết một tầng
    Xuống tầng hai này không gian càng hẹp
    Nhưng nghe nhiều hơn những tiếng khóc than.

    4 Minốt đứng đó nghiến răng ken két
    Khảo tội từng người vừa mới tới đây
    Phán tội rồi đuổi đi, roi xoay tít.

    7 Khi một linh hồn khốn khổ tới đây
    Phải trình diện và cung khai tội trạng
    Thì quan âm binh xét xử như vầy:

    10 Vị quan xem xét và quan cân nhắc
    Tội trạng hồn này theo số vòng roi
    Để chỉ định theo số tầng địa ngục.

    13 Các âm hồn hối hả, chen chúc nhau
    Kẻ trước người sau để chờ phán xét
    Rồi lắng nghe, và họ nói với nhau.

    16 “Sao ngươi đến đây, vị khách tội nghiệp –
    Nhận ra tôi, Minốt chợt kêu lên
    Thậm chí quên rằng mình đang làm việc –

    19 Sao ngươi đến đây và đi cùng ai?
    Chớ coi thường, không dễ vào đâu nhé!”
    Thầy tôi trả lời: “Ai xuống chốn này

    22 Thì chớ ngăn cản người ta như thế
    Ai muốn thì hãy cứ để cho người
    Làm việc muốn. Đứng gào lên như thế!”

    25 Tôi nhận ra cảnh đau khổ ngậm ngùi
    Nghe tiếng thở than và tôi bước đến
    Muôn tiếng khóc than ùa đến quanh tôi.

    28 Tôi ở nơi ánh sáng đều tắt ngấm
    Và giống như tiếng sóng biển, gầm gừ
    Hai ngọn gió giằng xé nhau cuồng loạn.

    31 Gió địa ngục không yên nghỉ bao giờ
    Cuốn âm hồn vào cơn điên của nó
    Rồi gió xoay vần, hành hạ, đập, va.

    34 Khi những hồn đến lối đi đất lở
    Thì bỗng ồn lên những tiếng khóc than
    Ồn lên mọi lời thánh thần báng bổ.

    37 Tôi hiểu ra, đây là tầng cực hình
    Dành cho những tội đồ về xác thịt
    Lý trí thấp hơn, dục vọng cao hơn

    40 Như đôi cánh của bầy chim co quắp
    Lượn xoay vòng giữa trời lạnh, giá băng
    Trận cuồng phong cuốn những linh hồn ác.

    43 Cuốn khắp đó đây, hạ xuống, tung lên
    Không một chút hy vọng nào được nghỉ
    Hay ước mong được giảm bớt cực hình.

    46 Như đàn sếu bay về nam tránh gió
    Kêu thảm thiết buồn giữa chốn không trung
    Trước mặt tôi, một vòng tròn nức nở.

    49 Tôi hỏi thầy: “Âm hồn bị cuồng phong
    Giằng xé đó, thì họ là ai vậy
    Sao bị hành hình bởi ngọn gió đen?”

    52 Thầy trả lời: “Cái người đầu tiên ấy
    Con hãy nhìn xem, là một nữ hoàng
    Xưa từng cai trị nhiều dân tộc đấy.

    55 Bà ta là người quỉ quyệt, gian tham
    Đem biến thói dâm ô thành luật pháp
    Cho thoát khỏi lời đàm tiếu của dân.

    58 Đó là Xêmiramít mà ta biết được
    Là hoàng hậu, người kế vị Ninô
    Cai quản thành đô dâng cho vương quốc.

    61 Kia, người đàn bà tự sát vì tình
    Phản nắm xương Xikêô chồng cũ
    Kia là Cờlêôpát – nữ hoàng dâm.

    64 Còn kia Êlêna, một thời khó nhọc
    Đã nổ ra vì sắc đẹp của nàng
    Kia là Asin bị tình yêu khuất phục.

    67 Và Parítxơ, và Tờrixtăng”.
    Thầy kể tên và lấy tay chỉ trỏ
    Những kẻ vì tình loại khỏi trần gian.

    70 Khi tôi lắng tai nghe nhà học giả
    Nêu tuổi tên bao hiệp sĩ, giai nhân
    Thì lòng tôi bồi hồi, xao xuyến quá!

    73 Tôi nói: “Hỡi nhà thơ, con rất mong
    Được trò chuyện cùng hai người sánh bước
    Đang cuốn theo làn gió rất nhẹ nhàng”.

    76 Thầy bảo tôi: “Chút rồi con sẽ gặp
    Và hãy thỉnh cầu khi họ đến đây
    Họ sẽ tới, theo tình yêu dẫn dắt”.

    79 Khi gió đẩy họ về phía chúng tôi
    Tôi kêu lên: “Hỡi hai hồn đau khổ
    Hãy trò chuyện cùng tôi, cả hai người!”

    82 Như đôi chim câu nghe lời của tổ
    Sải cánh theo tiếng gọi của đam mê
    Theo niềm khát vọng, vượt bầu không khí.

    85 Thế là họ tách khỏi nhóm Điđô
    Tách bầu âm khí, phía tôi hướng đến
    Họ vui lòng theo tiếng gọi từ bi.

    88 “Hỡi sinh linh đáng yêu và nhân hậu
    Đã ghé thăm nơi Địa ngục tối tăm
    Chúng tôi những kẻ phàm trần nhuộm máu.

    91 Giá như Thượng Đế sẽ là bạn thân
    Thì chúng tôi cầu cho ngươi vạn sự
    Vì rủ lòng thương cho cảnh đau lòng.

    94 Nếu ngươi muốn hỏi, muốn nghe gì đó
    Thì chúng tôi bộc lộ rất sẵn lòng
    Khi nơi này dịu bớt đi ngọn gió.

    97 Tôi sinh ra ở bên một dòng sông
    Dòng sông Pô, nơi hạ thấp dòng chảy
    Rồi các nhánh vào một biển hòa chung.

    100 Tình đốt cháy những con tim dịu dàng
    Tình quyến rũ, tình khát khao thân xác
    Và say sưa, khủng khiếp giờ cuối cùng.

    103 Tình sai khiến cả người yêu dấu nhất
    Làm mê hồn, cuốn hút hai chúng tôi
    Vòng tù hãm vững bền, ngươi đã biết.

    106 Tình dẫn về cái chết cả hai người
    Dìm ngày xanh trong Caina địa ngục”
    Từ miệng họ tôi nghe thấy những lời.

    109 Những chiếc bóng thật vô cùng tội nghiệp
    Tôi cúi đầu trên ngực, trong u sầu
    “Con nghĩ gì?” – Thầy của tôi thắc mắc.

    112 “Ô, có ai người biết – tôi bắt đầu –
    Mơ ước nào và từ đâu tai nạn
    Dẫn hai người đi vào cõi khổ đau!”

    115 Sau đó, hướng về những hồn im lặng
    Tôi rằng: “Phờrăngxétxca, những lời em
    Ta nghe theo bằng nước mắt thương cảm.

    118 Nhưng hãy nói: giữa thổn thức ngày xanh
    Có phải vì em do ai xúi giục
    Hay dẫn dắt em dan díu với tình?”

    121 Nàng trả lời: “Nhớ lại ngày hạnh phúc
    Trong bất hạnh càng khiến cõi lòng đau
    Vị học giả của ngươi chắc biết được.

    124 Nhưng ngươi muốn nghe câu chuyện từ đầu
    Tình khổ đau, tình chất đầy khao khát
    Thì em tiếc lời và nước mắt đâu.

    127 Có một lần em với chàng đã đọc
    Về Lancelot – một câu chuyện ngọt ngào
    Rồi cả hai, ai cũng đều sơ suất.

    130 Từng nhiều lần tái mặt qua trang sách
    Mắt nhìn nhau trong bí ẩn rung lên
    Và đành để câu chuyện kia khuất phục.

    133 Khi đọc rằng với nụ hôn của mình
    Vào nụ cười bờ môi chàng áp sát
    Em với chàng đau khổ đến ngàn năm.

    136 Và cuốn sách trở thành Galeôt
    Chàng hôn môi, em bần bật run lên
    Không còn ai đọc đến cùng trang sách”.

    139 Hồn nói xong, vẻ tức tối vô cùng
    Còn hồn kia tim khổ đau nức nở
    Tôi như người chờ đợi phút lâm chung.

    142 Như người chết, tôi ngã nhoài sau đó.

    ______________________

    CHÚ THÍCH

    KHÚC V

    4. Minos: Theo thần thoại Hy Lạp là vua xứ Creta, nổi tiếng công bằng và nghiêm khắc. Trong Địa ngục của Dante, Minos là quan phán xét.
    58. Semiramis: nữ hoàng của xứ Caldea và Assiria, thế kỷ XIV tr. CN, nổi tiếng xinh đẹp và dâm đãng, đã ban bố đạo luật thừa nhận sự loạn luân.
    59. Nino (Ninus): chồng Semiramis.
    61. Didone (Dido): nữ hoàng của Cartagine (Carthage), vợ góa của Sicheo, đã yêu Enea say đắm khi chàng đi tìm miền đất để xây dựng thành Tơroa mới bị dạt vào xứ Cartagine. Enea phải tiếp tục ra đi, Didone tuyệt vọng và tự sát, như vậy là đã phản lại thề ước với người chồng cũ.
    63. Cleopatras (69 – 30 tr. CN): nữ hoàng Ai Cập, là tình nhân của nhiều người, trong đó có Cesare và Antonio.
    64. Elena (Helen): nữ hoàng xứ Sparta, vợ của Menelao bị Paride bắt cóc đưa về Tơroa trở thành nguyên nhân của cuộc chiến thảm khốc kéo dài 10 năm mà Dante gọi là “một thời khó nhọc”.
    66. Achille (Asin): anh hùng Hy Lạp trong cuộc chiến Tơroa, yêu nàng Polissena, con gái vua Priamo, bị lôi kéo vào bẫy gian và bị giết chết.
    67. Paride (Paris): người đã bắt cóc Elena; Tristan: nhân vật hiệp sĩ văn học trung cổ (Pháp, Đức), người yêu của Iđơn.
    73 – 74. Đây là hai chiếc bóng không rời nhau của Fransesco da Rimini và Paolo Malatesta. Fransesco da Rimini là con gái của Gido da Polenta, lãnh chúa Ravenna đã gả cho Giancotto Malatesta, con trai của lãnh chúa Rimini – là một gã xấu trai và thọt chân nhưng độc ác. Khi Giancotto bắt gặp Fransesco dan díu với em trai mình là Paolo, đã đâm chết cả hai người bằng một nhát kiếm. Câu chuyện này xảy ra trong những năm 1283-1286.
    107. Caina – đoạn đầu của vòng thứ chín địa ngục, nơi hành quyết những kẻ phản bội người thân của mình.
    128. Lancialotto (Lancelot) – câu chuyện tình yêu của Pháp thế kỉ 13 về chàng hiệp sĩ Lancelot và tình yêu của chàng đối với hoàng hậu Guinevere (Gunivra), vợ của vua Arthur. Câu chuyện này thời đó đã được dịch ra tiếng Italia.
    136. Galeotto (Gallehault) – người đã thuyết phục hoàng hậu Guinevere hôn chàng Lancelot vốn rất rụt rè, nhút nhát.


    #17
      Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 17 trên tổng số 17 bài trong đề mục
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9