HỒI KÝ
Trần Mạnh Hùng 12.12.2007 06:20:32 (permalink)
Hồi ký viết theo lời kể lại của vị cao niên

NỖi Lòng

Đến bây giờ cụ vẫn không hiểu được câu " Nhất nam viết hữu, Thập nữ viết vô" nó lý giải như thế nào???. Cụ vẫn không hiểu được cái ấm ức, cái khúc mắc đã kéo dài hằng bao chục năm... Dạo ấy...
Trong thời cụ còn trai trẻ ( hai chín, đôi mươi ) mang trên vai một hòai bão to lớn" Lên đông, đông tĩnh. Xuống đòai, đòai tan". Với sức mạnh và ý chí của thanh niên bạt rừng xẻ núi, cụ rất hãnh diện, trân quý thân phận của mình " Nhất nam viết hữu" cụ quyết làm rạng rỡ con nhà tông, cụ nhìn đám thiếu nữ cùng thời với cụ, nhất là đám em gái của cụ bằng cặp mắt khinh khỉnh " Thập nữ viết vô ". Cụ nghĩ thầm bọn họ chỉ ăn hại nước sông mà thôi, chẳng làm nên trò trống gì( vô tích sự) chỉ lấy nước mắt làm đầu, tối ngày rủ rỉ rù rì với nhau, óng a, óng ẹo, cụ hất mặt lên trời giương giương tự đắc, như ở trên đời này chỉ có mình ta " Nhất nam viết hữu". Quả thật trong gia đình, cụ là con trai trưởng, được ông gìa, bà gìa giao tòan quyền cai trị đám lâu la em út trong nhà gồm năm cô em gái và hai em trai, thôi thì quyền hành phải biết, một điều anh Hai, hai điều anh Hai , các cô thì thuần phục, nịnh anh Hai hết cỡ, dạ vâng ngọt xớt như mía lùi ; các cô chẳng mất cái gì cả còn có lợi lớn vì anh Hai đã đi làm, rất hào phóng tiền bạc với các em. Thôi thì nịnh anh Hai một tí có sao đâu, các cô ăn thông với nhau kẻ nâng người đỡ đưa anh Hai lên tận trời xanh. Các cô muốn gì được nấy, cuộc sống của các cô rất ư là an nhiên tự tại, tự do thỏa mái...

Cụ vẫn hòan tòan mờ tịt về cái khỏang bị các cô em đưa vào xiếc, xỏ mũi dắt đi. Cụ rất tự hào về cái quyền " quyền huynh thế phụ" cụ lập ra "gia pháp" rất nghiêm ngặt hơn cả trại tù của Đức Quốc Xã, cụ nghĩ đến con ruồi cũng không bay lọt lưới thiên la địa võng. Cụ rất vô tư và không bao giờ thắc mắc tại sao các em gái mình không một lời kêu ca phản đối. Cụ chép miệng kệ họ, đến khi nào bọn họ phản đối sẽ hay. Cụ rất tự tin, yên chí cái " pháp gia" của mình công mimh, và cụ nhìn đám em gái mình bằng nửa con mắt, vì bọn họ " Thập nữ viết vô"

Cho đến một hôm, cô em gái kế cụ, chỉ thua cụ hai tuổi mới thỏ thẻ với cụ:
- Anh Hai à!!! Anh Huy bạn anh,  hôm nay ba má ảnh đến xem mắt và xin hỏi em, ba má có nhắc anh Hai chuẩn bị nhà cửa để ba má đón tiếp họ.
Cụ chưng hửng hỏi - Thằng Huy???  Mày quen nó hồi nào??? Sao tao không hay cà???Bao lâu rồi??? Quá đáng, quá đáng còn gì là " gia pháp ".
Cố kế khúch khích cười... Anh Hai là ông mai, anh lại quên...

Đúng !!! thằng Huy tao dẫn nó về nhà chỉ có một lần thôi, tao đâu thấy tụi mày... yêu đương... hẹn hò gì đâu???

Hỏng chuyện, hỏng chuyện phải xét lại "gia pháp"

Bốn lượt cụ xét lại "gia pháp" là bốn cô em lên xe hoa về nhà chồng.
Đến bây giờ cụ vẫn không hiểu làm sao bọn họ qua mặt được mình, bồ bịch với nhau...
Cụ có hỏi ( các cô nói cùng một điệu ) Anh Hai cho phép em mà...

Tao mà cho phép tụi bay hò hẹn với trai... " Gia pháp " đi có giờ, về có giấc. Đi trình về gởi. Mục đích, nhu cầu khi ra khỏi nhà. Tao lại cho tụi bây đi chơi khơi khơi vậy sao???

Đâu có, nhiều lúc anh Hai cũng đi chơi chung với tụi em nữa.

Nghe tới đây cụ ngớ cả người trợn mắt há mồm chẳng hiểu gì cả. Cụ ấp a ấp úng nói thì tao thấy tụi bây cư xử với nhau như bạn bè mà, đâu có dấu hiệu gì đâu???

Cả bọi cười ồ lên rất thỏa mái... thì anh là anh Hai đâu có thèm để ý đến chuyện...nhỏ.

Cuộc sống cứ bình thản trôi, nếu không có cái năm tết Mậu Thân một nghìn chín trăm sáu mươi tám ( lệnh tổng động viên được ban hành trên tòan quốc ) đến bấy giờ cụ mới lo sốt vó " nhất nam viết hữu" của mình, trong hòan cảnh dầu sôi lửa bỏng này, cụ nghĩ tại sao mình không là " thập nữ viết vô" thì khoẻ biết dường nào!!! cụ nghĩ tiếp, việc sa trường cụ nào có sợ, nếu xảy ra mười năm về trước, lúc đó cụ tròn hai mươi, việc lập thân bằng nghiệp võ thì cũng đúng, nên làm. Bây giờ thì...

Nói thì nói, nghĩ thì nghĩ, cụ cũng nhập ngũ theo đúng lịch trình. Cụ hy vọng sau những ngày tháng trong quân trường Sỹ Quan Thủ Đức , cụ sẽ được biệt phái về nhiệm sở cũ. Bộ Quốc Gia Giáo Dục, cụ tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm là giáo sư dạy  Lý Hóa được sáu năm.

Thời gian chín tháng ở quân trường Sĩ Quan Thủ Đức, cơ cực cụ không sợ vì " thao trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu" ( ai sao mình vậy ) chẳng có gì bận tâm, cụ không bận tâm là phải, vì cụ đâu phải ra chiến trường. Cụ cầm chắc trong tay tờ giấy biệt phái về nhiệm sở cũ. Cái đáng nói, cái dầy vò cụ là mối tình đầu, cụ mới biết yêu. Người yêu của cụ là bạn thân của cô em áp út. Lúc đó, cụ dẫy đành đạch kêu lên một " thập nữ viết vô" nhỏ tuổi quá vì thua cụ đến mười hai tuổi làm sao mà hợp tình, hợp tánh đây!!! Chỉ có chiều chuộng thôi cũng đủ bá thở, mắc mệt. Cô em gái áp út nói tỉnh bơ - Thi hành lệnh của má, nhiệm vụ của em đến đây là hết...Ối trời!!! chuyên này cũng dính đến má nữa hả???À thì ra má cụ thấy con trai cũng tròm trèm ba mươi hai mà còn lêu bêu, vất vưởng nên ngầm hạ lệnh cho mấy cô con gái tuyển chọn cho ông anh một cô bạn.

Tình yêu đến với cụ bao giờ cụ cũng không hiểu. Cụ chỉ thấy nhớ nhung, xốn xang, bồn chồn, nếu một ngày không gặp được nhau. Cụ chép miệng, lắc đầu - Mình yêu cô ấy thật rồi.

Đến khi cụ bị quật ngã bởi Nữ Thần Tình Ái - Trong thời gian yêu nhau - cụ nghi ngờ ý nghĩ của cụ từ lâu nay " thập nữ viết vô " không phải như cụ nghĩ " mười người con gái nói là không ". Không có gì cả, cụ mơ hồ cảm thấy có sự bất ổn, nhưng cụ không đủ can đảm dứt ra khỏi cái bất ổn êm ái này được.

Đến khi lập gia đình, cụ mới biết rằng mình đã tự nguyện đút đầu vào cái " viết vô" nó là cái khóa, cái cùm cụ hết xoay trở. Nó là thiên la địa võng trói gô cụ trong màng lưới bọc nhung yêu thương, cụ không cựa quậy được. chỉ còn trơ mắt mà đầu hàng trong thần phục, tâm phục, khẩu phục.

" Thập nữ viết vô" đúng ra phải nói lại " Nữ viết thập vô" có nghĩa là người con gái nói mười chữ vô cho nam giới... cụ nghĩ như vậy, cụ biết chắc chắn hiện giờ cụ có " thập vô"
Thứ 1 " vô quyền hạn"
Thứ 2 " Vô quyền" suy nghĩ.
Thứ 3 " vô quyền" mua sắm.
Thứ 4 " vô quyền" phát biểu.
Thư 5 " vô quyền ý kiến.
Thứ 6 " vô quyền" ăn mặc.
Thứ 7 " Vô quyền" hội họp với bạn bè.
Thứ 8 " vô quyền " sở thích.
Thứ 9 " vô quyền " tư hữu.
Thứ 10 " vô quyền " quyết định.

Còn câu " nhất nam viết hữu " có lẽ sai.
Đúng ra thì " Nam viết nhất hữu " có nghĩa là người con trai nói một chữ " Có " cho nữ giới.
Tức là nữ giới " Có quyền tuyệt đối ".

Đến bây giờ hơn mấy chục năm qua mất hết quyền hạn. Cụ vẫn không hiểu tại sao mấy nghìn năm lịch sử mà tiền nhân không chịu giải thích rõ ràng " Nhất nam viết hữu. Thập nữ viết vô" cho đám con cháu hậu thế biết để có những biện pháp thích hợp, hay các cụ tổ tiền nhân cũng bị áp đảo bởi các cụ tổ bà, nên đành bấm bụng, ngỏanh mặt làm ngơ, di hại cho đàn con cháu mấy ngàn năm sau. Khốn khổ bị tước hết quyền hạn mà không được một lời than vãn
Trần Mạnh Hùng
Houston, ngày 11 tháng 12 năm 2007
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.12.2007 05:45:56 bởi Trần Mạnh Hùng >
#1
    Trần Mạnh Hùng 18.12.2007 23:15:28 (permalink)
    ANH HÙNG

    Nó rất tự tin, tin tưởng một cách tuyệt đối, nó khẳng định - Ở trên đời này không có vật gì có thể đánh đổi đươc - bất cứ giá nào, dù là gía của mạng sống. Mạng sống...Nó chửi thề lẩm bẩm vài tiếng vô nghĩa và chợt cười tũm có vẻ chế nhạo... Đổi mạng sống của ai đó thì nó sẵn sàng, còn mạng sống của nó... Nó buộc miệng chửi thề - chửi thề là đầu câu chuyện, bờ môi chóp lưỡi, chửi thề trước nói chuyện sau. Chửi thề cái đã, chửi thề dằn mặt, đếch cần biết câu tiếp theo là gì...Chửi thề phải có máu mặt mới ăn tiền... Nó rất hài lòng, ưng ý câu chửi thề ngọt xớt của nó có cái uy, có cái quyền người nghe cảm tưởng là một ân huệ được ban thưởng - nó hơi lớn tiếng... ngu gì...ngu gì...Rồi bật tiếng cười thỏa mãn, khóai trá... Hả....Hả...và, hét to lên... Ngu gì...Ngu gì...Tiếng hét của nó đã làm khó chịu một vài khách bộ hành cùng đi trên một vỉa hè sầm uất của khu thương mại sang trọng, tấp nập người qua lại, Họ đảo mắt nhìn nó trong một phản ứng tự nhiên như để bày tỏ thái  độ khó chịu của mình. Nó cảm nhận có sự khác thường với những người chung quanh, nó quay ngang người lại, ném ánh mắt sất xược vào ánh mắt của một người khách lạ đi song song với nó với một thái độ nửa như diễu cợt, nửa như trêu tức, muốn gây sự...



    Thóang chút giật mình và lúng lúng , ông khách vội nhìn thẳng về phía trước làm như không có việc gì liên quan tới mình, với những bước chân dài hơi hấp tấp ... Nó cười lạnh trong cuống họng, hai bàn tay nắm thành quyền ra vẻ ta đây...

    Nó bị cuốn hút trong sóng người xuôi ngược, những bước chân vô định lúc dạt trái, lúc dạt phải, lúc bị đẩy về phía trước, lúc bị xô về phía sau, do không biết cơ man người là người trong giờ cao điểm tan sở...Nó tách ra khỏi dòng người đứng chờ dưới trạm xe bus, nó vẫn chìm ngập trong ý nghĩ , lòng nó rất cường định, rất tin tưởng những gì nó học hỏi từ thuở còn thơ ấu, học trong tiếng ru của mẹ... trong trường... thầy cô giáo...( Nó đã thôi học giữa năm lớp bốn , khi mẹ nó và đứa em gái bảy tuổi chết vì tai nạn lưu thông , chiếc xe ô tô lạc tay lái ủi lên lề cán phải trong lúc mẹ nó bán vé số trên vỉa hè, năm đó nó mười một tuổi học trễ mất một năm, bố nó mất trong tai nạn hầm mỏ, lúc mẹ nó mới sanh em gái chưa đầy tháng)... nó học từ bậc đàn anh, đàn chị hùng cứ một dẫy phố, hay một khu chợ , hù dọa những người buôn bán để thu tiền bảo kê trên danh nghĩa bảo vệ an ninh. Nó thu họach được rất nhiều kinh nghiệm với một cái giá phải trả  vừa đủ phải nhớ đời - nó luôn tự nhủ như thế - Những ngày tháng còn " áo vải hàn vi "... Những đòn thù hội chợ, bề hội đồng, những lát chém, những vết đâm... Nó lăn xả ( bị ném thì đúng hơn ) vào đời với một kiến thức góp nhặt trong chốn bụi đời và được nhào nặn bởi những câu ca dao trong dân gian. Với nó - và tuyệt đại đa số đàn anh, đàn chị, các băng đảng bụi đều hãnh diện, coi đó là câu kinh nhật tụng, là kim chỉ nam cho hành động - Câu ca dao thấm nhuần trong mạch máu, trong hơi thở và là lẽ sống... Nó ngâm nga trong cơn say giữa đồng bọn, nó đọc lên trước quân thù ( băng đối nghịch ) bằng tất cả hăng say nhiệt huyết và hãnh diện, mà nó rất tin tưởng không một thứ gì lay chuyển được lòng nó:
    " Ở đời muôn sự của chung"
    " Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi"

    Nó mang một tâm tư hết sức giản đơn như câu ca dao" hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi"
    Tao lấy của mày " Muôn sự của chung ", mày có ngon lấy lại " hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi ". Mạnh được yếu thua. "Được làm vua thua làm giặc" Nó không bao giờ thắc mắc hành động chiếm đọat của người là hành động sai quấy, mà nó cho là một hành động khí khái anh hùng mã thượng ngang tàng, ngang dọc. Và, nó luôn luôn bị khích động bởi sự ngưỡng mộ của đồng bọn, đàn em  " trong những cuộc đụng độ, dành dựt nhau vì một danh tự " anh hùng hảo hán ", "anh Hai".


    Nó thích đàn em gọi nó bằng anh Hai hơn là đại ca, thằng đàn em nào gọi nó là đại ca là nó điên tiết lên, quát mắng liền - Ê!!! Mậy, tao là anh Hai gọi đại ca lần nữa là sặc gạch. Nghe mậy. Nếu có ai cắc cớ hỏi, nó nhún vai - tại tao thích vậy - Nó biết rõ bởi tiếng "anh Hai " đã ăn sâu vào tâm thức của nó trong những năm tháng hạnh phúc trong mái ấm gia đình... Mẹ nó, em nó...lúc nào cũng anh Hai à , anh Hai hỡi... con để mắt tới em.. anh Hai em đói bụng... anh Hai cõng em đi chơi... Mỗi lần nhớ đến mẹ, cha... nhớ đến em là nó rưng rưng khóc.

    Đối với xã hội nơi nó đang sống cũng uy thế lắm, nó sử dụng đồng tiền kiếm được ( bằng bảo kê giữ an ninh khu phố, khu thương mại ,phòng trà, động gái, ma túy ) đúng nơi đúng chỗ mua chuộc những cửa công quyền cần thiết. Được những người chung quanh nể sợ. Sợ thì đúng hơn vì ai nấy không muốn dây với hủi, xa được chừng nào tốt chừng ấy. Nó thấy người ta lùi, nó " hồn nhiên" tiến tới, vuốt mặt không nể mũi.

     
    Nó có những cửa hàng thương mại lương thiện sầm uất , chính những nơi này xuất phát những quyết định táo bạo" thống lĩnh giang sơn, gom về một mối để tiện việc sổ sách " bao gồm khu Đô Thị rộng lớn, béo bở của những chuyện làm ăn về đêm...lợi lộc vô số kể. Nó đã có những quyết định từ lâu, chỉ chờ kế hoặch chín mùi " ngọai công, nội ứng" ( gài đàn em vào tổ chức của đối phương ) là ra tay.
     
    Nó quyết định như thế, và, rất tự tin " được làm vua, thua làm giặc "nó rất thỏa mái chẳng nghĩ ngợi nhiều. Bởi, nếu có thua cũng chỉ làm giặc và hãnh diện " hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.
     
    Giờ đây trong cõi mơ hồ, đầy thánh thiện, nó đã minh bạch
    " Ở đời muôn sự của chung
    Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi
    Là của bọn du thực, đầu trộm đuôi cướp, lý sự với đời là để bào chữa hành động thảo khấu,bất lương, vô thiên vô pháp.
     
    Và, nó cũng ngộ ra:
    "Được làm vua, thua làm giặc"
    "Thua làm giặc" ở đây có một cái giá nhất định, không mặc cả được đó là cái giá sinh mạng
    17-12-200TMH 
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.12.2007 05:46:39 bởi Trần Mạnh Hùng >
    #2
      Trần Mạnh Hùng 20.12.2007 00:19:35 (permalink)
      HÒA BÌNH

      Hòa bình hai tiếng thân thương làm sao, thấm nhuần len lõi vào tận cùng trong trí ức của mỗi người trên thế gian này, không ai, không mơ tưởng khao khát hai chữ hòa bình.

      Hòa bình hai chữ quen thuộc đến độ gắn liền trong nếp sống của chúng ta, của vạn vật trong thiên nhiên, đã từ bao nhiêu lâu rồi, không thể nhớ được, lâu lắm, thời kỳ cổ đại kỷ nguyên đầu tiên của thiên nhiên, thế mà đến bây giờ nhân lọai vẫn còn mơ ước hai chữ HÒA BÌNH.

      Hòa bình còn một nghĩa nữa là an lành. An lành đích thực là niềm khát vọng sâu xa của từng cá nhân, của từng sinh vật sống trên quả đất, niềm mớ ước an lành rất kiêm nhường, thế mà vẫn ngòai vòng tay của chúng ta.

      Hòa bình ( an lành ) không chỉ dành riêng cho con người, mà bao gồm cả thiên nhiên sinh vật, cây cỏ, đồi núi, sông nước , biển cả...

      Không có hòa bình ( an lành ) vì:

      -  Chiến tranh.
      -  Thiên tai.
      -  Bệnh tật.
      -  Tệ đoan xã hội.

      *  CHIẾN TRANH
      Không một kỷ nguyên nào an lành cho lòai người, chiến tranh mang lại bao sự mất mát, đau thương, thù hận.
      Từ những trận chiến bộ lạc dành dân chiếm đất mở mang bờ cõi, đô hộ, tôn giáo, kinh tế. Để rồi đưa đến những trận chiến kinh hòang thế chiến thứ I, thế chiến thứ II , hàng chục, hàng trăm triệu người thương tích và thương vong.

      Thiên nhiên bị ô nhiệm phóng xạ bom nguyên tử, chất độc hóa học, mìn bẫy được rải trên những mặt trận hầu hết khắp nơi trên mặt đất.

      Ở Mỹ khủng bố tháng chín ngày mười một năm hai nghìn lẻ một là nỗi kinh hòang cho nước Mỹ và cả thế giới yêu  tự do.


      Ở Việt Nam không bị ảnh hưởng trực tiếp đệ nhị thế chiến, mà cũng bị thiệt hại trên hai triệu con người chết đói vào năm Ất Dậu.

      Đệ nhị thế chiến kết thúc vào năm 1945, nhưng ở Việt Nam chiến tranh vẫn còn kéo dài đến năm 1975 mới chấm dứt, tuy rằng không còn tiếng súng, tiếng bom nổ. Nhưng tang thương vẫn còn đó, người dân chết vì bom đạn gài bẫy khắp nơi trên đất nước , chết vì lòng thù hận, chết vì lầm than... Người dân chưa được hưởng hòa bình dù đất nước đã hòa bình.

      Hàng hàng, lớp lớp người chạy trốn chế độ. Hàng trăm ngàn người chết trong rừng sâu, chết nơi biển cả chỉ vì yêu hai chữ hòa bình.

      Hàng ngày tin tức trên báo chí, truyền thanh , truyền hình , Internet đều loan tải những cảnh bom đạn, áu đổ thịt rơi do chiến tranh  mang đầy lòng thù hận gây ra từ Đông Âu đến Trung Đông, chạy dài đến tận Đông Nam Á - Trung Hoa, (Tây Tạng, Ngọai Mông) Thái Lan, Nam Dương... cho đến Châu Phi, Nam Mỹ.

      Hai chữ An Lành ( hòa bình ) vẫn là niềm mơ ước.

       * THIÊN TAI

      Quả đất đang nóng dần do sự ngu muội của con người đã tiêu hủy môi sinh ( phá rừng, xây đập trên những con sông lớn, rác thải từ lò nguyên tử, từ những công ty kỹ nghệ... gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai, gây ô nhiên trong không khí tiêu hủy tầng khí ozone trên thượng tầng không gian )làm thay đổi khí hậu gây lên biết bao cảnh tang thương, hàng trăm ngàn người chết... vật chất của cải,  những công trình kiến trúc bị tiêu hủy trong phút chốc trong những trận sóng thần, động đất, bão lụt, cháy rừng không chừa một quốc gia nào, dù nếp sống trong dân chúng cao nhất thế giới như Hoa Kỳ, Pháp... - trận bão lụt Katrima tại tiểu bang Louisiana ( năm 2005), một tháng sau trận bão Rita tuy rằng không đánh vào Houston TX , nhưng dân chúng vùng Houston và phụ cận đã vô cùng điêu đúng. Bão Katrima ột tang thương thiên tai khó phai mờ trong lòng người dân Hoa Kỳ. Pháp chết hàng chục ngàn ngàn vì thời tiết thay đổi... Còn đối với các quốc gia đang phát triển thì hậu quả vô cùng khốc liệt. Ở Trung Hoa vào thập niên 60 một trận bão lụt kinh hòang đã giết hơn triệu sinh mạng...

      Tin tức mới nhất vào ngày 16 tháng 11 năm 2007 trận cuồng phong tàn phá Bangladesh trên bảy ngàn người chết... Trận động đất kinh hòang ở Chile...

      Việt Nam cảnh bão lụt tòan quốc từ Nam, Trung, Bắc không nơo nào không bão lụt, không năm nào không thiên tai.

      Hai chữ AN LÀNH ( hòa bình ) vẫn là điều mơ ước.

      * BỆNH TẬT

          Con người đương nhiên phải chấp nhận Sinh, Lão, Bệnh, Tử.
      Tuy nhiên chúng ta không thể nào chấp nhận những bệnh tật do chính bản thân mình gây ra.
      Trong dĩ vãng có  những cơn dịch bệnh đã giết chết hàng chục triệu người từ Đông sang Tây. Một màu tang thương u ám của bản án tử hình vẫn còn treo trên đầu của mọi người chúng ta: Bệnh Aids ( si đa ), bệnh cúm gà, bệnh bò điên...

      Hai chữ AN LÀnh ( hòa bình ) vẫn là niềm mơ ước.

      * TỆ ĐOAN XÃ HỘI:
       
      Tội ác lớn nhất của xã hội là THAM NHŨNG, THAM Ô, HỐI LỘ.

      30 tháng 4 năm 1975 chiến tranh đã chấm dứt tại Việt nam, nhưng không có an lạc. Sự tàn phá đất nước lớn nhất tại Việt Nam là THAM Ô, THAM NHŨNG, HỐI LỘ, ĂN CẮP CỦA CÔNG.

      Sự tham nhũng của mọi thành phần trong chính phủ, từ thượng tầng đến hạ tầng - Thượng bất chính hạ tắt lọan _ - là đầu giây mối nhợ làm băng họai xã hội đưa đến sự lầm than nghèo khó, người dân sống trong cảnh bất an trộm cắp khắp nơi, luân lý đạo đức bị biến đổi không còn lòng tin giữa người và người.

      Hai chữ AN LÀNH ( Hòa bình ) vẫn là điều mơ ước.

      Những yếu tố nêu trên chỉ là hòan cảnh đưa đến, không phải là yếu tố nội tâm quyết định cuộc sống của mỗi con người.

      Đúng thế HÒA BÌNH vẫn là điều mơ ước của những người chỉ dựa vào hòan cảnh để sống thường hay than thân trách phận, đổ thừa cho số phận kém may của mình, không hề có ý chí phấn đấu mà dành rất nhiều thì giờ để cầu xin, van vái thập phương giúp đỡ, những hạng người này chúng ta thấy rất nhiều trong xã hội chiếm một tỷ lệ thật cao, trong đó có thể có chúng ta vào một thời điểm nào đó trong đời khốn cùng vì hòan cảnh!!! Tại sao vậy??? Vì mất lòng tin chính mình, mất lòng tin giữa người và người. Cuộc sống AN LANH tưởng dễ nhưng vô cùng chông gai, khó khăn nếu chúng ta thiếu lòng tin, thiếu cố gắng hay chán nản, dễ bỏ cuộc buông xuôi, chỉ cần chúng ta quảng gánh lo đi thì cuộc sống sẽ bình an.
      Làm sao chúng ta quẳng gánh lo để cho THÂN TÂM AN LẠC.

      Cổ nhân có câu: Khôn cũng chết, dại cũng chết, Biết thì sống

      BIẾT THÌ SỐNG

      Sống ở đây có phải là cuộc sống AN LẠC??? hay là cuộc sống lúc nào cũng phải sử dụng mưu kế lừa lọc để sống, sống trong tranh dành sợ hãi.

      Chúng ta chỉ cần sống trong AN LÀNH mà thôi !!! Muốn được an lành, trong cuộc sống bắt buộc phải AN LÀNH trong tâm hồn - " người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".

      Nỗi bất an quấy nhiễu con người nhiều nhất là nỗi lo, quẳng gánh lo đi con người sẽ đươc bình an thân tâm an lạc. Quẳng nỗi lo như thế nào???

      Tuổi trẻ có nỗi lo tuổi trẻ.
      Tuổi  cao niên có nỗi lo tuổi cao niên.

      Trong phạm vị của tiêu đề HÒA BÌNH chúng ta chỉ lạm bàn nỗi lo của qúy vị cao niên, mong tìm ra phương hướng ngắn nhất và đúng để cho mỗi người chúng ta được hưởng những tốt đẹp an lành trong tâm hồn cũng như cuộc sống.

      Nỗi lo thì rất nhiều, một vài tiêu biểu như sau:
      - Nỗi lo nợ áo cơm ( Danh vọng, sự nghiệp và gia đình ).
      - Bệnh tật.
      - Cô đơn.
      Vân vân và vân vân.

      NỖI LO NỢ ÁO CƠM

      Quý cụ trong tuổi cao niên thóat khỏi nỗi lo " nợ áo cơm " ung dung tự tại trong trời đất, vớ số tuổi " cổ lai hi"  các cụ đều được hưởng lương hưu trí, trong trường hợp các cụ đi làm đóng tiền hưu trí theo tiêu chuẩn ấn định của nhà nước. Các cụ sáu mươi hai tuổi  thì được hưởng hưu non nếu các cụ muốn nghỉ ngơi sau mấy chục năm làm việc. Từ sáu muơi lăm trở đi các cụ được hưởng lương hưu trí tòan phần.

      Trong trường hợp các cụ chưa đóng đủ tiền hưu trí, hoặc không có khả năng đi làm đến 65 tuổi nếu là công dân Mỹ , thì vẫn được lãnh lương theo tiêu chuẩn SSI ( người già ).

      Với số lương kiêm nhừong từ sáu trăm đồng  (USD )trở lên trong một tháng và nhiều ưu đãi của xã hội kèm theo cũng đủ cho các cụ sống thảnh thơi không nhờ cậy con cháu về áo cơm ( Tiền nhà, tiền điện, bảo hiểm sức khoẻ, thuốc men, bác sỹ, ăn uống, tiền trả người giúp việc cho các cụ - nếu các cụ không có đủ khả năng tự lo cho bản thân mình trong nếp sống sinh họat hàng ngày đã có chính phủ sở an ninh xã hội lo rồi ) Như vậy đồng lương của các cụ chỉ tiêu vặt mà thôi.

      Ở ngưỡng cửa " cổ lai hi " nỗi lo " danh vọng, sự nghiệp, tình duyên" của quý cũ có hai điều : Một là thành đạt ; Hai là long đong dở dở ương ương. Với tuổi này chắc chắn các cụ không còn bận tâm.

      Như vậy nỗi lo số một của cuộc đời " nợ áo cơm" không còn nữa.
      Các cụ chỉ còn nỗi lo:
      - Lo con, lo cháu.
      -Lo bệnh tật.
      -Cô đơn.

      NỖI LO VỀ CON CHÁU

      Suốt cuộc đời từ khi bước vào đời đến lúc về hưu. Những ngày tháng dài đàng đẳng đã chiếm hết thì giờ và tâm huyết cùng với nỗi suy tư hàng đầu của các cụ là chăm sóc gia đình, chu tòan giáo dục đàn con cho nên người hữu dụng. Giờ đây đàn con đã công thành danh tọai với một mái ấm gia đình ngập tràn hạnh phúc. Nhìn chung là như vậy, nhưng không phải tất cả xuôi chèo mát mái có đứa thành công trong sự nghiệp, có đứa thất bại trong kinh doanh, cũng có đúa không được như ý trong tình duyên. Các cụ hãnh diện những đứa con thành công, và cũng không khỏi chua sót những đúa kém may mắn, những dằn vặt đã lôi kéo các cụ và cơn lốc xóay lo âu về các con không bao giớ chấm dứt.
      Giờ đây tuổi đã cao, bóng xế chiều nỗi lo vẫn còn can cách bên lòng với đàn con, bây giờ cộng thêm đàn cháu nội, ngọai, thì làm sao các cụ có được cuộc sống an lành trong tâm hồn.

      Thưa các cụ, hãy quẳng gánh lo này đi,xin các cụ hãy nghĩ rằng các con của mình bây giờ cũng là bậc CHA MẸ hãy để cho bọn họ săn sóc các con cái của chúng.

      Bọn họ ( các con mình ) cũng có đầy đủ khả năng và trách nhiệm đối với gia đình của chúng, giống hệt mình ngày xưa, và chắc các cụ đôi khi cảm thấy ức lòng khi thấy cha mẹ mình cứ xen vào đời sống riêng tư của gia đình mình, và các cụ cũng hằng mơ ước được" ra giêng " thóat ly với cha mẹ. Khi được "ra giêng" chắc hẳn các cụ rất sung sứong và tràn đầy hạnh phúc.

      Những nỗi lo âu của các cụ chẳng lớn lao gì chỉ tòan những chuyện được nhắc đi nhắc lại từ thời các con còn thơ ấu đến khi lập gia đình. Đại khái:

      - Nhớ mang theo áo lạnh.
      - Nhớ về đúng giờ cơm.
      - Nhớ uống thuốc.
      - Nhớ đi ngủ sớm.
      - Nhớ mang theo dầu cù là.
      Và hàng trăm hàng nghìn cái nhắc nhớ khác.

      Thưa quý cụ cái nhắc nhớ này hãy quẳng lại cho bọn họ để nhắc đàn cháu nội, ngọai của mình. Điều quang trọng phải nhìn thấy đàn con của mình bây giờ là những bậc CHA, MẸ, có như vậy quý cụ mới hưởng đới sống thỏa mái, an lành trong tâm hồn.

      LO ÂU VỀ BỆNH TẬT

      Con người sinh ra đời không chạy khỏi " sinh , lão, bệnh, tử ".
      Chúng ta phải chấp nhận " bệnh, tử" luôn luôn hiện diện gắn liền trong đời sống của chúng ta từng giây từng phút.

      Nói về bệnh chúng ta có thể ngăn ngừa được các chứng bệnh hiểm nghèo để kéo dài tuổi thọ trong khoẻ mạnh, vui tươi.

      Ngừa bệnh có nhiều phương pháp:
      - Chế độ ăn uống ( kiêng cữ bao gồm cả thuốc lá và rượu, bia)
      - Tập thể dục hoặc chạy bộ hàng ngày.
      - Gạt bỏ tất cả những lo âu.

      Muốn được như vậy phải có tính cương quyết và chịu khó.
      * Ngừa bệnh sẽ không đến với quý cụ ăn uống tự do bất kể lời khuyên của bác sỹ trị liệu.
      * Tập thể dục, vận động gân cốt, chạy bộ bữa đực bữa cái.
      * Ôm vào người những lo âu phiền tóai không đâu.
      * Hút thuốc lá như khói tàu.
      * Uống rươu bia như rồng uống nước.
      * Quý cụ phải tin tưởng vào vị bác sỹ của mình, đừng lo nghĩ căn bệnh của mình, gạt bỏ tất cả lo lắng, những mặc cảm về căn bệnh. một khi tinh thần sảng khóai căn bệnh cũng thuyên giảm.

      CÔ ĐƠN
       

      Trong xã hội Mỹ là đậm nét nhất, đàn con mình nuôi từ nhỏ đến lớn, đến khi đủ lông đủ cánh từ từ rời xa vòng tay của cha mẹ đi lập nghiệp khắp bốn phương trời, lủi thủi ở nhà chỉ còn hai vợ chồng già với ngôi nhà 4, 5 phòng ngủ rộng thênh thang , thiếu hẳn tiếng cười nói thân yêu, những nhắc nhớ thường xuyên... nào là...nào là...Những nhớ nhung tràn đầy. Nỗi cô đơn ập đến.

      Hàng ngày trông ngóng cú điện thọai của các con từ xa gọi về, những lời tíu ta, tíu tít thân thương, nhưng khổ nỗi các con đâu có gọi thường xuyên, bọn chúng có rảnh thì mới gọi, có khi hai, ba tuần có khi đôi ba tháng có trách móc thì chỉ nghe " con xin lỗi, con bận lắm, bây giờ con gọi nè"

      Biết làm sao đây!!! - Con cố gắng gọi cho ba, mẹ hàng ngày. Mẹ nhớ con lắm.

      Nó dạ dạ, vâng vâng rồi lại y chang như cũ. Đó là đối với quý cụ còn người phối ngẫu mà còn cảm thấy thiếu vắng, cô đơn.

      Đối với các cụ thiếu vắng đi người bạn đời, thì sự cô đơn giá lạnh biết chừng nào.

      Xin quý cụ hãy sưởi ấm lòng mình thường xuyên họp mặt bạn hữu cùng lứa tuổi, thân cũng như sơ bằng cách gia nhập các hội CAO NIÊN, ở nơi đây không khí thân mật đầm ấm lòng người, đầy đủ khuôn mặt khả ái để làm bạn với các cụ. Các cụ vui chơi cờ tướng, Domino, tập thể dục, ăn uống đầy đủ mỗi ngày, hàng tuần có chương trình tế, lại còn  có những cuộc du lịch thăm danh lam thắng cảnh, tất cả phục vụ quý cụ miễn phí từ A đến Z.
       
      Sinh họat thường xuyên trong hội CAO NIÊN, chắc chắn quý cụ không còn cãm thấy cô đơn như trước nữa, an lành trong tâm hồn.
       
      Năm hết tết đến, mùa Noel lại về.
      Vinh danh thiên chúa ở khắp từng trời.
      Bình an dưới thế cho người trần gian.
       
      Vâng cho người trần gian, khắp mọi người trên thế gian này
      Xin cầu chúc các cụ hưởng tất cả phước lộc trời ban.
       
      Vẫn Tỏ Tường
       
      Tuổi bảy mươi tư chiếm một phương
      Cuộc đời sôi nổi tấu nên chương.
      Sáu lăm tròn trịa ăn hưu trí.
      Bảy bốn có dư vẫn đến trường,
      Sáng sớm cong lưng trong sở tại.
      Chiều về xếp gối tọa thiền hương.
      Mỗi ngày chạy bộ tăng gân cốt.
      Tuổi bảy mươi tư vẫn tỏ tường
      Thảo My

      12/2007
      Trần Mạnh Hùng
       
       
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.01.2008 22:58:09 bởi Trần Mạnh Hùng >
      #3
        Trần Mạnh Hùng 02.01.2008 23:35:46 (permalink)
        LƯỜI CƯ VI BẤT THIỆN
         
        Nam nói trong điện thoại như hét vào tai người nghe – Tín ! Mày tới tao liền nghe!  Dzoọt lẹ, tao chờ. Lái cẩn thận.
         
        Nam và Tín hai người học chung với nhau từ hồi còn nhỏ và lớn lên  làm chung sở trên ba mươi năm, trí thân. Hai người đồng tuổi nhau , về hưu năm vừa rồi, trên sáu mươi lăm vẫn còn mày tao chi tớ bất kể ở đâu dù trước mặt vợ con hay khách lạ. Có lẽ Nam và Tín nghiền hai tiếng “mày tao” . Có lần Tín nói với Nam- tao thấy gọi” mày tao” nó ngọt lịm làm sao, thắm thiết vô cùng, bạn bè bây giờ không thể gọi bằng mày tao được, vì bị ngăn cách cái vỏ bọc xã giao, cái dáng vẻ chức tước địa vị bên ngoài. Đúng ra tụi nó cũng chẳng  phải là bạn hũu, chỉ quen nhau trong xã giao, trong hội họp, trong làm ăn … gặp nhau thường xuyên thành quen cũng chẳng gọi là bạn được, tuy rằng biết rõ tính tình sở thích mánh khóe của nhau… nói chuyện với nhau giữ kẽ, tạo khỏng cách giả tạo… thưa thưa…dạ dạ… ông ông…tôi tôi nghe mà chán … toàn giả dối… che đậy cái tôi của mình như mèo giấu cứt… Mà ai cũng biết tỏng biết tong… Mày thấy mấy đứa được gọi nhau bằng mày tao có bao nhiêu đâu, Chỉ  là những thằng thâm niên công vụ, chơi với nhau những năm còn học chung lớp bết trường làng trường tỉnh… gọi nhau bằng mày tao thắm thiết như tình huynh đệ huyết nhục chi giao…gợi nhớ lại cả một đoạn đời thơ ấu… Nam gật gật đầu không nói gì, ngoác miệng cười một cách thích thú.
         
        Hai bạn đã về hưu, hưởng cuộc đời còn lại trong thanh nhàn, an lạc.
        Chuyện “ nợ áo cơm” đã vất bỏ sau lưng từ năm ngoáí, không luyên tiếc dù việc làm rất là “ gơod job” lương bổng hậu hỉ. Nam và Tín trông chờ đúng ngày giờ ấn định là “ gác kiếm từ quan “ không thiếu một ngày, cũng không dư một ngày. Ngày cầm giấy tờ hưu là một sự thống khóai cười mãi không thôi. Thôi thì bao nhiêu chương trình du lịch, chương trình thiện nguyện trong bản dự thảo dài thoòng bất tận.
         
        Hôn nay,  Nam rất hứng chí và cũng một chút nóng nảy, bốc điện thoại gọi Tín đến nhà chẳng phải tán ngẫu tâm tình như mọi khi theo kiểu trên trời dưới đất, mây bay cá lặn, hoặc lai rai vài ba lon bia hữu tình với một đĩa cánh gà chiên bơ mua ở tiệm Fired chicken ở đầu đường, những chuyện tán dóc tầm phào như vậy , lần nào cũng như lần nào cãi nhau như mổ bò, cãi văng cả nước miếng sùi bọt mép… thở không ra hơi để rồi thấm ý cười hăng hắc…Nam nóng lòng chờ
        Tín, Nam tính toán từ nhà thằng chả đến đây đoạn đường giỏi lắm là 25 KM  mất khoảng mười phút  kể luôn thời gian kẹt xe… Thế mà…Nam mấy lần định gọi xem Tín đến đâu rồi, nhưng lại thôi, đâu gấp gáp gì… để cho nó thong thả… cũng chẳng vội gì.
         
        Số là sáng hôm nay, một người bạn gởi email cho Nam một bài thơ đường luật viết về cuộc đời hưu trí  tác giả là cô Thảo My nào đó. Nam thích bài thơ này vì ý tưởng rất thẳng thừng cởi mở, không cầu kỳ, uốn éo, quang co. Nói là thích nhưng Nam vẫn thấy có sự khác biệt, Nam không đồng ý một vài điểm…Bài thơ như sau:
         
         VẪN TỎ TƯỜNG

        Tuổi bảy mươi tư chiếm một phương.
        Cuộc đời sôi nổi tấu nên chương.
        Sáu lăm tròn trịa ăn hưu trí.
        Bảy bốn có dư vẫn đến trường.
        Sáng sớm cong lưng trong sở tại.
        Chiều về xếp gối tọa thiền hương.
        Mỗi ngày chạy bộ tăng gân cốt.
        Tuổi bảy mươi tư vẫn sáng tường.
        Thảo My.

         
        Nam dự định sẽ tán dóc với Tín bài thơ này, mục đích nghe lời bình giải của Tín - Trước năm 1975 Tín là giáo sư văn chương rất uyên bác về các loại thơ cổ, nhất là thơ Đường luật – và nói lên một vài điểm Nam không đồng ý để xem nhận xét của hắn như thế nào?
         
        Sự việc rất là bình thường, nếu thằng bạn mắc dịch không thòng một câu - Người ta bảy mươi bốn còn đi làm, mày và thằng Tín ăn không rồi nằm phè, chán lắm. Coi chừng nhàn cư vi bất thiện .
         
        “Nhàn cư vi bất thiện” Nam rất giận vì câu này, một câu trây truá, đố kỵ, vu oan giá hoạ… Nam lẩm bẩm “ nhàn cư” là… là hưởng nhàn, sống nhàn, ở nhàn, mà ai được hưởng cái nhàn thanh cao này??? Là nhừng người chán công danh sự nghiệp nên mới ẩn quy, hưởng nhàn… Nhàn cư cũng có nghiã gia đình, hay cá nhân sung túc giàu có, hoặc  không còn muốn tranh đua với đời nữa nên mới bằng lòng hưởng nếp sống nhàn cư. Và, phần đông họ dành rất nhiều thì giờ trong các chương trình thiện nguyện bất vụ lợi trong các tổ chức tôn giáo hay xã hội như hội Hồng Thập Tự…
         
        Như vậy làm sao “ bất thiện “  cách nói đúng nhất – Nam nghĩ – là “ nhàn cư vi hữu thiện “ Ngày xưa  các vị tiền nhân : Nguyễn công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyên Du … các vị đều ẩn quy, an cư…” nhàn cư vi hữu thiện”
         
        Chỉ có nhửng kẻ lười và nghèo không muốn đổ mồ hôi, nước mắt lấy bát cơm mà muốn ngồi mát ăn bát vàng, nên mới “bất thiện” đển mưu cầu cuộc sống.
         
        Đời sống như vậy sao gọi là “ nhàn cư”. Tuy cũng dư thì giờ nhưng không phải hưởng cảnh thanh nhàn mà là lười biếng, không muốn đi làm chỉ muốn ăn không ngồi rồi, nên mới sanh ý bất thiện để kiếm sống, cái này mới gọi “ lười cư vi bất thiên”.
         
        Nam muốn thảo luận với Tín về vấn đề này, để xem nó phùng mang trợn mắt lý luận như thế nào ? Nam tin chắc Tín cũng  cũng đồng ý với Nam câu thành ngữ “ nhàn cư vi hữu thiện “ là đúng…
        ……………………………………………………………………………………………………..

        Đến giờ này, hơn một tiếng rồi mà Tín chưa thấy đến – Nam lo âu – không biết chuyện gì xảy ra, thì điện thoại của Tín gọi lại – Xui xẻo, tao bị chiếc pick up truck Toyota đụng sau đít, đang chờ cảnh sát lập biên bản, tao tới trễ khoảng nửa giờ- Nam nói: Được rồi, cho tao điạ điểm tai nạn, tao ra gặp mày, đi ăn cái đã… còn nhiều thi giờ … tối nay nói chuyện
         
        Trần Mạnh Hùng
         
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.01.2008 23:48:58 bởi Trần Mạnh Hùng >
        #4
          Trần Mạnh Hùng 03.01.2008 23:26:07 (permalink)
          HNG NHAN BC …VÀNG


          Lan bây giờ cuộc sống đã ổn định, nói ổn định thì quá kiêm nhường. Có thể nói không ngượng miệng Lan bây giờ có cuộc sống được như ý. như ý có nghĩa là theo ý muốn của Lan, muốn gì được nấy, muốn nhà được nhà, muốn xe được xe, muốn trời được trời, muốn đất được đất, chẳng có gì quá đáng cả.
           
          Cũng đúng thôi với sắc đẹp trời ban , cộng với khôn khéo và kiến thức rộng, học thức cao, hiểu biết đến nơi đến chốn, Lan được mọi người ngưỡng mộ, tôn vinh nàng như bà hoàng, bà chúa. Chung quanh Lan không biết bao nhiêu đàn ông quyền thế sãn sàng quỳ dưới chân Lan , để nàng ban cho nụ cười.
           
          Thành quả hiện tại mà Lan rất hãnh diện , nhưng không kiêu căng tự phụ, không phải một sớm một chiều mà có. Giờ đây trong sự phồn vinh, vinh hoa phú quý , Lan không bỏ ngoài tai bất cứ chuyện gì dù nhỏ nhặt đến đâu, Lan tỉ mỉ truy xét việc nào ra việc đó không có một kẽ hở, không để thất bại. Thất bại đồng nghiã với tự vận. Lan hiểu rõ và nắm được nguyên lý, định luật của mỗi sự việc đều có một thời cơ phát triển hoặc hủy diệt, biết khai thác đúng lúc là mang lại đều lợi cho mình. Không có sự việc xấu, mà do mình không đủ sang suốt nhìn vào sự việc, Lan không bỏ qua một cơ hội nào , nếu nắm được thì nắm rất chặt, nếu không giữ được thì buông, buông trong thoả mái, không do dự luyến tiếc. Tuyệt đối lan không để lòng thù hận,
          sự thù hận mang cho mình nhiều khổ não, cuộc đời mất vui, điều quan trọng nhất là nhan sắc sớm tàn phai, Lan thường đưa ra  lý do rất đơn giản khi mình thù hận nét mặt bao giờ cũng ủ rũ đau thương, buồn khổ như vậy là dại lắm, ôm vào mình những thứ phiền não làm gì nhan sắc, sức khỏe vì đó sẽ suy tàn, thiếu gì việc vui chỉ sợ mình không đủ thời gian để hưởng thụ mà thôi. Không thù hận đương nhiên  không trả thù đó là nguyên tắc sống hàng đầu của Lan. Lan không cao thượng gì đến độ lấy đức trả oán, Lan hiểu vì trả thù oán thù chồng chất, bao nhiêu công việc phải làm, thì giờ đâu  mà đối phó những chuyện lẩm cẩm đó, nên tránh voi có xấu mặt nào, Lan chủ trương thua keo này bày keo khác,  kiến thức từ đó mà phát triển, học hỏi kinh nghiêm, rèn luyện trong cái thua, kiêm nhường trong chiến thắng. Đối với bản thân, Lan rất nghiêm khắc bao giờ cũng tuân thủ một kỷ luật riêng cho mình là sự tín nhiệm cương quyết…
           
          Đối với những người thân cũng như sơ chung quanh, Lan rất rộng rãi hào phóng trong việc chi tiêu, với việc với người Lan không tiếc. Vì vậy nàng được nhiều người thương mến, tâm phục khẩu phục, sẵn sàng vì nàng mà xả thân báo đáp.
           
          Lan có được những thứ bao người mơ ước cả đời mà không có đó là - Sắc đẹp, uy tín, học thức, tiền tài danh vọng – Có được ngày hôm nay, Lan cũng thăng chìm trong phong ba bão táp nhiều hơn mọi người nghĩ, “ ba chìm bảy nổi, chin lênh đênh “ chỉ là vết sước nhỏ ngoài da. Kinh nghiệm quý báu nhất của Lan là : Lòng tự tin, cương quyết, chấp nhận hiện tại. Chấp nhận hiện tại không phải an phận buông suôi mà là kiên trì để tiến lên, để phá thoát vòng kiềm chế bằng bản lãnh thực sự của mình . Cái khó trong sự việc “ chấp nhận hiện tại “ là bởi mình đã thua, hoặc không còn lối thoát phải bám vào “cái gì đó” trong tinh thần vui vẻ, tự nguyện để chờ cơ hội vượt thoát bằng tất cả cái sẵn có như nhan sắc, kiến thức, khôn ngoan nhưng không xảo trá, lừa người.
           
          Lan tự hào về mình một “tấm hồng nhan”. Những ngày tháng trong “ ba cái chìm, chín cái lênh đênh “  rất nhiều người nhìn Lan với cặp mắt xót thương “ hồng nhan bạc mệnh “. Họ còn so sánh Lan “ hồng nhan bạc mệnh” như Thuý Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du .
           
          Lan tức cười lắm vì những nhận xét của những khách bàng quang đứng ngoài nhìn vào “sự việc” hay đoán mò, nói xàm rồi khoác vào sự việc bằng luận cứ chủ quan một chiều. Họ đủ mọi thành phần “ nam phụ lão ấu “ trong xã hội từ trí thức bằng cấp to tướng, họ là những nhà học giả, những nhà tâm lý, cho đến nhà văn, nhà thơ, nhà báo đều một luận ngữ giống nhau phán xét độc tài, độc đoán  - Cuộc đời Thuý Kiều là “ hồng nhan bạc mệnh “ họ như vậy cả . Họ làm sao hiểu được mỗi “ sự việc “ mỗi người một tâm sự, mỗi người một hoàn cảnh, nếu cùng một môi trường hoàn cảnh giống nhau  , nhưng nỗi đau buồn, vui mừng không ai giống ai, người thì hời hợt, người thì đậm sâu. thậm chí nỗi buồn của người này, cũng có thể  là  sự vui mừng của người kia, chính bản thân đương sự mới hiểu được tâm sự của mình như thế nào. Họ cũng nhìn quãng đời của Lan và phán đoán như vậy . Lan thương hại họ, vì những người đó không hiểu gì cả, lý do dễ hiểu họ không phải là Lan , làm sao biết nỗi lòng của Lan đưọc, chỉ  nhìn vào hiện tưởng để suy đoán nội tâm, bọn họ rất ngây thơ, nhưng lại làm phách lớn lối, Lan không biết họ lấy tư cách nào để nói như vậy ? Tư cách từ ngoài nhìn vào rồi viện mọi lý luận của khoa tâm lý học để đưa ra kết luận qủa quyết là đúng. Đó là tầm bậy, ấu trĩ. Còn nói rằng hiểu được , hoà được sự rung động trong nội tâm, trong cõi lòng của Lan là đại dóc tổ, đại bịp…

          Lan và Thuý Kiều giống nhau “ tấm hồng nhan” nhưng không” bạc mệnh” . Hồng nhan vô thuỷ vô chung không bạc mệnh, sắc đẹp làm sao mà bạc mệnh. Hồng nhan bạc vàng thì đúng hơn. Thúy Kiều nhờ tấm hồng nhan trời cho mà cứu được toàn gia trong cơn đại biến, trong đó có cả bản thân Thuý Kiều thoát khỏi vòng tù tội, gia đình thoát khỏi ly vong , tán gia, như vậy tấm hồng nhan đó làm sao gọi là bạc mệnh được. Nên gọi là hồng nhan bạc vàng, hồng nhan cứu mệnh.

          Lan cho rằng sở dĩ Thuý Kiều trải nhiều đau thương bởi vì không chấp nhận hiện tại, phản ứng tự vệ tự nhiên của bản năng, khi nhìn thấy sự việc không vừa ý. Thuý Kiều không nhận định sự việc bằng lý trí, mà nhận định bằng tình cảm con tim, nên không chấp nhận thua cuộc. Thuý Kiều đã thua thảm bại từ giây phút đầu tiên, thua cuộc bởi chế độ thối nát quan lại trấn lột người dân đến tận cùng bùn đen” Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh…. Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham “ Thuý Kiều không thức thời chống lại trong cô thế, đau thương là cái chắc - Kiểu thông minh vốn sẵn tính trời  - của Thuý Kiều là thông minh vặt, không có kiến thức. Kiến thức học vấn không có làm sao có đủ trình độ biến loạn thành an. Hơn nữa được trang bị ngón nghề” nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương” để vào đời, thử hỏi nghề ngỗng như vậy, kiến thức văn hóa như vậylàm sao đối phó với cuộc đời muôn mặt, nhất là trong xã hội thời lúc bấy giờ phụ nữ không được trọng dụng bị gạt ra ngoài sự sinh hoạt của xã hội, bị trói chân, trói tay, trói cả cuộc đời” tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” không có cơ hội tham gia mọi nghành nghề trong xã hội như nam giới. Xét cho cùng trong thời Thuý Kiều “ nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương” được ưa chuộng, trọng dụng trong chốn thanh lâu mua vui cho những kẻ thừa tiền lắm bạc “ quen thói bốc rời “. Chả trách gì cụ Nguyễn Du để bi kịch hóa câu chuyện của cụ ngay từ giây phút mở đầu câu truyện, cụ đã đội chiếc mũ to tướng trên đầu Thuý Kiều thân phận gái lầu xanh chạy trời không khỏi nắng…”Cung thương lầu bậc ngũ âm. Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương”. Nếu không,  ai như Vương Viên Ngoại – Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung” lại cho cô con gái rượu học lấy một nghề “ xướng ca vô loại “ của lầu xanh.

          Nên không lạ gì Thuý Kiều thường hay khóc lóc, than thân xót phận, bị gạt gẫm từ lầu xanh này đến lầu xanh khác. Song nhờ tấm hồng nhan” phong lưu nhất bực hồng quần” Thuý Kiều được trọng vọngtrong đám tài tử văn nhân có Thúc Sinh, Từ Hải, quan đại thần Hồ Tôn Hiến… Trong suốt mười lăm năm lưu lạc  giang hồ, Thuý Kiều nhờ “tấm hồng nhan bạc vàng” mới hưởng cuộc đời sung sướng, vang danh một cõi tài sắc, lắm kẻ đón người đưa – “Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi…Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều…”

          Đặc biệt Thúc sinh, Từ Hải lúc ban đầu muốn làm quen Thuý Kiều đâu dễ dàng gì cũng phải đủ nghi lễ “Thiếp hồng tìm đến hương khuê gởi vào… Thiếp danh đưa đến lầu hồng “ mới được Thuý Kiều cho tiếp kiến. Lan nghĩ rằng thật tuyệt diệu “ tấm hồng nhan bạc vàng” đủ  sức đưa những anh hùng  hào kiệp, cỡ như Từ Hải vào tròng, xỏ mũi dắt vào…cõi chết. Thuý Kiều cũng một thời  phụ mẫu chi dân oai quyền ngất trời, hét ra lửa bên ông chồng Từ Công làm vua một cõi năm thành  “ triều đình riêng một góc trời”. Cũng biết nắm thời cơ oán trả, ơn đền  - Lan nghĩ tiếp - Nếu ở trong tay Lan có ông chồng uy quyền tột đỉnh như vậy thì mười Hồ Tôn Hiến chỉ có nước ôm đầu máu vừa chạy vừa khóc.
          Lan biết chắc chắn hơn hẳn Thuý Kiều về kiến thức học vấn, bởi vì Thuý Kiều với số tuổi mười lăm, mười sáu “ xuân xanh xấp xỉ tời tuần cặp kê” không có vốn liếng kiến thức học vấn, làm gì có trình độ đối phó với đời, kém Lan xa lắm về ý chí tự lập cũng như kiến thức dù gì Lan cũng tốt nghiệp đại học. Còn tấm hồng nhan thì không biết ai đẹp hơn ai. Lan biết Lan đẹp cộng với Mỹ Viện cùng mỹ phẩm không thể nào Thuý Kiều bì kịp…

          Nếu so sánh những ngày tháng chìm nổi trong đời. Lan biết giữa nàng và Thuý Kiều mỗi người một vẻ “mười phân vẹn mười” giống nhau về hình thức, nhưng lại khác về nội dung, hai trường hợp khác nhau một trời một vực.

          Thuý Kiều vào đời lúc gia đình gặp đại nạn với số tuổi mười lăm, mười sáu không có kiến thức chỉ là “ thông minh vốn sẵn tính trời “không có khả năng tự lập. Thuý Kiều vào đời không bằng lý trí mà bằng cảm xúc của trái tim báo hiếu cha mẹ,  hai em thoát cơn đại nạn, bằng cách rao bán “tấm hồng nhan” – Cò ke bớt một thêm hai. Giờ lâu ngả giá vàng ngoài bốn trăm - với hôn nhân gả bán “ phần căm nỗi khách, phần nhơ nỗi mình”   …

          Vì thế trong suốt mười lăm năm lưu lạc, Thuý Kiều không có ý chí quyết liệt chiến đấu, nếu có chỉ là phản ứng tiêu cực “ sẵn dao tay áo tức thì giở ra… Đem mình gieo xuống giữa giòng Tràng Giang…” và mỗi khi thất bại, hay gặp khó khăn là đổ thừa cho số phận “ bài ra thế ấy vịnh vào thế kia… Có người tướng sỹ đoán ngay một lời “. Thuý Kiều không có ý trí phán đóan, đã phạm vào những lỗi lầm này đến nỗi lầm khác, nào là : Tú bà, Mã Giám sinh, Sở Khanh, Bạc Hạnh, Bạc Bà, Hoạn Thư… sau này Hồ Tôn Hiến… Quảng đời mười lăm năm Thuý Kiều hoàn toàn dựa vào người khác để sống thông qua : Mã giám sinh, Thúc Sinh, Từ Hải…những lần vào lầu xanh, những lần vào chùa, vào am tu. Từ đầu đến cuối tất cả chỉ trông vào tấm hồng nhan, cùng với nghề mọn đàn hát xướng ca mua vui lòng người. Tuy vậy nhờ vào tấm hồng nhan và đàn xướng ca hát Thuý Kiều đã có chuỗi ngày an nhàn, thanh tịnh trong chùa, trong am. Hạnh phúc thơ mộng bên Thúc Sinh, và hạnh phúc đầm ấm đầy quyên uy bên Từ Hải.
          Phải công bằng mà nói nếu không nhờ tấm hồng nhan bạc vàng, Thuý Kiều chỉ là một kỵ nữ vô danh tiểu tốt, hoặc là nô tì thấp hèn ở chốn thanh lâu… đến chết già.

          Còn Lan vào đời bằng lý trí, bằng trái tim đầy nhiệt huyết, vượt biên qua Mỹ - trên đường vượt biên bị hải tặc tấn công cha mẹ, hai anh  và ba em trai bị hải tặc giết cùng tất cả đàn ông trên thuyền, còn đám đàn bà con gái hơn bốn chục người bị đưa đến hoang đảo sống trong cuộc sống tận cùng địa ngục trần gian… may mắn tất cả được cứu thoát vài tháng sau. Lan xin định cư tại Hoa Kỳ.

          Lan cùng lứa tuổi với Thuý Kiều, cũng thân gái bơ vơ xứ lạ quên người – “ những là lạ nước lạ non “ - với hai bàn tay trắng như Thuý Kiều . Chỉ khác Thuý Kiều là khác không gian và ý trí tự lập, suốt mười lăm năm chìn nổi lăn xả vào đời để kiếm sống và theo đuổi học vấn đắng cay nhiều hơn ngọt bùi, Lan vượt thắng tất cả trong tự hào bằng sức lực và tài trí kiến thức cùng với “ tấm hồng nhan bạc vàng” Nếu so với chuỗi luân chuyên với Thuý Kiều, Lan chỉ hơn chứ không kém. Một đàng Lan biết tận dụng cái ưu điểm của của “tấm hồng nhan bạc vàng” của mình để thăng tiến, còn Kiều cũng tận dụng ưu điểm “tấm hồng nhan bạc vàng “ của mình để an phận, yên thân…

          Lan cười vui và nói _ Đâu có ai hiểu được nỗi lòng Lan lúc bấy giờ sao lại dám nói là “ hồng nhan bạc mệnh”
          Trần Mạnh Hùng
          05  tháng 1 năm 2008

           
           
           


           
           


           
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.02.2008 08:59:36 bởi Trần Mạnh Hùng >
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9