Trẻ em suy dinh dưỡng
HongYen 06.03.2008 10:36:46 (permalink)



7,000 trẻ em ở Việt Nam tử vong mỗi năm vì suy dinh dưỡng


04/03/2008








Giám đốc Quĩ Nhi đồng Liên hiệp quốc Ann Veneman Khoảng 7,000 trẻ em ở Việt Nam bị tử vong mỗi năm vì suy dinh dưỡng. Bản tin hôm thứ ba của Tân Hoa Xã trích thuật tin tức báo chí Việt Nam cho biết thêm rằng: trong năm 2007, có đến 1 triệu 600 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thiếu cân (chiếm 21,2%) và 2 triệu 600 ngàn em bị suy dinh dưỡng thấp còi (chiếm 33,9%).
 
Các số liệu vừa kể đã được công bố hôm thứ hai ở Hà Nội tại Hộïi nghị lần thứ 35 của Ủy ban thường trực về dinh dưõng của Liên hiệp quốc.
 
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Quĩ Nhi đồng Liên hiệp quốc, bà Ann Veneman nói rằng tuy tỉ lệ suy dinh dưỡng ở Việt Nam vẫn còn cao so với tỉ lệ bình quân của thế giới, nhưng tốc độ giảm thiểu rất đáng ghi nhận. Bà Veneman nói thêm rằng Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về dinh dưỡng trước năm 2012.
 
Cũng tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố rằng Việt Nam cam kết phấn đấu để giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em xuống dưới 20% vào năm 2010, dưới 15% vào năm 2015 và giảm các bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt và iốt.
 
Ông Hùng cũng cho biết rằng tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam đã giảm liên tục từ năm 2000 đến nay với tốc độ trung bình 1,5% mỗi năm.
 
http://www.voanews.com/vietnamese/2008-03-04-voa13.cfm
#1
    HongYen 06.03.2008 10:44:41 (permalink)

    vitamin A, sắt và iốt


    Dấu Hiệu Khi Thiếu Sinh Tố
    Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức (Câu Chuyện Thầy Lang)

    Sinh tố là những chất hữu cơ cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì sức khỏe cũng như góp phần vào việc điều hành chức năng của các cơ quan, bộ phận trong người.
    Tên tiếng Anh của Sinh Tố là Vitamin, có nguồn gốc tiếng La Tinh “vita” có nghĩa là đời sống và amino là chất dinh dưỡng cần thiết.
    Hầu hết các sinh tố được cung cấp từ thức ăn, vì cơ thể con người không tổng hợp được, ngoại trừ hai sinh tố D và K. Điều may mắn là trong thực phẩm đều có đủ các loại sinh tố.
    Mặc dù cơ thể chỉ cần một lượng sinh tố rất nhỏ nhưng lượng nhỏ đó giữ vai trò rất quan trọng cho sự sống còn của con người. Không có sinh tố thì những sinh vật cao cấp như loài người không thể tồn tại.
    Sau đây là một số công dụng của sinh tố:
    -Góp phần vào việc cấu tạo tế bào máu, xương và răng.
    -Điều hành có hiệu quả những chức năng của tim và hệ thần kinh, tăng cường thị lực của mắt
    -Giúp cơ thể biến thực phẩm thành năng lượng.
    -Giữ vai trò xúc tác trong các phản ứng sinh hóa và biến năng lượng để giúp tế bào hoàn thành các chức năng rất cần thiết cho sức khỏe của con người.
    -Ngoài ra, sinh tố còn có tác dụng hỗ trợ cơ thể sử dụng các khoáng chất, chất đạm, chất bột đường và nước.
    Ðiều cần lưu ý là các sinh tố không cung cấp năng lượng (calori) và không có khả năng tự nó làm tăng trưởng cơ thể như các chất đạm, chất béo, carbohydrate, khoáng chất và nước.
    Có 13 loại sinh tố chính. Đó là sinh tố A, C, D, E, K và tám sinh tố thuộc nhóm B như B1 (thiamin), B2 (riboflavin), B3 (niacin), B5 (pantothenic acid), B6 (pyridoxine), B12 (coba -lamin), folacin (acid foli) và biotin.
    Đặc biệt, sinh tố A vừa có trong thực phẩm từ động vật như thịt, trứng... lại cũng có ở dạng gọi là caroten trong thực vật. Khi được đưa vào cơ thể, caroten được biến thành sinh tố A. Caroten có nhiều trong cà rốt, rau xanh, cà chua .. Caroten còn là một chất chống oxy hóa rất hữu hiệu.
    Ngoài ra còn một số chất không là sinh tố nhưng có các chức năng gần giống như sinh tố (vitaminlike substances). Chẳng hạn như bioflavonoid, carnitine, coenzyme, inositol.
    Sinh tố được chia ra làm hai nhóm: Nhóm hòa tan trong chất béo như các sinh tố A, D, E, và K và nhóm hòa tan trong nước gồm có sinh tố C và các sinh tố B.
    Sự phân biệt này rất quan trọng vì cơ thể tồn trữ sinh tố hòa tan trong chất béo ở gan và mô béo tương đối lâu hơn, nên tình trạng thiếu hụt các sinh tố nhóm này chậm xẩy ra. Còn những sinh tố hòa tan trong nước chỉ tồn tại một thời gian ngắn trong cơ thể và cần được bổ sung thường xuyên để tránh các bệnh gây ra do thiếu những sinh tố nhóm này.
    Đa số sinh tố rất dễ bị sức nóng và ánh sáng hủy hoại. Do đó, dù trong quá trình tồn trữ và nấu nướng thực phẩm, một số sinh tố bị mất đi. Sự mất mát càng lớn khi thực phẩm được tồn trữ dưới ánh sáng, sức nóng hoặc không được ướp lạnh, cất giữ đúng cách.
    Sinh tố hòa tan trong mỡ béo có tính chất ổn định hơn sinh tố hòa tan trong nước khi thực phẩm được nấu nướng. Ví dụ, khi đun sôi thì lượng sinh tố hòa tan trong nước bị phân hủy trong nước nóng, cho nên muốn duy trì lượng sinh tố này thì không nên nấu quá lâu và chỉ nên nấu với ít nước.
    Mỗi sinh tố có nhiệm vụ riêng của nó. Trong một số trường hợp, vài loại sinh tố có tác dụng hỗ tương nhưng không thể thay thế cho nhau. Ví dụ:
    -Sinh tố D có hiệu quả tốt hơn nếu dùng chung với sinh tố A.
    -Cặp sinh tố D và A hoạt động tốt hơn nếu có sự hiện diện của sinh tố B;
    -Sinh tố E được tăng hiệu năng khi đi chung với cặp sinh tố D và A;
    -Sinh tố C có ảnh hưởng đến tác dụng của sinh tố A;
    -Khi thiếu sinh tố B1 thì sự hấp thụ những sinh tố khác trong cơ thể gặp trở ngại.
    Mặc dầu cơ thể cần sinh tố, nhưng sinh tố không thể thay thế thực phẩm. Nếu thay thế được thì người ta đã không cần những bữa ăn rườm rà mà chỉ cần uống vài viên sinh tố.


    Các dấu hiệu khi cơ thể thiếu sinh tố.

    1- Thiếu sinh tố A . Nhu cầu sinh tố A mỗi ngày là 900mcg.
    Thiếu sinh tố A sẽ đưa đến giảm thị giác, mờ mắt ban đêm, giác mạc khô và đục, răng yếu mau hư, da khô có vẩy, tóc khô giòn, cơ thể dễ bị nhiễm trùng, xương chậm phát triển.

    Tuy nhiên, tình trạng thiếu sinh tố A ít khi xẩy ra vì thực phẩm ăn vào hàng ngày có rất nhiều sinh tố này. Sinh tố A có nhiều trong dầu gan cá, gan và thận động vật, sữa, lòng đỏ trứng gà các loại rau trái cây có lá và vỏ mầu vàng...

    2- Thiếu sinh tố D . Thiếu sinh tố D sẽ làm giảm sự hấp thụ calcium và phosphore ở ruột với hậu quả là xương và răng mềm và biến dạng.
    Trẻ em thiếu sinh tố D sẽ bị bệnh còi xương: xương ngực nhô về phía trước, xương sọ chậm khép kín, xương sống cong, răng sữa chậm mọc, răng khôn mỏng manh, men răng mau hư.

    Ngoài ra, thiếu sinh tố D cũng đưa đến chứng co cứng và giựt các cơ (tetany), đặc biệt là cơ mặt, bàn tay, bàn chân.. Chứng này cũng xẩy ra trong trường hợp calcium huyết xuống thấp.

    Nhu cầu sinh tố D hàng ngày vào khoảng 5mcg.
    Thực phẩm cung cấp rất ít sinh tố D, nhưng thiên nhiên đã giúp cơ thể tạo ra sinh tố D qua tác dụng của tia nắng mặt trời lên da. Mỗi ngày ta chỉ cần phơi nắng khoảng mười phút, hai ba lần mỗi tuần là có đủ số sinh tố D cần thiết.


    Sinh tố D có nhiều trong các loại cá béo như cá trích, cá thu, cá hồi, cá ngừ... Gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa có một ít sinh tố D. Rau và trái cây hầu như không có sinh tố này.

    3- Sinh tố E . Dấu hiệu do thiếu sinh tố E ít khi thấy ở con người, vì sinh tố này có trong mọi loại thực phẩm. Ngoài ra, sinh tố được tồn trữ trong một thời gian khá lâu trong tất cả các mô bào. Sinh tố E giúp duy trì sự vẹn toàn của tế bào máu, bảo vệ tế bào phổi với ô nhiễm và giúp các tế bào này hô hấp hiệu quả hơn. Trái với sự tin tưởng của nhiều người, sinh tố E không tăng cường khả năng tình dục của nam giới.


    Trẻ sơ sinh, nhất là khi sinh thiếu tháng, không có đủ sinh tố E sẽ có một số dấu hiệu như phù nê, vết thương trên da, tế bào máu bất bình thường..

    Mỗi ngày cơ thể cần khoảng 8mg sinh tố E. Sinh tố E có nhiều trong rau salad và các loại dầu thực vật ngoại trừ dầu dừa, mầm lúa mì, bắp, các loại hạt có vỏ cứng như hạt dưa, hạt bí, trong măng tây và các loại rau có lá màu lục... Thực phẩm động vật có rất ít sinh tố E.

    4- Sinh tố K . Sinh tố K giúp cơ thể chống chẩy máu khi bị thương tích trên da thịt hoặc xuất huyết tại các cơ quan nội tạng. Sinh tố này cũng giúp gan tổng hợp các yếu tố đông máu, mà khi thiếu, máu sẽ ở trong tình trạng liên tục loãng.

    Khi thiếu sinh tố K, máu sẽ không đông, vết thương chẩy máu liên tục. Các vi khuẩn trong ruột tạo ra 80% số lượng sinh tố K cần thiết, phần còn lại do thực phẩm cung cấp.
    Sinh tố này có nhiều trong trà xanh, củ cải, đậu nành, dầu thực vật, gan, lòng đỏ trứng...

    5- Sinh tố B1 . Thiếu sinh tố B1, con người trở nên dễ mệt mỏi, kém tập trung, ăn không ngon, đau bụng, buồn nôn, đầu ngón tay tê dại, nhịp tim nhanh, mất cảm giác vì viêm dây thần kinh ngoại vi, sưng phù cơ thể...


    Sinh tố B1 (hoặc thiamine) có nhiều trong mầm lúa mì, mầm đậu nành, hạt hướng dương, gạo lức, lòng đỏ trứng, gan động vật, thịt nạc, cá...
    Nhu cầu hàng ngày của cơ thể với sinh tố B1 là từ 1-3mg.

    6- Sinh tố B2 . Các dấu hiệu do thiếu sinh tố B2 gồm có: cơ thể mệt mỏi, vết thương chậm lành, thủy tinh thể đục, mắt cay không chịu được ánh sáng mạnh, lưỡi đau, môi nứt nẻ, da khô, tóc dễ gẫy, móng tay chân giòn...

    B2 có nhiều trong sữa, phó mát, thịt nạc, tim gan thận động vật, trứng, hạt ngũ cốc, rau có lá mầu lục... Mỗi ngày cơ thể cần 1,5mg B2.

    7- Sinh tố B3 . Khi thiếu sinh tố B3 hoặc Niacin, các triệu chứng sau đây có thể xẩy ra: giảm sinh lực, mất ngủ, hay quên, tâm thần căng thẳng, lo âu, tính tình gắt gỏng; nhức đầu, sưng và chẩy máu ở nuớu răng, viêm ngứa trên da... Thiếu trầm trọng có thể đưa tới bệnh Pellagra với viêm da, rối loạn thần kinh, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, giảm cân, giảm trí nhớ...

    Sinh tố này có nhiều trong các thực phẩm giầu chất đạm như gan, thận, thịt nạc, cá, nấm, các loại hạt, sữa, ngũ cốc, rau, trứng... Nhu cầu hàng ngày từ 5 tới 17mg sinh tố B3.

    8- Sinh tố B6 . Thiếu sinh tố B6 (Pyridoxine) có những biểu hiện như giảm sinh lực, ăn mất ngon, mất ký, ngủ mê, buồn rầu, tinh thần dễ bị kích động, cơ co rút và yếu, tê đầu ngón tay, da khô, thiếu hồng cầu, da chung quanh mắt, mũi, miệng trở nên nhờn và đóng vẩy,...


    Trẻ em thiếu sinh tố này thường hay lên cơn động kinh, bẳn tính...

    B6 có nhiều trong cám gạo và lúa mì, hạt hướng dương, có ít hơn trong trái chuối, trái bơ, cá, thận, gan, thịt gà, đậu nành... Nhu cầu sinh tố B6 khoảng 2mg/ngày.


    9- Sinh tố B12 . Mỗi ngày, nhu cầu sinh tố B12 là từ 2 đến 4mcg. Nếu ăn 100gram thịt bò là đã có đủ số lượng B12 này.

    Thiếu sinh tố B12 thường thấy ở người chỉ ăn rau trái cây hoặc những người không sản xuất được yếu tố nội tại tạo sinh tố B12 vì bị cắt bỏ bao tử, thiếu máu ác tính, nhiễm ký sinh trùng Dấu hiệu thiếu sinh tố B12 gồm có: lưỡi viêm đỏ, cơ thể yếu đuối, ăn không ngon, da vàng nhợt, khó thở, giảm cân, đi đứng không vững, rối loạn thần kinh, tính tình cáu kỉnh, buồn rầu..

    Gan là cơ quan chứa nhiều sinh tố B12 nhất rồi đến thận, tim, thịt bò, cá, lòng đỏ trứng, sữa, sữa chua, phó mát, sò, cua... Thực phẩm thực vật không có sinh tố B12.

    10- Sinh tố C . Hiện nay, tình trạng thiếu sinh tố C trong cơ thể ít khi xảy ra, vì có rất nhiều thực phẩm cũng như nước uống chứa sinh tố này. Tuy nhiên, khi thiếu, các dấu hiệu sau đây sẽ xuất hiện: giảm cân, mệt mỏi, kém tập trung, đau nhức khớp và cơ, khó thở, sưng và chẩy máu nướu, chẩy máu dưới da, vết thương lâu lành. Thiếu trầm trọng sinh tố C sẽ đưa tới bệnh scurvy với rụng răng, mềm xương, mạch máu dễ vỡ, chẩy máu, thiếu máu, suy tim, tử vong...

    Sinh tố C có nhiều trong các loại trái chua như chanh, cam, dâu, cà chua ..hoặc trong súp-lơ, khoai lang, khoai tây...Thịt cá chứa rất ít sinh tố C.
    Mỗi ngày nên tiêu thụ khoảng 60mg sinh tố C.

    Kết luận


    Trên đây là dấu hiệu khi cơ thể thiếu sinh tố trầm trọng. Sự thiếu trầm trọng này thường hay xảy ra khi con người ‘nhất bên trọng, nhất bên khinh’, chỉ thích ăn thực phẩm này mà bỏ rơi thực phẩm kia. Hoặc tiêu thụ thực phẩm không có chất dinh dưỡng.

    Cho nên, để tránh nguy cơ bệnh tật gây ra do thiếu sinh tố, cần ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Vì mỗi thực phẩm có thành phần chất dinh dưỡng riêng.

    Ngoài ra, mỗi ngày có thể uống thêm một viên đa sinh tố, để trong lòng đỡ thắc mắc, lo ngại thiếu vitamin. Ðặc biệt là đối với quý vị tuổi cao, ăn cho xong bữa cốt sao no bụng thì thôi...

    Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức
    Texas-Hoa Kỳ
     
    http://www.yduocngaynay.com/2-2%20NgYDuc_ThieuSinhTo.html
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.03.2008 10:45:50 bởi HongYen >
    #2
      HongYen 06.03.2008 10:57:18 (permalink)



      Vi chất dinh dưỡng - không thể thiếu


      SGGP:: Cập nhật ngày 15/08/2007 lúc 10:57'(GMT+7)
       



      Trung bình đời người tiêu thụ khoảng 130 tấn gạo, ngũ cốc, thịt, cá, dầu mỡ, rau quả và nước uống. Ngoài ra, có những chất rất nhỏ (vi chất) mà cơ thể chỉ cần một lượng rất ít, nhưng khi thiếu chúng, sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng.
       
      Không thể thiếu vi chất dinh duỡng
       






      Cho trẻ uống vitamin A.
      Cả đời người chỉ cần khoảng 1 muỗng cà phê i-ốt, 3 muỗng cà phê vitamin A... Nhưng thiếu nó sẽ khiến hàng triệu người bị bướu cổ, chậm phát triển thể chất và trí tuệ do thiếu iốt, hàng triệu trẻ em và bà mẹ bị mù mắt và tử vong do thiếu vitamin A, hàng triệu phụ nữ trong giai đoạn sinh sản bị thiếu máu do thiếu sắt.
       
      Vitamin A, sắt, iốt, kẽm là những vitamin và khoáng chất mà người Việt rất dễ thiếu- nhất là ở trẻ em và phụ nữ mang thai, cho con bú. Trước khi có các chương trình quốc gia như “dùng muối i-ốt”, “uống vitamin A”, “uống viên sắt”, cả nước có hơn 95% dân số có biểu hiện của thiếu i-ốt; trên 50% bà mẹ mang thai bị thiếu máu thiếu sắt; hàng năm có đến hàng ngàn trẻ mù mắt và tử  vong do thiếu vitamin A.
       
      Có khoảng 40 vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe con người. Nếu chúng ta không quan tâm đến chúng trong khẩu phần ăn hàng ngày thì rất dễ có nguy cơ bị thiếu hụt. Sự thiếu hụt này xảy ra từ từ, không có biểu hiện. Đến khi các triệu chứng nặng xuất hiện, ta mới nhận ra mình thiếu vi chất dinh dưỡng. Tính tiềm ẩn này làm cho cuộc chiến chống thiếu vi chất dinh dưỡng gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian, công sức.
       
      Vitamin A – Bạn đường của đôi mắt: Thiếu vitamin A dễ gây loét và mù lòa (gọi là bệnh khô mắt);  làm da khô, dễ nứt nẻ và suy yếu sức đề kháng.
       
      Vitamin A có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc động vật như gan, thịt, cá, trứng và  sữa toàn phần. Tiền vitamin A (beta-caroten) có nhiều trong rau quả xanh và vàng cam đậm (rau muống, rau dền, mồng tơi, rau đay, rau ngót, cà rốt, bông cải xanh, bí đỏ, xoài, đu đủ, gấc…).
       
      Iốt giúp hình thành và phát triển não: Nếu thiếu iốt ở giai đoạn bào thai, bộ não sẽ bị tổn thương nặng nề;  trẻ sinh ra sẽ kém phát triển tâm thần và bị  các khuyết tật thần kinh khác (điếc, lác mắt ; khoèo chân, tay…). Học sinh nếu bị thiếu iốt sẽ giảm thành tích học tập do khả năng tập trung trí óc kém. Phụ nữ mang thai nếu thiếu iốt sẽ dễ bị sẩy thai, thai chết lưu hoặc sanh non.
       
      Để bổ sung iốt, chỉ cần sử dụng muối iốt thay cho muối thường khi ăn và chế biến thực phẩm.
       
      Sắt tạo máu và trí thông minh: Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, giảm phát triển trí tuệ, giảm năng suất lao động trí óc và chân tay, giảm sức đề kháng của cơ thể đối với nhiễm trùng.
       
      Chất sắt có nhiều trong thịt, cá, gan, huyết, hoặc rau xanh như rau dền, bồ ngót và các loại đậu hạt. Ăn thêm trái cây tươi giàu vitamin C sau bữa ăn chính như cam, bưởi, táo, sơ-ri, đu đủ, chuối… sẽ giúp hấp thu tốt chất sắt từ bữa ăn. 
       
      Kẽm giúp trẻ mau lớn và chống biếng ăn: Kẽm kích thích tăng trưởng ở trẻ em, tăng hấp thu và tổng hợp chất đạm, tăng cảm giác ngon miệng, tăng chức năng của hệ miễn dịch. Kẽm có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc động vật và hải sản, đặc biệt cao trong con hàu.
       
      Đưa vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
       
      Có nhiều biện pháp để đưa vi chất dinh dưỡng đến với cộng đồng như dùng thuốc uống để cho kết quả tức thời (uống vitamin A liều cao…) và để duy trì kết quả ấy người ta dùng thực phẩm tự nhiên lẫn thực phẩm công nghiệp có tăng cường vi chất.
       
      Muối I-ốt là một ví dụ điển hình để phòng chống chứng thiếu i-ốt trong cộng đồng. Sau đó là các chương trình tương tự như đường có tăng cường vitamin A, nước mắm có tăng cường sắt... Ngoài ra, các loại bánh quy, bột ngũ cốc, dầu ăn, mì ăn liền, sữa,… hiện thường được tăng cường các vi chất dinh dưỡng. Đặc biệt có loại sữa còn được bổ sung cả kẽm, lysin vào để gia tăng tối đa tiềm năng chiều cao (NutiVita…), hoặc bổ sung DHA, Taurine để phát triển trí não (NutiIQ…), bổ sung vitamin A, vitamin D…
       
      Hàng triệu người bị bệnh và tử vong do thiếu vi chất, nhưng số người bị chứng thừa vi chất lại rất hiếm hoi nên hãy yên tâm khi sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng. Tất nhiên cái gì nhiều quá cũng không tốt, nên cần chọn thực phẩm phù hợp với nhu cầu và sức khỏe hàng ngày.
       
      Tại Nhật, Mỹ, chương trình dinh dưỡng học đường của họ cách đây mấy thập niên với việc bổ sung kẽm, lysin vào trong sữa, gạo cho trẻ đã đưa lại hiệu quả rõ rệt trong cải thiện giống nòi, tạo ra các thế hệ vượt trội về tầm vóc…
       
      BS. Hữu Phương






      CÁC TIN KHÁC >>


      Vaccine 6 trong 1  (13/08/2007,09:56)


      Hỏi – đáp sức khỏe?  (13/08/2007,09:54)


      Một số kiến thức cần biết về làm đẹp  (13/08/2007,09:51)


      Tiểu đường và bệnh gan mạn tính  (13/08/2007,09:45)


      Khám bệnh và tặng quà cho cơ sở từ thiện  (08/08/2007,09:44)


      Khỏe đẹp nhờ dinh dưỡng hợp lý  (08/08/2007,09:42)


      Xóa nhăn và trị hôi nách bằng BOTOX  (08/08/2007,09:39)


      Giải tỏa phiền toái cho nữ giới  (08/08/2007,09:37)


      Canxi không là tất cả  (08/08/2007,09:35)


      Chọn giày như thế nào để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe  (06/08/2007,10:43)
       
      http://www.sggp.org.vn/yhoc/2007/8/115736/
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9