Một tư liệu lịch sử quý giá
Ngọc Lý 15.03.2008 22:24:11 (permalink)
Một tư liệu lịch sử quý giá
Lê Quỳnh, BBC Việt ngữ



Nguyên tác được in lần đầu ở Paris tháng 11-1975, và bản dịch tiếng Việt ra mắt năm 2007


Từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975, ở cả trong và ngoài nước đã có vô vàn tác phẩm viết về nhiều khía cạnh khác nhau của một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất thế kỷ 20.
 
Mỗi nghiên cứu về sau đều hứa hẹn có phát hiện mới lạ, và những tài liệu đươc viết khi tiếng súng vừa tạm ngưng có nguy cơ thành lỗi thời, xưa rích.

Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên, in lần đầu ở Pháp tháng 11-1975 và bản dịch tiếng Việt chỉ vừa ra mắt cuối năm ngoái, thuộc vào số may mắn hơn, tức là nó vẫn chứng tỏ mình là một tài liệu lịch sử quý giá để người đọc hôm nay hiểu hơn về một thời kỳ quá khứ.

Tác giả của nó, Pierre Darcourt, sinh năm 1926 ở Sài Gòn. Theo tiểu sử, ông gia nhập du kích chống Nhật ở Đông Dương sau biến cố tháng Ba 1945; sau đó làm lính nhảy dù Pháp cho đến 1954.

Ông trở thành phóng viên chiến trường Việt Nam, đi qua nhiều mặt trận, quen biết hầu hết các gương mặt tướng lĩnh và chính khách – thuộc cả chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và đối lập.

Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên (bản dịch của Dương Hiếu Nghĩa) ghi lại những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa và một vài tháng sau ngày 30-4.
Nhà văn Uyên Thao, chủ của Tủ sách Tiếng Quê Hương (bang Virginia), nơi ấn hành bản tiếng Việt của tác phẩm, gọi điều “đáng trân trọng” qua cuốn sách này là “tâm tư chia sẻ của tác giả với những thống khổ của đồng loại mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng phải ao ước là sẽ hiện hình trong con tim của hết thẩy những người đang mang dòng máu Việt Nam”.

Binh đao máu lửa

Năm 1969, Tổng thống Nixon loan báo học thuyết “Việt Nam hóa chiến tranh”, và bắt đầu rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Nó đánh dấu việc Mỹ từ bỏ mục tiêu buộc Hà Nội công nhận chính thể miền Nam, ngừng đưa quân xâm nhập miền Nam. Trong cuốn The Vietnam War Files (2004), Jeffrey Kimball cho biết trong ghi chép của Henry Kissinger khi chuẩn bị cho cuộc gặp bí mật với Trung Quốc năm 1971, viên cố vấn tổng thống thừa nhận “nếu người Việt Nam quyết định thay đổi chính phủ hiện tại, chúng tôi sẽ chấp nhận điều đó.”




Những giờ phút hỗn loạn trong ngày 30-4-1975

Hiệp định Paris tháng Giêng 1973 tạo điều kiện cho Mỹ chứng kiến một “nền hòa bình trong danh dự” (chữ của Nixon): quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, tù binh Mỹ được trao trả, quân đội hai bên ở nguyên vị trí tại miền Nam.
Nhưng chiến sự nhanh chóng tái tục, với hàng loạt các trận đánh trong năm 1973. Tháng 11 năm đó, Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết cấm tổng thống nếu chưa có chấp thuận của Quốc hội thì không được dùng quân Mỹ để phòng thủ “bất cứ phần đất nào của Đông Dương”. Sang năm sau, Nixon mất chức vì vụ Watergate; Quốc hội Mỹ cũng cắt bớt một nửa viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam.

'Một dân tộc khốn khổ'


Pierre Darcourt có mặt ở Sài Gòn những ngày này chứng kiến chính phủ “bước vào một thời kỳ nguy kịch”. Mô tả sinh động của tác giả giúp người đọc cảm nhận rõ ràng không khí miền Nam trong giai đoạn khủng hoảng chính trị. Pierre cũng chứng kiến tận mắt những ngày cuối cùng từ sau cuộc tổng tiến công của Bắc Việt năm 1975. Kết luận chua chát của tác giả - “Đừng bao giờ tin tưởng vào Hoa Kỳ như một đồng minh” – chắc sẽ được sự chia sẻ của đa số những ai có mặt ở Sài Gòn trong giờ phút nghiêng ngửa ấy.

Chương 21, Ông Dương Văn Minh là ai?, là một trong các chương hay nhất của cuốn sách. Tác giả có những nhận xét sắc sảo về sự nghiệp của viên tổng thống cuối cùng của VNCH, một người thực tế “không phải là nhà chính trị”. Qua chương này, người ta cũng hiểu hơn về những rối ren của chính trường miền Nam.



Chiến tranh để lại nhiều vết thương trong lòng người

Có mặt tại chỗ trong những ngày khói lửa, Pierre Darcourt viết cảm động về hoàn cảnh bi đát của những đoàn người chạy loạn “bỏ tất cả lại sau lưng, từ làng mạc trù phú đến nhà cửa ruộng vườn, mùa màng, và cả mồ mả ông cha nữa”. Những cảnh tượng đau lòng như những hạt cát trong biển máu chiến tranh, để tác giả đặt bút viết: “Một dân tộc khốn khổ bị dày vò, bị bóp họng, bị tàn phá chỉ vì bị xô vào cái bẫy của một tấn tuồng chính trị bi hài ngu xuẩn và khủng khiếp mà chính họ cũng không hề hiểu gì cả.”

Một ưu điểm của cuốn sách là sự tái hiện sắc sảo, từ một người cùng thời, về những nhân vật thời cuộc của miền Nam. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ “một đồng mình trung thành và chắc chắn, là thành lũy cuối cùng chống chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á” trở thành “một người cô đơn, chua chát và thất vọng”. Tướng Trần Văn Đôn, “từng cổ võ quân đội phải bảo vệ đất nước đến hơi thở cuối cùng”, lại bị bắt gặp trên chuyến bay đi Bangkok cùng một phụ nữ đẹp, người được ông trao cho tấm ngân phiếu “ông ký ngay tại ghế ngồi”. Còn nhiều những chi tiết như thế về một hệ thống đã rệu rã trong giờ phút cuối.

Nhưng đồng thời tác giả cũng bộc lộ cái nhìn thiện cảm với những con người sống chết vì một lý tưởng mà họ tin theo. Một tướng Lê Minh Đảo khẳng khái “binh sĩ của tôi đã dũng cảm chiến đấu, làm sao tôi có thể bỏ rơi họ?” Thiếu tướng Phạm Văn Phú, bị Tổng thống Thiệu đổ trách nhiệm cho việc mất Cao nguyên Trung phần, đã tự sát để “đính chánh lời cáo buộc”. Trên hết, tác giả thương cảm cho số phận của một dân tộc, không phân biệt Bắc hay Nam, “bị chia xé với quá nhiều xương máu, tóc tang và đau đớn.” Nhận định ở trang cuối của sách, viết ra hơn 30 năm trước, nhưng vẫn còn tính thời sự: “Cách duy nhất để hàn gắn các vết thương còn tuôn máu và nhức nhối này là người chiến thắng phải dẹp bỏ sự tự kiêu chiến thắng để tuyên bố ngưng tranh đua về ý thức hệ và chứng tỏ sự khoan hòa. Cuộc thống nhất thật sự phải trải qua sự hòa bình của những con tim, trở về với truyền thống khôn ngoan và độ lượng từ xa xưa.”

Một tác phẩm ra đời ngay khi các sự kiện lịch sử vừa diễn ra lẽ dĩ nhiên không tránh khỏi thiếu sót. Về thái độ của Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc chiến, tác giả cho rằng “từ năm 1954, Liên Xô đã thúc đẩy Hà Nội mở cuộc tấn công quân sự quy mô và quyết định để chiếm Miền Nam. Ngược lại Bắc Kinh thì lại khuyên Hà Nội chỉ nên tăng cường các khu vực đã giải phóng và tiến hành một cuộc chiến tranh gậm nhắm lâu dài (trường kỳ kháng chiến)” (trang 71). Những tài liệu mới, đặc biệt của Ilya Gaiduk và Qiang Zhai, đã cho phép người ta có cái nhìn đầy đủ hơn về những đồng minh của Bắc Việt.

Phần cuối của sách viết về mấy tháng đầu tiên sau khi Việt Nam thống nhất. Pierre Darcourt nhận xét: “Miền Bắc có thể đi tới đích mà họ muốn, nhưng còn mất nhiều thời gian…và thời gian đôi khi lại thuận lợi cho kẻ chiến bại”. Một nhận xét mà sau 30 năm, người ta thấy chúng mang tính tiên tri.

“Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên”, do NXB Tiếng Quê Hương, Virginia, phát hành. Bản dịch tiếng Việt của Dương Hiếu Nghĩa.
 
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/magazine/story/2008/03/080313_darcourt_book_review.shtml
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.03.2008 22:26:04 bởi Ngọc Lý >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9