Những phận người "tối" như đêm ba mươi
Ngọc Lý 07.04.2008 08:48:22 (permalink)
Những phận người "tối" như đêm ba mươi
Đăng Khoa

Nguồn: VietnamNet



- Không ruộng, không vườn, ngư cụ đều phải mua nợ, những đứa trẻ ở gần trường nhưng chữ rất xa, cuộc đời của những người dân thôn Trung Chánh, xã Lộc Điền, Phú Lộc, TT-Huế “tối” như đêm ba mươi.

Thôn không có bữa cơm trưa!

Ngót nghét đã 20 năm người dân thuỷ diện (vạn đò), xã Lộc Điền sống lênh đênh sông nước đầm phá Tam Giang đã “bỏ biển lên bờ”. Lên bờ, nhưng không rời biển, người dân được bố trí ở sát đầm Cầu Hai để làm nghề lưới. Họ được định cư dưới chân đồi 30, thôn Trung Chánh, xã Lộc Điền - nơi ở cách vùng đầm phá Cầu Hai chưa đầy 50 mét, và chỉ cách thị trấn Phú Lộc đang trở mình phát triển chưa đầy nửa giờ đi bộ.

Nhà trên bờ, thuyền dưới nước, cuộc sống vẫn theo đuôi con tôm, con cá. Buổi chiều về, cả thôn kéo nhau xuống đầm, xuống biển mưu sinh. Nghề lưới bắt đầu từ đêm đến sáng, chỉ còn những người già, trẻ con 3, 4 tuổi trong những căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo trên bờ ngóng người thân trở về khấm khá cá tôm sáng hôm sau. Cuộc sống nhờ vào con cá, con tôm rồi cũng qua ngày.

Để có cái ăn, không kể xa gần, miễn ở đâu còn cá thì có sự hiện diện của người dân nơi đây. “Thường thì em phải về ở đậu đò ở xã Vinh Hà, Phú Vang, để bủa lái, nhớ nhà, nhớ con nên đành quay về vài hôm rồi đi tìm chỗ khác để làm nghề. Lênh đênh sông nước mà anh”, anh Mai Hạnh kể.

Tại thôn Trung Chánh, 6 giờ sáng khi đò trở vào bờ, cả thôn náo nhiệt tiếng í ới gọi nhau,  đàn ông xả luới, đàn bà đi chợ, cả thôn cùng ăn cơm sáng. Bữa cơm sáng cũng thay cho bữa cơm trưa. Cả thôn không có bữa cơm trưa, thường thì chỉ ăn cơm vào lúc 8-9 giờ sáng, rồi sau đó cả thôn cùng… đi ngủ để chuẩn bị cho đêm làm việc mới.
Buổi trưa, cả thôn không có khói, tĩnh lặng, chỉ còn tiếng cười của những đứa trẻ con đầu tóc vàng hoe vì nắng, vì gió tụ tập quanh bóng tre. Chúng vẫn chưa đến tuổi làm nghề nên vẫn còn được chơi đùa thoả thích.  Những người cha, người mẹ của chúng đã vào giấc ngủ say sau một đêm dài thức trắng trên đầm, trên phá.

“Cháo húp quanh, nợ trả dần”

Những năm trở lại đây, cuộc mưu sinh của người dân thôn Trung Chánh trở nên khốn khó hơn bao giờ hết, khi cá tôm trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai bị khai thác đến mức cạn kiệt. Những trộ nò, trộ sáo không còn có cá. Đặt nò đã mấy đêm mà anh Trần Vẹn, không buồn dỡ :”Không có chi, chỉ toàn rong với tảo thôi. Không riêng chi tui, cả tháng trời nay có ai trong thôn đêm đi bủa lưới kiếm được trăm ngàn mô. Chuyện cá bây giờ thì buồn lắm!".

Hơn 1 tháng nay, cả thôn không một ngày vui,  tiền bán cá, bán tôm không đủ chi tiêu cho cuộc sống. Họ sống thường trực trong cảnh túng thiếu, nợ nần. Đã 3 hôm, vợ chồng anh Nguyễn Hiệt bủa lái cá bán không đủ tiền chi phí dầu, mỡ cho chiếc đò máy vốn cũ nát, thường xuyên dở chứng. “Đêm qua chỉ bắt được mỗi con cá chép bán chỉ hơn chục ngàn mà tiền dầu chạy máy cả đêm thì gấp 3 lần tiền cá bán”, chị Á, vợ anh Hiệt rầu rĩ.

Người trẻ trong thôn cũng chẳng khá khẩm gì, họ đều lấy vợ sớm,  đông con, túng bấn. Trần Hậu, chỉ mới bước sang tuổi 24, cưới vợ 3 năm nhưng đã “sản xuất” được 2 đứa con, đứa lớn cách đứa bé đúng một tuổi. Hậu còn phải nuôi 5 đứa em nhỏ.

Trong ngôi nhà toe tua của Hậu, có đến 9 miệng ăn trông cả vào một chiếc đò máy và hơn 100 tay lưới – ngư cụ. Nợ dầu, nợ gạo, nợ lưới… với số tiền lên đến 35 triệu đồng. Tất cả, đè nặng oằn vai với người đàn ông trẻ.

Người đông con khổ đã đành, người sợ khổ đẻ ít con cũng khổ. Chị Mai Thị Gái, khiếp cảnh khổ của cha, của mẹ nên khi lấy chồng ở riêng chị chỉ dám đẻ 1 đứa con, để có điều kiện nuôi nấng con nên người. Vợ chồng chị không lười nhác, lê thân trên đầm Cầu Hai không kể ngày đêm, ấy vậy mà cũng chỉ đủ nuôi nổi 3 miệng ăn chứ không lấy gì dư dả. Quá ngán ngẩm với nghề, nhưng với vợ chồng chị không làm nghề cá đồng nghĩa với việc nợ và đói.

Với người dân nơi đây, hễ không bắt được cá, đồng nghĩa với nợ nần chồng chất. “Anh không tin đi hỏi mười người trong thôn này thì có đến mười một người mắc nợ”, chị Gái, làm một phép đối nghịch để nói chuyện nợ của người dân nơi đây.

Khi hỏi người dân nợ những gì, ai cũng nhanh miệng liệt kê ra một loạt thứ nợ: nợ dầu chạy máy, nợ gạo, nợ tiền lưới,… và cái gì thiếu thì phải nợ.

Bây giờ, tất cả gia đình tại thôn Trung Chánh này chỉ còn biết cười với nợ, tự an ủi mình: ”Cháo húp quanh, nợ trả dần dần”!

… Trường gần, chữ ở rất xa!

Những đứa trẻ con nơi đây phải đối diện với cảnh trường ở rất gần nhưng chuyện theo học lên cao là một điều xa xỉ. Mặt bằng trường lớp chung của cả thôn chỉ chưa đến lớp 5 là phải nghỉ học để đi làm việc.

Cả thôn nghèo, thôn khổ này, ai cũng muốn cho con cái mình có chữ, để ngày sau cuộc đời đỡ khổ, nhưng cuối cùng cũng phải chịu trước gánh nặng cơm áo cho cả gia đình vốn đã còng lưng, nặng gánh, con học lớp càng cao thì chi phí ăn học càng nhiều, những ông bố, bà mẹ nơi đây buông xuôi bất lực.

“Cả thôn ni từ khi mô chừ là rứa, con cái cho học làm răng cho biết đọc, biết viết để còn làm lá đơn, ký tờ giấy, chứ còn học lên cao thì tiền mô mà học”, mẹ Chanh, người cao tuổi của thôn thều thảo kể về chuyện trường gần, lớp xa nơi đây.

Những cô bé, cậu bé 12-13 tuổi như  Mai Văn Đức, Hoàng Yến, Trần Đê,… say sưa kể về những ngày còn được đi học, những lúc được vui đùa thoả thích, cùng với bạn, với thầy cô. Với các em bây giờ, những điều đó chỉ là những kỷ niệm, cuộc sống của các em hiện tại chính là con đò, và những mảnh lưới lúc trời đã vào đêm.

Nghỉ học, một số trẻ quen nghề theo cha mẹ xuống đầm bắt cá mưu sinh, một số khác không chịu được cảnh khổ của nghề “truyền thống” này tha hương đi vào Nam kiếm sống. Những em may mắn còn được đến trường thì nguy cơ buộc phải thôi học luôn thường trực.

Rời thôn Trung Chánh khi trời đã ngả bóng trưa, trên con đường đất gập ghềnh, lầy lội chực nhớ một câu mà mẹ Chánh nói tưởng chừng như vô lý: “Khổ quen rồi, không ai dám mơ sướng mô chú ơi”!


Đăng Khoa
http://www.vietnamnet.vn/xahoi/2008/04/776929/
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.04.2008 08:50:25 bởi Ngọc Lý >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9