truyện ngắn Nguyễn Anh Đào
nguyenanhdao 06.05.2008 21:59:31 (permalink)
Kính chào các anh chị trong diễn đàn của vnthuquan. Đây là lần đầu tiên em tham gia diễn đàn vớo một số truyện ngắn em sáng tác, rất mong sự ủng hộ và góp ý của các anh chị đã tham gia diễn đàn này trước em.
Nguyễn Anh Đào
TPHCM, Việt Nam
#1
    nguyenanhdao 06.05.2008 22:05:36 (permalink)
    LÀNG "CHÍ PHÈO"
     
    Tôi không hư cấu câu chuyện này thành tiểu thuyết, bởi chính bản thân nó cũng đủ làm nên những bi kịch của ngôi làng này. Ở đó, người gánh chịu nặng nề là các em tôi, bạn bè tôi đã được sinh ra và lớn lên, là những người mẹ, người chị ngày ngày phải cắm mặt vào đất nhẫn nhịn, bị dẫm nát tuổi thanh xuân. Tôi kể hoàn toàn những sự thật về những gì tôi đã thấy, đã hứng chịu bằng cách liệt kê. Tôi bất lực trước những nổi đau, nỗi đau thể xác chỉ là một ngày một bữa, nhưng nỗi đau tinh thần giằng xé, đè nặng lên những con người ấy, mà có người đã chết vì uất ức phải tự tử, có kẻ tù tội. Họ cam chịu với trò đùa số phận và hoạch định cuộc đời mình theo lời phán của những ông thầy tướng số. Hạnh phúc là một từ xa xỉ đối với họ.

     
    1.
    Đứng ở đồi thông đầu làng sẽ nhìn thấy rõ con đường đất uốn quanh dẫn vào một ngôi làng nằm lọt thỏm giữa những màu xanh bát ngát của cây rừng. Ở đó, có khoảng một trăm ngôi nhà, có một ngôi trường cấp một với 6 phòng học, có một cái chợ, nhóm hàng ngày vào buổi sáng sớm, có vài tiệm tạp hóa. Như bao nhiêu ngôi làng khác của Tây Nguyên, nghề nghiệp chính của họ vẫn là nương rẫy, là cà phê, cao su...
    Nhà Duy có bốn anh em, nhưng chỉ có hai mẫu rẫy cà phê, tiền thu không đủ trang trải chi phí cho anh em Duy đi học, mẹ phải nấu thêm lò rượu. Từ đó, làng này thêm một nghề nữa là nghề nấu rượu và nuôi heo. Nấu rượu thì tất nhiên sẽ có nuôi heo, vì bã hèm khi đã cất rượu xong thì trộn cho heo ăn, chúng ăn thứ đó rất bổ và nhanh lớn, không phải tốn thức ăn cho heo nên thường lãi khá cao. Nhờ đó mà gia đình Duy khấm khá dần, mẹ không phải cằn nhằn chạy vạy từng bữa cơm hàng ngày nữa, anh em Duy dễ dàng có áo mới mặc đến trường.
    Đầu ra chủ yếu của lò rượu nhà Duy là các tiệm tạp hóa trong làng, từ ngày nhà Duy nấu, các dì chủ các tiệm này không phải cực khổ sang các làng khác hoặc vào thị trấn để lấy rượu về bán. Những tháng cần phải chi tiên nhiều, mỗi ngày má phải dậy đốt lò sớm hơn, để kịp thời gian nấu hai nồi rượu, để số lượng rượu mỗi ngày được tăng gấp đôi, ba đem hàng đến những buôn khác của dân tộc để bán. Duy cũng thường được ba đèo trên chiếc xe đạp để vào buôn với mình, từ đó Duy cũng biết người dân tộc cũng thân thiện không đến nỗi độc ác hay man rợ như cái vẻ bề ngoài họ thể hiện và nghe người lớn kể, mà thật ra hồi ấy bọn nhóc con của Duy nghịch ngợm đủ trò, người lớn chỉ bày ra để kể thì ít mà hù thì nhiều. Đứa nào nghịch thì bị nhát là đem cho dân tộc, đứa nào đen đúa xấu xí quá bị ghẹo là con của dân tộc thế nào cũng lăn ra mà khóc bù lu bù loa.
    Năm đó Duy chín tuổi. Cái tuổi thấy cuộc đời qua những trò chơi, thấy ngôi làng của mình từ trên đồi thông đầu làng. Hồi ấy, làng Duy chưa có điện. Ngọn đen dầu tù mù, đường đen kịt. Duy là con trai nhưng là đứa sợ ma nhất làng, sợ hơn cả con gái, nên nó thường là đích ngắm của bọn con nít trong xóm mỗi khi đêm về, nhất là những đêm trăng còn khuyết, ánh sáng lờ mờ không nhận ra rõ hình người. Duy không hiểu vì sao mình sợ ma, có lẽ nó bắt đầu từ những câu chuyện của ba, những câu chuyện rùng mình mà ba hay kể vào ban đêm cho những người bạn của mình, nó ngồi kế bên nghe lén. Hồi Duy chín tuổi, xung quanh làng của Duy còn nhiều rừng rậm, chuyện về ma lai rút ruột đi ăn thịt người vào ban đêm làm cho nó luôn sợ hãi. Nó tưởng tượng ra những chiếc đầu người mang theo nào là ruột gan phèo phổi bay lửng lờ trên những ngọn cây, những con ma lai đó hút máu người nào thì người bị hút máu đó không chết nhưng cũng biến thành ma lai như nó. Những con ma lai này ban ngày là một người bình thường như bao người khác, chỉ thành ma vào ban đêm. Nếu người trong gia đình phát hiện ai đó trong nhà mình là ma lai thì canh lúc nó rút ruột đi ăn ban đêm, lật nghiêng cái mình nó lại để nó không thể nhập vào xác, nó than khóc ngoài cửa và mặt trời lên sẽ chết. Không biết chuyện này bắt đầu từ cái gì, từ ai, nhưng qua mỗi người kể nó ly kì một kiểu khác nhau.
    Trước cổng nhà Duy có cây gòn, loại cây mà người ta lấy ruột của trái nó ra làm gối ngủ. Lúc nhỏ, tụi nó hay chẻ trái gòn ra và cho bông bay tứ tung trong gió, thích thú. Rồi từ ngày nó nghe người ta kể ma hay ở trên ngọn các loại cây cao như cây gòn, thì ban đêm nó đóng chặt luôn cửa trước để mắt không nhìn ra hướng ngõ nữa. Đồn rằng trên những chạc ba của các cây cổ thụ, thường có những oan hồn của phụ nữ ru con, họ chết do bị ruồng bỏ rồi tự tử, hoặc bị đánh đập cho tới chết, đều là những người sống quanh đó. Có người bạn của ba khẳng định chắc nịch là bà Tư bán tạp hóa kể lại rằng chính bà đã thất kinh hồn vía khi tờ mờ sáng đi chợ, đến cây cổ thụ đầu làng, có người phụ nữ gửi tiền nhờ mua dùm hộp sữa cho con và xị rượu đế cho chồng. Nhưng đến chợ thì bà mói tá hỏa khi nhận ra tiền trên tay mình là tiền...âm phủ. Khi bà về ngang đầu làng thì không thấy ai, cũng không thấy ngôi nhà nào như lúc sáng, rồi nghe có người bảo nửa đêm thường nghe tiếng trẻ con khóc và tiếng ru con phát ra từ gốc cây.
    Duy tin những điều đó vì khi mặt trời bắt đầu lặn, thì những cành cây bên ngoài đong đưa như những cánh tay đưa võng cho trẻ con.
    Đến khi Duy mười chín tuổi, Duy mới hiểu được những câu chuyện người ta hay kể cho nhau ngày xưa chỉ để giải khuây trong lúc rỗi rãi, mà không có chuyện nào hấp dẫn bằng chuyện ấy cả. Không hề có con ma lai nào, cũng như không thể có oan hồn nào hiện về thành người nữa. Tất cả chỉ là thêu dệt nhưng làm cả quãng đời tuổi thơ Duy là sự hãi hùng bóng đêm. Thậm chí, khi ngủ chung với em trai mình, thỉnh thoảng nửa đêm nó quay sang sờ xem em mình có còn đầy đủ đầu mình tay chân không? Hay đã "rút ruột" đi ăn đêm rồi?
    Hồi ấy, mẹ thường có việc phải ra ngoài vào ban đêm, vì ban ngày lo việc trong nhà tối mặt tối mũi, đêm mẹ đến nhà bà Tư kêu chở gạo qua, mua men, hoặc mua bất cứ gì mà ban ngày mẹ thấy thiếu không còn để làm. Trời tối như mực, mẹ hay kêu Duy đi cùng. Duy cầm đèn pin soi đường, không bao giờ Duy dám đi tụt lại đàng sau mẹ, vì sợ có ai đó níu từ phía sau.
    Tối nay, Duy theo mẹ sang nhà dì Tư mua dầu thắp. Cầm chiếc đen pin soi thẳng con đường mòn, mẹ vừa đi vừa cầm cây khua hai bên vệ cỏ cho rắn rít đi hết. Bỗng chiếc đèn pin pha lướt qua một vật gì chuyển động, bò lồm cồm trước mặt, nó hét lên, đánh rơi cây đèn pin và níu lấy chân mẹ. Mẹ lượm đen pin lên vào soi kỹ vào vật đang chắn ngang đường đi thì thấy ông Thạch, ba của Như. Ông say khướt đang lếch về nhà.

     
    2.
    Trong làng có Như con của ông Thạch là thân với Duy nhất, nó cùng học lớp với Duy từ lúc mẫu giáo, nó là con gái nhưng lại không sợ ma, nó là đứa thường vạch mặt chỉ tên đứa nào dám làm ma nhát Duy. Duy thấy phục con Như lắm, riêng về lĩnh vực này thì Như là một anh hùng trong mắt nó.
    Có lần Duy hỏi:
    - Như không tin có ma à?
    - Không biết, nhưng làng mình thì không có
    - Sao Như chắc vậy được?
    - Chắc! Vì nếu có đã bắt ba Như đi rồi. Có ngày nào ba Như về nhà trước mười giờ tối đâu.
    Mà cũng phải, ngày nào ba Như cũng khật khà khật khưỡng đi về lúc nửa đêm, té lăn lóc ngoài đường, có lúc nằm ngủ luôn, rôi tỉnh dậy đi tiếp, có ma nào bắt đâu. Duy nghe tiếng Như cười chua chát:
    - Ông ấy cũng có một con ma theo bảo vệ và dẫn đường rồi, nên không có ma nào dám bắt, Duy biết ma gì không? Ma men đó.
    Duy nhớ đến những lần Như đi học bầm một bên mắt, hay tay chân bầm tím, tứa máu. Hỏi tại sao thì Như chỉ trả lơi tỉnh queo "ma bắt". Lúc chín tuổi, tất nhiên Duy tin thật, nhưng mười chín tuổi thì Duy biết quá rõ, tuổi thơ của Như đã bị con "ma men" ám ảnh, trực tiếp trên cơ thể này, chứ không phải trong tâm trí trẻ con của Duy nữa. Sau này Duy mới hiểu vì sao Như hay bảo Duy rằng "không có con ma nào mình không nhìn thấy nó mà đáng sợ cả!".
    Có lần Như bảo phải chi đừng có ai nấu rượu, đừng ai bán rượu thì nhà nó đâu có khổ vầy. Duy chạnh lòng, đâu phải lỗi ở gia đình Duy, những gia đình nấu rượu, nhà Duy nấu rượu nhưng ba Duy đâu có uống, thỉnh thoảng ông chỉ uống một tí, có bao giờ say mèm như thế đâu? Nếu nhà Duy không nấu, những người như ba Như cũng sẽ có rượu uống, bằng chứng là mấy dì bán tạp hoá lại phải vào tận thị trấn hoặc qua làng khác mà mua về bán.
    Nhà ông Thạch có đến 8 người con, 3 trai và 5 gái. Sau này, tất cả những nghiên cứu khoa học cho rằng rượu bia có tác hại đến sức khoẻ con người trong đó có chuyện dẫn đến vô sinh, Duy đều bác bỏ. Bằng chứng là ông ấy uống rượu trong suốt từ năm 20 tuổi đến giờ, 8 đứa con ra đời không thể nói ông ấy vô sinh. Còn chuyện vợ ông ngoại tình có con với người khác càng không. Vợ ông là người đàn bà nhẫn nhịn, cắm mặt vào đất, bàn tay bàn chân tứa máu để có tiền cho 10 miệng ăn và một miệng nhậu. Cả đời người không có chút thời gian rảnh rỗi cho riêng mình, chưa có ngày nào mặc trên mình bộ quần áo mới thì làm sao ngoại tình được. Vợ ông cũng như những người đàn bà của làng này, có ai hư thân hay đua đòi. Có lúc Duy nghĩ những người như mẹ của Như phải chi biết sống cho mình thì đỡ bi kịch hơn không?
    Như là đứa con thứ tư trong nhà, trên Như có hai anh và một chị. Năm Như mười lăm tuổi, hai người anh của Như đều đi làm ăn xa, chị Như đã lấy chồng. Như cũng mong đến ngày mình đủ mười tám tuổi, như tất cả các thành viên khác của gia đình, mong đủ tuổi để ra đi, xa ngôi nhà "ma ám" này.
    Như may mắn hơn những anh chị của mình là được học hết cấp ba và đậu cả đại học.
    Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, Như mừng rơn đem sang khoe với Duy, ngay lúc Duy nhận được tin mình trượt đại học. Như an ủi Duy:
    - Duy rớt thì năm sau thi lại, mình phải đậu để rơi xa ngôi nhà của mình, tờ giấy báo trúng tuyển này đã giúp mình bay đi, bay đi Duy biết không? Mừng cho mình đi, còn Duy, Duy không cần đến nó bằng mình đâu, vì Duy có một gia đình hạnh phúc.
    Như nói, không cho Duy nói, Duy cũng không có quyền buồn trong lúc này. Vì niềm vui của Như lấn át hết rồi, một niềm vui hồn nhiên còn sót lại sau một tuổi thơ gian truân.
    Nhà Như còn lại sáu người, ba mẹ và bốn đứa nhỏ, bốn đứa chưa đủ tuổi để bay như anh chị nó. Nhưng đến một ngày chúng cũng sẽ đi, chỉ còn mẹ Như ở lại, người đàn bà mấy mươi năm ban ngày sống bán thân mình cho rẫy rừng, cho cơm áo, ban đêm chịu những đòn roi của người chồng độc ác.
    Ông đánh bà với bất cứ lý do gì, thậm chí những đứa con đi xa điện thoại về hỏi thăm bà mà không gọi cho ông, ông cũng đánh bà, lúc đánh thì luôn miệng hỏi:
    - Nhà này mày là chủ hay tao là chủ?
    - Mẹ con mày mưu mô lấy cái gì trong nhà này đi hết phải không?
    - Lúc nào cũng mẹ con mày với nhau thôi, tao không là gì hết hả? hả? hả?
    Sau đó là tiếng roi quất, tiếng đấm đá bịch bịch hự hự, tiếng bát chén vỡ tang hoang, tiếng long bong của nồi niêu xoong chảo, tiếng khóc thét của những đứa trẻ. Khi những đứa nhỏ này đủ lớn, đủ lớn để chấp nhận những chuyện này là chuyện bình thường của gia đình thì chúng không khóc nữa, chúng trân trân đứng nhìn, nhìn hiên ngang.
    Rồi cũng có một ngày, thằng con trai nhỏ nhất trong nhà đủ mười tám tuổi, ngày cha nó say lướt khướt về nhà, cất giọng lè nhè:
    - Bà à, mẹ tụi bây đâu, chết hết rồi à...
    Thì nó không cho phép mẹ cho nó đỡ ba nó vào nhà nữa, nó bắt mẹ ngồi im. Tự nó ra đưa ông vào. Ông hất nó ra, nhưng làm sao sức của một ông già say xỉn bằng sức của một thanh niên mười tám. Nó khóa trái hai tay cha nó lại, cột luôn hai chân, rồi bế cha nó quăng lên giường. Ông chửi:
    - Mày dám trói cha mày à, ngon ha, con bất hiếu, bất hiếu.
    Nó câm lặng không nói gì, bảo mẹ nếu thấy điếc tai quá thì nhét nùi giẻ vào miệng ông ấy là xong. Người mẹ trừng trừng nhìn con rồi khóc:
    - Con làm thế với cha con à? Được à con?
    - Mẹ làm sao vậy? Mấy chục năm mẹ chịu hành hạ chưa đủ hay sao? Ngưng một đêm không được hả mẹ? Đêm nay thôi, ngày mai khi con đi rồi, mẹ hãy thả ông ấy ra.
    - Con à, mày học cái thói đánh lại cha từ khi nào thế hả?
    - Ông ấy không xứng đáng là cha con, mẹ để con yên. Mai con sẽ đi, như anh chị của con. Đi và không bao giờ về nữa! Mẹ biết không? - Nó hét lên, hét lớn hơn cả cha nó. Mấy đứa nhỏ lại khóc ré lên. Mẹ nó gục mặt xuống bàn, khóc tức tưởi.
    Duy viết thư cho Như kể chuyện ở nhà. Như bảo lần sau những chuyện ấy Duy đừng kể nữa, Như quen rồi, ngày nào mà Như chả thấy. Như bảo nếu có kể, Duy kể về đồi thông đi, dạo này đứng từ đồi thông, Duy có thấy làng mình khác đi không?
    Duy chẳng thấy nó khác đi tí nào hết, vẫn thế, vẫn chừng trăm nóc nhà, vẫn một ngôi trường cấp một và một cái chợ. Chiều chiều khói vẫn tỏa trên những nóc nhà, quyện trong sương và trong những tán cây rừng. Rừng vẫn xanh, làng vẫn nghèo như thế. Không khác gì. Chỉ có vào một ngày...
     
     
     
    3.
    Bà Năm, nhà ở đầu làng, ngôi nhà rộn ràng người ra vào bỗng vắng như nhà từ đường ngay sau ngày anh Minh, con bà Năm chết.
    Anh Minh chết vì tai nạn giao thông! Tin này làm nhốn nháo cả làng. Ai cũng thương cảm rằng cái thằng đó hiền lành, chịu làm ăn, vợ đẹp con ngoan, sao lại chết trẻ? Chết oan? Ngàn đổ xuống như cây chuối trong bão, đứa con khát sữa ngằn ngặt khóc trong tay.
    Bà Năm có chồng là lính ngụy bị bắn chết năm 1974, lúc đó anh Minh con bà tròn hai tuổi. Bà sống bằng đủ thứ nghề, rồi lưu lạc về ngôi làng này đâu khoảng năm tám lăm, năm đó Duy được mười hay mười một tuổi, Duy nhớ không rõ lắm. 
    Khi anh Minh hai mươi lăm tuổi thì anh cưới vợ, vợ anh là Ngàn, là một trong những đứa bạn của Duy, năm ấy Ngàn cũng hăm ba. Ở cái làng heo hút này mà ở tuổi Ngàn thì cũng đã thuộc gái lỡ thì. Ngàn xinh, hiền lành nhưng chỉ có mỗi tội là Ngàn tuổi dần. Theo mấy thầy tướng số thì con gái tuổi dần có số "sát chồng", nên quen mấy người đều bị gia đình người ta phản đối, cho tới khi quen anh Minh. Bà Năm cũng phản đối dữ lắm, nhưng anh Minh yêu Ngàn và không tin vào những điều mê tín dị đoan nên anh quyết cưới. Ai ngờ vận đen lại vướng vào Ngàn, anh Minh có tật hay nhậu bù khú với bạn bè sau giờ làm việc, Ngàn khuyên can mãi mà không được. Rồi hôm ấy chỉ vì quá chén, anh chạy xe về nhà, qua đường mà không bật đèn ra hiệu, một chiếc xe chạy cùng chiều đâm sầm vào anh từ phía sau, anh chết ngay tại chỗ. 
    Đứa con mới được hai tháng tuổi, khóc ngằn ngặt đòi sữa, Ngàn rũ người bên quan tài chồng. Anh Minh chết, mẹ chồng đổ tội cho Ngàn, vì Ngàn tuổi dần.
    Nhưng có một điều sao không ai chịu hiểu là anh đã say xỉn khi lái xe và chạy sai luật giao thông? Ở cái làng này, luật giao thông là một thứ gi đó của chính phủ, của nhà nước chứ không liên quan đến họ. Cuộc đơi họ gần với những ông thầy tướng số hơn.
    Sau đám tang chưa tròn một tuần, Ngàn bị bà Năm đuổi thẳng về nhà mẹ ruột sống. Vì tội đã dám dụ dỗ và giết con trai bà, bà đã dùng tất cả những từ ngữ nặng nề để đay nghiến Ngàn.
    Ngàn không còn cách nào khác, mẹ ruột Ngàn cũng giận dữ trước những gì mà gia đình chồng của con gái bà đối xử tệ bạc với nó. Hơn ai hết, bà nghĩ rằng mẹ chồng Ngàn phải hiểu nỗi đau mất chồng lớn như thế nào, đàng này lại giáng thêm xuống con gái bà một nỗi đau, một nỗi nhục không gì bù đắp nổi.
    Bà Năm sống một mình, trơ trọi, bà làm bạn với rượu. Bà không còn bước ra khỏi nhà nữa. Bà bảo bà uống cho đến chết thì thôi, nhưng uống rượu dễ gì chết nhanh như thuốc độc được. Nên bà vẫn sống, sống dày vò và khổ sở trong sự cô đơn, những người xung quanh không ai dám đến gần bà.
    Rồi không lâu sau, Ngàn lại mặc thêm một lần áo tang nữa, áo tang cho mẹ chồng. Bà Năm chết cong queo dưới đất, xung quanh là chai rượu và ngổn ngang chén bát. Người ta phải mua gần hai mươi lít rượu để tắm cho chân tay bà duỗi thẳng ra.
    Rượu, lại rượu. Như hỏi Duy có khi nào mai đây Duy cũng là một người đàn ông nghiện rượu, lại đánh đập vợ con và sống hiến xác cho ma men? Duy nghe xót lòng, niềm tin của Như mất hẳn vào những người đàn ông, cho nên tuổi này Như vẫn sống như thế, không yêu ai cả, không dám tin tưởng trao cuộc đời mình cho ai.
    Có lần mẹ Như đã khuyên "con à, chuyện lập gia đình theo một quy luật tự nhiên, con không thể sống khác được, sự lựa chọn của con người chỉ có giới hạn, còn số phận mình do ông trời quyết định". Như không thể sống như mẹ, Như phải sống khác, những người đàn ông trong làng Như phải khác. Như hỏi Duy có cách nào đưa cái "văn hóa" trong chuyện uống rượu này về ngôi làng mình không? Để họ biết sống cho người khác, biết dừng lại đúng lúc và chừng mực trong bàn nhậu. Nhưng Duy biết bắt đầu từ đâu? Từ đâu hả Như?
    Duy nhớ ông nội quá, ông hiền lành, phúc hậu. Ông cũng rất thích uống rượu, ông uống không nhiều, mỗi chiều ông chỉ uống một ly nho nhỏ để ăn cơm cho ngon miệng. Hôm nào ông thèm, uống đến ly thứ ba là ông say. Khi ông say, ông ôm hết nhưng đứa cháu mà hôn, ông lấy kẹo cho ăn, thậm chí bạn của Duy hay em Duy tới chơi ông cũng nựng nịu như cháu ông vậy. Duy rất thích lúc ông say, nhưng ông bị huyết áp nên bác sĩ không cho uống nhiều nữa. Vì thế mỗi chiều ba chỉ cho uống một ly nhỏ thôi và dặn anh em Duy đừng để ông nội uống ly thứ hai. Nhưng thỉnh thoảng anh em Duy ham chơi, thế nào ông cũng rót ly thứ hai thứ ba. Rồi thế nào anh em Duy cũng nghe lại cái điệp khúc "cha à, con không tiếc một ly rượu nhưng bác sĩ không cho cha uống nhiều, cha uống một ly là vừa rồi đừng uống thêm nữa". Ông gật đâu, hiền lành, như biết lỗi...
    Rồi ông mất.
    Sau này cha Duy cũng vậy, chiều chiều là uống một ly nhỏ trước bữa ăn. Má hay ghẹo ba "mai mốt già như ông nội, thằng Duy chiều chiều cũng dặn con tụi nó canh chừng đừng để ông nội rót ly thứ hai, rồi nó nói y chang mấy câu anh nói với ông nội tụi nó". Ba lại cười, cái cười hiền lành của ông nội.
    Chiều chiều, Duy lên đồi thông, nhìn uống làng xem có gì mới không để kể cho Như nghe. "Cuộc sống ở đó vẫn tiếp diễn như mọi ngày. Như biết không, Duy thấy nhớ Như lắm, tuổi thơ bọn mình trôi qua ở đây, những ký ức còn lại là sự hãi hùng và nỗi đau thân xác. Đôi khi Duy lo sợ cho Như, liệu quê người có dung dưỡng cho Như không? Liệu sau khi không còn miềm tin vào ai Như có sống được với cộng đồng xung quanh không?
    Khi đến tuổi này, Duy mới nhận ra hình như trái tim của Duy đã gửi đi tận phương trời nào rồi? Hạnh phúc của Như, nỗi đau của Như lúc nào cũng làm tim Duy nhói lên một nỗi niềm khó tả. Duy làm gì đây, làm gì để đưa Như về gần hơn? trong khi trách nhiệm gia đình không cho phép Duy ra đi thì Như đã bỏ nơi này như chạy trốn. Chạy trốn một cuộc đời nghiệt ngã, Như ơi.

     
    4.
    Chiều nay, lúc đang thơ thẩn đi về phía đầu làng, Duy thấy nhiều người hớt hơ hớt hải chạy vào chạy ra nhà Tư Quắn. Duy dừng lại nghe ngóng và hỏi thăm thì người ta bảo ông Tư Quắn đã giết chết vợ ông rồi, đang nằm trong vũng máu trong nhà. Người đã đã gọi công an, còn ông đã bỏ trốn đâu đó.
    Một cảnh tượng hãi hùng đang hiện ra trước mắt Duy, bà Tư Quắn đang nằm trên vũng máu dưới sàn nhà, một chân nằm dưới đất, chân còn lại vắt trên giường. Gương mặt không còn nhận ra bà nữa, hai đường chém ngang mặt, một con mắt bị rơi ra ngoài, đầu bị chẻ ngang một đường giữa trán. Chứng tỏ ông Tư đã cố ý giết bà chứ không phải là những trận đòn trong lúc ông say như trước đây nữa. Trên bàn thờ, di ảnh đứa con gái nhìn xuống gia đình với ánh mắt thất thần, vô hồn, vô cảm. Nó nhìn mẹ một cách bình thản, có lẽ nó đã mong có ngày này lắm, để nổi đau mẹ không phải chịu dai dẳng nữa.
    Ông an xã đến, lập biên bản, chụp hình, vẽ vẽ gì xuống nền nhà rồi đi, yêu cầu người nhà mai táng nạn nhân. Hai đứa con trai, cháu nội còn bi bô và đứa con dâu chân đứng như chôn trước thi hài của mẹ.
    Ông Tư Quắn nổi tiếng là người sành nhậu ở làng, ông có thể ăn thịt cầy và đi săn bất cứ con thú nào trong rừng về nhậu. Nhưng trong làng không ai dám ngồi nhậu với ông. Vì ngồi chung, thế nào tới khi tàn cuộc thì cũng xuất hiện dao búa và đánh nhau. Vì thế, ông nhậu một mình hoặc sang các làng khác nhậu. Ông nhậu không nhiều, chừng một lần một tuần. Nhưng khi uống xong thì vợ con ông phải cuốn chiếu mềm mùng trốn ra rẫy ngủ. Ngủ lăn lết dưới đất, ngủ trong sương lạnh buốt. Nếu để ông nhìn thấy ai trong nhà thế nào ông cũng hành hạ dã man, ông bắt quỳ sắp hàng trước mặt ông và ông đánh. Ông tát trên mặt, đấm trên ngực hay đạp từ phía sau cho chúi nhụi. Không ai được khóc, nếu khóc ông sẽ cột dây vào chân và treo ngược lên xà nhà, hàng xóm không cứu kịp là chết.
    Thuý, con gái ông, năm mười sáu tuổi, nó cầm dao dọa sẽ giết ông nếu ông dám hành hạ mẹ con nó nữa. Ông đã tát nó bạt tai, chúi nhủi. Trong lúc ông sơ ý, nó chém đứt ngón tay út của ông. Rồi bỏ chạy. Nó chạy hoài chạy hoài, ba ngày sau, người ta phát hiện xác nó trong một cái giếng trong rẫy của ai đó ở cuối làng. Lúc đem cái xác trương phình của nó về, ông Tư đứng chết trân, ông nhìn nó rồi nhìn xuống ngón tay vừa bị chém đứt của mình.
    Bất giác, Duy nhớ đến Chí Phèo, Chí Phèo uống rựơu, nhưng suốt cuộc đời mình, hắn chỉ rạch mặt ăn vạ và chửi. Hắn giết Bá Kiến, vì Bá Kiến là tên đáng chết, là tên đẩy hắn vào con đường cùng. Ngoài ra hắn cũng yêu, có một tình yêu và không hại ai cả.
    Còn ở đây, Ông Tư Quắn lại hại chính người vợ ông và những đứa con do ông sinh ra. Hổ còn không ăn thịt con. Vậy ông là gì?
    Duy nhìn con người ấy một cách khinh bỉ. Những con ma của tuổi thơ Duy không đáng sợ bằng con người này. Như đã nói đúng "không có con ma nào mình không nhìn thấy mà đáng sợ cả".
    Những tưởng sau cái chết tức tưởi của con gái, ông tu tâm lại, ai ngờ ông còn độc ác hơn, tàn nhẫn hơn gấp bội lần. Vì ông bảo chúng đã dám chống lại ông, ông sẽ giết hết, giết chết sạch những đứa còn lại, để không đứa nào chống lại ông nữa
    Vợ và hai đứa con trai còn lại sống vất vơ vất vưởng ngoài đường, không ai dám đưa vào nhà mình trú ngụ. Nếu ông biết, ông đặt thuốc nổ ngoài cổng và hăm làm nổ tung cả làng.
    Năm thằng Hoà hai mươi tuổi, sau hai năm kể từ ngày con Thuý em nó chết, thằng Hoà có vợ. Nhưng nó không biết gia đình nó sẽ đi hỏi vợ cho nó bằng cách nào. Cha nó làm cái gia đình tan nát từ lâu rồi. Đó là địa ngục của nó chứ không phải gia đình.
    Thằng Hiệp, em trai út bỏ học, tụ tập chơi với bạn bè hư. Mà dù bạn bè nó có hư hay quậy phá thì không bằng một góc sự tàn nhẫn của cha nó kia mà. Rồi một hôm, cha nó lè nhè đi về, lớn tiếng trước cổng nhà. thì có chừng sáu, bảy đứa choai choai tay cầm gậy đứng trước cửa nhà và đánh ông tới tấp. Ông nhìn thấy chẳng đứa nào quen, chúng đánh gãy hai chân ông và doạ, nếu còn đánh ai nữa, dù là người trong gia đình ông sẽ bị chúng giết chết
    Đám hỏi vợ cho thằng Hoà, mỗi mình má nó đại diện, vì ba nó không đi lại được. Đó là lý do tốt nhất để ba nó không có mặt mà không ai trách cứ gì. Vì nó sợ, khi tiệc hỏi do nhà gái đãi chưa tàn cha nó lại tay dao tay búa làm nhốn nháo cả dòng họ người ta. Mất mặt nó, mà có thể nó mất luôn vợ, cô gái rất ngoan hiền mà nó muốn hi sinh cả cuộc đời mình vì cô ấy. Mình sẽ không bao giờ sống như cha. Em sẽ hiểu khi về làm vợ mình. Còn bây giờ nó rất lo, nếu người ta biết được cha nó như thế nào, họ sẽ từ hôn ngay, vì quan niệm "cha nào con nấy".
    Hai mẹ con lén cha nó bán một mẫu rẫy cà phê trong làng. Nó ra mua lại một mẫu rẫy khác ở tận Gia Lai. Mẹ nó bán cà phê thu được mùa trước, cho nó cất nhà.
    Đám cưới xong, hai vợ chồng ra riêng, ra tận Gia Lai ở nhà mới, đi như chạy trốn, không giám nói với ông tiếng nào.
    Cơn cuồng nộ của ông càng dâng cao khi tất cả các thành viên trong gia đình đều làm việc sau lưng ông. Ông giải quyết sự cuồng nộ ấy bằng những trận đòn chí tử trên cơ thể vợ ông.
    Buộc thằng con trai út của ông phải nhờ đến bạn đánh cho ông gãy chân lần nữa. Gia đình ông luôn luôn hành xử theo luật rừng, không tình nghĩa, không đạo lý, người nào mạnh người ấy thắng không kể cha con.
    Đến khi ông gãy chân lần thứ tư thì ông phát hiện ra những việc làm đó là của thằng con trai út ông. Việc đó đã đưa đến kết quả ngày hôm nay, người vợ xấu số của ông đã chết dưới tay ông. Vì như lời ông là "chúng" dám chống lại ông.
    Thằng con út quỳ sụp xuống thi thể mẹ "phải chi hồi ấy con đánh ông ấy bể đầu thì đâu có cơ sự này, con chỉ nghĩ là gãy chân thôi cũng làm ông ấy sợ rồi, mẹ ơi ".
    Đám tang bà tư Quắn, đám bạn thằng út ở đâu kéo về chừng hai chục đứa, đứng gác quanh nhà để canh chừng ông có thể quay về. Trong cơn giận hừng hực của bọn chúng, ông Tư quay về lúc này ông sẽ không còn đường sống. Vài anh công an xã sẽ không làm bọn trẻ này nao núng, nhất là những anh công an chờ có tiền lót tay mới làm việc.
    Duy lại viết thư kể cho Như nghe, dù đã cố gắng lắm, muốn kể cho Như những chuyện vui, những chuyện không liên quan gì đến rượu, nhưng ngôi làng nhỏ này, những chuyện tốt đẹp thì có ai biết đâu, những tấm gương sáng là những người siêng năng cần mẫn sáng vác cuốc ra đồng, chiều vác về. Những chuyện tày trời như thế mới làm xôn xao, nó làm Duy bức bối, và muốn Như nghe. Dù Duy biết, khi kể những chuyện này, Như sẽ sợ hãi chính quê hương mình, Như sẽ xa Duy nhiều hơn.
    Tính đúng vào cái hôm đám tang bà Tư Quắn thì Duy tròn hai bảy. Nghĩa là Như xa nhà chín năm. Một tuần sau đó, Duy nhận được thư Như và lời chúc mừng sinh nhật. Cộng thêm một tin làm Duy ngỡ ngàng rằng Như có người yêu.

     
    5.
    Tất nhiên việc Như có người yêu không có gì lạ với Duy cả, Như có phải là trẻ con đâu, cũng sắp hai bảy rồi. Như sống ở thành phố, đông đúc, ồn ào. Không lẽ trong những ồn ào đó, chín năm trời Như không tìm ra một bờ vai cho riêng mình? Trước đây, Duy luôn nghĩ rằng niềm tin của Như vào đàn ông ít lắm, Như mạnh mẽ, nên sẽ không tìm một nơi nào để tựa vào. Nhưng Duy chưa kịp hiểu rằng, sống ở xứ người, dẫu niềm tin có cạn kiệt vào lòng người dành cho nhau, Như buộc mình phải bám víu, phải tin vào một điều gì đó, một ai đó để tìm sức lực mà đứng lên sau những mệt mỏi tưởng chừng có thể buông xuôi. Những dòng thư của Duy không đủ cho Như bám vào, chính những dòng thư đó cũng chưa cho Như trọn vẹn niềm tin vào những gì tốt đẹp ở ngày mai.
    Nên Như bảo, nếu lỡ yêu Như rôi, Duy hãy quên đi, quên những gì tốt đẹp thì nhẹ nhàng lắm, nó không như những con ma và những trận đòn đã khắc sâu một thời thơ ấu. Nên đừng chờ đợi Như, con đường Như đi không thể nào dẫm lên dấu chân của mẹ, dẫm lên những rẫy cà phê của ngôi làng mà Duy đã dính chặt vào nó, dẫu Như rất tin rằng Duy là người đàn ông tốt, mẫu mực, không giống cha Như.
    Như cũng tuổi dần, nếu về ngôi làng này, số phận Như sẽ như Ngàn, sẽ bị gán cho những điều độc ác nghiệt ngã. Nào ai biết trước được những rủi may của cuộc sống?
    Duy hiểu, những người đàn bà ở ngôi làng này, tất cả đều tin vào lời một ông thầy tướng số. Cất nhà xem thầy, cưới gả xem thầy, thậm chí cất cái ... chuồng heo cũng xem thầy. Mẹ Duy cũng không phải ngoại lệ. Nên cái tuổi dần của Như sẽ bị ông thầy ấy cản không cho bước chân về nhà Duy, giống ngày xưa ông ấy đã cản Ngàn về làm dâu bà Năm.
    Như nói ở thành phố, người ta sống thực tế và hiện đại hơn, cưới gả gì cũng không xem thầy nữa, người ta chỉ xem vào cuốn lịch ngày ấy có phải hẹn đối tác nào không? chỉ thế thôi. Nên những nhà hàng tiệc cưới thường rình rang vào chiều thứ bảy và chủ nhật, chỉ có những ngày ấy khách mới rảnh rang mà đi dự tiệc. Không như ở quê mình, đi xem thầy, thầy bảo hai cái tuổi ấy phải rước dâu lúc năm giờ sáng, vậy cũng cố mà nghe theo, đánh thức họ hàng dậy từ nửa đêm. Như cười, chẳng biết như vậy để làm gì, những cái đám cưới như thế rồi về sống cùng nhau cũng đánh nhau ầm ầm, trong nhà hục hặc chuyện mẹ chồng con dâu, êm đẹp gì đâu! Duy cũng biết, Duy chứng kiến nhiều lắm, thấy rồi chỉ lắc đầu, rõ là những trò ngớ ngẩn. Cái ông thầy tướng số ấy quả là có sức mạnh ghê gớm khi "phán" và sai khiến biết bao nhiêu con người đang hộc tốc làm theo ý mình. Biết đâu vào cái giờ mà hàng chục người thức dậy để làm cái việc ông cho là tốt, thì chính ông, ông lại trằn trọc suy nghĩ không biết thức dậy, ngày mai đời mình sẽ ra sao?
    Cũng vì thế mà Như chọn người đàn ông này, người ấy tên Quân. Là một trưởng phong trong công ty Như làm việc, không đẹp trai hào hao phong nhã, nhưng nhiệt tinh và hoà đồng với xung quanh, sống được lòng mọi người. Như yêu Quân vì những thứ đơn giản ấy, vì cảm thấy anh rất đáng tin.
    Còn Quân yêu Như ở điểm nào? Như bảo Quân yêu Như vì Như là người lạnh lùng và bất cần, lúc nào cũng tỏ ra như thế, nên anh quyết chinh phục. Và đó là tình yêu của anh.
    Duy ngẩn người, hóa ra tình yêu của họ cũng giản đơn như thế, chông chênh như thế!
    Tết năm ấy, sau chín cái tết xa quê, Như về làng, có cả Quân.
    Không có gì thay đổi nơi ngôi làng này, em Như đã xa nhà gần hết, mẹ Như già đến héo hắt, cha vẫn không bỏ được rượu. Ông đã nghiện từ lâu rồi, chỉ có điều sức ông không còn đi đây đi đó bù khú nữa mà uống ngay tại nhà, ông khát là ông uống rượu, uống như người ta uống nước, nên chẳng khi nào tỉnh.
    Khi Như và Quân vào nhà thì gặp cha Như ngay cửa, ông lè nhè nhìn Quân:
    - Bọn mày là đứa nào? Vào đây làm gì?
    - Ba, đây là anh Quân, bạn trai con!
    - Bạn trai à? Mày bỏ nhà đi theo trai giờ vác cái mặt về nhà à? Thằng kia, mày làm gì con gái tao rồi hả?
    - Từ xưa giờ con có là con gái ba đâu mà giờ ba nói với anh ấy như vậy?
    Dù mẹ Như có ra can ngăn, ông cũng chẳng tiếc lời mắng nhiếc. Như mặc kệ và kéo Quân vào nhà. Bảo Quân coi như không có ông. Nhưng làm sao Quân mặc kệ được, khi nhìn thấy tất cả những gì xảy ra quanh Như.
    Ở nhà Như được ba hôm thì Quân xin phép về thành phố trước, Quân không thể ở lại khi vì anh mà chén bát trong nhà liên tục vỡ tan tành, anh không chịu nổi những lời mắng nhiếc của ba Như, anh chưa bao giờ phải sống và nghe những lời như thế. Anh bảo Như vào thành phố rồi mình gặp lại nhau, mình tính cách khác.
    Cách khác của Quân chỉ là một tin nhắn, nhắn chỉ sau đó hai hôm, khi Như chưa kịp vào lại thành phố cùng anh. "Anh nghĩ chúng ta khó mà hòa hợp nhau khi gia đình em và gia đình anh quá khác biệt".
    Như cười trừ, không nhắn lại. Rồi hỏi Duy "thế này thì Duy bảo Như tin được ai, tin vào cái gì?"
    Chiều mồng năm tết. Duy đưa Như lên đồi thông đầu làng.
    - Duy biết không? Như thèm ngửi mùi lá thông, thèm được nằm trên lớp lá thông êm và sạch thế này. Như thèm tất cả những gì thuộc về ngôi làng này, từ khí hậu, đến mùi khói chiều, đến sương sớm, thèm tất cả, chỉ trừ gia đình. Mà không! Trong gia đình, Như cũng yêu hết mọi người, chỉ trừ ba Như thôi. Như không biết có bao giờ Như tha thứ nổi cho ông không?
    Duy nắm lấy bàn tay Như, bàn tay nay ngày xưa đã kéo Duy chạy khỏi lũ bạn làm ma nhát Duy, bàn tay ngày xưa từng níu áo Duy đi chậm lại để lâu đến nhà. Nó gần lắm, thân lắm. Như để yên bàn tay trong tay Duy, giữ chút hơi ấm cho nhau trong một chiều sương lạnh. Cái nắm tay như sẻ chia, là sự thông hiểu. Duy biết mình không nên nói gì cả, lời nói của Duy sẽ trở thành vô nghĩa nếu chỉ là những lời khuyên sáo rỗng. Rồi Như khóc.
    - Cứ tưởng anh Quân là người mình tin được, lúc mới quen, anh ấy vưng chải lắm, tưởng không gì làm ảnh đổ cả. Vậy mà, đứng trước nổi đau của gia đình Như, anh ấy phủi hết những kỷ niệm đẹp của hai đứa. Có lẽ anh ấy xem thường gia đình Như lắm, Duy ạ! Ở thành phố chẳng có gia đình nào như thế cả!
    Rõ ràng Duy thấy tình yêu của Quân dành cho Như ít quá, ích kỷ và nhỏ nhen quá, chỉ một chút thôi mà không chiến thắng được cái tôi, cái tự kiẹu trong lòng mình. Đáng lý anh phải biết chia sẻ và cảm thông cho Như, anh phải biết trong cái vẻ bất cần đời của Như kia là sự cô đơn khủng khiếp, là cái vỏ bọc xù xì đang chứa một trái tim yếu đuối, sao anh chỉ hiểu quá giản đơn, anh tưởng Như quá đủ đầy nên bất cần đời hay sao? Nông cạn quá Quân ơi!
    Như tựa đầu lên vai Duy, tựa một cách tự nhiên và bình yên. Như cũng đang tìm nơi để bấu víu, sau nhưng mệt mỏi tìm kiếm của đời mình. Ở cái tuổi lỡ thì con gái, Như thấy mình quá chênh chao.
    Duy choàng tay qua vai Như, để kéo Như về gần hơn nữa, để Như khóc, khóc sau chín năm xa nhau, sau chín năm chạy trốn, sau chín năm hi vọng nhưng không có sự đổi thay. Duy vẫn đang cố gắng làm cho Như tin rằng cuộc sống còn nhiều lắm những người đáng tin cậy. Duy muốn làm điểm tựa cho Như suốt cuộc đời này.
    Nhưng có phải cuộc sống lúc nào muốn cũng được đâu, Duy muốn nhưng Như không muốn, vì lúc nào Như cũng muốn thoát khỏi cái làng nhỏ bé này. Dẫu khi xa, Như nhớ mùi khói chiều, mùi sương sớm, mùi lá thông... Vì khi sống, Như buộc phải đối mặt với những nổi đau của mẹ, như không còn đủ can đảm để nhìn mẹ héo hắt từng ngày trôi qua như thế nữa.
    Rồi Như đi. Cầu nối giữa hai người chỉ là những bức thư, kể về những chuyện xảy ra trong làng. Duy như một ký giả, viết hết lại những gì xung quanh, để gửi cho Như.
    Ba tháng sau kể từ ngày Như đi thì thằng Ninh, em trai Như bị bắt. Vì tội giết người. Cùng bị bắt với nó có thằng Hiệp con ông Tư Quắn và mấy đứa khác nữa.

     
    6.
    Thằng Ninh đi bụi ngay sau cái hôm nó trói cha nó rồi quăng lên giường, không mở trói cho đến hết đêm. Nó không biết rằng sáng hôm sau, khi nó đi rồi, mẹ nó vừa khóc vừa cởi trói cho cha, thì cha nó đã đánh mẹ nó ngã chúi nhụi với lời mắng nhiếc là bà đã dạy con thế đó hả? dạy thế hay sao? sao không dạy nó giết tôi đi?
    Nó đi với thằng Hiệp con ông Tư Quắn, chính nó đã tham gia vào vụ mấy lần đánh ông Tư Quắn gãy chân. Nó cũng tính, lúc nào thấy cần thiết, nó cũng làm thế đối với cha mình. Nhưng nghĩ, dù sao ông cũng chưa ác bằng cha thằng Hiệp. Nên thôi.
    Như biết tính thằng Ninh, nó là đứa không giống hai người anh, không cam chịu, nó phản kháng bằng cách rất cực đoan. Mới học lớp tám đã bỏ, không chịu đến trường nữa, nhà trường gửi giấy mời phụ huynh nó xé bỏ ngay trước mặt thầy hiệu trưởng, thầy đã tát cho nó bạt tai. Nó hầm hầm chỉ vào mặt thầy "thầy ra đường nhớ ngó trước ngó sau!" rồi bỏ đi, nghe sau lưng vọng theo "đồ mất dạy", nó nhếch mép cười, có ai dạy tôi đâu mà mất!
    Nó sống ngoài thị trấn cùng với nhóm bạn bụi đời, đêm đêm đam mã tấu, dao găm, dao bấm múa sáng loáng đường quốc lộ làm kinh hãi người đi đường. Buồn buồn thì ...chém ai đó chơi, nhìn thấy ai đi đường có cái mặt nghênh nghênh tỏ ra không sợ ai thì tụi nó chém cho vài nhát. Quốc lộ dần dân trở thành con đường dành cho xe ô tô đi qua, không một ai dám ra đường vào ban đêm, học sinh cũng không dám đi học thêm nữa. Ban đêm, thị trấn chịu sự "thống trị" hoàn toàn của bọn cướp nhí này. Công an ở thị trấn chẳng làm được gì bọn chúng. Mà chẳng riêng gì công an thị trấn, cả cái huyện này, chẳng có anh công an nào làm việc đúng chức trách của mình cả, dân kêu cứu bằng điện thoại thì không nghe, chờ dân lên tận nơi, trao phong bì tận tay mới gật đầu làm vài việc lấy lệ thôi. Vì vậy nên giang hồ mới lộng hành.
    Hàng tháng, thuế vụ đến thu thuế, Duy bực bội hỏi thuế mấy anh dùng để làm gì? chúng tôi nuôi các anh mà đến một nhóm nhóc con như thế lộng hành ngoài phố các anh cũng chịu thua, cũng chẳng màng ngó tới? Nói xong thì thấy cũng chẳng được gì, nói cho đỡ tức, vậy thôi. Mẹ Duy la, sao nói năng lung tung lần sau tụi nó lại làm khó dễ chuyện buôn bán của mình.
    Từ ngày nhà Duy thuê một căn nhà ngoài thị trấn để buôn bán, ba Duy không còn nấu rượu nữa, chuyển sang trồng cây kiểng và mua bán chậu hoa, hình như ba già rồi, cái lam lũ tất bật của ngày xưa dần dần mất đi, thay vào đó là sự thư thái của tuổi già, khi mà mức sống được cải thiện dần, thì điều đó tốt hơn cho những người nông dân như ở quê Duy.
    Có lần Duy gặp thằng Ninh, bảo chị Như hỏi thăm em, nó ngồi thật lâu, rồi sực nhớ điều gì, nó bảo "anh nói với chỉ là nếu chỉ có lấy chồng, em cho tiên mướn một ông già nao đó làm cha đứng ra làm lễ cho chỉ, đừng để cha em đứng trước hai họ làm việc đó, nhục lắm, chắc gì ổng nói ra câu nào cho có ngô có khoai". Cặp mắt thằng Ninh lúc đó trừng trừng sự căm hận, sự già đời trong một con người háo thắng bùng dậy dữ dội.
    Lúc ấy, Duy không dám nói câu này cho Như nghe, nên Như mới đưa Quân về nhà, nên Như mới khóc trên vai Duy chiều hôm ấy. Những giọt nước mắt còn nóng hổi trên vai Duy.
    Trong máu của cha Như có con "ma men" thống trị, nên chuyện phải thay đổi và làm lại cuộc đời như nhiều người khác là điều rất khó làm. Như biết điều đó, nhưng Như cố gắng hi vọng, vi dẫu sao, một lễ cưới vẫn cần có đủ cha lẫn mẹ.
    Thằng Ninh thì bất cần, bạn bè có thân hơn gia đình, đường phố là nhà. Nó không cần ai torng gia đình ấy, nhưng ai cần đến nó, nó sẽ làm hết mình. Nó sòng phẳng một cách lạnh lùng. Cũng đúng thôi, gần hai mươi năm tuổi thơ của nó, có ngày nào nó được dạy là phải sống yêu thương? Sách vở trên trường không vào được đầu nó, vì tình cha con, tình vợ chồng, cha nó đã thể hiện bằng đòn roi.
    Vào cái đêm ông tư Quắn, cha thằng Hiệp về nha, ông lén lút chui từ cửa sau. Tụi nó đang nhậu trong nhà, ngôi nhà ấy bây giờ là của bọn nó, là chỗ ngủ qua đêm của băng nhóm này. Ông Tư tìm lục cơm nguội dưới bếp, không may bị rơi cái nắp nồi. Tụi nó xuống xem, ông vội vàng bỏ chạy, tụi nó rượt theo nhưng trời tối mà đứa nào cũng ngà ngà say nên chỉ rượt một đoạn rôi nó quay về, ngôi nhậu tiếp.
    Đến khi không con rượu và mồi nữa chúng kéo nhau ra thị trấn "làm ăn", cuộc sống của chúng, giang sơn của chúng là ở đó. Hôm ấy, tụi nó a thì gặp một nhóm thanh niên chừng 5, 7 đứa chạy xe máy rê rề ngoài đường, có lẽ tụi này từ nơi khác đến nên không biết ở đây có một băng cướp nhí thường ra tay rất dã man. Tụi thằng Ninh ao ra gây sự, mấy đứa kia thất thế, bỏ chạy, nhưng có 3 đứa không thoát được, đã bị tụi nó chém cho tới chết. Bỏ xác ba nạn nhân nằm đó chúng lấy xe và tất cả tư rang đem đi tìm chỗ nhậu tiếp.
    Ngay đêm hôm sau, khi chúng chuẩn bị "xuất quân" thì công an tỉnh đã mai phục trước, bắt gọn nguyên nhóm.
    Nếu công an huyện và công an thị trấn có trách nhiệm thì tụi nó đã bị bắt ngay hôm gây án chứ không đợi đến hôm sau, vi tụi nó đâu có trốn, vẫn nhởn nhơ ngoài đường phố thế thôi. Nghe đâu sau đó, một số công an cấp huyện trở xuống bị cách chức. Xóm làng như mở cờ, vui như hội. Chỉ có mẹ Như là héo hắt thêm.
    Người ta nói tội của thằng Ninh nhẹ cũng 20 năm vì đó là tội giết người cướp của. Cũng may nó không phải là chủ mưu, chủ mưu như thằng Hiệp sẽ lãnh án tử hình.
    Giá như bọn chúng có những ngươi cha tốt, những người cha không uống rượu, không vũ phu, lo làm ăn thì chúng đã không hận đời, không chém những nháat dao lạnh lùng vào người khác. Chính cha chúng đã đánh, giết những người trong gia đình không thương tiếc, kể gì người dưng, vài người dưng chết dưới tay bọn nó thì có sao đâu?
    Chính bọn nó đã nói như hế tong phiên xử, nói tước tòa. Thằng Hiệp nói nếu ngày xưa, mấy lần cha nó đánh mẹ nó, mấy chú công an chịu đến cứu thi nó đs4 bình an, nó không phải khổ sở nghĩ cách tự cứu mình rồi gây ra thảm họa như bây giờ. Các anh công an xung quanh đứng im lặng, dửng dưng, ừ, ngày xưa, nó có gọi cho mình đâu.
    Duy đứng phía sau, nhin thằng Ninh nhỏ thó đứng trước vành móng ngựa, mà lòng đau như cắt, cũng may Như không về, Như không thấy cảnh này, gia đình Như cũng không ai đến. Mẹ Như đã lên cơn sốt từ tối hôm qua, đến sáng nay vẫn không nhấc đầu lên nổi. Bà đang gọi mấy đứa nhỏ đưa mẹ lên tòa, mẹ muốn gặp thăng Ninh, mẹ muốn gặp nó coi nó có bị người ta đánh nhiều không? Ninh ơi!...
    Thằng Hiệp bị án tử hình, thằng Ninh án chung thân, án tuyên nặng nề, dưới hàng ghế phía sau có những tiếng thở phào xen lẫn tiếng khóc. Thằng Hiệp không biết ngay sau hôm nó bị bắt, cha nó trở vê, sống đàng hoàng trong ngôi nhà ấy, mà không thấy anh công an nào đến trói bắt ông đi.


    7.
    Dù ông Tư Quắn không bị pháp luật trừng trị, thì những bóng ma của vợ ông, của các con ông cứ lẩn quẩn mãi. Đâu chừng nửa tháng kể từ ngày thằng Hiệp bị tuyên án tử hình, ông cũng kết thúc đời mình bằng chai thuốc diệt cỏ.
    Cha Như cũng bừng tỉnh sau mấy mươi năm, ông chặt phăng hai ngón tay thề sẽ cai rượu.
    Như hỏi Duy có thể tin điều này được không?
    Cuộc sống vẫn tiếp diễn nơi ngôi làng nhỏ ven đồi ấy, vẫn có những người phụ nữ chịu thương chịu khó, vẫn có những người đàn ông biết yêu thương vợ con, cũng có những người đã, đang và sẽ bị "ma men" dẫn lối đi về. Đó là cuộc sống, Như à, ai trở về thì hãy đón nhận, cho người khác một cơ hội nghĩa là cho mình một cơ hội.
    Như hiểu, Như vẫn thèm được nằm trên lá thông, thèm đươc ngửi mùi khói làng. Và cũng nhớ lắm bờ vai vững chải của người đàn ông đang chờ đợi Như nơi ngôi làng này.
     

    TPHCM, Tháng 4/2008

    Nguyễn Anh Đào
     
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.05.2008 16:46:55 bởi Ct.Ly >
    #2
      nguyenanhdao 06.05.2008 22:11:57 (permalink)
       
      Nhận điện thoại của mẹ “con dốc nhà mình đã tráng nhựa xanh”, tôi mừng khấp khởi, em tôi sẽ không còn xắn quần, cột hai tà áo dài lên hông để đến lớp, không còn ai trong gia đình tôi phải lội bì bõm dưới sình đỏ sau mưa, ba sẽ không còn hì hục kê từng viên đá theo mỗi bước chân của chị em tôi, mẹ không còn phải mang hàng ra tận đường lớn để giao cho khách...
      ***
      Nhà tôi nằm trên đường quốc lộ, cách trung tâm thị trấn chừng 1km. Vào nhà phải xuống một cái dốc chừng trăm thước, nó là một cái dốc cao. Đứng từ mặt đường nhìn xuống nhà tôi như đường triền đi xuống suối. Dốc cao, nên trời mưa thì trơn trợt và cũng lắm sình lầy ở cuối dốc.
      Nhưng đó là nơi tuổi thơ tôi đã đi qua, nơi cùng lũ bạn trong xóm chơi trò ú tim, rượt bắt. Nơi chị em tôi hái lá dâm bụt làm tiền, hái hoa dã quỳ chơi trò cô dâu chú rể... Tuổi thơ đi qua mộc mạc và thân thương. Tôi không biết rằng mẹ than vắn thở dài mỗi khi mưa xuống, phải bám từng chân vào những viên đá ba đã kê mà mang hàng ra tận đường lớn để bán cho khách. Các ngón chân ba bám vào từng viên đá, có khi trầy xước và bật máu để cõng chị em tôi đến trường.
      Ngày ấy, nhà tôi nấu rượu ngon nhất huyện, ba mẹ tôi làm quần quật sớm khuya mà vẫn không đủ rượu để bán. Chiều chiều, Ông tôi cùng vài ông già trong xóm ngồi đánh cờ trên chiếc bàn con con dưới gốc me già trước ngõ, mỗi người uống một ly rượu nhỏ cho ấm bụng trước lúc ra về. Thành một thói quen, chiều nào tôi cũng làm cho ông một đĩa gì đó để ông làm mồi uống rượu, khi thì đĩa lòng xào, khi thì đĩa gỏi... Tàn ván cờ, thì món ăn ấy được cẩn thận bọc vào túi của Ông Năm.
      ***
      Ông Năm ở xóm trên, không con cái, không vườn rẫy, trước sống bằng đủ thứ nghề. Sau này già, ông đi ăn xin. Ông đi nhiều, mỗi ngày hàng chục cây số, ai cho gì lấy nấy, ăn uống qua ngày qua bữa. Và chiều nào cũng vậy, đến giờ là về gốc me già với bàn cờ con con ấy, cùng mọi người hớp ngụm rượu, cùng chơi cờ. Mà mắt ông lúc ấy sáng, gương mặt ông tinh thông kỳ lạ. Ông bảo “nhờ rượu mẹ mày nấu”. Tôi không tin, tôi chỉ cười, vì tôi nếm thử rồi, rượu cay xè, ngon lành gì?!. Rồi một chiều nọ, ông dắt về trước gốc me một người đàn bà mù, già quắt queo và khổ sở. Ông xua tay xóa đi thắc mắc của mọi người: “như tui!”. Bằng hai tiếng gọn lỏn như thế, không ai hỏi thêm điều gì nữa, tuổi già cô đơn thì có một người bạn để tâm tình sớm hôm thì quý lắm rồi. Đằng này, ông còn được nắm tay bà đi khắp nơi, được chăm sóc cho bà từng miếng ăn giấc ngủ. Còn gì vui hơn nữa cho tuổi già của mình. 
      Ông Năm thường vắng mặt trong những ván cờ trong những ngày sau đó, ông còn nhiều điều cần lo lắng, và có thể khi nói chuyện với người đàn bà mù ấy vui hơn ngồi đánh cờ với các ông bạn già của mình. Hoặc ăn cùng bà sẽ đậm đà hơn ly rượu mẹ tôi nấu.
      Ông nội tôi nhìn di ảnh trên bàn thờ bà thở dài. Tuổi già héo hắt trôi qua. Dù có con có cháu, nhưng có phải lúc nào ông cũng có thể trò chuyện với chúng tôi như khi còn có bà đâu.
      ***
      Tôi học cấp 3, Ông bị tai biến mạch máu não, không được uống rượu, nhưng ông thèm, ông khóc “còn mấy ngày nữa tao xuống đất nằm, có ly rượu bây cũng tiếc!”, ông hờn mấy ngày, không thèm ăn. Ba bỏ nghề, sang lò rượu lại cho dì. Chiều chiều ông ngồi buồn nhìn ra con dốc, chênh vênh!
      Hoa dã quỳ vẫn vàng, dâm bụt vẫn đỏ như những chiếc đèn lồng. Các em tôi hàng ngày vẫn đến trường qua con dốc thân quen. Và ông đã ra đi... Do căn bệnh tai biến mạch máu não, khi ông ở nhà một mình. Ông đã trượt chân khi bước lên thềm nhà, không ai nhìn thấy ông ngã, không ai đỡ ông dậy, không ai nghe được tiếng ông gọi...
      Đám tang Ông, trời mưa tầm tã. Nhưng người ta vẫn nối thành hai hàng dài từ dưới gốc me già. Có mười người khiêng quan tài của ông đi lên con dốc. Hai mươi bàn chân thanh niên khỏe mạnh nhất bám vào từng thớ đất trơn, một người trợt chân! Người thứ hai trượt theo, người thứ ba, người thứ tư... Quan tài đổ nghiêng về một phía. Ba quỳ xuống khóc “Cha ơi, đường đi sao gập ghềnh và khó khăn quá!”. Nhưng kỳ lạ, quan tài không rơi, hai mươi bàn chân sau vài giây bôi rối rồi lại bước đều nhau, đưa ông ra khỏi con dốc. Con đường quốc lộ dài và trắng xóa trong mưa. Hai hàng người vẫn lặng lẽ đi... Chỉ có ông Năm, ông không đủ sức đi đến nơi, ông quỳ gục xuống giữa đường, người ta phải đưa ông về. Tôi nhìn mọi người, không biết ai đang khổ đau nữa? Vì đều bết bùn đất và nước mưa, môi thâm tím vì lạnh. Và tôi hiểu, “nghĩa tử là nghĩa tận”, bấy nhiêu cũng đủ biết rằng người ta đã quý Ông như thế nào.
      Tôi nhìn lên bàn thờ ông, cái ước mơ giản dị “ông được nhìn thấy đứa cháu nội lớn nhất của mình lập gia đình” đã không còn nữa. Ông đã ra đi sớm quá, khi tôi chưa học xong cấp ba.
      ***
       
      Tôi xa nhà, vào Sài Gòn học đại học, là một trong những người đầu tiên ở thị trấn nhỏ bé này đậu đại học. Ba tôi mừng đến nổi không thể làm được bất cứ việc gì trong ba ngày. Nếu tôi là con bé ba tuổi của ngày xưa, có lẽ ông đã công kênh tôi đi khắp xóm làng mà hết toáng lên “con gái tôi tuyệt nhất!”.
      Tôi đi, ba đứng nhìn theo, lần đầu tiên tôi nhận ra dáng ba giống Nội tôi quá đỗi, vẫn cái nhìn thăm thẳm từ cuối con dốc chênh vênh.
      ***
      Tôi ra trường rồi đi làm, nhà tôi thêm một đứa đi xa, nhà vắng thêm một người mà con đường vẫn thế. Các em tôi đã lớn dần lên, nghĩa là chúng cũng sẽ đi xa như tôi, đi dần dần, từng đứa! Rồi ánh mắt ba mẹ tôi dõi theo từ gốc me già ở cuối con dốc chênh vênh, dõi theo từng bước chân của các con mình. Rồi năm chị em tôi, đứa nào sẽ về lại thị trấn này? Đứa nào về lại ngôi nhà thân thương cuối con dốc ấy, để rồi có một gia đình, có tiếng cười của trẻ thơ. Để lại nhìn một thế hệ mới nữa chơi trò ú tim, đuổi bắt, làm cô dâu bằng hoa dã quỳ, lấy lá dâm bụt làm tiền mua cơm?
      Chia tay mối tình lãng mạn và trong trẻo thời sinh viên sau ba năm gắn bó, về nhà thăm mẹ. Cái bàn nhỏ dưới gốc me già ba đã dẹp đi, ngõ nhà trống quá, tôi ngạc nhiên hỏi mẹ. Mẹ bảo Ông Năm cũng đã đi với nội tôi. Trời thương nên ông đi rất nhẹ nhàng. Người ta phát hiện ra ông ngủ đã quá mười hai giờ trưa mà chưa dậy. Ông không bao giờ dậy nữa. Nhẹ nhàng và thanh thản. Hàng xóm đã quyên góp tiền làm đám tang cho ông. Ngôi nhà ông giờ lạnh lẽo, không người nhang khói. Hàng ngày, những người hàng xóm qua mở cửa, thắp nén hương cho ông đỡ buồn lòng. Nhưng không biết ông sẽ được ấm áp đến bao giờ?
      Mẹ kể. Từ ngày nội tôi mất, Ông Năm trở lại ngồi vào chiếc ghế dưới gốc me già trước ngõ, vẫn một ly rượu nhỏ, một đĩa thức ăn và bàn cờ. Có hôm những ông bạn già không đến, ông chơi cờ và uống rượu một mình, nói chuyện một mình... Người đàn bà mù năm ấy cũng đã qua đời sau khi về với ông chừng ba năm. Ông cũng yếu đi thấy rõ, mỗi ngày ông không còn đi được nhiều nữa, có hôm ông ngồi chơi cờ từ trưa, ánh mắt như vô hồn mà như nhìn tận sâu vào thế giới của cõi âm u nào đó. Có hôm, bé Út tôi nhìn thấy ông chơi cờ mà không dám ra gần ông, nó đứng núp sau cánh cửa nhìn gương mặt kỳ lạ của ông.
      ***
      Đêm, tôi nằm úp mặt vào ngực mẹ, nơi chị em tôi đã vắt đến kiệt cùng để lớn lên, chợt nhận ra nó đã héo hắt theo thời gian. Tự dưng tôi muốn khóc! Tôi muốn kể cho mẹ nghe hàng trăm chuyện trên đời, muốn mẹ biết rằng tôi cũng héo hắt nhớ thương nơi con dốc có gốc me già, có mái nhà nhỏ rộn ràng tiếng yêu thương, muốn kể mẹ nghe sau ba năm với mối tình đầu, tôi đã biết cuộc sống không quá giản đơn và chính bản thân mình cũng thay đổi đi nhiều quá. Nhưng đuôi mắt mẹ hằn vết chân chim, nụ cười không còn trong và sáng như ngày trước nữa. Tôi không dám làm mẹ khóc, dù tôi biết rằng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc khi thấy con mình đã lớn.
      ***
      Đi làm ba năm, công việc và công việc, những thuận lợi liên tiếp khiến tôi không có thời gian để nghĩ rằng mình đang cô đơn giữa thành phố đông đúc này. Nhưng khi mệt mỏi, tôi chợt nhớ ra mình cần có một bờ vai để khóc, cần một vòng tay dỗ dành, cần một niềm tin để đứng lên. Tôi nghĩ về ba, về gia đình tuyệt vời của tôi dưới con dốc có hoa dã quỳ vàng và dâm bụt đỏ, có con ngõ với gốc me già. Và tôi tưởng tượng đến gia đình tương lai của mình, có hoa vàng đầu ngõ, có tiếng trẻ thơ... Lần đầu tiên thấy mình thèm đến khát khao một mái ấm gia đình.
      Tôi gặp anh, anh sinh ra và lớn lên ở thành thị, chưa biết màu đất đỏ, chưa lội sình sau mưa, chưa biết hoa dã quỳ vàng và dâm bụt đỏ. Trong anh là kỹ thuật, là nhà cao tầng, là công nghệ tiên tiến mà anh học được từ trời Tây xa xôi. Tôi hỏi mẹ rằng có thể đưa anh về? Mẹ bảo con dốc vẫn chưa thành đường, vẫn mưa, vẫn sình lầy bì bõm, người ta có hiểu được không con? Tôi nghe tim mình đau quá, liệu anh và tôi có xa cách nhau đến thế hay không? mẹ lo lắng hóa lẩn thẩn mất rồi mẹ ơi! Tôi muốn đưa anh về, về thế giới tuổi thơ tôi, về không gian ấm áp mà tôi đã lớn lên, tôi đã được con dốc ấy ôm ấp và gìn giữ tâm hồn vẹn nguyên, trong trẻo đến bây giờ. Con đang suy nghĩ cuộc sống quá giản đơn hay là mẹ đã quá lo lắng cho con rồi? Mẹ ơi!
      ***
      Mẹ bảo “con dốc đựơc tráng nhựa xanh”, nhưng vẫn còn nguyên dã quỳ vàng và dâm bụt đỏ. Úp điện thoại, muốn hét toáng lên rằng “Tôi yêu con dốc, tôi yêu dã quỳ vàng, yêu dâm bụt đỏ và mái nhà của tôi!”. Tất cả sẽ còn vẹn nguyên nếu anh cùng tôi gìn giữ và trân trọng sự bình yên của nhau. Mẹ sẽ cười thật tự tin trong ngày cưới tôi “sẽ không ai chê quê mình nghèo, không ai khinh thường con gái tôi ở xứ người xa lạ nữa!”.
      Tôi dụi đầu vào ngực anh, niềm tin vẫn trọn vẹn và bình yên. Tuy anh chưa từng đến nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Nhưng tôi tin anh sẽ đến và ở lại, sẽ cùng tôi gìn giữ vẹn nguyên những kỷ niệm, dẫu có những ánh mắt hướng về nơi nào xa ngái, chông chênh.

      Tháng 2 năm 2006
      Nguyễn Anh Đào

      #3
        nguyenanhdao 06.05.2008 22:15:48 (permalink)
         
        Tiền bạc và tình dục. Đó là sự trao đổi một cách sòng phẳng giữa hai nhu cầu “tiền” và “tình”. Đó là thứ con người rất dễ bị làm nô lệ và nó có thể đẩy con người đến con đường mà người đời gọi là “tệ nạn xã hội”.
        Khi thực hiện cuộc trao đổi đó, đối tượng cần tiền sẽ bị xã hội chỉ trích nặng nề hơn đối tượng còn lại. Tôi nhận ra một sự thật cay đắng rằng, tất cả những gã đàn ông không chỉ tìm mua vui nơi những cô gái sẳn sàng bán thân, mà họ còn tìm đến những cô gái ngây thơ, trong sáng để đảm bảo an toàn hơn và để kiểm nghiệm lại hiệu quả khả năng chinh phục trái tim phụ nữ của mình.
        Tôi đã gặp một trong những người đàn ông như thế.
        Lần gặp đầu tiên.
        Tôi đến mời công ty ông tài trợ một chương trình do tạp chí tôi tổ chức. Ông là giám đốc của một công ty tư vấn nho nhỏ và bản thân ông hiện là giảng viên của một trương đại học. Sau lần gặp đầu tiên, chúng tôi trao đổi số điện thoại và có một sự hợp tác thuận lợi. Tạm biệt và kèm lời hẹn “Xong việc, mình đi nhậu”. Tôi gật đầu vì nghĩ đây là lời xã giao đơn thuần của những ông sếp dễ tính. Tôi chưa biết gì nhiều về ông ta ngoài công ty có khoảng 20 nhân viên mà đa số là sinh viên của ông mới ra trường. Ông có một chiều cao khiêm tốn nhưng trời lại “hào phóng” cho ông bề ngang, vì thế, nhìn từ xa tôi thấy dáng đi của ông rất đáng tội nghiệp.
        Sau những tin nhắn vu vơ, hợp đồng được ký xong, tôi nhận lời gặp ông lần thứ hai với lý do mang tính cá nhân vì thật ra những công việc còn lại sau hợp đồng không thuộc về thẩm quyền của tôi. Thì giữ lấy mối quan hệ cho những lần làm ăn khác nữa!
        Một đứa con gái tỉnh lẻ, sáu năm sống ở thành phố thì đã mất bốn năm lê mông hết giảng đường rồi thư viện. Bị vứt thân ra đường kiếm tiền chưa đầy hai năm, chưa hình dung nổi đằng sau vẻ hào nhoáng của Sài Gòn là một cuộc sống như thế nào, đàng sau xẻ đạo mạo của những con người thành đạt kia ra sao? Tôi muốn biết và tôi đến nơi ông đã hẹn.
        Đó là sân thượng của một nhà hàng khá sang trọng nhưng lại rất vắng khách. Từ đây có thể nhìn xuống trung tâm của thành phố như hàng triệu vì sao rực rỡ. Tôi nửa đùa nửa thật thay câu chào:
        -      Anh quên mang ví thì em không có khả năng chi trả đâu đấy!
        Có lẽ sau câu chào thân thiện ấy, ông có vẻ cởi mở và bắt đầu câu chuyện của mình gọn ghẽ và trơn tru hơn.
        Bốn mươi tuổi, có vợ và hai con nhưng cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc… Tôi chợt rùng mình và nghĩ đây là “bài ca con cá” mà tất cả các gã đàn ông đã có vợ đi “cua gái” đều ca rất mùi mẫn. Tôi hơi nhếch môi cười nhưng may là không không nhìn thấy. Ông đang nhập vai khá tốt. Tôi uống thêm ngụm nước và nghĩ: rồi hắn ta sẽ nói rằng mình dễ thương, hiền lành và hứa sẽ lo lắng cho mình như em gái… Ừ, nhưng đổi lại “Khi anh buồn anh sẽ gọi em đến nói chuyện với anh” Ở đâu ư? À không phải nhà anh cũng không phải công ty, nhà hàng à? Quán cà phê ư? Ở đấy thì đông người lắm, gặp người quen nhiều không hay… À anh có một chỗ rất dễ chịu, anh em mình trò chuyện thoải mái mà không bị ai quấy rầy… Tôi nhếch môi cười, có thể lắm chứ! Thành phố có hàng chục ngàn khách sạn mini mà. Diễn biến sau đó dường như không chệch ra khỏi những gì tôi nghĩ là mấy, chỉ có điều ông ta chưa dám mở lời mời tôi đến khách sạn. Tôi uống hết ly nước này đến ly khác với gương mặt vô cùng bình thản. Ông cũng nhận ra điều đó khi đáng ra ông đang làm tôi xúc động đến mức phải thút thít khóc.
        Sau một giờ nghe ông nói, tôi thấy mỏi và không gợi chuyện thêm nữa. “Độc thoại” hoài cũng chán nên ông gọi bồi bàn tính tiền. Tôi suýt bật ngửa khi phiếu tính tiền hơn một triệu đồng, một nửa tháng lương của tôi!
        Ông yêu cầu được bắt tay nhưng tôi chỉ cười và cúi đầu chào lễ phép. Nghe cơn giận trào lên ngang cổ, giá như trong tay tôi đang cầm một vật gì đó có lẽ tôi ném thẳng vào chiếc lưng lom khom đang đi trước tôi chừng ba bước. Tôi tin chắc một điều rằng, cho vàng khối ông ta cũng không dám đi ngang với tôi khi ra khỏi nhà hàng, nhìn dáng đi gấp gáp của ông như vừa làm xong một công việc nào đó khó khăn lắm và vội vã trở về cùng gia đình. Tôi bĩu môi cho một hạng người không đáng để trọng. Vậy mà là thầy giáo ư?
        Sau lần gặp thứ hai là những trận “khủng bố’ điện thoại, rằng ông cần tôi để tâm sự, đổi lại ông có thể lo cho tôi tất cả những gì tôi cần. Những đứa con gái tỉnh lẻ quê mùa như tôi chỉ cần tiền hay ông không có gì ngoài tiền để gạ gẫm. Ông giàu đến mức nào nhỉ? Ông có thể cho tôi được mấy lần như thế?
        Tôi gặp ông lần thứ ba.
        Lần này tôi đi cùng một đứa bạn, tôi hẹn ông vào một quán cà phê bình thường, ông có vẻ không hài lòng vì quá đông người, ông dễ gặp người quen. Chỉ ngồi nói chuyện khoảng ba mươi phút nhưng cũng đủ thời gian cho nhỏ bạn tôi quăng được “mẻ” kha khá, mà ông vẫn đang tưởng rằng tôi “mắc câu”. Ông móc hầu bao theo lời nhỏ bạn tôi khoảng năm triệu đồng.
        Sau đống hàng hóa mà tôi rinh về và đắc thắng như một chiến lợi phẩm là cảm giác thấy mình có lỗi với Quang. Tôi đang phản bội niềm tin mà Quang đã đặt trọn vẹn vào mình. Do chúng tôi nghèo, ừ, nếu Quang giàu hơn thì có thể tôi không phải lo lắng nhiều chuyện cơm áo. Có một câu nói đùa ai đó đã nói thế này “Con gái muốn có tiền thì phải hư, con trai muốn hư thì phải có tiền”, ngẫm lại quả không sai.
        Nếu tôi chịu nhún nhường một chút nữa thôi, tôi biến mình thành một người bán thân lúc nào không biết, ông ta có quyền sở hữu tôi bất cứ lúc nào ông ta muốn. Tôi dám chắc một điều rằng những cô gái đã lỡ sa chân vấp ngã cũng bắt đầu ở hoàn cảnh của tôi và gặp những con người như ông ta. Chỉ có điều tôi có kiến thức và khả năng kiếm tiền một cách trong sạch ở nơi có quá nhiều cạm bẫy này.
        Tôi đổi sim và thông báo rằng mình không còn sử dụng điện thoại nữa. Tôi buộc phải cắt những đường liên lạc mà ông biết, nhưng rồi tôi không thoát khỏi ông ta khi ông biết số điện thoại của tôi tại nơi làm việc. Tôi như quỵ ngã trong những ngày tìm cách thoát khỏi sự ám ảnh của ông. Tôi khinh bỉ những bài báo do ông viết, khinh bỉ luôn cái vẻ đạo mạo của một thầy giáo nghiêm nghị khi sinh viên cúi đầu chào. Nói cho cùng, dẫu ông có tài đến thế nào thì ông cũng chỉ là gã đàn ông … “ham của lạ”, sống đời sống của nhục dục không lành mạnh mà thôi. Ông đang bị tiền bạc và tình dục biến thành nô lệ.
        Tôi sốt mê man đến mấy ngày.
        Ông gọi điện và tôi gặp ông thứ tư.
        Lần này là một khách sạn trên đường Tôn Đức Thắng có thể nhìn xuống dòng sông Sài Gòn nhộn nhịp và đông đúc (theo lời ông mô tả). Địa điểm cứ nâng cấp dần lên ở tiêu chuẩn “kín đáo” và “riêng tư”. Thế đấy, tôi cần tiền còn ông ta đang cần “tình”. Mười triệu đồng không phải là số tiền không hấp dẫn cho một cuộc gặp gỡ.
        Ông đến trước khoảng nửa tiếng, căn phòng khá ngột ngạt, có lẽ đây là căn phòng rẻ tiền nhất trong khách sạn này và rất ít ai chịu ở trong một ô vuông chật hẹp như thế này, gò mình để mà … ngắm sông!
        Ông nằm yên trên giường, đón tôi một cách khá nồng nhiệt nhưng chỉ bằng lời nói và không bước xuống giường. Tôi không ngạc nhiên khi ông đã mình trần như nhộng nhưng thấy buồn nôn khi tấm thân béo núc ních và tròn như một chiếc lu đang di chuyển một cách mệt nhọc.
        Tôi chạy liền một mạch vào nhà vệ sinh, ngồi “câu giờ” mất ba mươi phút, chỉ rửa mặt rồi đi ra trong sự ngạc nhiên và thất vọng của ông. Tôi uống nước và bật tivi lên xem. Còn ông thì nhìn tôi và đang chờ đợi điều gì khác hơn.
        Tôi vẫn không dám quay lại nhìn ông ta với mớ thịt nhão nhoét và nhùng nhằng cùng một con người bất lực chưa bao giờ điều khiển nổi chúng.
        Tôi không hiểu nếu không có chút tình cảm nào thì người ta có thể quan hệ với nhau ra sao? Chỉ cần nhìn thấy trang phục “Adam” của ông là tôi nghe đầu óc quay như chong chóng rồi, âu yếm nhau thế nào được nhỉ? Đó là chưa kể đến những nguy hiểm đang rình rập mà hiểm họa của HIV là điều khiếp đảm nhất. Tôi nhìn quanh một vòng thật nhanh. Trên bàn là hai chai nước được tôi bật nắp, một cái gạt tàn thuốc, một vỏ lon bia và một chiếc hộp nhỏ, trong ấy có vài chiếc “OK”.
        Mục đích của tôi là lấy tiền, còn ông thì ngược lại, nhưng ai cũng muốn đạt mục đích của mình trước nên tôi thì xem tivi còn ông thì đắp mền… ngủ. Ông đã biết tôi rất cần số tiền mà ông đã “ngả giá” trước, nếu không, một cô gái đàng hoàng như tôi sẽ không đến đây, ông … kiêu căng và mặc kệ cho tôi chờ đợi.
        Mồ hôi tôi túa ra như tắm, hồi hộp, tức giận, lo sợ! Nhưng tôi biết được một điều rằng ông rất sợ người quen biết chuyện này, mà người quen của ông thì nhiều vô kể, trong ấy có những người ông không nhớ nổi tên như hàng ngàn sinh viên của ông. Còn tôi, tôi không có quá nhiều thứ cần gìn giữ như ông. Hai tiếng đồng hồ trôi qua, tôi xem hết chương trình phim của tivi thì ông có vẻ bắt đầu tức giận. Đôi mắt đỏ ngầu, nhìn như cầm dao xoáy tận “lục phủ ngũ tạng” của tôi. Tôi khẽ rùng mình nhưng cũng an tâm vì ông không thể nhanh như tôi, với tấm thân phục phịch ấy có thể làm gì hơn là rượt tôi chạy lòng vòng trong căn phòng này chừng năm phút thì ông …lên máu rồi.
        Nhưng ông rất nhanh, ông đã nắm được bàn tay tôi. Ngay lúc ấy, tôi thấy trước mắt mình là ánh mắt âu yếm của Quang, rồi đổi sang cặp mắt đỏ ngầu của ông rồi lại là ánh mắt của Quang, nhưng mắt Quang cũng dần dần chuyển sang đỏ ngầu giận dữ. Tôi không còn sức lực chống trả, hai bàn tay bị khống chế, cả lưỡi cũng không nói được. Sau một hồi vùng vẫy tôi dùng tất cả sức lực của mình hét lên một tiếng thật to. Và bừng tỉnh.
        Bên tôi là Quang, bàn tay tôi nằm gọn trong bàn tay Quang, ánh mắt anh hiền từ và âu yếm “Em thấy gì mà la ghê vậy?”. Tôi ú ớ vài tiếng rồi chợt hiểu ra đó chỉ là cơn ác mộng  tôi đã gặp trong lúc đang tìm cách thoát khỏi sự ám ảnh của ông. Lần gặp thứ tư ấy không hề diễn ra trong đời.
        Tôi siết chặt bàn tay Quang, đưa lên môi hôn và bật khóc!.
         
        Nguyễn Anh Đào
        #4
          Nguyên Đỗ 10.05.2008 20:34:54 (permalink)
          Chào cô gái từ xóm thôn có cái tên ngồ ngộ

          Hương Đàn Mất Bóng
           
           
          Vắng em lâu, sầu dâng buồn ứ đọng
          Mọi nỗii niềm la.nh cóng đo'ng thành ba(ng
          CHi/ vài hôm trời co lại trò n trăng
          ĐÊm lễ Mẹ chắc em buôn lă'm nhỉ
           
           
           
           
          Làng Chí Phèo nấu rượu lắm ma men
          Cám ơn em kiên chí học lâu bền
          Ngành báo chí mỗi ngày ghi thêm  tryện mới


          Anh thú thật từng ngày anh vẫn đợi
          Như người ta ngày trước đón Kim Dung
          Truyện của em cũng hấp dẫn vô cùng
          Dưới ngòi bút pha nét hài duyên dáng

          Dù khổ mấy văn vẫn còn tươi sáng
          Vì tình thương là nền tảng thơ văn
          Dẫu hoạt kê không mang nét thù hằn
          Cả ông giáo thời sinh viên nghèo đói

           
           
           Nguyên Đỗ

          kl9'm nhi/sssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssss
             
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.05.2008 16:56:59 bởi Ct.Ly >
          #5
            spiderkien 11.05.2008 01:06:22 (permalink)
            Truyện của Anh Đào sâu sắc và lôi cuốn. Có nét gì đó bí ẩn và ma quái trong từng câu chữ. Rất thú vị  
            #6
              nguyenanhdao 12.05.2008 13:53:08 (permalink)
               
              KẸT XE Ở CON ĐƯỜNG NHỎ

              Những gương mặt rất căng thẳng, rất cáu kỉnh, nhích từng chút, từng chút một, những cái đầu rướn lên, có người leo cả lên trên yên xe để nhìn phía trước xem có chỗ nào thoáng không? Và cũng để biết từ khoảng cách này đến chỗ ấy là bao xa, mất khoảng bao nhiêu thời gian? từng centimet trong lúc này cũng đã rất quý giá, mang theo từng chút hi vọng rằng điểm đến của mỗi người sẽ không bị trễ giờ. Làn đường xe ngược chiều trống dần, trống dần vì hướng người đi ngược lại còn kẹt phía bên kia đống bùng nhùng này. Thế là vượt lên, lấn qua, lấn qua cho đến khi người đi ngược lại không có đường tới, cũng không có đường lùi. Hai bên đứng nhìn nhau. Cứng ngắc, không còn centimet nào nữa để nhích lên. Tắt máy xe, từng người một. Cái ngột ngạt vì nồng nặc mùi khói xe tan dần, cái nóng của những chiếc máy xe phát ra cũng tan dần. Khi không còn hi vọng gì thoát ra khỏi chỗ này. Người ta ngồi đợi một phép màu, đó chính là cảnh sát giao thông.
              Ông già đi xe wave cũ, phía trước là chiếc cặp da đen, đeo đôi mắt kiếng, nịt áo gọn gàng, có vẻ là một viên chức, gương mặt có vẻ rất bình thản, mà giờ này có quạu lên cũng chẳng biết quạu với ai. Im lặng, chịu đựng như tất cả mọi người.
              Bên cạnh là một đôi nam nữ rất trẻ, cô gái mệt mỏi (hoặc âu yếm) úp mặt vào lưng chàng trai. Chàng trai bỏ hai tay khỏi xe, vòng ra phía sau nắm tay cô gái kéo về phía trước như thể vòng tay cô gái ôm chưa đủ chặt, chưa đủ thể hiện hết yêu thương. Một lúc sau, cô gái nhướn đầu lên khỏi vai và cằn nhằn vào tai chàng trai "biết thế này khi nãy ở nhà ngủ, mai nghỉ lễ rồi, tối nay lớp cũng chẳng học, đi làm gì cũng có đến lớp được đâu", chàng trai dỗ dành "thì coi như đi chơi đi, đứng vầy cũng vui mà", cô gái cằn nhằn thêm vài từ gì nữa, nhưng chàng tay kéo chặt tay cô gái ra phía trước hơn, mặt cô gái lại úp vào lưng chàng trai, mỗi người đang có một suy nghĩ riêng.
              Phía sau đó là một người mẹ trẻ, trước xe là một bé gái chừng ba tuổi, đang mỏi mệt ngoẻo đầu ngủ. Chị gọi điện thoại, có lẽ là cho chồng "em bị kẹt ngoài đường không biết khi nào về tới nhà, đói bụng thì anh ăn cơm trước đi, anh chuẩn bị nước sôi để về pha sữa liền cho con, nó mệt và đói lắm rồi".
              Kế bên một thanh niên cũng điện thoại "tụi mày tới được đứa nào thì xử đi, tao kẹt xe quá, ủa mày cũng kẹt hả? ừ, ừ, có gì gọi sau".
              Một người phụ nữ có lẽ là dân buôn, chở phía sau một thùng hàng to tướng, đang lấy xấp tiền lẻ ra đếm rồi xếp lại cho ngay ngắn.
              Có hai cô gái đi xe tay ga mặc váy rất xinh, một cô chơi game trên điện thoại, một cô nhắn tin chat với ai đó cười rất tươi. Tất cả những điều ấy không tìm thấy trên bất cứ con đường nào đang lưu thông tốt. Tất nhiên, khi kẹt xe thì mức độ an toàn rất cao, không hề có cướp giật.
              Chị cũng nghĩ vậy và bình an ngồi đợi. Dù trước khi chui vào mớ hỗn trộn này, chị cũng đã chạy lòng vòng qua mấy ngã, để tìm con đường nào trống nhất. Nhưng khi chui vòng qua chân cầu Sài Gòn chạy lên, chị gặp một đám tại Văn Thánh, chị quay lại con đường nhỏ hơn, nhưng ở đó cũng kẹt. Chỉ đành chui vào một quán nước ngồi đợi, dẫu gì thì việc của chị không vội. Ngồi coi đâu gần nửa vở kịch phát trên tivi trong quán nước, mấy bác xe ôm thở dài "kiểu này chắc mấy tiếng nữa mới hết, kẹt gần cả thành phố". Chị thở dài, làm như dân toàn thành phố hôm nay ra hết ngoài đường, trong nhà có bao nhiêu chiếc xe thì chạy hết hay sao ấy. Khi nhìn thấy chiêc cầu Văn Thánh trống trải, người ta qua nhẹ nhàng thì chị tính tiền nước rồi đi tiếp, nhưng không may cho chị, nó chỉ trống hết cây cầu thôi, hướng Hàng Xanh người vẫn ken đặc, chị quẹo vào D2, hi vọng đường nhỏ thì không ai đi, hoặc ít ra nó không đông như đường lớn. Nhưng chị lầm. Vì đi gần đến cuối đường, gần tới ngã tư thì chị phải tắt máy xe và ngồi đây.
              Anh lái xe hơi tắt máy, thò đầu ra ngoài hút thuốc. Chị nhà buôn thở dài "ai đau đẻ giờ này không đẻ rớt mới lạ". Lập tức mọi người xung quanh hưởng ứng. Nhanh nhất là ông già viên chức trí thức "Chứ còn gì nữa, lấn lên chặn đầu ngươi ta kiểu đó biểu không kẹt sao được? Mẹ nó!", tự dưng bức xúc ông buông ra một tiếng chửi thề. Cái câu chửi thề dễ hiểu, dễ đồng cảm và dễ hưởng ứng. Hai cô gái mặc váy đi tay ga cũng dừng các trò chơi trên máy điện thoại, góp vào "dạ đúng rồi, năm ngoái chị cháu bị tai nạn, trên đường đi cấp cứu mà kẹt xe thế này, người nhà phải ẳm chị ấy chạy bộ, vậy mà không có đường để đi bộ, bị ra quá nhiều máu mà chị ấy chết đó cô ạ!", mọi người xung quanh rùng mình. Rồi còn nhiều lời kể góp vào, ừ, tôi cũng biết chuyện thế này, thế này... kẹt xe quả là đáng sợ.
              Những câu chuyện cứ tiếp diễn, hết đề tài kẹt xe chuyển qua đề tài nón bảo hiểm, những chiếc nón đã được tháo xuống khỏi đầu vì nóng quá, ngồi yên một chỗ mà đội thì rụng hết tóc, mồ hôi bết ra nữa. Rồi bác viên chức trí thức "kết luận" "kẹt xe như vầy, không cần chân chống xe cũng chẳng ngã được, cần khỉ gì nón bảo hiểm?", mọi người lại cười. Tất cả mọi chủ đề diễn ra ở đây nhanh chóng được sự nhiệt tình hưởng ứng của nhiều người. Không phân biệt câu nói ấy xuất phát ra từ cái miệng nào, cũng chẳng ai quan tâm mình nói thế nào để lấy lòng người khác, đơn giản nói để giải tỏa, vì ai cũng biết, ngày mai, ngày kia... mà chỉ sau khi thoát ra khỏi chỗ này, chẳng còn ai nhớ đến ai, mà cũng không còn ai gặp lại ai nữa.
              Cảnh sát giao thông đến, mồ hôi mồ kê nhễ nhại trên áo anh, có thể nãy giờ anh đã làm nhiệm vụ ở một nơi nào đó, tiếng còi, tiếng quát tháo, tiếng máy xe nổ dần dần, từng centimet được dãn ra, lại nhích lân lên từng chút. Đến ngã tư, cảnh sát giao thông huýt còi cho mọi người đi thẳng, không ai được rẻ trái. Ai cũng nghe theo. Tới giờ phút này, không ai nghĩ mình đủ can đảm để lại chen vào đám người dày đặc kia mà về nhà. Ai cũng nghĩ, cứ chọn con đường tốt nhất để đi, xa một chút, không đúng con đường mình đi thường ngày, cũng được, miễn sao về đến nhà và không bị ngăn cản bởi những rối ren như thế này nữa.
              Từ lúc bắt đầu xuất phát cho tới điểm cần đến, đường dài 2 cây số, chị đã mất ba tiếng đồng hồ. Chiếc xe đò chị đã đặt vé xuất bến 2 tiếng trước sau khi đã cố gắng gọi cho chị đến lần thứ ba, họ không được phép chờ vì trên xe còn mấy chục hành khách. Bến xe cũng không còn tuyến nào về nhà chị nữa. Vì ngày mai là lễ, xe đi vội lắm, vì khách rất đông. Chị quay về nhà trọ. Thôi. Lần khác sẽ về, sẽ chọn một ngày đẹp trời, không kẹt xe mà đi vậy!


              (Viết ngay sau trận kẹt xe "kinh hoàng" lúc 18g ngày 29/4/2008)
              Nguyễn Anh Đào
              (day chua la mot truyen ngan, )
              #7
                nguyenanhdao 12.05.2008 13:55:22 (permalink)
                ÔNG HẬU

                Năm mười bảy tuổi ông đã có vợ, là cô gái làng bên xinh xắn, đảm đang. Nhưng cô đã bỏ ông ra đi khi sống với chồng chừng một năm. Hôm ấy, ông biết, vì nửa đêm tỉnh giấc ông nghe tiếng khóc, nhưng ông vờ không nghe. Rồi cô lén mở cửa sau đi giữa khuya. Ông xuống nhà gọi thằng Lùn dậy, bảo nó "Mày chạy theo đưa cái này cho cô". Dù thằng nhỏ ngơ ngác không hiểu nhưng cũng làm theo. Đó là tất cả số tiền ông dành dụm. Thằng Lùn về kể lại, cô thấy nó liền bỏ chạy, nó chạy theo muốn bở hơi tai mới bắt kịp. Đến khi biết không phải ông sai người đến bắt về thì cô sụp xuống khóc, quay đầu về lạy xin ông tha thứ. Thằng nhỏ kể mà sụt sịt khóc. Ông đốt thuốc hết điếu này đến điếu khác, đến sáng hôm sau, đến khi thằng nhỏ gọi ông dậy đi làm thì ông vẫn còn ngồi im như bức tượng. Đôi mắt vô hồn nhìn ra bên ngoài cửa sổ, nắng đã đỏ dần lên từ chân núi.
                Ông biểu thằng Lùn qua nhà chị ông ở, có gì làm nấy, hoặc muốn ở lại nhà ông thì tùy. Nhưng ông sẽ đi, ông bỏ vào thành phố sống cùng chiếc xe đạp cọc cạch của mình. Ở tuổi hai mươi, ông có quyền lập lại gia đình, nhưng ông đã không làm thế. Ông quyết không bao giờ làm điều đó, vì ông rất yêu và cũng rất hối hận khi lấy và làm khổ vợ ông.
                Khoảng 6 năm ở đây thì ông tìm được Ngân.
                Ngân là đứa con gái nuôi mà ông đã nhặt về từ một đống rác. Lúc ông ngà say, loạng choạng về tới đầu đường, thì ông linh cảm có người đang dõi theo ông, ông khệnh khạng quay ngược lại, ông thấy một đứa bé được quấn trong chiêc áo rách, nằm kề bên đống rác, kiến bò khắp người, cổ họng không còn hơi để khóc. Ông bế lên ôm nó về nhà, nhờ chị gái mình chăm sóc giúp. Một thời gian sau, Ngân lớn và lanh lợi như những đứa trẻ bình thường khác, không bệnh tật cũng không có biểu hiện gì bất thường. Ông thương Ngân như con đẻ!
                Ngân thức khuya để đan cho ông chiếc áo ấm. Thương ông thức khuya dậy sớm chạy xe mà không có chiếc áo dài tay đễ giữ ấm như người ta. Ông mắng "lo mà ngủ để lấy sức thi cử", nó lại nũng nịu cười "ba giống ông già tám mươi quá". Ông giật mình nhớ lại tuổi mình, nhìn lại con, thời gian trôi nhanh đến không ngờ.
                Mười lăm năm qua, sáng ông đưa con đến trường, chiều đưa về, chiếc xích lô là cuộc sống của ông và con. Bé Ngân thương cha, líu lo hạnh phúc như chim gần mẹ.
                Bé Ngân lên lớp mười, ông mua cho con chiếc xe đạp để tự đến trường, phần ông, ông cũng mua được xe máy để chạy xe ôm chứ không đạp xích lô nữa.
                Ở tuổi bốn mươi, ông khỏe khoắn lại hiền lành, nên có rất nhiều "mối ruột" hàng ngày. Chở hàng cho bà Tư từ chợ Cầu Muối về Thị Nghè vào sáng sớm, chở con trai bác Hải đến trường, buổi trưa đón những đứa trẻ trong xóm về nhà vì cha mẹ chúng bận đi làm. Buổi tối lại chở khách vãng lai, những người hối hả đi đâu đó nhưng bị hư xe và cả những cô gái đế những chỗ hẹn với khách.
                Mười mấy năm làm nghề, chỉ thay đổi phương tiện, không con hẻm nào ở thành phố này mà ông chưa qua, chưa ghé lại. Lại có người nữa thương ông, cô Bảy bán ra ở chợ Bà Chiểu. Sáng sớm khi chở xong hàng cho bà Tư thì ông lại chở cho cô Bảy. Hàng cô Bảy đã mua sẳn để thành đống, ông chỉ việc chất lên xe mà chở về. Lâu dần ông kiêm làm người đi lấy hàng, cô bảy thỉnh thoảng với đi gặp chủ hàng, còn lại giao toàn bộ cho ông. Mỗi tháng cô Bảy mới trả tiền cho ông một lần, bỏ vào phong bì hẳn hoi "coi như tui dành dụm dùm anh". Ông thấy sáng kiến này cũng hay, vì nếu để ông tự dành dụm, chắc gì hàng tháng ông có số tiền đó cho ông và Ngân.
                Thỉnh thoảng cô Bảy ghé nhà, mua cho Ngân ký trái cây hay mớ cá, Ngân hiểu đó là tình cảm của cô Bảy dành cho ba.
                Có lần Ngân hỏi:
                - Khi nào con có ...mẹ, ba?
                Ông lúng túng rồi búng mũi con, mắng yêu:
                - Ba già rồi, ai ưng?
                - Ba già thì có bà già ưng.
                Rồi nó cười, nhí nhảnh hát:
                " Bà già đã tám mươi tư
                Ngồi bên cửa sổ viết thư kén chồng
                Bà già đi chợ cầu Đông
                Hỏi xem thầy bói lấy chồng lợi chăng
                Thầy bói xem quẻ nói rằng
                Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn"
                Ông mắng
                - Cái con nhỏ này! lém lỉnh vừa thôi.
                - Già thì không có tình yêu hả ba? con làm mai cho ba nghen!
                - Bộ con có người nào lý tưởng lắm sao?
                Rồi con nhỏ nhí nhảnh chu môi "sao lại không?".
                Cô Bảy cũng ngang ngang tuổi ông, cô còn đẹp lắm, chưa có chồng, vì nhà nghèo, lo làm ăn nuôi hết mấy đứa em mà cô quá tuổi xuân xanh. Quá lứa lỡ thì lại không nhiều tiền và nhiều thời gian như người ta nên cô vẫn phòng không nhà trống từ đó đến giờ.
                Ông cũng có để ý đến cô Bảy, cũng như hơn hai mươi năm qua ông có để ý đến một số người phụ nữ khác, nhưng hình ảnh vợ ông ôm đồ trốn đi giữa đêm của mấy chục năm trước lại hiện về, ông không còn đủ can đảm để lấy ai nữa. Rồi nghĩ, chắc mai mốt già đi, già chống gậy đã, rồi ưng ai đo về bầu bạn cũng được, chứ cái chuyện chăn gối kia ông thất bại từ hai mươi tuổi rồi, không lẽ khai ra bây giờ, mai mốt già chẳng còn ai nhớ đến chuyện ấy nữa, hồi ấy thì muộn không?
                Làm sao ông biết có muộn không? Khi hàng ngày cô Bảy vẫn dành cho ông những ánh mắt rất tình, hàng ngày bé Ngân cũng líu lo ba ơi ba à, lấy vợ đi ba.
                Có lần ông hỏi cô Bảy nghĩ gì nếu một ông già bảy mươi tuổi tuyên bố có vợ. Cô Bảy cười, chẳng có gì cả, mỗi người có một cuộc sống, có ai sống dùm cuộc đời của mình đâu. Ông gật gật, ừ, có ai sống dùm mình đâu, rồi tủm tỉm cười, nghĩ tới cái ngày ông bảy mươi tuổi, cô Bảy cũng sem sem, cô Bảy mặc cái áo cô dâu màu trắng, đuôi dài bốn thước có mấy đứa nhỏ theo kéo phía sau, tưởng tượng một hồi ông cười phá lên, làm cô Bảy chưng hửng, tưởng ông mới bị té giếng. Ông đỏ mặt nhìn sang cô Bảy rồi riu ríu cầm cái mũ đi ra.
                Bé Ngân thuyết phục cha có vợ mãi không được, nó quay sang cô Bảy, biểu cô Bảy "tấn công" ba con đi, cô Bảy xỉ vô trán nó "con nhỏ này, vừa thôi nha!". Nói vậy nhưng hình như cô Bảy cũng mắc cỡ, bé Ngân biết hết, thỉnh thoảng nó đi học về, mua cho cha nó ký cam hay trái dưa hấu, ông hỏi ở đâu, nó nói của cô Bảy cho. Để đáp lại, ông cũng mua gì đó rồi biểu bé Ngân đem sang. Một thời gian, nó thành người đưa thư, đưa thức ăn đi qua đi lại, rồi đàng nào thì cũng vao bụng nó hết, nhưng nó nhìn hai người lớn vui lắm, họ cứ tủm tỉm cười hoài.
                ***
                Ly cà phê đã cạn tới giọt cuối cùng, ông vẫn chưa thể rời khỏi chiếc ghế. Hôm qua, cô Bảy sang nhà ông, cùng bé Ngân nấu toàn những thứ ông thích. Đến khi ông về nhà thì nhà như có tiệc, bé Ngân biểu ông vô tắm rồi thay quần áo. Xong nó đứng trịnh trọng:
                "Con, sẽ là người làm chứng cho ba và cô Bảy chính thức trở thành...", ông há hốc mồm, vội la bé Ngân là làm cái trò gì vớ vẩn! Nó tức chui vô buồng ngồi khóc. Cô Bảy đứng như chết trân trước ông, một hồi, cô mạnh dạn lại nắm bàn tay ông "tui không chờ tới năm anh bảy mươi tuổi được, bây giờ hay khi đó có khác gì nhau, việc gì phải cứ nén lòng đến mấy mươi năm nữa!". Ông bóp bàn tay cô Bảy thật chặt, nhưng môi bật ra một câu chẳng ăn nhập gì hết "vô kêu con Ngân ra ăn đi, làm cả bàn kia không ai ăn sao?"
                Quán cà phê sắp đóng cửa rồi, mà ông vẫn chưa tìm ra câu nào để nói với bé Ngân. Cũng chưa tìm ra dịp gì để mời cô Bảy về nhà lần nữa, để ông làm nốt những thứ đáng lý ông phải làm tối hôm qua.

                TPHCM, tháng 5/2008
                Nguyễn Anh Đào
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.05.2008 06:48:48 bởi Ct.Ly >
                #8
                  nguyenanhdao 13.05.2008 16:37:28 (permalink)
                  NỤ CƯỜI BÊN SÔNG
                   
                  Cặp bến phà Thủ Thiêm, người ta sắp làm một dự án lớn. Đồng nghĩa với việc tất cả người dân ở đây sẽ đến một khi tái định cư nào đó, hoặc nhận tiền mà tự mua một nơi khác để an cư. Người ta bàn tán xôn xao về nhận tiền đền bù, bàn tán ở chợ, bàn tán ở quán cà phê, ở vỉa hè... Chị bán bánh mì thở dài, chị uốn tóc cũng thở dài, cô bánh xèo, ông bún bò huế... Tất cả đều nghĩ đến một nơi khác, một nơi mình có thể sống bằng cái nghề mình đang sống. Tất cả họ, ai cũng sẽ giảy nảy lên khi chính quyền đưa họ vào nơi tái định cư là một chung cư cao cấp. Họ không thèm, vì khi sống chung cư cao cấp họ không thể bán bánh mì, họ không bán hủ tiếu hay bún bò được, họ không thể mở quán cà phê cóc, hay bán dừa, rau câu...
                  Có một quán tạp hóa nhỏ cặp mé sông, dưới chân bến phà, ở đó không nghe chủ tiệm than thở gì cả, chị cũng bình thản với những việc làm của mình, làm cần mẫn, làm hằng ngày, không tham gia vào cuộc tranh luận bàn tán xôn xao nào của những người trong chợ. Chị khoảng ba mươi lăm tuổi, cái tuổi xuân sắc đã đi qua lâu rồi bởi một căn bệnh lạ, chị chưa chồng. Chỉ thỉnh thoảng thấy anh Tư xe ôm ra vào chở hàng hóa cho chị, kiêm luôn cả việc đi lấy nợ và cuối tháng. Đơn giản, dễ hiểu thôi, vì chỗ chị ngồi bán ấy khoảng 12 mét vuông, chị đã thuê lại của một gia đình giàu có đâu chừng chục năm trước, mỗi năm người ta tới thu tiền một lần. Chị nghĩ, đến khi có lệnh giải tỏa, chị chỉ cần dọn mớ đồ này đi là được, thuê một chỗ khác, nhỏ, rẻ thôi. Chị không còn sức để ra mặt tiền mà làm ăn lớn, chị cũng không còn muốn kiếm nhiều tiền nữa, kiếm có nhiều cũng không sống được bao lâu nữa đâu.
                  Anh Tư xe ôm có lần hỏi "Ngân không định tìm một chỗ khác mà đi sao?", chị cười "dễ gì mà nhanh vậy được, chủ nhà ở đây còn chưa nhận tiền đền bù mà, cả năm nửa không chừng!". Anh Tư mắt buồn xa xăm "thay đổi là mất hết khách, không biết rôi sẽ ra sao?", chị vẫn vui và lạc quan "thì đến chỗ mới tìm khách mới, ở đâu chẳng sống được, mình đã có gì đâu mà sợ mất!". Lúc ấy hình như anh Tư muốn cãi lại gì đó, hình như anh muốn nói là mình có chứ sao không? Có nhiều thứ ở cái mé sông này lắm. Nhưng rôi anh không nói gì, chỉ nhìn chị bằng ánh mắt long lanh.
                  Thằng con trai nhà kế bên say xỉn vê ăn vạ như Chí Phèo, hắn đòi chia tiền đền bù nhà, vì hắn cũng có tên trong hộ khẩu. Số tiền đền bù mà người mẹ còn thở dài thườn thượt không biết có mua nổi một chỗ đàng hoàng khác để sống hay không? Thấy thì thấy vậy, nhưng chị không kể với ai, kể cả anh Tư xe ôm, vì đàng nào nó cũng không phải là chuyện của chị.
                  Chị là người sống tha phương từ mười lăm năm trước, chị làm công nhân, kiếm tiền để tự nuôi sống mình, kể từ ngày ba chị mất. Nhưng không may cho chị, chỉ được năm năm đi làm theo ý thích, đủ để mua được vài món đồ cá nhân có giá trị một chút, chị đổ bệnh. Một căn bệnh lạ, không bệnh viện nào chẩn đoán được. Xương chị như mục ruỗng dần, trước thì chỉ đau đầu, nhức mỏi, sau này đau và sưng các khớp xương, đau lưng, tức ngực, khó thở... Bất cứ cơ quan nào trong cơ thể chị cũng đau, đau từ từ, đau dai dẳng.
                  Chị khám hết bệnh viện nay đến bện viện khác, người ta lấy gần như hết máu trong người chị ra mà xét nghiệm. Uống hàng trăm thứ thuốc, nghe ở đâu có thầy thuốc Bắc, thuốc Nam chị đều đến. Chị sống nhờ thuốc, uống thuốc no cả ngày.
                  Khi không còn sức vào công ty làm, chị mượn tiền bạn bè về mở một tiệm tạp hóa nhỏ, để đổi đắp qua ngày. Sáng bảy giờ chị mở cửa, đến chín giờ tối thì đóng. Cuộc sống của chị bình yên một cách tẻ nhạt. Không ai biết rằng cứ mỗi lần sắc xong chén thuốc, bưng lên uống mắt chị lại rưng rưng. Hình như có lúc chị sợ chết, dù chị đã chuẩn bị đón nó từ lâu rồi.
                  Có lần chị hỏi anh Tư rằng anh có sợ chết không? Anh Tư trợn mắt "Giỡn chơi hoài Ngân, anh chưa vợ con, không sợ chết thì sợ gì?". Rồi anh Tư nhìn chị, nhìn như van lơn, Ngân à, em còn khỏe lắm, sao nghĩ đến chuyện chết hoài vậy? Em còn đủ thời gian để có chồng, sinh con... Nhưng anh không biết nói thế nào cho chị hiểu, vì trái tim chị đã khép lại rồi, chị khép luôn cuộc đời mình lại.
                  Trong khu phố lại họp, lần này chính quyền mạnh tay hơn, không lấy ý kiến ngươi dân nữa, chỉ thông báo cho dân biết là có 2 sự lựa chọn, một là tái định cư, hai là nhận tiền đền bù, ai muốn cái nào thì đăng ký, đúng sáu tháng nữa ai không đi sẽ có lệnh cưỡng chế, chính quyền sẽ cho xe xuống ủi đi. Những người cuối cùng phản đối cũng đành tiu nghỉu lấy giấy ra về. Vậy là xong, chị có một cái mốc rõ ràng cho việc dọn đi nơi khác của mình. Anh Tư nói "để hàng ngày chạy xe, tui để ý có chỗ nào cho thuê rẻ tui hỏi dùm cho". Chị ừ, có sớm thì dọn sớm, bắt đầu lại bây giờ hay sáu tháng nữa cũng giống nhau thôi.
                  Cuộc sống của chị vẫn cứ đều đều trôi, một hôm, anh Tư đưa về nhà chị một ông lão, bảo rằng ông bắt mạch và kê thuốc hay lắm, anh đã năn nỉ hết lời để đưa ông từ Long Khánh về đây.
                  Ông lão bắt mạch rồi kê toa, bảo chị mang tâm bệnh. Bệnh chị không nặng, nhưng tâm bệnh khiến cơ thể chị suy sụp và tiều tụy. Ông bảo chị hãy lạc quan và làm điều gì đó vui cho cuộc đời mình. Chị hỏi ví dụ như gì? Ông lão móm mém nói như lấy chồng chẳng hạn. Chị trợn mắt nhìn ông lão thầy thuốc. Nhưng ông lão khoát tay nói tiếp, chị không tin thì thôi, tôi già bằng ngần này tuổi, với gần bảy mươi năm làm nghề thuốc, tôi đi nói dối chị ư? Chị mím môi, im lặng.
                  Anh Tư đưa ông lão về, bảo chị đưa toa thuốc ông lão vừa kê anh đi mua cho. Chị không đưa, nói để từ từ uống, thuốc chị còn nhiều quá, mua về nhà nữa thì ngán không uống nổi.
                  Khi anh Tư quay trở lại, chị nghiêm mặt "lần sau đừng có làm vậy nữa!". Anh Tư giả bộ ngơ ngác "thì nghe đồn ông già đó hay, tui giúp Ngân thôi mà", chị nói bằng giọng đều và buồn "tui biết bệnh của tui, anh không cần tìm mọi cách để an ủi tui đâu, ngày nào tới nó tới, tui cũng không bi quan, dù có cố gắng thì cũng thót khỏi được phận mình đâu, mình chỉ có một cuộc đời để sống, dài hay ngắn có quan trọng gì, phải không?".
                  Anh Tư ngồi xuống, chống tay lên cằm, rủa thầm "cái lão già này, đóng kịch dở ẹc".
                  Sau lần đó, anh không dám giới thiệu với chị thêm "thầy thuốc" nào nữa. Chỉ nghe lời chị chở chị đến những bệnh viện chị đã từng khám để tái khám. Mọi thứ trở về như cũ.
                  Anh Tư hỏi cho chị được một phòng trong con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh, rộng chừng chín mét vuông, có cái gác nhỏ nhỏ. Chị nói bây nhiêu đủ cho chị sống rồi. Anh Tư bảo hàng ngày tui sang phụ Ngân, cần gì cứ nói. Chị ừ, anh cứ làm những việc anh đã từng làm, đi xa hơn nên tui sẽ bù tiền xăng cho anh. Anh Tư phật ý "biểu tui làm không công tui cũng giành nữa là...." Rồi như bắt gặp cái nhìn nghiêm nghị của chị, anh thôi, anh cầm cái nón bảo hiểm bảo "thôi, tui đi rước khách". Chị thẫn thờ nhìn theo. Những bịch đậu phộng, những gói snack cho trẻ con rơi dần khỏi tay chị. Chị uống thuốc, uống chăm chỉ, chị trông chờ một phép màu nào đó, biết đâu ngày mai, ngày kia bỗng dưng khớp chị hết đau, ngực không còn tức, tóc không còn rụng, da không còn xanh... rồi lúc ấy, anh Tư sẽ thế nào nhỉ? Chị vội lắc đầu, xua ngay cái ý nghĩ mà chị cho là kinh khủng ấy, là viễn vông, là không tưởng.
                  Chị yếu hơn chút nữa, mắt mờ dần, chắc tại chị uống quá nhiều thuốc. Bác sĩ bảo chị mổ đi, nếu mổ thì mắt sẽ sáng dần trở lại, không sao cả, chi phí khoảng mười triệu đồng. Chị hỏi mổ trước một con được không? Bác sĩ nói được.
                  Chị về gom hết tiền dành dụm, không lấy hàng mới, nhờ anh Tư đi gom hết số nợ còn lại. Anh Tư hoảng hốt, bộ tính bỏ đi đâu nữa hay sao? Chị cười, anh khùng hả? ở đây với bỏ đi có khác gì nhau? Anh Tư thở dai thườn thượt.
                  Đủ năm triệu, chị kêu anh Tư chở tới bệnh viện mắt, chị cười, tui phải mổ để thấy đường mà làm ăn, hổng lẽ mới tuổi nay chịu mù sao? Ai đi chịu vô duyên vậy?
                  Anh Tư bỏ hết mấy mối đưa đón khách, vào thăm nuôi chị ở bệnh viện. Mổ xong một ngày chị đã được về nhà. Nhưng anh Tư không cho chị làm gì hết, anh bảo khi nào tháo băng đi rồi muốn làm gì thì làm, giờ để tui làm. Chị hỏi anh Tư sao không lập gia đình đi, bốn mươi rồi, anh là người biết chăm sóc gia đình và chăm sóc rất tốt. Anh hỏi lại chị "liệu có ai lấy tui không?", chị nói nhanh "sao lại không lấy?", "thật chứ?", sau câu hỏi có vẻ vui mừng của anh thì chị giật mình, biết mình lỡ lời.
                  Một buổi sáng, đi bộ ra chợ, chị nghe người ta í ới gọi tên mình, hóa ra người quen. Là ông bún bò Huế và chị bánh mì. Chị hồ hởi hỏi thăm người này người kia, hỏi giờ họ sống ra sao? Ai cũng có vẻ hạnh phúc và vừa lòng với những gì họ đang có. Họ hỏi chị và anh Tư xe ôm sao rồi? Chị hỏi sao là sao? Chị bánh mì cười giòn "giả đò hoài, về sống chung cho rồi, hai người thuê hai nhà chi cho tốn?" Chị lại cười.
                  Họ, một người đàn ông nghèo, bốn mươi tuổi, chạy xe ôm, một người con gái lỡ thì, sống nhờ thuốc và không biết còn bao nhiêu ngày đời mình kết thúc, bán hàng tạp hóa, hàng ngày cứ ra vào lo lắng cho nhau. Ai cũng mong họ về sống chung với nhau. Nhưng họ chỉ cười. Biết làm sao?
                   
                  TPHCM, 2/5/2008
                  Nguyễn Anh Đào
                   
                   
                   
                  #9
                    Ct.Ly 13.05.2008 21:29:06 (permalink)
                    #10
                      nguyenanhdao 14.05.2008 10:38:54 (permalink)
                      Cam on CTLy nhe, va ca anh Nguyen da "tiep don" nua. Em se rang viet nhieu hon nua, de duoc goi la "nha van", hihi
                      #11
                        nguyenanhdao 16.05.2008 18:27:34 (permalink)
                        ĐIỆN THOẠI

                        Cô vừa bàn giao xong công việc, công việc mới tuần sau mới bắt đầu. Cô thất nghiệp sáu ngày. Cô muốn đi chơi đâu đó, nhưng chẳng biết đi đâu? Không lẽ đi một mình? Từ ngày có chồng, bất cứ nơi nào không có anh, non nước hữu tình trở thành vô nghĩa.
                        Xoay xoay chiếc điện thoại trong tay, tự nhiên thấy chán nó. Những ngày cuối cùng ở công ty, điện thoại này chỉ để cô trả lời mỗi một câu "anh/chị vui lòng gọi cho X, Y... người này thay em, em đã chuyển công tác rồi!". Thế là khi bàn giao xong, điện thoại trở thành vô nghĩa. Nó nằm bất động, không cuộc gọi, không tin nhắn, không gì cả. Cô chợt cười, hóa ra mình là người của công việc. Thoát khỏi công việc ra, cô chẳng còn mối quan hệ nào.
                        Rất may, nó con có tác dụng vào sáu giờ chiều mỗi ngày như một thói quen, cô cầm nó để nhắn tin "anh có về ăn cơm không?", và sau đó là tin nhắn đã lời đã được cài đặt sẳn "có" hoặc "không". Cô vui vì tin "có" nhiều hơn "không".
                        Rồi cô gọi về quê cho mẹ, cho em gái, cho em chồng, cho cả hàng xóm (nhưng lại không gọi cho mẹ chồng). Rồi lại thấy buồn, ấn phím, tìm một cái tên có thể nói chuyện. Alô! Tao nè, xóa số tao rồi à? con X học chung lớp Y với mày ngày xưa nè! À, ừ, mà mày gọi tao có chuyện gì vậy? cưới nữa à? Rõ dở hơi! Gọi hỏi thăm không được à? buồn!
                        Sang làm công việc với không có nhiều mối quan hệ khách hàng, chỉ làm văn phòng nên có lẽ cô không cần điện thoại, cần thiết sử dụng điện thoại công ty là được. Bán nó đi hoặc cho ai đó. Chứ chỉ dùng để gọi chồng về ăn cơm thôi thì phí quá, không gọi chồng cũng về, cũng ăn cơm nhà thôi, chỉ thỉnh thoảng nhậu cùng bạn bè, say về rồi lăn quay ra ngủ, nhưng nửa đêm cũng bị đánh thức để nấu mì gói vì nhậu chẳng ăn uống được gì.
                        Trưa nay, cô nhận được tin nhắn của chồng "tự dưng thấy nhớ em quá!", vui hết cả buổi chiều. Thỉnh thoảng anh vẫn vậy. Rồi lại lẩn thẩn nghĩ, nếu không có điện thoại, niềm vui thế này kiếm ở đâu?


                        TRUNG THÀNH

                        Người đàn ông có giọng nói chắc, khỏe. Rất nhiệt tình với những người xung quanh, đôi khi hóa ra lố bịch một chút. Rất thích nói về những gì đã trải nghiệm ở cuộc đời, nói về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Mềm mỏng với các sai lầm của con cái, dịu dàng trong cuộc sống vợ chồng.
                        Ông có bốn con chó, hai con xích và hai con không. Hai con xích là hai con chó nhỏ, hiếu động, nghịch ngợm. Hai con chó già trung thành với chủ, trung thành với những bữa ăn và trung thành với cả chỗ nằm. Làm đúng chức năng nhiệm vụ, không hiếu kỳ, tò mò; như cuộc đời nó đã biết hết, biết đủ rồi.
                        Người đàn ông sáng nào cũng dắt chúng đi tè, đi ị ngoài đường. Xong rồi về, bảo "tao đi tập thể dục".
                        Ông có một sở thích khác người, sở thích độc ác đó là đánh chó. Mỗi lần ông quất khoảng vài cục roi, quất liên tiếp, quất dồn dập, sợi xích qúa ngắn, con chó không thể tránh né khỏi chiếc roi dài của ông, nó oằn mình chịu đựng. Hai con chó già chui vào chỗ của nó và nằm im, tránh gây tiếng động để tạo sự chú ý.
                        Không ai hiểu người đàn ông này tại sao có sở thích lạ kỳ như thế? Mỗi khi ông cầm chiếc roi, thấy ông không còn là con người như đã giới thiệu, đã thấy về ông.
                        Trong những gì trải nghiệm của cuộc đời mình, trong nhiều cách giải tỏa ức chế, xả stress, có thể ông đã chọn cách này. Vì loài chó là loài vật trung thành với chủ cho tới chết.

                        NGOẠI TÌNH

                        Là tội mà người đàn bà có thể bị ném đá cho tới chết, là tội mà người đàn ông có thể đầy vợ mình vào chỗ chết hoặc tù tội. Nó định nghĩa đanh thép như thế, trong tức giận!
                        Lý do ư? Không gì cả!
                        Anh nghèo, nó nghèo. Ai cũng biết. Cưới nhau xong vẫn nghèo! Tất nhiên.
                        Hỏi anh có bao giờ ngoại tình không? À, à, ừ ừ, có nhưng không phải bây giờ, chừng 5 năm nữa, khi nào anh giàu. Rơi thõm xuống hố sâu, không ngóc lên được, nó muốn anh mắng nó là đồ ngốc, mắng âu yếm.
                        Nó quyết cùng anh thoát nghèo, nó ủng hộ anh mọi thứ. Anh thức trắng đêm để tính toán, để làm giàu. Nó thức trắng đêm nghĩ, giàu nó sẽ mất anh.
                        Niềm tin ư? Không thể mất niềm tin vào một câu nói bâng quơ. Ừ, nhưng anh nói rất nhiều lần. Anh khẳng định mình sẽ ngoại tình khi giàu có. Tất nhiên nó không muốn anh ngoại tình. Và tất nhiên không muốn anh giàu. Mâu thuẫn! Nó tự thấy bế tắc, sự nghi ngờ của nó lớn dần với sự vô tâm của anh.
                        Vậy nó phải làm gì? Thoát nghèo để làm gì? Để mất gia đình ư? Vậy cần quái gì giàu có, nó cần gia đình hơn, cần anh hơn. Điên mất rồi.
                        Vì sao người ta ngoại tình?
                        Nó trả lời không do dự, vì người ta sống ích kỷ cho bản thân mình, là người không bao giờ biết sống vì người khác, là người muốn đánh mất hết giá trị bản thân.
                        Ơ... sao nó lại gay gắt thế nhỉ? Ghen với điều chưa xảy ra ư? Tại sao?
                        Được rồi, ngày mai, ngày kia gì đó, nó sẽ nói với anh rằng, nó hẹn hò với người nào đó, hẹn như hẹn người yêu. Vì nó nghèo, nó sẽ hẹn với những người giàu, giàu bằng anh của 5 năm sau. Người ta sẽ nói những câu có cánh, sẽ âu yếm bằng những lời yêu thương, người ta sẽ đưa nó lên số một. Ừa, tất nhiên anh sẽ ghen, gia đình nó sẽ tan vỡ, anh sẽ mắng nó là loại đàn bà không ra gì. Ừ tất nhiên. Nếu năm năm sau, anh ngoại tình, anh cũng chỉ ngoại tình với loại đàn bà không ra gì!
                        Vậy nó ghen làm gì nhỉ? Hết tức giận rồi, công nhận những định nghĩa triết học về tam đoạn luận, về tính chất bắc cầu trong chứng minh hình học... cũng có ý nghĩa ứng dụng ghê gớm đối với trạng thái tâm lý ghen tuông lúc này.
                        Thôi, đêm nay không thức để nghĩ về năm năm sau.
                        SG, 2/4/2008




                        #12
                          Ct.Ly 20.05.2008 06:56:29 (permalink)
                          #13
                            nguyenanhdao 24.05.2008 12:37:31 (permalink)
                            HẠNH PHÚC CÓ MÀU HỒNG



                            Nó thường có kinh không đều, chu kỳ thường ba mươi lăm có khi bốn mươi ngày, trước khi lấy chồng nó không nhớ nổi ngày mình có hàng tháng là bao nhiêu để xem là chu kỳ đúng hay sai, mà sau đó nó cũng không quan tâm nữa, cứ nghĩ ít có thì sạch sẽ thoải mái, ảnh hưởng gì ai.
                            Lấy chồng, lần đầu tiên nó nghe chồng hỏi "ngày nào tốt nhất?", nó ngơ ngác hỏi "là sao?", anh đã cốc đầu nó "ngốc! anh hỏi ngày nào em dễ có thai nhất". Nó mắc cỡ, rúc đầu và gương mặt đỏ lựng vào ngực anh "em không biết, để em tính đã!". Nhưng có nhớ ngày kết thúc kỳ kinh cuối đâu mà tính. Nhủ, tháng sau sẽ đánh dấu vào cuốn lịch trên bàn làm việc.
                            Tháng sau, ngày bắt đầu cho đến ngày kết thúc, nó đánh dấu bằng mực đỏ, cách đó mười ba, mười bốn ngày, nó bẽn lẽn thông báo với chồng "bữa nay ngày tốt!". Chồng kéo nhanh nó về phía mình, ôm thật chặt.
                            Ba mươi ngày kể từ ngày kết thúc bằng dấu mực đỏ trên cuốn lịch, không có dấu hiệu gì. Ba mươi lăm ngày, trễ năm ngày, nó mừng, chạy ra hiệu thuốc mua que thử. Chỉ có một vạch hồng. Chống cằm thắc mắc "người ta nói chỉ cần trễ vài ngày là đã lên rồi, hổng lẽ que hư?". Ba ngày nữa, nó ra mua que khác. Vẫn chỉ một vạch hồng. Đêm hôm đó, nó cầm cuốn lịch bàn, đánh dấu bằng bút đỏ cho ngày đầu tiên của tháng tiếp theo.
                            Một tháng, hai tháng, ba tháng, rồi một năm, mỗi tháng nó mua ít nhất hai cái que. Chưa lần nào số vạch trên que tăng lên. Hi vọng rồi thất vọng.
                            Vẫn nằm úp mặt, dụi đầu vào ngực chồng mỗi đêm, nhưng dấu bên trong là giọt nước mắt nóng hổi chực rơi xuống. Nó không còn dám thông báo "ngày tốt" với chồng nữa.
                            Hình như chồng nó cũng thất vọng nhiều sau bao nhiêu tháng chờ đợi mà không thấy nó thông báo tin gì mới. Vòng tay anh lơi dần.
                            Tháng thứ mười ba sau ngày đám cưới, cái que tăng lên vạch thứ hai, mờ mờ. Hai ngày sau, nó mua que khác, vẫn có vạch thứ hai, đậm hơn một chút. Nó hét thật lớn trong nhà vệ sinh, chạy như bay ra ngoài, kéo ghì cổ chồng xuống và hôn. Anh ngơ ngác "chuyện gì vậy?", nó lại ôm anh lần nữa "hai vạch màu hồng!".
                            Đêm đó, hình như cả hai không ngủ được vì vui, dù anh cứ hết vuốt tóc, đến sờ bụng rồi hôn nó âu yếm bảo rằng "ngủ đi, từ nay thì không còn được làm gì theo ý mình nữa, giữ sức khỏe tuyệt đối!".
                            Sáng hôm sau, anh đưa nó đến bệnh viện phụ sản, để khẳng định lại lần nữa điều mà cái que đã nói bằng hai vạch màu hồng.
                            Siêu âm không thấy gì, nhưng kết quả xét nghiệm thì khẳng định là có. Bác sĩ hẹn "tuần sau đến khám lại, thai còn nhỏ siêu âm chưa thấy là binh thường thôi".
                            Tuần sau, vẫn siêu âm, xét nghiệm. Vẫn lời hẹn như cũ. Hai đứa bỗng dưng nhìn nhau, có cái gì đó không ổn.
                            Chưa tới ngày tái khám, nó nghe nóng nóng, ba giọt máu tươi. Nó hoảng hốt gọi cho chồng đến đưa đi bệnh viện. Bác sĩ bảo vẫn chưa phát hiện điều gì, có thể thai yếu. Ba ngày sau lại đến.
                            Ba ngày sau, vẫn câu nói như cũ.
                            Một tuần sau, không phải là ba giọt máu tươi, mà là nghe máu trong cơ thể mình tuôn ra nóng hổi, tuôn ra như tất cả mọi nơi máu đổ dồn về đó. Nó bất tỉnh. Nghe tiếng bước chân chạy lao xao, nghe loa bệnh viện gọi "người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị...", sau đó là tiếng xe cấp cứu, tiếng gọi, tiếng nói, tiếng la mắng... Bên trên những tiếng ồn ào không rõ ràng đó là cái nắm tay rất chặt như đang cố gắng truyền thêm sức mạnh cho nó từ người chồng rất đỗi yêu thương.
                            Bác sĩ bảo "mổ gấp", chồng nó tái xanh "sao phải mổ?", "thai ngoài tử cung, không mổ sẽ nguy hiểm đến tính mạng người mẹ", "không có cách gì cứu hai mẹ con sao?" "không, cứu được mẹ, lần sau anh chị sẽ có những đứa con khác mà!". Chồng buông người xuống ghế, thẫn thờ. Chồng nắm chặt tay nó "gắng lên em, không sao cả, không sao đâu!", quá mệt mỏi, người đang lả đi nhưng miệng vẫn cố mỉm một nụ cười và lăn dài hai giọt nước mắt.
                            Sau vài câu hỏi của vị bác sĩ gây mê, thì nó không còn biết gì cho đến khi tỉnh dậy, nó nghe đau ở bụng, sờ tay xuống thì thấy những miếng băng được dán khắp nơi. Nó rên rỉ "đau quá!". Cô y tá trực vội vàng đến tiêm cho nó mũi thuốc giảm đau, rồi cô an ủi "ráng chút nha em, sẽ hết ngay thôi".
                            Đến sáng hôm sau, nó mới được đưa ra khỏi phòng hồi sức. Bác sĩ gọi cho chồng nó vào phụ để đưa nó lên phòng bệnh. Rồi vị bác sĩ nói như thông cảm "đêm qua chồng cháu nằm ngủ cong queo trên ghế ngoài hành lang". Nó nghe muốn khóc.
                            Phòng bệnh của nó nằm chung với ba bà mẹ khác vừa sinh xong. Ba ngày sau thì được xuất viện, ba người kia mang theo niềm vui được bế em bé về nhà. Còn nó ...
                            Nó cầm hai chiếc que có hai vạch hồng nó cất kỹ trong túi xách, bỗng sợ hãi nhớ tới lời bác sĩ "chú buộc phải cắt một bên tai vòi của cháu, chú rất tiếc". Nghĩa là khả năng có con của nó sẽ giảm đi một nửa. Một năm khỏe mạnh, nó mới có tin vui, bây giờ còn một nửa sức khỏe, nó phải mất thời gian bao lâu? Như thấy lo lắng của nó, vị bác sĩ già an ủi "không sao cháu ạ, giảm chút xíu thôi, vì tai vòi còn lại nó hoạt động được cả hai bên".
                            Về nhà, uống thuốc và ăn đủ thứ bổ dưỡng mà chồng mang về. Nó thấy ánh mắt chồng buồn lắm dù luôn an ủi nó là không có gì đâu. Nó hoang mang, sợ hãi đến những chiếc que sắp tới, nếu một bên tai vòi nữa bị cắt đi, nó sẽ mất vĩnh viễn khả năng làm mẹ.
                            Sau một tháng, tái khám, bác sĩ nói "cháu bình thường rồi, nếu muốn có con thì cứ có, không sao cả".
                            Nhưng cái đau vẫn còn, còn trong chính sự sợ hãi, nên nó bảo chồng "ngưng vài tháng nha, em đau lắm!". Anh gật đầu, nhưng mắt anh âu lo.
                            Sau ba tháng, nó quên dần cái đau, khát khao và hi vọng sống lại, lớn mạnh dần dần. Vòng tay anh siết chặt mỗi đêm, yêu thương và cố gắng.
                            Vẫn là những que thử vào cuối tháng. Nó mắc cỡ với các hiệu thuốc tây gần nhà, vì gần như họ quen với việc nó mua que thử. Nó đi nơi khác, đi ngang đường nào có tiệm thuốc tây tiện để ghé là nó vào mua, mua bất cứ lúc nào, mua dể dành.
                            Mỗi tháng, mỗi tháng, cái vạch hồng nhiệm màu thứ hai không hiện lên nữa, như trêu ngươi, như chọc tức.
                            Nó trở thành người "ghiền" xài que thử, tháng nào nó không dùng là cảm thấy bức rức. Nếu trễ chừng ba ngày là nó thấy không còn chút tập trung nào cho những việc khác nếu không lấy một trong những cái que kia ra mà xé vỏ bao, dù nó biết, chỉ để nhìn thấy một vạch hồng thất vọng.
                            Tháng thứ sáu sau ngày mổ, nó quyết tâm không dùng nữa. Một ngày, ba ngày, một tuần rồi mười ngày, nó quyết không nhớ đến những chiếc que nó mua để dành. Mặc kệ số ngày bị trễ, mặc kệ sự hi vọng, mặc kệ hết.
                            Tối đó nấu cơm, bỗng nhiên nó buồn nôn khi kho cá. Anh hỏi "tháng này em có trễ không?", nó thở dài "tháng nào cũng vậy mà", nhưng anh động viên "em thử lại coi sao?". Nó lắc đầu "thôi, chăc không phải đâu". Nó tiếp tục việc nấu bếp. Bữa cơm tối bồn chồn.
                            Sáng hôm sau, dậy thật sớm, mở tủ và quyết định xé theo một bao nữa. Một vạch và...vạch thứ hai, vạch nhiệm màu hiện lên. Nó hét lên, anh vùng dậy lao vào nhà vệ sinh, nó nhìn anh cười. Anh siết chặt nó. Bỗng nó bật khóc.
                            "Anh à, cầu nguyện cho em đi, để mình giữ được đứa con này, để mẹ con em bình an, đi anh!". Trong lời nói líu ríu, sợ hãi. Hình ảnh của lần phẫu thuật trước trở về, hăm dọa. Anh giữ chặt vai nó "không sao, không sao mà! Em mà khóc, sinh con ra mặt nó méo xẹo cho coi". Nó nhìn anh, quệt nước mắt rồi bật cười.
                            Vạch hồng thứ hai nhiệm màu này đã thực sự mang đến cho nó một thiên thần.
                            Sáng hôm qua, bác sĩ bảo "thai khỏe, có tim thai, chỉ cần không làm việc nặng là được thôi, cố gắng ăn uống vào nhé!"
                            Giờ thì nó đã hạnh phúc. Nhìn hai vạch hồng trên chiếc que cất kỹ. Nó mỉm cười, đó là màu hồng may mắn.



                            Tháng 5/2008
                            Nguyễn Anh Đào

                            Đã mang vào thư viện

                            Chúc NAĐ luôn vui

                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.05.2008 17:09:47 bởi Ct.Ly >
                            #14
                              Chuyển nhanh đến:

                              Thống kê hiện tại

                              Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                              Kiểu:
                              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9