Ăn chay
HongYen 10.05.2008 12:19:33 (permalink)
Thứ bảy, 10-05-2008

Lợi và hại của việc ăn chay
 
09-05-2008 10:51:14 GMT +7






Nên "thiết kế" thực đơn ăn chay hợp với từng người. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Chế độ ăn này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đường tiêu hóa, nhưng cũng có thể gây thiếu chất. Vì vậy, mỗi người cần có một cách ăn chay khác nhau
 

Nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn chay có các tác động tốt đến sức khỏe như:
 
Ít mắc bệnh đường tiêu hóa như viêm dạ dày, ruột, táo bón. Do thức ăn chay có nhiều chất xơ nên thời gian đi qua đường tiêu hóa nhanh hơn, cơ thể thải trừ được chất cặn bã tốt hơn, làm cho đường tiêu hóa sạch hơn.
 
Giảm hẳn nguy cơ bệnh tim mạch: Vì thực phẩm nguồn gốc thực vật không có cholesterol và rất ít chất béo bão hòa nên những người ăn chay trường diễn có nồng độ cholesterol rất thấp, họ hầu như không bị tăng cholesterol xấu ở trong máu. Do đó những người bị bệnh động mạch vành nên ăn chay. Nhiều nghiên cứu cho thấy người ăn chay thường có huyết áp thấp, song phải chú ý không nên ăn mặn và nhiều dầu. Một số thực phẩm như cơm dừa, hạt có dầu chứa rất nhiều chất béo bão hòa, người ăn chay nên hạn chế.
 
Ít bị thừa cân, hạn chế béo phì: Do trong khẩu phần ăn nhiều rau, chất xơ thể tích lớn nên dù bạn ăn no vẫn không bị thừa calo. Song nếu ăn chay mà lại chọn các món chiên đầy dầu thì sẽ được cung cấp nhiều calo hơn ăn mặn.
Do chỉ sử dụng thực phẩm nguồn gốc thực vật nên người ăn chay có thể bị thiếu một số chất như:
 
Canxi: Phần lớn canxi có trong sữa, các sản phẩm sữa, cá, xương động vật nhưng các thực phẩm này không có trong khẩu phần của người ăn chay. Do đó họ thường hấp thu canxi dưới mức tiêu chuẩn, dễ dẫn đến loãng xương và một số rối loạn khác. Một số thức ăn chay cũng có nhiều canxi như đậu phụ, cải xanh, rau lá xanh đậm... nhưng không dễ hấp thụ.
 
Sắt: Thực phẩm từ thực vật có rất ít chất sắt, lại là loại khó hấp thụ. Có thể cải thiện phần nào tình trạng này bằng cách ăn nhiều rau quả giàu vitamin C. Tình trạng thiếu sắt gây thiếu hồng cầu, làm cho người xanh xao yếu ớt.
Vitamin B12: Chất này có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa. Thức ăn từ thực vật không có vitamin B12 trừ món chế từ đậu nành cho lên men.
 
Thiếu các loại đạm quan trọng: Con người cần 20 loại acid amin, trong đó có 9 loại thiết yếu mà cơ thể không sản xuất được, phải lấy qua thức ăn. Chất đạm động vật có đầy đủ cả 20 acid amin, còn đạm thực vật thì thiếu một vài acid amin thiết yếu.
 
Do đó, việc ăn chay không nên rập khuôn mà phải phù hợp với yêu cầu mỗi người. Nếu là người lớn khỏe mạnh bình thường, nên ăn chay một vài lần trong tháng cho bộ máy tiêu hóa được “vệ sinh sạch sẽ” và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, chuyển hóa, béo phì.
 
Những người mắc bệnh tim mạch, gan, thận nếu phải ăn chay để ngăn bệnh nặng thêm thì phải thay đổi thực đơn thường xuyên để bổ sung đủ chất. Nên ăn pha thêm chút thịt, cá, trứng, sữa để bảo đảm dinh dưỡng.
 
Người ăn chay trường diễn nếu biết cách thay đổi món ăn thường xuyên cũng sẽ giảm tối đa nguy cơ thiếu chất. Tuy nhiên, trẻ em, bà mẹ mang thai hay cho con bú, người bệnh mới lành... không nên ăn chay trường.
 
Theo BS Đinh Lan Anh / Sức Khỏe & Đời Sống

http://www.nld.com.vn/tintuc/suc-khoe/224197.asp
#1
    Như Ý P 02.01.2009 11:25:39 (permalink)
    Sinh Tố B12 Trong Vấn Đề Ăn Chay  
    NGUYỄN THƯỢNG CHÁNH, DVM .
     Việt Báo Thứ Bảy, 12/27/2008, 12:00:00 AM


    Thuốc bổ vitamin B-12.

    Nguyễn Thượng Chánh, DVM

    VITAMIN B 12 (cyanocobalamin): cần trong việc tạo lập hồng huyết cầu, có ích cho tủy xương, giúp tế bào phân cắt và tăng trưởng cũng như bảo vệ bao myelin của dây thần kinh...B12 còn dự vào việc tổng hợp của vài loại amino acids, của acids béo và của ADN.

    Vitamin B12 hoạt động phối hợp với chất folic acid hay folate (Vitamin B9) trong các biến dưỡng vừa kể.
    http://www.mayoclinic.com/health/vitamin-B12/NS_patient-vitaminb12
    http://www.vitamins-supplements.org/vitamin-B12-cyanocobalamin.php

    Vậy Vitamin B12 từ đâu mà có?
    B12 được tổng hợp bởi một vài loại vi sinh vật sống trong bộ máy tiêu hóa của thú vật.

    Ở các loài thú nhai lại  (ruminant) như trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, vi sinh vật trong dạ cỏ (rumen) tức là bao tử thứ nhất có nhiệm vụ chuyển hóa chất cellulose từ rơm rạ và cỏ ra thành các chất dinh dưỡng, đồng thời cũng tổng hợp ra vitamin B12.

    Một khi hấp thụ vào máu, B12 được phân phối đi khắp nơi.
    Ở loài bò, gan là cơ quan chứa nhiều B12 nhất, kế đến là thận. Ở người, phần kết tràng (colon) của ruột già là nơi vi khuẩn tổng hợp B12, nhưng vitamin nầy không được hấp thụ tại đây mà lại bị thải ra ngoài theo phân...
    Trong môi sinh, một vài loại vi khuẩn trong đất cũng tổng hợp được vitamin B12. Để cho việc tổng hợp B12 có thể xảy ra được cần phải có sự hỗ trợ của một bần tố (oligoelement), đó là cobalt.  Chất nầy hiện diện trong đất và trong rau cỏ.
    Thú vật lúc ăn cỏ thường ăn luôn cả đất cát có chứa vitamin B12, nhờ vậy chúng thỏa mãn đủ nhu cầu về vitamin nầy...

    Đối với con người, chúng ta thường rửa sạch rau quả mỗi khi ăn. B12 hiện diện trong đất cát bám bên ngoài mặt các rau quả nầy, phần lớn đều bị trôi đi hết.

    Ở một số loài vật như thỏ, chúng thường có thói quen ăn phân trở lại mỗi khi được bài tiết ra ngoài. Sự kiện nầy giúp chúng thỏa mãn đủ nhu cầu về B12...

    Các nhà khoa học đều xác nhận rằng hầu như tất cả các thức ăn nguồn gốc thực vật đều không có chứa vitamin B12, ngoại trừ một vài loại thực phẩm, như đậu nành ủ lên men Miso (giống như tương) của Nhật Bản và Tempeh của Nam Dương, tảo vi sinh Spurilina, Chlorella và rong biển Nori, Wakame, v.v…Các loại thực phẩm vừa kể đều có chứa phần lớn những chất tương tự như vitamin B12, nhưng lại không có hoạt tính (inactive), khoa học gọi chúng là B12 analogues, cơ thể không thể sử dụng được. Chỉ một số rất ít B12 còn lại mới là B12 thật sự hữu dụng mà thôi!

    Ngoài ra, các loại men dinh dưỡng như men bia (brewer’s yeast) cũng có chứa B12. Men bia dưới dạng viên hoặc bột được dùng để uống hoặc pha vào nước trái cây nhằm mục đích bồi bổ sức khỏe. Spurilina và men bia được thấy bán trong các tiệm thuốc tây và trong các tiệm bán thực phẩm thiên nhiên...

    Nói tóm lại, nguồn cung cấp B12 tốt nhất của chúng ta vẫn là từ các sản phẩm gốc động vật.
    B12 có nhiều nhất trong gan bò (100gr gan chứa 60mcg B12), kế đến là trong thận, thịt bò (100gr có 0.6mcg B12), thịt gà (0.3mcg), thịt heo (0.6mcg), trong cá (4-5mcg), hột gà (0.5mcg), tôm cua sò và trong sữa, fromage (0.25-0.5mcg)...

    Khi chúng ta dùng những thực phẩm có chứa Vitamin B12, chất hydrochloric acid trong dịch vị tiêu hóa sẽ giúp phóng thích B12 ra ngoài.

    Đồng thời một chất khác được gọi là yếu tố nội tại (intrinsic factor) tiết ra từ niêm mạc bao tử sẽ kết hợp với vitamin B12. Lúc đi qua phần hồi tràng (ileum) của ruột non, B12 sẽ được các thụ thể chuyên biệt (specific receptors) tại đây hấp thụ vào máu. Ruột già không hấp thụ được B12.

    Trong cơ thể, phần lớn B12 được dự trữ trong gan.
    Nhu cầu hằng ngày của chúng ta về B12 rất ư là thấp, khoảng 2.5 - 3mcg (micrograms). Nhu cầu nầy phải cao hơn đối với phụ nữ trong thời gian mang thai hoặc đang cho con bú.
    Vì thực vật không có B12 nên các người ăn trường chay thuần túy (vegan) cần phải uống thêm các supplements có chứa B12, hoặc dùng những loại sản phẩm hay thức ăn đã được tăng cường (fortified) thêm B12. Nhờ gan có khối dự trữ dồi dào cho nên trong điều kiện ăn uống thiếu B12, thì cũng phải từ 3 năm trở lên mới thấy các triệu chứng của việc thiếu vitamin B12 xuất hiện ra.

    Thường thì bệnh nhân sẽ cảm thấy bần thần mệt mỏi, kèm theo các dấu hiệu của hiện tượng thiếu máu, dễ bị lạnh, lâu ngày sẽ có các triệu chứng thần kinh, thay đổi tâm tính, trí nhớ kém, trầm cảm, tê tay tê chân, mất thăng bằng lúc đi đứng, v.v…

    Bệnh thiếu máu do thiếu B12 được gọi là bệnh thiếu máu ác tính (pernicious anemia) rất nguy hiểm.

    Đôi khi ăn uống đầy đủ B12 nhưng vẫn bị thiếu máu như thường, trường hợp nầy xảy ra khi B12 không được hấp thụ ở ruột non vì thiếu sự trợ giúp của hydrochloric acid hoặc thiếu chất nội tại của bao tử.
    Ngoài ra, rượu, thuốc lá, vài loại thuốc ngừa thai và các thuốc làm giảm độ chua (antacid) của bao tử chẳng hạn như  Tagamet, Zantac ,Nexium, Pepcid cũng có thể làm giảm phần nào sự hấp thụ của B12.

    Hiện nay Vitamin B12 là đề tài tranh luận chính yếu giữa phe ăn chay và phe ăn mặn!.

    Montreal, Dec 25, 2008
    NGUYỄN THƯỢNG CHÁNH, DVM
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.01.2009 11:41:31 bởi Như Ý P >
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9