CHỮ NÔM THÀNH QUẢ QUÁ TRÌNH GIAO TIẾP
nguyen quoc khanh 16.05.2008 10:02:56 (permalink)
0
CHỮ NÔM THÀNH QUẢ QUÁ TRÌNH
GIAO LƯU VĂN HÓA
Trong xã hội loài người, nhu cầu giao tiếp và trao đổi thông tin là không thể thiếu được. Chính nhờ nhu cầu giao tiếp và trao đổi thông tin mà tiếng nói và chữ viết đóng một vai trò rất quan trọng. Ngay từ xa xưa, khi chưa có chữ viết, con người lúc đó đã dùng các hình vẽ để biểu đạt và trao đổi thông tin với nhau. Và cũng từ đó có thể nói, hình vẽ là tiền thân của chữ viết. Trong lịch sử chữ viết nhân loại, hầu hết các ngôn ngữ, chữ viết trên thế giới đều có nguồn gốc sơ khai từ những hình vẽ, ban đầu chỉ là những hình vẽ đơn giản nhằm trao đổi thông tin với nhau, cùng với thời gian các nét vẽ dần được đơn giản hoá và trở thành các dạng chữ viết như ngày nay.
Việt Nam là một quốc gia có nền văn hoá phát triển rất sớm. Các nhà nghiên cứu văn hoá và ngôn ngữ luôn đặt câu hỏi liệu từ xa xưa trong lịch sử, nền văn minh này đã có chữ viết chưa. Với những hình vẽ hoạ tiết rất sinh động trên trống đồng Đông Sơn cho nên trong giới nghiên cứu khoa học lịch sử Việt Nam đang tồn tại những giả thiết về một thứ văn tự cổ nào đó của người Việt từ thời các Vua Hùng dựng nước.
Với các nét vẽ sinh động, trang trí hoa văn rất đặc biệt diễn tả toàn bộ mọi khía cạnh trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, từ đó có cơ sở để khẳng định, ngay từ xa xưa trong lịch sử người Việt cổ đã có loại văn tự riêng của mình. Tuy nhiên, điều này cần thiết phải có sự nghiên cứu và tìm hiểu sâu sắc hơn nữa vì đó mới chỉ là giả thiết. Trong nền văn hiến ngữ văn cổ điển Việt Nam còn lưu truyền đến ngày nay chỉ còn biết đến có chữ Hán và chữ Nôm trong lịch sử hình thành và phát triển của mình. Do đó chữ Hán và chữ Nôm vẫn là nền tảng của quá trình phát triển văn hóa nói chung và ngôn ngữ nói riêng.
Trong đại thể, từ chữ vuông của tiếng Hán đến chữ vuông của chữ Nôm là con đường rất gần gũi, bởi vậy, một văn bản chữ Nôm và một văn bản tiếng Hán thoạt nhìn khó phân biệt. Về nguồn gốc của chữ Nôm cho đến nay có rất nhiều ý kiến khác nhau, các học giả phương tây cho rằng chữ Nôm là tiếng nói của người phương Nam. Điều này phù hợp với cấu tạo của chữ Nôm (喃), gồm có bộ khẩu và chữ Nam (口+南) ở bên cạnh. Tiếng Việt và tiếng Hán dù có thể bắt nguồn từ những ngữ hệ khác nhau, song về mặt loại hình chúng lại rất gần gũi nhau. Cả hai đều là ngôn ngữ thuộc loại đơn lập âm tiết tính, mà đặc điểm chung cơ bản là mỗi âm tiết hầu như đều mang nghĩa, đều có thể sử dụng như một từ mà không biến hình. Chính vì vậy mà chữ Hán với mô hình biểu âm, biểu ý cho từng âm tiết một sẽ là hình ảnh lý tưởng cho văn tự tiếng Việt thời bấy giờ. ở chữ Nôm, do mỗi một âm tiết được biểu hiện bằng một chữ vuông, cho nên người ta đã phải tạo ra rất nhiều chữ thì mới sử dụng được. Chính vì vậy chữ Nôm đã sử dụng triệt để các nguyên tắc cấu tạo của chữ Hán để hình thành và cấu tạo, như mượn nguyên dạng chữ Hán để làm chữ Nôm, hoặc mượn các yếu tố có sẵn có của chữ Hán rồi đem ghép lại, hoặc có thể mượn một trong ba góc độ của một từ như âm đọc, hình dáng và ý nghĩa để tạo ra chữ Nôm, với những cách vay mượn biến hóa sáng tạo tài tình mà ông cha ta đã đạo dựng nên một hệ thống chữ Nôm rất phong phú và đa dạng, do đó có trường hợp có chữ Nôm hoàn toàn trùng với chữ Hán song âm và nghĩa lại khác hẳn nhau. Hoặc có trường hợp chữ dùng đơn thuần về mặt âm còn nghĩa thì khác hẳn, ví dụ như từ một trong tiếng Hán và từ một trong chữ Nôm.
Đứng về mặt tiếp xúc, giao lưu ngôn ngữ và văn hoá trong lịch sử có thể nói, chữ Hán du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau nhưng tựu chung lại việc truyền bá này thông qua hai con đường là truyền bá phật giáo và truyền bá nho giáo. Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ rất sớm và đã để lại những thành quả về ngôn ngữ rất đặc biệt.
Giáo sư Đặng Đức Siêu, Khoa ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu: "Từ thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên và cho đến khoảng thế kỷ thứ 10, chữ Hán đã tìm được con đường thâm nhập vào trong hoạt động văn hóa, tinh thần của người Việt một cách dễ dàng hơn và lại nhờ một hoàn cảnh hết sức đặc biệt đó chính là sự truyền bá Phật giáo, chúng ta biết rằng Phật giáo vào Việt Nam rất sớm và vì nó là một tôn giáo, một tín ngưỡng, đi vào Việt Nam với tư cách sứ giả hòa bình, cho nên Việt Nam đã sớm tiếp nhận và có một ấn tượng, một tình cảm rất sâu sắc đối với phật giáo nhưng chắc chắn rằng trong 5, 6 thế kỷ đầu Công Nguyên hoạt động Phật giáo nó cũng không được triển khai một cách mạnh mẽ vì Trung Hoa tiếp nhận Phật giáo khá chậm nhưng sau khi Trung Hoa đã tiếp nhận Phật giáo thì họ lại Trung quốc hóa Phật giáo khá nhanh bằng cách dịch rất nhiều các Kinh Phật bằng chữ Phạn ra chữ Hán và viết rất nhiều sách bàn về những kinh Phật đó và tất cả những sách đó tất yếu sẽ được chuyển vận vào Việt Nam một cách dễ dàng, hơn.
Có thể nói việc truyền bá Phật giáo đặc biệt là kinh Phật đã tạo ra nhu cầu tìm hiểu là lý giải những giáo lý càng trở nên cấp thiết hơn chính vì vậy việc học chữ Hán trong giai đoạn này cũng đã phát triển hơn, khi Nho giáo vào Việt Nam, việc học và sử dụng chữ Hán trở thành một nhu cầu thiết thực hơn như chủ động đào tạo nhân tài cho đất nước theo con đường nho học và sử dụng chữ Hán một cách phổ biến và có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nếu như trong giai đoạn trước việc học tập chữ Hán chủ yếu dùng để hiểu biết những lý lẽ của đạo Phật thì sau này việc học tập chữ Hán trở thành một nhu cầu chính thống, học chữ Hán để hiểu biết đồng thời học để thi cử, chọn hiền tài cho đất nước mà qua đó có thể nói rằng việc sử dụng chữ Hán đã trở nên rộng khắp không chỉ dùng để ghi chép các công việc quản lý hành chính mà nó còn có vai trò quan trọng trở thành chữ viết trong hệ thống thi cử nho học xưa kia.
Theo dòng chảy của thời gian, nhiều sự kiện lịch sử đã diễn ra và có thể nói sau việc truyền bá của Phật giáo thì Nho giáo cũng tìm được con đường du nhập vào Việt Nam. Nho Giáo - một học thuyết Chính trị đạo đức ra đời trước đó hơn một nghìn năm đã góp phần to lớn tạo lập nên Nhà nước Trung Hoa với nền văn hoá phát triển rất rực rỡ, sự kiện mở đầu cho quá trình lựa chọn đó được trịnh trọng ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 大 越 史 記 全書 "Năm Canh Tuất, niên hiệu Thuần Vũ thứ hai năm 1070 đời Lý Thánh Tông 李聖宗, mùa thu tháng tám cho dựng Văn Miếu đắp tượng Khổng Tử... " việc cho xây dựng Văn Miếu Quốc Tử giám vào Năm 1070 của Vua Lý Thánh Tông đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và sử dụng tiếng Hán ngày một phát triển. Nếu như trong giai đoạn trước, việc học tập chữ Hán chủ yếu dùng để hiểu biết những lý lẽ của đạo Phật thì thời điểm này, việc học tập chữ Hán trở thành một nhu cầu chính thống, học chữ Hán để hiểu biết, đồng thời trở thành việc học tập thi cử của các khoá sinh. Từ đó sử dụng chữ Hán đã trở thành rộng khắp không chỉ dùng để ghi chép trước thuật quản lý hành chính mà nó còn có vai trò quan trọng, trở thành chữ viết trong hệ thống thi cử nho học xưa kia. Tiêu biểu như năm 1075 dưới thời Lý Nhân Tông (1072 - l128) khoa thi Nho học đầu tiên ở Việt Nam đã được tổ chức. Từ đó cho đến năm 1919 là năm mở khoa thi cuối cùng ở Huế, cả nước có 2.898 người đỗ đại khoa và đây là lực lượng chủ yếu gây dựng nền văn hiến Việt Nam qua nhiều thế kỷ.
Tóm lại: Qua phần tìm hiểu vai trò của chữ Hán trong sự hình thành của chữ Nôm giúp chúng ta những người hàng ngày, hàng giờ sử dụng tiếng Việt, tiếng nói của ông cha ta lưu lại từ ngàn đời. Đồng thời, việc tìm hiểu này, cũng giúp chúng ta có những kiến thức căn bản về chữ Hán và chữ Nôm để qua đó có thể dễ dàng tiếp nhận những tinh hoa trong kho tàng văn hoá chữ Hán và chữ Nôm mà ông cha ta để lại
 
NTL
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9