truyện ngắn Nguyễn anh Đào
nguyenanhdao 02.06.2008 19:15:13 (permalink)
“THỬ”
Trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức căn bản về tâm sinh lý, tôi bắt đầu một phép thử, điều mà xã hội đang cố gắng để hạn chế, đó là sống thử. Mặc kệ người ta, cuộc sống của mình, mình sống, và sống thật. Tôi sắp xếp cho mình một cuộc sống của người đã có chồng. Chẳng có gì là phức tạp khi và tôi về sống cùng nhau, vì cả hai đều thuê nhà trọ như nhau, chỉ cần trả một nhà và dọn sang nhà còn lại. Đơn giản thế thôi.
Nhưng mọi sự bắt đầu từ đây, những rắc rối và cảm giác hụt hẫng cũng bắt đầu từ đây.
Anh là một kỹ sư, dù chưa phải là người thành đạt, nhưng tính chất công việc giúp anh có điều kiện đến nhiều nhà hàng, được ăn nhiều món ngon mà một đứa con gái lớn lên trong gia đình nông dân như tôi chưa bao giờ nghe đến. Sở thích về ăn uống cũng trái ngược nhau, anh thích ăn hải sản, còn tôi thích ăn thịt và những món béo. Nên mỗi bữa cơm với túi tiền hạn chế chỉ đáp ứng được một bên. Thế là anh chê tôi nấu ăn kém, anh so sánh tôi với những người phụ nữ quanh anh, dù rằng rất tự ái nhưng tôi biết mình cũng thiếu sót thật, vì thật ra tôi nấu không bằng nhà hàng nấu. Nên tôi im lặng, một điều nhịn chín điều lành. Tôi cũng cố gắng tìm xem những món hải sản nào có thể làm được trong túi tiền cho phép, nhưng tìm mãi tôi chẳng bao giờ thấy.
Tôi cũng phải đi làm một ngày tám tiếng, tuy tiền lương thấp hơn của anh, nhưng công việc nhiều khi căng thẳng, về đến nhà tôi muốn cho phép mình lười biếng, muốn đọc một câu chuyện giải trí, ăn mì gói rồi vùi ngủ trong chăn. Nhưng từ ngày có anh, thời gian để dùng vào những việc như thế trở nên xa xỉ, thậm chí thời gian để gặp gỡ bạn bè cũng không hề còn nữa. Trong khi tôi về nhà phải vào bếp với bao nhiêu chuyện cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp… thì anh bình thản ngồi chơi game cho tới khi dọn cơm, thậm chí gọi tới lần thứ tư thứ năm anh vẫn còn tiếc nuối chưa buông được con chuột máy tính. Khi lên tiếng cần anh phụ giúp thì anh hỏi tôi “làm phụ nữ để làm gì?” (?!). Nhiều khi tôi chỉ biết ngồi khóc.
Anh hứa sẽ đưa tôi đi chơi vào cuối tuần và còn từng mơ một cảnh gia đình hạnh phúc cùng con cái cùng đến công viên chơi. Nhưng bây giờ lại khác, năm thì mười họa tôi năn nỉ rồi giận hờn mới được cùng anh ra khỏi nhà trong tâm trạng bị ép buộc. Dẫu ở nhà anh giành thời gian của mình cho game mà thôi. Trong khi đó, anh dành ít nhất một tuần một ngày cho bạn bè của mình. Mà gặp bạn bè thì anh lại uống say, tôi ở nhà lo lắng bất an sợ tai nạn trên đường về. Nhưng hễ tôi cằn nhằn thì anh lại bảo “thằng” này, “thằng” kia (bạn anh) đi nhậu có bị vợ cằn nhằn bao giờ đâu. Còn tôi, mỗi khi muốn sang nhà bạn mà không có anh đi cùng thì ít nhất tôi cũng nghe một câu nào đó khó chịu từ anh.
Sống cùng nhau, tôi bị giằng co giữa sự lo lắng, sợ sệt và niềm khát khao. Tôi thèm có một đứa con, nhưng có con lúc chưa cưới nhau là điều không thể. Hàng ngày, hàng tháng tôi luôn bị sự lo sợ và mong đợi ấy “đánh nhau” trong lòng.
Từ ngày về cùng nhau, tính tình anh đổi khác. Nói đúng hơn, là con người thật của anh xuất hiện mà trước đây khi bên nhau mỗi tuần vài lần tôi không thấy được. Trong sâu thẳm của trái tim một người dù phóng khoáng đến đâu thì vẫn mang dòng máu và quan niệm của con người Á Đông, vì thế, tôi có cảm giác rằng anh đang xem tôi là con người dễ dãi và buông thả, tôi không còn được anh tôn trọng như lúc đầu nữa. Thỉnh thoảng giận nhau anh lại đòi chia tay với lý do “chúng ta chẳng hợp nhau”. Thế là tôi im lặng.
Khi anh mệt mỏi, tôi mua thuốc, nghĩ xem có món ăn nào bổ mua về bồi dưỡng cho anh. Còn tôi mệt mỏi, anh mắng nhiếc tôi lười biếng.
Ra đường, anh ngắm các đường cong đường thẳng các cô gái, về nhà anh lắc đầu với thân hình của tôi.
Đó là chưa bao giờ chúng tôi cãi nhau về chuyện tiền nong, vì hiện giờ chúng tôi đang theo “chế độ” rất sòng phẳng là tiền ai nấy giữ, mỗi tháng đóng góp như nhau vào quỹ tiêu xài chung. Chi tiêu đều được tôi ghi sổ rất chi tiết. Tôi không bao giờ muốn bị người ta nói rằng tôi đã sử dụng tiền của người yêu mình khi chưa cưới nhau.
Tôi biết anh đang cố “đào tạo” tôi thành một người vợ theo ý anh, nhưng rất tiếc là tôi đành phải nộp đơn … xin nghỉ việc. Bởi điều tôi cần là sự quan tâm, sự yêu thương và tôn trọng của anh. Và tôi cũng cần sống cho tôi nữa. Tôi đã quá bồng bột khi nghĩ rằng tình cảm và sự hi sinh của mình có thể đổi được tình yêu của anh.
Tôi không biết tất cả các cặp vợ chồng mới cưới đều rơi vào cảm giác hụt hẫng như tôi bây giờ hay không? Nhưng dù sao tôi vẫn quyết định là mình sẽ chia tay và làm lại. Bởi tôi không muốn là người giúp việc không lương cho anh. Suốt ngày chỉ biết phục tùng mà không có quyền đòi hỏi, không được sẻ chia.
Nếu yêu lần nữa, tôi sẽ không “thử” thế này!
Anh Đào  
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.06.2008 19:24:26 bởi nguyenanhdao >
#1
    nguyenanhdao 02.06.2008 19:17:52 (permalink)
    NGÔI NHÀ NÍU NHỮNG YÊU THƯƠNG
     
    Mấy ông bạn già vỗ vai cười khà khà trong men say, tự dưng ông muốn khóc, xúc động giống như cái buổi chia tay anh em trong đơn vị về nông trường này. Ngày mai ông về hưu. Đáng ra ông cũng còn đủ sức để làm chừng vài ba năm nữa, nhưng ông thấy mình mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi. Về nhà, trồn kiểng nuôi chim, chiều chiều đánh ván cờ cùng các ông bạn già, rồi ngày cũng qua ngày. Chẳng mấy lúc nữa đâu, ông sẽ xa vĩnh viễn thế giới này, xa một cuộc đời nhọc nhằn và đắng cay. Từng bị đeo cùm đeo gông chịu tra tấn trong nhà tù Mỹ Ngụy, rồi về nông trường, mệt mỏi với những bài toán kinh doanh sản xuất, mệt mỏi với nền kinh tế thị trường… Tới ngày về hưu, không có gì trong tay ngoài chút luyến lưu của đồng nghiệp, ngoài ánh mắt vì nể của một số cán bộ trẻ, một số thôi, còn một số thì dường như hả hê với quyết định này, vì họ chờ đợi ông trả cái ghế phó giám đốc này lại cho nông trường, để họ có cơ hội mà giành giật nhau, mà cấu xé lẫn nhau. Thậm chí giết nhau chỉ vì một chiếc ghế. Nhưng … đời mà!
    Ông năm mươi tám tuổi, cái tuổi đã bắt đầu phải cậy đến con, đến cháu. Ông có bốn đứa con, ba trai một gái, chúng đã có gia đình, được học hành và thành đạt. Nhưng chúng không sống cùng ông. Chúng đã bỏ ông gần hai mươi năm nay, từ ngày đứa con gái út chưa đủ tuổi đến trường. Lý do đơn giản là cái chân bảo bệ nông trường ngày ấy ông không kiếm nổi tiền để cho gia đình với sáu miệng ăn này được sung túc. Bà bỏ ông và đưa hết những đứa con thân yêu của ông vào Sài Gòn sinh sống. Gần hai mươi năm, sáu bảy lần lặn lội vào Nam thăm con, nhưng chưa một lần ông nghe được lời hỏi thăm tình cảm nào của những đứa con mang dòng máu của ông, những đứa con mà ông nặng lòng thương nhớ. Có lẽ mẹ chúng đã vẽ trong chúng hình ảnh một người cha qua xấu xa nên chúng không dám nhìn nhận. Nghèo cũng là một cái tội lớn mà ông đã phải trả giá quá đắt khi nhận lấy nó.
    Ngày đầu về hưu, Ông dự định sẽ dung hết số tiền tích cóp được quay vào Nam, sống một nơi nào đó cũng được, để gần các con, để gần người vợ mà sau bao nhiêu năm ông vẫn không nguôi thương nhớ. Dẫu rằng không ai mặn mà với ông, nhưng ông không muốn cái khoảng cách địa lý ấy ngăn bước chân tuổi già của mình.
    Ông đang sống trong một ngôi nhà nhỏ, nằm lọt thỏm trong một khu vườn rộng mênh mông ở ngoại ô Hà Nội. Ông sống cô đơn từ ngày còn là bảo vệ cho nông trường Đinh Xuân cho đến ngày là một phó giám đốc. Ông biết mình không thể nhanh nhạy bằng lớp trẻ khi quản lý nên ông chỉ giữ chức ấy trong ba năm, rồi xin về hưu sớm. Có người độc mồm còn bảo với cái chức ấy thì ngần ấy thời gian ông cũng đủ vốn mà an hưởng nốt những ngày của cuộc đời còn lại. Nhưng ông chẳng có gì ngoài đôi vẹt và một số cây kiểng mà anh em cùng đơn vị lâu ngày gặp lại đã tặng cho ông.
    Có lần ông ốm, sốt mê man đến mấy ngày liền mà không ai biết, có những lúc ông tưởng mình đã đi rồi, đi trong chính sự cô đơn và thất vọng, nhưng trời không thương, cứ bắt ông sống. Sống như người đã chết…
    Cái tin dự án đường cao tốc Láng Hòa Lạc đi qua, nhà ông trở thành nhà mặt tiền, bỗng chốc được định giá bằng “tấc đất tấc vàng”, ông không hiểu vì sao? Có nhiều người đến hỏi mua căn nhà ấy của ông, có người còn năn nỉ ông cắt một mảnh nhỏ ở góc vườn thôi, bán cho họ cũng được. Ông nghĩ lạ, có bao giờ ông bán nhà đâu cơ chứ? Đi làm hai mươi mấy năm, có nằm mơ ông cũng không nghĩ mình đang sở hữu một tài sản có giá hàng tỷ đồng. Mà nếu căn nhà ông đang ở có đáng giá đến thế thì ông cũng không bán nó, đó là ngôi từ đường từ tổ tiên ông để lại, bàn thờ cha mẹ, tổ tiên còn đó, bán đi rồi về thế giới bên kia ăn nói thế nào với họ?. Ông còn một người em trai, cũng đi kinh tế mới từ những năm tám mươi, cũng không liên lạc gì cho ông, sống chết thế nào ông cũng chẳng biết, mà ông cũng không có hơi sức đâu mà đi tìm. ruột rà máu mủ mà không muốn quan tâm đến nhau thì thôi, ông cũng không cần biết, sống được đến tuổi này cũng là cái phúc cho đời ông rồi.
    Ông định ở lại ngôi nhà này cho đến hết năm nay, rồi khóa trái cánh cổng này lại, sẽ vào Nam, thuyết phục bà và các con về Hà Nội hoặc ông sẽ ở lại hẳn trong Nam nếu các con và vợ ông đồng ý. Nhà ngoài ấy bán cũng được, bán rồi chia đều cho bọn nó, lấy vốn mà làm ăn, chắc cũng không ai trách mình ở cái tuổi này mà phải ở một mình thu thủi để giữ từ đường, có chăng là trách ông không đủ bản lĩnh để có thế hệ thừa kế, thế hệ biết sống và nhớ về nguồn cội của mình.
    Ông nhớ hôm ấy là chủ nhật, một ngày chủ nhật lạ lùng nhất trong đời mà ông từng gặp, một ngày mà ông không biết nên vui hay buồn. Cảm giác sung sướng, lo sợ, khó hiểu cứ bám víu lấy ông. Sáng, ông nhận được điện thoại của người em trai mà ông coi như mất tích hai chục năm nay, giờ gọi về hỏi thăm ông có khỏe không? Và có còn nhớ gì về những kỷ niệm ngày xưa đã tranh tranh nhau để được đi bộ đội, hỏi ông có nhớ ngày xưa còn ăn khoai độn gạo hẩm, những ngày phải ăn lá cây rừng thay cơm, những cơn sốt rét… Ông cười ha hả “Cái thằng này, mày gọi cho anh mày sau mấy chục năm để nói những điều đó à? Mày không nghĩ anh mày đã chết rồi sao?”, hờn lẫy thế thôi chứ ông đang vui, đang sung sướng muốn điên lên, thế ra vẫn còn có người trong họ hàng này nhớ đến ông kia đấy, “một giọt máu đào hơn ao nước lã” mà, người xưa có nói sai bao giờ đâu!
    Niềm vui của ông chưa kịp dứt thì chuông điện thoại lại vang lên “bố à? Con đi công tác Hà Nội, có quà cho bố, con ghé vào chiều nay ở với bố một đêm nhé!”, ôi thằng con trai cả của ông, gần bốn mươi tuổi đầu mới gọi được tiếng bố thân mật đến thế kia đấy. Gác điện thoại, tự dưng ông muốn bật khóc, rồi ông khóc ngon lành và hồn nhiên như một đứa trẻ. Và ông thấy nước mắt mình vẫn còn nhiều lắm để khóc cho những yêu thương.
     Tối hôm ấy, hai cha con khề khà với nhau ngần hết két bia. Nhưng ông chẳng thấy say, ông thấy mình tỉnh lắm, càng uống càng tỉnh. Vì tỉnh nên ông mới biết được  rằng vợ ông vẫn rất khỏe, vẫn sống cùng các con mà không đi lấy chồng khác, ông biết được thằng hai, thằng ba đều là kỹ sư và đã là các trưởng phòng cho các công ty lớn. Con gái út ông vừa tốt nghiệp đại học, có người đến dạm hỏi, nhưng nó chưa chịu. Nghe đến đấy ông sướng muốn điên lên, ôi, hóa ra có ai quên ông đâu, có ai bỏ mặc ông đâu, nhất là bây giờ, thằng con cả của ông đang say bí tỉ, nằm bẹp ngủ li bì trên chiếc chiếu trải giữa sân, rất thật, hiện hữu bằng xương bằng thịt ngay trước mắt ông. Ông thấy mình trẻ lại hàng chục tuổi, những nếp nhăn trên trán, trên mắt biến đâu mất hết, ông lại tràn trề niềm tin và muốn làm việc. Ông phải vào Nam, sẽ sống cùng các con, cùng gia đình của ông, với người vợ mà ông đã nhớ thương đằng đẵng bao nhiêu năm trời.
    Đêm ấy ông thức trắng để suy nghĩ, ông cố thức để biết tất cả những gì diễn ra không phải là mơ. Hôm sau, ông nói với con cả ông cái điều đêm qua ông đã nghĩ, ông định sẽ bán căn nhà này rồi vào Nam sống cùng các con. Nhưng con trai ông cản “bây giờ giá đang lên, từ từ bán bố ạ, khi nào nó chững lại đã!”. Ông như đứa trẻ sắp được về nhà mới, không cần so đo tính toán nghĩ suy, ông mừng một cách hồn nhiên và tươi trẻ.
    Ông vội vàng từ giã hàng xóm bạn bè, từ giã những cây kiểng ông nâng niu, ông đem những chiếc lồng chim mỗi sáng hót líu lo cho ông nghe và gửi nó cho một chủ nhà hang bán chim kiểng. Ông nói gửi để đỡ buồn khi xa chúng thôi, chứ ông có về đây nữa đâu mà lấy? Ông thắp nén hương xin ông bà tổ tiên xá tội, ông hứa sẽ quay về để đưa họ đi theo ông khi ông đã ổn định và tìm được một nơi cho tổ tiên và cho cả ông của ngày về bên kia thế giới nữa. Cái tuổi của ông người ta sợ chết nhưng vẫn cứ chuẩn bị cho ngày ấy thật chu đáo, chẳng hiểu vì sao?
    Đặt chân xuống sài Gòn, ông thấy mình khác lắm, vì khi đi, ông mang theo tràn trề niềm tin cho ngày sum họp. Gặp bà, tuổi già héo hắt theo theo tháng, ông thấy thương quá. Nhưng đáp lại sự niềm nở của ông là câu chào nguội lạnh của bà, câu chào mà ông đã nghe trong những lần lặn lội vào Nam thăm con. Bà vẫn thế, không có gì thay đổi. Ngôi nhà vẫn như xưa, nhỏ nhưng gọn gàng. Ở Sài Gòn sở hữu được ngôi nhà thế này cũng thuộc loại giàu có rồi. Ngôi nhà này không có chỗ cho ông, nên ông phải thuê một căn phòng nhỏ ở nhà kế bên mà ở. Ông thấy mình bị hẫng và rơi xuống một cái thật mạnh. Chới với không nơi bám víu sau thời gian tưởng mình đã tìm được phút giây đoàn tụ.
    Các con ông thì lại tỏ ra niềm nở và cố tìm cách thân thiện với ông, dù đôi khi ông cũng nhận ra đó là sự cố gắng rất mệt mỏi của chúng, bởi trong tâm chúng vẫn chưa coi ông là người cha già tội nghiệp của mình. Ông ngồi bên các con, nghe chúng nói về những dự tính trong tương lai, đứa nào cũng có những dự án lớn, có thể làm ra tiền tỷ nhưng bây giờ chưa có vốn. Ông thấy tuổi trẻ của chúng thật biết nhìn xa, biết làm giàu và muốn làm giàu thật nhanh. Ừ, trẻ thì phải thế!
    Ông sống trong phòng trọ chật chội và nóng bức, không có cây kiểng, không có chim chóc, không có bạn bè để cùng chơi cờ, giấc mơ đoàn viên cũng tan thành mây khói khi nhìn ánh mắt lạnh lùng của bà. Ông có lỗi gì kia chứ? Chỉ có đứa con gái, tới bữa mang thức ăn đến cho ông rồi cũng bận bịu chuyện làm ăn, chuyện bạn bè… Không đứa nào cho ông một tình thương đúng nghĩa.
    Nhưng dẫu sao cũng còn được nhìn thấy chúng, nhìn từng bước đi lên của chúng, nhìn tấm lưng của bà ngày ngày quét nhà, quét sân. Được nhìn những người trong gia đình để ông biết dù mình có về thế giới bên kia cũng không còn cô đơn vì ông vẫn còn có con dâu, con rể, con gái, con trai… Ngày mai đây, cái ngày mà ông bán căn nhà ở ngoại ô Hà Nội, ông cầm tiền chia cho từng đứa, chúng sẽ cầm nắm tiền từ ngôi nhà có linh vị của tổ tiên, chúng sẽ thực hiện những dự định của chúng. Và ông, ông sẽ trở thành người không còn gì, ông không còn một sức nặng nào nữa để níu kéo những nụ cười của chúng dành cho mình, ông không có lý do gì để chúng yêu cầu ông về sống cho gần nhau. Ông trở về ông của ngày xưa, cái ngày bà bỏ ông ra đi vì ông không lo được cho mẹ con bà. 
    Cuộc sống đã dạy cho các con ông thế, ông còn biết làm gì hơn, mình gần đất xa trời rồi, tài sản lại là của chúng nó thôi. Ông đã không nuôi dạy chúng, thì ông cũng không có quyền đòi hỏi sự yêu thương. Ông cay đắng nghĩ và hai giọt nước mắt lăn trên đôi gò má nhăn nheo. Ông run run cầm giấy và viết “Cộng hòa xã hội …Bản di chúc…”.
    TPHCM, 2006
    Nguyễn Anh Đào
     
    #2
      nguyenanhdao 02.06.2008 19:20:35 (permalink)
      NGÕ HẸP
      Tặng các em và mùa thi 2008
      Năm nay thằng Tâm thi đại học, vậy mà mở tập ra là ngủ, không chút lo lắng hay suy tư nào hết. Má không thèm nói chuyện với nó nữa, ba khuyên răn rôi la mắng, riết hết biết nói gì, ba nói một câu thắt lòng "con cái phải hết đại học tao chết mới nhắm mắt được". Nó lủi ra sau nhà, đấm thùm thụp vô bao cát.
      Thằng Tâm có 5 đứa em và một bà chị, chị hai đang học đại học ở Sài Gòn, ba má tự hào lắm. Hồi học phổ thông, hai siêng nên học cũng giỏi, cả xóm đều khen. Mấy đứa em học kỳ nào cũng có giấy khen và phần thưởng. Hồi đó, nó học cũng giỏi, nhưng lên cấp ba, Tâm mê chơi, mê đá banh, mê bóng chuyền... rồi quên học. Tập thể thao nhiều nên Tâm to con nhất lớp, lại có duyên, nhiều tài lẻ nên bọn con gái gọi điện tới nhà kiếm suốt. Má thì hay la, người ta tìm tới mình cũng la, má kêu con gái vô duyên, con trai má mắc học, không có kiếm. Tâm mắc cỡ thấy ớn, má làm như con trai là cành vàng lá ngọc má phải cất kỹ trong kho vậy.
      Cuối học kỳ năm lớp mười, cầm bảng điểm nó mới thấy mình học sút ghê gớm. Tất nhiên là không phải do bọn con gái, lớp mười mà yêu đương gì. Ngày trước chị hai học lớp mười, cũng xinh và hiền nhất xóm, nhưng bạn trai tới tìm hai trốn trong buồng rồi kêu nó hay thằng Nam ra xịt chó cắn. Nên nó sợ "lầm" như mấy anh bạn trai của chị hai nó lắm, nhìn hai hiền nhưng hai hành động chẳng hiền gì hết. Mà sao nghĩ tới con gái là mặt nó lại đỏ rần lên. Con trai gì mà nhát...
      Tết chị hai vê thăm nhà, nghe kể nó có nằm bệnh viện, hai hỏi đau gì thì nó nói đau lưng. Mười bảy tuổi sao đau lưng, vì sao đau? Nó không nói, ba má cũng không nói. Thằng Nam kéo chị hai ra đầu hè bảo "tại ảnh vác cà phê nhiều quá, nguyên mùa rồi có mỗi ảnh làm". Tối đó chị hai khóc sưng mắt, hai không biết tiền hàng tháng ba gửi vô có cả nước mắt thậm chí là máu của đứa em mới lớn của mình.
      Hai năm nay cà phê rớt giá thảm hại, mọi năm đến mùa, má mướn công làm hết, từ hái đến khuân vác chuyên chở, nhưng năm nay làm vậy thì lỗ vốn, nhà phải làm, thuê công ít lại, buôn bán thì đầu này đắp vá đầu kia. Hai sống ở Sài Gòn, vẫn đều đều má gửi tiền lên, tốn kém nhất nhưng ba má lại tự hào nhất.
      Từ lần nằm viện đó, Tâm càng mất đà, trượt dần, lớp mười lên lớp mười một nó phải thi lại hai môn. Ba gọi điện vô cho hai, biểu "con khuyên nhắc nó nghe". Hai điện về cho Tâm, tự nhiên khóc nức nở "Phải lo cho mình, cớ gì phải hi sinh?". Thằng Tâm chạnh lòng, ít lâu sau nghe nó quả quyết "học nghề, xa nhà không được".
      Má la quá chừng, tưởng nó có gì với con Thu xóm trên, con nhỏ bằng tuổi Tâm nhưng nghỉ học sớm vì nhà quá đông con. Má nghe lén tụi nó nói chuyện điện thoại, nhưng lắc đầu "tụi nó nói với nhau bằng ...mật mã". Cả nhà cười "má lạc hậu rồi má ơi!". Nhưng nó với con Thu có gì đâu, sao không ai tin vậy nhỉ?
      Mùa thu hoạch nào cũng vậy, sáng đi học, chiều lên rẫy, xẩm tối lại vác cả đống cà, mỗi bao ngót năm mươi ký lên cái dốc cả trăm mét. Sức trai mười bảy mà, nói vậy mà hết mùa lại lén má đi uống thuốc, châm cứu. Hết mùa thu hoạch là thi học kỳ, có học hành gi đâu mà thi, cứ ngẩn tò te, biết mình bị tụt lại đàng sau cũng không thèm đuổi. Nó gãi đầu "đi đường tắt cho mau". Viết thư vô cho hai, nó kể toàn chuyện vui, còn chuyện buồn nó không kể, kể chi làm hai lo thêm, nó nói sức trâu mà, rôi cười hìhì. Hai tức lắm, trâu cũng phải biết lượng sức mình chứ, trâu đâu phải bằng thép!
      Thằng Tâm cũng làm hồ sơ thi đại học, phải thi, không đậu thì thôi, học tài thi phận, thi để ba khỏi đe nữa, má khỏi cằn nhằn. Ba má không thấy mình đã đòi hỏi quá cao ở một đứa có khả năng trung bình. Nhìn mông lung ra khoảng đất trống sau nhà, chỗ đó mà thành một vườn hoa thì đã phải biết. Hai hỏi "tháng sau mày đi ai chăm sóc?" Nó trả lời mà nghe giọng đăng đắng "em có đi luôn đâu, em biết sức mình mà!". Vẫn cái nhìn mông lung đó, nó nói như nói với ai "dạo này tóc ba bạc nhanh quá...". Nó bỏ lửng câu nói, xách thùng đi tưới mấy bụi đồng tiền. Chị hai đứng tê chân không nhấc lên được.
      Hai đi, má cho tiền hai không lấy, hai nói còn nhưng thật tình thì còn ít lắm, chắc chỉ đủ tiền xe. Hai nói má cho tiền đó thằng Tâm mua sách, má nói nó học hành gì mà sách vở. Tâm nghe, quay mặt đi giả đò không biết. Hai lấy, rồi đưa nó, nó lắc đầu nguầy nguậy, năn nỉ thêm mấy câu nữa tự nhiên hai khóc. Nó than trời, cái bà nay kiếm đâu ra nhiều nước mắt dữ vậy? Được rồi, chỉ lấy một nửa thôi, hai cười, nó lầm bầm, đồ mít ướt.
      Tâm đi thi đại học, thằng Nam gãi đầu ấp úng, bẽn lẽn như con gái "anh ba...thi tốt nghen". Tâm cốc đầu em một cái rồi giả đò xuýt xoa, cười thay cho lơi cảm ơn và thay cho tiếng ừ. Ba chở nó lên bến xe, má chạy theo dúi chai dầu vô túi áo. Mấy đứa nhỏ đứng nhìn theo, Tâm tủi quá, phải chị hai là òa khóc rồi. Nhưng Tâm là con ai, cao met1 bảy, nặng sáu chục ký, hổng lẽ kóc vì chuyện này, bọn con gái biết được cười thúi mũi.
       
      Ngày thi. Hai lo lắng đứng ở cổng trường, còn ba mươi phút nữa là hết giờ, ngươi ta đem bài giải mời mua ì xèo ngoài cổng trường. Hai nhăn trán, chưa hết giờ làm bài mà sao bài giải đã có rồi, đề hi ra ngoài lúc nào vậy nhỉ?
      -         Thi đuợc không?
      Tâm cụp một đốt ngón tay xuống : một nửa à!
      -         Một nửa đó có chắc không?
      -         Chắc là ...lép quá! Nó cười hehe rôi phóng lên đằng sau xe, biểu về đi, về nhà kể cho nghe.
      Hai nhăn mặt rồi rồ ga chạy, Tâm xuýt xoa khen, hai chạy xe giỏi thiệt, đường đông như vậy mà lách không đụng ai.
      -         Hai,
      -         Gì?
      -         Chở chi chơi bữa đi, mai về
      -         Ở chơi, mốt về, nóng vậy?
      -         Bỏ em ở nhà...
      -         Có ba má lo tụi nó rồi
      -         Sao bà già mà chậm hiểu quá, em đây là...
      Hai nghệch mặt ra, chợt hiểu rồi há hốc mồm
      -         Nó ở đâu? sao hổng tao nghe, nó đẹp không?
      -         Như tiên
      -         Vậy chắc chắn nó khùng hoặc cận thị.
      -         Gì?
      -         Chứ xấu như mày...
      Nó đấm lưng hai thùm thụp, nói móc là tui cho té xe luôn đó bà già.
       
      Thằng Tâm lên xe đò về quê, thấy hai một mình nơi đất chật người đông, tội quá. Tự nhiên nó tức, con trai sao dễ mủi lòng.
      Má hỏi làm bài được không? Nó gãi gãi đầu rồi đi thẳng ra sau vườn. Má nhìn theo lắc đầu.
      Ba đóng thêm chuồng nuôi thỏ, mỗi chiều ba cắp cái thúng lụi cụi đi cắt cỏ, chỉ để "ba tháng nữa thăng Tâm dư tiền nhập học". Ba đang làm nó đau lòng như có ai chém.
      Thằng Nam, con Chi, con Thảo, con Na và nhỏ Út hè này bị cắt mất phần học hè. Nhưng con nít ham chơi, nghe khỏi học là mừng hơn đi hội. Nhưng Tâm hiểu, chi phí đang để dành cho nó.
      Những ngày chờ kết quả, nó hì hụi cuốc xới mảnh đất sau nhà thành những luống cao, ba hỏi làm gì, nó cười không nói. Chiều thì mang già đi đá banh, làm như đời nhàn hạ không gì bằng. Khoảng vài ngày là chạy lên bưu điện mở thùng thư một lần, lần nào cũng chỉ lắc đầu.
      Những đứa đậu đều có giấy báo trúng tuyển đại học, khoảnh đất sau nhà lên mầm xanh, ba buồn, bữa cơm căng thẳng không nuốt nổi.
      Thằng Nam đi chơi về, định rủ Tâm đi đá banh, nhưng thấy anh ba ngồi thần người trước bao cát. Nam đứng lặng hồi lâu, rồi thấy Tâm đứng dậy đấm thùm thụp vô bao cát. Nam vào hỏi ba "nếu không đậu đại học thì sao hả ba?", "Thì lối vào đời của con là ngõ hẹp".
      Tâm đem những bó hoa trồng được bỏ mối lại cho chị Tám bán hoa xóm trên. Gần đến ngày khai giảng, nó mua có năm đứa em mỗi đứa một chiếc cặp mới. Thằng Nam cầm chiếc cặp mà mắt rưng rưng. Nam hỏi "sang năm anh ba thi nữa không?", "không, anh bước qua ngõ hẹp bằng cách của anh!".
      Tháng sau nó đi học nghề sửa xe máy. Sau đó về mở một tiệm nhỏ kế bên tiệp bán hàng tạp hóa của má. Nó bảo đời vậy ổn rồi, cười trong lấm lem dầu nhớt. Con đường làm giàu vẫn còn ở phía trước.
       
      Nguyễn Anh Đào
       
      #3
        nguyenanhdao 02.06.2008 19:23:16 (permalink)
        NGHỆ SĨ
        Tôi đi nhiều, gặp nhiều mảnh đời cơ cực, nhiều số phận nghiệt ngã đi qua ống kính. Có nhiều bức ảnh đã làm em khóc. chiếc máy ảnh theo tôi qua năm dài tháng rộng; hạnh phúc khi được làm việc và hết mình vì công việc. tôi chụp rất nhiều đối tượng: hoa hậu, người mẩu đã từng đứng trước ống kính của tôi, những doanh nhân thành đạt hay những nhà chính trị, có ccả bướm cả hoa, cả chút nắng vàng buổi sớm, cả màu tím của hoàng hôn và cả nụ cười của em.
        Này nhỏ ! ta là nghệ sĩ đấy nhé. Ừ, nghệ sĩ thì phải để tóc dài, hàng ria không bao giờ cạo – em chun mủi cười nhạo tôi-hãy nói cho ta biết bản chất của nghệ sĩ là gì.
        Em lém lỉnh và thông minh, nghịch ngợm mà đa cảm. nhỏ cứ hồn nhiên đi, cười và ca hát, để đừng có nếp nhăn nào trên đuôi mắt, đừng có quầng thâm, chỉ là đôi mắt biết cười trong tôi thôi nhé.
        Tôi và em cùng lớn lên từ mảnh đất miền trung, nơi có con sông thu mang phù sa về đắp bồi những nỗi nhớ xa quê, nhưng thuộc hai “ thế hệ ‘ khác nhau, em nói tôi là một ông già “ ế độ”, em còn là một thiếu nữ đương xuân. Tôi hơn em gần một con giáp, vì thế mà em như một đứa em gái bé bỏng, sau giờ làm việc mệt nhọc lại thích trở về bên tôi, dụi đậu vào ngực tôi dể ngửi thấy mùi mồ  hôi quen thuộc, để dược có bàn tay vuốt nhẹ lên mái tóc mượt mà; em bảo đó là liều thuốc giảm căng thẳng hữu hiệu nhất đối với em sau một ngày nghe giọng nói vô cùng “oanh liệt” của vị sếp già khó tính. mổi ngày khi trở về bên em, tôi lại thấy mình như vừa bắt đầu một ngày mới một cách háo hức lạ thường, giọng nói líu lo như chim báo tin xuân. Tình cảm nhẹ như gió mà cũng nồng nàn biết bao !
        Ba mẹ tôi đều là giáo viên. Dòng họ tôi đều là giáo viên. Nên nghèo! Vì nghèo nên tôi đã mất cô bạn gái đầu tiên, mối tình đầu tang vỡ cũng chỉ vì tôi không có gì để làm đám cưới ngoài những bài hát tôi đã viết để danh riêng cho cô ấy. cái ngày tôi biết mình nghèo là một mất mát, là một thua thiệt lớn với bạn bè là lúc tôi quyết tâm ra đi; rời nơi tôi được sinh ra và lớn lên, rờicái nơi mà tôi biết nếu tôi còn ở lại thì sẽ tiếp nối nghiệp của ba mẹ, của dòng họ và chử nnghèo không bao giờ rời bỏ tôi.
        Tôi không biết mình phải bắt đầu như thế nào ở đất sài gòn với đôi bàn tay từ nhỏ chỉ biết cầm viết và chơi đàn. Tôi trải qua những năm tháng cơ cực nhất, cứ tưởng rằng mình không đứng lên nổi, nhưng hình ảnh thằng bạn cùng lớp dắt tay người bạn gái của mình trong chiếcáo hoa ngày nào đ4 nung nấu ý chí gang thép của tôi, tôi phải kiếm tiền, tôi phải giàu lên để “trả thù”. Tôi làm việc từ khuân vácđến phụ hồ, từ đạp xíh lô đến chạy bàn để cuối ngày ngửa đôi bàn tay phồng rộp và nhận vài chục ngàn đồng tiền lương. Vậy mà đã có lúctôi ytách ba mẹ mình sao không thể giàu có như người ta, lúcấy tôi không hề biết kiếm được đồng tiền chân chính khó đến mức nào.
        Tôi đi học tiếp, với quyết tâm chưa thành danh không trở lại quê nhà. Tôi đi bốn năm biền biệt, mẹ tôi khóc hết nước mắt mà không không thay đổi được lời hứa kia. Từ phương xa, chỉ biết gục đầu xin mẹ tha thứ cho đứa on bất hiếu. Và đến tận bây giờ, tôi biết mình không thể nào chuộc hết lỗi lầm với mẹ. Dù rằng mẹ đã quên đi, mẹ đã rất hãnh diện về sự thành đạt của tôi. Mẹ là người phụ nữ duy nhất tôi tôn thờ. Còn em, là đứa em gái bé bỏng cần tôi che chở trước những giông bão cuộc đời. Tôi nắm lấy bàn tay em, để dìu em bước đi trên con đường gập ghềnh mà tôi đã từng đi qua có hạnh phúc, khổ đau, nụ cười và nước mắt.
        Tôi viết nhạc rất nhiều, những bài hát dành cho mẹ, cho bạn bè và cả người yêu cũ, hình như tôi chưa hề viết cho em? Những bài hát của tôi bị những đứa bạn thân “chiếm đọat” làm tài sản để đi tìm nửa kia của mình. Có một kỷ niệm làm tôi không bao giờ quên được, đó là thằng bạn thân của tôi, nó vẫn thường hỏi tôi “tao cám ơn mày hay “đục” mày một trận mới đúng?”
        Năm ấy nó làm việc ở Nha Trang, quen một cô sinh viên trường Thuỷ Sản, hỏi ra mới biết đồng hương, rồi thân và yêu nhau. Tưởng đâu hạnh phúc bền lâu, một ngày đẹp trời cô nàng với gửi cho nó một bài thơ, chỉ xin làm người bạn tốt vì cô ta đã hứa hôn. Nó có đưa abì thơ cho tôi đọc.
        Khoảng hai năm sau, chúng tôi gặp nhau ở quê trong ngày tết, có cả em, nó và cô gái Thuỷ Sản năm nào cả chồng cô ấy cùng nhau ngồi say sưa vui vẻ thì em yêu cầu tôi hát. Vốn rất tự hào về ngón đàn và giọng ca của mình, tôi chưa bao giờ từ hối những lời đề nghị tương tự. Tôi so dây và hát. Thằng bạn tôi mặt tím tái, cô bạn Thuỷ sản úp mặt vào hai bàn tay nức nở. Tôi hoảng hốt ngưng bặt, không ai hiểu gì cả, chỉ có hai người và tôi hiểu. Tôi biết mình đã sai khi hát chính bài thơ mà cô gái ấy viết tặng cho thằng bạn tôi năm nào.
        Cũng nhờ mấy bài hát của tôi mà mấy thàng bạn tôi dùng để cua những cô nàng xinh đáo dể. Hình như con gái miền Trung đều thích những chàng trai có máu nghệ sĩ như thế, biết đàn hát nghêu ngao, sống nhiệt tình cho những đam mê.
        Khi tôi tự hào mình là nghệ sĩ, tôi dsống cho bạn bè và những người thân yêu hết cả thời gian, hết tâm trí thì em chỉ chun mũi bảo” nghệ sĩ chỉ tắm một tháng một lần nên …hôi như cú”
        Em hồn nhiên bên tôi hnư con sáo nhỏ, tôi biết mình không yêu em bằng cả trái tim, tôi đến với em là để lấp đi khoảng trống yếu đuối trong tôi. Không biết em có hiểu như thế không? Nhung thôi, em đừng hiểu, vì như thế sẽ tội nghiệp lắm cho em.
        Tôi đi khắp nơi với ống kính của mình, để tìm cho mình một tác phẩm nghệ thuật và những bức ảnh bình thường cho số báo sắp tới theo yêu cầu của cấp trên. Đã có vài lần buông thả, ong bướm với cáccô gái dễ dãi, nhưng khi trở về bên em, tôi không đủ sức páh vỡ sự tinh khôi ấy trong em, nó có một sức mạnh ghê gớm lắm với tôi, buộc tôi phải đưa em lên nấcthang cao hơn so với những người con gái khác mà tôi gặp. Nụ cười em đi vao ống kính của tôi, có lần em cười trên bìa báo, nụ cười tươi tắn tinh khôi, còn vẹn nguyên sự vô tư và hồn nhiên của tuổi mười sáu. Bạn bè bảo tôi có kho báu mà cứ giấu kỹ không xài.
        Tôi hỏi em rằng có muốn về sống cùng nhau? Có muốn chung nhau tấm chăn đêm trời trở gió? Em cười, anh hãy làm nghệ sĩ, sống cho bè bạn, cho gia đình, cho nghệ thuật cho tất cả những ước mơ của anh, đừng sống cho em mà hãy để em sống cho anh, như thế mới công bằng với anh. Này em! Hãy cho ta biết tại sao em yêu “nghệ sĩ”?, Em lại cười, Chúa ơi!
         
         
        Sài Gòn tháng 10/2006
        Anh Đào
         
         
        #4
          nguyenanhdao 02.06.2008 19:25:25 (permalink)
          MÙA HOA DÃ QUỲ
           
          Lặng lẽ như một chiếc bóng, My ôm bó hoa bước đi trên con đường về phía có mặt trời lặn, trẻ con len lén nhìn, người lớn tỏ ra thương hại, có người hỏi thăm vài câu rồi đi, không ai dám nói gì với My cả, dường như họ sợ cái gì đó nơi My, cái vẻ mặt đáu đớn nhưng gan lỳ và không còn chút cảm xúc nào nữa. Chiều nào cũng thế từ hai năm nay, khi mặt trời đỏ dần về phía chân núi thì My lại đi, My quen từng hòn sỏi theo mỗi bước chân, dã quỳ hai bên đường vàng rực như nắng mùa hè, My cẩn thận lắm, dùng dao cắt những cành đẹp nhất rồi bó lại thành một bó, My cười, tưởng tượng ra nụ cười rạng rỡ của anh khi nhận hoa, nụ cười của My méo mó trong nụ cười của anh. Nắng nhạt dần từ chân núi.
          Giông! Tháng sáu mưa nhiều và nặng hạt, cơm chiều mẹ đã dọn sẳn lên bàn, bâng quơ mẹ nhìn ra đường nhói lòng khi nhìn thấy My ôm bó hoa, cả My và hoa đều ướt  sũng. Nhìn mẹ My cười “Giông là gãy hết cả hoa mẹ ạ, tội nghiệp!”. Để bó hoa lên bàn, My nhảy chân sáo vào nhà tắm thay quần áo rồi lên ăn cơm với mẹ. Mẹ biết My vẫn còn đau lắm, đau như nỗi đau của mẹ ngày xưa. Mẹ thắp nén nhang lên bàn thờ ba, đôi mắt trũng sâu chảy dài hai hàng lệ.
          ***
          Tháng sáu, anh hẹn sẽ về cùng My, cùng hái bông dã quỳ trang điểm lên phố núi, trang điểm lên xe hoa ngày rước dâu, My ạ, anh sẽ cưới em, anh sẽ về, thật đấy! My như muốn điên u7o7ì lên vì sung sướng, dã quỳ sẽ vàng rực như như những mặt trời, anh sẽ là dãy núi sừng sững che nắng che mưa.
          ***
          Thư mẹ viết cho ba “con mình là con gái, anh ạ, nó rất giống anh, sẽ hòa bình, anh sẽ về, phải không anh?”. Một tháng, hai tháng, một năm rồi hia năm My lớn lên từng ngày, còn hồi âm của ba vẫn xa tít tắp.  Chiến trường là bom đạn, là đói khát và cả ccăn bệnh sốt rét… mê hiểu nên mẹ chờ, chơ cả trong những giấc mơ.
          ***
          My quen anh từ ngày dã quỳ trên con đường này mới lấm tấm vài bông đầu tiên, cái ngày My còn nhõng nhẽo bắt anh bế lê để hái hoa rồi bị đắng tay òa khóc. Bây giờ My không còn nhớ là đã qua bao nhiêu mùa hoa. Chỉ nhớ được rằng cái ngày anh lên thành phố học, mỗi năm anh chỉ về hai lần vào dịp tết và mùa dã quỳ nở, My xa anh sáu mùa hoa rồi, lần này anh hứa như thế, anh sẽ về và sẽ thành đôi. My tin anh, My chuẩn bị kỹ lắm rồi, ngày quan trọng nhất đời người mà, phải không mẹ?.
          ***
          Ba mẹ gặp nhau trong bom đạn, tình yêu trong chiến tranh không có thời gian để mơ mộng, để có những giây phút lãng mạn bên nhau. Chia tay, ba chỉ kịp nói với mẹ rằng “ con trai thì tên là Đô, con gái tên là My…” rồi ba vội vã đi chi kịp giờ hành quân của đơn vị.
          ***
          Một sáng tháng sáu, anh điện thoại “chiều ra bến xe đón anh nhé”. Nhưng mãi đến hôm sau, chiếc xe anh nói không về tới bến, nó nằm lại trên đường đi cùng hơn ba mươi sinh mạng. Người ta chỉ giải thích đơn giản rằng “tại trời mưa, đường trơn”. My như điên dại, ôm xác anh trong tay mà cười mà khóc.
          ***
          Mẹ lại thắp nén hương trên bàn thờ ba, mẹ chờ đợi ba nhiều hơn My chờ đợi anh, nhưng tin mẹ nhận được chỉ là tờ giấy báo tử, xác ba đến bây giờ mấy mươi năm mẹ vẫn chưa tìm ra.
          ***
          My khóc nhiều lắm rồi, My không còn nước mắt nữa, mắt My từ đó ráo hoảnh và vô hồn đến đáng sợ. Mộ anh vàng kín hoa dã quỳ, vàng đến chói mắt.
          ***
          Người ta báo tin đã tìm thấy hài cốt của ba, mẹ tức tốc đi đón ba về. My không biết ba thế nào, chỉ nghe qua lời kể của mẹ và tấm họa chân dung trên bàn thờ, giờ gặp ba là một nắm hài cốt, mẹ nức nở như ba vừa mới mất hôm nay. My thấy nỗi đau của mẹ còn lớn gá ngàn lần My. Ba được đưa về nghĩa trang liệt sĩ, người ta đặt vòng hoa như người vừa khuất. My ôm lấy đôi vai gầy guộc của mẹ, hai mẹ con khóc như chưa từng được khóc, kho1cchi hai nỗi đau, cho hai con người và khóc vì  sung sướng nữa, bởi cuối cùng tất cả lại được đòan viên.
          Từ hôm ấy, người ta lại thấy có hai mẹ con mỗi chiều đi về phía mạt trời lặn, tay cầm hoa, vui sướng như thăm người thân còn sống. Và trên mộ anh bây giờ, hoa nở như những mặt trời trên chóp núi, nụ cười của anh còn váng vất quanh My, nụ cười của My không còn méo mó nữa.
          Mặt trời lại mọc lên sau những cơn dông, bình dị mà đẹp lạ thường.
           
          Nguyễn Anh Đào
           
          #5
            nguyenanhdao 02.06.2008 19:27:44 (permalink)
            TỐI THỨ BẢY CỦA TUỔI HAI LĂM
             
            Tối thứ bảy, vừa tan sở làm về đến nhà là chị tắt máy, tránh những ồn ào khói bụi, chị dành riêng tối thứ bảy cho mình, để làm những điều mình thích, chẳng là gì ghê gớm, chỉ vừa nằm ngậm ô mai vừa xem tivi, hay vừa đọc sách vừa cắn miếng xoài chua chấm muối ớt. Những phút hiếm hoi thanh thản ấy, đơn giản thế thôi mà chị phải cố gắng lắm mới tìm được.
            Những ngay trong tuần chị luôn bị cuốn theo những cuộc hẹn sau giờ làm việc, hẹn với cô bạn gái nào đó đi mua sắm, hẹn vài người bạn ở công ty cũ uống cà phê, hẹn với khách hàng về một hợp đồng mới, hoặc hẹn với những người bạn để tìm một ý tưởng quảng cáo cho sản phẩm. Công việc cứ kéo lê chị từ sáng thứ hai cho đến hết thứ bảy mà chị không có cách nào dứt ra được.
            Cái ngày chị chưa nghĩ ra mình sẽ tắt máy vào thứ bảy, chị luôn bực dọc ngay cả với bản thân mình, chị tưởng mình bất lực, chị stress. Sếp cho chị nghỉ một ngày, yêu cầu chị tắt điện thoại để đừng ai quấy rầy và chị ngủ một giấc cho thoải mái. Chị tắt máy và ngủ nướng được đến chín giờ sáng, bỗng thấy buồn, nôn nao nhớ cái ồn ào của công việc, chị đến nhà sách cũ, tìm mua những quyển truyện ngắn và những cuốn truyện tranh. Chị nằm lăn ra đọc cho đến chiều và ngủ tiếp đến sáng hôm sau. Chị bỗng thấy tiếc thời gian của một ngày bình yên trôi qua mau quá. Những trang sách thú vị nhiều hơn những ly cà phê. Chị hứa tư hôm nay, ít nhất chị phải dành một khoảng thơi gian nào đó cho riêng mình trong tuần. Và chị chọn từ chiều thứ 7 đến chiều chủ nhật. Tan lễ chiều là chị mở điện thoại lên để sếp dặn dò công tác ngày mai, một cách làm việc chạy đua với thời gian chứ không thể đợi vào cuộc họp sang thứ hai.
            Hôm nay cũng vậy, về đến nhà chị tắt máy theo một thói quen, thói quen chờ đợi đến giây phút này. Dù chị biết, có để máy cũng chẳng còn ai gọi cho chị vào giờ này nữa, bởi người ta đã không liên lạc được với chị và tối thứ bảy cách đây hơn ba tháng rồi.
            Hai mươi lăm tuổi, chồng cũng chưa mà người yêu cũng chưa. Bạn bè lo ngại với công suất làm việc như thế thì chị đến ế mất thôi. Mà kệ, chị cũng đã trải qua hai cuộc tình, cũng "đá" người ta một lần và thất tình một lần, cả hai đều buồn và đau như nhau.
            Chị đóng kín cửa phòng, mặc bộ quần áo thoải mái nhất, bật đĩa Tuấn Ngọc, nhâm nhi gói me ngào vừa thỉnh vê từ siêu thị, chị lăn ra nệm, lười biếng lấy chân khoèo cuống sách trên giá xuống, chị đọc tiếp những trang còn dang dở đêm qua.
            Chị vẫn còn rất đẹp, cái tuổi hai lăm không phải là cái tuổi quá lớn để tuổi xuân đi qua, nhưng tại sao không có người đàn ông nào đến được với chị? đơn giản vì chị không thích những vẻ giả tạo, khách sáo và lịch sự quá mức cần thiết của những người đàn ông đeo đuổi chị, chị thích uống nước sâm ở vỉa hè, thích ăn chè ở quán cóc hay ăn bún riêu chồm hổm ở một góc nào đó, thích dạo bộ cùng người yêu qua những con đường ngợp vàng hoa điệp hay những hàng me xanh mướt đến ngút tầm mắt. Nhưng hình như những người đàn ông bên chị không cho chị những thứ chị muốn, họ muốn thể hiện mình trong những quán ăn sang trọng, đắt tiền. Mắt họ không vui khi chị muốn dừng lại lề đường uống nước sâm, họ lắc đầu khi chị muốn ăn một que cá viên chiên... Tất cả? Ừ, hầu như tất cả, chỉ có một người là ngược lại, chính là gã ...nhà thơ. Gã nhà thơ luộm thuộm và... ở dơ nhất mà chị từng biết.
            Nhưng gã cho chị tất cả những gì chị muốn, muốn ăn ở đâu, muốn uống gì, chị đều được đáp ứng. Người ta nói "con đường nhanh nhất đi đến tình yêu luôn đi qua ...dạ dày", nhưng chẳng hiểu sao chị không thấy yêu gã nhà thơ này được, phải chăng chị còn cần điều gì khác nữa? Có thể chứ, đó còn là tìm thấy niềm tin trong sự vững chải của người đàn ông mà mình sẽ lấy.
            Tuổi càng cao, tiêu chuẩn chọn người yêu luôn tỉ lệ nghịch với những "vệ tinh" xoay quanh mình, khi chị nghĩ đến những điều kiện "cần" và "đủ" để chọn một người đàn ông như thế nào thì thấy quanh mình vắng vẻ, không còn người đàn ông nào đeo đuổi như ngày chị mười chín hay hai mươi tuổi.
            Chị nằm nhớ năm mình hai mươi tuổi, xung quanh mình có gần cả chục người săn đón cùng một lúc, đủ thành phần, đủ cá tính; con nhà giàu, học giỏi, galăng có, con nhà nghèo vượt khó có, đẹp trai lãng tử có, mà ... khùng khùng điên điên cũng có. Nhiều đến nỗi chị không biết chọn ai, không biết phải đối xử với từng người thế nào cho phải phép lịch sự, rồi cũng chẳng hiểu vì sao chị chọn Vỹ. Là một sinh viên Kinh Tế, cùng quê, không đẹp trai, không giàu có, không lãng mạn cũng chẳng ga lăng, tự nhiên một hôm chị thấy Vỹ có cái gì đó hay hay mà không rõ là cái gì, thế là chị dành cho Vỹ những cuộc hẹn, dành nhiều cho Vy những ưu ái... Rồi mạnh dạn nắm lấy bàn tay ướt rượt mồ hôi của Vỹ, mà sau này Vỹ mới nói cho chị biết là lúc ấy căng thẳng quá nên àn tay mới ra mồ hôi nhiều như thế. Chị bật cười, tự dưng vị thế đổi ngược hoàn toàn, đáng lý ra cái nắm tay đầu tiên ấy Vỹ phải chủ động, người run sợ và căng thẳng phải chính là chị mới đúng chứ.
            Sau đó, Vỹ yên lặng đi bên cạnh chị, hết ngày này sang ngày khác, hết năm này sang năm khác, đi bên cạnh một cách tự nguyện, không đòi hỏi. Lúc nào cũng tạo cho chị một con đường không có chút gì vướng bận, con đường của chị là con đường đẹp, không có một chút chướng ngại vật. Lâu dần, chị thấy Vỹ như một chiếc bóng, một chiếc bóng lặng lẽ đi bên cuộc đời chị, chiếc bóng không làm cho tình yêu có màu sắc, vì sẽ không có chút giận hờn, không có tranh luận, không có mâu thuẫn, Vỹ quá thụ động trong tất cả các tình huống... Chị chán!
            Chuyện chị chán một người yêu hiền lành làm cho đám bạn bè sửng sốt, vì họ quen nhìn thấy hai người luôn đi cùng nhau, luôn nhìn thấy Vỹ làm mọi điều tốt cho chị, không bao giờ chọc ghẹo các cô gái khác. Trong khi các ban của chị có những chàng trai lăng nhăng, suốt ngày chỉ khóc lóc vì ghen tuông. Còn chị, tuyệt nhiên không biết khóc vì Vỹ là gì?
            Vậy thôi mà chia tay, đúng sau ba năm yêu nhau. Chị nhớ mãi ánh mắt Vỹ lúc đó, ánh mắt ngạc nhiên, trân trối và khó hiểu. Nhưng kỳ lạ là anh vẫn chiều theo chị, chiều một cách ngu ngốc. Chị nghĩ, giá như lúc ấy anh níu kéo chị, anh hỏi chị tại sao hoặc ví như Vỹ làm một điều gì đó hứa hẹn rằng Vỹ không thụ động nữa, thì có thể mọi chuyện đã khác, có thể chị đã lại yếu lòng cho Vỹ làm chiếc bóng của mình thêm một thời gian nữa hay vĩnh viễn cũng không chừng. Vậy mà...
            Đó là năm hai mươi ba tuổi, sau đó không lâu chị lại quen mot người khác. Nhưng vài tháng thì chị phát hiện anh ta quen một lúc đến vài người, chị nói điều ấy thì anh ta một đi không trở lại. Chị cay đắng nghĩ chắc là "quả báo" cho mình đây.
            Và năm đó, chị tốt nghiệp đại học rồi lao đầu vào công việc cho tới bây giờ, không hẹn hò bất cứ chàng trai nào dù quanh năm chị bận rộn bởi những cuộc hẹn.
            Gã nhà thơ bảo chị, làm ơn mở điện thoại lên đi, vì đó là cơ hội giải thoát cho chị khỏi cô đơn vào cuối tuần, không người đàn ông thành đạt nào lại đủ thời gian hẹn hò vào những ngày khác trong tuần. Chị mỉm cười, vì chị đâu cần, và chị cũng không thấy cô đơn nữa. Chị tắt điện thoại là để tìm sự yên tĩnh kia mà, chị thiếu gì những cuộc hẹn. Gã nhà thơ gãi đầu cười trừ. Rồi gã nhìn chị, nhìn say đắm, gã mơ màng "này, sao không yêu anh đi nhỏ? Anh yêu nhỏ từ khi nào nhỉ? Hình như là yêu từ khi trái đất chưa tròn!", chị giả vờ chắp tay xá "làm ơn đi, lạy thánh Ala, lạy luôn Bồ tát cho gã này tỉnh lại dùm con, gã mà vớ phải con gã sẽ phải đi về địa ngục..."
            Kết thúc những lần hẹn với những câu nói khùng điên ấy rồi về ngủ. Chị vẫn muốn cuối tuần là ngày dành cho riêng mình.
            Rồi một hôm, sếp bảo chị "anh nghĩ thỉnh thoảng em cũng nên mở điện thoại lên đi, vào ngày nghỉ ấy... Có lúc anh muốn hỏi em cuối tuần có vui không mà ... không liên lạc được, anh nghĩ em cho em cơ hoi cũng như là người khác một cơ hội mới được rồi...". Chị trố mắt nhìn sếp, sếp oai phong lắm mà, sao hôm nay sếp cứ ấp úng như gà mắc tóc ấy, cái chuyện tắt điện thoại là của sếp bày cho em chứ ai.
            Vài tuần sau, trưa thứ bảy sếp đã vội vã nhắn tin "anh thèm ăn cá viên chiên với tương ớt bán dưới chân cầu Thủ Thiêm, tối nay ra đó ăn nhé!". Chị ngần ngừ một lúc rồi trả lời "đến trước 7 giờ, sau giờ ấy con nhỏ bán cá viên đẩy xe đi nơi khác rồi".
            Rồi chị chống cằm suy nghĩ, đây có phải là cơ hội cho ai không?
            Tháng 5/2008
            Nguyễn Anh Đào
             
             
            #6
              nguyenanhdao 02.06.2008 19:30:04 (permalink)
              HÀNH TRÌNH TÌM HẠNH PHÚC
               
              Nếu không còn cách nào khả thi hơn thì nàng đành viết thư thôi, một lá thư có thể giải thích hết những lý do mà khi đối diện không đủ bình tĩnh để nghe. Bốn năm yêu nhau không thể kết thúc bằng bức thư như thế này, nhưng nó sẽ khởi đầu cho một mối quan hệ mới. Quang sẽ yêu gấp gáp, cuồng nhiệt gấp trăm lần để chiếm đoạt nàng, có thể Quang rất đau, rất choáng, có thể nàng sẽ nhận được một ánh mắt đỏ rực giận dữ hay sự bất lực đớn đau ?
              Nàng viết rồi xé đến hàng chục lần, mà không thể hoàn thành được. Nàng dự định sẽ viết bằng cách nào đó làm Quang không đau, không giận mà vẫn đồng ý chia tay với nàng. Nhưng lúc nào viết đến nửa bức thư, cảm xúc dâng lên thì nàng không kềm lòng được, nàng viết hết những lời trách móc, giận hờn lên đó, nàng nói mình không còn yêu, rằng Quang đã giết chết tình yêu của nàng. Đến khi giật mình, thoát khỏi những dồn nén, nàng bật khóc và vò nát lá thư.
              Đã rất nhiều lần như thế, qua một thời gian rất dài rồi mà nàng vẫn chưa nói được lời chia tay với Quang, dẫu những  giận hờn đã nguôi và nàng thấy mình chán nản hơn là chờ đợi được yêu thương.
              Tháng bảy, mưa buồn đến nao lòng, con ngõ lênh láng nước, nàng thấy mình chông chênh khi xung quanh trống vắng đến tê người.
              Nàng đã hai mươi bảy tuổi, nàng đã chờ đợi Quang từ ngày mới ra trường, những hứa hẹn trong những lần hẹn hò lãng mạn ở ngoại ô, ở những công viên….
              Nàng chờ Quang học xong đại học, nhưng học đến năm thứ ba thì Quang bỏ dở, anh lại đi học một ngành khác, học trong trường thì nhiều năm liên tục mà anh vẫn chưa được công nhận mình có một nghề nào đó cho  rõ ràng, bởi có bao giờ anh hoàn thành chương trình học của mình đâu. Gần ba mươi tuổi, anh vẫn chưa một ngày đi làm trong khi nàng đã giữ chức phó phòng của một công ty lớn. Khoảng cách ngày một xa, nàng cố níu gần lại bao nhiêu thi Quang lại đẩy ra bấy nhiêu bằng những mặt cảm tự ti của mình.
              Thời gian đầu, nàng hi vọng anh sẽ làm được một điều gì đó. Nàng hi sinh bằng cách hạn chế tiếp xúc bạn bè để anh khỏi mặt cảm, nhưng đến khi quanh nàng không còn một người bạn nào nữa thì nàng mới hoảng hốt nhận ra, không có Quang  nàng vẫn sống, còn thiếu bạn bè thì không. Nàng không thể vùi mình trong một ốc đảo hoang vu vì những mặc cảm vớ vẩn của Quang. Vả lại, giờ đây, niềm tin trong tim nàng đã cạn, Quang không còn là chổ dựa vững chắc như nàng hằng tôn thờ nữa .
              Nàng muốn chia tay với Quang, đau đớn cho nàng là tất cả những người thân của nàng không ai phản đối, thậm chí có người còn tư vấn cho nàng cách nói thế nào cho hiệu quả. Nàng thấy những người thân của mình lúc này thật đáng ghét. Ư, thì cho rằng không yêu nữa thì đâu cần phải ủng hộ nàng một cách thái quá như  thế, hoá ra bốn năm qua nàng đã làm điều mà họ cho mà sai lầm ư? Thế đấy, nàng đã tin tưởng họ, còn họ thì sợ nàng đau lòng mà dấu kín suy nghĩ của mình. Họ quên mất nàng đã hai mươi bảy tuổi, cái tuổi mà nàng khó thể tìm được người bạn đời như ý muốn khi đã qua một chuyện tình không có niềm tin, cái tuổi mà những ước mơ và tiêu chí đặt ra cho người bạn đời cao hơn cái thời chỉ cần lãng mạn là đủ. Bây giờ người đàn ông lý tưởng trong mắt nàng không phải là hiền lành, chung thủy và lãng mạn nữa. Nàng cần một người có kinh nghiệm sống, phong trần và lừa lọc một chút cũng được miễn sao thành đạt và đối xử tốt với mọi người xung quanh. Nàng cần một người tranh luận đến cùng với nàng về một vấn đề nào đó, chứ không phải vài ba câu rồi đuối lý nhường phần thắng cho nàng như Quang.
              Hạnh phúc sau ngày chia tay Quang sẽ chông chênh và khó tìm. Nhưng nàng biết, chia tay với Quang không phải dễ dàng dù Quang rất hiền, Quang chung thủy, chỉ có một mình nàng trên đời, điều này sẽ làm Quang điên lên nếu mất nàng, Quang sẽ bấu xé nàng trong sự giận dữ tột cùng.
              Nhưng dầu sao thì nàng cũng không thể thối chí được. Đây là mốc quan trọng trong cuộc đời nàng, nàng cần dũng cảm lên mới thay đổi được tương lai u ám của nàng.
              Nàng lại ngồi vào bàn viết:
              Rất đơn giản nếu em nói hai từ chia tay, nhưng tình yêu bốn năm qua không cho phép em làm điều đó. Dẫu trái tim đang nguội dần trong lồng ngực vốn rất nồng nàn của em. Em đã chờ đợi anh bằng sự vô vọng …”
              Nàng lại nói một cách dông dài, rồi cảm xúc lại trào lên, lá thư thứ n lại bị vò nát. Nàng tức giận ném mạnh vào tấm ảnh trên bàn làm việc làm nó rơi choảng xuống nền gạch, không vỡ, chỉ rạn nứt phần gương mặt, chảy thành những vệt dài ngang dọc khiến mặt nàng trong khung ảnh biến dạng. Tại sao không vỡ hẳn ra có phải dễ chịu hơn không? Nàng bật khóc.
              Hôm nay thứ bảy, tối nay Quang sẽ đến, sẽ rủ nàng đi chơi, sẽ hôn nàng rồi về nhà, tất cả trở thành như cũ. Đã nhiều lần nàng không muốn để Quang đặt môi lên môi mình, nhưng nàng thấy Quang chân thành hơn lúc nào hết, tội nghiệp hơn lúc nào hết, và khi hôn nhau, nàng lại nhận ra mình dễ chịu hơn, bớt căng thẳng hơn một chút. Nàng yếu đuối quá mất rồi.
              Hôm nay có lẽ cũng thế thôi, nàng đã mất một ngày nghỉ để viết thư mà vẫn không hoàn thành được. Kim đồng hồ nhích dần về số 6, chậm nhất là 30 phút nữa Quang sẽ đến trong bộ quần áo chỉnh tề, nụ cười tươi rói trên môi. 6 giờ, 6 giờ 15, 6 giờ 30… Trời mưa! Trời đột ngột mưa thật lớn, khiến nàng thoáng chút hoảng hốt. Mưa năm phút, mười phút… vẫn không thấy Quang đến. Nàng chắc chắn một điều Quang đang trên đường đến nhà nàng thì trời mưa. Không biết Quang có mang theo áo mưa không? Mưa lớn thế này Quang có gặp tai nạn ở đâu không? Chuông điện thoại reo làm nàng giật thót mình ‘Anh đây, em...tút.tút..tút…”, mất sóng, nàng bấm máy gọi lại “Số máy quý khách vừa khách gọi hiện không liên lạc được…”. Sao thế? Quang định nói với nàng điều gì? Phải chăng đã gặp điều không may. Nàng khoác vội chiếc áo mưa, không do dự, nàng lao nhanh trong màn mưa như trút nước, nàng chạy theo con đường đến nhà Quang, nàng vừa chạy vừa cố gắng nhìn hai bên đường xem có Quang không?.
              Nàng chạy và chạy mãi, gió rít bên tai, mưa táp vào mặt, nàng quỵ xuống rồi lại đứng lên. Tại sao nàng tìm Quang thì nàng không biết, hình như có điều gì đó sai khiến nàng, nàng chạy tiếp đến một nơi mà nàng chưa nhìn thấy bao giờ, nàng không còn lạnh nữa, nàng đang đi trong biển lửa, đỏ rực liếm lấy đội chân nàng, rát bỏng… Nàng quỵ xuống lần nữa. Có ai đó đã đưa nàng đi, bềnh bồng giữa những tầng mây xanh mây trắng, những tiếng cười hiền lành kèm những giọng cười ghê rợn.
              Bàn tay Quang vẫn giữ chặt bàn tay nàng khi nàng tỉnh lại, nàng nhận ra mình vừa trải qua cơn mê rất dài. Gương mặt Quang đã hốc hác vì mệt mỏi và lo lắng. Nàng nhẹ nhàng rút bàn tay mình ra khỏi tay Quang nhưng anh vẫn giật mình và nắm chặt hơn. Đưa lên môi, rồi anh bật khóc như một đứa trẻ. Các y tá vừa bước vào vội lùi ra một cách ý tứ.
              Nàng nhớ trong cơn mê nàng đã đi tìm tình yêu của mình, nhưng nàng vẫn không tìm thấy. Tình yêu của nàng đâu, tìm nó khó nhọc thế này sao?
              Trong tay anh đã có lá thư của nàng, lá thư viết dở dang hôm chiều thứ bảy, nàng mới đặt bút viết vọn vẹn ba chữ “Em yêu anh…”.
              Thế cũng đủ cho một hành trình tìm kiếm của nàng rồi.
              TPHCM 2004
              Nguyễn Anh Đào
               
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9