Festival Huế
Thanh Vân 08.06.2008 06:06:28 (permalink)
Thứ Bẩy, 07/06/2008 - 4:24 PM


Festival Huế 2008:
Ấn tượng hội thi Tiến sĩ Võ


(Dân trí) - Mới tờ mờ sáng 7/6/2008 hàng ngàn người dân đã đổ về Nghinh Lương đình để được chứng kiến lễ hội Tiến sĩ Võ đã từng diễn ra dưới triều nhà Nguyễn.


Khung cảnh tại Nghinh Lương đình được Ban tổ chức trang hoàng lộng lẫy, rợt bóng cờ, quan quân áo mão chỉnh tề đứng uy nghiêm trong lễ hội.


 
Trước đây trong thời đại nhà Nguyễn, vua Tự Đức đã cho tổ chức 3 khoa thi Hội tiến sĩ Võ vào các năm Ất Sửu (1865), Mậu Thìn (1868) và Kỷ Tỵ (1969), chọn ra 10 vị Tiến sĩ (trong đó có 2 người Quảng Nam, 2 Quảng Trị, 3 Thừa Thiên, 2 Bình Định, 1 Quảng Bình) và 22 vị Phó bảng. Các vị Tiến sĩ được khắc tên trên bia đá dựng tại sân Võ Miếu (cạnh bên Văn Miếu) nhằm tôn vinh võ học Việt Nam và những người có công lao với đất nước.
 
Các khoa thi hội tiến sĩ võ trước đây thường kéo dài suốt 50 ngày, gồm các kỳ thi hội, thi đình với các môn binh pháp, trận pháp, khảo thí côn gỗ, đao khiên, bắn súng điểu thương... và diễn ra tại nhiều trường thi như Tả đãi Lậu Viện, thao trường Cẩm Y Vệ, trường bắn Đông Ba...
 
Trong dịp Festival Huế 2008, Ban tổ chức đã sắp xếp trường thi như đã từng diễn ra. Tại Nghinh Lương đình được bố trí 3 bàn cho Chánh, Phó chủ khảo, Đề Điệm; một đỉnh đồng lớn ở đường Trung đạo khói hương nghi ngút; tại sân Nghinh Lương đình đặt 4 ghế cao 5 bậc cho các quan coi thi, bố trí 4 ngôi nhà ở bốn góc tượng trưng cho Trí, Dũng, Tài, Lực để các võ sinh tập kết; một sân khấu biểu diễn của Tiến sĩ Võ
 
Mở đầu cho Lễ hội Tiến sĩ Võ là màn rước chiếu chỉ xuất cung đi từ Ngọ Môn ra Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình. Sau lễ tuyên đọc chiếu chỉ, 7 võ thí sinh do các võ sư hàng đầu Việt Nam từ TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... được mời về tham dự lễ hội trong vai các tiến sĩ võ vào vai dự vòng chung khảo qua các môn thi sở trường Trận pháp, múa côn, quyền, đao, kiếm...
 
Tiếp đến là màn đồng diễn của 130 võ sinh Thừa Thiên Huế trong vai Ngự lâm quân, Cấm vệ binh dưới sự phụ trách của võ sư các môn phái lớn ở Việt Nam.
 
Lễ hội khép lại với màn công bố thứ hạng cho các Tiến sĩ và ban phẩm phục, cuối cùng là màn rước Tiến sĩ từ Nghinh Lương đình về Duyệt Thị Đường dự yến tiệc vua ban.
 

Buổi lễ trịnh trọng và trang nghiêm khi bắt đầu một ngày mới
 
 

Các thí sinh dự thi làm lễ trước khi vào đua tài

Quan chánh khảo xướng tên các thí sinh dự thi
 

Chân dung một thí sinh
  

Tiếng trống trầm hùng vang rền trong suốt cuộc thi tài
 

Ngự Lâm Quân dàn trận theo cờ lệnh của các thí sinh dự thi Tiến sĩ võ
 

Một thí sinh biểu diễn đại đao trước sự chứng kiến của các quan giám khảo
 

Biểu diễn công phu võ cổ truyền Việt Nam

Mỗi một Tiến sĩ võ nhận phần thưởng là thanh đại đao
 

Quan chủ khảo rời trường thi khi cuộc thi kết thúc
   

Chân dung một Tiến sĩ võ
  
  

Trang phục của Tiến sĩ võ
 
  

Lễ tái hiện kỳ thi tiến sĩ võ đã vẽ lại một phần lịch sử vương triều Nguyễn với những nét đặc sắc và hào hùng.
 
Bài: Khánh Hiền - Hoài Lương
Ảnh: Lê Anh Tuấ

#1
    Thanh Vân 08.06.2008 06:09:03 (permalink)
    Thứ Bẩy, 07/06/2008 - 9:25 AM
    Tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung
    Hình ảnh Hoàng đế Quang Trung cưỡi voi chiến ra trận. (Dân trí) - Festival Huế 2008, tối qua 6/6, đã thực sự gây ấn tượng cho du khách bằng lễ hội độc đáo và hoành tráng: tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung. Đây là lễ hội về thời Tây Sơn lần đầu tiên được tái hiện tại Thừa Thiên Huế.
    Hào khí một thời đã qua
     
    Cách đây 220 năm, tại vùng đất Phú Xuân Huế, vị anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ đã cho san bằng ngọn núi Bân, phía Tây Nam TP Huế, lập đàn tế trời quy tụ lòng dân, chính thức lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Quang Trung. Sau đó ông đã kéo đại quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân xâm lược.
     
    Để nhận thức đúng đắn về vị thế lịch sử của vùng đất, cũng như thực hiện sự công bằng trong lịch sử; nhiều năm qua đã có nhiều nghiên cứu làm sáng tỏ về triều đại Tây Sơn, đặc biệt là Tây Sơn với vùng đất Phú Xuân - Thuận Hoá. Đây cũng chính là lý do mà Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã tái hiện đại lễ này trong dịp Festival năm nay.
     
    Lễ hội tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung chính thức bắt đầu lúc 20h. Hàng ngàn người dân, du khách trong và ngoài nước đã đổ về ngọn núi Bân để chứng kiến cảnh trang nghiêm hào hùng đã từng diễn ra cách đây mấy trăm năm.
     
    Lễ hội là sự tái hiện ký ức lịch sử vào năm 1788. Khi đó, Nguyễn Huệ hay tin quân Thanh tràn qua chiếm đóng Thăng Long đã lập tức hội các tướng lĩnh bàn việc dẹp giặc. Trước sức mạnh của quân địch muốn đánh thắng cần có sự đồng lòng của nhân dân cả nước. Vì thế các tướng lĩnh cho rằng muốn quy thuận được lòng dân thì cần có người dẫn dắt.
     
    Thể theo nguyện vọng của quần thần, Nguyễn Huệ cho đắp đàn tế trời ở núi Bân tại Thừa Thiên Huế, ngày 25/11/1788, làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung. Ngay sau ngày lên ngôi, vua Quang Trung thống lĩnh đại quân hành quân thần tốc ra Bắc, đánh tan quân Thanh, giải phóng Thăng Long.
     
    Lễ hội được chia làm 3 phần chính: Phần thứ nhất là Nghi lễ tế cáo trời đất, với cảnh Nguyễn Huệ ngồi trên thớt voi, đi đầu tiến vào sân hành lễ, theo sau là nữ tướng Bùi Thị Xuân ngồi trên thớt voi thứ hai. Đoàn tùy tùng hộ giá đi bên thớt voi. Tới đàn tế Nguyễn Huệ tiến đến bàn Tròn thực hiện các nghi thức của Lễ tế cáo trời đất, khi đó nữ tướng Bùi Thị Xuân đứng ở đội nữ binh, hai thớt voi đứng chầu hai bên cổng tam quan.
     
    Phần thứ hai là lễ đăng quang, Nguyễn Huệ sau khi thực hiện xong các nghi lễ, bước xuống tầng thứ hai lễ đăng quang, đọc chiếu lên ngôi, chính thức trở thành Hoàng đế lấy hiệu Quang Trung. Sau khi vua an tọa trên ngai vàng, 2 khẩu đại bác đặt trên sườn núi bắn 9 phát đạn, đồng thời đội ngũ lân nhảy múa tưng bừng, chúc phúc nhà vua.
     
    Sang phần thứ ba là lễ xuất quân, sau khi xong lễ đăng quang là màn trình diễn múa cờ, múa quạt, múa kiếm, múa còng chiêng, biểu diễn võ cổ truyền Bình Định, đồng diễn võ thuật tái hiện thủy quân, luyện tập hành quân thần tốc... trong trang phục các dân tộc Chăm, Bana, Ê Đê.  Kết thúc vua Quang Trung khích lệ tinh thần của ba quân, tuốt gươm giơ cao lên trời thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng. Sau đó vua cùng nữ tướng Bùi Thị Xuân cưỡi voi xuống núi, trong tiếng hô vang của quân sĩ.
     
    Trong đêm diễn ra lễ hội, ngọn núi Bân được trang trí lộng lẫy, ánh đèn bừng sáng, lấp lánh khắp nơi, khói hương hòa quyện vào lòng người. Cả không gian ngập tràn màu sắc, bên cạnh đó âm vang của 28 cái trống lớn dồn dập đã tạo nên một không khí hào hùng, thể hiện được hòa khí của đội quân áo vải cờ đào của Nguyễn Huệ ngày nào.
     
    Lễ đài được thiết kế thành 3 tầng, với gần 1.000 người tham gia đóng vai quân sĩ. Tất cả được bố trí thành 5 đạo binh gồm: bộ binh, kỵ binh, thủy binh..., có 2 voi chiến, 5 ngựa chiến và súng đại bác.
     
    Lễ hội tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung diễn ra trong gần 2 giờ đồng hồ giúp du khách hiểu hơn về một đại sự kiện đã xảy ra trong lịch sử. Qua đó tạo được dấu ấn quan trọng của truyền thống đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Đồng thời thể hiện nét đẹp hào hùng, dũng mãnh, ý chí sắt đá, tài thao lược của Hoàng đế Quang Trung đối với đoàn quân thiện nghệ bách chiến, bách thắng.
     
    Các hoạt động bên lề về Tây Sơn - Nguyễn Huệ
     
    Ngoài lễ hội tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung, trong dịp Festival Huế 2008 còn có các chương trình hội thảo, trưng bày hiện vật liên quan đến triều đại Tây Sơn. Đặc biệt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho xây dựng khu Tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung tại núi Bân.
     
    Vào lúc 7h ngày 6/6, tại Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra Hội thảo Khoa học Thuận Hóa - Phú Xuân và anh hùng dân tộc Tây Sơn - Nguyễn Huệ - một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Festival Huế 2008. Đây là Hội thảo lần thứ 5 về Quang Trung và thời Tây Sơn được tổ chức tại thành phố Huế kể từ khi Hội thảo đầu tiên diễn ra vào năm 1995.
     
    Tham gia hội thảo lần này có 30 tác giả, đa phần là những chuyên gia về thời Tây Sơn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Bình Định và các tác giả nước ngoài.
     
    Trước đó ngày 5/6, UBND thành phố Huế đã long trọng tổ chức Lễ khởi công dựng tượng Anh hùng dân tộc Quang Trung với niềm thành kính tri ân vô hạn đối với bậc minh quân lỗi lạc của dân tộc. Tượng đài vua Quang Trung cao 21m, thân tượng cao 12m, đặc tả chân dung người Anh hùng dân tộc từ tám khối đá với 18 mảng, mỗi mảng trọng lượng từ 10-60 tấn.
     
    Khu tưởng niệm có tổng diện tích 9,5ha, gồm di tích lịch sử quốc gia núi Bân được phục hồi, tôn tạo theo nguyên tắc phục chế cùng các hạng mục xây dựng mới được triển khai trong nhiều năm. Tượng đài vua Quang Trung sẽ hoàn thành trước ngày 2/9 và toàn bộ khu tưởng niệm sẽ hoàn thành trước ngày 20/12/2008 để kịp khánh thành vào ngày 22/12/2008.
     
    Cũng vào ngày 5/6, một phòng trưng bày về Thư tịch cổ và tư liệu điền dã về thời Tây Sơn được tổ chức ở Phòng VH-TT. Tại đây trưng bày các tài liệu của nhà Nguyễn về Tây Sơn, thơ văn viết về vua Quang Trung của các nhà nghiên cứu trong nước. Đặc biệt là bản sao bộ tranh “Bình định An Nam chiến đồ” của họa sĩ Trung Hoa dưới thời Càn Long vẽ.
     
    Bộ tranh gồm 6 bức, chủ yếu mô tả cảnh chiến trận giữa quân Thanh và Tây Sơn, trong đó có bức miêu tả cảnh vua Càn Long tiếp kiến Nguyễn Quang Hiển - người cháu của vua Quang Trung sang yết kiến vua Càn Long sau khi thắng trận.
     
    Dưới đây là những hình ảnh hoành tráng, hào hùng trong buổi lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung - một lễ hội hoành tráng, sinh động và hấp dẫn nhất trong các lễ hội của Festival Huế 2008.
     

    Tái hiện những khẩu súng thần công trong lễ xuất quân của vua Quang Trung.
     

     

     

    Có đầy đủ các binh chủng của quân Tây Sơn được tái hiện và cách điệu thành công.

     



    Nữ tướng Bùi Thị Xuân.
     



    Ảnh chụp những thủy binh Tây Sơn ra trận.
     



    Điều đặc biệt trong đạo quân của vua Quang Trung là những dân binh người dân tộc thiểu số.
     

     



    Một số tiết mục thao diễn võ thuật của các nghĩa binh Tây Sơn.
     

     



    Tiết mục múa quạt của các thiếu nữ Chăm mừng Hoàng đế Quang Trung lên ngôi.
     

     

    Núi Bân sống lại không khí hào hùng của lễ đăng quang Hoàng đế Quang Trung.

     



    Cảnh tái hiện lên ngôi của Hoàng đế Quang trung được Đài HTV9 truyền hình trực tiếp.
     
    Bài: Hoài Lương - Khánh Hiền
    Ảnh: Lê Anh Tuấn

    #2
      Thanh Vân 08.06.2008 06:11:53 (permalink)
      Sông Hương và những huyền thoại



      (Dân trí) - Đến với Huyền thoại sông Hương, nhiều du khách kỳ vọng được thả hồn vào một hành trình vừa thực vừa ảo, thưởng thức ẩm thực và lắng nghe dòng sông kể chuyện lịch sử từ hàng trăm năm qua, nhưng thực tế lại chưa được như mong muốn.


      17h ngày 5/6, một lễ hội lớn mang ý nghĩa văn hóa lịch sử, có sức lôi cuốn cao đối với người dân địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước tại TP Huế đã diễn ra trên dòng sông Hương . Đây chính là lễ hội tái hiện cảnh thuyền vua du sông dưới triều Nguyễn với tên gọi Huyền thoại sông Hương.
      Sông Hương, con sông gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của người dân xứ Huế. Chính dòng Hương giang này là nơi cội nguồn để hình thành nên một đô thị 700 năm lịch sử từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và sau này là Kinh đô Huế - báu vật muôn đời mà tạo hóa đã ban tặng cho người dân vùng đất Cố đô.
      Sự phát triển, đổi thay của vùng đất, con người xứ Huế, đều được dòng Hương Giang mang trong mình với biết bao huyền thoại, huyền thoại từ cả tên gọi đến huyền thoại gắn liền với những nhân vật cụ thể trong lịch sử.


      Hành trình ngược thời gian
      Chương trình Huyền thoại sông Hương gồm có hai phần chính: chương trình di chuyển và chương trình cố định. Cả hai phần này đều được dàn dựng trên mặt nước từ Ngã ba Bằng Lãng đến Nghinh Lương Đình.
      Tham gia lễ hội, du khách ngồi trên những chiếc thuyền, trong đó có một chiếc thuyền cung đình được trang trí lộng lẫy, trên đó có bố trí một màn hình để chiếu hình ảnh thuyết minh thêm về các huyền thoại. Đội hình du thuyền của lễ hội còn có 20 chiếc thuyền rồng.
      Từ bến thuyền lăng Minh Mạng, sau phần ngũ lân nghênh phúc, đoàn thuyền bắt đầu cuộc hành trình, du khách vừa thưởng thức ẩm thực, vừa lắng nghe dòng Hương giang kể về những huyền thoại của mình qua 18 điểm nhấn của hành trình.
      Cầu Tuần là địa điểm đầu tiên của Huyền thoại sông Hương, tại đây, du khách được chào đón bởi tiếng trống rộn rã phát ra từ dàn trống lớn được đặt tại mố cầu.
      Trong huyền thoại, người xem được chứng kiến cảnh đội quan binh tuần thú, cảnh các bô lão đặt hương án chào đón đoàn thuyền rồng đi qua, trong màu sắc rực rỡ của cờ xí và âm thanh của nhạc lễ. Cảnh binh lính tuần trực lăng chúa Nguyễn, cảnh dânh hương của vua và được các cung nữ dâng thẻ xăm mang lời chúc tụng lên các thuyền tại điện Hòn Chén…
      Tới đồi Vọng Cảnh, du khách được thưởng thức những tác phẩm sắp đặt Lễ vật dòng sông của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh trong khói màu huyền ảo. Cuộc sống bình lặng của các làng chài bập bùng trong ánh đèn, những thuyền chài tung lưới dưới ánh hoàng hôn, trong tiếng hò rộn rã… Không chỉ vậy người xem còn được thưởng thức cảnh chín ngọn đuốc rừng rực sáng tượng trưng cho “Thiên-Địa trục” và chín đời chúa Nguyễn đã qua; Hình ảnh Văn Miếu Môn, Đại Thành Môn trong đêm.
      Tới chùa Thiên Mụ, các thuyền dừng lại, khu bờ kè chiếu các bài thơ chữ Hán của các vua, các chúa viết về chùa Thiên Mụ; bậc cấp bờ kè thắp hoa đăng theo hình chữ Hán Thiên Mụ tự, hoạt cảnh bà tiên báo mộng, chúa Nguyễn Hoàng và tùy tùng chọn cuộc đất để xây chùa, khoảng 40 nhà sư thắp sáng các hoa đăng làm rực lên 3 chữ “Thiên Mụ tự” trong âm thanh của tiếng mõ.
      Tại đình Kim Long, trong sắc màu của cờ xí, các bô lão và thiếu nhi chào đón đoàn du thuyền với sự thể hiện qua nghệ thuật sắp đặt "Cửu long" với hai chữ Hán “Kim Long” ghi dấu về một thời thủ phủ Kim Long (1636-1678) và thời chúa Nguyễn, đồng thời hồi tưởng về 450 năm Chúa Nguyễn Hoàng làm cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi (1558 - 2008).
      Tại cầu Bạch Hổ, 9 ngọn đèn cực mạnh vụt sáng tượng trưng cho 9 chúa Nguyễn, một lớp pháo hoa chảy từ thành cầu đón du khách vào khu vực chương trình cố định. Bờ cây từ cầu Bạch Hổ đến Nghinh Lương Đình được chiếu sáng nghệ thuật, huyền ảo, lung linh; 13 cây đèn trời vụt sáng tượng trưng cho 13 đời vua Nguyễn.
      Sân khấu Nghinh Lương đình được dàn dựng thành 3 tầng (thượng, trung, hạ); có bốn cụm rồng, hai cụm mây làm màn hình chiếu các hình ảnh phụ họa thêm cho các tiết mục. Tại đây, Huyền thoại sông Hương sẽ tiếp tục được kể qua 11 tiết mục chính gồm: tiết mục múa “Cội nguồn dòng sông”, hoạt cảnh chúa Nguyễn Hoàng vào Nam với hào khí đi mở đất… Các tiết mục được kết nối bằng lời thoại do các tiên nữ “kể mới” theo lối dẫn chuyện bằng các loại hình như hoạt cảnh, tổ khúc, vũ khúc, ngâm thơ ...
      Kết thúc lễ hội Huyền thoại sông Hương là tiết mục lân sư rồng tiễn chào du khách, pháo hoa bắn sáng cả một quãng sông.


      Huyền thoại sông Hương - một hành trình đầy vất vả
      Tuy đã có nhiều cố gắng trong khâu tổ chức nhưng kết quả của chương trình lễ hội vẫn chưa đạt được như mong muốn. Chị Mỹ Hoàn ở TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên về Huế tham dự Festival cho biết: "Thực sự tên gọi của lễ hội Huyền thoại sông Hương rất thu hút tôi. Nhưng khi tham gia tôi thấy mình vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn vì không thể thấy hết những gì đang diễn ra".
      Xung quanh chương trình rất nhiều ý kiến được đặt ra như đoàn  thuyền đi quá nhanh, khoảng cách giữa thuyền và đất liền còn quá xa, trong khi đó thì ánh sáng không đủ nên tầm nhìn của người xem cũng có phần hạn chế. Ban tổ chức thì lúng túng trong việc điều hành lễ nên còn nhiều điều đáng phải xem xét nếu thực hiện chương trình vào những lần tới.
      Thiết nghĩ để có thể duy trì khai thác chương trình như một tour du lịch, phục vụ lâu dài, tạo nên một sản phẩm văn hóa đặc trưng vào ban đêm của Huế như mong muốn của Ban tổ chức Festival Huế 2008, Ban tổ chức cần có những giải pháp thiết thực hơn để Huyền thoại sông Hương trở thành một chương trình có chiều sâu trong lòng du khách.



      Chiếc thuyền cung đình đã bị mắc cạn nên hành trình Huyền thoại sông Hương đã không diễn ra đúng như dự kiến.


      Những người dân hai bên bờ sông đã rất háo hức ngắm nhìn đoàn thuyền đi qua.
        

      Một cô gái trầm tư ngắm nhìn dòng sông huyền thoại qua cửa sổ thuyền rồng.


      Lễ tế làng bên bờ sông được tái hiện nhưng ở khoảng cách quá xa nên du khách không thể cảm nhận được.



      Du khách chỉ được tham gia một vài hoạt động nhỏ như thả hoa đăng, xin xăm.



      Chùa Thiên Mụ lung linh trong đêm nhưng hoạt cảnh tái hiện lại huyền tích bà tiên mách đất để xây chùa đã không được như ý.



      Hoa đăng tại chùa Linh Mụ



      Khá nhiều du khách phàn nàn khi khoảng cách giữa sân khấu và nơi neo thuyền quá xa không thể nhìn thấy rõ các nghệ sỹ biểu diễn



      Những tiết mục tại sân khấu nổi trên bến Văn Lâu là cái đinh của cả chương trình Huyền thoại sông Hương.



      Mỗi thuyền rồng chỉ chở được 30 người nhưng sàn thuyền cũng không đủ chỗ cho khách ngồi xem.

      Hoài Lương - Lê Anh Tuấn

      #3
        Thanh Vân 08.06.2008 06:13:55 (permalink)
        Thứ Bẩy, 07/06/2008 - 10:35 AM
        Nón “Thúy” trong lòng khách nước ngoài


        Không chỉ khách trong nước đến Huế hỏi về
        nón “Thúy” mà ngay cả khách nước ngoài cũng quan tâm đến nó, coi như món quà kỷ niệm với Cố đô.


        Nón Huế tồn tại và trở thành nét đặc trưng không thể thiếu của thành phố thơ mộng này. Ngày nay nghề truyền thống này dần dần bị phai nhạt nhưng nón “Thúy” - thương hiệu vẫn luôn gắn liền với thời gian, qua bao nhiêu năm đưa tiếng thơm của nón Huế đi khắp năm châu. 
        Kể từ khi Huế được công nhận di sản văn hóa thế giới thì đó cũng là lúc khách nước ngoài biết đến Huế nhiều hơn, cũng như biết đến chiếc nón “Thúy”. Tại sao nón “Thúy” trở nên có thương hiệu trong lòng khách nước ngoài đến vậy?
        Chuyện kể rằng có một du khách Úc qua một lần đến thăm nhà chị Thúy, chăm chú nhìn từng đường kim mũi chỉ tỉ mẩn của người phụ nữ khuyết tật. Sau 2h đồng hồ chiếc nón hoàn thành, vị khách đó trầm trồ khen ngợi và yêu cầu chị Thúy làm thêm một chiếc nữa nhưng lồng thêm vào nón chữ “Thúy”. Ông khách đó mang chiếc nón đó về nước, khoảng thời gian sau có một đoàn du khách Úc tìm đến chị Thúy và đề nghị chị biểu diễn cách chằm nón thế nào và cho thêm chữ “Thúy ” trên nón. Và cứ thế cho đến bay giờ du khách nước ngoài biết đến nón Huế nhiều đến vậy.
        Nón “Thúy” đã trở thành biểu tượng của nghề nón truyền thống Việt Nam, chiếc nón này được giới thiệu qua nước nào bán hết đến đó. Nón “Thúy” ngày càng có danh tiếng hơn, hàng ngày chị Thúy vừa phải làm nón, vừa tiếp đón các đoàn khách nước ngoài đến xem và đặt mua hàng. Nón bài thơ hấp dẫn khách du lịch vì vẻ đẹp mềm mại thanh tao, màu trắng sáng xanh dụi mát của lá, ngoài ra chiếc nón còn rất tiện ích có thể che mưa che nắng được, làm vật trang trí cho các bộ quần áo, hơn nữa nó còn là món quà lưu niệm vô cùng quý giá cho mỗi du khách. 



         
        Nón “Thúy” tuy có thương hiệu nhưng không hề bị thương mại hóa, mỗi cái không quá 1 đô la, với chị Thúy “Khách nước ngoài hay khách nội địa cũng cùng giá rứa thôi, họ quan tâm đến nghề nghiệp ông cha mình là quí lắm rồi”. Khách nước ngoài quan tâm đến nón thường hay đến cuối đường Trần Phú tìm cho mình một chiếc nón “Thúy” độc quyền. Ngoài ra du khách muốn mua chiếc nón bài thơ mang đặc trưng Huế thường ra chợ Dạ Lê, chợ này tập trung buôn bán hàng nón và các mặt hàng liên quan nghề chằm nón truyền thống.
        Làng nghề truyền thống dần bị mai một nhưng hình ảnh nón bài thơ nói chung và nón “Thúy” nói riêng luôn trường tồn với thời gian trong lòng mỗi du khách.








        Theo Thanh Tươi
        Travellink.vn
        #4
          Thanh Vân 10.06.2008 05:39:04 (permalink)
          Hồn xưa trong lễ hội áo dài Huế
          Buổi trình diễn 260 bộ áo dài của 12 nhà thiết kế theo chủ đề "Dấu xưa" diễn ra tại cửa Hiển Nhơn - phía đông Hoàng thành Huế - đêm 8/6 được xem là một trong những chương trình "đinh" của Festival Huế 2008.
          Các thiếu nữ duyên dáng sải bước trên nền gạch, giữa ánh sáng lung linh của nến và âm thanh du dương của nhạc Trịnh Công Sơn, Văn Cao và Đức Huy. Huế có một đêm làm đắm say lòng người bởi một không gian đầy sức gợi về những nét văn hóa xưa.





          Một vẻ đẹp đậm truyền thống: áo dài, tóc đen nhánh rẽ ngôi.





          Gót hồng trước cửa Hiển Nhơn.





          Thiếu nữ, nến và hoa sen.





          Sự hài hòa về màu sắc của không gian đêm hội.





          Nét Huế trong áo dài và biểu tượng chùa Thiên Mụ.





          Em bước ra như từ trong hư ảo.





















          Áo dài tung bay trong âm nhạc, gió và ánh sáng lung linh.
          Quốc Huy
          #5
            Viet duong nhan 10.06.2008 06:12:20 (permalink)
            Cảm ơn Thanh vân nhiều.
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9