THỜI ĐẠI TÍN LIỆU - Chương 1
Thần Báo 19.06.2008 05:42:28 (permalink)
THỜI ĐẠI TÍN LIỆU
Tác phẩm đầu tay 500 trang của Thần Báo Phạm Văn Bản
 
-----------------------------------
 
 
Chương 1
 
NGUỒN GỐC CON NGƯỜI
 
 
 
Dù vũ trụ quan, nhân sinh quan khác nhau nhưng
ai nấy đều nhận thấy mọi tổ chức trên trái đất
là sản phẩm của các thời đại con người
(Vinh Đức Nguyễn Đức Đơn)
 
Ngày nay các nhà khảo cổ và nhân chủng học căn cứ vào xương người mà phân loại các giống người theo thời đại, họ cũng đối chiếu với vũ khí và dụng cụ sản xuất mà đặt tên thời đại.
 
Ở cuối thế kỷ 19 người ta chỉ nhìn vào phương tiện sản xuất hay vũ khí cá nhân mà đặt tên thời đại: đồ đá, đồ đồng, đồ sắt… và nhận định kinh tế là nhân tố chính yếu làm nên tiến trình văn minh nhân loại. Ảnh hưởng vật chất như năng lượng, kỹ thuật sản xuất là yếu tố tiến hóa đã thúc đẩy xã hội phát triển. Những kỹ thuật đồ đá, đồ đồng, đồ sắt… làm phát triển kinh tế, cải tiến bộ mặt xã hội, tạo ra và làm cho con người có phương tiện sống chung. Cuộc sống chung mỗi ngày một hội nhập nhiều người, và dẫn tới xã hội rộng lớn, đòi hỏi nhiều canh tân cải tiến, nhất là về phương diện chính trị.
 
Nhưng sự đặt tên thời đại theo thể liệu chỉ nói lên ý nghĩa vật chất đơn thuần, đang khi phần tinh thần, tinh anh vô hình lại không được đề cập tới. Bởi thế mỗi khi nhắc tới thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt… thì người ta khó phân biệt được khả năng của con người qua từng thời đại, đặc biệt là khả năng tổ chức lãnh đạo là điều cốt cán trong công cuộc xây dựng con người và xã hội con người.
 
Cũng theo những nhà khảo cổ, thì loài người đã xuất hiện trên hành tinh địa cầu này vào khoảng 15 triệu năm nay. Tới 5 triệu năm ghi nhận có giống người tiền sử mang tên khoa học Australopithecus, nhưng thời gian sau 3 triệu năm lại biến mất. Tiếp đến là giống người khéo chân tay Homo habilis, rồi sau đó lại xuất hiện thêm giống người đứng thẳng Homo erectus cũng là tổ tiên gần gũi với nhân loại chúng ta ngày nay, họ đã biết kiểm soát lửa và phát triển tiếng nói.
 
Với 500 ngàn năm gần đây, giống người thông minh Homo sapiens, có bộ óc lớn hơn và họ biết mài bén một bên lưỡi đá dùng làm vũ khí hay làm dao. Như thế chúng ta thấy rằng con người phải mất bao ngàn năm tiến hóa mới học hỏi, khám phá việc xử dụng đồ đá. Họ mới chỉ biết mài một bên, nếu mài hai bên lưỡi đá sẽ hữu ích hơn. Theo giòng thời gian con người biết dùng vỏ cây làm áo quần che thân, tìm hang động làm nơi trú ẩn, và thời ấy có gậy đá nhưng con người đã đánh bẫy bắt được nhiều thú vật mập mạp khổng lồ.
 
Tới thời gian 40 ngàn năm, nền văn minh nhân loại được khởi đầu với giống người Homo sapiens sapiens, thuộc chi nhánh của Homo sapiens xuất hiện cùng một lúc ở khắp vùng châu Á, Âu, Phi. Người ta ghi lại nhiều tranh ảnh trên vách đá hang động, biết liên lạc với nhau bằng tiếng nói, chữa bệnh bằng cỏ cây, rồi làm đồ gốm, xây nhà dựng làng, trao đổi buôn bán bằng vật dụng dọc theo các trục giao thông đường bộ cũng như đường biển.
  
CON NGƯỜI PHÁT TRIỂN
 
Ba triệu năm trước, bộ óc em bé mới sinh đo được khoảng 350 phân khối và người lớn khoảng 700 phân khối, như vậy bộ óc con người đã phát triển 100%. Ngày nay bộ óc trẻ em bằng 25% người lớn, và bộ óc của em bé đã phát triển 300% theo thể tích, từ lúc mới sinh ra cho tới khi trưởng thành, đang khi bộ óc người lớn cũng tăng gấp đôi so với con người của thời đồ đá. Ngày nay thể tích trung bình của bộ óc con người có khoảng 1400 phân khối, và thời gian phát triển từ sơ sinh tới lúc khôn lớn.
 
Hoàn cảnh điều kiện sinh sống cũng ảnh hưởng trong việc tăng trưởng hệ thống thần kinh. Nếu thời thơ ấu em bé thiếu dinh dưỡng, sống nghèo khổ trong xã hội lạc hậu thì bộ óc không phát triển bằng những người bình thường của xã hội tân tiến. Đây cũng là nỗi bất hạnh cho dân tộc Việt Nam chúng ta mãi sống trong quốc gia chậm tiến, cũng như những thổ dân ở Tây phương… vì thiếu thốn dinh dưỡng, thiếu thốn giáo dục, cho nên đã làm cho các em bị khuyết tật thiếu óc minh mẫn sáng tạo và làm cho sắc tộc, dân tộc ấy càng ngày bị thụt lùi. Đó chính là tội đồ dân tộc của những kẻ giành quyền.
 
Nếu đem so sánh bộ óc của loài khỉ Chimpanzee, một giống thông minh nhất nhưng thể tích bộ óc khỉ mới sinh chỉ đạt 65% khỉ mẹ, có nghĩa óc khỉ mới chỉ phát triển được một phần ba, từ lúc sinh ra cho tới khi trưởng thành. Đang khi sức tăng trưởng về bộ óc của con người thì sức nặng con người cũng tăng gấp đôi, chiều cao con người tăng khoảng 30%, và tuổi thọ cũng tăng cao hơn nhiều. Sự khắc phục thiên nhiên đã làm cho con người linh động hơn các động vật khác, điều này giúp cho con người phát triển được nhiều khả năng, cũng như tính khí nảy sinh trên nhiều phương diện.
 
ĐẶC TÍNH LOÀI NGƯỜI
 
Loài người có khả năng đem suy tư vào trí nhớ, vào tiềm thức. Cho nên con người đặt ra những chương trình kế hoạch sáng tạo, biến cải thiên nhiên, truyền đạt kinh nghiệm, hệ thống tổ chức và liên lạc xã hội cho những thế hệ tiếp nối. Với tinh thần cầu tiến con người vận động tâm trí để sáng tạo, phát minh dụng cụ và phương tiện sản xuất. Qua mỗi thời đại cải tiến cuộc sống, gia tăng nhân số, con người phải biến cải các cơ cấu và hệ thống tổ chức kinh tế, xã hội, quân sự hay chính trị. Đến nay, loài người đã trải qua nhiều cuộc cách mạng, và cuộc sống mới lại đòi hỏi đáp ứng nhu cầu tổ chức chính trị tân tiến để ổn định trong việc điều hòa xã hội.
 
Vào khoảng 350 ngàn năm, con người đã biết thực hiện kế họach săn thú, giữ lửa, dệt vải, sắp xếp nghi thức chôn người chết. Những chứng tích của tôn giáo đã ghi lại các biến cố quan trọng, và nghệ thuật sống của con người có từ 30 đến 40 ngàn năm nay như việc xử dụng ngôn ngữ, luân lý, luật lệ xã hội của các nhóm người xuất hiện trong cùng thời đại. Mười ngàn năm nay, nhân loại có những sự thay đổi quan trọng hơn, con người chuyển sự phát triển văn minh từ vận tốc ốc bò của Thời Đại Săn Hái trong bao triệu năm, để bước vào thời đại mới với vận tốc rùa bò của làng xã nông nghiệp.
 
Theo sự nhận diện con người trong Kinh Việt (1) Con Người là một hiệp thể tự tại và bất khả phân, bao gồm bốn sức sống thân lực, trí năng, tâm tình, và tuệ linh (Thân lực thực tại, Trí năng tinh biến, Tâm tình thông hiến, Tuệ linh vĩnh hiệp). Để kiếm sống, con người phát triển phần thân lực. Và khi con người biết sống chung, thành lập gia đình ngay từ thời đại săn hái họ phát triển phần tâm linh, tới thời hành lập làng xã nông nghiệp họ phát triển phần trí năng, và vào thời quốc gia kỹ nghệ họ chú trọng phần giáo dục và phát triển kiến thức.
 
Do phát hiện các tiềm năng của con người, các nhà giáo dục đã khảo sát và nghiên cứu để trong tương lai hệ thống giáo dục có thể thực hiện việc phát triển con người toàn diện. Ngày nay nhờ khoa học kỹ thuật có thể đo lường được tám Đặc Tính Con Người:
 

sức mạnh bắp thịt/ hay cơ năng (physical)
trí tính toán, được gọi là chỉ số thông minh (Intellegence Quotient)
bản tính (intrapersonal)
cảm xúc (kinesthetic)
mỹ thuật tính (aethetic)
liên thuộc tính (interpersonal)
không gian tính (spatial)
sáng tạo tính (creative)
 
Tóm lại, sức mạnh lực sĩ và trí tính toán được đo bằng những cách phổ thông, và các đặc tính khôn ngoan của con người cũng được khám phá, rồi còn nhiều khả năng tiềm ẩn khác nữa là điều mà các nhà khoa học đang tìm kiếm đo lường trong tương lai. 
TIẾN BỘ LOÀI NGƯỜI
 
Loài người tiến bộ từng giờ từng phút, không tiến ắt lùi. Trên mặt trái đất đã trải qua bao lần tiến hóa, sinh vật động vật nào không tiến hóa ắt diệt vong. Những con khủng long của thời tiền sử chỉ vì không muốn biến thành cá sấu/ hay đại bàng mà chúng bị tiêu diệt, tuyệt chủng. Dân tộc nào chậm tiến cũng thế, nếu không theo kịp trào lưu tiến hóa chung với các dân tộc khác, thì ta không lấy gì bảo đảm để dân tộc đó tồn tại trên quả địa cầu trong một tương lai gần. Bất cứ thời đại nào, con người cũng phải đem hết sức lực, trí lực, tâm lực, tuệ lực của mình để thực hiện mà chu toàn chương trình dự tính. Thời nào, người thành công cũng được xem là người xuất chúng của thời ấy. Nếu lấy trình độ thời nay để nhìn về lịch sử mấy trăm năm thời trước, chúng ta thấy con người thời ấy đơn sơ yếu kém, nhưng thật ra họ đã cố gắng làm hết sức và là những bậc xuất chúng thời đó.
 
Vì cấu trúc xã hội thay đổi cho nên gía trị cuộc sống của mỗi thời đại cũng thay đổi và khác biệt. Đức tính giết người ăn thịt của thời đại săn hái, lại trở thành tội ác trong thời đại nông nghiệp và kỹ nghệ đối với nhân lọai chúng ta hôm nay. Đức tính nhiều vợ, đa thê để sinh sản ra nhiều con cái đáp ứng nhu cầu nhân công trong thời đại làng nước nông nghiệp, thì nó lại trở thành lạc hậu, hủ tục đối với thời đại liên bang kỹ nghệ chỉ một vợ một chồng. Tổ chức triều đình hàng dọc của thời đại nông nghiệp lại trở thành độc tài và lỗi thời với cấu trúc chính trị dân chủ ngày nay. Tóm lại, nhu cầu của con người và điều kiện sống đã tạo ra một bảng giá trị thời đại, và con người hệ lụy khổ sở vì cái bảng giá này.
 
XÃ HỘI PHÁT TRIỂN
 
Bộ mặt thế giới thay đổi theo sự phát triển của dân số, khoa học kỹ thuật, và phương tiện vận chuyển của tốc độ thời đại. Phương tiện di chuyển phát triển cũng đồng nghĩa với sự thu nhỏ của quả địa cầu về mọi phương diện cai trị, quản lý và điều hành. Con người thay đổi với tốc độ từ đi bộ, cỡi ngựa, chèo xuồng tới xe lửa, xe hơi, tàu thủy, máy bay... từ cánh quạt mà sang phản lực, vệ tinh, trạm không gian… và tốc độ thời đại cũng làm thay đổi bộ mặt xã hội chính trị của con người.
 
Tiếp đến chiến tranh xâm lược của con người cũng tùy thuộc vào phương tiện di chuyển mà ra. Với tốc độ của đôi bàn chân thì chiến tranh chỉ có thể xảy ra trong bộ lạc, trong vùng đất hẹp. Nhưng khi con người biết làm ra thuyền gỗ, biết nuôi ngựa nuôi voi thì với vận tốc mã lực ấy chiến tranh đã mở rộng lên cấp quốc gia, xâm lăng các nước lân bang thành lập đế quốc. Người Mông Cổ nuôi được giống ngựa quý chạy nhanh và xa hơn các giống ngựa khác của những quốc gia đương thời thì Mông đã gây chiến tranh từ Á sang Âu vào thế kỷ 13. Rồi người châu Âu biết chế tạo tầu sắt thì đã mang quân xâm lăng các nước Tây phương và tiến chiếm gần hết thế giới.
 
Trong những thập niên tới nếu phương tiện di chuyển thông dụng đạt tới 25,000 cây số/ giờ, thì sự liên lạc qua hệ thống điện lưới toàn cầu, điện toán cá nhân chắc chắn sẽ đưa nhân loại đến một thể chế chính trị dân chủ hoàn chỉnh mỹ mãn, luật lệ bang giao quốc tế hay vai trò của Liên Hiệp Quốc cũng thay đổi để mở rộng ra trong nhiều lãnh vực… với sự hợp tác được cải tiến và các tổ chức quốc tế sẽ được thành lập để đáp ứng tình hình biến chuyển của thời đại mới.
 
Tiến hóa đã làm thay đổi cuộc sống con người từ bản thân, gia đình xã hội. Cuộc sống thay đổi này cũng kéo theo việc biến cải về các cơ cấu tổ chức kinh tế chính trị con người theo ba đợt sóng văn minh nhân loại:
 
1. Thời đại nông nghiệp
2. Thời đại kỹ nghệ
3. Thời đại tín liệu 
Thời đại biến chuyển như đợt sóng có điểm phát khởi, rồi cần thời gian để lan tràn, khi tiến đến cao điểm cực đại thì đợt sóng ấy đi xuống tới hạ điểm cực tiểu để có đợt sóng kế tiếp lại nổi lên. Về phương diện chính trị chúng ta có thể đối chiếu với kinh tế, như sau:
 
Kinh tế                                    Chính trị
Trước nông nghiệp                  Chế độ bộ lạc
Nông nghiệp                           Quân chủ
Kỹ nghệ                                  Dân chủ
Tín liệu                                    Tân dân chủ
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
BIỂU ĐỒ THỜI ĐẠI
 
   Thời đại:
 - Tín liệu                                                        
   Tiền tín liệu                                                              4
 

           
   Hậu kỹ nghệ                                                             3
 - Kỹ nghệ
   Tiền kỹ nghệ                                                            2
 
 
   Hậu nông nghiệp
 - Nông nghiệp
   Tiền nông nghiệp
 
                                                                                1
   Hậu săn hái
 - Săn hái
 
 
 
 
  Năm  
-15MK     -10000        0          1000      1650       Y2K
 
 
1. Các thổ dân, hậu săn hái hay tiền nông nghiệp
2. Các nước Đông Dương, tiền kỹ nghệ
3. Các nước kỹ nghệ
4. Các nước tín liệu.
#1
    Thần Báo 19.06.2008 07:29:35 (permalink)
    Chương 2

    THỜI ĐẠI SĂN HÁI


    Độc tài và ấu trĩ tương sinh và cộng sinh
    (Vinh Đức Nguyễn Đức Đơn)

    Nói về thời đại của con người, chúng ta thường chỉ nghĩ sự khởi nguồn con người từ chế độ bộ lạc mà quên thời tiền sử lâu dài. Có người lại căn cứ nhân sinh quan của nền văn hóa tôn giáo mà họ cho rằng con người được tạo dựng qua vài ngàn năm lịch sử, từ khi có chữ viết ở chế độ nông nghiệp. Nhưng thực ra, loài người đã xuất hiện trên trái đất lâu đời và phải tiến hóa trong khoảng 15 triệu năm.
                  
    Loài người trải qua những cuộc đấu tranh trường kỳ để thay đổi cuộc sống và thăng tiến. Con người biết truyền thụ cho nhau những gì thu lượm được từ sắc nhiễm thể, giòng máu, truyền sinh và gia tăng nhân số. Từ đơn vị cá nhân riêng rẽ ở thuở sơ khai, con người biết sống chung quây quần thành đơn vị chính trị gia đình nhằm đáp ứng nhu cầu sinh tồn, tạo ra tinh thần kỷ luật trách nhiệm. Trách nhiệm con người lại tạo ra nhiều đức tính sống chung trong tổ chức, phát triển thành đơn vị chính trị xã hội bộ tộc.

    Đáp ứng nhu cầu an ninh sinh kế và truyền giống, con người còn truyền dạy cho nhau khả năng và đức tính, bao gồm tổ chức điều hành quản trị, lãnh đạo chỉ huy và luân lý đạo đức. Các khả năng và đức tính đã phát triển theo giòng thời gian, theo dân số gia tăng, theo đơn vị chính trị và hệ thống xã hội thành những bảng giá trị thời đại.

    Sơ khai đơn vị chính trị của con người chưa có biên cương vì chưa có nhu cầu, nhưng dần dà biên cương được ấn định theo thỏa thuận hai phe, ghi thành văn kiện và công nhận nhiều phía. Những người sống chung trong đơn vị chính trị thường có chung nguồn gốc dòng giống, ngôn ngữ phong tục, lịch sử văn hóa, hoặc có liên quan hay ảnh hưởng chi phối bởi hệ thống tổ chức cai trị, gọi là chính quyền.

    Thành lập gia đình, nhu cầu nuôi nấng và chăm sóc con cái tạo ra sự phân chia cộng việc, bổn phận trách nhiệm của hai người nam và nữ. Thời gian nuôi nấng từ lúc mới sinh cho đến lúc con người có thể tự kiếm ăn, cần một khoảng dài chăm sóc nếu như so sánh với các sinh vật động vật khác. Bởi thế gia đình săn hái, vợ hoặc chồng phân công ra một nội trợ để giữ con và giữ lửa, một công nhân đi kiếm ăn, và được các nền văn hóa đề cao hình ảnh phân công phân nhiệm này.

    KINH TẾ SĂN HÁI

    Săn hái là hành động đi kiếm ăn của các loài sinh vật. Thuở hồng hoang con người cũng đi kiếm ăn bằng hành động săn hái: săn thú rừng, bắt cá, lượm trái, hái hoa, bới củ mà sinh sống. Cấu trúc xã hội gồm vài thôn ấp với dăm ba túp lều hay hang động tạo thành nền chính trị và chế độ bộ lạc qua bao triệu năm. Kinh tế thời săn hái, con người chỉ cần miếng ăn thức uống cho nên nhu cầu chỉ là đám rừng, mảnh ruộng, bãi nương, con suối. Nguồn cung cấp lương thực sản phẩm từ khu rừng chồi non hay bờ sông bãi sú sẵn cá tôm chim sóc, và chưa có nhu cầu quốc gia dân tộc.

    Hành động săn hái tiềm tàng trong huyết quản của con người được trải nghiệm qua bao triệu năm, cho nên ở bất cứ thời nào, địa vị nào người ta vẫn thích săn hái. Săn hái là cách kiếm ăn nhanh nhất, dễ nhất, tiện nhất… không cần tính toán, không nặng đầu óc suy tư mà có cái của ăn ngay. Chữ săn hái đồng nghĩa với săn người, săn tin, săn hình, săn danh, săn lợi, săn thú, săn cá, săn mồi, săn gái, săn bạc… vì người ta muốn có ngay mà không cần suy xét hành động lương thiện, hay bất chính.

    Theo tiến trình thời gian con người muốn sinh tồn phải tạo ra lương thực, sản phẩm và phương tiện để cải thiện đời sống. Con người đã tìm tòi, học hỏi, phát minh và gia tăng sản xuất. Cứ mỗi thời lại có những phương thức sản xuất khác nhau, và bằng nhờ vào những phát minh sáng chế những dụng cụ, khí cụ. Cứ mỗi thời đại lại có những sức mạnh riêng, sức mạnh này tùy thuộc vào cơ cấu, vào hệ thống tổ chức xã hội đương thời. Trong thời đại săn hái, quyền lực chính trị do trưởng bộ lạc nắm giữ, tạo thành hình ảnh tướng quân anh hùng chỉ huy phần xác, và bên cạnh là thày cúng siêu linh đặc trách phần hồn loài người.

    Biên cương đơn vị chính trị của con người săn hái cũng được ấn định theo mức độ an ninh bộ tộc. Có những bộ tộc ở cách xa nhau dăm ba ngày đường đi bộ, tùy thuộc vào tình trạng thực phẩm nhiều ít mà chia theo khoảng cách quy định. Thời này cũng chưa có văn tự, nên biên cương chỉ là sự mặc nhiên công nhận giữa các bộ tộc lân cận.

    Con người săn hái của thời đại bộ lạc ngày xưa, mà tới nay họ vẫn còn tồn tại ở một số nơi trên thế giới, nhìn thổ dân đó, họ giống như "cái vẩy điện tử" được ghi sẵn trong xưởng sản xuất với một số công thức mà người ta xử dụng, không thể sửa đổi được. Những kỷ niệm sâu đậm từ thời thơ ấu, của mối tình đầu, và những câu nói vô tình chạm vào tim óc, hoặc sáo ngữ hay mỹ từ hợp ý thì họ khắc cốt ghi tâm như ghi dữ kiện vào "chip điện tử" được đúc sẵn, nếu ta mở mạch điện thì nó hiện lên, để trở thành ấn tượng.
     
    CHÍNH TRỊ BỘ LẠC

    Thuở hồng hoang con người chỉ biết trèo cây hái trái hoặc rình bắt mồi ngon. Người ta sống trên cành cao, trong hang sâu để tránh những thú dữ sát hại. Nhờ vào trí khôn, con người dần dà biết chế tạo vũ khí để săn hái ngày thêm hiệu quả, vui thú điền viên. Đời sống của họ là lối sống du mục, tùy thuộc vào điều kiện thiên nhiên mà họ ở hay đi, thời tiết bốn mùa thuận lợi hay thiên tai hỏa hoạn, lụt lội hay hạn hán. Loài người ngày ấy sống rất hồn nhiên, làm bạn với thiên nhiên muôn vật.

    Từng ngàn năm trôi qua có những lúc bình yên no ấm, ngắm nhìn vũ trụ vạn vật xung quanh mà người ta suy gẫm. Nhìn lên trời cao vô tận, nhìn xuống vực thẳm nơi giòng thác chảy xiết mà họ rút tỉa kinh nghiệm sống. Qua kinh nghiệm họ tìm cách trồng tỉa chăn nuôi, từ đó mà khởi sự nếp sống mới, thanh thản, bình an hiền hòa và đó là bước vào thời nông nghiệp.

    Nhu cầu chính trị cũng bắt đầu từ đó, vì tay làm hàm nhai theo thời gian tăng dần. Xã hội cần có trật tự, tổ chức để phân định những của riêng việc tư, và những của chung việc chung. Con người biết kết thành từng làng. Làng là nơi bảo bọc sự sống của từng gia tộc, bộ lạc.

    Nhưng nếp sống nông nghiệp chỉ hiện ra trên những vùng đất màu mỡ, nhất là dọc theo hai bên bờ của giòng sông lớn. Còn những nơi có núi cao rừng thẳm, những vùng sỏi đá hay nơi bao phủ tuyết giá thì người ta vẫn phải săn hái để mưu sinh với nếp sống xưa nay. Trong hòan cảnh này họ cũng phải biết tổ chức để có khả năng sinh tồn của bộ lạc mình được bảo đảm qua thử thách của môi sinh và thời gian.

    Bởi thế thời đại săn hái, các bộ lạc được chia thành hai loại: bộ lạc du mục và bộ lạc nông nghiệp. Theo khuynh hướng này thì nhân loại đã phát minh ra hai phương cách cai trị là chế độ mẫu hệ theo văn trị, và chế độ phụ hệ theo võ trị.

    CHẾ ĐỘ MẪU HỆ

    Tổ tiên của dòng tộc Việt đã sống đời sống nông nghiệp. Hình ảnh của nếp sống này được diễn tả trong Kinh Tiết Liêu – [Kinh Việt: Sứ Điệp Hạnh Phúc của Văn Hóa Việt của học giả Nam Thiên Nguyễn Đức Sách, nxb Hoa Tiên Rồng, Brisbane, Australia 1993] – những vị vua hiền trong công việc chăm lo đời sống kinh tế của toàn dân. Từ năm 2879 trước công nguyên chúng ta đã có nước Văn Lang với 18 Vua Hùng từ Hồ Động Đình nơi giòng sông Dương Tử xuống tới miền Bắc Việt Nam, từ Thái Bình Dương đến gíap Miến Điện ngày nay. Trong khi nền văn minh du mục khởi nguồn từ phía tây bắc của Văn Lang, nơi giòng sông Hoàng Hà là những bộ tộc người Hoa.

    Vào thời này nhu cầu kinh tế của con người tiến đến đâu thì chính trị cũng thay đổi để tiến theo tới đó. Mọi người trong xã hội đồng thuận với những truyền thống sinh hoạt chung. Một khi có sự đồng thuận thì có hòa bình. Con người trổi vượt những thử thách của thời gian trong nếp sống thân thương và tương trợ, cho nên trong nếp sống du mục hay nông nghiệp, đều sống theo truyền thống. Kinh tế của họ cũng là kinh tế truyền thống, mặc dù với hai nếp sống kinh tế du mục và kinh tế nông nghiệp khác biệt.

    Hai nếp sống du mục và nông nghiệp phát triển riêng biệt, nhưng rồi cũng phải gặp nhau, vì biên cương đất đai cũng có giới hạn bởi núi và biển. Sự lạnh lẽo khô cằn của vùng đất Bắc đã đẩy con người phải về phương Nam. Những nguy hiểm của núi rừng trùng điệp cũng dồn con người ra hướng biển.

    Khi hai nếp sống du mục và nông nghiệp chạm nhau thì những xung đột hiện ra rõ rệt. Nếp sống du mục dựa vào săn bắn, nếp sống nông nghiệp dựa vào trồng trọt. Dân du mục sống trong đấu tranh, dân nông nghiệp sống trong hợp tác. Sức mạnh của dân du mục là tiêu diệt, sức mạnh của nông nghiệp là vun trồng.

    Khi những xung đột không được giải quyết bằng thương lượng, thì chiến tranh xảy ra. Kết qủa nếp sống du mục chiến thắng, vì chiến tranh là sở trường của họ. Sự chiến thắng của họ được kéo dài bằng khả năng nuôi dưỡng của nếp sống nông nghiệp. Nền kinh tế truyền thống lại phải phục tùng một nếp sống kinh tế mới, gọi là nền kinh tế pháp lệnh.

    Nền kinh tế pháp lệnh là tổ chức cai trị một chiều. Mọi người trong một vùng phải tuân theo lệnh lãnh chúa vùng đó. Mọi sinh hoạt kinh tế bị kiểm soát và định đoạt bởi triều đình, hoặc nhóm người cai trị. Gặp vua sáng tôi hiền thì dân được hưởng nhờ, gặp vua quan độc ác thì dân chịu đau khổ. Cấu trúc của nền kinh tế pháp lệnh mang hình Kim Tự Tháp.

    Cả hai nền kinh tế truyền thống và pháp lệnh tiến rất chậm, vì không có nhu cầu cạnh tranh. Theo truyền thống thì cha truyền con nối, nhất nghệ tinh nhất thân vinh, còn pháp lệnh thì bảo sao nghe vậy, chính quyền nói sai cũng đành nghe theo.

    Nhìn chung các bộ lạc chủ yếu về nông nghiệp thì tổ chức công việc cai trị theo chế độ mẫu hệ. Người đứng đầu bộ lạc, trưởng tộc/ hay trưởng bộ lạc là nữ giới. Người phụ nữ đã giữ vai trò lãnh đạo chính trị đang khi nam giới chỉ phụ thuộc. Theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ đứng đầu bộ tộc từ gia đình ra ngoài xã hội như Trưng nữ vương, Triệu nữ vương…
     
    CHẾ ĐỘ PHỤ HỆ

    Các bộ lạc du mục thì nay đây mai đó, không có chỗ ở nhất định và họ tìm đến vùng sữa mật để sinh sống. Khi vùng đất ấy trở nên khô cằn thì họ lại đi tìm vùng màu mỡ khác. Vì đời sống du mục thường gặp nhiều chướng ngại trên đường di chuyển như thú dữ, bộ lạc hiếu chiến khác... nên nhu cầu lãnh đạo phải là người có đủ sức mạnh đối phó, và nam giới được chọn làm trưởng tộc/ trưởng bộ lạc, từ đó chế độ phụ hệ ra đời. Thành Cát Tư Hãn, Tổ Phụ Abraham…

    Với hai chế độ mẫu hệ và phụ hệ, thì chế độ phụ hệ có phần trổi vượt hơn, lấn lướt hơn, vì quen sống chiến đấu để tranh giành, xâm chiếm đất đai. Khi các bộ lạc du mục đến tranh đoạt, dân theo mẫu hệ thường yếu thế hơn, vì không quen chiến tranh, không thích cảnh chém giết nên họ phải bỏ vùng định cư mà di tản đi nơi khác. Nhưng rồi đất đai cũng có giới hạn mà lòng người thì tham vô đáy, vì thế có nhiều bộ lạc bị diệt vong hoặc đồng hóa. Thiểu số bộ lạc sống sót, vì nhu cầu sinh tồn nên họ phải liên kết lại mà thành lập ra quốc gia.

    Những bộ lạc du mục cũng thế, vì nhu cầu sát nhập của các bộ lạc để đấu tranh với những bộ lạc hùng mạnh khác, cộng thêm tình trạng dân số gia tăng, đất đai có chủ và cần tổ chức xã hội qui mô để bảo vệ, để canh phòng cương vực sở hữu. Hình thức tổ chức nhiều sắc dân trên vùng lãnh thổ rộng lớn. Quyền hành nằm trong tay một người với một số thuộc hạ, hoặc họ hàng thân thích để hướng dẫn đời sống dân trong lãnh thổ nhằm phát triển trong trật tự và điều hòa.

    Lối cai trị với một vùng lãnh thổ lớn đó gọi là quốc gia, người lãnh đạo chính trị của quốc gia đó được gọi là vua. Từ đó thể chế quân chủ ra đời, tức đợt sóng thay đổi/ thời đại nông nghiệp.

    Thời này những cuộc đấu tranh chính trị đã có sức mạnh tiềm ẩn bao gồm lý tưởng, nhân sự, tổ chức, và nguồn vật lực. Ví dụ: trưởng bộ lạc nghĩ rằng, nếu ông được nghi thức trang nghiêm huyền bí, thì ông sẽ tăng được quyền uy lãnh đạo, ông củng cố bộ lạc hùng mạnh và quyết tâm đấu tranh để thực hiện lý tưởng với mộng xâm lăng bành trướng bộ lạc rộng ra khắp vùng. Trưởng bộ lạc đi tìm nhân sự, gồm những người có khả năng sau khi nghiên cứu, phân tích, tổng hợp tình hình, nhận định khả năng, tiềm năng về mọi lãnh vực giữa bạn và địch, ta và người… rồi mời gọi những người cùng lý tưởng, cùng cấp độ thuộc nhiều lãnh vực đồng ý thực hiện lý tưởng.

    Tiếp đến những người có cùng mục tiêu, hoài bão, lý tưởng họ ngồi chung lại để bàn thảo, hoạch định kế sách, chương trình hoạt động, để đạt được lý tưởng của bộ lạc, ấn định những điều kiện mà người tham gia phải tôn trọng, đó là tổ chức. Tổ chức là nơi tập hợp các cá nhân, các khả năng chuyên biệt để hình thành sức mạnh đấu tranh. Tổ chức còn là nơi đào tạo, cung cấp nhân sự cho các mục tiêu chính và mục tiêu phụ của đấu tranh. Tổ chức cung cấp nhân sự, kế hoạch hành động, và là tiềm lực để hình thành sức mạnh đấu tranh. Nếu được trang bị lý tưởng, có nhân sự và kế hoạch mà thiếu phương tiện để thực hiện chính sách, kế hoạch, thì lý tưởng dầu có cao siêu tới đâu, kế hoạch có tuyệt vời thế nào cũng không thể thành công nếu không có phương tiện cung ứng. Nguồn vật lực gồm của cải vật chất (như tiền bạc, vật liệu, hãng xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh… của thời nay) đóng góp cho tổ chức làm phương tiện nuôi dưỡng phát triển, tức làm cho khả năng chuyên biệt của mỗi nhân sự được thăng tiến nhằm mở rộng mặt trận phụ, hỗ trợ cho chiến trường chính theo đúng kế hoạch của tổ chức, hầu tranh thắng.

    Với 4 sức mạnh nền tảng của cuộc đấu tranh chính trị xưa nay vẫn là lý tưởng, nhân sự, tổ chức, và nguồn vật lực. Sau đó mới vận dụng thông tin tuyên truyền để được chính danh, chiêu mộ, thu phục nhân tài gồm quân sự, tư tưởng, kỹ thuật để tăng cường ban tham mưu và phát triển quân đội. 
    #2
      Thần Báo 19.06.2008 08:03:44 (permalink)
      Chương 3

      THỜI ĐẠI NÔNG NGHIỆP




      Cách nay chục ngàn năm, đợt sóng thay đổi đầu tiên khi con người biết trồng trọt, chăn nuôi, dựng làng và thời đại nông nghiệp ra đời.

      Biểu tượng thời đại nông nghiệp là cái cày. Từ lưỡi cày gỗ tiến đến lưỡi cày đồng, cày sắt… phải trải qua một tiến trình thời gian bao nghìn năm lịch sử -- khoảng 8000 năm của biểu đồ. Trong thời gian này con người đã tự cuốc xới ruộng đất để cày cấy trồng trọt, chăn nuôi gia súc, làm ăn sinh sống nhờ vào sức mạnh bắp thịt, gọi là Thời Đại Cơ Năng.

      Ở thời đại nông nghiệp vì cuộc sống con người gắn bó với thiên nhiên, phù hợp và phát triển tuần tự theo sự xoay vần của vũ trụ, của trái đất xoay quanh mặt trời… cho nên những tư tưởng, luật lệ, luân lý, đạo đức, tôn giáo đã trở thành khuôn vàng thước ngọc, bất biến và tín điều. Có nhiều điều ràng buộc cho tới nay dù chẳng phải chân lý nhưng lại vẫn được con người nông nghiệp xem đó như là chân lý, và họ trọng kính tôn vinh.

      THẦN NÔNG

      Từ hang động người ta bắt đầu trồng trọt được số cây trái rau cải, thuần hóa được số thú vật để bảo đảm thực phẩm cho cuộc sống, nên từ đó dân số đã gia tăng và tụ tập thành cộng đồng làng nước. Với những cải tiến không ngừng qua các phương thức trị thủy tránh ngập lụt, dẫn thủy nhập điền… thì ông tổ Thần Nông xuất hiện và mở đầu cho thời đại văn minh nông nghiệp của nhân loại. Thần Nông còn được đặt tên cho một chòm sao trên trời.

      Thời đại nông nghiệp là một bước tiến vĩ đại của loài người so với thời đại săn hái trải dài trong bao triệu năm trước. Người ta đã chia thời đại này gồm ba giai đoạn: tiền nông, trung nông, và hậu nông nghiệp để dễ thấy những vấn đề khúc mắc trong đó.


      LÀNG NƯỚC NÔNG NGHIỆP

      Từ xã hội thôn ấp, nhờ những phát minh của thời đại qua nhiều lãnh vực, nhiều nơi trên thế giới gia tăng dân số, sản xuất thực phẩm và đưa con người từ bộ lạc tiến lên xã hội nông thôn ở thời tiền nông, với kinh tế nông nghiệp và chính trị làng nước.

      Tổ chức làng nước đã kéo dài tuổi thọ hàng chục ngàn năm. Làng là đơn vị chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội… ổn định và tự túc, vì làng có khả năng nuôi sống dân làng. Thời đại này con người cần đất ruộng để canh tác, cho nên biên cương được đánh dấu bằng những hình thể địa dư dễ nhận, dần dà có văn tự, bản đồ để ấn định việc phân chia ranh giới và được công nhận của hai hoặc nhiều phe. Và từ đó biên cương được mở rộng hoặc thu hẹp, tùy thuộc vào sức mạnh của đơn vị chính trị mà có.

      Theo Thuấn Điển (2) trong sách Thượng Thư đức Khổng Tử ghi lại tổ chức chính quyền trung ương của các nước Đông Á thời bấy giờ như sau:

      1.   Các chúa chư hầu phải thuộc quyền mười hai kẻ chăn dân. Mỗi vị cai một châu. Mười hai vị này thuộc quyền Tứ Nhạc.
      2.   Thiên tử là chúa tể về chính trị và phụ trách việc tế tự, tôn gíao.
      3.   Trong chính trị thì chú trọng đến:
      -       Một là nông (Tắc)
      -       Hai là các sản phẩm tự nhiên (Ngu)
      -       Ba là công (Cung công)
      -       Bốn là hình pháp (Sĩ)
      -       Năm là giáo dục (Tư Đồ)
      -       Sáu là lễ (Trật tông)
      -       Bảy là nhạc (Điển nhạc)
      -       Tám là thiên thời, địa lợi (Tư không)
      -       Chín là các việc tấu đối (Nạp ngôn)

      Cả chín chức vị trên đều thuộc quyền Bách Qũy, như Thủ Tướng ngày nay gồm nội các chín bộ.

      Ngoài ra người ta đã có những máy móc để đo tính về đất đai, thiên văn, và đã thống nhất các đơn vị đo lường, dân chúng dùng theo cùng một niên lịch.
       
      KINH TẾ NÔNG NGHIỆP

      Đến thời kỳ con người đóng được ghe thuyền, thuần hóa được ngựa để cỡi, bò để kéo xe và trâu để kéo cày thì mức sản xuất gia tăng, phương tiện di chuyển dễ dàng với vận tốc nhanh hơn. Nhiều làng liên kết lại thành một hệ thống dưới sự điều hợp, cai trị của một cơ cấu chính trị được gọi là triều đình, tạo thành quốc gia nông nghiệp – thời trung nông.

      Ở Trung Đông các quốc gia phát triển khi dân số gia tăng và dẫn tới nhu cầu cung cấp thực phẩm, hệ thống dẫn thủy nhập điền để có đủ sản phẩm lương thực nuôi dân, và hệ thống quân đội canh giữ bảo vệ tài nguyên. Là giao điểm của các đường giao thông quan trọng như đường muối, đường tơ lụa… tạo nên những trung tâm thương mại, hành chánh và quân sự. Theo làn sóng văn minh nông nghiệp Trung Đông, các quốc gia Ai Cập, Đông Nam Á, Trung Hoa đã xuất hiện nhiều chiến lũy, chiến hào, chiến đài và các đền đài tôn giáo với sự phát triển của hệ thống tu sĩ. Ở phương Đông thì có các chùa tháp, và phương Tây thì có các nhà thờ xây cất đồ xộ, nguy nga tráng lệ không thua kém cung điện của triều đình. Các tầng lớp xã hội được cấu tạo bởi thiểu số nhà cai trị, quân sự và tôn giáo phát triển trong đại đa số nông dân là một thành qủa của thời đại nông nghiệp.

      Nước có hệ thống chính trị nối liền với các làng. Và từ hệ thống này lại có thêm hệ thống phụ: hành chánh, quân đội, vận tải đường bộ và thủy. Ngoài hệ thống quốc gia thì các sinh hoạt khác của xã hội đều nằm trong phạm vi làng nước.

      CHẾ ĐỘ BÌNH SẢN

      Khi thành lập nước Văn Lang năm 2879 trước công nguyên, thì tổ chức chính quyền trung ương có Lạc Vương (Vua), Lạc Hầu là tướng Văn (Thủ Tướng), Lạc Tướng là tướng Võ. Ngoài ra còn có các Bồ Chính là những Trưởng Bộ Lạc hay Trưởng Làng.

      Triều đại nào cũng phải có triều đình, tức hệ thống tổ chức công quyền và luật lệ để cai trị. Nhưng vào thời kỳ đầu, công tác trị quốc không rườm rà nên quyền lực thường tập trung vào vua, và theo chế độ thế tập, cha truyền ngôi và chức tước cho con.

      Truyền thuyết kinh tế Đông phương, khởi từ Nhà Thương bên Trung Hoa với vấn đề ruộng đất được nhìn nhận là của chung, của bộ tộc. Tới thời Nhà Chu được áp dụng theo phép tĩnh điền, chia đất ra làm chín khu hình chữ tĩnh, khu ở giữa có cái giếng nước là công điền, còn tám khu kia đem chia cho bộ tộc canh tác và nộp hoa lợi cho nhà vua.

      Tới thời Xuân Thu, Thượng Ưởng làm tướng nhà Tần bỏ phép tĩnh điền, và cho mọi người dân được tự quyền làm ruộng rồi thu nạp địa tô bằng vật phẩm thay thế cho địa tô sưu dịch. Nhà Tần sau khi thống nhất đất nước đã áp dụng chính sách trung ương tập quyền. Sự hủy bỏ phép tĩnh điền là phế bỏ 8 bộ tộc từng khuynh đảo nền chính trị Trung Hoa trước đó.

      Nhưng khác với phép tĩnh điền của Trung Hoa, triều đình Việt Nam lại xử dụng phép quân điền. Thời kỳ lập quốc Văn Lang, ruộng đất được gọi là Lạc Điền. Theo thể chế Làng Nước Việt Nam, thì Vua để cho Làng quản trị công điền công thổ, có đất tư nhưng có rất ít. Chế độ điền thổ của Việt Nam theo nguyên lý là của chung — của vua, người đại diện tối thượng mới có quyền sở hữu và cấp phát. Toàn dân đều được lãnh đất canh tác rồi đóng thuế cho triều đình. Đó là chế độ công điền công thổ và chia đất định kỳ để tạo ra công bằng xã hội.

      Nhà Trần lên ngôi năm 1225 thì đầu năm 1226 đã bắt đầu ấn định luật lệ của mình. Đến năm 1230 bộ luật Quốc Triều Thông Chế được soạn thảo, sau đó lại soạn bộ Hoàng Triều Đại Điển và Hình Luật Thư, nhưng các bộ luật này đều bị mất mà chỉ còn ít dữ kiện trong lịch sử cho thấy nhà Trần có bộ luật riêng. Vua Trần Nghệ Tông tuyên bố rằng: “Triều trước dựng nước, tự có pháp độ, không theo chế độ nhà Tống là vì Nam, Bắc đều chủ nước mình, không phải noi nhau.” Cũng trong thời nhà Trần, Hồ Quý Ly lại đề xướng chính sách hạn điền, yêu cầu nông dân có hơn 10 mẫu thì nộp lại đất dư mà làm của công. Tuy nhà vua có quyền sở hữu, nhưng chủ quyền hưởng dụng lại do làng xã tự quản gọi là công điền công thổ, và luật cấm không ai được quyền buôn bán đất đai.

      Hồ Quý Ly thay nhà Trần năm 1400 – 1407 thì bị nhà Minh xâm chiếm và đô hộ nước ta. Sau khi đánh đuổi giặc Minh, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế niên hiệu Lê Thái Tổ (1428 – 1433).

      Theo gíao sư Nguyễn Ngọc Huy, thì bộ Quốc Triều Hình Luật là do quốc sư Nguyễn Trãi biên soạn từ năm 1428, và hòan tất trong triều đại Hồng Đức, niên hiệu của vua Lê Thánh Tôn (1460 – 1497), nên sau này thường gọi là bộ luật Hồng Đức. Bộ luật này gồm 722 điều so với Đại Minh Luật của nhà Minh có 460 điều. Bộ Quốc Triều Hình Luật được ông Deloustal dịch sang Pháp ngữ và do gíao sư Trần Văn Liêm, Tạ Văn Tài, Nguyễn Ngọc Huy nhận hợp tác với trường Luật Harvard dịch sang Anh ngữ, sách do Ohio University Press xuất bản năm 1987 với tựa đề The Lê Code: Law in Traditional Vietnam.

      Đọc chương Điền Sản của Quốc Triều Hình Luật (1442) ấn định chính sách Quân Điền, tức chia đều ruộng đất cho dân (3). Chế độ công điền công thổ áp dụng nguyên tắc bình sản, tức ruộng đất của quốc gia, dân làng được chia đất để tự do canh tác trong thời hạn ba tới sáu năm, do làng ấn định. Mọi người dân được chia ruộng đất và tự do canh tác và đóng thuế cho Làng, cho Nước. Chế độ kinh tế bình sản ứng dụng nguyên tắc bình đẳng và thân thương Bọc Mẹ Trăm Con của văn hóa Việt.

      Cứ mỗi ba năm, làng lại chia đất cho dân, vì con cháu gái trai tới tuổi trưởng thành, gọi là tráng đinh thì có quân cấp khẩu phần. Ngoài số ruộng chia cho dân tự túc canh tác, làng cũng giữ lại một khoản đất làm công quỹ của làng như sau:

      - Bút điền là ruộng cho thuê nộp tô dùng chi phí về giấy tờ trong việc điều hành quản trị làng.

      - Trợ sưu điền là ruộng trích ra nhằm thực hiện những chương trình xã hội như giúp đỡ cho những người nghèo đóng thuế đinh.

      - Học điền là ruộng để giúp hội tư văn dùng trong việc thuê thày về dạy học cho dân làng.

      -    Cô nhi quả phụ điền là đất dành để giúp cho con cháu mồ côi, góa phụ nghèo túng... Đây là chính sách tuyệt vời trong chế độ quân điền mà chúng ta ít thấy nước nào biết áp dụng chính sách an sinh xã hội như Việt Nam ngày đó.

      Kinh tế bình sản không tạo sự chênh lệch quá đáng giữa người nghèo và người giàu. Điều này được chứng tỏ qua các triều đại, vua chúa Việt Nam không lấy của dân để xây dựng những công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga như những thể chế chính trị của các nước khác.
       
      LÀNG XÃ TỰ CHỦ

      Đặc tính nền tảng của Làng Xã Việt là người dân tự ý tới ở và quy tụ thành làng. Tuy cách khởi lập làng có khác nhau, nhưng điều kiện tiên quyết trong việc lập làng vẫn là sự tự quyết và ích lợi  của những người quy tụ, không ai buộc ai.

      Tụ họp thành làng, mọi người chia sẻ cho nhau cảnh sống vui buồn sướng khổ, giúp nhau vượt thắng những khó khăn, cùng nhau gánh vác trách nhiệm, cùng nhau xây đắp cho đời, cho làng cho nước ngày một thêm giầu đẹp. Và làng cũng không bó buộc người dân nào phải cư trú một nơi nhất định, họ có thể tùy thích tới ở hay tự ý bỏ đi, miễn là họ tự quyết và chấp nhận lệ làng khi mình muốn gia nhập.

      Khác với tổ chức chính trị của nhiều quốc gia, quyền hạn vua quan Việt Nam chẳng những không can thiệp vào đời sống từng người dân, mà cũng không xâm phạm vào nếp sống sinh hoạt của các làng. Đối với triều đình, mỗi làng là một quốc gia thu hẹp có chủ quyền và độc lập. Việc làng thì dân chúng tự lập và tự quyết.

      Làng tự lập đến nỗi chẳng những có một ban quản trị do chính dân bầu ra, mà còn có cả những luật lệ cho hệ thống hành chính của làng. Làng còn có ngôi đình thờ vị Thành Hoàng của làng, với nghi thức truyền thống tự quản. Làng có cả tổ chức trị an với tiêu chuẩn thưởng phạt do làng quy định. Dĩ nhiên làng cũng có tài sản riêng và toàn quyền xử dụng ngân sách tài chánh theo nhu cầu của dân trong làng.

      Trong phạm vi làng, cả quyền phép của vua quan cũng phải kiêng nể với những điều lệ riêng này, "phép vua thua lệ làng." Bởi thế cho nên đã chưa mấy chế độ nào trực tiếp do dân, của dân, vì dân hơn thể chế dân chủ của làng nước Việt Nam.
       
      ĐỊNH CHẾ LÀNG NƯỚC

      Khi góp phần vào việc nước, làng là đơn vị đại diện người dân. Trong truyền thống chính trị Việt, người dân không trực tiếp với vua quan mà phải qua làng. Trong tất cả mọi việc từ tiếp xúc, lệnh truyền, tới sưu thuế lính tráng của nước, chỉ cần căn cứ vào làng, liên lạc với làng và theo khả năng của toàn làng mà định phần đóng góp. Do đó, làng là đơn vị nền tảng của cơ cấu chính trị, của chính quyền nước. Đang khi gia đình là đơn vị nền tảng của cộng đồng xã hội, của dân tộc.

      Khác biệt với nhiều thể chế chính trị hiện nay, người dân không phải đơn độc và đương đầu trực tiếp với cơ quan quyền lực, mà họ lại được người thân thuộc của làng trợ giúp bảo bọc. Miễn sao là làng chu toàn công tác nước. Đối với người dân, làng trở thành một bước tường che, một mái ấm, một bảo đảm vừa vật chất lại vừa tinh thần, vừa thực tế lại vừa pháp lý. Làng thôn Việt không phải là nếp sống tự phát hay vô tổ chức, mà nó đã được tổ tiên ta tạo thành một thể chế chính trị rất độc đáo, nhân bản và tuyệt vời, đó là một định chế làng nước.

      Tổ tiên ta cũng phân biệt hai loại công tác chính trị: việc làng, việc nước. Việc làng và việc nước khác biệt từ phần chủ động tới mức độ dấn thân, khả năng tài trí và các vấn đề nhu yếu khác. Bởi thế chúng ta có hai loại công tác làng và công tác nước.

      Người dân ai cũng có thể làm việc làng, và ai cũng có quyền can dự vào việc tổ chức điều hành, bầu cử hay những quyết định của làng. Nhưng để đủ tầm vóc để làm việc nước, thì người đó phải học hành ở trường sở và thông thạo khoa chính trị, thi cử để xác định khả năng tài trí như thi hương, thi hội hay thi đình.

      Vẫn biết bất cứ nơi nào hay bất cứ thời nào cũng có những người có sẵn ưu thế, và muốn củng cố thêm quyền lợi địa vị. Nhưng văn hóa Việt, đại chúng Việt luôn quyết tâm sống thực, bảo vệ và kiện toàn định chế tuyệt hảo này qua mấy ngàn năm lịch sử. Thể chế làng nước, phép vua thua lệ làng, đã giúp người dân nước ta được hưởng nếp sống tự chủ, đang khi vẫn tích cực đóng góp đầy đủ và hòa điệu với đời sống quốc gia. Thể chế làng nước là đặc điểm căn cội, làm cho nền quân chủ Việt Nam khác biệt với những nền quân chủ của nhiều quốc gia trên thế giới.

      Trong văn hóa Việt, với chủ trương chính đáng về bổn phận của vua quan, của người lãnh đạo với thể chế làng nước, việc chung được quan niệm là việc giúp ích cho mọi người. Khi vua quan ta đem hết tâm hồn và tài trí chăm lo cho người dân được hạnh phúc. Khi người dân được thực sự sống trong tự do dân chủ đúng nghĩa, thì mọi sự đóng góp vào việc chung là một đồng tâm hiệp lực, một tương trợ cần thiết để bảo đảm cho hạnh phúc chung của nhau. Người đi làm việc chung chính là người biết đem tài trí giúp ích cho đời.

      Tuy nhiên, nhiều khi việc chung cũng vượt quá nếp sống thường ngày và ít mang lại kết quả lợi lộc trước mắt cho một số người. Vào thời loạn, gánh vác việc chung còn kèm theo cả nguy hiểm tánh mạng. Do đó việc chung thường đòi hỏi tầm nhìn xa trông rộng, và cũng thường làm cho nhiều người ái ngại. Thể chế làng nước của tổ tiên ta là một đặc điểm chẳng những đã giúp cho dân tộc Việt Nam thoát nạn quân chủ chuyên chế như trong thời đại quá khứ, mà còn là phương thức giúp chúng ta thoát ách duy vật duy lợi của các chủ nghĩa trong thời đại tín liệu.

      Ngay tự ngàn xưa, các nền văn hóa phương Tây luôn buộc từng con người phải đơn độc mà gánh chịu ách cai trị do giới quyền thế áp đặt. Những thuế khóa, sưu dịch, quân vụ đều ảnh hưởng trực tiếp tới từng người. Việc nước được coi như công tác phục vụ cho giai cấp thống trị. Các chế độ chẳng những biến đổi tổ hợp người dân thành phương tiện phục vụ cho giới đặc quyền, mà còn làm mọi cách để phá hủy tổ ấm gia đình và những cơ chế bảo bọc toàn dân. Khi con người trở thành cô độc lạc lõng, thì những thế lực tiền bạc, quyền chức, luật lệ, chuyên môn, nghiệp đoàn, đảng phái chính trị sẽ mặc tình thao túng. Người dân càng ngày càng trở nên đơn độc, nhỏ bé, bất lực trước bộ máy quyền thế càng ngày to lớn hơn, đàn áp bóc lột tinh vi hơn.

      HỆ THỐNG LÀNG NƯỚC

      Theo nguyên tắc giữ nước là việc của toàn dân tổ tiên ta đã lập ra được một hệ thống phòng thủ nơi toàn dân. Làng trở nên một mạng lưới thành lũy và có một lực lượng trải rộng ra khắp đất nước. Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy rằng vua quan Việt cũng xây thành, nhưng thành đô không phải là nơi không phải là nơi tập trung sức nước. Thủ đô và thủ phủ của Việt Nam đã chỉ là những cái làng lớn, với những cơ sở thích ứng nhu cầu hành chánh, tài chánh, nghi lễ, ngoại giao. Khi nguy cấp, vua quan ta sẵn sàng bỏ thủ đô mà chạy về làng để chống giặc. Bởi thế dù có mất thủ đô, nhưng vẫn không mất nước.

      Theo thể chế dân chủ, làng Việt chính là trung tâm sinh hoạt tự lập, tự chủ của người dân, mà còn là sức mạnh của dân tộc. Trước cuộc xâm lăng thuộc về mọi lãnh vực, trước mưu đồ làm tổn hại cuộc sống hạnh phúc của người dân, hệ thống làng thôn là cơ cấu chính yếu giúp dân ta bảo toàn lực lượng, phục hồi sức mạnh và vùng lên phá giặc. Giặc không những chỉ là quân xâm lăng cướp nước hay kẻ nổi loạn phá rối trị an, mà còn là những ai, những gì, ở bất cứ phương diện hay mức độ nào làm thiệt hại cho cuộc sống hạnh phúc của con người, phá hoại nếp sống thanh bình của dân tộc thì đều là giặc.

      Dưới khía cạnh quân sự làng là nơi huấn luyện mọi người, toàn dân trở thành nghĩa sĩ chống giặc. Chẳng những có hệ thống canh gác nghiêm nhặt, luôn bảo đảm có lớp người túc trực, mà còn có những lò võ thuật nhằm đào tạo ra nhân tài giữ làng giữ nước, nhiều cấp lãnh đạo chỉ huy tài ba. Làng cũng là nơi phát xuất sức mạnh dân tộc về mọi phương diện. Vì vậy trong công cuộc giữ nước, mở nước, cứu nước thì làng đóng vai trò then chốt và quyết định sự thành công của cả dân tộc.


      * * *


      ĐẾ QUỐC NÔNG NGHIỆP

      Đế quốc nông nghiệp xuất hiện dưới nhiều hoàn cảnh lịch sử và địa lý khác nhau. Có số nước mạnh vào thời hậu nông mang quân đi xâm chiếm lân bang để khai thác kinh tế, và làm giảm tiềm lực chiến đấu của nước bị trị là bước đầu trong việc hình thành đế quốc.

      Tóm lại thời nông nghiệp, con người tìm ra phương thức sản xuất nông phẩm thay vì họ phải đi săn hái như thời trước, và kinh tế nông nghiệp cần có ruộng đất, năng lượng, phân bón, nước canh tác, thực phẩm, thị trường để trao đổi hàng hóa, rồi bán sản phẩm hay mua nguyên liệu là những gì cần thiết để sinh tồn.

      CHÍNH TRỊ NÔNG NGHIỆP

      Từ khi thành lập quốc gia, vua quan tổ chức ra triều chính nhằm cai trị dân. Những nước có nguồn gốc du mục – phụ hệ – thường chú trọng tới sức mạnh quân sự, các mặt liên quan đời sống dân sự chỉ là phụ thuộc. Họ tổ chức binh lực để dập tắt các cuộc nổi loạn hay muốn thay đổi chính quyền, đề phòng ngoại xâm, mở chiến tranh xâm lấn các nước lân bang, tiêu diệt hay cưỡng chiếm các bộ lạc chậm tiến, chưa kịp theo đà biến đổi, cải tiến chính trị quân chủ. Trong nước thì họ dùng võ lực để trị dân, áp dụng hình pháp nghiêm nhặt triệt để gọi là võ trị.

      Những nước có nguồn gốc nông nghiệp – mẫu hệ thì chú trọng tới việc giáo hóa, hướng dẫn chăm lo đời sống ấm no hạnh phúc của dân, võ lực không phải là điều chính yếu trong việc tổ chức cai trị dân. Hình thức cai trị này là văn trị.

      Tóm lại, vào thời tiền quân chủ thì các nước có nguồn gốc du mục áp dụng võ trị, nặng hình pháp trừng phạt mà hình luật thì lại vô tình. Đang khi các nước có nguồn gốc nông nghiệp dùng văn trị, chú trọng giáo hóa, sửa đổi con người, nặng tình hơn lý.
       
      QUÂN CHỦ PHONG KIẾN

      Vua tặng thưởng cho những người có công, gồm tiền của, tặng phẩm hay chức vị làm động lực thúc đẩy lòng hăng say của người dân phục vụ chế độ, hay cho nhân quần xã hội. Tổ chức triều đình gồm vua quan và các phẩm trật tước văn tước võ  mà vua tưởng thưởng cho các công thần. Đối với chức quan nhỏ, văn hay võ, khi có công thì được thăng lên chức vị tương xứng. Nhưng vào hàng tướng lãnh, hay những quan nhất phẩm triều đình và hoàng tộc… thì tiền của hay chức tước đã trở thành thứ yếu, vì mọi người đều có. Do đó nhà vua phải cắt đất tặng cho công thần và để họ có toàn quyền xử dụng đất đai, lối tưởng thưởng này gọi là phong kiến – phong hầu kiến địa.

      Nhờ lối tổ chức cai trị theo hình thức phong kiến đã giúp cho xã hội phát triển ổn định và điều hòa trong nhiều ngàn năm. Nhưng sau vì có nhiều lãnh chúa hay tiểu quốc vương trên các lãnh địa gây hấn, xâm lấn, tiêu diệt lẫn nhau trong thời gian dài mấy trăm năm, họ đưa xã hội vào vòng hỗn loạn bế tắc. Bởi đó mà hình thức cai trị mới ra đời từ Âu sang Á, đặc biệt là Trung Hoa vào năm 221 trước Tây lịch, Tần Thủy Hoàng thành công trong chính sách “Diệt lục quốc thống nhất thiên hạ” đổi thể chế phong kiến ra “quân chủ chuyên chế.”
       
      QUÂN CHỦ CHUYÊN CHẾ

      Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, sau bao trăm năm chiến tranh giữa các tiểu vương quốc, Tần Thủy Hoàng đã dùng bạo lực cưỡng chiếm các lân quốc. Ông đặt quyền thống trị lên các lãnh thổ chiếm được, đoạt quyền bính của các vua, đổi chế độ phong kiến ra chế độ quân chủ chuyên chế. Đồng thời ông tập trung tất cả các quyền hành, thống nhất chữ viết, tiền tệ, dụng cụ đo lường, luật pháp và sách vở. Quyền lực được tập trung vào một tay ông gọi là hoàng đế. Những phần lãnh thổ chiếm được, ông chia làm quận huyện và bổ nhiệm quan chức triều đình cai trị, và trực thuộc bộ máy cai trị độc nhất của nước Trung Hoa.

      Song song với chế độ quân chủ phong kiến phương Bắc do các sắc dân có nguồn gốc du mục dùng võ lực lãnh đạo chính trị, thì ở phương Nam chế độ quân chủ phong kiến dùng văn trị. Đặc biệt do Việt tộc lãnh đạo, và được hưởng thái bình an lạc hơn 2500 năm từ khi Tần Thủy Hoàng thiết lập thể chế quân chủ chuyên chế.

      Trong suốt 2500 năm lịch sử của Việt tộc chỉ có 3 lần xảy ra chiến tranh qui mô cấp quốc gia. Lần thứ nhất Ân Cao Tôn xua quân xâm lấn nước ta, và bị toàn dân đánh đuổi khỏi bờ cõi. Lần thứ hai Việt Vương Câu Tiễn đánh bại Ngô Vương Phù Sai để trả hận bị vây hãm ở núi Cối Kê. Lần thứ ba giữa hai sắc tộc Bách Việt: Việt Vương Triệu Đà xâm chiếm đất An Dương Vương Thục Phán ở thành Cổ Loa. Đang khi cùng khoảng thời gian này thì ở phương Bắc châu Á, Trung Đông, và châu Âu đã xảy ra hàng vạn cuộc chiến tranh kinh hoàng với sức tàn phá tàn khốc.

      Đang khi châu Á đã thay đổi thể chế chính trị, từ quân chủ phong kiến sang quân chủ chuyên chế, thì chính trị của châu Âu vẫn còn dậm chân tại chỗ. Các vua, các lãnh chúa châu Âu lại dùng thần quyền, dùng tôn giáo để làm hậu thuẫn chính trị, hay làm dù che khiên chống cho bộ máy cai trị của họ. Mãi tới khi phát minh khoa học ra đời và làm thay đổi các hệ thống gía trị cổ học, rồi nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ tòan bộ hệ thống cai trị của đế quốc La Mã, thì khi đó mầm mống chống đối, phản kháng trong lòng người dân bị trị mới bắt đầu trổ hoa kết trái.

      Rồi cũng trong thời gian này đã xuất hiện những đội thương thuyền nối liền các lục địa, với những thương gia giầu có. Giới thương gia càng ngày càng có nhiều thế lực góp phần làm thay đổi bộ mặt xã hội, đồng thời, họ ép buộc vua nhượng bộ và cải tiến hình thức cai trị “quân chủ lập hiến” ra đời. Vì chính quyền quân chủ phong kiến châu Âu không còn đủ sức để tiêu diệt những lực lượng cấp tiến và đối kháng, không còn nhà tù để giam giữ… thì lúc đó những nhà thám hiểm, trong đó Christopher Colombus chỉ huy, tìm thấy các đảo nhỏ gần lục địa châu Mỹ vào năm 1492. Ít năm sau, người khác mới chính thức tìm ra lục địa châu Mỹ này, ông tên là Amerigo nên người ta đặt tên cho lục địa là America. Chính sự kiện thám hiểm này đã giúp cho chính quyền châu Âu giải quyết được những ứ đọng, qúa tải phạm nhân của nhà tù bằng cách đưa chính trị phạm và tội nhân đi đày sang châu Mỹ. Tiếp đến, những dân ngang bướng sống trên lãnh địa châu Âu, cũng được vua chúa cho đi di cư lập nghiệp trên vùng thế giới mới (New World), nhằm làm giảm cường độ chống đối guồng máy cai trị của họ trong chế độ quân chủ phong kiến châu Âu.

      Cách giải quyết như trên cũng không làm thỏa mãn nguyện vọng người dân bị trị, bởi dân thời đó đã văn minh tiến bộ mà giai cấp cầm quyền vẫn không thay đổi lề lối cai trị. Rồi ngày đó trên vùng đất châu Mỹ, những thế hệ tiếp nối của lớp người di dân lưu đày đã biết tổ chức vũ trang để chống lại nhà cầm quyền đế quốc quân chủ Anh Quốc. Cuộc chiến khởi sự từ năm 1775 và kết thúc vào năm 1783, sau khi giành độc lập mười ba thuộc địa của người Anh và họp lại thành quốc gia Hoa Kỳ. Các đại diện đã cùng nhau thảo luận và soạn thành văn kiện chính thức, trong đó có một số luật lệ và bản qui định quyền hạn của người cầm quyền và người dân bị trị, sự thỏa thuận giữa người thi hành cai trị và người chấp hành luật lệ cai trị gọi là Hiến Pháp Hoa Kỳ, công bố ngày 21 tháng 6 năm 1788. Ngày đó cũng là ngày thể chế dân chủ ra đời trong đợt sóng thứ hai của một thời đại với hình thức cai trị mới mà người tham gia chính trị, cai trị do dân bầu ra gọi là tổng thống.
      #3
        Thần Báo 19.06.2008 23:56:57 (permalink)
        Chương 4
         
        THỜI ĐẠI KỸ NGHỆ
         
         
         
        Khi đợt sóng nông nghiệp bắt đầu chìm xuống vào cuối thế kỷ 17 tại châu Âu, khoảng năm 1750 và cuộc cách mạng kỹ nghệ bắt đầu ở Anh, tạo thành đợt sóng vĩ đại thứ hai lan tràn ra cả nước, cả lục địa, cả toàn cầu với nhiều tốc độ khác nhau. Đợt sóng thứ hai làm cách mạng đời sống người dân châu Âu, Bắc Mỹ và một vài nơi khác trên địa cầu với một thời gian ngắn, vài trăm năm so với thời gian vài nghìn năm của thời đại nông nghiệp.
         
        Biểu tượng của thời đại kỹ nghệ là cột khói nhà máy. Các đô thị lớn xuất hiện, biên giới làng được tháo gỡ, nếu còn thì chỉ còn trong tâm tưởng, trong tiềm thức mà thôi… Nhờ sự an tòan của xã hội kỹ nghệ, nên gia đình cũng được thu hẹp lại, gồm cha mẹ và con cái, gọi là “vệ tinh hóa,” tiểu gia đình của một đại gia đình trong làng thời đại nông nghiệp. Vào thế kỷ 19, nhiều học giả đã tiên đoán nền kỹ nghệ sẽ chiến thắng vẻ vang nền nông nghiệp chân tay. Sức mạnh kỹ nghệ của “đợt sóng thứ hai” dựng lên những đô thị lớn, sản xuất phương tiện di chuyển nhanh, và giáo dục đại chúng. Tư tưởng của con người trong thời đại kỹ nghệ đã phát triển thành nhiều lãnh vực, làm thay đổi mọi mặt từ đời sống cá nhân, gia đình tới những cơ cấu tổ chức đoàn thể đảng phái, hay công ty xí nghiệp cấp quốc gia và guồng máy cai trị.
         
        THỜI ĐẠI KỸ NGHỆ
         
        Thời đại kỹ nghệ khởi đầu từ khi Isaac Newton (1641 – 1727) khám phá ra nhiều lý thuyết khoa học. Ông được xem là nhà vật lý học lớn nhất lịch sử loài người hiện nay đã đóng góp rất nhiều công trình khám phá làm nền tảng cho khoa học hiện đại, và cũng là nhà phát minh ra ngành toán học Calculus. Ông đã truyền lại cho nhiều thế hệ người Anh và tạo ra một truyền thống, và nhờ đó Anh quốc được biến cải về mọi phương diện khoa học kỹ thuật và trở thành một nơi đào tạo người thợ cho thế giới, kinh tế với những tiến bộ về chính trị đã thành câu châm ngôn, mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh, đã kéo dài trong mấy thế kỷ.
         
        Anh quốc là nước ứng dụng và trở thành quốc gia kỹ nghệ đầu tiên trên với máy hơi nước dùng trong cơ xưởng và phát triển kinh tế, tiếp đến là Pháp, Ý, Đức… đã xử dụng hệ thống kỹ thuật này. Nông dân cũng từ đó bắt đầu rời bỏ ruộng vườn ra tỉnh sinh sống, vì kỹ nghệ phát triển và tạo ra công ăn việc làm với nhiều ngành nghề, mỗi ngành nghề lại có hệ thống tổ chức hoạt động riêng. Các hệ thống dần dà thành nếp sống văn minh, có tinh thần dân chủ vì những người trưởng ngành cao cấp biết tôn trọng nhau, cùng nhau cộng tác phục vụ cho xã hội nhân quần. Nhân tài cũng bắt đầu huấn luyện đào tạo khả năng lãnh đạo, điều hành quản trị tổ chức và truyền thụ cho cấp dưới và thế hệ tiếp nối trong giáo dục kỹ nghệ. Sự ràng buộc này là môi trường sinh ra đức tính liên thuộc của những người lãnh đạo chỉ huy.
         
        Ngôn ngữ, văn chương của thời đại kỹ nghệ cũng đương nhiên thay đổi để trở thành hệ thống hóa, kỹ nghệ hóa. Ví dụ kỹ nghệ giáo dục, kỹ nghệ thông tin, kỹ nghệ báo chí… Đặc biệt trong thời đại mới này, máy in được phát minh và tạo ra người in, nghề in, ngành in và phát hành sách báo… Nhờ có máy in, nền giáo dục con người được đại chúng hóa dễ dàng và thuận lợi, kiến thức mở rộng, thông tin phát triển. Các hệ thống trong thời kỹ nghệ lại được phát triển nhanh chóng hơn thời phong kiến ngày trước, nhờ tư nhân được tự do hoạt động kinh tế, và nhờ nhân tài lãnh đạo điều hành xí nghiệp, công ty cho nên mọi phương diện đời sống con người đã thay đổi tòan diện. Mỗi lãnh vực xã hội lại có triều chính riêng, vua riêng. Vua xe hơi, vua dầu hỏa, vua địa ốc… và tiểu thị tiểu bang đều có những tiểu vương có thực quyền, và ảnh hưởng tới đời sống xã hội…để phát sinh hệ thống chính trị xã hội hàng ngang, chớ không còn hệ thống độc quyền hàng dọc của thời nông nghiệp.
         
        Biên giới tiểu thị/ tiểu bang nằm trong hệ thống liên thị/ liên bang giờ đây lại khác biệt với thời nông nghiệp, vì không còn là biên giới của hai tiểu thị hay quốc gia như trước, tuy cũng còn cột mốc, còn lằn ranh địa lý của các tiểu thị/ tiểu bang, nhưng những lằn ranh khác của đời sống con người trên đó, ví dụ: an sinh xã hội, thuế vụ, tiền tệ, quốc phòng cũng xóa mờ hoặc mất hẳn. So với công tác của triều đình ở thời nông nghiệp, thì chính phủ tiểu bang trong thời kỹ nghệ lại có sự cách biệt lớn lao trong các hệ thống quốc gia. Và tiểu thị/ tiểu bang có cơ cấu điều hành và lãnh đạo riêng, rồi từ đó đã tạo nên sự cạnh tranh giữa các tiểu thị/ tiểu bang với nhau để hình thành những điều kiện phát triển năng khiếu cho con người, và phát triển chính trị xã hội.
         
        Các tỉnh của Gia Nã Đại thì tổ chức gần giống như tiểu bang của liên bang Hoa Kỳ. Riêng Úc Đại Lợi, các tiểu bang cạnh tranh nhau bằng cách công khai trong kỹ nghệ du lịch, quảng cáo, lập những cơ sở giải trí, thu hút du khách địa phương và quốc tế. Mỗi tiểu bang lại có sắc thái, luật lệ riêng cho những vấn đề phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh địa lý, kỹ nghệ riêng. Điều này tạo nên sự cạnh tranh chính đáng và nhờ vậy xã hội phát triển. Cũng như ở Hoa Kỳ hay Gia Nã Đại, các tiểu bang Úc Đại Lợi cũng ráo riết cạnh tranh trong kỹ nghệ giáo dục, đầu tư vào các đại học để đào tạo chuyên viên trong nước cũng như ngoài nước, vì kỹ nghệ giáo dục đã mang lại cho quốc gia Úc hơn một tỷ Úc Kim mỗi năm.
         
        Tiếp đến là liên thị/ liên bang, đơn vị chính trị của thời đại kỹ nghệ, do sự kết hợp của các tiểu thi/ tiểu bang. Quyền hành quốc gia được “tản” đến mỗi tiểu bang, để địa phương xử dụng sao cho thích nghi với hoàn cành riêng, mà không đi ngược lại nguyên tắc căn bản của liên bang. Liên bang hay các quốc gia trong thời đại kỹ nghệ có nhiều hệ thống sản xuất ở cấp quốc gia. Mỗi hệ thống lại có những khách hàng là “công dân tiêu thụ.” Mỗi hệ thống cũng có “triều đình riêng” tạo ra quyền lực ở cấp quốc gia của một lãnh vực nào đó, mà không lãnh thổ. Kỹ nghệ là dùng máy móc thay cho sức lao động con người, và sản xuất hàng loạt theo hệ thống giây chuyền. Muốn kỹ nghệ hóa, người ta phải có máy móc, bởi thế mọc lên nhiều nhà máy luyện thép, xưởng máy, sản xuất xe, xưởng dệt, đường rầy xe lửa và biến chế thực phẩm… Nhờ kỹ thuật cao nên đã biến các thị trấn trở thành đại đô thị và di chuyển với vận tốc tăng nhanh.
         
        Hình thức sản xuất càng ngày càng tăng, số lượng nhiều, giá thành giảm, và sản phẩm mới xuất hiện liên tục làm cho mọi người thích tiêu thụ. Tiêu thụ giờ đây không còn là một nhu cầu mà trở thành cái thú tiêu khiển. Mọi sinh hoạt xã hội đều được kỹ nghệ hóa. Văn hóa giáo dục của thời đại trước cũng biến thành kỹ nghệ giáo dục, cũng như kỹ nghệ thông tin, kỹ nghệ báo chí… Và đất đai, sức lao động, nguyên liệu trở thành yếu tố chính để phát triển kinh tế. Tài sản của công ty giờ đây được đo bằng công trình kiến trúc, trang bị máy móc nặng, vốn và hàng hóa. Thời đại kỹ nghệ cũng chia những hoạt động ra thành ba cấp: Kỹ nghệ sơ cấp: gồm các lãnh vực sản xuất của thời nông nghiệp: nông, lâm, ngư được cơ giới hóa. Kỹ nghệ thứ cấp là ngành kỹ nghệ nặng: luyện thép, đúc nhôm, chế tạo xi măng, khai thác hóa chất từ dầu hỏa, sản xuất xe hơi, sản xuất máy móc gia dụng. Kỹ nghệ đệ tam cấp: gồm các dịch vụ tài chánh, bảo hiểm, cung cấp nước, hơi đốt, điện, chuyên chở, hàng hải, hàng không, nguyên tử năng và không gian.
         
        Cũng trong thời đại kỹ nghệ, những cuộc cách mạng tự do đưa đến việc thành lập chính quyền dựa trên quy luật khế ước và theo nguyên tắc đồng thuận giữa giới cai trị và người dân. Nhiều bản hiến pháp chi tiết hóa việc đồng thuận qua tuyên ngôn nhân quyền và đề cao các quyền cá nhân là tự do ngôn lua65n, báo chí, hội họp, và tín ngưỡng. Hiến pháp cũng đề cập việc bảo vệ các quyền trên, chống lại cơ quan cảnh sát và tòa án lạm dụng quyền hạn.
         
         
        * * *
         
         
        HIẾN PHÁP
         
        Mục đích của hiến pháp là bảo vệ các thành phần cá nhân trong cộng đồng chính trị, chống lại sự can thiệp của quyền lực tiến vào đời sống tự do, tự trị của từng cá nhân. Trong phạm vi cá nhân, nhân quyền là tự chủ. Nhân quyền là quyền tối thượng của con người và vượt trên phạm vi quốc gia. Dân quyền là tự do. Chính quyền là dân chủ. Chính quyền và dân quyền được tôn trọng ngang nhau theo nguyên tắc bình quyền. Đó chính là xã hội nhân bản.
         
        Mục đích tiên quyết của hiến pháp là bảo vệ từng cá nhân trong cộng đồng chính trị. Tiếp đến là ứng dụng vào việc phân chia quyền lực chính trị, nguyên tắc phân quyền, được coi là mục tiêu thứ hai của hiến pháp. Một chính quyền hiến định, là một chính quyền đó phải bị hạn chế quyền hành qua phương pháp phân quyền, tản quyền, chia quyền… nhằm ngăn ngừa sự tập trung quyền lực vào một chính quyền trung ương, một đảng chính trị cầm quyền như đảng Cộng sản tại Việt Nam. Bởi thế, mỗi chế độ chính trị đã cần có một Khung Tổ Chức để phân chia quyền hành của một cơ quan công quyền, một hệ thống định nghĩa quyền cá nhân, và một quy chế cộng đồng.
         
        Với những cuộc cách mạng xã hội và chính trị trong những thế kỷ qua, đã đưa nhân loại đến thể chế dân chủ. Điển hình, vào năm 1688 vua James II của Anh quốc bị chống đối, những lãnh tụ quốc hội mời William of Orange cai trị nước Anh. Sau khi ông này từ Netherlands về nước, thì vua James II bỏ ngai vàng trốn sang nước Pháp. Người ta gọi đây là cuộc cách mạng vẻ vang vì không đổ máu. Năm 1689 vua William chấp nhận bản Tuyên Ngôn Dân Quyền của Anh. Văn kiện này công nhận những quyền căn bản của người dân, đồng thời cũng ấn định việc tăng thuế, hoặc tăng quân đội của nhà vua mà không có sự chấp thuận của Quốc Hội là trái luật.
         
        Hiến pháp của nước Pháp được soạn thảo sau cuộc cách mạng phá ngục Bastille ngày 14 tháng 7 năm 1789, giải tán chế độ quân chủ, và thực hiện châm ngôn “Tự Do, Bình Đẳng, và Huynh Đệ.” Nhưng những người làm cách mạng lúc đó đã thiếu sáng tạo ra một đường hướng chính trị, nên họ tái lập chế độ quân chủ. Cũng chính những người hô hào “tự do, bình đẳng, và huynh đệ” lại xây dựng đế chế, mang quân viễn chinh đi tìm thuộc địa, và xâm lăng những nước khác, trong đó có Việt Nam là một nạn nhân.
         
        Tuy bản hiến pháp của Pháp đã trở thành khuôn mẫu nhưng đã phải thay đổi nhiều lần. Chứng tỏ những nhà lập hiến của thời đó, soạn thảo theo lý tưởng với ước mơ… chưa đủ thực tế, chưa phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của dân nước Pháp. Hơn thế nữa, họ cũng chưa đủ tầm nhìn để vượt khỏi biên cương quốc gia mà đem Tự Do, Bình Đẳng và Huynh Đệ lên đến tầm kích nhân loại.  
         
        HIẾN PHÁP HOA KỲ
         
        Hoa Kỳ học hỏi được bài học về nền chính trị Anh quốc, và Hoa Kỳ đã tránh tái lập chế độ nội các như của nước Anh mà tạo ra được một thể chế cân bằng giữa tiểu bang và liên bang. Hiến Pháp Hoa Kỳ đặt ra nguyên tắc Tản Quyền và áp dụng thật sự vào việc điều hành giữa trung ương và địa phương. Liên bang này dành quyền tự chủ cho tiểu bang, cũng như dành quyền tự do cho người dân.
         
        Đã tản quyền, Hoa Kỳ lại còn có nguyên tắc Phân Quyền giữa chính phủ do tổng thống chịu trách nhiệm, và quốc hội là cơ quan lập pháp và là đại diện cho toàn dân. Cơ quan này có nhiều quyền hạn hơn của bất cứ quốc hội nào khác. Đặc biệt tổng thống, là người do dân bầu và cũng do Cử Tri Đoàn chọn ra.
         
        Nguyên tắc Kiểm Soát và Điều Hòa của Hiến Pháp Hoa Kỳ trở thành một nét đặc trưng trong lịch sử chính trị, vì rằng đã phối hợp thành công được nhiều việc trọng đại của quốc gia, thay vì những cơ quan của quốc gia lấn áp hay chèn ép lẫn nhau, như ta thường thấy ở bao nước khác. Nói tới Hiến Pháp Hoa Kỳ, là phải thấy rằng đó là luật của quốc gia. Hiến pháp ấn định thể thức tổ chức chính quyền, ấn định các quyền, và sự tự do cho công dân. Hiến pháp cũng  nêu rõ các mục đích của chính quyền, các phương cách và đường lối thực hiện để đạt đến mục đích, do hiến pháp đề ra.
         
        Hiến pháp được soạn thảo để thống nhất và thành lập một chính quyền quốc gia Hoa Kỳ, từ trong thời Chiến Tranh Giải Phóng vào năm 1775 đến 1783, là thời Hoa Kỳ chiến đấu với Anh quốc và dành lại độc lập từ đế quốc Anh. Khởi đầu vào năm 1781 mười ba Tiểu Bang đề xướng chính quyền Liên Bang, dưới bộ luật được gọi là Hiến Chương Liên Bang (The Articles of Confederation). “Hiến Chương” kết hợp hành pháp, lập pháp, tư pháp thành một cơ quan là Quốc Hội. Vị chủ tịch được chọn bởi “ủy ban các tiểu bang,” và có quyền chủ tọa như “tổng thống.”
         
        Thực tế Hiến Chương thiếu ngành hành pháp và hệ thống tòa án quốc gia, vì chỉ là đại diện 13 tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ. Hiến chương cho phép chính quyền Liên Bang có quyền tuyên chiến, điều hành vấn đề ngoại ngoại giao; nhưng không cho phép thu thuế, quy định mậu dịch, thương mại cấp Liên Bang và ngoại quốc. Nói khác đi, hiến chương không cho phép Liên Bang điều khiển các sinh hoạt của cấp tiểu bang, cho nên liên bang không có phương tiện bảo vệ quốc gia. Hơn nữa số tiểu bang họ lại phát hành tiền tệ, và tạo ra những thay đổi giá trị của đồng tiền và làm hỗn loạn kinh tế quốc gia. Như thế Hiến Chương không thích hợp trong việc điều hành đất nước, mà Hoa Kỳ cần phải có Hiến Pháp.
         
        Tới năm 1787 hội nghị quốc gia tổ chức tại Philadelphia với mục đích xét duyệt Hiến Chương. Nhưng kết quả thì hội nghị đó, là cả một chương trình tổ chức quy mô về chính quyền, mà hiến pháp soạn thảo. Hiến Pháp Hoa Kỳ được ký vào ngày 17 tháng 9 năm 1787, tác giả gồm nhiều người: George Washington, James Madison, Alexander Hamilton, và Benjamin Franklin… Trước khi Hiến Pháp trở thành luật thì cần sự phê chuẩn của 9 Tiểu Bang, nhưng chỉ vài tháng sau bản văn được ký kết và phê chuần đầy đủ. Delaware là tiểu bang đầu tiên phê chuẩn vào ngày 7 tháng 12 năm 1787. Và New Hamshire là tiểu bang thứ chín, làm cho hiến pháp trở thành hiệu lực vào ngày 21 tháng 6 năm 1788.
         
        Có những chống đối về Hiến Pháp vì nhiều người cho rằng văn kiện không bảo đảm đủ quyền cá nhân, không bảo vệ sự tự do cá nhân, hay ngăn ngừa những điều bất công do chính quyền quốc gia tạo ra. Bởi thế 10 tu chính án hiến pháp hay còn được gọi là bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền: Bill of Right được đệ trình. Bản tuyên ngôn nhân quyền trở thành luật vào ngày 15 tháng 12 năm 1791. Do các tu chính án đó, hiến pháp bảo đảm tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và báo chí, tự do hội họp ôn hòa của công dân Hoa Kỳ, và quyền được xét xử bởi bồi thẩm đòan.
         
        Hiến pháp quy định, Tổng Thống đắc cử bởi “tuyển cử đòan,” tức một nhóm người được chọn bởi các tiểu bang. Nhân dân bầu cử các thành phần của Hạ Viện đầu tiên, như đang thi hành ngày nay, nhưng các Nghị Sĩ được tuyển chọn bởi các nhà lập pháp tiểu bang, điều này tiếp diễn cho tới những năm 1900.
         
        Tối cao pháp viện có quyền sau cùng để giải thích hiến pháp. Tòa án này có thể hủy bất cứ đạo luật nào của liên bang, tiểu bang, địa phương nếu có những tranh chấp liên quan đến hiến pháp. Ba điều đầu tiên của hiến pháp chia quyền ra thành ba ngành phân biệt:
         
        -         Ngành Lập Pháp, làm luật và đại diện bởi Quốc Hội.
        -         Ngành Hành Pháp, thi hành luật, đại diện bởi Tổng Thống.
        -         Ngành Tư Pháp, giải thích luật, đại diện bởi Tối Cao Pháp Viện.
         
        Sự phân chia này được hiểu là “Phân Quyền” mà mục đích là ngăn ngừa bất cứ ngành nào của của chính quyền trở nên qúa mạnh, để trở thành độc tài. Hiến Pháp Hoa Kỳ ấn định nguyên tắc “Kiểm Soát và Điều Hòa” (check and balance) để bảo đảm không có ngành nào có ưu thế hơn, và ngăn ngừa mỗi ngành vượt quyền hạn của mình mà quên đi quyền hạn của ngành khác.
         
        Ví dụ, Quốc Hội có quyền làm luật, nhưng Tổng Thống có quyền phủ quyết các dự luật đó. Đó là kiểm soát và điều hòa. Trong trường hợp “check on a check” Quốc Hội có thể vượt qua (override) phủ quyết của tổng thống bằng cách đạt 2/3 số phiếu thuận trong Quốc Hội. Và Tối Cao Pháp Viện có thể kiểm (check) Quốc Hội bằng cách vô hiệu hóa luật của Quốc Hội vừa thông qua nếu vi hiến.
         
        Đối với nhân dân Hoa Kỳ, câu mở đầu hiến pháp gồm 4 điểm, thiết lập nền tảng cho truyền thống chính trị Hoa Kỳ.
         
        -   “Chúng tôi Nhân Dân Hiệp Chủng Quốc” (We the People of the United States). Điểm chính yếu nơi đây là họ tự xưng với tư cách là một quốc gia thống nhất, không còn là một liên bang gồm nhiều tiểu bang nhập lại. Họ đã nhấn mạnh việc cần thiết tạo dựng và thống nhất một dân tộc.
         
        -   “Với mục đích tạo sự liên kết toàn hảo” (In order to form a more perfect union). Theo cách nói này, thì sự cố gắng đầu tiên của họ là soạn thảo “Hiến chương liên bang,” nhưng còn thiếu sót và không thích hợp. Họ nói lên việc soạn thảo hiến pháp này là cần thiết.
         
        -   “Lập công lý, bảo đảm yên vui gia đình, dự phòng sự chiến đấu chung, khuyến khích an sinh và bảo đảm hoàn toàn tự do cho chúng ta và con cháu chúng ta” (established justice, insure domestic tranquility, provide for the common defense, promote the general welfare and secure the blessings of liberty to ourselves and our posterity). Đây là những mục tiêu chính của sự thành hình bản hiến pháp và chính quyền quốc gia. Đọan văn này còn nói lên sự cần thiết việc có chính quyền để mang lại trật tự và tự do cho quốc gia dân tộc.
         
        -   “Soạn và lập bản hiến pháp này cho Hiệp Chủng Quốc Châu Mỹ” (do ordain and establish this contitution for the United States of America). Với các mục đích trên và phương thức làm việc, họ bắt đầu thành lập chính phủ.
         
        Hiến Pháp Hoa Kỳ được chấp nhận vào năm 1787 chứa đựng số bảo đảm cá nhân, nhưng dù sao cũng đã có nhiều tiểu bang từ chối, và không thông qua bản văn kiện này vì không có một đạo luật đặc biệt về nhân quyền. Bởi thế Hiến Pháp Hoa Kỳ phải có mười tu chính án ra đời, được biết với tên là Đạo Luật Nhân Quyền. Hiến Pháp khởi đầu chỉ gồm Lời Mở (Preamble) và 7 Điều (Articles).  
         
        Điều I: Ngành Lập Pháp (Legislative)
         
        Đoạn 1: Quốc Hội (Congress)
             
        Ngành lập pháp của chính quyền liên bang do Đoạn 1 hiến pháp ấn định. Quốc Hội được chia thành Hạ Viện và Thượng Viện. Quốc Hội được chia theo hệ thống lưỡng đảng. Khi một đảng chính trị có đa số trong Hạ Viện, đảng này kiểm soát tất cả ủy ban Hạ Viện. Phát Ngôn Viện/ Chủ Tịch (Speaker) Hạ Viện chủ tọa các phiên họp của Hạ Viện, và cũng là lãnh tụ đảng.
         
        Đoạn 2: Hạ Viện – Viện dân biểu (House of Representatives). Hạ Viện của Quốc Hội gồm những đại biểu của quận (Districts), những Dân Biểu từ các quận bầu cử của 50 tiểu bang. Hạ Viện đại diện cho dân trên căn bản dân số tùy thuộc vào địa phương; nhưng tới năm 1929, Quốc Hội giới hạn tổng số đại biểu là 435 và không chú trọng tới tổng số dân nữa. Hạ Viện có quyền đề nghị các dự luật, chỉ có Hạ Viện mới có quyền khởi tố các nhân vật cao cấp của chính quyền (impeachment). Thượng Viện xét xử những vụ khởi tố đó.
         
        Đoạn 3: Thượng Viện – Viện Nghị Sĩ (Senate). Thượng Viện của Quốc Hội gồm có hai Nghị Sĩ cho mỗi tiểu bang, 2 x 50  = 100 vị, nhiệm kỳ là 6 năm. Các tiểu bang có đại diện tại thượng viện bằng nhau, không tính dân số. Phó Tổng Thống Hoa Kỳ là chủ tịch Thượng Viện, nhưng không được bầu phiếu, chỉ trong trường hợp biểu quyết mà Thượng Viện đồng phiếu thì lúc đó lá phiếu của chủ tịch Thượng Viện là phiếu quyết đinh.
         
        Điều II: Ngành Hành Pháp (Executive). Hiến Pháp quy định thể thức bầu cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống, với những quyền hạn của hai chức vụ này. Tổng Thống Hoa Kỳ được bầu với nhiệm kỳ 4 năm bởi nhân dân của 50 tiểu bang qua Cử Tri Đoàn, giới hạn trong hai nhiệm kỳ, và là trưởng ngành Hành Pháp. Thẩm quyền hiến định của Tổng Thống là:
         
        -    Tư lệnh quân đội
        -    Quyền bổ nhiệm
        -    Giảm án tử hình và ân xá
        -    Thi hành luật một cách trung thực
         
              Tổng Thống được ủy quyền trong việc ký kết hiệp ước với sự chấp thuận của 2/3 nghị sĩ. Hiến Pháp coi chính sách ngoại giao của Tổng Thống là chính sách ngoại giao của quốc gia.
         
              Điều III: Ngành Tư Pháp (Judical). Hiến Pháp Hoa Kỳ ấn định Tối Cao Pháp Viện lãnh đạo ngành Tư Pháp là tòa án tối cao của chính quyền, và quốc gia Hoa Kỳ. Ngành này đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị là giải thích hiến pháp.
         
              Để làm trọn vai trò đó, nhiệm vụ của Tòa Án trong việc phát triển của Hoa Kỳ rất lớn, đôi khi vượt qua tổng thống hay quốc hội. Tối Cao Pháp Viện là cơ quan cuối cùng giải thích hiến pháp, có quyền vô hiệu hóa, hành động của tổng thống hoặc luật của quốc hội, nếu vi hiến.
         
              Điều IV: Sự Quan Hệ Giữa Các Tiểu Bang
         
              Điều V: Giải Thích và Phương Thức Tu Chính Hiến Pháp
         
              Thông thường thì tiến trình sửa đổi các điều khoản của hiến pháp là phản ảnh sự thay đổi của xã hội, qua sự tu chính hay gỉai thích hiến pháp. Nhưng những nhà lập hiến Hoa Kỳ, ngay từ
        khởi thủy đã nhận thấy sự cần thiết phải có một điều khoản dự phòng để bản hiến pháp được quyền tu chính, do đó ho đã đề ra:
         
              Tu chính án hiến pháp Hoa Kỳ cần được sự chấp thuận của 2/3 Quốc Hội và ¾ của các tiểu bang. Phương pháp tu chính án hiến pháp của Hoa Kỳ thì thường khó hơn là thông qua điều luật thông thường. Đang khi quốc tế thì lại khác, ví dụ điển hình, trong điều 80 của hiến pháp nước Pháp lại ấn dịnh tu chính hiến pháp chỉ do quốc hội biểu quyết. Năm 1962 Tổng Thống De Gaulle đã làm ngơ khoản luật tu chính này, mà ông tổ chức Trưng Cầu Dân Ý một tu chính án, ấn định cách bầu cử tổng thống bằng phổ thông đầu phiếu, thay vì bầu cử hạn chế như trước; khiến cho dư luận xôn xao một thời.
         
              Cũng như Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi cũng đề xuất cách tu chính án hiến pháp là sau khi thông qua lưỡng viện quốc hội, tu chính án phải được trưng cầu dân ý, và phải được đa số trong 4 trên 6 tiểu bang nước Úc chấp thuận.
         
              Điều VI: Chấp Nhận Các Khoản Nợ Và Hiệp Ước Đã Ký Trước Khi Có Hiến Pháp
                   
              Điều VII: Phê Chuẩn Hiến Pháp. Hiến Pháp cần sự phê chuẩn của 9 trên 13 tiểu bang để cho hiến pháp trở thành hiệu lực.
         
              Tiếp đến là Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Trong 10 tu chính án của Đạo Luật Nhân Quyền chỉ có 8 điều tu chính án đầu tiên bảo đảm những quyền và những tự do cá nhân. Đạo luật này có hiệu lực vào ngày 15 tháng 12 năm 1791, là một ngày được lấy để mừng Ngày Nhân Quyền. Tám tu chính án trong Hiến Pháp Hoa Kỳ bao gồm những quyền căn bản và những quyền tự do cho mọi công dân.
         
        1.      Tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do cải chính (rectify).
        2.      Quyền mang vũ khí.
        3.      Cho quân nhân tạm trú (housing of soldiers). Điều này là để chống lại chính quyền Anh quốc vào những năm 1700, khi bắt buộc dân Hoa Kỳ cho quân nhân tạm trú trong nhà. Trong thời bình, cần phải có sự đồng ý của chủ nhà, Đoạn 3 – 5, quy định vấn đề riêng tư cá nhân (personal privacy) của người dân.
        4.      Cơ quan công quyền khám xét tư gia thì phải có trát tòa (search warrant).
        5.      Quyền của người dân trong những vụ án hình sự (rights in criminal cases).
        6.      Quyền được xét xử một cách hợp pháp, công bình, vô tư và không thiên vị (rights to a fair trial).
        7.      Quyền của người dân trong những vụ án hộ sự (rights in civil lawsuits).
        8.      Ấn định tiền thế chân (bail), tiền phạt, hình phạt tương xứng với tội trạng.
         
        9 và 10 là hai điều nhấn mạnh đến những quyền không ghi trong hiến pháp là quyền dành cho người dân, và tiểu bang. Những quyền không ghi trong hiến pháp có nghĩa là tâm luật, chớ không chỉ có văn luật, và không ghi không có nghĩa là không có.
         
        Hiến Pháp của các Tiểu Bang Hoa Kỳ chứa đựng Đạo Luật hay Tuyên Ngôn Nhân Quyền được chi tiết hóa và rõ ràng hơn Hiến Pháp Liên Bang. Hiến Pháp Hoa Kỳ ngày nay được coi là bản hiến pháp mẫu, nhưng cũng ít những quốc gia trên thế giới biết mang đến các quyền công dân cho người dân nước họ, như công dân Hoa Kỳ đang được hưởng. Hơn thế nữa, bản Hiến Pháp của Hoa Kỳ cho tới nay cũng được coi là khuôn mẫu của xã hội kỹ nghệ, và bắt đầu lỗi thời khi xã hội Hoa Kỳ tiến vào thời đại mới, văn minh tín liệu, chắc chắn Hiến Pháp cũng cần sửa đổi, cải tiến. Và bộ mặt của thế giới cũng thay đổi theo sự phát triển của dân số, khoa học kỹ thuật, và phương tiện vận chuyển. Phương tiện di chuyển phát triển đồng nghĩa với sự thu nhỏ địa cầu về phương diện cai trị, quân sự, và điều hành.
          
        Ý NIỆM TỰ DO
         
        Trước thế kỷ 18, đa số người dân Tây phương là nông nô của các lãnh chúa, sống trong các lãnh địa. Họ cảm nhận rằng họ không phải là những cá nhân mà là thành phần của một cộng đồng lớn hoặc nhỏ. Lãnh chúa và trưởng tộc là những người có quyền sai khiến, và đa số người dân không có quyền hạn nào, không được phép rời lãnh địa, không được làm việc nào khác, không có vật dụng trao đổi, không có tiền để mua sắm, và không có tư tưởng nào mới lạ ngoài những lời lãnh chúa truyền dạy. Khi kỹ nghệ phát triển có nhiều nghề mới, người dân không còn bị cột chặt vào ruộng đất để sinh sống. Họ được chọn nghề, lựa việc làm. Đó là tự do cá nhân đầu tiên của nông nô, dẫn đến những tự do khác. Kết quả việc làm nghề là họ có tiền, và nhờ tiền họ được hưởng một số tự do. Tự do làm nghề dẫn đến tự do kinh doanh.
         
        Triết lý tự do chính trị và tự do kinh tế nhấn mạnh đến tự do cá nhân, bình đẳng và cơ hội. Triết lý bảo thủ thì ngược lại, nhấn mạnh đến giai cấp, truyền thống và quyền tư hữu. Tự do chính trị đã làm thay đổi xã hội nhanh hơn bảo thủ. Ý nghĩa và trọng tâm của danh từ, hay chủ nghĩa tự do được thay đổi nhiều lần qua thời gian, nên khó mà có định nghĩa rõ ràng. Tự do ở thuở ban đầu, được hiểu là quyền chống lại lãnh chúa, nhà cầm quyền, vì nhà cầm quyền hạn chế tự do cá nhân.
         
        Tự do cá nhân của chủ nghĩa tư bản là tự do lựa chọn tôn giáo, cách sống, người phối ngẫu, nghề nghiệp. Người tự do chọn cách ít tốn kém về mọi vấn đề ảnh hưởng tới cuộc sống. Họ tiết kiệm tiền, sức lao động, trả giá dịch vụ, hàng hóa trên thị trường để được hưởng giá thị trường. Những việc trên tạo ra xã hội thị trường, kinh tế thị trường, và chính trị thị trường. Những người tư bản đầu tiên đề cao tự do cá nhân, đề cao tự do kinh doanh và xã hội kinh doanh đã làm thay đổi bộ mặt xã hội. Xã hội này cần có guồng máy chính trị để điều hành. Từ đó mà có các cuộc cách mạng ở Anh năm 1688, ở Hoa Kỳ năm 1775, và ở pháp năm 1789 đưa đến những thể chế chính trị tự do, những quốc gia tự do và thế giới tự do.
         
        Những người tự do đầu tiên tin tưởng rằng cai trị ít là cai trị tốt nhất. Họ cho rằng cá nhân sẽ được thuận lợi hơn, nếu mỗi người được phép theo đuổi quyền lợi riêng tư. Họ cũng tin tưởng rằng nền kinh tế tự điều chỉnh, tự kiểm soát nếu được để cho tự do điều hành theo quy tắc kinh tế. Từ đó họ kết luận, chính quyền không cần thiết trong việc điều hành kinh tế. Tư tưởng tự do kinh tế được hệ thống hóa bởi kinh tế gia Adam Smith (1723-1790), người Anh trong tác phẩm The Wealth of Nations: Sự Thịnh Vượng của các Quốc Gia ra đời năm 1776. Hệ thống này được gọi là chủ nghĩa Tư Bản hay tư do kinh doanh.
         
        Quan niệm ban đầu của chủ nghĩa tự do là sự liên kết tự do kinh tế với tự do chính trị. Đến giữa thế kỷ 20 nhiều người tự do nghĩ đến việc bớt tự do, và hạn chế tự do về kinh tế. Họ bị thuyết phục là hành động của chính quyền tạo điều kiện để cá nhân phát triển tiền năng và nhân quyền được tôn trọng. Họ ủng hộ những chương trình tạo an tòan kinh tế, và bớt khổ đau cho mọi người, như trợ cấp thất nghiệp, lương tối thiểu, hưu trí cho người già, bảo hiểm sức khỏe, và nhiều biện pháp chống lại nghèo đói.
         
        Những người tự do cấp tiến vẫn giữ mối quan hệ với sự tự do ban đầu. Họ vẫn cho rằng sự tự do cá nhân là quan trọng nhất và chính quyền hành động để tháo gỡ những chướng ngại để người dân được vui hưởng tự do. Về phương diện kinh tế và xã hội thì tự do kinh doanh, tức kinh tế tư bản để cải tiến thành kinh tế xã hội.      
          
        KINH TẾ TƯ BẢN
           
        Trong nền kinh tế tư bản, thương gia được tự do buôn bán; khách hàng được tự do mua; công nhân được tự do chọn nghề, chọn chủ; thị trường được tự do không có sự can thiệp của chính quyền. Và nguyên tắc xây dựng một thị trường tự do là sự để mặc tự nhiên, tự nhiên nảy sinh và tự nhiên phát triển. Mặc dù có nhiều thay đổi, lên xuống của phẩm lượng sản xuất, giá cả, nhân công… nhưng nền kinh tế tư bản sẽ tự chỉnh. Với những quan niệm trên Adam Smith đã khởi xướng cuộc cách mạng cho nền kinh tế tư bản trong cuốn sách của ông.
         
        Nền kinh tế tư bản đặt trên sự tự do cá nhân. Mỗi người được tự do chọn lựa phương cách thương mại để thỏa mãn những nhu cầu hoặc ước vọng của riêng mình. Cá nhân được tự do đem tham vọng vào thương trường, cạnh tranh với tham vọng của những cá nhân khác bằng những hàng hóa tốt, rẻ, đẹp và đáp ứng đúng với nhu cầu của khách hàng, của thị trường. Theo Adam Smith thì tự do cạnh tranh là “bàn tay vô hình,” cơ giới an toàn tự động để nền kinh tế điều chỉnh. Ngoài sự cạnh tranh giữa các thương gia với nhau, còn có sự cạnh tranh của thương gia và khách hàng, hoặc thương gia và công nhân.
         
        Một trong những sáng tạo kỹ thuật mang lại hiệu qủa là hệ thống dây chuyền. Trong hệ thống dây chuyền thì sự phân chia công việc là yếu tố quan trọng. Adam Smith quan sát và nhận định rằng, “Mười người với sự trợ giúp của dụng cụ và máy móc, có thể sản xuất được bốn mươi tám ngàn cây kim trong một ngày, nhưng nếu làm việc riêng rẽ thì chắc chắn mười người không thể làm xong hai mươi cây kim, và cũng không thể làm xong một cây trong một ngày.” Về ảnh hưởng tâm lý thì hệ thống dây chuyền làm cho con người cảm thấy như mình không còn là con người trọn vẹn. Vì lúc trước thì người thợ giày làm từng đôi giày, bây giờ thì người ấy chỉ làm cái quai, hoặc cái đế mà lại thấy có nhiều giày. Bởi thế người công nhân khó nhận định được giá trị của mình trong xã hội, và cảm thấy mình trở thành một mắt xích, hay một con ốc nhỏ trong một guồng máy khổng lồ. Hơn nữa, hệ thống dây chuyền thường là nơi người chủ có cơ hội bóc lột người làm công nhiều nhất. Tốc độ của máy là then chốt của số lượng sản xuất, cho nên chủ nhân thường tăng tốc độ làm nhanh lên tới mức tối đa, trong khi tiền lương của thợ lại vẫn được trả theo từng giờ. Mồ hôi và sức sống của con người đã bị vắt ép để thành lợi nhuận cho chủ.
         
        Cuộc cách mạng kỹ nghệ đã kéo theo sự phát triển của các đô thị. Nếp sống nông nghiệp chuyển mình. Các nông nô trong nền kinh tế Pháp Lệnh từ bỏ nếp sống cũ, đi về thành phố để tìm một nếp sống mới. Mặc dù sự chuyển mình đã mang lại nhiều đau khổ ban đầu, nhưng rồi mức sống của xã hội được tăng lên, vì mức độ sản xuất lên cao và phương tiện kỹ thuật cũng tăng theo.
          
        KINH TẾ CỘNG SẢN
         
        Quyền tư hữu tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản sinh ra mâu thuẫn và quái thai cộng sản ra đời. Theo Karl Heinrich Marx (1818-1843) thì nhà nước quản lý các xưởng kỹ nghệ hay nông nghiệp, rồi sản xuất và phân phối hàng hóa xuống thẳng tới tay người tiêu thụ thì nhân loại sẽ tránh được bất công. Bởi vì trong hệ thống thương mại tư bản, sản phẩm phải qua nhiều giai đoạn trung gian phi sản xuất, mỗi giai đoạn lại phải cộng thêm những phí tổn chuyên chở, kho chứa hàng, tiền nhân viên bảo quản hàng hóa, tiền lời rồi mới đến tay người tiêu thụ. Từ đó giá thành sản phẩm hàng hóa sẽ tăng cao và bất ổn, vì sản phẩm hàng hóa chỉ tập trung trong tay vào một số nhỏ tư nhân, gia đình hay công ty độc quyền khai thác.
         
        Mặt khác vì làm lời bằng sức lao động, cho nên mâu thuẫn giữa chủ nhân và thợ thuyền chính là nguồn gốc của trạng thái căng thẳng dẫn đến hậu qủa cuối cùng, là hệ thống tư bản xụp đổ. Kinh qua tư bản, nền kinh tế này tự nó thiết lập những công xưởng với dụng cụ máy móc, đồng thời cũng đào tạo lớp người chuyên viên mới cho một xã hội mới – chủ nghĩa xã hội phát sinh. Chủ nghĩa này bắt đầu bằng “sự độc tài của giai cấp vô sản,” nó là một nền kinh tế không giai cấp và không bóc lột. Sau cùng là chủ nghĩa cộng sản nguyên vẹn – một thiên đàng kinh tế và chính trị của con người.
         
        Nhưng lý thuyết Marx đã thất bại thảm hại. Vì để giải quyết vấn đề bất quân bình đã chẳng phải là triệt tiêu các khâu trung gian, mà nó tạo ra thành một mạng lưới thị trường giải quyết những vấn đề bất quân bình trong sản xuất và phân phối. Nhiều công ty tư bản trên thế giới đã thấy ưu điểm của hệ thống mạng và áp dụng mở rộng thị trường, họ đã dự tính cho nhu cầu tương lai theo đà biến chuyển chính trị với thể chế dân chủ của thế giới. Trong Tư Bản Luận, Marx tiên đoán về sự xụp đổ có thể xảy ra của nền kinh tế tư bản. Vì kinh tế tự do trở thành một phương tiện cho các công ty tư bản có thể thẳng tay sát phạt nhau. Hậu qủa của tự do cạnh tranh là “mua đứt” các công ty nhỏ để trở thành công ty lớn độc quyền trong sản xuất và phân phối hàng hóa. Nhưng một khi công ty lớn phá sản hoặc chuyển nhượng sự độc quyền thao túng, thì thị trường thì đều lên cơn sốt và làm cho giá cã sản phẩm tăng giảm tùy theo sự chạy đua lợi nhuận của giới chủ. Khách hàng là nhân dân tiêu thụ không còn được hưởng tự do chọn lựa. Bởi thế theo Marx, sự tự do cạnh tranh thị trường tạo ra công ty độc quyền, và độc quyền sẽ triệt tiêu quyền tự do lựa chọn của khách hàng, của công nhân.
         
        Khi kỹ thuật sản xuất phát triển, số lượng công ty trong ngành kỹ nghệ chỉ còn lại có một mà thôi, thì nhu cầu nhân công trong kỹ nghệ đó cũng giảm theo, và công ty giảm năng xuất để tăng giá cã hầu có thêm lợi tức. Công ty độc quyền được tự do bóc lột sức lao động của người dân, vì dân cần có việc làm để sống. Hơn nữa công nhân lại cũng chính là khách hàng. Số lượng sản xuất giảm dần trong khi dân số tăng thêm. Sự mua bán xuống dốc, và các công ty sẽ ngưng đầu tư. Cũng theo Marx,  ngưng đầu tư thì việc làm càng thêm hiếm hoi, và cứ xảy ra tình trạng như vậy thì nền kinh tế tư bản mãi lún sâu cho tới lúc phải xụp đổ.
         
        Sự xụp đổ vĩ đại của nền kinh tế tư bản, qủa thật có xảy ra vào thập niên 1930 nó như một cơn sóng thần đổ ập trên đầu nhân dân Hoa Kỳ cùng với bao nỗi kinh hoàng. Kinh tế Hoa Kỳ lúc đó một nửa giá trị tổng sản lượng đã biến mất. Một phần tư dân số bị thất nghiệp và mất việc làm. Hơn một triệu gia đình bị tịch thu tài sản nhà cửa vì nợ nần, không thể trả tiền nhà tiền nợ hàng tháng. Chín triệu trương mục tiết kiệm tiêu tan, và nhiều nhà băng phải đóng cửa vì xập tiệm. Nếu như số lương bổng và lợi tức ước tính vào năm 1929 của Hoa Kỳ là 15 tỷ, thì đến năm 1932 chỉ còn 886 triệu. Người nghèo thì nghèo thêm. Người giàu với những ngân khoản kếch xù không biết đầu tư nơi đâu… Và cứ thế, đến nỗi chính quyền Liên Bang phải dùng ngân sách quốc gia đầu tư vào hệ thống thị trường, nhằm tạo ra công ăn việc làm và thúc đẩy sức vận chuyển của nền kinh tế khôi phục. Chính phủ Hoa Kỳ phải can thiệp vì sợ rằng dân chúng lúc đó bắt đầu nổi loạn.
         
        Với Tư Bản Luận và chứng cớ khủng hoảng của nền kinh tế thời đại, thì ắt có nhiều người tin Marx vì họ không am tường về nền chính trị dân chủ và kinh tế tự do. Nhưng Marx sai lầm. Nền kinh tế tư bản tuy có xụp đổ nhưng không dãy chết để dẫn đến chủ nghĩa xã hội như ước mơ của Marx. Vi xã hội Hoa Kỳ đã không có chế độ phong kiến, nên không có giai cấp bóc lột như Marx từng thấy nơi truyền thống kinh tế châu Âu. Mặt khác, nền kinh tế Hoa Kỳ mạnh nhất thế giới là nhờ vào truyền thống chính trị dân chủ. Dân chủ có nghĩa là được tự do tư tưởng và tự do diễn đạt. Khi người dân được tự do liên lạc, và hệ thống truyền thông nâng cao khả năng hiểu biết của người dân, thì người ta sẽ tự suy xét và tự quyết định những vấn đề có ảnh hưởng hay liên hưởng trực tiếp đến họ. Sự tự do tư tưởng và tự do diễn đạt đã tạo ra môi trường cho sức sống sáng tạo của toàn dân trên các bình diện văn hóa văn minh kỹ thuật. Sức mạnh của xã hội Hoa Kỳ về bất cứ phương diện nào cũng đều là sức mạnh của truyền thông. Khi sự hiểu biết của tòan dân được nâng cao đến mức họ có ý thức được những điều mang lại lợi ích chung thì họ sẽ đồng thuận. Nguyên tắc đồng thuận chính là một phương thức vận động sức mạnh dân tộc tối đa của một quốc gia. Nhất là trong thời đại văn minh khi con người đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước, nhưng chính họ có tự do quyết định. Đây là mấu chốt phát triển của nền kinh tế tư bản mà chính Marx khó ngờ.
         
        Đối với Marx ông chỉ nhìn kinh tế tư bản qua chế độ phong kiến của châu Âu, được thiết lập từ khi có sự chiến thắng của nến văn hóa du mục trên văn hóa nông nghiệp để duy trì kinh tế Pháp Lệnh và sinh ra giai cấp đặc quyền đặc lợi. Theo dòng thời gian trở thành văn hóa chủ nô, vì người dân nông nô phải sống dưới quyền sinh sát của lãnh chúa trong lãnh địa châu Âu. Cũng bởi Marx coi chủ nghĩa tư bản và văn hóa chủ nô của châu Âu là một, nên ông có sự sai lầm khi đưa ra nguyên lý “mâu thuẫn nội tại” và bởi đó, chế độ cộng sản cũng được rập khuôn theo cấu trúc chủ nô.
          
        KINH TẾ KỸ NGHỆ
         
        Kinh tế của thời đại kỹ nghệ là sản xuất các sản phẩm hàng loạt cho nên cần nhiều công nhân rẻ tiền và tay nghề tương đối của khóa huấn luyện đào tạo ngắn hạn. Vào thời đại kỹ nghệ thì việc mở rộng thành thị cho các khu công nghệ hãng xưởng là trọng điểm, bởi thế đất nông nghiệp lương thực thực phẩm phải được cung cấp từ nông thôn, hay nhập cảng từ nước ngoài. Người dân thì tập trung vào việc phát triển kinh tế quốc gia, trong khi quốc gia lại cần nguyên liệu sắt, thép, xi măng, gỗ, hóa chất, sản phẩm dầu hỏa… cho nhà máy hoạt động. Sản phẩm làm ra thì lại cần thị trường tiêu thụ cho nên chính quyền phải mở những hải cảng, phi cảng để vận chuyển lưu thông.
         
        Nhìn vào hệ thống thời đại kỹ nghệ, chúng ta trước tiên phải kể đến ngành hàng hải, vì nó có từ khi con người biết phát minh ra máy hơi nước. Máy hơi nước được trang bị trong công ty xí nghiệp, xe hơi, hay tàu thủy… Trong giai đoạn phát triển kỹ nghệ đã cần nhiên liệu cho việc sản xuất và tiêu thụ, do đó quốc gia kỹ nghệ phải mang quân đánh chiếm lãnh thổ nước khác làm thuộc địa. Tới thời hậu kỹ nghệ, chúng ta lại chứng kiến một nền “chính trị hậu quốc gia.” Không như thời nông nghiệp người ta cần lãnh thổ, và cũng không như thời tiền kỹ nghệ mà cần tài nguyên, ở giai đoạn hậu kỹ nghệ, việc xâm chiếm thuộc địa là không cần thiết vì khả năng hoạt động của cơ giới làm thay đổi bảng giá trị thời đại. Sức mạnh bắp thịt con người và súc vật cũng giảm dần trong việc sản xuất, đang khi sức mạnh của vũ khí, vật dụng do máy móc làm ra lại càng tăng thêm. Số công nhân làm việc bằng chân tay cũng bớt cần thiết như thời trước, cho nên quốc gia kỹ nghệ không còn cần xâm chiếm lãnh thổ làm thuộc địa, làm thị trường tiêu thụ.
         
        Vì con người phát minh ra nhiều phương tiện liên lạc, di chuyển nhanh chóng, giá thành rẻ và nhiều… cho nên các quốc gia lại có những mối liên quan mới. Những quan hệ quốc tế tạo ra nền “chính trị hậu quốc gia” với quyền lực quốc tế.  Mỗi ngành, mỗi nghề, hay mỗi lãnh vực xã hội phát triển tạo nên những hệ thống quốc gia quốc tế và quyền lực riêng, khiến cho đôi khi quốc gia khó hoặc không kiểm soát nổi. Bởi thế quyền lực quốc gia được phân ra, và tản ra để có nhiều ban, nhiều ngành, nhiều cấp trách nhiệm. Số nhân viên làm việc công khai, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, với dân chúng thì tạo ra các ban: ban quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát… nhằm cải tiến sản phẩm, cạnh tranh với các công ty xí nghiệp khác. Đang khi số nhân viên làm việc kín lại cần có nơi thầm lặng mà dùng đầu óc suy tư… Bởi đó, những nguyên tắc áp dụng trong tổ chức chính trị đã phát sinh ra đảng chính trị, gồm đảng cầm quyền và đảng đối lập với các chủ tịch nổi/ lãnh tụ chìm… xuất hiện trong hệ thống quyền lực nổi /chìm.
         
        Thông thường, dân chúng chỉ nhìn thấy quyền lực nổi, đang khi quyền lực chìm lại quyết định các vấn đề nội bộ sinh tử của chế độ qua tổ chức ngụy trang dưới nhiều hình thức, dù hiện hữu hay vô hình. Trong lãnh vực kỹ nghệ kinh tế, những nhân vật điều hành ở cấp quốc gia đã lập ra Nhóm Quyết Định để giải quyết cho cả một “khối lượng quyết định.” Bởi tất cả tổ chức xã hội, dù lớn hay nhỏ đều có những vấn đề quyết định. Xã hội càng lớn và phức tạp thì quyết định lại nhiều và khó hơn, tạo ra khối phẩm và lượng quyết định.
         
        Vào thời tiền kỹ nghệ, phân chia lao động còn thô sơ, thay đổi chậm chạp, nên số lượng quyết định để điều hòa xã hội tương đối ít. Vì có ít quyết định nên người khả năng “trên trung bình” không chuyên môn, cũng có thể điều hành và tự quyết tất cả khối lượng quyết định của một quốc gia. Nhưng thời kỹ nghệ bành trướng thành nhiều lãnh vực, nhiều phức tạp mang tầm vóc rộng lớn hơn nên khối lượng quyết định tăng nhiều, và đòi hỏi quốc gia phải phân quyền và tản quyền xuống địa phương. Nhiều khi có những quyết định vượt ra ngoài khả năng của những người cầm quyền, nên buộc họ phải tuyển chọn nhân tài/ hay bán nhân tài nhằm đáp ứng cho nhu cầu này, từ đó mà phát sinh ra “quyền lực chuyên viên.” Và khi đã có đủ quyền lực này thì dân chủ là vấn đề đương nhiên, vì không phải là chọn lựa mà là tiến hóa bắt buộc.
         
        Xã hội kỹ nghệ tạo hệ thống sản xuất giây chuyền, nên hệ thống máy móc của xí nghiệp cũng giây chuyền và trở thành liên thuộc kỹ nghệ. Con người bị ràng buộc bởi các tổ chức chính trị, và càng văn minh thì lại càng bị ràng buộc trong các hệ thống chính trị nhiều hơn. Bị ràng buộc trong các hệ thống nên mới đòi hỏi người lãnh đạo quản trị phải có đức tính liên thuộc, từ tầm nhìn tới cách giải quyết đều có ảnh hưởng giây chuyền đến các bộ phận cũng như hệ thống. Cách tìm giải pháp và quyết định có ý thức trách nhiệm liên đới, người ta gọi là dân chủ.
         
        Tóm lại hệ thống toàn cầu đã được xây dựng bằng số đơn vị quốc gia. Và liên thuộc có nghĩa là quốc gia A hành động, thì ảnh hưởng tốt/ xấu cho quốc gia B, C, D. Một quyết định ở Nhật Bản cũng gây ảnh hưởng tới Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Đông Nam Á. Khi Hoa Kỳ xử dụng giây thủy tinh để dẫn điện thì gây ảnh hưởng cho Chile và Zambia là hai nước sản xuất đồng. Việc bảo vệ môi sinh ở Brazil gây ảnh hưởng ngay đến giá gỗ trên thế giới.
          
        CẠNH TRANH KỸ NGHỆ
         
        Thời đại ngày nay là giao thương, con người đã chuyển chiến tranh quân sự sang giai đoạn của cuộc sống mới, là cạnh tranh kinh tế. Sự cạnh tranh quốc gia là nước nào có sản phẩm tốt, nâng cao đời sống dân chúng, phát triển ngành giáo dục tốt, và đào tạo đội ngũ chuyên viên giỏi… và nước nào thắng trong kinh tế thì sẽ thắng trong các đấu trường khác.
         
        Chiều hướng suy tư của giới lãnh đạo quản trị là luôn luôn thay đổi để tạo ra sản phẩm kỹ nghệ mới, tốt hơn và dẫn đưa tới thịnh vượng. Hàng tháng các công ty lớn đều phải thay đổi cách quảng cáo; và quảng cáo sau là phải hay hơn, hấp dẫn hơn, có tính cách quốc tế, toàn cầu hơn. Và qua nhiều kết hợp hệ thống, thời đại kỹ nghệ tạo ra đa sản xuất, đa tiêu thụ, đa giáo dục, đa truyền thông… Những nối kết này lại tạo ra những cơ quan gọi là trường đại học, công ty, đảng chính trị… Những nước chưa từng có kinh nghiệm sống trong cơ chế tự do dân chủ thì cho rằng xã hội đó hỗn độn, mặc dù xã hội đó vẫn phát triển theo chiều hướng văn minh, bởi xã hội có nhiều hệ thống phức tạp của thời đại kỹ nghệ. Đã quá muộn cho những dân tộc tới nay mới bước vào bình minh kỹ nghệ như trường hợp của Việt Nam, đang khi giới lãnh đạo lại cố tình cản trở sức vươn lên của dân tộc vì quyền lợi tư riêng của cá nhân và đảng phái.
         
         
        ĐỐI KHÁNG GIỮA KỸ NGHỆ
        VÀ NÔNG NGHIỆP
         
        Những thay đổi quan trọng trong xã hội xảy ra nhiều đụng độ, và các quốc gia kỹ nghệ hóa đã chua xót chứng kiến những va chạm đẫm máu giữa hai thành phần kỹ nghệ thương mại với khối lãnh chúa chủ đất của Châu Âu và Trung Quốc… Nhiều nông dân bị đi làm công nhân trong những xí nghiệp kỹ nghệ mà giới bảo thủ kết án là “cơ sở ma quỷ.” Những chống đối, đấu tranh biên giới, phong trào quốc gia… nổi lên giữa văn minh nông nghiệp và kỹ nghệ, tạo ra việc bế quan tỏa cảng của các nước nông nghiệp như Việt Nam với các nước kỹ nghệ ở thế kỷ 18, và hiện tượng này vẫn còn lặp lại ở bất cứ nước nào có kỹ nghệ hóa. Vì quốc gia kỹ nghệ tự làm mòn biên cương lãnh thổ, cũng như xâm nhập lãnh thổ… và các cuộc xâm nhập khoa học kỹ thuật, văn hóa, tôn giáo cũng làm lu mờ biên cương chính trị của nhiều quốc gia.
         
        Kỹ nghệ bành trướng thị trường quốc gia, kéo theo chủ nghĩa quốc gia, và chiến tranh thống nhất quốc gia như đã xảy ra ở Đức, Ý và nhiều nơi trên thế giới. Sức mạnh kỹ nghệ của Châu Âu cần thị trường và nguyên liệu rẻ ở những nơi xa xôi, do đó sức mạnh kỹ nghệ tạo ra chiến tranh và xâm chiếm các nước ở trong thời đại bộ lạc, hay làng nước nông nghiệp của châu Á, châu Phi. Những nhân tài của thời kỳ kỹ nghệ đã chiến thắng trong việc tranh đoạt quyền hành ở trong nước cũng như đã chiến thắng trong những cuộc tranh đấu ở các nơi khác trên thế giới.
         
        Quốc gia kỹ nghệ có nền kinh tế và xã hội phức tạp hơn nên cần liên lạc với các nước bên ngoài nhiều hơn qua các hiệp ước quốc tế. Do đó khối lượng hiệp ước quốc tế gia tăng trong thời gian qua. Quốc gia kỹ nghệ tiến đến nền kỹ thuật cao là nhờ sự liên lạc tối tân. Một lần nữa, kỹ thuật cao làm mềm làm mỏng biên giới quốc gia. Trong nước phải chịu những cải cách kinh tế, bằng cách đập phá một số xí nghiệp cũ để tân tạo xã hội mới. Nhưng các cơ sở và máy móc cũ này lại trở thành “mới” với các nước chậm tiến.
         
        TRỞ NGẠI CỦA CÁC TỔ CHỨC
        THỜI KỸ NGHỆ
         
        Ngày nay các công ty kỹ nghệ cũ lớn như con khủng long chậm chạp, nó phải biến hóa, thông minh hơn để sống còn. Những xí nghiệp không thông minh sẽ bị đào thải. Họ phải đặt lại vấn đề cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ nền tảng, cũng như thị trường của công ty.
         
        Liên Hiêp Quốc cũng vậy, cơ quan này được thành lập sau Đệ II Thế Chiến, tức thời đại kỹ nghệ. Nếu LHQ không tái cấu trúc để phù hợp với thời đại tín liệu, đương nhiên LHQ sẽ lỗi thời, và không thích ứng với vai trò của thời đại mới. LHQ hiện nay vẫn là hội của các quốc gia, nhưng hiện tình thế giới càng ngày càng bị ảnh hưởng bởi các tổ chức không quốc gia.
         
        LHQ được thành lập vào cuối thời đại kỹ nghệ của Tây phương, và hiện nay hơn 1/3 thành viên LHQ bị đe dọa bởi những phong trào chống đối, bất đồng quan điểm chính trị, hay chính phủ lưu vong, trong đó có những nước mà LHQ không/ chưa công nhận thực thể này vì cấu trúc của LHQ chưa biến cải kịp thời để thích nghi với tình hình của thế giới. LHQ nếu không biến cải thì sẽ tự đào mồ chôn mình. Viễn ảnh tương lai LHQ sẽ là cơ quan liên hiệp, các cựu quốc gia, các quốc gia gỉa, tức bang hay nước không lãnh thổ hiện nay. Sự thay đổi các đơn vị quốc tế, toàn cầu kéo theo sự thay đổi các đơn vị quốc gia, toàn cầu kéo theo đơn vị quốc gia tiến đến liên bang, liên thị.
         
        Tóm lại sự khôn ngoan của một người hay một dân tộc đòi hỏi học hỏi, canh tân cải tiến liên tục từ giáo dục tới cấu trúc xã hội, chính trị của một quốc gia. 
         
        HỆ THỐNG XÃ HỘI THỜI ĐẠI
         
        Ở thời đại tiền săn hái các gia đình sống rải rác, và liên kết các nhà thành bộ tộc nhưng chưa có hệ thống rõ rệt; tới thời đại nông nghiệp kết hợp các nhà thành làng, và hệ thống tạo thành nước. Triều đình có hành chánh cai trị, hệ thống quân đội trực thuộc triều đình bảo vệ lãnh thổ, và hệ thống tôn giáo do triều đình chi phối, hoặc cộng tác chặt chẽ với triều đình, nối tiếp sứ mạng của trưởng bộ lạc, phó tướng và thày cúng của bao ngàn năm trước.
         
        Sang thời đại kỹ nghệ, quốc gia lại có nhiều hệ thống tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, kinh doanh, thương mại, tài chánh, nghề nghiệp… đạt đến tầm vóc quốc gia; tới thời đại hậu kỹ nghệ con người tạo thêm nhiều hệ thống cấp quốc tế, và qua các hiệp ước quân sự hay kinh tế, nhiều hệ thống mới phát sinh để chuyển xã hội sang thời đại tín liệu. Và thời đại tín liệu những hệ thống toàn cầu mọc lên như nấm, nhiều hiệp hội thể thao, khoa học, tín ngưỡng, tôn giáo mới cũng đạt mức toàn cầu. Một số khám phá mới cũng tạo ra những tổ chức mới như bảo vệ môi sinh là vấn đề của toàn cầu, và giới truyền thông đã tạo thành ngôi làng thế giới.
         
        Trải qua các thời đại cơ cấu và hệ thống tổ chức điều hành cai trị xã hội, quốc gia, vùng hay toàn thể thế giới đã càng ngày nhiều phức tạp và biến đổi không ngừng.
        VẬN TỐC THỜI ĐẠI KỸ NGHỆ
         
        Vận tốc thời đại kỹ nghệ đã tăng nhiều lần từ khởi đầu tới cuối thời đại, từ vận tốc cỡi ngựa, thuyền buồm, đến xe lửa, tàu thủy, phản lực cơ với vận tốc cả ngàn cây số giờ. Vận tốc tiến của một dân tộc của thời đại sau sẽ nhanh hơn thời đại trước tùy theo các hệ thống thông tin liên lạc. Sự liên lạc càng nhanh thì giao thương quốc tế càng dễ dàng và đạt tầm vóc toàn cầu.
         
        Từ khi chiếc xe ra đời đã làm đời đã làm thay đổi bộ mặt xã hội. Nhờ dụng cụ kim khí con người cắt thân cây thành vòng tròn, đẽo đục và tra trục vào giữa tâm vòng tròn hoặc nhiều vòng tròn quay trên một trục gỗ. Theo thời gian trục gỗ được bọc đồng, và chiếc xe do người hay vật kéo giúp cho con người phương tiện di chuyển, chuyên chở nhanh và làm tăng vận tốc thời đại.
         
        Từ chiếc xe trâu xe bò của mấy ngàn năm trước sang xe lửa, xe vận tải, xe gia đình, xe đạp, xe đua, xe tăng, xe cày, xe biết bay… cũng như xuồng độc mộc đến xuồng biết bay trên biển.
         
        Từ thế hệ xe đầu tiên của con người làm toàn bằng gỗ; thế hệ hai thì bánh xe bằng kim loại; thế hệ ba có gắn máy, tiêu thụ nhiên liệu, cần người lái trực tiếp; thế hệ tư thì hỗn hợp máy chạy nhiên liệu và năng lượng mặt trời; thế hệ năm lại không cần nhiên liệu, mà chạy bằng năng lượng mặt trời và không cần người lái vì được hướng dẫn bằng điện tử…
         
        Mỗi thời đại có con đường riêng. Thời săn hái con đường chỉ là những vết mòn do con người hay thú vật tạo thành. Đến khi có xe do súc vật kéo thì đường được mở rộng thêm cho xe di chuyển. Tiếp đến là đường lót gạch, trải sỏi đá, rồi đường tráng nhựa, xi măng cốt sắt, đường sắt, đường thủy, đường bay, đường đạn… và các đô thị kỹ thuật cao có đường xe tự động, không cần người lái, và hành khách có thể ra lệnh bằng máy cho xe chở tới nhà của nơi chỉ định.
         
        Thế hệ đường đầu tiên là đường mòn nối liền giữa các nhà để hình thành thôn xóm, đợt đường thứ hai là nối liền làng xã thành con đường cái quan. Tiếp đến thế hệ đường nhựa, đường xi măng cốt sắt, và tới giai đoạn kỹ nghệ đã phát sinh đường dịch vụ, đường gia cư, đường thành phố, đường tự do, đường vòng đai, đường một chiều, hai chiều… Từ con đường đất xuyên qua lũy tre làng kết duyên trai gái tới con đường tình ái chuyên chở những bức thư tình… thì nay trở thành hệ thống đường mạng lưới điện tóan.
         
        Con đường truyền tin Marathon dài 40 cây số do chiến binh liên lạc chạy về bộ chỉ huy báo tin mừng, sau tiếng “chiến thắng” và bị chết vì kiệt sức, so việc loan tin trên hệ thống truyền thanh truyền hình xung quanh thế giới ngày nay là một cải tiến vĩ đại không ngừng.
         
        Con đường cứu nước Trưng Nữ Vương đánh đuổi quân xâm lăng Mã Viện, hay con đường thỉnh kinh Tam Tạng, hoặc con đường bách đạo/ truyền đạo của thánh Paul, so với những đường điện tử, đường ánh sáng, đường vô hình chuyển quân, chuyển kinh thư hay khối lượng tiền tệ khổng lồ là một bước tiến vượt mức tưởng tưởng của nhiều người.  
         
        Con đường cản binh Truông Nhà Hồ, chận đường tiến quân đối phương của Hồ Qúy Ly, so với đường bay vệ tinh quân sự kiểm sóat ngày đêm bay quanh trái đất là một sự thay đổi bất ngờ và khủng khiếp của thời đại.
         
        Người ta có thể theo dõi trên hệ thống truyền thanh truyền hình để biết tin tức chiến tranh, tuy không được đầy đủ vì có những nơi mà thông tín viên không được vào, nhưng người ta cũng biết nhanh chóng hơn là tin tức của nhà cầm quyền nơi ấy đưa ra.
         
        Vận tốc của thời đại càng nhanh bao nhiêu, thì nguy cơ chiến tranh bùng nổ và sự tàn phá của chiến trận trong thời đại sau bộc phát nhanh theo vận tốc cực kỳ nguy hiểm hơn với thời đại trước, và có thể ảnh hưởng giây chuyền toàn thể thế giới, nếu phe tuyên chiến hay lâm chiến có những đồng minh ủng hộ khắp thế giới.
         
         
        TÔN GÍAO
         
        Tôn giáo của thời nông nghiệp đã chỉ thích hợp cho dân nông nghiệp, vì họ còn tìm thấy trong tổ chức tôn giáo với những lợi ích. Nhưng các xã hội kỹ nghệ thì dân chúng không còn tuân theo các luật lệ của giáo hội thời trước. Nhóm người săn hái sống chung, họ tin thế giới siêu nhiên, sức mạnh thiên nhiên của trời đất, các thiên thần và nhân thần, rồi cũng có số bộ lạc không biết rõ ràng về kiếp sau người chết rồi sẽ đi đâu.
         
        Các bộ lạc thường có thày cúng, là vị có khả năng tiếp xúc với thế giới siêu hình, tụng niệm để xin thần ban ơn, sức khỏe cho dân làng, mùa màng tươi tốt. Thày cúng còn trị bịnh cho dân làng bằng thảo mộc, tiên đoán thời tiết, giải mộng, lãy giác, cạo gió… và ngôi vị của ông rất cao sang quyền quý nếu ông chữa lành được vài con bệnh của dân làng. Ông được kiêm nhiệm luôn các nghề nghiệp chức tước như thày thuốc, tu sĩ tôn giáo, giáo sư của các thời đại sau… và bộ tộc đã cung cấp đầy đủ cao lương mỹ vị để nuôi tu sĩ chuyên nghiệp và làm việc toàn thời. Các nhóm bộ lạc Bắc Mỹ đều có Shaman ý nghĩa thày cúng, tu sĩ, phù thủy như trong các bộ lạc tồn tại hiện nay.
         
        Ở Việt Nam thời tiền và trung nông nghiệp có Đạo Ông Bà, cũng được gọi là đạo Tổ Tiên, thờ ông bà cha mẹ tổ tiên. Khi các nền văn hóa khác xâm nhập qua hình thức tôn giáo, số dân Việt theo đạo mới, vì tôn giáo mới đã cập nhật hóa nghi thức tế tự và văn hoá với các lời cầu, trong lúc Đạo Ông Bà vẫn chỉ mang tính chất văn hóa.
         
        Châu Âu có hệ thống tôn giáo cộng đồng với những nghi thức lễ bái, đòi hỏi người cử hành nghi lễ phải có trình độ kiến thức nghiệp vụ rõ ràng. Sự phát triển xã hội thường kéo theo sự phát triển về giai cấp tôn giáo, với những tu sĩ chuyên nghiệp toàn thời. Những nghi thức rườm rà của tôn giáo cũng khó loại bỏ sự hiện diện của cá nhân tu sĩ, đặc biệt trong việc điều trị bệnh nhân theo quan niệm cổ truyền, nên nhiều người còn chấp nhận.
         
        Nhìn chung giáo giới ở thời nông nghiệp có địa vị rất lớn đối với các môn sinh. Trong thời đại nông nghiệp có ba tôn giáo lớn của nhân loại là Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Các tôn giáo này lại có tỷ lệ nghịch trong thời xã hội kỹ nghệ, vì các trường đại học khắp nơi được mở ra và nghề dạy học cũng trở thành kỹ nghệ. Địa vị tu sĩ hay giáo sư của thời nông nghiệp đã bị giảm dần và rời khỏi giai cấp thượng lưu của Tây phương trong thời đại kỹ nghệ.
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9