Thượng Thư Phạm Quỳnh
Như Ý P 20.06.2008 12:04:22 (permalink)
Phạm Quỳnh: Người Nặng Lòng Với Tiếng Ta
Tuesday, April 11, 2006
 








Thượng Thư Bộ Lại Phạm Quỳnh trong y phục đại trào



Bà Phạm Quỳnh trong y phục đại trào





Phạm Tôn


*Tiếng Ta "Cái Vốn Qúy Báu Nhất"
*"Truỵện Kiều Còn, Tiếng Ta Còn, Nước Ta Còn..."


Phạm Quỳnh quê gốc làng Lương Ngọc, trước là Lương Đường mà tên về đời Lê là Hoa Đường thuộc phủ Bình Giang tỉnh Hải Dương. Nhưng lại sinh tại Hà Nội, số nhà 1 phố Hàng Trống, bên hồ Hoàn Kiếm, ngày 30/1/1893, cuối năm Nhâm Thìn (1) . Gia đình ông sớm lên Hà Nội lập nghiệp; vì cả làng hầu như chỉ có một nghề là “nghề dạy học”

Từ khi lọt lòng, Phạm Quỳnh đã èo uột. Chín tháng, mẹ đột ngột qua đời. Bà nội là cụ Cả phải bế đi xin bú chực hàng xóm, láng giềng và mớm cơm cho ăn. Còn phải chăm sóc cháu ốm đau luôn; vất vả nhất là hồi bị đậu mùa. Sau này, di chứng sót lại là khuôn mặt tuy trắng trẻo, có vẻ thư sinh, lại hơi rỗ hoa, và một bên mắt nhìn rất kém. Mãn tang vợ, ít lâu sau, cha tục huyền, sinh được một trai, đặt tên là Phạm Bái. Còn èo uột hơn cả anh.


Thân phụ là Phạm Hữu Điển, xuất thân tú tài nho học, dạy nhiều học trò. Nhưng, chính con trai, thì trước sau chỉ học được có hai chữ nho viết tên mà thôi! Năm Phạm Quỳnh lên chín, lại mất cha. Chẳng bao lâu sau, cậu bé Bái cũng mất. Bà mẹ kế còn ít tuổi, được phép nhà chồng, đi bước nữa.
Phạm Quỳnh được bà nội nuôi cho ăn học. Hai bà cháu sống cùng bà cụ Tú, vợ người tuyệt tự đã cho ông nội hưởng thừa tự một căn nhà hình ống nhỏ hẹp. Nhà này do học trò dựng để thờ thầy là cụ Dưỡng Am Phạm Hội, thân sinh chồng bà cụ Tú.



Hai bà cụ tính, dù sao cũng phải cho đứa cháu côi cút, yếu ớt “đi học cho có cái chữ, để sau này còn có cái ra mà sống với đời chứ.” Bèn cho đi học ở trường Pháp Việt gần nhà.
Học chữ quốc ngữ và chữ Pháp thì Phạm Quỳnh rất ham, học nhanh lắm. Chẳng bao lâu, được vào học không mất tiền ở Trường Thông Ngôn Hà Nội (Collège des Interprètes) bên sông Hồng. Sau đó, trường này hợp nhất với trường Thành Chung Nam Định (Jules Ferry) thành trường Thành Chung Bảo Hộ (Collège du Protectorat) mà dân ta thường gọi là trường Bưởi, tức trường Chu Văn An sau này. Vẫn không mất tiền học, lại còn được học bổng (2). Năm 1908, Phạm Quỳnh tốt nghiệp thủ khoa khoá đầu trường Thành Chung Bảo Hộ. Tuy mới 15, 16 tuổi đầu, ông đã chính thức trở thành công chức, làm thông ngôn tại trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise dExtrême-Orient) ở Hà Nội. Hằng ngày, đi bộ từ phố Hàng Trống, qua hồ Hoàn Kiếm đến đấy làm việc và học tập miệt mài. Ham học đến nỗi có lần bị khiển trách vì “lơ là công việc được giao”.

Người vợ đảm đang

Thấy cụ Tú đã già và cụ Cả còn khoẻ, nhưng tuổi cũng đã cao mà hai cụ vẫn phải sớm hôm chăm lo, bận rộn vì mình, ông áy náy quá.

Năm sau, nhờ người mai mối, ông cưới cô Lê Thị Vân, con cả một gia đình ký lục, gốc nông dân. Cô cũng sinh năm Nhâm Thìn như ông, nhưng là đầu năm, có hai em gái và một em trai út. Cô này khoẻ mạnh, tươi tắn, trắng nõn nà. Tóc để đuôi gà, răng đen nhưng nhức hạt huyền, đúng như lòng ông hằng mơ ước. Chính năm 1909 này, Trường Viễn Đông Bác Cổ cử ông sang Pháp làm chức trợ giáo cho giáo sư Deloustal, giảng dạy tại khoa tiếng An Nam Trường Đông Phương Bác Ngữ (École des Langues Orientales). Nhưng, bấy giờ, mới lấy vợ, ông không chịu đi. Trường phải thay bằng ông Phan Văn Trường.

Đôi vợ chồng son vẫn sống trong căn nhà nhỏ hình ống với hai bà cụ, nhưng ở buồng ngoài, có cửa tò vò, sát đường phố. Tiếp đó là cái sân nhỏ, có giếng nước. Rồi đến buồng hai bà cụ và bàn thờ hai cụ ông. Đây cũng là nơi kê bàn học và làm việc của Phạm Quỳnh thời trẻ. Và cho đến những ngày cuối đời, bao giờ ông cũng giữ nếp đó: học hành, viết lách, làm việc trước bàn thờ tổ tiên, như để tổ tiên hằng ngày chứng giám mọi điều mình nghĩ, mọi việc mình làm. Sau một cái sân con nữa là nhà thờ cụ Dưỡng Am Phạm Hội. Trong cùng là một khoảnh vườn khá to. Giữa vườn có cây táo và một cây bồ hòn, lấy quả để giặt giũ.

Cuộc sống gia đình đỡ gieo neo, hai cụ đỡ vất vả, Phạm Quỳnh yên lòng, cảm thấy hạnh phúc đơn sơ mà thật quý báu vô cùng.

Cô Vân, vốn con nhà nông, hay làm, khéo quán xuyến việc nhà, lại tài nấu nướng, để chồng yên tâm đèn sách. Cô còn giỏi ca dao, sành tục ngữ, tài ví von, thuộc nằm lòng nhiều truyện nôm, nhất là Truyện Kiều, nhưng không biết chữ nho, cũng chẳng biết chữ quốc ngữ. Chỉ rất rành tiếng ta, nhất là khẩu ngữ dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ, các sự tích vùng quanh làng Lương Ngọc quê chồng, hay làng Thọ Vực tổng Xuân Cầu huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh, “quê hương quan họ” của cô.
Vốn ham học, giàu lòng yêu nước thương nòi, yêu tiếng ta, quí trọng lịch sử dân tộc, Phạm Quỳnh tìm thấy trong chữ quốc ngữ mới phôi thai như một vũ khí chiến đấu phục vụ Tổ Quốc hợp với sức mình. Ông lại được tắm mình trong cội nguồn ngôn ngữ dân tộc hằng ngày qua lời ăn, tiếng nói của hai cụ bà và cô vợ trẻ yêu. Từ câu hỏi thăm sức khoẻ buổi sáng, những lời trò chuyện, bàn bạc trong hai bữa cơm đến những khi gia đình sum họp dưới ánh đèn chuỵên vãn và cả lúc đêm khuya thanh vắng, nghe lời thỏ thẻ của cô vợ trẻ, đang lúc dào dạt yêu thương. Những lời ăn tiếng nói dân gian ấy cứ tự nhiên thấm vào lòng, quyện với những tri thức Đông Tây, kim cổ mà chàng thanh niên ham học hấp thụ hằng ngày trong công việc khảo cứu tại trường Viễn Đông Bác Cổ, khiến chàng càng tin vào sức sống mãnh liệt của tiếng ta. Nhất là từ nay, đã có phương tiện thuận lợi để thể hiện trên mặt giấy. Đó là chữ quốc ngữ. Ông hăm hở lục lọi các kho tư liệu cũ nát phủ đầy bụi thời gian, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, hai thứ chữ do công việc bắt buộc ông phải khổ công tự học, đến nay, đã làm chủ được rồi. Một hôm, ông sững sờ khi đọc lần đầu tiên hai bài văn tế tướng sĩ viết bằng chữ Hán của một nhà nho yêu nước chống Pháp, trong tập Lệ ngữ văn tập. Bài văn lay động mạnh tâm hồn ông. Ông bắt tay ngay vào dịch với mong muốn để nhiều người, cả Việt lẫn Pháp, có thể tiếp xúc được với ngọn lửa yêu nước thương dân ngùn ngụt cháy trong lòng nhà nho nọ. Một việc làm quá sức ông. Nhưng, với lòng kính yêu tha thiết các chiến sĩ chân đất đã dũng cảm đứng lên cứu nước trong cuộc chiến không cân sức, một mình Phạm Quỳnh đã lặng lẽ tra cứu, so sánh, nghiền ngẫm, rồi dịch ra Pháp văn, và khôn khéo đưa vào tạp chí thường kỳ của Trường Viễn Đông Bác Cổ (số đặc biệt) như “một tài liệu nghiên cứu mới được phát hiện để giúp độc giả hiểu thêm về Việt Nam”

Sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng, những giờ phút nghỉ ngơi bên gia đình yêu dấu - cô vợ trẻ, bà nội, cụ Tú - thật là quý báu, bổ ích. Bên chén chè, họ bàn chuyện nhà chuyện họ tộc làng xóm ở hai quê nội ngoại, Phạm Quỳnh ghi nhớ và còn ghi chép nữa, biết bao là tục ngữ, ca dao, lời ăn tiếng nói độc đáo từ “ba nguồn suối ngôn ngữ dân gian” ấy. Có những lúc cả ba người phụ nữ như chỉ toàn nói bằng tục ngữ ca dao mà vẫn diễn đạt được trọn vẹn ý mình muốn nói. Mà còn ý nhị, dí dỏm, duyên dáng, sâu sắc hơn lời nói thường. Càng sinh động hơn hẳn những gì hằng ngày ông vẫn đọc trong sách, báo. Ông chỉ nghe; khi chưa nghe rõ thì hỏi, chứ tịnh không dám nói gì. Vì biết mình không thể nói gì hay hơn, đúng hơn các bà. Và ghi chép. Rồi suy nghĩ, nghiền ngẫm. Còn đọc thêm những gì người trước đã viết về ca dao, tục ngữ, nhất là các tập sưu tầm tục ngữ, ca dao các miền đất nước. Để so sánh, đối chiếu, cố gắng hiểu cho ra ý nghĩa đích thực của từng bài, từng câu, thậm chí từng từ. Rồi những ngày Tết nhất, những dịp giỗ chạp, các cụ các bà, trong đó có bà Cả Mọc (Hoàng Thị Uyên - một nhân vật nổi tiếng của Hà Nội xưa) gọi bà cụ Tú bằng mợ, và các cụ học trò cụ Dưỡng Am, như ông ký lục Đỗ Thận, ông lang Hàng Đường, v.v đến dự, trò chuyện rôm rả, ông lại càng kinh ngạc trước sức mạnh diệu kỳ của tiếng ta, càng học thêm được bao cách nói tài tình, táo bạo, thâm thuý đến bất ngờ của ngôn ngữ dân gian. Lòng say mê ấy càng tăng lên gấp bội trong những dịp ông cùng vợ về quê, ra đồng xem bà con làm ruộng, trò chuyện cùng hàng xóm láng giềng, nhất là những lúc trò chuyện cùng người thân trong gia đình. Những câu, những chữ tưởng như đã biết, đã hiểu quá rõ rồi, nay nghe lại thấy như có ý nghĩa, sắc thái mới mẻ hẳn khi được nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng, lại trong cảnh thiên nhiên đồng nội đẹp tuyệt vời nơi quê nhà thân thiết. Những buổi sáng, chiều ra đồng làng xem bà con thôn Nhân Thục quê vợ cày cấy, tát nước, lắng nghe và ghi vào lòng mình những lời ca tiếng hát, điệu hò, câu ví, lời đối đáp mộc mạc, dân giã mà thâm thuý, chứa đựng những chân lý xuất phát từ lao động đời sống mà ra, lại được kiểm nghiệm, thử thách, xác nhận giá trị đích thực qua chính cuộc sống lao động của nhân dân. Những lúc nghỉ ngơi giữa đồng lộng gió, dưới mái điếm lợp ngói xưa mát rượi, cùng bà con ăn tạm củ khoai lang với miếng cà muối, hay củ dong riềng, Phạm Quỳnh ân cần lễ độ xách ấm đất nung, khi thì nước vối nóng khi thì nước chè tươi, rót ra bát mời từng bà con giải khát, cung kính như với những người thầy đang dạy mình tiếng Việt. Rồi những tối, sau bữa cơm chiều, cùng gia đình uống nước bên hiên nhà, có bà con mến khách Hà Nội sang chơi góp chuyện. Hoặc cùng vợ sang thăm tận nhà bà con, người làng. Đều là những dịp tốt để ông học hỏi được nhiều từ ngữ, lối ăn nói mới lạ, khác xa trong sách vở đã đọc, đồng thời giúp xác minh được không ít những câu, chữ đã biết, nhưng chưa thể yên tâm về mặt chữ hoặc nghĩa. “Những người thầy” mà ông học được nhiều nhất, vì dám hỏi nhiều nhất, chính là người nhà. Đó là bà Ký, thân mẫu cô Vân, các em cô như cô Hợp, còn gọi là Nhỡ, cậu Tốn, còn gọi là Xuân. Cô Mai dưới cô Hợp, trên cậu Tốn thì ông ít được gặp, vì cô đã bỏ nhà đi nương nhờ cửa Phật từ nhỏ. Nhưng cô Mai lại là một nguồn từ ngữ quý giá khác về ngôn ngữ Phật giáo dân gian thuần Việt. Cứ như thế, năm tháng qua đi, tình yêu người dân thường giản dị qua những người ruột thịt quyện chặt với tình yêu tiếng nói sáng trong, đậm đà sức sống Việt Nam đã thấm đẫm trái tim nhạy cảm của Phạm Quỳnh. Ông chỉ mong có ngày được đem vốn liếng quý báu nhất ấy mà mình may mắn được hưởng cống hiến cho nhân dân, góp phần mở mang sự học, nâng cao dân trí, hầu chung sức cùng toàn dân đưa đất nước tiến lên bằng người. Đó là điều cứ canh cánh bên lòng ông, chẳng giây phút nào nguôi. Càng hiểu biết, càng rộng tầm nhìn, càng thêm khao khát góp phần thực hiện. “Từ khi khôn lớn, biết nghĩ đến giờ, chỉ nuôi một cái chí ở trong lòng, là đối với nhà, làm thế nào nối được nghiệp của ông cha, đối với nước, làm thế nào giúp cho quốc hồn được tỉnh tao, để mong cho quốc văn được sáng sủa; cũng biết rằng tài có khi không kịp chí, nhưng khu khu (3) một tấm lòng thành chỉ sở nguyện có thế mà thôi, không dám đem cái chí nguyện mà hy sinh cho sự giàu sang” (4)

“Cái vốn quí báu nhất”

18, 19 tuổi đã sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Phạm Giao. Hai năm sau, một gái ra đời. Hai năm kế, lại một gái nữa. Gia đình đông đúc dần, nhưng tất cả vẫn đoàn tụ dưới mái căn nhà nhỏ hình ống được thừa tự ở đầu phố Hàng Trống. Sau này, bà cụ Tú mất được mấy năm thì ông đồng sáng lập và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Nam Phong, với hy vọng ngây thơ là sẽ lợi dụng được Tây để thực hiện “cái chí bình sinh của mình”. Bấy giờ, ông mới bán nhà cũ đi, mang bàn thờ tổ tiên đến nhà mới thoáng rộng kiểu Tây ở số 5 phố Hàng Da. Bàn học và làm việc, theo nếp cũ, vẫn kê dọc trước bàn thờ như xưa. Phòng tiếp khách ở dưới. Hai tầng nhà này nối với hai tầng nhà kế bên bằng một cây cầu gỗ, lát gạch đỏ, hai bên chấn song chạy con tiện sơn xanh lá cây. Bà nội, vợ cùng các con ở cả bên ấy. Lũ trẻ thường chạy ùa qua cầu sang bên ông, vừa chạy vừa gọi rối rít “Thầy ơi! Thầy ơi!”. Ông rất thương yêu các con, nhưng vẫn cần có cuộc sống riêng của mình. Tất cả vì “cái chí ở trong lòng”. Hằng ngày, ông vẫn đi bộ đến làm việc ở Hội Khai Trí Tiến Đức, ngay bên Hồ Gươm, cuối phố Hàng Trống. Còn nhà là toà soạn tạp chí Nam Phong rồi.

Nhờ những bài văn quốc ngữ nhiệt thành, chín chắn, sâu sắc đăng trên Đông Dương Tạp Chí từ năm 1913, ông đã trở thành “nhà báo có hạng, văn sĩ tài danh” rồi, mặc dù mới ở tuổi hai mươi. Trong hơn bốn năm, ông dùng báo Nam Phong cổ động, vun đắp, bồi dưỡng cho chữ quốc ngữ và khuyến khích việc học chữ quốc ngữ, làm văn, làm thơ bằng chữ quốc ngữ, dùng chữ quốc ngữ không những chỉ để dịch thơ văn chữ Hán, mà còn dịch cả văn, thơ, triết học, khoa học từ tiếng Pháp, sưu tầm, phiên âm thơ văn chữ nôm, dịch thơ văn chữ Hán của ông cha, tiên tổ. Đã đến lúc Phạm Quỳnh quyết định phải nâng cao lòng tin yêu của người đương thời đối với tiếng ta, bằng cách xuất ra “ cái vốn quí báu nhất” mình có, đồng thời cũng tỏ rõ ”cái chí bình sinh của mình”.

Ngày thứ năm, 21-4-1921, ông đăng đàn diễn thuyết về đề tài ruột, thân thiết nhất mình ôm ấp hàng mấy chục năm ròng. Ông nói với giới trí thức đương thời-mà phần lớn, nếu không sùng chữ Hán, thì lại sùng tiếng Pháp- về tiếng ta. Mà lại là về phần nôm na, dân giã nhất trong tiếng ta: Ông nói về tục ngữ, ca dao. Trước cử toạ là các văn nhân, học giả, giới thượng lưu trí thức; có cả những người Pháp uyên thâm Hán học, hiểu rành rẽ tiếng Việt, ông chân tình nói:
- Tôi bình sinh chỉ có một chút nhiệt thành là nhiệt thành với chữ quốc ngữ, hết sức trông mong về cái vận mệnh quốc văn ta sau này; thường nghe thiên hạ phẩm bình về văn quốc ngữ, người khen thời hởi dạ, người chê thời đau lòng, dường như có quan hệ đến công phu bấy lâu nay, sự nghiệp cả một đời (5)

Ông nêu câu hỏi là hàng ngàn, hàng vạn năm qua, người nông dân bình thường, không biết chữ “đã lấy gì mà tả nỗi lòng?” Và khẳng định ngay: “là cái tiếng quốc âm rất quý báu của ta.” Rồi nói tiếp “Há chẳng phải là những lời tục ngữ, câu ca dao ta thường nghe thấy trong dân gian, mà dẫu người học thức lắm khi cũng phải chịu là hay, cũng không từ dùng đến? Há chẳng phải là cái văn chương truyền khẩu kia, mẹ dạy cho con từ khi bú mớm, chồng nói với vợ những lúc đêm khuya, trai gái ngâm vịnh với nhau những ngày hội hè vui vẻ hay là dưới bóng nguyệt tờ mờ! Mà cái văn chương truyền khẩu ấy, tuy không có sách nào biên chép, mà tôi dám quyết là một thứ văn chương rất phong phú, tưởng không có nước nào có một cái văn chương truyền khẩu giàu như nước ta. Mà cái văn chương truyền khẩu ấy, thật có ý vị vô cùng, có thể nói bao nhiêu luân lý, học thức, mỹ thuật, văn từ phổ thông trong dân gian là bao gồm chung đúc cả ở đây. Tiếng Việt Nam ta, không có gì là không nói bằng phương ngôn tục ngữ được!” (6)

Sau đó ông dẫn ra vô số tục ngữ ca dao, diễn giải ý tứ một số câu này, bình luận một số câu nọ, khiến người nghe thảng thốt, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bất giác đồng loạt vỗ tay hồi lâu tán thưởng những khi đắc ý, rồi lại say mê hào hứng như vừa khám phá ra một kho báu lâu nay chính mình đã có mà không biết, để rồi hoàn toàn bị diễn giả trẻ tuổi (bấy giờ, ông mới 28, 29 tuổi) thuyết phục. Kết thúc bài diễn thuyết, ông nói vắn tắt mà xúc động, vì đấy là những lời tâm huyết nhất:
-Dù ta học tiếng Tây hay học chữ Tàu, ta cũng chớ nên quên bỏ tiếng Tổ Quốc, là cái tiếng từ khi lọt lòng ra đã học nói, và đến khi hấp hối chết cũng còn nói. Ta nên nhớ lấy câu ca dao của nước nhà

Ta về ta tắm ao ta
Dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn (7)



Hơn mười năm sau, năm 1932, Tục ngữ ca dao được xuất bản thành sách trong Nam Phong Tùng Thư. Cuối bài diễn thuyết năm nào, có thêm mấy hàng chú thích: “Tục ngữ ca dao là do khẩu truyền, cho nên lắm khi vô bằng. Có khi một câu mà mỗi nơi đọc ra một khác, mỗi người hiểu ra một nghĩa. Những câu tôi chép trong bài này, hoặc sở đắc ở miệng người hoặc nhặt ở các sách người khác biên tập, chắc cũng nhiều câu không được đúng, không thể nào biết hết được. Vậy có chỗ sai lầm, xin hải nội chư quân tử chỉ giáo cho, tác giả có lời cảm ơn trước.” (8)

Tập Tục ngữ ca dao năm 1932 ấy còn có thêm phần PHỤ LỤC ít nhiều câu tục ngữ và ca dao. Riêng phần phụ lục ít nhiều câu tục ngữ xếp thành câu đối có vần và một ít ca dao đã có đến 419 cặp, phần Ca dao xếp tiếp vận có 100 cặp. Còn phần Ca dao đặt thành bài, gồm 30 bài từ bốn câu đến 44 câu, lại có chú thích rõ: “Những bài hát này hoàn toàn truyền khẩu cả, nên cứ bằng vào cửa miệng mà sao, không biết thế nào là đúng” (9)

Mặc dù tác giả đã viết: “chắc cũng nhiều câu không được đúng”, hoặc “không biết thế nào là đúng” và đề nghị: “Vậy có chỗ sai lầm xin hải nội chư quân tử chỉ giáo cho”, vậy mà hơn mười năm sau khi sách xuất bản, hơn 20 năm sau buổi diễn thuyết tại hội Khai Trí Tiến Đức, nhà phê bình nổi tiếng Vũ Ngọc Phan, trong Nhà văn hiện đại (tập I) do Tân Dân xuất bản năm 1942 tại Hà Nội, khi viết về Tục ngữ ca dao vẫn phải thốt lên: “Những cái đặc sắc trong quyển Tục ngữ ca dao là mấy điều này: Những câu tục ngữ, phương ngôn, và ca dao mà ông lựa chọn đều là những câu rất đúng, không như những câu trong mấy quyển ca dao khác phần nhiều đầu Ngô mình Sở, câu ở bài nọ chắp vào bài kia! Ông lại định nghĩa rất rõ thế nào là tục ngữ, thế nào là phương ngôn, và thế nào là ca dao”. Rồi lại bình tiếp:”Quyển Tục ngữ ca dao của Phạm Quỳnh tuy chỉ là một bài diễn văn dài, vừa biên tập vừa bình luận, nhưng thật là một quyển sách viết có phương pháp và xét nhận rất đúng. Bảo Phạm Quỳnh là một nhà văn có con mắt xét nhận rất đúng, cũng không có gì là lạ, vì chính ông là một nhà phê bình” (10)

Gió Nam thổi trên đất Pháp

Một năm sau buổi diễn thuyết ấy, Phạm Quỳnh sang Pháp với tư cách là tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức do ông sáng lập, tham dự cuộc Đấu Xảo Thuộc Địa, tổ chức tại Marseille. Chỉ mang theo một cuốn nhật ký nhỏ xíu và một “bản Kiều tùy thân”, người thanh niên Việt Nam nước da trắng xanh, dong dỏng cao, có dáng “lưng tôm”, vẻ thư sinh ấy, đã tranh thủ mọi mối quan hệ bạn bè riêng tư để bốn lần đăng đàn diễn thuyết, mong giúp người dân Pháp hiểu đúng người Việt Nam và văn hoá Việt Nam. Ở đâu, ông cũng nói sâu sắc và hấp dẫn, mà chẳng hề đao to búa lớn, không cậy nhờ ở tài hùng biện, mà chinh phục cử toạ ưu tú nước Pháp bằng những sự thật lịch sử, những lý lẽ hiển nhiên không thể chối cãi. Đặc biệt, ngày 22-7-1922, trong bộ quốc phục áo dài khăn đóng giản dị mà trang trọng, ông “cả gan” trình bày trước Ban Luân Lý Chính Trị Viện Hàn Lâm Pháp về Một vấn đề dân tộc giáo dục. Lời nói thật khúc chiết, hùng hồn, tha thiết, bằng một giọng văn tiếng Pháp mẫu mực, khiến các viện sĩ Pháp phải phá lệ, đồng loạt đứng dậy vỗ tay hồi lâu khi ông vừa dứt lời. Một hiện tượng chưa hề có trong lịch sử viện hàn lâm đầy uy tín này. Báo chí Pháp đương thời đã loan tin lạ này trên trang nhất, đăng lại bài diễn văn và kèm theo là bức ảnh ông mặc áo gấm, bế trong lòng cô con út mới sinh. Bức ảnh ông chụp trước khi đi Pháp, bà vợ biết chồng nhớ con vừa gửi sang. Bé gái Việt Nam xuất hiện trên báo chí Pháp năm 1922 ấy, sau này sẽ là Tiến sĩ Sorbonne Phạm Thị Ngoạn, tác giả luận văn Tìm hiểu Tạp chí Nam Phong (Introduction au Nam Phong)


Chống lại chính sách ngu dân của bọn thực dân Pháp đang thi hành ở nước ta, ông dõng dạc nói trước những đại biểu của tinh hoa trí tuệ và lương tâm Pháp hiện diện tại Viện Hàn Lâm Pháp những lời sau và đã được họ tán thưởng hoàn toàn:
- Dân tộc Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng. Chúng tôi là một quyển sách dày đầy những chữ viết bằng một thứ mực không phai đã từ mấy mươi thế kỷ. Quyển sách ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp với thời trang, nhưng không thể đem một thứ chữ ngoài in lên dòng chữ cũ. Vấn đề là phải giáo dục người Việt Nam thế nào cho vừa truyền được học thuật cao thượng đời nay, vừa không đến nỗi khiến chúng tôi mất giống, không còn quốc tính, để biến thành một dân tộc vô hồn, không còn có tinh thần đặc sắc gì nữa, như mấy thuộc địa cổ của Pháp kia.” (11)


Những lời được Viện Hàn Lâm Pháp tán thưởng đó là do chính người trong bài diễn thuyết tại quê hương năm trước, đã hào hứng, tự tin khẳng định là:
- Ngày nay, ta chỉ cần gây lấy một thứ tiếng học vấn mà thôi, nghĩa là một thứ tiếng để diễn dịch các học thuật tư tưởng mới, dùng làm cái lợi khí để truyền bá văn minh tân thời trong quốc dân; còn cái tiếng thông thường nhật dụng thời ta đã có rồi, đã có đủ dùng rồi. Tiếng Việt ta hay lắm, người ngoại quốc cũng phải khen là một thứ tiếng êm như ru, vui như hát, mỗi vần đánh ra năm dấu, đọc thành sáu giọng khác nhau, như trong cung đàn vậy, tưởng không có mấy thứ tiếng hoà bình êm ái bằng tiếng ta. Vậy thời bọn ta phải nên trân trọng lấy cái quốc âm quý báu ấy, ra công luyện tập trau dồi cho mỗi ngày một hay một đẹp hơn lên. (12)
Ngày thứ hai, 11 tháng 9-1922, ông kết thúc chuyến “Pháp du” bằng mấy dòng nhật ký:
“Tàu ở Tourane ra đi rất mau, 12 giờ rưỡi đến Hải Phòng”
“Vào gần bến, vừa trông thấy mẹ con Giao ở Hà Nội xuống đón. Tàu còn từ từ vào, mỗi phút tưởng lâu bằng mấy giờ. Cầu vừa bắc xong, kẻ trên chạy xuống, người dưới bước lên, nửa mừng nửa cảm, khôn nói nên lời. Bà già mạnh khoẻ, con trẻ bình yên, cửa nhà vô sự, thế là yên lòng.” (13)



Về nước, càng rộng tầm nhìn, ông càng hăng say lao vào “công phu bấy lâu nay, sự nghiệp cả một đời” (14). Còn về việc riêng, ông đau đứt ruột khi mất một bé gái sáu tháng tuổi; lại mừng vì sau đó sinh được một trai khôi ngô, bèn đặt tên là Phạm Khuê, mong con sau này sẽ là một ngôi sao sáng tựa sao khuê. (Quả nhiên, sau này, Phạm Khuê trở thành Giáo sư bác sĩ y khoa, nhà giáo nhân dân, chủ tịch đầu tiên Hội Người cao tuổi Việt Nam, từng là đại biểu quốc hội).

Truyện Kiều còn...

Nặng lòng với tiếng ta, dồn hết tâm trí vào tiếng ta, Phạm Quỳnh đã tìm đến Truyện Kiều. Càng đọc càng say mê, đi đâu cũng mang theo một “bản Kiều tuỳ thân”. Càng say Kiều, lại càng thêm mê tiếng ta, hiểu tiếng ta hơn, quý tiếng ta hơn. Để lại càng thêm yêu Kiều, “đến đem cả chủ nghĩa quốc gia căn cứ vào Truyện Kiều! Cho tiếng là nước, có tiếng mới có nước, có quốc văn mới có quốc gia. Quốc văn ta thời tuyệt phẩm là Truyện Kiều , trước sau chỉ có Truyện Kiều, may có Truyện Kiều, đáng quý báu vô cùng” (Trích từ bài Cô Kiều với tôi của Phạm Quỳnh (15). Và rồi, không thể nào cứ giữ “mối tình” đó trong lòng mình được mãi, ông muốn đem chia sẻ nỗi lòng với toàn dân ta, với cả nhân dân thế giới nữa.

Năm 1924, ông đề nghị Hội Khai Trí tổ chức lễ kỷ niệm Nguyễn Du vào dịp giỗ mồng mười tháng tám ta (8-9-1924). Hội gửi hơn một nghìn giấy mời đến khắp cả hội viên Tây, Nam; còn thông báo cho nhân dân biết. Tối hôm ấy, tám giờ, cửa hội mới mở được vài phút, đã có đến hơn hai nghìn người vào chật khắp trong sân, ngoài vườn, dưới nhà, trên gác, đâu đâu cũng chật ních những người. Hội viên các tỉnh về dự cũng đông. Các bà, các cô trong thành phố Hà Nội đến cũng nhiều. Hội viên là người Pháp và các bà vợ ước chừng ba bốn chục người. Có cả mấy bà giáo mới ở Pháp sang, cứ khẩn khoản xin được dự để tận mắt thấy “người An Nam tôn trọng một bậc danh sĩ trong nước thế nào”.

Trên bệ cao cuối vườn, có đặt cái kỷ, bày một lư đồng lớn. Bên trên là chiếc đèn giấy kiểu “lưỡng long chầu nguyệt”, tựa dáng bức hoành phi, trong có đề mấy chữ nho Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh kỷ niệm nhật (Tức: Ngày kỷ niệm Tiên sinh họ Nguyễn Tiên Điền). Hai bên là hai đèn giấy hình đôi câu đối trúc, đề hai câu bằng chữ Nôm:

Trăm năm để tấm lòng, còn nước, còn non, còn truyền cổ lục,
Tấc thành dâng một lễ, nhớ người, nhớ cảnh, nhớ buổi hôm nay.


Có tờ báo hồi ấy đã nhận xét: “Ở Hà Thành ta từ xưa đến nay, có lẽ chỉ có tiệc trà đón quan toàn quyền Sarraut diễn thuyết ở Văn Miếu năm 1919 là họp được đông người đến thế”. (16)
Trong buổi lễ, Phạm Quỳnh đọc hai bài diễn văn. Một tiếng ta, một tiếng Pháp. Rồi Trần Trọng Kim “diễn thuyết về lịch sử Cụ Tiên Điền và văn chương Truyện Kiều”. Kế đó là phần biểu diễn của kép Thịnh và đào Tuất, thuộc rạp Sán Nhiên Đài, nổi tiếng đương thời là người kể Truyện Kiều hay. Cuối cùng là một cô đào đứng hát Bài ca kỷ niệm do Nguyễn Đôn Phục soạn. (17)

Mở đầu lễ kỷ niệm, Phạm Quỳnh trang trọng nói:
- Ban Văn học Hội Khai Trí chúng tôi muốn nhân ngày giỗ này đặt một cuộc kỷ niệm để nhắc lại cho quốc dân nhớ đến công nghiệp một người đã xây dựng cho quốc âm ta thành văn chương, để lại cho chúng ta một cái “hương hoả” rất quí báu, đời đời làm vẻ vang cho cả giống nòi
Rồi ông hào hứng nói, Truyện Kiều “ ừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc”. Cho nên, “sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ dịp rung đùi, lên giọng cao ngâm:

Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai
.

hay là
Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm xá gì.


bỗng thấy trong lòng vui vẻ, trong dạ vững vàng, muốn nhảy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ” Và ông sôi nổi nhấn mạnh: “Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này. Trong mấy nghìn năm ta chôn rau cắt rốn, gửi thịt gửi xương ở cõi đất này, mà ta vẫn hình như môt giống ăn trọ ở nhờ, đối với đất nước non sông vẫn chưa từng có một cái văn tự văn khế phân minh, chứng nhận cho ta có cái quyền sở hữu chính đáng. Mãi đến thế kỷ mới rồi, mới có một đấng quốc sĩ, vì nòi giống, vì đồng bào, vì tổ tiên, vì hậu thế, rỏ máu làm mực “tá tả” một thiên văn khế tuyệt bút, khiến cho giống An Nam được công nhiên, nghiễm nhiên, rõ ràng, đích đáng làm chủ nhân ông một cõi sơn hà gấm vóc.”



“Đấng quốc sĩ ấy là ai? Là Cụ Tiên Điền ta vậy. Thiên văn khế ấy là gì? Là quyển Truyện Kiều ta vậy. Thiên văn tự tuyệt bút kia là gồm bao nhiêu giọt máu, bao nhiêu giọt lệ kết tinh lại mà thành ra.”
Đi xa hơn, Phạm Quỳnh còn tự hào nói lớn: “Văn chương Tàu thật là mông mênh bát ngát, như bể như rừng. Nhưng trong rừng văn bể sách đó, tưởng cũng ít quyển sánh được với Truyện Kiều; mà xét cho kỹ, có lẽ không có sách nào giống như Truyện Kiều”. Rồi lại nữa: “Truyện Kiều có một cái đặc sắc mà những nền kiệt tác trong văn chương Pháp không có. Đặc sắc ấy là sự “phổ thông”, ”Người Pháp không phải là ai ai cũng biết đọc kịch Racine hay là đọc văn Bossuet. Người Nam thì ai ai cũng biết ngâm Kiều, kể Kiều, “lẩy” Kiều để ứng dụng trong sự ngôn ngữ thường, kẻ thông minh hiểu cách thâm trầm, kẻ tầm thường hiểu cách thô thiển, nhưng ngâm nga lên thảy đều lấy làm vui tai, sướng miệng, khoái trí, tỉnh hồn.”



“Thử hỏi cổ kim, Đông Tây đã có một áng văn chương nào cảm người được sâu và được rộng như thế chưa. Tưởng dễ chỉ có một Truyện Kiều ta là có thể tự cao với thế giới là văn chương chung của cả một dân tộc 18, 20 triệu người, già, trẻ, lớn, bé, giỏi, dốt, sang, hèn, đều thuộc lòng và đều biết hay cả.”


Kết thúc bài diễn văn, ông thành kính nói:
- Cuộc kỷ niệm hôm nay là chủ ý tỏ lòng quốc dân sùng bái, cảnh mộ Cụ Tiên Điền ta.` Nhưng, còn có một cái ý nghĩa nữa, là nhân ngày giỗ này, đốt lò hương, so phím đàn, chiêu hồn quốc sĩ,
Thác là thể phách còn là tinh anh.
“ánh tinh trung thấp thoáng dưới bóng đèn, chập trùng trên ngọn khói, xin chứng nhận cho lời thề của đồng nhân đây. Thề rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia công chau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh tao, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của Tiên sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây”. (18)



Bài diễn văn kết thúc bằng một lời thề tâm huyết đã được cử toạ nhiệt tình tán thưởng.
Hơn hai mươi năm sau, từ quan về sống ẩn dật tại biệt thự Hoa Đường bên dòng sông nhỏ An Cựu, ông khởi thảo tập Hoa Đường tuỳ bút - Kiến văn cảm tưởng trên quyển vở học trò, viết bằng cây bút máy Waterman. Bài cuối còn dang dở là bài Cô Kiều với tôi. Phần cuối dở dang ấy, ông viết: “năm 1924, lần đầu làm lễ kỷ niệm Cụ Tiên Điền, trước hai ngàn người họp ở sân hội Khai Trí, tôi trịnh trọng tuyên bố một câu:

“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có điều chi nữa mà ngờ.
“Câu ấy, người mình có người không hiểu, có người hiểu lầm.”
(19)


Và ông đau buồn mãi vì chuyện ấy.
Vì bản thân Người chính là hiện thân của lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, yêu tha thiết đến say mê tiếng mẹ đẻ, đã cống hiến trọn đời mình cho tiếng ta, với niềm tin vững chắc là :
Tiếng ta còn, Nước ta còn (20)


21/06/1999 — 14/02/2006
Phạm Tôn


1). Theo Tìm hiểu Tạp Chí Nam Phong của Phạm Thị Ngoạn (Bản dịch tiếng Việt của Phạm Trọng Nhân - NXB Ý Việt, Paris, 1993, trang 60): Lời của người dịch: Theo như tác giả cuốn Introduction au Nam Phong, ông Tố Nguyên Nguyễn Thọ Dực, trong một bài giới thiệu luận án đó đăng trong Études Interdisciplinaires sur le Viet Nam (Sai Gon, 1974) cho biết ông được biết rõ ngày sinh của Phạm Quỳnh vì hồi làm việc ở triều đình Huế, ông có dịp lấy số tử vi cho và theo ngày tháng âm lịch Phạm Quỳnh đã cho biết thì Phạm Quỳnh sinh vào ngày 30/1/1893. Theo tác giả Tìm hiểu Tạp Chí Nam Phong mà cũng là con gái Phạm Quỳnh, thì “thuyết” này đúng hơn cả, vì cũng là một năm Nhâm Thìn như cả gia đình đều nhớ rõ. (Cũng do ông Nguyễn Thọ Dực cho biết thì bà Phạm Quỳnh sinh ngày 24/2 cũng năm Nhâm Thìn, tức là ngày 2/2/1892)
(2). Theo tư liệu của Nguyễn Tâm, thư ký thường trực Ban Liên Lạc Cựu học sinh trường Bưởi-Chu Văn An: Trường Bưởi-Chuyện ngày xưa.
(3) Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (Tome I) của Huỳnh Tịnh Paulus Của —SaiGon, 1895 thì từ khu khu có nghĩa là “đau đáu, mảy mảy”
(4) Trích Pháp Du Hành Trình Nhật Ký của Phạm Quỳnh, ngày 8-7-1922. NXB Hội Nhà Văn-Hà Nội, 2004.
(5), (6) Trích Tục ngữ ca dao của Phạm Quỳnh, Nam Phong Tùng Thư-Hà Nội, 1932
(7) Trích Tục ngữ ca dao của Phạm Quỳnh, Nam Phong Tùng Thư-Hà Nội, 1932
(8 ), (9) Trích Tục ngữ ca dao của Phạm Quỳnh, Nam Phong Tùng Thư-Hà Nội, 1932
(10) Trích Nhà Văn Hiện Đại (tập I) của Vũ Ngọc Phan, NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 1989.
(11 ) Tuyển tập và di cảo của Phạm Quỳnh, An Tiêm, Paris, 1992
(12 ) Trích Tục ngữ ca dao của Phạm Quỳnh, Nam Phong Tùng Thư-Hà Nội, 1932
(13 ) Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội 2004.
(14) Trích Tục ngữ ca dao của Phạm Quỳnh, Nam Phong Tùng Thư — Hà Nội, 1932
(15) Trích Tuyển tập và di cảo của Phạm Quỳnh, An Tiêm, Paris, 1992
(16 ) , (17) Trích Tạp chí Nam Phong số 86, 1924
(18) Trích Tạp chí Nam Phong số 86, 1924
(19) Trích Tuyển tập và Di cảo của Phạm Quỳnh, An Tiêm, Paris, 1992
(20) Câu này có khắc trên đá tại khu mộ Phạm Quỳnh, trong khuôn viên chùa Vạn Phước, Huế. Sau 1975 cho đến nay (2006), khu mộ vẫn được giữ nguyên vẹn.



** Trong bài còn sử dụng tư liệu do Hoàng Đạo Thúy cung cấp cho con trai Phạm Quỳnh (ngày 19/04/1991); cụ bà Lê Thị Hợp, tức Nhỡ em vợ Phạm Quỳnh, cung cấp cho cháu trai (từ 1960 đến 1975); cụ Phạm Thị Giá, con gái Phạm Quỳnh, viết cho con trai ngày 12/04 và 25/05/1988, viết cho em gái là Phạm Thị Hoàn ngày 14/09/1992

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=42291&z=85






<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.06.2008 16:16:53 bởi Ct.Ly >
#1
    Như Ý P 20.06.2008 12:20:58 (permalink)




    PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930 
     
    ÔNG THÔNG REO TIẾT LỘ
    VIỆC BÍ MẬT CỦA ÔNG PHẠM QUỲNH

     
    Nói sau thì mang tiếng nói đuôi, chớ cái việc nhà học giả Phạm Quỳnh muốn làm thượng thư bộ Học thì mình cũng biết đã lâu.
     
    Biết từ khi thấy Phạm Quỳnh vô cớ cho Nam phong tạp chí tắt nghỉ mấy tháng, thảo ra hiến pháp cho Trung Bắc kỳ, rồi đến khi quan Khâm sứ Trung kỳ diễn thuyết ở viện Dân biểu trong ấy, thì ý ngài cũng dưa dứa nhà học giả họ Phạm, chỗ đó khiến cho mình phải phục cái tài tiên tri về luồng gió chính trị của ông chủ Nam phong, chẳng khác chi các nhà thiên văn trông thấy những luồng bão biển.
     
    Tuy biết mà chưa muốn nói, vì mình nhát, sợ rằng nói ra thì tiên sinh họ Phạm lại hỏi vặn sao dám tuyên tiết bí mật của ngài, như hôm nọ ông Vĩnh đã dắt ngài ra mà hỏi ai tuyên tiết điều lệ lập đảng là điều lệ bí mật của ông ấy, thì mình chẳng biết đằng nào mà trả lời.
     
    Té ra bàn tay không che kín mặt trời, mình không nói người khác cũng nói.
     
    Ông Thông Reo người viết báo Trung lập, hôm vừa rồi đã bô bô đem việc ấy nói toẹt lên báo rồi, mà nào có nói êm đềm, nói một cách quả quyết rằng, nếu sau này Trung Bắc kỳ thành lập hiến pháp mà nhà học giả không được kêu bằng cụ thượng học thì cứ đem ông ta ra mà chém.
     
    Lấy cớ gì mà ông Thông Reo cam đoan ghê gớm như vậy? Vì ông ta thấy tiên sinh Thượng Chi vẫn tuyên bố không phải nhà chính trị mà lại nhè dịp sắp có việc cải cách, xướng ra việc hiến pháp là việc chính trị to như trời, vả lại hiến pháp không phải là hiến phép trơn, hiến pháp có đèo thêm việc giáo dục, lại nói vào cái đuôi bảo tồn chữ quốc ngữ để phá ngầm việc sửa đổi chữ quốc ngữ của ông Vĩnh.
     
    Ấy đó cái chí muốn làm thượng thư bộ Học của nhà học giả họ Phạm nó lồ lộ ra đó, ông Thông Reo trông thấy một cách rõ ràng, cho nên mới dám cam đoan bằng đầu, chớ cũng không phải có can đảm như ông Vĩnh cam đoan hôm xưa.
     
    Cái cam đoan này chẳng nguy hiểm, nếu có ai treo giải cho người nói trúng, thì mình cũng cam đoan chơi với ông Thông Reo. Bởi vì về việc ông Quỳnh muốn làm thượng thư bộ Học, mình còn biết hơn ông Thông Reo một tin đồn nữa.
    Nhưng cái tin này mình cũng không muốn nói, không nói nhưng cũng không muốn mách cho ông Thông Reo biết.
     
    Đây là cái tin đồn ấy đây.
     
    Cũng một ông họ Phạm, tên là Văn Quảng, dân biểu Trung kỳ mới rồi không biết vì việc gì mà ông này đi đi lại lại ở hai viện Dân biểu Trung và Bắc nhiều lần lắm. Đến khi chức nghị trưởng Bắc Kỳ về ông họ Phạm tên Lục, thì ông họ Phạm tên Quảng có thò một bản hiến pháp kêu là “quan dân cộng sự”, quan chứ không phải quân (?) có chữ ký của nhiều ông nghị Trung kỳ, rồi bảo 45 ông nghị Bắc kỳ ký theo, bấy giờ ông nghị Quỳnh ký trước, rồi đến 42 ông nghị khác, còn hai ông nữa không ký.
     
    Nếu quả như vậy thì chức thượng thư bộ Học của ông Quỳnh chắc như lèn rồi, chẳng những thế, Quỳnh tiên sinh còn kiêm cả chức tổng trưởng bộ Lập pháp nữa kia.
     
    THIẾT KHẨU NHI
    Phổ thông, Hà Nội, s.83 (9.10.1930)

     
    http://www.viet-studies.info/Phankhoi/OngThongReoTietLo.htm
    #2
      Như Ý P 20.06.2008 12:26:55 (permalink)
      2.8.2005
      Vương Trí Nhàn
      Phạm Quỳnh và quá trình tiếp nhận văn hoá phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX
      I.

      Từ Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch qua Phan Chu Trinh và các nhà nho hoạt động cho Ðông Kinh Nghĩa Thục, trong giới trí thức - thường gọi là các sĩ phu - của nước ta cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thấy nổi lên một loạt người có cách nhìn khác đi so với cách giải quyết thông thường các vấn đề xã hội. Họ cũng yêu nước; trước hoạ diệt vong, họ cũng muốn nhận lấy trách nhiệm với đất nước. Song, xem xét kỹ tình hình xã hội đương thời, họ cho rằng cứu nước trước tiên không phải là lập nên lực lượng vũ trang tổ chức kháng Pháp mà cần “cường dân hoá quốc”, đưa nước ta hưng thịnh theo mẫu hình xã hội phương Tây, sau đó thì công cuộc cứu nước cực kỳ quan trọng kia mới có cơ thực hiện.

      Khi quan niệm như vậy, mỗi nhà nho của chúng ta - những người vốn được đào tạo từ nơi cửa Khổng sân Trình - quả đã trải qua một cuộc đột biến trong suy nghĩ. Song, trong trường hợp này, sự nhạy cảm đã mách bảo họ khá chính xác, trí tuệ của họ tìm ra một định hướng hợp lý khiến cho lòng yêu nước có được sức sống, lại mang sắc thái khá hiện đại. Nói gọn lại là họ đã đúng! Hãy thử nhìn vào sự chuyển biến của xã hội Việt Nam trong lịch sử: nếu đem xã hội đó cuối thế kỷ XIX và một vài năm đầu tiên của thế kỷ XX, so sánh với chính nó những năm 30-40 (và không quên quy định rõ với nhau rằng chỉ xét sự vật thuần tuý mà không đếm xỉa đến những nguyên nhân khách quan, chủ quan, các loại tác động bên trong và bên ngoài v.v...), người ta sẽ ngạc nhiên thấy giữa đôi bên có một khoảng cách xa thẳm. Một sự thay đổi ghê gớm đã đến với xã hội này, chẳng khác chi một con người đổi thịt thay da, hoặc một cỗ máy được tháo ra và lắp lại theo kiểu khác. Từ góc độ của kẻ đứng ngoài - trong trường hợp này là kẻ cầm đầu cơ quan cai trị - vào năm 1928, toàn quyền P. Pasquier đã khái quát bằng hình ảnh “Tôi từng biết nước Nam hồi còn đi võng, nay xem ra như đã muốn lên tàu bay rồi“ (Nam Phong. Số 127, 1928; tr. 216). Hơn chục năm sau, tức là qua năm 1942, trong bài mở đầu cho Thi nhân Việt Nam 1932 41 , với tư cách một người trong cuộc, Hoài Thanh sẽ viết về một nước Việt Nam kỳ lạ:

      “Chúng ta ở nhà tây, đội mũ tây, đi giày tây, mặc áo tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp (...). Nhưng cuộc Âu hoá không phải chỉ có thế. Nó đã đi qua hai giai đoạn: hình thức và tư tưởng; nó còn phải đi qua một giai đoạn nữa. Nó đã thay đổi những tập quán sinh hoạt hàng ngày, nó đã thay đổi cách ta vận động tư tưởng, tất nó sẽ thay đổi cả cái nhịp rung cảm của ta nữa (...) Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta“ (Hoài Thanh, tr. 18). [1]

      Sự vận động như vậy đã rõ, phương hướng lại càng rõ. Trước khi nhà văn hoạt kê Vũ Trọng Phụng cho Xuân tóc đỏ mang hai chữ Âu hoá ra đùa giỡn, thì suốt một thời gian dài, nó đã là điều ám ảnh, tức yếu tố chi phối mọi hành động của bao người. Sở dĩ nó, cuộc Âu hoá ấy, có thể diễn ra, và bất chấp mọi giá (ngay trong máu và nước mắt, trong chán chường và uất hận), vẫn diễn ra, bởi lẽ rộng hơn suy nghĩ của một hai người có đầu óc sáng suốt, và rộng hơn một phong trào vận động (như phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục), nó là nhu cầu bức bách của cả xã hội. Chẳng phải bốc đồng mà Phan Chu Trinh, trong thư gửi toàn quyền Pháp từng kêu lên về tình trạng suy đồi của đời sống tinh thần trong dân ta lúc bấy giờ: “Giả phỏng chính phủ cho mượn dăm ngàn khẩu súng cấp đất vài tỉnh cho ở, không thèm hỏi đến, tha hồ muốn làm gì thì làm, chỉ độ dăm năm, thật là báo thù lẫn nhau cho chết hết mới thôi, quyết không thể sống nổi trong cái thế giới này, lại còn chống cự được ai nữa?“ (Dẫn theo Ðặng Thai Mai tr. 251). Ý Phan Chu Trinh muốn bảo, trong hoàn cảnh ấy, không canh tân đất nước đi, thì có độc lập cũng vô nghĩa. Theo lô - gích mà suy, rõ ràng giữa hai nhiệm vụ là đánh Phápmở mang dân trí, cái thứ hai nếu không cấp bách hơn thì cũng quan trọng ngang với cái thứ nhất. Có điều, cũng từ đây, khía cạnh bi đát của lịch sử bắt đầu bộc lộ. Biết bao người có tâm, có chí, có hiểu biết song bởi chỗ chỉ chăm chăm lo việc trước mắt, hoá ra manh động, trước sau không tránh được thất bại. Trong cuốn Sự phát triển của tư tưởng ở Việt nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám tập II với tiêu đề cụ thể Hệ ý thức tư sản và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, Trần Văn Giàu xác nhận “Những tổ chức cách mạng yêu nước không hề đặt vấn đề điều hoà văn hoá Ðông phương và Tây phương, chỉ nghĩ rằng đi vào văn hoá là xa rời yêu nước” (Trần Văn Giàu, tr. 529).
       
      Chủ ý của ông là muốn đưa ra một lời khen ngợi, song chúng tôi tưởng, nếu đúng như thế, thì đây lại là lời cắt nghĩa đúng đắn bậc nhất về thất bại của những người yêu nước đương thời (xin lưu ý tôi nói những người yêu nước đương thời, tức là thời mà xã hội Việt Nam chưa được nhào nặn lại theo hướng Âu hoá, chứ không phải những người yêu nước nói chung). Trong khi ấy, có những kẻ lâu nay thường được lịch sử ta coi như bọn phản bội, đặt cược cả đời mình vào việc cộng tác với ngoại bang, tối thiểu cam chịu một bề, đầu hàng hoàn cảnh, cốt sống và tồn tại, song, suy cho cùng, họ rất gần gũi với cách hiểu của Phan Chu Trinh nói trên về tình trạng đất nước, cũng như cách vượt ra khỏi tình trạng tệ hại đó. Khách quan mà xét họ có đóng góp vào việc thúc đẩy cho sự nghiệp canh tân. Việc đánh giá các nhân vật lịch sử bao giờ cũng phải rất cụ thể. Giữa những người cùng làm một việc, động cơ chi phối chưa chắc đã giống nhau; giữa những người cùng ý nghĩ , có khi lịch trình hành trạng lại trái ngược và sẽ được thông cảm ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên nếu được phép quan niệm rằng với xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, nhu cầu canh tân - với tư cách là bước đầu tiên đi đến cứu nước - là một nhu cầu có thật, thì người ta sẽ dễ dàng độ lượng và có cái nhìn phải chăng hơn với nhiều người, trong đó có một nhân vật lịch sử mà lâu nay thường được quy là đầu sỏ tội trạng, song thực tế lại đã làm được khá nhiều việc có ích trong nghiên cứu, giới thiệu và dịch thuật văn hoá phương Tây vào Việt Nam, cũng như trong việc hướng văn hoá Việt Nam hoà nhập vào văn hoá thế giới nói chung. Người đó là nhà văn Phạm Quỳnh (1892-1945).
       ......
      http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5055&rb=0305
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9