Ung Thư Cổ Tử Cung
Như Ý P 23.06.2008 10:37:51 (permalink)
Ung Thư Cổ Tử Cung
Monday, June 09, 2008
 
 
Tài liệu Hội Ung Thư Việt Mỹ


Truy Tầm Ung Thư Cổ Tử Cung: Những Ðiều Phụ Nữ Việt Nam Nên Biết

Thử PAP là gì?

Tại sao phải thử PAP? Ai cần phải thử PAP?

Thử PAP ở đâu? Thử PAP như thế nào?

Kết quả thử PAP

Phụ nữ nào có thể bị ung thư cổ tử cung?

Triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung như thế nào?

Khám bác sĩ đắt tiền quá làm sao trả nổi?

Phụ nữ 50 tuổi trở lên đã hết kinh và thỉnh thoảng mới giao hợp hoặc không có giao hợp, có cần thử PAP không?

Phụ nữ đã cắt bỏ tử cung rồi có cần thử PAP không?

Phụ nữ còn trinh có thể thử PAP không?

Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá của người khác có bị ung thư cổ tử cung không?

“Bói ra ma, quét nhà ra rác” - Không có bệnh sao lại phải đi tìm bệnh?

Nếu bác sĩ không cho thử PAP mà mình lại ngại nhắc bác sĩ thì phải làm gì?

Nếu không có triệu chứng gì, tại sao lại phải đi khám bác sĩ?

Thử PAP có đau không?

Kết luận

Muốn nhận tài liệu về ung thư cổ tử cung

Truy Tầm Ung Thư Cổ Tử Cung Miễn Phí


Truy Tầm Ung Thư Cổ Tử Cung: Những Ðiều Phụ Nữ Việt Nam Nên Biết


Ung thư cổ tử cung là loại ung thư đứng hàng thứ nhì mà phụ nữ Việt Nam ở Mỹ hay mắc phải. Bệnh này rất khó chữa nếu không được phát hiện sớm. Với những tiến bộ của y khoa hiện đại, bệnh này được chữa khỏi gần 100% các trường hợp nếu bệnh được phát hiện sớm. Vì vậy tất cả phụ nữ nên đi thử PAP mỗi năm một lần. Và sau 3 lần thử Pap với kết quả bình thường, bác sĩ có thể đề nghị đi thử PAP ít thường xuyên hơn. Thử PAP là một thử nghiệm đơn giản giúp phát hiện ung thư cổ tử cung sớm. Xin chị lấy hẹn với bác sĩ để đi thử PAP và phải cố giữ hẹn đó.
Chị em phụ nữ chúng ta, hãy đi thử PAP để rà ung thư.


Thử PAP là gì?


Thử PAP là phương pháp thử nghiệm tế bào cổ tử cung và giúp phát hiện ung thư ngay từ lúc bệnh mới phát. Bác sĩ thử PAP khi khám phụ khoa:

Bác sĩ dùng một bàn chải nhỏ quẹt vào cổ tử cung để lấy tế bào, rồi gởi đi thử nghiệm để xem có bị ung thư cổ tử cung hay không. Cách thử nghiệm này rất đơn giản và không làm bệnh nhân bị đau. Nhờ thử nghiệm này mà 90-95% các trường hợp ung thư cổ tử cung có thể được phát hiện sớm.

Tại sao phải thử PAP?


Thử PAP để tìm ra ung thư cổ tử cung sớm. Gần 100% trường hợp ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu bệnh được phát hiện sớm. Phần đông những người chết vì ung thư cổ tử cung là vì họ chưa bao giờ đi thử PAP. Nếu những người đó đi thử PAP theo định kỳ, có thể họ sẽ không bị chết vì bệnh này.


Ai cần phải thử PAP?


Tất cả phụ nữ 18 tuổi trở lên (hoặc trẻ hơn nếu đã từng giao hợp) cần phải đi thử PAP và khám phụ khoa mỗi năm một lần.


Thử PAP ở đâu?


Tại phòng khám bác sĩ gia đình.

Tại phòng khám bác sĩ chuyên về sản phụ khoa.

Tại chẩn y viện hay bệnh viên.


Thử PAP như thế nào?


Trước khi thử PAP bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng sức khỏe và kinh nguyệt của chị. Bác sĩ sẽ hỏi những câu như: Chị bắt đầu có kinh lúc mấy tuổi? Kinh nguyệt của chị có đều không? Bao nhiêu lâu chị mới có kinh một lần? Kinh nguyệt kéo dài bao lâu? Khi có kinh có đau bụng không? Ngày tháng nào chị có kinh lần chót? Chị cho bác sĩ biết càng nhiều chi tiết càng dễ chẩn bệnh. Xin chị đừng nghĩ rằng bác sĩ tò mò quá, làm chị mắc cỡ. Chị nhớ rằng đây là việc làm hàng ngày của bác sĩ và bác sĩ cần những chi tiết đó để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của chị
Ðến khi thử PAP:

Chị thay quần áo thường, choàng áo nhà thương vào. Rồi chị nằm xuống, để hai chân cao lên. Bác sĩ khám phần ngoài cơ quan sinh dục của chị để xem có gì bất thường không.

Khám âm đạo: Bác sĩ dùng dụng cụ khám phụ khoa gọi là mỏ vịt đưa vào trong âm đạo để quan sát âm đạo và cổ tử cung.

Lấy tế bào: Rồi nhẹ nhàng dùng một bàn chải nhỏ quẹt vào cổ tử cung để lấy vài mẫu tế bào.

Thử nghiệm: Sau đó bác sĩ quẹt những tế bào này vào miếng kính nhỏ để gởi đi thử nghiệm.

Khám phụ khoa: Ngoài ra, bác sĩ còn khám cơ quan sinh dục của chị bằng cách cho hai ngón tay vào âm đạo, còn bàn tay kia ấn phần bụng dưới của chị để xem tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng có gì bất thường không. Thường thường phần khám này nhẹ nhàng, nhanh chóng, không gây đau đớn, nhưng một số người cảm thấy hơi khó chịu trong giây lát.

Kết quả thử PAP


Kết quả bình thường


Trong vài ngày, phòng thí nghiệm sẽ cho bác sĩ của chị biết về kết quả thử PAP. Nếu kết quả bình thường, bác sĩ có thể sẽ không thông báo cho chị biết. Kết quả bình thường có nghĩa là chị không bị bệnh ung thư cổ tử cung. Mặc dầu kết quả thử PAP bình thường, chị vẫn phải lấy hẹn thử PAP cho năm tới và nhớ giữ hẹn đó. Nếu sau 3 năm thử PAP với kết quả bình thường, bác sĩ của chị có thể đề nghị chị không cần phải đi thử PAP thường xuyên mỗi năm nữa.


Kết quả bất thường

Nếu kết quả thử PAP bất thường, văn phòng bác sĩ sẽ thông báo cho chị biết ngay. Kết quả bất thường, không có nghĩa là chị đã bị ung thư cổ tử cung, mà có thể chỉ bị viêm hay nhiễm trùng cổ tử cung thôi. Nếu kết quả thử PAP bất thường, mà không phải do cổ tử cung bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ soi cổ tử cung (colposcopy) và lấy chút mô (biopsy tức là sinh thiết) ở cổ tử cung để thử nghiệm. Chị cần phải đi làm tất cả các thử nghiệm theo lời yêu cầu của bác sĩ, vì đó là những phương pháp để giúp bác sĩ phát hiện ung thư cổ tử cung sớm.


Phụ nữ nào có thể bị ung thư cổ tử cung?


Phụ nữ nào cũng có thể bị ung thư cổ tử cung. Nhưng những trường hợp dưới đây có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung:
Giao hợp dưới 16 tuổi.

Giao hợp với nhiều người khác nhau (hoặc tình nhân có nhiều bạn tình).

Bị nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục: ví dụ bị bệnh mụn cóc hoặc các bệnh truyền nhiễm khác qua đường tình dục.

Có tình nhân bị các bệnh kể trên.

Ðã có lần đi thử PAP với kết quả bất thường.

Không đi thử PAP thường xuyên.

Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá của người khác.

Là phụ nữ Việt Nam, vì phụ nữ Việt Nam ở nước Mỹ bị ung thư cổ tử cung cao hơn so với các nhóm dân khác.


Triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung như thế nào?


Lúc đầu có thể không có dấu hiệu và triệu chứng gì cả. Sau đó có thể có những dấu hiệu và triệu chứng như:
Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp.

Kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường.

Kinh nguyệt nhiều hơn bình thường.

Chảy máu âm đạo ngoài thời kỳ kinh nguyệt.

Phụ nữ đã tắt kinh bị ra máu âm đạo (mặc dù ra máu rất ít).

Ðau phần bụng dưới (không liên hệ với kinh nguyệt).

Ra huyết trắng.


Khám bác sĩ đắt tiền quá làm sao trả nổi?


Nếu chị có bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm sẽ trả một phần phí tổn. Nếu chị hội đủ điều kiện của Medicaid, chị có thể khỏi phải trả tiền khám bác sĩ và thử PAP. Muốn biết thêm chi tiết về Medicaid, xin gọi cho văn phòng trợ giúp y tế gần nơi chị ở. Nếu chị 65 tuổi trở lên, Medicare sẽ trả phí tổn thử PAP mỗi 3 năm một lần. Muốn biết thêm chi tiết xin gọi số 1-800-MEDICARE (1-800-633-4227). Những phụ nữ có lợi tức thấp hay không có bảo hiểm sức khỏe, có thể đến những bệnh viện hay chẩn y viện để thử PAP và sẽ trả tiền tính theo lợi tức.

Phụ nữ 50 tuổi trở lên đã hết kinh và thỉnh thoảng mới giao hợp hoặc không có giao hợp, có cần thử PAP không?


Một số phụ nữ lớn tuổi từ chối khám phụ khoa và thử PAP và hay nói: “Tôi già rồi, hết kinh, thỉnh thoảng mới giao hợp hoặc không giao hợp, tôi nghĩ rằng tôi không bị bệnh.” Nhưng theo tài liệu nghiên cứu, trong số những người chết vì ung thư cổ tử cung, 80% là những người 50 tuổi trở lên. Vì vậy, phụ nữ càng lớn tuổi càng cần đi thử PAP thường xuyên hơn.


Phụ nữ đã cắt bỏ tử cung rồi có cần thử PAP không?


Phụ nữ đã bị cắt bỏ hết tử cung nhất là phụ nữ bị ung thư cũng vẫn phải đi thử PAP thường xuyên và nên hỏi ý kiến bác sĩ.


Phụ nữ còn trinh có thể thử PAP không?


Nên hỏi ý kiến bác sĩ.


Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá của người khác có bị ung thư cổ tử cung không?


Phụ nữ hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá của người khác sẽ dễ bị ung thư cổ tử cung hơn.

“Bói ra ma, quét nhà ra rác” - Không có bệnh sao lại phải đi tìm bệnh?

“Tôi cũng đã nghĩ như vậy, do đó không đi thử PAP. Ðến lúc tôi bị làm băng, đi bác sĩ thì đã muộn. Tôi bị mổ cắt bỏ tử cung và được hóa trị. Tôi khuyên các chị em nên đi thử PAP hàng năm, đừng để trễ như tôi, vì bệnh ung thư lúc đầu không có triệu chứng. Chẳng thà mình mất thì giờ một chút mà mình yên tâm và sau này đỡ bị đau đớn.”

Nếu bác sĩ không cho thử PAP mà mình lại ngại nhắc bác sĩ thì phải làm gì?


“Tôi đồng ý rằng đa số phụ nữ rất ngại khi muốn nhắc bác sĩ thử PAP cho mình. Vì phong tục tập quán, phụ nữ không quen nói về vấn đề sinh lý và bộ phận sinh dục, nhất là khi gặp bác sĩ đàn ông. Do đó, phải can đảm lắm mới nhắc bác sĩ cho thử PAP. Vì sức khỏe của mình, phụ nữ chúng ta đừng ngần ngại mà hãy yêu cầu bác sĩ cho thử PAP mỗi năm một lần.”


Nếu không có triệu chứng gì, tại sao lại phải đi khám bác sĩ?


“Một số phụ nữ có thể đã bị ung thư cổ tử cung rồi nhưng không hay biết, vì trong giai đoạn đầu ung thư cổ tử cung không có triệu chứng gì cả. Vì vậy, tôi khuyên phụ nữ nên lấy hẹn đi thử PAP mỗi năm một lần mặc dầu không có triệu chứng gì cả. Ðiều cần nên nhớ là nếu ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm thì sẽ được chữa khỏi gần 100% các trường hợp.”


Thử PAP có đau không?


“Không. Vì trước khi thử PAP, bác sĩ dặn tôi đừng gồng người và tôi làm theo lời bác sĩ, vì vậy tôi không thấy khó chịu hay đau đớn gì cả.”


Kết luận


Nếu muốn lo cho mình và bảo vệ hạnh phúc gia đình mình, phụ nữ phải giữ gìn sức khỏe. Mình có khỏe mạnh thì mình mới có đủ sức lo cho người khác được. Muốn được như vậy, phụ nữ phải đi khám sức khỏe tổng quát và thử PAP thường xuyên.
Phụ nữ cần lấy hẹn với bác sĩ để xin thử PAP và nhớ giữ hẹn đó.


Muốn nhận tài liệu về ung thư cổ tử cung


Muốn nhận được quyển sách “Truy Tầm Ung Thư Cổ Tử Cung: Những Ðiều Phụ Nữ Việt Nam Nên Biết” hay muốn nói chuyện bằng tiếng Anh với chuyên viên cung cấp tài liệu, xin gọi văn phòng Dịch Vụ Thông tin Về Ung Thư (Cancer Information Service) của National Cancer Institute ở số điện thoại miễn phí 1-800-422-6237.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=79778&z=14
#1
    HongYen 28.01.2009 02:11:25 (permalink)



    Việt Báo Thứ Tư, 1/14/2009, 12:00:00 AM


    Xét Nghiệm Pap Có Thể Giúp Làm Giảm Nguy Cơ: mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ Mỹ gốc Việt

    Bác sỹ Y khoa Sam Ho, trưởng ban y khoa, UnitedHealthcare

    Một quan niệm sai lầm thường thấy là bệnh tật nghiêm trọng thường xảy ra một cách ngẫu nhiên. Khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, chúng ta thường cho đó là điều không may. Đối với một số trường hợp ngoại lệ thì ung thư và những bệnh tật khác phát triển bất kể yếu tố nhân khẩu học hay tính chất quốc gia mà chúng ta viện cớ.
    Đối với nhiều bệnh tật thì có một số yếu tố làm cho chúng dễ phát triển hơn ở một số khu vực dân cư đã được chứng minh khá rõ ràng. Một trong số những bệnh tật đó là ung thư cổ tử cung, bệnh làm ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ Mỹ gốc Việt nhiều hơn bất cứ loại bệnh ung thư nào khác theo con số thống kê của Viện Ung Thư Quốc Gia (National Cancer Institute) và Hiệp Hội Viện Nghiên Cứu Sức Khỏe Quốc Gia (National Institutes of Health).

    Tháng Giêng là Tháng Nâng Cao Nhận Thức về Sức Khỏe Cổ Tử Cung (Cervical Health Awareness Month) và giờ là thời điểm tốt nhất để tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về căn bệnh có thể ngăn ngừa được này và cách thức chúng ta có thể loại bỏ tác động xấu của nó đối với cộng đồng.

    Hàng năm ở Hoa Kỳ có khoảng 11.000 phụ nữ ở mọi chủng tộc hoặc dân tộc, được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư cổ tử cung; trong đó con số tử vong là hơn một phần ba. Ung thư cổ tử cung hình thành trong các mô của cổ tử cung, một bộ phận nối tử cung và âm đạo. Hầu như tất cả các tế bào ung thư cổ tử cung là những tế bào phát triển quá nhanh sau khi phơi nhiễm vi-rút gây u nhú ở người lây lan qua đường tình dục. (viết tắt là HPV).

    Theo Hiệp Hội Ung Thư Mỹ (American Cancer Society) thì những yếu tố rủi ro khác bao gồm hút thuốc lá, hệ thống miễn dịch kém, nhiễm vi khuẩn chlamydia (loại vi khuẩn gây bệnh ở người và chim muông), chế độ ăn ít trái cây và rau củ, sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài, mang thai nhiều lần, bệnh sử gia đình mắc bệnh ung thư cổ tử cung, và ít tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y tế phòng ngừa đầy đủ.

    Mặc dù các triệu chứng ung thư cổ tử cung xuất hiện muộn nhưng những sự thay đổi đối với tế bào dẫn đến ung thư có thể được phát hiện ngay từ sớm - khi đó bệnh có thể chữa trị được - bằng các cuộc xét nghiệm Papincolaou (viết tắt là Pap), một quy trình trong đó các bác sĩ lấy các tế bào từ cổ tử cung và làm xét nghiệm dưới kính hiển vi. Điều không may là những người phụ nữ Mỹ gốc Việt đi làm xét nghiệm cổ tử cung ít hơn rất nhiều so với những nhóm phụ nữ khác, theo con số thống kê của Văn Phòng Vì Sức Khỏe Phụ Nữ của Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ (U.S. Dept. of Health & Human Services' Office on Women's Health). Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là tính e thẹn, một quan niệm cho rằng chỉ những người phụ nữ đã có chồng mới cần phải đi khám/làm xét nghiệm Pap, và một quan điểm cho rằng nếu mà tử cung bị cạo lấy tế bào sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

    Ngoài ra còn có những yếu tố khác. Một số phụ nữ gốc Việt cho rằng đem chuyện ung thư cổ tử cung ra bàn luận sẽ mang đến điều không may. Những người khác thì lại sợ rằng việc làm xét nghiệm sẽ làm thay đổi về mặt cấu trúc của cơ thể và như thế họ sẽ bị coi là không còn trinh trắng nữa. Ngoài ra còn có những người khác vẫn tin rằng tình trạng vệ sinh cá nhân kém làm phát triển bệnh ung thư cổ tử cung, hay đơn giản là họ thiếu kiến thức về cách ngăn ngừa bệnh tật.

    Điểm mấu chốt để làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao ở những người phụ nữ Mỹ gốc Việt là tuyên truyền giáo dục và biện pháp phòng ngừa. Cụ thể là, phụ nữ nên được hướng dẫn cách thức làm theo các khuyến nghị của Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ để bắt đầu đi làm xét nghiệm sàng lọc trong khoảng ba năm kể từ khi có quan hệ tình dục qua đường âm đạo, nhưng không muộn hơn 21 tuổi. Quy trình kiểm tra sàng lọc nên được thực hiện thường niên có thực hiện xét nghiệm Pap hoặc hai năm mỗi lần có thực hiện xét nghiệm Pap bằng môi chất mới hơn. Kể từ độ tuổi 30 trở đi, những người phụ nữ đã làm ba xét nghiệp Pap cho kết quả bình thường liên tiếp có thể thực hiện lịch biểu kiểm tra sàng lọc hai hoặc ba năm một lần.
    Ngoài ra, Cơ Quan Quản Trị Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food and Drug Administration) đã phê chuẩn một vắc-xin ngăn ngừa bệnh ung thư cổ tử cung dành cho phụ nữ ở độ tuổi từ 9 đến 26. Loại vắc-xin mới được đưa vào lịch chủng ngừa niên thiếu chính thức này được sản xuất nhằm bảo vệ cơ thể chống lại sự biến thể của vi-rút là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung.
    Tóm lại là: hãy trau dồi kiến thức, nói chuyện với bác sĩ, quyết định thời điểm cần chủng ngừa, và đi làm kiểm tra sàng lọc Pap đều đặn là một nỗ lực dò tìm những thay đổi về tế nào ngay từ sớm để từ đó có thể bắt đầu liệu pháp phòng ngừa cần thiết. Nếu quý vị phát hiện được những thay đổi ở cổ tử cung ngay từ sớm, quý vị có thể tránh được căn bệnh ung thư. Nếu quý vị phát hiện được bệnh ung thư ngay từ sớm thì quý vị có cơ hội duy trì cuộc sống tốt hơn rất nhiều.
    Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở thời niên thiếu không lớn, nhưng những người phụ nữ Mỹ gốc Việt luôn là những người có tỷ lệ mắc căn bệnh này cao hơn những người phụ nữ khác. Bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa thì những người phụ nữ Mỹ gốc Việt có thể duy trì được cuộc sống khỏe mạnh hơn và không mắc căn bệnh này.
    http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=117&nid=139607
     
     
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9