Ngôn Ngữ Dân Chủ
Thần Báo 25.06.2008 04:35:09 (permalink)
Ngôn Ngữ Dân Chủ
 
Thần Báo Phạm Văn Bản
 
 
Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng, chưa có thống kê nào xác nhận bao nhiêu ngôn ngữ từ khi loài người có mặt trên trái đất này. Có bao trăm, ngàn hay vạn ngôn ngữ? Chưa ai dám qủa quyết con số chính xác về ngôn ngữ đã từng được xử dụng trong lịch sử phát triển xã hội loài người.
 
Vẫn biết rằng, ngôn ngữ chỉ là phương tiện truyền đạt, trao đổi hay diễn tả tư tưởng suy xét của mỗi người. Bởi thế, muốn thông cảm hiểu biết lẫn nhau chúng ta cần thông thạo ngôn ngữ của một trong hai phía đang dùng mà thảo luận với nhau.
 
Ngôn ngữ của mỗi dân tộc đã khác biệt nhau, nhưng dù cho có cùng một ngôn ngữ mà khác ngành nghề, khác chuyên môn, khác trình độ hiểu biết thì ngôn ngữ đã trở thành khác biệt và không thể đạt yêu cầu nhận thức trong thảo luận phê bình để đi đến sự đồng thuận.
 
Ví dụ, hội nghị thảo luận về đề tài hoa, nhiều thành viên xã hội bao gồm trí thức trưởng gỉa cho tới những thành phần lương dân chất phác tham dự. Và trong hội thảo, chắc chắn mỗi người, mỗi thành phần xã hội sẽ hiểu ý nghĩa của hoa theo trình độ chuyên môn hay nhận thức riêng của mình:
 
- Giới triết gia, giới khoa học sẽ tự hỏi hoa là gì? Họ thảo luận, phân tích, tìm hiểu nguồn gốc của hoa để rồi đúc kết, tổng hợp và phân loại loài hoa như một sự kiện nghiên cứu bao gồm lợi ích cũng như nguy hại và viết thành luận thuyết diễn giải.
 
- Đang khi những văn nhân nghệ sĩ nhìn hoa, ngắm hoa và dùng hoa làm nguồn cảm hứng để khai thác, để sáng tạo nghệ thuật. Họ nhìn nhận hoa là loại đề tài đáng để nghiên cứu hay dùng hoa bàn chuyện vẻ đẹp con người.
 
- Những người kinh doanh thương mại cũng tìm hiểu hoa, quan sát hoa, tiếp thị hoa trên mãi lực cung cầu. Họ lập bảng thống kê loài hoa và tìm thị trường tiêu thụ.
 
- Trái lại với quan điểm hội thảo, những thành phần lương dân chất phác, đa số họ lại không cần biết đến hoa, không cần tìm hiểu hoa là gì. Hoa đối với đời sống của họ thì hoa cũng chỉ là hoa; hoa đẹp, hoa xấu, hoa có hương có sắc rực rỡ, hay không, thì cũng không thành vấn đề. Họ nhìn hoa, hoa gỉa hay hoa thật cũng thế mà thôi.
 
Tóm lại trong cuộc hội thảo qua đề tài về hoa đó, tất cả các thành phần xã hội tham dự đều hãnh diện và tìm thấy chân lý hạnh phúc của thiên đường trong hoa!
 
Qua ví dụ nói trên, hoa chỉ là vật thể hay hiện thực dùng để thưởng lãm, để tô điểm cho đời sống con người thêm xinh đẹp. Hoa có ảnh hưởng nhưng không tác động nhiều đến sự phát triển và tồn tại của xã hội loài người, chớ chúng ta chưa bàn tới vấn đề của hoa nông phẩm.
 
Tương tợ như hoa, dân chủ là cơ cấu tổ chức thể hiện tính chất dân làm chủ trong thời đương đại. Dân chủ là phi vật thể, nhưng hiện thực do trí tuệ con người sáng tạo, nhằm mục đích giải phóng nhân loại thoát khỏi ách áp bức bất công của thể chế độc tài độc đảng như Hồi Giáo cực đoan, Cộng sản giáo điều.
 
Và để tránh những mẫu hàng thiếu phẩm chất, hoa thật/ hoa gỉa, chúng ta cần phân biệt ngôn ngữ dân chủ của các nhà hoạt động chính trị, của các tập đoàn lãnh đạo cầm quyền, để xét xem có thật sự là dân chủ/ hay là phi dân chủ.
 
Cũng giống như hoa, mỗi người nhìn dân chủ theo cái nhìn riêng của họ. Mọi người đều quan sát phiến diện trên cái nhìn của khối lập phương dân chủ, xuyên qua chiều dài lịch sử chính trị xã hội loài người. Tất cả những phương diện dân chủ riêng lẻ trong khối lập phương đó, nếu chúng ta gom lại thành ra một hệ thống dân chủ. Ngôn ngữ dân chủ được nhân loại xử dụng hôm nay đã tập trung vào những vấn đề sau đây:
 
- Ý niệm dân chủ.
- Tinh thần dân chủ trong thể chế quân chủ.
- Chính trị dân chủ trong thể chế quân chủ.
- Chính trị dân chủ trong thể chế dân chủ.
 
1. Ý niệm dân chủ
 
Dưới thể chế quân chủ, phong kiến chuyên chế, tại phương Ðông/ hay phương Tây thì dân chúng tức là tầng lớp người bị trị chưa thật sự sống trong hệ thống luật pháp đúng nghĩa. Toàn dân đều bị lớp vua chúa quan lại, lớp người cai trị, tròng lên đầu lên cổ nhân dân một thứ pháp lệnh khắc nghiệt, bất công và biết bao người đã trở thành nạn nhân của pháp lệnh độc tài đảng trị đó!
 
Trước những nỗi đau khổ của đồng loại, các nhà hiền triết đặt lại vấn đề chính trị qua tư tưởng thời đại sơ khai như: Dân vi qúi, xã tắc thứ chi, quân vi khinh, Chính quyền muốn được chính danh phải dựa trên giao ước đồng thuận của người dân …. Từ đó những tư tưởng quan tâm, qúi trọng thân phận người dân bị trị, chính là ý niệm dân chủ đã thấm vào lịch sử chính trị. Ngày nay nếu có người hoạt động mà chỉ xử dụng ngôn ngữ dân chủ đại loại kiểu này trong ý niệm dân chủ cổ xưa, thì thực ra họ mới chỉ có ý niệm dân chủ, chớ họ chưa có dân chủ.
 
2. Tinh thần dân chủ trong thể chế quân chủ
 
Khi ý niệm dân chủ phổ biến, được nhiều người tán thành, được ủng hộ, và nhất là lại được tầng lớp cai trị nghiên cứu, áp dụng thực hành trong cai trị, chính là lúc tinh thần dân chủ thể hiện trong thể chế quân chủ.
 
Tinh thần dân chủ có nghĩa là người dân làm chủ quốc gia, cộng đồng xã hội trên hình thức có tính cách tượng trưng, bởi quyền lực chính trị vẫn còn tập trung trong tay quan lại, vua chúa tức giai cấp thống trị. Việc dân được hỏi ý kiến, đóng góp ý kiến vào những việc hệ trọng của quốc gia là tinh thần dân chủ, là tiến đến ích lợi chính trị của thời đại quân chủ chớ người dân chưa có quyền làm chủ thật sự. Mọi việc tiến cử, chọn lựa, bổ nhiệm vào guồng máy chính quyền không phải do dân mà do quan lại, vua chúa quyết định.
 
Vậy thì ngày nay, khi xử dụng ngôn ngữ dân chủ hay đòi hỏi dân chủ, chúng ta chọn lựa tinh thần dân chủ, và đòi hỏi quyền làm chủ cộng đồng, làm chủ quốc gia, … thì chúng ta cũng nên xem tinh thần dân chủ này như một kỷ niệm đẹp, như một tiến trình lịch sử chính trị tất yếu dưới thời đại quân chủ mà thôi.
 
3Chính trị dân chủ trong thể chế quân chủ
 
Xã hội loài người phát triển theo chiều hướng văn minh tiến bộ, chính trị cũng phải biến đổi cải tiến để hoàn thành chức năng điều hướng xã hội phát triển trong vòng ổn định, trật tự, và điều hòa. Những mô thức tổ chức cai trị được áp dụng trong lịch sử chính trị, không do may mắn hay ngẫu nhiên, mà nó được nung nấu, thai nghén, hình thành từ các bộ óc vĩ đại với trái tim nhân ái của con người trong suốt chiều dài lịch sử.
 
Chúng ta thấy, lịch sử phát triển của nhân loại không đồng nhất, có những dân tộc họ đã luận bàn về ý niệm dân chủ từ bao ngàn năm trước, họ đã áp dụng tinh thần dân chủ cả ngàn năm nay, hoặc họ đã thực hiện chính trị dân chủ cả vài trăm năm… Thế nhưng, vẫn còn nhiều dân tộc chưa hít thở được không khí dân chủ! Họ bị bóp nghẹp dân chủ một cách tàn nhẫn qua lối chính trị mị dân, độc đảng của những nhà cầm quyền Cộng sản hay Hồi giáo đương thời.
 
Chính trị dân chủ là người dân làm chủ cộng đồng xã hội, làm chủ quốc gia. Làm chủ thì phải được quyền, được tự do tham gia trực tiếp hay gían tiếp vào guồng máy cai trị quốc gia. Làm chủ thì phải được đóng góp năng lực, thi hành các chính sách dẫn đạo quốc gia. Nếu người dân chưa được quyền, chưa được tự do thực hiện những quan điểm nêu trên, thì quốc gia đó là nước chưa có dân chủ, là phi dân chủ!
 
Hiện nay có một số nước quân chủ đại nghị, trên danh nghĩa vua là người lãnh đạo tối cao, là người làm chủ quốc gia, nhưng thật ra dân mới là người làm chủ, dân nắm giữ quyền hành chính trị, vua chỉ còn là tượng trưng, tức vua trao quyền cho dân tuyển lựa, bầu chọn người đại diện nắm giữ quyền hành chính trị, điều khiển quốc gia. Với mô thức đó, dân làm chủ việc thực hành cai trị quốc gia tức chính trị dân chủ, và vua trên danh nghĩa là người đứng đầu một nước tức còn thể chế quân chủ. Nên được gọi là quân chủ đại nghị hay nói cách khác là chính trị dân chủ trong thể chế quân chủ.
 
4. Chính trị dân chủ trong thể chế dân chủ
 
Khi mô thức cai trị gặp hạn chế, bế tắc, chính là lúc con người thi nhau bàn luận, tranh cãi để mưu tìm mô thức cai trị phù hợp với tình thế chính trị đòi hỏi, và trong lúc dọ dẫm, kiếm tìm, thử nghiệm đó, không phải một, hai hay ba mô thức mà đã có rất nhiều. Có thứ dân chủ phải chết từ trong trứng nước, có thứ được đem ra thi hành rồi đi vào bóng tối của lịch sử chính trị, bởi dù đã được đắn đo, tính toán, nhưng không phải mô thức dân chủ nào cũng hữu hiệu trong cai trị. Do đó, mỗi thời kỳ hỗn loạn chính trị là có nhiều mô thức ra đời, nhưng chỉ có mô thức tồn tại nhờ năng lực và hoàn thành chức năng điều hướng, giải tỏa bế tắc chính trị.
 
Nơi đây không đề cập đến những mô thức cai trị đã hoàn thành chức năng qua mỗi giai đoạn, hay thời kỳ khủng hoảng trong lịch sử, mà chúng ta đang luận bàn về mô thức cai trị đã được nhân loại hướng đến trong suốt thời cận đại vừa qua. Mô thức mà chúng ta nêu ra ở đây là mô thức tổ chức cai trị có khả năng giải cứu, giải phóng con người ra khỏi sự áp bức, cưỡng chế của giai cấp thống trị quân chủ. Mô thức đó chính là mô thức tổ chức cai trị do dân tự điều hành và quyết định tương lai cho chính mình, tức mô thức cai trị do dân làm chủ, hay có nghĩa là chính trị dân chủ.
 
Hiện nay nhiều nước thể hiện tính triệt để cách mạng đối với triều đại quân chủ để thực hiện dân chủ. Nên chúng ta có chính trị dân chủ trong thể chế dân chủ, nghĩa là chính trị dân chủ trong thể chế mà người lãnh đạo tối cao, dù có thực quyền hay tượng trưng, không phải là vua, mà do dân tuyển chọn trong cuộc bầu cử tự do. Chính thể này đã mang đến cho nhân loại đời sống tự do, hạnh phúc và thịnh vượng từ lúc khai sinh cho tới đương thời.
 
Thế cho nên, khi đòi hỏi độc tài thực thi dân chủ, chúng ta không yêu cầu họ thực thi Ý Niệm Dân Chủ cổ xưa, Tinh Thần Dân Chủ trong thể chế quân chủ, mà bắt buộc thực hiện Chính Trị Dân Chủ trong thể chế dân chủ. Vì chính thể này là con đường đưa quốc gia đi đến hùng cường, thịnh vượng và toàn dân an hưởng tự do, hạnh phúc.
 
Kết luận
 
Chúng ta cần phân biệt ngôn ngữ dân chủ để tránh những kẻ rao bán hàng gỉa và để biết được con đường ta phải qua cũng như điểm cuối cùng chúng ta phải đến. Bởi ngôn ngữ dân chủ giống như hoa, hoa có hoa thật, hoa gỉa, hoa giấy, hoa nhựa… Có người mang tên Hoa, ... nhưng chưa chắc đã là thực chất của hoa. Hoa là loại có hương sắc được trồng tỉa vun bón, tạo sinh từ giống thực vật hữu tính hay vô tính, nhân tạo hay thiên tạo.
 
Thì vấn đề của dân chủ cũng thế. Có kẻ tự nhận là người dân chủ, đảng dân chủ, dân chủ tập trung, dân chủ mở rộng, ... nhưng thực chất đã chẳng phải là dân chủ mà chỉ là phi dân chủ. Thực chất dân chủ đơn giản, dễ hiểu là quyền làm chủ, khác với quân chủ là vua (như Hồ Chí Minh) làm chủ.
 
Chừng nào giai cấp cầm quyền thực hiện quyền dân chủ, chính là lúc dân chủ khởi động, còn không ngôn ngữ đó chỉ do giai cấp thống trị rao bán, mời mọc qua hình thức mị dân; nói khác đi chỉ là trò bịp chính trị.
 
Là người hoạt động chính trị, người quan tâm đến vận mệnh tương lai dân nước Việt Nam, hơn bao giờ hết chúng ta cần phân biệt rõ ngôn ngữ dân chủ, nhận diện thực chất dân chủ nhằm mang lại ích nước lợi dân cho Việt Nam mình trong tiến trình dân chủ hóa của con người hôm nay.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9