Bát Tiên Đắc Đạo
Thay đổi trang: << < 7 | Trang 7 của 7 trang, bài viết từ 91 đến 93 trên tổng số 93 bài trong đề mục
bevanng 23.07.2008 10:35:55 (permalink)
Hồi Thứ 98

Bạch xà nhiều kiếp thành chính quả
Hiếu tử lóc thịt gặp thẩn tiên

Bát tiên thành đạo, lên trời, được Nguyên Thủy, Lão Quân, Dao trì vương mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ, các vị lãnh tụ thần tiên, dẫn tới triều yết Ngọc đế. Ngọc đế ban tước, ban yến, lại sai Thái Bạch Kim tinh dẫn các thợ trời, đi sửa sang động phủ cho tám vị tiên. Thiết Quài tiên sinh ở động Tử Hà, núi Hoa sơn, Trương Quả ở Bạch Lộ nham núi Võ Đang, Lam Thái Hòa ở Trứu Vân cốc núi Vương Ốc, Lã Động Tân ở Khiên Vân nhai núi Nga Mi, Hà tiên cô ở Ngọc Ốc động núi Lư sơn, Hàn Tương Tử ở Bích Nham phong núi Tung sơn, Chung Li Quyền ở Nhất Tuyến thiên núi Chung Nam, Tào quốc cữu ở Vương Diệu phong núi Hành sơn. Mỗi người ở một động phủ riêng biệt, tất cả đều có cảnh sắc thanh kỳ, u nhã, có hoa nở bốn mùa, có đồ vật trân quí, đẹp đẽ khác thường.
Bát tiên thụ chức, tạ ơn ban thưởng, Ngọc đế lại tuyên ý chỉ, đại ý nói :
“Trước đây, vì thiên cung không yên tĩnh, trẫm xuống chiếu cầu hiền, lấy người giúp đỡ, được các vị lãnh tụ chư tiên tiến cử hiền tài, suốt mấy ngàn năm, trước sau kén được tám vị tiên, đều là đạo hạnh cao thâm, thần thông quảng đại, ban cho tước hiệu hiển vinh, nhận chức trong triều. Riêng nghĩ rằng gần đây ở hạ giới lòng người ngày càng xuống thấp, phong tục ngày càng xu hướng về tà ma, thế cuộc nhân đó mà nhiều chuyện. Đã lâu, thiên đình chỉ thỉnh thoảng phái các bậc hiền năng, phân phó các nơi ở cõi phàm trần, tùy lúc mà hóa thân làm người, để trừng gian khuyến thiện. Là vì chân tài khó tìm được, nên chưa thể phát động một phong trào lành mạnh hóa hạ giới. Nay bát tiên đều từ người trần gian mà ra, hiểu biết thế tình rất rõ, nay nhận lệnh đặt thân mình ở hạ giới, ắt có thể cứu vãn phong tục trần gian. Việc này, trẫm đã bàn bạc với các vị đại tiên tổ Nguyên Thủy, Lão Quân, được các vị tán thành. Cũng may thiên đình hiện nay yên ổn, khắp chốn yên bình, chức vụ trên thiên phủ khá nhàn rỗi, có thể tùy thời phân phái xuống hạ giới, chu du bốn biển, làm tròn trách nhiệm hóa độ cho dân".
Bát tiên nhận lệnh, vô cùng hoan hỉ, xưng tụng thánh đức. Mọi việc xong xuôi, các vị tiên ai về động phủ nấy, nghỉ ngơi một thời gian.
Đến cuối đời nhà Bắc Tống, thiên hạ đại loạn, các vị tiên mới nhất quyết rời núi, tụ họp tại Hoa sơn, nơi động phủ của Thiết Quài tiên sinh. Người ta đồn rằng một dải đất Tô Châu, Hàng Châu gần đây có tiếng là đất trù phú, mà Tây Hồ ở Hàng Châu, bao đời nay được các danh nhân nhiều đời tô điểm, sửa sang, đã thành một nơi danh thắng bậc nhất trên thế giới. Lã tổ đề nghị trước tiên hãy tới chơi hai nơi đó, sau mới phân tán ra, mỗi người đi một nơi, tuần du thiên hạ một vòng, để có tư liệu mà về phục chỉ. Mọi người nghe vậy đều tán thành. Vì thế, họ cưỡi mây bay đi tới chân núi Kim sơn, nằm ở vùng hạ lưu sông Trường giang, cho mây ngừng lại. Vì Hà tiên cô, Lý Thiết Quài và một số vị tiên có quan hệ về lịch sử của Kim sơn, nên lần này họ đáp xuống Kim sơn trước nhất. Mọi người tìm tới thăm nơi cổ tích, đều không khỏi cảm khái trong lòng. Trương Quả, Lam Thái Hòa hỏi thăm tấm bia khắc chữ của Long vương có còn hay không, Hà tiên cô mới nói :
- Đó thật là một cổ tích đáng ghi nhớ, đáng tiếc là đã bị con yêu xà phá hủy, chìm dưới đáy sông mất rồi ! Các vị có biết chuyện Bạch xà tinh dâng nước, làm chìm ngập Kim sơn hay không ?
Các vị tiên phần nhiều không biết chuyện đó, vội hỏi :
- Chuyện đó thế nào ?
Tiên cô nghe hỏi, lại thấy chuyện này vừa đáng tức cười vừa đáng giận, mới quay qua hỏi Lã tổ :
- Đạo huynh, anh phải biết chuyện này chứ ?
Lã tổ "Phì !" một tiếng, nói :
- Chuyện của yêu tinh, quỉ quái, làm sao tôi biết được ?
Hà tiên cô quay qua Trương Quả, nói :
- Trương đạo hữu, anh nghe thấy đó. Vị Lã đạo hữu của chúng ta thật tình là kẻ vô lương tâm trong giới thần tiên. Mẹ vợ mình mà anh ấy gọi là yêu tinh quỉ quái, và không thèm biết tới.
Các vị tiên nghe nói, đều bụm miệng cười, riêng Lã tổ ngạc nhiên quá chừng, vội hỏi :
- Vậy là nghĩa làm sao ?
Trương Quả là người trung hậu nhất trong bát tiên, mới điềm tĩnh kể rõ :
- Bạch xà tinh kiếp trước là mẹ của Tiểu Kim Tử, mà Tiểu Kim Tử là tiền thân của Bạch Mẫu Đơn, nên Lã hiền điệt là con rể của Bạch xà tinh, kể ra cũng đúng. Chuyện này chính hiền điệt kể cho ta nghe, khi chúng ta tới thăm nhà thanh lâu đó mà.
Lã tổ hiểu ra, cười xòa, hỏi Hà tiên cô cho biết chuyện Bạch xà tinh phá hủy Kim sơn như thế nào, tiên cô mới lần lượt kể ra.
Nguyên Bạch xà tinh đầu thai làm vợ Chu Tiểu Quỉ, đã cùng ân nhân thông gian, trước tiên bị Lã tổ phát giác gian tình, sau đó đích thân Hà tiên cô đi phá án. Người đàn bà này lập chí ở vậy đền ơn, nên gian tình có khác với các vụ ngoại tình tầm thường.
Tuy mụ có giết hai mạng người, chung qui cũng bởi hai người đó biết sự tình mà chống đối mụ, khiến mụ không thể đền ơn, nên mới mưu sát họ. Đó cũng là chuyện vạn bất đắc dĩ, tình tiết có khác so với việc giết người bình thường. Vì thế, Bạch xà tinh thống hận Hà tiên cô can thiệp vào việc của nó, phá hoại việc tốt của nó, lại hại tính mạng nó nữa. Sau khi chết, oan khí không thể tan được. Xưa nay , những ác quỉ như mụ sớm lạc xuống âm phủ, chịu đủ thứ hình phạt cõi âm. Rất may cho Bạch xà tinh được giáo chủ Ma giáo ra sức giúp đỡ, xin với Diêm vương cho ông được mang quỉ hồn Bạch xà tinh đi, đem cất giấu trong một pháp bảo của ông, có tên là "túi đựng hồn". Hồn Bạch xà tinh được tàng trữ trong túi được chừng hai, ba trăm năm, thỉnh thoảng được giáo chủ phun nước phép, nên lúc đầu chỉ là một sợi khí đen, dần dần hết thành hình rắn. Lúc đó, giáo chủ mới thả nó ra khỏi túi, dạy nó tu luyện pháp thuật, biến thành hình người. Vào khoảng đời Tống Thần Tông, nó mới tu luyện thành công.
Nghe được ân nhân lại chuyển thế làm người, ở ngõ hẻm Tây Tử, thuộc thành Hàng Châu, họ Hứa, tên Tiên, Bạch xà tinh linh chưa mờ tối, chí đền ơn vẫn tha thiết, mới xin sư phụ cho phép được xuống núi, vào đất Chiết, đi tìm ân nhân họ Hứa. Thông Thiên giáo chủ biết đệ tử đi chuyến này sẽ gặp nhiều phong ba, nên nhất quyết không chấp thuận. Bạch xà từ khi biết tin ân nhân ở trên dương thế, ngày đêm thắc thỏm, đứng ngồi không yên, giấu giáo chủ, tự ý xuống núi, tìm tới Hứa Tiên, cùng chàng kết thành vợ chồng chính thức, giúp đỡ chàng gây dựng nghiệp nhà, trở thành giàu có cự vạn.
Không dè, năm đó gặp tiết đoan dương (1), Bạch xà uống quá chén, hiện xuất nguyên hình, thành một con rắn cực lớn, vừa to vừa thô ráp, nằm cuộn tròn trên giường. Hứa tiên đi tới, vừa vén bức màn lên, trông thấy liền kinh hãi, chết giấc. Bạch xà tỉnh dậy, thấy chồng đã chết thật, liền khóc lóc ầm ĩ. Nghe nói trong vườn Tây vương mẫu có thứ cỏ tiên, chỉ cần nhổ một cọng, là có thể cứu sống, Bạch xà mới đích thân lên Dao Trì, trộm được cỏ tiên đem về. Tới nửa đường, bị thần tướng canh giữ vườn phát giác, đuổi theo. Rất may cho Bạch xà lúc đó đang mang bầu mười tháng, sắp sinh. Thượng đế thương nó có chí đền ơn, vạn kiếp không đổi, đặc biệt ban cho nó một đứa con kỳ lân thượng đăng, sau này sẽ đỗ trạng nguyên, tự nhiên các vị thần phải bảo hộ thai nhi thôi. Bạch xà cùng các vị thần tướng đánh nhau một trận, bất phân thắng bại. Dần dần Bạch xà xuống sức, đỡ không nổi. Vừa hay có vị thần linh bảo hộ cho Văn khúc tinh quan, nói cho các vị thần tướng biết rõ uẩn khúc, các thần tướng đành buông tha cho Bạch xà về nhà, chữa trị cho Hứa Tiên. Chẳng dè Hứa Tiên khỏi bệnh, mạnh khỏe như cũ, mới lên chùa Kim sơn, tạ ơn Thần, Phật phù hộ. Sư trụ trì chùa là Pháp Hải hòa thượng, vốn là cao tăng đắc đạo, biết Hứa Tiên bị yêu nhân mê hoặc. Yêu nhân này, tuy vì báo ơn mà tới, nhưng giao tiếp với yêu lâu ngày, rốt cuộc cũng bị nó hại chết mà thôi. Vì thế, hòa thượng mời Hứa Tiên vào phòng phương trượng, điểm tỉnh cho chàng về nhân quả kiếp trước, khuyên chàng ở lại chùa mà tu hành, đừng về nhà nữa. Hứa Tiên nhớ lại chuyện ngày đoan dương, trong lòng hoài nghi, sợ hãi. Bạch xà có bịa đặt nhiều lý do để phô trương và tự bảo vệ, nhưng Hứa Tiên nghi nhiều hơn tin. Nay nghe Pháp Hải nói một lời rành rọt, chàng càng sợ, mới theo lời khuyên của hòa thượng, không chịu về nhà nữa. Bạch xà biết được, dẫn dắt ba ngàn yêu binh tới đánh phá Kim sơn, dẫn nước lên, đổ xuống chùa. Nếu nói về đạo thuật, Bạch xà làm sao sánh kịp Pháp Hải ? Nhưng vì nó đang mang thai, mà thai nhi này về sau sẽ đỗ trạng nguyên, bất luận Đạo môn hay Phật môn, ai cũng có lòng "ném chuột kiêng vỡ đồ quí", sau cùng Pháp Hải đành phải gọi Hứa Tiên ra, bảo chàng tạm trở về nhà, đợi sau khi vợ chàng sinh nở, ta lại tìm cách cứu cho. Hứa Tiên nghe lời, theo vợ về nhà. Lúc bỏ đi, Bạch xà nhìn thấy tấm bia có chữ lớn của Long vương, dựng ở chùa Kim sơn, biết rằng bia này có quan hệ tới Hà tiên cô, liền thi triển yêu thuật, đánh ngã tấm bia, rơi xuống đáy sông, để trút nỗi căm hận năm xưa. Vừa hay có dạ xoa tuần tra biển trông thấy, vội về báo cáo với Long vương. Long vương nổi giận, phát binh đuổi theo Bạch xà. Đi tới Kim sơn, được Pháp Hải báo tin cho biết, nói Bạch xà chưa tới lúc gặp kiếp nạn, Long vương không biết làm sao, đành thu hồi tấm bia đá, đem về Thủy tinh cung. Từ đó, tấm bia được cất giữ ở long cung, không xuất hiện trên đời nữa.
----------------------------
(1 ) Mồng 5 tháng 5, cỏn gọi tiết đoan ngọ.

Hà tiên cô kể tới đây, quay nhìn Lã tổ, cười nói :
- Đạo huynh đã nghe rõ chưa ? Chính mẹ vợ anh đã hủy diệt cổ tích kỷ niệm của tôi, anh phải thay mặt bà ta bồi thường tổn thất cho tôi mới được. Đừng đứng đó mà giả mù sa mưa nữa.
Lã tổ cười, nói :
- Tiên tỉ đừng điêu ngoa như thế. Tôi chỉ biết Bạch Mẫu Đơn hiện nay đang tu đạo sắp thành, có biết gì về những việc làm của Bạch xà tinh đâu ? Chị nên kể tiếp câu chuyện cho mọi người cùng nghe thì hay hơn.
Hà tiên cô đồng ý, lại kể tiếp :
- Bạch xà sinh được một người con trai. Lúc bà ta sinh nở, bao nhiêu pháp thuật đều không thể đem ra sử dụng. Pháp Hải thấy đây là cơ hội tốt không nên bỏ lỡ, mới lén ước hẹn cùng Hứa Tiên, đưa cho chàng một cái bát bằng vàng, bảo chàng chiếu chiếc bát về phía bạch xà, có thể trừ yêu, dứt họa, vĩnh viễn không lo hậu hạn.
Lúc đó Hứa Tiên lại bị Bạch xà làm cho say mê, thần trí không sáng suốt. Vả lại, cô ta đã sinh được cho chàng một đứa con, tình vợ chồng càng thắm thiết. Nhưng nghĩ cái bát nhỏ nhoi thế này làm gì có hiệu dụng lớn ? Đã nói là có thể tránh tà, vợ chàng không hề là yêu nhân, còn sợ gì chứ . Chàng mới cầm cái bát leo lên. lầu, tính đưa cho Bạch xà coi, cùng nhau thưởng ngoạn, chuyện trò. Nào ngờ, vừa bước lên lầu, gặp đúng lúc Bạch xà đang chải đầu rửa mặt. Hứa Tiên tiến lại, cười nói :
- Bà xã, cái ông Pháp Hải hòa thượng bất chợt lại tới, đưa cho anh món đồ chơi này đây.
Đồng thời mở nắp chiếc bát. Bạch xà tinh vừa nghe tới hai tiếng "Pháp Hải", liền kinh hãi, tính chạy trốn. Bỗng quay đầu nhìn lại, một đạo linh hồn sớm bay vào trong chiếc bát, lập tức biến thành con rắn nhỏ, dài chừng một tấc, ẩn hiện lờ mờ trong bát. Hứa Tiên kinh hãi vô cùng, tự động quăng chiếc bát xuống đất, bản thân ngã lăn ra, chết giấc. Pháp Hải mới lên lầu, cứu tỉnh Hứa Tiên, nói cho chàng rõ về tiền nhân hậu quả, nhân đó đưa Hứa Tiên về chùa, cho chàng xuất gia. Theo người ta nói, vì sư phụ của Bạch xà vân du phương xa, không cứu kịp, nên Bạch xà mới bị nhốt ở đáy tháp Lôi Phong, bên Tây Hồ. Tháp này do Tiền Vũ Túc vương cho dựng lên, bên trong có những lỗ hổng tạo ra bởi rút bớt vài viên gạch. Đó là định chế do mấy người thợ nề thực hiện. Trong mỗi khoảng trống như thế, đều có cất giấu một cuốn kinh Kim Cương, có thể trấn áp tà ma. Bạch xà vào đáy tháp rồi, tuân theo pháp chỉ của Pháp Hải, qui nhập Thiền tông, chăm lo kinh kệ. Theo lời Pháp Hải nói, nếu Bạch xà biết tu tâm sửa tính, khắc khổ tu trì, sau này sẽ thành chính quả. Bạch xà tuy là người của Ma giáo, nhưng lương tâm không hủy hoại, nên vì lỗi lầm mà mắc nạn ngày hôm nay, chính là nền tảng để thành công sau này.
Về sau, con trai của Bạch xà thi đậu trạng nguyên, phụng chỉ đi tế tháp. Bạch xà lại vâng pháp chỉ ra ngoài tháp để gặp mặt con. Lúc đó, Pháp Hải hòa thượng cưỡi mây bay đến, khảo sát công phu của bạch xà, thấy tiến bộ rất nhiều, hết sức mừng rỡ, thu nhận làm học trò, lại nói lời dự ngôn rằng : nếu Bạch xà cứ cố gắng như hiện nay, không chút trễ biếng, thì trong một ngàn năm, ắt thành chính quả. Lúc đó, tháp Lôi Phong sẽ đổ, Bạch xà có thể lên trời. Đó là chuyện tương lai, đại khái là Bạch xà cứ giữ lòng trung hậu, lương thiện như hiện nay, lẽ nào lại chẳng thành công . Chúng ta cứ chờ xem.
Lã tổ tính toán một hồi, gật đầu, nói :
- Lúc con vật này thành công, chốn trung nguyên không còn ông hoàng đế nào nữa. Mà trong Đạo gia chúng ta, cũng có biến động nho nhỏ, và việc quan trọng nhất trong đó là Trương thiên sư lúc đó bị phế bỏ.
Trương Quả tiếp lời :
- Chuyện đó không sai chút nào. Năm xưa ở trên Long Hổ sơn, tôi từng nói chuyện với thiên sư, thấy ông ấy chẳng được vui vẻ. Thật tình, việc này cũng có số định trước, làm sao miễn cưỡng được?
Lã tổ nói:
- Thiên hạ chẳng có việc gì là bất biến. Thiên sư là người phàm, được hưởng uy quyền quá cao, mà không có chút bản lãnh nào, chỉ nhờ trời cho từ khi sinh ra, bàn tay đã có dấu ấn mới làm nên sự nghiệp, tước phong chân nhân, giữ chức thiên sư, quá dễ dàng. Những sự việc như thế, sao có thể mãi mãi không đổi .
Câu nói chưa dứt, Thiết Quài và Chung Li Quyền đã lên tiếng :
- Thiên cơ bất khả lậu, hai vị nên thận trọng lời nói.
Hai vị tiên Lã tổ, Trương Quả tỏ vẻ sợ hãi, nói :
- Tôn sư nói rất đúng. Từ nay mọi người nên giữ miệng, thận trọng lời nói mới tốt.
Sau đó, các vị tiên rời khỏi Kim sơn, cùng tới Cô Tô. Nghe nói người dân Tô Châu rất tin Lã tổ, hàng năm cứ vào ngày mười bốn tháng tư, là ngày đản sinh của Lã tổ, người ta kéo tới miếu thắp hương rất đông đảo. Lúc đó đúng vào kỳ dâng hương, trai gái kéo nhau đi lễ náo nhiệt khác thường. Bát tiên biến ra người thường dân, tới đó thưởng ngoạn. Tới miếu, chỉ thấy từ trong ra ngoài, từ trước ra sau miếu, người ta chen chúc nhau, già trẻ, gái trai đủ mặt. Người ta cầu con, hoặc cầu khỏi bệnh, bình an, thật thành tâm. Bát tiên đi coi một vòng, Lã tổ lấy tư cách là chủ nhân, mời mọi người vào bên trong uống trà, điểm tâm chút đỉnh. Các vị tiên đều nói :
- Cứ để chúng tôi tự nhiên ăn uống, bất tất phải mời mọc.
Mọi người uống sơ qua vài chén trà, lại trở ra. Bỗng thấy một người đàn ông, nước mắt chèm nhem, tay cầm một chân nhang, vội vội vàng vàng tìm lối cửa sau đền mà ra, anh ta không nhắm hướng đường cái, lại tìm lối đi nhỏ vắng vẻ đằng sau đền mà đi.
Bát tiên bảo nhau :
- Người đàn ông này có vẻ hoảng hốt, nhìn mặt thấy đầy chính khí, hắn là người tử tế mà gặp phải chuyện gì đau khổ lắm đây. Anh ta nhổ chân nhang cầm tay, ắt là định trị bệnh cho một người nào. Chúng ta hãy đi theo, thăm dò thử xem.
Vì thế, bát tiên đều ẩn thân, âm thầm theo dõi. Thấy anh ta đi tới một nơi nọ, đưa mắt nhìn quanh, thấy không có người qua lại, mới vội vã vén tay áo bên trái, để hở cánh tay, tay phải rút ra một con dao sắc, mím môi, nghiến răng, hô to lên rằng :
- ông Trời, hỡi ông Trời ! Tiểu nhân là Diệp Bách Dân, trong nhà chỉ có người cha già, đã tám mươi tuổi. Tiểu nhân giận mình từ nhỏ tới giờ chẳng chút tài năng, nên không thể làm trọn hiếu đạo để cha già sống không thoải mái, ăn uống chẳng đầy đủ. Nay lại lâm bệnh nằm một chỗ, mạng sống chỉ trong sớm tối. Tiểu nhân đã không thể mời thầy về điều trị, lại không tiền mua thuốc, chỉ có một tấm lòng thành, lóc thịt cánh tay để cứu cha. Nếu ông Trời thương tiểu nhân ở tấm lòng thành, phù hộ cho cha tôi chuyển nguy thành an, cho cha tiểu nhân được sống thêm bao nhiêu năm, tiểu nhân tình nguyện chịu giảm thọ ngần ấy năm. Muôn ngàn lần cầu mong ông Trời thương cha con tôi !
Nói rồi, nước mắt như mưa, đưa cao con dao nhọn ở tay phải, cắt ra một tảng thịt ở cánh tay bên trái. Bát tiên thấy sự tình, than thở không dứt. Lã tổ lập tức thi triển diệu pháp, phất tay một cái, máu trên vết thương liền ngưng chảy, Diệp Bách Dân không thấy một cảm giác đau đớn nào, liền tươi nét mặt, lấy tro trên chân nhang chà lên vết cắt, lập tức thành sẹo. Bách Dân ngạc nhiên, cho là thần nhân phù hộ, vội quì xuống, dập đầu lạy liền bảy, tám cái, sau đó mới xoay mình, tìm đường cái mà đi. Bát tiên ở lại chỗ cũ, cùng nhau bàn bạc về chuyện Diệp Bách Dân lóc thịt cứu cha, ai cũng khen ngợi, quyết tìm cách cứu giúp gia đình anh ta.

#91
    bevanng 23.07.2008 11:02:42 (permalink)
    Hồi Thứ 99

    Thần tiên để lại Cô Tô giai thoại.
    Vọng tiên kiều vì Tây Tử thêm vẻ vang.

     
    Diệp Bách Dân trở về nhà, đem miếng thịt lóc ra từ cánh tay nấu chín, dâng cho cha xơi. Trong khi đó, bát tiên lần theo tung tích tìm tới nhà, vời gọi thổ địa nơi đó, hỏi thăm về hành vi thường ngày của Diệp Bách Dân, biết được chàng ta là một hàn sĩ nghèo khổ, kiêm nghề thầy thuốc, chữa trị cho dân trong vùng.
    Nhưng chàng ta vốn tính đần độn, đọc sách đã hai mươi năm mà viết chữ không ngay ngắn. Nửa đời vất vả, phí công chữa bệnh cho người, mà tiền bạc kiếm chẳng được bao nhiêu, không đủ chi dụng cho việc hiếu thuận mẹ cha. Nay đã ngoài bốn mươi tuổi còn chưa lấy vợ và cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới chuyện đó, chỉ ráng lo việc mưu sinh để nuôi dưỡng cha mẹ. Năm rồi, bà mẹ lại qua đời, chàng ta phải tới một tiệm thuốc, đề nghị làm việc không công cho người ta, nói rõ rằng trong vòng ba năm, bao nhiêu tiền bệnh nhân trả cho đều qui về chủ tiệm thuốc. Đổi lại, tiệm thuốc cho chàng mượn năm chục lạng bạc, lấy tiền lo đám táng cho mẹ.
    Cũng may chủ tiệm là người biết điều, lại thương chàng có hiếu, hàng năm vẫn cấp cho chàng chút tiền tiêu xài lặt vặt. Bách Dân không dám đụng tới một đồng, có bao nhiêu đều giành để mua của thơm ngon, cung phụng cha. Chẳng dè gần đây, cha chàng mắc bệnh, càng ngày càng nguy kịch. Vì thế, chàng tới miếu Lã tổ cầu xin, lóc thịt cánh tay để cứu cha, gặp đúng lúc bát tiên đi tới, Lã tổ đã điều trị vết thương cho Bách Dân, tiễn chàng về nhà. Lã tổ lại phun nước phép lên mình người cha, bệnh liền khỏi hẳn.
    Lã tổ thấy Bách Dân quá nghèo khổ, mới bàn bạc cùng các vị tiên:
    - Người này rất hiếu thuận, lại quá nghèo túng, chúng ta phải làm một điều gì cho anh ta mới được.
    Hà tiên cô cười nói :
    - Người ta sùng bái anh, anh phải nghĩ cách gì chiếu cố người ta, mới đúng đạo thần tiên chứ.
    Lã tổ cười, nói :
    - Việc này không mấy dễ dàng. Các vị cứ ở trong miếu ngồi chơi và chờ xem. Tôi sẽ tới nhà, chiếu cố anh ta, và có biện pháp giúp anh ta phát tài nữa. Ông liền hóa ra một người hành khất, tới nhà họ Diệp để xin ăn. Phòng ốc nhà họ Diệp rất nhỏ, bên trong nói chuyện gì, bên ngoài nghe thông thống.
    Lã tổ vừa lên tiếng xin ăn, vừa lắng nghe. Bên trong có tiếng một người già nói :
    - Con à, nhờ thần tiên lão gia phù hộ, cha mới được lành bệnh. Nên biết rằng những ngày tháng về sau, đều là do thần tiên gia gia ban cho cả. Con phải đặc cách làm người tốt, làm nhiều việc thiện mới được. Tuy nhà ta nghèo khó, nhưng trên đời còn nhiều người nghèo hơn chúng ta. Con nghe coi, bên ngoài dường như có tiếng người hành khất, lên tiếng xin ăn đó, phải không ? Người này hẳn là nghèo hơn chúng ta rồi. Con hãy đem những thức ăn thừa của cha, gồm có mấy tô cơm nguội, cùng dưa muối và thịt tươi, đều là những thức ăn con mới mua về đó, đem tất cả cho người đó xơi.
    Lại có tiếng người trả lời :
    - Xin cha yên tâm. Con nhất định chiếu cố anh ta.
    Câu nói vừa dứt, liền thấy một người đàn ông trung niên đi ra.
    Lã tổ nhận ra người đó chính là người đàn ông đã lóc thịt ngày hôm qua, liền tiến lại, lên tiếng cầu xin. Bách Dân hướng về phía người ăn xin, buông tiếng thở dài, nói:
    - Đại ca, không dè anh đường đường là một nhân tài, lại nghèo khổ hơn cha con tôi nữa. Thật đáng thương ! Anh hãy đợi chút, để tôi vào trong bếp lục lọi, kiếm chút thức ăn gì, mời anh lót dạ nhé.
    Lã tổ ngỏ lời cảm tạ. Bách Dân đi không bao lâu, quả nhiên mang tới hai tô cơm, hai miếng thịt, một đĩa dưa muối, đặt ở nhà giữa, nói :
    - Đại ca lại đây. Trong nhà tôi còn có hai tô cơm, chúng ta mỗi người ăn một tô nhé.
    Lã tổ tiến lại vài bước, trịnh trọng ngồi xuống, đối mặt với Bách Dân, thấy có hai miếng thịt kho, bất giác chau mày, nói :
    - Tôi không tin nhà anh ăn uống đạm bạc thế này. Tại sao chỉ có hai miếng thịt nhỏ xíu ? Nói thực với anh, hai miếng thịt này tôi ăn, không đủ lót bao tử lép kẹp của tôi.
    Bách Dân nghe vậy, bất giác há hốc miệng, nói :
    - Đại ca sao lại nói vậy ? Chúng tôi quả thật nghèo rớt mồng tơi chẳng có thức ăn gì ngon lành, nên mới mạo muội yêu cầu anh ăn chung với tôi chút thức ăn thừa của cha tôi. Nói như đại ca, chẳng hóa ra cung cách của một công tử ca ca, đòi ăn sang hay sao? Nếu vậy, tiểu đệ chẳng dám mời mọc, mà đại ca cũng không phải hạng người vác bát đi xin ăn hàng ngày.
    Lã tổ nổi giận nói :
    - Anh nói không có đạo lý gì cả. Tôi tới nhà, thì là khách của anh, anh lại nại cớ khó khăn, không chịu nghĩ ra một cách gì, kiếm vài ba món rau, đậu, để chúng ta cùng nhâm nhi chút rượu, mới phải đạo chứ. Huống chi trong nhà anh còn cất giấu cả một nồi thịt, đầy tú hụ, và một liễn cơm trắng ngon lành, sao anh không lấy ra đây, lại kiếm lời nói gạt tôi, há phải đạo đãi khách hay sao ?
    Bách Dân ngạc nhiên, nói :
    - Vị ca ca này đúng là thích nói giỡn. Tiểu đệ nghèo mạt rệp, ngay cả rau dưa tầm thường cũng không mua nổi, đào đâu ra một nồi thịt heo ? Chỉ vì cha tôi bệnh nặng vừa bớt, không thể ăn lạt, vừa rồi tiểu đệ mới đem cầm cố chiếc áo, lấy chút tiền, mua hai lạng thịt về kho để cha ăn, cho đỡ lạt miệng. Làm gì có một nồi thịt chứ ? Còn gạo, chỉ còn đúng một lon, để ngày mai nấu bữa cơm trưa. Chỗ cơm này là cơm cha tôi ăn không hết đấy thôi. Làm gì có một liễn cơm trắng chứ ? Đại ca, những lời vừa rồi là lời chân tình tiểu đệ nói với anh đó.
    Lã tổ cất tiếng cười vang, nói :
    - Tốt, tốt. Hãy dẫn tôi vào nhà bếp xem thử, coi tôi có nói oan cho anh hay không ?
    Bách Dân không được vui, nắm áo Lã tổ lôi vào nhà bếp xem thử. Nào ngờ vừa vào tới nhà bếp, đã thấy mùi thịt thơm lừng, xông vào tận mũi. Mở nồi ra coi, một chân giò heo đang ninh, đã bắt đầu nhừ, dọn ăn vừa đúng tầm. Lã tổ lại tự tay mở vung cái nồi nấu cơm, bên trong đầy ắp cơm trắng đang sôi sùng sục. Bách Dân nhìn thấy mắt mở trừng trừng, miệng há hốc. Lã tổ cười nhạt, nói :
    - Thế nào, tôi có nói oan cho anh không ? Chính anh soát soét cái miệng nói mình nghèo khổ, thì ra là giả bộ nghèo túng để gạt tôi thôi !
    Bách Dân lúc đó, phúc đáp tâm linh, trong lòng bỗng sáng suốt, vội quì xuống dưới chân Lã tổ, dập đầu lạy, miệng hô to :
    - Đại ca nhất định là thần tiên trên trời, vì thương tiểu đệ nghèo khổ, đặc biệt tới đây, cứu cha con tiểu đệ đây mà. Cầu xin đại tiên đại phát từ bi, ra tay cứu cho.
    Lã tổ nghe vậy, bất giác cười lớn tiếng, nói :
    - Anh chẳng những còn  là con quỉ keo kiệt, còn là kẻ ngu đần, hèn chi nghèo túng thế này cũng phải. Anh đã thấy thần tiên trên trời hồi nào chưa ? Thần tiên chân chính đời nào lại chịu vô duyên vô cớ chạy tới nhà người nghèo khổ xin ăn .
    Nói rồi, liền rảo bước lên nhà trên, vỗ bàn vỗ ghế, lớn tiếng đòi mau mau đem thịt lên để ta hưởng dụng. Bách Dân vâng lời, mang nồi thịt lên, múc ra tô lớn, lại bới chén cơm nóng, mời người ăn mày xơi. Nói không ai tin, thịt múc ra tô, trong nồi còn nguyên; cơm bới ra chén, trong nồi đấy ắp. Bách Dân càng tin chắc người ăn mày là thần tiên. Người dân Tô Châu rất tin Lã tổ, hôm qua anh ta vừa tới miếu Lã tổ thấp hương, vị thần tiên trước mặt đây chắc là Lã tổ hóa thân, tới đây để thử thách lòng thành và hành vi của anh. Vì thế anh ta kính cẩn bưng cơm, bưng thịt tới trước mặt Lã tổ, cung kính nói : "Mời đại tiên hưởng dụng", tự mình ngồi xuống đất, đợi bới cơm. Lã tổ không quan tâm tới Bách Dân nữa, bới chén cơm nào, ăn hết chén cơm đó, làm một hơi hơn hai chục chén, ăn một hơi hết năm, sáu tô thịt, bấy giờ mới nói:
    - Anh là một chủ nhà ngu ngốc. Ta chưa từng thấy chủ nhân nào không hiểu đạo lý như anh. Ta ăn hết bao nhiêu thịt, bao nhiêu cơm, anh không xót dạ hay sao ?
    Bách Dân không trả lời, chỉ phục xuống đất, dập đầu lạy, cầu xin cứu vớt. Lã tổ không lý tới anh ta, lại tiếp tục ăn cơm, ăn thịt.
    Làm hết ba mươi bát cơm, mới đứng dậy, vặn mình vặn mẩy, đưa tay xoa bụng một lát, mới ngước mặt nhìn trời, cất tiếng cười ha hả, rồi nói :
    - Tốt tốt. Bây giờ mới thấy dễ chịu. Chủ nhà ơi, anh cũng ăn một chén đi. Thứ lỗi cho ta đang ê ẩm trong mình, cần nghỉ ngơi một chút.
    Nói rồi, nằm gục trên bàn, ngáy như sấm, ngủ mê man. Bách Dân không dám bỏ đi, phục xuống mặt đất. Hồi lâu, người cha không thấy con trai, mới chống gậy bước ra. Vừa nhìn, thấy Bách Dân quì trước mặt người ăn mày, liền kinh hãi. Bách Dân vội thưa:
    - Vị này chính là Lã Thuần Dương tổ sư.
    Người cha nghe vậy, không cần hỏi han thêm, vội vã quì xuống bên cạnh con trai. Lã tổ chợt tỉnh dậy, thấy hai cha con cùng quì bên cạnh mình, bất giác cất tiếng cười ha hả, nói :
    - Hai cha con tính đòi ta tiền bữa ăn, phải không ? Có gì thì nói ra, hà tất phải làm như thế ?
    Hai người vội thưa :
    - Xin đại tiên chiếu cố. Xin tổ sư ban phúc.
    Lã tổ hai, ba lần thúc giục cha con đứng lên, hai người vẫn không dám, cứ quì như cũ. Lã tổ liền nổi giận, nói:
    - Thiên hạ sao có những người ngu xuẩn như thế ? Cứ một mực quì gối, không chịu đứng lên, chắc hẳn là tiếc bữa cơm thịt đãi ta ăn chứ gì ? Thôi được, ta trả cho đây.
    Nói rồi, "Oẹ" một tiếng, nôn thốc nôn tháo những thứ đã ăn, tung tóe trên mặt đất, dây cả lên đầu và mình hai cha con. Hai người vội ngửng nhìn lên, không thấy người ăn mày đâu nữa, chỉ ngửi thấy một luồng hơi, thơm phưng phức, xâm nhập tận xương tủy phát ra từ những thức ăn Lã tổ vừa nôn ra. Hai cha con lại dập đầu lạy, rồi đứng lên. Bách Dân đem sự tình bẩm báo cùng cha. Hai cha con chỉ biết than thở rằng mình không có tiên duyên chẳng được người tiên thương tưởng. Sau đó lấy chổi quét những thức ăn nôn ra, gồm thành đống ở một góc sân. Chẳng ngờ chỉ trong chớp mắt, từ đống rác mọc lên một cây cỏ thơm, đưa hương thơm tỏa khắp căn nhà, xâm nhập ngũ quan, xương cốt, lan ra khắp cơ thể khiến toàn thân thoải mái, tinh thần tăng gấp bội.
    Người cha của Bách Dân tóc đang trắng xóa chuyển sang đen nhánh, mắt sáng, tai thính, bước đi mạnh mẽ. Bản thân Bách Dân cảm thấy đầu óc sáng suốt, tâm hồn vui vẻ. Chuyện này truyền đi xa, trong vòng một trăm dặm, ai cũng nghe biết. Những người có bệnh đều tới chỗ Bách Dân, xin điều trị. Bách Dân lúc đó thần trí rộng mở, đầu óc sáng suốt, vừa bắt mạch liền đoán ngay ra bệnh tình. Mỗi khi gói thuốc, đều bỏ vào trong đó một nhánh cỏ thơm, có công hiệu giải trừ mọi căn bệnh. Trong một thời gian ngắn, Diệp Bách Dân nổi tiếng thần y, truyền tụng xa gần; chưa đầy ba năm, trở thành giầu có cự vạn. Nghe đồn thứ cỏ thơm Lã tổ truyền cho Diệp Bách Dân có tên là "vạn niên thanh".
    Sau chuyện Lã tổ cứu ứng Diệp Bách Dân, chừng vài năm nữa ở thành Tô Châu lại có việc lạ xảy ra. Nơi đó có một cửa tiệm chuyên bán thịt muối, trứng muối, chủ nhân họ Lục, được xưng là Lục thiện nhân. ông ta mỗi năm kiếm được nhiều tiền, không dùng hết, đều bỏ ra bố thí cho người nghèo, nên được mỹ hiệu đó.
    Mùa đông năm đó, dân quê mất mùa, người nghèo rất đông. Nghe Lục lão ưa bố thí, những người dân làng nghèo khổ đó, đỡ già dắt trẻ, kéo đến xin ăn. Nhưng cửa tiệm không lớn lắm, năm đó lại làm ăn không khá, những người từ bậc trung trở xuống đều tiết kiệm việc chi tiêu, không khỏi ảnh hưởng tới sinh hoạt nơi chợ búa, huống hồ là một tiệm tương chao nhỏ bé ? Việc buôn bán ế ẩm, Lục lão thấy việc duy trì cửa tiệm còn khó khăn, làm gì có dư tiền mà bố thí ? Nhưng người ta mộ tiếng mà tìm tới, lẽ nào lại có thể cự tuyệt ? Cũng may, ông còn có một số ruộng xấu, cho người ta thuê để canh tác, và một căn nhà cho thuê, số tiền thu được cũng đủ cho ông làm từ thiện. Tuy nhiên, số tiền có hạn, người yêu cầu ngày một nhiều, chỉ một thời gian ngắn, số tiền đó đã sạch bách. Có những người từ xa tới, không được ông giúp đỡ, còn không đủ tiền mà trở về làng. Lục lão đối với những người đó chỉ biết than thở và rơi nước mắt. Một ngày kia, vào lúc chập tối có người hành khất tới nhà, toàn thân ghẻ chốc, hai cẳng lại lở loét.
    Vừa bước tới cửa, người đó liền ngã lăn ra, không thể cử động. Hỏi tới, chỉ nghe hắn nói ú ớ, nghe không rõ, thỉnh thoảng lại đưa tay chỉ vào bụng, ý nói đang đói. Lục lão thấy người này thật đáng thương, lại nhìn sắc trời đang thay đổi, dường như sắp có tuyết rơi, mới nói với một người phổ ki :
    - Người này quá khổ sở, nếu đêm nay bị bão tuyết thổi qua, chắc là chưa tới sáng mai, đã chết vì đói rét. Ta lúc này dẫu đang nghèo túng, nhưng lẽ nào thấy chết không cứu ? Ngươi hãy đỡ hắn dậy, đưa hắn vào ngủ trong nhà bếp, lấy chút hơi nóng, sau đó lấy trà nóng cho uống, cơm nóng cho ăn. Ngày mai lại mời Diệp tiên sinh ở hẻm đằng trước, tới xem bệnh cho hắn, cấp thuốc cho uống, điều trị cho lành, cũng là điều công đức vậy.
    Vị Diệp tiên sinh mà Lục lão nói tới, chính là Diệp Bách Dân đã được Lã tổ cứu giúp trước đây. Lúc này, ông ta đã nổi tiếng, hễ người nào được ông điều trị, cho thuốc uống, đều khỏi cả. Ông tự nhận mình được tiên nhân cứu giúp mới có kết quả ngày nay, nên đối với người bệnh, ông không đòi hỏi tiền khám bệnh, ngay cả tiền thuốc cũng tùy hỉ. Về sau, ông lại mở một cửa hàng bán thuốc ở ngay trước nhà, không mong kiếm tiền, chỉ lo tích đức.
    Tuy nhiên, sau một năm kết toán sổ sách, doanh thu cũng khá. Hiện giờ chính là lúc tiệm thuốc mới mở, Lục lão cùng Diệp Bách Dân qua lại rất thân, nên mới có câu nói vừa rồi. Anh phổ ki chê người ăn mày dơ bẩn, gớm ghiếc, không chịu nâng đỡ. Lục lão không biết làm sao, đành tự tay nâng người ăn mày lên. Nào ngờ, vừa nâng đỡ, liền phát sinh một điều kỳ lạ. Lục lão thấy một luồng hơi thơm phức phát ra từ cơ thể người ăn mày, thâm nhập vào xương tủy, khiến toàn thân thư thái. Lục lão lúc đó đang dốc lòng làm việc thiện, trước mắt là chữa trị cho người ăn mày, lòng đang ngổn ngang trăm mối, nên cũng không chú ý lắm. Người ăn mày ở lại nhà ông nhiều ngày, lại được ông mời Diệp Bách Dân đích thân tới xem bệnh, cho thuốc. Ứớc chừng mười ngày, người ăn mày mới hoàn toàn bình phục, dập đầu lạy, xin đi. Lúc ra đi, lại dặn dò Lục lão :
    - Tiểu nhân đội ơn lão tiên sinh chữa trị, được cải tử hồi sinh, không biết lấy gì để đền ơn, chỉ có một lời này, xin lão tiên sư nhớ kỹ, đừng quên. Bất cứ đồ dùng nào tiểu nhân đã sử dụng, cùng tất cả những đồ vật để lại, nên cất giữ cho kỹ. Về sau, được phát tài, thăng quan, đều nhờ những thứ ấy đấy.
    Nói rồi, chống nạng, từ biệt mà đi. Lát sau, anh phổ ki tiến lại báo cáo :
    - Tên ăn mày này quả thật không phải con người. Lúc đứng dậy ra đi, ngay cả những chăn đắp, chiếu nằm hắn cũng bỏ lại một đống, không chịu xếp gọn. Lại còn phóng uế ra nhà bếp nữa. Hạng người cẩu thả như thế, nên bỏ mặc cho chết bên ngoài, còn cứu giúp làm chi ?
    Câu nói đó cảnh tỉnh Lục lão. Ông bảo mọi người không được đụng tới những đồ đạc của người ăn mày, đích thân ông chạy tới xem. Quả nhiên chăn, chiếu vất lung tung trên nệm rơm, và còn nhiều dấu vết của phân nửa. Lục lão nghĩ thầm : "Người ăn mày có những cử động thực kỳ lạ đây". Cúi xuống nhìn xem, điều kỳ quái xuất hiện liền. Một mùi thơm thoang thoảng toát ra từ chiếc nồi đất đựng phân, mà đống phân đó lại phát ra ánh sáng lấp lánh. ông biết là chuyện lạ, đưa tay sờ thử, thấy cứng như sắt, lại lạnh như băng. Nhận định rõ, thì ra những cục phân đều biến thành vàng, ông mới biết người ăn mày chính là thần tiên, đặc biệt tới đây ban phúc cho ông. Lục lão đột nhiên trở thành người giầu có.
    Về sau, ông rút những cọng rơm ở chỗ nằm của người ăn mày, đem ra để nướng thịt, thịt liền phát ra mùi hương lạ. Bỏ thịt vào trong nồi ninh lên, mỗi nồi thịt chỉ cần bỏ vào một cọng rơm, cả nồi thịt đều thơm phức. Nhân đó, món thịt muối của nhà họ Lục được nổi tiếng. Ai cũng nói cọng rơm của thần tiên để lại đã đem tới mùi thơm lạ, được người đời truyền tụng ngang với thứ cỏ thơm ở nhà Diệp Bách Dân vậy. Con cháu nhà họ Lục nhờ vậy mà phát tài tới mấy đời liên tiếp. Chiếc chăn đắp của người ăn mày còn lem luốc những vết máu mủ. Theo lời Diệp Bách Dân nói, thứ này cũng có công dụng như thứ cỏ thơm nhà ông. Nếu đem cắt thành những miếng nhỏ vuông vắn, đem đốt lên, bỏ vào nước sạch cho người bệnh uống, nhất định có thể cứu sống được bệnh nhân. Lục lão đã trở nên giầu có, không chịu làm nghề buôn bán nữa, chỉ chăm lo cứu người thôi.
    Về sau, có một vị vương gia, có bà ái phi chuyển bụng đã mấy ngày vẫn chưa sinh nở. Nhiều vị thầy thuốc giỏi đều bó tay. Có người nói nhà họ Lục có báu vật kỳ lạ của thần tiên để lại, đã chữa khỏi nhiều thứ bệnh lạ. Vương gia cho đòi Lục lão, ông cứ tình thực thưa trình. Bà phi uống vào một tễ thuốc, liền sinh nở ngay, và được mẹ tròn con vuông. Vương gia mừng lắm, tâu lên hoàng thượng, đặc biệt phong tặng, đúng như lời thần tiên đã nói.
    Vị thần tiên Lục lão đã gặp, lúc đầu ông nghi là Lã tổ, mới tới miếu Lã tổ thắp hương, lễ tạ. Lã tổ mới báo mộng cho biết vị thần tiên đó không phải ông, mà mà Thiết Quài Lý tổ sư.
    Bát tiên ở Cô Tô du ngoạn một thời gian dài, mới tới Hàng Châu, ở trên núi Thành Hoàng thưởng ngoạn một ngày. Bấy giờ Tây Hồ đã thay đổi cảnh tượng, không còn những bãi đất hoang, cỏ mọc tràn lan như thời xa xưa, mà chung quanh hồ đã đắp hai con đê, có đường đất dẫn ra tận giữa hồ, có sáu cây cầu ba nhịp, có bảo tháp, núi đắp, một công trình vừa thiên nhiên vừa nhân tạo xứng đáng là một thắng cảnh đệ nhất trong thiên hạ. Bát tiên lưu liền một thời gian dài, lưu luyến không nỡ dời chân.
    Nghe nói ở dưới chân núi Thành Hoàng, bên trong cửa Kim Môn, có một tiệm mì, trong tiệm có một người phổ ki, chính trực, nhân từ không có gia quyến, và cũng nhất định không lấy vợ. Mỗi năm nhận được tiền công, anh đều dùng vào việc giúp đỡ người nghèo. Anh còn một điều tốt nữa là những thứ khách khứa ăn thừa, anh đều giữ lại, đem gom nhặt, bỏ vào chiếc tô sạch, đưa cho những người hành khất ăn. Hành khất không chịu ăn, thì chính anh cho vào bụng. Vì thế, mọi người đều gọi anh là "thiện nhân tích đức".
    Lã tổ nghe biết, nghĩ thầm : "Người này tốt bụng như thế, nếu có tiên duyên, ta hãy độ cho hắn một phen". Vì thế, ông biến thành một đạo nhân nghèo, tìm tới xin chút thức ăn. Người kia đem những tô mì của khách ăn dở, trút vào một tô lớn, đem cho ông.
    Lã tổ tiếp nhận tô mì, ăn thử một miếng, nhả ra ngay, đưa trả cho người kia, nói :
    - Mì này có mùi lạ, không thể ăn được. Bần đạo không dám nhận cảm tình, đưa trả anh đây.
    Người kia không hề giận, tươi cười nhận lại, ngửi thử, cũng công nhận tô mì có mùi, thật tình không thể ăn, đành đổ đi thôi.
    Vừa hay có con chó ghẻ xồng xộc chạy tới, thè lè lưỡi, ra ý đòi ăn. Người kia đưa tô mì cho chó ăn. Nào ngờ con chó vừa ăn xong, lập tức bay lên trời, biến thành một con rồng vàng, lắc đầu, quẫy đuôi, bay đi mất. Người kia liền biết đạo nhân là một vị thần tiên, vội vã đuổi theo, tìm kiếm một hồi, chẳng rõ đạo nhân biến đi đâu.
    Từ đó, người kia phát bệnh tim, việc buôn bán đành bỏ dở, mỗi ngày tới đứng ở đầu cây cầu nhỏ, ngước mặt nhìn trời, hy vọng lại được thấy thần tiên. Ngóng trông đã mấy năm, chẳng thấy một vị thần tiên nào, anh ta liền mắc bệnh điên, rơi xuống nước mà chết.
    Sau khi chết, anh ta mới được Lã tổ độ cho làm quỉ tiên. Là vì anh ta không có tiên duyên, chỉ có phúc phận làm quỉ tiên thôi. Mà phải sau khi chết mới được thoát độ. Còn con chó ghẻ chính là con chó, mà Lã tổ hồi còn nhỏ, đã lỡ tay ném chơi mấy viên đá, hại nó chết, nên nay ông phải ban ân trạch, giải thoát nỗi oan một đời. Sau khi anh phổ ki trong tiệm mì chết đi, người ta thấy anh vì ngóng tiên mà chết, mới đặt tên cây cầu đó là "Vọng tiên kiều”.
    Bát tiên ngao du trần thế, đã hơn một trăm năm, gặp đúng kỳ vạn thọ của vương mẫu, bát tiên mới bàn nhau, cùng đi chúc thọ. Mọi người hẹn nhau cùng vượt biển mà đi. Hôm đó, tới bờ biển Đông hải. Lam Thái Hòa sơ ý, để rơi chiếc giỏ hoa bằng bạch ngọc trong tay, rớt xuống biển. Bấy giờ, vợ chồng Long vương đang ở trong cung, cùng vài vị quan bàn về việc công dưới biển. Bỗng thấy một luồng sáng trắng chói lòa, chiếu khắp cung điện, hai người cháu của Long vương là Ma Ngang, Ma Quốc, tuổi trẻ hiếu kỳ, mới dẫn theo một số dạ xoa đi tuần tra, liền tìm ra được chiếc giỏ hoa. Hai Ma mừng rỡ, định mang giỏ trở về cung. Bên kia, Lam Thái Hòa rủ Hà tiên cô, cùng xuống biển đi tìm, thấy hai Ma liền ngỏ lời xin lại chiếc giỏ. Hai Ma nổi giận, nói :
    - Giỏ này là của hai anh em ta nhặt được, đâu biết là của các ngươi ?
    Hai bên đấu khẩu, kế đến đánh nhau. Hai Ma nào biết lợi hại, kéo đám dạ xoa xông vào tấn công. Hai vị tiên rút kiếm chống cự. Hai Ma làm sao chịu nổi pháp lực của hai vị tiên ? Mới qua vài hiệp, đã bỏ mạng dưới lưỡi kiếm tiên.
     
    #92
      bevanng 23.07.2008 11:35:38 (permalink)
      Hồi Thứ 100 (Hồi Kết)

      Tám tiên qua biển, mặt biển nổi chiến họa
      Hai rồng trở về, thiên phủ mừng thanh bình.


      Hai người cháu của Long vương là Ma Ngang, Ma Quốc, vì tranh chấp giỏ hoa với hai vị Lam Thái Hòa và Hà tiên cô, đã bị phi kiếm của hai vị tiên chém chết, lại chém trọng thương một số dạ xoa. Chúng trốn về long cung, gặp vợ chồng Long vương, khóc lóc tố cáo Long vương, long hậu nghe tin báo, kêu to lên :
      - "Tức chết đi được !", lập tức phát một vạn thần binh ở gần bờ biển, do Long vương đích thân dẫn dắt, đuổi theo để bắt hai vị tiên. Hai vị tiên giết xong anh em Ma Ngang, mới biết đó là các cháu của Long vương, vội vã trở về gặp các vị tiên khác, báo tin cho biết. Thiết Quài, Chung Li Quyền và Lã Thuần Dương đều kinh hãi, nói:
      - Hai vị đã gây họa không nhỏ đâu. Vợ chồng Long vương có bốn người con và bốn đứa cháu, nay hai vị giết chết hai cháu của họ, đời nào họ chịu bỏ qua ?
      Hai vị tiên nói :
      - Việc này tự chúng gây ra trước. Chúng tôi mất của, chẳng lẽ lại không được đi tìm ?
      Các vị tiên khác đều nói :
      - Tuy nói vậy, nhưng vợ chồng Long vương không dễ đối phó đâu. Vả lại trong chúng ta có vài ba vị, từng giao hảo với vợ chồng Long vương, lúc gặp mặt nhau, làm sao ăn nói ?
      Hai vị tiên vội hỏi :
      - Hãy để coi họ đối xử thế nào đã. Nếu cần bàn bạc, hai chúng tôi sẽ nhận tội lỡ tay làm chết người. Thật tình, chúng tôi không biết đó là hai đứa cháu cua Long vương, nay hối không kịp nữa. Nhưng chúng đã có xuất thân tốt như vậy, tại sao chúng lại làm những chuyện càn dỡ vừa rồi ? Thêm điều này nữa : nếu chúng nói rõ lai lịch cho biết, chúng tôi đâu nỡ nặng tay, mà phải về bàn bạc cùng các vị, tìm ra một biện pháp đối phó. Như vậy tai họa làm gì xảy ra. Chúng ta hãy đem những ý nghĩ đó nói với Long vương, xem ông ta giải quyết thế nào ? Vạn nhất ông ta không hỏi tới lý do, chỉ đòi chém giết, lẽ nào chúng ta khoanh tay chịu trói. Muốn đánh một trận thì đánh, cho rõ thắng bại, rồi sau mới nói đạo lý. Các vị thấy thế nào ?
      Bấy giờ, ba vị tiên Lý Thiết Quài, Lã Động Tân và Chung Li Quyền đã hiểu rõ nhân quả của chuyện này, biết số đã định trước, vợ chồng Long vương lần này phải chịu tai kiếp, nên không trách hai vị tiên Lam Thái Hòa và Hà tiên cô nữa, mà nói :
      - Vợ chồng Bình Hòa đều nóng tính, cương cường, mắt thấy cháu yêu bị giết, đời nào chịu giải quyết ôn hòa ? Nhất định phải chuẩn bị một cuộc chém giết. Hai vị hãy yên tâm, chúng ta là người đồng đạo, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, quyết không để hai vị phải độc lực gánh vác đâu.
      Lam, Hà hai tiên mừng rỡ cảm tạ.
      Câu chuyện chưa dứt, đã nghe biển nổi sóng đùng đùng, kim quang chớp lia lịa. Giây lát xuất hiện thiên binh, vạn mã, Long vương dẫn dắt hai tướng mạnh dưới quyền, ầm ầm từ nửa lừng trời kéo xuống. Chúng tiên vội đẩy Thiết Quài lên trước, nói chuyện với Long vương. Thiết Quài thấy Long vương, liền chắp tay thi lễ.
      Long vương nhìn bọn Thiết Quài, trong đó phân nửa là chỗ quen biết, thậm chí còn chơi thân nữa, bất giác nổi giận đùng đùng, chỉ mặt bọn họ, thét mắng :
      - Thì ra các ngươi giúp đỡ hai tên khốn, giết hại hai đứa cháu yêu quí của ta. Các ngươi đã là bạn bè cũ, mà ta cũng chưa hề bạt đãi các ngươi, hôm nay đi qua địa giới của ta, các ngươi chẳng thèm xuống biển thăm hỏi, lại ở trên mặt biển mà hành hung, giết chết hai cháu của ta, mối hận này làm sao tiêu trừ ? Không nói nhiều lời nữa, hạn cho các ngươi trong vòng một khắc, phải đem hai đứa hành hung nam nữ giao nộp, để quả nhân phân xử, thì mọi chuyện đều bỏ qua, cho phép các ngươi được bình an quá cảnh, bằng như có một câu cãi lại, thì... hà hà, các ngươi sẽ nát ra như cám ! Năm xưa, vợ chồng ta từng tay đôi đại náo thiên đình, khiến mọi người bở vía, sá gì bọn nô tài kém cỏi các ngươi ?
      Thiết Quài tiên sinh thấy Long vương không giảng đạo lý, một  mực mắng chửi thô lỗ, liền cất tiếng cười, nói :
      - Mấy ngàn năm trước, thì ra chính ngươi là lão long, đã to gan làm những chuyện bất pháp như thế đấy hả ? Ôi, đáng thương cho ngươi, an hưởng vương vị, chiếm hết phúc lộc của thiên hạ, cuối cùng không thoát khỏi kiếp nạn. Ta đang tính vì ngươi bầy mưu tính kế, tìm một cách nào cho người tránh khỏi kiếp số, tiếp tục làm Long vương gia thêm nhiều năm nữa, chẳng dè ngươi khí số đã mãn, biết làm sao đây ? Trông ngươi hò hét thế này, thật chẳng đúng khí tượng vương gia tí nào. Nghe những lời thô lỗ, lại thấy ngươi có bộ dạng yêu ma, cầm thú, không sai. Uổng cho ngươi làm đại thần của Thượng đế, tước phong vương vị, không nghĩ chuyện đền ơn đáp nghĩa, lại dám khoe khoang thủ đoạn đại náo thiên đình của kẻ man rợ. Phải biết việc trong thiên hạ có nhân có quả gieo nhân nào thì hái quả đấy. Thiên lý rõ ràng, mảy may không sai. Ngươi đại náo thiên đình, Ngọc đế không trừng trị, còn ban cho tước vị, nên tưởng rằng trong thiên hạ không ai có bản lãnh bằng ngươi chứ gì ? Có biết đâu rằng mọi việc đều có định số. Vì ngươi có công yên trị dưới biển, nên Thượng đế mới khoan thứ tới ngày nay. Tuy nhiên, đại náo thiên đình là một trọng án, bất luận thế nào, cũng phải có báo ứng. Bần đạo toán định cho ngươi, lúc này là lúc ngươi chịu báo ứng đó. Các bạn của bần đạo vốn là chỗ quen biết lâu đời với ngươi, mới cùng nhau bàn bạc, đẩy bần đạo ra thương lượng cùng ngươi, tìm ra một biện pháp, dù không tránh khỏi thảm kiếp chăng nữa, cũng cứu vãn được một vài phần, khiến cả họ nhà ngươi không tới ngày tận số. Chẳng dè vừa thấy mặt bần đạo, ngươi đã mở miệng hủy báng, thậm chí còn đem những thành tích bất hảo ngày trước của ngươi ra, để áp đảo. Đủ thấy khí số của ngươi đã mãn, sự việc không thể vớt vát được chút nào. Tiếc cho lòng tốt của ta đã hoàn toàn bị ngươi đổ xuống sông xuống biển, mất tăm tích !
      Long vương từ trước đến nay, chưa bao giờ bị ai sỉ nhục, nghe Thiết Quài tiên sinh nói, liền gầm lên một tiếng, thống suất binh tướng, xông vào chém giết. Bát tiên đều rút binh khí ra, bốn mặt nghênh địch, gây nên một trường chém giết, trời sầu đất thảm, trời đất tối tăm. Đánh nhau từ giữa trưa cho tới chập tối, Long vương mới há miệng ra, phun hạt dạ minh châu, treo lơ lửng trên trời, chiếu sáng như ban ngày, để tiếp tục cuộc ác chiến. Trong bát tiên có Lã Thuần Dương cũng lấy ra một hạt châu, cầm ở tay, nhỏ bằng hạt đậu, quăng lên cao. Hạt châu bỗng phát ra ngàn vạn tia sáng, chiếu sáng không thua gì dạ minh châu. Lã tổ cười nói :
      - Nghiệt long kia, bôm nay mọi người giao chiến ban đêm, chúng ta cần gì phải mượn ánh sáng của ngươi ? Hãy coi pháp bảo của ta, có bằng long đan của ngươi hay không ?
      Ai ngờ bên kia, binh tướng của Long vương, vốn đã bị binh khí và pháp bảo của bát tiên đánh cho xiểng kiểng, đầu óc quay cuồng, nay lại bị ánh sáng hạt châu của Lã tổ chiếu tới, khiến cho hoa mắt, đứng ngay trước mặt mà không nhìn rõ mặt nhau. Lúc đó Thiết Quài tiên sinh mở nắp hồ lô, phát ra một trận gió lạnh, thu hút tất cả bọn chúng vào trong. Trên mặt biển chỉ còn một mình Long vương, đành phải hiện xuất nguyên hình, thành con rồng lớn, há miệng toác hoác, tính nuốt bát tiên. Chung Li Quyền cười nói :
      - Trò con nít ! Trước đây ta đã từng trổ một thuật nhỏ, đủ giết chết lão giao rồi !
      Tức thì lắc mình một cái, biến ra thân thể thật cao lớn, cao lớn, hơn cả lão long nữa. Rồi đưa tay bứt râu rồng, đập vào đầu rồng chan chát, khiến đầu lão long lem luốc những máu.
      Phía sau, các vị tiên nhất tề tiến lên, biến ra thân thể cực lớn, cực cao, cùng nhầm vào mình rồng mà đập.
      Trong lúc Long vương đang gặp khó khăn, may có Long hậu được tin Long vương đang bị vây khốn, vội dốc toàn bộ binh lính dưới biển, tự mình cùng hai vị vương tử thống lĩnh, kéo tới trợ chiến. Lúc này, trời đã rạng sáng, Lã tổ tự tay thu hồi hạt châu của mình về. Long vương cũng tính thu hồi dạ minh châu, ai ngờ dạ minh châu bay theo hạt châu của Lã tổ, như con theo mẹ. Long hậu trông thấy, vội nhảy vọt lên không trung, đuổi theo. Nhưng một tiếng nổ vang trời, cả hai hạt châu lớn nhỏ đều rơi vào tay Lã tổ Long vương mất minh châu, liền như người có ba hồn mất một, nhất thời thần trí mơ hồ. Lại bị con mãnh hổ do Chung Li Quyền cưỡi cắn vào cổ, đại bại bỏ trốn. Chung Li Quyền đuổi theo tới dưới biển, Long vương đành phải biến ra một con cá chình nho nhô, trốn vào Thủy tinh cung.
      Ai ngờ Lam Thái Hòa, Hàn Tương Tử thấy mọi người đang ham đánh, đã sớm lén nhập long cung, phá nát cửa chính, đang tìm cách phóng hỏa khắp nơi, thiêu hủy cung điện. Long vương lúc đó quả là tiến không được, lùi không xong. Ông ta vốn tính ngang ngạnh, quật cường, đời nào chịu cho người lăng nhục như thế, liền gầm lên một tiếng, húc đầu vào cung, chết tươi. Thái Hòa, Tương Tử đốt xong mấy gian cung điện, lại trồi lên mặt biển, giúp bọn Thiết Quài, cùng chế ngự Long hậu. Bấy giờ, tứ hải long vương là bọn anh em Ngao Quảng, nghe tin phụ vương lâm nạn, đều dẫn dắt đám thần binh dưới quyền, kéo tới trợ chiến.
      Ngao Quảng là con lớn của Long vương, là người có nhiều mưu kế, pháp thuật rất cao, vừa kéo binh tới, liền bàn bạc cùng ba em, mỗi người thu gom lượng nước thủy triều của mình lại, đợi khi giao chiến ác liệt, sẽ phóng xuất lượng nước đó ra, gây nên những đợt sóng thần, đổ úp xuống đầu bát tiên. Lúc đó chỉ thấy nước liền trời, trời liền nước, không phân biệt đâu là ranh giới. Nước cứ đổ xuống ào ào, như một thác nước khổng lồ. Bát tiên tuy có thuật tị thủy, nhưng trong lúc hỗn chiến, cũng không thể thi thố thuận tiện. Bát tiên nghiến răng nghiến lợi, nổi giận đùng đùng, mạnh ai nấy chạy, cùng nhảy vọt lên nửa lưng trời. Cứ nhìn xuống hạ giới, chỉ thấy Long hậu cùng các con, các cháu, ở bên dưới diệu võ giương oai, đẩy những đợt sóng dữ dội, tìm đánh địch nhân. Bát tiên nhìn nhau, buông tiếng thở dài :
      - Nghiệt long kiếp số đã tới, còn ở đó mà ra oai. Một trận đánh này, không biết có bao nhiêu người, bao nhiêu súc vật bị dìm chết? Bao nhiêu nhà cửa, ruộng vườn bị phá hủy ?
      Lã tổ mới nói :
      - Chúng đã bất nhân như vậy, chúng ta vâng chiếu chỉ Thượng đế tuần du ba cõi, vì dân trừ hại, không thể tính nổi lợi hại ra sao nữa, đành phải dùng phép lấy đất chặn nước, san bằng chỗ biển rộng này, mới có thể thu phục nổi lũ nghiệt súc.
      Các tiên đều hỏi :
      - Tìm đâu ra số đất nhiều như thế ?
      Lã tổ cười, chỉ tay về phía núi Thái sơn, nói :
      - Có thể dời ngọn núi này ra biển. Nếu không lấp bằng đại hải chăng nữa, ít ra cũng chôn vùi được đám nghiệt súc này.
      Các vị tiên vỗ tay hoan hô, Lã tiên liền thi triển phép dời núi, đưa cánh tay ra nắm lấy ngọn núi Thái sơn, giữ chặt toàn bộ ngọn núi đó trong lòng bàn tay, nhắm vào vùng biển bọn Long hậu đang đứng, buông tay thả xuống. Thương thay Long hậu cùng các vương tử vương tôn, và rất nhiều binh tôm, tướng cua, bị vùi lấp bên dưới, chết tức tưởi. Về sau, núi Thái sơn lại được di dời về chỗ cũ, chỉ còn lại một phần bùn đất vẫn nằm dưới đáy biển, tích lũy dần dần, tạo thành những hòn đảo nhỏ. Chỗ đó vốn sẵn có những hòn đảo, nhưng địa thế rất thấp, nay được bùn đất bồi đắp, mới cao dần lên, nhô khỏi mặt biển, trở thành những hòn đảo thật sự. Theo truyền thuyết của người sau, chỗ này chính là quần đảo Lưu Cầu hiện nay, nhưng đích xác chỗ chôn vùi Long hậu ở đâu, thì không thể biết được.
      Chuyện kết thúc ở đây, sách này không tiện nói nhiều, chỉ nói tới những người trong long tộc gặp phải kiếp nạn, có một mình Ngao Quảng là được thoát thân, mới tìm tới chỗ Ngọc đế mà khóc lóc tố cáo. Bát tiên cũng đã thu hồi núi Thái sơn, đặt trở lại ở vị trí cũ. Trong sách của cổ nhân từng có câu : "Lên núi Thái sơn, thấy thiên hạ là nhỏ" (1), cho thấy thời xưa, núi Thái sơn rất cao, có thể kể là núi cao nhất trong thiên hạ. Nhưng ngày nay, theo các nhà địa lý, Thái sơn không thể coi là hùng vĩ. Khoan nói tới toàn thể thế giới, chỉ nói riêng trong đất nước Trung Quốc thôi, cũng có những ngọn núi cao hơn Thái sơn rất nhiều. Chẳng lẽ cổ nhân là ếch ngồi đáy giếng, nói năng hàm hồ đâu. Thật ra là vì bát tiên đã nhổ Thái sơn lên, đem vùi lấp dưới biển, đến lúc thu hồi trở lại, không tránh khỏi một phần bùn đất rơi rụng xuống biển, bồi đắp thành một số đảo nhỏ, như phần trên sách đã nói tới. Vì thế, từ sau khi bát tiên qua biển, núi Thái sơn mới thấp xuống, không được cao như thời xa xưa nữa.
      ------------------------------------
      (1) câu này chép trong sách Mạnh Tử, thiên "Tận tâm"

      Bát tiên hoàn tất việc giết rồng rồi, mới kéo nhau tới Dao Trì chúc thọ. Lúc đó Ngọc đế và các vị tiên tổ đã có mặt ở đó từ trước, bát tiên mới bẩm tấu tình tiết của việc giết rồng. Ngọc đế vốn rất nhân hậu, không nhớ lỗi cũ của người ta, đã quên hết những tội trước đây của hai rồng, nay nghe tâu, ngài chẳng được vui lòng, dường như có ý trách bát tiên không nên gây việc can qua, giết các tiên quan có chức có quyền. Liền có Nguyên Thủy, Lão Quân, dẫn dắt các đại đệ tử, là hai vị chân nhân Hỏa Long và Phiếu Diều, cùng nói rõ việc hai rồng đại náo thiên cung, lý ứng phải chịu quả báo. Năm đó, Thượng đế cầu hiền, lấy người phò tá, mới phải tha tội cho vợ chồng Long vương, nay cả họ nhà rồng chịu thảm kiếp, chết về tay bát tiên, cũng là có số định trước, không nên trách cứ bát tiên. Ngọc đế nghe vậy, chợt hiểu ra, mới nói :
      - Hai rồng tuy có tội, nhưng cũng có công trị thủy, lại giữ yên các biển đã nhiều năm. Nay mắc thảm kiếp này, dẫu bởi tự mình gây nên tội, tình cũng đáng thương, lòng trẫm làm sao yên được ?
      Hỏa Long, Phiếu Diểu hai chân nhân mới xin cho hai rồng và các con cháu được chuyển kiếp làm người, đầu thai vào nhà lương thiện, phú quí. Con trưởng của Bình Hòa là Ngao Quảng đã thoát nạn, nghe đâu là người có tài có trí, biết nhiều đạo thuật, lại từng trị hải lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, xin cho được nối chức cha, để đền ơn cha mẹ hắn đã có nhiều công lao với thiên phủ, biểu thị rõ ý thiên đình thưởng phạt phân minh. Các vị tiên tổ cùng vương mẫu nghe vậy, đều xưng tụng thánh đức. Ngay sau đó Ngao Quảng từ điện Linh Tiêu chạy sang Dao Trì, khấu kiến Ngọc đế, khóc lóc tâu trình nỗi oan. Ngọc đế hiểu dụ, an ủi Ngao Quảng, lại nói rõ cho biết về tiền nhân, hậu quả, và tuyên bố thánh ý. Ngao Quảng buồn rầu, cảm kích, dập đầu lạy tạ. Ngọc đế lại cho gọi bát tiên tới, cùng Ngao Quảng ra mắt, sai Hỏa Long, Phiếu Diểu hai chân nhân giải thích rõ về nhân quả một lần nữa, khuyên hai bên không nên thù hằn nhau nữa, nếu không tuân lệnh, ắt có tội với trời.
      Bát tiên cùng Ngao Quảng xin vâng, lạy tạ Ngọc đế, vương mẫu và các vị tiên. Từ đó về sau, thiên đình yên ổn, khắp nơi thanh bình, không có chuyện gì lớn cần ghi chép. Sách này đến đây cũng kết thúc.

      Hết

      #93
        Thay đổi trang: << < 7 | Trang 7 của 7 trang, bài viết từ 91 đến 93 trên tổng số 93 bài trong đề mục
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9