Hiến Pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Thần Báo 08.07.2008 06:45:07 (permalink)
Hiến Pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
 
Phạm Văn Bản
 

Đọc bản Hiến Pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) tôi có cảm tưởng rằng, ông chủ muốn dựng một ngôi nhà tình thương để cứu người. Nhưng khi cất lên thì ông lại cố tình vít kín các ngõ ngách ra vào, để khiến cho mọi người đều ngộp thở vì thiếu dưỡng khí, dầu rằng trên nóc đại gia có sẵn khẩu hiệu độc lập – tự do – hạnh phúc sơn son thếp vàng. Mọi người, từ gia chủ cho chí gia nô, đều bị khiếm khuyết hạnh phúc và mắc chứng phong ngứa, sức mỏi trí mệt.
   
Phải thừa nhận rằng, đảng chính trị Cộng Sản Việt Nam (CSVN) có kinh nghiệm soạn thảo ra 3 bản hiến pháp trước đây, nhưng tới lần thứ 4 này thì họ lại đánh mất tín chỉ, vì không học hỏi những bài học lịch sử của các nước dân chủ trên thế giới, mà tôi sẽ trình bày trong loạt bài này. Nhìn chung thì CSVN thời nay trở thành anh chàng khổng lồ mà đi đôi chân bằng đất sét!
 
Hiến pháp của các nước dân chủ tiên tiến trên thế giới cũng không ghi nhận chủ nghĩa, không ấn định độc đảng, không ghi các tổ chức ngoại vi Đoàn Thanh Niên, Nghiệp Đoàn, Mặt Trận Dân Tộc như của ta. Hiến pháp CHXHCNVN trở thành một văn kiện vô nghĩa, vô giá trị vì không đặt căn cứ theo sự thỏa thuận của hai phía, chính quyền và người dân, trên nền tảng của lý thuyết khế ước, mà ngược lại, xây dựng trên căn bản của chủ nghĩa Marx-Lenin, lấy Đảng Cộng sản làm giai cấp lãnh đạo chính trị, như Lenin từng nói “Đảng Cộng sản đứng trên và đứng ngoài luật pháp.”
 
Theo đó, khiến cho tôi liên tưởng tới thời đại nông nghiệp xa xưa, sinh hoạt chính trị quân chủ, vua là con Trời thế thiên hành đạo, đứng trên và đứng ngoài luật pháp như Lenin từng nói. Cũng như vua, CSVN cũng đứng trên mà truyền lệnh xuống, lệnh của họ là lệnh của Trời, và ai trái ý Trời, trái ý Bác Đảng thì đều bị mang đi cải tạo hoặc chầu giun.
 
Việc làm rõ ràng như thế mà họ lại lấp liếm gọi là hiến pháp? Phải chăng chỉ là loại pháp lệnh, được cải danh hiến pháp cho có vẻ che đạy trước trào lưu dân chủ tiến bộ của nhân loại. Ngày xưa khi người dân bị áp bức, bị kèm kẹp tới tận cùng thì họ vùng lên đòi hỏi quyền làm người, đòi tự do dân chủ. Những ông vua đã phải nhượng bộ, phải lập ra hiến pháp để giới hạn quyền của vua, mà thêm quyền hạn cho dân. Nhưng hôm nay giai cấp cầm quyền mới, những người CSVN lại đi ngược trào lưu tiến hóa chính trị của loài người, mà dùng pháp lệnh là thứ hình luật được áp dụng trong cai trị, nhằm củng cố địa vị quyền hành, gia tăng độc tài chuyên chế, và phát triển bạo lực tội ác.
 
Nhìn lại từ cái thuở loài người mới kết xã, chưa có tiền tệ, chưa có chữ viết, chưa có luật lệ thì những giao tiếp, trao đổi hay liên hệ thường theo bản năng, thỏa thuận, giao ước từ hai phía, hai người, hai nhóm hoặc hai gia đình. Và lối giao tiếp, liên hệ này dần dà biến thành thói quen, thành ra cái lệ mà người ta gọi là tục lệ.
 
Tục lệ đã được bổ túc, biến cải cho thích hợp với nếp sống và phát triển của mỗi dân tộc qua bao ngàn năm. Những người sống chung trong xã hội, phần đông tuân theo, noi theo luật lệ theo thói quen của lớp tiền nhân thuở trước mà cư xử với nhau. Đang khi, phần nhỏ đã không tuân giữ điều lệ tự nhiên, nghĩa là trong giao tiếp họ có bội ước, bội tín và lật lọng, hành động ngang ngược đã khiến cho số đông phải chọn ra một Trưởng Lão, là người sống lâu và có nhiều kinh nghiệm, uy tín trong thôn làng hay bộ lạc mà phán quan xét xử.
 
Rồi những vụ xét xử như thế, dẫn đến kết quả bên đúng bên sai, bên có tội bên vô tội… dù là oan hay ưng, người ta đã phải ngăn ngừa tội lỗi mà đặt ra hình phạt cho kẻ có tội, để làm gương cho những người khác. Từ đó, luật lệ ra đời.
 
Nói rõ ràng như thế, thì trước khi có hình luật được khai sinh, con người đã có tục lệ, tức là những luật lệ dựa trên căn bản của sự thỏa thuận, thỏa hiệp để tồn tại và cùng phát triển của hai người, hai nhóm.
 
Vậy thì luật pháp phải chăng đã là cách gọi chung của hình luật và tục lệ. Và cả hai hình thức luật pháp này được đưa vào tổ chức cai trị để giúp cho xã hội phát triển, ổn định và điều hòa.
 
Tiếp đến, các dân tộc khắp nơi trên thế giới, khi thành lập quốc gia thì tục lệ đã giữ một vai trò quan trọng và thiết yếu trong việc điều hòa xã hội; và tổ chức cai trị, tức triều đình áp dụng hình luật để giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Hai hình thức của luật pháp: Tục Lệ có nhiệm vụ giữ gìn thuần phong mỹ tục, vun bồi luân lý đạo đức; và Hình Luật giữ nhiệm vụ trừng phạt những kẻ thác loạn, vi phạm hệ thống giá trị của xã hội và con người.
 
Theo thời gian, các vua quan của nền quân chủ cũng bỏ quên vai trò của Luật Pháp và Tục Lệ, và chỉ xử dụng một hình thức luật pháp, đó là hình luật. Hơn thế nữa họ phá bỏ nhiệm vụ trong sáng của hình luật ban đầu, là bảo vệ hệ thống giá trị của xã hội và con người. Họ xử dụng hình luật như một thứ vũ khí để tiêu diệt hay bịt miệng những ai có can đảm phê phán, chống đối hành động độc tài của họ.
 
Bởi thế trong suốt 3500 năm của lịch sử quân chủ phong kiến, chuyên chế thì người dân đã bị tròng lên đầu một thứ luật pháp duy nhất, là hình luật, là pháp lệnh khắc nghiệt và bất công.
 
Vào khoảng 500 năm trước nhật lịch, ở Á Châu có Khổng Tử, triết gia đã nhìn ra sự độc đoán, phi lý của pháp lệnh, nên đã thu góp lượm nhặt những điều tốt từ pháp luật tục lệ mà ghi chép lại thành ra quyển Thượng Thư, một trong những cuốn trong chương trình mà ông biên soạn Ngũ Kinh, nhằm giảm bớt độc tài, độc đoán dã man của các tầng lớp vua chúa quan lại, tức những nhà lãnh đạo chính trị ngày ấy,
 
Vào khoảng năm 384-322 trước tây lịch, triết gia Hy Lạp Aristotle cũng nhìn thấy sự phi lý của hình luật và nặng về pháp lệnh do giai cấp cai trị đặt ra. Ông cũng đã dựa trên luật pháp tục lệ để đưa ra một ý niệm chính trị, đặc biệt là sự liên hệ thỏa hiệp của giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, được người đời sau biết đến qua cái tên Lý Thuyết Khế Ước. Lý thuyết này xác nhận giai cấp cai trị là chính quyền, và muốn được chính danh, phải dựa trên Giao Kèo, trên sự Đồng Thuận của người dân bị trị.
 
Lý thuyết này cũng được Thomas Hobbes và John Locke khai triển vào cuối thế kỷ 17 ở Anh, và Jean Jacques Rousseau ở Pháp và cuối thế kỷ 18, với những nguyên tắc của Lý Thuyết Khế Ước là:
 
-          Sự chấp thuận, thỏa thuận phải là giao ước nền tảng của sự cai trị
-          Tối quyền của cá nhân đối với xã hội văn minh, và quyền lợi đối với nghĩa vụ
-          Bảo vệ các quyền tự nhiên, nhân quyền là mục đích cuối cùng của chính quyền
-          Quyền khởi loạn, làm cách mạng
 
Lý thuyết khế ước phân tích nguyên nhân căn bản của con người, từ đó dẫn đến những căn bản về đời sống chính trị. Theo thuyết này, nhân loại chịu ảnh hưởng bởi hai nguyên nhân chính là kiêu hãnh và sợ hãi.
 
Sự sợ hãi của con người dẫn đến sự xác định là, con người có những quyền tự nhiên như quyền tự vệ và cá quyền liên quan như tự do và sở hữu. Sự kiêu hãnh thì tạo ra mâu thuẫn và xung đột. Nếu thiếu đời sống xã hội văn minh thì sự xung đột này sẽ dẫn đến chiến tranh.
 
Bản tính tự nhiên của con người là gây chiến, và để tránh sự ghê gớm này, cũng như bảo đảm các quyền tự nhiên của con người, thì chính quyền phải được thành lập do khế ước. Các chính quyền đều bị hạn chế bởi mục đích đã đưa đến sự thành lập chính quyền. Nếu chính quyền nào vượt quá mục đích thì người dân có quyền phản kháng, khởi nghĩa và làm loạn.
 
Do đó, chính quyền được hiện hữu trong một xã hội, thì bộ luật thành văn phải được lập ra, và được sự đồng ý bởi những người bị cai trị. Sự đồng ý thỏa thuận về pháp luật của thành phần cai trị và bị trị trong chính trị được gọi là Hiến Pháp.
 
Từ những luận cứ này, nhiều định nghĩa về hiến pháp được xuất hiện. Theo quan điểm của pháp lý, thì hiến pháp được gọi là Luật Căn Bản, là bộ luật mẹ trên đường hướng hợp nhất với các luật lệ căn bản trong ý niệm cộng đồng, và trong ý niệm cai trị một nước. Bởi thế, định nghĩa về hiến pháp thời nay là sự tổ chức công quyền, các bộ, sở của chính phủ và sự liên quan của các cơ sở đó.
 
Tóm lại, đọc hiến pháp của CHXHCNVN, chúng ta đã thấy ngay rằng những người CSVN chỉ xử dụng Hình Luật và sản sinh ra pháp lệnh. Đang khi, Tục Lệ mới giúp sản sinh ra Hiến Pháp, như những điều mà người viết đã trình bày rõ ràng ở phần trên. Tuy rằng luật pháp là cách gọi chung, nhưng hiến pháp và hình luật là hai vấn đề, hai mục đích trong việc thi hành luật, và bởi thế mà chúng ta cần tìm hiểu về hiến pháp và mục đích của hiến pháp, cần xét xem CSVN ngây ngô ngờ nghệch tới đâu.
Mục đích của hiến pháp là bảo vệ các thành phần cá nhân trong cộng đồng chính trị, chống lại sự can thiệp của quyền lực tiến vào đời sống tự do, tự trị của từng cá nhân.
 
Với phạm vi cá nhân, nhân quyền là tự chủ. Nhân quyền là quyền tối thượng của con người và vượt trên phạm vi quốc gia. Dân quyền là tự do. Chính quyền là dân chủ. Chính quyền và dân quyền được tôn trọng ngang nhau theo nguyên tắc bình quyền. Đó chính là xã hội nhân bản.
 
Nhưng trên thực tế, nhân quyền thường bị thay đổi theo tùy nơi, trường hợp và thời đại. Bởi thế nhân quyền tại Việt Nam lại trở thành vấn đề phức tạp nhiêu khê vì do nhà cầm quyền sở tại ấn định.
 
Vậy chúng ta muốn đánh giá hay xác định nấc thang giá trị của một chính phủ, chúng ta cần phải khảo sát về quyền cá nhân mà chính quyền tuyên bố trong hiến pháp, và so sánh thực tế tự do cá nhân của nước đó đang hưởng ra sao.
 
Mục đích tiên quyết của hiến pháp là bảo vệ từng cá nhân trong cộng đồng chính trị. Tiếp đến là ứng dụng vào việc phân chia quyền lực chính trị, nguyên tắc phân quyền, được coi là mục tiêu thứ hai của hiến pháp.
 
Một chính quyền hiến định, là một chính quyền đó phải bị hạn chế quyền hành qua phương pháp phân quyền, tản quyền, chia quyền… nhằm ngăn ngừa sự tập trung quyền lực vào một chính quyền trung ương, một đảng chính trị cầm quyền như đảng Cộng sản tại Việt Nam. Bởi thế, mỗi chế độ chính trị đã cần có một Khung Tổ Chức để phân chia quyền hành của một cơ quan công quyền, một hệ thống định nghĩa quyền cá nhân, và  một quy chế cộng đồng.
 
Với những cuộc cách mạng xã hội và chính trị trong những thế kỷ qua, đã đưa nhân loại đến thể chế dân chủ. Điển hình, vào năm 1688 vua James II của Anh quốc bị chống đối, những lãnh tụ quốc hội mời William of Orange cai trị nước Anh. Sau khi ông này từ Netherlands về nước, thì vua James II bỏ ngai vàng trốn sang nước Pháp. Người ta gọi đây là cuộc cách mạng vẻ vang vì không đổ máu. Năm 1689 vua William chấp nhận bản Tuyên Ngôn Dân Quyền của Anh. Văn kiện này công nhận những quyền căn bản của người dân, đồng thời cũng ấn định việc tăng thuế, hoặc tăng quân đội của nhà vua mà không có sự chấp thuận của Quốc Hội là trái luật.
 
Hiến pháp của nước Pháp được soạn thảo sau cuộc cách mạng phá ngục Bastille ngày 14 tháng 7 năm 1789, giải tán chế độ quân chủ, và thực hiện châm ngôn “Tự Do, Bình Đẳng, và Huynh Đệ.” Nhưng những người làm cách mạng lúc đó đã thiếu sáng tạo ra một đường hướng chính trị, nên họ tái lập chế độ quân chủ. Cũng chính những người hô hào “tự do, bình đẳng, và huynh đệ” lại xây dựng đế chế, mang quân viễn chinh đi tìm thuộc địa, và xâm lăng những nước khác, trong đó có Việt Nam là một nạn nhân.
 
Tuy bản hiến pháp của Pháp đã trở thành khuôn mẫu nhưng đã phải thay đổi nhiều lần. Chứng tỏ những nhà lập hiến của thời đó, soạn thảo theo lý tưởng với ước mơ… chưa đủ thực tế, chưa phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của dân nước Pháp. Hơn thế nữa, họ cũng chưa đủ tầm nhìn để vượt khỏi biên cương quốc gia mà đem Tự Do, Bình Đẳng và Huynh Đệ lên đến tầm kích nhân loại.
 
Qúa trình hình thành hiến pháp thành văn đầu tiên của Việt Nam, năm 1939 thế chiến thứ hai bùng nổ, và quân đội Nhật Bản chiếm Việt Nam. Sau khi Hoa Kỳ thả hai trái bom nguyên tử trên đất Nhật và Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15 tháng 8 năm 1945.
 
Ngày 1 tháng 1 năm 1946 chính phủ Liên Hiệp Lâm Thời được thành lập do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Ngày 6 tháng 1 năm 1946 bầu cử Quốc Dân Đại Hội. Vua Bảo Đại với tư cách công dân, đắc cử ở Thanh Hóa với 92% số phiếu. Nhưng trong cuốn Le Dragon d’Annam, ông viết là ông không biết ngày 6 tháng 1 năm 1946 là ngày bầu cử. Ngày 2 tháng 3 năm 1946 quốc dân đại hội được triệu tập, chấp nhận chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến của Hồ Chí Minh và cử tiểu ban dự thảo hiến pháp.
 
Ngày 28 tháng 10 năm 1946 Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp Quốc Dân Đại Hội lần thứ nhì để soạn thảo hiến pháp đầu tiên cho nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngày 9 tháng 11 năm 1946 Hiến Pháp được biểu quyết chấp thuận; song lại quyết định rằng phải tạm ngưng thi hành hiến pháp mới ấy, bởi tình hình không thuận tiện cho việc bầu cử quốc hội lập pháp. Rồi ngày 14 tháng 11 năm 1946 Quốc Hội tự gỉai tán để lại Ủy Ban Thường Trực. Chính phủ thì có quyền lập pháp bằng sắc lệnh.
 
Tất cả trở thành trò hề do Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam chủ trương, và bản hiến pháp năm 1946 chưa được áp dụng. Ngày 7 tháng 7 năm 1954 Việt Nam bị chia làm hai ở vĩ tuyến 17, dùng con sông Bến Hải làm ranh giới. 
 
Riêng với Hồ Chí Minh, Chủ tịch Đảng Cộng Sản Việt Nam, dùng Hiến Pháp Hoa Kỳ mở đầu cho tuyên ngôn Ba Đình năm 1945. Vì thế tôi thiết tưởng ta nên khai quật bản Hiến Pháp Hoa Kỳ để có cái nhìn rõ ràng về Hiến Pháp CHXHCNVN năm 1992, 12 chương và 147 điều.  
 
Sau hơn hai trăm năm từ ngày soạn thảo, Hiến Pháp Hoa Kỳ trở thành “thánh kinh” cho nhiều chính trị gia bao thời suy gẫm. Bản hiến pháp vẫn nguyên vẹn tinh ròng, có chăng là thêm bớt số tu chính án.
 
Điều trước tiên, tôi phải thừa nhận Hiến Pháp Hoa Kỳ thành công. Vì những nhà lập hiến toàn là những nhân tài, những người con ưu tú, những người đại diện của mười ba tiểu bang đến Philadelphia dự họp với một tinh thần bình đẳng; quả là điều mà tôi tin chắc thời ấy các nước khác chưa ai có.
 
Hoa Kỳ học hỏi về bài học nền chính trị Anh quốc, tránh tái lập chế độ “nội các” như của Anh, và tạo ra được một thể chế cân bằng giữa tiểu bang và liên bang. Hiến Pháp Hoa Kỳ đặt ra nguyên tắc Tản Quyền và áp dụng thật sự vào việc điều hành giữa trung ương và địa phương. Liên bang này dành quyền tự chủ cho tiểu bang, cũng như dành quyền tự do cho người dân.
 
Đã tản quyền, Hoa Kỳ lại còn có nguyên tắc Phân Quyền giữa chính phủ do tổng thống chịu trách nhiệm, và quốc hội là cơ quan lập pháp và là đại diện cho toàn dân. Cơ quan này có nhiều quyền hạn hơn của bất cứ quốc hội nào khác, mà chúng ta thường thấy. Đặc biệt tổng thống, là người do dân bầu và cũng do Cử Tri Đoàn chọn ra.
 
Nguyên tắc Kiểm Soát và Điều Hòa của Hiến Pháp Hoa Kỳ trở thành một nét đặc trưng trong lịch sử chính trị, vì rằng đã phối hợp thành công được nhiều việc trọng đại của quốc gia, thay vì những cơ quan của quốc gia lấn áp hay chèn ép lẫn nhau, như tôi thường thấy ở bao nước khác.
 
Nói tới Hiến Pháp Hoa Kỳ, là phải thấy rằng đó là luật của quốc gia. Hiến pháp ấn định thể thức tổ chức chính quyền, ấn định các quyền, và sự tự do cho công dân. Hiến pháp cũng  nêu rõ các mục đích của chính quyền, các phương cách và đường lối thực hiện để đạt đến mục đích, do hiến pháp đề ra.
 
Hiến pháp được soạn thảo để thống nhất và thành lập một chính quyền quốc gia Hoa Kỳ, từ trong thời Chiến Tranh Giải Phóng vào năm 1775 đến 1783, là thời Hoa Kỳ chiến đấu với Anh quốc và dành lại độc lập từ đế quốc Anh.
 
Khởi đầu vào năm 1781 mười ba Tiểu Bang đề xướng chính quyền Liên Bang, dưới bộ luật được gọi là Hiến Chương Liên Bang (The Articles of Confederation).
 
“Hiến Chương” kết hợp hành pháp, lập pháp, tư pháp thành một cơ quan là Quốc Hội. Vị chủ tịch được chọn bởi “ủy ban các tiểu bang,” và có quyền chủ tọa như “tổng thống.”
 
Thực tế Hiến Chương thiếu ngành hành pháp và hệ thống tòa án quốc gia, vì chỉ là đại diện 13 tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ. Hiến chương cho phép chính quyền Liên Bang có quyền tuyên chiến, điều hành vấn đề ngoại ngoại giao; nhưng không cho phép thu thuế, quy định mậu dịch, thương mại cấp Liên Bang và ngoại quốc. Nói khác đi, hiến chương không cho phép Liên Bang điều khiển các sinh hoạt của cấp tiểu bang, cho nên liên bang không có phương tiện bảo vệ quốc gia.
 
Hơn nữa số tiểu bang họ lại phát hành tiền tệ, và tạo ra những thay đổi giá trị của đồng tiền và làm hỗn loạn kinh tế quốc gia. Như thế Hiến Chương không thích hợp trong việc điều hành đất nước, mà Hoa Kỳ cần phải có Hiến Pháp.
 
Tới năm 1787 hội nghị quốc gia tổ chức tại Philadelphia với mục đích xét duyệt Hiến Chương. Nhưng kết quả thì hội nghị đó, là cả một chương trình tổ chức quy mô về chính quyền, mà hiến pháp soạn thảo. Hiến Pháp Hoa Kỳ được ký vào ngày 17 tháng 9 năm 1787, tác giả gồm nhiều người: George Washington, James Madison, Alexander Hamilton, và Benjamin Franklin…
 
Trước khi Hiến Pháp trở thành luật thì cần sự phê chuẩn của 9 Tiểu Bang, nhưng chỉ vài tháng sau bản văn được ký kết và phê chuần đầy đủ. Delaware là tiểu bang đầu tiên phê chuẩn vào ngày 7 tháng 12 năm 1787. Và New Hamshire là tiểu bang thứ chín, làm cho hiến pháp trở thành hiệu lực vào ngày 21 tháng 6 năm 1788.
 
Có những chống đối về Hiến Pháp vì nhiều người cho rằng văn kiện không bảo đảm đủ quyền cá nhân, không bảo vệ sự tự do cá nhân, hay ngăn ngừa những điều bất công do chính quyền quốc gia tạo ra. Bởi thế 10 tu chính án hiến pháp hay còn được gọi là bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền: Bill of Right được đệ trình. Bản tuyên ngôn nhân quyền trở thành luật vào ngày 15 tháng 12 năm 1791.
 
Do các tu chính án đó, hiến pháp bảo đảm tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và báo chí, tự do hội họp ôn hòa của công dân Hoa Kỳ, và quyền được xét xử bởi bồi thẩm đòan.
 
Hiến pháp quy định, Tổng Thống đắc cử bởi “tuyển cử đòan,” tức một nhóm người được chọn bởi các tiểu bang.
 
Nhân dân bầu cử các thành phần của Hạ Viện đầu tiên, như đang thi hành ngày nay, nhưng các Nghị Sĩ được tuyển chọn bởi các nhà lập pháp tiểu bang, điều này tiếp diễn cho tới những năm 1900.
 
Tối cao pháp viện có quyền sau cùng để giải thích hiến pháp. Tòa án này có thể hủy bất cứ đạo luật nào của liên bang, tiểu bang, địa phương nếu có những tranh chấp liên quan đến hiến pháp.
 
Ba điều đầu tiên của hiến pháp chia quyền ra thành ba ngành phân biệt:
-          Ngành Lập Pháp, làm luật và đại diện bởi Quốc Hội.
-          Ngành Hành Pháp, thi hành luật, đại diện bởi Tổng Thống.
-          Ngành Tư Pháp, giải thích luật, đại diện bởi Tối Cao Pháp Viện.
 
Sự phân chia này được hiểu là “Phân Quyền” mà mục đích là ngăn ngừa bất cứ ngành nào của của chính quyền trở nên qúa mạnh, để trở thành độc tài.
 
Hiến Pháp Hoa Kỳ ấn định nguyên tắc “Kiểm Soát và Điều Hòa” (check and balance) để bảo đảm không có ngành nào có ưu thế hơn, và ngăn ngừa mỗi ngành vượt quyền hạn của mình mà quên đi quyền hạn của ngành khác.
 
Ví dụ, Quốc Hội có quyền làm luật, nhưng Tổng Thống có quyền phủ quyết các dự luật đó. Đó là kiểm soát và điều hòa. Trong trường hợp “check on a check” Quốc Hội có thể vượt qua (override) phủ quyết của tổng thống bằng cách đạt 2/3 số phiếu thuận trong Quốc Hội. Và Tối Cao Pháp Viện có thể kiểm (check) Quốc Hội bằng cách vô hiệu hóa luật của Quốc Hội vừa thông qua nếu vi hiến.
 
Đối với nhân dân Hoa Kỳ, câu mở đầu hiến pháp gồm 4 điểm, thiết lập nền tảng cho truyền thống chính trị Hoa Kỳ.
 
-          “Chúng tôi Nhân Dân Hiệp Chủng Quốc” (We the People of the United States). Điểm chính yếu nơi đây là họ tự xưng với tư cách là một quốc gia thống nhất, không còn là một liên bang gồm nhiều tiểu bang nhập lại. Họ đã nhấn mạnh việc cần thiết tạo dựng và thống nhất một dân tộc.
 
-          “Với mục đích tạo sự liên kết toàn hảo” (In order to form a more perfect union). Theo cách nói này, thì sự cố gắng đầu tiên của họ là soạn thảo “Hiến chương liên bang,” nhưng còn thiếu sót và không thích hợp. Họ nói lên việc soạn thảo hiến pháp này là cần thiết.
 
-          “Lập công lý, bảo đảm yên vui gia đình, dự phòng sự chiến đấu chung, khuyến khích an sinh và bảo đảm hoàn toàn tự do cho chúng ta và con cháu chúng ta” (established justice, insure domestic tranquility, provide for the common defense, promote the general welfare and secure the blessings of liberty to ourselves and our posterity). Đây là những mục tiêu chính của sự thành hình bản hiến pháp và chính quyền quốc gia. Đọan văn này còn nói lên sự cần thiết việc có chính quyền để mang lại trật tự và tự do cho quốc gia dân tộc.
 
-          “Soạn và lập bản hiến pháp này cho Hiệp Chủng Quốc Châu Mỹ” (do ordain and establish this contitution for the United States of America). Với các mục đích trên và phương thức làm việc, họ bắt đầu thành lập chính phủ.
 
Hiến Pháp Hoa Kỳ được chấp nhận vào năm 1787 chứa đựng số bảo đảm cá nhân, nhưng dù sao cũng đã có nhiều tiểu bang từ chối, và không thông qua bản văn kiện này vì không có một đạo luật đặc biệt về nhân quyền. Bởi thế Hiến Pháp Hoa Kỳ phải có mười tu chính án ra đời, được biết với tên là Đạo Luật Nhân Quyền. Hiến Pháp khởi đầu chỉ gồm Lời Mở (Preamble) và 7 Điều (Articles).   
 
Điều I: Ngành Lập Pháp (Legislative)
 
Đoạn 1: Quốc Hội (Congress)
 
Ngành lập pháp của chính quyền liên bang do Đoạn 1 hiến pháp ấn định. Quốc Hội được chia thành Hạ Viện và Thượng Viện.
 
Quốc Hội được chia theo hệ thống lưỡng đảng. Khi một đảng chính trị có đa số trong Hạ Viện, đảng này kiểm soát tất cả ủy ban Hạ Viện. Phát Ngôn Viện/ Chủ Tịch (Speaker) Hạ Viện chủ tọa các phiên họp của Hạ Viện, và cũng là lãnh tụ đảng.
 
Đoạn 2: Hạ Viện – Viện dân biểu (House of Representatives)
 
Hạ Viện của Quốc Hội gồm những đại biểu của quận (Districts), những Dân Biểu từ các quận bầu cử của 50 tiểu bang. Hạ Viện đại diện cho dân trên căn bản dân số tùy thuộc vào địa phương; nhưng tới năm 1929, Quốc Hội giới hạn tổng số đại biểu là 435 và không chú trọng tới tổng số dân nữa.
 
Hạ Viện có quyền đề nghị các dự luật, chỉ có Hạ Viện mới có quyền khởi tố các nhân vật cao cấp của chính quyền (impeachment). Thượng Viện xét xử những vụ khởi tố đó.
 
Đoạn 3: Thượng Viện – Viện Nghị Sĩ (Senate)
 
Thượng Viện của Quốc Hội gồm có hai Nghị Sĩ cho mỗi tiểu bang, 2 x 50  = 100 vị, nhiệm kỳ là 6 năm. Các tiểu bang có đại diện tại thượng viện bằng nhau, không tính dân số.
 
Phó Tổng Thống Hoa Kỳ là chủ tịch Thượng Viện, nhưng không được bầu phiếu, chỉ trong trường hợp biểu quyết mà Thượng Viện đồng phiếu thì lúc đó lá phiếu của chủ tịch Thượng Viện là phiếu quyết đinh.
 
Điều II: Ngành Hành Pháp (Executive)
 
Hiến Pháp quy định thể thức bầu cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống, với những quyền hạn của hai chức vụ này.
 
Tổng Thống Hoa Kỳ được bầu với nhiệm kỳ 4 năm bởi nhân dân của 50 tiểu bang qua Cử Tri Đoàn, giới hạn trong hai nhiệm kỳ, và là trưởng ngành Hành Pháp.
 
Thẩm quyền hiến định của Tổng Thống là:
-          Tư lệnh quân đội
-          Quyền bổ nhiệm
-          Giảm án tử hình và ân xá
-          Thi hành luật một cách trung thực
 
Tổng Thống được ủy quyền trong việc ký kết hiệp ước với sự chấp thuận của 2/3 nghị sĩ. Hiến Pháp coi chính sách ngoại giao của Tổng Thống là chính sách ngoại giao của quốc gia.
 
Điều III: Ngành Tư Pháp (Judical)
 
Hiến Pháp Hoa Kỳ ấn định Tối Cao Pháp Viện lãnh đạo ngành Tư Pháp là tòa án tối cao của chính quyền, và quốc gia Hoa Kỳ. Ngành này đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị là giải thích hiến pháp.
 
Để làm trọn vai trò đó, nhiệm vụ của Tòa Án trong việc phát triển của Hoa Kỳ rất lớn, đôi khi vượt qua tổng thống hay quốc hội.
 
Tối Cao Pháp Viện là cơ quan cuối cùng giải thích hiến pháp, có quyền vô hiệu hóa, hành động của tổng thống hoặc luật của quốc hội, nếu vi hiến.
 
Điều IV: Sự Quan Hệ Giữa Các Tiểu Bang
 
Điều V: Giải Thích và Phương Thức Tu Chính Hiến Pháp
 
Thông thường thì tiến trình sửa đổi các điều khoản của hiến pháp là phản ảnh sự thay đổi của xã hội, qua sự tu chính hay gỉai thích hiến pháp. Nhưng những nhà lập hiến Hoa Kỳ, ngay từ
khởi thủy đã nhận thấy sự cần thiết phải có một điều khoản dự phòng để bản hiến pháp được quyền tu chính, do đó ho đã đề ra:

 
-          Tu chính án hiến pháp Hoa Kỳ cần được sự chấp thuận của 2/3 Quốc Hội và ¾ của các tiểu bang.
 
Phương pháp tu chính án hiến pháp của Hoa Kỳ thì thường khó hơn là thông qua điều luật thông thường. Đang khi quốc tế thì lại khác, ví dụ điển hình, trong điều 80 của hiến pháp nước Pháp lại ấn dịnh tu chính hiến pháp chỉ do quốc hội biểu quyết. Năm 1962 Tổng Thống De Gaulle đã làm ngơ khoản luật tu chính này, mà ông tổ chức Trưng Cầu Dân Ý một tu chính án, ấn định cách bầu cử tổng thống bằng phổ thông đầu phiếu, thay vì bầu cử hạn chế như trước; khiến cho dư luận xôn xao một thời.
 
Cũng như Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi cũng đề xuất cách tu chính án hiến pháp là sau khi thông qua lưỡng viện quốc hội, tu chính án phải được trưng cầu dân ý, và phải được đa số trong 4 trên 6 tiểu bang nước Úc chấp thuận.
 
Điều VI: Chấp Nhận Các Khoản Nợ Và Hiệp Ước Đã Ký Trước Khi Có Hiến Pháp
 
Điều VII: Phê Chuẩn Hiến Pháp
 
Hiến Pháp cần sự phê chuẩn của 9 trên 13 tiểu bang để cho hiến pháp trở thành hiệu lực.
 
Tiếp đến là Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền: Trong 10 tu chính án của Đạo Luật Nhân Quyền chỉ có 8 điều tu chính án đầu tiên bảo đảm những quyền và những tự do cá nhân. Đạo luật này có hiệu lực vào ngày 15 tháng 12 năm 1791, là một ngày được lấy để mừng Ngày Nhân Quyền.
 
Tám tu chính án trong Hiến Pháp Hoa Kỳ bao gồm những quyền căn bản và những quyền tự do cho mọi công dân.
 
1.      Tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do cải chính (rectify).
2.      Quyền mang vũ khí.
3.      Cho quân nhân tạm trú (housing of soldiers). Điều này là để chống lại chính quyền Anh quốc vào những năm 1700, khi bắt buộc dân Hoa Kỳ cho quân nhân tạm trú trong nhà. Trong thời bình, cần phải có sự đồng ý của chủ nhà, Đoạn 3 – 5, quy định vấn đề riêng tư cá nhân (personal privacy) của người dân.
4.      Cơ quan công quyền khám xét tư gia thì phải có trát tòa (search warrant).
5.      Quyền của người dân trong những vụ án hình sự (rights in criminal cases).
6.      Quyền được xét xử một cách hợp pháp, công bình, vô tư và không thiên vị (rights to a fair trial).
7.      Quyền của người dân trong những vụ án hộ sự (rights in civil lawsuits).
8.      Ấn định tiền thế chân (bail), tiền phạt, hình phạt tương xứng với tội trạng.
9 và 10 là hai điều nhấn mạnh đến những quyền không ghi trong hiến pháp là quyền dành cho người dân, và tiểu bang. Những quyền không ghi trong hiến pháp có nghĩa là tâm luật, chớ không chỉ có văn luật, và không ghi không có nghĩa là không có.
 
Hiến Pháp của các Tiểu Bang Hoa Kỳ chứa đựng Đạo Luật hay Tuyên Ngôn Nhân Quyền được chi tiết hóa và rõ ràng hơn Hiến Pháp Liên Bang.
 
Hiến Pháp Hoa Kỳ ngày nay được coi là bản hiến pháp mẫu, nhưng cũng ít những quốc gia trên thế giới biết mang đến các quyền công dân cho người dân nước họ, như công dân Hoa Kỳ đang được hưởng. Hơn thế nữa, bản Hiến Pháp của Hoa Kỳ cho tới nay cũng được coi là khuôn mẫu của xã hội kỹ nghệ, và bắt đầu lỗi thời khi xã hội Hoa Kỳ tiến vào Thời Đại Mới: Tín Liệu, chắc chắn Hiến Pháp cũng cần sửa đổi và cải tiến.
 
Bộ mặt của thế giới cũng đang thay đổi theo sự phát triển của dân số, khoa học kỹ thuật, và phương tiện vận chuyển. Phương tiện di chuyển phát triển đồng nghĩa với sự thu nhỏ địa cầu về phương diện cai trị, quân sự, và điều hành.
 
Con người đã phải trải qua từ đi bộ, cỡi ngựa, chèo thuyền, tới xe lửa, xe hơi, tàu thủy, máy bay… làm thay đổi bộ mặt xã hội và chính trị. Chiến tranh xâm lăng cũng tùy thuộc vào phương tiện di chuyển. Ví dụ, với đôi bàn chân thì chiến tranh chỉ có thể xảy ra trong bộ lạc, hay vùng đất nhỏ hẹp… Khi con người biết làm thuyền, nuôi ngựa, chăn voi thì chiến tranh cũng bắt đầu tiến tới cấp quốc gia, xâm lấn các nước và thành đế quốc. Dân Mông Cổ nuôi được giống ngựa chạy nhanh, thì họ gây chiến tranh vào thế kỷ 13 từ Á sang Âu. Nhưng với phát minh tàu sắt thì các nước xâm lược của Tây phương lại đi chiếm thuộc địa, gần hết thế giới.
 
Ngày nay, theo dự trù khoảng vài thập niên tới, phương tiện di chuyển thông dụng của nhân loại có thể đạt tới tốc độ 25,000 cây số/ giờ. Với phương tiện di chuyển nhanh, và sự liên lạc qua hệ thống điện lưới toàn cầu, máy điện toán cá nhân… chắc chắn sẽ đưa nhân loại tới một thể chế chính trị tân tiến, phù hợp tình người trong tương lai gần.
 
Tóm lại, hiến pháp quả thật là một nhu cầu cần thiết cho thể chế chính trị tự do dân chủ. Hiến pháp là khuôn hình, là mức giới hạn để người dân bị trị có thể nhìn vào hiến pháp mà làm mẫu mực, làm thước đo để xét xem giai cấp cai trị là chính quyền có làm đúng, thực hành đúng đường lối chính sách đã hoạch định, như đã ghi trong khế ước. Từ đó, người dân căn cứ theo thỏa thuận mà bắt buộc chính quyền của họ phải dừng lại, hoặc trả giá cho những vi phạm mà chính quyền vướng mắc khuyết điểm.
 
Thời đại hôm nay là thời đại dân chủ, điều kiện căn bản để thực hiện dân chủ là tự do; không có tự do thì không thể gọi là dân chủ. Hơn nữa, chúng ta đang có đủ điều kiện, phương tiện thời gian nghiên cứu tìm tòi học hỏi một thể chế chính trị dân chủ theo phương thức dễ dàng thực hiện, nhằm mang lại thịnh vượng và phú cường cho quê hương Việt Nam trong thời đại tín liệu.
 
Phạm Văn Bản
Lynnwood, ngày 19 tháng 10 năm 2007
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.07.2008 06:47:58 bởi Thần Báo >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9