TƯỞNG BÂY GIỜ LÀ BAO GIỜ
Lai Ly Anh Van 22.07.2008 09:05:57 (permalink)
TƯỞNG BÂY GIỜ LÀ BAO GIỜ
Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong thời bao cấp. Những năm tháng ấy, tuy còn nhỏ tôi đã cảm nhận và thấy được rất nhiều điều về cái đói nghèo, lạc hậu và khổ ải của chính mình và những người xung. Những năm tháng ấy người dân quê tôi luôn lo đói. Nỗi âu lo căng thẳng trên gương mặt người ghê gớm nhất vào độ tháng ba- Tháng Bảy đói qua, tháng Ba đói dài. Trong rất nhiều năm xóm làng chẳng có gì thay đổi. Những mái nhà cũ kĩ, những vụ đói kế tiếp nhau. Mặc dù trong sách giáo khoa chúng tôi được học rằng nước ta rừng vàng biển bạc, rằng hai vựa lúa ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long v.v... và v.v... Thế nhưng thực tại là cái đói triền miên đe doạ. Có một khái niệm mà bây giờ phải giải thích rất lâu người nghe mới hiểu đó là khái niệm ăn cơm không. Ăn cơm không tức là ăn cơm không có trộn lẫn sắn khoai. Ăn cơm không chỉ có ở rất ít nhà cán bộ. Ăn cơm không chỉ có được trong dăm bữa, nửa tháng vào mùa gặt. Được bưng bát cơm không mà ăn mới thấy đời sung sướng làm sao. Qua đi những ngày gặt hái, hạt lúa trong bồ chỉ còn lại vô cùng ít ỏi. Bây giờ phải tính toán thế nào để chất hơi ngũ cốc, thứ của quí hoá mà tự ngàn đời ông bà ta đã gọi là ngọc thực, được chia đều từng bữa cho đến mùa sau. Nồi cơm không của mùa gặt đã bùi ngùi ra đi để nhường chỗ cho nồi cơm trộn sắn, trộn khoai, trộn hạt bo bo do các nước anh em viện trợ. Những thứ sắn khoai được chèn độn trong bao tử cũng không phải là dễ kiếm hay nhiều nhặn gì cho lắm. Những chuyện đau lòng xung quang nồi khoai luộc đã được kết thành câu “Ngồi dai cho khoai bà nát”. Hãy tưởng tượng mấy bà hàng xóm đến chơi vào cái lúc nồi khoai đang sôi trên bếp. Chủ nhà chỉ muốn tiễn khách cho nhanh để đổ khoai ra cho kịp mà khách thì lại cố tình chây ra với đủ thứ chuyện vãn. Rủi gặp phải người giỏi tán thì câu chuyện cứ nối dài dài buộc lòng chủ nhà phải mời ăn khoai chứ chẳng còn cách nào khác.
Đã đói thì hẳn là nghèo. Cái nghèo hiện lên thê lương buồn bã trên những mặt người, trên từng nếp nhăn quần áo, trên cả trang vở học trò. Những áo quần chủ yấu được may bằng vải xấu. Những chiếc quần vải tốt thì phải vá mông (gọi là bích kê), vá gối. Trẻ em tới trường hoàn toàn là chân đất. Những ngôi trường mới thật đáng thương. Những song cửa sổ lâu ngày buông xuống để hở ra một khoảng trống huơ, trống hoác. Tường xây vôi vữa lâu ngày đã bở lại được bọn trẻ con nghịch ngợm cạy ra thành những cái lỗ hổng ở cuối lớp để chúng dễ chui ra chui vào. Bàn ghế thì luôn luôn thiếu. Những cái ghế gãy chân được chữa trị bằng cách xếp gạch kê làm chân. Những cái bảng gỗ cóc cáy được làm cho đen bằng cách lấy quả pin giã nhỏ thành thứ bột than rồi lấy lá khoai lang quện vào mà bôi, miết lên bảng. Giấy viết của chúng tôi thời đó là thứ giấy đen chỉ nhẵn một mặt còn mặt kia thì sần sùi lổn nhổn những mảnh dăm tre. Sân trường lổn nhổn những phân trâu, phân bò. Trong cái đói nghèo, lễ nghĩa dường như cũng bỏ, nhà trường cũng chả có gì đáng phải nể trọng thành ra bọn trẻ chăn trâu với bao người dân nữa cứ tự do ra vào, tự do phá phách. Bon trẻ chúng tôi đi học thì chuyện trống giờ xảy ra như cơm bữa. Những khi trống giờ chúng tôi tha hồ la hét, dượt đuổi, đấm đá nhau. Nghỉ rất nhiều, trống giờ rất nhiều nhưng cuối năm thì chương trình vãn cứ hết. Nhân đây xin mở một cái ngoặc thế này: Có một dạo, trong nam rất nhiều giáo viên xin thôi việc bởi cuộc sống khổ quá, đồng lương không đủ sống. Những người dạy học có lương tâm cảm thấy không chịu nổi cái nhếch nhác, cái khổ ải bởi khi đứng trên bục giảng mà đói quá, rách quá, uy tín của mình bị sứt mẻ nhiều quá thì không thể được. Người nam vốn ngay thẳng, đàng hoàng nên thấy không trụ được là xin nghỉ. Ngược lại người bắc vốn có cái tài ứng phó, tôi phải xin lỗi mà nói rằng đó là cái thói khôn vặt, cái trò trí trá. Họ không xin nghỉ, họ vẫn bám trụ vào nhà nước. Họ thực hiện chính sách gọi là chân ngoài dài hơn trong chân. Nào buôn gà buôn vịt, nào bắt tép, bắt cua. Như một anh bạn tôi nói: Tao xác định làm nghề dạy học tức là ông nông dân có nghề phụ là dạy học. Chính vì thế mà hôm nay người ta mới ồn ào về giáo dục.
Đói nghèo dĩ nhiên là lạc hậu. Giữa thế kỉ 20 mà người dân quê tôi nhìn thấy loại máy móc gì cũng lạ. Điện thì dĩ nhiên không có. Ánh sáng điện như là chuyện viển vông.  Những máy bơm nước, máy xát gạo, bình phun thuốc sâu là của hiếm. Di chuyển, chuyên trở đều bằng chân và vai. Cái đòn gánh tre chín rạn đôi vai mà Nguyễn Du đã nói đến trong Văn tế thập loại chúng sinh thì lúc này vẫn tiếp tục nghiến trên những đôi vai của người làng tôi. Cả mấy xã trong khu vực tôi mới có một chuyến xe ca đi về thị xã. Hồi tôi còn nhỏ cứ khoảng 9 giờ sáng nghe tiếng còi xe ca là lại chạy ra cổng ngóng xem. Nhìn cái xe mà như thấy một thứ của sang quí ở tận đâu đâu. Lâu dần chuyến xe đó cũng bị cắt nốt. Đường về thị xã, nếu ai đi thì phải dùng xe đạp. Mà cũng chả có việc gì cần đi. Ngay đến ốm đau tôi cũng chả mấy khi thấy có. Trong công việc làm tất thảy đều là cơ bắp. Nào tát nước gàu sòng gàu giai. Nào đập lúa bằng néo, nào xay lúa giã gạo toàn những công việc mà bây giờ nói cho lớp trẻ nghe mình phải giải thích rất lâu chúng mới lờ mờ hiểu. Người dân quê đi gặt lúa chiêm khi lội xuống cánh đồng có nhiều đỉa phải chống bằng cách dung mồi đánh đỉa. Mồi đánh đỉa là cái gỉ? Đó là một gói nhỏ được gói bằng một mảnh vải bên trong là một hỗn hợp gồm vôi, bồ hóng quét ở gác bếp cùng với ớt được giã nhuyễn. Cái gói này được buộc vào đầu một que tre cho các bà đi cấy, đi gặt giắt ở thắt lưng. Mỗi khi rút chân lên khỏi nước mà thấy đỉa bám vào thì dùng cái mồi kia quét một cái cho bọn đỉa đói phải co vòi lại. Ôi cái mồi đánh đỉa, sản phẩm từ cha ông truyền lại vẫn được dùng cho đến tận khi ấy mà bây giờ tôi muốn nhắc lại kẻo rồi quên.
Có một câu chuyện tôi muốn kể ở đây. Năm ấy tôi học hết phổ thông được gia đình cho đi ôn thi đại học. Tôi được chú tôi đèo đến trường bằng xe đạp. Chú là chồng của cô tôi, dạy ở trường đại học. Hôm ấy chú về thăm nhà cô, nhân thể bố mẹ tôi nhờ chú lai đi. Tôi lúc ấy đã học hết lớp 12 nhưng người gấy gò, còi cọc, đi xe không thạo nên không thể lai được đoạn nào. Trên chặng đường dài dằng dặc chỉ có chú đạp xe. Chúng tôi xuất phát lúc một giờ chiều một ngày hè. Trên cái xe đạp đã cũ chồng chất bao nhiêu là thứ quà quê lại thêm một bao gạo của tôi buộc vắt quanh khung xe ở phía trước. Đường đi phải qua rất nhiều đoạn đường dốc. Những chỗ dốc xuôi phanh xe không hãm nổi xe lại khiến chú tôi phải lái ngoắt ngéo cho xe đâm vào những đụn rơm ven đường. Cái lốp xe đã cũ không chịu nổi sức nặng chất trên lưng, nó bắt đầu giở chứng. Cứ được một đoạn săm xe lại lòi ra khỏi lốp. Chú tôi lại phải dừng xe. Chú tháo hết hơi rồi nhét săm vào rồi cuốn bằng dây chun, rồi dùng bơm tay và bơm. Cái lốp xe ốm yếu cứ chốc chốc lại bắt chú tôi xuống xe và tháo hơi xe, và nhét xăm xe vào, và cuốn dây chun, và dùng bơm tay mà bơm. Nhìn cái xăm lòi ra lùng nhùng (may sao nó lại chỉ lòi ra mà không thủng) như người lòi ruột. Ôi, xe gì mà cứ lòi mãi ruột ra thế, tự nhiên tôi bật cười với cái ý nghĩ là xe lòi ruột. Thấy tôi cười, chú tôi quay lại: “V. cười gì thế”. Trời ơi, nhìn gương mặt chú tôi mới thấy mình có tội làm sao. Chú tôi, mặt đỏ bừng bừng, mồ hôi nhễ nhại. Chú tôi đang phải ra công gắng sức nào sửa xe, nào bơm xe rồi lại lên xe còng lưng đạp mà đèo tôi. Vậy mà tôi lại có thể cười, thế thì tôi có còn là cái giống người nữa không cơ chứ. May sao (ôi, tôi phải cảm ơn trời đất, cảm ơn mẹ cha đã cho tôi được câu nói ấy) may sao tôi đã nói được rằng: “cháu nhìn cái bao gạo như mán kia buồn cười quá”. À, cái bao gạo. Nó vốn là cái thắt lưng đỏ của bà ngoại tôi. Mẹ tôi cho gạo vào đó, buộc túm hai đầu lại rồi buộc vắt trên cáng xe, chỗ giữa người lái và tay lái.  Nhìn bao gạo, chú tin ngay lời tôi là thực, chú bảo: “Lúc gần đến nơi để cho V. đeo bao gạo”. Khi chúng tôi đến thị trấn, nơi trường đóng thì trời đã nhá nhem tối, chú bảo: “Thôi bây giờ tối rồi, không cần phải tháo ra nữa”. Chao ôi, đó là lần nói thành công nhất của tôi tính cho đến giờ. Chuyện đã hơn hai mươi năm mà mỗi lần nhớ lại tôi vẫn còn ân hận, bài viết này coi như một lời tạ lỗi của tôi đối với chú.
Chuyện đói nghèo lạc hậu của một thời giờ đã qua đi. Từ khi đổi mới kinh tế khá lên, cuộc sống có nhiều thay đổi. Điện đã về làng, máy móc làm giúp con người nhiều việc. Cái néo đập lúa và cái mồi đánh đỉa đã vĩnh viễn đi xa. Bây giờ người đi cấy chân không phải dầm bùn vì đã có bao chân bằng nhựa đảm bảo ngăn cách với bùn tuyệt đối. Gàu sòng, gàu giai trên đồng cũng đã dần thưa vắng. Đặc biệt cái đòn gánh tre đã không còn nghiến trên đôi vai người nữa. Nhà xây, nhà ngói, rồi nhà kiên cố nhiều tầng đã mọc lên. Từ chỗ cả làng chỉ có vài cái tivi đen trắng thì giờ đây gần như mỗi nhà đã có một cái tivi màu để xem. Thanh niên làng đã có thể vung vẩy điện thoại di động mà trò chuyện (tuy rằng điều này có hơi xa xỉ so với thu nhập của người nông dân). Trước đây xe máy còn là mơ ước của rất nhiều người thì giờ đây nó lại đang nhiều đến phát ngại. Ô tô chở khách từ làng tôi đi các nơi cứ nhiều lên, nhiều lên thì giờ đây nó đang sắp phải nhường chỗ cho xe buýt, một biểu hiện của văn minh hiện đại. Cái ăn, cái mặc đã khá dồi dào. Nhớ lại những ngày xưa các cụ dạy rằng Tháng Bảy trông ra, tháng Ba trông về, nghĩa là tháng Bảy ra vườn tìm cái ăn (trông ra). Cái ăn ở đây chỉ là quả sim, quả ổi (thứ ổi dại quả nhỏ mà chua loét), quả khế chua. Phải lâu lâu mới có được quả mít, mỗi khi bổ mít cả nhà quây quần vui như đại tiệc, hạt mít được để dành cho bữa sau đưa vào luộc. Những giống  quả quí như cam, quýt thì khó lòng được nhìn thấy ở quê. Quả vải của ngày xưa là giống cây to, quả to, hột cũng rất to mà ăn vào thì chua nhức óc. Thịt gà, thịt lợn đâu như cả năm được chén có vài lần. Bây giờ những chuyện đó đã thành dĩ vãng.
Nhìn lại những ngày qua và những ngày này tưởng chỉ có thể nhờ cụ Nguyễn Du mà nói rằng:
“Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”
Nhưng....
Cuộc sống đã đổi thay, cung cách làm ăn đã khác. Cách sống, cách làm, cách nghĩ của hôm qua đã không còn phù hợp. Hôm qua có thể nhờ nhau cắt tóc, có thể nhờ nhau đi cày, đi cấy, có thể mượn bàn, ghế, bát đĩa khi nhà có đám; hôm nay tất cả là thuê mướn, là mua đứt bán đoạn. Với mấy sào ruộng được chia phải cõng trên đó trăm thứ bà dằn. Từ tiền học cho con đến tiền việc làng, việc nước. Nào hiếu hỉ trong họ ngoài làng, nào tiền làm giao thông, tiền làm từ thiện, tiền điện, tiền thuế, tiền phân bón, thuốc sâu. Người dân quê tôi ngác ngơ, bối rối chẳng biết trồng cây gì, nuôi con gì cho được. Trồng cây nhãn cây vải được khi thu quả thì giá rẻ như cho lại cầm lòng chặt cây làm củi. Nghe nói trồng dâu nuôi tằm cả làng lại đổ xô đi nào trồng dâu, nào sắm đồ xe sợi để rồi lại lỗ vì dâu. Rồi lại nghe đâu trồng thanh hao hoa vàng được giá lại trồng để rồi lại nhìn nó mà dở khóc dở mếu.
Thương nhất là đám thanh niên. Chúng lớn lên đi vào đời với một hoang mang vô định. Phải như ngày xưa con trai con gái lớn lên được bố mẹ dựng vợ gả chồng rồi ra ở giêng, rồi sinh đẻ và thành một gia đình. Cuộc sống cũng đều đều như mọi người. Đã nhiều đời cuộc sống diễn ra như vậy dưới luỹ tre làng chẳng ai băn khoăn suy nghĩ. Bây giờ thì khác, thanh niên làng tôi không thể làm như xưa nữa rồi. Họ đi đâu? Thưa rằng họ đi các ngả. Cũng có những ngả đường may mắn đã dẫn họ đến thành công. Nghĩa là có một việc làm có thu nhập khá có thể giúp được bố mẹ, có thể xây được đời sống hạnh phúc. Phần đông trong số họ đi làm công nhân với mức lương trên dưới một triệu đồng một tháng. Ai sẽ là người dẫn dắt họ đi? Tương lai nào sẽ đến với họ?
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9