Vòng quanh thế giới...
kiếp nhân gian 25.07.2008 23:52:12 (permalink)




Đầu xuân hành hương đến núi Điện Bà
 
 












Lễ vía Bà Đen/ Linh Sơn Thánh Mẫu cử hành vào ngày 5.5 âm lịch. Song Hội xuân ở núi Điện Bà thu hút đông đảo khách hành hương lại là 3 tháng đầu năm, mặc dù lễ hội chính là Rằm đến 18 tháng Giêng. Đi chùa quanh năm không bằng rằm tháng giêng...
 



Non linh đất phước trổ hoa thần,


Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân.


Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng,


Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân...


Năm 1901, theo lời mời của các bạn thơ ở Tây Ninh, bà Sương Nguyệt Anh (con gái cụ Đồ Chiểu và là chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên ở xứ ta là Nữ giới chung) cùng họ hành hương lên núi Điện Bà, nhân đó thưởng hoa bạch mai nở trắng rừng. Thừa hứng, bà đề vịnh bạch mai trên chùa núi và rồi, viết tiếp hai bài thơ thất ngôn chữ Hán để tặng càc thi hữu, tựa là Linh sơn nhất thụ mai. Ông Tô Ngọc Đường giữ thủ bút này mãi về sau như một kỷ niệm quí báu, đến những năm 1970 đưa cho ông Huỳnh Minh chụp ảnh công bố trong sách Tây Ninh xưa và nay...








Bản đồ núi Bà Đen trước năm 1975I.
Câu chuyện văn chương còn dài xin gác lại. Ở đây, chúng ta thấy núi Điện Bà đến những năm đầu thế kỷ XX đã trở thành một địa điểm hành hương - du lịch, thu hút khách xa tận miệt Sài Gòn. Tây Ninh nói chung, núi Điện Bà nói riêng, bấy giờ là vùng “hậu bối” nguyên sơ của xứ đô hội phù hoa Sài Gòn - Gia Định, nơi đang diễn ra cuộc tranh thương gay cấn và sự va đập của phong hoá mới - cũ, với sự lấn lướt của lối sống tân thời. Tuồng như bấy giờ Tây Ninh là một tụ điểm của tầng lớp trung lưu hoài cổ. Võ Sâm biên soạn tuyển tập văn học cổ Thi phú văn từ và tập hợp quanh ông những danh sĩ địa phương để ngâm thơ xướng hoạ. Kế đó Quốc Biểu Nguyễn Cư Hiến thành lập Văn đàn Quốc Biểu (1923) hội họp nhau bàn luận văn chương và sáng tác hàng tuần vào mỗi chủ nhật ở Gò Chẹt... Tất thảy việc ngâm thơ xướng hoạ, lên núi thưởng hoa, vịnh thơ... nghe như đượm cái dư vị của tao đàn Chiêu Anh Các, của Bạch Mai/ Sơn Hội thi xã của một thời quá vãng. Lại cả Thiền sư Từ Phong từ Chợ Lớn cũng lên Tây Ninh lập chùa Từ Lâm ở Gò Kén và những thành viên của một tôn giáo mới với xu hướng trở về với nguồn cội Nho - Phật - Lão (qui nguyên tam giáo) đậm tính chất tiên đạo là đạo Cao Đài cũng chọn Tây Ninh làm nơi khai đạo và đặt trụ sở toà thánh... Một cái nhìn toàn cảnh như vậy là nhằm chỉ ra những tiền đề lịch sử - văn hoá của tín ngưỡng thờ Bà Đen/ Linh Sơn Thánh Mẫu và xác lập thời điểm của mức độ phát triển vượt khỏi không gian văn hoá địa phương sở tại của địa điểm thiêng này là đầu thế kỷ XX, để đến năm Bảo Đại thứ 10 (1935), vị thần linh dân dã Bà Đen/ Linh Sơn Thánh Mẫu đã có đủ uy linh và “thế lực” được sắc phong làm “Đức Bảo Trung hưng linh phù chi thần”.


II.


Núi Bà Đinh/ Bà Đen  là ngọn núi duy nhất trong mục “sơn xuyên” của trấn Phiên An trong sách Gia Định thành thông chí (GĐTTC). Theo ghi chép này thì núi Bà Đinh: 1) trên núi có chùa Vân Sơn; 2) ở đó có “Thôn lạc của người Thượng (hiểu là các dân tộc ít người) và người Kinh sống nhờ vào khai thác lâm sản; 3) tương truyền: có khi “thấy cả chuông vàng trong hồ”, “những đêm trời tạnh thuyền rồng bơi lặn trong hồ” (1).


Các chi tiết của đoạn ghi chép này có mấy điều đáng lưu ý khi truy nguyên về tập tục thờ Bà Đen ở núi này.


1. Một là tên núi được ghi âm là Bà Đinh. Tên gọi này cũng thấy ghi chép tương tự trong Đại Nam liệt truyện tiền biên (biên soạn 1852), mục nói về Nguyễn Cư Trinh, năm 1755, đưa 5.000 dân Côn Man (Chăm) về đóng ở dưới chân Bà Đinh sơn (2).  Điều này đã chỉ ra tên gọi Bà Đen của núi này (và về sau, là tên của vị nữ thần chính được thờ tự ở đây) đến thế kỷ XIX là chưa định danh. Nói cách khác, Bà Đinh/ Bà Đen là địa danh phiên âm  chứ không phải địa danh có nghĩa, tức do nơi này đã là nơi thờ tự một nữ thần là Bà Đen nên được gọi tên là núi Bà Đen như cách hiểu về sau này. Do đó, việc truy cứu nguyên uỷ của vị nữ thần này buộc phải tìm tòi ở một hướng khác: các tư liệu lịch sử - văn hoá của các tộc người cộng cư với người Kinh ở khu vực này, tức cộng đồng mà tác giả GĐTTC gọi là cộng đồng man/ thượng/ mọi (tuỳ theo từng dịch giả) - mà cụ thể là người Khmer và người Chăm (tức những người Côn Man định cư ở đây từ 1755).


Trong kho tàngtruyện dân gian Khmer, có nhiều câu chuyện dựng theo môtip “trai gái thi nhau đắp núi”: phe nào đắp cao hơn (trong một đêm) thì giành phần thắng, buộc phe kia phải đi cưới. Dị bản nói về sự ra đời của núi Bà Đen kể rằng: bên phụ nữ đắp núi Bà Đen và bên nam giới đắp núi Cậu. Bên phụ nữ, do Mê Đêng/ Mê Đênh cầm đầu, đã cố công đắp ngọn núi. Còn bên nam giới ỷ lại, cứ lo vui chơi nên thua cuộc. Sáng ra, núi Câêu thấp hơn núi Bà và bên nam giới đã xui một con voi đến phá núi nhưng chưa kịp phá thì Mê Đeng làm phép, voi hoá thành đá. Chàng trai nọ lại xúi bầy heo rừng xộc đến ủi núi Bà cho sụp. Bầy heo bị nên nữ làm phép hoá thành một ngọn núi nhỏ - gọi là núi Heo và bên nam giới lại sai bầy gà đến bới núi Bà: cũng bị hoà thành một ngọn đồi. Cuối cùng chàng trai đích thân phá núi: hốt đất rải tứ tung. Do vậy, núi Bà Đen đến nay vẫn còn 3 ngọn núi, đồi nằm bên cạnh, được gọi là núi Tượng, núi Heo, núi Gà và những đồi thấp bên chân núi Bà Đen.


Theo sự tích này, Mê Đêng có thể được lấy tên chỉ định cho núi và có thể được tôn thờ và lưu truyền qua thời gian. Trường hợp có phần tương tự như ao Bà Om ở Trà Vinh. Cụ thể là Phnom Mê Đêng về sau âm là Bà Đinh/ Bà Đen và vị nữ thần được tôn thờ trên hang đá cũng được gọi là Bà Đen (3).


2. Tập tục thờ Bà Đen cũng có thể bắt nguồn từ tín ngưỡng Khmer, mà phổ biến, vị nữ thần này được định danh là Dây Khmau/ Dì Đen (như tượng đồng đen thờ ở Sala chùa Sần-ke (xã Trường Khánh, Long Phú, Hậu Giang) hay phổ biến hơn là Arặc Khmau (Arặc Đen) của tín ngưỡng Arặc - nữ thần bảo hộ thị tộc, mang tính chất saman giáo/ đồng bóng. Thoạt tiên, vị nữ thần này được coi như bà tổ của một dòng họ và về sau được đồng nhất với các nữ thần Bà la môn giáo, một số được định danh bằng tên gọi các màu sắc: đen (khmau), đỏ (càhom), xanh (khiêu)... Hiển nhiên, tập tục thờ một nữ thần khmau/ đen là phổ biến trong tín ngưỡng Khmer, nhưng khả năng từ Arặc khmau/ Dây khmau có thể dịch nghĩa trở thành Bà Đen là đặc biệt hiếm, vì hầu như các trường hợp “Việt hoá” phổ biến là phiên âm. Hiểu là không dịch nghĩa. Chẳng hạn xứ Tưk khmau (nước đen) được gọi là Cà Mau hay xứ Mê So (Nàng Trắng) được gọi là Mỹ Tho, Sva Ton (khỉ níu) được gọi là Xoài Tón (Tri Tôn) v.v. Nói cách khác, chúng tôi vẫn thiên về ý kiến trình bày ở mục 1 trên đây hơn là trường hợp sau này. Tất nhiên, ở đây cũng cần lưu ý rằng việc gọi vị nữ thần ở núi Điện bà là Bà Đen, về mặt ngữ nghĩa, đã cho thấy sự xác định đây là một nữ thần gốc sắc tộc có màu da sậm/ đen.


3. Tác động của tín ngưỡng Chăm vào Bà Đen là một khả năng có thể có từ sự giao lưu văn hoá do quá trình cộng cư của cộng đồng Chăm/ Côn man từ giữa thế kỷ XVIII (kéo dài về sau). Ở vùng núi này, chúng ta có địa danh Hang Chàm (và ở gần chợ Tây Ninh có địa danh Cống Chàm): song rõ ràng đây là cách gọi của người Việt, tức không chỉ rõ hướng ảnh hưởng từ Chàm đến Việt. Biểu hiện rõ giao lưu văn hoá Chàm - Việt là việc gọi tên núi Bà Đen là núi Bà và ngọn núi phía Dầu Tiếng là núi Cậu. Bà-Cậu gốc từ tập tục tín ngưỡng Pô Inư Nagar (Mẹ Xứ Sở/ Chúa Xứ). Theo thần tích của nữ thần Mẹ Xứ Sở này, tức Thiên y Ana, thì bà có hai người con với Thái tử Bắc Hải: cậu Trài, cậu Quí - được thở phụng phổ biến ở Nam Bộ với danh hiệu Nhị vị công tử. Do đó, việc gọi núi Bà Đen núi Bà trong tâm thức văn hoá tín ngưỡng Chăm/ Côn Man ở đây hẳn có sự đồng nhất vị thần trên núi Điện Bà với Mẹ Xứ Sở/ Pô Inư Nagar. Điều này cho thấy khả năng đồng nhất Bà Đen với nữ thần Muk Juk (hiểu là Mụ Đen) và mặt khác, chứng tích của tục thờ Cậu ở núi Điện Bà là ngôi miếu Cậu hiện tồn.


III.


Đối với người Việt, Bà Đen có hai thần tích: 1.Nàng Đênh và 2.Lý Thị Thiên Hương. Cả hai đều có mỹ hiệu là Linh Sơn Thánh Mẫu.


1. Cứ như GĐTTC (đầu thế kỷ XIX) đã ghi thì trên núi có chùa Vân Sơn và ở Đại Nam nhất thống chí (cuối thế kỷ XIX) thì gọi là chùa Linh Sơn. Về tự dạng hán tự, chữ Vân và chữ Linh có tự dạng giống nhau nên “Linh” có thể chép nhầm là Vân. Ngược với giả định chép lầm, chúng ta thấy thoạt đầu trên núi có một ngôi chùa với tên gọi là Vân Sơn có tính hiện thực: núi cao có mây phủ và mang màu sắc thoát tục của tiên đạo hơn là Phật giáo. Điều đó cũng hợp hơn những truyền thuyết về chuông vàng, rùa vàng và thuyền rồng bơi lượn múa hát - du dương mà tác giả GĐTTC đã chép. Rồi về sau mới đổi tên là Linh Sơn do là sự cải đổi theo quan niệm  chính thống của Phật giáo mặc dù vẫn còn tồn tại tên gọi là Điện Bà Sơn (Đại Nam nhất thống chí). Linh Sơn (núi linh) chỉ ngọn núi có hình con ó (núi Kênh kênh) gần thành Vương Xá (Rajagriha); tên gọi theo âm Phạn là Kỳ Xà Quật (Garudhakuta) - dịch nghĩa theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền là Thứu Sơn, Linh Thứu Sơn, Kê Túc Sơn. Theo truyền thống Ấn Độ, Linh Sơn là ngọn núi thiêng, nơi các thiên thần thường hiện về. Khi Đức Phật tại thế, Phật đã thuyết pháp ở đây và về sau, núi Kênh Kênh trở thành một trong những thánh địa Phật giáo nổi tiếng. Theo đó, các xứ khác, như Trung Hoa, Việt Nam thường đặt tên các sơn tự là Linh Sơn tự, Thứu Sơn/ Thứu Lĩnh tự...


Theo lịch sử truyền thừa, thì chùa Linh Sơn trên núi Điện bà do Hoà thượng Thiện Hiếu - Đạo Trung, thuộc Thiền phái Lâm Tế đời 36, khai sơn. Hoà thượng Thiện Hiếu là một cao tăng, có nhiều công đức lợi lạc quần sanh. Thiền sư rời chùa Linh Sơn về tu hành ở am cỏ xứ Bưng Đĩa (Thủ Dầu Một) - sau, nơi đây được tăng chúng dựng nên cảnh chùa, gọi là chùa Hưng Long. Vấn đề liên quan đến việc đang bàn là niên đại Hoà thượng Thiện Hiếu khai sơn chùa Linh Sơn vì chính niên đại khai sơn này có liên quan đến thời điểm Bà Đen được Phật giáo hoá thành Linh Sơn Thánh Mẫu.


Theo các cứ liệu thành văn, Hoà thượng Đạo Trung - Thiện Hiếu tịch ngày 20 tháng 12 năm Kỷ Mùi tại chùa Hưng Long và đồ chúng lập tháp thờ ở khuôn viên chùa (4). Tháng 12 Kỷ Mùi (có thể là 1800 hay 1860). Ở đây chúng tôi thiên về niên đại muộn 1860, vì có phần hợp lý hơn theo lịch sử truyền đăng của chùa Linh Sơn thì các trụ trì chùa Linh Sơn sau đó là: 1. Tánh Hiền - Quảng Thông (?), 2. Thanh Thọ - Phước Chí (tại vị 1871-1880), 3. Trừng Tùng - Chơn Thoại (1880-1910), 4. Tâm Hoà - Chánh Khâm (1910-1937), 5. Nguyên Cơ - Giác Phú (tại vị 11 tháng,1937), 6. Nguyên Bộ - Giác Ngọc (1946-1951), 7. Nguyên Chất - Giác Điền (1952-1957)... (5). Như vậy, Bà Đen được Phật giáo hoá thành Linh Sơn Thánh Mẫu từ khoảng giữa đến cuối thế kỷ XIX.


2. Công việc kế tiếp của bài viết này là qua hai thần tích về Bà Đen, chúng ta lần lượt tìm hiểu cách thức Phật giáo hoá/ Việt hoá tín ngưỡng này như thế nào.


2.1 Ở thần tích Nàng Đênh, chúng ta còn dấu ấn Khmer Mê Đêng/ Mê Đênh ở tên gọi Nàng Đênh và ở lý lịch của Nàng Đênh: “Tại vùng núi Tây Ninh có một viên quan trấn địa phương người Miên sinh hạ được hai con: một trai tuấn tú, một gái hiền thục gọi là Nàng Đênh” (6). Năm 13 tuổi, Nàng Đênh gặp được một thiền sư “người Tàu từ Bến Cát (Thủ Dầu Một)” và qui y. Lớn lên, cha nàng hứa gả nàng cho trưởng nam con một viên quan ở Trảng Bàng, nhưng “vì nàng đã phát nguyện xuất gia cầu đạo, không chấp nhận lập gia đình để gây mãi kiếp luân hồi khổ não. Một đêm, khi cha mẹ ngủ yên, nàng lẻn đi tìm đạo và biệt tích”. Nàng Đênh qua đời, và do lòng chí nguyện đã đắc quả và hiển linh nên dân chúng tôn thờ (7).


2.2  Ở thần tích thứ hai kề rằng: Bà Đen là hoá thân của cô gái Trảng Bàng, tên là Lý Thị Thiên Hương. Nàng là cô gái sùng mộ đạo Phật. Nàng có lòng yêu chàng trai văn hay võ giỏi trong làng là Lê Sĩ Triệt. Một hôm, tên con trai của quan huyện sai bọn côn đồ chặn đường bắt cóc Lý Thị Thiên Hương về làm thiếp. Giữa lúc đó, Lê Sĩ Triệt xông ra đánh đuổi tên côn đồ giải thoát cho nàng. Cha mẹ Lý Thị Thiên Hương hay chuyện, rất cảm kích đã hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Sau đó, Lê Sĩ Triệt có lệnh phải lên đường tòng quân, Lý Thị Thiên Hương ở quê nhà vò võ trông mong ngày đoàn tụ. Chẳng may, một hôm nàng lên núi Điện Bà lễ Phật lại bị bọn gia nô của tên con quan huyện vây bắt. Thế cô, nàng nhảy xuống hố trên núi tử tiết. Mấy hôm sau, Hoà thượng trụ trì chùa trên núi Điện Bà đang tụng kinh thì Lý Thị Thiên hương hiện hình “người con gái mặt đen nhưng rất duyên dáng” xưng tên là Lý Thị Thiên Hương và kể lại mọi việc. Hoà thượng theo lời mách bảo đi xuống núi tìm được xác dưới hố, đem về an táng. Từ đó, Lý Thị Thiên Hương hiển linh, giúp đỡ những người hoạn nạn và được vua sắc phong (?) là Linh Sơn Thánh Mẫu.


Nhìn chung, thần tích thứ nhất được khuôn đúc theo hướng đề cao sự phát tâm tu đạo, dựa vào môtíp có phần gần với sự tích Quan Âm/ Bà Chúa Ba ở Hương Tích (Nghệ Tĩnh); mà trong những thế kỷ XVII - XVIII, có nhiều dị bản ở Nam Bộ, tiêu biểu là truyện Tống Thị (Lương) ở Hà Tiên:


Tống Thị là con gái một nhà giàu ở Hà Tiên. Tuổi cập kê, rất giỏi nữ công, mai mối tới đầy nhà cũng không nhận lời một ai, nói “chờ lời Phật mới kết nhân duyên”, cha mẹ không hiểu nhưng miễn cưỡng chìu lòng. Gặp lúc nhà có sư lạ đi ngang qua cửa, thấy cái áo lót của nàng phơi ở sân, hớn hở vào cố xin cho bằng được, nói là để thoả nguyện cúng Phật. Cha mẹ nàng mắng nhiếc xua đuổi, nàng bước ra can ngăn, nhà sư cười một tiếng rồi bỏ đi. Từ đó nàng phát nguyện niệm Phật, xuống tóc làm ni cô để thờ Quan Âm đại sĩ. Cha mẹ can ngăn không được bèn xây am bên trái hòn Đại Kim (đảo nhỏ ở Hà Tiên) cho nàng tu hành. Nàng vui vẻ tu ở đó, giữ giới luật nghiêm cẩn, thêu một bức tranh Quan Âm to bằng người thật, cứ đâm một mũi kim lại niệm Phật một câu. Ba tháng thì xong,  vẻ linh động như Phật sống, bèn xây chùa để thờ, đến nay di tích vẫn còn (8).


Ở thần tích thứ hai, câu chuyện được khuôn đúc theo cả hai chủ đề: lòng sùng đạo Phật và đề cao tiết hạnh Nho giáo. Ngoài ra, trong chừng mực nhất định, mối tình của Lý Thị Thiên Hương và Lê Sĩ Triệt cũng mang dáng dấp của lần “gặp gỡ đầu tiên” của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga (truyện thơ Lục Vân Tiên của Đồ Chiểu). Nói chung, môtíp cơ bản của thần tích này, thấy rất nhiều trong hàng loạt các gương liệt nữ tiết hạnh thời Nguyễn. Ở đây, dẫn hai truyện để minh chứng.


- Sự tích núi Thị Vãi/ Nữ Tăng Sơn (Long Thành, Đồng Nai):


Xưa có người con gái họ Lê, gia tư giàu có, nhưng lỡ thì, sau khi cha mẹ mất rồi mới có chồng. Không được bao lâu chồng chết, bà thề không tái giá, nhưng lại bị kẻ cường hào cậy mai mối đến quấy nhiễu, bà bèn cạo đầu, lập am ở đỉnh núi, tự là thầy cả, cùng bọn đồng bộc giữ lòng tu trì, sau thành chánh quả. Người dân đó đặt tên núi (9).


- Liệt nữ Nguyễn Thị Liệu (Kiến Đăng, Định Tường):


Vào thời Thiệu Trị, Nguyễn Thị Liệu vừa 16 tuổi quê ở làng Mỹ Đông (Cai Lậy) cùng cha đi buôn ở Kompong Chàm, bị bọn thổ dân tên là Giao Áp bắt đem đi cưỡng hiếp. Cô giữ trinh tiết, đập đầu vào đá mà chết. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) ban biển vàng. Dân chúng ở làng Mỹ Đông lập ngôi miếu thờ Nguyễn Thị Liệu ở bờ rạch Trà Tân.


Tục truyền, Nguyễn Thị Liệu đã hiển linh trừng trị bọn cướp Giao Áp (có tên khác là Thạch Giao) bằng cách khiến bọn chúng điên loạn đâm chém lẫn nhau đến chết. Lại có lúc, cô hiện về báo tin cho quan trấn Châu Đốc về việc giặc chuẩn bị xâm phạm biên cảnh Tây Nam. Khi quân ta ra trận, Nguyễn Thị Liệu hiện ra con bướm trắng dẫn đường đến các nơi tụ quân của giặc, khiến quân ta đánh trận nào cũng thắng lớn (10).


Qua các dữ liệu đối chứng trên đây, chúng ta thấy rằng tiến trình biến đổi về nội dung tín lý của tập tục tín ngưỡng thờ Bà Đen là một chặng đường dài gồm nhiều quá trình tích hợp các tín lý và quan niệm có tính lịch sử. Trước hết là qúa trình Việt hoá theo tâm thức tín ngưỡng thờ nữ thần dân gian (bao gồm tín lý thờ nữ thần Chăm đã Việt hoá) và kế đó là quá trình Phật giáo hoá (thành Linh Sơn Thánh Mẫu), đồng thời được khuôn đúc theo quan niệm đạo đức tiết hạnh của Khổng giáo. Đây là một biểu hiện của thời kỳ “Nho - Thích song tồn” trong lịch sử văn hoá của xứ ta. Cũng như mọi hiện tượng văn hoá, tiến trình biến đổi của tín lý/ tập tục tín ngưỡng này đã và sẽ không là cố kết nhất thành bất biến.
 




 
Chú thích
(1) Bản dịch Tu Trai Nguyên Tạo, S, 1972, Tập thượng, tr.37.
(2) Bản dịch Cao Tự Thanh, Nxb KHXH, 1995, chú thích 11, tr.206.
(3) Về từ vựng Khmer, chúng tôi xin chú thích để bạn đọc tham khảo: Mê: thím; hoặc: chủ, người đứng đầu. Ví dụ MêSrôc: chủ sóc, Mê Khum: Xã trưởng; Đênh: đuổi bắt, khảy, đánh (đàn); còn Đen: xứ sở, lãnh thổ, vùng, khu vực. Như vậy Mê Đen: có thể hiểu là chủ/ chúa xứ (xem Hoàng Học: Tự điển Khmer-Việt, Nxb KHXH, H, 1979, tập 1, tr.503,505). Phnom (núi) + (Mê) Đênh/ Đen thường giản lược âm tiết thành Phnom + Đênh/ Đen: Bà Đênh (hay Bà Đen). Về từ Phnom (núi) được âm Việt hoá thành Bà thấy rất phổ biến. Chúng tôi sẽ bàn về hiện tượng này ở dịp khác.
(4) Nguyễn Hiền Đức: Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập II, Nxb TPHCM, 1995, tr.343-345.
(5) Tổng hợp tư liệu: Nguyễn Hiền Đức, sđd, và Huỳnh Minh: Tây Ninh xưa và nay, S, tác giả XB, 1972, tr.193-195. Cũng có ý kiến cho rằng Đạo Trung - Thiện Hiếu thuộc tông Liễu Quán, truyền theo bài kệ “Thiệt Tế Đại Đạo...”: Thiệt Diệu - Liễu Quán ---- Tế Hiển - Bửu Dương --- Đai Quang - Chí Thành --- Đạo Trung - Thiện Hiếu. Ở đây, tôi cho rằng Bà Đen biến thành Linh Sơn Thánh Mẫu bắt đầu từ lúc HT. Tế Giác - Quảng Châu (Hải Tịnh / 1788-1875) bắt đầu trang nghiêm ngôi chùa núi này.
(6). (7) Huỳnh Minh: sđd, tr.44.
(8) Đại Nam liệt truyện tiền biên/ Bản dịch Cao Tự Thanh. Nxb KHXH, H, 1995, tr.265.
(9) Gia Định thành thông chí/ Bản dịch Nguyễn Tạo, S, 197, tập thượng, tr.16.
(10) Đại Nam nhất thống chí/ Tỉnh Định Tường/ Bản dịch Nguyên Tạo, Sài Gòn, 1973, tập trung, tr.32.- Huỳnh Minh: Định Tường xưa và nay. Tác giả xuất bản, S, k.n, tr 137-1397.



Huỳnh Ngọc Trảng (Theo Kiến Thức Ngày Nay 561)


#1
    kiếp nhân gian 09.09.2008 23:13:40 (permalink)
                            Nơi có rất nhiều khỉ...
     
               










    Xiếc khỉ


    Đi trên Quốc lộ 1A, đoạn Lương Sơn, nhìn ra hướng biển, nơi đó là đầm Nha Phu, Hòn Lao trải mình giữa vùng nước xanh đến lạ giống như một mũi lao. Tên từ đó mà thành.

     

                  Trong nhiều năm, gần như chẳng ai chú ý đến dải đất này, bởi đơn giản đó chỉ là một hòn đảo hoang. Sau ngày giải phóng, Công ty18/4 có chương trình nuôi khỉ cung cấp cho Liên Xô (cũ) nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học. Thế là Hòn Lao và Hòn Thị thành đảo khỉ. Nhưng nhằm đảm bảo an toàn và tính thuần chủng cho giống khỉ, chỉ có những nhà chuyên môn mới được tiếp xúc với bầy khỉ được nuôi trên đảo. Tại khu vực Đường Đệ, Vĩnh Hoà, Nha Trang còn có trại khỉ. Nơi đây cũng có rất nhiều chuồng trại nuôi khỉ, cách ly với con người. Mỗi con khỉ đều có một bảng tên để kiểm tra... Khi đó, được ghé đảo khỉ hoàn toàn là chuyện không đơn giản. Khỉ nuôi trên đảo được cho ăn hằng ngày. Mỗi ngày, người cho khỉ ăn chỉ việc dùng phèng la gõ lên là khỉ từ trên núi, từ trên cây tụ tập về để ăn. Khỉ ăn trái cây, ngũ cốc. Nuôi chúng cũng rất tốn kém. Còn mỗi khi muốn bắt khỉ, phải làm những chiếc lưới rộng có cửa sập tự động, rồi rắc bắp hoặc đậu từ bên ngoài vào tận trong bẫy để dụ chúng. Con khỉ rất khôn, nếu nghi ngờ thì dù có đói chúng cũng không vào bẫy. Mỗi bầy khỉ dều có một con khỉ đầu đàn. Thậm chí do “nghe theo tiếng gọi ái tình”, từng có chuyện một anh khỉ đực từ Hòn Lao tìm cách “vượt biển” sang Hòn Thị để tìm lại “người đẹp” của mình.

                  Nhưng đó là chuyện ngày xưa. Từ năm 1994 trở lại đây, khỉ ở Hòn Thị được di dời sang Hòn Lao, cộng với bầy khỉ ở đây trở thành “sản phẩm du lịch” khá độc đáo. Khỉ trở thành “bạn bè” với du khách. Đến Nha Trang, ngoài những chuyến tham quan Hòn Tằm, Trí Nguyên hoặc những đảo khác của vịnh Nha Trang xinh đẹp, tất nhiên ai cũng muốn ra đảo xem khỉ. Để đến được Hòn Lao, chỉ cần mua mọt tấm vé giá 45.000 đồng, gồm đưa đi và về cùng được xem xiếc khỉ và chó.
    Đảo Hòn Lao hiện nay có trên 1000 con khỉ. Trước kia, khỉ được tự do vào trong khu vực vui chơi. Nhưng khỉ sinh đẻ quá nhanh, nên hiện nay có một tấm lưới B40 ngăn chặn khỉ đàn, khỉ bầy từ trên núi đổ về kiếm ăn. Cứ thế, khỉ lớn, khỉ nhỏ, khỉ đang bồng con cứ chen cùng du khách để xin ăn.

                 Khỉ ở Hòn Lao đã trở thành khỉ nuôi nên rất “thân mật” với khách. Ngay tại điểm tham quan có bán trái cây, đậu và bắp để du khách cho khỉ ăn. Do biết rằng mình sẽ được cho ăn, cho nên khỉ cứ đi từng đàn, thấy người là tới. Chúng dám nhảy từ trên những cây dừa cao xuống để giành ăn với nhau.

                Ở Hòn Lao còn có xiếc khỉ. Dẫu có đến đây nhiều lần, nhưng du khách, nhất là trẻ em, vẫn rất thích chương trình xiếc chó và xiếc khỉ ở đây. Ngồi đợi đến giờ diễn, nhiều khách nhìn vào hậu trường, bình phẩm thật vui: “Mấy con khỉ cũng nôn nóng được biểu diễn”. Dẫu những trò xiếc chó hoặc xiếc khỉ đã được xem đâu đó, nhưng khi xem chúng diễn trên đảo, du vẫn cười no bụng do những trò... khỉ của chúng.



    #2
      kiếp nhân gian 26.09.2008 11:26:22 (permalink)
               

      Lịch sử Toà Thánh Tây Ninh


                                   Cách đây non 80 năm, vùng đất Tây Ninh hầu hết là khu rừng rậm, biết bao sơn lâm ám khí, rừng thiêng nước độc, beo hùm, rắn rết, nhện độc đầy khắp. Kể từ khi có bàn tay của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư chọn địa điểm để làm cơ sở phát triển của mối  Đạo Cao Đài thì khu rừng kia biến thành nơi trang nghiêm tôn kính mãi mãi.

                     Trên cõi đời nầy, cuộc sống con người không có gì mạnh hơn “đức tin”. Khi con người có mãnh lực đức tin, có thể dời non lấp biển, dám sống chết với lý tưởng, với niềm tin tôn giáo của mình, hy sinh cả thân mạng, của cải bất chấp cả gian nguy...

                      Tòa Thánh Tây Ninh còn gọi Tổ Đình, là ngôi đền đồ sộ nguy nga tráng lệ, đặc sắc để thờ phượng Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, và các vị Giáo chủ Tam Giáo và Ngũ Chi Đại Đạo cùng các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật. Tòa Thánh trung ương của đạo Cao Đài, hiện nay tọa lạc trên khu đất rộng lớn hơn 100 mẫu tây, thuộc xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh khoảng 5 km về hướng Đông Nam.

                      Cơ quan trung ương Hội thánh Cao Đài, tức Hội Thánh  Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, là cơ chế điều hành các hoạt động truyền giáo, cứu độ nhân sanh trong nước và khắp thế giới.


      Đi tìm nguyên ủy

                     Như chúng ta đều biết, Tòa Thánh Tây Ninh được sách vở, kinh điển ghi chép, đã được thiết lập đầu tiên từ năm 1926 (Bính Dần), và hoàn tất vào năm 1947 (Đinh Hợi) và được khánh thành vào dịp Đại lễ Vía Đức Chí Tôn ngày Mùng 9 tháng Giêng năm Ất Mùi  (dl 01-2-1955). Đến nay đã gần 80 năm.

                    Chính Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Đức Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư, ngài Đầu Phối sư Thái-Thơ-Thanh, bà Nữ Đầu Sư Lâm-Hương-Thanh và nhiều vị chức sắc đã vâng theo thiên ý của Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông, cùng nhau hợp lực đứng lên khai sáng Đạo Trời, chọn Tây Ninh làm nơi Thánh địa.

        Tìm đất Thánh địa

      [color="#000000" size="3"]
      [color="#000000" size="3"]Toà Thánh Tây Ninh, hình chụp từ trên máy bay

                     Trong quá trình lịch sử khai minh Đạo Cao Đài, đầu tiên mượn ngôi chùa Từ Lâm (tục gọi chùa Gò-Kén, Tây Ninh) để làm Lễ Khai Đạo ngày 15-10 Bính Dần (19-11-1926 dl). Nơi cầu cơ tiếp điển; sau lễ Khai Đạo, vị chủ trì chùa Gò Kén là Hòa Thượng Như Nhãn (còn gọi Hòa thượng Giác Hải), phần mất đức tin phần vì áp lực nhà cầm quyền Pháp đương thời, xúi giục, hăm dọa, nên Hòa Thượng không theo Đạo Cao Đài nữa, bèn đòi chùa lại, không hiến cho Hội Thánh Cao Đài nữa, kỳ hẹn 3 tháng phải dời đi.

                      Rồi sau đó dời về Tây Ninh đã được Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông chỉ dạy từng bước, chứ không phải do Hội Thánh đặt ra. Mua cuộc đất của vị Kiểm-lâm người Pháp có tên là Aspar, phá rừng để xây cất Tòa Thánh. Nhưng lúc đó tín hữu Đạo còn quá nghèo, tín đồ chưa đông, nên việc xây cất Tòa Thánh bằng vật liệu nặng (bê-tông cốt thép như hiện nay) chưa thể thực hiện ngay được, và cũng gấp rút dời Hội Thánh về đây, để trả chùa cho Hòa Thượng Như Nhãn như đã hứa.

                        Cũng cần nên biết khu đất được thiên ý chọn để khai khẩn lập Tòa Thánh, ngày xưa là nơi rừng thiêng nước độc, nơi chưa có dấu chân người đến bao giờ. Vã thời bấy giờ chưa có các loại cơ giới tối tân: máy cày, máy xới, máy xúc, máy cưa... giúp sức xây cất. Tất cả đều dựa vào sức người, vì vậy người tín hữu Cao Đài ban đầu, với đức tin bất diệt làm động lực phấn khởi để làm việc rất cực nhọc nào: đẵn cây, phá rừng, đào đất, bang dọn mặt bằng... là cả vấn đề khó nhọc để góp công đức xây dựng nền móng cho Tòa Thánh ngày nay. Song hành, họ thường bị những côn trùng, muỗi độc, vắt, ong độc, kiến độc cắn thôi kể không xiết. Nhưng may thay Thiên cơ dĩ định, độ trì bao che, thấy rõ hảo tâm, thiện ý của mọi tín hữu, có lẽ đã xua đuổi những thú dữ, hùm beo, rắn độc kia, rút vào tận rừng sâu, tìm nơi khác ẩn náu sinh sống không dám đến quấy phá những người có đạo tâm, để đạt thành sở nguyện khai nguyên mối đạo. Nên không có người tín hữu nào phải vong mạng bởi nạn cây đè, thú dữ ăn thịt hay bất cứ tai nạn nào, dù nhỏ hay lớn. Quả là phép màu của Đức Chí Tôn ban trải cho mọi người thiện tâm.

                   Vâng có lẽ theo thiên ý người Miên xung phong làm công quả, rồi từ đó truyền cho đạo hữu xa gần hay biết, chỉ trong thời gian ngắn đã huy động tấm lòng nhiệt thành sẵn sàng hy sinh cho Đạo. Số tín đồ khắp Nam Kỳ Lục tỉnh (nay là miền Nam Việt Nam) hay tin họ lần lượt bảo nhau lên Tây Ninh, làm công quả cả ngày lẫn đêm, tự túc để lo việc chung, không phàn nàn khó khăn chi cả. Hết lớp nầy đến lớp khác, ăn uống rất cực khổ, thậm chí không đủ mà ăn. Nước muối nấu với cơm cháy, lược lại giống như màu nước tương, kêu là “nước tương đại đạo” chấm với rau cải. Đọt cây rừng, loại cây nào ăn được thì hái ăn hết nhứt là mít rừng, rau hẹ, khoai bắp v.v... Năm nầy sang năm nọ họ rất bền đổ làm công quả.

                     Gặp thời buổi kinh tế khủng hoảng (Recession), vào năm 1930, thức ăn thiếu thốn. Các anh lớn cũng ăn uống kham khổ, không kém, quả đúng ý nghĩa đồng lao cộng khổ với nhau. Kham khổ đến nỗi chuối cây xắc mỏng trộn ghém để mà ăn, cũng không đủ. Nhưng ai nấy cũng vui cười, trong tinh thần phục vụ cho đạo lý đến cao độ.

                     Trong số người phục vụ cho Tòa Thánh có thể kể gồm đủ mọi ngành, mọi giới, mọi lứa tuổi: thợ hồ, thợ mộc, thợ sơn, thợ điện, thợ rèn, thợ vẽ, thơ ký v.v... nhưng đa số là nhà nông, có đôi bàn tay rắn chắc, chịu  làm những việc nặng nhọc. Ai chuyên môn ngành gì thì tình nguyện làm thích ứng với khả năng của mình. Nhờ khéo léo  tổ chức và điều hành nên công tác kiến tạo Tòa Thánh được tiến hành liên tục trong suốt 4 năm rưỡi, thì Tòa Thánh gặp vấn nạn tạm ngưng.

                     Đặc biệt, Nam hay Nữ khi làm công quả, đều phải lập tờ Hồng thệ, trong suốt thời gian xây cất Tòa Thánh, không được cưới vợ hay lấy chồng, đặng đủ tinh khiết cho đến ngày thành tựu việc phá rừng, xây cất Tòa Thánh. Lúc bấy giờ Tây Ninh thể hiện đủ tinh thần hy sinh từ bi, bác ái của đức Phật vô đối. Bốn phương tấp nập kẻ tới người lui. Quang cảnh nhộn nhịp náo nhiệt. Các mạnh thường quân giàu lòng đạo đức từ Lục tỉnh, đem tiền dâng cúng để đóng góp lòng thành vào việc xây dựng ngôi Tòa Thánh. Lại có người bán gia tài để hiến dâng, tinh thần cao cả ấy nói lên đức tin vô bờ bến của mọi tấm lòng hướng về đấng Chí Tôn.
      Người Miên vượt biên nhiều đợt đến Tòa Thánh làm công quả

                          Người Việt ta vốn tự ngàn xưa tin tưởng vào Đấng Thiêng Liêng, từ những tỉnh lỵ xa xôi đổ xô về từng nhóm hàng trăm hàng ngàn  người để công quả, lại còn có người Miên họ lội suối, băng rừng đến xin làm công quả. Họ đi từ Thiện Ngôn đến Điện Bà, ngỏ Xoài Riêng, Gò Dầu Thượng lên...

      [color="#000000" size="3"]
      [color="#000000" size="3"]Toà Thánh Tây Ninh chính diện
      Mô tả Tòa Thánh

                         Đứng trước Tòa Thánh, chỗ khoảng sân rộng có cột phướn, nhìn thẳng vào Tòa Thánh, chúng ta thấy nổi bật hai tháp chuông lớn, cao vút, song song nhau. Đó là Bạch Ngọc Chung Đài, và Lôi Âm Cổ Đài, thường gọi là Lầu Chuông và Lầu Trống. Mỗi tháp đều có 6 từng không đều nhau, có mái ngắn bao quanh phân chia các từng.

                        Từng dưới cùng (từng trệt) của hai tháp nầy có 2 khuôn bông lớn hình chữ nhật, ở giữa có hai chữ Nho lớn trong hình bầu dục, bên Lầu Trống là chữ CAO và bên Lầu Chuông là chữ ĐÀI. Bên trên khuôn bông là 4 ô hình tròn gắn 4 chữ Nho: Bên Lầu Trống 4 chữ: LÔI ÂM CỔ ĐÀI và bên Lầu Chuông 4 chữ: BẠCH NGỌC CHUNG ĐÀI.

                       Từng kế bên trên, ở bên Lầu chuông có đắp tượng Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung mặc Đạo phục đứng trên quả địa cầu, tay mặt cầm quyển Thiên thơ; và ở bên Lầu Trống thì có đắp Bà Nữ Đầu Sư Lâm Thanh Hương, mặc Đạo phục đứng trên quả địa cầu, tay mặt cầm nhánh bông, tay trái xách giỏ Hoa lam.

                       Từng thứ ba kế bên trên, ngắn hơn hai từng dưới, mỗi bên có gắn hai bông gió để thông hơi. Lên từng thứ tư, bề cao dài nhất, giữa hình chữ  T rất lớn màu trắng có đắp hình một bó hoa lớn, màu sắc sặc sỡ, như đang rơi xuống biển, dưới ánh bình minh, còn ba phía hông còn lại thì gắn khung lá sách sơn màu xanh. Bên trong từng thứ tư nầy, bên Lầu trống có đặt một cái trống lớn, gọi Lôi Âm Cổ, và bên Lầu chuông đặt cái chuông lớn gọi là Bạch Ngọc Chung. Khi đánh chuông hay đánh trống âm thanh vang rền truyền đi rất xa để thức tỉnh những người còn đang chìm đắm trong giấc mộng trần.

                       Từng thứ năm và thứ sáu có 4 cạnh dần dần nhỏ lại, và 4 bên đều có gắn các khuôn bông thông gió, trang trí với nhiều màu sắc đẹp. Nơi từng thứ sáu là từng chót, cao nhất, có làm lan can bao quanh, để du khách có thể lên đứng trên đó nhìn khung cảnh toàn vùng Thánh địa.

                        Trên nóc Lầu chuông và Lầu trống, mỗi bên đều có đắp 3 hình bửu tháp: Bên dưới là Giỏ Hoa lam, bên trên là Bầu Hồ lô và một cây Gậy. Hồ lô và cây Gậy là bửu pháp Đại Tiên Lý Thiết Quả, đứng đầu Bát Tiên, mà trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nầy, Ngài vâng lệnh Đức Chí Tôn giáng trần là Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung; còn Giỏ Hoa Lam là bửu pháp của vị Long Nữ, đệ tử của Đức Quan Âm Bồ Tát, vâng lệnh Chí Tôn giáng trần là bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương-Thanh.

                         Giữa Lầu chuông và Lầu trống là một kiến trúc ba tầng (một trệt, 2 lầu) gọi chung là Hiệp Thiên Đài, mà phía trước có một bao lơn hình bán nguyệt rất lớn, gọi là Vinh Dự Công Lao Chi đài, gọi tắt là Đài Danh dự. Trên bao lơn có dựng một cột cờ, hơi xiên ra ngoài để treo lá cờ Đại và những ngày lễ trong Đạo.

                         Chống đỡ bao lơn nầy có 4 cây cột, chia ra mỗi bên 2 cây đặt kế nhau: Một cây đắp hình con rồng đó quấn xung quanh cột, một cây đắp hình hoa sen, lá sen và cộng sen quấn chung quanh cột, để 2 cột rồng và sen đó ghép lại trượng trưng 2 chữ LONG HOA.    (Long là rồng, Hoa là bông).

                           Trên vành bao lơn có đắp 8 khuôn hình ghi lại 8 điển tích tượng trưng 8 ngành nghề trong dân chúng: Sỹ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục.

                           Hai bên cửa chánh của từng trệt HTĐ (Hiệp Thiên Đài), sát vách Lầu chuông và Lầu trống, có đắp hai tượng Thiên Thần: Ác và Thiện, thường gọi ông Ác và ông Thiện.

                            Tòa nhà HTĐ 3 từng  ấy có từng trệt được gọi là Tịnh Tâm Điện, lầu kế bên Tịnh Tâm Điện được gọi là Lầu HTĐ, vì có lập bàn thờ 15 vị chức sắc cao cấp nhất của HTĐ, và từng nầy thông ra bao lơn hình bán nguyệt như đã nói ở trên. Phía trên lầu HTĐ, ở hai bên bìa có bông hai chữ Nho đại tự là NHƠN và NGHĨA.

                        Phía dưới 2 chữ NHƠN NGHĨA nầy là đôi liễn Hiệp Thiên Đài, khởi đầu bằng 2 chữ Hiệp và Thiên.

      HIỆP nhập Cao Đài, bá tánh thập phương qui chánh quả,

      THIÊN khai Huỳnh đạo, Ngũ chi Tam giáo hội Long Hoa.

      Nghĩa là:

      -Hiệp vào Đạo Cao Đài, nhơn sanh khắp nơi được trở về ngôi Chánh quả,

      -Trời mở Đạo Cao Đài, các Đấng trong Ngũ Chi Đại Đạo và trong Tam giáo tham dự Đại Hội Long Hoa.

                    Từng lầu bên trên hết gọi là Phi Tưởng Đài, cũng gọi Thông Thiên Đài, xưa gọi là Tiêu Diêu Điện nơi mặt tiền phía trước có đấp hình Thiên Nhãn rất lớn, chỗ lan can trước Thiên Nhãn có đấp hình Cổ pháp Tam giáo: bình Bát vu (tượng trưng Phật giáo), cây Phất chủ (tượng trưng Tiên giáo), sách Xuân Thu (tượng trưng Nho giáo).

                         Trên nóc Phi Tưởng Đài có đấp tượng Đức Phật Di-Lạc (Di–Lạc Vương Phật) ngự trên tòa sen đặt trên lưng một con cọp vàng. Con cọp ấy tượng trưng năm Bính Dần (1926) là năm Khai Đạo Cao Đài.

                          Bước qua bên cạnh, nhìn vào phía hông Tòa Thánh, chúng ta thấy bên trên có 3 từng mái đỏ cong cong, đúc bằng bê-tông, nhưng trang trí như lợp ngói móc, bên trên nóc nhô lên 2 cái tháp cao: một cái hình vuông bên dưới hình tròn bên trên gọi Nghinh Phong Đài, và một cái hoàn toàn nằm cạnh là Bát Quái Đài (BQĐ), Nghinh Phong Đài nằm ở chính giữa Cửu Trùng Đài, và phần Cửu Trùng Đài gồm có 9 lồng căn có mái ngói đều sơn đỏ, còn phần BQĐ, mái ngói đều sơn màu vàng.

                      Như vậy, Tòa Thánh gồm có ba phần:

      - Phần trước là HTĐ, 2 bên có 2 tháp vuông rất cao là Lầu chuông và Lầu trống.

      -Phần giữa là CTĐ, có tháp tròn là Nghinh Phong Đài.

      -Phần cuối là BQĐ, có tháp cao hình tám cạnh Bát quái.

                    Nóc của Nghinh Phong Đài là một bán cầu úp xuống, trên đó có vẽ họa đồ Ngũ Châu và Ngũ Đại dương, để tượng trưng Địa cầu của nhơn loại chúng ta đang sống, và trên bán cầu nầy có đáp hình một con Long mã phụ Hà đồ, đang bỏ vó chạy về hướng Tây, nhưng ngoái đầu lại nhìn về hướng Đông.

                        Ngay dưới Nghinh Phong Đài là hai cửa hông ở hai bên đi vào Chánh điện Tòa Thánh. Còn trên nóc Bát Quái Đài, đắp một tòa sen lớn, trên có 3 vị cổ Phật là: Brahma Phật, Civa Phật, và Christna Phật.

                        Bên dưới Bát Quái Đài, mỗi bên xây một cầu thang đi lên, hai bên mỗi cầu thang đều có đắp hình 2 con Kim Mao Hẩu màu vàng, trông rất oai vệ.

                          Nơi cửa hông Tòa Thánh bên dưới Nghinh Phong Đài, cũng có làm 2 cầu thang đi lên, và mỗi cầu thang đều đắp hình 2 con Kim Mao Hẩu như nơi Bát Quái Đài.

                        Hai bên hông Tòa Thánh là một dãy hành lang rộng, đi từ trước bọc ra sau, thông hai bên.

                         Hành lang có nhiều bậc giống như bên trong Tòa Thánh, từ thấp ở trước, dần lên cao ở phía sau.

                         Chống đỡ mái hành lang là một hàng cột tròn bao quanh Tòa Thánh, đếm được tất cả là 112 cây cột.

                          Dưới mái hiên trên đường viền giữa các cây cột, có trang trí hình dây nho, lá và trái nho; bên trên có một khuôn tròn vẽ hình 2 con hạc bay lúc mặt trời mới mọc.

                        Phía trong hành lang là vách Tòa Thánh, giữa mỗi căn có một khuôn bông sen rất lớn gồm những bông sen, lá sen và cộng sen, đỡ một khung hình Thiên Nhãn ở chánh giữa một tam giác đều, có làm những tia hào quang phát ra.

                        Chung quanh Tòa Thánh có tất cả 23 khuông bông sen có hình Thiên Nhãn, hiệp với Thiên Nhãn trên Phi Tưởng Đài phía trước Tòa Thánh, tổng cộng 24 Thiên Nhãn.

                       Chúng ta trở lại phía trước để chuẩn bị đi vào Tòa Thánh theo lối cửa chánh, quan sát bên trong Tòa Thánh.

                         Chúng ta bước lên bật thềm 5 cấp bằng đá mài màu nâu. Năm cấp thềm nầy tượng trưng 5 cấp tiến hóa của người tu phải trải qua khi đạt đến Phật vị. Đó là: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo.

                       Lên đến mí thềm, chúng ta gặp ngay 4 cây cột lớn, mỗi bên 2 cây đứng kế nhau, một cây có hình Rồng màu đỏ quấn quanh, một cây có hình cọng Sen và Bông sen quấn quanh. Hai cây cột có vấn rồng và bông sen nầy tượng trưng 2 chữ LONG HOA (Long là rồng, Hoa là bông).

                      Chúng ta đứng ngước nhìn lên phía trên thấy một bức họa, trên đó vẽ một bàn tay từ trong mây đưa ra cần cây Cân đặt trên quả địa cầu của nhân loại. Đó là bàn tay của đấng Thượng đế cầm cây cân Công Bình thiêng liêng để cân TỘI và PHƯỚC của mỗi người sau khi qui liễu, để có sự thưởng phạt công minh cho mỗi linh hồn.

                      Hai bên vách cửa chánh chúng ta thấy có hai pho tượng lớn:

      -Phía sát vách Lầu chuông là tượng của vị Thiện Thần, người đạo quen gọi Ông Thiện, có gương mặt hiền từ tay cầm xiên cán dài, đứng trên tòa sen (Liên đài).

      -Phía sát vách Lầu trống là pho tượng của vị Ác Thần, người đạo quen gọi là Ông Ác, có gương mặt dữ tợn, tay mặt cầm một cái búa lớn, tay trái cầm cục Ngọc Tỷ, đứng trên tòa lửa (Hỏa đài).

                       Phía sau 4 cây cột tròn sơn sọc xanh là tới cửa chánh làm bằng gỗ quý, gồm một cửa lớn ở giữa hai cửa nhỏ ở hai bên, được đánh vec-ni màu đậm bóng láng.

                         Bên trong cửa chánh là một khoảng rộng, gọi là Tịnh Tâm Điện, là nơi để cho các tín đồ giữ lòng trong sạch, loại bỏ các tư tưởng không tốt, trước khi vào Chánh điện bái lễ Đức Chí Tôn. Một bức vách chắn ngang ngăn cách Tịnh Tâm Điện và phần Chánh điện bên trong, trên đó có một bức họa thật lớn, gọi là họa Tam Thánh Ký Hòa-Ước.

      Trên bức họa nầy có ba vị:

      [color="#000000" size="3"]
      [color="#000000" size="3"]Bức họa Tam Thánh

                           -Đức Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thánh hiệu là Thanh Sơn Đạo Sỹ (hay Thanh Sơn Chơn Nhơn), mặc triều phục Việt Nam, cầm bút lông, đang viết câu chữ Nho:

      Thiên thượng Thiên hạ – Bác ái Công Bình

                           -Đức Victor Hugo, đại văn hào Pháp, Thánh hiệu là Nguyệt Tâm Chân Nhơn, mặc triều phục nước Pháp, cầm bút lông ngỗng, đang viết câu chữ Pháp:

      DIEU et HUMANITÉ - AMOUR et JUSTICE

                        -Đức Tôn Dật Tiên, tức Tôn Văn, nhà đại cách mạng Trung hoa, Thánh hiệu là Trung Sơn Chơn Nhơn, cầm nghiên mực đỏ, để cho hai vị kia chấm bút lông vào đó mà viết chữ trên tấm bia đá chiếu hào quang. Đó là bảng: Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước, tức là bảng giao kết Trời và Người. Cả ba vị Thánh đều đứng trên mây, nghiên mực và bia đá đều tỏa hào quang.
      ..
             Kích thước thật sự của Tòa Thánh

                    Theo lời giáng cơ dạy bảo của Đức Lý Giáo Tông thì họa đồ xây cất Tòa Thánh do Đức Lý Giáo Tông vẽ theo kiểu của Thiên đình, có kích thước là:

      -Bề ngang của Chánh điện: 27 mét.

      -Bề dài Tòa Thánh là: 135 mét.

      Chia ra: Hiệp Thiên Đài dài 27 mét, Cửu Trùng Đài dài 81 mét, Bát Quái Đài dài 27 mét.

      -Nền BQĐ cao 9 mét, nhưng Đức Chí Tôn sửa bớt lại cho đỡ tốn kém: Nền cấp thứ nhất của CTĐ cao 5 tấc, mỗi cấp cao 3 tấc, 9 cấp thì cao 2,70 mét, cộng lại cao 3,20 mét.

      -Bề cao Lầu Chuông và Lầu trống là: 36 mét.

      -Bề cao của Nghinh Phong Đài là: 24 mét.

      -Bề cao Bát Quái Đài là: 30 mét.

             Nhưng sau đó Đức Chí Tôn có giáng cơ dặn Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh rằng:

                   “Thơ! Thái Bạch muốn lập Thánh Thất coi cho tốt đẹp, chẳng tưởng sự khó nhọc các con, Thầy chẳng đành. Thoảng như tốn kém nhiều, các con coi họa đồ, tính làm theo thước mộc nghe à!”.

                     Do đó, kích thước thực sự của Tòa Thánh nhỏ hơn kích thước họa đồ của Đức Lý Giáo Tông.

                      Kích thước thật sự của Tòa Thánh đo được với độ chánh xác (à peu frair), sai số tương đối từ  5 phần ngàn tới 10 phần ngàn, kể ra như sau đây:

      -Bề ngang Tòa Thánh kể cả hai hành lang là: 22 mét.

      -Bề ngang Chánh điện, đo lọt lòng là: 15,40 mét.

      -Bề ngang của hành lang đo lọt lòng là: 2,40 mét.
      -Bề dài Tòa Thánh:

      -từ cuối BQĐ đến mặt tiền Lầu chuông là: 93 mét.

      -từ cuối BQĐ đến hết bực cấp dưới bao lơn là: 97,50 mét.

      -Bề ngang của Lầu trống hay Lầu chuông đo được: 4,30 mét.

      -Cửu Trùng Đài có 9 cấp, bề rộng mỗi cấp là: 7 mét.

      -Bề rộng của gian giữa (Chánh điện) đo được 7 mét.

      -Bề rộng của mỗi gian ở hai bên là: 4,20 mét.

      - Bề rộng của Tịnh Tâm Điện là: 5,60 mét.

      -Bề rộng của Cung Đạo là: 2,80 mét.

      -Bề cao của Lầu chuông bằng bề cao của Lầu trống:

      -từ mặt đất lên đến nóc là: 27 mét.

      -tính từ mặt đất lên đến miệng hồ lô là: 28,20 mét.

      -Bề cao của Phi Tưởng Đài tính tới nóc là: 14 mét.

      -Bề cao của Nghinh Phong Đài tới Đỉnh Địa cầu là: 17 mét.

      -Bề cao Bát Quái Đài tính tới nóc là: 19 mét.

      -5 cấp dưới bao lơn, bước lên cửa chánh Tòa Thánh, mỗi cấp có bề cao là 16 phân.

      -4 cấp dành cho Thập nhị Thời Quân đứng chầu lễ Đức Chí Tôn, mỗi cấp có chiều cao 19 phân.
      -9 cấp của Cửu Trùng Đài, mỗi cấp 18 phân.

      -12 cấp nơi Bát Quái Đài, mỗi cấp 10 phân.

      -Chung quanh Tòa Thánh có tất cả 112 cây cột tròn để chống đỡ mái hiên nơi hành lang.

      -Mặt tiền Tòa Thánh, dưới bao lơn có 6 cây cột: 2 cây quấn rồng đỏ và 4 cây quấn bông sen.
      -Tịnh Tâm Điện có 10 cây cột sơn trắng sọc xanh.

      -Cửu Trùng Đài có 18 cây cột rồng xanh (Long trụ), chia làm 2 hàng, mỗi hàng 9 cây.

      -Cung Đạo có 2 cây cột rồng vàng.

      -Bát Quái Đài có 8 cây cột rồng vàng đứng theo góc của hình bát quái. Tổng cộng, ở từng trên Tòa Thánh, bên trong và bên ngoài, có tất cả 156 cây cột lớn nhỏ.

      [color="#000000" size="3"]
      [color="#000000" size="3"]Hành lễ trong thánh thất Tây Ninh
      [color="#000000" size="3"] 
      Những sự kỳ diệu của Tòa Thánh

                        Tòa Thánh là công trình kiến trúc vĩ đại và kỳ diệu của Đạo Cửu Trùng Đài. Nó kỳ diệu về phương diện xây cất, kỳ diệu về kiểu cách hình dáng, kỳ diệu về phương pháp kiến trúc.

      1/ Kỳ diệu về vị trí xây cất: bởi vì Tòa Thánh được xây cất trên cuộc đất Lục Lâm Phò Ấn. Đó là Thánh địa, là đất linh trổ sanh các bậc Thánh, Tiên, Phật, là nơi mà Thượng đế lựa chọn để làm đền thờ cho Ngài đến ngự.

      2/ Kỳ diệu về kiểu cách hình dáng: bởi vì Đức Chí Tôn có nói: Đức Lý Thái Bạch cất Tòa Thánh theo kiểu vở của Thiên đình.

                       Kiểu cách hình dáng của Tòa Thánh là sự phối hợp hài hòa của các văn minh kiến trúc của các nền Tôn giáo lớn trên thế giới. Khi mới thoạt nhìn vô Tòa Thánh, chúng ta thấy nổi bật 2 Lầu chuông trống cao chót vót, tương tự như những tháp chuông của các nhà thờ Thiên Chúa giáo.

                    Ở giữa hai tháp có tượng Đức Phật Di-Lạc ngự trên nóc với những mái ngói đỏ cong cong chập chùng, tương tự như kiểu dáng của các chùa Phật giáo Trung hoa.

                   Nghinh Phong Đài thì bên dưới hình vuông, bên trên hình tròn, chóp tròn, có dáng như những cái tháp của những ngôi đền Á Rập của Hồi giáo. Ngoài ra còn gợi cho chúng ta hình ảnh Trời tròn Đất vuông, với những liên tưởng về Vũ trụ quan trong Kinh Dịch của Nho giáo. Các nhà Dịch học, nếu nghiên cứu sâu vào các con số về kích thước của Tòa Thánh và những bố trí bên trong, sẽ thấy được những điều kỳ diệu bất ngờ trên những con số dịch học.

                        Bát Quái Đài có hình dáng làm chúng ta liên tưởng đến Bát Quái Đài của Đạo Tiên, và trên nóc Bát Quái  có 3 pho tượng của 3 vị Phật mà đạo Bà-la-môn tôn thờ.

                      Trong Cửu Trùng Đài có 9 bậc từ thấp dần lên cao, giống như 9 bậc phẩm của quan lại trong triều đình vua chúa theo Nho giáo thời xưa ở nước Trung hoa.

                       Tất cả những hình thức trên thể hiện rất rõ tôn chỉ của Đạo Cao Đài là: Qui nguyên Tam giáo, Phục nhứt Ngũ chi.

      3/  Kỳ diệu về cách thức kiến trúc: bởi vì sự tạo tác Tòa Thánh không giống với bất cứ một công trình  xây dựng lớn lao của người đời. Thông thường, trước khi xây cất một công trình nào, người đời phải nhờ kiến trúc sư vẽ kiểu dáng tổng quát, chiết tính chi tiết vật liệu, sức bền cấu trúc về nền móng chịu đựng, đặc biệt chọn các vật liệu quý để trang trí, sau đó phải xin  chánh quyền giấy phép rồi mới tiến hành  việc xây dựng.

                    Đối với Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Phạm Hộ Pháp xây dựng không có một đồ án chi tiết nào vẽ trên giấy hết, cũng không có sự tham dự của một kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng nào, cũng không có thứ máy móc nào giúp đỡ, chỉ toàn trông cậy vào hai bàn tay với sức lực của con người, những người thợ nam, nữ làm không lãnh tiền công, ăn chay trường với cháo rau đạm bạc và đặc biệt có lập thệ là không được cưới vợ hay lấy chồng trong suốt thời gian xây dựng Tòa Thánh, để đủ Âm Dương và đủ tinh khiết trong việc xây dựng Đền thờ, cũng không xin phép xây dựng với một Chánh quyền nào hết, bởi vì đây là mối đạo Trời, mối đạo của Thượng đế, chỉ có Thượng đế mới cho phép mà thôi.

                        Đức Lý Thái Bạch giáng cơ dạy Đức Phạm Hộ Pháp về vị trí xây cất Tòa Thánh, về kích thước tổng quát: bề dài, bề ngang, bề cao. Đức Phạm Hộ Pháp cứ theo đó mà chỉ bảo lại cho công thợ làm, chỉ tới đâu làm tới đó, không biết gì thêm. Hết phần đó rồi, Đức Lý Giáo Tông giáng cơ dạy tiếp, hoặc Đức Phạm Hộ Pháp ban đêm xuất chơn thần đi lên gặp Đức Lý để nhờ Đức Lý chỉ dạy trực tiếp, hay Đức Phạm Hộ Pháp vào Bạch Ngọc Kinh quan sát tỷ mỷ kiểu vở, ghi nhớ để về bắt chước làm giống theo.

      [color="#000000" size="3"]
      Ban nhạc lễ

                       Làm như thế trong suốt  năm năm, công trình mới hoàn tất. Tòa Thánh trở thành một kỳ quan về kiến trúc của nước Việt Nam.

                         Sau khi xây dựng Tòa Thánh xong, Ban Kiến Thiết mới đo đạc kích thước, vẽ lại họa đồ kiến trúc Tòa Thánh theo đúng quy định của khoa đại học kiến trúc ngoài đời.

                        Tòa Thánh Tây Ninh là một công trình kiến trúc độc đáo, duy nhất, có sự phối hợp Trời và Người, Thiên khiển Nhơn tạo, nên được mệnh danh là Bạch Ngọc Kinh tại thế, xứng đáng tiêu biểu cho nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn Thượng Đế cứu kỳ ba. Cho nên Tòa Thánh là nơi thiêng liêng huyền diệu, hấp dẫn được các bậc chơn tu khắp nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng và lễ bái. Quý vị nầy, sau khi Thiền định trong Tòa Thánh một khoảng thời gian ngắn để dùng huệ nhãn quan sát sự thiêng liêng của Tòa Thánh, họ đều nhìn nhận rằng hồng ân của Thượng đế bao phủ đầy dẫy Tòa Thánh, và điển lành từ cõi thiêng liêng ban rải xuống Tòa Thánh liên tục không ngớt, hơn hẳn Tòa Thánh khác làm Đền thờ Đấng Thượng Đế trước đây như Jérusalem, ở La Mã, hay ở Tây Tạng.

      [color="#000000" size="3"]
      [color="#000000" size="3"]Một buổi lễ trong Toà Thánh Tây Ninh
       
      Kết luận:

                     Ngày nay, mối  Đạo Cao Đài phát triển không những ở toàn tỉnh Tây Ninh, truyền bá khắp nước Việt Nam và phát triển sang tận thành phố Nam Vang – Cao Miên mà còn hầu như khắp năm châu bốn bể.

                   Trên hết mọi sự, Đức Phật hay Đức Chúa Jésus đều là người châu Á, đứng ra khai mối đạo, có hàng tỷ tín đồ tin theo thờ phượng. Còn Đạo Cao Đài do chính Đức Ngài Phạm Công Tắc, người Việt Nam gây dựng và đã “hợp nhất” cả Phật giáo, Thiên chúa và Khổng-Nho giáo làm thành thức ăn tinh thần cao quý và hiếm có cho nhân loại.

                          Mời thỉnh quý vị bàng nhơn ngoại đạo hãy bước chân vô, quy theo một mối đạo nào đó, sẽ nếm trải được sự ngọt ngào của triết lý Tôn giáo là dường bao!.
            

      <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.09.2008 12:28:28 bởi kiếp nhân gian >
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9