Kinh Tiên Rồng
Thần Báo 26.07.2008 01:48:52 (permalink)
 





1. Chính Kinh

Giống dân Việt khởi đầu từ khi một bà Tiên và một ông Rồng phối hiệp nhau, và bà Tiên sinh ra cái bọc chứa một trăm người con. Sau đó ông Rồng nói với bà Tiên: "Ta là giống Rồng, nàng thuộc dòng Tiên, nên nàng đem năm mươi con lên núi, ta đem năm mươi con xuống biển. Khi cần thì gọi, ta về ngay."

Từ đó dòng giống Việt ngày một phát triển.

Diễn Kinh

2. Dẫn Nhập

2.1 Nhìn Chung

a. Tiên được quan niệm là người sống ở núi, tiên là nàng hiền từ, thánh thoát siêu phàm, trường sinh bất tử... Nghe nói tới tiên, ca tụng tiên thì nhiều, nhưng mấy ai gặp tiên, không biết có thật hay không.

Giống Rồng cũng vậy. Rồng được coi là chủ tể của biển cả, làm mưa làm gió, thiên biến vạn hóa... nghe nói, thấy hình vẽ thì nhiều nhưng chưa ai gặp rồng.

Khi chia tay và chia con, sao cha Rồng lại nói: "Hễ gọi thì về ngay." Truyền thuyết thêm chi tiết này để làm gì? Tại sao phải chia ra 50 và 50? Chia đồng đều trong con số một trăm để làm gì?

Tất cả là kinh ngạc! Tại sao tình tiết này lại kỳ dị như thế? Chẳng những Tổ Tiên không sửa đổi, mà còn truyền tụng phổ cập trong toàn dân, bắt nhau ghi nhớ hết đời này qua đời khác trong suốt nhiều ngàn năm?

b. Nếu chỉ để dạy những chuyện khó tin như tiên, như rồng; nếu chỉ để kể những chuyện huyền hoặc vô lý như bọc chứa trăm người; nếu chỉ để nêu những gương không đẹp như ly dị, chia con... thì không lý Tổ Tiên lại cố công phổ biến cho mọi người, và truyền cho nhau ghi nhớ nằm lòng ròng rã hàng bao ngàn đời con cháu.

Chắc chắn những tình tiết có vẻ kỳ dị đó, phải ẩn chứa những ngụ ý khác thường, và phải mang tầm mức quan trọng đặc biệt thì Tổ Tiên mới dụng tâm lưu truyền... Vấn đề của chúng ta là có thấu hiểu được nội dung của câu chuyện này?

Bởi thế chúng ta không thể nghe và hiểu chuyện này như cách bình thường. Bổn phận của chúng ta là động tâm mà suy xét để khám phá, để khai thác gia tài tiềm ẩn của Tổ Tiên.

3. Nhận Diện Con Người

3.1 Biểu Tượng và Con Người

a. Có lẽ chúng ta quá câu nệ, hay quá duy vật mà đòi hỏi tiên rồng phải là loài có thật. Trong cuộc sống thường hằng dầu luôn miệng nhắc tới tiên, nhưng có bao giờ thấy cần gặp mặt hay tìm hiểu về nàng tiên? Đang khi chấp nhận chữ tiên với nhiều nghĩa bóng: xinh đẹp, dịu hiền, dễ thương... mà chẳng cần biết thực tại của tiên là gì.

Tiếp đến chúng ta cũng thường nhắc tời rồng với hàm ý khỏe mạnh, đẹp trai, thông minh, uy dũng... mà chả cần biết mặt chàng rồng bao giờ.

b. Vậy thì khi kể chuyện Tiên Rồng, Tổ Tiên cũng không buộc chúng ta phải tin như đó là hai sinh vật, hai động vật có thật… Tiên Rồng chỉ là hai biểu tượng: Biểu Tượng Tiên và Biểu Tượng Rồng.

Tiên là biểu tượng, vì khi nói tới Tiên chúng ta nghĩ tới ngay hình ảnh xinh đẹp, dịu hiền, từ tâm, khoan dung, nhân ái... mà còn thoát tục, siêu phàm, như tiên giáng trần, trường sinh bất tử, sống động nhưng vượt thời gian lẫn cả không gian.

Cũng vậy, Rồng biểu trưng cho oai dũng trổi vượt, sức mạnh vô song, sức sống vô tận, thiên biến vạn hóa, như linh như hiển, như thánh như thần... khi ẩn mình dưới đáy biển, lúc lại bay vút để ra sức vẫy vùng trên trời cao xanh, làm mây làm mưa, giáng ơn giáng phúc.

c. Khi nói chúng ta là kết tinh của việc Tiên Rồng phối hiệp, Tổ Tiên diễn đạt nhận thức của các Ngài về Con Người. Khi nói chúng ta là dòng giống Tiên Rồng thì Tổ Tiên muốn diễn tả Con Người là một hiệp thể sinh động, là kết tinh toàn hảo của mọi đặc tính bộc lộ qua hai biểu tượng Tiên Rồng.

Là hiệp thể do Tiên Rồng phối hiệp, có nghĩa Con Người vừa biến hóa như Rồng lại vừa trường cửu như Tiên: vừa là hiệp thể siêu phàm, vừa trong thời không vừa vượt thời không, vừa linh động vừa thường hằng, vừa xinh đẹp dịu hiền vừa hùng dũng cương quyết, vừa tình vừa lý, vừa chan chứa yêu thương vừa uy lực vô song... 50 thuộc Tiên 50 thuộc Rồng, song hiệp hoàn chỉnh, hai bên quân bình.

Vì là truyền thuyết của dân Việt, nên khi Kinh nhấn mạnh đây là nguồn gốc của tất cả mọi người, thì cũng có nghĩa là không loại trừ bất cứ người nào. Tổ Tiên nhấn mạnh rằng đây là biểu tượng của Con Người, tức của toàn thể mọi người không trừ ai.

3.2 Tiên Rồng Song Hiệp

a. Tổ Tiên không chỉ diễn đạt những đặc tính nhận diện nơi Con Người mà còn đặc biệt nhấn mạnh tới các tỷ lệ giữa các đặc tính đó.

Khi cha Rồng nói: Năm mươi con theo mẹ, năm mươi con theo cha, chính là xác quyết sự tương đồng tuyệt đối giữa hai nhóm đặc tính trong Con Người: một nửa do Mẹ, một nửa do Cha, năm mươi phần trăm là Tiên, năm mươi phần trăm là Rồng.

Như vậy Con Người là một hiệp thể toàn hảo của hai nhóm đặc tính Tiên và Rồng tương đồng tuyệt đối. Con Người là kết tinh của Tiên Rồng song hiệp.

Trong toàn bộ nhận diện Con Người qua cuộc sống, văn hóa Việt khám phá ra rằng mọi đặc tính của Con Người đều có thể đúc kết trong biểu tượng Tiên Rồng Song Hiệp. Và Tiên Rồng Song Hiệp đã thấy bàng bạc khắp nơi trong mọi tương quan và sinh hoạt của Con Người.

Vì vậy, theo văn hóa Việt, Tiên Rồng Song Hiệp là nhận thức nền tảng thâm sâu nhất, vững chắc nhất trong việc nhận diện toàn thể Con Người.

b. Khi cha Rồng nêu rõ: Tiên lên núi, Rồng xuống biển, chính là muốn chú trọng tới sự vẹn toàn của mỗi nhóm đặc tính Tiên và Rồng được nhận diện trong Con Người.

Do Tiên Rồng phối hiệp, Con Người là một hiệp thể tự tại, toàn nhất và bất khả phân. Tuy nhiên không phải vì vậy mà những đặc tính của hai nhóm Tiên và Rồng bị pha chế hay biến đổi.

Mỗi nhóm vẫn nguyên vẹn và thể hiện đầy đủ mọi điểm đặc thù của mình, như đang sinh động nơi mỗi trường hợp thích hợp nhất, như Tiên đang ở núi cao, như Rồng đang vẫy vùng giữa biển khơi.

c. Việc Cha Rồng nhắc nhở Mẹ Tiên: Khi cần thì gọi ta về ngay, cũng là một nhận định đích xác về cuộc sống con người.

Tuy Con Người là hiệp thể toàn nhất Tiên Rồng Song Hiệp, nhưng trong thực tại cuộc sống, nhiều khi một số đặc tính lại tỏ lộ rõ rệt, trong khi một số đặc tính có thể như thiếu vắng.

Dầu vậy lúc cần thì phần thiếu vắng lại có mặt ngay. Nhóm đặc tính đó chỉ ẩn diện và luôn luôn hiện hữu trong Con Người. Ta không thể vì sự thiếu vắng bên ngoài mà chối bỏ sự hiện hữu của nó. Nhận thức về Con Người cần phải đầy đủ, trọn vẹn.

4. Nền Tảng Xã Hội Loài Người

4.1 Đặc Tính Xã Hội Bẩm Sinh


a. Cũng với việc đặt nền tảng cho nhận thức về Con Người, Kinh Tiên Rồng đặt nền tảng cho Xã Hội Loài Người.

Khi Tiên Rồng là biểu tượng cho hai nhóm đặc tính được nhận diện nơi Con Người, thì Một Bọc Trăm Con không còn là cái bao lúc nhúc một trăm đứa bé nữa.

Một Bọc Trăm Con chính là hình ảnh biểu trưng một nhóm người sống quây quần và liên hưởng với nhau mà ta gọi là cộng đoàn, hay xã hội.

Biểu tượng Tiên Rồng sinh Một Bọc Trăm Con nêu lên hình ảnh: ngay từ khởi thủy, khi khởi sinh loài người là đồng thời có cả Một Trăm Con Người cùng một lúc. Đã không chỉ một Con Người đơn độc. Hễ Con Người là có cộng đoàn. Đây là điểm tuyệt diệu đầu tiên của biểu tượng Một Bọc Trăm Con, văn hóa Việt xác quyết Đặc Tính Xã Hội Bẩm Sinh của Con Người.

b. Với biểu tượng Tiên Rồng Phối Hiệp, Kinh Tiên Rồng xác quyết đặc tính hiệp thể tự tại của từng Con Người, và với Một Bọc Trăm Con, Kinh xác nhận đặc tính xã hội của mọi Con Người.

Hai đặc tính cá thể và xã hội được xác định đồng thời bởi Kinh Tiên Rồng, đã biểu lộ tính chất đặc biệt của văn hóa Việt.

Đây chính là nền tảng chỉ đạo trọn nếp sống dân Việt suốt mấy ngàn năm, và đã tạo một nền văn hóa đặc thù.

4.2 Hai Nguyên Lý Xã Hội

a. Với biểu tượng Tiên Rồng phối hiệp và sinh ra Một Bọc Trăm Con, văn hóa Việt xác quyết rằng mọi Con Người trong xã hội đều cùng một mẹ một cha và được sinh ra cùng một lần.

Xác quyết này khác biệt với nhiều nền tảng của văn hóa khác. Nhiều văn hóa đã phân chia xã hội loài người thành nhiều giai cấp, và chủ trương quyền thống trị là đặc ân thiên phú của một dòng họ, hoặc một giống dân.

Đang khi văn hóa Việt dùng biểu tượng Một Bọc Trăm Con để lưu truyền nền tảng của một Xã Hội Loài Người bình đẳng tột cùng và thân thương tột cùng.

b. Không có gì diễn tả đầy đủ sự bình đẳng giữ Con Người với Con Người bằng hình ảnh ngay ở cấu thành, ngay tự khởi nguyên, con người nào cũng được hưởng nhận cùng một sức sống từ mẹ từ cha, trong cùng một lúc. Mọi người đều ra đời cùng một lần, trong một cái bọc.

Tự nguồn gốc, giữa Con Người không thể có bất cứ một dị biệt nào, chẳng những không dị biệt về sức sống, về di truyền, mà cũng không dị biệt về tuổi tác, hoặc về ngôi thứ giữa anh em. Mọi người hoàn toàn như nhau, hoàn toàn bằng nhau.

Qua biểu tượng Một Bọc Trăm Con, văn hóa Việt đã nêu lên nguyên lý sâu vững nhất cho Xã Hội Loài Người về bình đẳng, con người bình đẳng tự căn nguyên, Bình Đẳng Tột Cùng.

c. Ngoài ra, có xã hội nào thân thương bằng những anh em ruột thịt, cùng do một mẹ một cha?

Tuy vậy, anh chị em ruột cũng ít khi thương nhau đồng đều. Anh chị thường thương yêu chăm sóc cho em nhiều hơn là đứa em lo lắng cho anh chị. Do đó khi nhấn mạnh rằng mọi người cùng được sinh ra một lượt với nhau, Tổ Tiên muốn nhấn mạnh tới sự đồng nhất ngay cả trong tình yêu thương nhau.

Tuy vậy, anh chị em ruột cũng ít khi thương nhau đồng đều. Anh chị thường thương yêu chăm sóc cho em nhiều hơn là em lo lắng cho anh chị. Do đó khi nhấn mạnh rằng mọi người cùng được sinh ra một lượt với nhau, Tổ Tiên muốn nhấn mạnh tới sự đồng nhất ngay cả trong tình yêu thương nhau.

Trong biểu tượng Một Bọc Trăm Con, trăm anh em giống nhau như đúc, giống nhau hoàn toàn về mọi phương diện. Giữa họ, không có gì dị biệt, nên không có gì xung khắc, cũng không có gì hạn chế hay cản trở họ thương nhau. Sự khắn khít giữa họ thực chan chứa, trọn vẹn, và đồng đều. Họ thương nhau tận tình.

Trong đời sống thực tế, không hề có những người được cha mẹ sinh ra cùng một lúc và hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, tình thân thương của Trăm Anh Em cùng Một Bọc, vượt quá mọi kinh nghiệm yêu thương thường tình của chúng ta. Đây là tình Thân Thương Tột Cùng.

Sự diễn đạt của Tổ Tiên thật là tuyệt vời!

d. Một Bọc Trăm Con, mọi người là Anh Em Cùng Một Bọc, là biểu tượng của Xã Hội Loài Người, mà cũng là diễn đạt hai nguyên lý nền tảng hoàn hảo thâm sâu nhất của Xã Hội loài người, là Bình Đẳng Tột Cùng và Thân Thương Tột Cùng.

Để đưa vào hiện thực, để nền tảng xã hội được thể hiện trọn vẹn trong cuộc sống, Tổ Tiên ta đã khai triển chi tiết và thực tiễn ở Kinh Chữ Đồng và Kinh Trầu Cau.

5. Tiên Rồng Song Hiệp Trong Văn Hóa Việt

5.1 Tính Cách Phổ Quát


a. Trong phần này đòi hỏi công trình khảo cứu sâu rộng vào tận nếp sống thường ngày của đại chúng. Và nơi đây chỉ trình bày vài nét đại cương với những điểm đặc trưng.

Cần nhấn mạnh đến việc thực sự tìm hiểu thấu đáo ở cuộc sống, phong tục, tâm tư... của đại đa số dân chúng, chớ không chỉ lập lại những sáo ngữ, những luận điệu sẵn có trong sách vở, hoặc uốn nắn theo thành kiến, giáo điều.

b. Trong suốt mấy ngàn năm, dòng giống Việt, đặc biệt dân tộc Việt Nam, đã sống một nếp sống thể hiện toàn diện nền tảng Tiên Rồng Song Hiệp.

Tuy có những thời suy thoái, nhưng đã có nhiều giai đoạn dân tộc Việt Nam sống đúng di huấn của Tổ Tiên, đặt nền tảng trên Kinh Tiên Rồng. Nhờ đó dân Việt đã phát huy được một nền văn hóa đặc thù, với nhiều nét đặc trưng.

Lịch sử chứng minh rằng thời kỳ nào sống đúng Văn Hóa Tiên Rồng, thì thời kỳ đó dân Việt được sống trọn vẹn Con Người nhất, được hạnh phúc nhất, và đất nước được hùng cường thịnh vượng nhất.

Ở những giai đoạn đó của lịch sử và văn hóa Việt, trong mọi khía cạnh của Cuộc Sống Con Người, từ cá nhân đến gia đình, làng xóm, dân nước, qua chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, quân sự... nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp luôn được ứng dụng triệt để. Nhờ đó văn hóa Việt luôn kết hợp thành công những yếu tố nhiều khi như đối nghịch.

5.2 Mỗi Người luôn luôn cố gắng sống thực trọn vẹn Con Người Tiên Rồng. Mọi người thể hiện cuộc sống vừa thể chất vừa tinh thần, vừa tình vừa lý, vừa trí vừa nhân, vừa dũng cảm vừa hiền hòa, vừa lo ăn mặc vừa để thảnh thơi, vừa cho hiện tại vừa cho tương lai, vừa cho cá nhân vừa cho tập thể... năm mươi theo mẹ năm mươi theo cha, song hiệp hoàn chỉnh.

5.3 Gia Đình là nền tảng sống thực và phát triển toàn diện Cuộc Sống Con Người, mà cũng vừa là đơn vị cấu thành Dân Nước.

Trong gia đình vợ chồng sống vừa tình vừa nghĩa, vừa yêu thương vừa kính trọng, vừa thể xác vừa tinh thần, năm mươi Tiên năm mươi Rồng (50/50). Vợ chồng luôn luôn bình đẳng, cả những khi cúng tế... Không có cảnh chồng chúa vợ tôi như văn hóa Hán.

Văn hóa Việt lấy tiêu chuẩn thuận vợ thuận chồng. Thích con trai mà thương con gái. Vô nam dụng nữ. Có vợ chồng mà cũng có thân tộc. Có gia đình mà cũng có làng nước.

5.4 Xã Hội có trên có dưới mà không có thống trị. Nay là dân mai là quan và mốt lại là dân. Có khác biệt mà không có ngăn cách. Có nhân tước mà cũng có thiên tước. Có giàu nghèo mà không có chế độ nô lệ.

Có pháp lý mà cũng có tình nghĩa... Bảo bọc che chở, đầy tình đủ lý... Có tập thể mà cũng có cá nhân. Có ta mà cũng có người. Có gần mà cũng có xa. Có nước mà cũng có nhà.

5.5 Chính Trị có thể chế đặc thù gồm cả làng và nước, nên vừa có vua quan mà cũng vừa có nếp sống dân chủ. Chăn dắt dân mà cũng tùy thuộc dân. Có lãnh đạo mà không có thống trị. Có triều đại mà không có giai cấp đặc quyền.

Có mưu lược mà cũng có đạo lý. Có uy nước mà cũng có tình dân. Có tài mà cũng có đức... Với người tại thế mà cũng với người khuất mặt.

5.6 Kinh Tế. Mục tiêu chính là phát triển, để tất cả mọi người cùng được hưởng cơm no áo ấm và tăng trưởng trọn vẹn.

Có cần kiệm mà cũng có thảnh thơi. Muốn tiền của mà cũng chẳng sợ nghèo. Không chịu thiếu mà cũng chẳng chịu thừa.

Sự bình sản dựa trên cộng tác tương thân và cơ chế thích đáng, chớ không dựa trên đấu tranh hay bức chế. Theo chế độ rút thăm chia đất định kỳ, để vừa hữu sản mà cũng vừa vô sản. Không để kinh tế làm lũng đoạn Cuộc Sống Con Người, và gây nguy hại cho xã hội, cho làng nước.

5.7 Quốc Phòng, Quân Sự. Giữ nước là việc của toàn dân. Làng xã vừa là đơn vị xã hội, vừa là đơn vị chiến đấu. Vừa là lũy tre làng vừa là thành trì chống giặc. Để giữ nước mà cũng để giữ nhà.

Có quân sĩ mà cũng có toàn dân. Đang là dân mà cũng đang là quân... Có võ mà cũng có văn. Có tài mà cũng có đức.

Vừ du kích mà cũng vừa diện địa. Vừa uy lực mà cũng vừa mưu lược. Vừa đánh giặc mà cũng lo cứu người.

5.8 Niềm Tin. Sống đạo Người mà cũng sống đạo Trời. Vừa thờ Trời mà cũng vừa thờ Người. Đạo tại tâm nhưng trọng nghi lễ. Cho tập thể mà cũng cho cá nhân. Cho hiện tại mà cũng cho quá khứ vị lai... Cõi dương sao cõi âm vậy.

Lấy nếp sống truyền thống làm tiêu chuẩn hòa hợp tinh hoa các tôn giáo. Sẵn sàng đón nhận chân lý của tôn giáo, mà cũng quyết liệt gạt bỏ những thực hành không thích hợp.

5.9 Tóm lại, Văn Hóa Việt đã đặt nền tảng trên Kinh Tiên Rống, trên nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp.

Ở những nơi và những thời xảy ra sự phối hiệp không hoàn chỉnh, hoặc thiên về bên này hay nghiêng về bên kia, đều là những giai đoạn hạnh phúc Con Người bị khiếm khuyết, như tình trạng nhân loại hiện nay.

Con đường sáng của dân tộc, cũng như của toàn thể nhân loại, là phục hưng và phát huy nền Văn Hóa Tiên Rồng của Tổ Tiên.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.07.2008 01:52:16 bởi Thần Báo >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9