Kinh Mỵ Châu
Thần Báo 04.08.2008 11:36:31 (permalink)
[themMovie]http://www.visualgui.com/motion/BonjourVietnam.swf[/themMovie]
 
1. CHÍNH KINH

Vào cuối thời Hùng, có Triệu Đà mang quân xâm lấn nước ta. Vì vậy An Dương Vương xây thành để phòng thủ. Nhưng thành cứ sập đổ mãi. Sau nhờ thần Kim Qui tới giúp, mới xây được Loa Thành. Thần Kim Qui còn để lại cái móng làm lãy nỏ, bắn một phát là giết cả vạn người.

Thấy vậy, Triệu Đà cho con là Trọng Thủy kết hôn với công chúa Mỵ Châu. Trong thời gian ở tại Loa Thành, Trọng Thủy được Mỵ Châu cho coi chiếc nỏ thần, và chàng đã tráo cái lãy nỏ.

Lấy được lãy nỏ thần, Trọng Thủy liền về nước và cùng Triệu Đà mang quân qua đánh Loa Thành. Khi biết nỏ thần hết linh nghiệm, An Dương Vương đem Mỵ Châu lên ngựa chạy trốn.

Dọc đường Mỵ Châu nhổ lông ngỗng nơi chiếc áo đang mặc để làm dấu cho Trọng Thủy tìm theo. Thấy thế, An Dương Vương rút gươm chém Mỵ Châu. Máu nàng chảy xuống biển hóa thành ngọc trai.

Trọng Thủy chiếm được Loa Thành, nhưng thương nhớ vợ nên nhảy xuống giếng mà chết. Từ đó lấy nước giếng ấy mà rửa thì ngọc trai thành sáng đẹp hơn.

* * * *

DIỄN KINH

2. GIỚI THIỆU VIỆC GIỮ NƯỚC

Việc Triệu Đà từ phương Bắc đem quân xâm lấn, và việc An Dương Vương xây Loa Thành, được coi là những sự kiện lịch sử. Từ lâu, di tích của một thành của làng Cổ Loa, cách Hà Nội 15 cây số, luôn được coi là thành của An Dương Vương.

 
Dầu thành ở Cổ Loa có thực sự là thành của An Dương Vương hay không, việc An Dương Vương xây Loa Thành và làm mất nước, đã là đề tài suy tư của nhiều thế hệ.
 
Và rồi, với hơn hai ngàn năm tích lũy và truyền đạt, kinh nghiệm trên đã trở thành bài học dạy việc Giữ Nước.
 
Nhìn dưới khía cạnh Bài Học Làm Người, Kinh Mỵ Châu cũng nói lên diễn tiến của một con người làm mất chính mình, để bị tha hóa.
 
Tuy nhiên, bài này chỉ bàn về phương diện Giữ Nước (*1).

* * * *

3. BÀI HỌC HỒN NƯỚC

3.1 Giặc Xâm Lấn

Trước hết, Kinh đưa ra bối cảnh làm khung cho Bài Học Giữ Nước. Đó là việc Triệu Đà đem quân xâm lấn. Những nhân vật chính trong Kinh là An Dương Vương, Mỵ Châu và Trọng Thủy.
 
Trong tinh thần văn hóa Việt, An Dương Vương và Mỵ Châu và Mỵ Châu biểu trưng cho Rồng và Tiên trong việc Giữ Nước. Phần Trọng Thủy, chàng là con Triệu Đà, là hiện thân của tham vọng thống trị phương Bắc.
 
* *
 
3.2 Bỏ Hồn Nước
 
a. Để chống Triệu Đà, An Dương Vương khởi công xây Loa Thành.
 
Điểm đặc biệt là trong suốt dòng lịch sử của dân tộc, chưa bao giờ có việc xây thành kiên cố cho vua chúa. Từ ngày lập quốc, trong mấy ngàn năm, nước ta không hề xây thành. Các Vua Hùng luôn sống gần dân và cùng dân chia sẻ mọi trách nhiệm.
 
Vì vậy, việc xây Loa Thành đánh dấu quan niệm Giữ Nước đặc biệt của An Dương Vương. Quan niệm này đi ngược lại truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc, và do đó, xa lạ với nếp sống của người dân đương thời.
 
*
 
b. Ngoài ra, sự kiện thành sập nhiều lần lại chứng tỏ hoàn cảnh đất nước lúc đó không đủ cung ứng cho việc xây thành.
 
Như vậy, chẳng những An Dương Vương đã lìa xa tinh thần dân, mà còn lìa xa đời sống thực tế, xa thực trạng hiện hữu của đất nước.
 
*
 
c. Khi thành sập nhiều lần, đáng lý An Dương Vương phải tìm hiểu và thay đổi kế hoạch, để chẳng những ứng hợp với hiện trạng, mà còn tận dụng được sức mạnh thiết thực của dân nước. Nhưng An Dương Vương lại đi cậy nhờ tài trí của thần Kim Qui.
 
Như thế, Loa Thành còn nói lên khuynh hướng vọng ngoại của An Dương Vương.
 
Nhìn chung Bộ Kinh Việt, việc lìa bỏ tinh thần dân tộc của An Dương Vương lại càng rõ rệt. Ở các Kinh Tiết LiêuPhù Đổng, khi cần An Dân và Cứu Nước, Tiết Liêu và Vua Hùng đều khẩn cầu Tổ về chỉ dạy. Ở đây, An Dương Vương không cầu Tổ, mà lại đi cầu người phương xa đến.
 
*
 
d. Chẳng những giúp xây được Loa Thành, Kim Qui còn cho thêm cái móng chân đề làm lãy nỏ. Với móng chân của Kim Qui, cái nỏ trở thành nỏ thần, bắn một phát giết vạn người.
 
Với chiếc nỏ thần này, tài thiện nghệ nổi tiếng của dân Lạc Việt chúng ta cũng trở thành vô dụng. Từ nay, cả tài năng xuất chúng của dân nước cũng không còn cần thiết cho việc giữ nước.
 
Thế là, với hai vũ khí an toàn, với thành vững để thủ và với nỏ thần để công, từ nay việc giữ nước chỉ còn tùy thuộc vào một mình Kim Qui (*2).
 
* *
 
3.3 Nhận Hồn Giặc
 
a. Đã xa nếp sống người dân, đã chỉ cậy nhờ người ngoài, An Dương Vương lại đem công chúa Mỵ Châu gả cho Trọng Thủy. Mỵ Châu là biểu tượng của tinh thần Việt. Trọng Thủy con của của giặc Triệu Đà.

Đang là một tên xâm lăng, khiến An Dương Vương phải xây thành để chống cự. Trọng Thủy bỗng ngang nhiên bước vào tung hoành tận thâm cung Loa Thành. Đang là một tên giặc nguy hiểm, Trọng Thủy trở thành người đầu gối tay ấp của nàng tiên Mỵ Châu.


Như vậy, từ chỗ tùy thuộc vào người ngoài, An Dương Vương bước tới giai đoạn rước giặc vào nhà. Và nàng Tiên Mỵ Châu, biểu tượng cho tâm hồn Việt, cũng đã chấp nhận giặc, ôm ấp giặc.

 
*
 
b. Cớ sự đã vậy, mà nàng Mỵ Châu còn tiến thêm một bước. Nàng yêu chiều Trọng Thủy đến nỗi đưa nỏ thần cho Trọng Thủy coi.
 
Tuy không hoàn hảo, nhưng đất nước đang được tạm thời sống trong yên ổn nhờ có thành vững nỏ thần. Thế mà sau khi cho giặc phá thủng thành vững, giờ đây Mỵ Châu còn theo ý giặc, trao luôn nỏ thần.

Mỵ Châu đã coi ý giặc hơn sự an toàn của dân nước. Nàng đã yêu qúy giặc hơn đồng bào, hơn quê hương. Còn gì Nước, còn là Dân?

 
*

c.
Nhưng nàng vẫn cho là chưa đủ. Trên lưng ngựa cùng cha chạy trốn, Mỵ Châu còn nhổ lông ngỗng nơi chiếc áo đang mặc, để ghi dấu cho Trọng Thủy tìm theo.


Thực là chua chát. Nàng tiên Việt đã hoàn toàn quên mình vì giặc! Giờ đây, người nàng chỉ còn chiếc áo lông ngỗng, hình ảnh cuối cùng của Tiên, mà nàng cũng nhẫn tâm rứt bỏ để làm dấu dẫn đường cho giặc (*3).

 
*
 
d. Lông đã nhổ, lớp áo tiên mỏng manh bên ngoài cũng không còn, nên Mỵ Châu gục chết. Lâu nay, tuy tâm hồn đã đổi thay, nhưng nàng vẫn còn giữ chiếc áo Tiên. Giờ đây nàng lộ nguyên hình. Nàng là giặc.

Mỵ Châu là Tiên, là biểu tượng cho tinh thần, cho ý thức văn hóa trong việc Giữ Nước. Nay đã mất Tiên.


Mất theo nàng, theo An Dương Vương, là cả Nước, cả Dân. Chua chát, đắng cay!

 
* *
 
3.4 Diễn Tiến Mất Hồn Nước
 
Thế là An Dương Vương và Mỵ Châu đã làm cho Nước mất Nhà tan.
 
Đó cũng chỉ vì “Rồng” An Dương Vương đã từ bỏ truyền thống, xa lìa hiện trạng dân nước, để rồi đi cậy nhờ và lệ thuộc người ngoài.

Từ đó nàng “Tiên” Mỵ Châu lại chấp nhận việc kết thân với giặc, rồi làm theo ý giặc, quên mình vì giặc, và chết cho giặc!


An Dương Vương và Mỵ Châu đã để Hồn Nước dần dần tiêu hao với những quyến rũ hào nhoáng của những lợi ích hời hợt.

 
Khi nền tảng dân tộc bị phai lạt nơi bất cứ dạng thức nào của đời sống dân nước, thì tại phần đó, nước đã bắt đầu mất.
 
* Dưới khía cạnh Con Người, đây cũng là diễn tiến Con Người đánh mất chính tâm hồn mình. Điều đáng sợ là diễn tiến rất tuần tự, nên nhiều khi mình đã đánh mất chính mình, đã trở thành giặc, đã làm hại mình, mà mình cũng không ngờ.
 
HỒN MẤT TRƯỚC, NƯỚC MẤT SAU!
 
* * * *
 
4. BÀI HỌC DÂN NƯỚC
 
4.1 Bỏ Dân
 
a. Việc bỏ mất Hồn Nước luôn luôn kéo theo việc bỏ dân, làm mất dân. Khi giới quyền chức đã tin tưởng và ỷ lại vào người ngoài, thì người dân trong nước bị rẻ rúng khinh khi và bị coi là phương tiện để phục vụ quyền lợi riêng của nhóm người thống trị.

Sự kiện An Dương Vương quyết định xây thành đã tố cáo việc ông bỏ quên trách nhiệm chăm sóc đời sống cho toàn thể mọi người dân trong nước.

 
Trước đây, mọi người đều là con dân, đều được ông chăm sóc. Nhưng từ nay, với quyết định xây thành của ông, những kẻ ở ngoài thành sẽ bị phó mặc cho bất trắc.
 
*

b.
Thế mà thành lại hư sập nhiều lần. Gánh nặng lại đổ xuống trên người dân. Dân phải chịu sưu cao thuế nặng, mưa nắng dãi dầu, gia đình ly tán, vợ con nheo nhóc.

 
Đã hết lo cho dân, An Dương Vương lại hành hạ dân, bắt dân phục vụ ông.
 
*

c.
Khi xây xong thành, An Dương Vương đã thực sự sống xa cách dân.

 
Trước kia, trong suốt mấy ngàn năm, các vua dân Việt đã không hề xây thành, mà luôn sống với dân, chia sẻ cuộc sống người dân. Nhưng nay, An Dương Vương rút mình vô trong vỏ ốc.

Đối với ông, dân bây giờ chỉ còn có nghĩa là nhóm người đang lo phục dịch ông ở trong thành (*5).

 
*
 
d. Thêm vào vòng thành vỏ ốc, chiếc nỏ thần của Kim Qui càng làm cho An Dương Vương xa dân hơn.
 
Đã hết gần dân, giờ đây ông lại không cần dân. Một phát nỏ thần có thể giết hàng vạn quân giặc, nên sự góp sức của dân không cần thiết nữa. Trong việc giữ nước, người dân đã trở thành thừa thãi, thành người ngoại cuộc.
 
Chẳng những vậy, từ nay, ngoài đám phục dịch trong thành, toàn thể dân trong nước đều ở trong tầm sát hại của nỏ thần. An Dương Vương coi dân như giặc (*6).
 
* *
 
4.2 Thành Giặc
 
a. Từ chỗ đối xử với dân như giặc, An Dương Vương đem Mỵ Châu gả cho Trọng Thủy, hoàng tử của giặc.

Với việc thông gia giữa hai dòng vua, An Dương Vương đã tạo ra giai cấp đặc quyền. Ông muốn từ nay gia đình ông phải là dòng họ đặc biệt, không còn liên hệ với dân. Ông hoàn toàn tách rời dân, tách rời truyền thống văn hóa đặt nền tảng trên bài học: nàng công chúa lấy người không khố.

 
*

b.
Thế là An Dương Vương đã rước giặc vào cung. Ông hủy bỏ công dụng của Loa Thành, và bỏ quên những người ở trong thành.


Giờ đây ông chỉ còn biết có gia đình ông. Quanh ông chỉ còn có hai người: một là Mỵ Châu, hai là tên giặc nằm vùng Trọng Thủy.

 
*

c.
An Dương Vương chỉ còn Mỵ Châu là con, là dân, người dân cuối cùng. Vì vậy, ông giao cho Mỵ Châu trách nhiệm gìn giữ chiếc nỏ thần, báu vật bạo lực thần thánh của ông. Ông tập trung quyền lực vào gia đình, vào những người thân cận ông.


Với việc tập trung quyền lực, từ nay người dân trở thành miếng mồi ngon cho tham vọng không đáy của nhóm quyền chức. Ai làm chủ nỏ thần, ai nắm giữ quyền lực, người đó có toàn quyền trên sinh mạng và tài sản của dân.

 
*
 
d. Vì vậy, Trọng Thủy đã dùng thủ đoạn đoạt cái lãy nỏ khỏi tay Mỵ Châu một cách dễ dàng. Sau đó nhóm đặc quyền tranh nhau xương máu của dân. Người dân trở thành mối lợi, món hàng, của bọn người chỉ còn biết tư lợi và quyền lực.

Kết qủa của tranh chấp quyền lực là tai họa giáng xuống trên người dân. Ách thống trị theo chân Trọng Thủy và Triệu Đà trùm lên toàn thể dân nước.

 
* *
 
4.3 Dân và Việc Giữ Nước
 
Bài Học Dân Nước thực thấm thía. Bỏ trách nhiệm chăm sóc dân, hành hạ dân, xa lánh dân, coi dân như thù địch, để chỉ dựa vào thành lũy, vào nỏ thần, vào nhóm đặc quyền, vào bạo lực, thì rồi, việc giữ nước chỉ còn là những thủ đoạn tranh quyền đoạt lợi. Người dân trở thành mục tiêu cho bóc lột, cho bạo hành. Giữ nước trở thành cướp nước.
 
GIỮ NƯỚC LÀ VIỆC CỦA TOÀN DÂN. Dân không giữ nước thì giặc giữ! Không cho dân giữ nước là cướp nước.
 
* * * *
 
5. BÀI HỌC SỨC NƯỚC
 
5.1 Sức Do Dân
 
Dưới khía cạnh Sức Nước, khi An Dương Vương từ bỏ truyền thống và xa lìa cuộc sống người dân, để quyết định xây thành, chính là lúc ông làm băng họai sức mạnh xã hội của nước.

Việc xây thành làm hao tổn của cải, tài năng và nhân lực của nước. Vậy mà thành còn bị hư sập nhiều lần, nên sức mạnh kinh tế lại càng suy sụp thêm.


Khi sống trong thành, xa dân, không còn biết đến đời sống người dân, An Dương Vương bỏ mất sức mạnh chính trị.


Khi được nỏ thần, khi không còn vận dụng sức dân, khi làm cho dân thấy mình trở thành người ngoại cuộc thừa thãi, chính là lúc An Dương Vương đánh mất sức mạnh tinh thần trong công cuộc Giữ Nước.

 
* *
 
5.2 Sức Chiến Đấu
 
a. Làm mất dân, An Dương Vương đã bỏ mất những sức mạnh nền tảng của việc Giữ Nước. Nhưng ông cũng chưa thấy nguy cơ vì ông đặt trọn niềm tin vào Loa Thành và Nỏ Thần. Loa Thành bảo đảm thế thủ an toàn, và Nỏ Thần đang làm mọi người khiếp sợ.
 
Loa Thành và Nỏ Thần là biểu trưng của sức mạnh quân sự, khả năng giữ nước cuối cùng của An Dương Vương.
 
*
 
b. Nhưng rồi ông thua kém trên mặt trận ngoại giao, khi bị rơi vào thủ đoạn của giặc. Sau khi hao tốn biết bao công qũy để xây thành ngăn giặc, ông lại long trọng rước giặc vào tận thâm cung. Chính ông đã loại bỏ công dụng của sức mạnh phòng thủ của ông.

Thành đã bị phá lũng, An Dương Vương chỉ còn chiếc Nỏ Thần. Nhưng ông lại bị thua ở mặt trận gián điệp. Trọng Thủy biến đã biến Mỵ Châu thành nội tuyến, và nàng đã tiết lộ bí mật quốc phòng.


Khi để Trọng Thủy đánh tráo lãy nỏ, trao vũ khí giữ nước cuối cùng vào tay giặc, An Dương Vương đã để mất luôn sức mạnh kỹ thuật.

 
KHÔNG SỨC MẠNH LẤY GÌ GIỮ NƯỚC?
 
* * * *
 
6. BÀI HỌC ĐẤT NƯỚC
 
Công cuộc giữ nước bộc lộ rõ ràng nhất trong việc bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Thế mà An Dương Vương dám bỏ mất dần.

Trước kia, chưa xây Loa thành, An Dương Vương đã để tâm chăm sóc toàn thể đất nước.

 
Nhưng khi xây thành, ông chỉ còn giữ lại mảnh đất trong thành. Đối với ông, đất nước ta không còn trải rộng ra khắp bờ cõi, mà thu hẹp lại trong hào lũy. Ông chểnh mảng trong việc giữ nước, để chỉ chú tâm tới cái làng mà ông đang ở.

Thế nhưng, khi lo cưới chồng cho Mỵ Châu, rước tên giặc Trọng Thủy vào nội cung, An Dương Vương lại vì tình nhà mà hủy bỏ sự phòng thủ của thành. Ông chỉ còn thấy có cái nhà của ông.


Và rồi, khi để Mỵ Châu trao nỏ thần vào tay giặc, ông đã không giữ nổi mấy chục thước đất cuối cùng. An Dương Vương đã thực sự không còn đất sống.

 
* * * *

7. ẢO TƯỞNG GIỮ NƯỚC


Thế là hết, An Dương Vương đã để mất Hồn Nước, để mất Dân Nước, để mất Sức Nước, và cũng đã mất Đất Nước.

 
Tuy nhiên, ông vẫn không ngờ, ông vẫn tưởng ông đang giữ nước.

Thực vậy, dầu Hồn Nước có mất, cũng chỉ có nghĩa là ông đã thực hiện quan niệm của riêng ông; dầu người Dân đã bị loại ra khỏi việc giữ nước, nhưng nhờ đó ông lại càng dễ thống trị hơn; dầu Trọng Thủy là con giặc, nhưng đã trở thành con ông; dầu Mỵ Châu nằm trong tay giặc, nhưng nàng vẫn còn mặc áo lông ngỗng; dầu giặc có tung hoành ở thâm cung, nhưng vòng thành bên ngoài vẫn kiên cố vô song; và dầu lẫy thần đã bị tráo, chiếc nỏ vẫn còn nguyên hình dạng cũ.


Tất cả đều cho An Dương Vương ảo tưởng là đất nước vẫn an toàn, là ông đang hoàn thành nhiệm vụ giữ nước một cách tuyệt hảo.


Nhưng qủa thực, sở dĩ đất nước còn, và ông vẫn còn như đang giữ nước, không phải là vì ông phòng thủ hữu hiệu, mà vì giặc chưa xua quân tiến chiếm.


Vì vậy, khi Triệu Đà xua quân tới, An Dương Vương chỉ còn cách lên ngựa chạy trốn. Ông không còn gì. Tất cả đã bị giặc chiếm. Cả đứa con ngồi sau lưng cũng đã thuộc về giặc, cũng đã là giặc.


Ôi dân tộc đồng bào! Ôi giang sơn gấm vóc!

 
* * * *

8. VẤN ĐỀ GIỮ NƯỚC

 
8.1 Giặc Nước

Tuy Kinh liệt kê nhiều nhân vật góp phần làm mất nước, nhưng mọi nhân vật đều có thể quy về một mình An Dương Vương.

 
Chính An Dương Vương đã lìa bỏ truyền thống dân tộc mà quyết định xây thành. Chính ông đã nhờ thần Kim Quy, đã xin nỏ thần. Chính ông đã hành hạ dân, đã từ khước dân. Ông cũng đã đón rước Trọng Thủy, đã đặt nỏ thần trong tay Trọng Thủy. Chính ông đã cho Triệu Đà mọi điều kiện để đặt ách nô lệ lên toàn dân.
 
Trong diễn tiến đó, chúng ta có thể thấy tất cả đều chỉ là những giai đoạn của con người An Dương Vương.

Từ chỗ là một người chăm lo cho cuộc sống an thịnh của dân nước, như Tiết Liêu, ông đã để tham vọng cho ông ảo tưởng ông là thần thánh. Qua việc ông cấu kết với thần Kim Quy, qua việc xây xong thành và làm chủ chiếc nỏ thần, ông muốn toàn dân suy phục ông như một vị thần. Ông đã bỏ nguyên tắc nền tảng đầu tiên của người làm việc nước, là phải xác tín Thân Phận Là Người của mình (*7).


Từ chỗ coi mình là thần thánh, An Dương Vương khinh rẻ người dân, không còn nhớ tới điều kiện thứ hai của người làm việc nước, là mình đang Mang Nặng Trách Nhiệm. Ông dùng thành lũy để bảo vệ ông, và dùng nỏ thần để uy hiếp mọi người. Ông quyết tâm hưởng thụ, và bắt toàn dân phục vụ ông.


Thay vì cùng với toàn dân chia sẻ gánh nặng giữ nước, An Dương Vương chỉ còn chuyên dùng bạo lực của thành Ốc và nỏ thần.


Từ đó, ông tạo ra giai cấp đặc quyền. Ông chọn một hoàng tử để làm phò mã, dầu đó là con của giặc. Ông còn tập trung quyền lực vào gia đình của riêng ông. Ông giao trọn việc giữ nước, giờ đây chỉ còn cái nỏ thần, vào tay đứa con gái ngờ nghệch của ông.


Từ đây, đối với ông, dân chỉ là một lũ nô lệ phải luôn luôn cúi đầu khuất phục.

 
Thế là, đối với nước, đối với dân, ông không còn là người giữ nước, mà đã trở thành tên giặc cướp nước. Ông trở thành Triệu Đà.
 
*
 
 b. Như vậy, làm vua, làm việc nước, nhiều khi còn có nghĩa là giặc nước.
 
* Người giữ nước tuyệt hảo là người cùng với toàn dân chia sẻ cuộc sống. Mọi người đều chung phần trách nhiệm giữ nước. Tuy ở tầm độ khác nhau, nhưng mọi chức vụ đều là trách nhiệm.
 
Nếp sống này đã được thể hiện trong nhiều giai đoạn của lịch sử Việt, và được kết tinh trong Kinh Tiết Liêu, Chữ Đồng, An Tiêm, và Vọng Phu.

* Là thời suy thoái khi An Dương Vương xây thành và đặt dân dưới sự kìm tỏa của nỏ thần. Đó là chế độ, dầu dưới bất cứ danh xưng cao quý nào, mà xây dựng trên võ lực, trên lý của kẻ mạnh, trên mạnh được yếu thua.


* Khi An Dương Vương tiếp nhận hoàng tử ngoại bang và trao nỏ thần cho con gái, chính là lúc thành lập chế độ gồm giai cấp đặc quyền, nắm giữ mọi quyền hành, và hưởng thụ trên xương máu người dân (*8).


* An Dương Vương thành Triệu Đà là hình thức lộ liễu nhất của thống trị, chuyên chế, đế quốc, thực dân, đảng trị, thủ đoạn, mị dân.

 
* *
 
8.2 Yếu Tố Giữ Nước
 
a. Muốn giữ Nước thì phải giữ Hồn Nước, giữ Dân Nước, giữ Sức Nước, và giữ Đất Nước.
 
Hồn nước được giữ bằng việc sống thực và phát huy truyền thống cao quý của dân tộc. Dân Nước có được là nhờ chăm sóc đời sống người dân và để dân chia sẽ trách nhiệm giữ nước. Sức Nước mạnh được là nhờ các cơ cấu xã hội, chính trị, kinh tế, và tổ chức quân sự thích đáng và hữu hiệu. Đất nước chỉ còn, khi thực sự được các yếu tố trên bảo vệ một cách trọn vẹn.
 
Có được cả bốn, giữ được cả bốn, thì quê hương thanh bình thịnh vượng, đồng bào hạnh phúc yên vui.
 
*
 
b. Nếu mất Đất, vì quân xâm lăng tràn ngập, nhưng vẫn còn Hồn, còn Dân, còn Sức, thì ngày quật khởi ở trong tầm tay (*9a).
 
Nếu mất Đất, mất Sức, mà còn Dân, còn Hồn, thì lo gì không có ngày vùng dậy (*9b).
 
Nếu mất Đất, Sức tan và Dân bị phân tán, mà còn Hồn Nước, thì tuy cần thời gian, vẫn còn cơ hội có lại Dân, có lại Sức và có lại Đất (*9c).
 
Nếu mất Hồn Nước, dầu còn Đất, còn Sức, còn Dân, thì cũng đã khô cạn sức sống, cái xác không hồn, ma giặc sắp ám (*9d).
 
Nếu mất Hồn, mất Dân, thì Sức và Đất trở thành những khí cụ đầy bất trắc, cực kỳ nguy hiểm (*9e).
 
Nếu mất Hồn, mất Da6n, mất cả Sức, thì giang sơn gấm vóc của Tổ Tiên đang là miếng mồi ngon nằm bên miệng giặc.
 
Và nếu giặc đã ra tay, như thảm trạng quê hương đồng bào ta hiện nay, thì Tổ minh hiển đã dạy cách có lại, cách Cứu Nước, ở KINH PHÙ ĐỔNG (*10).
 
* * * *
 
9. BÀI HỌC NƯỚC VÀ NHÀ
 
9.1 Đền Tội Hại Nước
 
Bi kịch Loa Thành thất thủ đưa tới việc Mỵ Châu bị chết dưới lữa gươm của An Dương Vương.
 
Mỵ Châu đã đền tội vì trách nhiệm trong việc làm mất nước. Nhưng sự thể ra nông nỗi đó cũng chỉ vì nàng quá yêu thương và tin tưởng chồng.
 
Tổ Tiên ta thưởng phạt phân minh. Có tội làm hại nước thì phải chết. Nhưng nàng đã trọn tình nhà, thì thưởng phần tình nhà.
 
Tình nhà của Mỵ Châu đã được Tổ Tiên phong thưởng bằng cách cho máu nàng chảy xuống biển và được giống trai nuốt vào mà hóa thành ngọc.
 
Cách phong thưởng này chẳng những không kỳ lạ, mà lại nằm trong hệ thống giá trị của văn hóa Việt. Những kẻ trọn tình nhà như người em trong Kinh Trầu Cau, người vợ trong Kinh Vọng Phu, trái tim của Trương Chi, và ở đây, máu của Mỵ Châu, tất cả đều hóa thành đá ngọc, nghĩa là đã trở thành trường tồn với thời gian, được qúy chuộng, và được làm nền tảng xây dựng lâu dài.
 
* *
 
9.3 Đền Tội Hại Nhà
 
Về phần Trọng Thủy, dầu thành công trong mưu đồ xâm chiếm, nhưng chàng nhớ vợ và nhảy xuống giếng mà chết.

Chàng đã vì ý đồ xâm lăng, mà phụ nghĩa vợ chồng, thì chàng cũng phải chết. Vì danh lợi mà không trọn Tình Nhà, thì cuộc đời cũng không đáng sống, thì không có quyền sống.

 
* *
 
9.4 Vừa Nhà Vừa Nước
 
Vì tình nhà mà hại nước thì phải chết. Vì quyền lực mà hại nhà, thì cũng phải chết.
 
Đây là tuyệt đỉnh bài học làm người của văn hóa Việt. Bài học này đi ngược hẳn chủ trương của nhiều văn hóa khác.
 
Với cái chết của Mỵ Châu, Tổ Tiên ta đã xử tử hình các chủ thuyết cá nhân vị kỷ. Với việc Trọng Thủy nhảy xuống giếng, các chủ thuyết tập thể bá quyền cũng bị nhận chết theo.
 
Con người chỉ có thể sống xứng đáng, trọn vẹn và hạnh phúc khi thể hiện đầy đủ các đặc tính bẩm sinh vừa cá thể vừa xã hội của mình.
 
CÓ NHÀ MÀ CŨNG CÓ NƯỚC, CÓ NƯỚC MÀ CŨNG CÓ NHÀ. Tiên Rồng Song Hiệp hoàn chỉnh.
 
* * * *
 
10.1 Tình Nghĩa
 
Mỵ Châu và Trọng Thủy đều đã chết. Nhưng thực cảm động khi những viên ngọc do máu Mỵ Châu lại trở thành sáng đẹp hơn, nhờ rửa trong nước giếng chôn xác chồng.
 
Nàng đã yêu thương và tin tưởng chồng đến nỗi giao phó cả nước non, đã đưa nỏ thần cho chàng xem. Nàng đã yêu chàng trong tuyệt vọng đến liều lĩnh, khi nhổ lông ngỗng làm dấu hiệu trên đường chạy trốn chàng. Và giờ đây, cả những giọt máu của nàng cũng tươi sáng lên khi được tắm trong nước tẩm xác chàng.
 
Ôi tình nghĩa nàng Tiên Việt! Nàng đã sống trọn Tình Yêu của Văn Hóa Việt. Nàng đã thể hiện những nguyên tắc của Thân Thương Tột Cùng: Quyết chẳng lìa nhau, Sẵn sàng chết cho nhau, và Mãi mãi có nhau.
 
Chỉ tiếc là nàng đã không ứng dụng nguyên tắc tắc đầu tiên, là hai người phải Giống nhau như đúc, tức là phải tìm hiểu nhau, phải gặp nhau trọn vẹn, nên nàng đã không nhận ra Trọng Thủy, và bị giặc lừa gạt.
 
* *
 
10.2 Hệ Thống Làng Thôn
 
Với truyền thống ngàn năm của nếp sống Việt, với kinh nghiệm đau đớn của Loa Thành, Tổ Tiên ta quyết không xây thành cho vua chúa, không tập trung bạo lực.
 
Sống đúng nguyên tắc Giữ nước là việc của toàn dân, các Ngài lập hệ thống phòng thủ nơi toàn dân. Làng thôn của dân trở thành một mạng lưới thành lũy và lực lượng trải rộng khắp đất nước (*11).
 
Với thể chế Làng Nước, làng Việt chính là trung tâm sinh hoạt tự lập tự chủ của người dân, mà cũng là sức mạnh của dân tộc.
 
Trước mọi cuộc xâm lăng thuộc mọi lãnh vực, trước mọi mưu đồ làm tổn hại cuộc sống hạnh phúc của người dân, hệ thống làng thôn đã luôn luôn là cơ cấu chính yếu giúp dân ta bảo toàn lực lượng, phục hồi sức mạnh, và vùng lên phá giặc (*12).
 
Mỗi làng là một chiến lũy, toàn dân là chiến sĩ.
 
* * * *
 
GHI CHÚ


<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.08.2008 11:49:17 bởi Thần Báo >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9