SỰ TÍCH RẰM THÁNG BẢY
Thanh Vân 05.08.2008 04:07:58 (permalink)
SỰ TÍCH RẰM THÁNG BẢY

Xuất xứ của hai tiếng "Vu Lan"


Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm là ngày xá tội vong nhân, dân gian gọi một cách nôm na là ngày cúng cô hồn. Nhưng đây cũng còn là ngày báo hiếu mà giới tăng ni Phật tử gọi là ngày lễ Vu Lan. Vậy lễ này và lễ cúng cô hồn có phải là một hay không? Và đâu là xuất xứ của hai tiếng "Vu Lan"?




Lễ cầu kinh siêu độ -
ảnh Đức Huy

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của Ông Ma Ha Một Ðặc Già La, thường gọi là Ðại Mục Kiền Liên, gọi tắt là Mục Liên. Vốn là một tu sĩ khác đạo, về sau Mục Liên đã quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật, đạt được sáu phép thần thông rồi được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật. Sau khi đã chứng quả A La Hán, Mục Liên ngậm ngùi nhớ đến mẫu thân, bèn dùng huệ nhãn nhìn xuống các cõi khổ mà tìm thì thấy mẹ đã đọa vào kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nơi địa ngục A Tì. Thân hình tiều tụy, da bọc xương, bụng ỏng đầu to, cổ như cọng cỏ. Mẹ Mục Liên đói không được ăn, khát không được uống. Quá thương cảm xót xa, Mục Liên vận dụng phép thần thông, tức tốc đến chỗ mẹ. Tay bưng bát cơm dâng mẹ mà nước mắt lưng tròng. Mẹ Mục Liên vì đói khát lâu ngày nên giật vội bát cơm mà ăn. Tay trái bưng bát, tay phải bốc cơm nhưng chưa vào đến miệng thì cơm đã hóa thành lửa. Mục Liên đau đớn vô cùng, khóc than thảm thiết rồi trở về bạch chuyện với Ðức Phật để xin được chỉ dạy cách cứu mẹ.
Phật cho Mục Liên biết vì nghiệp chướng của các kiếp trước mà mẹ ông mới phải sanh vào nơi ác đạo làm loài ngạ quỷ. Một mình Mục Liên thì vô phương cứu được mẹ dù ông có thần thông đến đâu và dù lòng hiếu thảo của ông có thấu đến đất trời, động đến thần thánh. Phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp các nẻo đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi cho mới được. Bởi vậy, Phật dạy Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về, đặc biệt là các vị đã chứng được bốn quả thánh hoặc đã đạt được sáu phép thần thông. Nhờ công đức cầu nguyện của các vị này, vong linh mẹ Mục Liên mới thoát khỏi khổ đạo. Phật lại dạy Mục Liên sắm đủ các món để dâng cúng các vị ấy, nào là thức thức thời trân, hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay cùng các món nhật dụng khác. Ðúng vào ngày rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Ðức Phật mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát. Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Cách thức cúng dường để cầu siêu đó gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn hội, còn bộ kinh ghi chép sự tích trên đây thì gọi là Vu Lan bồn kinh.



Lễ chùa mùa Vu Lan - ảnh Đức Huy

Ngày rằm tháng 7 do đó được gọi là ngày lễ Vu Lan. Vậy lễ này có phải cũng là lễ cúng cô hồn hay không? Không! Ðây là hai lễ cúng khác nhau được cử hành trong cùng một ngày. Sự tích lễ cúng cô hồn đại khái như sau: Cứ theo "Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh" mà suy thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: "Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên". A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu. Có khi còn nói tắt thành Diệm khẩu nữa. Diệm khẩu, từ cái nghĩa gốc là (quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Ðiều này góp phần xác nhận nguồn gốc của lễ cúng cô hồn mà chúng tôi đã trình bày trên đây. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là "thả quỷ miệng lửa", về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành "tha tội cho tất cả những người chết". Vì vậy, ngày nay mới có câu : "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân".
Vậy lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là hai lễ cúng khác nhau. Một đằng thì liên quan đến chuyện ông Mục Liên, một đằng lại liên quan đến chuyện ông A Nan. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ và ông bà bảy đời, một đằng là để bố thí cho những vong hồn không ai thờ cúng. Một đằng là báo hiếu, một đằng là làm phước. Sự khác nhau giữa hai bên là hiển nhiên, nhưng nhiều người vẫn cứ lẫn lộn.
(.....)
Vậy đâu là xuất xứ và ý nghĩa đích thực của hai tiếng này (Vu Lan)? Trước nhất, Vu Lan là dạng nói tắt của " Vu Lan bồn ". Ðây là ba tiếng đã được dùng để phiên âm danh từ Sanscrit Ullambhana. Từ này thoạt đầu đã được phiên âm bằng bốn tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt là Ôlambàna. Dạng phiên âm cổ xưa này đã được Từ Hải khẳng định. Về sau, Ôlambàna được thay thế bằng dạng phiên âm mới là " Vu Lan bồn", trong đó Vu thay thế cho Ô, Lan cho lam và bồn cho bà + n (a). Vì " Vu Lan bồn " chỉ là ba tiếng dùng để phiên âm, cho nên từng tiếng một (Vu, Lan, bồn) hoàn toàn không có nghĩa gì trong Hán ngữ cả. (...)
AN CHI (trích)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.08.2008 04:09:00 bởi Thanh Vân >
#1
    Thanh Vân 05.08.2008 04:11:29 (permalink)
    Ý NGHĨA LỄ VU LAN


    Tâm Diệu


    Hàng năm cứ vào độ trăng tròn tháng Bảy âm lịch, tức khoảng trung tuần tháng Tám dương lịch là ngày lễ Vu Lan trở về.  Vào ngày này các chùa Việt Nam và Trung Hoa thường thiết lễ rất trọng thể và các Phật tử đến tham dự rất đông đảo để cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được an lạc, cha mẹ quá vãng được siêu sanh tịnh độ, cùng là được nghe các thầy giảng về ý nghĩa lễ Vu Lan và đạo hiếu của người con đối với các bậc sinh thành. 
    Lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa "Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn", do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, tức khoảng năm 750-801 sau Công Nguyên và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam, không rõ từ năm nào. 
    Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Sanscrit: Ullambana, Hán dịch là giải đảo huyền, có nghĩa là “cứu nạn treo ngược”.  Giải có nghĩa là gỡ ra cho khỏi vướng mắc, cởi trói buộc, giải mê lầm.  Ðảo là ngược, cũng có nghĩa bóng là những hành động điên đảo gây nên do sự thấy biết sai lầm, như việc phải cho là quấy và việc quấy cho là phải; do đó tạo nghiệp dẫn đến cảnh khổ.  Huyền là treo.  Ðảo huyền là treo ngược, đầu trở xuống đất, chân đưa lên trời.  Cụm từ “giải đảo huyền” nghĩa là cởi trói cho người bị treo ngược, gỡ cho họ khỏi gông cùm xiềng xích, khỏi khổ đau ách nạn.  Sâu xa, giải đảo huyền còn có nghĩa là giải thoát khỏi tất cả những mối phiền não, những dây luyến ái đã từng trói buộc cái tâm đi luân hồi, giải thoát khỏi sự trói buộc cuả tâm tham, tâm sân và tâm si.



    Kinh Vu Lan kể rằng: sau khi đắc quả A La Hán, đạt được tâm bất sinh, Bồ Tát Mục Kiền Liên muốn độ cho mẹ là bà Thanh Ðề, bèn dùng thần thông kiếm tìm mẫu thân, thì thấy bà đang ở cõi ngạ quỷ vô cùng đói khổ. Ngài đem cơm đến dâng mẹ, nhưng mẹ ngài khi được cơm thì lòng tham nổi lên, sợ người khác trông thấy mà đến dành giựt hay xin bớt, cho nên bà một tay che bát cơm lại, một tay bốc ăn.  Bởi lòng tham lam độc ác trong tiền kiếp nổi bừng lên, nên cơm đưa vào miệng liền biến thành  than hồng không ăn được.  Ngài vô cùng thương xót mà không biết làm sao cứu, bèn trở về thưa với Phật, xin ngài từ bi chỉ dạy phương pháp cứu độ mẹ.  Phật dạy rằng vào ngày trăng tròn tháng bảy, tức là ngày lễ Tự Tứ [1] của chư Tăng, sau ba tháng an cư kết hạ thanh tịnh, hãy sắm lễ vật và thỉnh chúng Tăng để cúng dường, nhờ sự chú nguyện của chúng Tăng thì mẹ Ngài sẽ được gỉai thoát.  Ngài Mục Kiền Liên tuân theo lời Phật dạy, thỉnh chúng Tăng chú nguyện và nhờ đó mẹ ngài, bà Thanh Ðề đã được sanh về cõi trời.



    Hình ảnh bà Thanh Ðề chụp ngay bát cơm khi ngài Mục Kiền Liên dâng lên, một tay che không cho người khác thấy vì sợ bị giựt, một tay bốc ăn, nói lên cái tâm mê muội tham lam của con người và hình ảnh khi bà vừa đưa tay bốc cơm thì cơm hoá thành than hồng cháy đỏ, bụng đói mà không sao ăn được, nói lên cảnh giới địa ngục. Thật ra ba cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh hay còn gọi là ba đường ác, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong con người chúng ta.  Bất cứ lúc nào chúng ta nóng giận là lửa địa ngục sân hận bừng cháy.  Bất cứ khi nào tham dục nảy sinh trong tâm ta là chúng ta sống trong cảnh giới ngạ quỷ.  Địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh là những nơi thọ quả báo của những chúng sanh gieo trồng nhân tham lam, sân hận và si mê.  Nếu con người không chế ngự được ba thứ độc dược này thì luôn luôn sống trong toan tính, rồi từ đó ăn không ngon, ngủ không yên, triền miên đau khổ phiền não, luôn sống trong ác mộng và cuộc đời biến thành địa ngục lúc nào không hay biết.  Quả là như thế, con người khi tham mà không được thì hay nổi sân và mỗi khi tham và sân chế ngự được tâm chúng ta thì chúng ta không còn kiểm soát được lời nói, ý nghĩ và việc làm nữa, do đó tâm thần trở nên bất an, xao động và hỗn loạn, nói những lời không nên nói, làm những việc không nên làm, và mang nhiều tư tưởng xấu xa đen tối.  Nói cách khác, ta đang sống trong cảnh giới địa ngục vậy. 
    Thật ra, tâm bà Thanh Ðề cũng có thể là tâm mẹ quá khứ của chúng ta và cũng có thể là tâm tham sân si của chính mình.  Vì thế, muốn được siêu thoát, ngoài yếu tố chính là cọng lực chú nguyện của chư Thánh Tăng tác động lên tâm bà Thanh Đề, thì tâm bà Thanh Đề hay tâm mẹ quá khứ của chúng ta phải tự thức tỉnh, tự chuyển tâm sám hối lỗi lầm.  Một khi tâm chuyển là cảnh giới địa ngục của chính mình tan rã, tựa như ánh sáng xoá tan màn đêm đen tối.  Nếu không tự thức tỉnh, không tự chuyển hoá tâm, thì sức chú nguyện của chư Thánh Tăng cũng không thể nào cảm ứng để mà giải cứu được, bởi vì đối với Phật giáo, việc tái sinh đã không do một đấng sáng tạo mà do theo luật nhân quả tác động thì việc cứu độ vong linh cũng thế, cũng tuỳ thuộc vào luật nhân quả, chứ không thể cầu khẩn một đấng thần linh nào cứu được.  Sở dĩ bà Thanh Đề thoát khỏi cảnh giới địa ngục, sinh về cõi trời là do sức mạnh bởi sự chú nguyện của chư Thánh Tăng và do sự tự thức tỉnh của bà Thanh Đề.



    Khác với sự cầu nguyện nơi một số tôn giáo khác, chú nguyện là tập trung hết năng lượng tư tưởng của mình vào một điều gì mình muốn cho tha nhân.  Năng lực được tập trung lại đó có thể làm thay đổi tình thế như tia sáng Laser ngày nay do sự hội tụ của ánh sáng có thể đốt cháy được một vật ở rất xa ngoài không gian. Một ví dụ điển hình khác là các nhà thôi miên, bằng sự tập trung tư tưởng vào một người, có thể nâng người đó lên hay di chuyển thân người đó dễ dàng. Ðây là vấn đề sức mạnh của tư tưởng mà các nhà khoa học hiện đại đều công nhận.  Các cao Tăng hay còn gọi là thanh tịnh Tăng, sau thời gian ba tháng an cư thiền định thường có tâm lực rất mạnh, dễ dàng tác động vào tâm của bà Thanh Ðề khiến bà thấu rõ tội ác của mình trong quá khứ và nổi niệm sám hối, chuyển đổi tâm niệm, từ tâm ích kỷ tham lam độc ác, thành tâm vị tha quảng đại. Hễ tâm thay đổi thì ngay đó cảnh giới địa ngục khổ sở tan rã, theo như câu: "Tội tuỳ tâm sinh, tội tùng tâm diệt" hay "khổ tuỳ tâm sinh, khổ tùng tâm diệt". Nhờ vậy bà thoát khỏi cảnh giới ngạ quỷ, rời khỏi chốn địa ngục tối tăm cực khổ mà sinh vào cảnh giới an lành, không có sự can thiệp của thần linh nào vào đây cả.  Ngài Mục Kiền Liên, tuy là bậc thần thông đệ nhất nhưng với đạo lực một mình vẫn không thể nào thay đổi được luật nhân quả, cứu vớt nổi mẫu thân, nên đã phải nhờ đến sức chú nguyện tập thể của mười phương Tăng trong ngày Tự tứ.



    Chúng ta cũng cần nhớ rằng kinh Phật thường có vô lượng nghĩa, để khế hợp với vô lượng tâm chúng sanh.  Ðức Phật là bậc đại từ đại bi, sau khi giác ngộ, Ngài trực nhận ra rằng tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh, nhưng chỉ vì bị ba thứ độc hại: tham, sân và si lôi kéo mà bị dẫn đi trong luân hồi, như trường hợp bà Thanh Đề. Ngài muốn trải ruộng phước cho chúng sinh trồng xuống cây bố thí, đó là cánh cửa đầu tiên để cho chúng sinh tập hạnh xả bỏ, bớt đắm nhiễm vào của cải, bớt tham lam bỏn sẻn, cho nên Ngài dùng phương tiện thiện xảo dạy chúng sinh thực hiện pháp cúng dường chư Tăng, vừa tạo duyên lành cho Phật tử gieo trồng nhân thiện, vừa dạy cư sĩ thực hiện nhiệm vụ hộ trì Tam Bảo, ngõ hầu chư Tăng ni có được đầy đủ vật dụng cần thiết mà an tâm tu hành cho tới giác ngộ, để tiếp tục trao truyền ngọn đèn chánh pháp, độ thoát cho hết thảy chúng sanh khỏi sanh già bệnh tử. 
    Tưởng cũng nên biết, trong dịp lễ hội Vu Lan, ngoài việc tụng kinh cầu siêu, thiết lễ cúng dường trai tăng tại các tự viện còn là ngày xá tội vong nhân. Đó là ngày tha thứ mọi lỗi lầm, ngày ăn năn, sám hối, mong được tha thứ lỗi lầm. Nhờ ý nghĩa tha thứ những lỗi lầm đó nên cũng chính ngày này chư Tăng, Ni thành tâm chú nguyện cho các vong linh sớm thoát khỏi những kiếp khổ đau. Ngày xá tội vong nhân được dân gian gọi một cách nôm na là ngày cúng cô hồn.  Lễ cúng cô hồn được truyền từ Ấn Độ vào Trung Hoa vào thời Đường và được truyền sang nước Việt từ năm 1302, [02] sau đó lễ này rất thịnh hành vào thời đại Phật Gíao nhà Trần qua việc tổ chức các trai đàn chẩn tế, gọi là “diệm khẩu phổ thí pháp hội” có nghĩa là những đại hội về Phật Pháp để bố thí thức ăn cho loài quỷ đói.  Phép này được thực hành trên căn bản một tác phẩm tên là “Thí Chư Ngạ Quỷ Ẩm Thực Cập Thủy Pháp” do Bất Không dịch vào thế kỷ thứ tám, đời Ðường [03].  Theo sự tích thì một đêm A Nan Tôn Giả, đệ tử Phật, thấy một con quỷ đói tên là Diệm Khẩu xin A Nan cho ăn cơm. A Nan hỏi Phật, nhân đó Phật chỉ bày phương pháp thí thực cho ngạ quỷ tức là quỷ đói. 
    Lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.   Dần dà về sau tại miền Nam Việt Nam, tập tục cúng cô hồn này biến thể từ hình thức đến nội dung, chuyển từ khuôn viên chùa ra ngoài dân gian và được lan rộng tổ chức tại các xí nghiệp thương mại và tại các công ty tư lập theo truyền tụng rằng, ngày này cửa địa ngục rộng mở, ngạ quỷ được phóng thích, nên cúng tế chúng để được buôn may bán đắt, tai qua nạn khỏi.  Ngày xưa cúng cháo hoa và vàng mã cho cô hồn, canh ốc nhồi nấu với chuối xanh cho người sống; ngày nay giết gà, mổ bò, mổ heo làm cỗ linh đình gọi là cúng cô hồn nhưng thực là cúng cho người sống.  Là Phật tử chúng ta không nên đi theo vết mòn xưa cũ, chỉ nên cúng chay theo truyền thống mà không nên giết hại súc vật và nên phát tâm bố thí đến những người nghèo khổ cùng là phóng sinh để báo hiếu cho cha mẹ ông bà quá vãng.



    Tâm Diệu





    Chú thích: 
    [01] Mùa Hạ ở Ấn Ðộ thường mưa nhiều, là mùa côn trùng sinh sản, nên đức Phật không muốn cho chúng Tăng đi lại nhiều, giẫm đạp lên chúng.  Ngài đại từ đại bi, còn không muốn cho các côn trùng bị nuốt vào bụng người mà chết, nên chư tăng ni đều phải có đồ lọc nước để cứu chúng trước khi uống nước.  Vì thế mới có lệ chư Tăng Ni an cư ba tháng Hạ trong chùa, hay tịnh xá, để học hỏi giáo pháp và tự thanh tịnh tâm.  Do đó, trong ba tháng này, Phật tử đem vật thực đến cúng dường tại chùa, vì các sư không đi từng nhà khất thực. 

    [02] Nguyễn Lang, Việt nam Phật Giáo Sử Luận Tập I, Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội 1979:
     http://www.thuvienhoasen.org/vnphatgiaosuluan1-16.htm 


    [03] Kinh Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni 
     
    #2
      Thanh Vân 05.08.2008 04:15:35 (permalink)
      Ý NGHĨA ĐẠI LỄ VU LAN

      Cư Sĩ : Nguyễn Đức Can


      Mỗi năm cứ gần đến trăng tròn tháng 7 âm lịch và cũng là cuôi mùa hạ, bát dầu sang thu lá vàng rụng xuống, lá xanh trồi lên, bông hoa lá bát dầu chớm nở, sau một mùa oi bức, nóng nực của cái nóng mùa hè. Thời tiết thay đổi thì lòng người cũng đổi thay để chuẩn bị tổ chức đại lễ Vu Lan, đó là mùa “Báo ân cha Mẹ”, lễ Vu-Lan đã để lại từ ngàn xưa mà Đức Mục-Kiền-Liên  là tiêu biểu, gương mầu, suốt cả nghìn đời mà Đức Phật đã để lại, cho hàng Phật tử để lấy đó làm gương noi theo. 
      Danh từ Vu Lan là phiên âm từ chữ Phạn Ullambana, người Trung Hoa dịch là Giải Đảo Huyền, có nghĩa là giải cứu tội khổ bị treo ngược. Người Trung Hoa còn gọi lễ này là VU LAN BỒN, chữ Bồn nghĩa là chậu đựng thức ăn dâng cúng. Còn gọi là Ô-lam-ba-noa. Dịch là đảo huyền, chỉ nỗi đău khổ cùng cực. Kinh Vu Lan Bồn do ngài Trúc Pháp (Dharmaraksa) dịch từ chữ Phạn ra chữ hán vào thế kỷ thứ ba. Vậy lễ Vu Lan hay Vu Lan Bồn có nghĩa là lễ dâng cúng thức ăn lên Tam Bảo để xin chú nguyện cho ông bà, cha mẹ những người quá cố trong bẩy đời gọi là cửu huyền thất tổ, nếu ai đã làm những điều tội lỗi ở trần gian, khi ngủ dấc ngàn thu thì bị đầy vào ngã quỉ, sẽ  nhờ ân đức Tam Bảo được thoát khỏi cảnh địa ngục, được sanh về các cõi an lành khác.

      Trong dân gian dựa vào đó, nên có một niềm tin vào các vong hồn  bị đầy đọa vào cảnh ngục tù ở dưới âm phủ đã được cứu thoát ra khỏi địa ngục, nên các vong hồn này đang đói ăn, khát uống, bởi vậy người trên trần gian có bổn phận mua sám các lễ vật, thức ăn, cúng các vong linh đang bơ vơ đói khát. Nhưng đây chỉ là một ý nghĩa còn ý nghĩa quan trọng hơn hết đó là lòng hiếu thảo của những người con đối với các bậc sinh thành. 
      Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đã truyền lại, để nhắc nhở cho các con chắu của các thế hệ său này phải lấy chữ “HIẾU” làm đầu, vì công ơn mẹ cha thăm thẳm như trời cao, vằng vặc như sông dài, rực tỡ như mặt trời, tỏ rõ như ánh trăng ràm. Lúc thiều thời tôi đã được học thuộc lòng các câu ca dao, truyền bá trong dân gian như său :


      “Ơn cha cao như núi thái sơn
      Đức mẹ hiền sâu rộng biển khơi
      Dù cho dâng cả một đời
      Cũng không trả được ơn trời sinh ra.”



      Hay là :



      Công cha như núi thai sơn
      Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
      Một lòng thờ mẹ kính cha
      Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.



      Đức Phật đã dạy cho ta rằng :


      “Tâm hiếu tức là tâm Phật .

      Hiếu Đạo vô phi Phật Đạo”.

      Tâm hiếu là tâm Phật,
      đạo hiếu là đạo Phật.”



      vì vậy mà đạo Phật xác định :

      Cùng cực điều thiện không có gì hơn hiếu, cùng cực điều ác không có gì hơn bất hiếu.


      Đã là con người, từ đấng thánh hiền đến người thường dân ai ai cũng phải có một cha, một mẹ sinh ra, chính cha, mẹ đã san sẻ một phần mắu, thịt để tạo nên hình hài của mỗi người con. ï Công ơn sinh thành và dưỡng dục của Mẹ, Cha không bút nào tả xiết.


      Trong kinh Mục-Liên Xám Pháp, Đức Phật đã nói. Trong con người ta có 12 bệnh, bệnh căn sâu nặng không được thấy Phật. A Nan hỏi Phật : Đó lá bệnh gì ? Đức Phật trả lời : “Không kính cha mẹ, đó là một bệnh; Ngu si tạo ác, đó là hai bệnh; Gian xảo điêu ngoa; đó là ba bệnh. Lời noi hại người, đó là bốn bệnh. Hay tìm lỗi người; đó là bệnh thứ năm. Giết hại chúng sinh; đó là căn bệnh thứ sắu. Không biết hổ thẹn: đó là bệnh thứ bẩy. Ham mê sắc dục; đó là bệnh thứ tám. Kiêu ngạo khinh người; đó là chín bệnh. Phạm tội không hối; là bệnh thứ mười. Khen mình chê người; là bệnh thứ mười một. Không biết lợi hại; là bệnh thứ mười hai.”



      Trong kinh Thi Phụ cũng có một đoạn như său : Phụ hề sinh ngã, Mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thiên ân, hiệu thiên võng cực (Cha sinh ra ta, Mẹ bồng bế ta, thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo ân sâu, khác nào như trời cao, khôn cùng) như một lời tuyên ngôn về Hiếu Đạo. Còn khi đề cập đến công ơn từ mẫu thì đã có công thức chín chữ  Cù lao : “Sinh, Cúc, Phủ,  Súc, Trưởng, Dục, Cố, Phục, Phúc”.ïSinh (đẻ ra), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (nuôi cho bú mớm), trưởng (nuôi cho khôn lớn) dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (là xem tính tình mà chỉ bảo), phúc (là bảo vệ),. Ở Trung Hoa cũng đã có quyển sách “Thập nhị tứ hiếu” (24 tấm gương hiếu thảo).  Ở Việt Nam ta cũng còn có những câu ru con của các bà mẹ xưa kia như :


      “Ru hời, ru hỡ, ru hơi
      Công cha như núi ngất trời
      Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông
      Núi cao biển rộng mênh mông
      Làm con trước phải đền công sinh thành.”
      “Đố ai đếm được lá rừng
      Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
      Đố ai đếm được những vì sao
      Đố ai đếm được công lao mẹ hiền>”



      Lễ Vu Lan nay không còn là một đặc thù riêng của người Phật Tử mà là một nghĩa vụ thiêng liếng nhất của mọi người con hiếu hạnh, ( không phân biệt tôn giáo, sác tộc) đối với các bậc sinh thành. Từ các bậc Thánh Hiền đến người thường dân đã là con người ai cũng có cha, mẹ sinh ra. Người Mỹ họ có ngày Father’s day và ngày Mother’day, nhưng Việt Nam ta có cả một mùa Vu Lan để các con, chắu có dịp báo hiếu. Trong các hàng đệ tử của Đức Phật có Ngài Mục Kiền-Liên tiêu biểu cho sự hiếu thảo vô biên, nên còn được tôn xưng là “Đại Hiếu Mục Kiền Liên”, ngài có thần thông cao nhất trong số 10 đại  đệ tử  đầu tiên của Đức Phật..



      Ngài đã chứng đươc sắu phép thần thông :

      1)-Thấy mọi vật trong vũ tru. (thiên nhãn thông).
      2)-Nghe được mọi thứ tiếng ở kháp nơi, (thiên nhĩ thông).

      3)-Biết chuyện đời trước, hiện tại và său này của mình cũng như của mọi người, (túc mạng thông)-

      4)-Biết trong lòng người khác đang nghĩ gì, (tha tâm thông).
      5)-Biết đi đến khắp nơi, biến hóa nhanh như chớp mắt, (thần túc thông). 6)-Trong sạch hoàn toàn, dứt bỏ hết các trìu mến, không còn chấp ngã. (lậu tận thông).


      Một hôm Ngài nhớ đến mẹ, ngài dùng thiên nhãn thông tìm thấy mẹ sanh vào ngã quỉ, không được ăn uống, ngài đem cơm vượt qua chín tầng địa ngục để dâng cho mẹ, bà Thanh Đề lòng vẫn còn bủn xỉn, lấy tay trái che miệng bát cơm, tay phải bôc cơm ăn, nhưng cơm chưa đưa tới miệng thì cơm hóa thành lửa, ăn không được.



      Ngài Mục Kiền Liên trở về Bạch với Phật. Đức Phật dậy rằng, tội của bà Thanh Đề quá nặng. Mục Kiền Liên “tự lực” không thể cứu được, muốn cứu mẹ, con phải nhờ đến “ tha lực” của mười phương chư tăng mới giải thoát được, muốn được vậy phải làm như său :


      Đến ngày rằm tháng bẩy là ngày mãn hạn tự tứ của chư tăng, hãy vì ông bà, cha mẹ  bẩy đời nhiều kiếp hay các bậc sinh thành hiện tiền, sám sửa trai soạn, hương hoa và thức ăn tịnh soạn để vào trong BỒN, dâng cúng cho các chư tăng, và lập đại giới đàn để các chư Tăng nhất tâm đảnh lễ cùng hiệp lực cầu nguyện chư Phật mười phương, thì mới giải thoát được cho mẹ. 



      Đức Mục Kiền Liên vâng lời Đức Phật dậy về làm y như thế , Bà Thanh Đề liền được thoát khỏi kiếp ngã quỉ, được sanh lên cõi trời. Do đó, Đại lễ Vu Lan xuất phát từ thời gian đó cho đến ngày nay hàng năm cứ đến ngày rằm tháng bẩy là mọi người dân Việt, nếu những ai hiểu và sống trong một gia đình có truyền thống dân tộc thì đều tham gia tổ chức lễ Vu Lan để có dịp báo ân sinh thành, cha mẹ hiện tiền, cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà đã quá vãng được siêu sanh cực lạc quốc và xoá tội vong nhân.


      Theo truyền thống của Phật Giáo hàng năm quí chư Tăng, Ni nhập hạ trong thời gian ba tháng kể từ ngày Đản Sanh của Đức Phật cho đến ngày rằm tháng bẩy âm lịch với mục đích vân tập về một nơi để tu tập đó là mùa kiết hạ, trong dịp ba tháng kiết hạ có dịp ôn tập lại các giới luật, tu tập đạo hạnh và tu học kiến thức phật pháp. ngày hạ nạp (mãn hạ)  gọi là ngày Tự Tứ có nghĩa là Pravaranà (thuật ngữ) tiếng Phạn là Bát-thích-bà cách dịch cũ là Tự tứ, cách dịch mới là Tuỳ ý. Nghi thức vào ngày cuối cùng của thời kỳ an cư kiết hạ, ngày đó mọi người đều tự nêu ra các tội lỗi mà mình đã mác phải (tự kiểm) trước các tỳ kheo khác và tự xám hối nên gọi là Tự Tứ. 
      Trên đây là ý nghĩa của mùa Vu-Lan,  một ngày lễ quan trọng của dân tộc Việt Nam và nhất là những người phật tử cần phải thể hiện ra chữ  “HIẾU” trong dịp đại lễ Vu Lan hàng năm để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ hiện tiền và cửu huyền thất tổ nhiều đời nhiều kiếp của mỗi người con hiếu hạnh../.



      Cư Sĩ, Tuệ Minh Đạo NGUYỄN ĐỨC CAN
      #3
        Thanh Vân 05.08.2008 04:22:49 (permalink)



        Chân dung đức Đại Hiếu Mục-kiền-liên

        Nam-mô đại hiếu Mục-kiền-liên Bồ-tát.

        Chữ hiếu và tình người
        TT. Chơn Thiện *

        Phật tử Việt Nam có ngày truyền thống báo hiếu vào rằm tháng bảy hằng năm. Đó là một ngày kết thúc một mùa hạ tu tập trí tuệ và từ bi vô ngã của chư Tăng và Phật tử. Chúng tôi gọi ngày hiếu truyền thống ấy là ngày đẹp nhất của nghĩa sống, tình người. Bởi vì trong ngày hôm ấy con tim nói lên tiếng nói đích thực của nó, tiếng nói mà trần gian mong tìm. Thật là ý nghĩa, mùa giải thoát của chư Tăng lại kết thúc với sự mở đầu của tiếng nói ấy. Bước đầu tiên đi ra khỏi phiền não lại là bước đầu tiên đi vào tình người và nghĩa sống thiêng liêng của con người.

        Như con tim nắm giữ sinh mệnh một cơ thể, thì người ta nắm giữ sinh mệnh của nghĩa sống, là linh hồn của văn hóa nhân loại. Có thể nào có một nền văn hóa con người mà không ca ngợi tình người mở đầu là tình mẹ con, cha con ?

        Ở nước ta, hai dòng văn học la dân gian và trí thức đều nhiệt tình ca ngợi hiếu đức. Người mẹ đã nuôi dưỡng, ấp ủ con từ đầu nguồn cuộc sống bằng cả tinh thần và thể chất của mình, với sự chia xẻ trách nhiệm ân cần dạy dỗ của người cha. Người mẹ đã truyền cho con những dòng sữa ngọt ngào với trọn tình yêu thương : đã mớm cháo cơm với tâm tư trìu mến, cho con từng cử chỉ âu yếm, từng ánh mắt khích lệ, cho con những lời ru tình người ướp vào tâm hồn trong trắng từ thuở còn nằm nôi, đã dìu dắt từng bước đi, từng ngày học cho đến khi khôn lớn. Hầu như toàn bộ hành trang vào đời của người con là thuộc về bố mẹ. Tình sâu nghĩa nặng đó đã được nhân dân ta cảm nhận sâu sắc và đã hát thành những lời ca dao của truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Như là :


        Công cha như núi Thái Sơn
        Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
        Một lòng thờ mẹ kính cha
        Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
        Công cha nghĩa mẹ cao vời
        Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
        Nên người ta phải xót xa
        Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.
        v.v...
        Đó là gia tài tình người mà bố mẹ đã trao cho người con từ đầu nguồn cuộc sống
        Các ý thức về các mối liên hệ tình người khác đều nảy mầm từ tình phụ tử và mẫu tử.. Các ý thức về trách nhiệm, bổn phận, lương tâm, vị tha và công bằng hẳn là đượđánh thức dậy từ thái độ biết ơn, đáp đền các ân nghĩa của cuộc sống mà khởi đầu là đáp đền ân nghĩa mẹ cha. Lớn lên, khi nhận thức và kinh nghiệm sống trưởng thành, người con nhận rõ ra tình thương cha mẹ không phải chỉ là ân nghĩa lớn mà còn là lẽ sống của mình. Ca dao lại hát :


        Con có cha như nhà có nóc,
        Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.
        Còn cha còn mẹ thì hơn,
        Không cha không mẹ như đàn đứt dây.

        Vì ân nghĩa mẹ cha là lẽ sống, là cao quý, thiêng liêng, nên nhân dân Việt Nam xem việc hiếu thảo có giá trị ngang bằng với giải thoát tự thân :

        Tu đâu cho bằng tu nhà
        Thờ cha, kính mẹ cũng là đi tu.

        Hàng trí thức dân tộc cũng đề cao hiếu thảo như thi hào Nguyễn Du và nhà trí sĩ Nguyễn Trãi. Thi hào Nguyễn Du đã đặt nàng Kiều trước một sự chọn lựa nghĩa sống giữa lòng hiếu kính đối với mẹ cha và cuộc đời tình cảm lứa đôi nhiều hứa hẹn hạnh phúc của nàng, thành hôn với Kim Trọng. Nàng đã quyết định vì chữ hiếu mà bán mình chuộc cha, một chọn lựa nói lên nét truyền thống đặt nặng hiếu đức của dân tộc. Nguyễn Trãi thì giáo dục tình người mở đầu là đạo hiếu rằng :


        Cù lao đội đức cao dày,
        Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.
        Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc,
        Xem cháo. cơm, thang thuốc mọi bề.
        Ra vào thăm hỏi thường khi,
        Người đà vô sự ta thì an tâm.
        (Gia Huấn Ca, Tân Việt, 1953, tr. 14)

        Truyền thống tình người, đạo đức của dân tộc Việt Nam là thế. Phương chi khi Phật giáo, với giáo lý đầy từ bi, nhân ái, xem trọng chữ hiếu đặt chân lên xứ sở nầy, liền được nhân dân ta chấp nhận, và đã chung sống gắn bó với dân tộc trên suốt cuộc hành trình gần hai mươi thế kỷ.
        Phật giáo đã dạy những gì về hiếu đạo ?
        - Kinh Phân Biệt (Bắc tạng) ghi :
        "Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn của cha mẹ ta. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không tinh tấn hiếu với mẹ cha.

        - Kinh Nhẫn Nhục ghi :
        "Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác tối cao là bất hiếu".
        - Kinh Tăng Chi I, trang 75, ghi :
        "Có hai hạng người, này các Tỳ Kheo, Ta nói không thể trả ơn được : Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm vậy suốt đời, vứa đấm bóp vừa hầu hạ... cũng chưa làm đủ để đáp đền ơn mẹ cha".

        - Kinh Đảnh Lễ Sáu Phương, Trường Bộ I, gọi mối liên hệ giữa mẹ cha và con cái là mối liên hệ thiêng liêng đáng được tôn kính, đảnh lễ. Người con có bổn phận đáp đền bằng những việc làm thiết thực như :
        - Vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ khi cần.
        - Chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc.
        - Giữ gìn gia phong, danh dự gia đình.
        - Giữ gìn tài sản của cha mẹ.
        - Phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già.
        - Lo tang lễ cha mẹ đúng phong tục, khi cha mẹ mất.
        - Khích lệ và giới thiệu đạo giải thoát, chánh kiến đến cha mẹ.

        Kinh Hạnh Phúc (Nam tạng) ghi :
        "Phụng dưỡng mẹ và cha là vận may tối thượng"
        Truyền thống giáo lý Nam truyền và Bắc truyền đều xếp tội ác giết cha, giết mẹ vào năm tội lớn nhất đời gọi là năm "cực trọng tội" hay "ngũ nghịch tội".

        Như thế, tâm hiếu là tâm tu căn bản, từ đó các tâm thiện và tâm giải thoát phát triển, nhất là đối với hàng Phật tử tại gia.

        Thật hiển nhiên rằng một người không hiếu kính đối với mẹ cha thì khó có thể là một người cư xử đầy tình người đối với những người khác, đối với nhân quần ,xã hội. Hiếu hạnh rõ là đức hạnh đứng hàng đầu của những đức hạnh của con người.

        Từ tâm hiếu thảo, tình người được giáo dục và nuôi dưỡng. Trong thể nghiệm đời sống hiện thực, tình người ấy thể hiện qua người bạn đời chí thiết gọi là tình, qua anh chị em ruột gọi là lễ, qua bà con, mọi người gọi là nghĩa và nhân, qua xứ sở gọi là trung. Cũng từ tình người đẹp đẽ ấy mà có tình cảm quốc tế và tình yêu cuộc sống. Khi tình cảm ấy biểu lộ ra hành vi để xây dựng tốt các mối tương giao xã hội, xây dựng an lạc, hạnh phúc cho gia đình, tập thể thì gọi là hành vi đạo đức
        . Nội dung của đạo đức đúng là tình người chân thật đó. Con suối tình người ấy chảy vào văn hóa, giáo dục tạo nên các nền văn hóa, giáo dục nhân bản. Trong nền văn hóa nhân bản nầy không có mâu thuẫn từ thực chất của hiếu, tình, trung, nghĩa, bởi vì thực chất của hiếu, tình, trung, nghĩa chỉ là cùng một tình người cao đẹp ấy. Người có mặt tâm hiếu, là có nhân, có tình, trung, nghĩa. Như tâm hiếu của Kiều chính là tấm lòng trinh bạch của nàng mà bụi bặm của mười lăm năm đoạn trườ讧 cũng không thể làm hoen ố. Vì thế mà thi hào Nguyễn Du viết :
        Như nàng lấy hiếu làm trinh,
        Bụi nào cho đục được mình ấy vay.

        Và, vì thế mà cụ Nguyễn Phi Khanh đã dạy tiên sinh Nguyễn Trãi khi theo chân Cụ khóc lóc trên đường Cụ bị áp tải ra Bắc Hà rằng :

        "Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là đại hiếu. Mựa là cứ phải đi theo cha khóc lóc như đàn bà mới là hiếu sao". (Nguyễn Trãi Toàn Tập, Hà Nội, 1976, tr. 14)

        Ngày nay xã hội ta nói là "hiếu với dân, trung với nước". Quan niệm như thế là có giá trị nhân bản hơn các giá trị có tính cách ước lệ khác về hiếu, trung, tình, nghĩa - cái giá trị ước lệ đẩy đưa con người trong nhiều trường hợp đến các mâu thuẫn bế tắc, để rồi kết thúc bằng các hình thức tự vận đầy bi thương.

        Nay chúng ta thử tìm hiểu chữ hiếu trong Phật giáo đã có những cống hiến nào khác cho dân tộc ta, và mở ra những phương trời mới nào ?
        Về mặt ơn nghĩa mẹ cha, ngoài các công ơn mà xã hội ghi nhận, Phật giáo còn ghi nhận thêm một ơn nghĩa lớn khác : Cha mẹ đã đưa con vào đời, nhờ đó mà người con có nhân duyên học đạo, hiểu đạo và hành đạo giải thoát khổ.
        Về mặt đáp đền, ngoài những trách nhiệm, bổn phận làm con mà người đời ghi nhận, Phật giáo còn ghi nhận thêm một trách nhiệm, bổn phận quan trọng khác : Giới thiệu Chánh pháp đến với mẹ cha, giúp mẹ cha đi ra khỏi hết mọi thứ khổ đau.

        Đức Phật dạy :
        "Những ai đền ơn cha mẹbằng cách nuôi dưỡng dâng cúng với của cải vật chất tiền bạc thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ Kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam Bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam Bảo, đối với cha mẹ sống tà giới, thì khuyến khích vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi tham, thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến, cho đến như vậy, này các Tỳ Kheo, là làm đủ và đáp ơn đủ cho mẹ và cha".
        (Tăng Chi I, tr. 75)

        Như thế, ở đây hiếu hạnh có cùng hướng đi với giải thoát của chánh pháp.
        Tại sao việc đem chánh kiến, chánh tín đến cho me, cha lại có thể đáp đền ơn nghĩa nặng ấy ?

        Tại đây, Phật giáo mở ra một hướng nhận thức mới cho đời. Không ai có thể phủ nhận rằng mọi người đều có khát vọng hạnh phúc, và sống là đi tìm hạnh phúc tại trần gian.

        Nhưng hầu như hạnh phúc luôn luôn ở ngoài tầm tay của con người. Trước cuộc biến dịch, vô thường, nỗi khổ của bệnh, già, chết vẫn còn đó. Người con không thể bằng các phương tiện vật chất mà có thể đem lại cho cha mẹ an vui và hạnh phúc, ngoại trừ Chánh pháp. Chỉ có Chánh pháp, trí tuệ mới giúp cha mẹ xa lìa tham, sân, si, tác nhân của mọi phiền não khổ đau. Chỉ có Chánh pháp chỉ rõ gốc của khổ đau là chính các niệm tưởng hữu ngã trong tâm mình để loại bỏ. Chỉ có Chánh pháp mới cống hiến cho cha mẹ một nếp sống đạo đức an trú vững chắc với giới đức, và tuệ đức, từng bước đi ra khỏi khổ đau và từng bước đi vào hạnh phúc của tâm hồn trong hiện tại và tại đây. Đem lại cho cha mẹ con đường vào hạnh phúc lâu dài như thế mới thật là chí hiếu. Hạnh phúc ấy là kết quả của nỗ lực loại trừ tâm chấp ngã, vị kỷ, đó là con đường sống vị tha, vô ngã, con đường sống hạnh phúc của tha nhân, gia đình và xã hội. Bằng con đường nầy, qua kinh nghiệm, con người sẽ khám phá ra rằng :

        - Hạnh phúc là mục tiêu cao thượng ở đời.

        - Con đường sống đạo đức là con đường dẫn tới hạnh phúc cho mình và người trong từng bước đi, hay chính đạo đức ấy là hạnh phúc.

        - Hạnh phúc đồng nghĩa với vị tha vô ngã, do đó bổn phận trách nhiệm đối với hạnh phúc tự thân trở thành bổn phận, trách nhiệm đối với hạnh phúc của tha nhân, tập thể, nhân quần và xã hội. Phạm vi hoạt động vị tha càng lớn, càng đem lại nhiều hạnh phúc và hạnh phúc lâu dài. Khi lòng vị tha mở rộng đến mọi người thì bấy giờ hạnh phúc của ta chính là hạnh phúc của mọi người, và ngược lại hạnh phúc của mọi người chính là hạnh phúc của chính ta. Tại đây, không có mâu thuẫn giữa cá nhân và tập thể hay giữa tập thể với cá nhân.

        Quan niệm về chữ Hiếu và tình Người như thế sẽ dẫn đến một thái độ sống của người Phật tử xem bổn phận đối với gia đình xã hội, quốc gia là bổn phận đối với tự thân và hạnh phúc của tự thân. Đây chính là điều mà các nhà đạo đức đang tìm đến. Cái nhìn từ bi vô ngã và trí tuệ vô ngã của Phật giáo như thế đã tiếp thêm sức sống cho con tim dân tộc và khơi nguồn thêm cho dòng thác nhân bản của dân tộc Việt Nam chảy mạnh vào nghĩa sống vô cùng.

        Chúng ta có thể tạm ngưng ngang đây để kết luận rằng Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam có chung một hướng nhìn của con tim mở đầu là lòng hiếu thảo. Hai thực thể lịch sử ấy sẽ có điều kiện để tiếp tục gắn bó suốt dòng lịch sử lâu dài.

        Ngày nay, có nhiều ý kiến cho rằng con người đang đi vào thế kỷ của văn minh đạo đức và tình người, sau khi đã thể nghiệm các hậu quả đầy tác hại của hận thù, áp bức và hệ quả chiến tranh của chúng. Vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Aristote - một triết gia Hy Lạp đã nói :

        "Hạnh phúc là sự pháp triển hoàn toàn đầy đủ các đức tính của con người" (A story of Philosophy, by Will Durant, bản dịch Tủ Thư Vạn Hạnh, 1971, tr. 18).


        Đến thế kỷ mười bảy, Tây lịch, Spinoza - triết gia Do Thái - viết :
        "Hạnh phúc là mục đích của mọi hành động ..." (Ilid, tr. 228)

        Banzeladze, một nhà đạo đức người Nga, 1973, viết :
        "Vấn đề về lý tưởng tối cao và ý nghĩa của cuộc sống thực chất là vấn đề hạnh phúc"
        (Bản dịch, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1985 - tr. 232)



        Các quan niệm trên đều nhuốm màu nhân bản. Nhưng đấy cũng mới chỉ là những tư tưởng chưa phải là con đường thể nghiệm hạnh phúc trong hiện tại. Phật giáo, với toàn thể giáo lý nhằm đoạn tận khổ đau, là con đường sống từng bước dẫn đến hạnh phúc, đi từng bước đi hạnh phúc của tình người hướng đến vô hạn. Phật giáo hé mở cho thời đại thấy con đường đạo đức mà thời đại mong chờ. Điểm mong chờ thứ nhất là gốc người (nhân bản) :
        - Đức Phật khuyên con người "trở về nương tựa mình, nương tựa Pháp, không nương tựa một nơi nào khác" (Dhp, XII, tr. 4)

        Điểm mong chờ thứ hai là tình thương :
        - Đức Phật dạy, "Ta ra đời vì an lạc, lợi ích cho Chư Thiên và loài Người, vì lòng thương tưởng đời" (trong nhiều kinh)



        Điểm mong chờ thứ ba là chỉ hướng sống đi vào hạnh phúc ngay trong hiện tại, tại đây :


        Đức Phật đã chỉ rõ gốc của mọi phiền não, khổ đau là tham, sân và si. Mà tham, sân và si khởi dậy từ lòng chấp thủ các ngã tướng, nên con đường đi vào hạnh phúc là con đường dập tắt các ngã tướng. Kết quả đó con người có đủ điều kiện để thực hiện ngay trong hiện tại và tại đây. Con người hoàn toàn chịu trách nhiệm cho chính tự thân trong việc thực hiện con đường, mà không do một đấng thiêng liêng nào can thiệp vào.

        Điểm mong chờ thứ tư là tôn trọng sự sống của mọi loài chúng sinh và xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới :

        Pháp tu tập bố thí và trì giới của Phật giáo được xây dựng trên căn bản lòng từ bi, bảo vệ sự sống cho các loài hữu tình. Bàng bạc khắp kinh tạng Phật giáo, không có lời dạy nào của Đức Phật đi lệt ra ngoài mục tiêu ấy. Bài kệ tóm tắt về giáo lý Phật giáo nêu rõ mục đích ấy rằng :


        Từ bỏ các điều ác,
        Làm tất cả điều lành,
        Giữ tâm ý thanh tịnh,
        Là lời chư Phật dạy.
        (Dhp. 183)

        Từ bỏ các điều ác là ý nghĩa rời xa tham ái và sân hận, bởi động cơ của các hành động ác hại là tham ái, sân hận và si mê. Đây cũng là nội dung của đạo đức Phật giáo.

        Làm tất cả điều lành là ý nghĩa xây dựng an lạc, hạnh phúc cho mình và mọi người, là nuôi dưỡng lòng không tham ái. lòng từ bi. Ở đây, đạo đức được biểu hiện ở cấp độ cao hơn, tích cực hơn.

        Giữ tâm ý thanh tịnh là ý nghĩa thiết lập vững chắc an lạc, hạnh phúc, giải thoát cho tự thân và cho tha nhân. Đây là nội dung của định học và tuệ học của Phật giáo.

        Nếu hiểu tình người, lòng nhân ái, vị tha, từ bi, hạnh phúc chân thật và trí tuệ là nội dung của đạo đức, thì toàn bộ giáo lý Phật giáo là một hệ thống đạo đức rất là nhân bản và rất là hiện thực.

        Như thế Phật giáo là một con đường sống nhân bản đích thực. phát triển giá trị nhân bản đến vô hạn và toàn vẹn. Phật giáo không đi vào một hư tưởng nào. Giá trị nhân bản ấy cũng được nhân dân ta ca ngợi :


        Dầu xây chín bậc phù đồ
        Không bằng làm phúc cứu cho một người.
        (Truyện Kiều, Quan Âm Thị Kính va Ca dao Việt Nam)


        Thương người như thể thương thân.
        (Gia Huấn Ca, Nguyễn Trãi)

        Bầu ơi thương lấy bí cùng
        Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
        (Ca dao Việt Nam)

        Chừng nào con người còn khát vọng hạnh phúc, chừng đó tình người và đạo đức nhân bản còn là giá trị chuẩn, và các giá trị khác phải xoay xung quanh nó; chừng đó giáo lý từ bi, vô ngã, vị tha của Phật giáo còn rực sáng ở đời, dựng xây niềm tin cho đời, và ngày Vu Lan - ngày hiếu - truyền thống phải là ngày rất đẹp, rất đáng trân trọng : điều thiện sẽ ngự trái tim, và trái tim có trí tuệ sẽ ngự trị văꮠhóa trên trái đất.



        <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.08.2008 04:28:50 bởi Thanh Vân >
        #4
          Thanh Vân 05.08.2008 04:35:15 (permalink)
          HOA TRẮNG

          Việt Chung

          Trong vườn đời rực rỡ muôn ngàn sắc hoa. Mỗi sắc hoa biểu tượng cho một hình ảnh, một tâm hồn hệ lụy. Sắc hoa màu tím tượng trưng cho tâm hồn đa cảm, thơ mộng : màu đỏ, màu hồng tượng trưng cho tâm hồn nhiệt tình, sôi nổi, may mắn màu vàng tượng trưng cho tâm hồn quý phái, rạng rỡ ; màu xanh tượng trưng cho tâm hồn đầy sức sống, hy vọng tương lai ; màu đen tượng trưng cho tâm hồn tăm tối, u buồn, và màu trắng tượng trưng cho tâm hồn thanh khiết, siêu thoát... Hoa và người có mối tương quan đồng cảm sâu xa.

          Mỗi lần nhìn bông cúc hoặc bông huệ màu trắng, tôi bỗng liên tưởng đến hình ảnh cha mẹ đã khuất bóng. Cha mẹ tôi, đôi mái đầu bạc trắng, đã nắm tay nhau từ giã cõi đời. Cha suốt đời lao động, mẹ suốt đời cưu mang. Hình ảnh đó, tôi không thể nào quên được :

          Hái một cành hoa màu trắng
          Cúng cha và mẹ qua đời
          Một màu trắng niềm thương nhớ
          Trong ngày giỗ mẹ, cha tôi !

          Cha tôi là một nhà Nho nghèo, sống trong buổi Nho học suy tàn, hết làm ruộng lại chuyển sang nghề làm thuê. Đời sống vật chất có vất vả, khó khăn, nhưng cha tôi vẫn giữ đạo thánh hiền, làm người dân lương thiện. Còn mẹ tôi, một người mẹ hiền tần tảo, quanh năm suốt tháng nuôi nấng đàn con. Mẹ làm tất bật không hở tay, từ việc trong nhà tới việc ngoài đồng. Cha mẹ đều cần cù, lam lũ, thân thể gầy yếu, tiều tụy vì thiếu ăn.

          Cành hoa trắng màu sương gió
          Thời gian phủ kín mái đầu
          Mẹ, cha ngày nào che chở
          Bây giờ tôi biết tìm đâu ?

          Tôi lớn lên là nhờ công cha, nghĩa mẹ. Ơn sinh thành, dưỡng dục không biết lấy gì đong ? Từ khi còn nằm trong bụng mẹ đến lúc trưởng thành, thời gian dài đăng đẳng... Thời gian ấy, là bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của cha và mẹ đã đổ ra ! Thời gian ấy, là bao nhiêu lo âu, đau buồn mà cha và mẹ đã gánh chịu vì tôi ! Vậy mà lúc cha mẹ già yếu, tôi chưa lo được miếng ăn tươm tất, tấm áo đẹp đẽ và thuốc men đầy đủ cho cha mẹ. Con chưa đền đáp công ơn trời bể của cha mẹ được bao nhiêu, thì cha mẹ lại ra đi. Thời gian đã không cho tôi cơ hội để làm người con hiếu thảo ! Trái lại, có người hạnh phúc còn cha, còn mẹ, mà không biết trân trọng, làm tròn bổn phận người con. Làm người mà không hiếu thảo với cha mẹ là vô ơn bạc nghĩa. Đạo lý làm người, mang ơn thì không thể quên ơn.

          Cha mẹ là cành hoa trắng
          Cả đời vất vả vì con
          Mỏi mòn thân cò lặn lội
          Khắp cùng đầu núi ven sông

          Ngày nay, cha và mẹ không còn nữa, tôi mang một niềm nuối tiếc vô biên. Đời cha mẹ thanh cao như những bông hoa trắng. Cha mẹ đi vào cõi vĩnh hằng trắng muốt miền hư vô và trắng cả thời gian. Màu trắng của sự tinh khiết, đồng thời cũng là màu hoa tang của lòng tôi muôn thuở. Một chùm hoa cúc trắng hoặc một bó hoa huệ trắng cắm trong bình hoa trên bàn thờ cha mẹ, là tôi thành kính tưởng nhớ đến bóng hình cha mẹ thân yêu. Bóng hình cha mẹ phảng phất trong màu hoa trắng ấy.

          Hoa trắng tấm lòng tưởng nhớ
          Hồn cha và mẹ linh thiêng
          Cúi đầu, tôi thầm cầu khẩn
          Cõi trời, cha mẹ bình yên

          Hoa trắng của đời tôi, cha mẹ thân yêu suốt đời trong tâm tưởng của tôi. Chỉ có mỗi một màu hoa trắng dành riêng tưởng niệm cha mẹ tôi, mà chẳng có màu hoa nào khác thay thế vào hình ảnh thiêng liêng ấy được. Màu hoa thanh cao, tinh khiết, mà cũng là màu hoa đau buồn và tràn đầy thương tiếc khôn nguôi !

          VU LAN MÙA BÁO HIẾU - Tuần báo Giác Ngộ - Số 72 -16-8-1997
          Computer Typesetting : Hải Hạnh
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.08.2008 23:43:31 bởi Ct.Ly >
          #5
            lyenson 05.08.2008 11:07:40 (permalink)
             
            Rằm Tháng Bảy
            Thích Thiện Siêu



            I. Ý Nghĩa
            Rằm tháng bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày rằm tháng bảy có nhiều ý nghĩa: 
            Thứ nhất, ngày Phật hoan hỷ. Ngày rằm tháng bảy gọi là ngày đức Phật hoan hỷ, bởi lẽ trong thất chúng đệ tử của Phật, Chúng Tỷ-kheo là Chúng đệ tử gần gủi nhất, Chúng thừa đương Phật pháp để truyền bá giáo hóa cho chúng sinh, Chúng mang hình dáng của Phật làm gương mẫu ở thế gian, Chúng mà trong ba tháng an cư kiết hạ đã viên mãn và kết thúc vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Thông thường, khi chư Tăng thọ giới pháp xong là tu niệm, nhưng vì Phật sự đa đoan nên sự tu niệm ấy không được chuyên cần bằng ba tháng an cư. Ba tháng an cư theo Luật Phật chế, Chúng Tỷ-kheo phải cấm túc ở yên, hạn chế tối đa sự đi lại, một là vì phong thổ Ấn Độ lúc bấy giời mùa hạ là mùa mưa, các loại côn trùng sinh sản ra nhiều, mà chúng Tăng đi khất thực sẽ dẫm đạp lên nhiều loại côn trùng, làm tổn thương đến lòng từ bi tế vật. Thứ hai là, chúng Tăng đi khất thực thì y, áo, bình bát sẽ bị thấm ướt, mất trang nghiêm, nên thế gian có phần chê trách. Vì vậy, nên đức Phật dạy Chúng Tỷ-kheo trong ba tháng mùa mưa phải cấm túc an cư, hạn chế việc đi ra ngoài để tập trung vào sự tu niệm, củng cố sự sống trong thanh tịnh hòa hợp, cảnh tỉnh thân tâm để tinh tấn trong con đường đạo hạnh. Cho nên một khi đệ tử của Phật tu hành trong ba tháng viên mãn thanh tịnh, kết thúc ba tháng an cư, đức Phật vui mừng lắm. Mừng cho đệ tử của mình đã hoàn thành ba tháng an cư thanh tịnh, cho 
            nên gọi là ngày Phật vui mừng. 
            Thứ hai, ngày Tăng Tự tứ. Ngày chúng Tăng sau ba tháng an cư tu tập nghĩ rằng: Tuy mình đã gắng tu như thế nhưng không chắc đã tránh hết lỗi lầm, nên ngày rằm tháng bảy cùng nhau tập trung lại, cầu mong những vị có giới đức thanh tịnh hơn mình chỉ lỗi lầm cho. Nếu mình tự thấy mắc phải lỗi lầm đó, phải phát lộ sám hối. Đó là một việc hết sức đặc biệt trong ngày Tự tứ. 
            Thông thường, mỗi khi có lỗi là tìm cách né tránh, tìm cách che dấu kẻo sợ người khác biết thì xấu hổ, hoặc sợ nếu biết lỗi của mình thì lần sau mình không làm lại được nữa, cho nên thường thường là che dấu, không bộc lộ, trừ khi có ai hỏi đến, kẹt lắm mới nói tới có phạm, có vấp lỗi nọ lỗi kia. Hoặc giả, có phát lộ sám hối chăng thì cũng phát lộ âm thầm trước ngôi Tam Bảo, chớ ít khi công khai nhờ người chỉ lỗi cho mình ra giữa Đại chúng. Nhưng theo đạo Phật, ba tháng hạ an cư xong rồi, đức Phật dạy hàng Tỷ-kheo phải cầu người khác chỉ lỗi cho mình, nghĩa là không phải để đợi người khác chỉ mà tự mình phải cầu người khác tự do chỉ cho, mình phải đối trước người đó mà thưa: “Thưa Đại đức, ngày nay chúng Tăng Tự tứ, tôi cũng Tự tứ, tôi có điều gì sai phạm mà Đại đức thấy, nghe hoặc nghi, xin Đại đức thương xót chỉ cho, nếu tôi thấy có phạm thì xin như Pháp sám hối.” Nói như vậy ngầm ý rằng: Tôi không phàn nàn, không thắc mắc và tôi không có oán trách chi Đại đức hết! Đó chính là ý nghĩa mà mình phát tâm cầu mong được thanh tịnh, không có chút nào che dấu, thành tâm cầu người khác tự do nói không e dè chi hết, nếu thấy có lỗi thì cứ chỉ cho. Đó là một thái độ rất cao thượng cởi mở để làm cho mình hết sạch tội lỗi. Vì vậy trong ngày đó gọi là ngày Tăng Tự tứ. Tự tứ nghĩa là cầu người khác không ngần ngại chỉ lỗi mình ra, để cho mình biết mà sám hối, nên gọi là Tăng Tự tứ. 
            Thứ ba, ngày Tăng Thọ tuế. Thọ tuế là nhận tuổi. Theo thế gian, nếu cha mẹ sinh ra đủ năm 12 tháng thì mới gọi là tròn một tuổi. Nhưng trong Luật Phật chế, hàng xuất gia thọ giới của đức Phật không tính tuổi theo năm tháng kiểu thế gian trên - mà tính tuổi theo hạ lạp. Nghĩa là năm nào có an cư kiết hạ được trọn vẹn thì được tính một tuổi. Thí dụ: Vị nào an cư kiết hạ từ 15-4 âm lịch đến 15-7 âm lịch là mãn hạ, như vậy được tính một năm hạ, tức một tuổi hạ. Ai đã thọ Cụ túc giới nhưng không an cư thì không tính tuổi hạ, còn ai kiết hạ an cư liên tục thì được tính nhiều tuổi hạ. 
            Cho nên chúng ta thường nghe ở các chùa khi đọc tiểu sử của một vị Tăng nào viên tịch, thường nhắc đến tuổi đời và hạ lạp. Thí dụ vị đó 80 tuổi đời và 60 hạ lạp, nghĩa là vị đó có tuổi cha mẹ sinh là 80 năm, còn tuổi hạ là 60 hạ lạp. Hạ lạp được tính và ngày rằm Tự tứ, sau khi đã tu hành tròn ba tháng hạ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, đúng theo Luật Phật chế, 20 tuổi thì được thọ giới Tỷ-kheo, nhưng vì thiếu duyên, có vị 25 tuổi mới thọ giới Tỷ-kheo và sau khi thọ giới mỗi năm đều có kiết hạ. Nếu vị ấy viên tịch vào tuổi 70, thì vị ấy được 45 tuổi hạ và 70 tuổi đời. Nếu một vị Tỷ-kheo thọ giới rồi mà không an cư lần nào cả thì coi như vị ấy hoàn toàn không có tuổi hạ, khác với cha mẹ sinh ta ra, dù ta có làm hay không làm gì đi nữa hoặc giả có ngủ cả năm đi nữa thì tròn một năm cũng vẫn được tính tuổi từng năm một. Trái lại, vị Tỷ-kheo thì phải có kiết giới an cư thì mới nhận tuổi, còn không an cư, thì không tính hạ lạp cũng gọi là giới lạp, pháp lạp. Đó là ý nghĩa của ngày Phật hoan hỷ, Tăng Tự tứ và Tăng Thọ tuế. 
            Thứ tư, ngày Vu Lan xá tội vong nhân. Vu Lan là ngày cầu siêu độ cho tiền nhân quá cố của người con Phật. Tích Vu Lan bắt nguồn từ việc báo hiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên. Tích này được chép trong kinh Vu-lan-bồn. Chữ Vu-lan-bồn phiên âm từ chữ Sanskrit (Phạn) là Ulambana. Người Trung Hoa dịchnghĩa là Giải đảo huyền (Giải cái tội bị treo ngược). Câu chuyện trên ý nói rằng, những người nào tạo tội ác thì phải thọ quả báo nơi địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, chịu sự hành hạ thống khổ cùng cực giống như người bị treo ngược. Nghĩ đến công ơn cha mẹ, khi ngày Vu Lan đến, Phật tử thường đem tâm chí thành, chí hiếu sắm sửa vật dụng cúng đường Tam Bảo để cầu nguyện cho thân nhân, tiền vong của mình thoát khỏi cảnh khổ đau cùng cực y như giải tội bị treo ngược. 
            Như vậy, ngày Vu Lan là ngày của Phật tử đền ơn đáp nghĩa bằng cách đến chùa cầu thỉnh chư Tăng sau ba tháng ăn cư thanh tịnh, chú nguyện cho vong nhân của mình thoát khỏi cảnh đọa đày tăm tối của địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh, đồng thời cầu nguyện cho tất cả người khác cũng thoát khỏi tội khổ đau cùng cực như Tôn giả Mục-kiền-liên đã làm khi cứu mẹ.
            II. Tích Mục Kiền Liên Cứu Mẹ.
            Tôn giả Mục-kiền-liên là vị đệ tử xuất chúng của đức Phật. Tôn giả đã chứng được Lục thông: 
             Thiên nhãn thông: Được con mắt như mắt trời, thấy khắp tất cả. 
             Thiên nhĩ thông: Được lỗ tai như tai trời, nghe thấy khắp tất cả. 
             Tha tâm thông: Với tâm của mình biết được tâm của người khác muốn gì, ưa gì. 
             Túc mạng thông: Là biết đời trước của mình... 
             Thần túc thông: Được thần thông đi dưới đất hay bay trên không đều tự tại vô ngại. Cũng gọi là Thần cảnh thông. 
             Lậu tận thông: Dứt trừ mọi lậu hoặc, vượt thoát ra khỏi vòng sanh tử. 
            Ngoài ra Tôn giả còn chứng được tuệ nhãn (trong ngũ nhãn là nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhã và Phật nhãn) tức là con mắt, thấy được sự vật và tự tính của nó. Chúng sinh chỉ có con mắt thịt, chỉ thấy những cái trước mắt, vừa tầm, còn những cái xa quá, nhỏ quá, lớn quá không thấy được. Khi Tôn giả chứng được lục thông và tuệ nhãn liền nhớ đến cha mẹ mình, Tôn giả dùng tuệ nhãn nhìn khắp bốn phương, xem vong mẫu của mình hiện đang ở đâu? Khi thấy vong mẫu của mình đang ở trong loài ngạ quỷ hết sức đau khổ và đói khát, Tôn giả buồn bã vô cùng. Tôn giả liền bưng bát cơm đến dâng mẹ, nhưng mẹ Tôn giả vì tâm xan lẫn từ kiếp trước quá nặng nề khởi lên, sợ người khác trông thấy mà đến giành giựt hoặc xin bớt, cho nên bà một tay che bát cơm lại, một tay bốc ăn. Nhưng cơm chưa tới miệng đã hóa thành than lửa không thể nào ăn được. Tôn giả thấy vậy, vô cùng đau xót, không biết làm sao cứu vớt mẹ được, bèn về bạch với đức Phật. Ngài dạy: Tội lỗi của mẹ ngươi, dù có thần thông phép lạ của hàng thiên thần địa kỳ cũng không cứu được đâu! Duy chỉ có dùng thần lực của chúng Tăng sau ba tháng an cư, tinh tấn tu hành thanh tịnh tập trung chú nguyện cho, may ra mới chuyển hóa được nghiệp lực của mẹ ngươi, thì mẹ ngươi mới được thoát khổ cảnh mà thôi. 
            Nghe vậy, Tôn giả Mục-kiền-liên thưa với đức Phật: Bạch Thế Tôn, con nay làm sao mà mời chư Tăng mười phương cúng dường một lúc như vậy được? Đức Phật dạy rằng: Trong ngày Vu Lan là ngày Tự tứ của chư Tăng, ông nên sắm các thứ cúng dường chư Tăng trong ngày Tự tứ, ngày đó dầu các vị trong thiền định, hay thọ hạ kinh hành, hay hóa độ nhơn gian, cũng tập trung lại để Tự tứ và cầu nguyện cho mẹ ngươi, thì mẹ ngươi sẽ được thoát khổ, rồi Tôn giả thực hành theo lời dạy của đức Phật và chính trong ngày đó, mẹ Tôn giả thoát được cảnh ngạ quỷ mà hưởng phước báu chư Thiên. 
            Do vậy, Tôn giả hết sức vui mừng và thưa với đức Thế Tôn, nếu sau này có chúng sanh nào muốn phát tâm hiếu để mà cầu nguyện cho cha mẹ thoát khổ được vui thì có làm như con được không? Đức Phật dạy là có thể làm được trong ngày Tự tứ. Do đó, mà trong Phật giáo truyền lại một Pháp cứu độ cho tiền nhân trong ngày Tăng Tự tứ. 
            Tôn giả Mục-kiền-liên làm như vậy đã nêu một tấm gương chí hiếu lớn lao cho tất cả Phật tử noi theo muôn đời. Tôn giả không những có hiếu trong đời Phật hiện tại mà Tiền thân Ngài cũng đã là một người con chí hiếu. Trong một Tiền kiếp, Tôn giả sinh trong một gia đình nông dân. Cha mẹ chỉ có Tôn giả là con trai độc nhất, nên vô cùng thương yêu chiều chuộng, và Tôn giả cũng thương yêu cha mẹ không kém. Tôn giả biết cha mẹ chỉ sinh có một mình Ngài là con duy nhất, Tôn giả nghĩ đến ngày cha mẹ tuổi già, không biết trông cậy vào ai, nên Tôn giả nguyện ở độc thân suốt đời để phụng thờ cha mẹ, chứ không muốn lập gia đình. Nhưng trong khi đó cha mẹ lại vì thương con không muốn con ở như vậy, sợ con cô độc, sau này không có ai giúp đỡ lúc trở về già, nên luôn luôn ép con lập gia đình. Trước sự thúc ép ấy, Tôn giả đành chiều ý cha mẹ. 
            Không may khi lập gia đình, Tôn giả gặp một người vợ không tâm đầu ý hiệp, nàng ta không phải là mẫu người phụ nữ thuần lương. Lúc mới cưới nàng về, Tôn giả dạy vẽ cho vợ thay mình hầu hạ cha mẹ hôm sớm, cơm nước dâng lên cha mẹ đầy đủ như khi Tôn giả vẫn thường làm. Lúc đầu người vợ ngoan ngoãn tuân theo, nhưng một thời gian sau nàng tỏ ra lạnh nhạt và thờ ơ với cha mẹ chồng. Vì lẽ, thói thường con trong ruột sinh ra đôi khi còn chưa thương cha mẹ ruột một cách hết lòng huống gì là con dâu, làm sao thương ông bà gia như thương cha mẹ ruột! Ngài vì sinh kế phải đi làm ăn, nàng ở nhà càng tỏ ra chểnh mảng trong việc hầu hạ cha mẹ chồng. Khi đã chểnh mảng, muốn từ bỏ thì phải tìm kế, lập mưu. Một hôm, Tôn giả đi làm về thấy nước đổ lênh láng giữa nhà và hỏi nước đâu vậy? Người vợ bèn chỉ vào ông già mà nói rằng: Ông chướng quá, tôi bưng nước lên dâng ông, ông vung văng, chê nước nóng nước lạnh không chịu uống rồi vung tay đổ cả ra giữa nhà như vậy đó, tôi chịu hết nổi! 
            Rồi một bữa khác, Tôn giả đi làm về thấy cơm vãi ra giữa nhà và hỏi: Cơm đâu vung vãi ra đầy nhà như vậy? Người vợ liền chỉ vào bà già trả lời, bà đó, bà chướng quá, tôi nấu cơm để cho nguội, xới dâng lên cho bà, nhưng bà chê cơm trưa cơm sớm rồi vung vãi ra cùng nhà như vậy đó, tôi chịu hết nổi! Cứ một điệp khúc ấy bà vợ tỉ tê mãi, riết rồi chồng cũng phải xiêu lòng nghe theo. Tôn giả nghĩ rằng như thế thì cha mẹ mình quá chướng nên nói với vợ: “Thôi được, ta sẽ có cách”! 
            Hôm sau, Tôn giả thuê một chiếc xe ngựa, nói dối với cha mẹ rằng, mấy lâu nay cha mẹ không về thăm Từ đường bên ngoại, nay mời cha mẹ về thăm một chuyến, để sau này già yếu có nhắm mắt cũng khỏi ân hận. Cha mẹ nghe có lý nên đồng ý đi. Tôn giả cầm dây cương cho xe ngựa lên đường, khi đi đến một đoạn vắng, đường gồ ghề, Tôn giả nhảy xuống ngựa và nói dối với cha mẹ hãy cầm cương hờ để con đi sau bảo vệ kẻo chỗ này cướp bóc nhiều lắm. Nhưng thật ra, Tôn giả chẳng bảo vệ gì, mà cốt ý lấy roi quất vào cha mẹ mà nói: “Đã chừa chưa? hết chướng chưa? hết chướng chưa?” Dẫu bị đánh như vậy, nhưng cha mẹ không nghĩ là mình bị đánh mà lại chỉ nghĩ đến con, mà la lên: “Con ơi, lo chạy đi kẻo nó đánh chết, lo chạy đi con ơi!” Chính trong khi bị đánh mà cha mẹ không nghĩ đến mình đau lại cứ nghĩ con bị đánh chết mà la lên, nên hai chữ con ơi, khi ấy nó đã đánh thức Tôn giả. Khiến Tôn giả nghe hai tiếng đó nó thiêng liêng, mặn nồng, tha thiết trìu mến và thắm thiết một cách lạ kỳ. Tôn giả sực tỉnh ra là mình bất hiếu quá sức! Cha mẹ thương mình như vậy mà mình lại bất nhân, thiếu đức, nên Tôn giả liền hồi tâm và vội vã cho xe quay về và sám hối cha mẹ. Khi về tới nhà Tôn giả quyết định cho vợ về quê của nàng và nguyện sống ở độc thân như vậy suốt đời với cha mẹ. Đó là một tiền kiếp của Tôn giả. 
            Còn kiếp hiện tại, Tôn giả có tên là Mục-kiền-liên, một người con chí hiếu, muốn thực hiện sự báo hiếu cho cha mẹ mà lúc ở nhà chưa thực hiện được. Nên trong đời sống xuất gia, Tôn giả quyết tâm thực hiện để đưa cha mẹ mình đến cảnh an vui. 
            Câu chuyện của Tôn giả Mục-kiền-liên trong quá khứ và hiện tại như vậy là một bài học cho chúng ta, cho những người con còn biết có mẹ có cha. Phần nhiều ai cũng có lòng hiếu với cha mẹ, nhưng vì không được un đúc, nhắc nhở, không gặp thầy hay bạn tốt nên có khi tâm bị lung lay trở thành bất hiếu. Có trường hợp bất hiếu vì nghe theo bạn ác, có khi nghe theo danh lợi, quyền thế, nghe theo cờ bạc, rượu chè, hoặc có khi làm nên ông này bà nọ rồi lên mặt với cha mẹ, anh em, coi thường bà con cô bác, láng giềng mà trở thành bất hiếu. Chẳng hạn có một anh nọ gặp may trở thành một quan chức lớn. Lúc đó chưa có xe đưa rước, về nhà cha mẹ nói đâu dạ đó. Nhưng khi làm một chức quan to rồi thì không thèm dạ như xưa nữa sợ mất thể diện ông quan. Như vậy là vì nghe theo quyền thế mà trở nên bất hiếu. 
            Lại có người mù quáng học đòi theo thói văn minh vật chất tự do ích kỷ, mà không biết đến văn minh đạo đức hiếu để cho nên trở thành bất hiếu. 
            Như vậy, sự tích của Tôn giả Mục-kiền-liên là một gương quí nhắc nhở chúng ta vun bồi lòng hiếu thảo của mình, đừng để lòng hiếu thảo bị các thứ khác làm vẩn đục, làm cho mù quáng, mà đánh mất đi. Trong kiếp quá khứ, Tôn giả Mục-kiền-liên thiếu cảnh tỉnh nên trở thành bất hiếu chỉ vì nghe theo lời vợ. Trong xã hội xưa cũng như nay, có những người con rất có hiếu với cha mẹ, nhưng khi chung đụng với xã hội, gặp hoàn cảnh không tốt, ít thân cận bạn hiền, bị tác động bởi sự xấu xa nên khi trở về nhà, cha mẹ nói không nghe, anh chị khuyên bảo không chịu, lại còn cãi lại, cha không hiểu chi, mẹ không biết chi, còn mình đây mới hiểu, mới sáng suốt, mới có học. Đó là một thái độ thiếu cảnh tỉnh nên bất hiếu. 
            Do đó, cho nên ai có gần gũi bạn lành, lo tinh tấn tu niệm thì mới trở thành nhũng người con có hiếu. Trong Kinh Trường A-hàm, đức Phật có chỉ cho chúng ta cách báo hiếu tốt nhất là: Nếu gia đình nào có những người con mà biết Bố thí, biết Ái ngữ, biết Lợi hành và biết Đồng sự thì cha mẹ mới nhận được sự hiếu kính của con. Nếu người con nào không biết Bố thí, không biết Ái ngữ, không biết Lợi hành và không biết Đồng sự thì cha mẹ không hưởng được sự hiếu kính của con. 
            Thứ nhất là bố thí. Kinh A-hàm dạy người hiếu kính cha mẹ là người biết tu hạnh Bố thí. Người biết bố thí thì luôn luôn đem tâm hoan hỷ bố thí cho mọi người, dù chỉ là một nụ cười, một cử chỉ cung kính. Nụ cười ấy, cử chỉ cung kính ấy, sự dịu dàng ấy, cách ăn nói ôn hòa ấy là của mình, nhưng nếu mình không làm, không thể hiện là không có bố thí. Khi mình làm và thể hiện thì sẽ đem an vui đến cho mọi người, chứ không nhất thiết phải hạn cuộc ở bố thí tiền bạc. Đôi lúc một nụ cười khiến cho người ta tiêu tan đau khổ, trong khi mình đem một túi tiền cho họ chưa chắc họ đã hết đau khổ. Như vậy, người con biết bố thí thì cha mẹ mới hưởng được sự hiếu kính của con, còn nếu con chỉ biết quí tiền của, xan tham, chỉ muốn bòn rút của cha mẹ, thì chắc chắn cha mẹ không hưởng được sự hiếu kính của con. 
            Đã có trường hợp như sau. Một bà mẹ thiếu thốn, già yếu, người con không thèm hỏi tới. Khi mẹ đau ốm mặc kệ, ăn ngủ không được cũng chả hề quan tâm. Người mẹ buồn chán đi ở với bà con hàng xóm. Hàng ngày, bà đi bán nước chè và đi mót lúa giành dụm mua được tấm vé số, khi dò may sao bà trúng. Khi nghe mẹ trúng số thì người con lật đật tới nói với mẹ: “Thôi mẹ về ở với con cho vui, con ở xa nhớ mẹ, đêm hôm đau ốm không ai lo cho mẹ!” Như vậy người con khi thấy mẹ thiếu thốn không có thì hất hủi, khi thấy mẹ có rồi thì hỷ hả, vì sao? Vì người con thiếu tu, xem của cải, miếng ăn nặng hơn ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Cho nên trong một gia đình, nếu vì tâm bỏn xẻn, anh em giành nhau, nghi nhau, không có tâm bố thí thì cha mẹ sẽ không hưởng được sự ích lợi từ con cái. Và ngược lại, con cái có tâm bố thí thì sẽ đem lại an lạc cho cha mẹ. Đó là lợi ích của bố thí. 
            Thứ hai là ái ngữ. Ái ngữ là một điều hết sức cần thiết, nó cũng rất dễ làm mà cũng rất khó làm. Ái ngữ là nói dịu dàng, thân ái. Có người cho rằng: Lời nói dịu dàng có chi đâu mà khó làm. Thế nhưng khó vô cùng, nếu không tu không thể nói ái ngữ được, như câu chuyện sau đây: 
            Ngày xưa, một người chỉ nuôi sống gia đình với một con ngựa đi chở thuê, nhờ nó mà hàng ngày gia đình có ăn có mặc. Ngày kia, người ta đem đồ đến thuê chở trễ quá, anh ta nóng lòng chờ đợi đến chiều mới có đồ người ta thuê chở về. Sẵn bực tức trong lòng, nên vừa bỏ đồ lên xe ngựa, anh liền đánh con ngựa một cái và nói: Đồ nhãi ranh, đi, đi, đồ ăn hại, đồ chết bằm. “Nghe vậy, con ngựa ì ra đó, không đi, đánh mấy cũng cứ ì ra đó. Anh đành chịu và xuống xe. Một hồi sau, cơn nóng giận trôi qua, anh dịu dàng đến vuốt ve con ngựa, âu yếm nói với nó: “Thôi gắng đi đi con, còn ít giờ nữa là về nhà, giúp ta chở về nhà đi con”. Con vật nghe vậy, nó nhẹ nhàng dùng sức kéo chiếc xe đi ngay. Con vật mà cũng biết được giá trị của ái ngữ huống chi là người ta. Do đó, đối với cha mẹ, ta phải dùng ái ngữ, nếu không sẽ trở thành bất hiếu. 
            Thứ ba là lợi hành. Lợi hành là làm việc lợi ích. Khoan nói lợi ích cho xóm làng, cho xã hội mà nói lợi ích cho mình, cho gia đình mình. Có những người con coi việc gia đình mình như việc ai đâu, không liên quan đến mình, không thèm sờ tay tới, thậm chí như bưng chén nước chén cơm cho cha già mẹ yếu cũng không hề làm tới. Đó là những việc lợi hành mà không làm, không làm như vậy thì cha mẹ làm sao hưởng được sự hiếu kính của con! 
            Thứ tư là đồng sự. Cùng làm chung với nhau, cùng làm lụng đồng sự với nhau, gây cảm tình thương yêu vui vẻ lẫn nhau, còn không thì không làm sao gây tình cảm hiếu kính với cha mẹ được. Cho nên Phật dạy một cách thấm thía rằng: Người nào biết Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự thì cha mẹ mới hưởng được sự hiếu kính của người con. 
            Như vậy, báo hiếu cha mẹ bằng cách biết công ơn cha mẹ sâu dày như non cao bể cả, mà tiền nhơn của chúng ta đã nhắc tới: 
            Công cha như núi ngất trời, 
            Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông,
            Núi cao biển rộng mênh mông,
            Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”. 
            Tiền nhân chúng ta nói thiết tha lắm; cù lao chín chữ ghi lòng con ơi, cốt ghi chín chữ cù lao là chúng ta có hiếu rồi. Nhưng báo hiếu cha mẹ bằng hình thức chưa đủ mà còn phải báo hiếu bằng tinh thần. 
            Trong kinh đức Phật dạy rằng: Cha mẹ chưa an trú trong Chánh Pháp, làm sao giúp đỡ, dắt dẫn cha mẹ an trú trong Chánh Pháp, cha mẹ chưa an trú trong điều Lành thì làm sao cho cha mẹ an trú trong điều Lành, cha mẹ chưa Quy y Tam Bảo thì nên đưa cha mẹ an trú trong Quy y Tam Bảo. Như vậy, cha mẹ không những hưởng được phúc lạc vật chất bên ngoài mà còn hưởng được phúc lạc trong tâm hồn, giải thoát bớt phiền trược, xa lánh được thế gian chấp trước, vọng tưởng luân hồi sanh tử, mà đức Phật đã nhắc nhở. Khi cha mẹ giải thoát, an vui thì sự báo hiếu của người con mới thành tựu. Nên cổ đức có câu: 
            Phụ mẫu đắc ly trần, hiếu đạo phương thành tựu”. (Cha mẹ được giải thoát, lìa khỏi trần ai thì người con mới tròn hiếu đạo). 
            Là người Phật tử, hãy ghi nhớ lời Phật dạy như vậy để hàng ngày tu niệm, hàng ngày hồi hướng công đức về cho tiền nhân của mình, nhất là trong ngày lễ Vu Lan, thành tâm chí kính, niệm Phật, tụng Kinh, lạy Phật, cúng đường Tam Bảo, cúng dường chư Tăng Tự tứ, để cầu mong sự chú nguyện của Chư Tăng cho tiền vong của mình thoát khỏi u đồ mà siêu sanh lạc quốc. Đó mới tạm gọi là con hiếu, là người Phật tử thuần hành trong mùa báo hiếu vậy. 
            Souce: BuddhaSasana Home Page
             
             
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9