Tết Trung Thu
Ct.Ly 01.09.2008 17:10:38 (permalink)
#1
    Ct.Ly 01.09.2008 17:16:33 (permalink)
    #2
      Ct.Ly 01.09.2008 17:18:48 (permalink)
      #3
        Ct.Ly 01.09.2008 17:32:16 (permalink)
        #4
          Ct.Ly 01.09.2008 17:38:13 (permalink)
          #5
            jet 01.09.2008 19:51:52 (permalink)
            Hì Jet cũng thích tết trung thu lắm ý sis Ly à,nhớ hồi nhỏ,cùng với bạn bà đi rước đèn khắp xóm luôn,thật là vui,giờ lớn rồi ko tham gia nữa nhưng cứ đến tết trung thu lại có cảm giác thật lạ,muốn chuẩn bị một măn quả thật to để cúng trăng.Còn mười mấy ngày nữa là trung thu rồi,mong quá
            #6
              Ct.Ly 02.09.2008 00:44:10 (permalink)
              #7
                jet 02.09.2008 11:17:42 (permalink)
                Dạ cảm ơn ss Ly lắm lắm
                #8
                  sen dat 08.09.2008 03:53:21 (permalink)
                  Những mẫu chuyện nhỏ sưu tầm được về tết Trung Thu
                  Đường Minh Hoàng du nguyệt điện
                  Vua Minh hoàng nhà Đường còn gọi là Đường Huyền Tôn là một ông vua nghệ sĩ và đa tình.Nhà vua mê một người con gái là Dương Quý Chân phong làm quý phi. Vì vua không lo việc nội trị trong nước trở nên loạn. An Lộc Sơn làm phản đem quân đánh phá kinh thành. Vua phải chạy trốn vào đất Ba thục nửa đường quân sĩ ép Dương Quý Phi phải thắt cổ chết trên gò Mã Ngôi. Chừng tới khi khôi phục nhớ tới người xưa nhà vua thương xót vô cùng.
                  Theo sách Thiên Bảo dị sự có chép lại rằng: Năm khai nguyên thứ 6 (tức 708 sau Tây Lịch) vì thấy vua quá thương nhớ Dương Quý Phi, một vị đạo sĩ đã dùng phép mầu đưa nhà vua đi tìm người yêu cũ
                  Minh Hoàng cùng với Thân Thiền sư và Hồng đạo sĩ  dạo chơi lên cung trăng vào giữa một đêm rằm tháng tám.
                  Thoạt tiên họ bước vào một cái cửa qua cung Ngọc Quang rồi tới cung Quảng Hàn. Ở đây khí lạnh toát ra đến buốt xương, sương bay mờ ảo ướt đầm cả mũ áo.
                  Cung Quảng Hàn nguy nga tráng lệ tường cao chót vót thâm nghiêm. Ba người cưỡi mây lên trên cao nhìn xuống thấy bên trong thành quách lâu đài xây bằng ngọc lưu ly hương thơm dâng lên sực nức. Các tiên nữ kẻ cưỡi công người cưỡi hạc bay cuộn trong các đám mây ngũ sắc hớn hở vui đùa. Nhạc êm như tiếng suối reo. Ở dưới một gốc cây quế lớn, mười tiên nga vận y phục trắng tóat đang múa hát. Trong số có một tiên nga mà Minh Hoàng nhận rõ là Dương Ngọc Chân quý phi.
                  Gặp người xưa Minh Hoàng mừng rỡ cất tiếng gọi  nhưng Quý phi ra hiệu đừng nói và bảo nhỏ rằng:
                  _Quân vương xin nhà vua đừng thương xót thiếp nữa, hãy trở về trần gian kẻo mang tội với Thiên đình
                  Nói xong Ngọc Chân liệng cho nhà vua một chiếc vòng ngọc. Minh Hoàng bắt lấy và nhận ra ngay đó là chiếc vòng xưa kia ngài đã tặng nàng.
                  Tới khi trở về trần gian Đường Minh Hoàng nhớ lại điệu hát của các tiên nga mà soạn ra khúc:” Ngê thường Vũ Y” và cho cung nữ tập. Đó là một vũ khúc tuyệt vời mà từ xưa tới nay chưa có một điệu nào có thể sánh được.
                  Xét truyện tích trên thì Tết Trung Thu chính là để kỷ niệm “Đường Minh Hoàng Du Nguyệt Điện” mà nước ta chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nên có thể tục lệ này đã được truyền sang nước ta.
                  Song nếu theo Sử Việt chép lại thì có lẽ từ đời Chúa Trịnh Sâm tết Trung Thu mới thực sự có ý nghĩa.
                  Theo sách “Tang thương Ngẫu Lục” của hai ông Phạm Đình hổ và Nguyễn Án có đoạn chép rằng:
                  “Mỗi năm về tiết Trung thu cách vài tháng trước Chúa Trịnh đã đưa các thứ gấm ở trong nội cho các thị nữ chế tạo những chiếc đèn lồng hết sức tinh xảo. Mỗi chiếc đèn như thế giá chừng mươi lạng bạc.
                  “Đến rằm tháng Tám Chúa ngự chơi Bắc cung, ao Long Trì ở đó có đầy sen những hòn non bộ xinh đẹp huy hoàng có chỗ để cho các nhạc công đàn sáo. Trên bờ hàng trăm gốc phù dung dương liễu được trang hoàng bằng những chiếc đèn lồng đủ mầu đủ kiểu. Cung nhân lập các quán ăn , nào nem công chả phượng, rượu thịt…không thức gì không có.
                  “Đến qua giờ tí (nửa đêm) Chúa xuống thuyền cùng với thị thần. Các cung nữ bơi chèo gõ nhip hát du dương trên sóng nước.
                  Những tiếng đàn tiếng sáo hòa cùng giọng hát câu hò tạo thành một thứ âm thanh chơi vơi quyến rũ. Mọi người tưởng chừng như thoát tục và đang dạo chơi trên cung Quảng Hàn
                  “Chúa rất vui luôn luôn nở nụ cười: Cho tới sáng mới trở về cung lòng thấy bùi ngùi nhớ tiếc…
                  (sưu tầm trong báo Thiếu Nhi ấn hành năm 1973 tại Sàigòn)
                  #9
                    lyenson 14.09.2008 20:17:43 (permalink)
                    "Chị Hằng Không Xuống"
                    Bùi Văn Bảo
                    Ngô Đồng
                    Nguồn: Ngô Đồng Diệp Lạc PRĐT

                    Mẹ kìa! trăng đã lên rồi,
                    Lửng lơ trước gió trăng cười với con .
                    Trăng soi sáng tận đầu non,
                    Mỗi nhà một bóng trăng tròn Mẹ ơi!
                    Trung Thu trăng của ông trời,
                    Kéo quân đèn xếp của người trần gian.
                    Hôm qua Mẹ bảo con rằng:
                    Đêm nay sẽ có chị Hằng xuống đây,
                    Khuya rồi chẳng thấy Mẹ ơi!
                    Chị Hằng không xuống buồn ơi là buồn!
                    Hay là chị ở đấy luôn,
                    Trần gian xa thẩm hàng muôn dặm đường.
                    Hay là chị chẳng luyến thương,
                    Đến thằng em nhỏ này đương mong chờ.

                    Nhắc đến chị Hằng chú Cuội là nhớ đến ngày rằm tháng Tám. Năm nay rằm tháng Tám, tết Trung Thu nhằm ngày chủ nhật 14 tháng 9, mở lịch Tam Tông Miếu có đầy đủ chi tiết như vầy: năm Mậu tý – tháng tám thiếu – Ngày Đinh Tỵ - Hành Thổ - Trực Thành – Sao Phòng, kỵ tuổi Kỷ Hợi Quý Hợi, cát thần – hung thần , nên làm – cữ làm, giờ xấu giờ tốt vân vân và vân vân. Nếu tin vào dần “thân tị hợi tứ hành xung” thì ai tuổi hợi không nên chào đón Tết Trung Thu năm nay thì phải.

                    Còn vài tuần nữa, nhưng các chợ và tiệm bánh Việt Nam đã chưng bày các hộp bánh trung thu, đủ màu sắc, lồng đèn đỏ treo lủng lẳng, lại nhớ, lại thèm, lại vơ vẩn mông lung xiêm áo nghê thường theo Đường Minh Hoàng du nguyệt điện.

                    Chẳng biết đã mấy ngàn năm, hình in trên hộp bánh trung thu truyền đi như thế, từ cái hộp vuông vắn bằng giấy bản in không rõ nét, đến chiếc hộp nhôm bây giờ sau khi ăn hết bánh, được giữ lại đựng chỉ đựng kim, nay có thêm hộp giấy cạc-tông dầy in hình hoa mẫu đơn – bà hoàng của các loài hoa, khởi đi từ truyền thuyết Võ Tắc Thiên ép hoa phải nở, hoa nhất định không chịu là không chịu nở.

                    Thưở bé vào mùa Trung Thu, khu chợ Vườn Chuối sáng rực rỡ ánh đèn nê-ông. Đoạn từ đường rày xe lửa đến tiệm vàng Vạn Xuân gần ngã ba đường Vườn Chuối và Phan Đình Phùng, người ta quảng cáo bánh nướng , bánh dẻo trước tiệm bằng những tấm quảng cáo được dùng cả một khổ vải ngang 8 tấc dài đến 2 thước là ít, có vẽ rồng phượng, cô tiên mặc áo giải lụa bay bay cùng mây trăng trắng, tóc dài có gài trâm, y như quần áo trình diễn cải lương lấp lánh, hàng chữ tên bánh tô màu đỏ như Đông Hưng Viên , Bảo Hiên Rồng Vàng, Đồng Khánh. Đặc biệt có tiệm bày bàn làm bánh dẻo ngay trước tiệm , trẻ con xúm xít đứng chung quanh xem , đứa nào may mắn được ông thợ bánh dích cho một cục bột dư hí hửng cười toe.

                    Trước Tết Trung Thu cả hai tuần con nít đã bắt đầu hưởng Tết , mỗi ngày sau khi cơm chiều xong là tụm năm tụm ba lo xếp lồng đèn, những cái lồng đèn đơn sơ làm bằng báo, đứa nào có anh chị lớn, được anh chị lấy những tờ giấy láng có hình ảnh đẹp xếp đèn cho, dân thành phố thiếu cái thú ngâm tre, chẻ nan, phơi giấy dán đèn. Bù lại tụi nhỏ tự xoay sở bầy trò chơi, bầy nhau làm lồng đèn, lồng đèn lon sữa bò là đặc biệt nhất. Nguyên tắc rất đơn giản, chỉ dùng hai hình trụ chạm vào nhau và đường trục của chúng vuông góc với nhau, nếu hình trụ nằm ngang quay, thì hình trụ kia cũng phải quay theo.

                    Hai hình trụ này thường được các nhà thiết kế đèn tí hon lấy cái lon sữa bò, đục lỗ vừa để xỏ đoạn kẽm cứng vào thẳng góc hình chữ L, và ăn cắp hai cuộn chỉ của mẹ, tháo hết chỉ ra dùng cái lõi để gắn vào đoạn kẽm nằm ngang, thành bánh xe để đẩy, khi nào mẹ biết được có bị đòn cũng cam.

                    Cái đèn lon sữa bò này còn phát ra tiếng lóc cóc khi đẩy nó đi nữa, thường thường con gái không biết làm, chỉ xin chơi ké, có lúc không xin được thì khóc, cậu nhóc đành phải nhường, sau khi mắng: “thứ đồ mít ướt!”

                    Con gái chỉ nghịch nến là vui, những cây nến lén ăn cắp trên bàn thờ Phật , bàn thờ thần tài, ngày ấy không có nến đặc biệt dùng cho đốt đèn Trung Thu. Các cô bé tóc bom-bê thắp nến để ngắm ánh lửa lung linh, để ngửi cái mùi thơm thơm, để làm bánh bèo bằng nến, chỉ cần một lon nước, nghiêng cây nến đang cháy, nhỏ (nhiểu) lệ nến vào nước, đứa nào khéo cái bánh bèo tròn có lúm một lỗ ở giữa, đứa nào vụng bánh bèo méo xẹo,

                    Mùa Trung Thu còn có trò chơi rồng rắn, cần một người làm Thầy, những đứa khác xếp hàng một ôm eo nhau đi vòng vòng, hát:

                    - Rồng rắn lên mây có cây xúc xích (lúc lắc) có ông Thầy về chưa?

                    Nếu ông thầy trả lời:
                    - Rồi!
                    Cả bầy hỏi tiếp:
                    - Ông xin cái gì?

                    Nếu ông Thầy bảo xin khúc đầu , khúc đuôi , hay khúc giữa là lũ nhỏ ở khúc đó lo mà ôm nhau cho chặt, ông sẽ rình đứa nào sơ hở để kéo ra ngoài, không được rồng rắn nữa. Lúc bị ông thầy đuổi để giật ra khỏi hàng là lúc vui nhất, la hét om cả lên. Ngày rằm, người lớn bầy bàn trước cửa cúng Trăng, nhà nào không cúng cũng bắc ghế đẩu ra hè ngồi chơi, hàng xóm cùng quây quần cỗ bánh, con nít tha hồ nghịch nến, tha hồ rước đèn. Những cây nến (đèn cầy) ốm tong teo sao dễ thương lạ kỳ, ngày ấy nến chỉ có một màu đỏ đậm, được mẹ phát năm cây nến là vui như đi hội thử giầy. Trời thẫm tối , túm nhau thắp nến vào lồng đèn, theo nhau đi từ đầu xóm đến cuối xóm, vừa đi vừa hát

                    - Ánh trăng trắng ngà có cây đa cao, có thằng cuội già xin một bó mơ.

                    có một câu thôi hát tới hát lui không chán, nhiều khi mấy đứa trẻ xóm khác thấy xóm này vui hơn cũng chạy vào xin chơi ké . Những nhà người Hoa họ cúng Trung Thu lớn lắm , có mấy cái bánh chiên tròn bằng qủa cam chung quanh bọc mè, bánh in bọc trong giấy kiếng vàng đỏ, bánh dẻo bánh nướng, trà, trái cây . Người Việt mình chỉ có bánh trung thu là xong, nhà nghèo không mua được bánh chỉ cúng trà bánh in vài loại trái cây mộc mạc. Cúng xong hàng xóm thân thiết cắt bánh mời nhau, con nít được phát bánh in đã là quí lắm, hiếm khi được ăn bánh nướng, bánh dẻo.

                    Đứa nào được mẹ cho bánh nướng, hay bánh dẻo đêm ấy thế nào cũng rộng rãi với đứa bạn thân cho cắn một miếng, với câu dặn “cắn ít thôi”, tuổi thơ dễ yêu làm sao? Miếng bánh tuổi thơ ngọt ngào làm sao? Đến lúc ấy là lúc cãi nhau xem chị Hằng ở đâu trên cái mặt trăng tròn vo ấy, rõ ràng chỉ thấy cây đa thật to và chú Cuội ngồi xệp ngay dưới gốc, chị Hằng đâu mà chị Hằng? Mẹ bảo chị Hằng phải giữa đêm mới ra, đứa nào ngoan mới thấy. Lại còn những hôm bị mưa, những cơn mưa Thu ban đêm, là những cơn mưa con nít thù ghét nhất .

                    Nhớ lần đón trăng thu ở nhà quê, lơ lửng trăng treo trên đọt cau thật lộng lẫy, ánh trăng màu vàng ngà trải ánh sáng khắp sân. Mâm cúng đơn sơ, cả nhà có mâm ốc gạo ngồi lẩy ăn chung.

                    Làm bánh dẻo tại nhà để đem biếu mùa lễ là niềm vui giống như gói bánh chưng ngày Tết. Bánh dẻo thưở ấy phải khuấy bằng đũa cả được làm bằng cật tre, mỗi lần khuấy khoảng hai cân bánh là nhiều (tám cái bánh) công thức rất đơn giản, nấu đường trước cả năm, để dành, dặn các bà bán gạo mua cho được nếp thơm mới, rang chín, sau đó cho vào cái cối nghiền khô, loại cối được dùng trong nhà thuốc bắc, nghiền thành bột.

                    Cái cối nghiền này giống y như cái thuyền, dài khoảng bốn tấc, cao ba tấc, ngang hai tấc, đúc bằng gang có cái rãnh sâu ở giữa, cái chày là cái bánh xe hình tròn, lưỡi được mài góc chữ V vừa khít vào cái rãnh của cối, chính giữa cái chày là một khúc gỗ tròn xỏ ngang ngay tâm, dài hơn chiều ngang của cối, tạo thành tay cầm để lăn cái chày nhịp nhàng trên cối.

                    Sau này có lò làm bột bánh dẻo, họ rang nếp giống như rang cà phê, sau đó có cối xay bằng điện, chỉ cần ghé vào mua vài ký bột, mứt sen trần, mứt bí hạt điều là đủ lệ bộ làm bánh dẻo. Tôi còn nhớ nhà chị Dung ở trong hẻm nối đường Phan Thanh Giản và Trần Quốc Toản, căn nhà lúc nào cũng tối om vì bị căn lầu năm tầng mặt tiền quay ra đường Phan Thanh Giản che kín, nhà chị Dung có nước cất hoa bưởi thơm mẹ tôi thích.

                    Năm nay tôi làm bánh trung thu tại nhà, nào là máy, nào là bột trong gói, đường trắng muốn mua bao nhiêu cũng có, mà trong lòng buồn thiu, vì có mỗi một mình, không như ngày xưa khi làm bánh có năm cô công chúa cùng bố mẹ chung quanh.

                    Ngay cả làm xong cũng chẳng biết đem biếu cho ai.
                    #10
                      Chuyển nhanh đến:

                      Thống kê hiện tại

                      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                      Kiểu:
                      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9