Những truyện trong thư viện
Ct.Ly 22.09.2008 04:03:57 (permalink)

 





Nguồn: MYE
Được bạn: Thành viên VNTQ.net đưa lên
vào ngày: 23 tháng 5 năm 2008
 
 
*************************
 
Anton Tsekhov

Định Nghĩa Tình Yêu
 
Dịch giả: Trần Thanh Tùng








Câu chuyện này được phỏng dịch theo chuyện ngắn "Concerning Love" của nhà văn Anton Tchekhov. Ông đã viết rất nhiều chuyện như là "The Seagull" "Uncle Vanya"... Ngoài ra ông cũng viết những chuyện ngắn như "The black monk and other stories" "Lady with the dog and other stories" v.v. Ông được xem như là một thiên tài trong lãnh vực chuyện ngắn.
Trần Thanh Tùng



Buổi ăn trưa ngày hôm sau họ được thưởng thức những món ăn ngon như tôm tích, bánh mì salad, v.v. Trong khi đang dùng bữa thì ông Ninh, người đầu bếp, đi lên cầu thang và hỏi họ muốn dùng gì cho bữa chiều. Ông ta là một người có kích thước trung bình, má phệ và mắt hí. Bộ râu được cạo nhẵn cáo chỉ. Hàm râu như bị nhổ từng sợi một thay vì cạo.
Kim bắt đầu kể cho những người khách biết là cô Nga đã thương ông đầu bếp này. Nhưng dù sao cô nàng vẫn không chịu lấy ông ta vì ông ta là một người say rượu và hay gở. Tuy vậy, cô sẵn sàng đồng ý để "sống chung với ông" Ngược lại, ông ta là một người đạo đức, đạo của ông không cho phép ông "chỉ sống chung với nàng." Một là cô nàng cưới ông, còn không thì ông không cần. Ông chửi cô và đánh đập cô. Cô phải núp trên lầu, khóc lóc một mình, mỗi khi ông uống rượu say. Kim và những người làm của anh ta thường hay phải ở nhà để bảo vệ cô.
Câu chuyện bắt đầu chuyển đề tài qua tình yêu.
"Cái gì làm cho người ta yêu nhau?" Kim hỏi. "Tại sao Nga không thương một người khác, một người giỏi hơn và đẹp trai hơn? Một người xứng với cô hơn? Tại sao cô ta phải thương ông Ninh--"ông mặt bự" như mọi người hay gọi ông--khi biết rằng hạnh phúc cá nhân của cô là yếu tố rất quan trọng trong tình yêu? Ðiều này quả thật là huyền bí và có nhiều cách giải thích. Qua Kinh Thánh, chúng ta đã từng được nghe định nghĩa đích thực của tình yêu: Ðấy là một sự huyền bí. Ngoài ra, những bài viết hay những câu nói khác đều không làm chúng ta thỏa mãn về ý nghĩa chân chính của nó. Chúng nó có thể định nghĩa được tình yêu trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác nhưng không thể nào giải được ý nghĩa của nó trong mọi hoàn cảnh. Nếu mà như vậy thì chúng ta nên định nghĩa tình yêu trong từng hoàn cảnh một, thay vì đi tìm một ý nghĩa đích thực, chung cho mọi hoàn cảnh. Chúng ta cần phải phân tách từng hoàn cảnh một, như các bác sĩ thường hay nói."
"Rất đúng" Ban đồng ý
"Những người dân Nga thường hay bị phiền phức về những bài toán nhức óc này. Trong khi người ta choàng lên tình yêu của họ những đóa hồng, những hạt kim cương thì chúng ta, những người Nga, lại choàng lên nó những nghi vấn và những thắc mắc mà hầu như không bao giờ giải đáp được. Khi tôi còn là một sinh viên ở Mát-Cơ-Va, tôi có một người bạn : một người con gái dễ thương. Mỗi lần khi tôi ôm nàng trong lòng, tôi luôn tự hỏi mình: tiền lương hàng tháng mình cần đưa cho nàng bao nhiêu và bây giờ bao nhiêu tiền một cân thịt bò. Ðừng chế tôi, chúng ta đều giống nhau cả. Một khi chúng ta rơi vào biển tình, chúng ta luôn luôn thắc mắc, nghi nghờ, và hay tự đặt câu hỏi cho chính mình. Chúng ta chân thành hay giả giối? Thông minh hay ngu dốt? Cái tình yêu này, nó sẽ có kết cục ra sao? Vân vân và vân vân. Tôi không biết cảm tưởng như vậy là đúng hay sai, nhưng nó rất phiền phức. Nó có mang lại sự thỏa mãn và tức giận hay không, cái đó tôi không biết."
Hình như anh ta có một câu chuyện đang muốn kể. Những người sống một mình thường hay có tâm sự trong lòng mà họ rất muốn thổ lộ. Những người chưa lập gia đình thường hay lui tới những buồng tắm công cộng, những nhà hàng trong phố, để mà nói, và đôi khi họ kể những câu chuyện lý thú, hấp dẫn thu hút cả những người bồi bàn và công nhân làm việc trong phòng tắm. Những người sống ngoài thành phố thì thường trao gởi bầu tâm sự của họ cho bạn bè và khách khứa. Qua cửa xổ, mây đen phủ kín bầu trời, những hạt mưa bao trùm không gian và cây cối.
Tôi đã từng sống và làm ruộng ở vùng Sông-Phi-Nô này, tôi bắt đầu làm việc ở đây sau khi học xong đại học (Kim bắt đầu). Tôi được lớn lên một cách thoải mái, không phải làm gì, chỉ phải học. Vì việc học của tôi mà ba tôi đã phải nợ đầy mình. Ông phải dùng ruộng vườn của mình làm của thế chân để mượn tiền cho tôi đi học. Sau khi học xong, tôi quyết định ở lại trên mảnh ruộng của ba tôi để làm việc cho tới khi nào trả hết nợ. Tôi đã quyết định như vậy và bắt đầu làm việc, tuy rằng vẫn có chút tiếc rẻ trong đó. Ðất đai trong vùng này không được màu mỡ cho lắm. Nếu muốn lời, một là mình phải mướn thêm tay làm hai là phải tự mình nai lưng ra mà làm; không còn cách trọn lựa thứ ba. Tôi gom góp những người trong làng lại, đàn ông cũng như đ àn bà, để làm việc cho tôi. Chúng tôi không để yên một mảnh đất nào, chúng tôi làm việc quần quật như trâu. Tôi cũng tự mình xới đất, tự gieo hạt, và gặt lúa. Lưng quằn lên vì vất vả trong khi môi phệ ra vì chán nản. Cả mình tôi đau nhức còn chân tôi thì liệt đi như muốn chết. Lúc đầu tôi tưởng là mình có thể dùng những gì học hỏi được ở trường lớp để đỡ nhọc nhằn. Tôi tưởng rằng chỉ cần tạo cho mình một thời khóa biểu và làm việc theo nó thì mọi việc sẽ đâu vào đấy. Tôi dọn lên ở phòng tốt nhất trên lầu; xắp xếp để café và rượu được dọn lên mỗi bữa ăn trưa, chiều; và đọc báo "Thời Sự Âu Châu" mỗi một đêm trước khi đi ngủ. Nhưng mục sư Văn, người linh hướng của làng chúng tôi, một hôm đến thăm và đã nuốt hết những bầu rượu thơm của tôi. Còn con gái ông ta thì công về hết tất cả những tờ "Thời Sự Âu Châu". Tôi cũng không buồn. Tôi không cần những tờ báo đó vì từ khi bắt đầu công việc đồng áng, tôi chưa tối nào được đặt lưng trên giường mình. Nhất là trong những tháng cắt mạ, tôi thường ngủ trong chuồng bò hay trong túp lều của anh đốn củi. Dần dần tôi dọn phòng ngủ của tôi xuống dưới lầu để ngủ chung với những người làm mướn. Tôi cũng chẳng còn cái gì yêu quí cả ngoại trừ những người này, những người trước kia đã làm công cho ba tôi và bây giờ lại làm cho tôi, những người mà tôi không bao giờ và không thể nào xua đuổi cho dù mai này có thế nào đi chăng nữa.
Trong những năm đầu tiên sống ở đây, tôi đã được trọn làm giám thị. Vì vậy nên tôi hay ra tỉnh để để làm việc và hay tham gia vào những vụ xử kiện trên đó. Ðiều này làm tôi rất thích. Một khi đã bị gò bó suốt mấy tháng trời trong nông trại, nhất là vào mùa đông, thì không có gì mong muốn cho bằng được khoác chiếc áo choàng thâm của mình. Khi làm việc trên tỉnh, tôi cần phải có áo choàng thâm, đồng phục, và áo đuôi dài. Toàn là những luật sư và những người có học trên đó. Họ là những người mà tôi có thể nói chuyện với một cách dễ dàng.
Tôi lúc nào cũng được hoan nghêng trên tỉnh. Tôi rất thích làm quen với những người bạn mới. Trong số bạn mới của tôi, anh chàng đứng đắn nhất--và, thật tình, đáng mến nhất--là anh Lữ, phó giám đốc tỉnh. Hai bạn chắc cũng đã biết anh ta: một con người... quả nhiên là một nhân vật rất quyến rũ. Tôi được gặp anh ta trong một vụ án về hỏa hoạn rất nổi tiếng. Vụ án được xử trong hai ngày liên tiếp. Khi kết thúc, mọi người đều mệt rã cả người. Anh Lữ nhìn về phía tôi:
"Hay là tới nhà tôi ăn cơm chiều nha" anh mời
Tôi rất là ngạc nhiên, tôi vừa mới biết anh ta, mà lại, chúng tôi chỉ quen nhau qua việc làm mà thôi. Tôi chưa bao giờ tới nhà anh ta cả. Sau khi trở lại khách sạn để tắm rửa, tôi tới nhà anh. Buổi cơm chiều đã mở đường cho tôi gặp An, vợ anh Lữ. Nàng còn rất trẻ, hai mươi hai tuổi là cùng, đứa con đầu lòng của nàng mới trào đời cách đây chưa đầy sáu tháng. Chuyện này đã sảy ra qua lâu rồi, tôi không còn nhớ rõ, hay nói một cách khác, khó mà giải thích được ngay lúc đó điều gì về nàng đã mê hoặc tôi đến thế. Nhưng khi ngồi vào bàn ăn, tôi đã hiểu rõ. Tôi thấy nàng, một người đàn bà trẻ, đẹp, hiền lành, thông minh và hấp dẫn--không như bất kỳ một cô gái nào mà tôi đã gặp trước đây. Ngay lập tức, tôi cảm thấy nàng thật là ngần gủi, tôi có cảm tưởng như mình đã quen nàng từ lâu--tôi tưởng như đã gặp khuôn mặt ấy, cặp mắt khêu gợi và sáng sủa ấy khi tôi còn là một đứa bé đang mở nhìn trộm những cuốn an-bum trong ngăn tủ mẹ tôi.
Trong vụ án hỏa hoạn, bốn người Do-Thái bị kết án khủng bố--tôi hết sức không bằng lòng với phán quyết này của tòa án. Tôi không thể ngồi yên khi dùng bữa--nói thật, tôi rất bực mình--tôi không còn nhớ mình đã nói gì trong bữa đó, tôi chỉ nhớ thấy An cứ lắc đầu và nói với chồng mình "Em không thể nào tin được anh ạ"
Lữ là một người tốt, tuy rằng hơi ngây thơ một tý. Anh ta nghĩ rằng những gì quan tòa phán quyết đều là đúng, nếu muốn kháng án, người ta cần phải làm đầy đủ những thủ tục, hồ sơ cần thiết, và nộp lên những nơi chính đáng đã quy định theo luật pháp--bàn ăn, theo anh, không phải là một trong những chỗ đó.
"Em và anh đâu có nổ lửa đốt nhà đâu" anh nói nhỏ nhẹ "anh và em đâu có bị kết án và giam tù"
Cả hai vợ chồng họ cố mời và ép đồ ăn cho tôi. Qua những khía cạnh mà tôi theo dõi--cách mà họ bắc café chung với nhau, cách mà họ hiểu nhau trước khi mở miệng--tôi kết luận rằng, họ đang sống trong cảnh hòa bình và êm ấm, họ rất vui khi được tiếp đón và làm vui lòng một người khách trong nhà họ. Sau cơm chiều, chúng tôi chơi pi-a-nô. Khi màn đêm bắt đầu kéo, tôi xin phép họ để trở về khách sạn.
Câu chuyện vừa rồi sảy ra vào đầu mùa xuân, sau khi đó, tôi rời tỉnh để trở về nông trại của tôi ở Sông-Phi-Nô. Tôi ở đó suốt mùa hè. Tôi hết sức bận rộn nên không còn thì giờ nghĩ đến những việc trên tỉnh. Nhưng ngày nào tôi cũng đều bị ám ảnh bởi hình dáng của người con gái tha thướt, yêu kiều đó. Nàng đã in lên tâm trí tôi một cái bóng phất phơ, nhỏ nhẹ.
Vào cuối mùa thu, một chương trình ca vũ từ thiện được tổ chức trên tỉnh. Tôi được mời ngồi chung với ông thống đốc. Khi tôi bước vào, An và Lữ đã ngồi đó, bên cạnh bà vợ ông thống đốc. Một lần nữa, con người tôi lại bị choáng váng bởi nét đẹp kiều diễm đầy khuyến rũ, bởi đôi mắt kêu mời, tran trứa tình bạn của nàng. Và một lần nữa, tôi cảm thấy như đang chia sẻ với nàng một cái gì đó rất mật thiết và gần gũi.
Tôi ngồi xuống bên cạnh nàng. Nàng quan sát rằng tôi có phần nào gầy hơn trước. Tôi có bị ốm không?
"Cám ơn, vai tôi thường hay bị nhức. Nó hành tôi rất khó ngủ nhất là vào mùa mưa"
"Nhìn anh có vẻ bệ rạc quá. Khi anh dùng bữa chung với chúng tôi mùa xuân rồi, nhìn anh còn trẻ và tự tin lắm mà. Lúc đó anh còn nói nhiều, còn pha trò, còn quậy nữa mà. Quả nhiên lúc đó anh thật là hấp dẫn. Ngay lúc ấy, một phần nào đó, tôi đã bị anh mê hoặc. Không biết tại sao suốt mùa hè qua, lâu lâu tôi lại liên tưởng đến anh. Khi tôi chuẩn bị để đi coi hát, tôi biết chắc rằng thế nào cũng gặp anh."
Nàng cười. "Nhưng hôm nay nhìn anh bệ rạc quá," nàng lập lại. "Nhìn anh trông già hẳn đi"
Ngày hôm sau, tôi dùng cơm trưa tại nhà Lữ. Sau bữa cơm, họ mời tôi ra thăm căn nhà nghỉ mát của họ. Tôi đi với họ, tôi về với họ, và vào nửa đêm tôi uống trà với họ trong không khí yên tỉnh của mái nhà họ: bên cạnh lò lửa đang bừng cháy, nóng hổi, với người mẹ trẻ lâu lâu lại đi ra đi vào để trông giấc ngủ cho con. Sau ngày hôm đó, khi nào có dịp lên tỉnh là tôi ghé thăm Lữ. Càng ngày chúng tôi càng thân hơn, đôi khi tôi tới nhà anh ta bất chợt, không cần nói trước. Họ xem tôi như một thành viên trong nhà.
"Ai vậy?" giọng nàng vọng ra từ cuối nhà, ngân nga, đầy khuyến rủ.
"Ông Kim" người giúp việc trả lời, và An xuất hiện với nét mặt đầy lo lắng. Tại sao tôi không đến thăm nàng sớm hơn? Chuyện gì đã xảy ra?
Cái nhìn của nàng, cái vòng tay nõn nà, xinh xắn, bộ đồ nàng mặc trong nhà, cách làm tóc của nàng, giọng nói, tiếng bước chân của nàng... lúc nào cũng làm cho tôi có cảm tưởng như một cái gì đó mới mẻ, bất thường, một cái gì đó quan trọng đang xảy đến với tôi. Chúng tôi thường có những buổi nói chuyện thật dài--và cũng có những lúc im lặng thật lâu, mỗi một người như bị cuộn lại trong suy tư của mình. Những lúc không có ai ở nhà, tôi thường ngồi đợi, nói chuyện với người vú, chơi với đứa nhỏ, hay duỗi chân trên cái ghế bành để đọc một tờ báo. Khi An về, tôi chạy ra gặp nàng ở hành lang và giúp nàng mang hàng mới mua vào. Tôi bê những hàng hóa đó một cách trìu mến và hảnh diện--như một đứa bé mới biết bê đồ lần đầu.
Lữ và những người khác trong gia đình không hề để ý, họ chẳng bao giờ làm phiền tôi. Họ tiếp tục tiếp đón tôi. Nếu lâu không thấy tôi lên tỉnh thì hai vợ chồng lại sốt ruột, lo lắng. Nhất định là tôi bị ốm hay có chuyện gì không may xảy đến với tôi. Cái mà làm cho họ lo lắng nhất là tôi, một người có học, biết nhiều thứ tiếng, lại không ở trong văn phòng mà sống ở ngoại ô, suốt ngày quấn quít với máy say bột và những thửa ruông cằn cỗi. Họ nghĩ rằng tôi không bao giờ hạnh phúc, những lúc tôi cười nói trong bữa ăn chỉ là để che đậy tâm hồn đau khổ của tôi. Cả những khi tôi thật sự hạnh phúc và thoải mái, họ vẫn nhìn tôi với ánh mắt đầy lo lắng. Những khi tôi bị kẹt, chủ nợ đòi tiền hay không có tiền chi tiêu hàng tháng, hai vợ chồng hay thầm thì với nhau. Sau đó, anh chồng thường đi tới bên cạnh tôi với một ngương mặt trịnh trọng.
"Nếu anh có hơi bị thiếu, Kim, vợ chồng tôi sẵn sàng giúp một tay. Anh đừng gại." Hai tai anh ta đỏ ngầu vì mắc cỡ.
Hay là có khi anh đến bên tôi, hai tai đỏ ngầu sau khi nói chuyện với vợ, và thuật lại với tôi rằng vợ anh "hết lòng muốn tôi nhận một chút quà này." Sau khi nói xong anh ta thường đưa cho tôi một số đinh tán, hộp thuốc lá, hay một cái đèn điện. Ðể trả ơn, tôi thường hay biếu họ những món quà từ vùng ngoại ô như một con chim non, bơ, hoa... Cả hai vợ chồng hình như đều có tiền riêng. Tôi vẫn hay mượn tiền của người khác, không cần biết là của ai hay bao nhiêu--tôi mượn ở bất kỳ chỗ nào cho phép. Nhưng mà không có một mãnh lực nào có thể bắt tôi xoè tay mượn tiền của gia đình Lữ được. Cần tôi giải thích thêm không?
Tôi buồn. Ở nhà, trên đồng áng, hay trong chuồng bò tôi luôn nghĩ đến nàng. Tôi có gắng tìm hiểu sự kỳ bí của người con gái trẻ, đẹp và thông minh ấy, người vợ của một ông chồng xấu, đứng tuổi, và người mẹ của những đứa con anh ta. Tôi cũng cố gắng tìm hiểu sự kỳ bí của người chồng này, một anh chàng thiếu nhan sắc, tốt tính, dễ dãi, với những cách nhìn ngây thơ và vớ vẩn, người mà mỗi khi đi dự tiệc thường hay dạy đời người ta... còn người mà vẫn còn tin tưởng là mình có quyền để được hạnh phúc và có quyền để làm chồng nàng. Tai sao, tôi vẫn nghĩ, nàng không gặp tôi trước hắn? Vì mục đích gì mà lại có sự sai lầm đến thế?
Những lần lên tỉnh, qua ánh mắt của nàng, tôi biết rằng nàng đang đợi tôi, có lần nàng thú nhận với tôi là trước khi tôi đến, nàng thường hay có những cảm giác rất kỳ lạ--giống như nàng đã biết trước thế nào tôi cũng tới. Chúng tôi tiếp tục những buổi nói chuyện, xen lẫn với những phút thinh lặng thật dài, không ai giám nói lên tình yêu của mình nhưng giấu kỹ một cách sợ sệt và ghen ghét. Chúng tôi sợ, sợ tất cả những gì có thể bộc lộ ra cái bí mật ấy. Mặc dù cái tình yêu mềm mại đó đã cắm rễ quá sâu trong lòng, tôi luôn cố gắng để cho đầu óc sáng suốt, xét đoán xem những giông tố nào có thể xảy ra nếu chúng tôi không có đủ nghị lực để kềm chế chính mình. Tôi không thể nào hình dung ra được, hay nói đúng hơn, không muốn tin rằng một tình yêu thầm kín, cô đơn như của tôi, lại có thể bỗng nhiên và thô bạo phá tan cuộc đời ấm cúng của người chồng và những đứa con; lật úp luôn cả căn nhà mà tôi vẫn mãi yêu thương và tin tưởng. Ðây có phải là thái độ của một người đàn ông đứng đắn không? Nàng sẽ đi với tôi--nhưng mà... đi đâu? Tôi có thể dẫn nàng đi đâu? Mọi việc sẽ khác hẳn nếu như tôi là một người đàn ông lãng mạn và có tiền, nếu như tôi là một quân nhân anh dũng đang chiến đấu cho lý tưởng tự do của nhân loại, hay nếu như tôi là một người ca nghệ sĩ nổi tiếng được nhiều người thán phục. Nhưng tôi chỉ là một người nông dân nghèo. Tôi chỉ có thể đưa nàng từ cuộc sống bạc bẽo này đến cuộc đời bạc bẽo khác, hay còn tồi tệ hơn thế nữa. Hạnh phúc của chúng tôi sẽ kéo dài được bao lâu? Nếu không may tôi chết đi thì nàng sẽ làm sao? Còn nếu như chúng tôi không yêu nhau nữa? Và còn......v.v.
Nàng cũng nghĩ như tôi. Nàng nghĩ đến chồng nàng, con nàng, mẹ nàng, người mà thương yêu chồng nàng như con ruột. Nếu nàng nghe theo cảm súc của mình thì một là nàng phải nó dối hai là nói sự thật, nhưng cả hai đều khó khăn và nguy hiểm cho nàng trong hoàn cảnh này. Nàng suy tư trong đau khổ: tình yêu của nàng sẽ mang lại cho tôi hạnh phúc không? Có làm cho đời sống của tôi thêm phiền phức không? Có làm cho nó tẻ nhạt và đầy sóng gió không? Nàng cảm thấy nàng quá già đối với tôi, nàng không còn đủ sức và nghị lực để bắt đầu lại một cuộc sống mới. Nàng thường nói với chồng nàng là tôi cần phải cưới một người con gái hiền lành, thông minh, một người nội chợ và giúp việc tốt--nhưng theo nàng thì hầu như không có người con gái nào như vậy trên tỉnh (chỉ trừ nàng).
Trong khi đó, năm tháng lại tiếp tục trôi đi. Bây giờ An đã có hai con. Mỗi khi tôi tới thăm gia đình, người làm công vẫn cười nói với tôi, mấy đứa trẻ thì bám víu lấy chú Kim của chúng, la hét lên vì vui mừng, và mọi người đều vui vẻ. Không hiểu được nỗi lòng thầm kín của tôi, họ tường rằng tôi cũng đang vui với họ. Họ coi tôi như là sự hiện thân của lòng chính trực. Người lớn cũng thế mà con nít cũng vậy, họ tưởng rằng sự chính trực đang đi giữa họ--sự quan hệ giữa tôi và họ làm cho cuộc đời họ tinh khiết và mỹ miều hơn. An và tôi vẫn hay đi coi hát chung với nhau. Chúng tôi ngồi cạnh nhau, vai liền vai, tôi nhẹ nhàng lấy cặp mắt kiếng của nàng, ý thức rằng nàng đang ở cạnh tôi, tưởng tượng như nàng là của tôi, chúng tôi không thể nào sống xót nếu như bị chia rẽ. Nhưng lần nào cũng vậy, sau khi màn biểu diễn kết thúc, chúng tôi ngượng nghịu chia tay nhau, ra đi như những người xa la. Không biết người nói gì về chúng tôi trên tỉnh, nhưng không một câu nào của họ là đúng cả.
Trong những năm vừa rồi, An về thăm mẹ và em nhiều hơn. Nàng hay buồn rầu và chán nản: tâm trạng của nàng làm nàng ý thức được rằng cuộc sống của nàng chưa đầy đủ và thiếu ý nghĩa. Những khi đó nàng thường lánh mặt chồng và con cái. Cái tình trạng này kéo dài và nặng hơn, bắt buộc nàng phải điều trị về bệnh tâm lý.
Mặc dù vậy chúng tôi vẫn giấu kín những gì mình muốn nói. Những lúc gặp mặt, nàng hay tức tối với tôi một cách kỳ lạ. Nàng chống đối tôi trên mọi phương diện; nếu tôi có bàn luận hay cãi nhau với một người khác, nàng lập tức đứng về phe của họ. Nếu không may tôi làm rơi một vật gì, nàng nhìn tôi và nói một cánh lạnh nhạt "hay quá ha." Mỗi khi tôi quên mang kính đi xem hát, nàng cho tôi biết rằng nàng đã biết trước thế nào tôi cũng quên.
Hên hay xui, bất kỳ cái gì trong cuộc đời chúng ta, không sớm thì chiều, cũng phải kết thúc. Bây giờ đã đến lúc chúng tôi phải chia tay nhau: Lữ đã kiếm được việc làm tốt hơn ở miền tây. Họ bán tất cả: nhà, bàn ghế, và ngựa. Lái xe ra khỏi nhà, khi chúng tôi ngoẳnh mặt nhìn lại lần cuối góc vườn xinh xắn với mái ngói phủ đầy giây leo, mọi người đều cảm thấy buồn, còn tôi... tôi biết đã đến lúc phải ra đi, bỏ lại không chỉ một căn nhà bé nhỏ. Chúng tôi đã quyết định để An tới Ki-Mi-A trước và Lữ sẽ mang các con tới sau.
Một đoàn người chúng tôi tới ga xe lửa để tiễn chân An. An đã chào tạm biệt chồng nàng và các con... xe lửa bắt đầu chuyển bánh... thì... tôi vút nhanh lên khoang tầu của nàng, đặt lên đồ đạc cái rổ mà tí nữa nàng đã quên. Bây giờ đến lượt tôi chào tạm biệt. Cặp mắt chúng tôi gặp nhau trên khoang tầu, và chúng tôi không thể kiềm chế được nữa. Tôi ôm choàng lấy nàng, nàng ấp mặt vào ngực tôi, và nước mắt bắt đầu chảy. Hôn mặt nàng, hôn vai nàng, hôn đôi tay xinh xắn chứa đầy nước mắt--hai chúng tôi quả thực quá hạnh phúc--tôi bày tỏ tình yêu của tôi cho nàng. Với nỗi thống khổ bừng cháy trong tim... tôi thấy những gì đã cản trở tình yêu chúng tôi, những gì đã bóp ghẹt tình yêu của chúng tôi bấy lâu, quá sức là nhỏ bé, tầm thường và hão huyền. Tôi ý thức được rằng, một khi tôi yêu, tôi cần đặt định nghĩa tình yêu của tôi trên một cái gì đó cao thương và quan trọng hơn là hạnh phúc hay đau khổ, tội lỗi hay trong sạch: những ý nghĩ tầm thường mà mọi người vẫn đắn đo một khi yêu. Nếu không được như vậy, thì thà rằng chúng ta đừng định nghĩa tình yêu thì hơn.
Tôi hôn nàng lần cuối, nắm chặt tay nàng, và rồi chúng tôi chia cách--mãi mãi. Xe đang chạy. Tôi ngồi xuống khoang bên cạnh, trống rỗng... ngồi đó và khóc cho tới khi xe dừng lại ở trạm kế tiếp. Tôi quốc bộ về Sông-Phi-Nô.
Trời đã tạnh trong khi Kim đang kể chuyện, mặt trời đã ló rạng. Ban và Văn rời chỗ ngồi ra lan can. Trước mặt họ là vẽ lộng lẫy của khu vườn, và ánh sáng lấp lánh của dòng sông trong những tia nắng mặt trời. Lòng họ say mê trước cảnh vật nhưng cũng không quên hối tiếc cho người đàn ông với cặp mắt hiền lành và trong sáng ấy--người mà trong giờ qua đã bầy tỏ cho họ những tâm tư thầm kín và chân thành nhất--con người mà cuộc đời ngày qua ngày vẫn tiếp tục xoay quanh mảnh ruộng và cối xay gạo, vẫn tiếp tục nghèo khổ mà không làm gì để tiến lên được. Họ cũng liên tưởng đến sự thống khổ của nàng khi anh ta phải chia tay nàng trên khoang tàu, đặt lên vai và trán nàng những nụ hôn nồng cháy. Họ đã gặp nàng một vài lần trên tỉnh. Ban là bạn thân của nàng và biết rằng nàng rất đẹp.

 






Nguồn: MYE
Được bạn: Thành viên VNTQ.net đưa lên
vào ngày: 23 tháng 5 năm 2008

 
 
****************************
 
Anton Tsekhov
Nhu Nhược









Một hôm tôi gọi cô Iulia Vasilievna - gia sư của bọn trẻ đến phòng làm việc. Đã đến hạn thanh toán tiền công cho cô ấy.
Cô ngồi xuống đi, cô Iulia Vasilievna - tôi nói - tôi sẽ thanh toán tiền công cho cô. Tôi chắc cô cũng cần tiền, nhưng là một người tự trọng nên chắc cô không tiện hỏi, đúng không? Chúng ta đã thoả thuận với nhau là 30 rúp một tháng nhỉ.
40 rúp chứ ạ...
Không, chỉ 30 rúp thôi. Tôi có ghi vào sổ rồi mà. Bao giờ tôi cũng chỉ trả cho gia sư 30 rúp một tháng thôi. Xem nào, cô đã làm cho chúng tôi hai tháng rồi nhỉ.
Hai tháng 5 ngày ạ....
Không chính xác hai tháng. Tôi có ghi đây mà. Vậy là phải trả cho cô 60 rúp... trừ đi 9 ngày chủ nhật... Các chủ nhật cô chỉ đưa thằng Koha đi dạo thôi mà, có học hành gì đâu... cộng 3 ngày lễ...
Cô Iulia Vasilevna mặt đỏ bừng, tay mân mê gấu áo, nhưng vẫn không nói gì.
9 chủ nhật, 3 ngày lễ vị chi là 12 rúp. Thằng Kolia bị ốm mất 4 hôm, không học, cô chỉ trông mỗi con Va ria... 3 ngày cô bị đau răng vợ tôi cho cô nghỉ buổi chiều... 12 với 7 là 19. Sáu mươi rúp trừ đi 19 rúp, vậy chỉ còn 41 rúp, đúng không cô?
Mắt trái của cô Iuìia đỏ ngầu và ngân ngấn nước mắt, cằm cô run lên bần bật. Nhưng chỉ thấy cô ho và xì mũi, tuyệt nhiên không nói lời nào!
Đêm giao thừa cô đánh vỡ cái tách uống trà với các đĩa cùng bộ. Tôi sẽ trừ tiền lương của cô đi 2 rúp nữa... Thực ra cái tách ấy đắt hơn kia, vì đó là đồ gia bảo mà, nhưng thôi! Cũng không nên so đo quá với cô. Một lần do cô không cẩn thận đã để thằng Kolia trèo lên cây làm rách mất chiếc áo khoác... Trừ thêm 10 rúp nữa... Rồi cũng vì cô lơ là nên con hầu đã ăn cắp mất đôi giày của con Varia. Cô phải trông nom chúng cẩn thận chứ. Tôi trả lương để cô dạy dỗ và trông chúng nó cơ mà...Vậy trừ tiếp 5 rúp... Hôm mồng 10 tháng giêng cô mượn của tôi 10 rúp...
Tôi có mượn đâu ạ... Giọng cô Iulia nghèn nghẹn.
Tôi đã ghi cả đây mà lị.
Vâng, thế cũng được ạ.
Vậy là 41 trừ đi 27 còn lại 14.
Lúc này thì hai mắt cô giáo trẻ đã đầy nước... Trên chiếc mũi thanh, cao của cô đã lấm tấm mồ hôi. Thật tội nghiệp!
Tôi chỉ vay vợ ông có 3 rúp - giọng cô run run - Đúng có một lần 3 rúp mà thôi.
Thế à? Vậy mà tôi không hề biết gì cả. Thảo nào trong sổ tôi không thấy ghi. 14 rúp trừ 8 còn 11. Đây, tiền lương của cô đây, cô giáo thân mến ạ! 3 này, 3 này, 8 này, 1 rúp, 1rúp. Xin cô nhận cho?
Và tôi đưa cho cô 11 rúp. Cô nhận lấy chúng bằng những ngón tay run rẩy rồi nhét vào túi.
Cám ơn ông - cô nói thì thầm.
Tôi đứng dậy và tiến lại phía cô. Một sự tức giận xâm chiếm lấy tôi. Tôi cáu phát điên lên.
Cô cám ơn cái gì? - Tôi sẵng giọng.
Vì ông đã trả lương cho tôi...
Nhưng cô không thấy là tôi ăn chặn của cô, bóc lột cô hay sao? Cô còn cám ơn cái nỗi gì?
Ở những nơi khác người ta còn chẳng trả cho tôi đồng nào kia.
Không trả ư? Cũng dễ hiểu thôi! Thì tôi cũng vừa đùa cô đấy thôi. Tôi muốn dạy cho cô một bài học. Nhưng xin cô cứ yên tâm, tôi sẽ trả đủ 80 rúp cho cô. Chúng ở trong chiếc phong bì kia kìa, tôi đã chuẩn bị sẵn rồi. Nhưng tôi không hiểu tại sao cô lại có thể nhẫn nhức đến thế? Sao cô không cãi lại tôi? Sao cô cứ ngồi im như thóc thế. Chẳng lẽ có thể nhu nhược đến thế sao?
Cô giáo mỉm cười rầu rĩ và tôi đã đọc được trên mặt cô hai chữ "có thể". Tôi đã xin lỗi cô gia sư vì bài học tàn nhẫn vừa rồi và đưa cho cô cả 80 rúp mà cô đáng được nhận trong sự ngạc nhiên đến tột độ của cô. Cô ngượng nghịu cảm ơn và lui ra. Tôi nhìn theo cô hồi lâu và chợt nghĩ: "Trên đời này làm kẻ mạnh mới dễ làm sao!"




 






Nguồn: MYE
Được bạn: Thành viên VNTQ.net đưa lên
vào ngày: 23 tháng 5 năm 2008


 

#1
    Ct.Ly 22.09.2008 04:17:38 (permalink)

    *
    * *

    Mụ Hai Nà nằm sấp trong mui lái ghe. Trời oi bức, mụ mặc độc chiếc áo lót ngắn. Một đứa nào nhỏ quỳ hai gối, đấm lưng mụ thùm thụp. Chị Bảy Phi ngồi lặng thinh đằng sau lái. Vừa rồi mụ Hai Nà gọi chị lên nói câu chuyện. Bảy Phi ngồi đợi từ nãy giờ mà chẳng nghe mụ nói gì. Đứa đào nhỏ đấm lưng cho mụ xong bò ra ngoài. Bấy giờ mụ Hai Nà vặn mình một cái, xương sống kêu rôm rốp. Vẫn nằm nguyên, mụ ngóc đầu nói trỏ ra lái:
    - Bảy Phi đó hả? Vô đây, vô trong mui, tôi có chuyện muốn nói.
    - Tôi ngồi đây cũng được, thím nói gì thì nói đi!
    Mụ Hai ngồi dậy, với trong góc một gói thuốc "Lạc đà" lấy một điếu. Vừa dộng điếu thuốc xuống sạp ghe mụ vừa nói với vẻ mặt sầu sầu:
    - Tôi ngỏ mấy lời này với chị, tôi cũng bứt rứt trong bụng lắm. Bởi tôi có bổn phận coi sóc gánh hát cho ông Hai, ông Hai dạy sao tôi mần vậy... Vừa rồi ông Hai xuống thâu tiền, ông Hai có điều không đặng vừa ý. Ông Hai nói trong gánh hát còn nhiều đào kép có đầu óc thoái bộ...
    Bảy Phi ngồi im. Chị biết. Lời đe dọa của Hai Long trong cái đêm nọ nay đã bắt đầu đem thực hiện với chị. Song chị vẫn ngồi yên, nghe mụ Hai Nà tiếp lời:
    - Ông Hai nói hạnh kiểm của chị không được tốt!
    Bảy Phi ngước mặt:
    - Nói tôi à? Tôi làm cái gì xấu xa nhơ nhuốc mà bảo là tôi không tốt!
    - Khoan đã, nghe tôi nói cái đã, chưa chi mà chị đã nóng rồi...
    Và mụ hạ thấp giọng:
    - Nè, phải hồi tháng năm, chị có đi theo đám biểu tình ở chợ Cần Thơ không?
    Bảy Phi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đáp:
    - Có, có tôi đi. Hồi đó Chánh phủ không cấm, thiên hạ đi như tôi thiếu gì?
    - Ông Hai nói cuộc biểu tình đó Ngô tổng thống cấm!
    - Cái đó thì tôi đâu có biết được!
    - Cô phải biết chớ. Đó... ông Hai trách cứ cái hạnh kiểm của cô xấu là ở chỗ đó đó!
    Bảy Phi trề môi cười. Mụ Hai ngừng lại đốt thuốc, phà khói rồi tiếp tục:
    - Gánh hát lấy danh ông Hai, ông Hai thường bảo phải là gánh hát quốc gia tiến bộ, đào kép nào có đầu óc cộng sản tức thị ông Hai không chứa. Mình là phận đào hát thì cứ lo hát, còn bày đặt theo đòi tụi du côn đi biểu tình làm chi. Biểu tình có té vàng té bạc gì cho mình đâu?
    - Thím khôn còn tôi dại, thây kệ tôi!
    Mụ Hai Nà kéo xổm đầu gối lên, mặt hầm hầm:
    - Thì tôi đâu có cần, tôi nói cho con nào có phận thì con đó giữ mình.
    Dứt lời mụ Hai Nà bỏ một miếng cau tươi vào miệng nhai rau ráu. Hai gò má đầy thịt của mụ giật giật. Bảy Phi vắt tay lên bánh lái ngó lảng ra sông. Mụ Hai Nà nằm xuống cả tiếng:
    - Thơi ơi, bớ Thơi!
    Đứa đào nhỏ tên Thơi nghe mụ gọi, rón rén bò vào. Nó lại quỳ gối đấm lưng cho mụ thùm thụp. Chị Bảy đứng dậy leo lên mui đi ra mũi. Trong ghe, mụ Hai Nà nói với theo:
    - Bảy Phi, tôi nói vậy chị đủ hiểu rồi chớ? Về lo cụ bị quần áo rồi tới đây tính cái số tiền dư thiếu mấy đêm hát của chị nghe không?
    Tuy hết sức giận, nhưng đào Bảy Phi cũng cảm thấy lo. Trước mắt chị hiện ra cuộc đời lênh đênh trôi nổi. Chị chụn bước, giọng nói hơi lạc đi:
    - Thím Hai, tính đuổi tôi đi thiệt hả thím Hai?
    Mụ Hai Nà lậu bậu:
    - Không phải đuổi... Tôi không có quyền đuổi, ông Hai biểu sao tôi mần vậy!
    Bảy Phi lựng khựng một chốc rồi bước xuống đòn dài. Lên tới bờ, chị gặp Tư Văn Lâu đứng ở đó với một số chị em đào kép. Tư Văn Lâu liền hỏi:
    - Chị Bảy cãi lộn gì với con mẹ Hai Nà đó?
    Bảy Phi bậm môi:
    - Nó nói hồi tháng năm tôi đi biểu tình, là làm cộng sản, rồi đòi đuổi tôi ra khỏi gánh hát!
    Đám đào kép nhao nhao:
    - ở đây thiếu gì người cũng đi sao không đuổi. Mà con mẽ có quyền đuổi người ta à?
    - Thằng chủ gánh ban quyền cho nó!
    - Hai Long hả?
    - Chớ ai!
    Tư Văn Lầu hầm hầm:
    - Cái con già đó hễ động tới là nó mở miệng "Ông Hai nói, ông Hai nói", chắc là nó bày ra chớ Hai Long nào.
    Chị em đào đồng thanh:
    - Tụi mình ráp xuống hỏi con mẽ coi?
    Một chị can:
    - Thôi mấy bà ơi, thôi đi. Nó muốn thải người nào thì người đó phải chịu, mấy bà làm như mấy bà là chủ gánh hát này vậy!
    - Ơ, cái chị này có sợ thì đừng xuống. Còn có ai sợ nữa không?
    Trừ chị kia bị mắng đứng im thin thít, còn tất cả nối nhau bước xuống đòn dài. Bảy Phi tựa lưng vào gốc dừa trên bờ nhìn theo. Chị cảm động, nước mắt muốn ứa ra. Đám đào kép kéo xuống rầm rầm trước mũi ghe. Mụ Hai Nà nghe tiếng, không kịp mặc áo, mụ lật đật chun ra. Đứng đằng sau lái, mụ ó ré:
    - Làm cái gì om sòm vậy? Trưa mấy người không để ai ngủ nghê gì hết!
    Tư Văn Lâu nói:
    - Đâu có gì mà om sòm. Tụi tôi chỉ muốn hỏi tại sao có chuyện đuổi chị Bảy Phi?
    - Tôi không biết, mấy người cứ lên bót quận mà hỏi ông Hai!
    - Tụi tôi không lên. Hễ đuổi chị Bảy Phi thì tất cả đây thôi hát hết. Bà cứ lên tâu với ông Hai như vậy!
    Mụ Hai Nà vành một tay chống nạnh quai chảo, một tay bơi bơi:
    - Cha chả! Tư Lâu, mày tính cầm đầu làm phản phải không? Giỏi, mày giỏi... Mày liệu hồn, coi chừng ông Hai xuống, ông Hai chần đầu mày làm bốn miếng đa nghe!
    Tư Văn Lâu hẩy ngực:
    - Nhè thằng Lâu này mà bà hăm. Mà nè, nói thì nhớ lời nghe. Ông Hai Long không có lời ấy, bà nói để gieo thêm cái tiếng ác cho ông Hai phải không?
    Mụ Hai bị Tư Văn Lâu bẻ, tức quá chửi răm lên. Tư Văn Lâu không chịu thua mấy tiếng. Sẵn cũi phơi trên mui ghe, mụ Hai Nà chụp một khúc nhằm Tư Văn Lâu phang vù tới. Tư Văn Lâu né khỏi, khúc củi trúng ngay chậu bông kiển trước mũi, rạn vỡ. Mụ Hai Nà vốn rất cưng cái chậu kiểng sứ đó. Thấy thế, mụ giậm cẳng kêu lớn:
    - Bớ người ta ơi, bớ ông Hội đồng hương chánh ơi! Tụi nó phá ghe hát của ông Hai Long!
    Đám đào kép cười rộ. Tư Văn Lâu kêu mọi người lên bờ, để mặc sức cho con mụ Hai Nà kêu trời kêu đất.
    Tư Văn Lâu đi về với Bảy Phi. Dọc đường anh nói:
    - Nè chị Bảy, khi không nó đuổi chị mà sao không đuổi những người khác!
    Bảy Phi ngập ngừng:
    - Biết đâu nó!
    Tư Văn Lâu nghĩ cũng hơi lạ. Chính anh, anh cũng không rõ. Mấy hôm nay anh thấy Bảy Phi có gì hơi khác khác. Về tới gian đình, hai người vào ngồi bệt dưới gạch không nói với ai một câu nào. Chợt lúc sau Bảy Phi gọi:
    - Chú Tư Lâu ơi!
    Tư Văn Lâu ngửng đầu lên thấy mắt Bảy Phi chớp chớp liên hồi và thở rất dữ. Anh lúc lắc vai Bảy Phi:
    - Chị Bảy, chị nói gì?
    Rồi anh tỏ vẻ giận dỗi:
    - Mấy bữa này có chuyện chi mà chị Bảy chớ cớ cho thằng Tư Lâu này biết!
    Bảy Phi kéo vạt áo chùi mồ hôi trán. Tư Văn Lâu nóng lòng:
    - Chị thiệt kỳ quá!
    - Không... Tôi giấu chú làm chi. Tôi coi chú như em. Tôi... cực nhục lắm!
    - Sao? Chị nói sao?
    Bảy Phi bật tiếng lên nói:
    - Thằng Hai Long... đêm qua nó mò vô định tính chuyện...
    Không chờ nghe Bảy Phi dứt câu, Tư Văn Lâu đứng ngay dậy:
    - Bà mẹ nó, tôi sơ ý quá, phải tôi biết tôi rình chém cho nó một dao!
    - Chém nó đặng ở tù!
    - Tù thì tù, nhứt định chém. Thứ đó chết có cớ, không ai bỏ tù được mình!
    Bảy Phi thở dài, cắn cắn môi ngó mông ra sông. Tư Văn Lâu bước tới bước lui. Bụng anh không yên, chỉ sợ Bảy Phi rồi đây thế nào cũng bị đuổi khỏi gánh hát.

    *
    **

    Chuyện lôi thôi xảy ra trong buổi trưa ở ghe hát lọt tới tai quan Hai Long. Mụ Hai Nà định chuyến này dựa hơi chủ, thế nào kép Văn Lâu cũng bị mụ cho một trận. Nhưng Hai Long thì lại có ý lo. Y sợ đào kép làm reo nghỉ hát, bèn hoãn việc đuổi Đào Phi. Biết tình cảnh Bảy Phi có con đau, y dặn mụ Hai Nà: "- Lương tháng đã bãi bỏ, nó hát đêm nào tính tiền đêm ấy, còn như nó có hỏi mượn tiền trước thì nó hết rồi, nghe chưa?".
    Mụ Hai Nà hơi thắc mắc: "- Nhưng bấy lâu nay đào kép đứa nào cũng mượn được?".
    Hai Long nói: - Thì có khó gì, tới hỏi mượn cứ nói là hết rồi.
    Mụ Hai Nà dạ dạ, nghe theo.
    Thực vậy, chị Bảy Phi mấy bữa nay nghỉ hát, vì bệnh con Huệ Linh ngày một nặng thêm. Mà đêm nào nghỉ hát thì không lãnh được tiền. Con bé sốt li bì. Ông thầy thuốc bắc chẩn mạch thảo đơn, nhưng Bảy Phi không có tiền mua thuốc. Mấy ngày đầu, anh chị em đào kép góp cho chị được một số tiền, nhưng không bao lâu cũng hết. Anh chị em ai cũng nghèo, đâu có mà giúp mãi. Túng thế quá, Bảy Phi phải đến hỏi mượn mụ Hai Nà. Gặp mụ ở đầu đòi dài, chị mới mở miệng hỏi mượn, mụ đã nói:
    - Thôi, hết rồi, không còn đồng nào đâu! Trong sổ nợ chị còn thiếu ba chục...
    - Thím Hai, con nhỏ tôi đau quá. Lâu nay tôi mượn tôi trả đều đủ...
    - Không phải tôi sợ chị giựt, nhưng... tôi không còn, tôi không có quyền. Chị hỏi ông Hai Long ấy!
    Bảy Phi bóp bụng năn nỉ: "Thím Hai... Thím Hai..." nhưng mụ Hai Nà trỏ tay chỉ lên bờ:
    - Ông Hai đương ở trên quán cà phê kia, lên đó mà hỏi ổng!
    Dứt lời mụ Hai ngoe ngoảy bỏ đi. Bảy Phi đứng lần chần, nửa muốn tới quán cà phê, nửa muốn bỏ về. Tới quán gặp Hai Long ư? Chị thấy cực nhục quá. Sau cái đêm hôm nọ, chị đã không muốn ngó mặt y rồi. Nhưng nghĩ đến lúc quay về gian đình, nhìn cảnh con đau nằm liệt trên võng, lòng chị xót đau. Trước mắt và bên tai chị, con Huệ Linh nằm im ỉm, hơi thở khò khè bởi khí nhiệt bốc lên mũi. Lòng thương con khiến chị thắng nỗi sợ nhục nhằn. Chị đi lên quán.
    Quả là có bầu Thanh Long ở trong quán thật. Y đang ngồi một mình một bàn, ăn uống. Thấy chị vào, y giả tảng không biết, cứ điềm nhiêm cầm thìa khuấy sữa. Người chủ quán hỏi Bảy Phi:
    - Ăn gì? Cà phê hay hủ tiếu?
    Chị lắc đầu và bước đến trước bàn bầu Hai Long. Y vẫn uống sữa sì sụp, hình như cốt để Bảy Phi phải lên tiếng trước.
    - Thưa ông Hai...
    Bầu Thanh Long buông thìa, ngửng đầu lên:
    - A... Cô Bảy Phi, chuyện gì đó?
    Bảy Phi nói:
    - Thưa ông Hai... con nhỏ tôi đau...
    - Con của chị đau? ạ... té ra vậy...
    Bảy Phi muốn điên người vì cái tiếng "ạ... ạ" của y. Cố nén, chị tiếp:
    - Tôi muốn... hỏi mượn của gánh hát một số tiền chạy thuốc cho con. Hồi sáng... tôi có hỏi thím Hai, nhưng...
    - Nhưng sao?
    - Thím Hai nói hỏi ông!
    Bầu Thanh Long lặng lẽ bưng ly sữa uống. Gần cạn ly, còn độ hai lóng tay, y tắc lưỡi một cái. Con chó tây nãy giờ nằm phục dưới chân y, nghếch mõn lên, Bầu Thanh Long nhễu từng giọt sữa xuống. Con chó mỗi lần hứng một giọt thì khoan khoái thè lưỡi liếm một vòng. Bầu Thanh Long làm xong cái việc ấy, vẫn để mặc Bảy Phi đứng đó, y nói với con chó:
    - Mêđo, mày giỏi lắm, mày uống sữa cho quen, vài bữa nữa tao cho mày tập nếm rượu, nghe chưa... mậy, Mêđo!
    Hồi sau, y làm tuồn như mới nhớ ra có Bảy Phi ở trước mặt:
    - Té ra cô tới hỏi mượn tiền. Rủi quá, kỳ này tiền quỹ đâu có sẵn. Còn mấy ngàn đồng thuế du hí ráo nạo rồi!
    - Ông Hai, cho tôi mượn đỡ một trăm, tôi không xài gì, tôi lo cho con nhỏ của tôi, cuối tháng tôi sẽ trả mà...
    - Tôi nói thiệt. Tôi bảo có là có, bảo không là không. Thuở giờ tánh tôi vậy.
    Bảy Phi toát mồ hôi khắp người. Chị biết tâm địa của y rồi. Chị biết thấu cả lời lẽ thoái thác của y. Như thuế du hí, quả là gánh nào cũng phải nộp, nhưng y thì chưa hề phải chịu món thuế đó lần nào cả. Dẫu rằng chị rất đỗi thương con, song giờ thì chị không còn lòng nào chịu nổi, đành chào y một tiếng rồi đi.
    Bầu Thanh Long lấy thuốc thơm ra hút. Y thở phà một luồng khói rồi niểng đầu dưới vầng khói, nhìn bóng Bảy Phi lủi thủi bước ra khỏi quán.
    ... Sáng hôm sau, Bảy Phi dậy sớm, trong lúc đào kép còn ngủ. Mượn không được tiền, Bảy Phi cùng đường, đành nhờ Tư Văn Lâu giúp chị đưa con Huệ Linh về nhà bà cô chị ở Long Thạnh để chữa chạy. Đáng lẽ thì chị đi nhưng vì còn thiếu món nợ cũ phải ở lại hát.
    Tư Văn Lâu đã thức dậy đi mua vé đò. Bảy Phi chốc chốc rờ trán con, chau mày. Con Huệ Linh không ăn uống gì được, chân tay gầy nhom. Lúc mới bắt đầu đau, nó vẫn thỏ thẻ nói chuyện với chị, mấy ngày rày nằm mê man không mở miệng kêu má một tiếng.
    Tư Văn Lâu đi ngoài bến đò về. Anh nói với Bảy Phi:
    - Đò máy hết chỗ, chỉ còn đò đạp thôi. Em mua vé rồi!
    Bảy Phi lần túi áo:
    - Chú Tư ăn cái gì chưa?
    - Ăn rồi!
    Giờ phút sắp xa con, Bảy Phi y chừng như lâu lắm mới gặp lại con. Chị rơm rớm nước mắt. Lòng chị là lòng của một người mẹ khốn khó. Có đứa con bên mình, nó an ủi Bảy Phi rất nhiều trong những ngày trôi dạt. Mười năm qua sống bên chị, nó ngoan lắm, biết vâng lời và yêu chị lắm. Trong những lúc mê sảng nó kêu "Má ơi, má ơi". Rõ là nó không muốn xa chị. Chị lại càng không khi nào muốn xa nó. Nhưng không muốn làm sao được? Trước kia vợ chồng Bảy Phi mong mỏi đời nó sau này được sung sướng, nên chọn cái tên Huệ Linh sáng sủa mà đặt cho nó. Vậy mà tới nay sao chưa thấy nó được sung sướng gì. Từ cái ăn cái mặc, đều thua sút con cái thiên hạ.
    Trong lúc Bảy Phi đứng tần ngần, Tư Văn Lâu lo đem chiếu và quần áo của con Huệ Linh gom lại một chỗ. Xong, anh cởi áo ngồi hút thuốc.
    Bảy Phi căn dặn Tư Văn Lâu:
    - Chú Tư về gặp cô tôi nói là mai hoặc mốt tôi về, bây giờ bận hát chưa về được. Chú đi chắc khoảng xế thì về tới vàm Long Thạnh.
    - Được rồi, chị cứ yên bụng!
    Và anh đùa:
    - Thôi, chị có Lưu Bị bây giờ thì Lưu Bị đi. Một chút nữa không còn ai ở đây mà nghe!
    - Không, tôi khóc hồi nào đâu!
    Ngoài bến đã nổi lên tiếng tù và tu tu giục khách. Tiếng tù và sáng nào Bảy Phi cũng nghe, đã quen tai lắm rồi. Nhưng sáng nay tiếng ấy rúc lên đột ngột, nhẫn tâm quá. Chị bước lại võng bồng con lên, áp đầu nó vào mặt chị. Hơi thở của con bé hà vô mặt chị nóng hổi. Mấy giọt nước mắt của Bảy Phi lăn xuống ngấn má héo gầy của con gái, chốc sau đã khô se lại.
    Tù và dưới bến thổi lượt thứ hai.
    Tư Văn Lâu đỡ lấy con bé Huệ Linh trên tay Bảy Phi, vội vàng nhảy xuống mũi đò. Chiếc đò đạp đã tháo đỏi. Mấy bác thợ đạp nhấn nhấn chân lên bộ trục hình bánh khế. Đò chạy lừ lừ. Bảy Phi vẫn còn đứng trên bờ ngó theo. Chiếc đò đạp khuất qua vịnh.
    Xa xa ngoài sông cái vắng lặng, chỉ có mấy cánh buồm trắng chạy veo veo trong gió chướng.

    *
    * *
    Đêm nay gánh Thanh Long diễn vở San Hậu. ở cái thị trấn nhỏ này, người đi xem hát lặn lội ở miệt ruộng lên từ ban chiều. Mặt trời chưa lặn, trống đã đánh thòm thòm xen cùng tiếng chập chỏa khua rộn ràng. Chung quanh nhà lồng chợ và dọc hè đình, các hàng cháo gà, chè đậu, nước sâm thắp đèn lố nhố. Quang cảnh thị trấn đêm có hát dẫy đầy cái không khí náo nhiệt.
    Đào kép coi họ cũng có phần tươi tỉnh. Qua một ngày nắng nóng, ngủ dật ngủ dựa, vợ con nheo nhóc kêu la, nhưng đêm đến nghe tiếng trống khua, đào kép như nghe thấy tiếng gọi thân yêu của nghề nghiệp.
    Người thầy tuồng nói với Bảy Phi:
    - Thoa thêm một chút son ở gò má nữa, còn lợt lắm. Bữa nay chị nhớ chú ý cái bộ tịch lúc ở chùa nghe chưa?
    Bảy Phi thoa thêm son, soi gương. Lòng chị trĩu nặng âu lo, vì kép Văn Lâu đi vẫn chưa về. Không hiểu cớ gì, mà hai ngày rồi Tư Lâu vẫn biệt tăm. Không biết chừng con nhỏ lại đau nặng, hay có chuyện gì xảy ra dọc đường cũng nên. Trọn ngày nay, Bảy Phi đứng ngồi ngóng đợi. Nhưng đêm đến, việc hát vẫn phải hát. Tối nay chị lại sắm vai Thứ Hậu. Vai Linh Tá đáng lẽ do kép Văn Lâu đóng, nhưng Văn Lâu chưa có mặt. Mụ Hai Nà hồi chiều lại nổi lên một trận chửi. Bảy Phi khi hơi đâu để ý tới, là vì chị đang lo nỗi lo của chị. Mụ chửi thì mụ cứ chửi, chẳng hề hấn gì ai. Cuối cùng mụ Hai Nà phải chạy kép khác thay Tư Văn Lâu.
    Đã tới giờ ra tuồng. Màn động cộp cộp.
    Lớp Tạ Thiên Lân soán ngôi Tề Vương, trù định giết bà Phạn Thứ hậu đang có mang cho tuyệt tự nhà Tề, nhờ có Đổng Kim Lân và Linh Tá cứu được Thứ Hậu và hoàng tử. Màn vừa hạ, khán giả vỗ tay hoan nghênh. Bảy Phi đi vào, lòng chị nghĩ đâu đâu. Tiếng vỗ tay mang tới cho chị một ít niềm vui, nhưng xen với nỗi lo lắng, hóa ra một tâm trạng rối rắm, lộn xộn.
    Vào tới buồng, bất đồ Bảy Phi thoáng thấy bóng Tư Văn Lâu. Chị mừng quá kêu lên:
    - Chú Tư, chú Tư mới về hả?
    Tư Văn Lâu nhác thấy Bảy Phi thì chạy vụt tới:
    Chị Bảy ơi...
    Giọng nói của anh kép hát này hôm nay thật đau đớn quá. Trông đôi mắt anh đỏ thật. Đào Bảy Phi cảm thấy chân mình như bị ai nhấc bổng khỏi đất. Chị bíu lấy tay Tư Văn Lâu, sảng sốt:
    - Chú Tư, chú Tư! Chú nói gì?...
    Giọng Tư Văn Lâu đứt quãng:
    - Em về tới Long Thạnh. Đêm đó con Huệ Linh phát nóng kịch liệt, đến một giờ khuya thì không chịu nổi. Miếng bí đau của bà cô đắp trên ngực nó y như là bị luộc chín...
    Bảy Phi giậm cẳng kêu trời. Chị bắt đầu khóc. Cái tiếng khóc nức lên trong cổ họng chưa thoát thành tiếng, nghe đáng sợ hơn tiếng khóc lớn. Vừa khóc, Bảy Phi vừa gọi tên con. Hết gọi tên con, chị lại kêu tên Tư Văn Lâu. Đào kép bu tới. Nhiều chị đào mủi lòng, ngồi ôm vai Bảy Phi mà khóc theo. Mụ Hai Nà chạy vào. Mụ lính quýnh, bởi lẽ màn kế đã động, và tiếng khóc thì lại lớn quá. Mụ tới bên Bảy Phi dịu giọng:
    - Tới màn hai rồi. Sau đây mặc sức chị khóc. Bây giờ chị không ra, thiên hạ đòi tiền thì tôi biết ăn nói làm sao?
    Bảy Phi đang trong cơn đau, chị đâu có nghe mụ nói gì. Tư Văn Lâu nạt lớn:
    - Con người ta chết. Hát hát cái gì?
    Tư Văn Lâu vừa nạt xong, bất ngờ anh bị một cái bạt tai từ phía sau giáng vô gáy như búa bổ. Tư Văn Lâu ngã chúi. Vừa gượng lại được, anh quay lại, thấy quan Hai Long đã đứng sững ở sau lưng từ hồi nào. Đánh Tư Văn Lâu rồi, Hai Long vò vò tay. Tư Văn Lâu đầu bừng nóng. Lập tức anh sắn tay áo. Ông thầy tuồng hoảng hồn nắm tay anh kéo lại.
    Bầu Hai Long day lại chỗ Bảy Phi và mấy chị đào hát lớn tiếng:
    - Đám hát hay là đám ma? Tụi bay tính trù cho rã gánh hát của tao phải không?
    Và y nói với Bảy Phi:
    - Còn Bảy Phi, sao? Ráng lên coi!
    Mọi người đều lo lắng nhìn Bảy Phi. Trông chị thiểu não quá. Chị đăm đăm nhìn Hai Long không nháy mắt. Bỗng nhiên chị vén tóc đứng phắt dậy:
    - Được, để tôi ra!
    Mụ Hai Nà khỏe được mối lo, hít hít mũi. Bầu Hai Long rống lên với ấy chị đào:
    - Còn ngồi đó hở mấy con đĩ khóc giùm? Đi, ai muốn khóc bồng bế ra ngoài đường mà khóc!
    Bầu Hai Long nhìn theo Bảy Phi bước ra sân khấu, y nhếch miệng cười:
    - Sao không giỏi mà làm tàng nữa đi...
    Ngoài sân khấu đàn đờn vẫn dạo bài oán. Bản nam ai kéo tới lui mấy lượt. Thằng nhỏ động màn mỏi tay vừa quẳng cái chày vồ, bây giờ nó lại chụp lấy dộng rầm rầm.
    Màn kéo lên. Khán giả sửa bộ ngồi, chăm chú...
    Cảnh Đổng Kim Lân phò Hoàng tử với Thứ hậu chạy trốn, có cả bà Tam cung Nguyệt Kiểu. Ra khỏi hoàng thành, Thứ hậu và Nguyệt Kiểu chạy lạc tới một kiển chùa. Tên sư đầu đà chùa San Hậu nửa đêm mò vào thổi tắt đèn lưu ly trên bàn phật. Dưới ánh sáng khi mờ khi tỏ, đào Bảy Phi trong vai Thứ hậu với gương mặt tuyệt đẹp, lộ đầy vẻ đau thương phẫn nộ. Lòng trung trinh của Thứ hậu đã thắng hành động tà dâm của tên sư hổ mang.
    Màn vừa hạ, tiếng vỗ tay nổi lên tưởng chừng như vỡ rạp. Có tiếng đàn bà con gái khóc rấm rứt bên dưới. Mấy người ngồi ở hàng đầu là giới mộ điệu ở thị trấn khen:
    - Tụi tôi coi mấy lần, chưa có đêm nào Bảy Phi sắm Thứ hậu đặc biệt như đêm nay!
    - Hay lắm, thưởng cho Bảy Phi hai chục đây!
    - ủng hộ mười đồng!
    Nhiều người ném tiền lên. Mụ Hai Nà ở trong buồng phục phịch chạy ra, hai tay bưng cái tráp trổ hình mấy cành huê. Mỗi lần lượm tiền bỏ vô tráp, mụ cúi mình chào khán quan một cái.
    *
    * *
    Đêm hát tan rồi. Về dường ai cũng khen cái chị đào sắm vai Thứ hậu, và định bụng sẽ coi lại một lần nữa cho thỏa. Nhưng đêm sau và những đêm sau nữa, người ta không gặp lại đào Bảy Phi trong buổi biểu diễn của gánh Thanh Long lần nào cả. Nghe đâu là sau đêm hát đó chị đã hóa điên. Người ở chợ học lại rằng đào Bảy Phi bỏ tóc xõa đi suốt ngày ngoài đường nắng. Thoáng thấy bóng sĩ quan quốc gia thì chị áp đến chửi thậm tệ. Bọn sĩ quan rút súng thì chị bỏ đi.
    Hễ gặp những em gái dọc đường, nét mặt Bảy Phi lộ đầy vẻ mừng rỡ kêu lên:
    - ủa? Con Linh cưng của má, tối nay con có sắm vai thể nữ không hở con?
    Đứa bé gái nào lần đầu gặp chị đều hoảng chạy. Nhưng về sau chúng thấy chị không đánh đập gì lại tỏ vẻ âu yếm, thì dần dần cũng đâm dạn.
    Người lớn ít ai dám đến gần chị ngoài kép Văn Lâu. Mỗi lần Bảy Phi gặp kép Văn Lâu, người ta thấy chị trở nên hiền hậu. Chị đứng tằn mằn cài lại hàng cúc áo xá xẩu cho kép Văn Lâu và lừ đừ đưa mắt nhìn anh. Đôi hàng lông mi chị đẫm ướt, đọng lại nơi khóe bao nhiêu là nước mắt.
     





    Nguồn: MYE
    Được bạn: Thành viên VNTQ.net đưa lên
    vào ngày: 23 tháng 5 năm 2008

     
     
     
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9