Tay cụt cắt lúa mướn nuôi chồng con
Như Ý P 12.10.2008 14:21:06 (permalink)
Thứ Bảy, 06/09/2008, 15:59

Tay cụt cắt lúa mướn nuôi chồng con

TP - Chị Nguyễn Thị Bảy Nhỏ chìa cánh tay cụt cho tôi xem. Vết thẹo ngang dọc, những dấu trầy trụa, bầm tím do nhiều năm buộc lưỡi liềm để cắt lúa mướn. Hơn nửa đời người, chị nếm trải bao nhọc nhằn cay đắng để vun đắp một gia đình nhỏ nhoi, khốn khó.

Phận nghèo gặp tai ương






Bảy Nhỏ (phải) trên cánh đồng
Sinh năm 1972 ở làng quê nghèo xã Đông Phước (Châu Thành A, Hậu Giang), mười tuổi đầu, thay vì được cắp sách đến trường, Bảy Nhỏ phải đi giúp việc, làm thuê. Sáu, bảy năm dài với thân phận kẻ ở mướn, những nhọc nhằn, cay đắng chị đều đã nếm trải. Nhưng thình lình tai ương chụp xuống.
Năm mười bảy tuổi, Bảy Nhỏ làm mướn lò đường ở Kinh Cùng (Hậu Giang), mặc áo tay dài tay khi nhét mía vào máy, vô ý để ống áo cuốn vào máy giật đứt cánh tay trái lên tận cùi chỏ. Bảy Nhỏ bất tỉnh, rồi phải nằm bệnh viện chữa trị mất 3 tháng. Ngày trở về người con gái đầy sức sống trở thành tàn phế. 
Nhà nghèo lại đông anh em, Bảy Nhỏ không muốn mình là kẻ ăn bám, ngày ngày giúp mẹ bằng cách mượn xuồng lội đi vớt củi dưới kinh, hết lượm củi lại đi mò cá tiếp thêm cái ăn cho gia đình. Vất vả, cực nhọc nhưng sự giúp đỡ cho gia đình cũng chẳng bao nhiêu.
Quê hương chị là làng thuần nông, đến mùa lúa chín vàng đồng, Bảy Nhỏ nhìn bạn bè trang lứa ra đồng cắt lúa mà buồn bã. Công việc nhà nông nặng nhọc nhưng lại là khát vọng cháy bỏng với Bảy Nhỏ bởi chị muốn lao động kiếm sống.
Một ngày, thấy Bảy Nhỏ thẫn thờ, đứa cháu của chị gợi ý: “Lấy dây vải cột lưỡi hái vào tay cụt, ra ruộng cắt thử được hôn?”. Bảy Nhỏ thực hiện ngay. Chị lấy vải bao tròn, cột dây siết cứng lưỡi hái vào cánh tay cụt để lưỡi hái không xê dịch rồi  ra đồng tập cắt. Không đầy một giờ sau, máu tụ lại đau đớn không chịu nổi, Bảy Nhỏ phải mở ra, ngồi bệt xuống bờ ruộng khóc nức nở.
Cánh đồng là nhà
Nhưng Bảy Nhỏ không bỏ cuộc và quyết cắt được lúa như người bình thường. Ngày nào Bảy Nhỏ cũng buộc liềm vào cánh tay cụt đi ra đồng, khi đau quá ngồi xuống nghỉ, bớt đau lại đứng lên nghiến răng vung lưỡi liềm. Tối về chị bôi thuốc vào những vết lở trên cánh tay.
Nhiều người xung quanh thấy đau đớn quá khuyên chị đừng hành hạ thân mình, bởi tay cụt có cắt được lúa thì giỏi lắm ngày được 1/4 công, chỉ mấy nghìn đồng bạc. Mà thời giá lúc đó cắt một công ruộng cũng chỉ được trả 30.000 đồng làm sao sinh sống?
Bảy Nhỏ chỉ cười thay cho câu trả lời, ngày ngày miệt mài tập cắt, lúc đầu mỗi ngày cắt được 1/3 công, dần dần cắt được 1/2 công. Thế rồi không những cắt mà Bảy Nhỏ còn bó lúa vác lên bờ, một ngày làm gọn ghẽ được một công, nhanh hơn cả một số người lành lặn.
Và từ đó, Bảy Nhỏ trở thành người thợ cắt lúa chuyên nghiệp. Cuộc đời người cắt lúa nay đây mai đó, nơi nào lúa chín thì tìm đến. Tháng 1, tháng 2 cắt lúa ở Nông trường Sông Hậu; tháng 3, tháng 4 lên Châu Đốc; tháng 5, tháng 6 về Hậu Giang; tháng 10 tháng 11 xuôi Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Cuộc đời cứ thế xoay vần.
Chị Bảy Nhỏ kể: “Chị em phụ nữ chúng tôi làm nghề cắt lúa mướn này khổ lắm, trên nắng dưới nước. Tối về không có một chỗ ngủ tử tế cho đỡ mệt. Vào mùa lũ phải ngâm mình trong nước bùn, trong ruộng lúa khép kín đê bao còn giữ thuốc trừ sâu, hóa chất, phân bón, tụi tôi là những người hứng chịu.
Nhiều chị sau vài ngày gặt lúa phải tìm đến bác sĩ phụ khoa, còn tay chân lở loét là chuyện thường. Tính ra có nhiều lúc tiền công không đủ trả tiền thuốc. Nhưng đa số chị em chúng tôi một chữ bẻ đôi cũng không biết, đành chấp nhận nghề này”.
Tai ương không buông tha






Chòi lá bên kênh của vợ chồng Bảy Nhỏ nhờ mẹ ruột giữ những ngày vợ chồng và con Bảy Nhỏ đi cắt lúa mướn. Ảnh: Tùng Huyên Từ ngày bị tai nạn, Bảy Nhỏ không dám mơ tưởng đến tình yêu trai gái cũng như chuyện vợ chồng. Bảy Nhỏ tìm niềm vui miệt mài trên những cánh đồng nắng gió, có lúc mưa vẫn gặt thâu đêm để chạy lũ. Thế rồi, năm Bảy Nhỏ 22 tuổi, mẹ gọi lại bảo: Có một gia đình muốn hỏi, cưới con cho con trai của họ. Con thì tật nguyền làm lụng vất vả, có được tấm chồng để có nhau khi tối lửa tắt đèn, khi đau ốm mẹ cũng yên tâm, chứ mẹ già lại quá nghèo chẳng đỡ đần gì cho con được”.
Nhiều đêm chị suy nghĩ: “Người ta không ngại hoàn cảnh tật nguyền mà chịu chung sống, âu cũng là duyên trời. Có được tấm chồng cũng chia sẻ, đỡ đần khó khăn. Nghèo khổ mà vợ chồng thương nhau biết đâu có ngày hết nghèo khổ?”. Một ngày đẹp trời với mấy con cá rô đồng, mớ rau luộc, ly rượu cay hai họ đã chứng kiến và tác hợp cho Nguyễn Thị Bảy Nhỏ cùng Nguyễn Văn Đảnh nên vợ nên chồng.
Ngay trong tuần trăng mật, Bảy Nhỏ phát hiện ra anh Đảnh chồng chị là một người trí não không bình thường, ai bảo gì làm nấy. Lúc bình thường, anh ngồi như con nít. Chuyện đã rồi, chị đành chấp nhận số phận. Cưới nhau xong rồi chỉ biết bổn phận làm vợ, Bảy Nhỏ buồn rầu nghĩ ngợi và tự nhủ sẽ cố gắng cùng chồng vượt qua gian khó cuộc đời.
Khổ đến vậy, nhưng cuộc đời vẫn chưa cho người chồng ngơ ngáo đó thuộc về chị hoàn toàn. Sau ngày cưới mấy tuần, một hôm anh Đảnh về thăm mẹ chồng rồi đi luôn. Mẹ chồng đã hứa với một gia đình cho anh Đảnh đi giúp việc nhà, mỗi năm 1,2 triệu đồng. Tiền mẹ chồng đã lấy nên không thể giữ anh Đảnh ở nhà. Chuyện xảy ra ngoài sức tưởng tượng của Bảy Nhỏ và mọi người. Chị không có tiền chuộc nên đành để chồng đi.
Mang con trên vai cắt lúa mướn





  Tôi yếu lắm rồi, cánh tay lại hay sưng đau nên không cắt được nhiều. Cả hai vợ chồng cùng đứa con một ngày chỉ gặt được một công thôi - Bảy Nhỏ nói trong nước mắt - Tôi vẫn lo cánh tay có ngày trở chứng.
Rồi chị cũng có bầu như mong ước. Sống cảnh không nhà, chơi vơi, có nhiều lúc nước mắt hòa cùng mồ hôi chảy thành dòng trên đôi má gầy đen nhẻm giữa đồng. Khi thai nhi cọ quậy, Bảy Nhỏ tự an ủi: “Con mình lớn sẽ không còn khổ cực như mẹ nữa”. 
Khi con gái ra đời, Bảy Nhỏ đặt tên là Trúc. Lúc này, Bảy Nhỏ càng vất vả hơn vì không thể gửi con nhờ ai nuôi. Đi gặt mướn, chị phải gùi con trên vai. May mắn, đứa con dãi nắng dầm mưa đồng ruộng cùng mẹ nhưng ít ốm đau. Hai mẹ con lang bạt từ cánh đồng này đến cánh đồng khác, chưa bao giờ có một giấc ngủ thoải mái trên chiếc giường. Hiếm khi mẹ con chị có được bữa ăn ngon.
Rồi cũng đến ngày anh Đảnh hết thời gian đi ở đợ, được về với vợ con. Đó là năm 2004. Mẹ chồng liền cho cất túp lều trên miếng đất nhỏ. Vợ chồng quá đỗi vui mừng, sau bao năm ước mơ đã có được căn nhà riêng để nương thân sau những ngày gặt mướn trở về. Căn nhà lá, cột bằng mấy cây gỗ nhỏ cắm xuống đất, nền lồi lõm thế mà mấy đêm đầu nằm trong “nhà của mình” Bảy Nhỏ cứ bồi hồi, thao thức tận khuya mới ngủ được. Con gái được mẹ chồng nuôi giữ, Bảy Nhỏ đưa chồng đi cắt lúa mướn.
Khổ nỗi anh Đảnh không biết cắt lúa. Bảy Nhỏ phải dạy chồng từng ly từng tý. Một ngày vợ cắt được một công, chồng chỉ cắt được một phần tư, có lúc ngồi lì chẳng chịu cắt, Bảy Nhỏ phải năn nỉ, dỗ dành mãi mới chịu làm. Mọi người nhìn thấy tình cảnh của Bảy Nhỏ đều lắc đầu thương cảm: Tay cụt mà còn phải nuôi chồng, đã vậy lại thêm bụng bầu, một đứa con nữa sắp sửa ra đời.
Mất nhà, kiệt sức
Lang thang cắt lúa mướn rất lâu đến một ngày nọ của năm 2006, vợ chồng Bảy Nhỏ trở về nhà sau hơn hai tháng đi xa. Nhưng nhà không còn. Mẹ chồng đã bán mảnh đất cho người khác và người ta buộc chị phải dỡ nhà, túp lều tranh xiêu vẹo. Bảy Nhỏ khóc một hồi rồi cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cùng chồng dỡ căn nhà  làm củi. Nhưng dù sao đã là một gia đình, không thể không có chỗ chui ra chui vào. Chị xin mẹ ruột cất cái chòi lá sát mé kinh, diện tích vỏn vẹn 9 m2, đối diện căn nhà mẹ ruột. Trong cái chòi ấy, đứa con thứ hai Như Quỳnh ra đời.
Gần hai mươi năm làm nghề cắt lúa mướn, cũng ngần ấy thời gian sợi dây siết chặt lưỡi liềm vào cánh tay cụt của Bảy Nhỏ. Những năm gần đây, dấu siết dây ở cánh tay cụt đã làm cánh tay sưng tấy đau đớn không thể cắt được như trước.
Năm 2008 này, con gái đầu lên 10 tuổi. Bảy Nhỏ nhớ lại lời nguyện ước khi sinh con là cho con ăn học để khá hơn mẹ, nhưng chị lại rơi nước mắt vì không thực hiện được. Cháu đã không được đến trường, lớn lên trong nghèo khổ, thiếu thốn đủ bề và còn nhỏ bé lắm nhưng đã phải tập nối nghiệp cắt lúa mướn đầy gian lao của mẹ, vung lưỡi hái giữa cánh đồng.
 
Tùng Huyên

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=135966&ChannelID=13

>>>>>>>>>>>>>>>>

Kính Quý Bạn,

Mong chúng ta góp vài tấm toole lợp nhà che nắng mưa và hứng nước ngọt mùa mưa.

Mong chúng ta gặp nhau nơi đây.  Cảm ơn Quý Bạn

Như-Ý
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.10.2008 00:30:24 bởi Như Ý P >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9