Những món ăn rất chi là quê
La Giang 18.10.2008 13:18:07 (permalink)
0
Xin chào !
La Giang biết đến vnthuquan.net đã hơn hai năm nay, và tôi thấy yêu thích trang web này, đơn giản vì nó những nội dung phù hợp với sở thích của tôi. Và một ngày, tôi nhận ra rằng, tôi cần gia nhập vào đây để giao lưu và đóng góp. La Giang – tên nick của tôi cũng là tên của con sông và vùng đất quê tôi.
 
Để giao lưu cùng  bạn, tôi chọn cho mình lĩnh vực mà tôi cảm thấy tự tin hơn, đó là ẩm thực quê nhà. Những bài tôi viết và đăng lên đây hoàn toàn sẽ là “chế biến, viết bài và ảnh của La Giang”, xin trân trọng chia sẻ cùng bạn bốn phương…

 




Xôi vò
 
Xôi vò là món ăn thường xuất hiện trong mâm cỗ của người Việt Nam (cỗ cúng, tiệc cưới, tiệc đãi khách…). Tôi nghĩ nếu để xếp “top“ cho những món ăn hàng đầu mang bản sắc Việt Nam, chúng ta không thể quên món xôi vò. Việt Nam có rất nhiều những món xôi trong các địa phương như gấc, xôi trắng, xôi đậu, xôi lạc, xôi cúc, xôi dừa …rồi thì đủ các loại xôi ngọt, xôi mặn…Nhưng xôi vò xem ra có chiều hấp dẫn người thưởng thức hơn.

Để thực hiện được một vò xôi, người đầu bếp phải rất công phu từ việc lựa chọn hạt gạo, hạt đậu xanh cho đến ấn định thời gian ngâm gạo, bí quyết giữ cho xôi được mềm lâu…thôi thì đủ thứ công đoạn, và chắc chắn là bạn phải mất cả buổi để chế biến chứ chẳng chơi.

Xôi vò có ở cả ba miền Bắc – Trung -  Nam của Việt Nam. Nhưng hương vị mỗi miền có đôi chút khác nhau. Ví dụ ở Miền Nam đậm về độ ngọt của đường và nước dừa; thì Miền Bắc lại ít ngọt và thiên về hành mỡ; Người Miền Trung có thói quen ăn cay nên cho thêm tiêu. Trong phần công thức dưới đây, tôi có ý trung hòa cả ba miền, nghĩa là lấy cả hương vị của ba miền cộng lại, nhưng gia giảm, thêm bớt lại cho vừa phải để đưa ra một công thức chung cho món xôi vò Việt Nam. Khi chế biến món xôi vò, bạn phải ghi nhớ một số đặc điểm sau đây:


Nguyên tắc cơ bản của món xôi vò là rời từng hạt, bột đậu phải tơi mịn, bám một lớp mỏng đều nhưng không quá dày bên ngoài hạt xôi. Nếu bạn để xôi vón cục là coi như chưa thành công.
Màu vàng nhạt, hỗn hợp vị mặn, ngọt, béo, bùi và thơm mùi hành phi


Phương pháp chế biến

Nguyên liệu:
Gạo nếp : 01 kg
Đậu xanh đã xát vỏ: 600 gr
Dừa xiêm : 01 quả
Hành khô : 10 củ
Đường : 100 gr
Gia vị : muối, tiêu

Cách làm:


Bước 1: Chuẩn bị
Nước để ngâm gạo nếp: đập quả dừa xiêm vào thau, pha thêm nước sôi và nước lạnh, sao cho nhiệt độ khoảng 35ºC; nồng độ mặn 50gr muối/lít nước.
Chú ý trước khi cho gạo vào ngâm, bạn phải vo sạch gạo, đãi cát sạn rồi mới được đổ vào nước ngâm, vì sau khi vớt gạo ra là ta không vo lại nữa, độ mặn trong nước ngâm thấm vào gạo đồng thời ấn định vị mặn của xôi luôn. Thời gian ngâm gạo khoảng bốn canh giờ (bốn tiếng);
Đậu xanh: Với loại đậu xanh đã xát vỏ bán trong siêu thị, bạn chỉ cần ngâm một tiếng là có thể đồ; Nếu là đậu hạt, bạn phải cà dập đôi và ngâm nửa ngày trong nước ấm mới đãi vỏ được, để đậu xanh có vị ngọt thơm nguyên thủy, bạn chỉ ngâm với nước ấm chứ không pha thêm muối như ngâm gạo nếp;
Hành khô: bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng, chiên vàng dòn, rồi cho vào cối xay tiêu xay thành bột hành phi.
Tiêu: Rang vàng và xay thô (tiêu xay mịn quá sẽ mất thơm ở nhiệt độ cao)

Bước 2: đồ xôi
Trước tiên bạn phải đồ đậu xanh cho chín. Cho vào cối xay hoặc cối giã nghiền mịn thành bột;
Vớt gạo nếp ra để chừng 10 phút cho ráo, sau đó trộn 2/3 bột hành phi và thêm một thìa canh dầu phi hành trộn cho đều; tiếp theo là trộn 2/3 bột đậu xanh vào gạo, xóc đều lên rồi dùng tay vò tơi để bột đậu bám đều vào hạt gạo thì khi đồ xôi mới không bị kết dính;
Bắc chõ (nồi hông) lên bếp, đậy thật kín vung và đỏ bếp đồ trong chừng 30 phút thì mở vung thăm xôi lần đầu. Dùng đũa cả đảo lên cho hơi nóng tỏa đều.
Đậy vung lại và để thêm chừng 15 phút thì bạn thăm xôi lần thứ hai. Lần này bạn gia 100gr đường vào trộn đều và đậy vung lại đun thêm dăm phút cho đường tan thấm vào xôi thì mở vung thăm xôi lần thứ ba, gia 1/3 bột đậu xanh còn lại, đánh tơi lên;
Đậy vung và đun thêm 10 phút thì xôi chín, lúc này bạn gia tiêu và chỗ hành phi còn lại vào, đánh tơi lại lần nữa thì có thể tắt bếp. Chõ xôi của bạn đã hoàn thành.

 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.10.2008 11:55:13 bởi La Giang >
#1
    Ct.Ly 18.10.2008 16:37:04 (permalink)
    #2
      La Giang 20.10.2008 11:41:36 (permalink)
      0
      Xin chào và xin cám ơn lời động viên của Ct.Ly !
       
      Xôi vò ờ Miền Nam thường được chế biến trong dịp đầy tháng, thôi nôi. Nhưng ở vùng đống bằng Bắc Bộ thì nó có mặt nhiều nhất ở tiệc giỗ, tiệc cưới hơn và thường ăn với thịt gà ta luộc Cty.Ly à. Do miền Bắc là vùng khí hậu bốn mùa, cây trái theo mùa chứ không có sẵn cả bốn mùa trong năm như miền Nam, quả gấc chín chỉ có vào khoảng giáp tết, bởi vậy ai mà tổ chức đám cuới không trùng vào dịp đó thì món xôi trên bàn tiệc được chuyển từ xôi gấc thành xôi vò.
       
       
      #3
        La Giang 20.10.2008 12:31:44 (permalink)
        0
         
        Vụ lúa tháng năm được gọi là vụ chiêm. Khi lúa ngoài đồng đang gặt dở dang, thì vẫn thường gặp những cơn mưa rào bất chợt. Kinh nghiệm dân gian cho rằng, nguồn đạm từ nước mưa là rất đáng kể. Có lẽ vì thế mà cá rô mùa tháng năm ăn rất béo.

         
        Những cơn mưa, rào rào ngay đó, nhưng rồi lại qua mau và nắng hạ lại tràn về oi ả, làm cho mặt ruộng cạn khô, may ra chỉ còn vài vũng nước nho nhỏ sót lại đâu đó. Và những con cá rô chỉ còn biết tụm lại ở những vũng nuớc ít ỏi đó để chờ cơn mưa sau. Đám trẻ chăn trâu thì biết được thóp rồi, nên chúng chỉ cần lội xuống ruộng mà tìm những vũng nuớc, là có thể hót được vài mớ rô đồng về cho mẹ  làm nồi kho…



        Cá rô kho khế
        (Hương vị của vùng Bắc Miền Trung)

        Nguyên liệu:
        ·   Cá rô : 02 cón (nếu cá rô đồng nhỏ thì 06 con)
        ·   Khế chua: 02 trái
        ·   Mỡ khổ: 50gr
        ·   Gia vị: Tỏi, hành khô, ớt tươi, nghệ tươi, nước mắm, rau ngổ, ngò gai, một bát ăn cơm nuớc chè xanh
         
        Cách làm:
        ·    Mỡ khổ thái lát mỏng rồi đem rán cho chảy mỡ;
        ·    Vớt tóp mỡ để xuống đáy nồi, đập dập hành khô và tỏi vào chảo mỡ phi vàng, vớt xác hành tỏi cho vào nồi cùng với top mỡ;
        ·    Cho cá vào chảo mỡ chiên sơ. Nhớ là chỉ chiên sơ thôi nhé, với món kho này, cá chiên vàng quá khi kho thịt sẽ bị khô xáp và mất đi vị béo; ngược lại không chiên thì cá không thơm và không ngọt thịt;
        ·    Sắp cá vào nồi, cho nước mắm, nghệ tươi, ớt giã nhỏ, vài thìa mỡ chiên cá và một bát ăn cơm nước chè xanh cho ngập cá;
        ·    Ninh đến chừng nào nước trong nồi cá cạn một nửa thì cho khế chua thái lát vào, đun vừa lửa chừng 10 phút thì tra rau ngổ thái nhỏ vào;
        ·    Khi ăn dọn thêm đĩa dưa chua hoặc rau sống ăn cùng. Cá rô kho khế ăn với cơm.
         

         
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.10.2008 12:40:32 bởi La Giang >
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9