NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI ĐI DU LỊCH BẮC NINH
venus4t.vns_hnu 02.11.2008 19:47:49 (permalink)
ĐIỀU CẦN BIẾT KHI ĐI DU LỊCH BẮC NINH

        Bắc Ninh là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Phía bắc giáp Bắc Giang, phía đông và đông nam giáp Hải Dương, phía tây giáp Hà Nội, phía nam giáp Hưng Yên. Tỉnh lỵ Bắc Ninh cách Hà Nội hơn 30 km, theo quốc lộ 1A. Tỉnh có nhiều sông lớn, vì vậy hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường sông đều thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và văn hoá.

        Địa hình chủ yếu là đồng bằng, có nhiều địa danh đẹp đã nổi tiếng trong thơ ca: sông Cầu, núi Thiên Thai... Nói đến Bắc Ninh là nhắc đến làn điệu dân ca quan họ nổi tiếng của nơi này , là nhắc tới làng tranh Đông Hồ.
Nghề vẽ tranh dân gian của làng Ðông Hồ đã có từ rất lâu đời. Tranh Ðông Hồ trước đây được vẽ chủ yếu để phục vụ Tết Nguyên đán.Hầu hết tranh Ðông Hồ đều phản ánh ước nguyện về cuộc sống yên bình, hạnh phúc, thịnh vượng. Nhiều tranh vẽ những con vật gần gũi với đời sống con người như bò, lợn, heo, chó, mèo, gà.

        Trong phân vùng văn hoá, theo quan niệm lấy Thăng Long - Hà Nội làm trung tâm, cha ông chúng ta gọi Bắc Ninh và các vùng phụ cận là xứ Kinh Bắc. Người Bắc Ninh tự hào là quê hương của Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) - vị Hoàng Đế đặt nền móng xây dựng một triều đại nổi tiếng trong lịch sử dân tộc cũng như là có công trong việc định đô ra Đại La với ước muốn:

"...đóng đô ở trung tâm mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu...", "ở giữa khu vực trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi chính giữa Nam Bắc - Đông Tây, tiện nghi núi sau sông trước... Xem khắp đất Việt ta đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng sư kinh đô mãi muôn đời..."
[Chiếu dời đô]

        Bắc Ninh cũng là địa phương nổi tiếng với những làn quan họ mượt mà lắng đọng, những chùa chiền, đình miếu nổi tiếng.
Muốn thưởng thức quan họ, du khách phải đến làng quan họ Viêm Xá (hay còn gọi là Diềm Xá) nay thuộc xã Hoà Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Viêm Xá là làng quan họ gốc và thuỷ tổ của làn điệu dân ca. Làng có con sông Ngũ Huyện chảy vòng như dải lụa rồi nhập với sông Cầu soi bóng núi Kim Sơn đầu làng tạo nên một thế đất sơn thuỷ hữu tình . Các thế hệ nghệ nhân quan họ của làng Viêm Xá luôn ý thức trong tâm khảm vốn mộc mạc, đằm thắm của mình cái sứ mạng tự nhiên là sống hết mình với dân ca quê hương, làm tất cả những gì có thể để bảo tồn và phát triển di sản quý báu đã trở thành tài sản chung của dân tộc.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.11.2008 19:51:30 bởi venus4t.vns_hnu >
#1
    venus4t.vns_hnu 05.11.2008 20:43:46 (permalink)
    LỄ HỘI CHÙA DÂU (BẮC NINH)

            Chùa Dâu ở huyện Thuận Thành của tỉnh Bắc Ninh. Lễ hội chùa Dâu diễn ra vào mồng Tám tháng Tư âm lịch hàng năm. Theo truyền thuyết, đó chính là ngày sinh đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni (mồng Tám tháng Năm năm 565 trước công nguyên) - người sáng lập ra đạo
    Phật. Đến thế kỷ thứ III trước CN, vua A dục đã xây hơn 8 vạn tháp thờ Phật và thúc đẩy việc truyền đạo ra nước ngoài.

            Theo sách “Thủy Kinh chú”, một trong những ngôi tháp ấy được xây ở Dâu-Luy Lâu. Đó là dấu tích Phật giáo sớm nhất Việt Nam.
    Tuy nhiên trước khi đạo Phật được truyền vào thì người dân bản địa đã có tín ngưỡng thờ Thần Nước, tức là những vị Thần Nông nghiệp. Câu chuyện nàng Man Nương, cô gái Kẻ Mèn (nay thuộc xã Hà Mãn, Thuận Thành) mộ đạo Phật, nằm ngủ quên giữa cửa; sư Khâu Đà La vô tình bước qua mà thụ thai, được giải thích là sự mầu nhiệm của “Thiên Nhân hợp khí”! Thực chất đó là cuộc hôn phối giữa đạo Phật với tín ngưỡng bản địa. Kết quả sau đấy đã sinh ra bé gái, tiền thân của Phật Tứ Pháp (Mây, Mưa, Sấm, Chớp) thờ ở vùng Dâu-Luy Lâu rồi lan tỏa ra nhiều nơi khác.

            Người xưa cũng làm cuộc “đánh tráo khái niệm” tài tình, cho bé gái sinh trùng khớp vào ngày Phật đản. Thành ra mồng Tám tháng Tư không chỉ là ngày sinh Phật Thích Ca (ấn Độ) mà còn là ngày sinh của Phật Tứ Pháp (Việt Nam). Khách thập phương hành hương về chùa Dâu lễ Phật, chả còn lý do gì để mà lưỡng lự, phân vân!

    Song ý nghĩa quan trọng nhất của Hội Dâu là cầu cho mưa thuận gió hòa, ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.
          
            Ngày xưa nông dân ta canh tác một năm hai vụ, chiêm và mùa. Sản xuất bấy giờ hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Mà thiên nhiên thì khắc nghiệt, mưa nắng, úng hạn thất thường nên vụ chiêm rất bấp bênh, chỉ còn trông chờ vào vụ mùa. Tháng Tư là tháng bắt đầu cày bừa gieo cấy lúa mùa: Tháng Tư cày ruộng mưa sa đầy đồng (Ca dao).

            Hội Dâu tiến hành vào đầu tháng Tư chính là lễ hội của cư dân nông nghiệp. Các nghi thức trong Hội Dâu xét cho cùng đều là những hoạt động diễn xướng tín ngưỡng cầu Thần Nước của nông dân.

    Ban ngày rước Tứ Pháp về chùa Dâu “công đồng” là hội tụ các yếu tố mây, sấm, chớp để thành mưa.

            Ban đêm rước Tứ Pháp đi “tuần nhiễu” một vòng khép kín từ đông sang tây là mô tả chu kỳ quả đất xoay tròn, tạo ra năm tháng, bốn mùa.
    “Múa gậy” không chỉ để dẹp đám mà còn tái diễn sự tích cây gậy thần kỳ. Giếng cổ trong chùa là dấu vết Man Nương cắm gậy xuống đất làm ra nước cứu sống sinh linh.

            Đặc biệt cuộc thi “Cướp nước” được đón đợi nhiều nhất, là cuộc thi chạy giữa bà Sấm (Pháp Lôi) với bà Mưa (Pháp Vũ). Người ta bói xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu là bà Mưa thì năm ấy được mùa. Nếu là bà Sấm thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở.


            Ta hiểu vì sao các vị vua triều Lý ngày xưa thường rước Phật Pháp Vân về Kinh đô Thăng Long làm lễ “cầu đảo”. Vì sao đời này qua đời khác, trong dân gian vẫn nhắc mãi câu ca: Tháng Tư ngày Tám thì về Hội Dâu.

    Sưu tầm theo: http://www.bacninh.gov.vn/Story/VanHoaDuLich/LeHoiMienKinhBac/2008/5/11799.html

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.11.2008 20:46:30 bởi venus4t.vns_hnu >
    #2
      venus4t.vns_hnu 06.11.2008 21:20:22 (permalink)
      ND87 dẫn thêm:
      "Trai cầu Vồng Yên Thế
      Gái Nội Duệ cầu Lim"
              Bạn về Kinh Bắc đi! Về đây dịp xuân về để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thầm kín nhẹ nhàng của các liền anh liền chị với những câu hát quan họ mượt mà sâu lắng. Bạn tham dự lễ hội Đình Bát Đế, trảy hội Lim nghe câu hát giao duyên "Người ơi người ở đừng về" với trầu têm cánh phượng và những vạt áo tứ thân mớ ba mớ bảy phất phơ trong làn gió nhẹ. Bạn sẽ được trở về với lịch sử và tắm mình trong nền văn hoá xứ Kinh Bắc.

      MÙA XUÂN NÀY TRẨY HỘI LIM
      *******************



              Ngoài những hoạt động truyền thống như những năm trước, Hội Lim Mậu Tý 2008 sẽ có một số nét mới, thêm phong phú, sinh động song vẫn đậm đà bản sắc. Từ trước Tết gần 1 tháng Ban chỉ đạo Lễ hội Lim huyện Tiên Du đã xây dựng kế hoạch quản lý tổ chức Lễ hội vùng Lim năm 2008 sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Đến ngày 15 - 2 (mồng 9 tháng Giêng), Ban chỉ đạo đã họp 4 phiên có sự tham gia của Sở VHTT, Trung tâm VHTT tỉnh để thống nhất kế hoạch.
      Lễ hội vùng Lim năm 2008 được tổ chức trong 2 ngày 18, 19 - 2 (tức ngày 12, 13 tháng Giêng) tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa: Nội Duệ, thị trấn Lim và Liên Bão với nhiều hoạt động phần lễ và hội, đặc biệt là các sinh hoạt văn hoá quan họ - trọng tâm của phần hội.
              Tại trung tâm lễ hội (đồi Lim) sẽ dựng các bức trướng ở khu vực Lăng Tướng quân Nguyễn Đình Diễn phục vụ cho việc tế lễ. Phía trước chùa Hồng Ân, Ban tổ chức dựng sân khấu lớn và 4 lán trại để phục vụ các hoạt động sinh hoạt văn hoá quan họ. Trung tâm VHTT huyện phối hợp với Trung tâm VHTT tỉnh tuyển chọn từ các làng quan họ tiêu biểu trong huyện và mời một số làng quan họ ở các đơn vị bạn như Yên Phong, Bắc Ninh… tham gia hát quan họ tại các lán trại và trên sân khấu. Năm nay có thêm 1 lán dành riêng cho hoạt động giao lưu thơ phú và thư pháp.
              Đến với hội Lim, du khách sẽ không chỉ được thưởng thức những làn điệu quan họ ngọt ngào, tình tứ, mà những người yêu thơ, say thư pháp có thể chọn cho mình một góc riêng sâu lắng. Tiếp đến là khu vực dành cho các trò chơi dân gian như: tổ tôm điếm, đu tiên, chọi gà, bịt mắt bắt dê, vật, đập niêu… Đặc biệt, Hội Lim năm nay sẽ tổ chức giải kéo co thu hút nhiều lứa tuổi trong vùng tham dự, đây sẽ là giải truyền thống, góp thêm phong vị cho lễ hội vốn giàu bản sắc dân tộc, nức tiếng gần xa. Ngoài các hoạt động nêu trên, du khách có thể thích thú với Hội thi cờ người ở đình Lũng Giang (thị trấn Lim) hay thi dệt cửi ở Nội Duệ.
              Không chỉ nghe hát quan họ trên sân khấu, trong các lán, du khách say quan họ có thể cảm nhận, thưởng thức quan họ ở nhà các nghệ nhân một số làng quan họ gốc, ở cửa đình, cửa chùa hay dưới thuyền tại các thôn vùng Lim.
              Về phần lễ, từ ngày 10-15 tháng Giêng (âm lịch), tất cả các làng trong vùng đều mở cửa đình, đền, chùa phục vụ tế lễ, dâng hương. Sáng ngày chính hội (13 tháng Giêng) sẽ diễn ra lễ rước hàng tổng từ Đình Cả (Nội Duệ) về đồi Lim. Màn tế lễ dâng hương tại khu vực Lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn chính là chương trình khai hội. Năm nay sẽ có thêm một đoàn rước từ Lũng Giang về đình Lim.       Đến với Hội Lim, du khách gần xa có thể dễ dàng hình dung một cách cụ thể hơn về lễ hội vùng Lim bởi địa phương đã chuẩn bị các cụm panô, sơ đồ, băng khẩu hiệu vượt đường… khắp các ngả đường dẫn vào trung tâm hội.
              Góp thêm nét mới cho Hội Lim năm nay, sát ngày hội, cổng chào vào trung tâm lễ hội được khẩn trương hoàn thiện, được biết để xây dựng cổng chào này, tỉnh và huyện đầu tư kinh phí, dự toán hơn 500 triệu đồng. Để bảo đảm không gian truyền thống của lễ hội, theo ông Phạm Đăng Thuyên, Trưởng phòng VHTTTT, Phó Ban chỉ đạo lễ hội huyện, trên các con đường dẫn về trung tâm lễ hội chỉ cho phép các hoạt động dịch vụ bán đồ lưu niệm, sách báo, băng đĩa… Các dịch vụ ăn uống sẽ được bố trí ở khu vực đường vòng quanh đồi Lim và các hoạt động vui chơi, giải trí khác ở phía sau đồi Lim; nghiêm cấm các dịch vụ điện tử, các trò chơi dùng loa có công suất lớn hoạt động gần trung tâm lễ hội.  Khu vực trông giữ xe cũng được bố trí xa trung tâm để tránh ùn tắc… Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm… được các đơn vị chức năng chú trọng. Tất cả sẵn sàng cho Hội Lim 2008 vui tươi, lành mạnh và đậm đà bản sắc dân tộc.

      Bích Vân - Thuỳ Vy
      ND87 sưu tầm từ trang: http://www.bacninh.gov.vn
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.11.2008 21:22:18 bởi venus4t.vns_hnu >
      #3
        venus4t.vns_hnu 09.11.2008 19:51:19 (permalink)
        HỘI RƯỚC PHÁO LÀNG ĐỒNG KỴ
        NÉT ĐẶC SẮC LỄ HỘI VÙNG KINH BẮC




        Tuy chỉ là một lễ hội ở quy mô nhỏ, hội rước pháo làng Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, Từ Sơn) vẫn nổi tiếng khắp cả nước bởi duy trì được nét truyền thống đặc sắc. Đều đặn tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng hàng năm với nhiều nghi lễ truyền thống, hội rước pháo làng Đồng Kỵ đã rộn ràng khai mùa lễ hội vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc năm Mậu Tý, thu hút hàng vạn khách thập phương về trảy hội.

                Hội rước pháo làng Đồng Kỵ là hoạt động tiêu biểu nhất mà người dân làng nghề giàu có nhất vùng Bắc Ninh còn lưu giữ được đến ngày nay, là nghi thức truyền thống được nhiều người dân mong đợi nhất trong suốt 3 ngày hội (mùng 4, 5, 6 tháng Giêng Âm lịch). Hội thi làm pháo và đốt pháo trước đây là tưởng nhớ, tái hiện lại âm vang ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng ra lệnh xuất quân đánh giặc. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị của lễ hội truyền thống, hội làng Đồng Kỵ nhiều năm trở lại đây không còn kéo dài hàng tuần mà tập trung nhất vào mùng 4 tháng Giêng Âm lịch. Ông Chử Văn Chi, Trưởng Ban Quản lý cụm di tích đình - chùa làng Đồng Kỵ, Phó ban tổ chức lễ hội cho biết “Hội làng được nhân dân chuẩn bị từ 20 tháng Chạp nhưng để tổ chức được lễ rước hoành tráng và đầy đủ nghi thức, làng phải huy động đến hơn 400 người phục vụ, trong đó có tới khoảng 300 trai tịnh dưới 50 tuổi phù giá.

                Từ sớm ngày mùng 3 tháng Giêng, lễ rước thỉnh Đức Thánh Thiên Cương từ Ninh Từ lên Đền Trung đã được thực hiện trang trọng.
          Mọi công việc cho Lễ rước pháo được chuẩn bị từ sớm ngày mùng 4 nhưng phải đến đúng 9 giờ sáng, hai quả pháo lớn cùng có đường kính 60cm, 1 quả dài 6m, 1 quả dài 5,8m tượng trưng cho pháo Nhất, pháo Nhì được các thanh niên trai tráng trong làng rước từ nhà ông đám trưởng (Trưởng Ban Khánh tiết) ra đình cùng với đoàn tế hàng trăm người trong sự chứng kiến và háo hức của hàng nghìn khách thập phương. So với những năm trước, hai quả pháo rước năm nay không lớn hơn song có hình thức mới do được trang trí từ trước đó cả tháng, vẫn là cốt pháo từ mọi năm được gò bằng tôn, bên ngoài dán giấy màu nhiều sắc.

                Đám rước đông mà người xem cũng chật cứng hai bên đường trong khi không gian làng nghề ngày càng thu hẹp nên quãng đường từ nhà ông đám trưởng ra đến đình làng cũng mất đến hơn 2 giờ đồng hồ. Những người lần đầu tiên đi hội Đồng Kỵ không khỏi ngạc nhiên khi thấy, mỗi chặng đường đám thanh niên lại hò reo rộn rã. 
          Lễ rước pháo là nét đặc sắc nhất hội làng Đồng Kỵ, lại được tổ chức ngay ngày đầu năm mới khi mọi người chưa phải đi làm nên càng đông đúc. Có thể dễ dàng thấy rằng hội làng Đồng Kỵ thu hút một lượng đông đảo các tay máy ảnh. Cùng tác nghiệp trong không khí lễ hội đầu xuân, đồng nghiệp của chúng tôi, anh Tùng Dương, phóng viên ảnh của tạp chí Tiếp thị & Gia đình, người đã 3 năm liền gắn bó với lễ hội mở đầu vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc khoe “Anh em chúng tôi xuất phát từ hơn 5 giờ sáng, còn gì thích bằng vừa du xuân vừa tác nghiệp. Trong số 20 xe ô tô cùng đi có đến 40 tay máy của website photo.vn. Tất cả đều mong chớp được những bức ảnh đẹp nhất”.

                Với màu sắc và nét văn hoá riêng có, đây cũng là một trong những lễ hội vùng Bắc Ninh thu hút đông đảo du khách nước ngoài. Tưng bừng nhất là tục rước pháo nhưng các hoạt động văn hoá thể thao xung quanh khu vực diễn ra hội làng cũng không kém phần sôi nổi. Đến Đồng Kỵ những ngày vào hội có thể nghe hát Quan họ trên thuyền cả ngày mùng 4 và các buổi sáng mùng 5, 6. Đây cũng là dịp để đội Tuồng làng thoả sức biểu diễn phục vụ bà con. Các vở Tuồng được diễn ngay trong sân đình, tối nào sân khấu làng cũng đỏ đèn, có khi buổi chiều tiếng trống Tuồng lại vang vang giục giã mọi người đến xem. Đặc biệt, cả Quan họ và các tích Tuồng cổ đều do người làng thể hiện. Giải Vật cổ truyền thu hút hàng chục đô vật từ 7 tỉnh về tranh tài; các môn Cầu lông, bóng chuyền, Cờ tướng, Chọi gà… thể hiện nét văn hoá lành mạnh trong lễ hội làng Đồng Kỵ.
          Tuy nhiên, trong suốt dịp Tết Nguyên đán và ngày khai hội, nhiều tiếng pháo nổ nơi đây cũng làm đông đảo khách thập phương giật mình và ngạc nhiên bởi sau gần 15 năm từ khi Chỉ thị 406/ Ttg về cấm đốt pháo trong toàn quốc có hiệu lực, tiếng pháo nổ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đã được kiềm chế nay lại xuất hiện trở lại làm xáo trộn ít nhiều đời sống người dân. Hơn nữa, tại khu vực di tích đình Đồng Kỵ khu vực bán hàng ăn uống lộn xộn, nhiều xe máy vào tận sân đình gây mất mỹ quan nơi đông hội. Nếu khắc phục được tình trạng này, chắc chắn hội làng Đồng Kỵ sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp hơn nữa trong lòng khách du xuân.
        Việt Hoa

        ND87 sưu tầm từ:  http://www.bacninh.gov.vn

        <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.11.2008 19:56:21 bởi venus4t.vns_hnu >
        #4
          venus4t.vns_hnu 09.11.2008 20:00:55 (permalink)

          ĐỀN ĐÔ - MỘT LẦN ĐẾN


                  Về thăm Đền Đô vào một ngày mùa thu tháng Tám, dù là lần đầu tiên nhưng tôi ngỡ như rất quen thuộc. Đi giữa không gian tĩnh lặng, trầm lắng của hàng cây lưu niệm có gắn biển ghi dấu những vị khách đã tới thăm dưới những mái ngói màu nâu không rêu phong cổ kính nhưng vẫn đậm truyền thống, tôi bị cuốn trở lại những bài học lịch sử về triều đại nhà Lý với quốc hiệu Đại Việt.

                  Nơi đây thờ 8 vị vua nhà Lý (còn gọi là Đền Lý Bát Đế) và ghi dấu tương đối đầy đủ chiều dài lịch sử 216 năm (1009 – 1225) của triều đại này.
          Đền Đô được xây dựng từ thế kỷ XI trên đất làng Đình Bảng (Từ Sơn- Bắc Ninh) – nơi phát tích nhà Lý.  Đền Đô có trên 20 hạng mục công trình, trung tâm là Điện thờ - nơi đặt bài vị và tượng 8 vị vua. Xung quanh có nhà Tiền Tế, nhà Chuyển Bồng, nhà Bia, cửa Rồng, Thuỷ Đình, Văn Chỉ, Võ Chỉ…tất cả đều được xây đắp, chạm khắc tinh xảo nên dù được tái hiện lắp ghép lối kiến trúc cũ theo trí nhớ của nhân dân thì Đền Đô ngày nay vẫn là một công trình xứng đáng là nơi tưởng niệm và thờ phụng của toàn dân đối với công đức của các vị vua nhà Lý. Lễ hội Đền Đô được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 17-3 (âm lịch).

                  Tôi ấn tượng với rất nhiều điều ở Đền Đô. Đầu tiên là hồ nước trong xanh hình bán nguyệt thông với ao cả trên và ao cả dưới ở 2 đầu làng và thông với dòng Tiêu Tương thơ mộng. Vào sâu trong Điện thờ tôi bị hấp dẫn bởi rất nhiều con số 8: 8 bức tượng của 8 vị tiên đế biểu hiện 8 vẻ mặt khác nhau; 8 con ngựa: 4 ngựa hồng xen với 4 ngựa bạch đứng vững chãi và 8 chiếc kiệu xếp thong dong thẳng hàng. Tiếp đến là lối kiến trúc đối xứng đặc trưng của người phương Đông. Và điều đặc biệt nhất là tấm ảnh “Lý Bát Đế Điện Linh” của tác giả AHLĐ NGND Nguyễn Đức Thìn chụp 8 dải mây trắng xuất hiện trên nền trời mái đền vào ngày 26-8-1998 (5-7 năm Mậu Dần-ngày giỗ vua Lý Anh Tông). Một điều ấn tượng khác nữa là đội ngũ “hướng dẫn viên” ở đây lại chính là các thành viên trong ban Quản lý Đền.

           
                  Du khách đến thăm Đền Đô ngoài các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, khách nước ngoài còn phải kể đến một bộ phận rất lớn là các bạn học sinh, sinh viên từ mọi miền đất nước về ôn lại truyền thống lịch sử của cha ông thời kỳ dựng nước. Gặp một du khách đang trầm ngâm ngắm tượng của các vị đế vương, được biết bạn là một học sinh cuối cấp, đến thăm Đền như để ôn lại kiến thức môn lịch sử Việt Nam một cách thực tế và sinh động.

           
                  Trong mùi thơm vấn vít của hương Ngọc Lan, tôi như bị chìm đắm vào không gian tĩnh tại nơi đây, miên man dòng suy tưởng về cội nguồn dân tộc và tự nhủ đây sẽ không phải là lần duy nhất về thăm Đền Đô.

          Theo BBN
          ND87 sưu tầm từ:   http://www.bacninh.gov.vn
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.11.2008 20:02:41 bởi venus4t.vns_hnu >
          #5
            venus4t.vns_hnu 09.11.2008 20:08:09 (permalink)
            HỘI ĐỀN ĐÔ



            Đền Đô - Còn còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế, đền được xây dựng vào thế kỷ XI (1030) trên khu đất phía Đông Nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng ? Từ Sơn ? Bắc Ninh ngày nay). Khu đất này theo Thiền sư Lý Vạn Hạnh cho rằng nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về).Tương truyền, xưa kia phía trước cửa đền là một khu rừng Báng, có dòng Tiêu Tương uốn khúc chảy qua.
                    Đền được dựng trên nền đất mà xưa khi vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), tại đây nhà vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu và đo vài mươi dặm đất làm "Sơn Lăng cấm địa". Dân làngĐình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua.
                    Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.
                    Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê đền Đô đều được quan tâm tu sửa và mở rộng, đặc biệt Đền được mở rộng nhất vào thế kỷ XVII (1602) với quy mô của 21 hạng mục công trình được sắp xếp theo kiểu "Nội công ngoại quốc", xung quanh có tường thành vây bọc. Kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách cung đình và phong cách dân gian, tổng thể kiến trúc được kết hợp hài hoà, chạm khắc tinh xảo, thể hiện một công trình kiến trúc bề thế vững chắc nhưng không cứng nhắc trong khung cảnh thiên nhiên.
                    Năm 1952, Đền Đô bị giặc Pháp chiếm và phá huỷ hoàn toàn. Từ năm 1989 trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng của nhân dân Đình Bảng và tấm lòng công đức của nhân dân thập phương, Đền Đô đã từng bước được khôi phục, tìm lại dáng vẻ xưa của đợt trùng tu, mở rộng đền năm 1602 với các hạng mục công trình như: Nhà Hậu cung (80m2), nhà chuyền Bồng (80m2), nhà Kiệu (130m2), nhà để Ngựa (130m2), Thuỷ đình, Phương đình...    
                    Căn cứ vào các dấu tích, các nguồn tài liệu và các hạng mục công trình đã được dựng lại cho phép chúng ta hình dung tổng thể kiến trúc di tích Đền Đô như sau:
                    Đền Đô có diện tích 31.250m2, gồm 21 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trung tâm là Điện thờ, nơi đặt bài vị và tượng của Tám vị vua nhà Lý, xung quanh có nhà chuyền Bồng, nhà Tiền tế, nhà Phương Đình, nhà Để kiệu, nhà để ngựa, nhà Thuỷ Đình...Kiến trúc Đền đô được chia làm hai khu vực nội thành và ngoại thành.
                    Khu vực nội thành có diện tích 4.320m2, bố trí theo kiểu "Nội công ngoại quốc" bao quanh là tường gạch cao 3m, rộng 1m (Hai bên xây gạch, ở giữa đổ đất) có hai cửa ra vào. Nội thành được chia thành Nội thất và Ngoại thất.
                    Nội thất bao gồm các công trình: Nhà Hậu cung- Nơi đặt ngai và bài vị thờ Tám vị vua Nhà Lý (Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông). Nhà Chuyền Bồng có kiến trúc chồng diêm tám mái, các đầu đao uốn cong mềm mại ngoài ra còn có nhà để bia, nhà để ngựa, nhà để kiệu...tất cả đều được xây dựng công phu, đắp, chạm khắc tinh xảo.
                    Ngoại thất gồm nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái, 8 đầu đao cong vút mềm mại. Khu vực này có nhàchủ tế, nhà kho, nhà khách, đền vua Bà (đền thờ Lý Chiêu Hoàng).
                    Đền Đô với kiến trúc độc đáo mang tính giá trị nghệ thuật, cảnh trí hữu tình và mang trong mình một giá trị lịch sử văn hoá đậm nét của Vương Triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Đền Đô xứng đáng với lời ngợi ca:

            " Đền Đô kiến trúc tuyệt vời
            Thăng Long đẹp nhất, đẹp người ngàn năm"

                   Di tích lịch sử văn hoáĐền Đô đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định số 154 ngày 25/01/1991 của Bộ Văn Hoá thông tin - Thể thao và Du lịch

            ND87 sưu tầm từ:
             
              http://www.bacninh.gov.vn
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.11.2008 20:10:36 bởi venus4t.vns_hnu >
            #6
              venus4t.vns_hnu 09.11.2008 20:13:17 (permalink)
              HỘI CHEN

                      Làng Ngà, một tên nôm của làng Nga Hoàng, Quế Võ, trấn Kinh Bắc xưa, nay thuộc Bắc Ninh, không biết từ bao giờ, cứ mùng 6 tháng giêng làm lễ rước thần, thế nào cũng có Hội Chen..

                      Đám rước bắt đầu từ miếu thờ nữ thần Linh Sơn Mỵ Nương (riêng cái tên Mỵ Nương làm ta liên tưởng đến thời Hùng Vương, có nhiều nhân vật mang tên này và làm ta có cớ để nghĩ Hội Chen này ra đời đã lâu. Giữa lúc nghiêm trang nhất, quan chủ tế, bồi tế, ông già bà cả cầu thần khấn niệm đầy thành kính, thì không hiểu từ một góc khuất nào bỗng nổi lên ồn ào. Thì ra việc CHEN bắt đầu. Đó là lúc đàn ông, con trai, thanh niên, cả ông già đổ xô đến chỗ phụ nữ, con gái, cả các bà già, thiếu nữ đứng, mà chen vai thích cánh. Họ xô đẩy nhau, giằng co nhau, lẫn lộn vào nhau, bật nhau ra một góc giếng hay bờ tường, gốc cây hay lối rẽ... Nhưng tất cả chỉ có tiếng cười như một thứ nhạc nền hiện đại mà không hề có tiếng la ó tục tằn. Cứ như là đã có sự sắp đặt, hẹn hò từ trước, d ưới bàn tay một đạo diễn vô hình, và nếu có thì người đạo diễn ấy chính là con tim, là tình yêu, là sự kết đoàn, là hoà hợp, vui vẻ, là tâm linh để cầu cho mưa thuận gió hoà, âm dương kết hợp, làng xóm tươi vui... Cuộc chen xảy ra như một cơn giông vội vã, biết đâu, chỗ nào, ai kia, bàn tay chẳng chạm sát, hương má hồng ửng đỏ chẳng kề bên tấm vai vạm vỡ người con trai mơ ước... Giây lát, cuộc chen bỗng im phắc, người người chắp tay cầu khấn thần linh: "Lạy thánh mớ bái, xin phù hộ cho xóm làng già mạnh khoẻ, trẻ bình yên..."
                      Cuộc rước lại tiến hành trong trống rong cờ mở, đi quanh làng trong ánh xuân tươi rói, bất chấp năm nắng hay năm mưa. Nhưng rồi đột nhiên cuộc chen lại tái diễn, lúc này ngược lại, gái chen trai chứ không phải trai chen gái, bà già chen ông già, nữ tú chen nam thanh, chị trung niên ch e n anh lực điền... trong tiếng cười hả hê, vui thích.
                      Lúc sau, đám rước tiếp tục như không hề xảy ra chuyện gì cho đến khi đám rước dừng chân kết thúc. Nhưng không đâu, lúc này cuộc chen lần thứ ba lại nổ ra như sấm sét. Đó là lúc phái nữ của cả làng đi tìm khách đàn ông đến dự hội mà chen... Khách trốn vào nhà cũng bị lôi ra, trèo lên cây cũng bị lôi xuống, rách khăn toạc áo cũng mặc, cứ chen ra sân ra đường, ra đình ra miếu... ra nơi nào tuỳ ý.     Đáng chú ý là các cô gái vào nhà ai đang có khách, đều lễ phép thưa gửi với chủ nhà trước đã, rồi mới kéo khách ra để chen; chen trong cái thế chủ động mà lễ phép, chen trong niềm hân hoan của người chen và người được chen... Sôi động xóm làng, không ai, không gì ngăn được.
                      Mấy ngày sau đó, đám tế lễ vẫn được tiến hành như thường lệ tại đền thờ Nam Thầ n g ọi là Đống Vành. Và lần này các cuộc chen lại tái diễn, lúc gái chen nam, rồi nam chen nữ, rồi nữ làng chen khách thập phương là nam giới... cho đến đêm rằm, cuộc tế lễ và rước thần kết thúc tại miếu nữ thần... thì còn thêm tục tắt đèn, giống như đêm rã đám làng La trong câu ca dao: Bơi Đăm rước Giá Hội Thày - Vui thì vui vậy chẳng tầy rã La...
                      Tắt đèn bao lâu, tàn một tuần nhang chăng, những gì rì rầm, sống động trong bóng tối đầy khí dương hoà xuân mới, chúng ta sinh sau, chỉ tưởng tượng chứ không kịp dự... nhưng có cụ kể lại rằng những đêm tắt đèn ấy, nhỡ ra có ai nên vợ nên chồng sớm thì làng cũng không ngả vạ, mà còn giảm một nửa số tiền nộp treo cho làng, như ngầm nói đó là do thánh thần phù hộ xe duyên... Tương truyền thần Nữ và thần Nam của làng muốn tục lệ ấy được diễn ra, có thế l à ng mới làm ăn yên ổn.
                      Hơn nửa thế kỷ nay, tục CHEN gần như đã mất. Nay cũng chưa ai nghĩ đến chuyện phục hồi, bởi phong tục và nếp sống đã khác xưa nhiều lắm. Phục hồi một phong tục không dễ chút nào. Nhắc lại một nét xưa để ta thấy thêm một điều dân tộc ta cũng trữ tình, dí dỏm, yêu đời, lãng mạn lắm đấy chứ. Và có lẽ nó cũng là tàn dư của những tục lệ thờ phồn thực, thờ Linga, múa tùng hoặc, tế nõn nường... cầu mong sinh sôi để duy trì và phát huy nòi giống

              ND87 sưu tầm từ:   http://www.bacninh.gov.vn



              <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.11.2008 20:15:10 bởi venus4t.vns_hnu >
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9