Ghi chép
phantien 04.11.2008 20:20:20 (permalink)

Chuẩn bị cho lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất dự định tổ chức trước ngày Nhà giáo Việt Nam một ngày (19/11/2008), trong cuộc họp Liên tịch mở rộng, Hiệu trưởng Mai, con người thâm trầm, ít nói, đã quyết việc gì rồi thì đố ai dám cãi giao cho tôi một nhiệm vụ mà người ngoài thì cười nụ, người trong thì khóc thầm : ấy là đảm trách công tác tuyên truyền. Là cũng bởi Hiệu trưởng tin rằng, cái anh chàng Thạc sĩ Ngữ văn tập tõng viết văn làm thơ này, có  mươi lăm bài đăng báo, lại có mối quan hệ rộng rãi, gắn bó bè bạn với nhiều người ở giới truyền thông như cái thằng tôi chắc hoàn thành nhiệm vụ một cái rụp, xuất sắc, trước thời hạn là cái chắc.
          Nhưng Hiệu phó Hường, cái anh chàng đi thi học sinh giỏi Văn miền Bắc, làm thơ tán gái  hay như  Xuân Diệu, có thơ đăng vào tuyển tập "300 bài thơ lục bát " - dạy Vật lý, người to như hộ pháp chuyên trách công tác cơ sở vật chất, kỷ luật học sinh lại không tin như vậy. Y nhìn sang tôi nhếch mép cười không biết là chia sẻ  hay giễu cợt cái cười mếu máo của tôi : phen này thì chú chết : " Đừng tưởng sự hoàn thành công việc phần nhiều nhờ vào tài năng và sự cố gắng của mỗi người nữa nhé". Tôi đọc được ý nghĩ ấy của y. Dẫu thiện chí hay không, y vẫn là con người hiểu cho sự khó của tôi.
          Một chút ấm lòng trong công việc.
 
          Họp  Ban Tuyên truyền lại. Cả ba người đều là cây đa cây đề của  tổ Ngữ văn, đều đã có bài đăng báo. Nhưng khổ nỗi, bài đăng báo đều là những bài liên quan đến dạy và học văn. Đã ai viết bài giới thiệu về trường mình dạy bao giờ. Âu cũng là thói quen khiêm tốn của những người làm nghề dạy học nói riêng, những người làm nghề thầy nói chung. Nói về công việc thì được, nói về mình thì cứ thấy khó thế nào ấy     Tuyên truyền, phổ biến được một ngôi trường  có sao có gạch như Thanh Chương I trên báo Đảng  cần thiết  lắm chứ. Viết làm sao để người đọc thấy được sự nổi trội của Thanh Chương I, đặc biệt là  mấy năm nay, cái nổi trội khẳng định vị thế  con chim đầu đàn của khối trường THPT toàn huyện, đơn vị Tiên tiến Xuất sắc liên tục 15 năm nay của Tỉnh, của Bộ, Cờ Luân lưu của Thủ tướng Chính phủ năm  học 2003-2004, đơn vị đã đón nhận Huân hương Lao động hạng Ba năm 1996,  Huân hương Lao động hạng Nhì năm 2001 và sắp tới đây, 19/11/2008 này đón nhận Huân hương Lao động hạng  Nhất của Chủ tịch nước trao tặng ; đơn vị được Đảng bộ và Nhân dân Thanh Chương gửi gắm niềm tin, trao cho nhiệm vụ nặng nề mà hết sức vẻ vang : xây dựng thành đơn vị Anh hùng Lao động thời kì đổi mới năm 2010.
          Viết báo, mình cũng đã viết nhiều, nhưng lần này thì khó thật. Thôi thì, đã mang nghiệp viết vào thân , đành liều viết theo cảm nhận của mình vậy. Đó là cảm nhận về đường tới anh hùng của trường THPT Thanh Chương I.
          Tôi nghĩ, có lẽ cũng không ai trách  chi  cái cảm nhận này đã không nói hết, không bao quát hết mọi điều về trường, bởi tất cả đều là  cái chủ quan của mình thôi mà.
 
                                                ***
          Cảm nghĩ đầu tiên của tôi về Thanh Chương I là một ngôi trường có bề dày truyền thống với hơn 47 năm xây dựng và trưởng thành kể từ năm học đầu tiên 1961-1962. Nhưng truyền thống đó là gì, phẩm chất nào nổi trội thì đó là những điều đáng để chúng ta quan tâm suy nghĩ. Có người nói đó là truyền thống hiếu học và học giỏi ở một miền quê còn nhiều nghèo khó. Tôi nghĩ, điều đó đúng nhưng không thể và quyết không thể tự hào lấy làm truyền thống. Thói thường chữ nghèo thường gắn với chữ hèn. Mà mấy ai thích nó, nhất là trong thời kinh tế thị trường, đang dần thích ứng và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới như hiện nay. 
 
          Truyền thống của một nhà trường cũng như của một quê hương, của một đất nước, có thể được xét trên nhiều phẩm chất, nhiều phương diện. Có những phẩm chất phổ biến, ở đâu cũng có. Nhưng cũng có những phẩm chất, mặc dầu phổ biến nhưng không phải vậy, ví như truyền thống đoàn kết. Làm nên truyền thống chính là những con người.
          Thanh Chương I là nơi con người- những thầy giáo, cô giáo, những cán bộ , những nhân viên có truyền thống đoàn kết . Ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của đoàn kết, thậm chí nói rất hay về đoàn kết, nhưng đoàn kết, gắn bó  đội ngũ hơn một trăm con người biết quý trọng nhau lại vì một mục đích cao cả, dài lâu thật khó. Đoàn kết ở Thanh Chương I không phải kiểu xuôi chèo mát mái. Đó là đoàn kết có được thông tranh luận, phản bác để đi đến tận cùng chân lý trong các cuộc họp  để êm ái, ngọt ngào trong thi đua, tổng kết.
           Đã đi nhiều nơi, công tác ở nhiều trường, nhưng chưa nơi nào, tôi thấy " Quy chế dân chủ trường học" và " Quy định nội bộ" được soạn thảo cụ thể, chi tiết như nơi đây. Cái cụ thể, chi tiết  làm cho người ta dễ thực hiện, phải nể phục người soạn thảo, nhưng cái chính là bản quy chế, quy định đó đã được bàn thảo một cách chu đáo, cặn kẽ : dữ răn việc trước ắt lành việc sau. Tuy nhiên đó cũng chỉ là cái lý. Ngàn cái lý không bằng tý cái tình. Chính cái tình mới là sợi dây cố kết hơn những con người làm nên thương hiệu Thanh Chương I lại với nhau. Cái ngày tôi đến trường nhằm ngày 26 tháng Chạp. Buổi ra mắt đồng thời với Hội nghị Công chức, viên chức cuối kì 1 và Liên hoan cuối năm chào mừng Tết Đinh Hợi. Trong không khí ấm cúng ấy, hầu như tất cả các thế hệ thầy giáo, cô giáo về hưu trên địa bàn đều có mặt. Một thầy Hiệu trưởng cũ nói : trường ta đã ở vào cái thế mà các anh  rất khó lên nhưng  cũng không thể xuống. Bởi lên thì thế là cao lắm rồi. Nhưng xuống. Dù một milimét thôi, người ta sẽ biết ngay. Hiệu trưởng Mai rất đỗi cảm kích và đồng tình. Phải tâm huyết và tình nghĩa lắm, người Hiệu trưởng cũ mới nói lên điều ấy.
          Quý trọng nhau, ăn ở có tình, có nghĩa, thủy chung như nhất là những điều mà ai cũng cảm thấy.  Với mình, với mọi người, đang công tác, đã về hưu hay chuyển đi nơi khác. Bài học muôn đời, trước kia cũng như sau này : đoàn kết tạo nên sức mạnh, tạo nên sự thành công là một nét đẹp truyền thống ở Thanh Chương I.
          Cái đoàn kết không chỉ mang lại không khí thân thiện, chân tình trong cuộc sống. Nó còn là động lực thúc đẩy chuyên môn. Đó là cái đoàn kết thực tâm, từ trong điều nghĩ của mọi người. Yêu cho roi cho vọt.  Có  giáo viên khi mới về trường ban đầu chưa cảm nhận được điều ấy cảm thấy khó chịu, nhất là khi được góp ý, đánh giá về chuyên môn. Nhưng sau mới ngộ ra rằng : nếu không có tập thể ấy, nếu không có những người thầy tâm huyết ấy, họ đã chẳng tiến bộ được như bây giờ.
          Truyền thống Thanh Chương I còn là truyền thống của một ngôi trường có đội ngũ hùng hậu  những thầy cô giáo dạy giỏi say sưa, tâm huyết, lớp này kế tiếp lớp khác  trọn đời sống vì đạo trồng người. Đó là những người thầy giáo biết tự học, tự vươn lên để bắt kịp với sự đổi thay của đất nước, của khoa học, công nghệ, nhất là khoa học giáo dục. Nơi đây, bao lớp thầy giáo đã ra đi, tiếp tục cống hiến  và tạo nguồn cán bộ, giáo viên giỏi cho  sự nghiệp giáo dục của Tỉnh. Có người nói vui nhưng ngẫm kĩ thì cũng có lý :  nếu ngày 20 /11, các trường THPT ở Thanh Chương cùng mời gặp gỡ  thầy giáo cũ thì có lẽ thành phố Vinh mất vui đi quá nửa.
          Nhìn những tấm ảnh cũ dần theo năm tháng nhưng vẫn ngời lên nét mặt tin vào tương lai của thầy Hiệu trưởng đầu tiên Lê Văn Đệ, mà sau này là Tiến sĩ-  Nhà giáo ưu tú- Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An càng thêm tin những điều mình nghĩ. Đây là hình ảnh của các thầy giáo Phạm Quý Hùng, Vũ Viết, Nguyễn Hữu Quyền, Nguyễn Văn Quế... những thầy giáo trở thành lãnh đạo, chuyên viên Sở Giáo dục - Đào tạo  Nghệ An.  Dường như tất cả những người thầy giáo ra đi từ đây đều khẳng định được vị trí, thương hiệu giáo viên THPT Thanh Chương I  nơi khác. Có thể kể được một số rất ít người trong họ, bên cạnh người cao niên có bề dày kinh nghiệm  là những  người tuổi trẻ tài hoa xông xáo, nhiệt tình. Đó là thầy giáo dạy Vật lý Nguyễn Hoàng Thảo, thầy giáo dạy Toán Lê Ngọc Bằng và thầy giáo dạy Hoá Nguyễn Văn Đức ở THPT chuyên Phan Bội Châu ; thầy giáo dạy Văn  Nguyễn Thế Quang THPT Huỳnh Thúc Kháng ; thầy giáo dạy Vật lý Nguyễn Văn Đờn ở THPT Lê Viết Thuật vv...
          Mừng cho người ra đi làm nên nghiệp lớn bao nhiêu lại càng tự hào với thầy giáo  đang ở lại trường bấy nhiêu. Họ cũng có thể cất cánh bay đi như bao đồng nghiệp nhưng sức hút THPT Thanh Chương I vẫn đang đủ sức  níu kéo họ. Đội ngũ tổ trưởng chuyên môn Thanh Chương I thực sự là những người thầy thực sự giỏi giang, say sưa, tâm huyết, pha chút tài hoa. Họ là bề nổi nhưng của chìm của nhà trường. Hiệu trưởng Mai rất biết  dùng người. Anh quý trọng thực tâm những người như họ.
           Đó là thầy giáo Ngô Trí Đương, dạy Văn vẫn trẻ trung hơn người ta tưởng. Đã ở cái tuổi sắp công thành danh toại, con cháu đề huề phương trưởng mà vẫn không nguôi tinh thần tự học, đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học, tiến quân vào khoa học công nghệ. Thầy đã đăng  gần cả chục bài viết trên các báo, tạp chí chuyên ngành bàn về việc đổi mới phương pháp dạy và học Văn. Năm 2006-2007, lần thứ 2, thầy có sáng kiến kinh nghiệm được công nhận bậc 4 chính thức cấp Tỉnh. Và hiện giờ, theo chỗ tôi biết, một đề tài khoa học cấp ngành của thầy sắp được Tỉnh nghiệm thu. Còn nhớ ngày tôi mới về trường gần hai năm trước, thầy giáo Đương còn bập bõm lắm về vi tính, về Internet, về Email, về giáo án điện tử Powpoirt vv. Vậy mà cũng chỉ thời gian đó thầy đã học và đã rất thành thạo, truy cập tài liệu trên Internet, gửi, nhận Email nhoay nhoáy ; thậm chí, mới đây, trên báo, thầy còn có bài bàn về cách sử dụng giáo án điện tử Powpoirt. Nếu bảo tôi bình chọn một tấm gương tự học trong giáo giới hiện nay thì người đầu tiên tôi bỏ phiếu là thầy chứ không ai khác.
          Đó còn là thầy Nguyễn Văn Lục- tổ trưởng tổ Hoá - Sinh, thuộc làu Truyện Kiều, Văn chiêu hồn, Chinh phụ ngâm vv... và lại cũng rất ưa vận dụng vào trong công việc, trong đối nhân, xử thế.  Đó còn là thầy Trịnh Xuân Đồng mẫu mực - tổ trưởng tổ Vật lý, thầy Nguyễn Văn Nuôi tổ trưởng tổ Toán mô phạm một cách cổ điển, hay làm thơ và thích đọc thơ hay ;  một thầy giáo Trần Văn Cường dạy tiếng Pháp, nói giỏi tiếng Pháp  và cũng ưa hài hước như người Pháp vv...
          Trong số những người trẻ tuổi, có rất nhiều người kế có thể  kế tục truyền thống dạy giỏi  một cách xứng đáng.  Đó có thể là một thầy giáo Thạc sĩ  Lịch sử đẹp trai, lắm  hoa tay Nguyễn Triều Tiên, một thầy giáo dạy Địa lý như một chuyên gia của Sở Nguyễn Lâm Nam, một thầy giáo dạy Hoá luôn được (bị) phụ huynh mời kèm cặp học trò, khó có thời gian rảnh rỗi như Lê Văn Vinh , một chàng trai dạy Toán  có duyên như Nguyễn Cảnh Tài vv... Nhưng đáng kể và đáng nể  nhất trong số họ là Hiệu trưởng Võ Văn Mai. Anh con út này được sinh ra trong một gia đình  mà nội ngoại đều có truyền thống dạy học . Bà mẹ là con nhà chú Giáo sư - Viện sĩ  Nguyễn Cảnh Toàn. Ông nội Võ Văn Liêm là Cử nhân Hán học khoa thi Hương cuối cùng 1919, từng nhận chức Hàn lâm viện của triều đình Huế, sau về dạy học, bốc thuốc ở  quê nhà. Học giỏi, dạy giỏi và quản lý giỏi là ba  phẩm chất nổi trội của Hiệu trưởng Mai.  Ở người Hiệu trưởng này, phẩm chất đầu đàn về chuyên môn thật sự có sức thuyết phục đội ngũ giáo viên, làm cho họ tâm phục khẩu phục. Anh tâm sự : dạy học cũng như đánh cờ. Phải dạy học sinh sạch nước cản đã. Khi sạch nước cản rồi, dạy gì rồi mới dạy. Những em học lực cỡ Trung bình, nếu được học Hiệu trưởng Mai môn Hoá học, thi tuyển sinh Đại học- Cao đẳng ít nhất cũng cứ cầm chắc tám điểm như chơi.
          Ngoài thầy giáo, đội ngũ các cô giáo ở đây cũng thật đáng nể. Cô giáo Nguyễn Thị Nga, hiệu phó, dạy Toán  quán xuyến công việc mà ân tình. Tổ Văn có cô giáo sâu sắc, cẩn thận bao dung như  cô Nguyễn Thị Tú, chỉn chu, tình cảm như cô Nguyễn Thị Khánh Vân, giọng bình thơ truyền cảm và nét chữ tài hoa như  Lâm Thị Ái Thơ. Ở tổ Toán, cô giáo Võ Thị Minh Hạnh giàu ấn tượng với lối truyền đạt nhẹ nhàng mà dễ hiểu ; cô Trịnh Thị Huệ tổ Hoá, cô Nguyễn Thị Thanh Thuỷ ở tổ Sử vv... thật biết chăm lo cho sự học của trò . Thật khó kể hết những con người như họ.
          Nhiều cô giáo, thầy giáo trẻ đang tiếp tục học tập, rèn luyện để có ngày như các tiền bối của họ. Hiện nay, trong số thầy cô giáo đang giảng dạy tại trường, có 25 người là giáo viên giỏi cấp Tỉnh,  6 thầy cô giáo có trình độ  thạc sĩ , 3 cô giáo đang theo học thạc sĩ. Kết thúc năm học này, chắc chắn con số kia sẽ không dừng ở đó.
          Nói về truyền thống dạy giỏi của thầy cô giáo dẫu nói mãi cũng không cùng nếu không nói đến các thế hệ học trò học giỏi. Điều đặc biệt là các thế hệ học trò giỏi làm rạng danh thương hiệu  Thanh Chương I  ấy ngoài một số người nắm giữ những vị trí quan trọng trong sự nghiệp chính trị, kinh tế, an ninh- quốc phòng thì lại có  nhiều hơn những người góp phần quan trọng vào sự nghiệp trồng người. Đó là PGS - TS Nguyễn Ngọc Hợi - Hiệu trưởng Đại học Vinh, là PGS - TS Nguyễn Duy Bột - Chủ nhiệm khoa- Đại học Kinh tế Quốc dân TS Nguyễn Phương Mậu- Giảng viên Đại học Thuỷ lợi. TS Lê Văn Phớt- Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An  mặc dù đã được  nghỉ hưu vẫn đang trăn trở dốc hết nhiệt tâm  đào tạo nghề cho con em tại trường Kinh tế - Kĩ thuật Dân lập Hồng Lam vv...
          Làm nên thương hiệu Thanh Chương I còn là truyền thống học giỏi của học sinh Thanh Chương I được các thế hệ học sinh kế tiếp ngày một làm rạng rỡ thêm. Suốt 15 năm liền, trường luôn nằm trong tốp 10 những trường THPT có nhiều học sinh giỏi của Tỉnh. Số học sinh đậu Đại học và Cao đẳng của trường liên tục tăng lên theo hàng năm. Nếu như năm học 1991- 1992 chỉ có 47 em thì đến năm học 2000-2001 trường có 115 em ; năm học 2007-2007 là 224 em  và năm học 2007-2008 trường có 256 em. Đây quả thực là những con số biết nói khi so sánh tương quan với nhiều trường THPT khác của cả Tỉnh và cả nước.
          Chất lượng học sinh ngày càng được nâng cao theo sự tiến bộ của sự nghiệp giáo dục và lòng tin của nhân dân. Chỉ nói riêng trong việc tuyển sinh, năm học 2008-2009 này, điểm tuyển sinh của trường đã là 27,75 điểm. Trong số 630 học sinh được tuyển năm học này, điểm 27,75 chỉ có 8 em. Hàng chục học sinh đậu vào THPT Phan Bội Châu  hoặc khối THPT chuyên Đại học Vinh đã xin nhập học ở trường. Tin tưởng rằng, những năm tiếp theo đây, chất lượng học tập của học sinh sẽ có những đột khởi về chất.
         
                                                ***
          Một cảm nghĩ khác là sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương  và phụ huynh học sinh với nhà trường.
          Có người nhìn địa thế của trường với cổng mở ra ba phía, nói Thanh Chương I như một cái kiềng ba chân. Kiềng ba chân thì vững (dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân) nhưng tôi thì lại nghĩ cái kiềng ba chân mà Thanh Chương I đang dựa thế đi lên.  Một chân là nhà trường với bề dày truyền thống của mình, một chân là sự quan tâm của xã hội (tức cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương ), còn một chân là gia đình ( tức là sự quan tâm của phụ huynh ). Ba chân đó vững thì ắt  thầy giáo có chỗ dựa vững để dạy  tốt, học sinh có chỗ dựa vững để học cho tốt.
          Lại có người trèo lên tầng 3 ngôi nhà học ba tầng, nhìn ra sông Lam dạt dào sóng nước, nhìn về phía Tây, thấy ngọn Tháp Bút nơi dãy Đại Can, nhìn về phía Đông thấy núi Ngọc ( núi Nguộc) mà cho rằng, học trò Thanh Chương I được hưởng khí thiêng sông núi. Mạch nguồn truyền thống thì sông Lam biết khi mô cho cạn, vươn theo Tháp Bút ắt có ngày xuôi theo núi Ngọc ( đi học ở Vinh, Hà Nội, hay vào phía Nam, hầu hết đi qua núi này). Thì cứ cho là vậy thì đó cũng chính là mạch nguồn quê hương mà Thanh Chương được thụ hưởng. 
          Sự quan tâm của cấp uỷ Đảng và Chính quyền địa phương không phải chỉ thể hiện ở chỗ có mấy Nghị quyết bàn về Giáo dục  trong đó có Thanh Chương I, không phải chỉ ở cái Đề án xây dựng trường anh hùng, cũng không phải chỉ thể hiện ở các tấm hình ghi lại cảnh các đồng chí lãnh đạo huyện, huyện uỷ  về thăm trường, khai giảng và tổng kết mà căn cốt hơn luôn là điều trăn trở của các đồng chí ấy. Những cuộc họp bàn cho thấu lẽ  đã không theo giờ hành chính nào cả. Các đồng chí lãnh đạo huyện không chỉ nêu quyết tâm cho trường thực hiện mà thực sự các đồng chí ấy đã chỉ đạo bằng tất cả tâm huyết, cả cái bắt tay thực sự vào công việc. Nếu không có sự quan tâm đó, Thanh Chương I chưa thể có cơ ngơi như hiện nay.  Khối nhà học thực hành  ba tầng kia, dù là của cá nhân Tiến sĩ Võ Văn Hồng nặng tình với ngôi trường nơi mình học nhưng nếu không có tác động của các đồng chí ở Huyện uỷ và UBND huyện thì cũng không biết có thành hiện thực không. Đầu năm nay, cái thung lũng ngày xưa sâu hoáy ấy đã được san lấp, chuẩn bị dựng lên đó là dãy nhà để xe hoành tráng (phải dùng chữ này) của học trò.
          Tôi đọc được trong các Nghị quyết, các văn bản của Huyện uỷ, của UBND huyện cái tình của các đồng chí lãnh đạo huyện nhà. Cái tình lo lắng cho sự học của con em, cũng tức là lo lắng cho sự phát triển, sự đi lên của nhân tố con người- yếu tố quyết định sự phát triển của quê hương đất nước- mà Thanh Chương I may mắn luôn được hưởng sự quan tâm đó.
          Lại nói cái chân thứ ba của cái kiềng đó là phụ huynh. Tôi không nói riêng tổ chức Hội Phụ huynh mà muốn nói đến cái toàn thể. Có dự và chứng kiến các cuộc họp phụ huynh mới thấy được  sự quan tâm  của phụ huynh Thanh Chương I đến việc học của con cái như thế nào. Hơn 1500 phụ huynh yên lặng như  học sinh nghe Hiệu trưởng Mai giảng bài về sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong việc giáo dục con cái.  Thật thú vị khi nghĩ đến những năm tháng họ làm học sinh, không biết học có chăm chú như thế chăng. Nhưng hôm nay thì họ chăm chú. Để rồi chốc nữa đây còn thảo luận theo lớp để tìm giải pháp riêng  giáo dục con mình. Thật đáng buồn thay cho những kẻ làm cha làm mẹ đã không giáo dục lại còn hành hạ con cái. Cứ như phụ huynh Thanh Chương I đây, câu Thắt lưng buộc bụng để cho con kiếm dăm ba chữ làm người thật dễ hiểu như việc làm của họ .
          Nhân đây cũng  xin được nói thêm một cảm nhận trái chiều đầy u ẩn, lo lắng. Trở trăn lắm với một thực tế không kém phần khinh bạc đặt ra nhức buốt trái tim những người lo lắng cho  tương lai sự nghiệp trồng người. Không biết cái truyền thống trọng sự học, truyền thống dạy giỏi, tâm huyết với nghề nghiệp còn dài đến bao xa khi mà nhiều năm nay, học sinh  giỏi đã không thi vào trường sư phạm, khi mà con cháu các nhà giáo đã không coi dạy học là nghề truyền thống. Mà các thầy giáo cũng không muốn con mình hy sinh theo mình mãi dẫu họ cũng cay đắng lắm.
          Lại một băn khoăn, trăn trở khác. Lẽ thường đất lành, chim đậu. Nhưng đất lành nay đã không đủ sức níu kéo nữa rồi. Bao nhiêu thầy giáo giỏi từ nơi đây- THPT Thanh Chương I này - khi đủ lông đủ cánh đã bay đi nơi khác lập nghiệp. Có người được đề bạt vị trí công tác khác, có người đi theo  yêu cầu điều động của cấp trên nhưng cũng có người vì mưu sinh mà rời xa tổ ấm
          Dẫu sao, trong tôi, Thanh Chương I  vẫn trên đường đi tới trường anh hùng.
          Dẫu đường tới trường anh hùng còn lắm gian nan.
          Dẫu gian nan vẫn vững lòng tin đi tới.
 
         
[font=.vntime] 

         
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.11.2008 20:30:35 bởi phantien >
#1
    Thanh Công 08.12.2008 08:33:18 (permalink)
            Đọc xong bài Ghi chép này, mình thấy bạn có tài tuyên truyền thực sự. Hiệu trưởng Mai quả là người có "con mắt xanh" khi giao trọng trách cực kyd quan trọng cho bạn. Hẳn khi đọc bài này, Hiệu trưởng Mai tủm tỉm cười còn Hiệu phó Hường âm thầm nuốt bồ hòn làm ngọt mà đưa ra lời khen bạn. Vả lại cũng chẳng trách gì những người làm "thơ tình tán gái hay như Xuân Diệu" thường là nông cạn. Họ không yêu, không được yêu mà thơ vấn hay, thậm chí rất hay thì đó chỉ là cảm xúc giả. Cảm xúc giả càng lớn dần thì đời sống nội tâm càng cạn kiệt!
           Chúc mừng bạn ngày càng thành công trên con đường hoạn lộ nhưng vẫn giữ được chất văn chương thâm thúy pha chất hài hước của mình. Dù không có một câu, một chữ nào nói tốt về Phan Bá Tiến nhưng hình ảnh của bạn vãn nỏi bật nhất trong bài báo. Kẻ ác mồn ác miệng dẫu không ưa cũng đành chịu. Tài thật!
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9